Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 1 - Tương Ưng Chư Thiên - Phẩm Thiêu Cháy (4)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 1 - Tương Ưng Chư Thiên - Phẩm Thiêu Cháy (4)

PHẦN CHÁNH KINH

IX. Xan Tham (S.i,34)

Ở đời kẻ xan tham,
Keo kiết hay khước từ,
Tạo nên những chướng ngại,
Ngăn kẻ khác bố thí,
Ðời này và đời sau,
Quả báo họ là gì?

Chúng con đến tại đây,
Chính muốn hỏi Thế Tôn,
Chúng con muốn được biết,
Thế Tôn đáp thế nào?

(Thế Tôn):

Ở đời kẻ xan tham,
Keo kiết hay khước từ,
Tạo nên những chướng ngại,
Ngăn kẻ khác bố thí,

Bị tái sanh địa ngục,
Bàng sanh, Dạ-ma giới.
Nếu được sanh làm người,
Sanh gia đình nghèo khó,

Y, thực, dục, hỷ lạc,
Họ được rất khó khăn.
Ðiều kẻ ngu ước vọng,
Họ không thâu hoạch được,
Quả hiện tại là vậy,
Ðời sau sanh ác thú.

(Vị Thiên):

Nhờ những điều Ngài nói,
Chúng con được hiểu vậy,
Tôn giả Gotama,
Con xin hỏi câu khác.

Ở đây được thân người,
Từ tốn không xan tham,
Tin Phật và Chánh pháp,
Cùng tôn trọng chúng Tăng,
Ðời này và đời sau,
Quả báo họ là gì?

Chúng con đến tại đây,
Chính muốn hỏi Thế Tôn,
Chúng con muốn được biết,
Thế Tôn đáp thế nào?

(Thế Tôn):

Ở đây được thân người,
Từ tốn không xan tham,
Tin Phật và Chánh pháp,
Cùng tôn trọng chúng Tăng,

Họ chói sáng chư Thiên,
Tại đấy họ tái sanh.
Nếu họ sanh làm người,
Họ sanh nhà phú gia,

Y, thực, dục, hỷ lạc,
Họ được không khó khăn,
Như các Tự tại thiên,
Hân hoan được thọ hưởng,

Giữa vật dụng tài sản,
Ðược người khác quy tụ,
Quả hiện tại là vậy,
Ðời sau sanh Thiên giới.

X. Thợ Ðồ Gốm (S.i,35) (Tạp 22.10 Vô phiền thiên, Ðại 2,159b) (Biệt Tạp, 9.29, Ðại 2,442b)

Ðược sanh Vô phiền thiên,
Bảy Tỷ-kheo giải thoát,
Ðoạn tận tham và sân,
Vượt qua đời triền phược.

Vượt bùn, họ là ai,
Khéo vượt lệnh thần chết,
Sau khi bỏ thân người,
Họ thoát ách chư Thiên?

Họ là Upaka,
Với Pukkusàti,
Hợp thành là ba vị,
Và Phalaganda,

Lại thêm Bhaddiya,
Với Khandadeva,
Và Bàhuraggi,
Cùng với Pingiya,
Sau khi bỏ thân người,
Họ thoát ách chư Thiên.

(Thế Tôn):

Người nói điều tốt lành,
Về bảy Tỷ-kheo ấy,
Họ thoát ly, đoạn trừ,
Các cạm bẫy Ma vương,
Pháp họ biết, của ai,
Ðoạn diệt hữu kiết sử?

(Ghatìkàra):

Không ai ngoài Thế Tôn,
Chính thật giáo lý Ngài,
Họ biết pháp của Ngài,
Ðoạn được hữu kiết sử.

Chỗ nào danh và sắc,
Ðược đoạn diệt, không dư,
Họ học được pháp ấy,
Ở đây từ nơi Ngài.
Nhờ vậy họ đoạn trừ,
Hữu kiết sử trói buộc.

(Thế Tôn):

Lời nói người thâm sâu,
Khó biết, khó chứng ngộ,
Pháp Ông biết của ai,
Sao Ông không nói được?

(Ghatìkàra):

Thuở xưa, con thợ gốm,
Tại Vehalinga,
Và con được tên gọi,
Là Ghatìkàra.

Chính con lo nuôi dưỡng,
Cả mẹ lẫn cả cha,
Ðối với Phật Ca-diếp,
Con đệ tử tại gia.

Con viễn ly dâm dục,
Phạm hạnh, không thế vật,
Thuở xưa con đồng hương,
Cũng là bạn của họ,

Do vậy con biết họ,
Bảy Tỷ-kheo giải thoát,
Ðoạn tận tham và sân,
Vượt qua đời triền phược.

(Thế Tôn):

Vậy này Bhaggava,
Chính như Ông vừa nói,
Thuở xưa, Ông thợ gốm,
Tại Vehalinga,
Và Ông được tên gọi,
Là Ghatìkàra.

Chính Ông lo nuôi dưỡng,
Cả mẹ lẫn cả cha,
Ðối với Phật Ca-diếp,
Ông đệ tử tại gia.

Ông viễn ly dâm dục,
Phạm hạnh, không thế vật.
Thuở xưa Ông đồng hương,
Cũng là bạn của Ta,

Như vậy là hội ngộ,
Giữa những bạn thời xưa,
Cả hai khéo tu tập,
Mang thân này tối hậu.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

XAN THAM

(Maccharisutta)

‘Macchari’ là ‘bỏn xẻn’ còn gọi là ‘bủn xỉn’, giống như chữ ‘dễ duôi’ còn gọi là ‘dễ ngươi’. Ở ngoài đời nghe ‘bủn xỉn’ người ta dễ hiểu hơn là ‘bỏn xẻn’, và chữ ‘dễ ngươi’ thường nghe hơn chữ ‘dễ duôi’.

Ở đây có một vị Trời đến hỏi Đức Phật. Tôi không thích xài chữ “một vị chư thiên”, mà thường xài chữ một vị Trời hay “vị Thiên nhân”. Người trong nước thường dùng “một vị chư thiên” Đã nói ‘chư’ có nghĩa là nhiều, chư Phật: các đức Phật. Chư tăng, tối thiểu là hai vị tăng trở lên. Có nhiều khi mình mà thấy cả thiên hạ đều sai nhưng rồi lâu ngày lại dễ dàng chấp nhận rồi cho qua. 

Một người đúng dầu chỉ một người chấp nhận hay không ai biết tới thì nó vẫn là đúng, một người sai dầu cả hành tinh này chấp nhận thì vẫn cứ là sai. Có những học thuyết được trình bày bài bản, được bảo vệ bằng cả một lực lượng cảnh sát mà trật thì vẫn cứ trật chớ không phải mấy trăm tờ báo, nguyên hệ thống truyền thông báo chí, quân đội an ninh bảo vệ là đúng. Học thuyết “Vì dân tộc chí tôn” của Hittler, cho rằng Đức là thượng đẳng, Do Thái là vất đi, cần phải tàn sát, một thời nó được 90 sư đoàn bảo vệ học thuyết đó sai vẫn cứ sai.

Trong bài kệ này chúng ta thấy vấn đề được trình bày rất là sáng. Có mấy điều chúng ta để ý:

[39] Bố thí

Bố thí có 3 trường hợp:

(1) Sāmidāna: chủ nhân thí. Chủ nhân thí là bố thí món tốt hơn thứ mình vẫn dùng. Xem đối tượng như là người trên mình.

(2) Sahāyadāna: bằng hữu thí. Bằng hữu thí là cho thứ tương đương, mình dùng cỡ nào thì cho cỡ đó.

(3) Dāsadāna: nô lệ thí. Nô lệ thí là cho món kém hơn thứ mình vẫn dùng

[40] Bỏn xẻn

Bỏn xẻn có hai trường hợp:

1/ Mudumacchariya: lòng hẹp hòi, sự tiếc của. Mudu: mềm; macchariya: bỏn xẻn. Macchari, macchera, macchariya đều đồng nghĩa là bỏn xẻn. Trường hợp bỏn xẻn (1) là tiếc của mình nhưng cũng có lòng mong đối tượng tìm được vật bố thí ở chỗ khác. Loại bỏn xẻn này là chỉ bố thí theo cách nô lệ thí hoặc không thích tốn kém, bố thí loại rẻ tiền, nhỏ bé, dễ kiếm. Hoặc không muốn cho nhưng người ta đi xin chỗ khác thì cũng không sao, miễn là mình không tốn.

2/ Thaddhamacchariya: là lòng bủn xỉn, lòng ích kỷ nặng nề, không muốn cho và cũng không vui khi thấy ai cho người khác. Loại này là hoàn toàn không hoan hỉ với hạnh bố thí, họ nghĩ của ai nấy xài, mắc gì phải đem cho.

Có chuyện rất lạ mình cũng nên biết qua, người Tàu, Việt, Thái thích chuyện móc túi mình đem đi cho người khác, kể cả số tiền lớn, nhưng người Âu Mỹ thì không, do cái văn hóa của họ. Người da trắng nói chung họ rất hào phóng rộng rãi, sẵn sàng đem cả gia tài hiến cho một tổ chức từ thiện, hoặc tạo ra cơ hội công ăn việc làm giúp cho người nghèo ở các nước chậm phát triển, tuy nhiên rất khó tìm thấy người da trắng bỏ số tiền mặt lớn mà cho ra như người châu Á mình. 

Ngược lại người châu Á bỏ ra số tiền mặt để cúng chùa, cho ăn mày, hay cá nhân nào đó thì rất thường thấy nhưng bố thí có quy mô như người Âu Mỹ thì không. Việc bỏ tiền ra đầu tư trường ốc, trạm xá, cầu đường v.v… rất ít, trong khi đó những tỷ phú Mỹ nghĩ cách nào ngăn chặn những bệnh đặc thù ở châu Phi. Người châu Á thì không làm hoặc chỉ làm ké. 

Ví dụ một cái chùa trên đất Mỹ hoặc châu Âu rất khó nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của người Âu Mỹ, do họ chưa đủ hoan hỉ, và do văn hóa của họ không có mặn mà trong chuyện ‘lãng nhách’ như vậy, bỏ tiền cho cái chùa như vậy còn khó, huống chi cho cá nhân. Lòng người có hai trường hợp rộng và hẹp, rộng cũng có nhiều cách và hẹp cũng có nhiều cách. Tóm lại, một số người họ không thích bỏ ra nhưng họ mong mình tìm thấy vật cúng dường bố thí ở chỗ khác, trường hợp nặng thì tuyệt đối chủ trương của ai nấy xài, đừng mong chuyện chia xẻ.

Bỏn xẻn gồm có:

1/ Bỏn xẻn tài vật: không muốn chia sẻ vật chất mình có cho người khác

2/ Bỏn xẻn tình cảm: không muốn học trò, đệ tử, bè bạn của mình đến với người khác

3/ Bỏn xẻn danh tiếng: là không muốn ai ké tiếng tăm của mình

4/ Bỏn xẻn tinh thần: là không muốn chia sẻ người khác những thành tựu về tinh thần của mình (ví dụ như Phật pháp).

Trong bài kinh này chỉ đề cập đến bỏn xẻn tài vật tức là không chia sẻ vật chất mình có cho người khác. Bài kinh này cũng nhẹ nhàng dễ hiểu nhưng có một ẩn ý ở phía sau. Thường có những người đi vào đạo coi nặng đời sống tâm linh, ví dụ coi nặng chuyện giữ giới thiền định, chỉ nghiên cứu Phật pháp, phát triển nhân cách đạo đức, học hạnh trí tuệ của Phật, của thánh hiền, nhưng họ không chú ý đến chuyện bố thí. 

Có nhiều người hiểu lầm cứ nghĩ bố thí là để được phước, kiếp sau sanh ra không bị túng thiếu. Có người nghĩ bố thí là việc nên làm, làm được thì tốt vì bố thí là một hạnh tu. Xin thưa không phải như vậy. Bố thí không phải đơn giản là để đời sau mình sinh ra không bị túng thiếu đói nghèo mà còn có ý nghĩa khác ghê gớm hơn đó là nếu mình thật sự hiểu được lời Phật thì mình không có lý do gì ôm chặt, nắm giữ khư khư những vật sở hữu, vấn đề nằm ở chỗ đó. Các vị không hoan hỉ với thằng Tèo nhưng có thể giúp cho thằng Tý, không giúp cho ông A thì cũng giúp cho ông B chứ không hẳn là mình bất mãn với cá nhân hay đoàn thể nào đó rồi từ đó không tha thiết không mặn mà chuyện bố thí, điều đó không nên vì người thiệt thòi sau cùng vẫn là mình. 

Ví dụ có những người bỏ tiền ra hỗ trợ các tổ chức từ thiện lớn hoặc nhỏ đến khi phát hiện ra số tiền đó không được sử dụng như họ mong mỏi mà lại có biển thủ, tư túi, mờ ám riêng, từ đó nghe nói từ thiện họ không làm nữa. Điều đó không nên, mía sâu có đốt nhà dột có nơi. Cá nhân cũng vậy, có người họ nói với tôi, giúp người nghèo làm chi, ăn rồi làm biếng ngửa tay chờ đợi lòng hảo tâm của người khác, giúp họ là xúi họ lười. Đúng là có những người thấy đi xin dễ ăn quá, nên rồi ăn cứ ngửa tay đi xin, nhưng cũng có những người homeless ở ngã ba ngã tư đường chờ xe ngừng đèn đỏ họ ngả nón xin, rất dễ thương, không có chèo kéo, chỉ để những miếng giấy bìa: “No home”, “no food”, “no job”, mình thích thì đưa, còn họ không có níu áo. 

Biên giới Đức – Thụy Sĩ, Waldshut, có chiếc cầu đẹp lắm, họ để một cái nón, có con chó nằm kế bên rất dễ thương, họ thổi sáo, đánh đàn, nhìn sơ qua thấy họ không có xin, nhưng trước mặt họ có cái nón. Có trường hợp họ giả tượng, dùng sơn bôi mặt như một bức tượng bằng kim loại, hóa trang như bức tượng, và đứng yên hàng giờ không nhúc nhích. Đó cũng là một cách ăn xin, người cho cũng cho đẹp mà người xin cũng xin đẹp. 

Trong kinh Đức Phật dạy tỳ kheo đi khất thực cũng không làm phiền ai hết, mỗi chỗ đứng một chút thôi rồi đi tiếp, không nhận tiền, không nhận thức ăn sống cần phải nấu, chỉ nhận vừa đủ trong ngày, nếu có nuôi người khác thì nhận nhiều hơn chút nhưng không dư. Do có trường hợp đặc thù người ta cúng dường nhiều quá như ở Thái Lan thì ông sư đi bát xách thêm cái bị để trút bớt vào.

Bố thí không phải đơn giản là một công đức, nếu anh hiểu được Phật pháp một cách đúng mức thì cho ra đó là dấu hiệu của người hiểu đạo, giống như cái cây phát triển tốt thì tự nhiên cành lá xum xuê hoa trái đầy đủ chứ không phải có hoa thì tốt không có cũng được. Có nhiều trường hợp bố thí:

1/ Bố thí vì niềm tin

2/ Bố thí vì tình riêng

3/ Bố thí vì những tác động ngoại lực (ví dụ trong bối cảnh nào đó không cho cũng kỳ)

Khi vị thần hỏi những người bủn xỉn đời sau sinh ra thế nào, Đức Phật nói đời sau sinh ra sẽ khó khăn. Người không bố thí thì lòng hẹp, lòng hẹp thì cũng như căn nhà cửa hẹp, không đón được gió. Người nào lòng rộng thì cơ hội của đời sống sẽ đến với mình dễ dàng. Khi mình sống với tâm hồn hào sảng hào phóng thì vẫn vui hơn một sự toan tính keo kiệt, vì ý nghĩa đời sống không phải chỉ nhận mà là cho. 

Niềm vui trong đời sống có hai là vui khi nhận và vui khi cho. Người bỏn xẻn chỉ nhận được niềm vui khi nhận, đó là nói kiếp này, đời sau thì không được niềm vui nào hết. Người rộng rãi thì trước mắt có được niềm vui khi cho, đời sau có cả hai. Do quả bố thí, đời sau sinh ra người ta nhìn mình người ta cũng muốn cho, như vậy vô tình mình giúp cho người khác cơ hội bố thí, còn nếu mình là người bỏn xẻn thì ngay bây giờ nhiều lắm mình chỉ hưởng được phước cũ của đời xưa kiếp trước mà thôi, không có niềm vui của người cho và đời sau sinh ra tiếp tục bỏn xẻn nữa là mất hẳn niềm vui còn lại là niềm vui khi nhận. Có một số người nhìn mặt họ mình không muốn cho cái gì hết. 

Mỗi lần tôi đi xa về, tôi hay mang sô cô la, bên Thụy Sĩ có những ngày giảm giá 50 – 70%, biết mình sắp về tôi mua một ít để mang về tặng, không biết cho ai, ai rước mình cũng cho họ, hoặc có ai giúp mình thì mình muốn cho họ. Nhưng có những người, dù không đáng bao nhiêu tiền mình cũng không muốn cho; mình cũng thương cũng quý mà không có hứng cho, mình nghĩ họ không ăn, họ kiêng đường, họ sợ ngọt v.v…

Paranimmitavasavatti: “Tự tại thiên”, chư thiên cõi Tha Hóa Tự Tại.

Vasavattī: tự tại, không ràng buộc gì hết.

Nimmita: hóa hiện.

Para: người khác.

Trong 6 cõi trời dục giới thì cõi cao nhất là cõi Tha Hóa Tự Tại, cõi này sống được chín tỉ rưỡi năm nhân loại. (Năm trên cõi Đao Lợi không giống năm trên cõi Dạ Ma, Đâu Suất, không giống năm ở cõi Nhân loại). Có những vì sao, một năm của chúng gấp 10 gấp 100 lần một năm của trái đất. Cõi thứ năm là cõi Hóa Lạc Thiên (Nimmānarati), thích cái gì thì hiện ra cái đó để xài như ý. Cõi thứ 6 cao nhất là ‘Paranimmitavasavatti’,trên đó mỗi vị chủ có người hầu biết chủ thích cái gì là hóa hiện ra đem đến cho chủ. 

Ở đây Đức Phật dùng chữ ‘Vasavattī’ám chỉ cho hạng này, khi mình có nhiều phước bố thí thì đời sau kiếp khác sinh ra giống như con cưng của thiên hạ, ai gặp cũng muốn cho. Nói tới bỏn xẻn hay bố thí chỉ nhớ giùm một chuyện thôi: không chỉ là chuyện cầu công đức, cầu giàu sang mà vấn đề ở đây là lòng có mở ra được hay không, chúng ta không có lý do gì tin rằng mình có thể ăn đời ở kiếp với những thứ sở hữu đang có trong tay, tại sao lại không đem chia sẻ cho người khác cho cuộc đời cùng vui. Có một số người không muốn cho ai chỉ muốn chia cho người thân thôi cũng là tốt. Lòng càng rộng thì cơ hội đón nhận nắng gió muôn phương cũng càng lớn. Nắng gió muôn phương chính là tấm lòng của thiên hạ.

THỢ ĐỒ GỐM

(Ghatikārasutta)

‘Ghati’: ‘cái bình’. ‘Kāra’: ‘làm’. ‘Ghaṭīkāra’: ‘thợ gốm’. Thợ gốm là lấy đất sét tạo ra bình, lu, chậu rồi đem nung trong lửa. Nếu chỉ nắn thành tô, chậu mà không nung lửa thì sẽ bị hút nước, hoặc bị bể. Thợ gốm bây giờ có máy móc hỗ trợ còn ngày xưa thì làm bằng tay. 

Thời Đức Phật Ca Diếp có một người cư sĩ khuyết danh, không giao thiệp nhiều với ai. Người ta căn cứ vào nghề của ông ấy mà gọi tên nên gọi ổng là Ghaṭīkāra. Ghaṭīkāra đắc quả A-na-hàm và có cha mẹ mù lòa nên không thể đi tu được, phải sống đời cư sĩ. Vì là A-na-hàm, ông không thể đào đất làm hại côn trùng nên đã lấy những miếng đất khô người ta cày lật lên rồi đem về làm lu chậu hũ để bán, đất chỉ lượm nên không được nhiều, đời sống khá khó khăn, nhưng ông là bậc đại trí. Bậc đại trí như vậy, đắc quả A-na-hàm đâu phải nhỏ, nhưng kiếp xưa thiếu phước bố thí nên đời này sinh ra cũng bị nghèo, cũng giống như có nhiều nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ có tài nhưng thiếu phước nên đời này họ nghèo.

Dòng sinh tử luân hồi dài thăm thẳm như một dòng chảy, giống như đường ray xe lửa có nhiều nhà ga mà mỗi kiếp sống là một nhà ga, trong dòng chảy đó, có lúc mình rộng rãi, có lúc mình bỏn xẻn. Theo như A-tỳ-đàm nói là khi tâm bỏn xẻn xuất hiện lúc nào thì ngay lúc đó nó đã âm thầm để lại quả cho đời sau là quả nghèo khó, khi nào tâm rộng rãi xuất hiện thì nó âm thầm để lại quả sung túc cho đời sau. 

Nếu như kiếp này mình nghèo thì mình đang nhận quả báo cho một lần bỏn xẻn nào đó trong quá khứ, vì vậy không nên nghĩ ông Ghaṭīkāra này thiếu phước Ba-la-mật mà là do quả xấu nào đó trong một kiếp nào đó. Ông Ghaṭīkāra này nghèo nhưng có nhiều bạn bè rất thân, trong đó có Jotipāla là tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Jotipāla lúc này là một công tử nhà giàu, rất quí Ghaṭīkāra nhưng không tin Phật pháp. Đây là một chuyện đặc biệt, người tu mấy chục a-tăng-kỳ chỉ còn một gang tay nữa mà lại ác cảm với người tu hành. Khi nhắc đến Đức Phật và chư tăng thì Jotipāla chỉ dùng một chữ rất nặng đó là đám đầu trọc (mundaka); do bối cảnh sinh ra và sống trong gia đình Ba-la-môn tà kiến, không có đức tin; một phần là do mỗi tâm thiện hay bất thiện của chúng ta sẽ để lại một dư hậu cho đời sau kiếp khác. Ví dụ như tôi ghét người Trung Quốc, thì đời sau kiếp khác sinh ra, chỉ cần tôi gặp ai đó có một nét riêng giống với người Tàu hôm nay mà tôi ghét thì tôi cũng ác cảm với họ. 

Quí vị tìm đọc bài kinh Ghatikārasutta trong Trung Bộ Kinh. Trong kinh nói có những người từng nghe pháp, họ chỉ nhớ một câu họ không hiểu nhưng thích câu đó, đời sau kiếp khác khi sinh ra gặp Đức Phật ra đời, Ngài nhìn cái duyên của họ, điểm cho một câu mà họ thấm thía thế rồi họ đắc. Ác cảm của kiếp sống này sẽ để lại ấn tượng cho đời sau kiếp khác. Bồ tát là còn phàm nên trong một đời sống nào đó từng bất mãn những người tu hành, khi gặp điều kiện thích hợp là sự bất mãn đó bùng phát. 

Ông Ghaṭīkāra thấy Jotipāla là người thông minh trác việt nhưng không thích Phật pháp nên nghĩ mình không có khả năng, còn Đức Phật chắc chắn độ được nên tìm đủ cách níu kéo Jotipāla đi gặp Đức Phật, vậy mà không được, cuối cùng Ghaṭīkāra nắm tóc Jotipāla kéo. Bồ tát thấy ngạc nhiên vì sao Ghaṭīkāra nắm tóc mình kéo, chắc người muốn gặp là đặc biệt lắm. 

Khi Jotipāla gặp Đức Phật Ca Diếp thì mê và bỏ hết tài sản đi xuất gia, thuộc lòng toàn bộ Tam Tạng. Riêng Ghaṭīkāra sau khi sống mãn cõi người thì sanh về Phạm Thiên, đến khi Bồ Tát Tất Đạt kiếp chót bỏ thành đi tu thì Ghaṭīkāra xuống cúng dường y bát cho Ngài, sau đó Ngài cũng liệng y bát mất tiêu vào lúc tu khổ hạnh. Khi thành Phật, Ngài không còn bình bát nữa nên Tứ Thiên Vương cúng cho Ngài 4 cái bát, Ngài không muốn ai buồn nên chồng 4 cái bát và bảo “hãy thành một”, để không phụ lòng ai trong 4 vị Thiên vương và bình bát này Đức Thế Tôn sử dụng suốt cuộc đời của Ngài.

Khi Bồ tát đi xuất gia thì Ghaṭikāra hiện xuống cúng dường y bát và khi Ngài thành Phật rồi thì Ghaṭikāra cũng xuống đảnh lễ nghe pháp và có buổi nói chuyện như chúng ta đang thấy trong bài kinh này. Ở đây có một số vị tu nhiều kiếp và từng quen biết Ghaṭikāra trong đời Đức Phật Ca Diếp, sau này họ sanh thiên, họ đi xuống gặp Đức Phật nghe pháp. 

Bài kinh Ghaṭīkāra này là cuộc nói chuyện giữa Đức Phật và một vị Phạm thiên. Bài kinh này đã mở ra cho chúng ta vấn đề quan trọng, đó là một giọt thủy ngân khi nó vỡ ra thành những hạt li ti, những hạt đó không thể kết hợp với những thứ gì khác mà chỉ có thể tìm đến với nhau mà thôi, vì nó có cùng thuộc tính. Sống ở đời này dù mình có để ý hay không thì nhân cách của mình, quan niệm sống của mình tự nhiên sẽ xếp mình vào một thứ loại nào đó để đời sau kiếp khác sinh ra nó đẩy mình đi về hội tụ với những người hợp với mình. 

Đó là lý do vì sao Đức Phật dạy mình phải tu tập trau dồi thiện pháp, nếu đủ duyên thì thành Thánh đời này kiếp này, còn không thì khi trau dồi hạnh lành đó trước mắt được an lạc hiện tiền, những người chung quanh sẽ an lạc theo, và có vốn liếng hành trang sang đời sau kiếp khác tiếp tục tu nữa. Khi mình càng tu hạnh lành chừng nào thì đời sau sẽ dễ dàng thuận ứng, câu hội tao phùng với bậc hiền trí; còn nếu trí tuệ, thiện pháp từ tâm ít quá thì đời sau kiếp khác sinh ra ngoài chuyện mình đau khổ vì nghiệp bất thiện và khó mà tương hợp các bậc hiền trí, mà lúc đó chỉ xáp vào đám bất thiện mà chơi và gánh đủ thứ họa. 

Cơ hội sanh thiên chỉ có được khi thân cận bạn lành. Thà làm kẻ thù của người trí còn hơn bạn của người ngu. Ở thế đối lập với người lành cũng không gây hại cho mình, còn chơi thân với người bất thiện thì chỉ bị vạ lây. Khi mình là người lành thì dễ có bạn lành, thì dễ có cơ hội sống thiện. Những website, báo chí, tranh ảnh có thể gây hại cho mình cũng được xem là bạn xấu (vì đó là do con người tạo ra). 

Cách đây hai ngày tôi có nói chuyện với một cô Phật tử VN, giờ cô ở Leipzig. Cổ kể ngày xưa cổ đi lấy chồng ở bên đây mười mấy năm mà chồng không có tin Chúa Phật gì hết, lý do là vì ổng đọc cuốn Mật mã Da Vinci của Dan Brown, trong đó phỉ báng đạo Thiên Chúa, đọc xong ông nói Vatican còn là nơi bậy bạ nói chi đám thầy chùa Phật Giáo. Chỉ một cuốn sách mà tác động lớn như vậy lên một con người học thức, nên chúng ta phải cẩn trọng với sách báo. Có người đến với Phật pháp từ phim Xuân Hạ Thu Đông. Có những món ăn làm mình khỏe hơn, có món ăn làm mình bệ rạc, mình phải biết cẩn trọng chọn lựa. Đoạn kinh cuối:

Thuở xưa Ông đồng hương,
Cũng là bạn của Ta,
Như vậy là hội ngộ,
Giữa những bạn thời xưa,
Cả hai khéo tu tập,
Mang thân này tối hậu.

Về phía Ngài, ngay kiếp này Ngài nhập Niết bàn, không còn tái sanh. Riêng Ghaṭikāra sớm muộn gì cũng chứng quả A-la-hán cũng không còn tái sanh. Đây là một trong những quan hệ bạn bè đẹp nhất trong vũ trụ. Không có tình bạn nào cho bằng tình bạn giữa những người cầu đạo giải thoát. Đọc bài kinh này, ít nhiều chúng ta nên tâm niệm một điều mong sao bên cạnh có những người bạn lành để đời sau kiếp khác sinh ra gặp lại nhau, nếu không thì ít ra cũng gặp những người bạn mới, miễn là bạn lành thì thôi, bởi vì chúng ta phải nhớ rằng chúng ta là những chiếc lá trôi dạt giữa dòng chảy mênh mông của dòng sinh tử. 

Chúng ta cô đơn nhưng chúng ta không thể sống lẻ loi, phải có những tần số để liên lạc, và vấn đề đó giống như hôm nay có computer quí vị có thể đọc mail của tôi, sử dụng skype của tôi nếu quí vị có passcode. Password, mật mã đó chính là dhamma code, là thiện pháp hôm nay chúng ta phải trau dồi từng ngày không phải của mình, càng có lòng sợ mất thì càng khổ mà thôi.
______________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.