Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 1 - Tương Ưng Chư Thiên - Phẩm Quần Tiên (3)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 1 - Tương Ưng Chư Thiên - Phẩm Quần Tiên (3)

PHẦN CHÁNH KINH

IV. Chúng Không Phải (S.i,22)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).

2) Rồi rất nhiều quần tiên Satullapa, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Ðứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Giữa loài Người chúng ta,
Có các dục vô thường.
Ai hưởng chúng ở đời,
Bị chúng trói, chúng buộc.

Phóng dật đối với chúng,
Khó thoát ly với chúng,
Người nào khó thoát ly,
Bị thần chết chinh phục.

Họa từ dục vọng sanh,
Khổ từ dục vọng khởi,
Dục vọng được nhiếp phục,
Nhờ vậy họa nhiếp phục,

Tai họa được nhiếp phục,
Nhờ vậy khổ nhiếp phục.
Vật sai biệt ở đời,
Chúng không phải các dục,

Chính tư niệm tham ái,
Là dục vọng con người.
Vật sai biệt tồn tại,
Như vậy ở trên đời,

Do vậy bậc Hiền trí,
Ðiều phục các dục vọng.
Hãy từ bỏ phẫn nộ,
Hãy nhiếp phục kiêu mạn,

Hãy vượt qua tất cả,
Mọi kiết sử trói buộc.
Chớ có quá chấp trước,
Ðối với danh sắc ấy,

Khổ không thể đến được,
Với ai không có gì.
Hãy từ bỏ tính toán,
Không chạy theo hư tưởng,

Cắt đứt mọi tham ái,
Với danh sắc ở đời.
Vị ấy đoạn phiền trược,
Không lo âu, không ái;

Chư Thiên và loài Người,
Ðời này hay đời sau,
Ở cảnh giới chư Thiên,
Hay tại mọi trú xứ,

Tìm cầu nhưng không gặp,
Vết tích của vị ấy,
Họ tìm nhưng không thấy,
Vị giải thoát như vậy.

(Tôn giả Mogharàjà nói như vầy)

Chư Thiên và loài Người,
Ðời này hay đời sau,
Bậc tối thượng loài Người,
Lo hạnh phúc chúng sanh,
Họ đảnh lễ vị ấy,
Nên tán thán họ không?

(Bậc Thế Tôn lên tiếng)

Này Mogharàjà
Họ cũng nên tán thán,
Bậc giải thoát như vậy.
Này Tỷ-kheo khất sĩ,
Nếu họ biết Chánh pháp,
Ðoạn trừ được nghi hoặc,
Họ trở thành giải thoát.

V. Hiềm Trách Thiên (S.i,23)

1) Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).

2) Rồi rất nhiều quần tiên Ujjhànasannà (Hiềm trách thiên), sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, các vị ấy đứng giữa hư không.

3) Rồi một vị Thiên đứng giữa hư không, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Những ai nói mình khác
Với điều họ thực có,
Thời mọi vật thọ dụng,
Xem như do trộm cắp,
Chẳng khác kẻ gian manh,

Dùng lừa đảo trộm cắp.
Hãy nói điều có làm,
Không nói điều không làm,
Không làm nói có làm,
Kẻ trí biết rõ họ.

(Thế Tôn):

Những ai chỉ biết nói,
Hay chỉ biết nghe thôi,
Những hạng người như vậy,
Không thể nào tiến bộ.

Khó nhọc thay con đường,
Giúp kẻ trí giải thoát.
Nhờ Thiền định thiêu cháy,
Mọi trói buộc quần ma,

Kẻ trí không làm vậy,
Sau khi biết thế tình,
Với trí, chứng Niết-bàn,
Vượt chấp trước ở đời.

4) Rồi các quần tiên ấy đứng xuống đất, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:

-- Ðây là tội lỗi của chúng con, bạch Thế Tôn. Chúng con đi đến tội lỗi, vì ngu xuẩn, vì mê mờ, vì bất thiện. Chúng con nghĩ chúng con có thể công kích Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho chúng con, lỗi lầm là lỗi lầm để gìn giữ trong tương lai.

5) Rồi Thế Tôn mỉm cười.

6) Các quần tiên ấy càng tức tối thêm và bay lên hư không.

7) Một vị Thiên nói bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Ai không chịu chấp nhận,
Tội lỗi được phát lộ,
Nội phẫn, ưa sân hận,
Hận thù càng kiên chặt.

Nếu không có tội lỗi,
Ở đây không lầm lạc,
Hận thù không thể tiêu.
Do gì xem là thiện?

Với ai không tội lỗi?
Với ai không lầm lạc?
Ai không bị si mê?
Ai kẻ trí thường niệm?

(Thế Tôn):

Như Lai, bậc Giác Ngộ,
Thương xót mọi hữu tình,
Nơi Ngài không tội lỗi,
Nơi Ngài không lầm lạc.

Ngài không bị si mê,
Ngài chánh trí thường niệm.
Ai không chịu chấp nhận,
Tội lỗi được phát lộ,

Nội phẫn, ưa sân hận,
Hận thù càng kiên chặt.
Ta không thích hận thù,
Ta nhận tội các Ông.

VI. Lòng Tin (S.i,25), (Tạp, Ðại 2,354b) - (Biệt Tạp, Ðại 2,473a)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm) tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).

2) Rồi rất nhiều quần tiên SatullapaKàyikà, khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Ðứng một bên, một vị Thiên nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Tín là người thứ hai,
Là bạn của loài Người,
Nếu không trú bất tín,
Ðược danh dự, xưng tán,

Sau khi bỏ thân này,
Ðược sanh lên Thiên giới.
Hãy từ bỏ phẫn nộ,
Hãy nhiếp phục kiêu mạn,

Hãy vượt qua tất cả
Mọi kiết sử trói buộc.
Chớ có quá chấp trước,
Ðối với danh sắc ấy.

Tham không thể đến được,
Với ai không có gì.
Kẻ ngu không trí tuệ,
Mới đam mê, phóng dật,

Kẻ trí không phóng dật,
Như giữ tài vật quý.
Chớ đam mê, phóng dật,
Chớ đắm say ái dục,
Thiền tư, không phóng dật,
Ðạt được tối thắng lạc.

VII. Tụ Hội (S.i,26) - (Tạp, Ðại 2.323a) (Biệt Tạp, Ðại 2.411a) (S.i,26) (D. 20 Mahàsamaya, Trường, Ðại 1,79b - 81b)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở giữa dòng họ Sakka (Thích-ca), tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở rừng Ðại Lâm, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng 500 vị, tất cả là bậc A-la-hán. Và chư Thiên ở mười phương thế giới phần lớn cũng thường tập hội để chiêm ngưỡng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo.

2) Rồi bốn vị Tịnh cư thiên (Suddàvàsà) suy nghĩ như sau: "Thế Tôn nay ở giữa dân chúng Sakka, thành Kapilavatthu, rừng Ðại Lâm, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng 500 vị, tất cả đều là bậc A-la-hán. Và chư Thiên ở mười phương thế giới, phần lớn cũng thường tập hội để chiêm ngưỡng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo. Vậy chúng ta hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, mỗi chúng ta đọc một bài kệ dâng lên Thế Tôn."

3) Rồi chư Thiên ấy nhanh như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đã co lại, hay co cánh tay đã duỗi ra, biến mất từ Tịnh cư thiên và hiện ra trước mặt Thế Tôn.

4) Chư Thiên ấy đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Sau khi đứng một bên, một vị Thiên đọc bài kệ trước Thế Tôn:

Ðại hội tại Ðại Lâm,
Chư Thiên đồng tụ tập,
Chúng con đến Pháp hội,
Ðảnh lễ chúng Bất thắng.

5) Rồi các vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước Thế Tôn:

Tại đây chúng Tỷ-kheo,
Thiền định, tâm chánh trực,
Như chủ xe nắm cương,
Bậc hiền hộ các căn.

6) Lại một vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước Thế Tôn:

Như khóa gãy, chốt tháo,
Trụ bị đào, tham đoạn,
Sống thanh tịnh, vô cấu,
Có mắt, voi khéo điều.

7) Lại một vị Thiên khác cũng đọc lên một bài kệ trước mặt Thế Tôn:

Những ai quy y Phật,
Sẽ không đọa ác thú,
Sau khi bỏ thân Người,
Sẽ sanh làm chư Thiên.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

CHÚNG KHÔNG PHẢI (Nasantisutta)

Tựa kinh này trong tiếng Phạn là chữ Nasanti, chúng tôi đã đối chiếu bản tiếng Đức lẫn tiếng Anh thì chữ Nasanti ở đây không nên dịch là “Chúng Không Phải”, mà phải dịch là Không Hề Có, hoặc Không Từng Tồn Tại. Căn cứ vào bản chánh văn Pāḷi sẽ thấy chữ Nasanti là hai chữ bắt đầu cho một bài kệ:

‘‘Na santi kāmā manujesu niccā,
Santīdha kamanīyāni yesu baddho;

Nghĩa là trong đời này không tồn tại một thứ dục nào, thứ khoái lạc nào vĩnh hằng hết (‘Manujesu’: giữa ‘loài người’ ‘chúng sinh’); Santīdha kamanīyāni, mà chỉ có khả ái thôi, có những cái để cho mình thích thương mến chuộng. Phật Giáo không phủ nhận hạnh phúc nhân gian, không phủ nhận hoa hồng hay nụ cười, nhưng Phật Giáo nói rõ rằng có hoa hồng và có gai góc, có giọt lệ và có nụ cười. 

Sở dĩ Đức Phật kêu gọi mình lên đường thực hiện hành trình giải thoát là bởi vì mọi thứ ở đời dầu ngọt ngào cay đắng đến mấy đi nữa cũng có lúc tiêu mất, băng hoại, không tiếp tục tồn tại nữa, chớ Phật Giáo không hề phủ nhận sự có mặt của hạnh phúc, sự ngọt ngào của đời sống. Có hết, nhưng không có gì bền vững, vĩnh hằng. Nasanti nghĩa là không hề có, không từng có. (There are no)

HIỀM TRÁCH THIÊN.

(Ujjhānasaññisutta)

Một thời Thế Tôn ở chùa Kỳ Viên sau khi đêm gần mãn có nhiều vị tiên xuất hiện, các vị Một thời Thế Tôn ở chùa Kỳ Viên sau khi đêm gần mãn có nhiều vị tiên xuất hiện, các vị đứng giữa hư không nhìn xuống và đọc một bài kệ:

Những ai nói mình khác
Với điều họ thực có,
Thời mọi vật thọ dụng,
Xem như do trộm cắp,
Chẳng khác kẻ gian manh,

Dùng lừa đảo trộm cắp.
Hãy nói điều có làm,
Không nói điều không làm,
Không làm nói có làm,
Kẻ trí biết rõ họ.

Ở những bài kinh trước, hầu hết các vị Trời xuất hiện như vậy khi đến hầu Phật thì họ đảnh lễ, nghe pháp, nhưng những vị này không như vậy, họ đứng trên hư không và đọc bài kệ. Chú giải cho biết tại sao như vậy, họ không đảnh lễ Ngài và còn đi nói một câu kệ rõ ràng có ý giống như hơi phạm thượng với Đức Phật. 

Ngày nay có rất nhiều người bình thường không đi chùa nhưng họ chờ đợi trong tăng ni chùa chiền có gì kỳ cục họ ra sức dè bỉu bôi bác công kích đủ điều, tại sao ông sư thế này thế kia v.v… y như họ là Phật tử thân thiết với chùa miểu tăng ni. 

Trường hợp này cũng vậy, trong sớ giải nói rằng có một số vị Trời cảm thấy rất là khó chịu và không hiểu được tại sao Thế Tôn lúc nào cũng một mực kêu gọi tán thán khích lệ các đệ tử phải sống đơn giản đạm bạc, sống như là vô sản, nhưng Ngài thì thường nhận thức ăn, y áo rất là sang trọng, quí hiếm từ các thí chủ. 

Đức Thế Tôn từ lúc thành đạo đến khi Niết bàn là 45 năm, trong khi ở chùa Kỳ Viên của ông Cấp Cô Độc 19 năm, một quãng thời gian gần một nửa cuộc đời của một vị Phật là ở tại chùa Kỳ Viên, mà trong Kinh Bổn Sinh giải thích rõ cổng chùa Kỳ Viên to đến mức có nhiều người đến tưởng bên trong cổng có người ở thật ra đó chỉ là cổng trang trí lối vô chùa. 

Căn phòng của Đức Phật do ông Cấp Cô Độc cúng dường gọi là gandha-kuti (‘gandha’: ‘mùi thơm’, ‘kuti’: ‘am thất’), HT Minh Châu dịch là ‘hương thất’. Bởi vì từng viên gạch, từng miếng vữa đều được ướp tẩm các loại hương liệu rất thơm trước khi đưa vào xây dựng nên căn phòng có mùi thơm tự nhiên không cần phải đốt trầm hoặc xông hương hoặc nhờ đến các mùi thơm của hoa. Những vị Trời đó khó chịu cũng có lý vì thấy Đức Phật có đời sống vật chất rất phong phú nên họ nghĩ vì sao một người nói một đường làm một nẻo, kêu gọi người ta sống thế này mà mình sống như thế kia. Đức Phật trả lời:

“Những ai chỉ biết nói,
Hay chỉ biết nghe thôi,
Những hạng người như vậy,
Không thể nào tiến bộ.”

Ngài muốn nói rằng dư luận hay tiếng đời tối thiểu là do hai nguồn: 1/ người nói, 2/người nghe. Nếu thiếu một trong hai thì không thể gọi là tiếng đời hay dư luận, phải có người chịu nói phải có người chịu nghe. Ngài nói rằng nếu sống ở đời mà chỉ biết làm người phát biểu hoặc chỉ biết nghe một chiều thì làm sao có thể đi xa lên cao được, trên hành trình phát triển tâm linh được. Với cách nghĩ suy tư nghèo túng như vậy, chỉ biết nghe mà không điều tra không tìm hiểu thì làm sao có thể dễ dàng đi đứng trên con đường giải thoát được. 

Bậc thánh thì không như vậy. Sau khi nghe Đức Phật nói như vậy các vị Trời lờ mờ hiểu ra rằng mình hố, các vị ấy nhớ lại rằng chúng ta đến đây mà chưa đảnh lễ Thế Tôn nên các vị từ trên hư không bước xuống đảnh lễ dưới chân Đức Phật. “4) Rồi các quần tiên ấy đứng xuống đất, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn: – Ðây là tội lỗi của chúng con, bạch Thế Tôn. Chúng con đi đến tội lỗi, vì ngu xuẩn, vì mê mờ, vì bất thiện. Chúng con nghĩ chúng con có thể công kích Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho chúng con, lỗi lầm là lỗi lầm để gìn giữ trong tương lai.”

“5) Rồi Thế Tôn mỉm cười.” Khi người ta xin lỗi, Ngài không nói gì hết mà chỉ mỉm cười, và các vị tiên đó bực mình. Một vị bay lên hư không và nói: Người ta đã xin lỗi mình mà mình lại không chịu có chấp nhận được hay không. Trong chú giải có nói vì sao cơ sự như vậy. Các vị tiên này khó chịu vì không hiểu tại sao Thế Tôn một mực kêu gọi người ta sống đơn giản mà bản thân Ngài sống rất sung túc và sang trọng, họ đọc bài kệ rằng Ngài đã nói một đường làm một nẻo, dối thế gạt đời. 

Đức Phật trả lời, nếu sống ở đời, nói không chịu điều tra, nghe không chịu tìm hiểu là kẻ hỗ trợ tiếng đời; kẻ hỗ trợ cho dư luận thì không tiến bộ được. Nếu mình là người cẩn trọng thì người ta có nói gì cho mình nghe cũng không để ý và khi mình nói thì cẩn thận. Khi quần tiên nghe như vậy thì họ sám hối, nhưng lại thấy Thế Tôn mỉm cười, họ bực mình.

Theo chú giải, Thế Tôn mỉm cười vì họ chưa hiểu hết những lời Ngài nói, mà sám hối chỉ là một phản ứng rất là tự nhiên: “Kasmā?” Vì sao Thế Tôn mỉm cười? “Tā kira devatā na sabhāvena khamāpenti”, tương truyền rằng, các vị Trời đó không phải sám hối bằng sự hiểu biết thực sự “lokiyamahājanañca sadevake loke aggapuggalaṃ tathāgatañca ekasadisaṃ karonti.” Họ không sám hối bằng tất cả sự hiểu biết cần có mà họ đánh đồng Thế Tôn với thiên hạ trong đời.

Đức Phật đã suy nghĩ, đối với một vị Phật, Ngài nên giúp cho những vị Trời này hiểu về Ngài nhiều hơn thay vì cái hiểu chỉ dừng lại ở đó bằng một lời xin lỗi suông nhẹ nhàng, vì vậy Ngài để cho họ nói thêm rồi Ngài giải thích thêm lần hai. 

Vì sao Ngài lại mất công như vậy? Vì chúng sanh mỗi người một ý, có nhiều người Ngài phải dài dòng văn tự như vậy mới giải quyết được. Có người Ngài im lặng không trả lời hoặc nói sang chuyện khác. Vì Ngài là bậc nhất thiết trí, toàn giác nên Ngài áp dụng cách này hay cách khác tùy đối tượng để giúp họ hiểu ra vấn đề. Vì vậy Ngài mỉm cười để làm cớ nói lên những điều mà chúng ta đọc trong chánh kinh. Lần này Ngài trả lời thế này:

Như Lai, bậc Giác Ngộ,
Thương xót mọi hữu tình,
Nơi Ngài không tội lỗi,

Trong chương Tương Ưng Bồ Đề, có câu chuyện Đức Phật mới vừa thành đạo xong, Ngài nằm nghỉ trưa, Ma Vương hiện xuống dè bỉu: Tôi tưởng ngài tinh tấn thiền định mà giờ đây thì nằm nghỉ ngơi như người khác chẳng có gì hay. Đức Phật trả lời: Với người như Như Lai, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, Như Lai không từng gián đoạn từ mẫn đối với chúng sinh, người hội đủ những điều như vậy, thì nằm ngủ cũng không lỗi lầm gì, sao soi mói như vậy. 

Ví dụ như chúng ta thấy Thánh Gandhi hay mẹ Theresa có ngồi xe sang trọng hay mà có nằm chợp mắt giấc trưa cũng đâu có gì lớn chuyện vì cả đời họ đã cống hiến cho quốc gia, cho nhân loại. Ở đây Đức Phật dạy rằng: “Như Lai, bậc Giác Ngộ, Thương xót mọi hữu tình”, người như vậy không lầm lỗi, Ngài thường xuyên sống trong chánh niệm. Trong chú giải nói, ở một vị Chánh Đẳng Giác khả năng từ tâm bao la và thường trực đến mức mà vị đệ tử Thanh văn không bì được. 

Quí vị tìm xem trong Vô Ngại Giải Đạo (bản dịch của Nguyễn Văn Ngân, nếu đọc bản tiếng Anh thì tốt hơn), chương giải về 73 loại trí, trong đó có nói trí Đại bi của Đức Phật: Mahā Karunā Ñāna; trí này chỉ có ở vị Chánh Đẳng Giác chớ Thanh văn không có, vì Thanh văn cái nhìn còn giới hạn, còn Ngài thì cái nhìn vô hạn và nhanh chóng an trú trong lòng bi mẫn như ý Ngài muốn. Ngài nhìn thấy cuộc đời ở mọi khía cạnh nên lòng từ bi của Ngài đối với chúng sanh sâu và rộng đến mức mà hàng Thanh văn không thể nào nghĩ bàn tưởng tượng được. Trí Đại bi của Đức Phật được gọi là một trong sáu Như Lai biệt trí, nghĩa là trí riêng tư chỉ có ở vị Chánh Đẳng Giác mà thôi. 

Ngài nói, đối với một người như Ngài, có phải thọ dụng cũng chỉ vì lòng từ bi đối với chúng sinh. Ngài có nhận gì đó của ai cũng chỉ vì lòng đại bi, còn mình thì nhận vì nhu cầu. Đức Phật thì luôn thọ nhận những gì của chúng sinh từ lòng đại bi, dù là một cây tăm xỉa răng, một ly nước lọc, một bó cỏ khô để trải ngồi cũng đem lại cho người ta quả báo cực lớn cho kiếp mai hậu. Với Phật lực và từ trường của một vị Phật, khi thọ nhận của ai gì đó, thái độ từ tâm của Ngài sẽ có ảnh hưởng tích cực và vô cùng lớn cho đối tượng có lòng cúng dường. 

Còn như phàm phu mình, thấy người ta nhận nhiều khi mình vui, nhưng cũng có cách nhận của họ làm cho mình khó chịu và không muốn cho nữa. Vị Chánh Đẳng Giác chịu nhận của ai cái gì đó thì cách nhận rất là đẹp. Một người thọ nhận như vậy thì Ngài có xài cái gì sang cũng không có lỗi. Đó là nội dung của bài kinh Hiềm Trách Thiên. Tựa kinh ‘Ujjhānasaññi’, nghĩa là ‘hiềm trách’. Nhóm quần tiên này được gọi là ‘nhóm gây sự’ vì hay ưa bắt lỗi người ta. Ujjhānasaññi không phải là tên gọi cho một chủng loại đặc biệt, theo chú giải Pāḷi: “devaloko nāma pāṭiyekko natthi”, vì mấy vị này có tật hay đi bắt lỗi người khác nên được gọi là ‘Ujjhānasaññi’ chứ trên cõi trời Đao Lợi không có phân thứ hạng đặc biệt.

LÒNG TIN

Xin thưa thiệt là chúng tôi tuyệt đối không dám múa rìu qua mắt thợ, chê khen người này người kia, và càng không có ý dám phạm thượng đối với HT Minh Châu, nhưng tôi ngờ rằng có những chỗ không phải HT dịch mà là do người cộng tác. Có những chi tiết trong bản Pāḷi mà tiếng Việt không thấy, trong tiếng Việt có những câu chữ mà trong bản Pāḷi không có. Ở đây chúng tôi dịch lại câu kệ đầu tiên trong bài kinh Lòng Tin: Niềm tin chính là người bạn đồng hành cho chúng sinh trong cuộc đời này, vì không có niềm tin thì không làm ăn gì được hết. 

Mình phải tin rằng mình đứng đây một lát có xe đò đến đón thì mình mới đi đón xe chứ. Nếu cứ một mực khăng khăng nơi đây không có xe bốn bánh chạy ngang thì còn điều kiện tâm lý nào để đi đón xe. Muốn nấu một ấm nước thì ít ra có niềm tin làm được mới đi nấu ấm nước. Nếu mình không có niềm tin thì làm gì bây giờ. Câu đầu tiên ở đây là:

“Saddhā dutiyā purisassa hoti”. Niềm tin là bạn đồng hành của con người. ‘Dutiyā’ có hai nghĩa: 1. ‘thứ hai’ (second), 2. ‘bạn bè’. Ví dụ: Dutiyampi Buddham saranam gacchami: Con xin qui y Phật lần thứ hai. Ở bất cứ quãng đường nào, nơi chốn nào, ngoại trừ mình ra còn có kẻ thứ hai được gọi là “bạn” (bạn là người thứ hai tính luôn mình). Trong kinh có chữ “tanhā dutiyaka” nghĩa là người sống nặng về tham ái, luôn đồng hành, thường trực, song hành với tham ái.

No ce assaddhiyaṃ avatiṭṭhati; Nếu mình không có phải là loại người thiếu niềm tin; Yaso ca kittī ca tatvassa hoti, thì nhờ vậy sẽ có được mọi thứ ở đời. (‘Yaso’: ‘đồ chúng’. ‘Kittī’: ‘lời khen’). Nếu sống ở đời này có niềm tin, cuộc sống có định hướng thì muốn cái gì cũng được hết.

Trong bản tiếng Việt chỉ có một bài kệ giống như có một vị nói thôi, nhưng trong Pāḷi thì bài kệ chia làm ba phần. Phần thứ nhất từ “Tín là người thứ hai… Ðược sanh lên Thiên giới” là đoạn một vị Trời thứ nhất đọc. Vị Trời thứ hai đọc từ “Hãy từ bỏ phẫn nộ… không bị trói buộc”.

‘‘Kodhaṃ jahe vippajaheyya mānaṃ,
Saṃyojanaṃ sabbamatikkameyya;
Taṃ nāmarūpasmimasajjamānaṃ,
Akiñcanaṃ nānupatanti saṅgā’’ti.

Vị Trời thứ hai nói: Hãy từ bỏ sân hận ngã mạn, hãy vượt qua các kiết sử, không chấp trước (Akiñcanaṃ) trong danh sắc, không bị trói buộc. ‘Saṅgā’ ám chỉ cho ‘tham’, ‘sự dính mắc’. Có năm thứ saṅgā: tham, sân, si, mạn, kiến.

Đức Phật trả lời bằng hai câu kệ Pháp Cú số 26, 27:

‘‘Pamādamanuyuñjanti, bālā dummedhino janā;

(Kẻ ngu, thiếu trí luôn sống trong dễ duôi buông lung phóng dật). Vị nào đi chùa Nam Tông thường hay nghe chữ ‘dễ duôi’, chữ này ít dùng nhưng ở ngoài đời thường dùng từ ‘dễ ngươi’. Không biết từ bao giờ chữ ‘dễ ngươi’ trở thành ‘dễ duôi’. Ở trong room có một người hiểu nhầm chữ vedanā là thọ nhận, đây là sự nhầm lẫn rất lớn. Vedanā (feeling, sensation) không phải là thọ trong chữ thọ nhận. Chữ này từ ngữ căn là Ved. ‘Vedanā’ có một thời được các ngài trước thời ngài Huyền Trang dịch là Giác, về sau dịch là Thọ. Còn chữ thọ’ trong ‘thọ nhận’ thì không có mắc mớ gì với chữ ‘vedanā’ này. Có một số trường hợp “sính chữ” rồi tự biên tự diễn hơi xa.

Appamādañca medhāvī, dhanaṃ seṭṭhaṃva rakkhati. Người hiền trí sống cẩn thận có chừng mực không dễ ngươi, giống như người giàu có giữ gìn tài sản.

‘‘Mā pamādamanuyuñjetha, mā kāmarati santhavaṃ; Cho nên đừng tiếp tục dễ ngươi nữa. Đừng tiếp cận với niềm vui trong dục lạc nữa.

Appamatto hi jhāyanto, pappoti paramaṃ sukha’’ntntti. Người không dễ ngươi là người sống trong thiền định, nhờ vậy mà đạt được hạnh phúc tối thượng

[30] Thiền

Chữ Jhāyanto ở đây chỉ cho hai thứ thiền:

1. Lakkhano panijhāna: Thiền lấy Tam tướng làm trọng điểm, tức thiền Quán: quan sát thân tâm, danh sắc, năm uẩn, 12 xứ, 18 giới từ góc cạnh Tam tướng, cái gì trên đời này cũng do nhân duyên mà có và cũng do nhân duyên mà diệt, cái gì có sanh có diệt thì cái đó vô thường, cái gì vô thường thì khổ, vô ngã, không nằm trong quyền lực của ai hết… Thiền định nhắm đến tinh thần của Tam tướng, đó là thiền Quán.

2. Aramanu panijhāna: thiền lấy cảnh giả định làm trọng điểm, gọi là thiền Chỉ, tập trung tư tưởng vào trong đề mục nào đó (đất, nước, lửa, hơi thở..) tập trung vào cảnh giả định (cảnh không có thật).

Nếu nói rốt ráo thì thiền Quán nhìn vào bản chất rốt ráo của các pháp. Trong tạng Kinh, Luật thì nói: tôi giận, tôi đói, tôi no… nhưng bên tạng A-tỳ-đàm thì chỉ nói đây là đất, đây là nước, đây là lửa, đây là gió, đây là tâm thiện, đây là tâm tham, đây là tâm sân, đây là tâm thiền… chớ không có người nào ở đây. Trong chú giải có câu này tôi rất thích:

Dukkhameva hi, na koci dukkhito;
Kārako na, kiriyāva vijjati.
Atthi nibbuti, na nibbuto pumā;
Maggamatthi, gamako na vijjatī’’ti.

(Chỉ có sự khổ mà không có người chịu khổ; chỉ có hành động chứ không có người hành động; chỉ có sự Niết bàn, không có ai là kẻ Niết bàn; chỉ có con đường thánh đạo mà không có ai đi trên đó”). Câu này có nội dung rất độc đáo, có hiểu được kinh này mới hiểu được bài Tâm Kinh của Bắc Tông: vô vô minh, vô vô minh diệt – tức là không có khổ tập diệt đạo, không có vô minh, không có lão tử gì hết… 

Độc đáo ở chỗ, ngày nào mình chưa biết Phật pháp, mình cứ tưởng là có một ‘thằng tôi’ tồn tại trên cuộc đời này bị cái này được cái kia, thiếu cái này, có cái nọ, cái này ngon, cái này bảnh, cái này hèn…, nhưng từ khi biết đạo thì thấy danh lợi, tình cảm phù phiếm ngoài đời chỉ là giọt sương trên cỏ, ảo giác mù khơi, chứ không phải là cái gì đó thực tại hằng hữu; từ đó họ bỏ hết chỉ tập trung lo cho đạo, lo nghe pháp, lo giữ giới, lo thiền định. 

Khổ thay, ngày xưa mình chấp danh chấp lợi, chấp tiền, chấp tình, bây giờ mình coi đó là mù sương ảo hóa, giờ đây mình cạo đầu trọc lóc cho bóng lên để rồi mình chấp vào cái khác cao cấp hơn một chút, chấp vào đức hạnh, vào pháp tu: “tôi là người trong sạch”, “tôi là người có trí tuệ”, “có mấy ai được như tôi”… 

Chỗ này các vị cần đến một bước đi dứt khoát hơn, nghĩa là, nếu tất cả đau khổ, tất cả mọi sự là ảo thì con đường giải thoát cũng không phải là gì để chúng ta tự hào tự cao tự đắc vì nó. Bởi vì chúng ta giả định phiền não là một chứng bịnh, bao nhiêu pháp môn tu hành chỉ là thuốc chữa bịnh, chỉ có người điên mới đi khoe mỗi ngày mình uống thuốc ngon thuốc đắt tiền. Chúng ta hoàn toàn không có bất cứ một lý do nào để tự hào tự đắc tự mãn rằng tôi là giới luật trong sạch, tôi tinh thông Phật pháp, tôi kham nhẫn, tôi hành xả từ bi trí tuệ v.v… bởi vì mình đang uống thuốc mà. 

Ngay cả một vị thánh cũng không có một cái gì để các vị đó tự hào, vì một lẽ đơn giản mình bị khổ mình may mắn mình gặp minh sư thiện hữu, thuốc hay, thầy giỏi, thì mình không còn bịnh nữa mình trở thành vị thánh, chỉ vậy thôi, chứ không có cái gì để mình tự hào tự đắc hết. Giống như mình lọt dưới sình, mình loi choi một lát mình leo lên được trên bờ mình rửa sạch cái chưn, thì cái đó có gì đâu mà để khoe. 

Cho nên ở đây mới nói: Chỉ có khổ mà không có người chịu khổ. Chỉ có tập đế mà không có người tạo ra khổ. Chỉ có Niết bàn chứ không có người chứng đắc – câu này quan trọng lắm, bởi vì có rất nhiều Phật tử cứ mong là tôi sẽ được cái này, tôi sẽ được cái kia, tôi sẽ về trời, tôi sẽ được làm người, tôi sẽ chứng Niết bàn…. 

Trong Kinh Căn Bản Pháp Môn, kinh đầu tiên của Trung Bộ Kinh Đức Phật đã nói: Kẻ vô văn phàm phu không hiểu được pháp của bậc thánh, không hiểu được pháp của chân nhân, kẻ ấy đã nghĩ về Niết bàn bằng ý niệm bản ngã, thấy có ta trong Niết bàn, trong Niết bàn có ta, lấy ta đối chiếu với Niết bàn và lấy Niết bàn đối chiếu với bản thân ta, ta nói rằng kẻ ấy không hiểu được Niết bàn. Trong khi mình cứ thấy danh sắc, tấm thân này, tinh thần này là phù hư ảo hóa thì mình giải quyết được nó thì cũng là thứ ảo hóa phù hư chớ có gì đâu mà hay. Mình coi nó là cỏ là rác thì cây chổi quét rác cũng chỉ là đồ hốt rác thôi.

TỤ HỘI

(Samayasuttaṃ)

Bài kinh này được Đức Thế Tôn giảng tại Kapilavatthu. Theo chú giải, vào một mùa khô năm đó, dòng sông Rohini nằm giữa hai xứ nội và ngoại của thái tử Tất Đạt đã khô cạn, chỉ còn một ít nước giữa dòng. Ở một xã hội nông nghiệp như Ấn độ thời đó (và bây giờ cũng vậy) nước là một nhu cầu thiết yếu và vô cùng sinh tử đối với người làm nông, nên bên nội và bên ngoại của thái tử Tất Đạt giành nhau phần nước ít oi đó cho dân chúng canh tác. 

Bên Tây có câu: khi hai con chó đang chơi thân nhau lạy trời cục xương đừng rơi xuống.Trước đây hai bên hòa hiếu thương mến nhau, nhưng giờ vì quyền lợi, cả hai bên xích mích mâu thuẫn và động binh. Lúc đó Đức Phật xuất hiện và hòa giải cả hai bên. Khi hòa giải rồi họ áy náy ray rứt vì chỉ chuyện cãi cọ mà khiến Thế Tôn vất cả can thiệp, họ bày tỏ lòng hối hận bằng cách mỗi bên cử 250 thanh niên đi xuất gia gieo duyên để tỏ lòng sám hối với Thế Tôn. 

Năm trăm vị này đều đã có vợ con hoặc đã trưởng thành đến tuổi cập kê cả, họ định xuất gia gieo duyên, nhưng khi vào xuất gia trong thời gian rất ngắn được Đức Phật hướng dẫn họ chứng quả A-la-hán hết. Như vậy là bên cạnh Đức Phật không kể số Thánh tăng có sẵn, chỉ riêng nhóm vị tân thọ tỳ kheo dòng Thích Ca đã là 500 vị La-Hán vây quanh Đức Phật. Đêm đó chư thiên trong nhiều ngàn thế giới nhìn thấy vị Phật ngồi giữa 500 vị La hán họ ngưỡng mộ nên kéo nhau đến đảnh lễ, chiêm ngưỡng. 

Theo trong kinh, bắt đầu chỉ những vị Trời xung quanh Kapilavatthu thôi, họ đồn với nhau và đọc câu kệ thế này: Gặp gỡ được một Đức Phật là một điều lợi lạc, lắng nghe được chánh pháp là một điều lợi lạc, gặp gỡ chúng Thánh tăng là một điều lợi lạc. Chỉ mấy câu nói đó nhưng vang lên đến cõi Tứ Thiên Vương, Đâu Suất, Dạ Ma v.v… Cuối cùng mười ngàn thế giới đều lặp đi lặp lại, vang vọng tiếng vang đó. 

Chư Phật ba đời, vị nào cũng có tối thiểu một lần đại hội chư thiên trong vô số vũ trụ. Trong đời mỗi vị Phật tối thiểu có một lần đại hội thiên chúng thì đời Đức Phật Thích Ca cũng chỉ có một lần, đó chính là lần này, từ các cõi Phạm thiên như Ngũ Tịnh Cư trở xuống Dạ Ma, Đao Lợi, Tứ Thiên vương… đều tụ họp để nghe kinh thính pháp. 

Lúc đó Ma Vương (Ác Ma Thiên Tử) nóng ruột, rất là bực mình vì người ta đến nghe pháp quá đông, nên đã huy động một lực lượng tùy tùng rất đông để tạo ra âm thanh hình ảnh phá đám đại hội. Đức Phật biết rõ nên đã chú nguyện rằng: mong sao tất cả thiên chúng có mặt đại hội này đừng ai nghe thấy gì về sự có mặt của Ma Vương và tùy tùng. Chủ tớ Ma Vương có hiện hình biến dạng kiểu nào cũng không ai nghe thấy. 

Đức Phật nhìn thấy chư thiên về đông quá, Ngài suy nghĩ cân nhắc đêm nay nên thuyết pháp độc giảng hay vấn đáp sẽ tốt hơn. Ngài chọn cách vấn đáp và suy nghĩ ai là người sẽ vấn đáp đêm nay. Xét trong hàng đệ tử Thanh văn, trí tuệ thì có nhưng ngồi vị trí tương đương với Ngài để vấn đáp thì chưa đủ, Ngài nhìn quanh và nhìn rất xa vô số vô lượng vũ trụ không thấy một vị Phật thứ hai. 

Cảnh giới của chư Phật có ba khetta[1] (tạm gọi là khu vực): Jātikhetta (sinh vức), Ānakhetta (uy vức), Visāyakhetta (tuệ vức). Khi thấy chư thiên về đông quá, Ngài nhìn quanh, Ngài nhìn đến một quãng nào đó đã quá xa rồi, trong kinh không nói rõ bao nhiêu, chỉ nói là quá xa. (Xem sớ giải kinh Mahāsamaya của Trường Bộ, những điều chúng tôi nói là kết hợp sớ giải của Kinh Tương Ưng và sớ giải của Kinh Trường Bộ về đại hội này). 

Lúc đó Đức Thế Tôn dùng Phật trí nhìn quanh không thấy vị nào giống như Ngài, thế là Ngài dùng thần thông hiện ra một vị khác giống như Ngài, gọi là vị Hóa Phật. (Nimmitabuddha – Vị Hóa Phật này là do Ngài dùng thần thông để tạo ra giống như Ngài, xin đừng hiểu lầm vị Hóa Phật này giống Phật Đa Bảo trong Kinh Pháp Hoa). Vị Hóa Phật này từ trên hư không bước xuống và chỗ ngồi của Ngài tự nhiên rộng ra để hai vị có thể ngồi và bắt đầu thuyết pháp vấn đáp. 

Khi đó Đức Phật suy nghĩ thế này: Đêm nay thiên chúng về đông quá, nhưng chúng sanh trong đời dù có đông bao nhiêu đi nữa vẫn gói gọn trong sáu nhóm: nặng về tham, nặng về sân, nặng về si, nặng về tầm, nặng về tính, nặng về giác; nặng về tham nghĩa là tham nhiều, nổi trội, người thì sân nhiều nổi trội, tầm là lăng xăng, buông cái này bắt cái kia v.v… 

Đức Thế Tôn quyết định không thuyết pháp một mình mà thuyết theo kiểu vấn đáp, và đề tài thích hợp cho sáu cơ tánh (khuynh hướng tâm lý khác nhau) đó là 6 bài kinh này: 1.Kinh Chánh Xuất Gia (Sammaparibbajaniyasutta) dành cho người có tánh tham. 2.Kinh Tranh Luận (Kalahavivādasutta) dành cho người có tánh sân. 3.Kinh Vấn Đề Nhỏ (Culabyuhasutta) dành cho người có tánh tầm. 4.Kinh Vấn Đề Lớn (Mahabyuhasutta) dành cho người độn tánh. 5.Kinh Con Đường Mau Chóng (Tuvatakasutta): dành cho người có tánh tín. 6. Kinh Trước Khi Bị Hủy Hoại, hay còn gọi là Kinh Tư Lương (Purābhedasutta) dành cho người nặng về tánh giác. Xem 6 bài này trong Kinh Tập (Sutta Nipatā), chương kế chót.

Sáng nay có hai điều tôi thích đó là tôi dịch lại được tựa đề bài kinh Nasantisutta “Chúng Không Phải” thành “Không Hề Có” hoặc “Chưa Từng Có”, và dịch lại chữ Thiền. Thiền trong Phật Giáo Nguyên Thủy rất rõ ràng: 1/Tập trung tư tưởng là thiền Chỉ, có công dụng áp chế phiền não tạm thời như đá đè cỏ. 2/Thiền Quán: nhìn sâu xa vào bản chất thực sự của vạn hữu, đây là vô thường, đây là khổ, đây là tập v.v…; chưa là thánh nhân chỉ cần biết bao nhiêu đó thôi, trong khi mình đang nhận diện đó là đang trên con đường thực hành Đạo đế tuy chưa đi tới đâu hết. Đạo đế rốt ráo thì chứng được Diệt đế.
_____________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.