Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 4 - Tương Ưng Ác Ma

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 4 - Tương Ưng Ác Ma

PHẦN CHÁNH KINH

[04] Chương IV Tương Ưng Ác Ma

I. Phẩm Thứ Nhất

I. Khổ Hạnh Và Nghiệp (S.i,103)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Uruvelà bên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài vừa giác ngộ.

2) Rồi Thế Tôn trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật sự Ta được giải thoát khỏi khổ hạnh ấy. Tốt lành thay, thật sự Ta được giải thoát khỏi khổ hạnh không liên hệ đến lợi ích ấy! Tốt lành thay, Ta kiên trì, chánh niệm, chứng đạt Bồ-đề!"

3) Rồi Ác ma với tâm tư của mình biết được tâm tư của Thế Tôn, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Từ bỏ pháp khổ hạnh,
Giúp thanh niên trong sạch,
Không tịnh, nghĩ mình tịnh,
Ði ngược thanh tịnh đạo.

4) Rồi Thế Tôn, biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Biết được pháp khổ hạnh,
Ðược xem là bất tử,
Pháp ấy không lợi ích,
Không đem lợi ích nào,

Như chèo và bánh lái,
Chiếc thuyền trên đất cạn.
Giới, định và trí tuệ,
Con đường hướng chánh giác.

Ta tu tập hạnh ấy,
Ðạt được tối thắng tịnh,
Này kẻ Tử ma kia,
Ông bị bại trận rồi.

5) Rồi Ác ma biết được: "Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

II. Con Voi (S.i,103)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà, bên bờ sông Neranjarà, dưới cây Nigrodha Ajapàla, khi Ngài mới giác ngộ. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong bóng đêm tối, và trời đang mưa từng hột một.

2) Rồi Ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, liền biến hình thành con voi chúa to lớn và đi đến Thế Tôn.

3) Và đầu con voi ví như hòn đá đen lớn (aritthako), ngà của nó ví như bạc trắng tinh, vòi của nó ví như đầu cái cày lớn.

4) Thế Tôn biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Ông luân hồi dài dài,
Hình thức tịnh, bất tịnh.
Thôi vừa rồi, Ác ma,
Ông đã bị bại trận.

5) Rồi Ác ma biết được: "Thế Tôn biết ta, Thiện Thệ biết ta", buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

III. Tịnh (S.i,104)

1) Trú tại Uruvelà.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong bóng đêm tối, và trời đang mưa từng hột một.

3) Rồi Ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, liền đi đến Thế Tôn.

4) Sau khi đến, hiện lên những hình tướng cao thấp, tịnh, bất tịnh, không xa Thế Tôn bao nhiêu.

5) Rồi Thế Tôn biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Ông luân hồi dài dài,
Hình thức tịnh, bất tịnh.
Thôi vừa rồi, Ác ma,
Ông đã bị bại trận.

Những vị thân, khẩu, ý,
Khéo hộ trì chế ngự,
Này kẻ Ác ma kia,
Những vị ấy như vậy,
Không bị Ông chi phối,
Không phải đệ tử Ông.

6) Rồi Ác ma biết được... liền biến mất tại chỗ.

IV. Bẫy Sập (S.i,105)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Barànasi (Ba-la-nại), Isipatana (chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: -- "Này các Tỷ-kheo." -- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn ". Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

2) Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, chính nhờ chánh tác ý, chính nhờ chánh tinh cần. Ta chứng đạt Vô thượng giải thoát. Ta chứng ngộ Vô thượng giải thoát. Vậy này các Tỷ-kheo, các Ông cũng phải với chánh tác ý, chánh tinh cần, chứng đạt Vô thượng giải thoát, chứng ngộ Vô thượng giải thoát.

Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Ngài còn bị trói buộc,
Trong bẫy sập của ma,
Bởi những dây dục lạc,
Cả Thiên giới, Nhân giới.

Ngài đang bị cột chặt,
Trong triền phược của ma.
Này vị Sa-môn kia,
Ngài chưa thoát khỏi ta.

4) (Thế Tôn):

Ta đã được giải thoát,
Khỏi bẫy sập của ma,
Thoát khỏi dây dục lạc,
Cả Thiên giới, Nhân giới.

Ta đã được giải thoát,
Khỏi triền phược của ma,
Này kẻ Tử ma kia,
Ông đã bị bại trận.

5) Rồi Ác ma... biến mất tại chỗ.

V. Bẫy Sập (S.i,105)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi (Ba-la-nại) tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "-- Này các Tỷ-kheo." "-- Thưa vâng Thế Tôn." Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

2) Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, Ta đã được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, các Ông cũng được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Có các chúng sanh sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ đi đến Uruvelà, thị trấn Senà để thuyết pháp.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Ngài còn bị trói buộc,
Trong bẫy sập của ma,
Bởi những dây dục lạc,
Cả Thiên giới, Nhân giới.

Ngài đang bị cột chặt,
Trong triền phược của ma,
Này vị Sa-môn kia,
Ngài chưa thoát khỏi ta.

4) (Thế Tôn)

Ta đã được giải thoát,
Khỏi bẫy sập của ma,
Thoát khỏi dây dục lạc,
Cả Thiên giới, Nhân giới.

Ta đã được giải thoát,
Khỏi triền phược của ma,
Này kẻ Tử ma kia,
Ông đã bị bại trận.

VI. Con Rắn (S.i,106)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong bóng đêm tối, và trời đang mưa từng hột một.

3) Rồi Ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, bèn biến thành con đại xà vương và đi đến Thế Tôn.

4) Thân của nó to lớn ví như một chiếc thuyền đẽo ra từ một thân cây. Cái mang của nó ví như cái khay đan của người nấu rượu. Mắt của nó ví như cái đĩa bằng đồng của nước Kosala; lưỡi của nó le ra từ miệng ví như mũi tên chớp sáng lòe khi trời mưa gió sấm sét; tiếng hơi thở vô, hơi thở ra của nó ví như bệ thổi của người thợ rèn.

5) Rồi Thế Tôn biết: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ này với Ác ma:

Quý thay bậc Mâu-ni,
Sống trong nhà không tịch,
Biết chế ngự tự ngã,
Tại đấy vị ấy trú.

Sống từ bỏ tất cả,
Với hạnh tu tương xứng,
Nhiều loại thú bộ hành,
Nhiều sự vật khủng khiếp,

Nhiều ruồi muỗi độc xà,
Không mảy may rung động
Sợi lông bậc Mâu-ni
Sống trong nhà không tịch.

Dầu trời nứt, đất động,
Dầu muôn loài khủng bố,
Dầu bị giáo, đao, tên,
Quẳng ném vào ngực Ngài,
Chư Phật không tạo nên,
Những căn cứ sanh y.

6) Rồi Ác ma biết được: " Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", liền biến mất tại chỗ.

VII. Thụy Miên (S.i,107)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Thế Tôn sau khi đã đi kinh hành ngoài trời một phần lớn của đêm. Khi đêm đã gần mãn, Ngài rửa chân, bước vào tịnh xá, và nằm xuống phía hông bên phải theo thế nằm của con sư tử, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác và nghĩ đến lúc thức dậy.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Sao Ngài còn nằm ngủ,
Sao Ngài vẫn nằm ngủ,
Sao Ngài ngủ như vậy,
Như kẻ chết nằm co?

Nghĩ rằng nhà trống không,
Nên Ngài ngủ như vậy,
Sao Ngài ngủ như vậy,
Khi mặt trời đã mọc?

4) (Thế Tôn):

Khi không còn tham ái,
Với lưới triền, nọc độc,
Người vậy được giải thoát,
Không bị dẫn nơi nào.

Ác ma! Bậc Giác Ngộ
Mọi sanh y diệt tận,
Vị ấy nếu có ngủ,
Các Ông làm được gì?

VIII. Hoan Hỷ (S.i,107)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Cha sung sướng vì con,
Người chăn sướng vì bò,
Người sướng vì sanh y,
Không sanh y, không sướng.

(Thế Tôn):

Cha sầu vì con cái,
Người chăn sầu vì bò,
Người sầu vì sanh y,
Không sanh y, không sầu.

Rồi Ác ma biết rằng: "Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", liền biến mất tại chỗ.

IX. Tuổi Thọ (S.i,108)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo" -- "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, ngắn ngủi thay là tuổi thọ loài Người ở đời này, rồi phải đi trong tương lai! Hãy làm điều lành. Hãy sống Phạm hạnh. Không có gì sanh ra lại không bị tử vong. Này các Tỷ-kheo, người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.

4) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Loài Người thọ mạng dài,
Người lành chớ âu lo,
Bú sữa no, hãy sống
Tử vong đâu có đến.

5) (Thế Tôn):

Loài Người thọ mạng ngắn,
Người lành phải âu lo,
Như cháy đầu, hãy sống,
Tử vong rồi phải đến.

6) Rồi Ác ma, biết được "Thế Tôn đã biết ta...", liền biến mất tại chỗ.

X. Tuổi Thọ (S.i,108)

1) Tại Ràjagaha (Vương Xá).

Tại đây, Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, ngắn ngủi thay là tuổi thọ loài Người ở đời này, rồi phải ra đi trong tương lai! Hãy làm điều lành. Hãy sống Phạm hạnh. Không có gì sanh ra lại không bị tử vong. Này các Tỷ-kheo, người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.

2) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Ngày đêm không trôi qua,
Thọ mạng không chấm dứt,
Thọ mạng người xoay vần,
Như vành theo trục xe.

3) (Thế Tôn):

Ngày đêm có trôi qua,
Thọ mạng có chấm dứt,
Mạng người phải khô cạn,
Như suối nhỏ đầu non.

4) Rồi Ác ma biết được: "Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

II. Phẩm Thứ Hai

I. Hòn Ðá (S.i,109)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), trên núi Gijjhakuta (Linh Thứu).

2) Lúc bấy giờ Thế Tôn ngồi giữa trời, trong bóng đêm tối, và trời mưa từng hột một.

3) Rồi Ác ma muốn làm Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, xô những tảng đá lớn rơi xuống không xa Thế Tôn bao nhiêu.

4) Rồi Thế Tôn biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói bài kệ với Ác ma:

Dầu Ông làm chấn động,
Toàn bộ núi Linh Thứu,
Cũng không làm rung động,
Bậc Giác Ngộ, Giải Thoát.

5) Rồi Ác ma được biết: "Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ.

II. Con Sư Tử (S.i,106)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn xung quanh có đại chúng bao vây, đang thuyết pháp.

2) Rồi Ác ma suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này xung quanh có đại chúng bao vây, đang thuyết pháp. Vậy ta hãy đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt đại chúng ấy."

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Sao Ngài lại rống lên,
Rống như loài sư tử,
Vô úy không sợ hãi,
Trước hội chúng đông đảo?
Nay Ngài có địch thủ,
Chớ nghĩ Ngài thắng trận!

4) (Thế Tôn):

Bậc Ðại Hùng rống lên,
Vô úy trước đại chúng,
Như Lai chứng mười lực,
Vượt tham ái ở đời.

5) Rồi Ác ma biết được : "Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", buồn khổ, thất vọng liền biến mất tại chỗ ấy.

III. Phiến Ðá (S.i,110)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Maddakucchi, vườn Nai (Migadaya).

2) Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị phiến đá gây thương tích. Thế Tôn cảm xúc khốc liệt, toàn thân đau đớn, nhói đau, đau nhức mãnh liệt, không thích thú, không vừa ý. Và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu không để tâm tư buồn nản.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Sao Ngài uể oải nằm,
Hay tìm thơ, tìm vận,
Phải chăng việc sai biệt,
Không chờ đợi Ngài làm,

Phải một mình cô độc,
Trên ghế giường nằm, ngồi,
Với gương mặt ngái ngủ,
Sao Ngài ngủ như vậy?

(Thế Tôn):

Ta không uể oải nằm,
Không tìm thơ, tìm vận,
Mục đích Ta đã đạt,
Ðâu có sầu muộn gì!

Ta nằm ngồi một mình,
Trên ghế giường vắng lặng,
Yên tĩnh Ta nằm nghỉ,
Tâm từ, thương chúng sanh.

Những kẻ, ngực bị đâm,
Hổn hển tim dồn dập,
Vẫn tìm được giấc ngủ,
Dầu bị thương tích nặng.

Sao Ta lại không ngủ,
Khi không bị thương tích,
Khi thức không âu lo,
Khi ngủ chẳng sợ hãi,
Ngày đêm không khởi lên,
Phiền não bận lòng Ta?

Ta không thấy tai hại,
Một chỗ nào trên đời,
Do vậy, Ta nằm nghỉ,
Tâm từ, thương chúng sanh.

5) Rồi Ác ma biết được: " Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", buồn khổ, thất vọng liền biến mất tại chỗ ấy.

IV. Tương Ưng Thích Nghi (S.i,111)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Kosala, tại một làng Bà-la-môn tên là Ekasàlà. Lúc bấy giờ, Thế Tôn xung quanh có đại chúng cư sĩ đoanh vây, đang thuyết pháp.

2) Rồi Ác ma suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này, xung quanh có đại chúng cư sĩ đoanh vây, đang thuyết pháp. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt đại chúng này."

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Thật không chút thích hợp,
Ðể Ngài giảng dạy người,
Giữa người thuận, kẻ nghịch,
Chớ hành nghề đứng giữa.

4) (Thế Tôn):

Với lòng từ, thương tưởng,
Bậc Giác Ngộ dạy người,
Giữa người thuận, kẻ nghịch,
Như Lai chơn giải thoát.

5) Rồi Ác ma biết được : "Thế Tôn đã biết ta..." liền biến mất tại chỗ ấy.

V. Ý (S.i,111)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Mọi hành tung của ý
Là bẫy sập trên không,
Chính với bẫy sập ấy,
Ta trói buộc lấy Ngài,
Này vị Sa-môn kia,
Ngài chưa thoát khỏi ta.

3) (Thế Tôn):

Sắc, thanh, vị, hương, xúc,
Làm tâm ý ưa thích,
Ta không ưa muốn chúng,
Ta vượt thoát ngoài chúng,
Này kẻ Tử ma kia,
Ông đã bị bại trận.

4) Rồi Ác ma biết được: "Thế Tôn đã biết ta...", liền biến mất tại chỗ ấy.

VI. Bình Bát (S.i,112)

1) Trú ở Sàvatthi. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về năm thủ uẩn, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lóng tai nghe pháp.

2) Rồi Ác ma suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về năm thủ uẩn, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lắng tai nghe pháp. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt các Tỷ-kheo ấy".

3) Lúc bấy giờ có nhiều bình bát được đặt ra ngoài trời để phơi cho khô.

4) Rồi Ác ma biến hình thành con bò đực và đi đến các bình bát ấy.

5) Rồi một Tỷ-kheo nói với một Tỷ-kheo khác:

-- Này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, con bò đực này sẽ làm bể các bình bát.

6) Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy:

-- Này Tỷ-kheo, nó không phải con bò đực. Nó chính là Ác ma muốn đến làm mờ mắt các ông.

7) Và Thế Tôn biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ cho Ác ma:

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức,
Cái ấy không phải tôi,
Cái ấy không của tôi,
Như vậy đây ly tham,

Ly tham vậy, tâm an,
Mọi kiết sử siêu thoát,
Dầu tìm mọi xứ sở,
Ma quân không gặp được.

8) Ác ma biết được: " Thế Tôn đã biết ta...", liền biến mất tại chỗ ấy.

VII. Xứ (S.i,112)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli (Tỳ-xá-ly), Ðại Lâm, chỗ Trùng Các giảng đường.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về sáu xúc xứ, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các vị Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tư tưởng, lóng tai nghe pháp.

3) Rồi Ác ma suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho các Tỷ- kheo về sáu xúc xứ, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lắng tai nghe pháp. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và làm mờ mắt các Tỷ-kheo ấy".

4) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, Ác ma hét lên một tiếng to lớn, khủng khiếp, dễ sợ, như đất bị nứt vỡ.

5) Rồi một Tỷ-kheo nói với một Tỷ-kheo khác:

-- Này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, hình như quả đất này bị nứt vỡ.

6) Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tỷ-kheo ấy :

-- Này Tỷ-kheo, không phải đất nứt vỡ. Ðó là Ác ma đi đến để làm mờ mắt các Ông.

7) Rồi Thế Tôn biết được: "Ðây là Ác ma", liền nói bài kệ cho Ác ma:

Sắc, thanh, vị và hương,
Cùng toàn bộ xúc, pháp,
Là thế vật rùng rợn,
Làm mê loạn ở đời.

Ðệ tử bậc Chánh Giác,
Chánh niệm, vượt khỏi chúng,
Vượt thế lực Ác ma,
Như mặt trời sáng chói.

8) Rồi Ác ma biết được: "Thế Tôn đã biết ta...", liền biến mất tại chỗ ấy.

VIII. Ðoàn Thực (S.i,113)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Magadha, tại làng Bà-la-môn tên là Pancasàlà.

2) Lúc bấy giờ, tại làng Bà-la-môn tên là Pancasàlà, lễ trao đổi tặng vật giữa nam nữ thanh niên đang được xảy ra.

3) Rồi Thế Tôn đắp y, vào buổi sáng, cầm y bát đi vào làng Bà-la- môn Pancasàlà để khất thực.

4) Lúc bấy giờ, các Bà-la-môn gia chủ ở Pancasàlà bị Ác ma xâm nhập và quyết định: "Chớ để Sa-môn Gotama nhận được đồ ăn khất thực".

5) Rồi Thế Tôn đi vào làng Bà-la-môn tên Pancasàlà để khất thực với bình bát rửa sạch như thế nào, cũng đã trở về cùng với bình bát được rửa sạch như vậy.

6) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói với Thế Tôn:

-- Này Sa-môn, Ngài có nhận được đồ ăn khất thực không?

7) -- Này Ác ma, có phải Ông làm cho Ta không nhận được đồ ăn khất thực?

8) -- Vâng bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đi vào làng Bà-la-môn Pancasàlà một lần thứ hai nữa. Và tôi sẽ làm để Thế Tôn nhận được đồ ăn khất thực

(Thế Tôn):

Ác ma làm điều ác,
Ðể tấn công Như Lai,
Này Ác ma, vì sao,
Ông có thể nghĩ rằng,

Ðiều ác Ông hại Ta,
Sẽ không có kết quả.
Chúng ta sống sung sướng,
Những người không có gì,

Như chư Thiên Quang Âm,
Như chư Thiên Quang Âm,
Có hào quang sáng chói,
Lấy hỷ làm đồ ăn.

9) Rồi Ác ma biết được: " Thế Tôn đã biết ta...", liền biến mất tại chỗ ấy.

IX. Người Nông Phu (S.i,114)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về vấn đề liên hệ đến Niết-bàn, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Và các Tỷ-kheo ấy hết sức chú tâm, hết sức chú ý, tập trung mọi tâm tư, lóng tai nghe pháp.

2) Rồi Ác ma suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho các vị Tỷ-kheo về các vấn đề liên hệ đến Niết-bàn... Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama để làm mờ mắt các Tỷ-kheo ấy."

3) Rồi Ác ma biến hình thành một người nông phu, mang trên vai một cái cày lớn, tay cầm một cây gậy đâm bò, đầu bù tóc rối, mặc đồ vải gai, chân lấm bùn nhơ, đi đến, sau khi đến, nói với Thế Tôn:

4) -- Này Sa-môn, Ngài có thấy con bò đực không?

5) -- Nhưng này Ác ma, con bò đực đối với Ông là gì?

6) -- Này Sa-môn, mắt là của ta, sắc là của ta, thức xứ do mắt xúc chạm là của ta. Này Sa-môn, Ngài có thể đi đâu để thoát khỏi ta?

Này Sa-môn, tai là của ta, tiếng là của ta...

Này Sa-môn, mũi là của ta, hương là của ta...

Này Sa-môn, lưỡi là của ta, vị là của ta...

Này Sa-môn, thân là của ta, xúc là của ta...

Này Sa-môn, ý là của ta, pháp là của ta, thức xứ do ý xúc chạm là của ta. Này Sa-môn, Ngài có thể đi đâu để thoát khỏi ta không?

7) -- Này Ác ma, mắt là của Ông, sắc là của Ông, thức xứ do mắt xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có mắt, không có sắc, không có thức xứ xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

8) Này Ác ma, tai là của Ông, tiếng là của Ông, thức xứ do tai xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có tai, không có tiếng, không có thức xứ do tai xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

9) Này Ác ma, mũi là của Ông, hương là của Ông, thức xứ do mũi xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có mũi, không có hương, không có thức xứ do mũi xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

10) Này Ác ma, lưỡi là của Ông, vị là của Ông, thức xứ do lưỡi cảm xúc là của ông. Này Ác ma, chỗ nào không có lưỡi, không có vị, không có thức xứ do lưỡi xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma. Này Ác ma, thân là của Ông, xúc là của Ông, thức xứ do thân xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có thân, không có xúc, không có thức xứ do thân xúc chạm, thời chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

11) Này Ác ma, ý là của Ông, pháp là của Ông, thức xứ do ý xúc chạm là của Ông. Và này Ác ma, chỗ nào không có ý, không có pháp, không có thức xứ do ý xúc chạm, thời này Ác ma, chỗ ấy không có hành xứ của Ông, này Ác ma.

12)

-- Sự vật được Ngài nói:
"Cái này là của tôi".
Và những người đã nói:
"Cái này là của tôi".

Nếu ở đây có ý,
Ðối với sự vật ấy,
Như vậy, này Sa-môn,
Ngài không thoát khỏi ta.

13) (Thế Tôn):

Sự vật được Ông nói:
"Cái này không của tôi".
Và những người đã nói:
" Chúng không phải là tôi".

Này Ác ma, như vậy,
Ông có biết được chăng,
Cho đến Ông không thấy ,
Con đường của Ta đi?

14) Rồi Ác ma... liền biến mất tại chỗ ấy.

X. Thống Trị (S.i,116)

1) Một thời Thế Tôn ở Kosala, dưới chân núi Tuyết Sơn, tại một am thất nhỏ trong rừng.

2) Trong khi Thế Tôn Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Có thể chăng cai trị mà không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn một cách đúng pháp?".

3) Rồi Ác ma, biết được tâm tư Thế Tôn như vậy, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cai trị. Thiện Thệ hãy cai trị không giết hại, không khiến người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn một cách đúng pháp.

4) -- Này Ác ma, Ông thấy gì mà Ông nói với Ta như vậy: "Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cai trị. Thiện Thệ hãy cai trị không giết hại, không khiến người giết hại...,... một cách đúng pháp"?

5) -- Bạch Thế Tôn, bốn như ý túc đã được Thế Tôn tu tập, làm cho sung mãn, làm cho như thành cỗ xe, làm cho như thành căn cứ địa, kiên trì, chất chứa, khéo áp dụng. Và bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn muốn núi Tuyết Sơn, vua các loài núi trở thành vàng, Thế Tôn có thể quyết định như vậy, và ngọn núi có thể trở thành vàng.

6) (Thế Tôn):

Dầu cho cả ngọn núi,
Trở thành toàn vàng ròng,
Cho đến hóa gấp đôi,
Cũng không thỏa mãn được,
Tham vọng của một người.

Biết vậy để hành trì,
Ai thấy rõ đau khổ,
Và nguyên nhân đau khổ,
Làm sao người như vậy,
Có khuynh hướng ái dục?

Sau khi biết sanh y
Là ràng buộc ở đời,
Người biết vậy nên học,
Giải trừ mọi buộc ràng.

7) Rồi Ác ma biết được: "Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta", sầu khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

III. Phẩm Thứ Ba (Thêm năm kinh)

I. Ða Số (S,i.117)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở giữa các vị Sakkà, tại Silàvatii

2) Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo sống không xa Thế Tôn, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

3) Rồi Ác ma biến hình thành một Bà-la-môn, với búi tóc lớn, mặc áo bằng da con linh dương, già yếu, lưng còm như xà nhà, hơi thở hổn hển, tay cầm gậy bằng gỗ udumbara, đi đến các Tỷ-kheo ấy; sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo:

-- Chư Ðại đức xuất gia quá trẻ, niên thiếu, tóc còn đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong thời trẻ thơ của tuổi đời, không thọ hưởng các dục. Chư Ðại đức hãy thọ hưởng các ái dục của con người, chớ có bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối.

4) -- Này Bà-la-môn, chúng tôi không bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Bà-la-môn, chúng tôi bỏ những gì bị thời gian chi phối và chạy theo hiện tại. Này Bà-la-môn, Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, tai họa ở đấy càng nhiều hơn. Còn pháp này thuộc về hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, và chỉ người trí mới tự mình giác hiểu.

5) Khi nghe nói vậy, Ác ma cúi đầu, le lưỡi, trên trán hiện ra ba đường nhăn, chống gậy bỏ đi.

6) Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

7) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sống không xa Thế Tôn, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Rồi bạch Thế Tôn, một người Bà-la-môn, với búi tóc lớn, mặc áo bằng da con linh dương, già yếu, lưng còm như xà nhà, hơi thở hổn hển, tay cầm gậy bằng gỗ udumbara, đi đến chúng con; sau khi đến, nói với chúng con như sau:

" -- Chư Ðại đức xuất gia quá trẻ, niên thiếu, tóc còn đen nhánh, trong buổi thanh xuân, trong thời trẻ thơ của tuổi đời, không thọ hưởng các dục. Chư Ðại đức, hãy thọ hưởng các ái dục của con người, chớ có bỏ hiện tại để chạy theo những gì bị thời gian chi phối".

8) Khi được nghe nói vậy, bạch Thế Tôn, chúng con nói với Bà la môn ấy:

" -- Này Bà-la-môn, chúng tôi không bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Bà-la-môn, chúng tôi bỏ những gì bị thời gian chi phối để chạy theo hiện tại. Này Bà-la-môn, Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, tai họa ở đây càng nhiều hơn. Còn pháp này thuộc về hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng và chỉ người trí mới tự mình giác hiểu".

9) Khi được nghe nói vậy, người Bà-la-môn ấy cúi đầu, le lưỡi, trên trán hiện ra ba đường nhăn, chống gậy rồi ra đi.

10) -- Này các Tỷ-kheo, người ấy không phải là Bà-la-môn, chính là Ác ma đi đến để làm mờ mắt các Ông.

11) Rồi Thế Tôn biết được ý nghĩa này, ngay khi ấy nói lên bài kệ:

Ai thấy rõ khổ đau,
Và nguyên nhân đau khổ,
Làm sao người như vậy,
Có khuynh hướng các dục?

Sau khi biết sanh y
Là ràng buộc ở đời,
Người biết vậy nên học,
Giải trừ mọi buộc ràng.

II. Samiddhi (S.i,119)

1) Một thời Thế Tôn ở giữa các vị Sakkà, tại Silàvatii.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Samiddhi sống không xa Thế Tôn, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

3) Rồi Tôn giả Samiddhi, trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi bậc Ðạo Sư của ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi ta được xuất gia trong Pháp và Luật khéo giảng! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi những vị đồng Phạm hạnh với ta là những bậc trì giới và hành trì thiện pháp!"

4) Rồi Ác ma với tâm tư của mình biết được tâm tư của Tôn giả Samiddhi, liền đi đến Tôn giả Samiddhi. Sau khi đến, không xa Tôn giả Samiddhi, Ác ma hét lên tiếng hét to lớn, rùng rợn, khiến người ta nghĩ như là quả đất vỡ tung.

5) Rồi Tôn giả Samiddhi đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Samiddhi bạch Thế Tôn:

6) -- Bạch Thế Tôn, con sống không xa Thế Tôn, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Bạch Thế Tôn, trong khi con Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi bậc Ðạo Sư của ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi ta được xuất gia trong Pháp và Luật khéo giảng! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi các vị đồng Phạm hạnh với ta là những bậc trì giới và hành trì thiện pháp!" Khi ấy, bạch Thế Tôn, không xa con, một tiếng hét to lớn rùng rợn khởi lên, khiến người ta nghĩ như là quả đất vỡ tung.

7) -- Này Samiddhi, không phải quả đất vỡ tung đâu. Ðó là Ác ma đã đến để làm mờ mắt Ông. Này Samiddhi, Ông hãy đến tại chỗ ấy và sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

8) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Samiddhi vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, rồi ra đi.

9) Lần thứ hai, Tôn giả Samiddhi tại chỗ ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Lần thứ hai, trong khi Tôn giả Samiddhi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật lợi ích thay cho ta, thật khéo lợi ích cho ta, khi bậc Ðạo Sư của ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác! Thật lợi ích cho ta, thật khéo lợi ích cho ta khi...,... và hành trì thiện pháp!". Lần thứ hai, Ác ma biết được tư tưởng của Tôn giả Samiddhi...,... khiến người ta nghĩ như là quả đất vỡ tung.

10) Rồi Tôn giả Samiddhi, sau khi biết: "Ðây là Ác ma" liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Ta với lòng tín ngưỡng,
Bỏ gia đình, xuất gia,
Niệm tuệ ta tăng trưởng,
Tâm tư ta Thiền định.
Dầu Ông tạo sắc gì,
Không làm ta sợ hãi.

11) Rồi Ác ma biết được: "Tỷ-kheo Samiddhi biết ta", buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ.

III. Godhika (S.i,120)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Godhika trú ở sườn núi Isigili, tại Kàlasilà.

3) Rồi Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được nhứt thời tâm giải thoát. Rồi Tôn giả Godhika lại thối thất nhất thời tâm giải thoát ấy.

4) Lần thứ hai, Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần và chứng được nhất thời tâm giải thoát. Và lần thứ hai, Tôn giả Godhika lại thối thất nhất thời tâm giải thoát ấy.

5) Lần thứ ba, Tôn giả Godhika sống... tâm giải thoát ấy.

6) Lần thứ tư, Tôn giả Godhika sống... tâm giải thoát ấy.

7) Lần thứ năm, Tôn giả Godhika sống... tâm giải thoát ấy.

8) Lần thứ sáu, Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được nhất thời tâm giải thoát. Lần thứ sáu, Tôn giả Godhika cũng thối thất nhất thời tâm giải thoát ấy.

9) Lần thứ bảy, Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được nhứt thời tâm giải thoát.

10) Rồi Tôn giả Godhika suy nghĩ: "Cho đến lần thứ sáu, ta bị thối thất nhất thời tâm giải thoát. Vậy nay ta hãy đem lại con dao".

11) Rồi Ác ma biết được tâm tư của Tôn giả Godhika, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Ôi, bậc Ðại Anh hùng!
Ôi, bậc Ðại Trí tuệ!
Ngài chói sáng hào quang,
Thần lực và danh xưng.

Ngài vượt qua tất cả,
Mọi sân hận hãi hùng.
Con chân thành đảnh lễ,
Dưới chân bậc Pháp nhãn.

Ôi, bậc Ðại Anh hùng!
Bậc Chinh phục tử thần!
Ðệ tử Ngài muốn chết,
Ðang suy nghĩ đến chết.

Ôi, bậc Chói Hào quang!
Hãy ngăn chặn vị ấy.
Làm sao, bạch Thế Tôn,
Vị đệ tử của Ngài,

Hoan hỷ trong giáo lý,
Lại không chứng hữu học,
Còn muốn đoạt mạng sống?
Ôi, danh vọng thế gian!

12) Lúc bấy giờ, Tôn giả Godhika đã đem lại và sử dụng con dao.

13) Rồi Thế Tôn được biết: "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Như vậy là sở hành,
Của bậc Ðại Anh hùng,
Không còn nuôi ước vọng
Tạo thêm dòng sinh mạng,
Ðoạn tận ái, ái căn,
Godhika nhập diệt.

14) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, chúng ta hãy đi đến sườn núi Isigili, Kàlasilà, tại chỗ thiện nam tử Godhika đã đem lại và sử dụng con dao.

15) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

16) Rồi Thế Tôn cùng với một số đông Tỷ-kheo đi đến sườn núi Isigili, Kàlasilà, và Thế Tôn thấy từ đằng xa, Tôn giả Godhika đang nằm trên giường, với hai vai mở rộng (bị thương hay co quắp lại).

17) Lúc bấy giờ một làn khói đen tối đi về phía Ðông, đi về phía Tây, đi về phía Bắc, đi về phía Nam, đi về phía Trên, đi về phía Dưới.

18) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy làn khói đen tối ấy đi về phía Ðông, đi về phía Tây, đi về phía Bắc, đi về phía Nam, đi về phía Trên, đi về phía Dưới không?

-- Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy như vậy.

19) -- Này các Tỷ-kheo, đó là Ác ma đang đi theo dõi thức của thiện nam tử Godhika: "Thức của thiện nam tử Godhika được an trú ở đâu?". Và này các Tỷ-kheo, thiện nam tử Godhika đã nhập diệt, với thức không an trú ở đâu cả.

20) Rồi Ác ma tay cầm đờn thất huyền cầm màu vàng, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên bài kệ:

Trên, dưới và bề ngang,
Bốn phương, các phương giữa,
Ta tìm, nhưng không gặp,
Godhika đi đâu.

21) (Thế Tôn):

Vị Anh hùng kiên chí,
Thường Thiền lạc, Thiền tư,
Ngày đêm đầy nhiệt tình,
Nhưng sự sống, không tham,

Chiến thắng quân thần chết,
Tái sanh không đi đến,
Chinh phục ái, ái căn,
Godhika nhập diệt.

22)

Còn kẻ bị sầu muộn,
Từ nách rơi huyền cầm,
Dạ-xoa bị thất vọng,
Liền biến mất tại chỗ.

IV. Bảy Năm (S.i,122)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới cây Ajapàla Nigrodha.

2) Lúc bấy giờ, Ác ma đi theo Thế Tôn trong suốt bảy năm, với hy vọng tìm cho được lỗi lầm, nhưng tìm không được.

3) Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Với tâm tư sầu muộn,
Ngài Thiền tư trong rừng,
Vì tài sản hao mòn,
Hay vì thèm tài sản?

Có thể tại xóm làng,
Ngài đã gây tội phạm.
Sao Ngài không làm thân
Với bà con xóm giềng?
Sao Ngài không có thể
Làm bạn với một ai?

4) (Thế Tôn):

Mọi sầu căn nhổ sạch,
Không tội phạm, Ta Thiền,
Không sầu muộn, Ta Thiền.
Mọi hữu ái, đoạn tận,
Vô lậu, Ta Thiền định,
Này Bà con phóng dật!

5) (Ác ma):

Sự vật được Ngài nói:
"Cái này là của tôi".
Và những người đã nói:
"Cái này chính là tôi".

Nếu ở đây móng ý,
Ðối với sự vật ấy,
Như vậy, này Sa-môn,
Ngài không thoát khỏi ta.

6) (Thế Tôn):

Sự vật được ông nói:
"Cái này không của tôi"
Và những người đã nói:
"Họ không phải là tôi".

Hãy hiểu biết như vậy,
Này kẻ Ác ma kia!
Cho đến Ông không thấy,
Con đường của Ta đi.

7) (Ác ma):

Nếu Ngài chứng ngộ được,
Ðường an toàn bất tử,
Ngài hãy đi một mình.
Sao lại dạy người khác?

8) (Thế Tôn):

Người đi đến bờ kia,
Họ hỏi nước bất tử,
Ðược hỏi, Ta trả lời,
Cảnh giới vô dư y.

9) -- Bạch Thế Tôn, ví như một hồ nước không xa làng hay thị trấn. Tại đấy có một con cua. Rồi bạch Thế Tôn, nhiều người con trai hay người con gái, từ làng ấy đi ra, đi đến hồ nước ấy. Sau khi đến, họ kéo con cua ấy lên khỏi nước và đặt nó trên đất liền. Bạch Thế Tôn, khi nào con cua ấy thò ra cái càng nào, những người con trai hay những người con gái ấy, lấy gậy hay lấy miểng sành chặt đứt, bẻ gãy hay đập nát cái càng ấy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con cua ấy, với mọi càng bị chặt đứt, bẻ gãy, đập nát, không thể bò xuống hồ nước ấy nữa. Ví như lúc trước có những lộn xộn, mâu thuẫn, xuyên tạc gì đã được Thế Tôn chặt đứt, bẻ gẫy, đập nát. Và nay, bạch Thế Tôn, với hy vọng tìm cho được lỗi lầm, con không thể đến gần Thế Tôn được.

10) Rồi Ác ma, trước mặt Thế Tôn, trong nỗi niềm thất vọng, nói lên bài kệ này:

Như quạ liệng hư không,
Thấy đá như miếng mỡ,
Tưởng rằng sẽ tìm được,
Miếng gì mềm và ngon.

Không tìm được gì ngon,
Liền từ đó bay đi,
Như quạ mổ hòn đá,
Thất vọng ta bỏ đi,
Giã từ Gotama.

11) Rồi Ác ma, sau khi nói lên những bài kệ ấy trước mặt Thế Tôn, từ chỗ ấy bỏ đi, rồi ngồi kiết-già trên đất, không xa Thế Tôn, im lặng, hổ ngươi, thụt vai, cúi đầu, sững sờ, câm miệng, lấy chiếc gậy cào trên đất.

V. Những Người Con Gái (S.i,124)

1) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục, đi đến Ác ma, sau khi đến, nói lên bài kệ này với Ác ma:

Cha thân yêu, sao cha
Lại thất vọng như vậy?
Vì ai, vì người nào,
Khiến cha phải sầu muộn?

Chúng con với ái dục,
Sử dụng như bẫy mồi,
Sẽ buộc chặt họ lại,
Như buộc chặt voi rừng,
Và dẫn họ đến cha,
Khiến họ quy phục cha.

2) (Ác ma):

Bậc La-hán, Thiện Thệ,
Bậc Chánh Giác ở đời,
Không dễ dùng ái dục,
Khéo nhiếp phục vị ấy.

Vị ấy đã vượt qua,
Lãnh vực của Ác ma,
Do vậy, ta sầu não,
Buồn phiền đến cực độ.

3) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc, và Tham dục đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

-- Thưa Sa-môn, chúng con xin hầu hạ dưới chân Ngài.

Nhưng Thế Tôn không chú ý đến, vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

4) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi qua phía một bên và suy nghĩ như sau: "Sở thích của con người cao thấp khác nhau. Vậy chúng ta biến hình thành một trăm thiếu nữ".

5) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục, sau khi biến hình thành một trăm thiếu nữ, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

-- Thưa Sa-môn, chúng con xin hầu hạ dưới chân Ngài.

Nhưng Thế Tôn không chú ý đến, vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

6) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi qua phía một bên và suy nghĩ như sau: "Sở thích của con người cao thấp khác nhau. Vậy chúng ta hãy biến hình thành một trăm thiếu phụ chưa sanh con".

7) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục sau khi biến thành một trăm thiếu phụ chưa sanh con, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

-- Thưa Sa-môn, chúng con xin hầu hạ dưới chân Ngài.

Nhưng Thế Tôn không chú ý đến, vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

8) Rồi các nữ ma Khát ái...,... sau khi biến hình thành một thiếu phụ đã sanh một con, đi đến Thế Tôn...,... vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

9) Rồi các nữ ma Khát ái...,... sau khi biến hình thành một thiếu phụ đã sanh hai con, đi đến Thế Tôn...,... vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

10) Rồi các nữ ma Khát ái...,.... sau khi biến hình thành một thiếu phụ trung niên, đi đến Thế Tôn...,... vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

11) Rồi các nữ ma Khát ái...,... sau khi biến hình thành một phụ nữ lớn tuổi, đi đến Thế Tôn...,... Vì Ngài đã giải thoát vô thượng, đoạn tận mọi sanh y.

12) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi qua một bên và nói như sau:

-- Cha chúng ta nói thật đúng sự thật:

Bậc La-hán, Thiện Thệ,
Bậc Chánh Giác ở đời,
Không dễ dùng ái dục,
Khéo nhiếp phục vị ấy.

Vị ấy đã vượt qua,
Quyền lực của Ác ma,
Do vậy ta sầu não,
Buồn phiền đến cực độ.

13) Nếu chúng ta tấn công với phương tiện này, một Sa-môn hay Bà-la-môn nào chưa ly ái dục, người ấy sẽ bể tim, hay miệng hộc máu nóng, hay bị loạn tâm, hay bị cuồng ý. Ví như một cây lau xanh bị gặt hái sẽ héo hắt, khô cằn, tiều tụy. Cũng vậy, người ấy sẽ héo hắt, khô cằn, tiều tụy.

14) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, liền đứng một bên.

15) Ðứng một bên, nữ ma Khát ái nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Với tâm tư sầu muộn,
Ngài Thiền tư trong rừng,
Vì tài sản hao mòn,
Hay vì thèm tài sản?

Có thể tại xóm làng,
Ngài đã gây tội phạm,
Sao Ngài không làm thân
Với bà con xóm giềng?
Sao Ngài không có thể
Làm bạn với một ai?

16) (Thế Tôn):

Với mục đích đạt thành,
Với thân tâm an tịnh,
Ta chiến thắng quân binh.
Hình sắc lạc, khả ái.

Ta độc tọa Thiền tư,
Chứng ngộ chơn an lạc,
Do vậy, giữa chúng sanh,
Ta không bạn một ai.
Làm bạn với một ai,
Ðối với Ta không cần.

17) Rồi nữ ma Bất lạc nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Làm sao vị Tỷ-kheo,
Sống giữa nhiều chướng ngại,
Ðã vượt năm bộc lưu,
Lại gắng vượt thứ sáu?

Làm sao Thiền tư được,
Giữa rất nhiều dục tưởng,
Ðược giữ ngoài vị ấy,
Không bắt vị ấy được?

18) (Thế Tôn):

Với thân được khinh an,
Với tâm khéo giải thoát,
Không còn các sở hành,
Chánh niệm, không tham trước,

Biết rõ được Chánh pháp,
Không tầm, tu Thiền định.
Không phẫn nộ, vọng niệm,
Không thụy miên, giải đãi,

Như vậy vị Tỷ-kheo,
Sống giữa nhiều chướng ngại,
Ðã vượt năm bộc lưu,
Lại gắng vượt thứ sáu,

Như vậy tu Thiền tư,
Giữa rất nhiều dục tưởng,
Ðược giữ ngoài vị ấy,
Không bắt vị ấy được.

19) Rồi nữ ma Tham dục, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Ðoạn tận được khát ái,
Sống giữa các chúng đoàn,
Phần lớn các chúng sanh,
Chắc chắn sẽ sống vậy.

Vị không tham trước này,
Sống từ bỏ đám đông,
Ðoạn tận dẫn quần sanh,
Thoát khỏi Ma vương quốc.

20) (Thế Tôn):

Thật vậy, chư Ðại Hùng,
Thật vậy, chư Như Lai,
Với chơn vi diệu pháp,
Hướng dẫn mọi quần sanh,
Ðược Chánh pháp hướng dẫn,
Dầu có ganh tức gì,
Không thể không biết vậy.

21) Rồi các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục đi đến Ác ma.

22) Và Ác ma thấy các nữ ma Khát ái, Bất lạc và Tham dục từ xa đi lại. Thấy vậy, Ác ma liền nói lên bài kệ:

Các Ngươi thật kẻ ngu,
Lấy cành sen phá đá,
Lấy móng tay đào núi,
Lấy răng nhai sắt thép.

Các Ngươi thật giống người,
Lấy đầu húc đá tảng,
Cố gắng tìm chân đứng,
Trong vực thẳm thâm sâu.

Các Ngươi thật giống người,
Lấy ngực đâm lao nhọn.
Thất vọng, các Ông đến,
Giã từ Gotama.

23)

Trong áo xiêm lòe loẹt,
Con gái ma, chúng đến,
Khát ái và Bất lạc,
Cùng với nàng Tham dục.

Bậc Ðạo Sư quét sạch,
Các con gái Ác ma,
Như Thần gió quét sạch,
Các cây lá rơi rụng.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

Chương 4: Tương Ưng Ác Ma

KHỔ HẠNH VÀ NGHIỆP (Tapokammasutta)

Một số chữ như chữ ‘mẹ’, ‘má’, trong nhiều ngôn ngữ giống nhau ở chỗ bắt đầu bằng chữ ‘M’. Ví dụ: mother, mutter; mātā, mātu (Pāḷi). Chữ , trong nhiều ngôn ngữ giống nhau ở chỗ bắt đầu bằng chữ ‘M’. Ví dụ: mother, mutter; mātā, mātu (Pāḷi). Chữ ‘chết’: mort, mareti, marana, māra. Chữ ‘ Chữ ‘ma’ (trong chữ ‘ma quỷ’) cũng từ tiếng Phạn là (trong chữ ‘ma quỷ’) cũng từ tiếng Phạn là mara(nghĩa đen là Tử thần), động từ căn là ), động từ căn là mar (chết), (chết), mareti (làm cho người ta chết). Chữ Ác Ma trong kinh này có năm trường hợp: 1. Pháp hành ma. 2. Tử thần ma. 3. Phiền não ma. 4. Ngũ uẩn ma. 5. Thiên tử ma.

Pháp hành ma nghĩa là tất cả mọi hiện hữu trên đời này đều là khổ, dầu cho chúng ta sanh ra ở cảnh giới nào, cảnh giới có đủ năm uẩn (Dục), 1 uẩn (Vô tưởng), hoặc 4 danh uẩn (Vô sắc), hễ có danh sắc, có năm uẩn là tự nhiên phải chịu cảnh sanh già đau chết. Hễ có danh sắc là có khổ, danh sắc còn có tên gọi khác là pháp hành, pháp hữu vi. Hễ có một chút dấu vết của hiện hữu thì ở đó có sanh và diệt. Bản thân pháp hành có hai điểm đặc biệt: do duyên mà có, đã có thì phải mất.

Tại sao gọi là Pháp hành? Pháp hành: sankhara, (từ động từ) sankharoti: sự xây dựng (to build). Khi mới thành đạo, Đức Phật có cảm thán bài kệ này:

Lang thang vạn kiếp luân hồi
Tìm không gặp kẻ xây ngôi nhà này
Ôi! Đời sống thật buồn thay!
Bèo mây bến cũ vần xoay lối về.
Hỡi này anh thợ nhà kia,
Rui mè kèo cột gãy lìa nát tan.

Theo tôi đây là bài thơ tuy thơ mộng nhưng không sát với câu nguyên thủy của Đức Phật. Câu đó như thế này: Trong bao nhiêu năm lang thang luân hồi trong nhiều cõi ta chưa tìm thấy căn cội, ta chưa tìm thấy gương mặt thật của cái gọi là sanh tử trầm luân. Bây giờ ta thấy rồi, ta đã nhìn thấy anh thợ đã ra công xây dựng ngôi nhà sanh tử cho ta là ai, gương mặt anh ta như thế nào. 

Đời sống này có nhiều cách nói, trong đó có một cách mà Đức Phật ví dụ giống như ngôi nhà được xây dựng bởi nhiều thứ nhân duyên. Nói theo ngôn ngữ hiện đại đó là một chiếc xe, một cái máy computer được lắp ráp bởi vô số linh kiện thiết bị, dù đó là cái nhà hay cái xe. Gọi là pháp hành bởi mọi thứ do duyên mà có, và có rồi sẽ bị mất, chính vì vậy mà được gọi là Pháp hành ma.

Tử thần ma: cái chết, cũng được gọi là một thứ ma

Phiền não ma: hễ còn tham sân si, tà kiến, mạn thì còn bị chi phối, khổ lên khổ xuống chết được. Chưa nói đến khổ do quả: mình làm nghiệp bất thiện thì bị sa đọa, đói lạnh, bịnh hoạn, tù đày, tra tấn, đánh đập v.v…, chỉ riêng tham sân si mà xuất hiện thì bản thân người phàm đã khổ rồi. Chưa nói quả khổ, chỉ nói nhân bất thiện là đã khổ, cho nên ở đây phiền não được gọi là ma là vì vậy. Ngay lúc nó xuất hiện đã khổ mà cái quả xấu nó đem lại cũng khổ.

Ngũ uẩn ma: giống như pháp hành ma, nghĩa là hễ còn có sắc, thọ, tưởng, hành, thức là còn có sanh già đau chết, còn bị sầu bi khổ ưu não, muốn không được, thương phải xa, ghét phải gần v.v…

Thiên tử ma: đây là tên gọi của vị Thiên vương chủ quản cõi trời Dục giới cao nhất.

24 Cõi

Có tất cả 31 cõi. Cõi đây là để phân biệt của loài nào thôi. Đúng ra chỉ có 24 cõi thay vì 31 như ta vẫn nghe. Tại sao chỉ có 24? Bởi vì nói 4 cõi đọa xứ chứ làm gì có 4 cõi đọa xứ. Địa ngục có cõi riêng, nhưng ngạ quỷ là không. Ba loài đọa xứ còn lại không có cõi riêng.

- Ngạ quỷ: ở cõi Tứ Thiên Vương một số, cõi Người một số, cõi Địa ngục một số chớ không có cõi ngạ quỷ. Trong Chú giải tạng Luật có ghi rõ trên trái đất này có một số vùng hoang sơn dã lãnh, ví dụ như ở Tân Cương bên Trung Quốc có vùng sa mạc tên là Moguicheng, người Việt mình dịch là Ma Quỷ Thành. Theo các nhà khoa học giải thích thì do nhiều điều kiện yếu tố thổ nhưỡng, đất, gió, cát, cộng lại tạo nên hiện tượng ở đó cứ đêm xuống là du khách chỉ có nước chết điếng với những âm thanh ma hờn quỷ khóc. 

Vào youtube hoặc Google gõ Moguicheng để xem, đó là vùng sa mạc cực kỳ hoang vu, đêm xuống là nghe tiếng chó tru, người rên khóc ai oán não nùng dữ lắm. Các nhà khoa học cho rằng đó là hiện tượng thiên nhiên, nhưng trong Chú giải Luật tạng nói trên trái đất này có những vùng tập trung ngạ quỷ, hoặc một số đi lang thang các xóm nhà kiếm đồ dơ ăn như phẩn, mật đàm mủ máu, bông gòn bệnh viện. Có những loài đụng tới cái gì thì cái đó thành lửa, có loài đụng tới cái gì cũng thành đồ dơ. Có loài không phải khổ do đói mà khổ do lửa đốt, có loài thì khổ vì hình phạt, đi đâu có mấy cái búa theo gõ liên tục và thường trực.

Chữ ‘peta’(người chết, người quá vãng) thường được Tàu dịch là ngạ quỷ. Chữ ‘ngạ’ là bộ thực đứng trước, phía sau là chữ ngã (tôi), cộng lại thành chữ ngạ (đói). Nói tới ngạ quỷ là người ta nghĩ tới loài quỷ đói không có đồ ăn đi vất va vất vưởng, thật ra cái đói của loài ngạ quỷ chỉ là một trong vô số cái khổ mà loài này chịu thôi. 

Trong Luật ghi rõ, khi sống sát sanh nhiều quá, khi chết nếu nghiệp nặng có thể đi xuống địa ngục, nhẹ một chút thì làm loài ngạ quỷ mang hình dáng kỳ hình dị tướng, và đi đâu thì có hình phạt tự có theo đó, giống như đi đâu thì búa dao tự động xuất hiện gõ bầm một cách automatic. Hoặc có loài có hình dáng như cục thịt, đi đâu là những con chim quạ, diều hâu, bám theo mổ ăn. Những ông quan hối lộ, xử án oan án sai, những gian phu dâm phụ, những con cái bất hiếu nghịch thiên bội địa, lừa thầy phản bạn, nặng thì đi địa ngục mà nhẹ thì là loài này. Hình thức chịu khổ thì vô số chứ không phải chỉ đói hay lửa đốt không. 

Ngay cả Bồ tát đã được thọ ký vẫn có thể vì một ác nghiệp nào đó mà sanh làm ngạ quỷ, tuy nhiên Bồ tát đã được thọ ký rồi thì không bao giờ thành loài quỷ đói; nghĩa là bị lửa đốt, bị dao đâm kiếm bầm thì có chứ không bị đói, vì có những bố thí Ba-la-mật của các ngài không để cho các ngài sanh thành loài này. Quỷ đói là do nghiệp bỏn xẻn, còn Bồ tát đã được thọ ký thì giống như có “miễn tử kim bài” đối với một số cảnh giới, ví dụ như không làm người nữ, hoặc không làm người mơ hồ giới tính, không làm người bán khai mọi rợ, không sanh vào cõi Vô tưởng, Vô Sắc.

- Bàng sanh: (chim muông, thú vật nói chung) thì không có cõi riêng.

- A-tu-la, không có cõi A-tu-la. 

Có hai loại A-tu-la:

+ A-tu-la thiên: thuộc về cõi Đao Lợi nhưng sống dưới đáy núi Tu Di, điều kiện sinh hoạt y hệt cõi Đao Lợi, có thể chứng đắc đạo quả.

+ A-tu-la đọa: thuộc bốn đọa xứ, sống ở địa ngục, cõi Người, Tứ thiên vương.

Có một số dân tộc trên thế giới này, gọi là dân tộc (thiểu số) nhưng họ không có đất nước riêng như Ê Đê, H’Mong, và có những dân tộc nói là người nước này nước kia ví dụ như người Mỹ chớ đâu có người Mỹ. Cha mẹ, ông bà, cố tổ của họ là người châu Âu. A-tu-la y như vậy, được kể là một loài đọa xứ nhưng không có cõi riêng. Chỉ có loài ở địa ngục có cõi riêng chớ 3 loài còn lại không có cõi riêng, mà là ở ké (như… Việt kiều, khúc ruột ngàn dặm vậy thôi).

Nói rằng có “4 cõi Vô sắc”, nghe quen tai vậy chớ ngẫm lại vô lý cực kỳ. Vô sắc là vô hình vô tướng làm gì có cõi. Nghĩa là 4 cõi vô sắc chỉ nói cho vui. Phạm thiên Vô sắc là chỉ có tâm chớ không có hình tướng nên không có cõi. Cõi như là cái nhà cho thằng Tý thằng Tèo ở chứ làm sao cất cái nhà cho làn khói hay tia sáng ở, hoặc không ai cất nhà để chứa hồi ức kỷ niệm mà không có đồ vật gì trong đó. Vì vậy ở đây 31 cõi, trừ ra bốn cõi Vô sắc không có, trong bốn đọa xứ chỉ có cõi Địa ngục, vậy trừ ra 7, chỉ còn lại 24 cõi. Trong 24 cõi đó, Dục giới gồm có:

6 Cõi Dục Thiên gồm:

1- Cõi Tứ Thiên Vương (thấp nhất):

– Sống được 500 tuổi trời.

– Tương đương 9 triệu năm cõi Người

– Một ngày đêm ở đây bằng 50 năm cõi Người.

2- Cõi Đao Lợi:

– Sống được 1000 tuổi trời

– Tương đương với 36 triệu năm cõi Người.

– Một ngày đêm ở đây bằng 100 năm cõi Người

3- Dạ Ma:

– Sống được 2000 tuổi trời.

– Tương đương với 144 triệu năm cõi Người.

– Một ngày đêm ở đây bằng 200 năm cõi Người

4- Đâu Suất:

– Sống được 4000 năm tuổi trời.

– Tương đương với 576 triệu năm cõi Người.

– Một ngày đêm ở đây bằng 400 năm cõi Người

5- Hóa Lạc thiên

– Sống được 8000 tuổi trời.

– Tương đương với 2304 triệu năm cõi Người.

– Một ngày đêm ở đây bằng 800 năm cõi Người

6- Tha Hóa Tự Tại

– Sống được 16000 năm tuổi trời.

– Tương đương với 9216 triệu năm cõi Người.

– Một ngày đêm ở đây bằng 1600 năm cõi Người.

Cõi Dục Thiên cao nhất của Ác Ma, sống được chín tỷ hai trăm mười sáu triệu năm nhân loại. 1600 năm cõi Người chỉ bằng một ngày đêm ở đây. Chính khoa học hôm nay cũng nhìn nhận đi càng xa bên ngoài càng có những vì sao, tinh tú mà thời gian ở đó không ngắn như trái đất mình mà dài hơn. Tôi chỉ nói cõi Dục Thiên cao nhất của Ác Ma, cõi này do Ác Ma làm vua (còn cõi Đao Lợi do Đế Thích làm vua). Ác Ma, nhân vật phá Đức Phật và chư thánh tăng liên tục, là vua cõi này. Trên cõi này là cõi Phạm Thiên thấp nhất: Phạm Thiên sơ thiền.

Theo luật trời đất bao giờ cũng vậy, thế gian này luôn tồn tại các cặp đối lập: sáng tối, cao thấp, trắng đen, mập ốm, đẹp xấu, nam nữ, âm dương, nóng lạnh, mặt trăng mặt trời..vv. Hễ có thiện thì có ác, có Đức Phật thì có Ác Ma. Ma Vương là ông Thiên vương làm sếp cõi Dục Thiên cao nhất này. Theo trong kinh thì đây là nhân vật có nhiều quyền lực quyền năng có thể chi phối một số Phạm thiên. Muốn sanh về làm nhân vật này thì phước báu kinh hoàng lắm. Tu thì cứ tu mà làm ác thì cứ làm ác. Muốn sanh về đây khó hơn sanh về làm Đế Thích vì vua ở cõi này thì phước phải thật nhiều cỡ hạng nhất thiên hạ và tánh phải thật gian ác hiểm độc bậc thầy. Tánh xấu thì làm sao có cửa đi lên được, vì vậy phải vào thời điểm đặc biệt nào đó ác nghiệp không chen vào trả quả được thì ngay lúc đó người đại phước này mới sanh về làm Ác Ma thiên tử. 

Tôi cũng còn là phàm, có người tôi ghét có người tôi thương, những người tôi ghét mà họ giàu có sung sướng tôi không có sợ, tôi sợ nhất là người tôi ghét mà họ làm phước. Đời sau sinh ra lơ mơ là mình ở dưới họ. Saddam Hussein, Gaddafi, Mao Trạch Đông, Fidel Castro… biết bao nhiêu người ghét sao họ không chết, càng độc tài thì càng sống dai dữ lắm là bởi vì nhằm kiếp đó họ hưởng phước lại thêm do cái nghiệp của chúng sinh khác phải chịu cảnh bị đè đầu đè cổ. 

Ác Ma là phước rất là nhiều nhưng tánh thiệt là ác. Một lúc nào đó nhằm ngay thời điểm tích tắc nào đó mà ác nghiệp không phát huy trổ quả thì người này mới có cơ hội cầm cái phước của mình đi về làm Ác Ma thiên tử. Người VN mình hay nói là “phước đức” chứ có người có phước mà không có đức, rất là dễ sợ. Thí dụ họ gặp Đức Phật, trong một giây phút ngắn ngủi họ thương quý cúng dường ngài một bữa cơm trong khi tánh tình của họ cực kỳ cà chớn, cực kỳ dễ ghét, lưu manh khó ưa, do họ “lỡ tay” cúng dường Đức Phật (dù là một trái cà, trái ớt, củ khoai, củ sắn), nhờ phước này họ sanh ra ngồi trên thiên hạ mà tánh chịu không nổi thì chết người ta. 

Có những tay ở VN cũng hành thiền, bố thí, trì giới nhưng tánh xấu vô cùng, ăn rồi chọt người này nói xấu người kia làm cho thiên hạ đại loạn, tối về nằm trùm mền cười khúc khích một mình là dễ sợ lắm. Mai này quả trổ không trổ ác nghiệp mà phước nhiều sanh ra làm Võ Tắc Thiên, Từ Hy Thái Hậu thì cũng chết người ta. Tạo đức là tánh phải sửa, cái gì thấy xấu phải bỏ. Tánh ganh tị nhỏ mọn, tánh nóng nảy bực dọc phải bỏ, bên cạnh đó phải bố thí trì giới tham thiền, sanh ra thì mới vừa có phước vừa có đức, có ngồi ngôi cao cửu ngũ không làm khổ mình khổ thiên hạ. 

Những người làm phước mà tánh xấu không chịu bỏ thì đại họa cho thiên hạ, những người thấy được điều này họ sợ sanh tử lắm, bởi vì họ thấy rõ ràng trên đời này hạng này nhiều lắm, đi chùa làm phước mà tánh xấu không bỏ, mai này họ làm ông hoàng bà chúa thì mình chết với họ rồi, thấy họ làm phước nhiều bao nhiêu thì mình rầu bấy nhiêu.

Ác Ma này ăn rồi thì cứ tìm người tu để phá. Độc đáo một điều là riêng Ác Ma này sau này sẽ thành Phật. Trái đất có năm vị Phật, vị đầu tiên tên là Kakusandha (Cù Lưu Tôn), trái đất này hoại thì xuất hiện trái đất khác, cứ thành trụ hoại diệt như vậy hoài không phải chỉ một trái đất này. Trái đất này thì có 5 vị Phật nhưng có những trái đất không có vị nào hết. 

Trong thời gian của vị Phật đầu tiên trên trái đất này, ngài Mục Kiền Liên là Ác Ma, ngài phá đạo tan nát. Ngài phá nhiều kiểu rất độc chiêu, ví dụ ngài dùng thần thông hóa hiện ra những ông sư mặt mày sáng sủa, ăn nói du dương ngồi trên mây, trên đọt cây, trên mặt nước thuyết pháp. Bà con bu lại cúng dường, đạo phát triển quá chừng, chùa to tượng lớn, mấy sư chìm đắm trong danh lợi rồi ngài chuyển qua chơi tông khác, ngài dùng thần thông hóa hiện ra những ông sư bầy hầy bê bối, nhếch nhác say sưa ăn nhậu, chửi bới đi ngoài đường, làm sao mà cho đạo tanh bành, rồi ngày cuối cùng của ngài, ngài khiến cho một đứa bé liệng cục đá trúng bể đầu một vị Đệ nhất Thanh Văn của Phật Cù Lưu Tôn (tương đương với ngài Xá Lợi Phất). Khi Đức Phật Kakusandha đi bát, vị Đệ nhất Thanh văn đang đi theo sau bị đứa bé liệng cục đá bị bể đầu, Phật Kakusandha đang đi phía trước, Ngài dừng lại xoay nghiêng người nhìn đứa bé và nói: Ác Ma vừa tạo một trọng nghiệp. Ngài chỉ nhắc nhở vậy thôi nhưng do nghiệp đó nặng quá cứu không được, ngay trước mặt Đức Phật Kakusandha, Ác Ma (tức ngài Mục Kiền Liên) lập tức lìa đời sanh thẳng xuống địa ngục, không cần check in không cần boarding gì cả.

Ở đây cũng vậy, trong kinh nói từ lúc thái tử Tất Đạt chào đời ở Kapilavatthu là ông Ác Ma này đã theo dòm rồi. Ông Ác Ma theo dõi đứa bé này lớn lên làm sao, như thế nào, rình miết đến năm ngài 29 tuổi, ngài cưỡi ngựa đi xuất gia là Ác Ma hiện ra chận đường nói: Ngài trở về để làm Chuyển Luân Thánh Vương. Ngài nói không và đi luôn. Khi Ngài đi vào trong rừng, Ác Ma đi theo nhắc nhở xúi dại toàn chuyện tầm bậy tầm bạ không. Cuối cùng, đến khi Ngài thành Phật thì Ác Ma theo dõi Ngài để coi Ngài có lỗi lầm nào trong tam nghiệp thân khẩu ý hay không để tố giác, chỉ trích, dè bỉu. Dĩ nhiên suốt thời gian sáu năm khổ hạnh Ngài không lầm lỗi và sau khi ngài thành Phật thì càng thanh tịnh.

Cái ác của Ác ma kinh hoàng lắm, một ngày đêm trên đó bằng 1600 năm cõi Người, nghĩa là trong khái niệm thời gian của Ác Ma thì từ ngày Đức Thế Tôn viên tịch đến bây giờ chưa được hai ngày đêm (vì hai ngày là 3200 năm). Thời gian Đức Phật hoằng pháp độ sinh là 45 năm, 45 năm này so với Ác Ma ở cõi Tha Hóa Tự Tại thì chẳng là gì hết. Hạ thứ 7, sau khi thành đạo được 7 năm, Đức Thế Tôn thuyết giảng tạng A-tỳ-đàm trên cõi Trời để độ Phật mẫu thì thời gian 3 tháng cõi Người chỉ non 4 phút ở cõi Trời. Còn so với cõi Tha Hóa Tự Tại thì 45 năm của Đức Thế Tôn chỉ là một chớp mắt. 

Suốt thời gian Đức Phật còn tại thế thì Ác Ma không làm gì hết, ăn rồi cứ túc trực theo dõi Ngài để phá. Ác Ma thấy Ngài bỏ khổ hạnh, rồi Ngài thành Phật, Ác Ma xuống châm chích, nói rằng pháp khổ hạnh hay quá, giúp cho người ta được thanh tịnh. Chữ ‘thanh niên’ ở đây được dịch hơi kỳ kỳ. Chữ ‘manava’ (youth) chỉ cho những người tuổi trẻ sung sức. Lúc đó, Ngài mới 35 tuổi thì Ác Ma nói: Người tuổi trẻ đang sung sức, sống tràn đầy nhiệt huyết có lý tưởng thì pháp môn khổ hạnh hay chứ, pháp này sẽ kiềm chế bớt, pháp hay vậy sao ngài bỏ, thiệt là tiếc, tu vậy là đi ngược với đạo. Đức Phật biết đây là Ác Ma nên Ngài trả lời: Pháp đó không có phải là pháp hay ho lợi ích gì, tu thì hướng đến giải thoát, còn tu khổ hạnh ép xác mà không nhận thức gì hết thì giống như chèo thuyền trên cạn. Để ám chỉ những gì không có thật, ngôn ngữ thiền tông kêu là “lông rùa sừng thỏ”, nghĩa là rùa làm gì có lông, thỏ làm gì có sừng, nên thành ngữ đó chỉ cho chuyện không có thật. Chuyện khó khăn thì ngôn ngữ thiền tông dùng câu: sơn thượng hành thuyền, hải để tẩu mã; nghĩa là ngựa phi dưới nước, chèo thuyền trên non. Nói cho đủ là “Cao cao sơn thượng hành thuyền, thâm thâm hải để tẩu mã”. 

Mình không ngờ có sự trùng hợp là cách đây hai ngàn năm trăm năm trước hình ảnh đó Đức Thế Tôn đã sử dụng. Trong kinh có chỗ Đức Phật nói tu hành tinh tấn mà sai phương pháp giống như người cố ý nhóm lửa bằng khúc củi ướt. Có lòng tu mà tu sai, thầy nói sao trò nghe vậy, thầy nói bậy, trò nghe luôn, tu mà không nhận thức, cứ làm chuột bạch cho sư phụ, thay vì làm đệ tử thì làm nô lệ của thầy, thầy nói sao cũng nghe không dám nghi ngờ, tu vậy là tu sai phương pháp giống như cố ý nhúm lửa bằng khúc củi ướt. Tại sao mình là người có tay có chân mà để cho người ta dùng chính trị tôn giáo triết học xiềng xích mình mà không dám nghi ngờ, không dám thắc mắc? Đó là cái nghiệp nô lệ, nghiệp chim lồng cá chậu!

Toàn bộ những đoạn sau là y chang như vậy không giải thích gì hết, Ác Ma cứ rảnh là xuống phá Thế Tôn, khi thì hiện thành con voi thật to xuống dọa Đức Phật. Có một bài kinh tiếp theo là Ác Ma hiện ra những hình dáng rất gớm. VN mình có nhiều hình thức, nhiều chỗ lạnh quá, ban đêm đang ngủ thấy rớt xuống cái bịch nguyên cánh tay, nguyên cái chân, nguyên cái đầu, nguyên cái mình, từng thứ rớt xuống rồi ráp lại. Có lúc Ác Ma hiện cái này cái kia, có lúc thì Đức Phật nói cái gì thì Ác Ma nói ngược lại, nói châm chích, nói mỉa mai. Có những lúc Đức Thế Tôn đi kinh hành suốt đêm, trời rạng sáng Ngài nằm nghỉ, Ác Ma cũng không để yên, xuống hỏi: “Sao ngài còn nằm ngủ, sao ngài ngủ như vậy, như kẻ chết nằm co. Sao trời mọc lên cao, mà ngài vẫn còn ngủ”. 

Giống y như thế giới loài người, có người nai lưng ra giúp thiên hạ, có người ăn rồi đi phá người khác, hại người khác mới vui. Có người đi chùa nghe pháp thì ít, nhưng lắng nghe chuyện người này người kia, rồi đi thọt, thấy người ta gây nhau thì khoái, sung sướng lạ lùng giống như nhập định.

HOAN HỶ (Nandatisutta)

“Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn: “Cha sung sướng vì con, Người chăn sướng vì bò, Người sướng vì sanh y, Không sanh y, không sướng”.Cha sung sướng nhờ con, người chủ bò sung sướng nhờ có bò, người có thân sanh tử sung sướng nhờ thân sanh tử, còn không có thân sanh tử thì lấy gì sung sướng? Đức Phật thấy Ác Ma nói ngược, Ngài trả lời: Cha mẹ thì khổ vì con cái, có bò trâu gia sản thì khổ vì gia sản, người còn danh sắc (năm uẩn, 12 xứ, 18 giới…) thì khổ vì danh sắc.

BÌNH BÁT (Pattasutta)

Bài kinh Bình Bát. “…3) Lúc bấy giờ có nhiều bình bát được đặt ra ngoài trời để phơi cho khô. 4) Rồi Ác ma biến hình thành con bò đực và đi đến các bình bát ấy.” Gia tài mấy ông sư chỉ có bình bát, thời Đức Phật có hai loại bát, bát sắt và bát đất, hồi đó không có inox. Chư tăng hồi đó 99.9% xài bát đất nung, đi bát về họ rửa bát phơi ngoài sân rồi vô trong nghe pháp. Ác Ma hiện xuống thành con bò đi vòng vòng quanh phá mấy cái bát. 

Phá vậy mà mai mốt thành Phật, chắc lúc thành Phật cũng trầy vi tróc vảy vì phá quá sức phá. Có lúc tôi ngồi tôi nghĩ những chuyện xảy ra cho Đức Phật nếu đổ lên đầu mình chắc mình chịu không nổi, bị người ta độn bụng vu oan, bị người ta giết kỹ nữ vùi xác sau phòng, dùng sát thủ bắn tên, lăn đá, gặp voi dữ, bị vu oan giá họa, đi bát bị chúng đi theo chửi v.v…, tất cả những chuyện Đức Phật gặp trong đời hoằng pháp của Ngài mà đổ trên đầu của mình chỉ có nước chết thôi. Còn Ác Ma mà mai mốt thành Phật thì chắc đoạn trường nữa. 

Đề Bà Đạt Đa khi thành Phật Độc giác chỉ sống có 7 ngày, thân hình chỉ như bộ xương, mở miệng ra mùi hôi cả thành phố chịu không nổi. Sống chỉ 7 ngày là niết-bàn tức khắc. Khi Ba-la-mật tròn đủ thì vẫn đắc đạo chứng quả nhưng quả xấu nhiều quá nên khi thành rồi mà không niết-bàn sớm thì thành đại họa cho người khác vì nếu người khác xúc phạm thì giống như họ đụng đến lửa. Quả xấu mà trổ thì vị này trở thành cơ hội cho người ta tạo nghiệp ác. 

Nàng Cinca độn bụng vu oan cho Đức Phật, Ngài không bị gì nhưng bản thân Cinca thì coi như mệt mỏi. Mỗi lần chúng ta làm nghiệp bất thiện thì phải nhớ rằng không phải một mình ta khổ mà đang gieo mầm khổ cho một tỷ người khác, bởi vì mình làm nghiệp bất thiện mai mốt chúng gặp mặt mình là ghét, muốn đánh chửi, muốn vu oan. Khi họ làm hại mình thì họ gieo nhân mới còn mình hưởng quả cũ, cứ như vậy, diện mạo dòng luân hồi là như vậy. 

Hôm nay mình có chút sức khỏe, có tiền, có ngoại hình, muốn xe thì có xe, muốn nhà thì có nhà, muốn đi đâu thì đi, muốn nghe nhạc thì nghe, muốn coi phim thì coi, mình thấy luân hồi có gì đâu mà sợ, nhưng nếu tưởng tượng, ráng sống vài chục năm nữa thấy con cái cháu chắt đâu còn về thăm nữa, nói về thăm người già là tụi nó ngao ngán. Ở đây tôi vào thăm nhà già, bước vào trong đó xong trở ra tôi hỡi ôi. Nhà thì đẹp vô cùng, sạch vô cùng, sang vô cùng mà toàn cao thủ võ lâm mắt lờ đờ, nước mắt nước mũi chảy ướt ngực. 

Các cụ phản ứng y chang như con nít, lờ đờ không biết ai là ai, ngồi thì nghểnh cổ sang một bên… thấy vậy mới ngán luân hồi. Đó là ở nước ngoài, chớ còn già mà ở trong nước thì đói lạnh, cả ngày có cái áo ấm hôi rình mặc hoài, cù là song thập khuynh diệp bôi lên, tới giờ con cháu cho một chén cơm ăn được không được thì mặc, nhà mái tôn trưa nóng, tiếng còi xe, bụi bặm… chết không được mà phải sống 92, 93 tuổi thì đúng là đa thọ đa nhục, vậy thấy luân hồi mới ớn. Đó là nói cõi Người chứ chưa nói những loài sống trong ống cống, sống trong bóng đêm.

ĐOÀN THỰC (Piṇḍasutta)

Ở đây có bài số 8, Đoàn Thực (Piṇḍa), ngài Minh Châu dịch sát. ‘Đoàn’ nghĩa là ‘vo tròn’, thức ăn vo tròn. Người Ấn Độ nghe ‘piṇḍa’ là hiểu, nhưng người ngoại quốc nghe rất là kỳ. ‘Piṇḍa’ nghĩa là ‘āhāra’: ‘thực phẩm’ (food). Dịch “đoàn thực” nghe kỳ lắm, là ‘thức ăn vo tròn’. 

Trên toàn thế giới, nước nào cũng có ngày lễ hội, câu chuyện bài kinh này xảy ra vào một ngày lễ hội, đó là ngày lễ Tình Nhân. Ấn Độ có ngày lễ Surāchana, ngày này tương đương với ngày Oktoberfest (ngày lễ bia) của Đức. Ngày này uống rượu bia đã luôn. Theo trong kinh thì rượu này là surā meraya, (rượu ủ), lấy các loại trái cây để chung nhau lâu ngày lên men. Ấn Độ thời Đức Phật cũng có ngày lễ Tình Nhân (Sayamcarana), mấy cô cậu trao quà cho nhau, thằng Tèo con Lan thương nhau thì có cái gì mang ra trao cho nhau thí dụ thằng Tèo đưa con Lan bịch xoài sống, con Lan trao lại bịch mắm ruốc… Theo lệ Đức Thế Tôn đi khất thực, có một nhóm (500 cô) thiếu nữ teenager nhìn thấy Đức Thế Tôn hoan hỉ quá nên đem bánh tới, bánh của lễ hội (bánh chanapūva). Ngài thuyết pháp cho họ, và cả 500 cô đều đắc Tu-đà-hoàn. 

Lúc đó Ác Ma dùng thần thông khiến cho tất cả người dân trong làng đó làm lơ không cúng dường Đức Phật, để cho Ngài đói, nhưng cũng có người cúng cho Thế Tôn, họ cúng trước khi Ác Ma dùng thần lực chi phối tâm họ.

Chư Phật có bốn điều bất khả xâm phạm:

1. Hào quang (không vật gì cản được hết),

2. Trí tuệ (không ai làm khó được),

3. Sinh mạng (không ai có thể giết chết một vị Chánh Đẳng Giác).

4. Lợi lộc đã được nhắm đến Ngài thì không ai ngăn trở được (Uddissalābha).

‘Uddissa’: ‘nhắm tới’, addressed. ‘lābha’: ‘benefit’.

Ví dụ như có một món đồ và dự định cúng dường cho Đức Phật, bữa ăn này sẽ dành cho Đức Phật, ghế này là dành cho Đức Phật, khi người thí chủ có lòng nghĩ như vậy rồi thì cho dầu trời có sập xuống đi nữa món đó vẫn không bị hư và bằng mọi giá tự động bảo toàn một cách tự nhiên cho bao giờ đến tay Đức Thế Tôn mà thôi, không ai ngăn chặn được, gọi là Uddissalàbha. Bữa đó người ta không biết Đức Thế Tôn đi bát, nếu họ biết, họ nghĩ hôm nay Thế Tôn ngang đây họ sẽ cúng những thứ này thứ kia thì Ác Ma không thể nào ngăn trở được. 

Bốn điều bất khả xâm phạm này nằm trong bộ Milindapanhā (Mi Tiên vấn đáp). Trong bộ này có nhiều cái để mình học, không biết Phật tử có để ý đọc hay không, trong này có nói một thời kinh cầu an hay cầu siêu phải hội đủ những yếu tố sau đây mới linh:

Những yếu tố cần thiết khi cầu an hay cầu siêu:

1. Người tụng kinh phải lắng lòng, người nghe cũng vậy

2. Không bị phiền não chi phối lúc nghe kinh.

3. Không bị trọng nghiệp quá khứ.

Nghĩa là, người tụng phải lắng lòng, biết mình đang tụng cái gì, kinh Thất Giác Chi, Kinh Từ Bi, hay 38 Pháp An Lành, không biết Pāḷi nhưng khi tụng thì cũng biết mình đang tụng kinh gì, tụng với tâm không cầu danh không cầu lợi. Người nghe phải lắng tâm, không tham không sân không si, phải nghe với tâm thiện, tâm lành. Người VN có từ gọi là “bệnh căn”. Bệnh có nhiều thứ, bệnh do sinh hoạt ví dụ đi nắng đi mưa đi sương thì trúng nắng trúng gió, trúng mưa, bệnh do ăn uống không cẩn thận, bệnh do tai nạn, bị sưng bị sốt..vv. Nói tôi mới nhớ, tháng này của tôi giống như là tháng căn tháng hiệp gì đó, “bao nhiêu đời máu lệ tràn đầy khóe mắt, ngàn đau thương xin đổ hết về chùa”, tôi đụng đâu đổ máu đó, móng tay thì dập. Khiêng cái tủ dập tím ngón tay, dời cái bàn cũng dập, dập rồi sưng, sưng rồi sốt, bây giờ thì sắp qua cơn mê rồi.

Ác Ma muốn phá Đức Phật và đã phá thành công, không ai cúng dường gì hết. Trong chánh tạng nói Ngài đi về với cái bát sạch, nhưng trong Chú giải thì nói có người cúng bánh cho Ngài. Ác Ma hỏi chọc tức: Không ai cúng dường cho ngài hết hay sao? Đức Phật trả lời, (chỗ này Sư Trưởng thi hóa câu trả lời, bản dịch của HT Minh Châu mà tôi rất thích):

Hóa duyên phận sự phải hành
Dù không vật thực tâm lành vẫn vui
Pháp hỷ thiền định có rồi
Tâm an lạc như trời Phạm thiên

Chú giải nói thêm một đoạn nữa, khi đó Ác Ma nói dối: Thôi bây giờ ngài quay ôm bát trở vô đi thì con sẽ khiến người ta cúng dường cho ngài.

Trong Chú giải có đặt câu hỏi: Thế Tôn trước khi đi bát có biết hôm nay mình sẽ bị phá như vậy hay không? Chú giải trả lời là không; bởi vì Đức Thế Tôn nói riêng và chư Phật nói chung không bao giờ có suy nghĩ rằng: Ta sẽ đi chỗ này để nhận được cái này, ta sẽ đi chỗ kia để được nhận cái kia. Dù là nhất thiết trí nhưng cái gì Ngài không nghĩ tới thì Ngài không biết. Bữa đó Ngài không nghĩ, chỉ đến giờ là Ngài ôm bát đi thôi.

Trong Chú giải nói rằng, giả dụ (supposed), nếu Đức Thế Tôn có ôm bát quay trở lại, thì Ác Ma sẽ tiếp tục phá lần nữa và lần này thì Ác Ma sẽ bị mạng chung tại chỗ chết tức khắc, vì vậy chỉ đi một lần thôi. Chư Phật không đi bát hai lần trong một ngày.

NGƯỜI NÔNG PHU (Kassakasutta)

Những bài kinh về sau của chương Ác Ma này chúng ta sẽ nhận ra một điều thú vị, Ác Ma là một bậc đại trí tuệ, mà chỉ có tánh cà chớn thôi, lại thâm hiểu Phật pháp, trí tuệ sắc bén, sâu rộng, chỉ có nghịch ngợm thích làm bậy, y như bác sĩ mà thích hút thuốc, uống rượu. Trong đại chúng tăng ni Phật tử mình loại này nhiều lắm, tin Phật nhưng trời ơi vẫn cứ trời ơi, giang sơn dễ đổi tính nết khó dời. Ác Ma ghê gớm lắm, ông giả làm người nông dân đến gặp Đức Phật và nói đi kiếm bò rồi hỏi Ngài có thấy bò hay không. Đức Phật biết người nông phu đó là ai nên hỏi: Ông đi kiếm bò, mà “bò” theo dụng ý của ông là cái gì. Thế là sau đó Ác Ma đối đáp với Đức Phật.

“– Này Sa-môn, mắt là của ta, sắc là của ta, thức xứ do mắt xúc chạm là của ta. Này Sa-môn, Ngài có thể đi đâu để thoát khỏi ta? Này Sa-môn, tai là của ta, tiếng là của ta… Này Sa-môn, mũi là của ta, hương là của ta… Này Sa-môn, lưỡi là của ta, vị là của ta… Này Sa-môn, thân là của ta, xúc là của ta… Này Sa-môn, ý là của ta, pháp là của ta, thức xứ do ý xúc chạm là của ta. Này Sa-môn, Ngài có thể đi đâu để thoát khỏi ta không?…”

Sẵn đây nói luôn, sao trong kinh cứ nói nhiều về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sắc, thinh, khí, vị, xúc như vậy? Lắng tâm một chút chúng ta sẽ thấy toàn bộ thế giới này chỉ nằm trong con số 6 này thôi, tức là nằm trong những gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng và suy nghĩ, không có trường hợp khác. Dù là văn hóa, tôn giáo, chính trị, xã hội, triết học… đều nằm lọt trong con số 6 này. Dù là ăn uống, bịnh hoạn, thuốc men, xe cộ, phi thuyền, hỏa tiễn tình yêu nam nữ, từ viện bảo tàng ra tới nhà hát, nhà hàng, nghĩa trang, sông biển, … đều nằm gọn trong con số 6 này. 

Cho nên thế giới này có 6 cánh cửa để chúng ta nhận biết về nó, có lúc chúng ta nhận biết qua mắt, có lúc chúng ta nhận biết thế giới này qua tai, mũi, lưỡi, thân. Nhiều khi người ta nói mắt tai mũi lưỡi theo nghĩa bóng, kiểu như “đàn bà yêu bằng lỗ tai, đàn ông yêu bằng con mắt”. Ngày xưa còn bé tôi không hiểu, sau này hiểu thấy đúng, thế giới này mỗi người có cách đến khác nhau. Nhiều khi đàn bà có thể chấp nhận một người đàn ông chẳng ra cái gì miễn là người đó biết hót, biết ru cho nó mùi. Đàn ông thì làm gì làm, ngó được thì mới thương, chớ nhìn mà không được rồi thì dù cho trí thức cỡ nào mấy chàng cũng không phát bồ đề tâm được. Mỗi người có một cách cảm nhận thế giới, có con đường đến với thế giới này. Đây là lý do tại sao trong kinh cứ nhắc đi nhắc lại hoài 6 cửa, bởi đây chính là diện mạo, dung nhan của thế giới này. 

Cái biết của mình có ba: tưởng, thức, trí. 

Cái biết bằng tưởng là ví dụ như mình biết đó là thằng Tèo không phải thằng Tý, là hình vuông không phải hình tròn, màu tím không phải màu xanh v.v… cái biết dựa trên hồi ức kinh nghiệm tích lũy. 

Cái biết bằng thức là cái biết trực quan, trực tiếp của các giác quan, theo A-tỳ-đàm, con mắt của mình chỉ làm một việc chụp hình còn đánh giá là qua tiến trình khác, gọi là process of mind (cittavithi). Tinh thần hay tâm lý của một người là sự ghép nối của vô số sát na tâm. Một thời gian nháy mắt hay khảy móng tay đủ cho hàng triệu sát na tâm xuất hiện. Cái nhìn chỉ là chụp hình thôi, còn biết đó là gì thì thuộc về tâm. 

Tâm có hai cách biết: biết bằng tưởng (hồi ức, kinh nghiệm cũ), biết bằng trí. 

Biết bằng trí nghĩa là biết đây là tốt là xấu, biết đây là thiện hay là ác, biết đây là chuyện nên làm hay không nên làm. nghĩa là biết đây là tốt là xấu, biết đây là thiện hay là ác, biết đây là chuyện nên làm hay không nên làm. 

Biết bằng hồi ức, ví dụ như khi đi học mình lấy bằng tiến sĩ thì toàn bộ cái biết của một tiến sĩ chỉ là cái biết của tưởng. Hồi ức, nhớ này nhớ kia, linh tính, giác quan thứ sáu gì đó…. đều nằm trong con số 6 này. 99.9% nhân loại sống bằng tưởng. Ví dụ, hồi nhỏ mình không biết đó là cái tô, nhưng nhờ ba má gọi thì mình biết đó là cái tô, cái nhỏ hơn gọi là chén, cái biết đó là tưởng. Lớn lên đi học tiếng Tàu, tiếng Nhật, tiếng Anh, biết lái xe, biết sử dụng phấn son, biết mua tủ bàn giường ghế, biết thời gian, biết yêu đương hò hẹn… tất cả là tưởng.

Có vô số những điều hôm nay ta biết được ta tưởng nó ghê gớm lắm, nhưng có ngờ đâu rằng ở một thời điểm khác, không gian, thời gian khác thì cái biết đó không có giá trị. Ví dụ xưa ở Tàu một người phụ nữ muốn tô son thì lấy phấn đỏ bôi lên tờ giấy, rồi muốn môi đỏ thì bập môi vào tờ giấy đó. Bôi lên rồi thì không dám ăn gì hết sợ trôi. Còn son đắt tiền bây giờ thì ăn sập nồi sập tiệm mà son không phai, kiss nhau từ sáng đến chiều mà phấn không tan, không mất, như vậy kiến thức về mỹ phẩm của Tàu giờ hết giá trị rồi. 

Tôi nhớ một thời ở chùa VN, mấy cụ ăn trầu uống nước cái ly dính trầu thì tôi ớn muốn chết, tôi ở hải ngoại tôi thấy mấy cô uống xong cái ly mà tôi thấy vết son nằm trên cái ly, chén trà tôi muốn khóc luôn. Tôi ngửa mặt lên trời cao nếu Chúa trời có linh khiến làm sao mà người ta làm son đừng để lại vết, ớn quá, tương truyền rằng sau này người ta đã khắc phục được chuyện đó. 

Cho nên cái biết của mình, mình cứ tưởng là nó hay lắm thật ra có những cái biết cần phải thay đổi theo thời gian. Phúc thay cho kẻ nào thấy được cái hữu hạn và tương đối của những gì mình đang sở hữu và bất hạnh thay cho kẻ nào suốt một đời khư khư ôm lấy một học thuyết, một chủ nghĩa, một chính sách, một đường lối mà cho rằng đây là chân lý tuyệt đối, là “sông có thể cạn núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi” thì như vậy là chết rồi. Dòng đời luôn luôn thay đổi, luôn luôn trôi chảy về phía trước, tất cả mọi giải pháp chỉ là tạm thời dầu đó là giải pháp chính trị, văn hóa, tôn giáo. 

Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng nếu Đức Thế Tôn trụ thế thêm vài trăm năm nữa thì Đức Thế Tôn có vô vàn phương tiện, vô vàn những cách nói khác nhau về giáo lý cứu khổ chớ không phải chỉ bộ Tam tạng mà mình thấy bây giờ đâu. Ngay trong chuyện nấu ăn của mấy bà nội trợ, thật ra mình tưởng ghê gớm lắm nhưng cũng chỉ chừng đó nguyên liệu trộn tới trộn lui, cái mặn ít, cái mặn nhiều, cái nước ít, cái nước nhiều, cái kho cái xào rồi mình đổi tên thôi. Đời sống luôn luôn thay đổi, và là một dòng chảy luôn biến tướng. Tất cả những biện pháp chỉ là giải pháp mang tính nhất thời, không có gì bậy bạ cho bằng cứ khư khư ôm chặt cái gì đó giống như câu chuyện thanh gươm rớt xuống sông mà đánh dấu nơi mạn thuyền. Thuyền cứ đi, sông cứ chảy mà cứ căn cứ vào vết khắc trên thuyền để tìm thanh gươm.

Sáu căn là 6 cửa ngõ để chúng ta nhận thức thế giới và không có kiểu nhận thức nào được xem là tuyệt đối hết. Trong A-tỳ-đàm giải thích rằng, có 3 trường hợp sở hữu các căn:

1. Có đủ 6 căn. (có đủ mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý).

2. Thiếu do nghiệp xấu(những người không đủ 6 căn).

3. Không có do không cần. Phạm thiên hữu sắc chỉ có 3 căn là nhãn, nhĩ và ý căn. Họ chỉ có khả năng nghe, nhìn. Nói vậy không có nghĩa là mặt họ như tấm ván ép; họ y như mình, đẹp hơn mình, trong kinh nói hình dáng của họ là chuẩn của nam giới. Hình dáng đẹp của Đức Phật theo kinh nói là giống hình dáng của Phạm Thiên. Âm thanh của Đức Phật hay giống như tiếng Phạm âm (brahmassara), giống như tiếng chim Ca Lăng Tần già (karavīka), khi con chim này hót lên thì các con thú lớn quên săn mồi, thú nhỏ quên sợ hãi trốn chạy. 

Phạm thiên không cần ngửi mùi, không cần nếm nhưng thân thể họ phải trọn vẹn đầy đủ, ngoại hình của họ vẫn tuyệt đẹp, chỉ không có các khứu giác, vị giác, và xúc giác. Khi các vị bị nghẹt mũi tôi nhìn vẫn thấy các vị bình thường nhưng chỉ bản thân các vị thấy cái mũi mình không xài nữa. Cõi Phạm Thiên không có giới tính nam nữ, nhưng tất cả đều có hình dáng nam nhân. Ngoại hình họ tuyệt đẹp, thiên hạ đệ nhất mỹ nam, họ đã ly dục nên không còn nhu cầu nếm, ngửi xúc chạm. Họ còn mắt tai để nghe pháp và tu thiền, xuống hầu Phật, trao đổi với nhau, chưa lìa bỏ tham ái đối với sắc pháp nên còn hai cái tối thiểu.

THỐNG TRỊ (Rajjasutta)

Có một lần Đức Thế Tôn suy nghĩ thế giới này toàn hôn quân bạo chúa ngồi trên, đè đầu đè cổ người ta. Ngài nghĩ có cách nào đó để cho người ta làm vua mà không ác với người dưới hay không. Ngài không nghĩ cho Ngài mà nghĩ cho người khác, Ngài nghĩ rất là nhanh chớ không phải như mình trầm tư cả ngày. Ác Ma mừng lắm, Ác Ma thấy suy nghĩ hơi có vẻ phàm tục và đây là cơ hội quá tốt nên lập tức xuất hiện xúi Thế Tôn làm vua liền: Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy làm vua đi, Thế Tôn mà muốn cái gì cũng được hết. Đức Phật trả lời: Ta nghĩ vì lòng đại bi thôi chớ một người như ta thì làm gì có chuyện muốn cái này muốn cái kia.

Bồ tát Tất Đạt trước khi thành Phật đã có khả năng đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Muốn đắc tầng thấp nhất, sơ thiền, là đương sự phải ly dục, không còn bị sắc đẹp, tiếng hay, vị ngon, mùi thơm cám dỗ nữa, đó là tầng thiền xoàng nhất, vậy mà đương sự phải ly dục nói gì các tầng cao hơn, nên ngay khi chưa thành Phật, Bồ tát Tất Đạt nếu muốn thì từ trần ngài sẽ sanh vào cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Ở đó, với tâm tình của một người đắc thiền Vô sắc nhìn những Ác Ma thiên tử, Đế Thích giống như mình nhìn mấy con chuột chù, khỉ, dơi vậy (gớm muốn chết). 

Trong Chú giải nói rõ, cách yêu đương nam nữ ở các cõi trời Dục Thiên đã khác nhau rồi, cõi Đao Lợi, cõi Tứ Thiên Vương nam nữ sinh hoạt tình cảm như cõi người; cõi Dạ Ma chỉ ôm nhau rồi buông, cõi Đâu Suất chỉ nắm tay nhau là xong, ở cõi Hóa Lạc Thiên thì cười với nhau là xong, cõi Tha Hóa Tự Tại chỉ nhìn nhau bằng tâm ái nhiễm là xong, không cười với nhau vì cười cũng là quá thô thiển trần tục. Quí vị tưởng tượng đi, đã đạt đến mức như vậy thì nhìn mình ở dưới đây sẽ thấy tầm thường, trần trụi, chật hẹp, dơ bẩn cỡ nào. Vì vậy khi Ác Ma nói Ngài làm vua thì đối với Ngài không là gì cả, cái tầm của Ngài đã đi xa biền biệt sơn khê rồi.

ĐA SỐ (Sambahulasutta)

Một tỳ kheo đến thưa với Đức Phật: Chúng tôi đang ngồi hành thiền với nhau tự nhiên có ông Bà-la-môn già tới nói tu làm chi, hưởng đời cho đã. Đức Phật nói: Không phải ông Bà-la-môn nào hết, đó là Ác Ma.

SAMIDDHI (Samiddhisutta)

Bài kinh Samiddhi cũng vậy, ngài Samiddhi đang ngồi thiền trong rừng, Ác Ma xuống phá nhưng chẳng được gì cuối cùng cũng bỏ đi.

GODHIKA (Godhikasutta)

Theo Chú giải, Godhika là vị tỳ kheo bị trọng bịnh, bịnh nặng quá nên mới nghĩ bây giờ sống làm gì nữa, nên vị này quyết định tự sát. Vị này tu hành rất đàng hoàng tinh tấn nhưng giờ bị đau đớn quá sức.

“3) Rồi Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được nhứt thời tâm giải thoát. Rồi Tôn giả Godhika lại thối thất nhất thời tâm giải thoát ấy.”

Trong đây có chữ “thời giải thoát” (sāmayikam cetovimutti), chỉ cho thiền Chỉ. Ngài Godhika tu tập Chỉ Quán song tu, riêng thiền Chỉ có rồi mất, có rồi mất, mấy lần như vậy, ngay lúc đó ngài bị trọng bịnh. Vì vậy ngài suy nghĩ thế này: Thiền ta có không khó nhưng ta giữ không dễ, bây giờ ta ráng tranh thủ làm sao mà trước khi ta chết ta giữ được cái thiền, lúc chứng thiền thì ta tự sát, tối thiểu cũng về được cõi Phạm Thiên, ngài đã tính như vậy.

‘Aparihīnajhāna’: ‘thiền chưa bị mất’

‘Parihīnajhāna’: ‘thiền bị hoại mất’

Có những hành giả đắc cho nhiều nhưng khi chết thì chết bằng tâm trạng của người ‘parihìnajhàna, thiền đã bị hoại, ví dụ Đề Bà Đạt Đa. Có người thì vẫn giữ nguyên khi chết như là ông Asita Devila (A-Tư-Đà), Alāra Kalama (người dạy Bồ tát Tất Đạt đắc Vô sở hữu xứ), ông Uddaka Rāmaputta. (người dạy Bồ tát Tất Đạt đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng), ba vị này giữ được thiền cho đến lúc chết nên Alāra sinh vào cõi Vô sở hữu xứ, hai người còn lại sinh về cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, họ sẽ sống trên đó suốt 84 ngàn đại kiếp.

Godhika tính toán sẽ tự sát ngay khi đắc thiền để về cõi Phạm Thiên, để chết ngay khi thiền không bị mất, khi đó thì sinh thú bảo đảm (nibaddhagati), không bị đọa. (Sinh thú: chỗ tái sanh) Những người như mình thì sinh thú bấp bênh (anibaddhagati), chết rồi không biết đi về đâu. 

Lúc đó Ác Ma quan sát nội tâm của Godhika và suy nghĩ thế này (càng đọc về sau càng thấy Ác Ma ghê gớm, nội công thâm hậu, nghiêng trời cái thế): Nếu công phu của ông Godhika thế này ráng tu tập chút nữa thì sẽ đắc A-la-hán, không quấy rối ổng lúc này thì ổng sẽ đắc, đó là điều không nên xảy ra, giờ phải làm sao cản ông ta. Ác Ma biết nếu ra tay thì chưa đủ sức ngăn cản (patibāheti) nhưng có một người có thể ngăn cản được là sư phụ của ổng. Thế là Ác Ma tìm đến Đức Phật nói: Đệ tử của ngài bây giờ tu hành ngon lành, không đắc gì hết mà còn muốn tự sát để tiếng lại. Lúc đó Đức Phật biết hết, ngài biết khi Ác Ma báo thì ngài Godhika đã dùng dao cắt họng (galanali, larynx).

‘Gala’: ‘cổ họng’, throat;

‘gajjati’: ‘gầm’, ‘rống’, ‘roar’;

‘gira’: ca hát; ‘Gilati’: nuốt, swallow. (Ca hát hay nuốt đều sử dụng cổ, những chữ này có vẻ quan hệ với nhau)

Theo luật, chữ “r” và “l” thỉnh thoảng là một. Chữ “v” và “b” cũng vậy.

Sau khi ngài Godhika cắt cổ họng thì ngài y cứ trên nền tảng nội tâm lúc đó, ngài quan sát cái khổ của ngài lúc đó từ thiền Chỉ, quan sát nội tâm bằng trí tuệ thiền Quán và ngài đắc quả A-la-hán. Trường hợp đó thuật ngữ chuyên môn theo A-tỳ-đàm gọi là Sau khi ngài Godhika cắt cổ họng thì ngài y cứ trên nền tảng nội tâm lúc đó, ngài quan sát cái khổ của ngài lúc đó từ thiền Chỉ, quan sát nội tâm bằng trí tuệ thiền Quán và ngài đắc quả A-la-hán. Trường hợp đó thuật ngữ chuyên môn theo A-tỳ-đàm gọi là “đắc đạo chí mạng” (samasīsī). ‘Sama’: cùng lúc, đồng thời, spontaneous; ‘sīsī’: cái đầu, head.

Đắc đạo chí mạng

Nghĩa là việc đắc đạo được kết thúc cùng lúc với chuyện gì đó gọi là đắc đạo tột mạng, đắc đạo chí mạng (samasīsī)

Có ba trường hợp samasīsa:

– iriyāpathasamasīsī: vừa kết thúc một động tác thì cũng cùng lúc chứng đạo

– rogasamasīsī: khi bệnh hết thì cũng vừa chứng đạo

– jīvitasamasīsī: chứng đạo trong lúc tắt thở.

Trong kinh nói trường hợp như ngài Ānanda, tọa thiền rồi kinh hành, suốt đêm ngài đi thiền hành, đi tới đi lui, sau đó ngài ngồi, ngồi rồi đi, đi rồi ngồi, mệt mỏi lắm. Tới gần sáng, thấy quá sức rồi ngài nằm nghỉ, trong kinh nói ngài vừa nghiêng người xuống trong chánh niệm thì ngài chứng quả A-la-hán. Ngài là hành giả 24/24, trong thiền đường hay ngoài thiền đường giống nhau, chớ không phải kiểu buổi sáng ngồi với đại chúng 8-10 giờ sáng, giải lao ăn cơm xong hai giờ lên ngồi tiếp đến 6 giờ chiều, rồi ra khỏi thiền thất tận hưởng hương đồng gió nội. 

Hành giả bậc thượng là trước mặt đại chúng hay về phòng riêng một mình, giống nhau, đi ăn hay đi restroom giống nhau, tắm rửa hay đánh răng súc miệng giống nhau, bất cứ ở đâu cũng luôn luôn chánh niệm, trừ lúc ngủ thôi. Buổi sáng mà bàn chân chạm mặt đất là chánh niệm suốt cho đến khi nào chìm vào giấc ngủ. Toàn tâm toàn ý dồn hết mọi thứ cho một việc duy nhất: chánh niệm. 

Hành giả bậc trung là ngoài giờ hành thiền ra thì làm toàn việc hữu ích: tụng kinh, thuyết pháp, quét dọn vệ sinh, những sinh hoạt hoàn toàn vô hại, hỗ trợ cho tu tập. là ngoài giờ hành thiền ra thì làm toàn việc hữu ích: tụng kinh, thuyết pháp, quét dọn vệ sinh, những sinh hoạt hoàn toàn vô hại, hỗ trợ cho tu tập. 

Hành giả bậc hạ là hành giả theo đồng hồ, vô trong thiền đường trước mặt mọi người thì chánh niệm thẳng lưng lim dim còn bước ra khỏi thì đi chợ, gọi phone, lên thư viện đọc sách, hoặc tán gẫu, chiều đến giờ thì vào ngồi tiếp, kiểu như tu hành có giờ, giờ theo Phật, giờ theo ma.

Hành giả bậc thượng là người có thể chứng – iriyapathasamasīsī: vừa kết thúc một oai nghi, một động tác thì cũng cùng lúc chứng quả. Rogasamasīsī: theo dõi một chứng bệnh nào đó khi bệnh hết thì phiền não cũng tan theo. Jīvitasamssīsī: (ngài Tịnh Sự dịch là đắc đạo tột mạng nhưng tôi thấy hơi lạ với người Việt nên sửa lại “chí mạng”). Năm ngoái năm nay tôi in hai cuốn A-tỳ-đàm, tôi có làm thử một đề nghị là trong đó có những chữ tôi dịch mới đi nhưng tôi vẫn trân trọng để chữ Pāḷi bên cạnh và nếu cần cũng kèm một thời thưa rất lễ phép đó là vì sao tôi đề nghị chữ này, chớ không phải người xưa đi làm sao người sau đi như vậy không có một sự nhìn lại thì cũng uổng. Nếu thế hệ trước mình mà cũng ù lì như vậy thì cũng nản lắm, thế giới luôn luôn đi tới mà.

Ông Godhika sau khi cắt cổ họng rồi thì lấy nỗi đau đó làm đề mục. Trong kinh nói do nghiệp quá khứ, nghiệp tự sát nhiều đời chớ không phải một kiếp nên bây giờ sinh ra thích nghĩ đến chuyện giải quyết bằng cách đó.

Tự sát do hai nhân

Tự sát do hai nhân: thói quen, cộng với nghiệp sát. Nếu chỉ có nghiệp sát thì chỉ yểu thọ và bịnh hoạn, nhưng cộng với thói quen nhiều kiếp thích giải quyết vấn đề bằng cách tự kết thúc. Có nhiều người giận là thích làm khổ người khác, xô bàn đập ghế, mắng chó chửi mèo, có người thì họ không có khuynh hướng bạo lực nhưng giải quyết bằng cách tự bạc đãi.

Hai cách giải tỏa ẩn ức: bạo lực trên người khác và tự bạc đãi bản thân.

Tôi có biết một cô Phật tử, mỗi lần giận là làm bếp rất nguy hiểm, cổ cầm con dao bấm mạnh vào cái lưỡi cho chảy máu cho chồng cổ can, con cổ can; hoặc gõ đầu vô tường, chờ có ai ở đó mà thương mình dữ dằn thấy thì mới làm như vậy. Có người trút giận bằng cách bạo lực với người khác. Đây là một khuynh hướng tâm lý, theo trong kinh nói cái gì trên đời này cũng do thói quen, (thường cận y), cái gì xuất hiện quá hai lần thì dễ thành thường cận y. Tây có câu: Đừng coi nhẹ suy nghĩ thoáng qua trong đầu, lặp lại nhiều lần thì sẽ thành hành động; hành động lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ biến thành thói quen, và thói quen thì trở thành số mệnh, định phận của chúng ta. 

Nếu mình là hành giả Tứ Niệm Xứ, có học A-tỳ-đàm thì phải nhớ khi có một suy nghĩ nào thoáng qua, một mình mình, mình cũng phải tự nói: Bậy nghen, cái đó làm hại người nghen! Chẳng hạn mình giận ai đó quá định viết email chửi, nếu mình hành động, người ta phản ứng lại thì chuyện sẽ dây dưa biết chừng nào cho hết, vì vậy nếu kiềm chế được thì nên kiềm. Tôi chọn cho mình pháp môn tự kỷ ám thị, lòng tôi thật sự chưa tới cảnh giới đó nhưng tôi tự ép tôi. Câu thần chú là “trước sau mình cũng chết nghen”, nhớ câu này có cái lợi ghê gớm lắm. Dù trong lòng mình không muốn nghĩ như vậy nhưng kệ, cứ ép, lâu ngày sẽ quen. 

Ai hỏi kiếp này mong đắc chứng gì thì tôi nói chỉ mong là bớt sợ chết, và chúng chửi thì bớt giận là mừng lắm rồi và trước giờ chết thì chết chán chớ đừng chết sợ. Ráng suy tư sống như thế nào đó để mình chết chán chứ đừng chết sợ. Chết chán nghĩa là hết tha thiết gì rồi, tốt hơn là chết sợ, chết sợ là chết còn tiếc nuối. Krishnamurti nói: “Cái chết không đáng sợ bằng sự sợ chết”.Và một câu nữa của tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt “Không có gì đáng sợ bằng chính lòng sợ hãi”. Vì vậy, mình phải tâm niệm một điều: Tôi phải ra đi bằng sự nhàm chán chứ không phải bằng sự sợ hãi. Nếu các vị là người chí thân chí ái của tôi, mà tôi nhìn các vị run bắn người tái mét, nắm chặt tay tôi đổ mồ hôi lạnh mà kêu tôi cứu thì tôi thấy không xong rồi, dầu đó là mẹ ruột của tôi mà tôi thấy bà mất kiểu đó chắc là lòng tôi không yên. 

Cái tôi muốn là quí vị ra đi trong sự thanh thản. Mình phải thấy đã đến lúc bỏ món đồ cũ xài đồ mới, bây giờ mình đang trên đường ra phi trường, bay về phương trời mình muốn, mình sẽ có nhà mới, có một bối cảnh mới, có bè bạn láng giềng mới, có đời sống mới vui vẻ hơn, đẹp đẽ hơn, phải có niềm tin như vậy, để củng cố niềm tin đó thì mỗi ngày mình phải sống nhẹ hơn, tốt hơn. 

Nước có ba thể đặc, lỏng, khí; nước ở thể lỏng luôn luôn tìm chỗ thấp chui xuống, nước ở thể khí luôn có khuynh hướng tự bốc lên cao. Khi mình sống bằng tâm hồn nhẹ nhàng, hơi thở mình vừa dứt thì mình bốc hơi; còn sống tiểu tâm, ích kỷ, nhỏ mọn, tham lam thì tâm nặng lắm, giống nước ở thể lỏng, kiếm chỗ thấp chui xuống. Một làn khói thuốc cũng bốc lên, nồi nước sôi mà hở nắp thì nước bay lên trên. Hãy biến tâm mình nhẹ nhàng thành nước ở thể khí chớ đừng thành thể lỏng, không cần tụng niệm gì cũng bốc lên trên. Tu học càng nhiều thì càng tốt nhưng phải nhớ chừng chừng những cái căn bản nhất đó để đối diện với một ngày mai không lấy gì sáng sủa vì chúng ta dù muốn dù không thì cũng đang già mà.

BẢY NĂM (Sattavassānubandhasutta)

Ác Ma có nhìn nhận rằng đã theo dõi Thế Tôn suốt nhiều năm nhiều tháng nhưng không thấy lỗi lầm của Thế Tôn.

CON GÁI CỦA MA VƯƠNG (Māradhītusutta)

Chúng ta phải ghi nhận một điều là ba nàng này xuất hiện trước Đức Phật sau khi Ngài thành đạo. Trong khi đó những người Phật tử VN thì đọc tùm lum mà sợ kinh cắn không dám nghiên cứu, ai viết gì đọc cái đó. 

Chẳng hạn như đến bây giờ mà còn vô số người VN tin rằng thái tử Tất Đạt xuất gia năm 19 tuổi, không biết lấy vợ hồi nào nữa, trụ thế 49 năm, tọa thiền 49 ngày trước khi thành đạo, đây là những con số không thể nào tào lao hơn được! Bởi vì theo lịch sử Đức Phật, Bồ tát Tất Đạt năm 16 tuổi lập gia đình. Hăm chín tuổi có đứa con đầu lòng, một ngày trước khi xuất gia. Ngài đi tu 6 năm, thành đạo năm 35 tuổi, trụ thế 45 năm nữa là 80 tuổi. Bên Tàu chế làm sao mà thành xuất gia năm 19 tuổi, trụ thế 49 năm, tọa thiền 49 ngày trước khi thành đạo. 

Bên kinh điển Pāḷi thì con số 49 ngày này là sau khi thành đạo. Sau khi thành Phật Ngài không ăn uống suốt bảy tuần lễ, có lúc Ngài ngồi ở gốc cây, có lúc Ngài đi, suốt bảy tuần lễ như vậy. 99.9% người Việt Nam biết đạo sơ sơ mở miệng ra là cứ nói ngồi thiền 49 ngày thành đạo. Người Việt mình bị lời nguyền của tụi Chân Lạp khi diệt chủng họ là sau này về tôn giáo và chính trị thì người VN mình sẽ dốt nhất hành tinh. Lịch sử chứng minh, người VN thông minh học giỏi vô cùng nhưng đụng đến tôn giáo và chính trị thì chỉ là những kẻ nô lệ và là con chuột bạch cho thiên hạ mà thôi. Người VN có một tỷ người thông minh vô cùng nhưng đặc biệt đừng bao giờ có cao vọng đụng chạm đến tôn giáo và chính trị, nghĩa là thà cứ dốt đặc đi, đụng vô là làm tầm bậy. Trong khi người ta có biết bao nhiêu vị giáo chủ: Osho, Krisnamurti, còn mình thì sáng tác mấy cái đạo địa phương lạ lắm không giống ai. 

Kinh điển Phật pháp có sẵn không chịu tu, cứ chế ra nửa Tây nửa Tàu không giống ai. Nghe tôi nói vậy các vị có thể nghĩ là tôi bài xích, bây giờ có internet có Google để quí vị kiểm chứng mà, hờn giận nhau làm chi. Có chỗ nói ba cô con gái của Ma Vương xuất hiện trước khi Ngài thành Phật, đó là sai. Cha của ba cô này (Ma Vương) xuống phá Ngài lúc Ngài chưa thành Phật là đúng. Còn ba cô này xuất chiêu mỹ nhân kế là sau khi Ngài thành. Mỗi cô hóa hiện ra một cách, nhưng cuối cùng thấy không xong thì đi mất. Ba cô này là phước báu đầy mình chớ không phải tầm thường. 

Theo trong kinh chúng tôi được biết, các cõi Dục Thiên thấp thấp như cõi Tứ Thiên Vương, Đao Lợi, Dạ Ma có thể nhờ bố thí trì giới lai rai mà lên được, nhưng từ Đâu Suất trở lên thì phải bát quan trai ngon lành. Bát quan trai mới được sanh về cõi Dục Thiên bởi vì người dục nhiều thì thiện tâm ít, thiện pháp yếu, người tu bát quan là người giảm dục, hơn nữa cõi càng cao thì đời sống của họ càng vi tế, nếu hưởng dục nhiều quá, lòng thô nặng, lên đó không nổi. Muốn sanh về trên đó thì lòng dục phải nhẹ mỏng, thiện tâm phải mạnh, càng vi tế, thiện càng nhiều chừng nào, ác càng mỏng chừng nào, dục càng ít chừng nào thì cơ hội đi lên mới lớn. 

Tôi đã nói, trên cõi Tha Hóa Tự Tại, tiên nam tiên nữ chỉ nhìn nhau bằng tình cảm bên trong là xong, trong khi cõi Tứ Thiên Vương và Đao Lợi họ bày tỏ tình cảm như cõi Nhân Loại, cõi Dạ Ma ôm nhau, cõi Đâu Suất chỉ cầm tay nhau, cõi Hóa Lạc Thiên chỉ cười với nhau, cõi Tha Hóa Tự Tại thì không còn cười nữa, hễ còn cười là còn quá thô thiển, quá trần tục, “anh đi lộn chỗ rồi, ở đây chúng tôi không có nham nhở như vậy…”. Bởi vậy, phiền não càng mỏng thì cơ hội đi lên mới lớn. 

Trong đời sống của mình cũng vậy, kẻ nào phàm ăn tục uống, đời sống nặng nề hưởng thụ thì đầu óc khờ dữ lắm; bớt ăn bớt mặc, bớt dành thời giờ cho những chuyện ruồi bu thì cái đầu mới nhẹ nhàng. Có người hỏi triết gia Socrate: Tại sao phụ nữ già trẻ đẹp xấu ai cũng coi nặng chuyện trang điểm? Ông trả lời: Người ta không có nội dung thì người ta phải lo cái hình thức chứ sao. Khi mình không có nội dung thì tự nhiên mình nặng về hình thức. 

Tôi biết một số Phật tử nữ, tôi bực họ đến mức mà không thể nào đồng thuận với họ cái quan điểm về cái đẹp, bữa đi công chuyện về đói gần chết mà cổ cứ sắp cái dĩa xà lách cho đẹp làm tôi muốn điên lên luôn. Nặng về hình thức là quên đi cái nội dung, phải quan tâm cái gì mình cần và phân biệt cái gì mình thích. Bỏ đi những cái thừa đó là bí quyết điêu khắc của điêu khắc gia nổi tiếng Rodin, tu theo Phật là bỏ cái thừa. Cái gì làm khổ mình khổ người, không an lạc, thì phải bỏ. Có những người ra đường cứ mất cả giờ đồng hồ phấn son áo quần cứ tưởng người ta nhìn mình, ai thèm nhìn làm chi, mình có phải là đẹp, tiếng tăm, lẫy lừng gì. 

Cái túi xách mà tôi thương nhất là túi vải. Túi vải nón vải có bề gì mình lót ngồi, khi kẹt thì lau tay được, lại dễ giặt, tôi thích những món đồ nhiều trong một. Đối với tôi đẹp không phải là tiêu chí mà đa dụng là tiêu chí. Mai này bà con đi Miến Điện hành thiền sẽ nhớ da diết buổi nói chuyện sáng nay của tôi, khi đi xa trong điều kiện sống khó khăn chật hẹp như vậy bà con hãy nhớ lận theo những món nào thực sự cần thiết. Tôi đâu có giàu nhưng cắn răng lận theo cái mền ni lông, rất mỏng nhưng nhét được trong túi áo, trùm bí hơi là ấm. Tôi có cái bếp cồn nhỏ xíu, đi đâu cứ ra tiệm thuốc Tây mua chai cồn, đêm lạnh thèm miếng nước nóng, miếng trà, miếng sữa, cứ cho chút cồn vào là có ngay bình nước nóng. 

Phải như vậy, đời sống phải thật tiện. Kẻ giàu nhất trên đời không phải là người cái gì cũng có, mà chính là kẻ có được cái gì cũng ok. Vì vậy Đức Phật dạy “santuṭṭhiparamaṃ dhanaṃ”, tri túc là tài sản tối thượng là chỗ đó. Khả năng thích nghi của mình chính là tài sản lớn nhất của một con người.
____________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

Đăng nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.