Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 5 - Tương Ưng Tỷ Kheo Ni

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 5 - Tương Ưng Tỷ Kheo Ni

PHẦN CHÁNH KINH

[05] Chương V Tương Ưng Tỷ Kheo Ni

I. Alavikhà (S.i.128)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Tỷ-kheo-ni Alavikà, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni đi đến rừng Andha để tìm sự yên tĩnh viễn ly.

3) Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Alavikà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn nàng từ bỏ yên tĩnh viễn ly, nên đi đến Tỷ-kheo-ni Alavikà và nói lên bài kệ:

Ðời không có xuất ly,
Sống viễn ly làm gì?
Hãy trọn hưởng dục lạc,
Chớ hối hận về sau.

4) Tỷ-kheo-ni Alavikà suy nghĩ: "Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?"

5) Tỷ-kheo-ni Alavikà suy nghĩ: "Chính Ác ma muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn làm ta từ bỏ yên tĩnh viễn ly nên đã nói lên bài kệ đó".

6) Tỷ-kheo-ni Alavikà biết được: "Ðấy là Ác ma", liền nói lên bài kệ:

Ở đời có xuất ly,
Nhờ trí tuệ, ta chứng.
Này Bà con phóng dật,
Biết sao được pháp ấy?

Ái dục như kiếm thương,
Ðài chém đầu các uẩn.
Ðiều Ông gọi dục lạc,
Ta gọi là bất lạc.

7) Ác ma biết được: "Tỷ-kheo-ni Alavikà đã biết ta", nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

II. Somà (S.i.129)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

Rồi Tỷ-kheo-ni Somà vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực.

2) Khất thực ở Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày. Sau khi đi sâu vào rừng, nàng ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

3) Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Somà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỷ-kheo-ni Somà; sau khi đến, nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Somà:

Ðịa vị khó chứng đạt,
Chỉ Thánh nhân chứng đạt,
Trí nữ nhân hai ngón,
Sao hy vọng chứng đạt?

4) Tỷ-kheo-ni Somà suy nghĩ: "Ai đã nói bài kệ này? Người hay không phải người?"

5) Tỷ-kheo-ni Somà suy nghĩ: "Ðây là Ác ma muốn làm cho ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn ta từ bỏ Thiền định, nên đã nói lên bài kệ đó".

6) Tỷ-kheo-ni Somà biết được : "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Nữ tánh chướng ngại gì,
Khi tâm khéo Thiền định,
Khi trí tuệ triển khai,
Chánh quán pháp vi diệu?

Ai tự mình tìm hỏi :
"Ta, nữ nhân, nam nhân,
Hay ta là ai khác?"
Xứng nói chuyện Ác ma,
Ác ma thật cân xứng.

7) Ác ma biết được: "Tỷ-kheo-ni Somà đã biết ta", nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

III. Gotamì (S.i.129)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Sàvatthi để khất thực.

2) Khất thực ở Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày; sau khi đi sâu vào rừng Andha, đến ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

3) Ác ma muốn làm cho Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì; sau khi đi đến, liền nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì:

Sao nàng như mất con,
Một mình, mặt ứa lệ.
Hay một mình vào rừng,
Ðể tìm đàn ông nào?

4) Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì suy nghĩ: "Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?"

5) Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì suy nghĩ: "Ðây là Ác ma muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến ta từ bỏ Thiền định nên đã nói lên bài kệ đó".

6) Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Con hại, đã qua rồi,
Ðàn ông đã chấm dứt,
Ta không sầu, không khóc,
Ta sợ gì các Ông?

Khắp nơi hỷ, ái đoạn,
Khối mê ám nát tan,
Chiến thắng quân thần chết,
Vô lậu, ta an trú.

7) Ác ma biết được: "Tỷ-kheo-ni Kisà Gotamì đã biết ta" nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

IV. Vijayà

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Vijayà vào buổi sáng đắp y... và ngồi xuống dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Ác Ma muốn làm cho Tỳ-kheo-ni Vijayà sợ hãi ... muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỳ-kheo-ni Vijayà; sau khi đến, nói lên bài kệ với Tỳ-kheo-ni Vijayà:

Nàng vừa trẻ, vừa đẹp,
Ta vừa trẻ, vừa xuân,
Với cung đàn năm điệu,
Nàng cùng ta vui hưởng.

3) Tỷ-kheo-ni Vijayà suy nghĩ : " Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?"

4) Tỷ-kheo-ni Vijayà suy nghĩ : " Ðây là Ác ma... nói lên bài kệ đó."

5) Tỷ-kheo-ni Vijayà suy nghĩ : "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Sắc, tiếng, vị, hương, xúc,
Làm cho ý đam mê,
Ta nhường lại Ác ma,
Ta đâu có cần chúng.

Với thân bất tịnh này,
Dễ hư hoại mong manh,
Ta bực phiền, tủi hổ,
Dục ái được đoạn tận.

Họ sanh hưởng sắc giới,
Chúng vọng vô sắc giới,
Thiền chứng an tịnh ấy,
Mọi nơi, mê ám diệt.

6) Ác ma biết được: "Tỷ-kheo-ni Aijayà đã biết ta", buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

V. Uppalavannà (S.i.131)

1) Nhân duyên Sàvatthi.

Rồi Tỷ-kheo-ni Uppalavannà vào buổi sáng đắp y... và đứng dưới gốc cây tala có trổ hoa.

2) Ác ma muốn làm cho Tỷ-kheo-ni Uppalavannà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến Tỷ-kheo-ni Uppalavannà.

3) Sau khi đến, Ác ma nói lên bài kệ này với Tỷ-kheo-ni Uppalavannà:

Này nàng Tỷ-kheo-ni,
Dưới gốc cây tala,
Ðang nở nụ trăm hoa,
Nàng đến đứng một mình,
Nhan sắc Nàng tuyệt đẹp,
Không ai dám sánh bằng!

Tại đây Nàng đã đến,
Trong tư thế như vậy,
Nàng ngu dại kia ơi,
Không sợ cám dỗ sao?

4) Tỷ-kheo-ni Uppalavannà suy nghĩ: "Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay là không phải người?"

5) Tỷ-kheo-ni Uppalavannà suy nghĩ: "Ðây là Ác ma... đã nói lên bài kệ đó."

6) Tỷ-kheo-ni Uppalavannà biết được : "Ðây là Ác ma", liền trả lời với bài kệ:

Trăm ngàn người cám dỗ,
Có đến đây như Ông,
Mảy lông ta không động,
Ta không gì sợ hãi.

Ác ma, ta không sợ,
Ta đứng đây một mình,
Ta có thể biến mất,
Hay vào bụng các Ông.
Ta đứng giữa hàng mi,
Ông không thấy ta được.

Với tâm khéo khiếp phục,
Thần túc khéo tu trì,
Ta thoát mọi trói buộc,
Ta đâu có sợ Ông?
Này Hiền giả Ác ma!

7) Ác ma biết được: "Tỷ-kheo-ni Uppalavannà đã biết ta", buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

VI. Càlà (S.i.132)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Càlà vào buổi sáng đắp y... ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Ác ma đi đến Tỷ-kheo-ni Càlà; sau khi đến, nói với Tỷ-kheo-ni Càlà:

-- Này Tỷ-kheo-ni, Nàng không vui thích gì?

-- Này Hiền giả, ta không vui thích sanh.

-- Sao Nàng không vui thích sanh?

-- Khi đã sanh, phải thọ hưởng các dục.

-- Này Tỷ-kheo-ni, ai dạy cho nàng: "Chớ có vui thích sanh"?

3) (Càlà):

Sanh ra rồi phải chết,
Ðã sanh thấy khổ đau,
Kiết sử trói gia hại,
Do vậy không thích sanh.

Ðức Phật thuyết giảng pháp,
Khiến vượt khỏi tái sanh,
Ðoạn trừ mọi khổ não,
Giúp ta trú chân thật.

Chúng sanh hướng sắc giới,
Họ vọng vô sắc giới,
Nếu không biết đoạn diệt,
Họ đi đến tái sanh.

4) Ác ma biết được: "Tỷ-kheo-ni Càlà đã biết ta", buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

VII. Upacàlà

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Rồi Tỷ-kheo-ni Upacàlà, vào buổi sáng, đắp y... và ngồi xuống một gốc cây để nghỉ ban ngày... nói với Tỷ-kheo-ni Upacàlà:

-- Này Tỷ-kheo-ni, Nàng muốn tái sanh tại chỗ nào?.

3) -- Ta không muốn tái sanh tại một chỗ nào cả, này Hiền giả.

4)

Chư Thiên Ba mươi ba,
Dạ-ma, Ðâu-suất thiên,
Chư vị Hóa lạc thiên,
Tha hóa Tự tại thiên,

Nàng hãy hướng tâm này,
Ðến cảnh giới chư Thiên,
Rồi Nàng được tái sanh,
Hưởng an lạc cảnh ấy.

5)

Chư Thiên Ba mươi ba,
Dạ-ma, Ðâu-suất thiên,
Chư vị Hóa Lạc thiên,
Tha hóa, Tự tại thiên,
Vì ái dục trói buộc,
Lại bị ma chinh phục.

Toàn thế giới cháy đỏ,
Toàn thế giới hỏa thiêu,
Toàn thế giới bùng cháy,
Toàn thế giới rung động.

Không rung, không dao động,
Không hệ lụy, phàm phu,
Chỗ nào ma không đến,
Chỗ ấy ta vui thích.

6) Rồi Ác ma biết được... biến mất tại chỗ ấy.

VIII. Sisupacàlà

1) Tại Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Sisupacàlà vào buổi sáng đắp y... rồi ngồi xuống một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Rồi Ác ma đi đến Tỷ-kheo-ni Sisupacàlà; sau khi đến, nói với Tỷ-kheo-ni Sisupacàlà:

-- Này Tỷ-kheo-ni, Nàng thích thú tà giáo của ai không?

3) -- Này Hiền giả, ta không thích thú tà giáo của ai cả.

4)

Vì ai Nàng trọc đầu,
Hiện tướng nữ Sa-môn?
Nàng không thích tà giáo,
Vậy nàng tu cho ai,
Này kẻ Ngu muội kia?

5) (Sisupacàlà):

Những kẻ tin tà kiến,
Thuộc ngoại đạo tà giáo.
Ta không thích pháp họ,
Ta không giỏi pháp họ!

Có dòng họ Thích-ca.
Ðản sanh Phật vô tỷ,
Ngài chinh phục tất cả,
Ngài đại phá chúng ma,

Tại mọi chỗ, mọi nơi,
Không ai chiến thắng Ngài.
Ngài giải thoát hoàn toàn,
Không bị gì triền phược.

Bậc Pháp nhãn thấy khắp;
Tất cả nghiệp đoạn diệt,
Giải thoát, diệt sanh y.
Thế Tôn, Ðạo Sư ta,
Ta thích giáo pháp Ngài.

6) Rồi Ác ma biết được... liền biến mất tại chỗ ấy.

IX. Selà (S.i.134)

1) Ở tại Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Selà vào buổi sáng đắp y... ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Rồi Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Selà run sợ... nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Selà:

Bởi vì bong bóng này,
Ðược tạo tác làm ra,
Ai là người sáng tạo,
Bong bóng như huyễn này?
Từ đâu bong bóng sanh?
Ði đâu bong bóng diệt?

3) Rồi Tỷ-kheo-ni Selà suy nghĩ: "Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?"

4) Rồi Tỷ-kheo-ni Selà suy nghĩ: " Ðây là Ác ma, muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến ta từ bỏ Thiền định, nên đã nói lên bài kệ ấy".

5) Rồi Tỷ-kheo-ni Selà được biết: "Ðây là Ác ma", nên trả lời Ác ma với bài kệ:

Bong bóng như huyễn này,
Không phải tự ngã làm,
Sự vật bạc phước này,
Không phải người khác làm.

Do nhân duyên quy tụ,
Sự vật được hình thành,
Do nhân duyên tán ly,
Sự vật bị tiêu diệt.

Hột giống gieo vào ruộng,
Ðược nẩy mầm, sinh lộc,
Khi nhiễm thấm cả hai,
Vị đất và khí ướt.

Cũng vậy uẩn và giới,
Cùng với sáu xứ này,
Do nhân duyên quy tụ,
Chúng sẽ được hình thành,
Do nhân duyên tán ly,
Chúng bị hoại, tiêu diệt.

6) Rồi Ác ma biết được: "Tỷ-kheo-ni Selà đã biết ta", nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

X. Vajirà

1) Ở tại Sàvatthi.

Tỷ-kheo-ni Vajirà vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Khất thực xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni Vajirà đi đến rừng Andha để nghỉ ban ngày, đi sâu vào rừng Andha và ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ban ngày.

2) Rồi Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Vajirà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến nàng từ bỏ Thiền định, liền đi đến, nói lên bài kệ với Tỷ-kheo-ni Vajirà:

3)

Do ai, hữu tình này,
Ðược sanh, được tạo tác?
Người tạo hữu tình này,
Hiện nay ở tại đâu?
Từ đâu hữu tình sanh?
Ði đâu hữu tình diệt?

4) Rồi Tỷ-kheo-ni Vajirà suy nghĩ: "Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?"

5) Rồi Tỷ-kheo-ni Vajirà lại suy nghĩ: "Chính là Ác ma muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn khiến ta từ bỏ Thiền định, nên đã nói lên bài kệ này".

6) Rồi Tỷ-kheo-ni Vajirà biết được: "Ðây là Ác ma", liền trả lời Ác ma với bài kệ:

Sao Ông lại nói hoài,
Ðến hai chữ chúng sanh?
Phải chăng, này Ác ma,
Ông rơi vào tà kiến?

Ðây quy tụ các hành,
Chúng sanh được hình thành,
Như bộ phận quy tụ,
Tên xe được nói lên.

Cũng vậy, uẩn quy tụ,
Thông tục gọi chúng sanh.
Chỉ có khổ được sanh,
Khổ tồn tại, khổ diệt,
Ngoài khổ, không gì sanh,
Ngoài khổ không gì diệt.

7) Rồi Ác ma biết được: "Tỷ-kheo-ni Vajirà đã biết ta", nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

Chương 5: Tương Ưng Tỳ Kheo Ni

ĀLAVIKĀ (Āḷavikāsutta)

Bữa nay mình học trọn một chương luôn Tỳ Kheo Ni. Chương này trong Chú giải không nói gì đặc biệt, bà con đọc chánh văn của kinh tạng tự hiểu không có gì khó. Toàn bộ nội dung của chương này nói một điều thôi: Ác Ma Thiên tử đã hiện xuống quấy rầy phá rối các vị tỷ kheo ni sống thiền tịnh độc cư một mình ở chỗ thanh vắng. 

Từ chuyện này dẫn đến chuyện khác, đó là ở đời này mà mình có đi làm ăn cướp chắc chắn mình cũng có bạn, có chích hút, say sưa, trộm cướp lừa đảo, chắc chắn mình cũng có bạn, và dĩ nhiên trong thiên hạ cũng có vô số người chống đối thù ghét và pháp luật cũng trừng trị mình. Bên cạnh đó, ngược lại, mình tu hành đàng hoàng, có nhân cách có đạo đức, làm chuyện tốt đẹp cũng có người chống mình. 

Tôi muốn nhân chương này xin các vị lưu ý, đừng thắc mắc vì sao mình tu hành đàng hoàng mà đời trù dập bạc đãi làm khổ mình thế này. Hễ có mặt trong đời sống là chúng ta phải chấp nhận những khía cạnh tương phản. Nếu thằng ăn cướp mà có bạn được thì người hiền cũng có kẻ thù là chuyện tự nhiên. 

Ở đây người ta tu hành không chọc phá ai hết mà cũng có người ghét đó là chưa kể đến chuyện dòng chảy luân hồi sẽ xuôi theo ác pháp, bất thiện, xuôi theo bản năng phàm phu của chúng sanh. Trong khi mình tu hành là đi ngược lại hết, ngược nước, ngược gió, nên bị những thử thách, trở ngại, trở lực ngăn chặn thì là chuyện bình thường và cực kỳ dễ hiểu. 

Ngay cả chuyện tu hành thời buổi này, hoặc thời Đức Phật cũng vậy, khi mình kêu gọi người ta mê tín dị đoan, cúng bái, lừa đảo buôn thần bán thánh thì chắc chắn gặp phải vô số phản ứng chống đối từ thiên hạ nhưng cũng có một tỷ người ủng hộ mình. Nếu mình chủ trương tu hành giới luật thanh tịnh thiền định tinh tấn thì cũng có một tỷ người ủng hộ mình và một tỷ người chống đối mình. 

Mình ngồi yên không làm gì hết thì không thấy gì hết, chứ bung ra làm thì biết thân ngay, khởi xướng phong trào tu học đàng hoàng một chút thì bị chống phá đủ điều. Mở cái room hát karaoke thì nhiều người ủng hộ mình nhưng cũng nhiều người chống đối mình.

Bài kinh đầu tiên là bài kinh Āḷavikā. Tỷ kheo ni Āḷavikā sau khi đi bát xong về tìm chỗ thiền định thì Ác Ma xuất hiện, nói một câu trớt quớt: Người ta tu hành mục đích để giải thoát, nhưng nói thiệt cho bà biết, bà đừng buồn nghen, chuyện đó làm gì có mà hướng tới, sanh ra thì già bịnh chết, ai cũng vậy. Người tù cầu giải thoát thì mong ra khỏi tù, để tự do sung sướng, đó mới là lý tưởng của người tù. Còn ở đời, lý tưởng giải thoát là sao, tu hay không tu cũng giống nhau, tu cho lắm thì cũng già chết, không tu cũng già chết, giải thoát hay xuất ly chỉ là chuyện tào lao, lừa đảo chớ làm gì có.

Các vị trong room này là những người học Phật, tin Phật, nghe câu đó thì biết là câu tào lao. Nhưng quí vị hãy tưởng tượng nhiều lúc trong đời mình chỉ cần một câu nhẹ nhẹ vậy thôi cũng ảnh hưởng rất lớn đến nội tâm mình. Cho nên, câu đầu tiên trong kinh Kiết Tường 38 Pháp An Lành Đức Phật dạy lìa kẻ ác, gần người lành là vậy đó. Ngay bây giờ mình đang ngon lành mình thấy câu nói đó là xúi dại, nhưng lúc nào đó, cái tâm mình cũng giống như cơ thể vậy, cơ thể lúc khỏe thì không sao hết, nhưng lúc yếu rồi thì một chút sương, một chút gió, một chút nắng, một chút đồ ăn bậy bạ, một chút sinh hoạt phi thời thì lập tức lăn ra bịnh liền. 

Nội tâm mình cũng vậy, có những lúc mình không chánh niệm thì không lường trước được đâu, có lúc những tác động từ người ngoài, từ một hình ảnh mình nhìn thấy, một câu nói mình nghe được, sẽ ảnh hưởng mình ghê gớm lắm. Một câu nói nhẹ nhàng thôi, ví dụ mình muốn dịch, muốn in kinh, có người cười mỉm, phán câu nhẹ nhàng: Tự mình tu học còn chưa xuể mà nói gì chuyện đi hoằng pháp, ai thật sự có lòng học đạo tự tìm đến hay hơn, mình in một núi kinh ai đọc, tốn tiền tốn công tốn thời gian, thời này có ai đọc đâu, muốn gì thì viết bỏ lên internet chớ mắc gì đi in cho mệt. Họ phán một hai câu đủ làm mình chùn lòng chớ không phải không, nhưng việc gì mình thấy cần thiết thì mình cứ làm. 

Sống dẫm lên dư luận mà đi là chuyện không nên nhưng trở thành nạn nhân của dư luận, của thị phi, thành một chiếc lá trong dòng chảy cũng không nên. Cái khó của đời tu cũng là chỗ đó mà cái khó của đời sống cũng là chỗ đó. Ở đây tỷ kheo ni Āḷavikā nghe vậy trả lời: Sao lại nói kỳ vậy, Phật dạy có mà, chính ta là người chứng ngộ thì làm sao sự giải thoát lại là không có được. Biết mình đã bị nhận diện, Ác Ma thất vọng, biến mất.

SOMĀ (Somāsutta)

Tỷ kheo ni Somā cũng bị phá như vậy, bằng một câu nói khác làm cho nản, chán. Ác Ma nói: Chuyện tu hành khó chớ không phải dễ, người ta người nam làm chưa xuể nói gì là người nữ. Có ý tu làm chi, nữ thì chỉ biết làm nội tướng nội trợ là được rồi. Ở đây trong chánh văn, Ác Ma nói với bà tỷ kheo ni Somā thế này:

“Ðịa vị khó chứng đạt,
Chỉ Thánh nhân chứng đạt,
Trí nữ nhân hai ngón,
Sao hy vọng chứng đạt?”

Trong tiếng VN, chữ “hai ngón” là tiếng lóng có nghĩa là ‘móc túi’, ‘ăn cắp’. Trong tiếng Pāḷi, chữ “hai ngón” mà Ác Ma dùng chỗ này là Dvaṅgulapaññāyāti có nghĩa là cái trí chỉ vừa đủ cầm kim chỉ làm chuyện may vá thôi. Trí “hai ngón” này chỉ cho đàn bà vì ám chỉ cho chuyện may vá, đàn ông thì sức vóc ngon lành dời non lấp biển, khiêng vác cưu mang gồng gánh những chuyện trọng nhậm trong trời đất này, đàn bà tối đa chỉ làm được chuyện may vá sử dụng hai ngón tay là đủ rồi. Nếu không đọc Chú giải thì mình cũng đoán mò ra được, đoán mò hai ngón là việc gì đó nhỏ xíu. 

Bà trả lời: “Nữ tánh chướng ngại gì, Khi tâm khéo Thiền định”. Tâm tư người nữ đồng ý có vấn đề thiệt nhưng hoàn toàn không có trở ngại cho một người chứng ngộ. Bà nói rằng: Người còn bận tâm chuyện nam nữ để phân biệt kỳ thị thì còn thấp kém lắm. Ác Ma hãy đi tìm những người đó mà nói chuyện cho cân xứng ngang bằng chớ đừng đem chuyện nam nữ ra nói với một người như ta. Chỉ có những trường hợp đặc biệt: Chuyển Luân Vương, Đế Thích, Ma Vương, Phạm Thiên, Chánh Đẳng Giác thì không có người nữ thôi chứ nếu nói khả năng chứng ngộ Tứ Đế chấm dứt sanh tử thì nam nữ (tam nhân) đều có khả năng giống nhau.

GOTAMI (Kisāgotamīsutta)

Gotami ở đây là bà Kisā Gotamī. Ác Ma rất độc, nhìn vào tâm tư khuynh hướng tâm lý của mỗi vị tỷ kheo ni mà dùng câu nói khích tướng châm chọc khác nhau. Ác Ma rành lắm, ở mỗi vị tỷ kheo ni, Ác Ma chọn câu châm chích có tác dụng thâm độc tùy người. Ác Ma nói với bà Kisā Gotamī:

“Sao nàng như mất con,
Một mình, mặt ứa lệ.
Hay một mình vào rừng,
Ðể tìm đàn ông nào?”

Thấy nàng ngồi một mình trong rừng, ngồi im lặng không nói không cười, (ngồi một mình không lẽ ngồi cười, huống là một vị thánh nữa), Ác Ma nói là buồn. Trong kinh kể rất là nhiều lần có những vị Trời hoặc những vị cư sĩ thấy Thế Tôn hoặc chư tỷ kheo ngồi trong rừng thường hỏi một câu giống nhau: Ngài ngồi một mình, có gì buồn không? Ngài và các vị thánh trả lời giống nhau: Ta mất gì mà ta buồn, ta được gì mà ta vui. 

Cũng như có ông Bà-la-môn hỏi ngài Xá Lợi Phất: Ngài có sợ chết không? Ngài Xá Lợi Phất đáp không, thì lại hỏi nữa: Ngài có chán sống không? Ngài Xá Lợi Phất trả lời: không. Thế là ông Bà-la-môn hỏi: Không sợ chết mà cũng không chán sống thì phải hiểu thế nào? Ngài Xá Lợi Phất đáp: Ta không ham sống cũng không sợ chết, ta chỉ không muốn trái còn xanh mà phải rụng, những ngày tháng ta sống đây chỉ chờ nhân duyên hội đủ là ta đi thôi.

Bà Kisā Gotamī tên đời chỉ là Gotamī. Kisà nghĩa là gầy ốm (skinny). Bên tăng thì có ngài Mahākappina, làm vua nhưng tạng người ốm ốm xanh xanh mét mét suốt đời. Bà Kisā Gotamī cũng vậy, thời đó có nhiều người tên Gotamī, tỷ muội trong đạo tràng gọi là Kisā Gotamī để phân biệt các Gotamī khác. Mình cũng vậy, hay gắn thêm ngoại hiệu nào đó để phân biệt với những người khác. Giống như ngày xưa truyện của Duyên Anh có những nhân vật như Hoàng Ghita, Dũng Đa Kao… đại khái là thêm một chút xíu ngoại hiệu.

Trước khi đi tu bà Kisā Gotamī có chồng nhưng gia đình bà không có thương, không trọng bà, họ chỉ coi nặng đứa con trai của bà thôi, nên bà xem toàn bộ cuộc đời của bà là ván bài đánh cược trên cuộc đời đứa con, ấy thế mà đứa con lăn đùng ra chết. Hãy tưởng tượng tâm tình của một người mẹ trẻ mất đi đứa con duy nhất thì khổ cỡ nào, mà khổ nỗi đứa con đó còn có ý nghĩa khác kinh hoàng hơn, đó là chỗ dựa duy nhất bên nhà chồng. Bà bồng xác con đi tìm thầy tìm thuốc. Đứa bé đã chết rồi mà bồng xác đi thì được gì. 

Có người thương tình chỉ bà về chùa Kỳ Viên gặp Thế Tôn là vị Toàn Giác, cái gì Ngài cũng làm được, ai Ngài cũng thương, đến gặp Ngài biết đâu ngài có cách. Bà đến gặp Thế Tôn và quì khóc xin cứu giùm đứa con trai. Đức Phật không từ chối, Ngài nói bà đi tìm một ít hạt cải ở nhà nào không có người chết đem về Ngài sẽ làm thuốc cứu. Bà đem con vô nghĩa trang để đó, rồi đi từng xóm từng làng để tìm nhà ai không có người chết. Người ta nói với bà hạt cải thì không thiếu, nhưng gia đình dòng họ không có người chết thì không có. 

Lúc đó bà mới hiểu ra không phải chỉ một mình con bà chết mà tất cả thiên hạ đều phải chết và chính mình sau này cũng sẽ chết. Hiểu vậy bà đem xác con đi chôn và trở lại đi xuất gia, chứng quả A-la-hán, bà trở thành vị Etadagga paṃsukūlika – Đệ nhất phấn tảo y (y dính bụi dơ, ‘paṃsu’: ‘bụi’), vị này suốt đời này không nhận y may từ cư sĩ và cũng không chính mình lựa chọn kiếm tìm vải mới để may y mà chỉ dùng một loại vải duy nhất là vải lượm, lượm ở đống rác, nghĩa trang, nhà quàn xác, nơi bốc mộ… miễn là còn nhuộm được. 

Hạnh phấn tảo y, đối với bản thân, nếu mình còn phàm thì được tính ly tham, đồng thời được giản tiện trong đời sống, và đối với đời thì tăng niềm tin cho người khác, cho người ta thấy thân này là bất tịnh, giống như vết thương, vết thương thì băng bó vải gì cũng được chớ không cần phải đồ tốt đồ đắt tiền. Hạnh này là một trong 13 hạnh đầu đà, có vị thọ trì đủ 13 hạnh, có vị thọ chỉ một hoặc hai hạnh. Bên tăng có một vị tên là Mogharajā vị này cũng là Đệ nhất phấn tảo y. 

Chính vì Ác Ma biết bà Gotamī có chuyện đời đau lòng nên mới nói một câu thâm ác như vậy: Sao mặt buồn vậy, bộ con chết hay sao, hay vô rừng kiếm đàn ông? Ác Ma khơi lại vết thương lòng, còn chọc ngoáy xúc phạm nữa. Bà đã là A-la-hán nên bà biết, bà trả lời: Con cũng xong rồi, chồng cũng xong rồi, không còn thích gì hết, thứ lon ton như ông thì không nghĩa lý gì với ta hết. Ác Ma nghe vậy biến mất.

VIJAYĀ (Vijayāsutta)

Vijayā là một mỹ nhân trước khi đi xuất gia. Ác Ma thấy vậy nên xuống phá, nói như thế này:

Nàng vừa trẻ, vừa đẹp,
Ta vừa trẻ, vừa xuân,
Với cung đàn năm điệu,
Nàng cùng ta vui hưởng.

Vậy đó, thấy người ta đẹp xuống quyến rũ người ta. Phá chơi vậy thôi. Bà biết là Ác Ma nên bà mới trả lời:

Sắc, tiếng, vị, hương, xúc,
Làm cho ý đam mê,
Ta nhường lại Ác ma,
Ta đâu có cần chúng.

Với thân bất tịnh này,
Dễ hư hoại mong manh,
Ta bực phiền, tủi hổ,
Dục ái được đoạn tận.

Họ sanh hưởng sắc giới,
Chúng vọng vô sắc giới,
Thiền chứng an tịnh ấy,
Mọi nơi, mê ám diệt.
___________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.