Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (17)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (17)

PHẦN CHÁNH KINH

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (e)

IV. Phẩm Trưởng Lão

I. Ananda (Tạp 10, Ðại 2,66a) (S.iii,105)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Tôn giả Ananda ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika.

2) Ở đây, Tôn giả Ananda gọi các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo.

-- Thưa vâng, Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda nói như sau:

3) -- Chư Hiền giả, Tôn giả Punna Mantaniputta, lúc chúng ta mới tu học, đã giúp đỡ chúng ta nhiều. Vị ấy giáo giới chúng ta với lời giáo giới này: Này Hiền giả Ananda, do chấp thủ, khởi lên (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ.

4) Do chấp thủ gì, khởi lên (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ. Do chấp thủ sắc, khởi lên (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ. Do chấp thủ thọ... tưởng... các hành... Do chấp thủ thức, khởi lên (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ.

5) Này Hiền giả Ananda, ví như một người đàn bà hay người đàn ông, hay người trẻ tuổi, ưa thích trang điểm, ngắm bóng mặt của mình trong một tấm gương sạch sẽ, trong sáng, hay trong một bát nước trong, thấy được do duyên chấp thủ, không phải không chấp thủ. Cũng vậy, này Hiền giả Ananda, do chấp thủ sắc, nên có (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ. Do chấp thủ thọ... tưởng... các hành... do chấp thủ thức, nên có (tư tưởng) "Tôi là", không phải không chấp thủ.

6) Hiền giả Ananda, Hiền giả nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, Hiền giả.

7-10) -- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, Hiền giả.

11-12) -- Do thấy vậy... vị ấy biết "...không còn trở lui trạng thái này nữa".

13) Chư Hiền giả, Tôn giả Punna Mantàniputta, khi chúng tôi mới tu học, đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Tôn giả ấy giảng cho chúng tôi lời giáo giới này. Sau khi nghe Tôn giả Punna Mantàniputta thuyết pháp, chúng tôi hoàn toàn chứng tri (Chánh) pháp.

II. Tissa (Tạp 10, Ðại 2,71a) (S.iii,106)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Tissa, cháu trai Thế Tôn, nói với một số đông Tỷ-kheo:

-- Này chư Hiền, thân ta như bị say vì vị ngọt (nặng nề và bại hoại). Ta không thấy rõ các phương hướng. Ta không phân biệt được các pháp. Thụy miên, hôn trầm xâm chiếm tâm ta và tồn tại. Ta sống Phạm hạnh không còn thoải mái, và ta nghi ngờ đối với các pháp.

3) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

4) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Tissa, cháu trai Thế Tôn, có nói với một số đông Tỷ-kheo: "Này chư Hiền, thân ta như bị say vì vị ngọt (nặng nề và bại hoại). Ta không thấy rõ các phương hướng. Ta không phân biệt được các pháp. Thụy miên, hôn trầm xâm chiếm tâm ta và tồn tại. Ta sống Phạm hạnh không còn thoải mái, và ta nghi ngờ đối với các pháp".

5) Rồi Thế Tôn gọi một Tỷ-kheo:

-- Ðến đây, này Tỷ-kheo! Hãy nhân danh Ta, gọi Tỷ-kheo Tissa: "Hiền giả Tissa, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả!"

6) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Tissa; sau khi đến, nói với Tôn giả Tissa:

-- Hiền giả Tissa! Bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả.

7) -- Thưa vâng, Hiền giả.

Tôn giả Tissa vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

8) Thế Tôn nói với Tôn giả Tissa đang ngồi một bên:

-- Có thật chăng, này Tissa, Ông đã nói như sau cho một số đông Tỷ-kheo: "Này chư Hiền, thân ta như bị say vì vị ngọt... và ta nghi ngờ đối với các pháp"?

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

9) -- Ông nghĩ thế nào, này Tissa? Ðối với người chưa ly tham, chưa ly dục, chưa ly ái, chưa ly khát, chưa ly nhiệt tình, chưa ly khát ái đối với sắc, thời khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

-- Thưa có, bạch Thế Tôn.

10-13) -- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa! Như người chưa ly tham đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... Như người chưa ly tham đối với các hành, thời khi các hành ấy biến hoại, đổi khác, có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

-- Thưa có, bạch Thế Tôn.

14) -- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa! Như người chưa ly tham đối với thức, người chưa ly tham, chưa ly dục, chưa ly ái, chưa ly khát, chưa ly nhiệt tình, chưa ly khát ái đối với thức, thời khi thức ấy biến hoại, đổi khác, có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

-- Thưa có, bạch Thế Tôn.

15) -- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa, đối với người chưa ly tham đối với thức.

16) Này Tissa, Ông nghĩ thế nào, đối với người đã ly tham, đã ly dục, đã ly ái, đã ly khát, đã ly khát ái, đã ly nhiệt tình, đã ly khát ái đối với sắc, thời khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, sầu, bi, khổ, ưu, não có khởi lên không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

17)-- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa, đối với người đã ly tham đối với sắc. Ðối với người đã ly tham, đã ly dục, đã ly ái, đã ly khát, đã ly khát ái, đã ly nhiệt tình, đã ly khát ái đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... Như người đã ly tham đối với các hành, người đã ly tham, đã ly dục, đã ly ái, đã ly khát, đã ly khát ái đối với thức, thời khi thức ấy biến hoại, đổi khác, sầu, bi, khổ, ưu, não có khởi lên không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

18) -- Lành thay, lành thay, này Tissa! Như vậy là phải, này Tissa, đối với người đã ly tham đối với thức.

19) Này Tissa, Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

20-23) -- Thọ... tưởng... các hành... thức là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

24-25) -- Do vậy... thấy vậy... "... không còn trở lui trạng thái này nữa". Vị ấy biết rõ như vậy.

26) Ví như, này Tissa, có hai người. Một người không giỏi về đường sá, một người giỏi về đường sá. Trong hai người ấy, người không giỏi về đường sá này hỏi người giỏi về đường sá kia về con đường. Người ấy trả lời: "Hãy đi, này Bạn, đây là con đường. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con đường ấy một thời gian, Bạn sẽ thấy con đường ấy chia làm hai. Ở đây, hãy bỏ con đường phía trái, và lấy con đường phía mặt. Rồi đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một khu rừng rậm. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một đầm nước lớn. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một vực nước sâu. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một khoảnh đất bằng khả ái!"

27) Ðây là ví dụ của Ta dùng, này Tissa, để nêu rõ ý nghĩa. Và ý nghĩa như sau:

28) Người không giỏi về đường sá, này Tissa, là ví cho kẻ phàm phu. Người giỏi về đường sá, này Tissa, là ví cho Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

29) Con đường chia làm hai, này Tissa, là ví cho trạng thái nghi hoặc. Con đường tay trái, này Tissa, là ví cho con đường tà đạo tám ngành, tức là tà tri kiến... tà định. Con đường tay mặt, này Tissa, là ví cho con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh định.

30) Khu rừng rậm, này Tissa, là ví cho vô minh. Các đầm nước thấp, này Tissa, là ví cho các dục. Vực nước sâu, này Tissa, là ví cho phẫn nộ, ưu não. Khoảnh đất bằng phẳng khả ái, này Tissa, là ví cho Niết-bàn.

31) Hãy hoan hỷ, này Tissa! Hãy hoan hỷ, này Tissa! Ta giáo giới (cho Ông), Ta giúp đỡ (cho Ông), Ta giảng dạy (cho Ông).

32) Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Tôn giả Tissa hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Trưởng Lão

ANANDA (Anandasutta)

Bài kinh này kể lại buổi nói chuyện của ngài Ānanda với chư tỳ kheo. Ngài kể rằng ngày xưa lúc ngài mới đi xuất gia. Bản dịch của HT Minh Châu:

“Chư Hiền giả, Tôn giả Punna Mantaniputta, lúc chúng ta mới tu học, đã giúp đỡ chúng ta nhiều.” Chữ “chúng ta” ở đây hơi khó chịu. Chữ ‘chúng ta’ này trong bản Pāḷi là ‘mayam’, nghĩa giống như ‘we’ trong tiếng Anh. Nghĩa là dịch ‘chúng tôi’ hay ‘chúng ta’ đều được hết. Ngài Ānanda kể chuyện của ngài (chúng tôi) chớ không phải kể chung đám đông ngồi trước mặt ngài.

Thân thế của ngài Punna Mantāṇiputta

Ngài Punna Mantāṇiputta là cháu trai gọi ngài Kiều Trần Như là cậu ruột. Ngài Kiều Trần Như là vị thầy tướng số trẻ tuổi nhất trong số 108 vị được vua Tịnh Phạn năm xưa mời vào cung để đoán tướng thái tử Tất Đạt. Lúc mang thai, hoàng hậu Maya nằm chiêm bao thấy con bạch tượng sáu ngà húc vào bên hông, sáng hôm sau hoàng hậu kể vua nghe và vua mời 108 vị thầy tướng số vào cung đoán giấc mộng đó là điềm gì. Về sau khi thái tử Tất Đạt ra đời thì vua lại mời 108 vị đó. Trong 108 vị đó thì cả thảy 107 vị Bà-la-môn đều nói hai dự đoán: nếu thái tử ở ngoài đời thì sẽ là một vị đại đế, nếu đi tu sẽ thành bậc đại giác. Riêng vị trẻ nhất là Koṇḍañña chỉ đưa một ngón tay khẳng định thái tử sẽ đi tu và thành Phật. Tuy trẻ nhất nhưng ít nhất cũng 16-18 tuổi. Về sau khi thái tử Tất Đạt bỏ ngôi đi tu thành Phật thì đã 35 tuổi, thì lúc đó ngài Koṇḍañña đã lớn tuổi, ba mươi lăm năm chờ đợi trong rừng sâu để gặp bậc đại giác.

Người chị ruột của ngài Koṇḍañña tên là Mantāṇi. Bà này có người con trai tên là Puṇṇa, vị này sau đó xuất gia chứng quả La-Hán và được Đức Phật tuyên dương là đệ nhất pháp sư.

Ngài Xá Lợi Phất tên là Upatissā Sāriputta, tức là Upatissā con của bà Sāri. Puṇṇa là con trai của bà Mantāṇi, gọi cho đủ là Puṇṇa Mantāṇiputta.

Ngài Puṇṇa Mantāṇiputta là đệ nhất pháp sư, người đã thuyết pháp cho ngài Ānanda về đề tài chúng ta đang thấy trong kinh. Lúc đó ngài Ānanda mới xuất gia, ngài Puṇṇa Mantāṇiputta dạy cho ngài Ānanda một điều: Chính vì chấp chặt vào khái niệm “tôi, của tôi” nên chúng sinh mới sinh tử trầm luân, mọi rắc rối từ đó mà ra.

Ngày xưa khi chưa biết đạo mình thấy: đây là vợ chồng của tôi, con cái tài sản xe cộ của tôi, đây là tài khoản, tiền bạc, danh tiếng quyền lực, chức vị của tôi, đây là quan hệ xã hội, tình cảm bạn bè láng giềng, chòm xóm của tôi v.v… Khi biết đạo rồi thì thấy tất thảy những thứ đó là đồ giả. Cái quan trọng là mình phải làm theo lời Phật, phải có giới, có định, có tuệ, có thất thánh sản, có những đức tánh giá trị tâm linh, có sự hàm dưỡng về tinh thần; còn những ngoại vật thì phù du như sương khói, có đó mất đó. Mình thấy bây giờ mình quá ngon lành, nếu đi xuất gia thì bên trong giới định, bên ngoài bát y, còn nếu mình là cư sĩ thì tuy lo cho gia đình nhưng mình cũng là người hiểu đạo rồi, biết vạn pháp là vô thường… mình biết rồi chứ không phải không biết. 

Tuy nhiên, ‘ai’ biết những cái đó đây? Tôi biết! Vấn đề là: Ai là người đã bỏ đi những suy nghĩ thế gian phàm tục? Ai là người đã hiểu đạo? Ai là người mỗi năm đều đi Miến Điện hành thiền? Ai là người mỗi tháng cúng dường chùa này chùa kia, hộ trì chư tăng tu học? Ai là người ủng hộ in kinh sách? Ai là người mà vắng mặt thì tăng ni đói chỏng gọng? Ai là người đóng vai trò một trong bốn thành viên tứ chúng của Đức Phật? Dạ tôi! Vấn đề là ở chữ “tôi” này. Ai đi tu thiền? Ai thấy hơi thở đi ra đi vào? Ai thấy đây tâm tham đang khởi lên, tâm sân đang khởi lên? Ai thấy cái này là vô ngã, vô thường? Cũng là tôi!

Phải có một ngày mình có khả năng làm được chuyện này: quan sát mọi thứ theo nhiều hướng khác nhau, ở trên nhìn xuống, ở dưới nhìn lên, ở trong nhìn ra, ở ngoài nhìn vào… Tiếng Mỹ có hai chữ: ‘subjective’và ‘objective’. Trong đạo có hai chữ: ‘ahankāra’: chấp cái tôi (I am) và ‘mamankāra’ chấp của tôi (my, mine). Mình quen nhiều đời nhiều kiếp, ngay trong kiếp sống này cũng vậy, từ trong nhìn ra, từ góc độ ‘tôi’, ‘của tôi’. Tôi đang nhìn, tôi đang thấy, tôi đang hiểu lý Duyên khởi, tôi bây giờ tốt hơn tôi ngày xưa, tốt hơn ông A, bà B… Từ góc độ đó không cách chi thấy được bốn Đế, không cách chi thấy được lý Duyên khởi, không cách chi thấy được lý Tam tướng, Danh sắc, ngũ uẩn vì mình cứ bị cột vào cái ‘tôi’ này. 

Cái mình cần thấy đây là sắc đây là danh chứ không phải bị cột vào ‘tôi thấy’. Có một thời ở VN, những người học Vi diệu pháp ở Siêu Lý bị mấy người không học ghét dữ lắm. Khi người ta không học, người ta khiêm tốn biết thân phận người ta dốt, nên dễ thương. Còn mấy người học Vi diệu pháp xong dòm ai cũng thấy người ta ngu hơn mình hết trơn. Đồng ý là mình có cái duyên, có cái phước nên mình mới học giáo lý nhiều hơn người ta nhưng cứ thấy người ta dốt hơn mình thì kẹt quá. Điều quan trọng rốt ráo nhất trong đạo Phật đó là bao nhiêu cái khổ đều đi ra từ khái niệm ‘tôi là, của tôi’. 

Ngày nào còn khái niệm ‘tôi là, của tôi’ thì dứt khoát lúc đó quí vị chưa là vị Tu-đà-hoàn, không chấm dứt được thân kiến, và như vậy thì dòng sinh tử sẽ “biền biệt sơn khê cố nhân đi bao giờ mới về”. Trong kinh gọi quả vị Tu-đà-hoàn bằng nhiều từ đồng nghĩa: Pháp nhãn (dhammacakkhu), tri kiến (dassana = view). Bởi vì, trong bốn tầng thánh, tầng thánh đầu tiên liên hệ đến cái nhìn. Eye (nhãn), view, đều ám chỉ cho cái thấy. Chuyện gì trên đời mà mình còn mù mờ thì dứt khoát mình không giải quyết dứt điểm được. Mọi thứ cần phải được bạch hóa (transparent) thì mới giải quyết được. Khi mình đi bác sĩ, bác sĩ muốn chữa bịnh cho mình thì phải biết tất cả những gì xảy ra trong cơ thể của mình chớ còn có cái điểm mù (blind spot) thì không giải quyết được gì hết; kỹ sư muốn sửa máy thì cũng phải thông suốt hết tất cả những gì bên trong cái máy. Sửa máy hay chữa bệnh cho con người thì không được có cái điểm mù nào hết, phải thông suốt hết thì mới giải quyết được. Ở đây cũng vậy, chuyện đầu tiên của cái gọi là quả vị thánh nhân là vị ấy phải thấy rõ rằng xưa nay mình nhầm. Ngay trong bài kệ đầu tiên mà bất cứ vị Phật nào khi thành đạo đều có cảm hứng giống nhau:

Lang thang bao kiếp luân hồi,
Tìm không gặp kẻ xây ngôi nhà này!
Ôi! Đời sống thật buồn thay!
Bèo mây bến cũ vần xoay lối về.

Hỡi này anh thợ nhà kia,
Rui mè kèo cột gãy lìa nát tan.
Bao tham ái thảy tiêu tàn,
Tâm ta thắng đạt, Niết Bàn thảnh thơi.”

Từ bao lâu cứ đi mãi đi hoài, hết đời này sang kiếp khác. Chữ ‘Saṅkhāra’ (pháp hành) từ động từ ‘Saṅkharoti’ (to build) nghĩa là ‘xây dựng’. Khi tôi thích nhìn cái đẹp, thích nghe tiếng hay, ngửi mùi thơm, chính cái thích đó là tôi đang ‘xây dựng’ năm căn vật chất cho đời sau. Hoặc khi thiền thấy khoái quá, nên ngay lúc tôi thích trong Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền là lúc tôi đang build, đang invesment cảnh giới Phạm thiên của tôi. Một ngày kia tôi chán thiền Sắc giới quá, tôi bèn lên tới thiền Vô sắc, Hư không Vô biên, Thức Vô biên, Vô Sở hữu, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, lúc tôi đang chìm đắm đam mê trong đó nghĩa là đang xây dựng đầu tư cho ngôi nhà Vô Sắc giới, đầu tư cho cảnh Vô Sắc giới.

‘Saṅkharoti’: to build’, ‘saṅkhāra’: building. Ở tầng thánh đầu tiên, vị thánh thấy thì ra xưa nay mình lầm, cứ lo đi đào hang để làm chuột, xây tổ để làm chim, cất nhà để làm người. Bây giờ không còn làm chuyện đó nữa bởi còn có chỗ về thì mình sẽ về, còn có chỗ đi thì mình sẽ còn đi. Khi thấy là mình bị nhầm thì vị đó lập tức lìa bỏ cái gọi là thân kiến. Kể từ lúc lìa bỏ thân kiến, không còn thấy đây là sắc uẩn của tôi, thọ tưởng hành thức của tôi thì kể từ giây phút đó Đức Phật gọi (vị Tu-đà-hoàn) rằng, “đây là người thủy thủ (boatman) đã đem tàu lên bờ chờ ngày gỗ mục” (Tăng Chi Bộ Kinh, Phần 5 pháp). Tàu mà bỏ lên bờ thì không còn sửa chữa, duy tu, chăm sóc bảo dưỡng nữa, chỉ chờ ngày mục; không còn tiếp tục dong ruổi trong biển đời sinh tử nữa. Khi ngài Punna Mantāṇiputta giảng điều này thì ngài Ānanda lập tức buông xuống gánh nặng “tôi và của tôi”. Nói theo ngôn ngữ hôm nay, ngài lập tức đeo lên người mình cây thập tự giá: Hình dấu gạch ngang, xóa bỏ chữ ‘tôi’- ‘I’.

Phần quan trọng nhất của bài kinh là nội dung chớ không phải là phần tiểu sử của ngài Punna Mantāṇiputta. Tuy nhiên, đây là nhân vật cực kỳ nổi tiếng, một trong 47 vị tỳ kheo được xem là đại đệ tử, đệ nhất cao đồ của Đức Phật (những vị có biệt hạnh: đệ nhất đầu đà, đệ nhất phấn tảo, đệ nhất trì luật v.v…). Phật nào trong thời quá khứ vị lai khi ra đời hoằng pháp độ sinh đều phải có những vị đại đệ tử có những biệt hạnh thù thắng vô địch như vậy đó. Vì vậy ngài Punna Mantāṇiputta là một vị rất quan trọng, giống như những viên dõng tướng, trọng quan lừng lẫy phò tá cho vị hoàng đế. Đức Thế Tôn dĩ nhiên không cần ai phò tá, nhưng trên nguyên tắc một vị Chánh Đẳng Giác giống như một vị vua thì cần phải có những đệ tử như vậy, tả phù hữu bật.

Ngài Ānanda kể lại câu chuyện cũ của đời tu mà đối với ngài đó là một sự kiện vô cùng quan trọng: “Các hiền giả có biết không, ngày xưa lúc mới xuất gia, tôi đã gặp tôn giả Punna Mantāṇiputta, tôn giả đã nói tôi nghe bài kinh có nội dung hễ ngày nào còn sống trong ý niệm ‘tôi là’, ‘của tôi’ thì ngày đó còn có vấn đề.” Từ ý niệm này nảy ra vô số ý niệm chấp thủ khác. Bao nhiêu ý niệm về văn hóa, chính trị, xã hội, triết học, khoa học… đều khởi đi từ ý niệm ‘tôi là’.

Một vị thánh Tu-đà-hoàn là người có được pháp nhãn. “dassanena pahātabbā dhammā”: những phiền não phải được đoạn trừ bằng trí Sơ quả, hay bằng cái nhìn đầu tiên. Quí vị đọc thấy trong Vi diệu pháp là “những pháp phải do tri kiến đoạn trừ” thì ‘tri kiến’ đây chính là trí tuệ của vị Sơ quả. Tất cả những vấn đề trên thế giới này muốn được giải quyết thì chuyện đầu tiên người ta phải thông suốt nó, biết vấn đề nằm ở đâu. Bác sĩ phải thấy những bất thường nảy sinh trong cơ thể người bệnh, kỹ sư phải thấy những vấn đề của cỗ máy, một chính phủ phải thấy những vấn đề bất thường nảy sinh trong đất nước để kịp thời ra tay chấn chỉnh, và trong từng gia đình, cá nhân, muốn giải quyết vấn đề thì chuyện đầu tiên phải thấy vấn đề đó là gì, ở đâu, đang ra sao. Tôi muốn nhân bài kinh này nhắc bà con một chuyện quan trọng đó là dù có học bao nhiêu cũng phải nhớ một điều là: buông.

Trong một buổi tu học cách đây không lâu tôi có kể hầu đại chúng một câu chuyện ‘bá láp’ nhưng tôi nghĩ đêm nay tôi không thể không nhắc. Đó là nội dung một bài viết trong cuốn Tâm Thức Gió Lùa tức Chuyện phiếm thầy tu tập 2. Tôi có đề nghị nho nhỏ. Vào chùa nhìn thấy chuông và trống, thì tiếng chuông phải được nghe là buông, không phải boong. Trống không phải là ‘drum’ mà là trống rỗng (empty, vacant). Khi đi máy bay, muốn đi toilet mà thấy trước cửa có chữ ‘occupied’ thì biết có người trong đó mà thấy chữ ‘Vacant’ thì biết là trống, không có người, chữ đó luôn luôn màu xanh (green). Khi vào chùa mà thấy cái chuông cái trống thì hiểu ngay là tinh hoa của Phật pháp. Nếu không hiểu hai chữ ‘buông’, ‘trống’ kia thì tiếng mõ lốc cốc lốc cốc tức là “ngốc, ngốc, ngốc, ngốc” dành cho mình. Bà con nghĩ đây là chuyện đùa nhưng thật sự rất thâm sâu. Lẽ ra mình phải kêu là cái buông và cái trống chứ không phải là cái chuông và cái trống. Tại sao có chữ ‘buông’? Tại sao mình nghe boong được mà không nghe ‘buông’. 

Nếu tôi có quyền như HT Nhất Hạnh, làm cuộc cách mạng gọi là Bụt chớ không phải là Phật thì tôi làm cuộc cách mạng sẽ gọi là ‘cái buông’ chớ không phải là ‘cái chuông’. Ngài là Nhất Hạnh, tôi là Bất Hạnh. Kể từ hôm nay tôi chính thức tên là thầy Thích Bất Hạnh. Như vậy, đầu tiên là thầy Thích Bất Hạnh có một đề nghị mang tính cách mạng trong lịch sử PG, kể từ nay Phật tử không gọi là ‘cái chuông’ mà gọi là ‘cái buông’, bởi có lý do rất dễ thương và minh triết, đó là, mới vô chùa là ‘giving’ (cho), tu lâu là ‘giving up’ (bỏ, xả), đó là ý nghĩa của chữ ‘buông’. Thứ đến là khi gặp người Mỹ thì đề nghị họ từ hôm nay thấy khối gỗ màu đỏ hai đầu bịt da thì không gọi là ‘drum’ mà gọi là ‘empty’. ‘Empty’ ở đây nghĩa là ‘selflessness’, là ‘emptiness’, là ‘vacant’. Rồi làm ơn giải thích cho họ chữ Cross (thánh giá) nữa. Mình gọi là ‘Buddhist Cross’, nghĩa là chữ ‘I’ trong tiếng Anh bị gạch ngang. 

Đêm nay tôi đem mấy chuyện tào lao này ra nói để bà con nhớ hoài bài kinh Ānanda này. Tinh thần cao nhất của đạo Phật là buông. Không có ai làm việc buông đó cả, chỉ có việc buông mà thôi. Hành giả chỉ cần biết cái này là tham, cần được buông bỏ. Khi nhận ra nó là tham thì nó đang được buông bỏ. Không cần có ai làm việc đó cả. Khi đang ngồi thiền thấy chân đau thì mình chỉ biết ‘đây là khổ’ chớ đừng gắn vào ‘tôi đang bị đau’. Đêm nay bà con nghe bài kinh này chịu không nổi, bài kinh này là bài kinh búa tạ, đánh thẳng vào trung khu thần kinh, thẳng vào cái trung ương đảng của mình. Hồi đó đến giờ mình cứ chấp mình là đỉnh cao trí tuệ, thật ra chẳng có cái gì là đỉnh, mình thấy mình càng bảnh chừng nào là mình càng tệ chừng đó, càng thấy mình khôn chừng nào là mình càng ngu dữ dằn chừng đó. Chuyện quan trọng nhất là chỉ cần nhận diện thôi, biết cái gì đang xảy ra, không cần quan tâm là ai đang biết. Hồi đó đến giờ mình ignore nó, bây giờ mình recognize nó. Cứ việc sống chánh niệm giùm cho tôi. 

Tinh thần Tứ Niệm Xứ chỉ có hai: Niệm (mindfulness), know how it is; Tuệ: tỉnh giác, know what it is. Chánh niệm là biết mọi sự đang như thế nào, tỉnh giác là biết nó là gì. Ví dụ như bây giờ tôi nhìn bàn tay tôi. (Sao nó đẹp dữ thần vậy ta!). Bàn tay búp măng, móng sơn màu cánh sen, đẹp quá. Đó là cái biết của người không biết đạo. Còn người biết đạo thì biết bên trong nó là xương, là da, là máu, chỉ cần rọc một đường thì máu chảy ra ớn muốn chết, tanh rình. Máu của mình thì mình đã ớn rồi huống gì là máu người khác còn ghê nữa. Lúc đó là cái trí tuệ biết nó là cái gì. Chánh niệm là biết rõ mình đang sờ chạm, biết bàn tay đang cầm cái gì. Đang cầm với sự nhận thức, biết rõ cái gì đang xảy ra, đó là niệm. Đang đi biết rõ đang đi, đang ngồi biết rõ đang ngồi, đó là niệm. Ngay lúc đó tâm tham xuất hiện, ồ, đây là tâm tham nè, đó chính là trí. Rồi đau quá, biết đây là thọ khổ. Chỉ có bad feeling thôi. Không có ai khó chịu, chỉ có sự khó chịu (nobody feel bad, bad feeling only). 

Biết cái này thường xuyên, quan tâm cái này hoài, thì nhiều ngày nhiều tháng sẽ có cái thú vị lạ lùng, hạnh phúc cực kỳ. Tại sao lại hạnh phúc? Bởi vì những áp lực trong đời sống sẽ giảm đi rất nhiều, và phút cận tử mình không run lên gào khóc tiếc nuối, và không ra đi trong sợ hãi mà là ra đi trong sự thanh thản. Tôi từng nói, tôi, người đang hầu chuyện với quí vị, tôi không muốn chết trong niềm tiếc nuối hay sợ hãi; chỉ muốn ra đi trong sự chán chường hoặc hi vọng. Hy vọng là sao? Nghĩa là mình biết chắc chắn rằng đời sau sẽ tốt hơn bây giờ nhiều lắm. Vì bây giờ rõ ràng cái thân mình đã già, hôi hám, đau nhức, rệu rã, lì lợm, cứng đầu, nói không còn nghe nữa; mình chán chường, không còn nắm níu tiếc thương nữa, mình hy vọng đời sau tốt hơn. Tôi sợ nhất là chết trong sự tiếc nuối hay sợ hãi.

Đêm nay có lẽ bà con chưa thấm những câu nói này của tôi. Nhưng mỗi một câu đêm nay tôi nói đáng cho quí vị trả tôi mười ngàn đô la. Tôi nói như vậy bởi muốn quí vị đặc biệt lưu ý, những câu tôi đã dồn hết trong mấy tháng qua để nói trong đêm nay như một lời di huấn tối hậu trước khi tôi tiếp tục… luân hồi. Trước sau cũng chết, khi ta không thay đổi được chuyện đời thì ta phải thay đổi cách nhìn của mình về nó. Khi biết rằng mình chạy trốn cái chết không được thì mình phải lập tức tìm cách nào đó để không còn bị nó dọa mình nữa. Thưa với các vị, tôi từng có câu thơ lục bát thế này:

Phải đâu ta sợ chi tình.
Chỉ lo tình phụ nên đành vô tâm

Cũng ham lắm, cũng muốn bay bướm lắm, nhưng có một điều nghĩ thì ớn. Tôi có câu thần chú: “Mình không chán họ, họ cũng chán mình, mình không bỏ họ, họ cũng bỏ mình, không có cuộc tình nào như ý.” Có ông kia mê đời ổng nói vớt vát: Có những cuộc tình không là trăm năm. Nhưng tôi thì phải nói: Không cuộc tình nào là trăm năm hết, không bao giờ và không bao giờ! Bà con tưởng tượng, lết được 80 thì nhìn nhau ra sao nếu mình chưa bị Alzheimer, nếu cả hai chưa bị đau nhức liệt giường, tiêu tiểu không tự chủ? Có một bà vợ bên châu Âu, nuôi chồng ngồi xe lăn trong nhiều năm, một ngày kia bà phán thế này: “Tôi đã quá mệt mỏi rồi, bao nhiêu đêm nay tôi không có ngủ.” Quí vị có biết không, câu đó gần giống như xúi người ta tự tử. Dĩ nhiên có vị không đồng ý với tôi, nhưng một người tự ái và nóng tánh như tôi nghe câu đó bằng cái giọng đó thì tôi sẽ hiểu ngầm thôi uống overdose để đi luôn đi. Bao nhiêu năm đầu ấp tay gối kề vai tựa má mà giờ này nàng phán một câu xanh lè như vậy. Mình chưa kịp ngoại tình, mình chưa kịp lừa dối nhau, chỉ riêng cái khoản đầu bạc răng long nằm liệt giường liệt chiếu thì mình đã cô phụ nhau rồi. Alzheimer thì càng nản nữa. 

Nhiều người trong room có thể không tin, nhưng có chuyện tôi phải tự hào nói rằng là tôi luôn luôn nghĩ như vậy, đó là tôi chẳng tin vào cuộc tình nào hết, chẳng tin vào mối quan hệ bạn bè nam nữ nào hết. Vui đâu chúc đó chớ còn đặt vấn đề dài lâu thì không, trao hết sự sống chết vào tay một người bạn cùng phái hay khác phái thì không bao giờ. Không tin được, không bao giờ làm chuyện dại dột như vậy. Bởi vì một là cái chết sẽ mang họ đi, hai là cái chết sẽ mang mình đi và cuối cùng rồi “bình minh sẽ mang em đi”. Ngài Ānanda sau khi nghe giảng xong xuôi thì lập tức chứng quả Tu-đà-hoàn, còn mình thì sao? Sau khi nghe câu này xong mình không có đắc cái gì cả. Tôi không trách quí vị bởi tôi cũng chưa có đắc, nhưng khác nhau một chỗ là tôi nghĩ nhiều về điều tôi đang nói. Bài kinh tiếp theo là bài kinh Tissa.

TISSA (Tissasutta)

*Tâm hoang vu

Tissa là người cháu của vua Tịnh Phạn. Vị này sau một thời gian tu học bị một trạng thái mà trong Trung Bộ Kinh gọi là tình trạng “tâm thức gió lùa” (Đây là tác phẩm của tôi). Hay là “tinh thần đi hoang”. Ngài Minh Châu dịch là ‘tâm thức hoang vu’ (cetokhila), wildness of mind. ), wildness of mind. Tâm hoang vu của người tu là hoang mang khi nghĩ về Phật, Pháp, Tăng, về pháp môn mình đang hành trì và sự bất mãn đối với thầy bạn đồng tu.

Bài kinh này nói về tình trạng tâm lý bất ổn của ngài Tissa cháu của vua Tịnh Phạn. Trong bài kinh Cetokhilasutta, Trung Bộ Kinh có nói về sự hoang mang khi nghĩ về Tam bảo, về pháp môn mình đang hành trì (không nghiên cứu kỹ rồi bực bội) và sự bất mãn với thầy bạn đồng tu.

Một du sĩ ngoại đạo, khi gặp ngài Xá Lợi Phất đã hỏi ngài: Những người tin Phật chuyện gì khó khăn nhất? Ngài Xá Lợi Phất trả lời: Có ba khó khăn: 

1/Buông hết để xuất gia. 

2/Hoan hỉ được với đời sống xuất gia. 

3/Hành trì đúng mức con đường phạm hạnh của mình.

Xuất gia cạo đầu đắp y sẽ dễ nếu mình là người cầu danh trục lợi, buôn thần bán thánh, giá áo túi cơm. Cái khó ở đây là buông cả hai về tâm lý và vật chất. Không tiếp tục làm chủ những thứ trước đây mình làm chủ dù là cái chén mẻ, áo quần, dây nịt… Không còn tha thiết những đề tài suy tư dính líu thế tục mà trước đây mình hứng thú. Nếu cả vật chất và tâm lý mà còn nắm níu thì đó không phải là xuất gia mà chỉ là… cạo đầu cho mát.

Hoan hỉ được với đời sống xuất gia không phải dễ. Đời tu khó vui vì nhiều lý do, có người chịu không nổi khi bị vị đắng của cuộc đời thử thách: khó khăn nghèo túng, bị bạc đãi, ghẻ lạnh của cuộc đời. Và cả những vị ngọt như ân tình ngọt ngào, chăm sóc cung phụng của cư sĩ dành cho, cũng chịu không nổi. Có người không chết vì thử thách cay đắng mà chết vì vị ngọt, trường hợp này rất nhiều. Không đắng, không ngọt mà nhạt nhẽo vô vị cũng khó vượt qua. Không có sở đắc sở chứng đáng kể nào về pháp học pháp hành, đầu trọc lóc mà tương lai thì mịt mù, đạo nghiệp thì mơ hồ, thế nghiệp thì trắng trơn, làm sao qua được những mùa đông của cuộc đời, những đêm tối của nhân gian. Những buổi chiều nhìn quanh nghe tiếng thiên hạ gọi nhau, tiếng trâu bò về chuồng, mùi rạ khô rơm cháy, nhớ lại thời quá khứ có gia đình, có mái ấm, có cơm chiều bên vòng tay thân ái, giờ mất sạch, đạo không ra đạo, đời không ra đời, mọi thứ dở dang lỡ làng, cũng khó lòng tu lắm. Đó là lý do thứ mà ngài Xá Lợi Phất nói vui được với đời sống xuất gia là không dễ.

Về hành trì đúng mức nghĩa là khi đi xuất gia ở tuổi trẻ thì dành bao nhiêu phần trăm thời gian và công sức cho pháp học, xuất gia tuổi trung niên hoặc tuổi già thì cần bao nhiêu phần trăm thời gian, công sức cho pháp học và pháp hành. Khổ một chỗ, khi không có pháp học pháp hành, không có được trau dồi đúng mức thì làm sao có sự hành trì đúng mức. Cho nên, khó là ở chỗ đó, một là khó buông hết để xuất gia, hai là xuất gia rồi khó mà có được niềm vui để kéo dài đạo nghiệp; ba là kéo dài đời tu thì liệu làm được bao nhiêu phần trăm trong số những chuyện phải làm, nên làm, cần làm.

‘Abhinhapaccavekkhana’, những điều phải tâm niệm thường trực suốt đời tu (20/24/7) của bậc xuất gia mà Đức Phật dạy cho tỳ kheo. ‘Paccavekkhana’ là điều phải nhớ hoài. ‘Abhinha’: thường trực, không gián đoạn.

Tỷ kheo đúng nghĩa phải là một hành giả. Hành giả xuất gia chỉ ngủ mỗi ngày trung bình bốn tiếng đồng hồ. Tôi không phải là hành giả nhưng đêm qua tôi cũng chỉ ngủ bốn tiếng đồng hồ. Không phải là tôi tinh tấn mà cơ thể của tôi chỉ có thể chịu đựng với chừng ấy thời gian ngủ. Nếu mình có đời sống tinh thần ổn định, mình có thể ngủ sâu không chập chờn gián đoạn thì ngủ bốn tiếng là đủ. Thời gian còn lại mình sống trong chánh niệm thì được relax rất nhiều. Hành giả Tứ Niệm Xứ thì ăn cái gì cũng ngon và tranh thủ ngủ một chút là ngủ ngon lắm, như đứa bé vậy đó, ngủ rất thơ ngây và hồn nhiên. Phải là hành giả thật sự, buông bỏ thật sự, thấy rõ danh sắc là gì và có niềm tin trọn vẹn vào những gì thấy được là Phật pháp, không có chấp vào đó. Bản thân mindfulness là sự relax. Tứ Niệm Xứ kêu gọi đời sống chánh niệm và trí tuệ (tỉnh giác – sampajañña). Niệm là biết cái gì đang xảy ra, diễn ra qua thân tâm. Tuệ là biết rõ bản chất những thứ đó là gì. 

Đây là những cái rất là căn bản phải nhớ, có người cứ than phiền sao tôi nói hoài, không nói sẽ quên, nó không phải là những bản tình cả của Chế Linh, Trường Vũ mà nghe một lần đủ lạnh xương sống. Bữa hổm tôi lên Georgia giảng cho một lớp tu học ba ngày, học khẩn cấp để họ đi đầu thai đó, tôi giảng về 12 Duyên khởi. Chuyện đầu tiên là tôi dành nửa thời gian để giảng về Vô minh duyên Hành. Tôi nói với họ mà như nói với đống đá đống gạch, hỏi hiểu không, họ nói hiểu mà kêu nói lại nói không được. Đó là lý do vì sao tôi nói đi nói lại hoài. Tôi muốn quí vị “chạm là bật”, hỏi là trả lời ngay. 

Bữa tôi giảng cho họ nghe về sáu căn, tôi nói, khi phiền não xuất hiện, khi mình sắp tạo nhân bất thiện thì cứ niệm “sáu căn đang biết sáu trần bằng tâm bất thiện”, khi mình chịu quả khổ thì niệm “sáu căn đang biết sáu trần bằng sự khó chịu” đó là những câu thiệu, câu chú rất gọn. Dù cho mình sắp sửa sát sanh, trộm cắp, làm chuyện tầm bậy đi nữa câu đó vẫn đúng, sát sanh vẫn là sáu căn đang biết sáu trần bằng tâm bất thiện, sắp đánh lộn, chửi lộn cũng vậy, vẫn là sáu căn đang biết sáu trần bằng tâm bất thiện.

Bài kinh này nói ngài Tissa bị mắc vào năm Tâm hoang vu. Tâm hoang vu là không được thanh thản thoải mái khi nghĩ về Tam bảo, tức là niềm tin của mình vào Đức Phật không đủ để mình an lạc, không đủ để mình vững bước vào sự hành trì trước mắt, đó gọi là lòng hoang mang ngờ vực nơi Bậc Đạo sư; hoang mang về giáo pháp là mình đã vận dụng bao nhiêu cái biết về Phật pháp nhưng những cái biết đó không đủ cứu mình thoát khỏi vũng lầy hiện tại; hoang mang nơi Tăng là nghĩ về các gương lành của các bậc thánh, phàm tăng khả kính xưa giờ nhưng vẫn chưa đủ để an lạc trong đời tu trước mắt; hoang mang trong pháp môn mình đang hành trì nghĩa là pháp môn mình đang đi theo, ví dụ tôi như truyền thống của ngài Pa-auk, ngài U Pandita, ngài Ajahn Chah… mà lòng tôi không thấy thoải mái tin tưởng; Bất mãn với thầy bạn đồng tu nghĩa là bất mãn với một ông sư nào đó lớn hơn mình, nhỏ hơn mình hoặc bằng mình, mỗi lần nghĩ tới mình thấy bực mình, sự bực mình đó ảnh hưởng tới sự tinh tấn của mình.

Vì ngài Tissa bị như vậy nên Đức Phật giảng cho ngài Tissa nghe: Bao giờ chưa ly tham đối với 5 uẩn thì khi gặp chuyện bất trắc chắc chắn sẽ đau khổ.

Có người hỏi một người không biết gì về 5 uẩn thì làm sao nói họ chấp thủ trong 5 uẩn? Đức Phật có nhiều cách để phân tích về cái gọi là chúng sinh, lúc thì Ngài phân tích qua năm uẩn, có lúc Ngài phân tích qua Danh Sắc, qua thân tâm, có lúc qua 12 Xứ, 18 Giới. Dù mình không biết năm uẩn là gì nhưng những cái mình ôm ấp chấp thủ, thích ghét sợ mỗi ngày đều nằm ở năm uẩn hết. Ôn lại 5 uẩn: Sắc uẩn là toàn bộ cái gì có thể gọi là vật chất tế hay thô. Thọ uẩn là toàn bộ những gì ta gọi là cảm giác. Tưởng uẩn là toàn bộ những cái biết dựa trên kinh nghiệm, hồi ức. Hành uẩn là khía cạnh thiện ác trong mọi sát na tâm. Thức uẩn là cái biết đơn thuần (bare knowing) của các giác quan trước trần cảnh. Ai chích cây nhang vào da mình thì mình thấy nóng, đó là cái biết đơn thuần, ai cũng biết vậy, ngài La-Hán cũng thấy nóng. Thức uẩn của vị La-Hán và phàm phu giống nhau; thọ uẩn, tưởng uẩn, sắc uẩn của ai cũng giống nhau. Riêng hành uẩn thì ở vị La-Hán không có khía cạnh thiện ác, vị A-la-hán không có sân. 

Ví dụ một đứa bé đang ngủ bị ai nhéo sẽ khóc thét nhưng người lớn thì không vậy, vì đã có sức chịu đựng của người trưởng thành, khi giật mình thức dậy thì xác định được vì đâu và người nhéo là ai. Quí vị biết năm nay tôi gần 50 tuổi, nói ra cũng xấu hổ, nhiều khi tôi cũng thèm có người nhéo cho một cái nhưng bao nhiêu đêm dài sinh tử có bao giờ được ai nhéo cho một cái đâu. Ở thánh Hữu học thì tùy tầng thánh mà còn lại bao nhiêu bất thiện và thiện. Riêng phàm phu thì còn nguyên vẹn những gì là thiện và bất thiện. 

Một phụ nữ thích cosmetic hay thích mascara, hay một người đàn ông thích chơi tem, thích ăn nhậu là họ thích trong Sắc uẩn. 

Sợ những cảm giác khó chịu, thích và đi tìm cảm giác dễ chịu đó là đang gặp vấn đề với Thọ uẩn dù họ chẳng biết thọ uẩn là gì. Bỏ ra nhiều thời gian công sức tiền bạc để đi tìm cái cảm giác thích và dễ chịu rõ ràng là đam mê trong Thọ uẩn. 

Thế nào là đam mê trong Tưởng uẩn? Một cái tâm sanh diệt rất nhanh, nhanh đến mức nếu không học đạo mình không thể nào tin nó nhanh như vậy, trong một khoảnh khắc thời gian búng ngón tay, tâm mình sanh diệt bao nhiêu lần, trong mỗi một cái tâm như vậy có đủ bốn danh uẩn thọ tưởng hành thức. Nói ra quí vị sẽ ngạc nhiên hỏi, ủa cái biết đó là cái biết của kinh nghiệm, kinh nghiệm ở đâu mà móc ra nhanh như vậy? Yên tâm! Tại sao mình vừa gặp cái người đó mình thấy vui liền hoặc bực liền, bởi cái tưởng uẩn nó báo ngay cho mình biết, đây là thằng Tèo con chị mình rất ngoan, hoặc gặp thằng Mít mình biết ba nó lừa gạt lấy của mình số tiền lớn, nên vừa gặp mình khó chịu liền. Vì sao mình biết cái đó màu xanh không phải màu trắng, hình tròn không phải hình vuông? Cái biết của Tưởng uẩn dựa trên kinh nghiệm cũ chớ không phải là hồi ức. Nếu như đang ngồi nhớ một người ở xa rồi buồn quá, đó không phải là Tưởng uẩn. Cái biết nhận diện (thằng Tèo, thằng Mít) là Tưởng uẩn, còn thích ghét là qua Hành uẩn rồi. 

Thánh phàm khác nhau trên Hành uẩn, vị thánh nhìn cái bông thì biết đó là cái bông nhưng không sanh cái tâm tham, tâm sân. Các ngài không chìm sâu trong Tưởng uẩn như mình. 

Ví dụ đi ngang qua nhìn thấy cái bình gốm, các ngài chỉ ghi nhận đó là bình gốm, cẩn thận đừng làm bể của người ta, nếu không dẫn đến phiền rồi người ta có tâm sân hận thì người ta thêm tội nữa; còn phàm phu mình thì đứng nhìn cái bình gốm thì nghĩ đây là cái bình gốm pháp lam, được làm từ đời vua Càn Long, đây là đồ ngự dụng; hoặc biết đây là bộ ấm trà Mai Hạc, đồ ký kiểu trong nội phủ của vua chúa nhà Lê, nhà Nguyễn ở VN, bộ này là “nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ, hạc là người quen” mà ông Nguyễn Du đi sứ Tàu đặt người ta làm rồi đem về VN, lưu hành trong giới quý tộc chứ không đem ra bên ngoài; do bao nhiêu biến loạn thời cuộc mà có một lúc đồ quý ngoài Huế bị thất lạc trong dân gian, một số theo quý tộc người Mỹ qua Pháp rồi giờ trôi dạt đến tay mình… 

Đó là đi quá xa trong Tưởng uẩn. Vị A-la-hán thì không dành quá nhiều thời gian cho việc như vậy, các ngài chỉ ghi nhận đây là cái bình, có lúc các ngài ghi nhận thấy chỉ là thấy, hoặc ghi nhận đây là Sắc uẩn mà thôi, không cần thiết đi quá xa như mình, còn chúng ta thì như một đứa bé, cứ khoái đi sâu vào trong đó.
_____________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.