Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 3 - Tương Ưng Kiến

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 3 - Tương Ưng Kiến

PHẦN CHÁNH KINH

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[24] Chương III: Tương Ưng Kiến
I. Phẩm Dự Lưu

I. Gió (Tạp 7, Ðại 2,45a) (S.iii,202)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
-- Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, (tà) kiến này khởi lên: "Gió không thổi, sông không chảy, đàn bà mang thai không sanh, mặt trăng, mặt trời không mọc hay không lặn. Tất cả đều đứng vững như cột trụ"?
3) -- Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn hãy nói cho chúng con ý nghĩa của lời dạy ấy. Sau khi nghe lời dạy của Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
-- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
4) -- Do có sắc, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc, (tà) kiến này khởi lên: "Gió không thổi, sông không chảy, đàn bà có thai không sanh, mặt trăng, mặt trời không mọc hay không lặn. Tất cả đều đứng vững như cột trụ".
5-7) Do có thọ... có tưởng... có các hành...
8) Do có thức, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ thức, do thiên chấp thức, (tà) kiến này khởi lên: "Gió không thổi... Tất cả đều đứng vững như cột trụ".
9) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến: "Gió không thổi... Tất cả đều đứng vững như cột trụ"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10-12) -- Thọ... Tưởng... Các hành...
13) ... Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến: "Gió không thổi... Tất cả đều đứng vững như cột trụ"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
14) -- Cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết, được đạt đến, được tìm cầu, được ý tư duy; cái ấy là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn?
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến: "Gió không thổi... Tất cả đều đứng vững như cột trụ"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
15) -- Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, đối với sáu xứ này, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với khổ, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với khổ tập khởi, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với khổ đoạn diệt, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với con đường đưa đến khổ đoạn diệt, nghi hoặc được đoạn trừ; như vậy, này các Tỷ-kheo gọi là bậc Thánh đệ tử đã chứng được Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc hướng đến giác ngộ.

II. Cái Này Là Của Tôi. (S.iii,203)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, (tà) kiến này được khởi lên: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
3) -- Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
4) -- Do có sắc, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc, (tà) kiến này được khởi lên: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi".
5-7) Do có thọ... tưởng... các hành...
8) Do có thức, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ thức, do thiên chấp thức, (tà) kiến này được khởi lên: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi".
9) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến này: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?"
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10-12) --. .. Thọ... Tưởng... Các hành...
13) Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến này: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
14) -- Cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết, được tìm cầu, được ý tư duy, cái ấy là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến này: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
15) -- Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, đối với sáu xứ này, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với khổ, nghi hoặc được đoạn trừ;... đối với con đường đưa đến khổ đoạn diệt, nghi hoặc được đoạn trừ; như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là bậc Thánh đệ tử đã chứng được Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc hướng đến giác ngộ.

III. Cái Này Là Tự Ngã (S.iii,204)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, (tà) kiến này khởi lên: "Cái ấy là tự ngã, cái ấy là thế giới. Sau khi chết, cái ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại"?
3) -- Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
4) -- Do có sắc, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc, (tà) kiến này khởi lên: "Cái ấy là tự ngã, cái ấy là thế giới. Sau khi chết, cái ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại".
5-7) ... thọ... tưởng... các hành...
8) Do có thức, do chấp thủ thức, do thiên chấp thức, (tà) kiến này khởi lên: "Cái ấy là tự ngã, cái ấy là thế giới. Sau khi chết cái ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại".
9) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không có chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến này: "Cái ấy là tự ngã, cái ấy là thế giới. Sau khi chết, cái ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10-13) ... Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến này: "Cái ấy là tự ngã, cái ấy là thế giới. Sau khi chết, cái ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
14) -- Cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết, được đạt tới, được tìm cầu, được ý tư duy, cái ấy là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không có chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến này: "Cái ấy là tự ngã, cái ấy là thế giới. Sau khi chết, cái ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
15) -- Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đối với sáu xứ này, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với khổ, nghi hoặc được đoạn trừ;... đối với con đường đưa đến khổ đoạn diệt, nghi hoặc được đoạn trừ; như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là vị Thánh đệ tử chứng được Dự lưu, không còn thối đọa, quyết chắc hướng đến giác ngộ.

IV. Có Thể Không Phải Của Tôi (S.iii,205)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Do cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, (tà) kiến này khởi lên: "Nếu trước không có ta, thời đã không có của ta. Nếu sẽ không có ta, thời sẽ không có của ta"?
(Như kinh trên, chỉ có sự sai khác về "tà kiến").

V. Không Có (Tạp 7, Ðại 2,43c) (S.iii,206)
-- Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, (tà) kiến này khởi lên: "Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời khác, không có mẹ, không có cha, không có các loài hóa sanh. Ở đời, không có những vị Sa-môn chánh hạnh, chánh hướng, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này và đời khác, và truyền dạy lại. Con người này do bốn đại hợp thành, khi mệnh chung, địa đại trở về trả lại cho địa giới; thủy đại trở về trả lại cho thủy giới; hỏa đại trở về trả lại cho hỏa giới; phong đại trở về trả lại cho phong giới; các căn nhập vào hư không. Bốn người gánh quan tài với người nằm trong quan tài là năm, gánh người chết mang đi (đến chỗ hỏa táng), thốt ra những lời tán tụng, các xương trắng như màu bồ câu và những vật cúng dường trở thành tro bụi. Chỉ có người ngu mới tán dương bố thí. Lời nói của họ trống không, giả dối, khi họ thuyết có sự sống. Kẻ ngu cũng như người hiền, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn diệt, tiêu thất, không còn tồn tại sau khi chết"?
3)-- Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
4) (Như kinh trên, chỉ khác ở "tà kiến").

VI. Ðối Với Người Hành Ðộng (Tạp 7, Ðại 2,44b) (S.iii,208)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, (tà) kiến này khởi lên: "Tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền muộn, gây áo não hay khiến người gây áo não, tự mình gây sợ hãi hay khiến người gây sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo, hành động như vậy không có tội ác gì. Nếu lấy một bánh xe sắc bén giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt, cũng không vì vậy mà có tội ác, mà gây ra tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu, cũng không vì vậy mà có tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, cũng không vì vậy mà có phước báo. Bố thí, điều phục, cấm giới, tự chế, tôn trọng sự thật, không có phước đức, không đưa đến phước đức"?
4) -- Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
(Như kinh trên, chỉ khác phần tà kiến").

VII. Nhân (Tạp 7, Ðại 2,44a) (S.iii,210)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, (tà) kiến này khởi lên: "Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô; vô nhân, vô duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô. Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh; vô nhân, vô duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh. Không có lực, không có tinh tấn, không có nhân lực, không có sự cố gắng của người. Tất cả chúng sanh, tất cả hữu tình, tất cả sinh vật, tất cả sinh mạng đều không tự tại, không lực, không tinh tấn. Họ bị dắt dẫn, chi phối bởi định mệnh, bởi điều kiện bộ loại của họ, bởi cá tánh của họ. Họ hưởng thọ khổ, lạc, y theo sáu loại thác sanh của họ"?
3) -- Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
(Như các kinh trên, chỉ khác phần "tà kiến").

VIII. Ðạt Tà Kiến (Tạp 7, Ðại 2,44b, 44c) (S.iii,211)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, khởi lên (tà) kiến như sau: "Có bảy thân không bị làm ra, không làm ra, không bị sáng tạo, không sáng tạo, không sanh sản, thường tại như đỉnh núi, đứng thẳng như trụ đá. Chúng bất động, không chuyển biến, không xâm lăng nhau. Chúng không ảnh hưởng đến lạc hay khổ với nhau, hoặc cả khổ và lạc"?
3) Bảy thân ấy là gì? - Ðịa thân, thủy thân, hỏa thân, phong thân, khổ, lạc và thứ bảy là mạng. Bảy thân này không bị làm ra, không làm ra, không bị sáng tạo, không sáng tạo, không sanh sản, thường tại như đỉnh núi, đứng thẳng như trụ đá. Chúng bất động, không chuyển biến, không xâm lăng nhau, chúng không ảnh hưởng đến lạc hay khổ với nhau, hoặc cả khổ và lạc.
4) Khi một ai dùng lưỡi kiếm sắc bén chém đầu, thời không có ai tước đoạt sanh mạng của ai cả, lưỡi kiếm chỉ rơi vào giữa bảy thân mà thôi.
5) Có tất cả là 1.400.000 chủng loại thác sanh, lại có thêm 6.000 và có thêm 600 nữa. Có 500 loại nghiệp và năm nghiệp (theo 5 căn), lại có ba nghiệp (về thân, khẩu, ý), lại có toàn nghiệp (thân và khẩu), và bán nghiệp (ý), có 62 đạo, 62 trung kiếp, sáu giai cấp, tám nhân địa, 4.900 sanh nghiệp, 4.900 kẻ du hành, 4.900 chỗ ở của loài Nàga, 2.000 căn, 3.000 cảnh địa ngục, 36 trần giới, 7 tưởng thai, 7 vô tưởng thai, 7 tiết thai, 7 loài Thiên, 7 loài Người, 7 loài quỷ, 7 hồ nước, 7 pavutas (rừng hay hồ nhỏ), 7 papàta (vực thẳm), 700 papàta (vực thẳm), 7 mộng, 700 mộng, có 8 trăm 40 vạn đại kiếp, trong thời gian ấy, kẻ ngu và người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau.
6) Không có lời nguyền: "Với giới hạnh này, với kỷ luật này, với khổ hạnh này hay với Phạm hạnh này, tôi sẽ làm cho chín muồi những nghiệp chưa được thuần thục, hoặc trừ diệt những nghiệp đã thuần thục bởi những nhẫn thọ liên tục, không thể đo lường khổ và lạc với những vật đo lường, trong khi luân hồi không có giảm tăng, không có thặng dư, thiếu thốn.
7) Ví như một cuộn chỉ được tung ra sẽ được kéo dài đến một mức độ nào đó. Cũng như vậy, kẻ ngu và người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ đoạn tận khổ đau".
8) -- Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
(Như các kinh trên, chỉ khác về "tà kiến").

IX. Thế Gian Là Thường (S.iii,213)
(Như các kinh trên, chỉ khác về "tà kiến". Ở đây "tà kiến" được thay bằng "thế gian là thường").

X. Thế Gian Là Vô Thường (S.iii,214)
(Như các kinh trên, chỉ khác về "tà kiến").

XI. Hữu Biên
(Như các kinh trên, chỉ khác về "tà kiến")

XII. Vô Biên
(Như các kinh trên, chỉ khác về "tà kiến")

XIII. Mạng Với Thân Là Một
(Như các kinh trên, chỉ khác về "tà kiến")

XIV. Mạng Với Thân Là Khác
(Như các kinh trên, chỉ khác về "tà kiến")

XV. Như Lai Có Tồn Tại
(Như các kinh trên, chỉ khác về "tà kiến")

XVI. Như Lai Không Có Tồn Tại
(Như các kinh trên, chỉ khác về "tà kiến")

XVII. Như Lai Có Tồn Tại Và Không Có Tồn Tại
(Như các kinh trên, chỉ khác về "tà kiến")

XVIII. Như Lai Không Tồn Tại Và Không Không Tồn Tại (S.iii,216)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
-- Này các Tỷ-kheo, do có cái gì, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, (tà) kiến này khởi lên: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"?
3) -- Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
4-8) -- Do có sắc, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc, (tà) kiến này khởi lên: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"... ... thọ... tưởng... các hành... Do có thức, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ thức, do thiên chấp thức, khởi lên (tà) kiến này: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
9) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến như sau: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?"
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
10-13) ... Thọ... Tưởng... Các hành... Thức...
14) -- Cái được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết đến, được đạt tới, được tìm cầu, được ý suy tư; cái ấy là thường hay vô thường?
-- Vô thường, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-- Là khổ, bạch Thế Tôn.
-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến như sau: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
15) -- Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, đối với các xứ này, nghi hoặc được đoạn trừ, đối với khổ, nghi hoặc được đoạn trừ, đối với khổ tập khởi, nghi hoặc được đoạn trừ, đối với khổ đoạn diệt, nghi hoặc được đoạn trừ, đối với con đường đưa đến khổ đoạn diệt, nghi hoặc được đoạn trừ, vị Thánh đệ tử như vậy được gọi là đã chứng được bậc Dự lưu, không bị thối đọa, chắc quyết hướng đến giác ngộ.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 3: Tương Ưng Kiến

Hôm nay chúng ta sẽ học nguyên một chương: Tương Ưng Kiến. Nội dung toàn chương gồm hai điều:

1. Do chấp ngã trong năm uẩn nên mới dẫn đến hệ lụy tất yếu các loại tà kiến.

2. Tất cả tà kiến được kể ra ở đây chỉ là tượng trưng cho những gì chưa được kể hết, mà nội dung xoay quanh việc chấp ngã về thế giới vũ trụ, về linh hồn (cái Tôi), những cảnh giới hiện hữu, cứu cánh tu hành.

Nội dung của buổi giảng hôm nay là nguyên một chương Tương Ưng Kiến và tôi phải nói rõ một chuyện để bà con nào khó tánh thì yên tâm là khi nào quí vị nghe chúng tôi giảng pháp đề tài chung chung thì có thể chúng tôi nói cho quí vị nghe những suy nghĩ của tôi. Riêng khi chúng tôi vào lớp giảng Kinh Tạng thì chúng tôi không có cái gì của riêng mình hết. Vì vậy người ghét tôi cách mấy, coi thường tôi cách mấy, cứ yên tâm vào trong đây tôi chỉ làm một việc là đọc sách giùm quí vị. Quí vị đọc chánh tạng không hiểu gì hết thì chúng tôi chỉ đọc phần chú giải cho quí vị chớ đừng ngồi đó âu lo không biết hôm nay tôi nói cái này ở đâu. Tôi đang giảng cho quí vị nghe Tương Ưng Bộ kinh dựa trên bộ Saratthapakasini, tức là chú giải của Tương Ưng Bộ kinh. Cho nên bà con cứ “yên tâm sống vô tình”.

Toàn chương có bao nhiêu bài kinh đi nữa thì nội dung chỉ gom có hai điều: Thứ nhất, Đức Thế Tôn xác nhận do chấp ngã trong năm uẩn – kể cả trường hợp một người chưa biết năm uẩn là gì – từ đó mới dẫn đến tà kiến. Ở đây, tôi là một tu sĩ Phật Giáo Nam Tông, nhưng khi giảng kinh cho bà con, tôi cũng trích giảng cái này cái kia cho bà con đọc. Bữa nay tôi trích cho bà con nghe cái này. Trong bộ sách Brhada Upanishad (các bài 4.5.6) có câu này có lẽ lấy từ kinh Phật:

Vợ thương chồng không phải do tình yêu đối với người chồng mà do chính người vợ yêu bản thân mình trước. Người chồng yêu vợ không phải là do tình yêu đối vợ là quan trọng mà cái chính là do anh ta yêu bản thân mình trước. Tín đồ yêu giáo lý của một tôn giáo, trước hết không phải là do niềm kính tin đối với giáo lý đó mà là do họ yêu họ trước. Từ đó mới dẫn đến chuyện người ta tin Phật theo cách mà người ta muốn.

Hãy cẩn thận chuyện mình tin Phật, mình học pháp, mình hiểu pháp, mình nhớ giáo lý theo cách mình muốn, thay vì mình phải tin Phật hiểu pháp theo đúng nội dung mà cái đó là “as it is’, như nó là, chứ không phải như mình muốn. Một câu nói có thể được hiểu nhiều cách, người lớn hiểu khác, đứa bé hiểu khác. 

Tôi đã kể câu chuyện này nhiều lần: Thằng bé được mẹ dắt vào một tiệm tạp hóa. Nó đòi một lon nước uống. Mẹ nó bảo: Con thích lon nào thì lấy rồi mẹ trả tiền cho. Nó ôm một lần năm lon, đủ loại, đem ra cho mẹ nó trả tiền. Lúc mẹ nó trả tiền, nó đứng khui hết cả năm lon, rồi hỏi mẹ nó: Mẹ ơi uống làm sao hết? Mẹ nó hỡi ôi, hỏi vì sao nó khui hết, nó nói trên lon ghi chữ “Open here” (Mở tại đây), nghĩa là phải mở tại tiệm này. Vì vậy, theo như trong câu trích trên rõ ràng là “tín đồ yêu giáo lý của một tôn giáo, trước hết không phải là do niềm kính tin đối với giáo lý đó mà là do họ yêu họ trước”. Bằng chứng là, vì sao họ thích nghe ông sư A mà không thích nghe ông sư B? Bởi vì ông sư A có cách nói hợp ý họ hơn, ông sư A có cách diễn dịch vấn đề giáo lý giống như họ mong đợi. 

Có nhiều lúc chúng tôi phải nhìn lại những cái mình có cảm tình và những cái mình ghét. Ngài Ajahn Chah nói rằng hãy cẩn thận đừng có tin cảm giác của mình nhiều quá. Có nhiều cái mình thấy hay nhưng chưa chắc đã đúng, có nhiều cái mình ghét nhưng chưa chắc đã sai.

GIÓ

“- Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, (tà) kiến này khởi lên: “Gió không thổi, sông không chảy, đàn bà mang thai không sanh, mặt trăng, mặt trời không mọc hay không lặn. Tất cả đều đứng vững như cột trụ”?”

Đây là một trong những kiểu tà kiến thời đó. Kiểu tà kiến này nói thế này: Tất cả những cái mình thấy, thấy vậy mà không phải vậy. Tại sao trong bài kinh này Đức Phật nhắc đến tà kiến này? Bởi vì đây là một trong những quan điểm tri kiến phổ biến thời đó ở tại Ấn độ trong khu vực hoằng pháp của Đức Phật. Nếu như hôm nay Thế Tôn có mặt tại xứ Âu Mỹ thì Ngài sẽ nhắc đến một số quan điểm như Scientology, hay là về Hippi, về Dada, hay triết hiện sinh của Jean-Paul Sartre chẳng hạn, bởi vì những quan điểm tri kiến này đang thịnh hành, đang là thời thượng. 

Ở đây cũng vậy, trong toàn chương Tương Ưng Kiến, Thế Tôn liên tục đưa ra những quan điểm tri kiến sai lạc của người đương thời vốn dĩ rất phổ biến trong thời điểm đó và Ngài xác định rằng đầu tiên do mình chấp ngã, thương thích một cái tôi ảo tưởng; từ thương thích đó mới dẫn đến chuyện mình đi chấp cái này cái kia. Tại sao ngày xưa người ta có niềm tin vào Bái Vật Giáo – Animisme, tin vào cây đa, cục đá, cây cối rừng rậm núi non, con trâu con heo gì họ cũng thờ được hết? Vì lúc đó nền văn minh quá hạn chế, trước thiên nhiên bao la hùng vĩ và bí ẩn, con người ta thấy mình bé nhỏ và sợ hãi, họ muốn tìm chỗ nương mà không biết nương vào đâu bây giờ, thế là khi thấy một con rắn to quá họ sợ hãi, họ quì lạy nó. Có những bộ tộc trên thế giới thờ gấu, thờ voi, thờ ngựa. Dân tộc nào cũng có huyền thoại. Huyền thoại đó đi ra từ nỗi sợ. Chính vì sợ nên người ta mới nghĩ ra những tôn giáo trời ơi, chớ không phải là lời dạy tâm linh đi ra từ sự chứng đạo của một Bậc Đại giác; mà do họ thích cái này ghét cái kia, sợ cái nọ nên mới hình thành rất nhiều loại niềm tin, nhận thức, tín ngưỡng. 

Cho nên, hãy cẩn thận, trong đời sống của mình nói riêng và toàn dòng luân hồi nói chung, chúng ta bị ba thứ: tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và điều kiện sống hiện tại dẫn đến chúng ta thích cái này và ghét cái kia. Cả hai quan điểm thích và ghét này dựa vào cái gọi là chấp ngã trong cái tôi tưởng tượng. Từ sự thích ghét này chúng ta mới tìm đến những quan điểm về triết học, tôn giáo, nghệ thuật. Tại sao có những người VN mà thích tranh lập thể, tranh trừu tượng của Picasso, Salvador Dali, có những người VN lại thích tranh Đông Hồ, Tranh ngũ sắc…? Bởi vì trình độ, điều kiện sống khác nhau nên dẫn đến những sở thích sai biệt. Có người tại VN nhưng lại có cảm tình với Phật Giáo Nam Tông, Khất Sĩ, Cao Đài v.v…, mạnh ai nấy theo một đạo bởi vì trình độ và tâm lý khác nhau. Tựu trung lại, tất cả đều khởi đi từ chấp ngã mà từ đó đẻ ra vô vàn tà kiến.

Nội dung thứ hai của chương Tương Ưng Kiến này là tất cả tà kiến mà Đức Thế Tôn đưa ra là những quan điểm tri kiến của người đương thời. Có những người đêm nằm nhìn lên bầu trời bao la và suy nghĩ: Không biết ra khỏi trái đất này mình có đi mãi hoài trong không gian vô cùng, vũ trụ vô tận kia, và rồi sẽ đến đâu; có sự sống bên ngoài trái đất hay không; đâu là tận cùng bờ mé giới tuyến sau cùng của vũ trụ này. Họ cứ thao thức như vậy. Thao thức đó đi ra từ chỗ họ coi họ là cái gì đó. Khi mình thấy mình chỉ là một nắm cát thì mình sẽ không thắc mắc những điều đó. Người chung quanh mình cũng là những nắm cát. Có đi đến vô cùng vô tận của vũ trụ, nơi đâu có chúng sinh thì nơi đó cũng chỉ là đống cát. 

Đức Thế Tôn từng xác nhận: Này các tỳ kheo, bất cứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức nào dù quá khứ, hiện tại, vị lai, xa gần, thô tế, thắng liệt, tất thảy đều vô thường. Cái gì vô thường thì cái đó là khổ, và cái gì là khổ thì thật không hợp lý chút nào khi ta cho rằng đó là tôi, đó là của tôi. Đây là bài kinh rất là quan trọng, làm nền tảng cho giáo lý vô ngã mà Đức Thế Tôn đã thuyết giảng ngay sau khi thành đạo đúng ba hôm. Từ gốc bồ đề ra đi về Isipatana, vườn Lộc Uyển, Ngài giảng kinh Chuyển Pháp Luân, sau đó giảng Kinh Lửa và Kinh Vô Ngã cho nhóm năm tỳ kheo Kiều Trần Như. Trong ngày thứ hai, thứ ba Đức Thế Tôn đã giảng bài kinh này, nội dung căn bản của bốn mươi lăm năm hoằng pháp sau này. Ở đây tôi không biết ai đang nghe và ai sẽ nghe băng giảng này. Tôi muốn nhắc lại. Khi mình biết rõ vạn pháp tùy duyên sanh, vạn pháp do duyên diệt, mình thấy tất cả chỉ là nắm cát thì cái nhìn của mình đối với thế giới này khác đi nhiều lắm. Còn khi mình thấy mình là một cái gì đó thì mình bỏ công ra đi tìm trong quá khứ tôi đã ra sao, trong tương lai tôi đã ra sao.

Tôi nhớ năm 1994 trong một lớp giảng giáo lý ở tại Bắc Mỹ Thuận, lúc đó tôi ngồi trên một cái sân gạch Tàu dưới tàng cây trứng cá bên một con rạch đầy cỏ hai bên bờ, chính giữa là lục bình, rau mác. Lúc đó tôi có giảng đến chỗ này, tôi hỏi các Phật tử đang học: Nếu các vị phải lặn lội cả ngày trong con rạch này để xác định dưới này có bao nhiêu con cua, con ốc, con tép, con cá loại gì, con lớn con nhỏ ra sao… quí vị có sẵn sàng bỏ ra một ngày hai ngày, một tuần, hai tuần, một tháng, hai tháng để nghiên cứu tìm hiểu xem dưới dây có bao nhiêu con này con nọ hay không. Họ trả lời vốn là dân miền Tây nên chuyện biết được có bao nhiêu con, loại gì… cũng không có gì hay, vừa đếm xong thì có con lội ra sông, có con từ sông lội vô rạch. Con số thống kê hồi nãy xài được bây giờ hết xài được, vạn vật đang thay đổi vô thường. 

Sẽ có một ngày khi mình thấy mình chỉ là năm uẩn hội tụ giả hợp, thấy mình chỉ là nắm cát gồm những thứ buồn, vui, thiện, ác, nhân quả ba đời cộng lại; những thiện ác đời này là quả của thiện ác đời trước, những thiện ác đời này là nhân của buồn vui đời sau, mọi thứ luôn luôn trong dòng chảy biến dịch không ngừng; hiểu như vậy thì không còn tò mò thắc mắc nữa cho dù mình có đi ra khỏi hành tinh này. Đức Thế Tôn dạy cứ một ngàn mặt trăng mặt trời như vậy làm nên một tiểu thiên thế giới. Hai ngàn tiểu thiên thế giới làm nên một trung thiên thế giới. Ba ngàn trung thiên thế giới làm nên một đại thiên thế giới. Có vô số đại thiên thế giới như vậy. Khi cần thiết Ngài nói cho biết vậy thôi. 

Ngài dạy rằng, đường cốt yếu sinh tử là phải luôn nhớ dù có bao nhiêu đại thiên thế giới đi nữa thì ở đâu có sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì ở đó giống hệt nhau một điểm là do duyên mà có và có rồi phải bị mất. Biết như vậy bằng trí tuệ quán, biết bằng đời sống chiêm nghiệm của một hành giả Tứ Niệm Xứ chớ không phải biết như con vẹt. Chỉ nghe người ta nói thì không đủ để thay đổi mình, không đủ để mình dứt trừ phiền não. Cái biết này tối thiểu phải đi ra từ đời sống chánh niệm của một hành giả sống đời sống chánh niệm, làm cái gì biết cái đó. Buổi đầu chỉ đơn giản là chánh niệm, lâu dần rồi, khi chánh niệm sắc sảo, tinh tường chính xác kịp thời, bất cứ cái gì xảy ra ở thân tâm đều không bỏ sót thì lúc đó hành giả tự nhiên trực nhận ra một vấn đề mà mình không ngờ được. 

Đó là, “mình” hồi nãy với “mình” bây giờ là hai con người hoàn toàn khác nhau. Hồi nãy mình tâm sân đang đứng, bây giờ mình tâm tham đang ngồi. Hồi nãy mình tâm tham đang ngồi bây giờ mình tâm thiện đang nằm. bây giờ mình đang nằm bằng tâm thiện. Lát nữa mình sẽ đứng bằng tâm sân. Hồi nãy mình không đau lưng mà bây giờ mình đau lưng, hồi nãy mình không mỏi gối bây giờ mình mỏi gối, thân tâm thay đổi liên tục và liên tục. Nếu hành giả sống thiết tha miên mật với nhận thức thường trực và liên tục như vậy về Tam tướng trong danh sắc, trong năm uẩn, về thân tâm, thì hành giả không còn một chút tha thiết nào trong việc đi kiếm tìm những dị luận hay thao thức về triết học, nghệ thuật… Tất cả chỉ là trò hề mà thôi.

Nội dung của kinh này:

– Do chấp ngã trong năm uẩn nên người ta tha hồ tung tăng trong nhận thức sai lầm

– Tất cả những tà kiến ở đây là chấp ngã trong bản thân của mình, trong thân tâm danh sắc của mình. Xa hơn một chút là chấp ngã trong cứu cánh tu hành. Kẻ mong chết sanh về thiên đường này, kẻ muốn cõi cực lạc kia. Nếu thấy rằng từng phút hiện tại của mình là sự mệt mỏi lặp lại tẻ nhạt nhàm chán thì người ta không tha thiết gì trông đợi kiếm tìm hình thức hiện hữu khác.

Ở đây chắc ai cũng biết chữ kindergarten (vườn trẻ). Thật ra chữ này là tiếng Đức, nhưng Mỹ, Anh, Pháp, Bồ đều xài. Ai cũng trên bốn mươi tuổi, hãy tưởng tượng mình đi đón con ở nhà trẻ, thấy nó chơi mấy chiếc xe bằng gỗ, con vịt bằng nhựa, mình nào có tha thiết gì tìm hiểu trong thành phố này có bao nhiêu cái vườn trẻ, và trong châu lục này có bao nhiêu cái nữa, cái nào vui nhất… Nản lắm, vì mình biết kindergarten là cái gì.

Một hành giả biết rõ thân tâm mình được cấu tạo như thế nào, sinh diệt như thế nào, hành trạng, hoạt động của nó ra sao, lúc có lúc không, lúc vầy lúc khác, lúc thiện lúc ác, lúc quả lúc nhân, thì không còn tha thiết đi kiếm tìm vớ vẩn chuyện tu về cõi này cõi kia. Biết rõ hạnh phúc là mặt trái của đau khổ, hạnh phúc không thể nào có được nếu không có đau khổ; biết rõ toàn bộ đau khổ của mình là nguồn đẻ ra hạnh phúc v toàn bộ hạnh phúc là phải từ nhu cầu thiết tha cấp thiết nào đó mới gọi là hạnh phúc thì hành giả không còn tha thiết một cứu cánh hiện hữu nào ngoài sự chấm dứt hoàn toàn Khổ đế (mọi hình thức hiện hữu) và Tập đế (mọi hình thức đam mê). Khi không còn tha thiết gì nữa thì mình không còn rảnh để nghĩ ra những chuyện tào lao – tà kiến- nữa. 

Tà kiến là cho rằng có một linh hồn trong một cái tôi đi từ nơi này đến nơi khác. Tôi không biết có bao nhiêu người đang nghe và sẽ nghe, các vị thuộc tông phái nào nên tôi phải nói rõ, quan điểm của Phật Giáo Nguyên Thủy là không hề có một cái tôi hay cái gì đó đi từ điểm A qua điểm B trong cuộc sống và trong dòng luân hồi của chúng ta. Luôn luôn danh và sắc biến dịch trong từng sát-na một, cái này mất để cái kia có mặt. Và ngay khi một người tắt thở thì lập tức họ sẽ đi tái sinh ở một nơi nào đó. Người không biết đạo, đêm nằm thấy hồn ma bóng quế, cứ tưởng đó là ma quỷ, những người chưa đầu thai. Nhưng thật ra theo trong kinh điển Đức Phật giải thích rằng không bao giờ có một kẻ phàm phu chết rồi mà không đi đầu thai. Lập tức họ đi liền. Vì sao họ còn lởn vởn ở đó? Họ đã tái sinh rồi, nhưng họ tái sinh vào cảnh giới của A-tu-la của Dạ-xoa hay ngạ quỷ hoặc của các vị địa cư thiên, thọ thần, thổ thần. Những vị đó cũng là một loại chúng sinh. Hiểu phải sanh làm người mới gọi là đầu thai thì không đúng. 

Theo kinh điển, có vô số hình thức tái sinh. Có những hình thức tái sinh mà ta dùng mắt thấy được, dùng tai nghe được, dùng mũi ngửi được như con người, con chó, con mèo, con vịt… Nhưng có những cảnh giới tái sinh dầu khoa học không chính thức nhìn nhận là thế giới siêu hình nhưng khoa học nhìn nhận vật chất có vô số hình thức tồn tại. Có những hạt quartz, photon, proton…, mình chỉ biết qua sự suy diễn mà thôi chớ chúng ta không thể nào sờ đụng nó được. Có những làn sóng âm thanh loài này nghe được, loài kia không nghe được. Ví dụ thú rừng, con chó, con cá heo nghe được rất xa. Mũi của con cá mập có thể bắt mùi một giọt máu tươi trong khoảng cách một cây số, trong khi đó con người của mình thì không thể. 

Tôi có đọc một bài báo, những phòng tắm nước nóng ở tại Thụy Sĩ, có hồ nước muối để ngâm sau khi tắm xong, nồng độ muối đậm đặc đến nỗi mình có thể nổi lên như ở Dead sea (biển chết) vậy mà, người ta kiểm tra chất lượng nước thấy có một lượng tinh dịch rất lớn ở trong nước hồ vào hai ngày cuối tuần. Nghe mà lạnh người. Không biết các cô cậu làm sao trong hai ngày cuối tuần nước hồ lại như vậy. Tôi đem chuyện đó nói ở đây là ý muốn nói là khả năng nhận biết của lỗ mũi mình tệ lắm. Tệ đến mức mà mình lặn hụp, nó trôi vô miệng mình mà mình chẳng biết trong khi con cá mập chỉ một giọt máu mà một cây số nó vẫn nhận biết được. Tôi kể ra để cho muốn đi tắm thì tránh hai ngày đó, và nếu đọc được tiếng Đức thì vào Google tìm cái đề tài tôi vừa nói. Chỗ nào bồn tắm tập thể thì kinh hoàng lắm.

Khi tắt hơi rồi thì không còn lởn vởn ở đâu đó nữa mà đã đi tái sinh rồi, có người tái sinh vào cảnh giới nào đó mà mắt thường mình không thấy. Hãy nhớ công thức này: Khi tắt hơi rồi thì không còn lởn vởn ở đâu đó nữa mà đã đi tái sinh rồi, có người tái sinh vào cảnh giới nào đó mà mắt thường mình không thấy. Hãy nhớ công thức này: Muốn tin cái gì thì phải tìm chứng cứ để tin, muốn bác cái gì phải tìm đủ chứng cứ để bác. Không gì bậy cho bằng tin một điều chưa tìm ra bằng chứng, không gì bậy cho bằng bác một điều chưa tìm ra bằng chứng”. Có rất nhiều người không tin vì họ chưa tìm ra được bằng chứng là có; nhưng họ quên một chuyện là họ phải tìm ra bằng chứng thứ hai rằng nó không có, họ mới bác được. Chứng cứ gồm có hai: chứng cứ có và chứng cứ không. Ví dụ, mình không biết gì về vi trùng, mình không thấy, nhưng mình không thể nói nó không có. HIV, AIDS mình đâu có thấy đâu.

Toàn chương chỉ có hai nội dung:

1/ Do chấp ngã coi trọng hình hài và tâm linh của thân xác này mà dẫn đến vô số nhận thức sai lệch trong đời sống: củng cố, bao biện, kiếm tìm, xác định một cái tôi ngay trong tâm hồn thiện ác buồn vui liên tục sanh diệt, ngay trong tấm thân liên tục thay đổi sẵn sàng già chết này. Do có nhân thiện và bất thiện mới tạo ra tâm đầu thai. Tâm đầu thai đó xảy ra lúc nào tùy thuộc vào việc thiện và bất thiện đó; có khi có kết quả ngay trong đời sống này hoặc qua các kiếp sau.

2/ Không hề có cái gì là một đi từ điểm A qua điểm B, từ thời điểm này qua thời điểm khác. Không có cái gì không cần đến sự cộng ghép của những thứ khác mà có được. Vì vậy một hành giả, một người học đạo biết rõ những điều này thì không còn tha thiết trong chuyện kiếm tìm cái tôi nào nữa.

Quí vị sẽ thắc mắc không biết tôi có tin điều tôi nói và dựa vào đâu; xin thưa rằng, tôi không phải là hành giả nhưng tôi để ý bằng kinh nghiệm bản thân tôi: không có gì trên đời này mà đứng yên, tất cả là một sự đắp đổi. Tôi tin quí vị ở đây dầu ít dầu nhiều cũng phải đồng ý không có gì không vô thường, không có gì đứng yên mà tồn tại. Một đứa bé trong bụng mẹ, tháng thứ hai thứ ba so với tháng đầu tiên là đã khác rồi. Lọt lòng mẹ ít lâu, có tóc, da dẻ sẫm màu, mọc răng, biết đi biết chạy, biết nói biết suy nghĩ, rồi đến trung niên lão niên là phải liên tục thay đổi như vậy. 

Theo trong kinh, có hai loại vô thường: vici và avici nghĩa là thấy được và không thấy được (visible, invisible). Một viên kim cương để hoài, không biết nó sẽ hư bằng cách nào nhưng chắc chắn nó sẽ hư. Nó có thể bị tác động bởi một ngoại lực nào đó. Ở cái gì có vẻ chắc chắn nhất, không thể hình dung được việc nó tự hủy, thì ít nhất ta cũng nên nghĩ đến việc nó bị hủy vì ngoại lực. Cách đây không lâu tôi có đọc một bài báo: liệu một trăm ngàn năm nữa thì dấu vết của nền văn minh rực rỡ hôm nay sẽ lưu dấu lại bằng thứ gì. Người ta nói, có lẽ những viên kim cương hôm nay mình mài, những cái gì bằng titan, hoặc platin thì có thể tồn tại trăm ngàn năm nữa, chớ còn thau, kẽm, thiếc, gốm thì sẽ bị tiêu hủy bởi ngoại lực. Không có gì trên đời này bất khả xâm phạm. Tất cả đều có khả năng bị hủy diệt, khả năng đó tiềm ẩn ngay trong sự hiện hữu của từng thứ trong cuộc đời này.

Còn chấp ngã trong danh sắc, năm uẩn, thân tâm này mà chúng sinh tìm đến vô số tà kiến. Những thứ tà kiến trong bài kinh này chỉ là cách kể tượng trưng thông qua những nhận thức sai lầm đang rất phổ biến thời đó, lúc Đức Thế Tôn thuyết kinh này, chớ không phải là tất cả những hiểu lầm của chúng ta, bởi vì khi còn là phàm thì mỗi người có một cách suy tư về vạn vật quanh mình. Ví dụ, nói đến sở thích ăn canh chua, có người thích nấu chua với me tươi, có người thích me chín, có người thích nấu chua với khóm, có người thích canh chua chay, có người thích canh chua hải sản… Chỉ riêng nồi canh chua mà đã có muôn vạn lối nói chi là nhận thức của mình về vũ trụ, về trời đất bao la, về một cái tôi mơ hồ nào đó. 

Hãy cẩn thận, ngày xưa khi chưa biết đạo, mình chấp đây là chồng tôi, vợ tôi, quyền lực, danh vọng, chức tước, quan hệ xã hội của tôi… Bây giờ khi mình biết đạo rồi, thấy cái gì cũng vô ngã vô thường, hình sương bóng khói, bong bóng nước… Nhưng có một điều, coi chừng, mình quán sát năm uẩn từ góc độ tôi đang nhìn, không có ai tu thiền quán được như tôi, không có ai hiểu lý vô ngã, duyên sinh như tôi. Quí vị chắc còn nhớ câu chuyện một anh họa sĩ lên cơn điên, đập phá tan tành tất cả mọi thứ từ canvas, cọ màu, tranh ảnh, cửa sổ, bóng đèn, nhưng có một thứ không thể nào đập nát được, đó là cái búa. Coi chừng có một ngày, cái gì mình cũng thấy là vô ngã, vô thường, là hình sương bóng khói, nhưng có một cái mình thấy nó còn lại với mình, đó là trí tuệ của mình, giới hạnh của mình, thiền định của mình, tôi có tam học, tam học của tôi. “Kẻ phàm phu quán chiếu tam học qua cái tự ngã, thấy tự ngã trong cái tam học, Ta nói rằng kẻ ấy không thấy được tam học vì kẻ ấy chưa biết tam học thật ra là cái gì”.

Tôi nói bà con nghe một chuyện rất là thú vị, chuyện này xảy ra mấy năm rồi, nhưng cách đây mấy hôm lại lặp lại. Tôi từ Đức về Thụy Sĩ, tôi đi ra chợ trời, có mấy món đồ electronic, devices rẻ lắm. Ở Thụy Sĩ những cái adapter mua trong tiệm đàng hoàng 10, 15 đồng nhưng trong chợ trời hốt nguyên rổ chỉ có 5 đồng bạc. Đó là lý do tại sao thỉnh thoảng tôi hay lê gót phong trần viếng chợ trời. Đi lang thang cho đã, quên coi giờ, đến lúc coi đồng hồ thì… Chết rồi! Bây giờ mình phải đi chuyến tàu nào để về tới biên giới, ở đó có chuyến bus mấy giờ để lên núi. Giờ này trời lạnh lết lên đến đó là bở hơi tai. Thế là tôi chạy đôn chạy đáo, kéo cái xe có mấy cái nồi nặng muốn chết luôn. Nếu chạy thì khỏe rồi, mà mình là ông sư y áo mà chạy thì kỳ, sẽ làm hỏng đi cái đại thể của ông thầy chùa. Phải giữ nết! Mồ hôi mồ kê cuối cùng cũng lấy được cái vé. Lấy được cái vé xong xuôi, lên tàu vất va vất vưởng ngồi thở. Đâu có ai soát vé đâu. Thứ nhất, đạo đức và giáo dục không cho phép mình đi tàu lậu. Thứ hai, nói về mặt pháp luật, mình không mua mà soát vé thì phạt gấp đôi và mình sẽ có bad credit. Vì vậy phải chạy đôn chạy đáo rồi cuối cùng cầm được vô tay thì nó là một tờ giấy lộn không có giá trị gì hết cho đến lúc mình xuống tàu. Đến khi xuống tàu nhìn nó: vì anh mà hồi nãy ta muốn lên máu, muốn sụm chân, muốn bể phổi, muốn hụt hơi, bây giờ anh nằm trong túi, móc anh ra, anh nhìn tui anh cười thế này, sao anh giống nhiều thứ trong đời quá vậy, thưa đại ca! 

Có rất nhiều thứ mình chạy đôn chạy đáo kiếm tìm nó, để rồi sau khi sở hữu được nó không mấy khi có dịp xài hoặc chỉ xài trong một thời điểm nào đó xong rồi giá trị của nó không còn nữa. Trong kinh nói, mọi thứ chỉ là bè cỏ sang sông. Qua sông rồi người thông minh không ai tiếp tục vác tấm bè đó đi nữa. Cũng vậy, hôm nay trong thế giới hiện tại này chúng ta còn có thêm một ví dụ nữa, đó là tấm vé số chưa dò và tấm vé tàu chưa đi. Tấm vé số chưa dò thì giá trị lắm. VN có câu danh ngôn rất thời thượng, rất xã hội, rất bụi đời nhưng cũng rất chính xác: Trước bốn giờ chưa biết ai hơn ai (4 giờ chiều là giờ xổ số ở VN). Đời sống này, nói năm uẩn là ‘tôi’, là ‘của tôi’ chứ thật ra mỗi kiếp chỉ là một chặng tàu. Những thứ mình nỗ lực được chỉ là tấm vé số chưa dò, tờ vé xe chưa đi. Không gì vô duyên cho bằng sau mỗi chuyến đi trở về nhìn cái boarding pass. Có những chuyến đi mà khi trở về nhìn cái boarding pass thấy ngậm ngùi tiếc nhớ lắm, và có những chuyến đi mà mình mong đừng bao giờ quay lại chốn quỷ quái đó nữa.

Tôi đã nói xong nội dung của toàn chương Tương Ưng Kiến. Từng chi tiết một của các thứ tà kiến này thì bà con có thể xem thêm Kinh Phạm Võng, Trường Bộ Kinh.
______________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.