PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (g)
C. Năm Mươi Kinh Sau
II. Phẩm Thuyết Pháp
III. Vị Thuyết Pháp (Tập 3, Ðại 2,5c) (S.iii,163)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) Sau khi ngồi xuống, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Vị thuyết pháp, vị thuyết pháp", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, được gọi là vị thuyết pháp?
4) -- Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu Tỷ-kheo đi vào thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp tùy pháp. Nếu Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc, được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại.
5-7) Nếu Tỷ-kheo đối với thọ... Nếu Tỷ-kheo đối với tưởng... Nếu Tỷ-kheo đối với các hành...
8) Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu Tỷ-kheo đi vào thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp tùy pháp. Nếu Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức, được giải thoát không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại.
IV. Vị Thuyết Pháp (S.iii,164)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Vị thuyết pháp, vị thuyết pháp", bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là vị thuyết pháp? Cho đến như thế nào, được gọi là vị thực hành pháp tùy pháp? Cho đến như thế nào, được gọi là vị đã đạt đến Niết-bàn ngay trong hiện tại?
3-4) -- Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu Tỷ-kheo đi vào thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp tùy pháp. Nếu Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc, được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại.
5-7) Nếu Tỷ-kheo đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành...
8) Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu Tỷ-kheo đi vào thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp tùy pháp. Nếu Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức, được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Thuyết Pháp
PHÁP SƯ (Dhammakathikasutta)
Ở đây, có người đến hỏi Đức Phật: Bạch Thế Tôn hiện giờ trong tăng chúng có những vị được gọi là Pháp Sư, vậy con phải hiểu thế nào cho chính xác từ ngữ ‘Pháp sư’. Ngài trả lời: Pháp sư phải là người có khả năng thuyết giảng cho người ta thấy rõ năm uẩn là gì; thấy được vị ngọt, sự nguy hiểm, sự giải thoát, xả ly lìa bỏ năm uẩn. Dù cho có thuộc lòng hay không thuộc lòng Tam tạng, vị Pháp sư phải chú mục vào việc phải nói làm sao cho người ta nhàm chán, lìa bỏ, kinh cảm, sợ hãi sự có mặt của năm uẩn. Vị Pháp sư như vậy mới gọi là khó kiếm. Còn nói cho người ta vui, người ta cười, người ta thích, mến mình, để cho mình có danh có lợi thì không phải là pháp sư.
Trong kinh Đức Phật dạy, có những hạng người khó kiếm:
– Sự ra đời của một vị Chánh Đẳng Chánh Giác.
– Người biết tri ân báo ân.
– Người thuyết giảng chánh pháp nhắm đến giải thoát, nhắm đến sự buông bỏ.
Hồi nhỏ thật sự tôi không biết là người có lòng tri ân khó kiếm, sau này già lăn lóc trong cuộc đời dâu biển, tôi mới hiểu người có lòng tri ân không có nhiều. Tôi, đã từng đối xử với họ hết lòng hết tình, hướng dẫn cho họ chánh kiến, cuối cùng thì họ không một chút cảm kích mà tôi biết rằng những hướng dẫn của tôi trong những ngày tháng đó đã thay đổi họ rất nhiều. Cuối cùng họ coi như chuyện bình thường, tôi không cần sự báo đáp nhưng nản vì thấy lòng người lạ quá, hiện giờ họ đi theo thầy bà khác. May là tôi không cho tiền cho bạc họ, tôi chỉ dạy học trong mấy năm trời, vậy mà bây giờ đi theo thầy chủ trương mê tín. Chỉ chuyện nhỏ như vậy mà mình thấy người tri ân rất là khó kiếm.
Làm gì thì làm, ai giảng và giảng cái gì về Phật pháp, nội dung rốt ráo nhất phải là sự buông bỏ. Dù có giảng về chữ hiếu, pháp bố thí, giữ giới, thập thiện, thập ác… giảng gì cũng được, nhưng rốt ráo vẫn là nội dung buông bỏ. Nếu không có sự kinh cảm sợ hãi, nhàm chán đối với năm uẩn, đối với Tam giới, ngũ thú lục đạo thì cứ còn luân hồi. Còn có lòng thích thú thì còn đầu tư năm uẩn. Không có con đường giải thoát nào nằm ngoài sự nhàm chán sợ hãi đối với năm uẩn. Bây giờ đã là bảy giờ kém, xin hẹn lại bà con ngày thứ Hai. Xin hồi hướng phước giảng kinh này cho Sư Trưởng, mong là Sư sống vui sống khỏe, bà con trong room này cũng vậy, luôn được sự hỗ trợ tinh thần từ thầy bạn và của hàng khuất mày khuất mặt, khi dễ duôi thì họ cho mình thấy cái này cái kia và khi mình gặp khó thì họ hỗ trợ cho mình ít nhiều.
_____________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét