Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 3 - Tương Ưng Kosala - Phẩm Thứ Hai (1)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 3 - Tương Ưng Kosala - Phẩm Thứ Hai (1)

PHẦN CHÁNH KINH

[03] Chương III Tương Ưng Kosala
II. Phẩm Thứ Hai

I. Bện Tóc (S.i,77)

1) Một thời Thế Tôn ở tại Sàvatthi, Pubbàràma (Ðông Viên), tại lâu đài Migàramàtu (Lộc Tử Mẫu giảng đường).

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, và đến ngồi tại mái hiên phía cửa ngoài.

Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

3) Lúc bấy giờ, bảy vị bện tóc, bảy vị Niganthà, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ với thân đầy lông, với móng tay dài, lớn như cây lau, mang các dụng cụ khất sĩ đang đi ngang qua, cách Thế Tôn không xa bao nhiêu.

4) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào phía một bên vai, quỳ xuống trên đầu gối tay mặt, chấp tay hướng về bảy vị bện tóc, bảy vị Niganthà, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ ấy và nói lên ba lần tên của mình: "Thưa chư Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosala".

5) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, khi bảy vị bện tóc, bảy vị Niganthà, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ ấy đã đi qua không lâu liền đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.

6) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, có phải những Tôn giả ấy là những vị A-la-hán trên đời này, hay là những vị đang đi trên con đường hướng đến đạo quả A-la-hán?

7) -- Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ, trong khi còn sống thọ hưởng các dục, bị con cái trói buộc, quen dùng các loại chiên đàn ở xứ Kàsi, trang sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, sử dụng vàng và bạc, thời Ðại vương thật khó biết được các vị ấy là bậc A-la-hán hay là bậc đang đi con đường hướng đến A-la-hán quả.

8) Thưa Ðại vương, chính phải cọng trú mới biết được giới đức của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không có tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

9) Thưa Ðại vương, chính phải cùng chung một nghề mới biết được sự thanh tịnh của một người, phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

10) Thưa Ðại vương, chính trong thời gian bất hạnh mới biết được sự trung kiên của một người, phải trong một thời gian dài không thể không khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

11) Thưa Ðại vương, chính phải đàm đạo mới biết được trí tuệ của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

12) -- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn đã khéo nói như sau: " Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ... ... không phải không với ác tuệ"!

13) Bạch Thế Tôn, có những người trinh thám này của con, những người trinh sát, sau khi đi trinh sát một nước, họ đến con. Trước hết họ báo cáo rồi con mới đúc kết.

14) Bạch Thế Tôn, ở đây những người ấy sau khi tẩy sạch bụi và nhớp, sau khi tắm rửa và xoa dầu, sau khi chải sạch râu tóc, mặc áo vải trắng, họ được hầu hạ săn sóc và cho thọ hưởng năm dục công đức.

15) Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy mới nói lên bài kệ:

Không phải do sắc tướng,
Biết rõ được con người,
Không phải nhìn thoáng qua,
Ðặt được lòng tin cậy.

Dưới bộ áo đạo đức,
Với hình tướng tự chế,
Những kẻ sống buông thả,
Sống phây phây đời này.

Như bông tai bằng đất,
Giả dạng bông tai thật,
Như nửa tiền bằng đồng ,
Ðược sơn phết lớp vàng.

Một số sống che đậy,
Ẩn kín dưới bề ngoài,
Nội thân thật bất tịnh,
Mặt ngoài giả mỹ diệu.

II. Năm Vua (S.i,79)

1) Trú ở Sàvatthi.

2) Một thời, năm vị vua, với vua Pasenadi nước Kosala là thượng thủ, đang thọ hưởng, được cung cấp và được đoanh vây với năm dục công đức. Câu chuyện sau đây được khởi lên giữa các vị ấy: "Dục lạc nào tối thượng?"

3) Ở đây, có người nói: "Sắc là dục tối thượng"; có người nói: "Tiếng là dục tối thượng"; có người nói: "Hương là dục tối thượng"; có người nói: "Vị là dục tối thượng"; có người nói: "Xúc là dục tối thượng". Và các vua ấy không thể thuyết phục nhau về vấn đề này.

4) Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với các vua ấy:

-- Chư Tôn giả, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến hãy hỏi Thế Tôn ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì.

5) -- Thưa vâng, Tôn giả.

Các vua ấy vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala.

6) Rồi năm vua ấy, với vua Pasenadi nước Kosala là thượng thủ, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

7) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, năm vua chúng con đang thọ hưởng, được cung cấp, được đoanh vây với năm dục công đức, câu chuyện sau đây được khởi lên giữa chúng con: "Dục nào là tối thượng?". Có người nói: "Sắc là dục tối thượng". Có người nói: "Tiếng là dục tối thượng". Có người nói: "Hương là dục tối thượng". Có người nói: "Vị là dục tối thượng". Có người nói: "Xúc là dục tối thượng". Bạch Thế Tôn, dục nào là tối thượng?

8) -- Thưa Ðại vương, tùy theo cùng độ ưa thích mà Ta nói rằng dục ấy là tối thượng trong năm dục công đức. Và thưa Ðại vương, các sắc ấy đối với một số người được ưa thích, các sắc ấy đối với một số người không được ưa thích. Thưa Ðại vương, nếu một ai ưa thích đối với các sắc pháp, tâm viên ý mãn, không có muốn các sắc pháp nào khác hơn, các sắc pháp nào tốt đẹp hơn các sắc pháp ấy, thời đối với vị này, các sắc pháp ấy là tối thượng, đối với vị này, các sắc pháp ấy là vô thượng.

9) Thưa Ðại vương, các tiếng ấy ... các hương ấy ... các vị ấy ... Thưa Ðại vương, các xúc ấy đối với một số người được ưa thích, các xúc ấy đối với một số người không được ưa thích. Thưa Ðại vương, nếu một ai ưa thích đối với xúc pháp, tâm viên ý mãn, không có ý muốn các xúc pháp nào khác hơn, các xúc pháp nào tốt hơn các xúc pháp ấy, thời đối với vị này, các xúc pháp ấy là tối thượng, các xúc pháp ấy là vô thượng.

10) Lúc bấy giờ, có cư sĩ Candanangalika đang ngồi trong hội chúng ấy. Rồi cư sĩ Candanangalika từ chỗ ngồi đứng dậy đắp thượng y lên một bên vai, chấp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, một tư tưởng khởi lên nơi con. Bạch Thiện Thệ, một tư tưởng khởi lên nơi con.

11) Thế Tôn nói:

-- Này Candanangalika, hãy nói lên tư tưởng ấy.

12) Rồi cư sĩ Candanangalika trước mặt Thế Tôn tán thán với một bài kệ thích nghi:

Giống như hoa sen đỏ,
Nực thơm mùi hương dịu,
Sáng sớm tinh sương nở,
Với hương hoa ứ đọng.

Hãy xem Angira,
Chói hào quang chiếu diệu,
Như mặt trời sáng chói,
Giữa hư không bao la.

13) Rồi năm vị vua ấy đắp năm áo lên trên mình cư sĩ Candanangalika.

14) Nhưng cư sĩ Candanangalika đắp năm áo ấy lên trên thân Thế Tôn.

III. Ðại Thực: Ăn nhiều (S.i,81)

1) Trú ở Sàvatthi.

Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala thường ăn bữa ăn thịnh soạn.

2) Rồi vua Pasenadi nước Kosala sau khi ăn xong, no đủ, thỏa thích, đi đến Thế Tôn sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

3) Rồi Thế Tôn sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala đã ăn xong, no đủ, thỏa thích, ngay lúc ấy nói lên bài kệ:

Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Già chậm, tuổi thọ dài.

4) Lúc bấy giờ, thanh niên Bà-la-môn Sudassana đứng sau lưng vua Pasenadi nước Kosala.

5) Rồi vua Pasenadi nước Kosala gọi thanh niên Sudassana:

-- Này Bạn, hãy đi đến và học thuộc lòng bài kệ từ Thế Tôn và trong khi dọn ăn cho ta, hãy đọc lên bài kệ ấy. Ta sẽ cấp thường nhật cho ông một trăm đồng tiền vàng.

6) -- Thưa vâng, Ðại vương.

Thanh niên Sudassana vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala, học thuộc lòng bài kệ này từ Thế Tôn, và trong khi dọn cơm cho vua Pasenadi nước Kosala, đọc lên bài kệ này:

"Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Già chậm, tuổi thọ dài."

7) Rồi vua Pasenadi nước Kosala tuần tự hạn chế, cho đến chỉ ăn nhiều nhất là một nàlika.

8) Vua Pasenadi sau một thời gian, thân thể được khỏe mạnh, tự tay thoa bóp chân tay và nói lên lời cảm hứng sau đây: "Ôi, thật sự Thế Tôn đã thương tưởng nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai!"

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

Chương 3: Tương Ưng Kosala
Phẩm Thứ Hai

BỆN TÓC (Sattajaṭilasutta)

Chúng ta biết rằng tên của vua Ba-Tư-Nặc tiếng Pāḷi là Pasenadi, tiếng Sanskrit là Prasenajit. Khi nào quí vị thấy chữ Prasenajit này thì biết rằng mình đang đọc văn bản có nguồn gốc Phật Giáo Bắc Truyền, và nếu như vậy thì mình có khả năng gặp những chi tiết không giống kinh điển Pāḷi, phải tỉnh táo! 

Cũng giống như chữ Sariputta (Xá-Lợi-Phất) bên Phật Giáo Nguyên Thủy thì ok, nhưng khi quí vị gặp chữ Xá-Lợi-Phất viết theo kiểu này: ‘Sariputra’ thì quí vị có thể gặp những chi tiết rất là lạ, quí vị có thể thấy Sariputra đó là một con người rất vớ vẩn, ngớ ngẩn, độn căn, độn trí, tiểu thừa, tiêu nha bại chủng. Thí dụ quí vị có thể gặp chữ Sariputra này trong Kinh Duy Ma chẳng hạn, trong đó ngài Xá-Lợi-Phất như một đứa trẻ, một tiểu sadi dốt nát không biết gì hết, đến thăm ông Duy Ma rồi hỏi “nhà chật vầy mười phương Bồ tát Ma ha tát tới sao ngồi cho đủ?” hoặc hỏi “sắp tới giờ ăn rồi, giờ phải làm sao?”, hỏi y hệt như một đứa bé dốt nát vậy đó, trong khi bên Phật Giáo Nguyên Thủy ngài là nhân vật số hai sau Đức Phật, thậm chí trong kinh có chỗ gọi ngài là ‘Satthasama’ nghĩa là người tương đương với Bậc Đạo sư. 

Trong nhận xét của người bình thường, những gì Đức Phật làm được, nói được thì ngài Xá-Lợi-Phất cũng làm được; giống như trong đánh giá của một người mù hoặc què thì một ngọn núi cao vút hay thâm thấp cũng như nhau, vì họ không thể nào leo lên nổi nên núi nào cũng là núi. Còn khả năng thần thông của ngài Mục Kiền Liên so với Đức Phật thì giống nhau trong khả năng đo lường của chúng ta, nghĩa là chuyện gì Đức Phật làm được thì ngài Mục Kiền Liên làm được và ngược lại. Chẳng hạn như tốc độ của Đức Phật thì hơn ngài Mục Kiền Liên biết bao nhiêu lần nhưng trong nhận xét của người thường thì như nhau, giống như chiếc máy bay Concorde bay từ châu Âu qua Mỹ chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba thời gian những chiếc máy bay thông thường nhưng nếu không đọc sách báo thì chúng ta sẽ không biết điều đó.

Vua Pasenadi tương lai sẽ là một vị Phật, trong kiếp hiện tại, ông là một người cẩn trọng, trước khi theo Đức Phật, ông cho thám tử theo dõi Đức Phật suốt 7 năm trời, vì vậy làm sao ông có thể chấp nhận người này người kia. Chú giải ghi thế này: Dù sao đó cũng là người tu hành và vua Pasenadi không muốn bảy vị này và những người khác nhìn vào nghĩ rằng vua không biết tôn trọng người tu – vốn là những người bỏ hết mọi thứ sống đời khổ hạnh - nghĩ rằng vua là người hưởng dục không biết tôn trọng người ly dục vì vậy vua đứng dậy chào.

Nội dung quan trọng của bài kinh này nằm ở phần sau. Sau khi đứng dậy chào Đức Phật, vua hỏi Thế Tôn rằng những vị ấy có phải là A-la-hán hay không. Đức Phật trả lời, khi mình là người ngoại đạo (“người ngoài làng”, không thuộc giới chuyên môn) thì đánh giá người khác hơi khó. Không phải giới chuyên môn thì khó hiểu được người trong giới chuyên môn. Dùng cái tâm tình, cái điều kiện hiện tại của một người cư sĩ để đánh giá người xuất gia thì hơi khó. 

Thí dụ tôi không phải là bác sĩ, tôi đâu biết được khó khăn mà một bác sĩ phải gặp, tôi không phải là luật sư, tôi đâu biết vấn đề mà một luật sư phải gặp trong nghề của họ. Tôi chỉ đoán mò thôi, trước vụ án khó thì luật sư bên đối phương cũng đi tìm những chứng cứ, những tài liệu để họ đánh đổ mình, ngược lại mình cũng phải lặn lội tìm tài liệu, chứng cứ để đối phó với họ và trên đường đi tìm đó cũng khó chứ không phải dễ. 

Cũng vậy, một người cư sĩ làm sao có thể biết được đời sống của một người xuất gia. Đức Phật xác nhận: Để hiểu một người nào đó thì phải sống chung mới biết đức hạnh của họ, phải chung nghề, phải cùng trải qua hoạn nạn, phải cùng trao đổi trò chuyện, lấy mắt nhìn thì rất khó mà biết. Bài này không cần chú thích thêm mà Chú giải cũng không nói gì nhiều. Không hiểu sao có những chỗ đơn giản ngài lại nói rất rõ, còn có những bài kinh khó muốn chết mà ngài chỉ nói sơ sơ. Ví dụ như trong đây ngài giải thích kỹ thế nào là hưởng dục, nào là sử dụng dầu thơm, hương liệu… có những chỗ khó le lưỡi thì ngài làm lơ, nhiều chỗ ngài bỏ công ra kể chuyện Nam Tào Bắc Đẩu, cô kia họ hàng hang hốc với ông nọ ra sao.

Đánh giá người khác

Bài kinh có nội dung đại khái thế này: Để đánh giá một con người mình phải nhờ đến những điều kiện cần thiết chớ không phải muốn là được. Để hiểu một sự kiện một vấn đề thì ta cũng phải cần một hoàn cảnh, một điều kiện nào đó để có một tâm thái thích hợp. Mỹ có câu thế này: Muốn hiểu được một người nào đó thì phải xỏ chân mình vào giày của họ. Câu đó cũng gần giống để áp dụng cho bài kinh này như một chút gợi ý. Muốn hiểu được một người, muốn biết được một chuyện thì cần phải có một bối cảnh, điều kiện nào đó chớ không phải tùy tiện đánh giá. 

Trong đường tu của mình làm sao không có những lúc cần đến thầy bạn, nhưng nếu mình không đánh giá thì dễ bị bé cái nhầm. Đi xe lầm chuyến chỉ mất chút thời gian, một chút tiền thôi, nhưng nếu mua nhầm chuyến máy bay đi nhầm nước thì cũng khủng khiếp, nhưng dù sao cũng không thê thảm cho bằng lấy nhầm người làm chồng lấy nhầm người làm vợ, chọn nhầm sư phụ, chọn nhầm đối tác làm ăn để rồi thân bại danh liệt tán gia bại sản. Vì vậy khả năng đánh giá đối phương rất là quan trọng. 

Trong đời mình có nhiều việc để mình bầu cử, ở những xứ tự do, chính người dân là người quyết định vận mệnh của đất nước qua những lần bầu cử bỏ phiếu bầu bán ai đó. Nhưng có trường hợp bầu cử rất quan trọng, đó là trong năm bảy cô mình quen, sao mình chọn cô A mà không chọn cô B, năm bảy người đàn ông sao mình chọn người này mà không chọn người khác, cũng là cuộc bầu cử. Có những trường hợp bỏ phiếu rất là quan trọng ảnh hưởng cho cả cuộc đời của mình, năm bảy trăm ngàn cuốn sách tại sao mình không đọc mà mình chọn đọc cuốn sách này, có bao nhiêu lãnh vực chuyên môn để mình theo dõi đam mê sao mình lại lựa ngành này. Mình thích cuốn sách đó, thích tác giả đó, mình theo đuổi thể loại phim ảnh, hay tiểu thuyết văn học nào đó cũng là sự bầu cử, bỏ phiếu, chọn lựa, thông qua khả năng đánh giá nhận thức phán đoán và giám thức của mình. 

Bài kinh này liếc qua dễ hiểu nhưng phải nhớ nó là một trong những thần chú phải nhớ trong đời mình: Chúng ta luôn luôn phải cần đến một điều kiện hoàn cảnh đặc biệt nào đó để hiểu thấu một người một việc chớ đừng cẩu thả mà mang hận một đời. Đừng để phải hát câu ca dao: Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài, ai ngờ giếng cạn tôi tiếc hoài sợi dây. Câu này nói về tình cảm nam nữ, nhưng đối với tôi nó giống như câu thần chú về nhiều mặt. Đời tu mà hoang phí thời gian trên chuyện tào lao thiên tướng cũng đáng để mà đọc tụng câu này mỗi đêm. Một đời theo đuổi lý tưởng văn hóa, xã hội, chính trị v.v… để rồi một chiều mưa một đêm khuya nào đó bàng hoàng sững sờ nhận ra rằng thì ra bấy lâu nay ta đã lầm.

NĂM VUA (Pañcarājasutta)

Bài kinh này cũng đáng để mắt tới một chút. Nếu cứ khư khư ngó chánh văn là một, bận tâm đến chiều dài là hai thì thấy ngán, nhưng nhớ mỗi bài kinh có nội dung ngắn gọn thì cái ngắn gọn đó đáng được xem là thần chú để sống ở đời và để tu tập trong đạo. Vua Pasenadi là một ông vua của một vương quốc lớn nhất của xứ Ấn Độ thời đó. Xứ Ấn Độ hồi đó có vô số tiểu quốc, trong đó có 16 nước lớn thì Kosala của vua Pansenadi là quốc gia hùng mạnh nhất, phồn vinh thịnh vượng nhất. Các vua kia thỉnh thoảng đến thăm như là chư hầu. Khi gặp nhau họ có những cuộc nói chuyện đàm đạo. 

Trong lúc trà dư tửu hậu, mỗi người nói một điều tâm đắc của mình, sau đó vua Pasenadi đem nội dung buổi đàm đạo đó thưa lại với Đức Phật: Bạch Thế Tôn, chúng con đã có buổi nói chuyện như vầy, có người nói nhìn quan trọng hơn nghe, người thì nói nghe quan trọng hơn nhìn, người thì nói mùi quan trọng hơn vị, kẻ thì nói vị quan trọng hơn mùi, xúc giác quan trọng hơn thính giác, người thì nói thính giác không bằng khứu giác, người thì nói khứu giác không bằng vị giác v.v… Vua chờ Đức Phật đúc kết một kết luận, vì trong lòng vua Pasenadi tin rằng Đức Phật là nơi mà vua có thể tìm thấy câu trả lời rốt ráo nhất. Trong Chú giải bài kinh này có một vấn đề rất quan trọng, tôi sẽ nói sau.

Trong bài kinh này mỗi ông vua tâm đắc một điều, mỗi ông đại diện cho tất cả chúng ta trên thế giới này. Có người coi nặng chuyện ăn uống, có người coi nặng chuyện trang phục: đồng hồ, mắt kính giày dép, xách tay phải ngon lành, làm sao bước ra đường phải sang trọng đắt tiền bảnh bao. Có người ăn mặc sao cũng được nhưng xe phải xịn. Có người đầu tư vào phone, ăn mì gói mà xài iphone 5. Có người thì thích sưu tập nước hoa, đổ cả gia tài vào nước hoa, đối với họ nước hoa là một thế giới không sao cưỡng nỗi. Tùy theo khuynh hướng tâm lý của bản thân, tùy theo tiền nghiệp quá khứ, tùy theo môi trường sống hiện tại gồm có: giáo dục gia đình, bối cảnh xã hội, giao tiếp bè bạn; tất thảy những điều kiện này dẫn chúng ta đến việc thích cái gì ghét cái gì. Từ chỗ chúng ta thích cái gì và ghét cái gì nó mới tạo nên nhân cách của chúng ta, từ nhân cách tạo nên định phận của chúng ta, từ đó nó tạo nên tương lai và mở ra con đường luân hồi của chúng ta có hình dáng mặt mũi dung nhan như thế nào.

Thế nào là cảnh tốt?

Trong Chú giải có chỗ nói thế này: “Ekantato pana vipākacittaṃ iṭṭhāniṭṭhaṃ paricchindati”. Việc mình nói cảnh đó tốt hay cảnh xấu, ví dụ mùi đó là mùi thơm hay không thơm, món ngon hay không ngon đó là sở thích của mỗi người. Nhưng mà cảnh đó được xem là cảnh tốt hay xấu theo A-tỳ-đàm không phải là sở thích của mình mà chính là tâm nào đã biết nó. Tôi nói cho người nào học A-tỳ-đàm chớ không học A-tỳ-đàm thì chỉ nghe như vịt nghe sấm thôi. Theo người đời không học A-tỳ-đàm, cái nào họ thích thì cái đó là cảnh tốt, cảnh vừa ý. Ví dụ họ thích ăn mắm, thích ăn sầu riêng, thích ăn chao thì đó là cảnh tốt, họ cứ tưởng rằng họ thích ăn món đó mà giờ họ có trước mặt để ăn, thì đó là phước của họ. Nhưng theo A-tỳ-đàm thì chưa chắc, bởi vì món đó mình thích thiệt nhưng nếu mà cái tâm ghi nhận – cái tâm thiệt thức (tâm biết cảnh vị) lúc mình ăn món đó, ăn bằng tâm thiệt thức quả bất thiện thì cảnh đó là cảnh xấu.

“Kiñcāpi hi micchādiṭṭhikā buddhaṃ vā saṅghaṃ vā mahācetiyādīni vā uḷārāni ārammaṇāni disvā”, đối với một người tà kiến mà họ có nhìn thấy Đức Phật, chư tăng hay những ngôi đại bảo tháp hay là uḷārāni ārammaṇāni, những quang cảnh hoành tráng đặc biệt như lễ lạt trai tăng cúng dường gì đó; “akkhīni pidahanti domanassaṃ āpajjanti, dhammasaddaṃ sutvā kaṇṇe thakenti”, thì dầu cho họ cố ý nhắm mắt lại không muốn nhìn nữa, khi nghe giảng họ bịt lỗ tai họ lại thì Phạm âm của Đức Phật đối với họ cũng là cảnh tốt, hình ảnh 32 tướng của Đức Phật vẫn là cảnh tốt, có điều họ không thích, họ ghét, họ không muốn nhìn Ngài nữa, nhưng cái tâm nhìn thấy Đức Phật. 

Theo trong A-tỳ-đàm thì con mắt của mình không có thấy như mình hiểu mà nó chỉ chụp hình. Mình biết đó cảnh gì, biết đây là cái hoa, hay cái lá hay là chồi non, hay tấm giấy…thì chuyện biết đó qua một loạt những tiến trình tâm thức sau đó, còn con mắt của mình chỉ chụp hình mà thôi còn đánh giá nhận xét hình ảnh đối tượng đó thì thuộc về đời sống của ý thức còn thị giác của mình thì nó rất máy móc, nó không thể phân tích đây là đẹp đây là xấu đây là thích hay không thích. Tuy nhiên đối với cảnh nào mà do nghiệp lành quá khứ tạo ra cho mình thì mình ghi nhận cảnh đó bằng tâm quả thiện, cảnh nào do nghiệp xấu quá khứ tạo ra thì sẽ ghi nhận bằng tâm nhãn thức quả bất thiện. 

Sở dĩ tôi coi đoạn này quan trọng vì từ đó đến giờ có tranh cãi thế này: Được gọi là cảnh tốt là như thế nào? Có người nói cảnh tốt là do người biết cảnh đó. Ví dụ nói cái hoa đó dầu thích hay không thích nó vẫn là cảnh tốt, có người nói cái nào tôi thích thì đó mới là cảnh tốt. Nhưng chỗ này các ngài giải thích không phải do hoa cũng không phải là do mình thích hay không thích mà nằm ở chỗ là cái hoa đó được mình biết bằng tâm nhãn thức quả thiện hay quả bất thiện. “Vipākacittaṃ iṭṭhāniṭṭhaṃ paricchindati” chính cái tâm quả ngũ song thức mới quyết định cảnh đó là cảnh tốt hay cảnh xấu. Ví dụ một người tà kiến dù ghét Đức Phật đi nữa nhưng trong lúc nhìn Ngài họ vẫn nhìn bằng tâm nhãn thức quả thiện.

“Gūthasūkarādayo gūthagandhaṃ ghāyitvā khādituṃ labhissāmāti somanassajātā honti, gūthadassane pana nesaṃ cakkhuviññāṇaṃ, tassa gandhaghāyane ghānaviññāṇaṃ, rasasāyane jivhāviññāṇañca akusalavipākameva” Còn đối với những loài dơ như heo chó chẳng hạn thì con thiêu thân thích lắm, vui lắm, nhưng mà cái tâm tỷ thức, cái tâm thiệt thức nghe mùi và nếm vị của mấy con thú đó khi mà nó đang ăn phân vẫn là tâm quả bất thiện. Do cái tâm quả bất thiện nó mới khiến cho hôm nay những loài này phải thích món đó, và tuy mình thấy nó ăn ngon lành thiệt nhưng mà cái tâm thưởng thức tâm ghi nhận cái món phân đó – đón nhận cái cảnh đó – vẫn là cái tâm quả bất thiện. Không phải thấy nó thích nó ăn ngon thì mình cho nó là cảnh tốt.

Bài kinh 7 du sĩ (Bện Tóc) quan trọng ở chỗ muốn đánh giá, muốn nhận thức cái gì đó thì ta phải cần đến một bối cảnh tâm lý thích hợp, một điều kiện ngoại cảnh thích hợp chớ chúng ta đừng có võ biền, ẩu tả vơ đũa cả nắm hoặc dựa vào chi tiết nhỏ nhỏ rồi đánh giá bừa bãi một con người hay một sự việc thì không nên, bởi vì chính những thứ ta ghét những thứ ta thích nó tạo nên nhân cách và định phận của mình; nếu mình thích cái tào lao, mình ghét cái đáng quý, đáng kính, chính những cái thích ghét nhầm chỗ sẽ làm cho mình đi lạc đường. Vì vậy phải cẩn trọng trong việc lựa bạn mà chơi, lựa thầy mà theo.

Thích và ghét tạo nên số phận

Bài kinh số hai (Năm Vua) quan trọng ở chỗ, anh hãy nói cho tôi biết anh thích và ghét cái gì tôi sẽ nói con người anh như thế đó. Bài kinh này nhiều ý lắm, ý thứ nhất Đức Phật dạy trong năm trần cảnh sắc thinh khí vị xúc không có cái nào là số một hết, tùy trường hợp, tùy khuynh hướng tâm lý chúng sinh mà cái nào là số một. 

Cái quan trọng nhất hết thảy là có hai chuyện phải nhớ: 

Thứ nhất, đối với người học A-tỳ-đàm thì hôm nay chúng ta có dịp để biết rằng cái gọi là cảnh tốt hay là không tốt là nó được biết bằng tâm nào trong ngũ song thức, đó là một bài học A-tỳ-đàm trong một bài kinh Tạng. 

Điều thứ hai đó chính là ngay kể từ bây giờ khi mình đã là một người Phật tử rồi thì phải luôn luôn đọc niệm câu thần chú này: Những gì tôi thích những gì tôi ghét sẽ tạo nên nhân cách và định phận của đời tôi cho nên tôi sẽ phải cẩn trọng vô cùng cẩn trọng. Bởi vì chuyện mình thích chưng diện, thích ăn ngon, thích giao du với người này mà không phải là người kia, tưởng là bình thường nhưng không phải là bình thường mà là cực kỳ quan trọng. Mình tưởng là chơi qua đường, thích thì cuối tuần gặp nhau, nhưng chính nó rủ rỉ thầm thì nó làm mình tan nát mà mình không hay. 

Trong một triều đình, bên cạnh vua bao nhiêu là đầu óc trác việt tinh hoa nhưng nhiều khi những quyết định mang tầm quốc gia lại hết sức u mê là do ông vua nghe thằng thái giám, vì ổng xem nó người tâm phúc. Là quân vương đứng đầu trăm họ nhưng chính ông vua không ngờ rằng cái nàng quý phi ông sủng ái nhất một chữ bẻ đôi không biết nhưng ngày đêm cứ rủ rỉ miết, hoặc còn thằng thái giám nó rủ rỉ miết cũng chết. Ai đọc sử Tàu thì biết, lúc nhà Minh sắp mạt thì thái giám nắm hết. Vua Sùng Trinh giống như con gà trống thiến, ăn rồi lo hưởng dục trong cung, trăm thứ giao hết cho các thái giám. 

Hãy nhớ trong đầu của mình dù ta có là ai đi nữa thì cái gì ta đam mê thích thú, ta tôn trọng, ta nghiện ngập, những cái đó quyết định cuộc đời của ta, hãy cẩn trọng đừng để mình là hôn quân nghe lời sủng phi, đừng để mình ông vua phải nghe lời thái giám. Mình hãy là một con người sống giữa đời đi bằng chân của mình, nhìn bằng mắt của mình, suy nghĩ bằng óc của mình, chứ còn những thứ mình thích những thứ mình ghét coi chừng nó chính là mầm họa cho tương lai. 

Tại sao có người đã thành Chánh Đẳng Giác và đã Niết-bàn viên tịch mà mình còn ở đây, Thanh văn mình leo lên chưa tới? Là bởi vì kiếp xưa mình đã có những chọn lựa quá sức tệ. Chính Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Bồ Tát Thiện Huệ Sumedha. Phật Nhiên Đăng đã niết-bàn rồi, Bồ tát Sumedha thành Phật Thích Ca cũng đã niết-bàn rồi, Ngài thành Phật xong Ngài thọ ký cho người khác. Còn mình thì sao? Mình vẫn ngồi ở đây là tại vì vô lượng kiếp xưa mình đã có những chọn lựa không ra gì. 

Nếu mình vẫn tiếp tục thích những thứ không đáng thích và ghét những thứ không nên ghét thì coi chừng tám chục a-tăng-kỳ nữa mình vẫn là người vào một cái room paltalk nào đó để mà tiếp tục nghe nữa. Cứ như vậy thôi. Chuyện mình thích ghét vô cùng quan trọng, mình phải cẩn trọng, vì trong đời mình có vô số những cuộc bầu cử, có những cuộc bầu cử mang ý nghĩa chính trị và những cuộc bầu cử văn hóa, tôn giáo, tâm linh, không kém phần quan trọng. Chọn bạn mà chơi chọn sách mà đọc, cũng là lần bầu cử, rất là quan trọng. Tiếp theo bài kinh Ăn Nhiều, gọi là bài kinh Diet (Dietsutra) cũng được.

ĐẠI THỰC (Doṇapākasutta)

Không ăn quá no

Trong Luật nói vị tỳ kheo nên chấm dứt bữa ăn khi sắp no. Thật tình tôi rất hoan hỉ và sửng sốt khi sau này đọc báo đọc sách mới biết ra phép dưỡng sinh khoa học bậc nhất người ta cũng khuyên đừng bao giờ ăn quá no. Từ Ohsawa đến Yoga, võ thuật khí công dưỡng sinh… cũng khuyên đừng ăn quá no. Tôi biết bài kinh này nhiều người coi thường, mở bài kinh ra phải thấy hào quang chiếu diệu, Bát chánh đạo, Thất giác chi, chớ nhìn vô thấy ăn uống có gì đâu mà hay. 

Trong Luật nói một vị tỳ kheo phải cẩn trọng trong ăn uống giống như lựa bạn mà chơi, phải lựa món mà ăn, bởi vì nếu mình không khéo lăn đùng ra bịnh thì lấy gì mà duy trì phạm hạnh đây. Lớn chuyện chớ không phải không. Ăn quá mức cần và đủ cũng không được. Chuyện quan trọng hết thảy là mình có thói quen rất là tệ đó là khoái thì ăn cho đã, ăn ngập mặt, ăn như vậy thì đi đứng khó khăn chậm chạp, lỡ cần uống nước thì chỗ đâu mà chứa. 

Trong Thanh Tịnh Đạo phần giải về Định có nói hành giả nhớ né cái bịnh này:  Bhattasamada(chữ này quan trọng lắm). ‘Samada’: ‘say’, ‘Bhatta’: ‘cơm’.

“Bhattapariḷāhoti bhattasammadahetuko”.

‘Bhattapariḷāhoti’: ‘trục trặc’, ‘mệt mỏi’, ngài Minh Châu dịch là ‘nhiệt não’. ‘Bhattasammadahetuko’: ‘chứng say cơm’. “Nhiệt não do ăn uống” là ăn làm sao mà để cho sự nhiệt nãophát sinh từ bữa ăn của mình. Ăn nhầm thứ khó tiêu đã khó chịu mà ăn đầy bụng thì càng khổ nữa. Nhất là tỳ kheo, tu nữ, một mình độc cư viễn ly mà bịnh hoạn thì ai mà lo, tưởng bịnh nan y tuyệt chứng thì không tức, mà bịnh do bất cẩn trong ăn uống thì thảm lắm.

Bài kinh này là bài kinh vắn tắt, có một chỗ cũng bài kinh này nhưng nhắc được đầy đủ hơn. Có một lần vua Ba Tư Nặc về hầu Phật sau bữa ăn, vua nói: Bạch Thế Tôn, thời gian gần đây cứ mỗi lần dùng bữa sáng xong là con không an lạc, mỗi lần dùng bữa trưa xong là con không an lạc, mỗi lần dùng bữa tối xong là con không an lạc, người con mệt mỏi dã dượi làm sao đó. Lúc đó Đức Phật đọc bài kệ này:

Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Già chậm, tuổi thọ dài.

Vua nghe xong bài kệ hiểu liền, mừng lắm, quay qua nói với người hầu cận: Từ nay về sau mỗi lần ta chạm đến thức ăn thì ngươi phải đọc bài kệ này. Người hầu làm theo, mỗi lần vua chạm đũa là người hầu đọc bài kệ này. Vua cảm kích vì điều này nên khi mỗi lần nhớ về Đức Phật ông nói: Đức Phật đã thương mình cả đời này cả đời sau kiếp khác. Đức Phật không chỉ là đạo sư cho mình về đời sống tinh thần mà còn là bậc thầy của mình về đời sống vật chất thể xác. Bài kinh này nói về sự chừng mực trong đời sống vật chất và cũng là gợi ý quan trọng cho những nhu cầu khác của đời sống chứ không dừng lại riêng ở chuyện ăn uống. Trong đời sống vật chất luôn luôn nên biết dừng lại.
___________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.