Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 2 - Tương Ưng Thiên Tử - Phẩm Thứ Nhất (2)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 2 - Tương Ưng Thiên Tử - Phẩm Thứ Nhất (2)

PHẦN CHÁNH KINH

[02] Chương II

Tương Ưng Thiên Tử

I. Phẩm Thứ Nhất (S.i,46)

VII. Pancàlacanda (S.i, 48)( Tạp 49.12 Ban-xà-la, Ðại 2,358b) (Biệt Tạp 15.7, Ðại 2, 477a)

1) Ðứng một bên, Thiên tử Pancàlacanda nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:

Dầu giữa những chướng ngại,
Bậc Ðại trí Chánh giác,
Vẫn tìm được lối thoát,
Vượt qua mọi chướng ngại.
Bậc trí hiểu Thiền định,
Biết từ bỏ, tối thắng,
Bậc Mâu-ni, ẩn sĩ

2) Thế Tôn lên tiếng:

Pancàlacanda,
Dầu giữa những chướng ngại,
Họ tìm được lối thoát,
Họ tìm được Chánh pháp
Ðưa đến quả Niết-bàn.

Những vị đạt chánh niệm,
Kiên trì không dao động,
Họ là bậc chơn chánh,
Tâm điều phục, định tĩnh.

VIII. Tàyana (S.i,49) (Dhammapada 313, 314, 311, 312 Thera G 277)

1) Rồi Thiên tử Tàyana, trước kia thuộc ngoại đạo sư, sau khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên tử Tàyana nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:

2)

Ôi này Bà-la-môn,
Tinh tấn, cắt dòng nước,
Ðoạn trừ và tiêu diệt,
Mọi tham đắm dục vọng.

Ẩn sĩ không đoạn dục,
Không chứng được nhứt tâm.
Nếu làm việc phải làm,
Cần kiên trì, tinh tấn.

Xuất gia, nếu biếng nhác,
Càng tung vãi bụi trần.
Không làm, hơn làm dở,
Làm dở sau khổ đau.

Ðã làm nên làm tốt,
Làm tốt không khổ đau.
Như nắm vụng lá cỏ,
Có thể bị đứt tay.

Sa-môn hạnh vụng tu,
Kéo đến cõi địa ngục.
Mọi sở hành biếng nhác,
Mọi hạnh tu ô nhiễm,
Ác hạnh trong Phạm hạnh,
Không đưa đến quả lớn.

3) Thiên tử Tàyana nói như vậy. Sau khi nói xong, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ ấy.

4) Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã mãn, liền gọi các Tỷ-kheo.

5) -- Này các Tỷ-kheo, đêm nay Thiên tử Tàyana, trước kia thuộc ngoại đạo sư, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Ta, sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên tử Tàyana nói lên bài kệ này trước mặt Ta:

6)

"Ôi này Bà-la-môn
Tinh tấn cắt dòng nước,
Ðoạn trừ và tiêu diệt,
Mọi tham đắm dục vọng.

Ẩn sĩ không đoạn dục,
Không chứng được nhứt tâm.
Nếu làm việc khó làm,
Cần kiên trì tinh tấn,

Xuất gia nếu biếng nhác,
Càng tung vãi bụi trần.
Không làm, hơn làm dở,
Làm dở sau khổ đau.

Ðã làm nên làm tốt,
Làm tốt không khổ đau.
Như nắm vụng lá cỏ,
Có thể bị đứt tay,
Sa-môn hạnh vụng tu,
Kéo đến cõi địa ngục.

Mọi sở hành biếng nhác,
Mọi hạnh tu ô nhiễm,
Ác hạnh trong Phạm hạnh,
Không đưa đến quả lớn."

7) Này các Tỷ-kheo, Thiên tử Tàyana nói như vậy. Nói vậy xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta và biến mất tại chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy đọc bài kệ của Tàyana. Này các Tỷ-kheo, hãy học thuộc lòng bài kệ của Tàyana. Này các Tỷ-kheo, bài kệ của Tàyana có đầy đủ nghĩa lợi và chính là căn bản của Phạm hạnh.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

Chương 2: Tương Ưng Thiên Tử

Phẩm Thứ Nhất

PAÑCĀLACANDA (Pañcālacaṇḍasutta)

Nếu đọc bản tiếng Việt chúng ta sẽ thấy bản tiếng Việt này hay nhưng từng chữ trong đó không sẵn sàng cho một bản Chú giải, vì theo cách dịch sát nhìn từng chữ trong bản dịch, chen Chú giải vô, chú thích từng chữ, còn ở đây ngài Minh Châu chỉ dịch ý. Bản Pāḷi khác bản tiếng Việt nhiều lắm. Theo bản Pāḷi, một vị Thiên tử, đã đến lễ Phật và nói lên điều mình tâm đắc chớ không phải là một câu hỏi. Vị này nói lên điều tâm đắc mang nội dung tán thán người tu hành.

“Sambādhe vata okāsaṃ”: Trong cái trói buộc vẫn tìm ra được lối thoát.

‘Okāsa’: ‘cơ hội’, ‘lối thoát’, ‘khoảng trống’. Ví dụ trong một nhà tù, bốn bề phải rào tường cửa vách, chỉ cần một lối thoát, một đường đi ra ngoài (okāsa) thì chỗ đó không còn là chỗ giam nữa.

‘Sambādha’: ‘sự trói buộc’, ‘giam cầm’, ‘ràng rịt’.

Chữ ‘Sambādha’ theo Chú giải có hai trường hợp trói buộc:

– Kāmaguṇasambādha: Sự trói buộc trong năm trần cảnh

–Nīvaraṇasambādha: Sự trói buộc của phiền não cụ thể là 5 triền cái.

Nhưng “Tesu idha nīvaraṇasambādhaṃ adhippetaṃ”, trong bài kinh này sự trói buộc ở đây ám chỉ cho năm triền cái: tham dục, sân độc, trạo hối, hoài nghi, phóng dật.

Phiền não có rất nhiều cách nói, nhưng trong trường hợp một người muốn tu hành đạo giải thoát gồm có giới, định, tuệ thì đôi khi phiền não được kể thành 5. Năm pháp chướng ngại (obstacle) = 5 pháp ngăn trở (nīvaraṇa, hindrance) làm cho người ta chân không đi tới được, mắt bị che khuất không nhìn xa được. Gồm:

a- Tham dục: là bị dính mắc trong năm trần cảnh. Trong vòng luân hồi, tất cả chúng ta từ con ruồi muỗi đến vị tu sĩ, vua v.v… từng có lúc mình là ruồi, muỗi, Phạm thiên chư thiên, dù mình đi đâu cũng có lúc quay trở về cõi Dục, giống như quy tắc tự nhiên của trời đất mọi vật khi không cố gắng nữa đều rơi về chỗ thấp nhất. Máy bay có bay cao mấy sau khi vượt qua các đại dương cuối cùng cũng trở về phi trường. Định phận của chiếc máy bay là sau bao nhiêu năm bay trên trời cũng trở về mặt đất và đẩy vào nghĩa địa máy bay. 

Người và vật giống nhau, đến một ngày nào đó khi không còn hoạt động nữa thì trở về chỗ thấp nhất. Chúng sinh trong cõi trầm luân, kiếp nào còn cố gắng thì sanh về cõi Trời, cõi Phạm Thiên nhưng lúc nào đó hơi mòn sức kiệt thì trở về chỗ thấp nhất là 5 dục. Năm dục là khả năng nhìn ngắm đón nhận thế giới này qua năm trần cảnh, nghe ngửi nếm đụng… nếu may mắn gặp thiện hữu minh sư thì mình tu thiền trở về cõi Phạm thiên bằng không thì cứ quẩn quanh trong cõi Dục giới. Chiếc tàu cũng vậy, được đóng ra để đi, nếu không tai nạn thì cũng trở về chỗ để người ta rã ra lấy phế liệu, xe hơi cũng vậy, cũng trở về bãi rác.

b- Sân độc, hễ còn thích cái này cái kia là còn bất mãn. Còn có niềm đam mê trong năm dục thì còn có bất mãn trong năm dục.

c- Trạo hối, đời sống của một người phàm phu luôn luôn có nhiều chuyện để hối hận, tiếc nuối. Hối (katamakatam): tiếc nuối chuyện mình đã làm (katam) hoặc không chịu làm (akatam). Hễ còn phàm tâm là bao giờ chúng ta cũng có một tỷ chuyện để tiếc nuối (tại sao ta làm chuyện đó, tại sao lúc đó ta không nói, tại sao lúc đó ta không nghĩ ra, thân khẩu ý của mình luôn để lại vô vàn những điều tiếc nuối). Trạo: chỉ cho sự không tập trung. ‘Uddhacca’: Trạo cử, sự không tập trung, restlessness.

d- Hoài nghi, hễ còn là phàm phu, dẫu giỏi đến có tám bằng tiến sĩ thì chỉ là có kiến thức chuyên môn về tám lĩnh vực nào đó thôi. Ví dụ có bằng tiến sĩ Vật lý, hay Toán cũng chưa được một phần tỷ kiến thức gọi là Vật lý hay Toán trong vũ trụ này. Nếu có sống một tỷ năm đi nữa thì kiến thức về Toán của chúng ta chỉ là một phần đường chưa đi đến đâu so với vũ trụ này nói chi là người không được đào tạo bài bản trường lớp gì hết. Vì vậy, suốt đời kẻ phàm phu mãi hoài đi trên con đường nghi hoặc, mãi hoài đứng trước ngã ba lòng với những nghi hoặc rất cơ bản tôi là ai, từ đâu tới, rồi sẽ về đâu, bây giờ tôi phải làm gì, hễ là còn phàm phu thì dứt khoát còn hoang mang nghi hoặc suốt cuộc trầm luân.

Cách chấm dứt hoài nghi

Cách chấm dứt hoang mang nghi hoặc chỉ có hai cách:

– Đi tìm câu trả lời. Trở thành thánh nhân để biết mình chỉ là hình sương bóng khói

– Để sang một bên, không tiếp tục nghĩ về nó nữa. Có hai trường hợp:

+ Để sang một bên theo cách của người hiểu biết (cách của thánh nhân) khi thấy đó là chuyện không cần thiết, việc đầu tiên là phải làm sao cho hết phiền não, hết sinh tử.

+ Để sang một bên vì còn bận tâm vô vàn chuyện khác (cách này đa phần chúng ta chọn lấy), bận tâm cơm áo gạo tiền, hưởng thụ, sống chết sanh tử, làm sao đừng ốm đau, mất mát, thiệt hại…

e- Phóng dật, sự lăng xăng của tâm

Vị Thiên tử nói, đời sống này, trong khi 99.9% chúng sanh bị trói buộc trong năm phiền não trên, bậc hiền trí (bhūrimedhaso) vẫn phát hiện (vindati) ra một lối thoát, vẫn tìm ra được một con đường đi, vẫn tìm ra một cơ hội.

“Yo jhānamabujjhi, jhānamabuddhi buddho”, Người nào có hiểu biết (trí tuệ) trong hai thứ thiền định Chỉ và Quán, paṭilīnanisabho munī người đó được xem là bậc đã chấm dứt ngã chấp.

‘nisabha’: ‘xuất sắc’, excellent.

‘Paṭilīna’, theo Chú giải là ‘Pahīnamāno’: sự chấm dứt ngã chấp.

Tôi rất lấy làm ngậm ngùi khi lớp học này bị chướng duyên không tiếp tục nữa, bởi vì đây là một lớp, nói một cách chân tình, nếu năm 16 tuổi tôi gặp được lớp này thì đời tôi hôm nay đã khác rồi, nếu năm 25, 28 tuổi mà tôi được gặp một lớp học như thế này thì đời tôi hôm nay khác rồi. Tôi không nói rằng bây giờ tôi đáng thương thê thảm nhưng phải nói rằng, nếu thời gian trước cách đây 18, 20 năm tôi có được lớp học như vầy thì đời tôi đã khác rồi. Tôi có nhiều cơ hội để hiểu cái gì là mạt pháp. 

Tại sao tôi chọn châu Âu, chỉ vì một lý do rất là đơn giản vì ở đó tôi có thể về Miến Điện cho quãng đời cuối của tôi dễ hơn. Tôi không có niềm tin ở người VN, đạo Phật của người VN là đạo Phật của Tàu, một thứ đạo Phật không thích nguồn cội, cũng có thể giữa tôi và các vị không có duyên. Bao nhiêu năm tôi làm thầy chùa trong Phật Giáo Nam Tông VN, đó là chỗ xuất thân của tôi nhưng cũng là chỗ làm cho tôi thấy ngậm ngùi, và thấm thía thế nào là mạt pháp. Phật pháp mà người ta truyền tới đâu phải là thứ Phật pháp của chùa to Phật lớn, đâu phải là thứ Phật pháp vàng son chói lọi của hình thức, của sự hời hợt. Chúng ta có cơ hội học Kinh tạng là tôi nghĩ chúng ta có sự may mắn.

Tôi đã nói tùy trường hợp mà phiền não được kể ra như thế nào, có chỗ kể làm 3 (tham, sân, si), có chỗ kể làm 10 (kiết sử) v.v… Nhưng có những trường hợp chỉ kể bằng một thứ là ‘phẫn nộ’ (sự bất mãn). Tại sao một phiền não như vậy được xem là tiêu biểu cho tất cả những thứ còn lại, vì kẻ nào còn chỗ bất mãn thì chắc chắn rằng kẻ ấy còn chỗ ưa thích. Ở đây ‘ngã mạn’ được xem là tiêu biểu cho tất cả phiền não vì người nào còn ngã chấp, còn phân biệt, còn so sánh, tôi, của tôi thì còn có chuyện để nói về người này và người này chắc chắn còn có chỗ đi trong tam giới, còn có chỗ đi trong tam giới nghĩa là người này còn luân hồi sanh tử. 

Toàn bộ đời sống của mình có nhiều cách nói, trong đó có cách nói so sánh. Quí vị có nhớ câu chuyện một người học đạo xin vị thiền sư thu gọn Phật pháp trong một câu nói, vị thiền sư vạch một đường dưới đất và hỏi “Dài hay ngắn?”. Chỉ một đường sao biết dài hay ngắn. Vị thiền sinh nói thiền sư cho thêm một đường nữa để so sánh và ngay lập tức ngộ đạo. Còn có so sánh thì còn có thích còn có ghét. Theo PG Phát triển có chữ ‘bất nhị’ nghĩa là không còn so sánh nữa. Mình còn thích thì còn so cái A khác cái B, chớ nếu thấy nó là nó thì làm gì có cái thích. Đói bụng thì cái gì bỏ vào miệng nuôi mạng được thì ăn, vấn đề là có cái so sánh, phở ngon hơn hủ tiếu, có nước dễ nuốt hơn đồ khô v.v… 

Có so sánh rồi có phân biệt bỉ thử, ta người, đây đó. Ngày nào mình chưa biết Phật pháp, cứ nghĩ ngã mạn là hơn người ta, nhưng mình nghĩ mình thua người ta, hoặc nghĩ mình bằng người ta cũng là ngã mạn. Vị A-la-hán hết ngã mạn thì không so sánh như mình, chuyện cần thiết thì ngài biết chớ không có so sánh. Ví dụ, hai đứa bé được mẹ cho mỗi đứa một cái bánh, đứa bé nghĩ bánh của thằng anh lớn hơn, dày hơn nặng hơn… mình người lớn thì khác, khi mình đi chợ nhìn thấy rổ bánh tiêu, làm gì có hai cái bánh tiêu chính xác bằng nhau. Trong tâm trạng của một người trưởng thành và tâm trạng của người đi mua bánh, hai cái bánh nằm trong cái rổ của người ta, không mắc mớ gì mình hết thì mình nhìn hai cái bánh như nhau, vì nhìn nó bằng tâm trạng nhẹ nhàng thoải mái nhưng đối với hai đứa bé kia thì khác. Chữ ngã là vậy đó, mình so về nhan sắc, uy tín, quan hệ, về cái tôi của mình với người khác.

Trong trường hợp này vị Thiên tử tán thán rằng vị (ẩn sĩ) nào ở đời này không còn ngã mạn nữa thì đó là nhân vật ưu việt: Bạch Thế Tôn con hết lòng tôn kính những vị nào trong cuộc sống đầy những ràng buộc này mà vị đó vẫn tìm ra được một lối thoát và ai làm được việc đó thì vị đó là một vị đáng kính.

Thưa thiệt với các vị một chuyện, nếu có một sự đảm bảo nào đó trong vô số kiếp luân hồi vĩnh viễn về sau này tôi không còn bị sa đọa nữa mà chỉ có đi lên, trở lại làm người, làm Phạm thiên theo ý tôi muốn, đi được đến chỗ tôi muốn, sở hữu được cái tôi thích, gặp được người tôi thương… thì tôi nói thiệt, có lẽ tôi không nghĩ đến chuyện viên tịch niết-bàn. Bình thường tôi vẫn nói, vô ngã vô thường, danh sắc là đồ lắp ráp, nhưng thật ra trong ba cái khổ tôi chỉ sợ khổ khổ và hoại khổ thôi. Nghĩa là cái gì làm tôi khó chịu về thân về tâm, đau đớn nhức nhối buồn khổ tiếc thương sợ hãi tức giận, tôi chỉ sợ cái đó thôi, và sợ hoại khổ, sự biến mất những gì làm tôi dễ chịu, chớ cái thứ ba, đó là sự lệ thuộc các điều kiện, tôi không sợ, biết đó là phù du nhưng không có sợ. 

Điều đó có nghĩa là đối với một người biết Phật pháp mà còn đam mê như vậy, nhưng cuối cùng dĩ nhiên phải chọn con đường giải thoát vì biết rằng không thể nào có chuyện phàm phu mà không bị sa đọa. Một vị Bồ tát Chánh Đẳng Giác khi đã thọ ký rồi thì vị đó phải biết rằng mình còn vô số lần sanh vào địa ngục, vô số lần sanh vào cảnh giới bàng sanh, A-tu-la. Vì còn phàm phu thì còn tạo ác nghiệp, còn tạo ác nghiệp thì còn vào ra trong ba cõi sáu đường, chớ còn thật ra mà nói, năm dục trần nó là một ràng buộc rất dễ sợ, rất khó thoát ra được. 

Có hiểu được chỗ đó mới hiểu vì sao vị Thiên tử này tán thán vị nào mà ngay trong bao nhiêu thứ ràng buộc của phiền não mà vẫn tìm ra được chỗ thoát. Phải nói thiệt, nếu không có chuyện sa đọa thì tôi tình nguyện làm kẻ tù nhân trong năm dục. 

Quí vị sẽ hỏi tôi là thầy tu mà mê cái gì. Có nhiều cái mê lắm, người ta mê máy bay, du thuyền, mỹ nữ, rượu thịt… còn tôi thì mê buổi chiều mùa thu đi một mình đi trên những đồi cỏ ở Thụy Sĩ, nghe tiếng chuông bò kêu leng keng đâu đó, tối về có căn phòng ấm áp. Còn vào mùa đông thì tôi biết đêm nay tôi sẽ về căn phòng ấm cúng nhìn bên ngoài trời tuyết rơi, đọc cuốn sách mình thích trong mùi hương trầm ngan ngát. Sáng hôm sau xách ba lô, chai nước, khúc bánh mì, lên tàu, đi đến ga nào thích thì xuống. Ngồi trên xe lửa Thụy Sĩ nhìn thấy mọi thứ bên ngoài cửa sổ là một thứ hạnh phúc không thể tả. Rảnh rảnh chạy vô tiệm đồ cũ, ở đó cái gì cũng có, thượng vàng hạ cám… cảm giác vui lắm. 

Tôi chỉ đang nói một khía cạnh nhỏ của đời sống mà còn cuốn hút mình như vậy huống chi triệu phú Trung Đông đi có máy bay riêng, xuống đất có limousine, có hải đảo, có du thuyền, có lâu đài riêng. Đó là lý do tại sao mà vị Thiên tử quá nể phục một con người giữa bao nhiêu thứ ràng buộc của cuộc đời này mà vẫn tìm ra được lối thoát. Lối thoát đây chỉ cho thiền.

Chữ ‘buddha’này là người tỉnh giấc /thức dậy sau một giấc ngủ chiêm bao hay hiểu biết vấn đề gì đó (Tứ Diệu Đế).

“Yo jhānamabujjhi, jhānamabuddhi buddho”, người nào có hiểu biết trong hai thứ thiền định Chỉ và Quán. Chỉ và Quán ở đây được xem là hai kiểu thức giấc, người nào thức giấc bằng một trong hai cái này thì người đó rất là đáng kính. Tam giới này là gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Theo trong A-tỳ-đàm, Dục giới là cảnh giới mà ở đó chúng sinh sanh ra chết đi buồn vui hạnh phúc đau khổ hoàn toàn dựa trên nền tảng của năm dục. Thấy cái mình thích, thấy cái mình không thích, ngửi mùi mình thích ngửi cái mùi không thích…chúng sinh nào sống quẩn quanh trong năm thứ (thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng) đó thì quẩn quanh không lối thoát. 

Trong Tam giới nói chung và trong năm dục nói riêng nếu cứ quẩn quanh trong đó thì cuối cùng sẽ có một ngày rớt vào chỗ thấp nhất (đó là địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, A-tu-la), đây là công thức ngàn đời thiên thu. Quí vị làm một trái cầu bằng plastic, trong đó để một hòn bi, khi trái cầu xoay tròn thì hòn bi có lúc lên lúc xuống, khi trái cầu không xoay nữa thì hòn bi trở về vị trí đáy của trái cầu.

Trong thế giới bàng sanh, có những con nhìn cái tướng như rắn, cọp, A-tu-la quỷ dữ, Dạ-xoa, mình biết chúng nó đọa theo con đường sân, nói chung chung như vậy. Thích hay ghét đều là con đường đi xuống bốn cõi đọa. Có những bậc hiền trí, lâu lâu mới có người như vậy, thấy quẩn quanh trong năm cõi dục thì đáng chán, họ tu tập thiền định. Muốn đắc sơ thiền ở tầng thiền thấp nhất là phải bỏ năm triền cái trong đó có tham dục và sân độc, không còn thích ghét nữa. Người đắc sơ thiền được gọi là người tỉnh giấc từ cơn mê năm dục, tối thiểu là sơ thiền, tầng thiền thấp nhất. Tam giới gồm 3: Dục, Sắc và Vô Sắc, từ tầng thấp nhất sơ thiền Sắc giới đến tầng cao nhất của Vô Sắc Phi tưởng phi phi tưởng. Người phải lìa bỏ niềm đam mê trong năm dục mới hy vọng chứng được tầng thiền Sắc giới. Người lìa bỏ năm dục được gọi là người tỉnh giấc: Buddha. Dù bị trói buộc, bậc hiền trí vẫn tìm ra được lối thoát, lối thoát ở đây chỉ cho Thiền. Okāsanti jhānassetaṃ nāmaṃ.

Có hai hạng tỉnh thức:

1. Samathajhana: Chỉ. Nhàm chán năm dục, chứng đắc tối thiểu là sơ thiền trở lên, là người tỉnh giấc, thức dậy từ giấc ngủ năm dục. Bản thân các cõi Dục là thấp nhất trong năm giới mà còn có những chỗ thấp nhất trong cõi Dục nữa. Hạng này lìa bỏ năm dục tu thiền để sanh về cõi Phạm Thiên.

2. Vipassanajhana: Quán. Vị này không còn thích thú trong ba cõi sáu đường nữa, có sanh về đâu cũng chỉ là quẩn quanh, lắp ráp, sống trong sự chi phối của vô thường, khổ, vô ngã. Vị này thực hiện sự tỉnh giấc vĩ đại hơn, nhàm chán lìa bỏ mọi hình thức hiện hữu. Tỉnh thức ở đây là không còn đam mê trong danh sắc nữa.

‘Sambādha’: ‘trói buộc’, ‘giam cầm’, ám chỉ năm triền cái

‘Okāsa’: ‘Lối thoát’, ‘chỗ trống’, ám chỉ cho Chỉ và Quán (Samatha và Vipassana).

Pháp môn thiền Quán chỉ có khi chư Phật Chánh Đẳng Giác ra đời mà thôi. Nếu chư Phật không ra đời thì chúng sinh chỉ biết thiền Chỉ.

“Yo jhānamabujjhi jhānamabuddhi buddho”: Người đáng nể trong cuộc đời này là người tỉnh giấc bằng thiền Chỉ và thiền Quán, không còn tiếp tục mê ngủ trong năm dục, không còn tiếp tục mê ngủ trong danh sắc nữa. Đó là bậc Paṭilīnanisabho đó là người đoạn trừ mạn chấp, không còn sống trong kiêu mạn, “tôi là” (bản thân mình), “của tôi” (sở hữu của mình). Còn phân biệt, so sánh (dầu là thánh nhân Hữu học) thì chưa thật sự rốt ráo đi đến nơi đến chốn (nói chi là phàm phu)

‘Paṭilīna’ = pahinamano: người không còn mạn chấp.

Khi nghe vị Thiên tử nói vậy, Đức Phật điều chỉnh lại, xác định lại phát biểu của vị Thiên tử, vì Ngài biết có những chúng sinh khi chưa có Phật ra đời, họ coi thiền Chỉ là số một, tu tập các tầng thiền để sanh về cõi Phạm thiên. Cũng là sự tỉnh giấc nhưng đó chỉ là sự tỉnh giấc tạm thời, cũng còn vô vàn giới hạn.

Câu trả lời của Đức Phật (câu này trong bản Pāḷi, không thấy trong bản tiếng Việt): Làm gì thì làm, sự tỉnh giấc nào đi nữa, thiền định nào đi nữa, lối thoát nào đi nữa thì vẫn phải hướng đến niết-bàn mới được xem là hoàn hảo.

Bồ tát Tất Đạt đi tu kiếp chót đến tầng Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, Ngài thấy đây chưa phải là cứu cánh cao nhất. Ngài có tất cả những gì mà cuộc đời cho là số một (ngoài đời thì làm vua, đi tu thì đạt Phi tưởng Phi phi tưởng) nhưng Ngài vẫn chê vì thấy chưa rốt ráo. Bậc hiền trí luôn luôn hướng đến cái tốt nhất. Ông đạo sĩ Asita, người coi tướng thái tử lúc chào đời, đã đắc Phi tưởng Phi phi tưởng nhưng ông đam mê trong đó. Ông phải mất 84 ngàn đại kiếp trái đất nữa mới trở xuống cõi Dục, trong thời gian đó không có Phật ra đời. Trong kinh nói trong vũ trụ này, trong suốt thời gian 1 a-tăng-kỳ đại kiếp nữa thì không có Phật ra đời, sau đó mới có 10 vị tiếp nối nhau ra đời (Ma Vương thành Phật, Chúa A-tu-la thành Phật, Voi Nālāgiri thành Phật, Voi Pārileyyaka thành Phật, Vua Ba Tư Nặc thành Phật…) và sau đó là 500 vị nữa, 500 vị này còn đang trong thời kỳ tu tập Ba-la-mật, chắc chắn sẽ thành Phật.

TĀYANA

Có một vị Thiên tử tên là Tāyana, Purāṇatitthakaro, kiếp trước từng là một giáo chủ ngoại đạo. ‘Titthakaro’: ‘giáo chủ ngoại đạo’. Trong Chú giải có câu: “Ayaṃ pana diṭṭhiṃ uppādetvā kathaṃ sagge nibbattoti?”: ngoại đạo tà kiến như vậy làm sao có thể sanh thiên. Tuy là ngoại đạo tà kiến nhưng vị này tin lý nhân quả nghiệp báo (Kammavāditāya)

‘Kammavādi’: người tin lý nhân quả

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật từng dạy: Này các tỳ kheo ta chưa từng thấy ngoại đạo nào sau khi chết được sanh thiên ngoại trừ những người Kammavādi (những người tin lý nhân quả).

Trong tiền kiếp trước khi thành Phật, Bồ tát tu hạnh nhẫn nhục, những đạo sĩ tu cùng ngài, mỗi người tu một hạnh, người tu hạnh ăn ít, (ăn vừa đủ sống, ít hơn mọi người), người chủ trương hạnh ở dơ (không tắm giặt), người thì ngâm nước mùa đông, còn ngài tu hạnh kham nhẫn, nghĩa là coi việc người ta đánh chửi xúc phạm là cơ hội tốt để thử hạnh kham nhẫn, vì vậy người ta gọi ngài là Khantivādī (‘nhẫn giả’, người chủ trương hạnh kham nhẫn, người có khả năng chịu đựng mọi thử thách).

‘Ninja’: ‘nhẫn giả’, không phải là ninja bịt mặt. ‘Geisha’: ‘nghệ giả’, ‘đào nương’. Geisha là người bán nghệ không phải bán thân.

Vị Thiên tử này xuất thân là một ngoại đạo nhưng được sanh thiên vì ông ta là Kammavādi (tin lý nhân quả). Theo Chú giải: “Esa kira uposathabhattādīni adāsi”, ông là người biết bố thí thực phẩm.

‘Uposatha’: ‘bố tát’. ‘Bhattā’: ‘bữa ăn’, ‘cơm’, ‘thực phẩm’.

Những cư sĩ ở chỗ không có hoặc có chư tăng có thể làm chuyện này: ngày nào tu bát quan trai vô chùa làm phước đã đành, nếu không thích thì có thể mời những bạn đạo cùng thọ bát quan như mình về nhà, tạo điều kiện cho họ có chỗ hành thiền, đọc sách, nghe pháp, nghe bằng internet v.v… Hôm đó mình đãi ăn cho họ. Hoặc cúng dường cơm trong chùa ngày bố tát, cơm như vậy gọi là uposathabhattādī (ādī: “vân vân”, nghĩa là nhiều dịp để mình bố thí, người sắp đi xa, người bịnh đang cần sự hỗ trợ cũng là dịp bố thí, người đang đói khát, lễ lạt họp mặt của đông đảo thiên hạ). Ông này tuy là người ngoại đạo nhưng rộng rãi, thích bố thí.

“Anāthānaṃ vattaṃ paṭṭhapesi”,

‘Anātha’: homeless, ‘người cơ nhỡ’

‘Anāthapindika’: Cấp Cô Độc, hỗ trợ cho những người cơ nhỡ không nhà không cửa

‘Asaṅkiṇṇa’: hàng độc (không đụng hàng).

Theo Chú giải, ông này tuy xuất thân ngoại đạo nhưng nhờ làm lành mà được sanh thiên, khi được sanh thiên thì thân cận các bậc hiền trí, các vị Trời có chánh kiến trí tuệ niềm tin, xuống hầu Phật nghe pháp, cuối cùng trở thành một người có chánh kiến hẳn hoi. Bài kệ Tāyanagātha (Tāyanagā tên của vị thiên tử) này thu gọn nội dung giáo pháp, thu gọn hành trình của một tỳ kheo nói riêng và người cầu đạo nói chung. Bài kinh này là bài kinh căn bản làm cơ sở nền tảng cho phạm hạnh.

‘Tāyanagātha’: thu gọn hành trình của người tu hành

‘Atthasamhita’: helpful, ‘có ích’, ‘hữu dụng’.

‘ādibrahmacariyaka’: nền tảng cho phạm hạnh, cho cuộc tu.

“Ôi này Bà-la-môn
Tinh tấn cắt dòng nước,
Ðoạn trừ và tiêu diệt,
Mọi tham đắm dục vọng.”

Vị này nói, người tu hành việc quan trọng nhất là tinh tấn không lười biếng. Tinh tấn ở đây là bỏ ác hành thiện. “cắt đứt dòng chảy”

‘Sota’: stream, ‘dòng chảy’

‘Sotapanna’: nhập lưu, (đi vào dòng chảy; người đi vào dòng chảy nghĩa là nước đã vào máng xối rồi, gọi là nhập lưu, mình không phải là nhập lưu nên mình còn trôi dạt trên dòng sinh tử, tấp vào nơi này nơi kia, vị đã có mặt trong dòng chảy thì còn chỉ đi về một hướng). ‘Apanna’: đi vào, enter.

Sota – dòng chảy, nói theo nghĩa tích cực là chỉ cho dòng chảy của thánh nhân; nhưng trong bài kinh này ‘sota’ ở đây chỉ cho dòng chảy của phiền não, đặc biệt là tham ái (‘tanhāsota’: dòng chảy của tham ái). Tu hành là cắt đứt dòng chảy này, làm một cái đập (dam) để ngăn chặn không cho tiếp tục chảy nữa.

Vị Thiên tử thưa với Đức Phật: Người tu hành là nỗ lực cắt ngang dòng chảy của tham ái, không để mình tiếp tục đam mê trong năm cảnh dục nữa.

Đây là một trong những bài kinh hiếm hoi chính Đức Phật đặt tên bài kinh này, và chính Ngài kêu gọi chư tăng nên học thuộc lòng bài kệ này. Lâu lâu mới có một bài như vậy, Đức Phật kêu gọi hãy ghi nhận, hãy học thuộc lòng bài kinh này.

Đừng coi thường cái thích của mình. Tây Phương có câu: Anh nói cho tôi anh thích cái gì, tôi sẽ cho anh biết con người anh như thế nào. Mình làm chó heo ruồi muỗi vì cái thích của mình quá thấp; mình làm Phạm Thiên, Chuyển Luân Vương, Đế Thích vì mình có những cái thích cao cấp… không thích gì nữa thì không tái sanh luân hồi nữa. 

Do vô minh trong Tứ Đế dẫn đến ba hành, do không biết hiện hữu là khổ nên thích này thích kia và chính vì thích nên nó đưa mình đi ba cõi sáu đường. Người thích hưởng thụ và thích làm công đức thì còn có chỗ thoát, cái thích bất thiện nhiều quá thì chỉ còn đường đi xuống. Vì vậy cắt đứt dòng chảy của tham ái rất quan trọng, anh thích cái gì thì anh sẽ đi về cảnh giới tương ứng như vậy. 

Tôi là một tu sĩ Phật Giáo nhưng thưa thiệt với bà con tôi không mặn mà lắm với chuyện cầu siêu, cầu an là bởi vì người đang nằm trước mặt tôi trước khi tôi đến tụng kinh, họ có đời sống nội tâm nghiêng về cái gì nhất? 99% không phải là Phật pháp cho dù họ là người cư sĩ có pháp danh, có qui y có giấy tờ chứng nhận. Đời sống thường nhật của một người cư sĩ theo tôi được biết dầu ở VN hay hải ngoại, trong hăm bốn giờ đồng hồ, họ focus nhiều nhất không phải là Phật pháp, giờ nằm ngáp ngáp kêu tăng ni tụng kinh làm gì. Họ không quan tâm đến chuyện tu hành nên giờ họ có đi thì đi về chỗ nào họ nặng lòng nhất. Vì vậy khi cầu an cầu siêu tôi nghĩ lúc bình thường họ không có Phật pháp trong lòng, giờ tụng làm sao. Tôi biết tôi nói nhiều người sốc lắm, nhưng phải nói thiệt. Nếu kiểu tào lao mà tụng lên được thì quá sướng, không cần phải sáu năm khổ hạnh trong rừng, không cần ăn mặc tả tơi sống trong núi cao. Nếu tụng kinh mà siêu được thì những người tu hành đầu đà khổ cực họ ngu si căn cơ thấp kém hơn mình họ lựa con đường cực khổ để đi hay sao, còn mình thì cứ hưởng thụ, chỉ cần có tụng kinh là siêu.

Tu hành là cắt đứt dòng chảy tham ái, người không đoạn dục thì đừng mong gì chứng thiền định.

ekatta = ekaggata (nhất hành)=samādhi = jhāna: thiền định.

Người không đoạn dục không mong gì chứng thiền. Những gì mình thấy thích hay ghét là do tiền nghiệp quá khứ, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống hiện tại. Thích ghét của mình chỉ là một cái gì đó ước lệ, lề thói (conventional). Hiểu biết như vậy mới bỏ năm dục được. Chuyện gì cần phải làm, nên làm một cách tinh tấn. “Sithilo hi paribbājo, bhiyyo ākirate rajaṃ”, người lìa bỏ gia đình đi xuất gia, lười biếng là thêm rác cho trần gian. HT Minh Châu dịch: “Xuất gia nếu biếng nhác. Càng tung vãi bụi trần”.

‘Sithilo’: ‘lười biếng’, ‘trễ nải’.

Người xuất gia trong mắt thiên hạ đã vô công rỗi nghề, chùm gởi ăn bám, nếu tinh tấn có nội hàm sẽ là viên ngọc quý. Người tu hành là người chịu trách nhiệm đời sống tâm linh của thế giới, nếu lười biếng chỉ là thêm rác cho trần gian vốn dĩ đầy rác này mà thôi. Có lần Đức Phật dạy: Này các tỳ kheo, trong các nghề ở trên đời này nếu phải gọi là nghề, nghề ăn xin là nghề thấp kém nhất, cũng vậy này các tỳ kheo, vị tỳ kheo đi giữa cuộc đời này phải có kiểu sống như một người nô lệ, một con bò gãy sừng, một con cua gãy càng, nghĩa là không còn gì để thấy mình quan trọng nữa. 

Vị tỳ kheo không có gì để kiêu mạn hết, chớ không phải người tu là người tự ti mặc cảm mình sống dưới đáy xã hội, mà vị tu sĩ phải luôn luôn nghĩ rằng mình không có gì để ngẩng đầu hết, mình đang bị bệnh phải uống thuốc, đang là tử tù không biết sống nay chết mai, đang là tù nhân trong Tam giới cần vượt ngục. Với tâm trạng của một bịnh nhân, một tù nhân, một tử tù thì đâu có gì để thấy mình ngon lành, là số một; nếu không sống bằng tâm trạng như vậy thì gọi là ‘sithilo’, người như vậy chỉ là thêm rác cho cuộc đời: “bhiyyo ākirate rajan”. (Bhiyyo = more and more)

“Akataṃ dukkaṭaṃ seyyo, pacchā tapati dukkaṭaṃ”: Có những chuyện (xấu) trên đời này thà không làm hơn là làm bậy. Vì chuyện xấu đã làm thì sẽ để lại hối hận. Hối hận có hai: (done, undone) hối hận chuyện đã làm và không làm. Thà khoanh tay không làm gì còn hơn làm bậy. Trong Tăng Chi Bộ Kinh có câu: Thà nằm ngủ còn hơn là thức nghĩ chuyện bất thiện, thà cặp mắt bị mù còn hơn dùng mắt mình để nhìn cái gì đó mà sanh phiền não, thà điếc còn hơn là dùng tai để nghe cái gì mà sanh phiền não. Thà nhảy vào hố than đang cháy tốt hơn là ôm ấp mỹ nhân, vì nhảy vào hố than thì chỉ chết có một đời còn ôm ấp mỹ nhân thì sẽ để lại quả khổ nhiều đời, trầm luân sanh tử. Nhảy vào hố than chỉ là tâm sân, ôm ấp mỹ nhân thì tâm tham, cái trầm luân được dựng lên bởi tâm tham, hơn nữa vì mỹ nhân mình sẽ làm bao nhiêu nghiệp ác, còn hố than làm cho mình bỏ trốn, lánh xa. Tất nhiên chỉ là cách nói thôi, chớ trong nhà mình xuất hiện một mỹ nhân vẫn tốt hơn là một lò than.

“Katañca sukataṃ seyyo”: đối với những chuyện nên làm, cần phải thực hiện vì việc lành sau khi làm rồi sẽ không để lại tiếc nuối. Việc thiện không làm sẽ để lại tiếc nuối. Việc ác trót làm sẽ để lại tiếc nuối.

“Kuso yathā duggahito, hatthamevānukantati”: giống như một người đưa tay nắm lá cỏ bén, nếu không khéo sẽ bị đứt tay. Sāmaññaṃ dupparāmaṭṭhaṃ, nirayāyūpakaḍḍhati: một người xuất gia không khéo giữ y bát của mình sẽ giống như người vụng về khi nắm lá cỏ cưa. Với người xuất gia không khéo đời sống phạm hạnh thì giống như cầm lá cỏ không đúng chiều sẽ bị cắt.

Trong bài Kinh Ví Dụ Con Rắn (Alagaddūpamasutta), Trung Bộ Kinh, Đức Phật dạy: giống như một người bắt rắn mà vụng về thì sẽ bị rắn cắn. Người học đạo vụng về, lấy đó làm cơ hội để sanh tà kiến cũng chỉ có hại không có lợi. Đời sống xuất gia là con đường ngắn nhất để tu tập (nhiều cơ hội, bối cảnh sống, điều kiện) giống như đi máy bay, trong khi đời sống cư sĩ thì như đi bộ, xe đạp. Lá y đắp người là một sự nhắc nhở, buổi sáng ôm bình bát, đi chân không, tất cả những cái tôi của mình đã liệng xuống đất hết. Tôi xuất thân nghèo hèn nhưng đi chân không khó khăn, ướt dưới chân là dẫm không được. Ở châu Á mình, đường đất nhiều hơn đường nhựa, rác thì liệng ngoài đường, đi chân không rất dễ bị cứa. Đời sống xuất gia cực khổ như vậy, Sāmaññaṃ dupparāmaṭṭhaṃ, nirayāyūpakaḍḍhati: nếu không khéo thì dẫn về địa ngục. “Yaṃ kiñci sithilaṃ kammaṃ, saṃkiliṭṭhañca yaṃ vataṃ”, đời sống mà dễ duôi, bị phiền não chi phối, “Saṅkassaraṃ brahmacariyaṃ”, một đời sống phạm hạnh mà không dứt khoát thiếu niềm tin thì “na taṃ hoti mahapphala” không dẫn đến lợi ích gì hết.

sankassara=sankàya sara: sống trong nghi hoặc, phân vân, thiếu niềm tin.

Tóm lại, nội dung bài kệ mà vị Thiên tử đã nói: Người tu hành phải tinh tấn, cắt đứt dòng chảy của tham ái. Một người không ly dục đừng hòng chứng đắc được thiền định. Đối với chuyện gì nên làm thì phải thực hiện bằng tất cả sự tinh tấn mình có được. Đời sống xuất gia mà lười biếng thì chỉ là thêm rác cho trần gian này. Trên đời có chuyện không làm tốt hơn làm, có những chuyện làm tốt hơn không làm; vì làm chuyện xấu chỉ thêm niềm tiếc nuối về sau; và việc thiện không làm sẽ tiếc nuối vì đã không làm. Đời sống xuất gia nếu bất cẩn thì giống như người nắm lá cỏ gai sẽ bị cứa đứt tay, đời sống xuất gia trễ nải lười biếng nhiều phiền não thiếu niềm tin chỉ vô ích và mất thời gian.

Vị Thiên tử đọc bài kệ tâm đắc, sở chứng của mình cho Thế Tôn nghe xong, đảnh lễ Ngài và biến mất về cõi Trời. Sáng hôm sau Đức Phật gọi chư tăng và nói: Đêm nay có một Thiên tử đến gặp Như Lai và đọc bài kệ này, này các tỳ kheo, hãy học thuộc lòng bài kệ Tāyanagātha này; bài kệ này rất là hữu ích (Atthasaṃhitā) và là nền tảng của cuộc tu, nền tảng của đời sống phạm hạnh (ādibrahmacariyikā).

Với một người không giỏi giáo lý, không nhớ được nhiều, nếu đi tu mà nhớ thuộc lòng câu kệ này thì tôi cho rằng cũng tu đúng theo lời Phật dạy. Câu đầu tiên “cắt đứt dòng chảy tham ái”, tham ái có nhiều cách, khi ở ngoài đời, mình thương vợ thương con, thương nhà thương cửa, thương xe thương cộ; khi đi tu mình thương cái khác, thương chùa thương miểu, thương học trò, thương đệ tử, thương chức vụ và những quan hệ này nọ. Nếu bỏ được những cái thương đó, chỉ chuyên tâm thiền định thì lại thương đức hạnh của mình, thích cái thiền định của mình. 

Nếu tu thêm nữa thì thấy rằng đức hạnh, giới hạnh, thiền định của mình chỉ là những viên thuốc để mình chữa bệnh chớ không phải là cái để huênh hoang tự cao tự đại. Bao nhiêu chuyện tu học chỉ là chuyện uống thuốc của người bị bệnh; vật chất sở hữu, danh lợi không đáng để mình tự đắc, ngay cả giá trị tinh thần mình có (giới luật, thiền định, kiến thức) cũng không phải là thứ để mình tự đắc vì cái gì có được sẽ mất được, đến được, đi được, tất cả chỉ là phương tiện qua sông mà thôi, không có gì ngu cho bằng đi qua sông mà tiếc cái bè. Đó là những gì mà câu kinh đã nói.
______________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.