PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[29] Chương VIII: Tương Ưng Loài Rồng
I. Chủng Loại (Tạp 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,240)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo có bốn loại Nàga (rồng, rắn) về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Nàga từ trứng sanh, loại Nàga từ thai sanh, loại Nàga từ ẩm ướt sanh, loại Nàga hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Nàga theo sanh chủng.
II. Diệu Thắng (S.iii,240)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...
4) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Nàga về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Nàga từ trứng sanh, loại Nàga từ thai sanh, loại Nàga từ ẩm ướt sanh, loại Nàga hóa sanh.
5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, loại Nàga từ thai sanh, loại từ ẩm ướt sanh, và loại hóa sanh thù thắng hơn loại Nàga từ trứng sanh.
6) Tại đây, này các Tỷ-kheo, loại Nàga từ ẩm ướt sanh và loại hóa sanh thù thắng hơn loại Nàga từ trứng sanh và từ thai sanh.
7) Tại đây, này các Tỷ-kheo, loại Nàga hóa sanh thù thắng hơn loại Nàga từ trứng sanh, loại từ thai sanh và loại từ ẩm ướt sanh.
III. Uposatha (Bố-tát) (S.iii,241)
1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây một số Nàga từ trứng sanh, sống giữ hạnh Uposatha và từ bỏ thân của chúng?
4) -- Ở đây, này Tỷ-kheo, một số Nàga từ trứng sanh suy nghĩ như sau: "Trước đây chúng ta đã làm hai hạnh về thân, hai hạnh về lời nói, hai hạnh về ý. Do chúng ta làm hai hạnh về thân, hai hạnh về lời nói, hai hạnh về ý ấy, sau khi thân hoại mạng chung, chúng ta sanh cọng trú với các Nàga do trứng sanh.
5) Nếu nay chúng ta làm thiện hạnh về thân, thiện hạnh về lời nói, thiện hạnh về ý, như vậy khi thân hoại mạng chung, chúng ta có thể sanh thiện thú, thiên giới, thế giới này.
6) Vậy nay chúng ta hãy làm thiện hạnh về thân, thiện hạnh về lời nói, thiện hạnh về ý".
7) Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây một số Nàga do trứng sanh, sống giữ hạnh Uposatha và từ bỏ thân của chúng.
IV. Uposatha (S.iii,242)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
Rồi một Tỷ-kheo...
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, một số Nàga từ thai sanh sống giữ hạnh Uposatha và từ bỏ thân của chúng?
4-6) (Như kinh trước)
7) -- Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây, một số Nàga từ thai sanh sống giữ hạnh Uposatha và từ bỏ thân của chúng.
V. Uposatha
(Như kinh trước chỉ thế vào: Loại Nàga từ ẩm ướt sanh ).
VI. Uposatha
(Như kinh trước, chỉ thế vào: Loại Nàga hóa sanh ).
VII. Nghe (S.iii,243)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, một loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh?
4) -- Ở đây, này Tỷ-kheo, một loại (chúng sanh) làm hai hạnh về thân, làm hai hạnh về lời nói, làm hai hạnh về ý. Chúng nghe nói như sau: "Loại Nàga từ trứng sanh được thọ mạng lâu dài, nhan sắc thù thắng, hưởng thọ nhiều lạc".
5) Chúng suy nghĩ như sau: "Ôi, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, chúng ta có thể sanh cọng trú với loại Nàga từ trứng sanh!"
6) Sau khi thân hoại mạng chung, chúng được sanh cọng trú với loại Nàga từ trứng sanh.
7) Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây, một loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh.
VIII. Nghe
(Như kinh trước, chỉ thế vào: Loại Nàga từ thai sanh ).
IX. Nghe
(Như kinh trước, chỉ thế vào: Loại Nàga từ ẩm ướt sanh ).
X. Nghe
(Như kinh trước, chỉ thế vào: Loại Nàga hóa sanh ).
XI. Ủng Hộ Bố Thí (S.iii,244)
1-3)... Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, một số (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh?
4) -- Ở đây, này Tỷ-kheo, có loại (chúng sanh) làm hai hạnh về thân, làm hai hạnh về lời nói, làm hai hạnh về ý. Chúng nghe nói như sau: "Các Nàga từ trứng sanh, thọ mạng lâu dài, nhan sắc thù thắng, thọ hưởng nhiều lạc".
5) Chúng suy nghĩ như sau: "Ôi, mong rằng, sau khi thân hoại mạng chung, chúng ta được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh!"
6) Chúng bố thí đồ ăn. Sau khi thân hoại mạng chung, chúng được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh. Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây, một loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh. Chúng bố thí đồ uống... Chúng bố thí vải mặc... Chúng bố thí xe cộ... Chúng bố thí vòng hoa... Chúng bố thí hương... Chúng bố thí hương liệu xoa bóp... Chúng bố thí ngọa cụ... Chúng bố thí nhà cửa... Chúng bố thí đèn dầu. Sau khi thân hoại mạng chung, chúng được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh.
7) Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây, một loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với các Nàga từ trứng sanh.
XII-XIV. Ủng Hộ Bố Thí (S.iii,245)
(Như kinh trên, câu hỏi được đặt ra với ba loại Nàga còn lại và câu trả lời nói lên theo mỗi trường hợp).
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 8: Tương Ưng Loài Rồng
CHỦNG LOẠI
Bây giờ qua chương Tương Ưng Rồng. Tôi cũng xin nói thiệt, nguyên chương này, đối với người của thế kỷ hôm nay, chúng ta cũng hoang mang nghi hoặc không biết rồng có thiệt hay không. Tôi không muốn nói là mình nghĩ gì về chuyện rồng rắn ở đây. Chỉ muốn tô đậm về khía cạnh tu học trong chương này. Tôi chỉ vắn tắt thế này: Tại sao có con trùn, con lươn, con rắn bên cạnh những con có lông như chó, heo, mèo, chuột? Đơn giản thôi. Bởi vì đó là sự đa dạng trong thế giới phàm phu. Nếu bên cạnh con rùa có con lươn, cạnh con dế có con trùn thì bên cạnh những loài này loài kia có con rồng thì cũng đâu có gì lạ. Có nhiều chuyện tôi không muốn nói cho bà con biết là tôi tin hay không tin. Tôi chỉ trả lời thế này: chuyện đó nếu có không có gì lạ.
Theo trong kinh, vì duyên nghiệp của chúng sinh rất phức tạp nên khi mình tái sinh sang kiếp khác, chính cái phức tạp của nghiệp đã đưa mình về cảnh giới tương thích. Ví dụ thích ăn thịt sống, phước nhiều thì mang thân người ăn sushi, còn không phước hoặc nhằm lúc nghiệp xấu trổ quả thì sanh vào loài động vật ăn thịt sống cấp thấp. Có những loại dài ngoằng như con rắn, con phước nhiều thì sanh làm rồng, có cảnh giới riêng sống rất sung sướng, có thần thông, còn vô phước thì làm con rắn tầm thường bé mọn, không năng lực gì hết, chỉ ăn chuột ăn nhái.
Tại sao rắn tầm thường mà rồng thì có thần thông sung sướng? Theo trong kinh, có những loại chúng sinh lúc mang thân người, có kiểu sống nửa trắng nửa đen. Tức là “ai làm sao tui làm vậy, ai làm bậy tui làm theo.” Thiện ác cỡ nào cũng làm, không có sự phân biệt rõ ràng. Những loại tánh sân nhiều, ác nhiều sẽ sanh lại làm loài động vật hung hăng. Còn thiện ác cũng làm, nhưng phần phước trội hơn một chút thì sẽ sanh làm loài hung thần ác quỷ như Dạ Xoa, A-tu-la thiên. Thiện ác làm hết, tánh hưởng thụ, ác nhiều hơn thiện thì sẽ sanh làm những con như con dê, heo, chim sẻ, hải cẩu. Nếu thiện ác làm hết, tâm tham mạnh nhưng phần thiện trội thì được sanh làm người hưởng thụ, người đa tình lãng mạn, sống lúc nào cũng ăn sung mặc sướng. Tham sân là hành trang chúng ta mang theo. Mang theo kiểu nào tùy thuộc vào việc chúng ta có phước nhiều hay tội nhiều: Tham nhiều lại phước nhiều, Tham nhiều phước ít, Sân nhiều phước nhiều, Sân nhiều phước ít, Si cũng vậy… Thiện pháp cũng vậy: Tín nhiều phước ít, Trí nhiều phước ít, Trí nhiều phước nhiều.
Trong rổ của quí vị có trái chua, trái ngọt, trái đắng, trái chát… Trong rổ của tôi cũng có đắng cay chua chát, nhưng là trái gì. Chính vì khác biệt trong thiện pháp và ác pháp, phước lành và tội lỗi trong quá khứ của tôi và quí vị nên mới đẩy chúng ta đi về cõi miền sai biệt. Nhiều khi cùng cha cùng mẹ, cùng mái ấm, cùng một nền giáo dục mà đời sống người anh hoàn toàn khác người em. Bởi vì do điểm đồng nào đó nên họ là anh em, và do điểm sai biệt nào đó mà lớn lên họ không còn giống nhau nữa. Giống nhau tới đâu thì cộng nghiệp tới đó; khác nhau tới đâu thì xa nhau tới đó.
Trong kinh nói, có trường hợp súc sinh sống với người, có lúc người sống với chư thiên, có lúc chư thiên sống với súc sinh, có lúc thánh sống với súc sinh, có lúc với người, với chư thiên. Có những lúc, có sự kết hợp người chồng rất là đáng kính mà bà vợ không ra gì hết. Hoặc có lúc cha mẹ rất tệ về mọi mặt nhân cách, kiến thức, trí tuệ bẩm sinh đều thua kém con vời vợi. Có lúc con thua kém cha mẹ, vợ kém chồng, chồng kém vợ, bạn bè hơn kém nhau. Chư thiên sống với súc sinh là như vậy. Có người cực kỳ dễ thương cực kỳ khả kính mà lại sống với con người không ra gì hết, đó là thánh sống với súc sinh.
Có câu chuyện, một Mục sư được một giáo dân hứa cho một số tiền lớn với điều kiện khi ông chết thì ông Mục sư phải nói lời nào cho đẹp, cho có cánh. Khổ nỗi, ông giáo dân này thì thuộc loại bán trời không văn tự, có điều lại góp tiền cho nhà thờ rất nhiều. Rồi khi ông giáo dân chết. Người ta đến đám tang không mấy thiện cảm, nói những điều khó nghe. Mục sư nói: “Hôm nay chúng ta tiễn một người mà khi còn sống làm phiền chúng ta đủ điều. Giờ ông ta đi rồi, bà con vui tôi cũng vui theo”. Lúc đó, bà vợ ông giáo dân nháy với ông Mục sư ra hiệu rằng ông đã nhận tiền thì phải nói tốt cho chồng mình chứ. Mục sư nói tiếp: “Ông này dễ ghét thật, nhưng so với bà vợ của ổng, thì ổng là một bậc thánh!”
Qua câu chuyện trên tôi muốn nói rằng ‘thánh’ đây chỉ là ước lệ, mặc định mà thôi. Nghĩa là có người rất là dễ ghét, nhưng họ phải sống với những người rất khả kính, bởi giữa họ với nhau có sự cộng nghiệp nào đó. Ví dụ, Đề Bà Đạt Đa dễ ghét toàn phần, tại sao ông lọt vào được gia đình em ruột bà Yasodhara, làm em vợ của Thái tử Tất Đạt, sống đời nhung lụa, hoàng thất, đi tu cũng được chư tăng Phật tử tôn trọng kính nể, trong khi ông ác vô cùng tận. Bởi vì có chút cộng nghiệp với thái tử Tất Đạt. Muốn theo đuổi để hại một người như Đức Phật không đơn giản, phải có phước như thế nào đó mới đủ tầm để chạy theo phá.
Trong kinh nói Đề Bà Đạt Đa tương lai sẽ trở thành một vị Độc Giác. Muốn trở thành Độc Giác thì thời gian tu tập phải hai A-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp trái đất. Muốn trở thành vị đệ tử số một của Đức Phật thì phải tu một A-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp trái đất. Đề Bà Đạt Đa đã tu xong hai A-tăng-kỳ, chỉ còn thiếu một trăm ngàn kiếp trái đất nữa là thành Phật độc giác. Vua Ajātasattu cũng sẽ thành Phật Độc Giác, nhưng chỉ mới tu được một trăm ngàn kiếp trái đất, tức con số lẻ. Nếu bỏ thời gian lâu như vậy thì thành Chánh Đẳng Giác cũng còn đáng chớ lâu vậy mà thành Độc Giác thì cũng hơi nản.
Trong kinh nói sau khi giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni mãn rồi (tức là những lời Ngài dạy không còn người biết tới nữa), trải qua nhiều tỷ năm, mới có Phật Di Lạc ra đời. Tuổi thọ con người lúc đó sống 80 ngàn tuổi. Theo chu kỳ trái đất, những chỗ lục địa trở thành biển, những chỗ là biển sẽ trồi lên thành lục địa mầu mỡ hơn. “Thương hải biến vi tang điền” là vậy đó. Về con người, xã hội thì chúng sinh có lúc trở nên cùng hung cực ác, tuổi thọ giảm xuống chỉ còn 10 tuổi, chiều cao còn năm bảy tấc. Do luật vô thường, người ác ôn đó có người có tâm lành, tu tập thiện pháp và sống lâu vô số năm, lên tới đỉnh rồi rơi xuống đáy. Sẽ có một thời kỳ chúng sinh sống lâu và có thời kỳ xuống thấp. Lúc tuổi thọ tụt xuống 80 ngàn tuổi thì Đức Phật Di Lạc ra đời. Phật Di Lạc sống tám mươi ngàn tuổi, để lại giáo pháp một trăm ngàn năm, thay vì năm ngàn năm như Phật Thích Ca. Sau đó trái đất từ từ khô cằn bốc cháy và tiêu hủy, sau đó hình thành trái đất khác. Cách hình thành hoàn toàn không giống như giả thuyết Big Bang của khoa học bây giờ.
Chúng ta sẽ có một lúc bàn chuyện này trong suốt ba ngày ba đêm, bây giờ thì không. Có một tin vui là có rất nhiều bài báo của các nhà khoa học, nhận xét rằng nguồn gốc của trái đất này rất là giống như Phật Giáo. Có vô số trái đất, hết tuổi thọ thì hoại chớ không phải chỉ một trái đất này đâu. Hoại xong thì hình thành ngay vị trí này một trái đất khác, và lần này kéo dài trong suốt một A-tăng-kỳ đại kiếp, không có Phật nào ra đời. Sau A-tăng-kỳ đó thì lúc đó Ma Vương và vua Ba Tư Nặc mới thành Phật. Nghĩa là lúc năm ngàn năm xá lợi gom lại mà mình không đắc thì phải chờ Phật Di Lạc, gặp Phật Di Lạc mà không đắc quả thánh thì mình tiếp tục làm phàm thăm thẳm chiều trôi. Còn không thì phải tái sanh ra ngoài hệ thế giới khác để gặp Phật khác.
Trong phạm vi mười ngàn thế giới không bao giờ có hai vị cùng xuất hiện, ngoài nơi đó thì trong kinh vẫn để ngỏ. Tôi có niềm tin là có, nhưng quá xa. Mình sống trong nhóm nào thì mình đã có cộng nghiệp với nhóm đó, sở thích tâm tư của mình đã khắng khít vào hệ thế giới ở đó, nên khó ra ngoài. Có vô số hành tinh giống như trái đất mình. Gần thì giống nhau, nhưng xa quá thì khác nhau. Bên Tàu có câu: “Thiên lý bất đồng tục, vạn lý bất đồng ngữ.” Cách nhau ngàn dặm phong tục đã khác, cách nhau vạn dặm ngôn ngữ đã khác. Tôi không phải là nhà khoa học, không phải là người khoa bảng nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta rất nên có buổi nói chuyện về Vũ trụ quan Phật Giáo Nguyên Thủy trên nền tảng khoa học.
Làm phước thì phải nguyện, đi càng sớm càng tốt, trừ phi ai có đại nguyện trở thành Chánh Đẳng Chánh Giác không muốn sang sông một mình, muốn đóng thuyền lớn để độ chúng sinh, kẻ đó tôi xin quỳ dưới chân. Còn ai muốn đi sớm thì nhớ câu này của châu Phi: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì kiếm thêm bạn”. Thấy mình không có gan đi xa thì đi lẹ cho khỏe cái thân, bởi vì sau kiếp trái đất này sẽ trải qua một A-tăng-kỳ đại kiếp không có Phật.
Chúng ta phước báo không giống nhau, phiền não không giống nhau, tội lỗi không giống nhau, đức tánh không giống nhau. Giống được bao nhiêu chúng ta gần nhau bấy nhiêu, vì khác nhau thì chúng ta chỏi nhau bao nhiêu thì ráng chỏi. Có cặp vợ chồng như mặt trăng mặt trời. Có cặp bạn bè thân nhau lắm nhưng mỗi người vẫn một phương. Cộng nghiệp bao nhiêu thì cộng, rời bao nhiêu thì rời, nhưng đừng bao giờ có sự kết hợp sai nồi lộn nắp, người phải sống với súc sanh, súc sanh sống với chư thiên thì phiền lắm.
________________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét