Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 10 - Tương Ưng Càn Thát Bà (Gandhabba)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 8 - Tương Ưng Càn Thát Bà (Gandhabba)

PHẦN CHÁNH KINH

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[31] Chương X: Tương Ưng Càn Thát Bà

I. Chủng Loại (S.iii,249)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về chư Thiên thuộc loại Gandhabba (Càn-thát-bà). Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chư Thiên thuộc loại Gandhabba? Có chư Thiên, này các Tỷ-kheo, trú hương rễ cây. Có chư Thiên, này các Tỷ-kheo, trú hương lõi cây. Có chư Thiên, này các Tỷ-kheo, trú hương giác cây. Có chư Thiên, này các Tỷ-kheo, trú hương vỏ cây trong. Có chư Thiên, này các Tỷ-kheo, trú hương vỏ cây ngoài. Có chư Thiên, này các Tỷ-kheo, trú hương lá cây. Có chư Thiên, này các Tỷ-kheo, trú hương bông. Có chư Thiên, này các Tỷ-kheo, trú hương trái cây. Có chư Thiên, này các Tỷ-kheo, trú hương vị. Có chư Thiên, này các Tỷ-kheo, trú hương hương.
5) Những loại này, này các Tỷ-kheo được gọi là chư Thiên thuộc loại Càn-thát-bà.

II. Thiện Hành (S.iii,250)
1-3) Nhân duyên ở Sàvatthi...
4) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, một loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên thuộc loại Gandhabba?
5) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại (chúng sanh) làm thiện hạnh về thân, làm thiện hạnh về lời nói, làm thiện hạnh về ý. Họ nghe nói như sau: "Chư Thiên thuộc loại Gandhabba được thọ mạng lâu dài, nhan sắc thù thắng, hưởng thọ nhiều lạc".
6) Họ suy nghĩ như sau: "Ôi mong rằng, sau khi thân hoại mạng chung, chúng ta được sanh cọng trú với chư Thiên thuộc loại Gandhabba!" Sau khi thân hoại mạng chung, họ được sanh cọng trú với chư Thiên thuộc loại Gandhabba.
7) Do nhân này, do duyên này, này các Tỷ-kheo, ở đây, có loại (chúng sanh), sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên thuộc loại Gandhabba.

III. Kẻ Bố Thí (1) (S.iii,251)
1-4) Nhân duyên ở Sàvatthi...
Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây có loại chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên trú hương rễ cây?
5) -- Ở đây, này Tỷ-kheo, có loại chúng sanh làm thiện hạnh về thân, làm thiện hạnh về lời nói, làm thiện hạnh về ý. Họ được nghe như sau: "Chư Thiên thuộc loại Gandhabba trú hương rễ cây. Họ được thọ mạng lâu dài, nhan sắc thù thắng, hưởng thọ nhiều lạc".
6) Họ suy nghĩ như sau: "Ôi mong rằng, sau khi thân hoại mạng chung, chúng ta được sanh cọng trú với chư Thiên trú hương rễ cây!"
Họ bố thí hương rễ cây. Sau khi thân hoại mạng chung, họ được sanh cọng trú với chư Thiên trú hương rễ cây.
7) Do nhân này, do duyên này, này Tỷ-kheo, ở đây, một loại (chúng sanh) được sanh cọng trú với chư Thiên trú hương rễ cây.

IV-XII. Kẻ Bố Thí (2-10) (S.iii,251)
(Như kinh trên, chỉ thế vào "kẻ bố thí hương lõi cây" ... cho đến "kẻ bố thí hương hương").

XIII. Ủng Hộ Bố Thí (1)
(Như kinh trên, chỉ thế vào "họ bố thí đồ ăn, đồ uống, vải mặc, cỗ xe, vòng hoa, hương, hương liệu xoa bóp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn dầu, để sanh cộng trú với chư Thiên sống trên hương từ gốc rễ").

XIV - XXIII. Ủng Hộ Bằng Bố Thí (2-10)
(Như kinh trên, chỉ thế vào "chư Thiên trú trên các loại hương khác"... cho đến "chư Thiên sống trên hương từ hương").

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 10: Tương Ưng Càn Thát Bà

CÀN THÁT BÀ

‘Gandha’: ‘mùi hương’.

‘Gandhabba’: ‘Càn Thát Bà’. Càn-thát-bà là loài phi nhơn sống dựa vào mùi hương của thực vật từ củ rễ, hoa, trái.

Bây giờ quí vị là bác sĩ, có ngôi nhà bốn tầng tại quận 1 Sài Gòn, quí vị có hai chục thân nhân rải rác trên khắp các châu lục, quí vị nói được tám thứ tiếng, thu nhập ngất ngây. Nhưng có một chuyện quí vị không bao giờ tưởng tượng được là những sở thích của quí vị, những duyên nghiệp quí vị tạo ra mỗi ngày – ác và thiện – mai này khi tắt thở rồi, sẽ đưa quí vị vào chỗ mà quí vị không tưởng tượng được, đó là vào trong trái sung, làm thọ thần trong đó. Mọi người nhìn thấy đó là trái sung, nhưng đối với quí vị, thật ra đó là tòa nhà rất lớn, có lầu, có lan can, có cầu thang, có ban công, có bồn tắm, có huê viên bao bọc chung quanh lộng lẫy, bên trong trái sung đó. Mai này trái sung đó rụng, quí vị đi sang trái sung khác. Những cái hòn đất mình đá qua đá lại nhiều khi lọt xuống cống, mình không biết rất có thể hòn đá đó là cả một thế giới sống bao la bát ngát cò bay bát ngát của một thọ thần, một địa cư thiên nào đó. Thế giới này kinh khủng như vậy đó.

Trong chú giải có nói rằng, có một loại chư thiên là Samacittadeva, có những lúc có hàng trăm hàng ngàn vị sống trên đầu cây kim. Mình học cái này mới hết hồn, thì ra trong thế giới này cái khái niệm lớn và nhỏ là do mình u mê mình nghĩ ra thôi, chứ phải nói duyên nghiệp quyết định nhiều chuyện dễ sợ lắm. Hồi còn sống thì nhà lầu bốn tầng quận 1, nếu khuya nay lăn đùng ra chết, chui vô trái sung hay trong hòn đá bên đường, trên ngọn cây ngọn cỏ nào đó, khi nó héo úa mình đi qua ngọn cỏ khác.

Càn Thát Bà là những loài phi nhơn sống trong rễ cây, thân cây, lá cây, hoa, nhụy, đài, gương sen v.v…. Theo chú giải, có trường hợp, có những vị sống trong thân cây, khi thân cây đó bị xẻ ra đem về làm giường tủ bàn ghế, họ mến thích cái cây nên đi theo. Vì vậy mà có trường hợp bị mộc đè (bóng đè). Mộc đè là khi ngủ thấy có gì đè nặng không nhúc nhích được, nguyên nhân là do mình nằm ngủ sai tư thế, gây ra chiêm bao ác mộng, nhưng cũng không loại trừ trường hợp là cái giường đó làm từ cái cây trước đây có các loài phi nhân ở rồi họ đi theo cái cây ở trong đó. Chính vì vậy, trong từng ngày, mình phải có cái tâm cao rộng một chút.

Một kinh khác nói: Chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi bằng tâm tham, sân, si thì chỗ đó là chỗ của loài sa đọa. Chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi bằng cách tu tập Thập thiện thì đó là chỗ của Dục thiên. Chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi bằng tâm Tứ vô lượng tâm thì đó là cõi Phạm cung của Phạm thiên. Chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi bằng trí tuệ chánh niệm, danh sắc, khổ, vô thường, vô ngã, năm uẩn, 12 xứ, 18 giới thì chỗ đó là trụ xứ của thánh nhân. Trong một ngày, trong thân nhân loại này, chúng ta sống trong đủ thứ cảnh giới. Vấn đề là chúng ta dừng chân ở cảnh giới nào lâu nhất. 

Mai này khi nào tắt thở, mình sẽ đi về cảnh giới tương ứng Ví dụ trong ngày đó mình tham nhiều quá, thích ăn ngon, thích mặc đẹp, thời gian thích đó hơi nhiều, so với thời gian mình học đạo, thiền định, tụng kinh thì như vậy có nghĩa là ngày đó mình sống nhiều trong cảnh giới của tham. Sân quá nhưng phước nhiều thì rất có thể sanh làm Dạ xoa hoặc A-tu-la thiên – là loại A-tu-la thuộc hội chúng chư thiên Đao Lợi. Quá sân mà thiếu phước thì sẽ sanh làm rắn, cá sấu, cọp beo, sư tử, những loài quạu quọ. Kiểu ta sống ra sao mỗi ngày, tâm tư nghiêng nặng về cái gì, cộng với phước nhiều hay tội nhiều, sẽ dẫn mình về cõi tương ứng. (Thương ghét + thiện ác = cõi tái sinh tương ứng).

Mình thích chưng bông, mình cứ nói “Tôi trồng bông tôi cúng Phật”, nhưng cho tôi hỏi nhỏ một câu: Một tuần như vậy thay bông trên bàn Phật mấy lần? Mình khoái bông, nhưng đừng đem chuyện Phật ra gạt mình. Nếu kết toán cuối đời thì nghiệp thiện của mình ít hơn nghiệp ác, mà thời gian khoái bông hơi nhiều thì biết mình đi về đâu rồi: ong, bướm. Nếu khoái bông thật sự thì tu thiền, học đạo rất giỏi và tinh tấn, thật sự thật lòng trồng hoa để cúng Phật chứ không phải để thưởng thức enjoy thì lại là chuyện khác. Từng ngày nhớ tâm niệm điều đó. Coi chừng một ngày nào đó tắt thở chui vào hòn đá, nhánh cây, hay lá me lá ổi thì buồn lắm. Đây là bài học vô cùng quan trọng và đây cũng là lý do tôi muốn bà con cùng tôi đi qua từng bài kinh không bỏ bài nào hết. Qua những bài kinh này chúng ta có dịp ôn lại nhiều chuyện chúng ta đã biết, biết mơ hồ không rõ, hoặc biết thêm những điều chúng ta chưa từng biết. Những chuyện này ngó rất thường nhưng lại lớn chuyện.

Kim Xí Điểu cũng y hệt vậy. Có người làm thiện làm phước nhưng sở thích của họ tương ứng với loài Kim Xí Điểu. Kim Xí Điểu, Càn Thát Bà, Dạ Xoa, thuộc hội chúng Tứ Thiên Vương, là cõi Dục thiên thấp nhất trong sáu cõi Dục Thiên. Xem thêm cuốn Chúng Sinh và Sinh Thú, TK Giác Nguyên dịch, đã in ít nhất hai lần tại VN. Sẵn đây xin cảm ơn một số Phật tử bên Paris về hưu nghèo khổ không tiền nhưng vẫn cắn răng nhịn ăn nhịn mặc để gởi tiền in sách và chỉ xin ẩn danh không nêu tên. Các vị ở đâu, lúc nào, nghe được lời nhắn của chúng tôi, xin xác định rằng, các vị cần sách thì xin báo cho một tiếng và hỗ trợ mà không cần sách thì cũng phải nói rõ một tiếng. 

Sắp tới đây, có thể trong hai quý đầu của năm 2016, chúng tôi sẽ in sách, cũng xin bà con tùy hỷ. Chúng ta phải vui, bởi trong cuốn Chuyện Phiếm II không đơn giản là tác phẩm văn học PG mà nói một cách thậm xưng, nó là cuốn cẩm nang cho người học đạo từ sơ cơ đến thâm niên có lẽ nên có một cuốn. Trong đó chúng tôi bàn rất nhiều vấn đề chẳng hạn như nên đọc sách, nên xem kinh, theo kiểu nào lợi lạc nhất. Nên đọc cái gì và tại sao, nên đọc kiểu gì và tại sao. Khi đã là Phật tử thì phải là có tâm nguyện tu thiền lúc cuối đời. Nên đọc sách thiền gì, tác giả nào. Hành thiền thì nên theo truyền thống nào, tại sao. Thái độ chọn thầy chọn pháp môn phải như thế nào. Người Phật tử có nên dấn thân vào chính trị, xã hội hay không. Không làm chính trị vẫn là một thái độ chính trị, thái độ xã hội. 

Chúng tôi bàn cả những chuyện về mối tương quan giữa tăng và tục. Người cư sĩ đối với hàng xuất gia và hàng xuất gia đối với cư sĩ. Mỗi vấn đề được trình bày không quá một trang giấy A4, rất nhẹ nhàng không dám đụng chạm tới ai. Tất cả đề nghị đều được chúng tôi cung kính đặt dưới chân thiên hạ chớ không dám bài xích châm biếm dè bỉu ai hết. Ở đó, chúng tôi đưa ra một loạt đề nghị từ trong chùa đến ngoài ngõ, chỉ là đề nghị chớ không có dạy đời, mong họ một lần một lần liếc mắt nghĩ lại thái độ tu học, thái độ dấn thân, thái độ học và hành của mình. Đó là nội dung của quyển Chuyện Phiếm II, lấy tên là Tâm Thức Gió Lùa. Lời tựa có nói lý do vì sao chọn tên Tâm Thức Gió Lùa. Rất là vui, mong là sẽ ra kịp trong quí đầu tiên của năm 2016.

Nội dung chung của bốn chương vừa học: Cẩn thận với thầy bạn và môi trường văn hóa xã hội quanh ta. Thích ghét và nghiệp thiện ác sẽ dẫn tới cảnh giới tái sinh. Không gian tâm lý từng phút của ta cũng sẽ là không gian hiện hữu của ta mai sau.

Thích chơi bonsai mà không tu thiện pháp; thích trang điểm mà quên tu bố thí, trì giới; khoái kiến thức mà không thiền định, lười học nhưng thích bố thí v.v… không chịu khó chịu khổ được thì khi gặp Phật dễ bị nản lòng khi tu học theo Ngài. Chẳng hạn như Ngài với đệ tử vô rừng ngồi, mình thấy chư tăng đẹp quá, quí hóa quá, toàn Tứ thiền, Đầu đà, nhưng nhìn đầu trần chân đất, có gì ăn đó thì sợ quá, theo không nổi. Theo không nổi là do kiếp trước mình không tu hạnh nhẫn, không tu hạnh tinh tấn, không tu hạnh ly dục, mà chỉ khoái bố thí. Chính vì vậy khi gặp Phật mình giàu quá, thông minh quá, nhan sắc tuyệt vời, nhưng chịu khổ không được. Từng công đức lớn nhỏ mỗi ngày, không gian tâm lý trong từng phút ảnh hưởng rất lớn cho cuộc luân hồi và chuyện mai này mình tu chứng ra sao.

Có kiểu tu tập khiến đời sau đắc nhanh, đắc dễ, có kiểu ngược lại. Bởi vì có nhẫn có xả, có trí có bi thì đời sau sanh ra tu hành suôn sẻ như dễ dàng chẻ tre. Có người thì cứ mãi trục trặc. Thời Phật có vị tỳ kheo, đêm mùa đông xuống suối ngâm nửa người, lấy cỏ khô nhúng nước đội trên đầu, mười hai năm trời như vậy mới đắc A-la-hán. Có vị thì sung sướng đi đứng có kẻ hầu người hạ, bầu đoàn thê tử, cung vàng điện ngọc, cơm bưng nước rót tận miệng, rồi một ngày ‘mùa thu lá bay’ ghé chùa nghe Phật nói một câu, đắc A-la-hán. Đức Phật đưa tay ra “Ehi bikkhu” thế là thành tỳ kheo y áo có đủ, râu tóc tự rụng, có lục thông tam minh, bay thẳng về núi. Sống trên đỉnh núi tuyết, quanh năm không thấy bóng người, cần thì ôm bát khất thực bên Bắc Cưu Lưu Châu rồi trở về sống như Nam Cực tiên ông. Còn có người thì trầy trật, có vị đi kinh hành trong rừng, đi không nổi. Vì tinh tấn nên bò bằng đầu gối. Bò tới biết đang bò tới. Đầu gối đau biết là đầu gối đau, đầu gối chảy máu biết là chảy máu… Do kiểu tu quá khứ mà trục trặc vậy đó. Tu trăm ngàn đại kiếp rồi mà kiếp chót như vậy đó. Mấy ông thợ săn thấy có cái gì bò bò dưới đất, tưởng con gì nên bắn một phát. Đầu gối, hai bàn tay đã nát rồi, giờ lại trúng tên nữa. Trong lúc đau đớn quá, lấy cái đau làm đề tài Tuệ quán để quán chiếu năm uẩn là tội khổ. Chứng quả A-la-hán, chứng xong mình mẩy máu me không.

Kiểu tu của mình sẽ quyết định kiểu đắc của mình, kiểu sống của mình quyết định kiểu tái sinh của mình. ‘Kiểu sống’ của mình trong từng phút từng phút hiện tại. Ngay bây giờ, mình suy nghĩ cái gì thích nói cái gì, thích làm cái gì, kỵ cái gì, đam mê cái gì bất mãn cái gì, sẽ trở thành môi trường tâm lý cho kiếp sau. Cũng gặp Phật nhưng mỗi người có kiểu đắc khác nhau là vì vậy. Chúng ta nghe theo thầy theo bạn bèn thích cái này ghét cái kia, cộng với ác nghiệp là nó đưa mình đi vun vút về bao nhiêu phương trời viễn mộng.

Chúng tôi rất muốn chúng ta có một ngày Chủ Nhật gọi là ngày pháp thoại tự do nhưng e rằng bữa đó bà con mắc tung tăng. Trong tuần đó chúng tôi nghĩ gì, tâm đắc điều gì đó, chúng tôi sẽ chia sẻ với bà con, hoặc là bà con bàn thảo với nhau chọn đề tài nào mà bà con cho rằng thời thượng nhất, mình sẽ đem ra bàn. Pháp thoại đó có hai hình thức. Một là chúng tôi tự nói. Hai là chúng tôi là người khơi mào, mở màn, dàn trải ra rồi chúng tôi soạn một số câu hỏi để hỏi ý quí vị. Ví dụ chúng tôi sẽ chọn ra một số vấn đề rồi đưa ra những câu hỏi chọn lựa để cho quí vị chọn. Tôi rất thích như vậy. Lúc đó quí vị mới có dịp động não. 

Nghe pháp trong tâm thái thụ động, người ta nói bao nhiêu mình nghe bấy nhiêu khác với chuyện mình có tham dự. Dĩ nhiên, ai nhát quá thì thôi. Có nhiều người lạ lắm, đi cướp nhà băng thì dám nhưng nghe thầy bạn hỏi giáo lý thì cái mặt tái mét. Nhát quá thì báo cho biết, còn không thì chúng tôi có thể hỏi tự do. Một là quí vị post câu trả lời, hoặc chúng tôi chọn ai ngẫu hứng ngay lúc đó. Quí vị sẽ giải thích lý do cho sự chọn lựa câu trả lời của mình. Mỗi người được một phút rưỡi, phải ôn lại coi ai lộn. Hẹn quí vị ngày thứ Hai.
__________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.