160. Tại sao Đức Thế Tôn không cấm chế giới luật một lần?
- Thưa đại đức! Theo lịch sử y học thì từ xưa đến nay, có bảy vị đại lương y, làm nghề thầy thuốc giỏi. Đó là các vị Nàrada, Dhamma Tarika, Angì Rasa, Kapilà, Kanda Ratti Kàma, Atula, Pubbà Kacchayana. Cả bảy vị ấy, nghe đồn rằng, họ hiểu rõ nguyên nhân phát sanh của bệnh, biết sự biến chuyển đổi khác hay tăng trưởng của bệnh; biết thể trạng của bệnh qua các thời kỳ, biết rõ nhiều phương pháp chữa trị, biết bệnh này bao lâu thì lành, bệnh kia sẽ không lành v..v.. Ngoài ra, các vị ấy đoán bệnh, xem bệnh chỉ một lần, không đợi phải xem lần thứ hai. Các vị đại lương y ấy, tài giỏi cho đến nổi, chẩn bệnh mà như nhìn cuốn chỉ quay quanh cái trục, chỉ cần nắm cái đầu mối, là có thể phanh ra cả cuộn chỉ!
Thưa đại đức! Cả bảy vị thầy thuốc kia không phải là Đức Phật Toàn Giác, chỉ nhìn xem bệnh nhân một lần là có thể biết nguyên nhân bệnh, sự biến chuyển bệnh qua các thời kỳ, biết chữa lành hay không chữa lành! Còn Đức Thế Tôn thì sao nhỉ? Là Đấng Toàn Giác mà ngài không biết rõ những căn bệnh nào xẩy ra trong giáo hội? Không biết rõ bệnh gì phát sanh và bệnh gì không phát sanh? Không biết rõ những căn bệnh sẽ biến chuyển qua các thời kỳ như thế nào? Lại càng không biết rõ bệnh nào sẽ chữa lành, bệnh nào không chữa lành?
Nói rõ hơn, Đức Toàn Giác của chúng ta, khi trong tăng chúng xảy ra điều xấu ác nào thì ngài chế ra điều luật để ngăn ngừa, hay ngăn cấm điều xấu ác ấy. Một vài vị tỳ khưu nào đó có lời nói hay việc làm quá thô bỉ, trược hạnh, bị mọi người mỉa mai, chê trách... thì lúc ấy Đức Thế Tôn mới chế ra điều học, đưa ra cấm giới. Điều đó chứng tỏ gì? Chứng tỏ Đức Tôn Sư không biết rõ căn bệnh nào sẽ phát sanh, không biết rõ các căn bệnh biến chuyển ra sao qua các thời kỳ. Làm các việc xấu ác là bệnh, giới cấm là thuốc, phải thế chăng? Thuốc của Đức Thế Tôn cho uống, có chắc bệnh nào lành và bệnh nào không lành? Bất khả, chẳng thể biết được, có phải vậy chăng?
Đại đức Na tiên mỉm cười:
- Đức Thế Tôn quả là Đấng Toàn Giác đấy, tâu đại vương! Mười ngàn, trăm ngàn bậc lương y ấy đoán bệnh, chữa bệnh... cũng không thể so sánh với sự hiểu biết thâm sâu, vô lượng của Đức Đạo Sư. Ngài biết rõ tất cả, biết rõ, biết nhiều hơn tất cả sự khôn ngoan, minh triết của tất thảy nhân loại từ xưa đến nay. Vì biết quá rõ tất cả những căn bệnh nên ngài đã có cách chữa trị riêng của ngài, mà trí óc phàm phu không hiểu nổi, tâu đại vương!
- Thưa, nếu biết rõ, thế tại sao Đức Toàn Giác không nêu ra tất cả căn bệnh rồi kê toa, cho phương thuốc trị liệu một lần? Ví dụ có hai trăm căn bệnh thì Đức Phật đưa ra hai trăm phương thuốc. Sau này, ai mắc bệnh nào thì y cứ vào phương thuốc ấy mà trị liệu. Có tiện hơn không? Là Đấng Toàn Giác, ngài thiết lập, chế phạm, tùy theo nặng nhẹ mà xử phạt. Nếu làm được như vậy thì tất cả bệnh đều được ngăn ngừa từ trong trứng nước, thì làm gì có chuyện bị thế gian cười chê, đàm tiếu; mọi người khinh bỉ, mỉa mai do một số tỳ khưu xấu ác, thô bỉ đã ăn nói bậy bạ hoặc hành động càn rỡ?
- Xin đại vương hãy nhẫn nại. Sở dĩ Đức Thế Tôn thấy phát sanh điều xấu xa nào mới đưa ra giới điều để đối trị; chứ không cấm chế tất cả bằng một bộ luật một trăm giới hoặc một trăm năm mươi giới - là vì có hai lý do quan trọng sau đây. Nếu đại vương biết rõ hai lý do ấy, thì chắc đại vương phải tán thán, chấp hai tay lên đỉnh đầu để thốt lên: "Ồ! Đúng là trí tuệ của bậc Toàn Giác, bậc thấy rõ thế gian và thông suốt thế gian!"
Đức vua Mi-lan-đà rất hoan hỷ:
- Vậy thì đại đức cho nghe!
- Thứ nhất, tâu đại vương! Ví như có một người sơ tu, căn cơ thấp thỏi, hiểu biết nông cạn, phàm tính còn nhiều, bản chất yếu đuối - khi đến xin xuất gia vào trong giáo hội; vị thầy A-xà-lê bèn đưa ra bộ luật một trăm năm mươi điều, hai trăm điều rồi nói rằng "Đây là mười giới, đây là ba mươi giới, đây là bảy mươi lăm giới. Còn nữa, còn hơn một trăm giới dành riêng cho tỳ khưu nữa. Ngươi hãy cố gắng thọ trì." Nếu điều ấy xảy ra, thì kẻ xin tu kia sẽ có thái độ ra sao?
- Thưa, y chắc không dám tu đâu. Nghe giới nhiều như thế chắc tóc y sẽ dựng ngược lên, hốt hoảng bỏ về ngay tức khắc.
- Đúng thế. Và đây là lý do thứ nhất, tâu đại vương. Chính giới quá nhiều sẽ làm cho kẻ sơ tu sợ hãi. Và có lẽ còn hằng trăm, hằng ngàn người thấy vậy cũng đâm ra ớn, chẳng dám gia nhập vào một giáo hội nghiêm khắc như thế. Vô hình trung, không biết bao nhiêu là nguy hại, đau khổ cho chúng sanh!
- Cái gì là nguy hại, đau khổ ở đây, thưa đại đức?
- Tâu, giới luật nhiều, người ta sợ hãi không vào tu. Có nghĩa là giáo hội ấy không chịu mở cửa cho chúng sanh đi vào các cõi trời và người. Tại sao lại như thế? Vì trong số xin xuất gia ấy, chưa nói đến chuyện chứng đạt những đạo quả cao siêu - thì họ cũng gieo được duyên lành với Phật đạo, có đức tin, có ít giới luật, có thắng phước do phẩm mạo sa môn - đấy là nhân lành cho họ thọ hưởng phước báu trời, người trong mai hậu.
Còn nữa, trong số xin xuất gia ấy, nếu không được tu, không được gieo duyên lành; họ trở về nếp sống cũ, theo thói quen tạo những nghiệp ác về thân, về khẩu, về ý. Thế là cửa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la sẽ được mở ra!
Vì lý do ấy, giới luật nhiều, đã được soạn thảo sẵn, chế định trước, do nguyên nhân gần và xa: đã mở cửa bốn đường ác và đóng cửa trời và người đấy, tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà thốt lên:
- Thật là kinh khiếp! Ôi! Đức Thế Tôn nhìn xa thấy rộng xiết bao!
- Thế đại vương không chê nữa sao?
- Thật không dám thế. Xin đại đức cho nghe tiếp lý do thứ hai?
- Tâu, vâng! Cái mà đại vương chê là khi một tỳ khưu có hành động càn rỡ, thô tháo, xấu ác, bị Tăng lữ cười chê, người đời mỉa mai; Đức Thế Tôn mới chế ra học giới, chính là dụng tâm rất là sáng suốt của Đấng Toàn Giác. Không phải là Bậc Giác Ngộ thì không thể minh triết được vậy! Tại sao? Vì khi ấy, Đức Thế Tôn mới gọi vị tỳ khưu ấy đến, hỏi rằng: "Ông làm việc ấy ai cũng cười chê đấy, ông biết không?" Vị tỳ khưu sẽ trả lời:"Dạ, con biết, vì làm vậy là xấu, không nên". Đức Thế Tôn sẽ hỏi tiếp:"Ông biết là xấu, vậy hành động ấy nên được tiệp tục hay phải chừa bỏ?" Vị tỳ khưu sẽ trả lời:"Đã xấu thì không nên làm xấu nữa, bạch Đức Thế Tôn."
Cuộc đàm thoại sẽ xảy ra tương tự thế, đại vương có cảm nhận gì không?
- Trẫm là vua một nước, chẳng bao giờ nói chuyện mang tinh thần tự do, dân chủ với tội nhân như thế bao giờ! Đức Thế Tôn quả là biết tôn trọng nhân cách của con người. Trẫm phục lắm!
- Tâu, cảm nhận của đại vương là đúng, nhưng chưa phải là cái cốt tử, cái tinh yếu của vấn đề. Khi vị tỳ khưu thấy rõ hành động của mình là xấu, y sẽ tự nguyện không làm xấu nữa! Quan trọng là ở chổ ấy. Vị tỳ khưu vì thấy rõ tội nên sẽ không làm tội nữa. Tinh thần ấy là tinh thần "thấy rõ điều xấu xa, giác ngộ điều xấu xa; từ ấy sẽ không còn mê muội tạo nên những hành động xấu xa, sai lầm nữa." Chính Đức Phật đã tạo cơ hội cho vị tỳ khưu tự giác ngộ bài học, tâu đại vương.
- Cảm ơn đại đức! Ngài đã khai mở con mắt tối tăm cho trẫm. Đức Thế Tôn quả là bậc Toàn Giác. Trẫm sẽ không còn dám nói gì về vấn đề này nữa
- Cái nhân quả của vấn đề, đôi khi rất thâm sâu đấy, đại vương!
- Thưa vâng!
* * *
Bài viết được chúng tôi trích từ cuốn sách "MI TIÊN VẤN ĐÁP"
do Hòa thượng Giới Nghiêm dịch sang tiếng Việt, Tỳ kheo Giới Đức hiệu đính
Nhận xét
Đăng nhận xét