PHẦN CHÁNH KINH
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (g)
C. Năm Mươi Kinh Sau
I. Phẩm Biên
IV. Sở Biến Tri (Tạp 3, Ðại 2,19a) (S.iii,159)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông các pháp cần phải biến tri, sự biến tri và con người đã biến tri. Hãy lắng nghe.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp cần phải biến tri? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp cần phải biến tri. Thọ... tưởng... các hành... thức là pháp cần phải biến tri. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các pháp cần phải biến tri.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự biến tri? Sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sự biến tri.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con người đã biến tri? Cần phải trả lời là bậc A-la-hán. Bậc Tôn giả này, với tên như vậy, với dòng họ như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con người đã biến tri.
PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)
KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn
Phẩm Biên
SỞ BIẾN TRI (Pariññeyyasutta)
Kinh Pariññeyyasutta: ‘Kinh nói về chuyện mình phải hiểu’.
Theo tinh thần Phật pháp, có ba thứ dốt nát:
-Biết chuyện không đáng biết
-Không biết chuyện đáng biết
-Biết không tới nơi.
Mình khổ vì đầu mình chứa toàn rác, nùi giẻ. Chuyện mình cần biết cần thường xuyên quán chiếu là: sự có mặt của năm uẩn là Khổ, những thương thích là đầu tư khổ mới, những ghét sợ bôi đen hiện hữu mới. Đó là cái thường trực phải có trong đầu. Khổ thay, thời nay người nghe được kinh này và chấp nhận hành trì theo kinh này không còn nữa. Bài kinh này cần phải thường xuyên đọc tụng mỗi ngày.
Tôi sợ mấy bài kinh tán dương Đức Phật, năn nỉ chư thiên phù hộ sắc đẹp, sống lâu… Lẽ ra phải đọc những bài kinh suy tư thấm thía nhiều hơn như bài kinh này. Phải thường xuyên tâm niệm quán chiếu, bởi đây là sự thật rốt ráo, sự thật còn lại sau cùng trong cuộc đời phù du của mình. Chắc chắn sẽ có ngày quanh mình không còn ai hết, cái ngày mình đi vào quan tài nằm một mình, không ai vô nằm chung.
Ở Mỹ mà ra khỏi nhà rồi, có chuyện gì là đi luôn chớ không đem về nhà nữa. Giả định năm nay quí vị 50 tuổi, sống thêm 50 nữa là một trăm. Tưởng tượng ông cụ bà lão một trăm tuổi thì ra làm sao? Tôi có nhiều dịp đi vào nhà già bên Mỹ, sạch sẽ sang trọng cực kỳ, nhưng thật mỉa mai, một chậu hồng trong đó ai nhìn? Các cụ lờ đờ hết. Vừa rồi, suốt bốn ngày đêm tôi đi thăm bệnh một người quen tại Thụy Sĩ này, cũng nản lắm, bị stroke. Bây giờ khá rồi, theo lời kể thì buổi sáng con cháu đến chở đi công việc, gọi má ơi má, bà tỉnh bơ. Nếu nhằm mắt thiêm thiếp thì người ta còn đoán được, đàng này bà ngồi thẳng lưng, mở mắt trao tráo không trả lời. Con cháu ở chung mấy chục năm mà tưởng bà giận. Cuối cùng có một người quen bảo phải đi cấp cứu mới biết bả bị stroke. Có thương có mến cỡ nào, nằm liệt một chỗ thì chỉ chăm sóc vài tháng rồi thì có mùi tanh hôi, vì khó chăm sóc lắm. Đó là gia cảnh khá. Sẽ có một ngày, tuổi già là như vậy.
Vì vậy, bài kinh này Đức Phật dạy phải quán chiếu thường trực. Chữ ‘biến tri’ (biết) trong bài kinh này nghĩa là sự quán chiếu. Có những cái biết không đủ thay đổi con người chúng ta. Không phải có nghe qua, có hiểu được thì gọi là biết.
Ví dụ như, chuyện bố thí, nhiều người cứ tưởng là đem đi cho và nghĩ mình hiểu thế nào là bố thí. Xin thưa, chữ ‘bố thí’ này để hiểu tới nơi tới chốn phải nói mất một tuần, nói chi đến chuyện quán chiếu năm uẩn hay mài mòn phiền não.
Đừng bao giờ cho rằng cái biết của mình là top, là không cần bổ sung nữa. Là người Phật tử đừng bao giờ nghĩ đến chuyện tốt nhất mà phải nghĩ đến chuyện tốt hơn. Never best but better (Chỉ mong tốt hơn đừng mong tốt nhất). Đây là câu thần chú phải xăm lên trán. Hôm nay phải tốt hơn hôm qua, ngày mai phải tốt hơn hôm nay, tháng sau phải tốt hơn tháng trước… Tốt hơn ở đây có nghĩa là khả năng buông bỏ tốt hơn. Và, tinh thần tu học của PG là nhằm chấm dứt cái gì đó chứ không phải chứng đắc cái gì cả.
Có một bài kinh mình học rồi: “giống như người thợ, mỗi ngày mỗi ngày quan sát cán búa xem mòn đi bao nhiêu thì một vị tỳ kheo mỗi ngày phải quán sát xem thói hư tật xấu của mình mòn đi hết bao nhiêu.”[3] Đức Phật kêu gọi mình tu tập để lìa bỏ sự đam mê chấp trước trong năm uẩn, lìa bỏ tham sân si phiền não, lìa bỏ ái nghi mạn kiến, chớ không phải tu để được cái này cái kia. Quí vị yên tâm, khi mà bỏ được thì tự động chứng đắc.
Có hai cách đi: làm sao tiến gần chỗ đến, hoặc làm sao lìa bỏ điểm xuất phát càng xa càng tốt. Khi tu tập nghĩ quá nhiều chỗ đến thì dễ sinh ngộ nhận, hoang tưởng, vì chưa đến mà cứ tưởng đã đến. Chỉ mong lìa bỏ phiền não, cách này không dẫn đến ngộ nhận, hoang tưởng. Cứ nghe mát lạnh, thoải mái, đầu óc sáng suốt bất ngờ là nghĩ mình đắc; tu hành không phải là vậy, mà hãy xem con người cũ của mình, bây giờ mình có bớt được nóng tánh, ghen tuông, đố kỵ, ham ăn, ham ngủ, lười biếng hay không. Chứ còn mong đắc này đắc kia thì khả năng hoang tưởng rất lớn.
_____________________________
Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ
Nhận xét
Đăng nhận xét