Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (23)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (23)

PHẦN CHÁNH KINH

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (f)

V. Phẩm Hoa

IV. Phân Bò (Tạp 10, Ðại 2,67c) (Trang 11, Ðại 1,496a) (Trang 34, Ðại 1,645a) (S.iii,143)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3-4) Sau khi ngồi, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, có thể có sắc nào, sắc ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy?

5-8) Bạch Thế Tôn, có thể có thọ nào... có thể có tưởng nào... có thể có các hành nào... có thể có thức nào, thức ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy?

9) -- Này Tỷ-kheo, không có sắc nào, sắc ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy.

10-13) Này Tỷ-kheo, không có thọ nào... không có tưởng nào... không có các hành nào... không có thức nào, thức ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy.

14) Rồi Thế Tôn lấy tay cầm lên một miếng phân bò và nói với Tỷ-kheo ấy:

15) -- Này Tỷ-kheo, cho đến được một ngã thể nhỏ như thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú.

16) Nếu được một ngã thể nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thưòng hằng, vĩnh trú, thời đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau không thể trình bày. Vì này Tỷ-kheo, cho đến được một ngã thể nhỏ bé như thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú; do vậy đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau có thể trình bày.

17) Thuở xưa, này Tỷ-kheo, Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh. Khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 đô thị, và đô thị Kusàvatì là bậc nhất.

18) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 cung điện, và cung điện Dhamma là bậc nhất.

19) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 trùng các, và trùng các Mahàvyuuha là bậc nhất.

20) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 sàng tọa làm bằng ngà, làm bằng lõi cây, làm bằng vàng, làm bằng bạc, trải bằng nệm len có lông dài, trải bằng chăn len trắng, trải bằng chăn len thêu bông, trải nệm bằng da con sơn dương gọi là kadali, có lầu che phía trên và có gối chân màu đỏ cả hai đầu.

21) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 con voi với những trang sức bằng vàng, với những cờ xí bằng vàng, bao bọc với những lưới bằng vàng, và voi chúa Uposatha là bậc nhất.

22) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 con ngựa với những trang sức bằng vàng, với những cờ xí bằng vàng, bao bọc với những lưới bằng vàng, và ngựa chúa Valàhaka là bậc nhất.

23) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 cỗ xe, với những trang sức bằng vàng, với những cờ xí bằng vàng, bao bọc với những lưới bằng vàng, và cỗ xe Vejayanta là bậc nhất.

24) Này Tỷ-kheo, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị đã làm lễ quán đảnh, Ta có 84.000 châu báu, và Ma-ni châu là bậc nhất.

25) Này Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 phụ nữ, và hoàng hậu Subhaddà là bậc nhất.

26) Này Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 chư hầu Sát-đế-lị, và Binh chủ báu là bậc nhất.

27) Này Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 con bò cái, với những dây thừng bằng vải đay mịn màng, và chậu sữa bằng bạc.

28) Này Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 áo bằng vải gai tinh tế, bằng vải lụa tinh tế, bằng vải len tinh tế, bằng vải bông tinh tế.

29) Này các Tỷ-kheo, khi Ta là... Ta có 84.000 dĩa bàn, và trên ấy các cơm sáng và cơm chiều được dọn lên.

30) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 đô thị ấy, đô thị Ta trú thời ấy là kinh đô Kusàvatì.

31) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 cung điện ấy, cung điện Ta trú thời ấy là cung điện Dhamma.

32) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 trùng các ấy, trùng các Ta trú là trùng các Mahàvyuuha.

33) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 sàng tọa ấy, sàng tọa Ta thọ dùng thời ấy là sàng tọa bằng ngà, hay bằng lõi cây, hay bằng vàng, hay bằng bạc.

34) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 con voi ấy, con voi Ta cưỡi thời ấy là voi chúa Uposatha.

35) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 con ngựa ấy, con ngựa Ta cưỡi thời ấy là ngựa chúa Valàhaka.

36) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 cỗ xe ấy, cỗ xe Ta cưỡi thời ấy là cỗ xe Vejayanta.

37) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 phụ nữ ấy, phụ nữ hầu hạ Ta thời ấy là Khattiyàni hay Velàmikà.

38) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 áo mặc ấy, đôi áo Ta mặc thời ấy, hoặc bằng vải gai tinh tế, hay bằng lụa tinh tế, hay bằng len tinh tế, hay bằng vải bông tinh tế.

39) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trong 84.000 dĩa bàn ấy, một dĩa bàn Ta dùng để ăn một phần (nàlika) cơm, còn dĩa bàn thứ hai, Ta dùng để ăn đồ ăn tương đương.

40) Như vậy, này các Tỷ-kheo, tất cả các hành ấy là thuộc quá khứ, đoạn diệt, biến hoại.

41) Như vậy vô thường, này các Tỷ-kheo, là các hành. Như vậy không thường hằng, này các Tỷ-kheo, là các hành. Như vậy không thường trú, này các Tỷ-kheo, là các hành.

42) Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để nhàm chán đối với tất cả hành, là vừa đủ để ly tham, là vừa đủ để giải thoát.

V. Ðầu Ngón Tay (Tăng 14, Ðại 2,617b) (S.iii,147)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) Sau khi ngồi, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

4) -- Bạch Thế Tôn, có thể có sắc nào là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy?

5) Bạch Thế Tôn, có thể có thọ nào...

6) Bạch Thế Tôn, có thể có tưởng nào...

7) Bạch Thế Tôn, có thể có các hành nào...

8) Bạch Thế Tôn, có thể có thức nào, thức ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy?

9) -- Này Tỷ-kheo, không có sắc nào, sắc ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy.

10-13) Này Tỷ-kheo, không có thọ nào... không có tưởng nào... không có các hành nào... không có thức nào, thức ấy lại thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú như vậy.

14) Rồi Thế Tôn lấy lên một ít đất trong đầu ngón tay và nói với Tỷ-kheo ấy:

15) -- Này Tỷ-kheo, cho đến một sắc nhỏ như thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú.

Nếu một sắc nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú, thời đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau không thể trình bày. Nhưng vì rằng, này Tỷ-kheo, cho đến một sắc nhỏ như thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú, do vậy, đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau có thể trình bày.

16) Cho đến một thọ nhỏ như thế này, này các Tỷ-kheo, cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn, thường hằng, vĩnh trú. Nếu thọ nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, là thường còn, thường hằng, thường trú... có thể trình bày.

17) Cho đến một tưởng...

18) Cho đến một hành...

19) Cho đến một thức nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú. Nếu một thức nhỏ như thế này, này Tỷ-kheo, là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú, thời đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau không thể trình bày. Nhưng vì rằng, này Tỷ-kheo, cho đến một thức nhỏ như thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú, do vậy đời sống Phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau có thể trình bày.

20) Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

21-22) Do vậy, thấy vậy... "... không có trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.

VI. Thanh Tịnh (hay Biển) (Tạp 18, Ðại 2,69c) (S.iii,149)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

4) -- Có một sắc nào, bạch Thế Tôn, sắc ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú không?

5-8) Có một thọ... tưởng... hành... thức nào, bạch Thế Tôn, thức ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú không?

9) -- Không có một sắc nào, này Tỷ-kheo, sắc ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú.

10-13) Không có một thọ... một tưởng... các hành... một thức nào, thức ấy là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú.

VII. Dây Thằng (Hay Dây Buộc) (Tạp 10, Ðại 2,69b) (S.iii,149)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân hồi này. Ðiểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.

4) Có thể có một thời, này các Tỷ kheo, biển lớn đi đến khô cạn, hoàn toàn đi đến khô kiệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.

5) Có thể có một thời, này các Tỷ-kheo, Sineru(Tu-di), Vua các núi, đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi!

6) Có thể có một thời, này các Tỷ-kheo, đại địa đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta không có tuyên bố rằng, có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển luân hồi!

7) Ví như, này các Tỷ-kheo, có con chó bị dây thằng trói chặt vào một cây cột hay cột trụ vững trắc, chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh cây cột ấy hay cột trụ ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu... không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã... quán thọ như là tự ngã... quán tưởng như là tự ngã... quán các hành như là tự ngã... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh thức. Vì rằng người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... người ấy chạy theo vòng theo, chạy tròn xung quanh thức; người ấy không giải thoát khỏi sắc, không giải thoát khỏi thọ, không giải thoát khỏi tưởng, không giải thoát khỏi các hành, không giải thoát khỏi thức, không giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta tuyên bố rằng: "Vị ấy không giải thoát khỏi khổ đau".

8) Nhưng bậc Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, được thấy các bậc Thánh... khéo tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã... không quán thọ... không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh thức. Vị ấy không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh thức. Vị ấy không chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... thức; do không chạy vòng theo, chạy vòng tròn xung quanh thức, vị ấy được giải thoát khỏi sắc, được giải thoát khỏi thọ, được giải thoát khỏi tưởng, được giải thoát khỏi các hành, được giải thoát khỏi thức, được giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói: "Vị ấy được giải thoát khỏi đau khổ".

VIII. Dây Thằng (Hay Dây Buộc) (Tạp 10, Ðại 2,69c) (S.iii,151)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân hồi này. Ðiểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.

4) Ví như, này các Tỷ-kheo, có con chó bị dây thằng trói chặt vào một cây cột trụ vững chắc. Nếu nó có đi, nó chỉ đi tới cây cột hay cột trụ ấy. Nếu nó đứng, nó chỉ đứng gần cây cột hay cột trụ ấy. Nếu nó ngồi, nó chỉ ngồi gần cây cột hay cột trụ ấy. Nếu nó nằm, nó chỉ nằm gần cây cột hay cột trụ ấy.

5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu quán sắc: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi", quán thọ... quán tưởng... quán các hành... quán thức: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi". Nếu người ấy có đi, người ấy chỉ đi tới năm thủ uẩn này. Nếu người ấy đứng, người ấy chỉ đứng gần năm thủ uẩn này. Nếu người ấy ngồi, người ấy chỉ ngồi gần năm thủ uẩn này. Nếu người ấy nằm, người ấy chỉ nằm gần năm thủ uẩn này.

6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: "Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si nhiễm ô. Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh".

7) Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy một bức họa gọi là danh họa không?

-- Thưa có, bạch Thế Tôn.

-- Này các Tỷ-kheo, bức danh họa ấy do tâm tư họa mà thành. Do vậy, này các Tỷ-kheo, tâm còn đa dạng hơn cả danh họa ấy.

8) Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: "Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si làm nhiễm ô. Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh".

9) Này các Tỷ-kheo, Ta không quán thấy một bộ loại nào khác lại đa dạng như tâm. Như các hữu tình thuộc loại bàng sanh; các hữu tình thuộc loại bàng sanh ấy, này các Tỷ-kheo, do tâm tư duy (mà thành). Do vậy, này các Tỷ-kheo, tâm ấy lại đa dạng hơn các hữu tình thuộc loại bàng sanh ấy.

10) Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: "Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si làm nhiễm ô. Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh".

11) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người thợ nhuộm hay một họa sĩ, nếu người ấy có thuốc nhuộm, hay lạc, hay nghệ, hay màu xanh, hay màu đỏ tía, hay một tấm gỗ khéo bào, hay một bức tường, hay một tấm vải. Người ấy có thể vẽ hình người đàn bà hay hình người đàn ông với đầy đủ tất cả chi tiết. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, liên tục làm cho hiện hữu sắc... thọ... tưởng... các hành... liên tục làm cho hiện hữu thức.

12) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?

-- Vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?

-- Vô thường, bạch Thế Tôn.

13-14) -- Do vậy, này các Tỷ-kheo... Thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Hoa

BỌT NƯỚC (tt)

Bà con hoan hỉ mở lại bài kinh tiếng Việt giùm. Trong bài kinh Bọt Nước đoạn 15, gồm có bảy đoạn kệ. Nhiều khi tôi nhắm tới nội dung chính của kinh trước, có những chi tiết mà tôi dành để nói sau nhưng lúc kết thúc buổi giảng thì lại quên luôn.

“Sắc ví với đống bọt,
Thọ ví bong bóng nước,
Tưởng ví ráng mặt trời,
Hành ví với cây chuối,
Thức ví với ảo thuật,
Ðấng bà con mặt trời,
Ðã thuyết giảng như vậy.”

Bài kệ số 2:

“Nếu như vậy chuyên chú,
Như lý chơn quán sát,
Như lý nhìn các pháp,
Hiện rõ tánh trống không.”

Nếu như đọc Kinh Tạng quen thì không có gì nhưng đọc không thường thì hơi tối nghĩa, đặc biệt là đoạn kệ thứ ba.

“Ðấng bà con mặt trời”, tiếng Pāḷi là ‘adiccabandhu’, một từ đồng nghĩa với chữ ‘Phật’ (Buddha). Trong văn hóa ngôn ngữ của Ấn Độ xưa, cũng có điểm giống với Tàu. Tôi không có nói là ai bắt chước ai. Mình thì lại giống Tàu. Trong tiếng Việt, để diễn đạt thân thế của một con người nhiều khi người ta dùng các khái niệm như: ‘thiên tử’ (vua) là con trời; hoặc ‘con ông cháu cha’, ‘gốc bự’, ‘gốc lớn’. Ấn Độ xưa cũng dùng cách nói như vậy khi mô tả nhân vật nào đó. Trong suy nghĩ dân gian của người Ấn xưa, mặt trời là thiên thể số một trong vũ trụ, và Đức Phật được xem là người có liên hệ số một. Cũng giống như người Nhật, họ cho rằng tổ tiên của họ là: ‘amaterasu’, nghĩa là “thái dương thần nữ”, từ đó lá cờ Nhật có mặt trời màu đỏ nằm trên nền trắng. Hoặc mình thì rất thích biểu tượng con rồng vì mình là ‘con rồng cháu tiên’.

Đoạn thứ ba là cơ hội để ta thấy xem kinh điển không thể y cứ 100% vào bản dịch của người khác, vì nếu như vậy, một là mình hiểu lầm, hai là mình không hiểu. Có hai trường phái: Trực dịch và Diễn dịch. Trực dịch là dịch từng chữ không bỏ sót, nghe rất kỳ. Ví dụ ở Mỹ có món hotdog. Món này không dính líu gì con chó hết. Món thứ hai là rootbeer. Chữ ‘beer’ này không dính líu gì món lave dân nhậu uống hết, mà là xá xị. Nếu dịch ra thành ‘bia gốc’ thì không đúng. Bên China có món ăn tên là “hòa thượng trèo tường”, người ta nói ngon đến mức ông tu sĩ trong chùa phải lén nhảy tường để đi ăn, nghe vậy đừng tưởng có tàu hủ nhang khói hay chùa miểu gì trong đó.

“3) Bắt đầu với thân này,
Bậc Ðại Tuệ thuyết giảng,
Ðoạn tận cả ba pháp,
Thấy sắc bị quăng bỏ.”

Đoạn 3 phải hiểu như thế này, Đức Phật dạy rằng phải quán xét năm uẩn, bắt đầu với cái thân. Mỗi người thấy mình là quan trọng, là cái gì đó trong trời đất vũ trụ, thật ra chỉ cần bỏ đi ba ‘thứ’ (‘dhamma’: thứ, món, vật) - ba thứ đó là: tuổi thọ, thân nhiệt, tâm thức thì không còn gì.

Ngài dạy phải quán tưởng năm uẩn, đầu tiên là Sắc uẩn và sắc uẩn trong trường hợp này là cái thân của mình, từ đó mới quán chiếu ra Sắc bên ngoài. Sắc uẩn ở đây chỉ cái thân của mình, chỉ cần mất đi ba thứ là không còn là gì hết. Mình thương cha mẹ con cái thân nhân của mình đến mức nào đi nữa, mới cách đây hai phút, mình còn ôm ấp trong tay, chỉ cần phát hiện ra họ đã tắt thở, thì dù chí thân chí ái cách mấy là mình đã bắt đầu ngại rồi. Chuyện ôm ấp như hồi nãy là ngại rồi. Nếu trong nhà chỉ có hai người, mà mới hai giờ sáng mình phát hiện ra người kia giờ chỉ còn là cái xác, thì mình tính sao đây. 

Tôi nhớ hoài một chuyện, chuyện cười mà cười không nổi. Một ngày kia có anh du khách lỡ đường xin qua đêm ở một căn nhà nông thôn hẻo lánh. Ông chủ nhà nói: nhà chỉ có ba phòng thôi, vợ chồng tôi một phòng, cậu vô ở một phòng nhưng nhớ tối là ở yên không đi đâu. Anh ta đồng ý, tối ngủ một giấc, sáng hôm sau thức dậy mới biết, nếu như người ta là anh ta gặp chuyện lớn rồi. Căn nhà đó có ba phòng, một phòng dành cho hai vợ chồng chủ nhà, phòng thứ hai của cô con gái, phòng thứ ba chứa đồ, kê cái ghế bố cho anh ta ngủ. Sáng hôm sau anh ta mới biết cô gái đã chết hôm trước, nhà hẻo lánh mà có lòng giúp người nên họ cho ta anh ngủ và chủ nhà không muốn anh ta phát hiện trong nhà có xác chết nên không nói, để sáng mai hẵng tính. Tôi đọc không cười nổi mà rùng mình. Khi một người đã chết rồi thì tình hình thay đổi hết trong khi cái chết rất đơn giản: thọ mạng chấm dứt, thân nhiệt không còn nữa và tâm thức lìa bỏ. 

Trong Phật pháp không có chuyện linh hồn lìa xác này rồi nhập vào chỗ nào đó để tiếp tục luân hồi. Một tâm thiện hoặc bất thiện xuất hiện lên thì sẽ âm thầm tạo ra tâm tái tục cho kiếp sau. Ngay bây giờ thì chưa có, nhưng khi đến lúc quả nghiệp chín muồi thì tâm đó sẽ có mặt để đi tái sanh về chỗ này chỗ kia. Ví dụ tôi là thằng ăn cướp, cả đời tôi chỉ sát nhân cướp của, không tu hành gì hết nhưng một thiện nghiệp nào đó từ rất xa xưa của tôi, tâm thiện đó tạo ra một quả tái sinh cho tôi, quả đó trổ lúc nào không biết. Ngay đêm nay tuổi thọ của tôi mãn, nhằm ngay lúc quả lành ngày xưa trổ, nên tuy một đời ăn cướp nhưng đêm nay sau khi tôi tắt thở, ngay lúc đó nghiệp nào của quả khứ chín muồi thì tôi sẽ ra đi tái sanh vào cảnh giới mới với sự tác động của nghiệp đó. Lúc đó có một tâm tái tục xuất hiện, nó chỉ tồn tại trong một sát na, đưa tôi tái sinh vào cõi nào đó, rồi nó biến mất. Tôi tiếp tục sống đời sống mới. Hoặc tôi tu cả đời trong sạch tinh tấn, nhưng nếu đêm nay tôi tắt thở nhằm lúc quả bất thiện nào đó trổ thì tôi sẽ ra đi với quả bất thiện đó và tái sinh vào cảnh giới thấp kém, đau khổ, sa đọa, bằng cái tâm tái tục bất thiện. Ở đây không có chuyện một cái tâm nào đó đi ra từ thân này giống như trong kinh Veda của Ấn Giáo mô tả, họ nhìn nhận có cái tôi, cái ta, cái linh hồn; chết rồi thì như con chim bỏ lồng cũ bay sang cái lồng mới.

“4) Thân bị quăng, vô tri,
Không thọ, sức nóng, thức,
Bị quăng đi, nó nằm,
Làm đồ ăn kẻ khác.”

‘parabhatta’: đồ ăn kẻ khác (food for others)

‘āyu’: thọ mạng, ‘usmā’: thân nhiệt, ‘viññāṇa’: thức

Khi mình còn sống, mình là ông này, bà nọ, cô kia, mình bỏ tiền ra làm tóc, làm móng, mua đồng hồ, nữ trang, áo quần, mắt kính v.v… nhưng khi chết rồi thì thân mình còn lại là một cục protein. Con người không ăn thịt người chớ mình cũng giống như con cá con tép vậy thôi, cũng là một ‘con thịt’ trong thiên nhiên như con này con kia. Vì mình còn sống trong xã hội nên có pháp luật bảo vệ chớ mình vô rừng thì cũng giống như con thỏ con sóc. Khi còn sống thì mình còn thấy mình ngon lành, nhưng khi mình chết thì thân mình cũng chỉ như là một miếng mồi cho biết bao nhiêu chúng sanh (trùn, dế) khác. 

Chính chú giải kinh này xác định tâm ta mỗi phút sanh diệt hàng triệu lần.

“ekaccharakkhane kotisatasahassasankha uppajjitva nirujjhati”: trong thời gian mỗi búng tay, tâm sinh diệt hàng triệu sát na.

‘parabhattam’: ‘làm thức ăn cho loài khác’. Chú giải giải thích: “kimiganadinam bhattam hutva”: làm thức ăn cho trùn dế và các loại khác. (‘kimi’: trùn, worm). Đọc kỹ ở đây mình mới thấy ớn, cái thân này khi còn sống mình lo lắng chăm chút cho nó, làm móng làm tóc; lo lắng sao da mình tối sao da mình trắng… tới hồi lăn đùng ra chết nếu không đem đi thiêu mà nằm trên mặt đất hoặc vùi sâu trong huyệt mộ thì chỉ là miếng mồi của trùn dế. Nhà giàu ngày xưa thì họ đổ nhựa thông vào quan tài để bảo vệ xác khỏi sự tấn công của côn trùng nên bảo quản được vài trăm năm, còn không thì thân mình chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, phần nào đất trở về đất, phần nào nước trở về nước, trong thời gian đó loài nào ăn được thì cứ ăn.

Danh uẩn sinh diệt chớp nhoáng, sắc uẩn thì chỉ nhờ vào yếu tố phù du mà tồn tại, sau đó trở thành miếng ăn cho loài khác. Hành giả quán chiếu như vậy. Điều này rất quan trọng. Hồi tối trước khi đi ngủ tôi nghĩ phải nhắc lại điều này, không thể không nhắc. Trong room này và những ai sau này nghe lại bài giảng này, hoặc những ai đọc đoạn kinh này, phẩm này chương này sẽ coi thường đoạn này. Họ sẽ thấy đoạn này không có gì hấp dẫn ly kỳ, nhưng quí vị nghe câu tôi sắp nói đây sẽ có người buồn, và sẽ có người vui: Người không có duyên lành Ba-la-mật gặp mấy bài kinh này sẽ chịu không nổi và thấy buồn chán lắm. Tại sao vậy? Nguyên phẩm này Ngài nói về quán chiếu năm uẩn, thấy không có gì đặc biệt ly kỳ hết. Tại sao nguyên chương này tẻ nhạt buồn bã? Bởi vì thế giới này vốn dĩ không có cái gì hấp dẫn ly kỳ như ta nghĩ, và tấm thân này cũng không có gì hấp dẫn ly kỳ như ta nghĩ nên khi nói về thế giới, khi nói về tấm thân này cũng không có gì hấp dẫn ly kỳ như ta nghĩ. 

Cố ý của Đức Thế Tôn khi giảng những điều này là để cho ta thấy rằng cái thương cái giận của mình chỉ là trò hề. Loạt kinh này chỉ cho ta thấy mọi thứ chỉ là trò hề. Mình làm lớn chuyện chớ ngay trong cái gọi là tôi, của tôi thì bản chất thật sự của nó chẳng là gì hết. Bằng cấp, quyền lực, chức vụ thật ra chỉ là năm uẩn, gom gọn lại là Sắc uẩn và Danh uẩn. Sắc uẩn chỉ tựa nương vào ba điều kiện phù du: thọ mạng, thân nhiệt và tâm thức. Không có ba thứ đó là thành xác chết. Danh uẩn là gồm kinh nghiệm, ký ức, cảm giác, khía cạnh thiện ác, những thứ này thì sanh diệt chớp nhoáng trong cái búng tay, xuất hiện rồi biến mất và để lại hậu quả cho đời sau kiếp khác.

Muốn đọc hiểu loạt kinh này nói riêng và trở thành hành giả tu tập Tứ Niệm Xứ, người nghiên cứu kinh điển nói chung thì điều kiện đầu tiên phải là thấy được rằng sự có mặt của thân tâm này là Khổ. Chỉ có sự nhận thức đó thì mới hiểu được Phật pháp sâu xa và hành trì tinh tấn được.

Muốn học Phật pháp, hành trì lời Phật cho đàng hoàng thì điều kiện đầu tiên là phải thấy rằng sự có mặt của thân tâm này rõ ràng là khổ, (chưa nói đến chuyện sanh ly tử biệt, nợ nần, tai nạn, oán thù, pháp luật, chiến tranh, đói khát, thiên tai…); để thấy được cái khổ đó chỉ có người sống tỉnh thức bằng chánh niệm, trí tuệ, quán chiếu thường trực thì mới thấy được thân tâm này thật sự là khổ. Một khi anh còn đến với đạo bằng tâm trạng rong chơi thì anh đừng nói với tôi là anh học giáo lý nghiêm túc, hành trì lời Phật nghiêm túc. 

Tôi, người đang hầu chuyện với quí vị, một thời tôi có suy nghĩ mình không thể mất thì giờ cho người tào lao (tò mò, rảnh rỗi, buồn buồn) đến tìm hiểu giáo lý, mà tôi có suy nghĩ là soạn ra 100 câu hỏi giáo lý theo kiểu ai đọc cũng hiểu không cần kiến thức từ ngữ chuyên môn rồi in thành tập mỏng mỏng, ai đến tôi không cần gặp mặt họ, rút tập câu hỏi đó và có cây bút chì chọn a, b, c, d, v.v… Người của tôi sẽ mang câu hỏi đó vào cho tôi và tôi chỉ cần liếc mắt xem vì sao họ chọn câu a, b, c, d đó, đừng hòng gạt tôi mà nói rằng chọn ngẫu nhiên. Tôi sẽ hỏi vì sao chọn d mà không chọn khác, ấm a ấm ớ là tôi thả chó đuổi đi chớ đừng có hòng tôi ngồi tôi dạy đạo. Nếu trả lời suông thì ok tôi sẽ dành thời giờ cho anh, tôi nuôi anh ăn một đời, tôi đi khất thực đội mưa đội nắng, tôi nuôi cơm cho anh tôi cũng đi. Còn anh trả lời ấm ớ thì tôi thả chó đuổi đi. Anh không thể nào học đạo vì sự tò mò tri thức, vì buồn quá, vì giận chồng, giận con… 

Phật pháp chỉ tác dụng đối với người nào thật sự thấy mình đang khổ. Người như tôi mong thì họ sẽ lựa những câu như tôi muốn. Cách đây vài tháng có vài người đề nghị tôi mở lớp dạy Pāḷi vì họ học tùm lum hết mà chưa có phê. Tôi nhớ có trả lời hai câu: Bữa trước học lớp sc Liễu Pháp nghe nói là học một tháng đọc được mà sao hôm nay chưa đọc được. Ngay cả tiếng ‘mọi’ cũng không thể nào học một tháng mà trao đổi được. Tôi hỏi vì sao quí vị sợ mất thời gian của mình mà không sợ mất thời gian của tôi. Hai là cho tôi danh sách ai là người học trong lớp để tôi quan sát xem tôi có thể dành bao nhiêu thời gian cho quí vị chớ không phải tôi ăn rỗi ở thì ngồi giảng cho quí vị ngáp ngắn ngáp dài mà tôi không thấy mặt mũi. Tôi nghe rất nhiều chuyện buồn về người VN bên Miến Điện, tu không giống ai hết trơn. Mình là con rồng cháu tiên mà tu không giống ai hết, lại thêm đỉnh cao trí tuệ nữa.

Những bài kinh này phải có tâm tình như thế nào đó mới học được, hồi tối trước khi đi ngủ tôi phải ghi cái ý này lại chớ không là quên: Phải thấy mình đang Khổ, và không thể quán chiếu năm uẩn, danh sắc, 12 xứ, 18 giới từ góc độ ‘tôi là’ (tôi thấy, tôi đang nghe, tôi đang bước đi, tôi đang buồn, tôi đang vui…) mà chỉ thấy rằng Sắc đang đi, Danh đang thiện, đang ác, đang buồn, đang vui. Buổi đầu không quen nhưng khi nào anh thấy sự có mặt của anh là khổ thì mới chấp nhận chuyện Đức Phật dạy quán chiếu 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới một cách khách quan. Nếu chưa thấy khổ, đừng học học đạo hành đạo đúng như lời Phật.

Bài kinh tiếp theo là kinh Phân Bò. Cũng y như vậy, nếu không có lòng sợ khổ thì học mấy bài kinh này chán chết. Đức Phật dùng hình ảnh rất đời thường, vật thể rất bé mọn; Ngài nhặt lên miếng phân bò khô và nói rằng: Này các tỳ kheo, trong trời đất vũ trụ bao la này với vô lượng chủng loại chúng sinh, mà tìm ra một chút vật chất, một chút hiện hữu, một chút tồn tại, một sự có mặt nhỏ bé như miếng phân bò này mà không bị vô thường còn không có nói chi là cái gì to tát lớn lao như gia đình, quốc gia, quyền lực, châu báu, nhà cửa. 

Ai có tiền cũng mong mình chết rồi thì được mồ yên mả đẹp, có người nghĩ chuyện ướp xác để tồn tại tới thiên thu, nhưng quí vị chịu khó quan sát lại quãng đời mình đã sống qua từ bé đến giờ, trừ lăng mộ của đế vương thì toàn bộ cái gọi là dân chúng có cái mồ mả nào tồn tại quá năm trăm năm mà còn được tiếp tục hương khói hay không? Tôi đọc báo mỗi ngày tôi biết, ở VN, mộ xưa mộ cổ gì đó chỉ cần ba bốn thế hệ thì con cháu đã làm lơ rồi. Cha của Nam Phương hoàng hậu, có cái mộ rất đẹp trên Đà Lạt, từ trước 1975 đã nhang tàn khói lạnh. Công tử Bạc Liêu ở miền Nam, ông Bạch thái Bưởi ở miền Bắc, ông Huyện Sĩ… mồ mả không còn gì hết, hoặc là bị đập phá, hoặc là nhang tàn khói lạnh.

Khi nghe những lời dạy này của Đức Thế Tôn, có người nghĩ, đây là chuyện tự nhiên và bỏ ngoài tai, có người nghe và sợ vì không còn chỗ dựa. Quí vị biết trong các thiên tai tôi sợ nhất loại nào không, đó là động đất. Bão lụt hay núi lửa, sóng thần còn tìm chỗ trốn chỗ chạy, chớ còn đất ở dưới chân nếu nó không chịu chứa mình nữa thì mình chạy đi đâu? Khi nghĩ mình còn sống lâu, còn trẻ khỏe thì mình còn nghĩ chuyện đối phó chuyện đời, buồn vui, bất trắc, nhưng bây giờ ngay tấm thân này có thể nảy sinh vấn đề bất cứ lúc nào, nếu nó có gì bất trắc bất ổn thì cái gì cũng kết thúc. Vì vậy Đức Phật mới dạy, cho dù sự hiện hữu nhỏ xíu của miếng phân bò cũng không có gì cốt lõi, trường tồn mà mọi thứ sẵn sàng đi vào sự băng hoại. Khi nghe như vậy thì có người làm lơ, có người sợ hãi nhưng có người cảm thấy an lạc vì họ buông được gánh nặng, vì từ trước đến giờ họ cứ nghĩ đây là tôi, đây là của tôi giờ họ thấy rằng mình chỉ là nắm cát, khi thấy mình đang khổ mà nghe thấy bản chất tấm thân này thì lại mừng.

Kinh Thanh Tịnh nội dung cũng vậy. Tiếp theo là bài kinh Dây Buộc (Dây Thằng). Bài kinh này thì quá nặng luôn.

KINH DÂY BUỘC (Gaddulasutta)

Nội dung gồm hai vấn đề:

– Núi và biển để tự nhiên cũng có lúc biến mất nhưng sự luân hồi của phàm phu không thể tự nhiên chấm dứt.

– Người còn chấp ngã đối với thân tâm (ngũ uẩn) thì giống như con chó bị cột vào đâu đó, làm gì cũng chỉ quẩn quanh ở đấy, không thoát ra được.

Trước đây mình thấy tình cảm gia đình, tiền bạc tài sản quyền lực là quan trọng, khi biết đạo rồi mình thấy những thứ đó là vớ vẩn. Khi chuyên tâm tu học thì thấy giới luật, thiền định, kiến thức, đức hạnh là quan trọng. Tuy nhiên, phải thấy rằng, tất cả những thứ đó có rồi cũng mất dù chỉ là thiện pháp, chúng chỉ là phương tiện để mình đi đến cứu cánh giải thoát chớ không phải là để cho mình nghĩ rằng ‘tôi’ bố thí, giữ giới, trí tuệ, thiền định hay hơn, nhiều hơn, tinh tấn hơn người khác. Nếu còn bị vướng kẹt trong năm uẩn thì xem như trước đây mình chấp những thứ tầm thường, giờ mình chấp sang những thứ khác, trong trường hợp này, Đức Phật nói rằng một người như vậy dù có đi đâu ra sao cũng quẩn quanh trong cái tôi và của tôi như một con chó dù có cào, cắn, sủa cũng chỉ quẩn quanh chỗ đó mà thôi.

Kinh Dây Thằng 2 cũng y như vậy, nhưng có thêm một nội dung nữa: Mọi sự ở đời do tâm mà ra, tâm thanh tịnh hay ô nhiễm. Chính do nhận thức (tâm) sai lầm mà kẻ phàm phu tiếp tục đầu tư năm uẩn cho kiếp khác, thay vì chấm dứt càng sớm càng tốt. Còn chấp năm uẩn thì còn có cơ hội sinh tử.

Trong Pháp Cú có ba câu kệ rất quan trọng: Khi nào quán chiếu thấy được các pháp hữu vi là vô thường, vô ngã, người ta sẽ nhàm chán trong đó, và nhờ nhàm chán mới có giải thoát (PC 277, 278, 279). Mọi sự có mặt ở đời là khổ, mọi sự có mặt là vô ngã, vô thường, hành giả thường xuyên quán chiếu như vậy thì không còn chán đời chán thân nữa mà là chán cái khổ. Khổ = thân tâm = hiện hữu; thân tâm này chính là khổ, khổ đồng nghĩa với sự hiện hữu. Người không phải hành giả thì thấy khổ là một phần của đời sống. Hành giả thì thấy bản thân đời sống là khổ chớ không phải là một phần nữa. Có ba khổ[1], và chỉ có người sống bằng chánh niệm, trí tuệ mới thấy được sự có mặt của năm uẩn trong từng phút là khổ, là đáng chán, đáng sợ.

Người VN, người Thái và người Miên có điểm giống nhau là mỗi ngày đọc kinh Phật, đọc lễ bái tán dương Tam Bảo, cầu nguyện cho mình được sắc đẹp giàu sang, mong chư thiên hộ trì tùm lum. Nhưng người Miến Điện thì không, mỗi ngày thường xuyên tụng đọc câu kinh quan trọng có ý nghĩa trực tiếp cho chuyện tu học của mình. Những kinh tụng niệm công phu sáng chiều của mình phần lớn toàn là lễ bái Tam Bảo, cầu xin chư thiên, Tam Bảo gia hộ, không phải nằm trong chánh tạng. Trong khi ba bài kệ (PC 277, 278, 279) hồi nãy tôi đề nghị là ba bài rất quan trọng, quan trọng đến mức ngài Buddhaghosa lấy ba bài đó làm nội dung cho Thanh Tịnh Đạo. Phật pháp chỉ nằm gọn trong đó thôi, rất là sâu, sâu không dò tới đáy luôn.
________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.