Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (22)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (22)

PHẦN CHÁNH KINH

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (f)

V. Phẩm Hoa

III. Bọt Nước (Tạp 10, Ðại 2,86b) (S.iii,114)

1) Một thời Thế Tôn ở Ayujjàya, trên bờ sông Hằng.

2) Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo...

3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt nước lớn. Có người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong đống bọt nước được?

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị Tỷ-kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong sắc được?

5) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong mùa thu, khi trời mưa những giọt mưa lớn, trên mặt nước, các bong bóng nước hiện ra rồi tan biến. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, bong bóng nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong bong bóng nước được?

6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát thọ ấy. Do Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, thọ ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong thọ được?

7) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong tháng cuối mùa hạ, vào đúng giữa trưa đứng bóng, một ráng mặt trời rung động hiện lên. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, nên ráng mặt trời ấy hiện rõ ra là trống không, rỗng không, không có lõi cứng... Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong ráng mặt trời được?

8) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có tưởng gì...

9) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người cần có lõi cây, tìm cầu lõi cây, đi tìm lõi cây, cầm cái búa sắc bén đi vào ngôi rừng. Ở đây, người ấy thấy một cụm cây chuối lớn, mọc thẳng, mới lớn, cao vút. Người ấy chặt rễ cây ấy. Sau khi chặt rễ, người ấy chặt ngọn. Sau khi chặt ngọn, người ấy lột vỏ chuối ngoài. Khi lột vỏ chuối ngoài, giác cây còn tìm không được, tìm đâu cho có được lõi cây?

10) Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy. Khi người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy, cụm chuối ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cây. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong cụm chuối được?

11) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm các hành gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát hành ấy. Khi người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, hành ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cây. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong các hành được?

12) Ví như, này các Tỷ-kheo, một ảo thuật sư hay đệ tử một ảo thuật sư, tại ngã tư đường bày trò ảo thuật. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát trò ảo thuật ấy. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, ảo thuật ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong ảo thuật được?

13) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại... hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát, thức ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cây. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong thức được?

14) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã giải thoát... không còn trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.

15) Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ sau khi nói như vậy, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

1) Sắc ví với đống bọt,
Thọ ví bong bóng nước,
Tưởng ví ráng mặt trời,
Hành ví với cây chuối,
Thức ví với ảo thuật,
Ðấng bà con mặt trời,
Ðã thuyết giảng như vậy.

2) Nếu như vậy chuyên chú,
Như lý chơn quán sát,
Như lý nhìn các pháp,
Hiện rõ tánh trống không.

3) Bắt đầu với thân này,
Bậc Ðại Tuệ thuyết giảng,
Ðoạn tận cả ba pháp,
Thấy sắc bị quăng bỏ.

4) Thân bị quăng, vô tri,
Không thọ, sức nóng, thức,
Bị quăng đi, nó nằm,
Làm đồ ăn kẻ khác.

5) Cái thân liên tục này,
Ảo sư, kẻ ngu nói,
Ðược gọi kẻ sát nhân,
Không tìm thấy lõi cây.

6) Hãy quán uẩn như vậy,
Vị Tỷ-kheo tinh cần,
Suốt cả đêm lẫn ngày,
Tỉnh giác, chánh tư niệm.

7) Hãy bỏ mọi kiết sử,
Làm chỗ mình nương tựa,
Sống như lửa cháy đầu,
Cầu chứng cảnh bất động.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Hoa

BỌT NƯỚC (Pheṇapiṇḍūpamasutta)

Sáng nay chúng ta học bài kinh Bọt Nước. Tôi sẽ ôn lại một ít vì chúng ta gián đoạn một thời gian quá lâu.

Toàn bộ thế giới này giống như một trái lựu. Trong trái lựu có nhiều hột, gọi là universe hay galaxy. Trong một universe hay galaxy hay một thế giới (world) gồm nhiều thế giới nhỏ trong đó với vô số chủng loại chúng sinh. Chỉ riêng trong thế giới loài người, có biết bao nhiêu là thứ rối rắm như văn hóa, nghệ thuật, chính trị, tôn giáo, khoa học v.v… Tất cả những chủng loại chúng sinh và bao nhiêu vấn đề trong đó gồm chung lại được gọi là một thế giới. Có vô lượng thế giới như vậy. 

Đức Phật giống hệt chư Phật ở chỗ là tìm nhiều cách để phân tích, giải thích cho mình biết cái gọi là thế giới đó dầu một hay vô lượng đều giống nhau ở điểm sau: Chúng sinh gồm Danh và Sắc tức là thân và tâm (tinh thần và thể xác). Có chỗ Đức Phật chia thế giới ra làm hai: danh và sắc. Có lúc Ngài chia thế giới ra làm năm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức như là bài kinh chúng ta đang học. Có lúc Ngài phân tích thế giới này thành 6: 6 trần, 6 căn, 6 thức; có lúc Ngài gom ba số 6 đó lại; căn, cảnh, thức gom thành 18 – tức 18 giới. 

Toàn bộ thế giới này từ sợi tóc, hạt cát, giọt nước cho đến đại dương, dãy núi Himalaya mấy ngàn kilomet cho đến mặt trăng mặt trời vô lượng chúng sinh, tất cả không nằm ngoài con số 18. Nghĩa là không có gì nằm ngoài cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp. Cảnh sắc là tất cả những gì có thể biết được bằng mắt. Tất cả tiếng động âm thanh, những gì nhận biết qua tai, qua thần kinh thính giác, gọi là cảnh thinh. Cảnh khí là tất cả những gì thuộc về mùi, dầu dễ ngửi hay khó ngửi. Cảnh vị là tất cả những gì có thể nhận biết qua thần kinh vị giác (đắng, chua, cay, ngọt, bùi, béo…). Cảnh xúc là tất cả những gì chỉ có thể nhận biết qua thần kinh xúc giác. Cảnh pháp là tất cả những gì cái đầu chúng ta có thể nghĩ tới, tư duy, suy tưởng, nhớ nhung… những gì diễn ra trong đầu, có thể biết được bằng tư tưởng chớ không thể nghe hay nhìn thấy được.

*Năm uẩn

Trong kinh này Đức Phật phân tích thế giới này ra năm phần:

Sắc uẩn là tất cả những gì thuộc vật chất, bao gồm năm giác quan vật chất (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và đối tượng của chúng:

– Mắt (thần kinh thị giác) và những gì mình thấy được.

– Tai (thần kinh thính giác) và những gì mình nghe được

– Mũi (thần kinh khứu giác) và những gì mình ngửi được

– Lưỡi (thần kinh vị giác) và tất cả những gì mình có thể nếm được

– Thân (thần kinh xúc giác)và tất cả những gì mình có thể biết được qua sờ chạm ví dụ nóng lạnh, mịn nhám…

Bốn uẩn sau được gọi chung là danh uẩn, gồm bốn khía cạnh làm nên cái gọi là tâm, thức, tinh thần:

Thọ uẩn: tất cả cảm giác (feeling).

Tưởng uẩn: tất cả kinh nghiệm

Hành uẩn: tất cả khía cạnh thiện ác trong tâm

Thức uẩn: 6 cái biết của lục thức trước 6 trần (6 cảnh)

Feeling là Thọ uẩn, còn emotion là gồm chung bốn danh uẩn. Thọ uẩn là cái gì đó rất máy móc. Ví dụ khi nghe thấy âm thanh, sờ chạm cái gì đó, cảm giác đầu tiên là dễ chịu hay khó chịu, vui hay buồn. Trong Thọ uẩn không có sự đánh giá, chỉ là cảm xúc. Chạm cục than là thấy nóng, đó là thọ uẩn. Còn khi biết đây là nồi nước sôi, cái biết này thuộc về Tưởng uẩn. Cái biết của mắt chỉ đơn giản là chụp hình, ghi nhận hình ảnh, màu sắc, ánh sáng… Phải nhờ Tưởng uẩn thì mới biết được đây là cái nồi, cái thau, cái đồng hồ, con dao v.v…. Tưởng uẩn là cái biết thuộc về kinh nghiệm. Tại sao mình biết vật đó hình tròn không phải hình vuông, không phải tam giác, là vì từ nhỏ mình được thầy cô, sách vở dạy như vậy, cái biết đó là Tưởng uẩn, nó diễn ra rất nhanh. Ví dụ quí vị và tôi đang ngồi trong phòng nghe có tiếng ồn ào bên ngoài. Cái biết của 6 căn chỉ đơn giản là nghe tiếng ồn. Quí vị bước ra ngoài và trở vô nói rằng: Hai thằng Tây đang cãi nhau bằng tiếng Pháp về chuyện nhà cửa gì đó. Thức uẩn chỉ cho mình nghe tiếng mà không biết tiếng gì, Tưởng uẩn cho mình biết đó là tiếng Pháp, và đang cãi nhau về nhà cửa. Phân tích thì như vậy nhưng Thọ, Tưởng, Hành, Thức có mặt cùng một lúc.

Ở đây có một chuyện vô cùng quan trọng, đó là tùy thuộc vào trình độ của chúng sinh mà Tưởng uẩn có sai biệt, khác biệt nhau. Chúng sinh có vô số chủng loại: noãn sanh, thấp hóa, chư thiên, Phạm thiên, Càn thát bà, bàng sanh, ngạ quỷ, A-tu-la… nhưng Đức Phật gom lại thành ba loại: Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới:

– Dục Giới: Những chúng sinh sống chết buồn vui trong năm cảnh dục, gọi là chúng sinh cõi Dục giới

– Sắc Giới: Hạng này chỉ có thể thấy và nghe, hình dáng tuyệt đẹp, sống bằng thiền định, chỉ có cái biết cảnh sắc cảnh thinh và cái biết của tâm. Những vị này không biết mùi, vị, mịn nhám… Không biết này không phải là do họ thiếu phước, mà vì trước đây họ muốn đắc Sơ thiền trở lên, lòng họ đã lìa bỏ đam mê trong cảnh Dục; chính vì sự lìa bỏ đó nên khi sanh về cõi Phạm thiên họ không có còn cần đến năm cảnh dục trong đời sống thường nhật nữa. Họ vẫn còn thân xác, còn có cảnh giới lâu đài, hoa viên.., có để có mà thôi chớ không phải để đam mê

-Vô Sắc Giới: chúng sinh cõi này nhàm chán hình danh sắc tướng. Họ đã đắc thiền Sắc giới rồi và chán, tu thiền Vô sắc, chết sanh về cõi Vô Sắc. Gọi là cõi cho có chớ họ không có hình tướng nên không có cõi.

Tưởng uẩn tùy thuộc vào cảnh giới mình đang có mặt và trình độ tâm linh của mình. Nếu là người cõi Dục thì suốt ngày chìm đắm trong Tưởng uẩn về năm dục. Năm căn vật chất của người cõi Dục giống y như năm con thú (chim chực bay về trời, chồn cáo chực chun về hang, cá có dịp thì về nước…). Nếu là hành giả sống chánh niệm thì sẽ thấy sáu căn của mình luôn trong tình trạng hướng tới ngoại cảnh. Đó là lý do vì sao chúng ta luôn sống phóng dật. Hành giả không đi tìm cảnh để thấy nghe nhìn ngửi, họ ghi nhận những gì đang xảy đến chớ không đi tìm. Albert Einstein có câu nói rất hay: Chỉ có tập trung tư tưởng mới làm việc được, không ai có thể cùng một lúc cưỡi hai con ngựa. Tưởng uẩn của chúng sinh phàm phu cõi Dục giới luôn làm việc ráo riết, cứ chờ đợi để lắng nghe, chờ đợi để nhìn thấy, để ngửi mùi gì đó. Ngôn ngữ, văn hóa, triết học, tôn giáo… đều là sản phẩm của Tưởng uẩn.

Hành uẩn là khía cạnh thiện ác trong tâm chúng sinh. Ví dụ, con mắt của tôi vừa chụp hình, nó chụp một hình ảnh, Tưởng uẩn cho tôi biết đó là cái iphone. Tưởng uẩn cho tôi biết đó là một công cụ để liên lạc bằng điện thoại và internet. Còn cái Thọ uẩn, là tôi vui hay bực mình khi nhìn thấy cái iphone đó. Hành uẩn là tôi thích hay khó chịu. Ví dụ tôi vừa mất một cái, giờ tôi nhìn tôi khó chịu đó là tâm sân, còn nhìn mà tôi thích thì đó là tâm tham. Dù tham hay sân thì lúc nào cũng có si đi chung. Hành uẩn lúc bấy giờ chính là tâm bất thiện. Còn nhãn thức chụp một cái hình, Tưởng uẩn báo cho tôi biết đây là hình Phật, lúc đó Thọ uẩn sẽ là dễ chịu hay khó chịu. Thọ ưu hay thọ hỷ, hay thọ xả (hững hờ). Khi nhìn hình Phật, tôi có thiện tâm, tôi biết đây là Bậc Đạo sư của mình – Người đã làm chuyện khó làm, đã cho cái khó cho, nhịn cái khó nhịn, đã chứng đắc được cái rất khó chứng đắc. Khi nghĩ vậy, Hành uẩn chính là lòng hoan hỷ của tôi. Thức uẩn chính là cái biết của con mắt, trong trường hợp này nó là tâm nhãn thức. Ngay trong lúc đó, Sắc uẩn là thần kinh thị giác, Thức uẩn là cái biết của thần kinh đó. Cảm giác dễ chịu hay khó chịu lúc đó là Thọ uẩn; Tưởng uẩn biết đây là hình Phật, là iphone; Hành uẩn là tâm thiện hay bất thiện lúc đó. Như vậy, ngay trong khoảnh khắc nhìn thấy hình Phật hay iphone thì đã có ngay năm uẩn rồi.

Trong bài kinh này Đức Phật xác nhận: Tất cả những gì thuộc về sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn; dầu thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai; ở xa hay ở gần; vi tế khó thấy hay thô thiển dễ thấy; đều giống như bọt nước. Bây giờ mình thấy nó như vậy nhưng một lát nữa nó sẽ khác đi. Có một điều thú vị là tiếng Pāḷi: ‘bubbula’, giống chữ ‘bubble’ trong tiếng Anh, đều có nghĩa là ‘bong bóng’. Tôi nghi ngờ trong thời gian người Anh ở Ấn Độ, họ có những vay mượn rất nhiều ngôn ngữ và tư tưởng của Ấn Độ nên có rất nhiều từ cơ hồ như vay mượn từ tiếng Sanskrit và Pāḷi.

Đức Thế Tôn đã dùng năm hình ảnh hư ảo để mô tả bản chất hư ảo của năm uẩn. Năm uẩn chính là những thành tố làm nên thế giới, mỗi uẩn đều vô thường hư ảo, vậy thì thế giới này chỉ là lâu đài cát, sóng biển xô một phát là tan. Các nhà khoa học cũng nhìn nhận rằng, trái đất cũng sẽ có lúc mất, mặt trời chỉ tồn tại năm tỷ năm nữa thôi. Còn chúng ta thì sống không quá trăm năm nhưng lại thích đi tìm cái gì đó lâu bền. Ai cũng biết cái gì rồi cũng phải mất, đó là cái biết mơ hồ của thế gian. Chỉ có hành giả Tứ Niệm Xứ thường xuyên sống chánh niệm mới có dịp thấy rõ tấm thân này của mình chỉ là một chuỗi ghép nối của hai thứ cảm giác và khó chịu. Tâm của ta cũng vậy, luôn luôn vô thường, thay đổi; quẩn quanh trong bốn trạng thái thiện ác buồn vui. Vui đời này là quả lành của thiện đời trước. Buồn đời này là quả của ác đời trước. Thiện đời này là nhân vui cho đời sau. Ác đời này là nhân khổ cho đời sau. Chỉ quẩn quanh trong nhân quả mà thôi.

Ai có niệm yếu thì ngoài việc sống tỉnh thức còn phải trau dồi định tâm để củng cố chánh niệm. Đó là lý do có câu kinh: Định năng sanh Tuệ. Chỉ có Niệm và Định tốt thì Tuệ mới phát sinh. Để thấy những điều vừa nói, thấy thân này chỉ gồm hai thứ khó chịu dễ chịu và để thấy tâm này chỉ gồm trong bốn thứ nhân quả (thiện, ác, buồn, vui) vừa nói, chỉ có chánh niệm mới là điều kiện cho trí tuệ nhận diện hai cái what is và how is.

Nội dung bài kinh này, Đức Phật xác định, Sắc uẩn dầu ở đâu đi nữa cũng chỉ là giống hệt bọt nước. Tất cả những cái biết, nhận thức, kinh nghiệm (tưởng uẩn) cũng chỉ là có đó rồi mất đó. Bao nhiêu người như GS Trần Văn Khê, GS Hoàng Xuân Hãn, hay là ông Bác Vật Lang, Albert Einstein, hay nay mai tới ông Stephen Hawking, những đầu óc kiệt xuất, kiến thức kinh hoàng như vậy, cuối cùng của thiên trả địa, trở về cát bụi, tái sinh vào cảnh giới khác và mọi thứ trở lại từ đầu. Đó chính là Sắc uẩn như bọt bước, Thọ uẩn như bong bóng, Tưởng uẩn như hoa nắng, đốm nắng trên mặt đường lộ giữa trưa nắng chang chang. Còn Hành uẩn thì Đức Phật ví như cây chuối, khi tháo lột từng lớp ra thì không còn gì là cây chuối nữa, cây chuối vốn không có thật, chỉ là những cái bẹ ghép lại. Ở đây Ngài muốn nói rằng đời sống nội tâm của mình nói chung và Hành uẩn nói riêng chỉ là sự lắp ráp mà thôi. Thức uẩn thì như trò ảo thuật ma mị, thấy vậy mà không phải vậy. 

Chữ ‘citta” (tâm) còn có nghĩa là ‘sự vẽ vời’ (painting). Vì vậy chữ ‘tâm’ trong tiếng Hán không đủ để dịch chữ ‘citta’ trong tiếng Pāḷi. ‘Citta’ vừa có nghĩa là mind, vừa là consciousness, knowing, spirit. Trong tiếng Tàu chỉ có chữ ‘tâm’ thì không đủ. Cùng ngồi trong một chỗ, nhưng người thì nghe mùi chiên xào nấu nướng vì tâm họ hướng về chuyện ăn uống, nhưng có người thì nghe một bản nhạc văng vẳng xa xăm, người thì nhìn phong cảnh non nước xa xa, do tâm lý khác nhau nên mỗi người có cảnh hướng khác nhau. Còn một anh nhiếp ảnh gia thì nhìn với tâm trạng não trạng khác với một anh họa sĩ, và một kẻ thất tình thì lại nhìn với tâm trạng khác. Thi sĩ nhìn phong cảnh sẽ nghĩ khác một thiền sư, cái tâm mình nó vẽ vời muôn hình vạn trạng. Vì vậy cái tâm ở đây còn gọi là Thức, Đức Phật nói đó chỉ là trò ảo hóa, nhà ảo thuật (magician) mà thôi. Học bài kinh này để thấy mình chỉ là cái gì đó tạm thời ráp nối mà thôi. Vì vậy trong kinh, mô tả thế giới này bằng ba ý niệm:

Parikappita # parikalpa: biến kế sở chấp, mặc ước, mặc định, conventional. Ví dụ ở nền văn hóa đó thì đẹp nhưng ở một xã hội, môi trường khác không thấy đẹp. Vào google gõ thử chữ ‘Africa fashion’ thì sẽ thấy trang phục của người da đen, đeo đầy vòng vàng, đó là họ thấy như vậy là đẹp, nhưng qua bên Âu Mỹ mà mặc vậy thì người ta không dám đi gần. Muốn tránh nắng tránh mưa thì cần cái nhà, có mái có nền, đó là giả định, giả lập

Paratantra: dựa vào cái khác mà có, lệ thuộc quan hệ. Nghĩa là được gọi là vợ, bởi vì có người là chồng; được gọi là mẹ bởi vì có con; được gọi là con bởi người ta nghĩ đến có cha và mẹ. Chữ ‘con’ này chỉ có khi người ta nhắc đến cha đến mẹ. Đó là trong thế giới con người. Còn trong thế giới vô tri, được gọi là xe vì nó được ráp nối bởi nhiều thứ.

Paticcasamuppada: y duyên sinh, y tương sinh. Nghĩa là do nhân quả mà có mặt. Cái gì cũng do nhân duyên mà có, tức là quả của cái gì đó, và chính nó cũng là nhân duyên để cái khác có mặt. Ví dụ, ông A làm ra cái bánh, cái bánh là quả của một tiếng đồng hồ làm việc. Cái bánh này cũng là điểm bắt đầu cho biết bao nhiêu chuyện, cái bánh đem bán có tiền, tiền dùng vào việc gì đó v.v….

Tại sao mình phải học cái này? Khi biết rằng mọi thứ đều do nhân duyên mà có, có rồi phải bị mất; biết rằng mọi thứ trên đời này có thể là quả của một nhân nào đó mà cũng là nhân của một sự kiện nào đó; từ cái biết này ta sống có trách nhiệm hơn và cái nhìn về cuộc đời cũng tỉnh táo hơn, bớt đam mê mà cũng bớt nặng lòng.

Tóm lại, toàn bộ thế giới chỉ gói gọn trong con số 5 mà từng thứ trong con số 5 đó chỉ là ảo hóa:

Sắc ví với đống bọt,
Thọ ví bong bóng nước,
Tưởng ví ráng mặt trời,
Hành ví với cây chuối,
Thức ví với ảo thuật,

Mỗi một uẩn, Đức Phật dùng ví dụ khác nhau, tuy nhiên, năm hình ảnh ví dụ trên đều có thể dùng cho 5 uẩn. Nội dung bài kinh này là “thấy vậy mà không phải vậy”. Đây là câu thần chú mà một người học đạo phải học thuộc lòng và phải xăm lên trán để mỗi lần soi gương nhìn thấy. Chỉ khi nào mình thành thánh thì mình mới thấy được bản chất thật sự, khi mình còn phàm dù giỏi Phật pháp cách mấy thì cũng hiểu Phật pháp theo lăng kính của một kẻ phàm phu. Dĩ nhiên có học vẫn tốt hơn không học. Kinh điển ví như cái bản đồ. Con đường mình thấy bên ngoài không hoàn toàn giống trong bản đồ. Tuy nhiên không có bản đồ thì không đi đến đích được. Lằn vạch trong bản đồ chỉ là gợi ý, đề nghị để chúng ta biết đi đâu về đâu. Hễ mình còn phàm thì phải nhớ ta đang dùng bản đồ, cái ta thấy chỉ là vạch mực trên bản đồ, dù không giống con đường thực tế ngoài đời nhưng không có nó là không được.

Một hành giả tu hành mà không biết câu thần chú “thấy vậy mà không phải vậy”, dễ bị mắc vào nhiều bi kịch nhân gian. Mới ngồi thiền ba mớ, thấy hỷ lạc, mát lạnh, dòm quanh thấy ai cũng là rác. Học giáo lý ba mớ nhìn ai cũng thấy người ta dốt. Ngồi thiền giữ giới ba mớ nhìn ai cũng thấy họ tầm thường. Phải nhớ mình tu cách mấy, học cách mấy cũng chỉ là bệnh nhân đang uống thuốc trị bệnh phiền não. Không ai đi khoe mình đang uống thuốc trị ung thư kỳ cuối. Hành giả tu Tứ Niệm Xứ chỉ là ‘Chemotherapy’ (hóa, xạ trị trong bệnh ung thư) mà thôi chớ không có gì để tự đắc, tự hào, tự mãn, tự tôn tự đại cả. 

Bài kinh sau Đức Phật nói điều này rõ lắm, Ngài nói con chó cột vào chỗ nào đó dù có cào cắn, có quào sủa cách mấy cũng quẩn quanh chỗ bị trói; chúng sinh phàm phu khi không hiểu bản chất của năm uẩn thì có làm gì, đi đâu về đâu cũng quẩn quanh trong cái ‘tôi’ và ‘của tôi’. Dù họ có Giới, có Định, có Tuệ họ vẫn nghĩ Giới của tôi, Định của tôi, Tuệ của tôi. Hạng cao thì “đây là tri kiến Phật pháp của tôi”, “đây là thần thông thiền định của tôi”; hạng thấp thì “đây là nhà tôi”, “đây là tài sản của tôi”, “đây là danh vọng chức tước, quyền lực của tôi”. Khá hơn là buông hết thì lại suy nghĩ: “tôi đang tu hạnh buông bỏ”, “ở đây không ai tu hạnh buông bỏ tốt bằng tôi”, “không ai hiểu được lý vô ngã bằng tôi”, “không ai hiểu được lý duyên khởi bằng tôi”… Y hệt như con chó bị trói trong gốc cột, không thể ra khỏi cái cột đó. 

Ngoài đời, một cậu học sinh kiêu ngạo mà học giỏi vẫn lên trung học, lên đại học, lấy bằng tiến sĩ. Nhưng trong đạo mà kiêu ngạo thì một là đứng yên hai là tụt xuống. Một người đắc Sơ thiền muốn lên Nhị thiền thì phải chán Sơ thiền đang có, thấy Sơ thiền đó là vớ vẩn, phải bỏ lại sau lưng. Một vị Sơ quả là phải thấy rằng mình cần phải đi lên nữa, cái khổ chưa thật sự chấm dứt, còn có chỗ để đi nữa, vị đó mới lên được Nhị quả. Còn giả sử nếu thấy thỏa mãn thì không biết kiếp nào mới lên tầng hai được. Trong đường tâm linh mà ôm chỗ nào sẽ kẹt cứng chỗ đó. Đây chính là lý do vì sao trong bài kinh này Đức Phật đã cho chúng ta thấy đã là năm uẩn thì sẽ phù du hư ảo như là bong bóng, bọt nước, như là cây chuối.
_____________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.