Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (8)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (8)

PHẦN CHÁNH KINH

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (b)

V. Phẩm Tự Mình Làm Hòn Ðảo.

I. Tự Mình Làm Hòn Ðảo (Ðại 2,8a) (S.iii,42)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Hãy sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỷ-kheo, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác.

4) Với những ai sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỷ-kheo, nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác, hãy như lý quán sát: "Sầu, bi, khổ, ưu, não do nguồn gốc gì sanh? Do cái gì làm cho hiện hữu?"

5) Và này các Tỷ-kheo, sầu, bi, khổ, ưu, não do nguồn gốc gì sanh? Do cái gì làm cho hiện hữu?

6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán (samamupassati) sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Sắc của vị ấy biến hoại và đổi khác. Khi sắc của vị ấy biến hoại và đổi khác thì sầu, bi, khổ, ưu, nào sẽ khởi lên.

7) Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ...

8) Vị ấy quán tưởng như là tự ngã...

9) Vị ấy quán các hành như là tự ngã...

10) Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Thức này của vị ấy biến hoại và đổi khác. Khi thức của vị ấy biến hoại và đổi khác thì sầu, bi, khổ, ưu, não sẽ khởi lên.

11) Này các Tỷ-kheo, biết sắc là vô thường, biến hoại, ly tham, đoạn diệt; vị ấy thấy tất cả sắc xưa và nay là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại. Do thấy như thật với chánh trí tuệ như vậy, sầu, bi, khổ, ưu, não được đoạn tận. Do chúng được đoạn tận, vị ấy không bị ưu, não. Do không bị ưu, não, vị ấy sống an lạc. Do sống an lạc, vị Tỷ-kheo được gọi là (Tadanganibbuto) vị đã lắng dịu mọi tướng phần, nhứt hướng Niết-bàn.

12) Này các Tỷ-kheo, biết thọ là vô thường, biến hoại, ly tham, đoạn diệt, vị ấy thấy tất cả thọ xưa và nay là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại. Do thấy như thật với chánh trí tuệ như vậy, các sầu, bi, khổ, ưu, não được đoạn tận. Do chúng được đoạn tận, vị ấy không bị ưu, não. Do không bị ưu, não, vị ấy sống an lạc. Do sống an lạc, vị Tỷ-kheo được gọi là vị đã lắng dịu mọi tướng phần, nhứt hướng Niết-bàn..

13) Này các Tỷ-kheo, biết tưởng là vô thường...

14) Này các Tỷ-kheo, biết các hành là vô thường...

15) Này các Tỷ-kheo, biết thức là vô thường, biến hoại, ly tham, đoạn diệt; vị ấy thấy tất cả thức xưa và nay là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại. Do thấy như thật với chánh trí tuệ như vậy, các sầu, bi, khổ, ưu, não được đoạn tận. Do chúng được đoạn tận, vị ấy không bị ưu, não. Do không bị ưu, não, vị ấy sống an lạc. Do sống an lạc, vị Tỷ-kheo được gọi là vị đã lắng dịu mọi tướng phần, nhứt hướng Niết-bàn..

II. Con Ðường (Ðại 2,8a) (S.iii,44)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông con đường đưa đến thân kiến tập khởi và con đường đưa đến thân kiến đoạn diệt. Hãy lắng nghe.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến thân kiến tập khởi?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc.

6-8) ... quán thọ... quán tưởng... quán các hành...

9) ... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.

10) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến thân kiến tập khởi. Con đường đưa đến thân kiến tập khởi có nghĩa là: Sự quán sát đưa đến khổ tập khởi.

11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến thân kiến đoạn diệt?

12) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, thấy rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân; không quán sắc như là tự ngã, hay không quán tự ngã như là có sắc, hay không quán sắc ở trong tự ngã, hay không quán tự ngã ở trong sắc.

13-15) ... không quán thọ... không quán tưởng... không quán các hành...

16) ... không quán thức như là tự ngã, hay không quán tự ngã như là có thức, hay không quán thức ở trong tự ngã, hay không quán tự ngã ở trong thức.

17) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến thân kiến đoạn diệt. Con đường đưa đến thân kiến đoạn diệt có nghĩa là: Sự quán sát đưa đến sự khổ đoạn diệt.

III. Vô Thường (Tạp 3,35, Thanh Tịnh, Ðại 2,21c) (S.iii,44)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi". Do như thật quán với chánh trí tuệ như vậy, tâm ly tham, được giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc.

4-6) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô thường... Tưởng, này các Tỷ-kheo... Các hành, này các Tỷ-kheo...

7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì là vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi". Do như thật quán với chánh trí tuệ như vậy, tâm ly tham, được giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc.

8) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đối với sắc giới có tâm ly tham, giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc, đối với thọ giới... đối với tưởng giới... đối với hành giới... đối với thức giới, có tâm ly tham, giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc. Do giải thoát, vị ấy an trú. Do an trú, vị ấy tri túc. Do tri túc, vị ấy không ưu não. Do không ưu não, vị ấy tự mình tịch tịnh. Vị ấy biết: " Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

IV. Vô Thường (Tạp 3,36, Chánh Quán Sát, Ðại 2,21c) (S.iii,45)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".

4-6) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô thường... Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô thường... Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô thường...

7) Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi".

8) Do như thật quán với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy không có các tùy kiến về quá khứ. Do không có các tùy kiến về quá khứ nên không có các tùy kiến về tương lai. Do không có các tùy kiến về tương lai, kiên trì chấp thủ không có. Do không có kiên trì chấp thủ, đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức, tâm ly tham, giải thoát, không chấp thủ các lậu hoặc. Do giải thoát, vị ấy an trú. Do an trú, vị ấy tri túc. Do tri túc, vị ấy không ưu não. Do không ưu não, vị ấy tự mình được tịch tịnh một cách viên mãn. Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

V. Quán Kiến (Tạp 2,13, Giác, Ðại 2,11b) (S.iii,46)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào quán tự ngã dưới nhiều hình thức sai khác, quán cả năm thủ uẩn hay quán một trong năm thủ uẩn.

4) Thế nào là năm? Này các Tỷ-kheo, ở đây kẻ vô văn phàm phu không được thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc, quán thọ... quán tưởng... quán các hành... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Nếu quán như vậy, thời đi đến chấp kiến: "Tôi là".

5) Này các Tỷ-kheo, khi đi đến chấp kiến: "Tôi là", thời năm căn nhập vào avakkanti (hiện hữu), tức là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.

6) Này các Tỷ-kheo, có ý, có các pháp, có vô minh giới. Cảm xúc bởi cảm thọ, cảm thọ này sanh do xúc chạm với vô minh; kẻ vô văn phàm phu đi đến chấp kiến: "Tôi là", đi đến chấp kiến: "Cái này là tôi", đi đến chấp kiến: " Tôi sẽ là", đi đến chấp kiến: "Tôi sẽ không là", đi đến chấp kiến: "Tôi sẽ hiện hữu với sắc", đi đến chấp kiến: "Tôi sẽ hiện hữu với vô sắc", đi đến chấp kiến: "Tôi sẽ hiện hữu với tưởng", đi đến chấp kiến: "Tôi sẽ hiện hữu với không tưởng", đi đến chấp kiến: "Tôi sẽ hiện hữu với phi tưởng phi phi tưởng".

7) Như vậy, này các Tỷ-kheo, do năm căn an trú ở đây, nhưng đối với vị Ða văn Thánh đệ tử, vô minh được đoạn trừ và minh khởi lên. Do vô minh được viễn ly, do minh sanh khởi, không đi đến chấp kiến: "Tôi là", không đi đến chấp kiến: "Cái này là tôi", không đi đến chấp kiến: "Tôi sẽ hiện hữu"... "Tôi sẽ không hiện hữu"... "Tôi sẽ hiện hữu với sắc"... "Tôi sẽ hiện hữu với vô sắc"... "Tôi sẽ hiện hữu với tưởng"... "Tôi sẽ hiện hữu với vô tưởng", không đi đến chấp kiến: "Tôi sẽ hiện hữu với phi tưởng phi phi tưởng".

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Tự Làm Hòn Đảo Cho Mình

*Tự làm hòn đảo cho mình

“3) Hãy sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỷ-kheo, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác”

Hãy đi bằng đôi chân của mình, hãy đi bằng cách dựa vào tấm bản đồ, không tin vào cái gì khác.

Hãy nương tựa chính mình nghĩa là hãy đi bằng đôi chân của mình, hãy nương vào pháp nghĩa là hãy đi bằng tấm bản đồ. Không thể nào có thể có chuyện đốt kinh vò viên làm thuốc tể uống cái ực rồi kinh hộ trì cho mình được mà mình phải hành trì.

Tam Bảo và chư thiên chỉ hộ trì cho kẻ có hành trì. Muốn được hộ trì thì ta phải hành trì, nhờ hành trì nên mới được hộ trì. Hỏi tôi có tin cầu an cầu siêu hay không, tôi nói 50: 50. Với kẻ nào có hành trì thì chuyện tụng kinh có tác dụng, Tam bảo và chư thiên có hộ trì. Đức Phật đã Niết bàn rồi, hộ trì ở đây là như thế nào? Hộ trì là khi mình nghĩ đến Đức Phật lòng mình tùy hỷ công đức của Ngài. Sự tùy hỷ có hai tác dụng hộ trì rất lớn:

1. Tâm tùy hỷ là một yếu tố tâm lý lành mạnh, hỗ trợ cho sức khỏe của ta.

2. Tác dụng thứ hai của tâm tùy hỷ là công đức, công đức nhiều thì ta được chính nó hộ trì.

Tức là khi mình bị cái gì mà niệm tưởng đến Đức Phật là mình tùy hỷ Ba-la-mật mà Ngài đã tu trong vô số kiếp sống. Khi tùy hỷ với Ngài: Ngài đã làm những chuyện khó làm, cho những cái khó cho, Ngài đã học đã hiểu những cái khó hiểu khó học; chuyện mình hoan hỉ như vậy là yếu tố tâm lý rất quan trọng, giống như anh ăn trộm ở trên, cũng là bụi tre gai mà anh ta phải cần yếu tố tâm lý nào đó để không thấy đau. Tâm lý của mình được ổn định được an lạc thì mình có thể vững bước trên cuộc đời đầy đau thương này. Bản thân sự tùy hỷ là công đức, và chính công đức đó hỗ trì ngược lại cho mình. Chớ không thể là réo tên vị nào đó, miệng thì niệm mà lòng trôi dạt vào phương nào. 

Tây có câu: “Cầu nguyện không phải để thoát nạn mà là để bình tĩnh lúc lâm nạn”. Các chuyên gia cứu nạn của thế giới đều nhìn nhận trong các tai nạn, kẻ bình tĩnh có cơ hội sống sót cao hơn người sợ hãi. Ví dụ chuyện nhẹ nhàng thôi: Máu. Có người thấy máu là xỉu. Lúc đó cuống cuồng chạy dẫm đạp lên nhau. Mỗi người chỉ có hơn ba lít máu, nên chuyện đầu tiên phải làm sao cầm máu cái đã. Nhiều người chết oan vì mất máu nhiều quá chứ còn bản thân vết thương đó không đến nỗi phải chết, nhưng do hoảng quá cứ chạy bừa khóc la kêu gào.

Tự mình làm hòn đảo cho chính mình nghĩa là đi bằng đôi chân của mình, và y cứ trên lời dạy của Đức Phật qua kinh điển. Ta sẽ thấy định nghĩa về câu kinh trên đây ở nhiều chỗ không giống nhau nhưng nội dung chỉ là một. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh thì Đức Phật dạy rằng: “tự làm chỗ nương, chỉ nương vào pháp là tu tập Tứ Niệm Xứ.” Nhưng ở đây Ngài dạy rằng quán chiếu tính sinh diệt của danh sắc là sống tự y chỉ (nương dựa) và y chỉ pháp, không nhắc một chữ đến Tứ Niệm Xứ, nhưng rõ ràng nội dung chỉ là một: Chỉ đi bằng đôi chân của mình với sự hướng dẫn của tấm bản đồ. Trường hợp đó gọi là sống y chỉ vào chính mình và chánh pháp, không nương tựa vào cái gì khác.

CON ĐƯỜNG (Patipadasutta)

Sáng nay chúng ta học tiếp các kinh Tùy Pháp. Bài kinh Con Đường có hai chữ quan trọng:

‘Dukkhasamudayagamini’: con đường dẫn đến đau khổ

‘Dukkhanirodhagamini’: con đường dẫn đến sự diệt khổ

Có rất nhiều kinh Đức Phật xác định rằng toàn bộ lời dạy của Ngài trong cuộc đời hoằng pháp độ sinh chỉ đề cập hai vấn đề: sự khổ và con đường diệt khổ. Dù cho Ngài có nói về tạng Kinh tạng Luật hay A-tỳ-đàm thì nội dung chỉ là hai vấn đề đó.

Ngài chỉ phân tích cho thấy Khổ là gì và làm sao để diệt Khổ. Khổ khổ là sự có mặt của những gì làm thân tâm ta khó chịu. Hoại khổ là sự vắng mặt những gì làm cho ta thấy dễ chịu. Hành khổ chính là khía cạnh lệ thuộc các duyên để thân tâm ta có mặt.

Người không biết đạo hoặc biết sơ sơ, nghe nói đời là khổ thì chỉ biết Khổ khổ: sanh ly tử biệt, bịnh, xa người thân, gần người ghét. Khi cảm giác hỷ hoặc lạc đột nhiên biến mất, giống như đang mở quạt máy lúc nóng nực mà quạt máy bị hư, đó là Hoại khổ. Và sự có mặt của mình ở nơi nóng nực đó là Hành khổ. Chính vì mình ở xứ nóng nực mới có hai cái khổ đầu, chớ nếu quí vị ở xứ lạnh như tôi bây giờ thì chuyện nực là không có, còn quạt máy bị hư thì càng không có nữa, vì đâu có dịp nào xài. Khi Đức Thế Tôn giảng cho ông A bà B, dù là nói cách nào đi nữa Ngài cũng xác định toàn bộ sự có mặt chúng ta là sự có mặt của năm uẩn, và bản chất của năm uẩn là khổ. Khổ có nhiều cách nói nhưng cách nói phổ biến nhất là vì mọi thứ là vô thường, lúc có lúc không, lúc vầy lúc khác, chính sự vô thường này còn được gọi cái tên nữa là Khổ. Khổ luôn dính liền với vô thường.

Ngài Xá Lợi Phất nói (trong Vô Ngại Giải Đạo): Ý nghĩa rốt ráo của khổ không còn là vấn đề rốt ráo nữa mà là tình trạng, ‘pilana’, nghĩa là sức ép, áp lực (pressure). Dầu muốn dầu không ta vẫn luôn luôn bị đẩy về phía trước.

‘Ekaccharakhane’: ‘thời gian một tróc tay’, ‘một búng tay’. Đây cũng là chữ quan trọng, nên ghi nhớ. Người VN mình thì học pháp thì tà tà, còn Thái Lan, Miến Điện là họ bắt phải học thuộc những chữ này. Không thấy chữ này trong chú giải thì tôi cứ ngỡ là do ngài Tịnh Sự hay là sư phụ tôi nói.

Trong thời gian một búng tay (ekaccharakhane) thì tâm sinh diệt một ngàn tỷ (koṭisatasahassa)lần.

‘Koṭisatasahassa’: một ngàn tỷ (12 con số 0) (trillion).

‘Koṭi’: 10 triệu (7 con số 0).

‘Satasahassa’: 100 ngàn (5 con số 0).

Trong thời gian một búng tay thì tâm sanh diệt chừng đó sát na (1 ngàn tỷ). Đó là Trong thời gian một búng tay thì tâm sanh diệt chừng đó sát na (1 ngàn tỷ). Đó là tốc độ sinh diệt của tâm, nhanh gấp 17 lần sắc pháp.

Cái gì mà vô thường liên tục thì cái đó nó cũng là khổ, vì chúng ta không muốn nó vẫn xảy ra, và chính vì không muốn mà vẫn xảy ra nên nó là vô ngã. Vạn pháp do duyên thúc đẩy, mình không thể can thiệp được, mình chỉ có thể làm thiện để được quả vui, còn làm ác thì chịu quả khổ. Giống như mình có thể ăn uống để đừng bịnh, tập thể dục để giữ sức khỏe, để cơ thể không nặng nề. Còn chuyện điều động tốc độ nhịp tim thì phải giao phó cho cơ thể của mình mà thôi, chúng ta rất khó điều động nhịp tim của mình, nếu không muốn nói là không thể được. Đừng nói là bên cạnh mình có bác sĩ nên mình không lo. Bác sĩ cũng phải bịnh phải chết, sức lực, tài năng của họ cũng có hạn. Mình làm thiện thì được về trời, được giàu sang, nhan sắc, trí tuệ, sức khỏe gì đó, nhưng không thể kềm được sự sanh diệt của danh sắc.

Tu Tứ Niệm Xứ là hướng đến hai mục đích: Chấm dứt phiền não và hiện tại lạc trú. Nếu không chấm dứt được phiền não thì cũng là gieo duyên lành giác ngộ đời sau.

Toàn bộ đoạn kinh đang học Đức Phật xác định, con đường sinh tử là sống đam mê trong năm uẩn và con đường giải thoát chính là lìa bỏ con đường đam mê trong năm uẩn. Đây là cách nói khác nhưng cũng là kêu gọi mình tu tập Tứ Niệm Xứ.

Các cách chấm dứt phiền não: Tadangapahana: chấm dứt tạm thời; Paricchedapahana: chấm dứt vĩnh viễn bằng thánh đạo

Chấm dứt tạm thời nghĩa là chấm dứt kiểu đối phó. ‘Tadanga’: chấm dứt kiểu đối phó. Khi mình nhận diện tâm tham, thì tham biến mất, nhận diện được tâm sân thì sân biến mất. Mới đầu không thể đạt được như vậy mà phải tập trong nhiều tháng nhiều năm, tùy người và tùy kiểu tu. Nếu là hành giả bậc thượng thì có thể trong thời gian 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm. Mình không có thần thông làm sao mình biết Ba-la-mật của mình dày hay mỏng? Phải coi đức tin của mình tới đâu, khả năng hiểu biết tới đâu, khả năng tu tập tới đâu. Mình xem thử mình có phải là hành giả bậc thượng chưa, và được 6 tháng chưa, đã một năm chưa, và với thời gian đó mình đã đối phó với phiền não ra sao… Có khi mình nhìn thấy nhưng nó vẫn còn nguyên đó.

Phiền não khi được ghi nhận sẽ biến mất. Thiện pháp khi được ghi nhận sẽ tăng trưởng. Ví dụ khi tôi quỳ lạy ngôi bảo tháp tám sợi tóc của Đức Phật ở Yangon, tôi thấy tâm tôi hoan hỉ quá. Thí dụ như mình là một hành giả chuyên nghiệp, lạy bằng chánh niệm mà, lúc vừa quỳ lạy xuống thì tâm hoan hỉ xuất hiện, dào dạt, lạnh xương sống, nổi da gà. Lúc đó mình biết, ố ồ, đại thiện thọ hỷ nha! Khi ghi nhận như vậy nó không hề mất mà lại tăng vì có thêm phần chánh niệm nữa. Trong khi đó, tâm bất thiện thì lại khác, Tâm bất thiện (nếu mình vững) khi mình nhận diện, ghi nhận nó thì nó phải mất.

Cho nên, khi tu Tứ Niệm Xứ thì chấm dứt phiền não có hai cách: Paricchedapahana – chấm dứt tuyệt đối bằng thánh trí, và Tadangapahana – chấm dứt kiểu đối phó, từng chập từng chập, từng cơn, từng lúc.

Toàn bộ hành trình tu tập của mình chỉ có hai việc: 

1/ Nhận diện mọi có mặt là khổ, 

2/ Biết rõ cái sự nhận diện này chính là con đường thoát khổ. 

Toàn bộ Tam Tạng chỉ nói hai điều này.

Con đường đau khổ là con đường để cho năm uẩn tiếp tục có mặt. Chính sự hiện hữu của năm uẩn là khổ. Con đường thoát khổ chính là sự nhận diện sự đau khổ. Muốn nhận diện thì phải tu Tứ Niệm Xứ. Hành trì Tứ Niệm Xứ tức là tu tập Bát Chánh Đạo. Đó là nội dung bài kinh này.

Trong Pháp Cú 277 – 279

“Sabbe sankhara anicca” ti
yada pannaya1 passati
atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiya.

“Sabbe sankhara dukkha” ti
yada pannaya passati
atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiya.

“Sabbe sankhara anatta” ti
yada pannaya passati
atha nibbindati dukkhe
esa maggo visuddhiya.

Khi nào ta nhận diện rằng các pháp hữu vi là vô thường rồi sanh tâm nhàm chán, đây chính là con đường giải thoát
Khi nào ta nhận diện rằng các pháp hữu vi là khổ rồi sanh tâm nhàm chán, đây chính là con đường giải thoát
Khi nào ta nhận diện rằng các pháp hữu vi là vô ngã rồi sanh tâm nhàm chán, đây chính là con đường giải thoát

Ba câu này được trích dẫn nhiều nhất. Trong tất cả các truyền thống Vipassanā, các thiền sư đều xem ba câu này như ba câu bảo vật trấn sơn.

Con đường thoát khổ là con đường chấm dứt thân kiến.

Thân kiến (sakkāyaditthi) là thấy rằng thân tâm này là tôi, của tôi. Ngày xưa, khi chưa học đạo, khi chưa hành Tứ Niệm Xứ, mình thấy đây là xứ sở của tôi, đây là nhà đất của tôi, đây là cha mẹ của tôi, con cái của tôi. Khi biết đạo rồi, tu Tứ Niệm Xứ rồi thì thấy cái này là vô thường, do duyên mà có cái kia cũng vô thường, do duyên mà có. Tuy nhiên, hành giả thường bị mắc vào tình trạng này: Tôi đang nhìn, tôi đang quan sát; quan sát danh sắc từ vị trí của người nhìn, bằng tâm trạng của người nhìn.

Có câu chuyện sau đây, quí vị nghe cho kỹ đừng bỏ sót chữ nào hết mới trả lời được: Ông chủ nhà trong cơn nổi giận, cầm cái búa đi vào trong phòng đập nát tất cả mọi món đồ trong phòng trong suốt nhiều giờ đồng hồ, đập cho đến lúc không còn thấy cái gì để đập nữa. Sau đó ông đi ra ngoài, quên rằng có một món không thể nào đập được, đó là món nào?

Đó là cái búa! Cũng vậy, mình bỏ hết danh lợi, tình cảm gia đình… mình đi vô thiền viện quán chiếu vô thường, vô ngã, tùm lum hết nhưng cuối cùng mình quên một chuyện, đó là ‘cái búa’. Thân kiến là vậy đó. Từ bỏ thân kiến chính là đập nát cái búa trên tay. Làm sao để đập? Nhận diện mọi thứ là Khổ và biết rõ sự nhận diện này chính là con đường thoát khổ (tu tập Tứ Niệm Xứ). Đừng nhìn nó từ vị trí ‘của tôi’, đây là sự nhàn chám ‘của tôi’, đây là sự tiến bộ ‘của tôi’, đây là chánh kiến của tôi, đây là sự tu tập ‘của tôi’… Hãy nhìn nó như là nhìn cái gì đó đang trôi chảy. Hành giả tu Tứ Niệm Xứ muốn lìa bỏ thân kiến phải luôn luôn tâm niệm rằng: Sự tu tập, chánh niệm, trí tuệ, chính là cái búa. Coi chừng đập tùm lum hết, cuối cùng rồi cái búa còn nguyên. Kể từ sáng hôm nay hãy thỉnh thoảng tự hỏi “cây búa đâu rồi”. Nhưng mà tự hỏi trong lòng chớ đừng tự nhiên ngồi hỏi cái búa đâu rồi người ta tưởng mình đi tu rồi về ‘tẩu hỏa nhập ma’…

VÔ THƯỜNG

Bài kinh Vô Thường cũng y hệt như vậy.

Trong thời gian một búng tay tâm sinh diệt một ngàn tỷ sát na. Tâm sinh diệt nhanh hơn sắc pháp 17 lần. Năm uẩn chia ra hai phần: sắc uẩn và 4 danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức). Bốn danh uẩn sanh diệt nhanh hơn sắc uẩn 17 lần.

Vị hành giả phải là người thường xuyên liên tục quán chiếu rằng năm uẩn này, danh sắc này, thân tâm này là vô thường. Nếu đủ duyên lành thì chứng thánh đời này, còn không cũng là hiện tại lạc trú và gieo duyên đời sau. Toàn bộ những gì chúng ta được nghe hay đọc thấy trên kinh điển phải được hành trì thì mới thấy được nó đúng hay sai một cách rốt ráo. Không hành trì mà chỉ ngồi tưởng tượng suông thì có cái thấy, có cái không thấy. 

Ví dụ, nói chánh niệm diệt trừ phiền não, nếu không hành trì thì khó tin lắm. Lúc đầu mình gượng tin, nhưng về lâu về dài thì thấy chán và tự hỏi sao pháp môn gì đơn giản vậy. Tại sao mình sinh tử? Vì có tham, có sân,có si. Có tham, có sân, có si là bởi vì mình thất niệm. Toàn bộ những rắc rối trên thế giới này đều xuất phát từ chuyện người ta không chịu nhìn lại điều mình sắp làm, muốn làm, đang làm; sắp nói, đang nói; đang suy nghĩ, vừa suy nghĩ. Ví dụ, trong gia đình mà vợ chồng con cái gây nhau là do thất niệm. Ác pháp khi được nhận diện sẽ biến mất, thiện pháp khi được nhận diện sẽ tăng trưởng. Nhận diện chính là dùng chánh niệm và trí tuệ để ghi nhận, đó chính là hành trì. Muốn hết khổ thì phải nhận diện bản chất của năm uẩn. Muốn làm được chuyện đó thì chỉ một con đường duy nhất: tu Tứ Niệm Xứ. 

Có người chỉ có thể ghi nhận sắc pháp, có người thích hợp với đề mục danh pháp, có người thì cả hai. Bản thân tôi – người đang hầu chuyện cùng quí vị – tôi hợp với cả hai. Tạm thời tôi thấy không có gì đặc biệt thì tôi cứ đi, đi từng bước, đi thong thả hoặc ngồi yên, không theo tư thế bán già kiết già chi hết. Bàn tay úp đầu gối, thỉnh thoảng thì ngửa lên cho mát. Chỉ đi tới đi lui nhẹ nhàng thong thả, đang đi biết rõ mình đang đi, không có gì thêm bớt. Có thiền sư chia ra: giở, bước, đạp… Tôi không chia ra, đang đi thì biết đang đi mà thôi. Đó là đang ghi nhận về sắc pháp. Trong lúc đang ghi nhận như vậy đó, bỗng có cái bực mình, tôi sực nhớ chuyện gì đó, tôi ghi nhận: phóng tâm nghen; nếu nó nhanh quá và bực mình xuất hiện, thế là tôi ghi nhận: đang giận nghen. Khi nó lắng xuống thì tiếp tục đi nữa. Còn ghi nhận về danh pháp là biết về tâm (đang tham, đang sân…) và biết về thọ (lạc nè, khổ nè.. biết rõ).

“Nhờ hành trì như vậy đó cho nên vị đó mới chấm dứt được phiền não… tâm ly tham, được giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc… Vị ấy biết rõ: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành…”. Có nhiều vấn đề tôi sẽ gom hết để viết thành những bài viết ngắn và rất ngắn trong Chuyện Phiếm Thầy Tu tập 2, trong đó tôi bàn về những chuyện bà con nghe sẽ rất sốc nhưng không thể không nói, những kinh nghiệm, những lỗi thường gặp khi nghiên cứu kinh điển, cái gì nên làm, cái gì nên tránh. Ví dụ trong đó tôi có nói rõ một chuyện là không đi đâu qua khỏi bài kinh Tứ Niệm Xứ của chánh tạng hết. 

Tất cả kinh nghiệm của thiền sư chỉ là chỗ để mình tham khảo. Khi nói cái gì đó chung cho đại chúng thì tránh nói chi tiết. Vì càng chi tiết thì càng đóng khung chân lý. Thiền sư ngày nay có khuynh hướng đi vào chi tiết. Ngài Xá Lợi Phất là nhân vật số hai sau Đức Phật, vậy mà ngài cũng không đưa ra đường hướng nào gọi là có đóng mác Sariputta trong đó, còn bây giờ thì có, Shwe Oo Min, Mogok, Pa-Auk, Mahasi…v.v mỗi truyền thống đều có cái mác trên đó. Ngài Xá Lợi Phất thì không, ngài thấy rằng chân lý ở mỗi người có một cái cửa đi vào khác nhau, vì vậy ngài chỉ đưa ra những điều chung chung. Tôi muốn viết tập hai vì tôi sẽ đá động đến một số vấn đề của người tu và học mà không có dịp để nói và có người không có điều kiện để nghe.

VÔ THƯỜNG (2)

Hôm qua tôi có nói, cố ý đi tìm một cái tôi trong cuộc đời vô ngã vô thường này chẳng khác nào xác định quốc tịch ở một xứ sở không đáng sống. Xác định chủ quyền, chủ sở hữu trên vật gì ngon ngon một chút chớ cái thùng phân thì xác định làm gì. Trước khi ăn bánh mì thì tờ giấy gói bánh mì là cần thiết, còn khi ăn xong thì tờ giấy đó chỉ đem liệng thùng rác. Không ai tha thiết xác định chủ sở hữu trên những vật đó hết. Mọi thứ ta có chỉ là tấm vé chưa đi, tờ vé số chưa dò. Sử dụng xong rồi thì không còn gì nữa. Cái khổ của ta là cứ muốn giữ lại mọi thứ.

Cái gì là vô thường đáng bị gọi là khổ. Cái gì là khổ thì không đáng gọi là ta, của ta.

QUÁN KIẾN (Samanupassanāsutta)

Kinh này có nội dung thu gọn kinh Phạm Võng, Trường Bộ kinh.

3) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào quán tự ngã dưới nhiều hình thức sai khác, quán cả năm thủ uẩn hay quán một trong năm thủ uẩn.

“Quán tự ngã” nghĩa là ‘coi như là của tôi’, nhìn bản thân mình hoặc cái gì bên ngoài mình như là ‘tôi’ và ‘của tôi’.

Đầu tiên là chấp ngã trong năm uẩn; hai là trong năm căn; ba là trong Duyên khởi mặc dù bản thân người đó không biết duyên khởi là gì.

Chúng sinh trong đời gồm có loại nhất uẩn, tứ uẩn và ngũ uẩn. Có tâm, không tâm, nói có hay không đều không được.

Ngũ uẩn: chúng sinh ở cảnh giới có đủ thân và tâm, đủ sắc uẩn – thân xác vật chất (thô và tế); có đủ bốn danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức). Nhưng cũng có những chúng sinh nhàm chán tâm. Kẻ chán tâm tu tập thiền Sắc giới đến tầng Ngũ thiền rồi nguyện đời sau không có tâm thức, nhờ vậy khi chết sinh về cõi Vô Tưởng Thiên (Asannibhava) sống ở đó 500 đại kiếp, như một ngẫu tượng vô tri. (ngẫu tượng: mannequin)

Có người chứng thiền Sắc giới lại nhàm chán sắc pháp, tiếp tục tu tập thiền định bằng các đề mục phi vật chất, sau đó chứng thiền Vô Sắc và sinh về cõi Vô Sắc.

Theo trong kinh, Đức Phật nói nếu Ngài không ra đời thì có một số sự kiện, một số cảnh giới mà chúng sinh không thể nào biết được. Chẳng hạn như trong Trung Bộ Kinh, Đức Phật xác nhận rằng cảnh giới Vô Sắc không phải ai cũng biết một cách dễ dàng. Chúng sinh ở đó không có sắc pháp, gọi là cõi nhưng không có gì để là cõi. Cái gọi là thế giới này có những chúng sinh hữu hình và chúng sinh vô tướng; có những chúng sinh có tâm mà không có sắc, có những chúng sinh có sắc mà không có tâm.

Có những người hoàn toàn không biết gì hết chỉ biết hưởng dục thì họ chìm đắm đam mê, ghim sâu cắm chặt trong năm trần, sắc thanh khí vị xúc, mắt tai mũi lưỡi thân. Có người khá hơn một chút thì tu tập thiền định để nguyện đời sau không có tâm rồi sinh về cõi Vô Tưởng. Hạng khá hơn chút thì nhàm chán sắc pháp, tu thiền Vô sắc để sanh về cõi Vô sắc, ở đó không có sắc pháp, không có vật chất. Tuy nhiên, dù đam mê trong Dục giới, Sắc giới hay Vô sắc giới thì cũng giống hệt như một người đam mê một nơi chốn nào đó trong căn nhà đang cháy. Nghĩa là mọi thứ đang luôn luôn vô thường, đang luôn luôn trở thành một thứ khác. Chữ bhava (becoming) nghĩa là đang trở thành một cái gì đó, luôn luôn đổi khác. Đổi khác ở đây nghĩa là cái trước được thay thế bằng cái sau. Trong cơ thể mình, cái cũ được thay thế bằng cái mới liên tục. Về tâm thức thì sát na trước biến mất 100% không để lại dấu vết gì hết để cái thứ hai xuất hiện. Nhưng vì quá nhanh nên mình thấy giống như có dòng chảy liên tục như quạt máy ba cánh quay quá nhanh làm cho mình chỉ thấy một quầng tròn.

Có sắc mà không tâm là chúng sinh Vô Tưởng. Có tâm mà không sắc là chúng sinh 3 cõi Vô Sắc thấp. Có đủ thân và tâm là chúng sinh cõi Ngũ Uẩn. Nói có tâm và không tâm là đều không được, đó là chúng sinh cõi Vô Sắc cao nhất, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. (Xem thêm trong cuốn A-tỳ-đàm do sư Giác Nguyên biên soạn).

Bài kinh này Đức Phật dạy cho dù mình là người cõi Ngũ Uẩn, Nhất Uẩn hay Tứ Uẩn, có tâm, không tâm hay vừa có vừa không thì hễ còn nghĩ rằng ‘tôi là’ cái gì đó, cái này là ‘của tôi’, ‘tôi’ đang tu tập, ‘tôi’ đang bất thiện… nghĩa là mình không thể giải thoát, đập hết mọi thứ mà vẫn sót lại một thứ nghĩa là chưa đập hết. Trong Tứ Niệm Xứ không có cái nào không được quan sát, cái gì cũng là đối tượng quan sát; cái quan sát và bị quan sát đều phải được quan sát. Nhờ vậy ta mới đập nát luôn cái búa. Khổ một chỗ, người không đủ Ba-la-mật thì sẽ đi lấy cái búa thứ hai. Trên tay vẫn cứ còn cái búa

-Cách nào để đập luôn cái búa?

-Liệng! Buông!

-Vị La-Hán còn tâm hay không? Còn thân hay không?

-Còn.

Có người hỏi Đức Phật: Khi chưa chứng La-Hán thì an trú pháp gì? Ngài trả lời: Tứ Niệm Xứ!

– Khi chứng rồi thì sao?

– Tứ Niệm Xứ!

Tu hành không phải để được cái gì mà để bỏ được bao nhiêu, bỏ được cái gì. Đi lượm đồ thì có thể nhặt đồ tầm bậy, đi liệng đồ thì chỉ việc liệng bỏ cái gì trên tay. Vấn đề của người đi lượm là cả vũ trụ, còn vấn đề của người đi liệng thì chỉ là cái gì trên tay, buông ra là xong.
_______________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

  1. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammãsambuddhassa !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa!

      Xóa
  2. Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma-sambuddhassa !

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.