Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (14)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 1 - Tương Ưng Uẩn (14)

PHẦN CHÁNH KINH

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
[22] Chương I: Tương Ưng Uẩn (d)

III. Phẩm Những Gì Ðược Ăn

I. Vị Ngọt (S.iii,81)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

4-6) ... của thọ... của tưởng... của các hành.

7) Không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

8-12) Và này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc... của thọ... của tưởng... của các hành... của thức.

II. Tập Khởi (S.iii,82)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

4-6) ... của thọ... của tưởng... của các hành...

7) Không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

8) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

9-11) ... của thọ... của tưởng... của các hành...

12) ... như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

III. Tập Khởi (S.iii,82)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

4-6) ... của thọ... của tưởng... của các hành...

7) ... như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

IV. Các Vị A-La-Hán (S.iii,83)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".

4-6) ... thọ... tưởng... các hành là vô thường...

7) Này các Tỷ-kheo, thức là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".

8) Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành. .. đối với thức.

9) Do nhàm chán nên ly tham. Do ly tham, nên được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

10) Này các Tỷ-kheo, cho đến hữu tình cư (Sattavasa), cho đến tột đảnh của hữu (Bhavaggam), những bậc ấy là tối thượng, những bậc ấy là tối thắng ở trong đời, tức là các bậc A-la-hán.

11) Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

1) An lạc, bậc La-hán,
Họ không có khát ái,
Ngã mạn khéo chặt đứt;
Lưới si bị phá rách.

2) Họ đạt được bất động,
Tâm viễn ly ô trược,
Không nhiễm trước thế gian,
Bậc Phạm thiên vô lậu.

3) Họ biến tri năm uẩn.
Do hành bảy Chánh pháp.
Bậc Chân nhân tán thán,
Con đích tôn chư Phật.

4) Ðầy đủ bảy món báu,
Ba học đều thành tựu,
Bậc đại hùng du hành,
Ðoạn tận mọi sợ hãi.

5) Ðầy đủ mười uy lực,
Bậc Long tượng Thiền định.
Họ tối thắng ở đời,
Khát ái được đoạn tận.

6) Thành tựu vô học trí,
Thân này thân tối hậu,
Cứu cánh của Phạm hạnh,
Ðạt được không nhờ ai.

7) Ðối các tưởng, không động,
Giải thoát khỏi tái sanh,
Ðạt được điều phục địa,
Họ chiến thắng ở đời.

8) Thượng, hạ cùng tả, hữu.
Họ không có hỷ lạc,
Họ rống sư tử rống,
Phật vô thượng ở đời!

V. Các Vị A-La-Hán (S.iii,84)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".

4-7) Thọ... Tưởng... Các hành... Thức là vô thường...

8) Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức.

9) Do nhàm chán nên ly tham. Do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

10) Này các Tỷ-kheo, cho đến hữu tình cư, cho đến tột đảnh của hữu, những bậc ấy là tối thượng, những bậc ấy là tối thắng ở trong đời, tức là các bậc A-la-hán.

VI. Sư Tử (S.iii,85)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, con sư tử, vua các loài thú, vào buổi chiều, đi ra khỏi hang. Sau khi ra khỏi hang, nó duỗi thân mình và chân. Sau khi duỗi thân mình và chân, nó nhìn xung quanh bốn phương. Sau khi nhìn xung quanh bốn phương, nó rống lên tiếng rống sư tử ba lần. Sau khi rống tiếng rống sư tử ba lần, nó đi tìm mồi. Này các Tỷ-kheo, các loài thú thuộc loại bàng sanh, nghe tiếng rống của con sư tử, vua các loài thú, phần lớn chúng trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp đảm. Các loài ở hang tìm vào hang. Các loài ở nước tìm xuống nước. Các loài ở rừng tìm vào rừng. Các loài chim bay lên hư không.

5) Này các Tỷ-kheo, các loài voi chúa ở tại làng, thị trấn hay thành phố, bị trói bởi các cây đa cứng chắc, bứt đứt, giật đứt những sợi dây ấy, khiếp đảm cuồng chạy, tung cả phân và nước tiểu.

6) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đại thần thông lực của con sư tử, vua các loài thú; đối với loài bàng sanh, như vậy là đại thế lực, như vậy là đại uy lực.

7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Như Lai xuất hiện ở đời, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy thuyết pháp: Ðây là sắc. Ðây là sắc tập khởi. Ðây là sắc đoạn diệt. Ðây là con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Ðây là thọ... Ðây là tưởng... Ðây là các hành... Ðây là thức. Ðây là thức tập khởi. Ðây là thức đoạn diệt. Ðây là con đường đưa đến thức đoạn diệt.

8) Này các Tỷ-kheo, có những chư Thiên nào, tuổi thọ dài, có mỹ sắc, hưởng lạc nhiều, đã sống lâu trong các lâu đài to lớn. Các chư Thiên này, sau khi nghe Như Lai thuyết pháp, phần lớn họ trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp đảm. Họ nghĩ: "Chúng ta là vô thường, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường còn. Chúng ta là không thường hằng, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường hằng. Chúng ta không thường trú, này chư Tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường trú. Này chư Tôn giả, chúng ta là vô thường, không thường hằng, không thường trú, bị thâu nhiếp trong một thân này".

9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là đại thần thông lực của Như Lai đối với chư Thiên và thế giới chư Thiên, như vậy là đại thế lực, như vậy là đại uy lực.

10) Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Thuyết giảng như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

1) Khi Phật với thượng trí,
Chuyển bánh xe Chánh pháp,
Cho Thiên giới, Nhân giới,
Bậc Ðạo Sư vô tỷ.

2) Sự đoạn diệt tự thân,
Sự hiện hữu tự thân,
Và đường Thánh Tám ngành
Ðưa đến khổ diệt tận,

3) Chư Thiên được trường thọ,
Có mỹ sắc danh xưng,
Sanh khiếp đảm, sợ hãi,
Như thú thấy sư tử.

4) Vì chưa thoát tự thân,
"Chúng ta là vô thường",
Nghe lời bậc Ứng Cúng,
Ðã giải thoát như vậy.

VII. Ðáng Ðược Ăn (Tạp 2, Ðại 2,11) (S.iii,86)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có nhớ đến các đời sống ở các kiếp trước, tất cả họ đều nhớ đến năm thủ uẩn hay nhớ đến một trong những uẩn này.

4) Thế nào là năm? Này các Tỷ-kheo, có người nhớ rằng: "Trong quá khứ, thân ta như thế này". Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến sắc. Hay có người nhớ rằng: "Trong quá khứ, ta có cảm thọ như thế này". Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến thọ. Hay có người nhớ rằng: "Trong quá khứ ta có tưởng... có các hành... có thức như thế này". Nhớ như vậy, vị ấy nhớ đến thức.

5) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là sắc? Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là sắc. Bị thay đổi bởi cái gì? Bị thay đổi bởi lạnh, bị thay đổi bởi nóng, bị thay đổi bởi đói, bị thay đổi bởi khát, bị thay đổi bởi sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng và rắn. Bị thay đổi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là sắc.

6) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là thọ? Ðược cảm thọ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thọ. Cảm thọ gì? Cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ phi khổ phi lạc. Ðược cảm thọ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thọ.

7) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là tưởng? Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng. Nhận rõ gì? Nhận rõ màu xanh, nhận rõ màu vàng, nhận rõ màu đỏ, nhận rõ màu trắng. Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng.

8) Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là hành? Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi nên gọi là hành. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi gì? Làm cho hiện hành sắc với sắc tánh, làm cho hiện hành thọ với thọ tánh, làm cho hiện hành tưởng với tưởng tánh, làm cho hiện hành các hành với hành tánh, làm cho hiện hành thức với thức tánh. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là các hành.

9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là thức? Rõ biết, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thức. Rõ biết gì? Rõ biết chua, rõ biết đắng, rõ biết cay, rõ biết ngọt, rõ biết chất kiềm... rõ biết không phải chất kiềm, rõ biết mặn, rõ biết không mặn. Rõ biết, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thức.

10) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Nay ta bị sắc chinh phục. Trong thời quá khứ, ta cũng bị sắc chinh phục, như ta bị sắc hiện tại chinh phục. Nếu ta hoan hỷ đối với sắc vị lai, thời trong vị lai, ta sẽ bị sắc chinh phục, như nay ta bị sắc hiện tại chinh phục". Do suy nghĩ như vậy, vị ấy không có luyến tiếc đối với sắc quá khứ, không có hoan hỷ đối với sắc vị lai, và thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sắc hiện tại.

12) "Ta nay bị thọ chinh phục. Trong thời quá khứ, ta cũng bị thọ chinh phục như vậy, như nay ta bị thọ hiện tại chinh phục. Nếu ta hoan hỷ đối với thọ vị lai, thời trong thời vị lai, ta sẽ bị thọ chinh phục, như nay ta bị thọ hiện tại chinh phục". Do suy nghĩ như vậy, vị ấy không luyến tiếc đối với thọ quá khứ, không có hoan hỷ đối với thọ vị lai, và thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với thọ hiện tại.

13) "Ta nay bị tưởng chinh phục...".

14) "Ta nay bị các hành chinh phục...".

15) "Ta nay bị thức chinh phục. Trong thời quá khứ, ta cũng bị thức chinh phục như vậy, như nay ta bị thức hiện tại chinh phục. Nếu ta hoan hỷ đối với thức vị lai, thời trong thời vị lai, ta sẽ bị thức chinh phục, như nay ta bị thức hiện tại chinh phục". Do suy nghĩ như vậy, vị ấy không có luyến tiếc đối với thức quá khứ, không có hoan hỷ đối với thức tương lai, và thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với thức hiện tại.

16) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

17-19) -- Thọ... Tưởng... Các hành...

20) Thức là thường hay vô thường?

-- Vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

21) -- Do vậy, này các Tỷ-kheo, đối với sắc quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng... xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".

22) Ðối với thọ...

23) Ðối với tưởng...

24) Ðối với các hành..

25) Ðối với thức quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức đều phải như thật quán với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".

26) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Thánh đệ tử giảm thiểu, không tăng trưởng, từ bỏ, không chấp thủ, xa lánh, không thân cận, phân tán, không huân tập.

27) Giảm thiểu, không tăng trưởng cái gì? Giảm thiểu, không tăng trưởng sắc..., giảm thiểu, không tăng trưởng thọ...tưởng...các hành...giảm thiểu, không tăng trưởng thức.

28) Từ bỏ, không chấp thủ cái gì? Từ bỏ, không chấp thủ sắc...thọ... tưởng... các hành... từ bỏ, không chấp thủ thức.

29) Xa lánh, không thân cận cái gì? Xa lánh, không thân cận sắc... thọ... tưởng... các hành... xa lánh, không thân cận thức.

30) Phân tán, không huân tập cái g? Phân tán, không huân tập sắc... thọ... tưởng... các hành... phân tán, không huân tập thức.

31) Thấy vậy, bậc Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

32) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Tỷ-kheo không tăng trưởng, không giảm thiểu. Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ; sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận; sau khi xa lánh, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập.

33) Sau khi phân tán, vị ấy trú, không tăng trưởng, không giảm thiểu cái gì? Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không tăng trưởng, không giảm thiểu sắc. Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không tăng trưởng, không giảm thiểu thọ... tưởng... các hành... không tăng trưởng, không giảm thiểu thức.

34) Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ cái gì? Sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ sắc; sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ thọ... tưởng... các hành... không từ bỏ, không chấp thủ thức.

35) Sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận cái gì? Sau khi xa lánh, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận sắc; sau khi xa lánh, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận thọ... tưởng... các hành... không phân tán, không huân tập thức.

36) Sau khi xa lánh, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập cái gì? Sau khi phân tán, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập sắc; sau khi phân tán, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập thọ...tưởng...các hành...không phân tán, không huân tập thức.

37) Sau khi phân tán, vị ấy trú, với tâm giải thoát như vậy. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy được chư Thiên với Thiên chủ, Phạm thiên chúng với Phạm thiên đảnh lễ, dầu cho ở xa:

38)
Ôi, ta đảnh lễ Ông,
Bậc người như lương mã!
Ôi, ta đảnh lễ Ông,
Là bậc tối thắng nhân!
Ta không có chấp trước,
Ðối tượng Ông Thiền tư!

VIII. Người Khất Thực (Tạp 10, Ðại 2,71c) (Trung 34, Ðại 1,647a) (S.iii,91)

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở vườn Cây Bàng (Nigrodhàràma)

2) Rồi Thế Tôn nhân một lỗi lầm, sau khi quở trách chúng Tỷ-kheo Tăng, đắp y vào buổi sáng, cầm y bát, đi vào thành Kapilavatthu để khất thực.

3) Ði khất thực ở Kapilavatthu xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, Thế Tôn đi đến Mahàvana (Ðại Lâm) để nghỉ buổi trưa. Sau khi đi sâu vào rừng Mahàvana, Ngài ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây veluvalatthikà.

4) Trong khi Thế Tôn độc cư Thiền tịnh, tư tưởng như sau được khởi lên:

5) "Chúng Tỷ-kheo đã được Ta làm cho vững mạnh. Nhưng ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Ta, họ có thể đổi khác, biến đổi. Như con bê, nếu không thấy bò mẹ, có thể thay đổi, đổi khác.

6) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Ta, họ có thể đổi khác, biến đổi. Ví như những hột giống non, nếu không có nước, có thể đổi khác, biến đổi.

7) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không được bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Ta, họ có thể đổi khác, biến đổi. Như trước đây chúng Tỷ-kheo đã được Ta giúp đỡ, cũng vậy, nay Ta hãy giúp đỡ cho chúng Tỷ-kheo!"

8) Rồi Phạm thiên Sahampati, với tâm của mình biết được tư niệm của Thế Tôn, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại hay co lại cánh tay duỗi ra, cũng vậy, biến mất từ Phạm thiên giới, hiện ra trước mặt Thế Tôn.

9) Rồi Phạm thiên Sahampati, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:

-- Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn làm cho vững mạnh.

10) Nhưng ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi khác, biến đổi. Như con bê, nếu không thấy bò mẹ, có thể đổi khác, biến đổi.

11) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi khác, biến đổi. Ví như những hạt giống non, nếu không có nước, có thể đổi khác, biến đổi.

12) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi khác, biến đổi.

13) Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy làm cho chúng Tỷ-kheo hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giảng cho chúng Tỷ-kheo như trước đây chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn giúp đỡ, cũng vậy, nay Thế Tôn hãy giúp đỡ cho chúng Tỷ-kheo!

14) Thế Tôn im lặng nhận lời.

15) Rồi Phạm thiên Sahampati, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ.

16) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến vườn Cây Bàng, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nghĩ rằng: "Ta hãy thị hiện thần thông một cách khiến cho các vị Tỷ-kheo ấy đến Ta từng nhóm một hay hai người, với tâm có tội lỗi".

17) Và các Tỷ-kheo ấy đến Thế Tôn, từng nhóm một hay hai người, với tâm có tội lỗi; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

18) Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên:

-- Này các Tỷ-kheo, đây là nghề sinh sống hèn hạ nhất, tức là nghề khất thực. Ðây là một lời nguyền rủa trong đời, này các Tỷ-kheo, khi nói: "Ông, kẻ khất thực với bát trên bàn tay, Ông đi chỗ này, chỗ kia và đấy là nghề sinh sống". Này các Tỷ-kheo, điều mà các thiện gia nam tử chấp nhận là những vị sống vì lý tưởng mục đích, duyên với lý tưởng mục đích; không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì trộm cướp cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, không phải vì không có nguồn sinh sống, mà với ý nghĩ: "Ta bị chìm đắm trong sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não; bị chìm đắm trong đau khổ, bị đoanh vây bởi đau khổ. Rất có thể, sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này được tìm ra".

19) Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là thiện gia nam tử xuất gia. Vị ấy có tham dục đối với các dục vọng, tham ái cuồng nhiệt, tâm tư sân hận, tư niệm ô nhiễm, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn không chế ngự. Ví như, này các Tỷ-kheo, một que củi từ chỗ hỏa táng, cả hai đầu đều cháy, ở giữa lại dính phân, không được dùng làm củi trong làng, không được dùng làm củi trong rừng. Dùng ví dụ ấy, Ta tả cho các Ông con người ấy, đã mất cả nhà và tài sản, lại không làm viên mãn mục đích của Sa-môn hạnh.

20) Này các Tỷ-kheo, có ba bất thiện tầm này: dục tầm, sân tầm, hại tầm. Và này các Tỷ-kheo, ba bất thiện tầm này được đoạn diệt không có dư tàn, đối với vị nào tâm đã khéo an trú vào bốn Niệm xứ hay tu tập vô tướng Thiền định.

21) Này các Tỷ-kheo, hãy khéo tu tập vô tướng Thiền định. Này các Tỷ-kheo, vô tướng Thiền định được tu tập, làm cho tăng thịnh, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn.

22) Này các Tỷ-kheo, có hai kiến này: hữu kiến, phi hữu kiến. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Có cái gì ở trong đời, ta chấp trước mà không có phạm tội?"

23) Và vị ấy biết: "Không có cái gì ở trong đời ta chấp trước mà không có phạm tội". Nếu ta chấp thủ sự chấp thủ sắc... thọ... tưởng... các hành... Nếu ta chấp thủ sự chấp thủ thức, do duyên chấp thủ, hữu trở thành của ta. Do duyên hữu, có sanh. Do sanh, có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

24) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

25-28) -- Thọ... Tưởng... Hành... Thức.... Do vậy, này các Tỷ-kheo, thấy vậy... Vị ấy biết: "... không còn trở lui trạng thái này nữa".

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3
Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Những Gì Được Ăn

‘Khajjaniya’ còn có nghĩa là ‘thực phẩm’ (những gì được ăn).

TẬP KHỞI

Tập khởi là nguyên nhân, chỗ bắt đầu. Có chỗ Đức Phật dạy tập khởi của Sắc uẩn là sự đam mê trong sắc uẩn, có chỗ thì là đoàn thực hay niềm đam mê trong đoàn thực.

Xuất ly (nissaraṇa) nghĩa là sự lìa bỏ. Khi nào có sự nhàm chán, ngay trong tâm trạng nhàm chán thì mình đã lìa bỏ rồi. Khi mình thương thích một người một vật nào đó thì mình tìm cách sở hữu, gần gũi. Nhưng khi đã có lòng chán ghét, chưa có một động thái nào, chỉ mới có tâm trạng thôi, thì đã xuất hiện dấu hiệu của sự chia xa. Ai có gia đình thì biết rõ điều đó. Người VN có câu “đồng sàng dị mộng”, chung giường nhưng mỗi người theo đuổi một giấc mơ riêng; dù chưa ra tòa, chưa ly thân, li dị chưa xé hôn thú nhưng lòng đã không còn nghĩ về nhau nữa; như giữa đôi bên có hố sâu ngăn cách không cách nào lấp được. Năm uẩn cũng vậy, dù mình vẫn còn đi đứng sinh hoạt với nó nhưng mình hiểu quá rõ nó là nguồn khổ gốc của Khổ, ngay trong nhận thức đó thì mình đã có một sự lìa bỏ trong tâm thức, trường hợp đó gọi là ‘sự xuất ly’.

Nguy hiểm (adīnava): mặt trái. Tấm huy chương chỉ có mặt trước, chiếc xe hơi đắt tiền ngó đẹp vậy chớ lật ngược lên thì rất xấu, hoặc mở nắp ca-pô (capot) lên thì thấy dây nhợ chằng chịt đó được gọi là mặt trái của nó; phải tốn xăng, tốn tiền nếu nó hư hao; còn mặt phải của nó là hào nhoáng, sang trọng, tiện nghi. Năm uẩn cũng vậy, khi đang hưởng thụ thì thấy hay, đẹp, ngon, ấm áp mịn màng nhưng mặt trái của nó là sự biến đổi. Bản thân nó luôn trong tình trạng vô thường, và tâm của mình đối với nó cũng trong tình trạng biến đổi, lúc thích, lúc không thích. Nhìn mặt của mình trong gương có lúc mình cũng chán. Tôi hôm nay 46 tuổi, là nam, là ông sư nữa, tôi đâu có màng gì đến ngoại hình nhưng đôi lúc rửa mặt nhìn cái mặt mình thấy chán, nghĩ bụng nếu có nút nào bấm cho mình ra người mới thì tôi cũng bấm rồi. Ngay trong tấm thân này đã trong tình trạng thay đổi liên tục và liên tục.

Bài kinh Các Vị La Hán nội dung cũng y hệt vậy. Bài kinh Sư Tử có nội dung nói về Tam tướng cũng y như vậy. Các loài vật trong rừng khi nghe tiếng gầm của con sư tử thì bị kinh hoàng, bị sốc như thế nào thì có những vị trời nói riêng, chúng sanh nói chung khi nghe Đức Phật thuyết pháp thì cũng sốc y như vậy. Từ khi có Đức Thế Tôn ra đời và thuyết pháp, thì những gì bị giấu kín, che khuất đều được phơi bày, phanh phui. Ngài phân tích cho mình thấy, tất cả những gì mình thích thú đam mê đều có vấn đề, mà vấn đề lớn nhất của mọi sự ở đời là vô thường. Danh lợi, quyền lực, tình cảm, nhan sắc, sức khỏe hay sinh mạng tất thảy đều có đó rồi mất đó. 

Mấy hôm nay báo chí khắp nơi đang rầm rộ tin tức một chuyên cơ Đức đâm vào núi, tai nạn đó kéo theo bao nhiêu giấc mộng đời, vùi chôn trong hẻm núi hoang vắng. Nạn nhân là những em học sinh mới mười mấy tuổi, là ca sĩ, bác sĩ… Đọc bài báo tôi nghĩ, những người đó trước khi ra đi, họ có một gia thế như thế nào, một tương lai rạng rỡ như thế nào. Vậy mà, chỉ vì một lý do rất đơn giản là chiếc máy bay đâm vào núi. Còn ông cơ phó có tự tử hay không thì mình không biết. Cuộc đời nay còn mai mất. 

Có người hỏi tôi vì sao mình cứ đi chùa nghe tới nghe lui chuyện buồn chán như vậy, tôi đã trả lời giống nhau: quả thật đời sống này là vậy, nếu mình sống có nhận thức thì đời sống này sẽ khá hơn. Có sự khác biệt rất lớn giữa những người sống ở đời có nhận thức chín chắn và những người thiếu nhận thức chín chắn. Nếu giàu cách mấy mà thiếu nhận thức chín chắn thì đời sống tất có vấn đề. Sáng nay quí vị nghe tôi nói những điều này thấy không quan trọng, nhưng một lúc nào đó quí vị bị sốc, quí vị mới thấy cần thiết, khi bị bệnh nằm yên một chỗ thì mới thấy sự thân quen, mối quan hệ, những quyền lợi… đều xếp xó hết. Những chúng sinh ở đời khi nghe Phật thuyết pháp họ sốc là vì vậy.

ĐÁNG ĐƯỢC ĂN

Tất cả những gì trong đời sống mà mình thương thích ghét sợ, đều là năm uẩn. Những hồi ức, kỷ niệm về quá khứ, những tưởng tượng hình dung về tương lai, cũng là năm uẩn. Trong bài kinh Đáng Được Ăn, Ngài nhắc lại một lần nữa: những hồi tưởng, ký ức của mình cũng chỉ là năm uẩn. Kể cả trường hợp chúng ta không biết năm uẩn là gì nhưng toàn bộ suy tư của chúng ta cũng chỉ là năm uẩn mà thôi: “3) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có nhớ đến các đời sống ở các kiếp trước, tất cả họ đều nhớ đến năm thủ uẩn hay nhớ đến một trong những uẩn này.”

Những gì ta hồi tưởng về quá khứ, suy diễn về tương lai, đắm đuối chìm sâu trong hiện tại, tất cả đều chỉ là vấn đề của năm uẩn mà thôi. Nỗi nhớ một mùa phượng nào bốn mươi năm về trước ở Đồng Khánh hay Gia Long, Nguyễn Bá Tòng hay Petrus Ký, nỗi nhớ một mùa mưa nào đó ở Dầu Giây, Long Khánh hay Đà Lạt, nỗi nhớ một mùa nắng nào đó ở Nha Trang hay Cam Ranh, một mùa Xuân nào đó ở Đà Nẵng, Huế hay một mùa thu ở Hà Nội… tất cả đều chỉ là quẩn quanh trong năm uẩn. Năm uẩn nào đã xuất hiện và biến mất thì đó là năm uẩn quá khứ. Năm uẩn nào đang diễn ra, đang hiện hữu thì đó là năm uẩn hiện tại. Năm uẩn nào sẽ diễn ra, sắp diễn ra đó là năm uẩn tương lai.

Ở đây ta thấy có những chữ: “ta bị tưởng chinh phục”, “ta bị thức chinh phục”… đó là Đức Phật nói bằng từ ngữ chuyên môn và khái niệm chuyên môn, nhưng đối với một hành giả thì hiểu như thế này: mình bị ám ảnh quá nhiều bởi những vấn đề quá khứ, tất cả những vấn đề đó đều là năm uẩn. Ví dụ mình thích hội họa, âm nhạc là mình đang bị Tưởng chinh phục, bị Thọ chinh phục. Thích du lịch, thích ăn uống… đó là mình đang bị năm uẩn tác động theo chiều tiêu cực. Chỉ có hành giả Tứ Niệm Xứ mới có cơ hội nhận diện những điều này, còn những người thất niệm thì không thấy được những điều này. 

Hãy nhớ rằng mọi thứ đều là do lắp ráp, luôn biến đổi. Cứ tự kỷ ám thị luôn luôn tâm niệm “Mọi thứ đều là do lắp ráp, mọi thứ do duyên mà có, có rồi phải mất”. Hãy coi câu này như thần chú. Thay vì niệm Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Quan Thế Âm… thì cứ niệm hoài câu đó. Hôm nay mình đọc như con nhồng con vẹt, nhưng cứ nhớ hoài như vậy, lâu ngày thấm hồi nào không hay. 

Một điều quan trọng là buổi đầu tu tập Tứ Niệm Xứ làm ơn gạt qua một bên những ám ảnh về các tầng thiền tuệ số 3 số 7, quên hết những con số đó đi, đừng cầu đắc gì hết, đừng dùng trí tuệ chia chẻ phân tích, chỉ làm một việc thôi đó là ghi nhận những gì đang xảy ra về thân hay về tâm, Lâu ngày với nền tảng chánh niệm vững chắc sẽ nhận ra được nhiều điều độc đáo, đừng bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ đắc tuệ này tuệ kia. Có hai tâm trạng của người tu thiền: tâm trạng của người ve chai và tâm trạng của người đổ rác. Người ve chai thì nhiều việc lắm, lượm được cái gì cũng là vấn đề; còn người đổ rác thì đơn giản, chỉ niệm một chữ buông. Tu bằng tâm trạng của người đi đổ rác thoải mái hơn, vì mình quyết định cái này phải bỏ.

“32) Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Tỷ-kheo không tăng trưởng, không giảm thiểu. Sau khi giảm thiểu, vị ấy trú, không từ bỏ, không chấp thủ; sau khi từ bỏ, vị ấy trú, không xa lánh, không thân cận; sau khi xa lánh, vị ấy trú, không phân tán, không huân tập.”

Trong đoạn kinh phía trên thì Ngài từ bỏ xa lánh, nhưng đoạn này Ngài dạy thấy như vậy nhưng vị thánh đệ tử “không tăng trưởng, không giảm thiểu, không xa lánh, không thân cận, không phân tán, không huân tập.” nghĩa là khi hiểu rõ năm uẩn là gì, hành giả không trốn chạy cũng không theo đuổi cái gì ở đời. Chỉ sống trong sự nhận biết và nhận thức. Nhận biết là dùng chánh niệm biết rõ cái gì đang diễn ra. Nhận thức là biết rõ bản chất của những thứ đang diễn ra là gì.

Mình là người có học giáo lý ít nhiều khi vô tu tập thiền quán buổi đầu tiên đừng sợ trí tuệ đi đâu mất. Buổi đầu chỉ dùng chánh niệm, đừng bao giờ bận tâm những con số mình tâm đắc xưa giờ. Phải học giáo lý căn bản rồi sống chánh niệm, không màng gì hết. Đây là nội dung tu học. Có nhiều người nghi ngờ đời sống chánh niệm vì họ nghĩ sao đơn giản quá vậy. Nhưng chỉ bao nhiêu đó thôi, trong kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật dạy đây là con đường duy nhất để thoát khổ, bao nhiêu phiền não xảy ra là do sống thất niệm.

“37) Sau khi phân tán, vị ấy trú, với tâm giải thoát như vậy. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy được chư Thiên với Thiên chủ, Phạm thiên chúng với Phạm thiên đảnh lễ, dầu cho ở xa”

38) Ôi, ta đảnh lễ Ông,
Bậc người như lương mã!
Ôi, ta đảnh lễ Ông,
Là bậc tối thắng nhân!
Ta không có chấp trước,
Ðối tượng Ông Thiền tư!”

Ý của Đức Phật trong đoạn này là với một vị sống lìa bỏ đam mê chấp thủ trong năm uẩn thì ngay đến Phạm thiên là hạng chúng sinh cao cấp nhất trong Tam giới vẫn phải cúi đầu kính lễ. Ở đây xin nhắc quí vị nghe một đoạn kinh khác trước khi giảng chỗ này: Lần đó chư thiên cõi Đạo Lợi nhìn thấy Đức trời Đế Thích đứng một mình chắp tay nhìn về phía chân trời, mà họ nhìn quanh không thấy ai. Chư thiên có thiên nhãn giống nhau, nhìn quanh không thấy ai để cho Đế Thích chắp tay như vậy, các vị hỏi: Thiên Chủ đang lễ bái ai vậy? Đế Thích trả lời: Các ngài không thấy nhưng ta có nghĩ tới một số đối tượng và nghĩ họ đáng để cho ta tôn kính nên ta đảnh lễ, nhưng không có người nào cụ thể làm sao các ngài thấy được. Chư thiên hỏi họ là ai. Đế Thích trả lời: Ta đang nghĩ đến những người con hiếu thảo với cha mẹ; ta đang nghĩ đến những người vợ làm tròn phụ đạo; ta đang nghĩ đến những người trong xã hội nhân loại sống làm tròn trách nhiệm của mình; ta nghĩ đến những người đó và có lòng tôn kính họ; bởi vì, những người như vậy trong thế giới loài người cũng không nhiều, họ chính là châu báu, là đối tượng hiếm có trong đời vì vậy ta chắp tay đảnh lễ. Đó là một bài kinh cho mình thấy, dù mình là nhân loại nhưng nếu có đời sống đức hạnh, là một người có tâm lành thì chư thiên cũng tôn trọng và quí mến mình.

Còn trong bài kinh này Đức Phật xác nhận chuyện này lần nữa nhưng ở mức độ cao cấp hơn. Bài kinh trích dẫn ở trên Đế Thích bày tỏ lòng tôn kính đối với những người cư sĩ sống viên mãn với bổn phận của mình trong nhà, trong xã hội, trong chòm xóm láng giềng. Còn ở đây Đức Phật dạy một vị tỳ kheo luôn luôn sống chánh niệm, tỉnh giác, dù là phàm nhưng lìa bỏ lòng đam mê trong năm uẩn thì Phạm thiên cũng tôn kính. Vì sao? Bởi vì ngay cả Phạm thiên cũng còn niềm đam mê trong thiền, trong hào quang, trong tuổi thọ, trong cảnh giới của họ, trong đời sống an lạc của họ. Họ thấy cõi Người có những vị mang thân nhân loại mà lòng không hề vướng bận chấp trước đam mê, đối với họ là chuyện rất đặc biệt hiếm hoi và rất đáng tôn kính.

Chú giải của hai đoạn kinh 37, 38 này có kèm một câu chuyện về một vị tỳ kheo tên là Nītatthera. (Tên là Nīta, gọi thêm Thera là trưởng lão với nghĩa tôn kính)

‘Nīta’: người đã trải qua sự huấn luyện, đào tạo tốt đẹp (well trained, well educated).

Lạc đề một chút, nhưng cũng là chuyện nên nói. Trên đời này có một trong những cái làm cho tôi thấy khó chịu, phản cảm nhất đó là tên Pāḷi của tăng ni Phật tử VN. Tên Pāḷi hay như vậy, trùng trùng điệp điệp như vậy mà người Việt mình nghèo lại khoái tên Pāḷi cứ ngồi cộng lại như Thiện Tâm là Kusala Citta, trong khi đó chữ Pāḷi mang nghĩa ‘thiện tâm’ đó có đến một tỷ. Vào facebook gặp nhiều cái tên Pāḷi, biết họ ham lắm. Giống như trong tiếng Anh, nếu quí vị có học tiếng Anh thì nghĩ xem cái tên của một người như thế này nó xấu cỡ nào: beautiful mind, intelligence. Nếu con gái, lấy tên Sophia (nghĩa là thông minh) thì hay biết chừng nào. Nói lạc đề nhưng rất là cần thiết, mai này Thái, Lào, Miên họ gặp được họ cười mình, đặt tên ghép kiểu đó rất là kỳ. Giống như trang trí nội thất mà cứ thấy cái gì đó hay hay rồi ráp vô thì cái nhà mình còn thua cái Miếu Bà nữa. Thôi vụ này bỏ qua. Trở lại câu chuyện trong chú giải.

Một ngày kia, có vị Phạm thiên sau khi xả định xong mới dùng thiên nhãn quan sát thế giới loài người từ cõi Phạm thiên. Vị ấy nhìn thấy một vị tỳ kheo A-la-hán đang đi trên con đường để tìm những vải cũ, dơ người ta liệng bỏ để đem về giặt sạch, nhuộm rồi may y để mặc. Vị Phạm thiên biết rõ vị này là một vị La-Hán nên vị Phạm thiên rất hoan hỉ với vị ấy. Vị Phạm thiên này là một Đại Phạm thiên. Đại Phạm thiên là một vị Phạm thiên có nhiều đồ chúng, người hầu, tùy tùng chung quanh cũng là Phạm thiên. Xin nói thêm một chút vì bà con sẽ thắc mắc sao cõi Dục giới thì có người hầu chứ sao cõi Phạm thiên cũng có người hầu. ‘Hầu’ ở đây không có ai hầu ai hết. Hầu là như vầy: Mỗi tầng thiền đều có thượng, trung, hạ theo căn cơ.

Ví dụ có ba người A, B, C cùng đắc thiền. A là một người đắc thiền nhưng trí chậm, Ba-la-mật còn yếu, dù cũng đắc sơ thiền, cũng dẹp yên năm triền cái, cũng có được năm chi thiền nhưng chậm, không nhập thiền xuất thiền nhanh như ý, cũng không có khả năng quán sát chi thiền nhanh như ý. Trong khi B, C quan sát chi thiền nhanh hơn, họ nhìn vào tâm sơ thiền của mình thấy rõ đây là tầm, đây là tứ, cái này còn thô, bỏ đi; bỏ tầm bỏ tứ mới đắc nhị thiền, bỏ hỷ mới đắc tam thiền, họ nhìn cái tâm của họ như nhìn chén đậu, thấy có sạn có sỏi thì nhặt ra, có cọng rơm thì lấy ra. Riêng A thì chỉ thấy chén đậu và enjoy (hoan hỷ) với chén đậu đó, đó là bậc hạ. Bậc trung thì có thể bỏ ra những hột đậu đen đậu xanh. Bậc thượng thì thấy ra trong đó những hạt sỏi sạn nhỏ xíu như hạt cát ở đáy chén. 

Cùng đắc như nhau nhưng có người có khả năng nhìn rõ cái mình đắc để bỏ đi cái gì cần bỏ và biết nhàm chán cái mình vừa đắc. Đây là điểm son đáng để bà con lưu ý. Họ nhìn lại mỗi tầng thiền mình đắc bằng cái tâm nhàm chán, nhờ vậy họ mới đi xa được. Theo tôi được biết người học A-tỳ-đàm VN ít được nhắc điều này, cứ lo cắm đầu học Sơ thiền gồm mấy chi, Nhị thiền gồm mấy chi mà không được học chỗ này, vì cái này nằm bên Kinh Tạng. Bậc thượng trí khi tu thiền Chỉ đắc được Sơ thiền, họ có khả năng nhàm chán Sơ thiền vì họ thấy vấn đề của nó, thấy mặt trái của nó, nhờ vậy họ mới lên được Nhị thiền. Khi đắc Nhị thiền họ vẫn thấy vấn đề của nó, cũng lợn cợn lấn cấn, lại nhàm chán và hướng tới các tầng thiền cao hơn. 

Giống như một người có trình độ học thức, lại có tiền, khi cất xong cái nhà, nhìn thấy kiến trúc, trang trí nội thất của ngôi nhà có vấn đề, thế là họ chán, họ đập ra xây cái khác, hoặc mua ngôi nhà khác. Còn mình dốt, thiếu kiến thức, đã vậy lại không có tiền, cất được ngôi nhà cấp bốn bằng gạch sơ sài trên lợp tôn dưới láng xi măng là mừng lắm rồi. Mỗi ngày mang cọc vé số đi bán tối về nấu đại mì tôm ăn là mừng lắm. Người có tiền thì khác, như bà đại gia gì đó ở ngoài Bắc, cất cái nhà trăm tỷ rồi buồn buồn thấy xấu quá nên đập cất nhà khác. Tôi không kêu gọi các vị phá của, phá tiền, nhưng cái tinh thần ở đây tôi muốn nói là người có tiền, có trình độ mới thấy chán cái nhà đang ở, chán cái xe đang đi, nhờ vậy người ta mới có cái nhà mới, có cái xe mới. Mình thì có chiếc xe cà tàng, cái nhà xiêu vẹo nhưng không có khả năng chán, ngán được nó thì làm sao có nhà mới.

Ở đây, vị Đại Phạm thiên là người cũng đắc như các Phạm thiên khác nhưng huệ căn nhiều hơn, và các vị Phạm thiên khác biết vậy, có lòng nể trọng, nên họ vây quanh và trở thành đồ chúng tùy tùng. Vị Đại Phạm thiên này nhìn thấy vị tỳ kheo A-la-hán đi kiếm vải may y nên ngài chắp tay. Trong kinh kể lại câu chuyện đó bằng câu rất là hay:

“Tā devatā sattasatā uḷārā,
Brahmā vimānā abhinikkhamitvā;
Nītaṃ namassanti pasannacittā,
‘Khīṇāsavo gaṇhatipaṃsukūlaṃ’.
‘‘Tā devatā sattasatā uḷārā,
Brahmā vimānā abhinikkhamitvā;
Nītaṃ namassanti pasannacittā,
‘Khīṇāsavo kayiratipaṃsukūlaṃ’’’.

Một vị Phạm thiên có bảy trăm đồ chúng tùy tùng, đi ra khỏi lâu đài của mình, nhìn thấy ngài trưởng lão Nīta như vậy, họ có niềm tin và lòng tịnh tín nơi ngài, cả bảy trăm vị đều đảnh lễ. Câu sau này mới hay: ‘Khīṇāsavo gaṇhati paṃsukūlaṃ’. Họ đảnh lễ trưởng lão Nīta và nói với nhau: “Hãy nhìn kìa, một vị La-Hán đang nhặt vải dơ”.

Đoạn sau cũng như vậy, bảy trăm vị Phạm thiên đảnh lễ trưởng lão Nīta và nói “Hãy nhìn kìa, vị La-Hán đang làm việc với vải dơ”… “Hãy nhìn kìa, vị La-Hán đang giặt vải dơ”, “Hãy nhìn kìa, vị La-Hán đang nhuộm vải dơ”, “Ôi, hãy nhìn kìa vị La-Hán đang mặc y được may từ vải dơ”

‘paṃsakūla’ (phấn tảo y) là y được may từ vải lượm đâu đó. Người có khả năng mặc được lá y đó bằng sự thanh thản. Đó là sự đáng kính. Vị ấy phải có nội tâm lìa bỏ sáu trần như thế nào đó mới có thể mặc được lá y như vậy trong khi có khả năng mặc lá y tử tế, có nguồn gốc sạch sẽ hơn. Tôi dịch ra không còn hay như nguyên tác nữa:

‘Khīṇāsavo gaṇhati paṃsukūlaṃ’.
Vị La-Hán đi nhặt vải dơ.

‘Khīṇāsavo kayirati paṃsukūlaṃ’
Vị La-Hán đang làm việc với vải dơ.

‘Khīṇāsavo dhovati paṃsukūlaṃ’;
Vị La-Hán đang giặt vải dơ.

‘Khīṇāsavo rajati paṃsukūlaṃ’;
Vị La-Hán đang nhuộm vải dơ.

‘Khīṇāsavo pārupati paṃsakūla’’’nti.
Vị La-Hán đang mặc y được may từ vải dơ.

NGƯỜI KHẤT THỰC (Piṇḍolyasutta)

Trong chú giải kể rằng dòng họ Thích Ca ở Kapilavatthu có một khu vườn toàn những cây Da.

‘Nigrodhārāma’: vườn cây da của dòng Thích Ca

Một lần Đức Thế Tôn cùng đông đảo chư tăng sau một cuộc du hành hoằng pháp đường dài đã về đến khu vườn này để nghỉ ngơi. Theo chú giải, có hàng trăm vị tỳ kheo, đặc biệt là mới tu phải tự dọn dẹp chỗ nằm của mình.

‘Senāsana’: ‘sàng tọa’, ‘chỗ nằm ngồi nói chung’. Có hai nghĩa: ‘Senāsana’: ‘chỗ ở’. ‘Senā’: chỗ nằm, ‘asana’: ‘chỗ ngồi’.

‘Senā’ từ động từ ‘Senāti’: ‘nằm’.

‘Senāsana’ là chữ rất quan trọng. Các tư thế trong cuộc đời của mình chiếm nhiều thời gian nhất là ngồi và nằm. Khi nói nhà mình ở quận huyện nào, số mấy đường gì thì nơi đó là chỗ mình ngồi và nằm nhiều nhất. Vị tỳ kheo ngày xưa khác bây giờ, bây giờ mình có phòng, tịnh thất, có giường, có chăn có nệm. Vị tỳ kheo nguyên thủy thì trú xứ là chỗ nào có thể nằm được, và ngồi thiền là ngồi chỗ nào mình có thể nằm. Chỗ ở trong đời là chỗ nào mình có thể nằm và ngồi. Khái niệm nhà, dinh thự chỉ là khái niệm của thế gian.

Các vị tỳ kheo đi về khu vườn này, đều chỉ là kiếm chỗ cho mình nằm và ngồi. Có vị kiếm chỗ cho mình, rồi giành chỗ cho bạn bè, cho sư huynh, sư đệ, cho thầy tế độ của mình, cho thầy bổn sư, cho vị y chỉ v.v… Việc giành như vậy tạo ra tiếng động ồn ào. Đức Phật hỏi ngài Ānanda: Có tiếng gì như chợ cá vậy? Ngài Ānanda nói do các vị tỳ kheo mới về giành chỗ. Đức Phật nói với ngài Ānanda: Ta hành Ba-la-mật trong bốn A-tăng-kỳ một trăm ngàn đại kiếp không phải vì mục đích vật chất, các tỳ kheo này đi xuất gia cũng không phải mục đích vật chất, vậy mà hôm nay chỉ vì chỗ ngồi, chỗ nằm chỗ ngủ nghỉ qua đêm lại làm cho lớn chuyện như vậy, đây là không nên đối với người đi xuất gia có lý tưởng. Ānanda hãy gọi chúng tỳ kheo lại đây.

Ngài Ānanda đi gọi chư tăng tới gặp Đức Phật và Đức Phật thuyết giảng nhắc nhở chư tăng. Trong chánh tạng kể không rõ bằng chú giải. Khi Đức Thế Tôn có ý sẽ nhắc nhở chư tăng thì Phạm thiên Sahampati – vị đã từng thỉnh Đức Phật đi hoằng pháp – hiện xuống. Thời Đức Phật Ca Diếp vị này là một tỳ kheo tên là Sahaka chứng A-na-hàm, sinh về Phạm cung tên là Sahampati. Lúc đó Bồ tát Thích Ca tên là Jotipāla, xuất gia thuộc lòng Tam tạng và là bạn thân của tỳ kheo Sahaka. Hôm nay khi Phạm thiên Sahampati biết Thế Tôn có ý nhắc nhở chư tăng nên hiện xuống. 

Lúc chư tỳ kheo đến gặp Đức Phật, Ngài dạy: Sống ở đời mọi người phải có cái nghề để sống, không thể ngồi yên một chỗ để mà sống được. Trong các nghề, nghề gánh phân, đổ rác, lau nhà, buôn bán lớn nhỏ, không có nghề nào tầm thường thấp kém bằng nghề ăn mày hết. Nghề đổ rác hay gánh phân cũng là nghề tự trọng, riêng ăn mày là nghề mạt hạng nhất trong xã hội, ai cũng có quyền phỉ nhổ chà đạp. Vị tỳ kheo dù trước khi đi tu là gì không cần biết, nhưng hôm nay đi xuất gia rồi, mỗi ngày có được miếng ăn là do ôm bình bát đi xin, cũng có nghĩa là mỗi tỳ kheo sống bằng cái nghề (tạm gọi như vậy) thấp kém nhất trong xã hội. 

Ở đây chắc chưa ai thấy vị sư nào sống bằng hạnh khất thực. Nếu thấy rồi quí vị mới giựt mình. Hạnh khất thực ngó đơn giản nhưng rất khó làm. Mỗi ngày phải đi chân trần, đạp trúng cái gì như phân, bãi đờm, miểng chai, đá sỏi… cũng phải chịu. Chưa kể thức ăn đặt bát không biết gốc gác thế nào. Người đặt bát là muôn người thiên hạ, đồ đi bát khó ăn nhất thế giới, bởi chỉ cần nghĩ đến gốc tích của nó ở đâu mà ra là ngại. Ở Thái Lan, Lào còn đỡ, chớ VN, Campuchia, hay Miến Điện thì rất khó nuốt. 

Ở đây, Đức Phật nói nghề ăn mày thấp kém nhất là vì vậy, người ta có quyền cho mình bất cứ thứ gì và có quyền bày tỏ bất cứ thái độ nào với mình mà mình không có quyền đòi hỏi hơn. Ngài nói: Vị tỳ kheo đi xuất gia chấp nhận đời sống thấp kém như vậy là vì lòng chỉ cầu giải thoát, chỉ cần không tu học đàng hoàng thì giá trị của một người xuất gia chỉ là một mảnh gỗ dính phân. Quí vị biết, một mảnh gỗ vụn mà còn dính phân nữa thì sao mà xài.

*Bốn tịnh giới.

Vị tỳ kheo phải có bốn tịnh giới:

1 – Giữ tròn các học giới dành cho tỳ kheo gồm 227, tối thiểu cũng là 17 trọng giới (trong đó có 4 giới vi phạm rồi là phải bỏ y, 13 giới còn lại khi vi phạm rồi phải nhờ 21 vị tỳ kheo giải tội cho mình).

2 – Thu thúc lục căn.

3 – Sống bằng chánh mạng.

4 – Quán tưởng thanh tịnh, là suy xét mục đích sử dụng vật chất. Gồm có 3:

4.1. Vô ngã quán.
4.2. Bất tịnh quán.
4.3. Tác dụng quán.

Rất khó để giữ trọn 227 nên tối thiểu tỳ kheo có thể chỉ cần trong sạch 17 trọng giới. Trừ mười bảy trọng giới thì 210 giới còn lại thời nay rất khó giữ. Ví dụ giới không giữ tiền, vàng cây vàng lá hột xoàn, không cất giữ thức ăn qua đêm, y áo dư cũng không được; phòng riêng không được lớn quá kích thước qui định trong Luật; giao tiếp với Phật tử như thế nào, đi đứng ra sao v.v…, rất dễ phạm. Bên Thái Lan và Miến Điện muốn giữ giới phải có ‘người hầu cận’, gọi là Kappiya. Tỳ kheo cầm trái cây nguyên vẹn chưa cắt thì phải có kappiya làm một hành động tượng trưng là gọt vỏ giùm mình hoặc lấy mũi dao cắt tượng trưng; tiền bạc thì phải đưa người khác giữ.

Thu thúc lục căn là không để cho mình vui hay buồn trước những gì mình thấy; luôn sống chánh niệm. Trong kinh có chữ: sumano dumano: nghĩa là ‘buồn vui trong lúc 6 căn làm việc’. Vị tỳ kheo không để cho sumano dumano ảnh hưởng đến mình.

Nuôi mạng thanh tịnh nghĩa là vị tỳ kheo không sống bằng nghề thầy thuốc, thầy bói, thầy cúng, thầy tụng hay bất cứ nghề nghiệp nào của thế gian. Tỳ kheo chỉ có thể sống bằng hai nguồn: một là tu học đàng hoàng rồi nhận sự cúng dường của ai đó tại trú xứ của mình, hai là khất thực từng nhà, đến chỗ của thí chủ thay vì để thí chủ đến chỗ mình. Không có nguồn sống thứ ba bằng một nghề nghiệp nào đó.

Quán tưởng thanh tịnh là quán tưởng ba điều trên mỗi món vật chất mà mình sử dụng:

1. Ta chỉ là bốn đại năm uẩn, và món đồ này cũng chỉ là sắc pháp.

2. Quán tưởng rằng vật này không dơ bẩn nhưng sẽ đáng gớm khi ta chạm vào.

3. Quán tưởng công dụng thiết yếu của món mình sử dụng, món nào cũng chỉ để hỗ trợ đời sống Phạm hạnh, không còn lý do khác.

Mỗi lần ăn uống, sử dụng không quán tưởng như vậy là thiếu nợ thí chủ.

Vô ngã quán là biết rõ y áo này chỉ là bốn đại, bản thân mình cũng chỉ là năm uẩn. Bất tịnh quán là quán khi món ăn này nằm ngoài dĩa sạch sẽ, chạm vào miệng mình là dơ, lá y cũng vậy; nhà cửa cất xong thì mới, khi mình ở vào thì dơ. Quí vị nào mua nhà mới thì khác, còn mua nhà cũ là thấy gớm, vào trong toilet người ta hoặc phòng ngủ là thấy gớm. Chỗ đẹp cách mấy mà có con người đụng chạm vô là dơ.

*Tà tư duy – Chánh tư duy

Tiếp theo Đức Phật dạy chư tăng lìa bỏ tà tư duy. Tà tư duy: suy tư bằng tâm tham, tâm sân và ác ý. Tham là thích, sân là bất mãn, ác ý (vihiṃsā) là lòng hại người. Ngài Minh Châu dịch chữ ‘vihiṃsā’ theo Hán tạng là “hại tư duy”, tôi dịch là “ác ý” (Đây là bản quyền của tôi nha). Chánh tư duy là tâm sở vô tham, vô sân, tâm sở Bi. Bi là trắc ẩn, bất nhẫn trước nỗi khổ niềm đau của chúng sinh khác.

*Từ, bi, hỷ, xả.

Từ (mettā) là mong chúng sinh khác được vui.

Bi (karunā) là mong chúng sinh khác đừng bị khổ.

Hỷ (mudīta) là vui khi thấy chúng sinh khác tạo nhân lành hưởng quả vui

Xả (upekkhā) là sự bình thản khi nhớ nghĩ đến nghiệp riêng của mỗi người.

Trước mắt mình là một đứa bé yếu ớt vô tư, dễ bị tấn công, nhưng mình đâu biết đứa bé đó cũng có một chiều dày sinh tử như mình; con kiến cũng có chiều dày quá khứ y hệt như mình, nghiệp thiện ác nhiều vô số kể. Chính cái nghiệp đó sẽ bảo vệ nó hay giết chết nó. Mỗi người có một tổng kho tiền nghiệp có sẵn trong quá khứ. Vì vậy, thương ai thì thương, giúp được thì giúp nhưng khi không làm được gì cho nhau hãy nhớ rằng mỗi cá nhân đã có tiền nghiệp đứng sau lưng. Nhớ như vậy mới được gọi là Xả.

Còn sự vô cảm (aññanupekkhā) không phải là Xả trong tứ vô lượng tâm. Những vị chủ trương dịch sát sẽ dịch là ‘xả vô trí’, ‘xả không trí’, còn tôi căn cứ theo ngôn ngữ hiện hành nên tôi dịch là ‘sự vô cảm’. ‘Aññāna’: thiếu trí tuệ.

Ở đây Đức Phật dạy vị tỳ kheo ngoài Tứ Tịnh Giới thì phải tu tập Chánh Tư Duy, đó là sống bằng tâm sở vô tham, vô sân và tâm bi. Tiếp theo là Ngài dạy vị tỳ kheo phải nhớ tu tập Vô Tướng Định

*Vô tướng định

‘Animittasamādhi’: vô tướng định. Đây là chữ trong chánh tạng. Còn chữ trong chú giải là tu tập Vipassanā.

‘jhānasamādhi’ là thiền Chỉ

‘animittasamādhi’ là thiền Quán

Gọi là ‘vô tướng’ vì trong sự quán chiếu của hành giả, mọi sự được quan sát dưới góc độ rốt ráo nhất. Cái gì cũng chỉ là danh sắc, năm uẩn, không người hay vật gì hết.

Có Giới rồi, có Chánh tư duy rồi, phải có Chánh kiến. Chánh kiến ở đây là trí tuệ về nghiệp lý và về Tam tướng trong danh sắc. Nhờ có chánh kiến này hành giả lìa bỏ được (ba) thường kiến và (ba) đoạn kiến. (Sáu loại tà kiến này bao trùm 62 tà kiến trong kinh Phạm Võng, Trường Bộ Kinh).

Sau khi nghe xong lời nhắc nhở của Đức Phật, tất cả tỳ kheo bị trách mắng đều chứng quả La-Hán cùng với bốn trí Vô ngại giải. Đến đây là hết bài kinh.

CÁC VỊ LA HÁN (giảng kỹ phần trên)

Có một chuyện vừa làm cho tôi vừa tiếc nuối, vừa giật mình, mà cũng vừa băn khoăn đó là có rất nhiều chỗ tôi giảng chỉ liếc mắt qua thôi, không có dò, nên bỏ sót mà không giải thích, không biết trước đây mình đã bỏ qua bao nhiêu chỗ giống như vậy. Xin lưu ý quí vị thấy tôi bỏ qua thì nhớ nhắc giùm, quí vị phải hỏi sao chỗ này chưa được giải thích chớ không phải là chỉ nghe một cách thụ động. Bà con hoan hỉ lật ngược lại giùm Phẩm Tương Ưng Uẩn, bài Các Vị La Hán. Kinh La Hán có hai kinh, giờ quay lại kinh 1, đoạn 10.

“10) Này các Tỷ-kheo, cho đến hữu tình cư (Sattavasa), cho đến tột đảnh của hữu (Bhavaggam), những bậc ấy là tối thượng, những bậc ấy là tối thắng ở trong đời, tức là các bậc A-la-hán.”

‘Sattavasa’ có hai nghĩa: ‘loại chúng sinh’ và ‘cảnh giới tái sinh’. Ở đây dùng nghĩa ‘cảnh giới tái sinh’. Nghĩa là bất cứ chỗ nào có chúng sinh thì ở đó vị A-la-hán được xem là vị số một.

Tiếp theo là đoạn 11

“1) An lạc, bậc La-hán,
Họ không có khát ái,
Ngã mạn khéo chặt đứt;
Lưới si bị phá rách..”

“Không có khát ái” nghĩa là vị này không còn khả năng sa đọa, không còn thích nữa. Ta còn thích trong năm dục thì còn cơ hội quay lại cõi Dục, còn sống trong tham ái thì còn sinh tử, còn sống trong bất thiện thì còn sa đọa. Vị La-Hán không còn tham ái nữa nên không còn cơ hội tái sinh và sa đọa.

­­“Ngã mạn” (asminmana): là ý niệm ‘tôi là’ gồm 9 thứ (3×3) [1]. Mình luôn luôn sống trong ý niệm ngã mạn mà mình không để ý. Ngay cả một hành giả Tứ Niệm Xứ, khi quán chiếu, quán niệm, sơ ý một chút thì quan sát năm uẩn từ góc độ của bản thân (tôi là). Lẽ ra thì mình không có bị kẹt trong hay ngoài, trên hay dưới khi quan sát sự sanh diệt, thân tâm danh sắc của mình, phải quan sát bằng thái độ khách quan nhất chớ không phải là “tôi đang quan sát”. Bản thân cái gọi là ‘tôi’ cũng là sự lắp ráp vì vậy khi nhìn về cuộc đời mình phải nhìn với góc độ khách quan nhất. Thông thường 99.9% chúng ta khi tu thiền vẫn nhìn với góc độ ‘tôi là’, ‘tôi thiền định’, ‘tôi chánh niệm’, ‘tôi trí tuệ’, ‘tôi tỉnh giác’. Ở đây vị A-la-hán không còn ý niệm đó nữa, các vị nhìn mọi sự như dòng chảy dưới sông, nhìn trên đó gồm có cùi bắp, vỏ chuối, bao nylon, tờ giấy… mọi thứ đang trôi. Vị A-la-hán quan sát với góc độ khách quan nhất.

“Lưới si” bị phá rách nghĩa là vô minh đã bị phá nát bởi thánh trí A-la-hán.

“2) Họ đạt được bất động,
Tâm viễn ly ô trược,
Không nhiễm trước thế gian,
Bậc Phạm thiên vô lậu.”

“Đạt được bất động” ở đây là sự vững chãi có được từ việc chấm dứt tham ái, không bị ô nhiễm bởi ái và tà kiến. Hễ ngày nào mình còn tham ái thì còn lăng xăng. Lúc thì chạy theo trần cảnh này, lúc chạy theo trần cảnh kia. Lúc thì thích cái này, lúc thì ghét cái kia. Trong tương lai thì lúc ở cảnh giới này, lúc thì cảnh giới khác. Bất động là không chạy theo, không thích không ghét và cũng không đi về cảnh giới này hay cảnh giới kia.

“Không nhiễm” nghĩa là tâm không bị ô nhiễm bởi tham ái và tà kiến.

Bài kệ này ý nghĩa rất là sâu và chi tiết. Có dịp học lại bài kinh này mình mới thấy thì ra cách kể phiền não có rất nhiều. Có thể là tam độc cũng được, 10 kiết sử cũng được. Có trường hợp kể một như là: “chấm dứt vô minh!”; hoặc “chấm dứt tham ái!”; hoặc “chấm dứt ngã mạn!”. Chỉ có vị La-Hán mới chấm dứt thật sự 100% cái gọi là vô minh, chỉ có vị La-Hán mới thật sự chấm dứt ngã mạn, vì vậy trong trường hợp như vậy chỉ nói một thứ là đủ rồi. Còn tham ái mới còn sinh tử, còn vị A-na-hàm thì không còn sân nữa. 

Có trường hợp Đức Phật chỉ nói đến ‘sân’ thôi: Tu tập là chấm dứt sân! Khi nghe vậy mình hỏi vậy vô minh, tà kiến, tham ái để đâu. Cách kể đó (chỉ kể đến sân mà thôi) cũng không thiếu. Một khi tu tập hướng đến lìa bỏ sân hận thì tối thiểu phải là A-na-hàm. Có chỗ Ngài dạy, cứu cánh Phạm hạnh mục đích tu hành chỉ hướng đến chấm dứt thân kiến. Bởi vì, nói rộng, chấm dứt thân kiến là ám chỉ cho bốn tầng thánh nói chung. Còn nói chi tiết thì chỉ riêng quả vị Tu-đà-hoàn là đủ rồi, bởi một người chấm dứt thân kiến thì tối thiểu phải là quả vị Tu-đà-hoàn. Dù vị Tu-đà-hoàn là còn chuyện phải làm nhưng dù muốn dù không vị ấy cũng là dòng nước đi vô máng xối rồi, chỉ còn một con đường để đi, gọi là nhập lưu, vị ấy đã bước vào dòng chảy của thánh nhân, dòng chảy giải thoát, không quay lui nữa.

*Ba thứ Trí

“3) Họ biến tri năm uẩn.
Do hành bảy Chánh pháp
Bậc Chân nhân tán thán,
Con đích tôn chư Phật.”.

Biến tri (pariññeyā) nghĩa là hiểu biết. Ở đây chỉ cho 3 trí [2]:

1-ñātaparinna hiểu rõ danh sắc là gì, biết rõ cái gọi là chúng sinh chỉ do danh sắc ghép lại.

2-tirrañaparipaññā: trí thấy được khía cạnh Tam tướng của danh sắc.

Mới vô tu mình chỉ sống chánh niệm thôi, đi biết đi, đứng biết đứng; tùy theo căn duyên của mỗi người (có người một phút, có người một giờ, một tháng, một năm, nhiều năm…), cứ chánh niệm rồi sẽ có một ngày nào đó, khi chánh niệm mạnh rồi thì trí làm việc; mình sẽ thấy rõ, cái này là gì, ý muốn bước đi là danh, động tác bước đi là sắc… Cái thấy này không phải từ ông thầy hay sách vở mà thấy bằng chính cái thấm thía của mình. Không còn nhớ sách vở, tự nhiên mình nhận ra mọi sự là vô thường, mọi sự luôn luôn bị đẩy đi về phía trước. Ở mức độ nào đó, ta sẽ thấy khổ không những là cảm giác (Khổ khổ hay Hoại khổ) mà còn bao trùm cả Hành khổ; thấy mọi hiện hữu luôn bị thúc ép, sinh diệt, chỗ này mới là quan trọng. 

Một người khi không học đạo, lớn lên lấy vợ lấy chồng sanh con đẻ cái, họ chỉ thấy cái khổ là bịnh, tai nạn, sinh ly tử biệt, mất mát tình cảm. Khi biết đạo thì họ thấy không những ‘bị’ những cái khó chịu là khổ mà mất những cái “được’ cũng là khổ. Khi học đạo thì thấy không đợi đến bịnh hoạn, tai nạn thương tích, không đợi đến mất mát tang thương mà còn nhận ra được ngay chính sự hiện hữu của mình trong cuộc đời này là khổ. Vị nào đi chùa cầu phước cầu tài lộc nghe bài giảng Tương Ưng này nghe không nổi đâu, vì tôi không nói gì về cầu phước cầu lộc mà tôi chỉ nói ‘buông’ mà thôi.

3- 3- pahānapariññā: cái thấy đủ để chấm dứt phiền não, nhiều ít tùy cấp độ thánh trí.

Thấp nhất là Sơ quả: chấm dứt 3 phiền não; Nhị quả giảm nhẹ Dục ái và sân; Tam quả dứt hẳn Dục ái và sân; La-Hán thì dứt hẳn năm phiền não còn lại gồm: Sắc ái, Vô sắc ái, Ngã mạn, Phóng dật, Vô minh.

Tu là gì? Tu là không thấy bốn Đế; Thánh nhân là gì? Thánh nhân là thấy được bốn Đế. Thấy được bốn Đế nghĩa là thấy được Tam tướng, thấy được nhân quả – nhân quả theo nghĩa rộng không phải là nhân quả báo ứng theo nghĩa hẹp. Nhân quả theo nghĩa rộng bao trùm tác động và phản ứng. Ví dụ: lấy ngón tay gõ lên bàn, gõ là nhân, tiếng động là quả. Thích là nhân, khi không được thì khổ, đó là quả; nhân quả hiểu theo nghĩa rộng chớ không chỉ gói gọn trong nghiệp lý.

Trí thứ ba thấy để vừa đủ để chấm dứt phiền não. Có những cái thấy, chỉ để mà thấy chớ không giải quyết được gì hết. Ví dụ như một vị trưởng lão kể tôi nghe chuyện ngày xưa lúc vị này chưa đi tu, ở nông thôn. Trong xóm có cô gái cực kỳ đẹp, đẹp lộng lẫy, gái quê mà, màu da hồng hào rất đẹp. Các anh thanh niên trong xóm thường ghé nhà xin nước mưa. Nhà quê ngày xưa ngoài mái hiên có cái lu hứng nước mưa trước nhà. Các thanh niên ghé xin nước mưa để được gặp cổ, có lúc gặp, có lúc không. Không biết ai độc mồm độc miệng nói cô này bị cùi. Trong mấy anh thanh niên thì có anh ngại, nhưng có anh nghĩ là đối phương tung tin đồn để loại bỏ bớt địch thủ cạnh tranh. Một ngày kia họ thấy được màu da hồng của cô gái bắt đầu bóng lên. Từ từ họ thấy cô gái càng ít xuất hiện và lần gặp cuối cùng thì thấy cổ không còn như ngày xưa nữa. Cái bóng của da mặt đã đỉnh điểm. Từ đó về sau người ta nhớ mỗi lần ghé trước đây là một lần sung sướng, hạnh phúc; giờ người ta nhớ lại không biết mình đã ghé lại uống bao nhiêu lần nước trong nhà cô gái bị cùi.

Ở đây cũng vậy, mình nghe đồn thì không sợ, đến lúc tận mắt thấy thì ớn. Đi nghe pháp cũng vậy, nghe giải thích kinh điển chỉ là nghe đồn mà thôi, “nghe đồn” cô gái bị cùi. Nhưng chính hành giả là người thực chứng thấy rõ từng ngón tay cô gái bị cùi rụng ra. Những gì quí vị nghe trong đây chỉ toàn nghe đồn thôi. Cả năm nay tôi cũng chỉ ‘đồn’ danh sắc bị cùi thôi, quí vị chưa thấm đâu, nhưng một ngày nào đó quí vị chánh niệm tỉnh giác, quí vị sẽ thấy cái mình ghét, cái mình thích ở đời này thật sự là mù sương, rất là buồn cười. 

Mình nhìn rõ vào cái mình thích, cái mình ghét — hai cái làm nên diện mạo của cuộc đời này — thật sự là cái gì. Đi làm kiếm tiền về cất cái nhà to đùng để phục vụ cho vợ chồng con cái, rồi con lớn lên lập gia đình, từ từ nhà còn lại có hai người. Nếu đứa con về ở chung rồi thì nó cũng lo chuyện của nó, mình thì coi cháu nội cháu ngoại, rồi từ từ mắt mờ lưng còng, gối mỏi, hơi thở nặng nhọc khó khăn; răng cỏ không còn để ăn nữa, thấy mía hay đậu phông không dám nhai. Đó là diện mạo cuộc đời nhìn ở tốc độ chậm. Hành giả thì nhìn thấy với tốc độ nhanh hơn, thấy mọi thứ đến và đi trong nháy mắt, cái thấy này mới đủ chấm dứt phiền não. Đó gọi là biến tri năm uẩn, thấy năm uẩn qua ba trình độ.

*Bảy chánh pháp (Sadhamma): chánh pháp, diệu pháp.

Bảy chánh pháp tức là bảy trang bị không thể thiếu của người cầu giải thoát, gồm: tín (saddha), niệm (upatthitassati), tàm (hiri), úy (ottappa), tinh cần (aaraddhaviriya), đa văn (bāhusacca), trí tuệ (paññà).

Tín là niềm tin, tin vào cái thấy cái hiểu của mình trong Tam Bảo. Tin vào Phật, Pháp, Tăng.

Phật là người giống như mình nhưng thấy được bản chất vô thường của đời sống nên nhàm chán; vì đại trí nên không muốn tiếp tục sinh tử, vì đại bi nên không muốn đi một mình nên mới nguyện thành Phật bằng cách tu tập các hạnh lành và cuối cùng trở thành một vị Phật, chứng ngộ được bản chất của cuộc đời và đem chứng ngộ đó dạy cho người khác chớ Ngài không phải là thượng đế chí tôn ban phước hay giáng họa cho người khác. 

Ngài phân tích cuộc đời này qua các khía cạnh mà chúng ta thấy rất lạ lùng (ví dụ: Danh sắc, năm Uẩn, 12 Xứ, 18 Giới, Duyên khởi, bốn Đế v.v…). Ngài phân tích cuộc đời giống như khoa học phân tích về vũ trụ. Phân tích của khoa học là phân tích của người tiếp tục sinh tử, còn sự phân tích của Ngài là phân tích để mình chán và buông. Tin vào Pháp là tin vào tác dụng những lời dạy của Ngài. Ngài dạy về hạnh từ bi, quán bất tịnh, quán chiếu danh sắc, sống chánh niệm, tất cả đều có tác dụng hiện tại lạc trú, hạn chế và chấm dứt phiền não. Để thấy được tác dụng đó thì phải sống chánh niệm chớ không thể nào dùng cái đầu duy lý phân tích chia chẻ, suy diễn rồi tưởng tượng hình dung mà không sống chánh niệm.

Tin vào Tăng bảo [3] ở đây không phải là tin vào những người cạo tóc, đắp y mà là tin vào những người đã tin Phật, hành theo lời Phật và giải thoát khỏi phiền não sinh tử giống như Ngài. Xem thêm Thanh Tịnh Đạo, phần nói về ân đức Tăng bảo (Suppatipanno).

Phật là người chứng Pháp và dạy Pháp. Pháp là lời Phật dạy, cũng chính là những quy luật tự nhiên. Tăng là người làm theo lời Phật và có được Pháp giải thoát trong tâm. Đức Phật được gọi là Phật vì dựa trên nội dung chánh pháp ở Ngài. Tăng được gọi là Tăng vì dựa trên nội dung chánh pháp ở chư tăng. Chư tăng ở đây không riêng gì bậc xuất gia mà bao trùm luôn cả cư sĩ, không riêng nhân loại mà bao trùm luôn cả các vị Dục thiên, Phạm thiên.

Niềm tin vào lý nghiệp báo: biết rõ thiện dẫn đến quả lành, ác dẫn đến quả khổ.

Niềm tin vào lý Duyên khởi: chúng sinh là sự cộng hưởng từng duyên khởi, vô minh duyên hành, hành duyên thức…, đời sống là dòng chảy của 12 duyên khởi

Niệm là chánh niệm trong Tứ Niệm Xứ.

‘Upatthita’: ‘vững chắc’. Niệm liên tục. Người không tu thì cũng có niệm như lúc lái xe, rửa chén; niệm này rất mỏng, lúc có lúc không. Niệm của hành giả thì phải liên tục và liên tục. Chánh pháp này, lời dạy này của Thế Tôn chỉ có thể được chứng nghiệm, thưởng thức một cách trọn vẹn bằng đời sống chánh niệm. Người không chánh niệm thì có học thuộc lòng Tam tạng cũng không thưởng thức, nếm được hương vị giải thoát trong hiện tại và cũng đừng hòng thấy được ý nghĩa chiều sâu thật sự của Phật pháp. Bởi vì Phật pháp chỉ có thể cảm nhận được bằng đời sống chánh niệm. Chỉ có chánh niệm mới thấy Phật pháp hay và giúp mình thoát khổ như thế nào. Nếu chỉ học suông mà không sống chánh niệm thì ba ngàn tỷ kiếp đi nữa cũng không biết giải thoát nằm ở đâu, không chánh niệm thì đừng bàn bạc tu hành giải thoát, đừng bao giờ nhắc đến trí tuệ thánh nhân.

Tàm là biết thẹn khi làm bậy. Gồm hai: Dựa vào cá nhân: Người biết đạo như mình mà làm chuyện đó hay sao. Dựa vào tập thể: Mình là người trong hội chúng của Đức Phật mà mình như vậy hay sao.

Úy gồm có 4 là: 1.Sợ lương tâm cắn rứt. 2.Sợ bậc trí chê trách. 3.Sợ pháp luật trừng trị. 4.Sợ sa đọa hay khổ báo kiếp sau.

Đa văn: nghe nhiều, học rộng về chánh pháp. Dù chỉ biết một câu kệ nhưng hiểu sâu sắc, đủ để tu tập cũng kể là đa văn.

Ví dụ “không làm các điều ác” thì cái gì bậy không làm, không nói bậy, không nghĩ bậy, Không làm bậy là không làm gì bất lợi cho mình, cho người khác đời này kiếp sau. Làm thiện nghĩa là làm gì có lợi cho mình, cho người khác, đời này kiếp sau. Giữ tâm trong sạch nghĩa là giữ bằng giới, định, tuệ. Dốt đặc không biết gì hết nhưng cứ tu tập chánh niệm, đi biết là đi, đứng biết là đứng, nhai biết là nhai, biết đây là tâm sân, đây là tâm tham, hoài nghi, ganh tị v.v… Biết như vậy cũng gọi là đa văn.

‘Orasa’: ‘con đích tôn’. Con đích tôn nghĩa là con ruột – trưởng. Mình thường nghe bên Bắc Tông nói rằng “các vị xuất gia là trưởng tử của Như Lai”. Trưởng tử đó từ chữ ‘orasa’ trong kinh gốc. Ngài là pháp vương còn trưởng tử là con của Ngài. Nghĩa trong kinh không đơn giản như mình nghĩ, muốn là trưởng tử, hoàng tử con của vị pháp vương thì phải là thánh nhân, còn phàm phu như mình thì còn khuya mới là trưởng tử.

4) Ðầy đủ bảy món báu,
Ba học đều thành tựu,
Bậc đại hùng du hành,
Ðoạn tận mọi sợ hãi.

‘Bảy món báu’ ở đây là Thất giác chi [4] (bojjhaṅga) (Niệm, Cần, Trạch, Hỷ, Tĩnh, Định, Xả).

*Ba loại Xả upekkaa

Phải phân biệt được nghĩa khác nhau của xả upekkha trong ba trường hợp sau:

1. Xả Ba-la-mật là dửng dưng trước vinh nhục ở đời.

Người ta có bốc mình lên mây hay đạp mình xuống sình mình cũng không cảm thấy hề hấn gì.

2. Xả Phạm Trú tức xả vô lượng tâm là đứng ngoài thương và ghét.

Chỉ suy nghĩ mỗi người có nghiệp riêng, là lòng thanh thản nhẹ nhàng. Thấy họ ác quá hay tốt quá thì nghĩ hôm nay họ đang gieo nghiệp mới, mai này họ đi theo nghiệp đó.

3. Xả Giác Chi là sự thanh thản lúc tu tập Tứ Niệm Xứ

Xả giác chi nghĩa là lòng không quá cao hứng cũng không thụ động tiêu cực bỏ cuộc nửa đường.

*Thất Giác Chi

Niệm giác chi là chánh niệm trong lúc tu tập Tứ Niệm Xứ.

Cần Giác Chi là tâm sở cần trong lúc tu tập Tứ Niệm Xứ.

Trạch Giác Chi là tâm sở trí tuệ lúc tu Tứ Niệm Xứ. Trạch giác chi là ba thứ Trí (pariññā) ở trên.

Hỷ Giác Chi là tâm sở hỷ trong lúc tu tập Tứ Niệm Xứ.

Tĩnh Giác Chi là cặp tâm sở tĩnh thân, tĩnh tâm lúc tu tập Tứ Niệm Xứ. (kayappassaddhi và cittappassaddhi). Nhờ cặp tâm sở này mà lòng lắng yên, không xôn xao vận động, không trạo hối, không phóng dật. (Xem thêm cuốn Triết Học A-tỳ-đàm)

Định Giác Chi là tâm sở định lúc tu tập Tứ Niệm Xứ. Gồm ba định: Sát na định. Kiên cố định. Cận định[5]

Xả Giác Chi là tâm sở hành xả lúc tu tập Tứ Niệm Xứ.

Có người, Thất giác chi của họ “sang” lắm. Định giác chi của họ là các tầng thiền. Những người chưa từng tu thiền thì Định giác chi chỉ là khả năng tập trung tư tưởng từng phút và được kết nối liên tục.

Khi tâm sôi nổi bồng bột thì hành giả phải an trú trong Tĩnh, Định, Xả giác chi. Khi tâm tiêu cực buồn chán thì an trú trong Trạch, Cần, Hỷ giác chi. Riêng Niệm giác chi thì mọi nơi, mọi lúc. (Theo Kinh Tăng Chi, Kinh Bojjhangasutta)

“Ba học”: giới, định, tuệ

“Du hành” (anuvicarati): đi lại giữa đời.

“Bậc đại hùng du hành, Ðoạn tận mọi sợ hãi.”

‘lokiyamahājanāpi anuvicaranti’: Đi lại giữa đời lúc nào lòng cũng an ổn, tự tại, không sợ hãi

“5) Ðầy đủ mười uy lực,
Bậc Long tượng Thiền định.
Họ tối thắng ở đời,
Khát ái được đoạn tận.”

Tôi không biết vì đâu ngài Minh Châu dịch là “mười uy lực”. Trong chánh tạng ghi là “Dasahaṅgehi sampannā”. ‘Mười uy lực’ ở đây ám chỉ cho 10 pháp vô học (asekhadhamma) gồm: Chánh kiến, chánh tư duy… chánh giải thoát (La-Hán quả) và chánh trí (19 trí phản khán). Bát Chánh Đạo trong 10 pháp này là nội dung tâm tư của vị La-Hán chớ không phải là Bát Chánh Đạo của người đang tu. Phản khán [6] là nhìn lại phiền não đã diệt, chưa diệt. Nhìn lại Niết bàn đã chứng, nhìn lại 4 đạo đã chứng, 4 quả đã chứng. Ba tầng thánh thấp thì có đủ 5 trí phản khán trên đây. Riêng La-Hán thì chỉ có 4 vì không cần nhìn lại phiền não chưa diệt.

*Bậc Long Tượng

‘Long tượng’: ‘mahānāgā’. Chữ ‘nāgā’ trong tiếng Pāḷi có hai nghĩa: con voi và con rồng. Hán tạng dịch một chữ thành cả hai luôn là ‘long tượng’. Giống như chữ “hôm” trong tiếng Việt có hai nghĩa, vừa ‘ngày’ (mấy hôm) vừa ‘đêm’ (sao hôm, đầu hôm, hồi hôm).

‘Nāgā’: na agum gacchati: không làm điều ác.

La-Hán được gọi là ‘mahānāgā’ (great dragon) vì 4 ý nghĩa:

– na agum gacchati kayena vacayamanasa: (1) không làm ác bằng thân, (2) không làm ác bằng khẩu và (3) không làm ác bằng ý.

– punabbhavam na gacchati: (4) không còn tái sinh nữa.

Định nghĩa này sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần về sau.

“6) Thành tựu vô học trí,
Thân này thân tối hậu,
Cứu cánh của Phạm hạnh,
Ðạt được không nhờ ai.”

“Thành tựu vô học trí” nghĩa là chứng quả La-Hán

‘Antimajati’: thân tối hậu (last life).

‘antimo samussayo’ = ‘antimajati’

“Không nhờ ai” nghĩa là ‘sandiṭṭhiko’, tự mình chứng ngộ, chư Phật chỉ gợi ý còn chuyện tu chứng là của mình

‘Aparapaccayā’: không lệ thuộc ai khác

“7) Ðối các tưởng, không động,
Giải thoát khỏi tái sanh,
Ðạt được điều phục địa,
Họ chiến thắng ở đời.”

Câu “Đối các tưởng, không động” trong bản Pāḷi là “Vidhāsu vikampanti” nghĩa là không bị 9 thứ ngã mạn chi phối lung lạc nữa. Ngày xưa tôi coi thường con số 9 này, nhưng giờ tôi thấy toàn bộ nội dung Phật pháp trong con số 9 này. Khi chưa biết đạo thì mình thấy mình đẹp hơn người ta, mình xấu hơn người ta, mình giàu hơn người ta, mình nghèo hơn người ta, mình khôn hơn người ta, mình ngu hơn người ta v.v… Nhưng khi biết đạo thì biết những thứ đó là giả hợp. Khổ một chỗ, lúc quán chiếu đây là danh, đây là sắc, đây là vô thường thì mình lại quán chiếu: TÔI đang thấy mọi sự là vô thường, TÔI đang quán chiếu…, nghĩa là mình đang cột mình theo cách khác. Chưa hiểu đạo thì xiềng mình bằng xích sắt. Biết rồi thì dùng vàng làm xích. Cả hai đều là xiềng xích nhốt tù mình. Hôm qua tôi có coi một bức ảnh mà tôi thích quá. Có một anh da đen đang sơn nhũ lên trên cái cùm. Bà con search “Những bức ảnh làm thay đổi cuộc đời”, nghĩa là anh da đen này đang bôi vàng lên cái xiềng của anh ta.

“Đối các tưởng không động”, “Vidhāsu vikampanti” nghĩa là vị La-Hán không bị chính ngã mạn xiềng xích nữa, không bị lung lạc bởi 9 thứ ngã mạn

“Điều phục địa” (dantabhūmi): gần giống như Vô sanh pháp nhẫn của Bắc Truyền.

‘Danta’: điều phục (tamed). Từ ngữ căn ‘dam” (tame). Đặc biệt chỗ này chữ Pāḷi và Mỹ giông giống nhau. ‘Danta’ có hai nghĩa: là ‘răng’ (tooth) và là “sự điều phục”. Vì sao có nghĩa là ‘răng’? Bởi vì nó có thể nghiền nát.

Trong Pháp Cú có câu: “dantacittam sukhavaham” nghĩa là “tâm được điều phục”. Còn là phàm phu thì luôn bị phiền não tấn công, và phàm phu luôn bị thua cuộc, bị chinh phục (defeated) bởi cái ghét, cái thích. Từ lúc còn ẵm ngửa trên tay đến lúc vào quan tài thì thua suốt mùa. Vì ghét mà tránh cái này cái kia, vì thích mà rượt cái này rượt cái kia. Vị A-la-hán thì không, không có hành hành xử theo thích hoặc ghét mà chỉ hành động cái gì cần.

“8) Thượng, hạ cùng tả, hữu.
Họ không có hỷ lạc,
Họ rống sư tử rống,
Phật vô thượng ở đời!”

Chữ ‘rống’ nghe không hay, tôi thích chữ ‘gầm’ hơn.

‘Thượng’: ‘uddha’ (above); ‘hạ’: ‘apacina’(below)

‘Tả hữu’: tiriya ở đây chỉ chung cho trái, phải

“Uddhaṃ tiriyaṃ apācīnaṃ, nandī tesaṃ na vijjati; Nadanti te sīhanādaṃ, buddhā loke anuttarā’’ti.

‘Uddhaṃ’ ở đây có 2 nghĩa: 1.Đỉnh đầu. 2.Quá khứ

‘Apacina’ cũng có 2 nghĩa: 1.Lòng bàn chân. 2.Vị lai

‘Tiriya’ ở đây cũng có 2 nghĩa: 1.Phần thân giữa. 2.Hiện tại

“Họ không có hỷ lạc” ở đây nghĩa là không còn tham ái trong năm uẩn nữa, dù ở đâu, trên thân hay trong thời điểm nào cũng vậy. Vậy câu này có hai nghĩa:

1. Trên toàn thân, vị này không còn thích thú chỗ nào

2. Không còn thích thú năm uẩn trong ba thời, quá khứ, hiện tại, vị lai.

Xin hỏi bà con, những hồi ức những kỷ niệm có bao giờ làm cho các vị vui hay buồn không? Những toan tính, những dự tưởng, những kế hoạch tương lai có làm cho các vị vui buồn hay không? Mình bị khổ vì năm uẩn quá khứ, vì năm uẩn tương lai, hiện tại thì khỏi phải nói rồi. 

Những hồi ức quá khứ của mình như nhớ căn nhà ngày xưa của mình ở VN, có giàn hoa giấy, có cô hàng xóm mắt đen tóc dài thỏ thẻ lúng liếng, và những kế hoạch về tương lai: sắp tới tụi nhỏ ra trường, thằng Út về Chicago, thằng Tư về Los, nhà này chỉ còn hai vợ chồng đi ra đi vô như hai con khỉ già vào ra như hai cái bóng, rồi mai mốt đi vô nhà già, chờ con tới thăm thì tang thương khổ nào v.v…, đó là những nỗi khổ năm uẩn quá khứ, năm uẩn tương lai. Còn hiện tại thì đói ăn, khát uống, chạy lăng xăng, vất cả như trâu đi cày, đó là khổ năm uẩn hiện tại. Nói theo A-tỳ-đàm thì hiện tại là sát na nào đang xảy ra, còn nói theo Tạng Kinh thì hiện tại chỉ cho ngay hôm nay, tháng này, năm này. Dù nói theo Tạng nào đi nữa thì chúng ta luôn luôn sống phiền não với năm uẩn quá khứ, tương lai, và hiện tại. Vị La-Hán thì không còn như vậy nữa, không sợ cái gì nữa hết, nói ra được thì làm được:

Thượng, hạ cùng tả, hữu.
Họ không có hỷ lạc,
Họ rống sư tử rống,
Phật vô thượng ở đời!”

Vị La-Hán trước ngàn người ra sao thì một mình trong núi thẳm cũng vậy. Vị La-Hán nói sao thì làm vậy, làm sao thì nói vậy. Người như vậy gọi là gầm lên tiếng gầm của sư tử. Còn mình thì sao? Cho dù mình giàu, có tám tỷ trong nhà băng, đi đâu thì đi bằng máy bay, mười lăm bằng cấp, nói được vài chục thứ tiếng, ăn trưa ở Hongkong, ăn tối ở Bangkok, sang trọng bảnh bao… nhưng có rất nhiều điều mình phải giấu, có chỗ mình ngại, mình sợ. 

Hôm qua tôi đọc bài báo mà tôi sốc khoảng 15 phút. Một phóng viên người Pháp tuyên bố trên tờ báo Pháp và Đức rằng từng xem qua một đoạn clip ngắn về hành khách trên chiếc máy bay của hãng Germanwings vừa rớt mới đây, và ông thấy được giây phút hoảng loạn kinh hoàng của hành khách biết mình sắp chết. Tôi giựt mình tự hỏi lòng, bao nhiêu năm làm thầy chùa, rêu rao Phật pháp, nếu mình có mặt trong số đó, thấy máy bay đang lao vút vào vách đá với tốc độ kinh hoàng thì mình ra làm sao. Đừng dựa vào tuổi đời, bằng cấp, học vị mà nghĩ mình ngon, mình chưa đủ sức gầm lên tiếng gầm sư tử đâu. Đến lúc đó kẻ nào hèn nhất thì sẽ hiện rõ cái hèn của mình ra khi đối diện với cái chết. Tu ngon là sao, là có khả năng chết bất cứ lúc nào. Theo quan điểm Phật pháp, đời sống tốt nhất là đời sống của người có thể sẵn sàng chết.
________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.