Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 1 - Tương Ưng Chư Thiên - Phẩm Kiếm (4)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 1 - Tương Ưng Chư Thiên - Phẩm Kiếm (4)

PHẦN CHÁNH KINH

VII. Nước Chảy (S.i,15)

Chỗ nào nước chảy ngược?
Chỗ nào nước xoáy dừng?
Chỗ nào danh và sắc,
Ðược đoạn diệt, không dư?

Chỗ nào nước và đất,
Lửa, gió không vững trú,
Do vậy nước chảy ngược,
Chỗ ấy nước xoáy dừng,
Chỗ ấy danh và sắc,
Ðược đoạn diệt, không dư.

VIII. Giàu Lớn (S.i,15)

Sát-đế-lỵ giàu lớn,
Tài sản, quốc độ lớn,
Luôn luôn ganh tị nhau,
Hưởng dục không biết ngán,

Giữa người sống dao động,
Trôi theo dòng tái sanh.
Ai bỏ tật và ái,
Không dao động giữa đời.

(Thế Tôn):

Vị xuất gia bỏ nhà,
Bỏ con, gia súc, thân,
Bỏ tham và bỏ sân,
Và từ bỏ vô minh,
Bậc Lậu tận, La-hán,
Không dao động giữa đời.

IX. Bốn Bánh Xe (S.i,16)

Bốn bánh xe, chín cửa,
Ðầy uế, hệ lụy tham,
Chìm đắm trong bùn nhơ,
Ôi, thưa bậc Ðại Hùng,
Sanh thú người như vậy,
Tương lai sẽ thế nào?

(Thế Tôn):

Cắt hỷ và buộc ràng,
Dục tham và tà ác,
Ái căn được đoạn tận,
Sanh thú sẽ như vậy.

X. Con Sơn Dương (S.i,16)

Chân như chân sơn dương,
Vừa thon lại vừa mạnh,
Ăn uống có chừng mực,
Không tham lam, say đắm,

Như sư tử, voi rừng,
Ðộc hành, không dục vọng.
Sau khi đến, con hỏi,
Làm sao thoát khổ đau?

(Thế Tôn):

Có năm dục ở đời,
Ý căn là thứ sáu,
Ở đây, từ ước muốn,
Như vậy thoát khổ đau.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

NƯỚC CHẢY

Sarasuttaṃ

“Kuto sarā nivattanti, kattha vaṭṭaṃ na vattati;
Kattha nāmañca rūpañca, asesaṃ uparujjhatī”ti.
“Yattha āpo ca pathavī, tejo vāyo na gādhati;
Ato sarā nivattanti, ettha vaṭṭaṃ na vattati;
Ettha nāmañca rūpañca, asesaṃ uparujjhatī”ti.

‘Sarā’: ‘tia sáng’, ‘nước chảy’, ‘dòng nước’. Bài kinh này đề cập đến “nước” nên phải hiểu ‘sarā’là ‘dòng chảy’. Trong bài kinh này không nêu rõ người hỏi là ai, không tên cũng không nhân thân. Bản dịch tiếng Việt như thế này:

“Chỗ nào nước chảy ngược?
Chỗ nào nước xoáy dừng?
Chỗ nào danh và sắc,
Ðược đoạn diệt, không dư?

Chỗ nào nước và đất,
Lửa, gió không vững trú,
Do vậy nước chảy ngược,
Chỗ ấy nước xoáy dừng,
Chỗ ấy danh và sắc,
Ðược đoạn diệt, không dư.”

Có một chuyện gần như là bắt đầu một bài giảng chúng tôi cố ý nhắc lại cho quí vị đừng quên, và cho những người lần đầu nghe không bị khó chịu, đó là tại sao có nhiều chỗ Đức Phật có cách nói về đạo giải thoát nghe rất mênh mông, và có chỗ thì cách nói nghe như thiếu thiếu. Chẳng hạn như trong bài này Ngài chỉ nói là “chỗ nào không đất nước lửa gió” chứ Ngài không nhắc đến những yếu tố khác. 

Ở đây những người học A-tỳ-đàm dễ bị đụng nghề nghiệp; ví dụ, trong đây chỗ nào không có bốn đại thì chỗ đó được xem là chỗ giải thoát, người đó sẽ thắc mắc nếu vậy trên cõi Vô Sắc là cõi giải thoát hay sao? Không phải như vậy. Lý do là vì Đức Thế Tôn nhìn vào căn cơ của người đối diện, và ở đây ta không biết người đó đã thưa trình gì với Đức Phật mà trong kinh chỉ thấy câu trả lời của Đức Phật thôi. Căn cứ vào chú giải và những bài kinh trước chúng ta bắt buộc phải hiểu rằng là có những người mà Đức Thế Tôn phải nói như vậy. 

Ví dụ trong đời sống bình thường của một gia đình nghèo khó, người cha nói với con: “Ráng học cho giỏi để mai mốt không nghèo như ba”. Có trường hợp khác người cha khác nói: “Đời ba tủi nhục đủ rồi, con ráng học để mai mốt ngẩng mặt lên mà đi giữa đời, sống ở thiên hạ đừng để tủi nhục như ba”.Đối với một đứa bé nhà giàu thì ông bố có thể sẽ nói khác: “Ráng học giỏi mai mốt ba giao cơ nghiệp lại cho con…”. Cũng là lời người cha đối với con nhưng mỗi trường hợp cách nói khác nhau dù tình cha con nào cũng như nhau và mục đích của câu nói là khích lệ đứa con ráng học hành tử tế.

Trên bản Pāḷi có chữ sarā là dòng nước, chữ vaṭṭa là ‘vòng tròn luân hồi’. Bà con vào tipitaka.org tìm bản Saṃyuttanikāya. Tại sao tôi phải đề cập đến điều này, hiện nay theo chỗ biết của tôi ngoại trừ các xứ Nam Phương như Miến Điện, Thái Lan, hoặc thêm Tích Lan nữa, nguồn nghiên cứu kinh tạng Nam Truyền hệ Pāḷi chỉ có nguồn tiếng Đức và tiếng Anh. Dĩ nhiên mình người VN mình đọc tiếng VN chứ, nhưng đọc tiếng Việt ta thấy rất mơ hồ, nếu đối chiếu so sánh với bản khác thì tốt hơn. Trang tipitaka.org đã có bản chú giải rất ngon lành bằng tiếng Pāḷi. Bên cạnh đó có bản tiếng Anh và tiếng Đức nữa là quá sướng, tội lệ gì mình cứ phải băn khoăn bản tiếng Việt trong khi đó nó hơi mù mờ và khó. Nếu mình thấy khó quá mơ hồ quá thì nên so sánh đối chiếu với bản dịch khác cho sáng ra.

“Chỗ nào nước chảy ngược? Chỗ nào nước xoáy dừng?
Chỗ nào danh và sắc, Ðược đoạn diệt, không dư?

Giống ngày hôm qua, vị Trời nói trừ bỏ được cái tâm là giải thoát. Ổng không nói chuyện tu hành, mà chỉ nói chuyện duy nhất thôi, làm sao mà không có tâm. Chính vì vậy, Đức Phật điều chỉnh lại: mình tu không phải bỏ cái tâm, mà bỏ phiền não, thì thân và tâm, danh uẩn và sắc uẩn sẽ biến mất. Có những căn cơ khác Ngài nói rốt ráo, Ngài không hề nói chuyện tu hành giới định tuệ hay Bát Chánh Đạo, Ngài chỉ nói một chuyện: Chấm dứt cái đó là ok. Bao nhiêu đó đã đủ, rồi họ đi xuất gia, cần gì thì họ hỏi thêm. 

Có người, trong lần đầu tiên gặp Đức Phật họ đâu có biết gì về Phật pháp đâu, họ chỉ nghe rằng trên đời này thật sự có một cứu cánh chấm dứt sự đau khổ, đó là sự vắng mặt của danh sắc. Khi đó họ có một khái niệm rồi. Ví dụ ông Bāhiya Daruciriya đến gặp Đức Phật, Đức Phật chỉ dạy ông một bài kệ rất ngắn: Nghe chỉ là nghe, thấy chỉ là thấy, ngửi nếm đụng chỉ là ngửi nếm đụng, suy tư chỉ là suy tư. Ở đây không có ta, không có người, không có bỉ, không có thử, không có so sánh kiêu mạn, hơn bằng thua kém ở đây. Với một người như Bāhiya Daruciriya nghe như vậy là đủ rồi. 

Ở đây cũng vậy, chúng ta sanh tử luân hồi là vì có danh sắc. Danh sắc là do tập khí sinh tử mà ra. Bây giờ đã đến lúc ôn lại câu thần chú: Do vô minh trong Tứ Đế không biết mọi hiện hữu là khổ, không biết 6 ái là nguồn sanh khổ, không biết có một cứu cánh nằm ngoài khổ và tập và không biết Bát chánh đạo là con đường dẫn đến diệt đế. Bốn thứ không biết này là vô minh trong Tứ Đế. Chính vì bốn vô minh này mới dẫn đến ba hành. 

Nguyễn Duy Cần viết cuốn Đạo Phật Tinh Hoa nghe hoành tráng, nhưng đặc biệt Việt Nam mình không bao giờ có một định nghĩa đàng hoàng về 12 duyên khởi. Chữ “hành” cứ lan man, quí vị cứ vào google.com tìm chữ “12 duyên khởi”, “thập nhị nhân duyên” hoặc “y tha khởi”, sẽ thấy những định nghĩa không dùng được trong tất cả 99%. Mãi đến sau này trong nước có le lói vài cuốn sách có định nghĩa dùng được. Chín mươi chín phần trăm này không phải tham khảo từ nguồn kinh điển Pāḷi mà từ nguồn nào đó nên rất mơ hồ. 

Một chuyện đáng buồn nữa là hôm nay nếu chúng ta gặp Phật tử Miến Điện, Tích Lan mà hỏi họ “Sơ thiền là gì?” thì sẽ nghe câu trả lời giống nhau: “Sơ thiền là sự lìa bỏ 5 triền cái, là một thứ tâm có đủ 5 chi thiền. Nếu trạng thái tâm này tiếp tục được duy trì cho đến lúc mệnh chung thì người đó sẽ sanh về cõi Sơ thiền có được tuổi thọ một phần ba đại kiếp”. Đây là một định nghĩa bắt buộc và luôn luôn phải nói như vậy khi nói về Sơ thiền. Còn Việt Nam mình khi nói về thiền thì mạnh ai nấy nói, cầm một ly trà uống chậm chậm cũng là thiền, múa thái cực quyền dưỡng sinh cũng là thiền, có một góc sân nhỏ nhỏ trồng cỏ với những cây bonsai và tượng Quan Âm cũng là thiền, cuối tuần họp mặt nhau nấu bữa cơm chay ăn rồi tụng kinh Thủy Sám, Di Đà, Phổ Môn gì đó rồi cũng gọi là thiền. Thiền của mình mơ hồ lắm. 

Cũng vậy, khi nói “vô minh duyên hành”, thấy chữ “hành” là cứ phán “hành” là hành động. Trong kinh điển Pāḷi rất là rõ ràng chỗ này, vô minh là gì, [1] vô minh là sự không biết trong Bốn Đế: 1/ Không biết mọi hiện hữu là khổ (vô minh trong khổ đế), 2/ Không biết tham ái là gốc của khổ (vô minh trong tập đế). 3/ Không biết một cứu cánh chấm dứt cả khổ và tập (vô minh trong diệt đế) 4/ Không biết Bát chánh đạo là con đường dẫn đến diệt đế (vô minh trong đạo đế). 

Chính vì vô minh này nên mới dẫn đến 3 hành: 1/ Phi phúc hành: nghĩa là giải quyết bằng cách bằng cách làm điều ác, sống chìm sâu trong 12 bất thiện (8 tham, 2 sân, 2 si). 2/ Phúc hành: giải quyết cái khổ bằng cách làm lành lánh dữ, tu nhân tích đức, để chết sanh trở lại được làm trời, làm người, mang thân ngon lành hơn, hoặc sanh về cõi Dục Thiên hoặc các cõi Phạm thiên hữu sắc. 3/ Bất động hành: những người đã nhàm chán các tầng thiền Sắc Giới, chuyển sang tu tập các tầng thiền Vô Sắc để lìa bỏ thế giới vật chất. 

Bởi vì chúng sanh ở thế gian này chia ra nhiều cấp, có người chìm đắm đam mê trong năm dục, có người khá hơn, nhàm chán năm dục, sống trong thiền định nhưng còn lệ thuộc trong thân tướng, đề mục tu thiền vẫn là sắc pháp, cảnh giới vẫn là sắc pháp. Có người cao cấp hơn nhàm chán hình danh sắc tướng này họ hướng đến tầng thiền cao hơn là tầng thiền Vô Sắc Giới, chỉ có tâm thức chớ không có vật chất sắc pháp. Dù ở cõi nào đi nữa, sống hết tuổi thọ cũng trở lại cõi thấp nhất – cõi Dục Giới, nếu may mắn gặp minh sư thiện hữu thì tiếp tục tu hành thì ok, nếu xui mà không gặp, tự mình rất khó ngoi lên lắm. 

Bởi vì dòng luân hồi nói ra buồn lắm, Đức Phật dùng hình ảnh con rùa mù không phải dọa mình sợ mà thật sự như vậy. Cơ hội để mình làm lành khó lắm, ít lắm, ra đường nhắm mắt quơ tay là đụng toàn người xấu 1000%. Người xấu theo định nghĩa trong kinh điển Pāḷi không giống như định nghĩa ngoài đời, người xấu ở ngoài đời là người có tật ăn cắp, ăn trộm, giết người, hại người, gian trá lật lọng, không trắc ẩn, không thương người vv… nhưng trong kinh điển Pāḷi không định nghĩa nghèo như vậy, mà định nghĩa: Kẻ nào sống nhiều với tâm bất thiện thì đó là người xấu. Chỉ mới trong tâm thôi nghen, chứ không phải là hành động, đến mức bất thiện mà thể hiện ra ngoài thân nghiệp khẩu nghiệp thì quá sức nặng rồi, đằng này là chỉ là trong tâm thôi. 

Kẻ nào sống nhiều thời gian trong ngày trong đời cho phiền não, trong phiền não, bởi phiền não, kẻ đó được gọi là kẻ xấu, kể cả chúng ta đang ngồi trong room đây, kẻ đang nói và người đang lắng nghe, nếu cần phải nói chúng ta đang là người xấu. Chúng ta không có lý do nào ngại ngùng khi xác nhận chuyện này hết, trong một ngày 24 giờ đồng hồ, 99% thời gian chúng ta sống bằng tâm trời ơi đất hỡi, không tham thì sân, mà si thì có mặt trên từng cây số. Tham ở đâu thì si ở đó mà sân ở đâu thì si cũng nằm ở đó. Đối với người như mình thì tà kiến thường trực luôn, liên tục và liên tục. 

Mình nói vô ngã, vô thường, khổ không là nói cho vui vậy thôi chứ còn luôn luôn mình sống trong tâm niệm “tôi” và “của tôi”, lâu lâu chánh niệm, trí tuệ chen vô một chút. Cái biết của mình không đủ để trấn áp phiền não, trừ khi mình là một hành giả chuyên tu, liên tục ghi nhận đây là danh đây là sắc, nó đến rồi đi. Luôn luôn như vậy, thay vì ghi nhận tâm sân thì mình ghi nhận tâm sân đang vô thường, tâm tham đang vô thường, tôi đang hít vô thở ra bằng thọ hỷ và thọ hỷ này đang vô thường, chỉ một hành giả chuyên tu như vậy suốt ngày đêm thì may ra chớ còn 99% chúng ta sống trong tâm niệm đây là tôi, đây là của tôi.

Làm ơn bỏ giùm tôi cái suy nghĩ “tôi là Phật tử”, cứ tưởng mình là Phật tử. Cái mình nhớ không phải là Phật tử mà là sự vô thường của danh sắc, nhớ nhân quả báo ứng. Luôn nhớ đây là nhân xấu, đây là nhân thiện, đây là quả thiện, đây là quả xấu, suy tưởng về nhân quả hoặc suy tưởng về Tam tướng. Nếu không sống trong tâm niệm này, chúng ta sẽ luôn sống trong phiền não, tà kiến, ngã mạn. Người xấu là như vậy. 

Nếu đã phân tích rốt ráo như vậy rồi thì trong dòng luân hồi, cơ hội nào để mình làm thiện đây? Hiếm lắm! Nếu mình được gặp Phật, gặp hiền thánh, họ dạy cho mình hành thiền, đắc thiền Phi tưởng phi phi tưởng, về trời sống 84 ngàn đại kiếp rồi hết hạn lọt xuống đây nữa rồi sao, huơ tay gặp lại toàn trời ơi đất hỡi không làm sao mình có cơ hội nhớ lại chuyện xưa để mà tu hành dù trong kinh có nói người từ cõi trên xuống lòng họ hiền thiện lắm, nhưng nếu không chuyên tu thì hiền thiện đó không có cơ hội phát triển. Trong một khu vườn hoang có dăm ba hột đậu, sầu riêng, trong khi mênh mông toàn cỏ hoang mọc đầy cỏ gai ngập lối thì làm sao những hột này phát triển. 

Bằng mọi giá phải huân tu công đức, tác ý đến chuyện lìa bỏ danh sắc chớ đừng nghĩ đến chuyện “hội nhập ta bà phổ độ chúng sinh”, yếu người đừng đi nắng. Chỉ có những người đại hùng đại lực họ liệu cơm gắp mắm, họ biết người như họ không thể đi một mình, họ phải đi chung, họ không thể đi ké thuyền bè của người khác mà hoàn toàn có sức đóng hẳn một chiếc tàu lớn chở nhiều người, người đó gọi là Bồ tát Chánh Đẳng Giác, họ gồng mình chịu đựng lăn trôi đời này qua kiếp khác, huân tập Ba-la-mật để thành Phật độ sinh. Vì sao trong kinh điển Pāḷi không mặn mà với chuyện kêu gọi thành Phật? 

Không có trường đại học nào dạy người ta làm tỷ phú hay dạy người ta cách kiếm giải Nobel mặc dù có nhiều trường (Yale, Standford, Oxford, Harvard…) mà nhiều sinh viên xuất thân từ đó lãnh giải thưởng này, giải thưởng kia trên thế giới, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là các trường đó chuyên đào tạo những người như vậy. Quả vị Chánh Đẳng Giác khó kinh hoàng chớ không dễ, nên không thể bịa ra lý tưởng Bồ tát, Phật đạo… 

Chỉ cái chuyện lìa bỏ năm uẩn, lìa bỏ danh sắc đã khó rồi cực kỳ rồi. Quí vị thử một lần bị sốt, bị chóng mặt, tiêu chảy… lúc đó không còn bụng dạ nào nghĩ đến chuyện tế độ quần sanh. Đừng nói chi đến Bồ tát đạo, Bồ tát giới, chỉ chuyện căn bản bớt tham bớt sân bớt si, không có kiêu ngạo ích kỷ mà vừa bị chạm vào đã nổi điên rồi. 

Có câu chuyện một vị kia gõ cửa thiền sư xin ngủ nhờ: Thưa ngài con là một người phú thương, lỡ đường, ngủ ngoài sợ trộm cướp nên xin ngủ trong am của ngài. Thiền sư nói, trong này chật lắm, không chứa nổi phú thương, đại gia đâu. Ông kia phải sửa lại, con chỉ là khách lỡ đường. Lúc đó thiền sư mới chứa. Đường luân hồi là hành trình vạn lý, hành lý trên vai mình càng gọn càng nhẹ chừng nào thì càng dễ đi. 

Tôi nhớ có lần tôi vào trong tiệm bán đồ thể thao, họ có tấm banderole viết mấy chữ rất dễ thương “go fast, go light, go small”. Ai biết tiếng Anh thì bắt lỗi câu này sai văn phạm, nhưng người Mỹ họ không quan tâm điều đó. Ba lô, lều, đôi giày, nón, dao búa… đều rất là nhẹ. Búa kềm rớt dưới nước bảo đảm không chìm vì phần chịu ma sát ở đầu búa đầu kềm dát bằng kim loại còn phần còn lại cán búa hoặc tay cầm đều bằng nhựa. Đối với một người muốn đi du lịch, cắm trại, thì hành trang càng gọn nhẹ càng tốt. 

Tu hành cũng vậy, bỏ bớt những gánh nặng không thật sự cần thiết, vì vậy phải phân biệt cái gì mình cần và cái mình thích. Nếu mình lăn lóc ngoài chợ đời mà chỉ tập trung lo cho cái mình cần thôi thì đỡ cực khổ nhiều. Khổ một nỗi chúng ta dành quá nhiều thời gian công sức cho cái mình thích, đó mới làm khổ mình. Để nuôi sống mạng của mình, mình hoàn toàn có thể sử dụng thực phẩm nước uống rẻ tiền, đằng này mình cứ chạy theo cái mình thích nên mình khổ. Vì vậy trong bài kinh này dạy rằng: chỗ nào lìa bỏ danh sắc thì chỗ ấy sẽ được giải thoát. Trong kinh khi mô tả một vị A-la-hán thì định nghĩa thế này: “vusitavā: người phạm hạnh đã thành, katakaranīyo: chuyện nên làm đã làm, ohitabhāro: gánh nặng đã đặt xuống”

Người có chút tương chao chỗ này mới thấm: “gánh nặng đã đặt xuống”. Mỗi ngày bước vào phòng tắm là đã phiền rồi, không tắm thì ai chịu nổi, cần phải có nhà tắm, có nước, có xà bông, khăn lau…Nói đến chuyện ăn, thức ăn dư bỏ vào thùng rác gớm cỡ nào mà sao mình bỏ vào miệng mình không gớm. Thùng rác mới mua chưa qua sử dụng, 4 món ăn thừa mới ăn trên bàn, nếu đổ vào thùng rác, biểu mình thò tay vào thì mình không dám rồi vậy tại sao bỏ vào miệng mình không gớm. 

Đối với hành giả, ăn là gánh nặng, tắm rửa cũng là gánh nặng, giặt đồ cũng là gánh nặng, mất công mất thì giờ. Bụi trong nhà mình 70% là da khô, tế bào chết của mình, biết được như vậy khi mình đặt chân vào nhà người khác, nằm trong giường người khác gớm cỡ nào. Trong quan hệ xã hội, phải thù tạc qua lại với láng giềng, bè bạn, người thân, đồng nghiệp, sếp … tất cả mình phải đương đầu giải quyết bao nhiêu chuyện thì còn tâm trí đâu mà lo cho Phật pháp. 

Mang thân người với chừng đó gánh nặng, thiếu công đức, chết đọa xuống; còn đắc thiền về trời rồi sau đó cũng trở xuống, cơ hội thành trùn thành dế rất dễ dàng. Con trùn chỉ là trùn giống như bánh hỏi nằm một nùi dưới cống, mấy đứa bé vớt về bán cho người ta nuôi cá. Nếu mình sanh làm một con trong đó thì kinh hoàng cỡ nào. Ngày xưa tôi ở Đồng Nai, một gò mối không biết bao nhiêu con, những đêm trời mưa để đèn dầu nó bay mù trời, nếu một lần chui vào thân con trùn con mối như vậy cơ hội trở ra khó biết là bao, làm thân con người còn tiếp xúc với minh sư thiện hữu để huân tu công đức còn có cơ hội để trồi lên. Còn chun vô cảnh giới tăm tối đó thì làm sao lên, phải nhờ đến cái tiền nghiệp quá khứ tên gọi là “hậu báo nghiệp”.

[28] Bốn loại nghiệp.

Có bốn loại nghiệp: hiện nghiệp, sanh báo nghiệp, hậu báo nghiệp, vô hiệu nghiệp

Trong dòng sanh tử luân hồi đăng đẳng này, chúng ta luôn luôn tạo nghiệp mới lúc thiện lúc ác, loại nghiệp nào cho quả ngay đời sống hiện tại gọi là “hiện nghiệp”, loại nghiệp nào cho quả ngay đời kế tiếp theo kiếp này gọi là “sanh báo nghiệp”, “hậu báo nghiệp” là loại nghiệp cho quả từ kiếp thứ ba trở đi kéo dài cho đến bao giờ không còn hiệu lực nữa hoặc là khi mình viên tịch Niết-bàn thì thôi. Nghiệp thứ tư là “vô hiệu nghiệp” là nghiệp mà do một lý do nào đó không cho quả, hoặc đến lúc trổ quả thì gặp một thứ nghiệp khác trổ quả cùng lúc mạnh hơn lấn lướt, hoặc chưa kịp trổ quả thì đương sự đã nhập Niết-bàn, hoặc là lúc trổ quả đương sự đang ở trong hoàn cảnh không thể trổ quả được. 

Ví dụ nghiệp sát sanh của tôi phải bị người ta đánh, giết, yểu thọ, nhưng thời điểm trổ quả tôi đang ở trên cõi Phạm Thiên, hoặc điều kiện hoàn cảnh không hợp cho việc trổ quả đó, thì nghiệp sát sinh đó là vô hiệu nghiệp. Vô hiệu nghiệp có nhiều trường hợp, chẳng hạn như khi tôi đắc Sơ Thiền, tôi đang gieo nhân cõi Sơ Thiền, sau đó tôi lại đắc thêm Nhị Thiền thì tôi chết sanh về cõi Nhị Thiền, lúc bấy giờ nghiệp Sơ Thiền kia coi như là vô hiệu nghiệp. 

Những côn trùng giun dế đi lên bằng hậu báo nghiệp, nhưng sau một thời gian dài sống tăm tối mà lên mang thân người thì rất khờ, khả năng trí tuệ là zero, nếu may mắn gặp minh sư thiện hữu kèm cặp dạy dỗ mình thì may ra mới “phục hồi nhân phẩm” trở lại. Tội của danh sắc là như vậy đó. Muốn danh sắc vắng mặt thì trước hết ta phải nhàm chán danh sắc. Nhàm chán bằng cách nào? Toàn bộ bài học này là để cho chúng ta nhàm chán, chứ đừng có dệt mộng rằng ta sẽ xây dựng cõi tịnh độ nhân gian hay thiên đường hiện tiền, thế giới đại đồng coi như là anh em, hy vọng một ngày ngủ không cần đóng cửa, của rơi ngoài đường không ai lượm, người người nhìn nhau bằng ánh mắt người thân vv…

Giàu như nước Mỹ cũng có một tỷ vấn đề, tuổi trẻ được ăn học đàng hoàng, có nghề nghiệp đảm bảo, nhưng khi có vợ có chồng tỉ lệ li dị rất cao vì cả hai đều có khả năng sống độc lập. Có hai vợ chồng người Đức ở với nhau mười mấy năm mà không cưới, người chịu tiền điện kẻ chịu tiền nước. Cuộc sống sung sướng quá họ sợ sanh con, nên xã hội thặng dư người già. Không gì thê thảm cho bằng giữa mùa đông tuyết giá có những người già rất giàu một mình cô đơn đẩy xe hàng đi chợ, leo lên xe bus, theo sau là con chó, một ngày nào đó chết một mình thì nhân viên xã hội đến mang đi. Suốt một thời tuổi trẻ đi làm, một phần lương dành đóng bảo hiểm cho tuổi già, một thế giới thiên đường như vậy đó. Tuổi trẻ làm ra tiền để có một tuổi già trong viện dưỡng lão sang trọng tiện nghi, nhìn là muốn già liền. Các cụ trong đó toàn những cao thủ võ lâm tai không thèm nghe mắt không thèm thấy!!!

Tóm lại, “Chỗ nào nước chảy ngược? Chỗ nào nước xoáy dừng? Chỗ nào danh và sắc, Ðược đoạn diệt, không dư? là vậy đó. Lâu nay mình sống xuôi theo dòng đời, giờ đây mình sống ngược lại, danh sắc không còn tiếp tục có mặt nữa. Hồi đó đến giờ mình luân hồi vì mình thích cái này thích cái kia, giờ mình không thèm thích nữa, mình sống ngược dòng đời, và cứu cánh Niết bàn cũng là cái gì đi ngược lại những thứ mà chúng ta đang sống nghĩa là một sự phủ định toàn diện mọi hiện hữu. Đó là nội dung bài kinh Nước Chảy

GIÀU LỚN

Bài kinh này giống bài kinh trước một chỗ là danh tánh và nhân thân của người hỏi không được nêu rõ mà chúng ta chỉ có một câu kệ là câu hỏi và câu trả lời của Đức Thế Tôn:

“Sát-đế-lỵ giàu lớn,
Tài sản, quốc độ lớn,
Luôn luôn ganh tị nhau,
Hưởng dục không biết ngán,

Giữa người sống dao động,
Trôi theo dòng tái sanh.
Ai bỏ tật và ái,
Không dao động giữa đời.

(Thế Tôn):

Vị xuất gia bỏ nhà,
Bỏ con, gia súc, thân,
Bỏ tham và bỏ sân,
Và từ bỏ vô minh,
Bậc Lậu tận, La-hán,
Không dao động giữa đời.”

Thật ra không phải là câu hỏi, mà là câu phát biểu, câu tâm đắc của người nào đó thưa với Đức Phật đại ý là: Trên đời này đám nhà giàu chỉ hưởng dục và đấu đá nhau, vì thói quen ganh tị. Câu này nói giống y tâm trạng phàm phu của chúng ta. Mình sung sướng hưởng thụ thì được nhưng ai hưởng thụ giống mình thì mình ghét. Người trình lên Đức Phật nói rằng, những người trên đời này mà ngon lành bảnh bao cũng toàn hưởng thụ ganh ghét lẫn nhau thôi, theo con nghĩ ai bỏ được thói quen hưởng thụ và ganh tị thì giải thoát (“Không dao động giữa đời.”) Trong suy nghĩ của người này là không tiếp tục hưởng thụ và thói xấu ganh ghét là giải thoát, bởi vì người này chỉ chú ý hai điều đó. 

Đức Phật điều chỉnh suy nghĩ của người ấy lại: Phải thế này mới rốt ráo, Phải lìa bỏ hết mọi sở hữu vật chất, bỏ luôn những gánh nặng về tinh thần (tham, sân, vô minh) thì mới giải thoát. (Giống như balo của người du lịch, chỉ mang theo những gì thật sự cần thiết, trên đường đi tiếp tục bỏ nữa, ăn xong bỏ vỏ bỏ hột). Phải lìa bỏ nhà cửa, vợ con tài sản (“Vị xuất gia bỏ nhà, Bỏ con, gia súc, thân”). 

Trong bối cảnh Ấn Độ thời đó và các xứ nông nghiệp, gia tài không có gì khác ngoài gia súc gia cầm. Con bò rất quan trọng vì cung cấp sức lao động cày bừa, sữa uống. Sữa là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng, dân tộc nào biết uống sữa tươi thì họ rất to con, như Mông Cổ, Tây Tạng. Dân VN mình hiếm khi cả nhà uống sữa tươi, chứ những dân tộc dù nghèo như Tây Tạng họ vẫn to con vì uống sữa. Người Ấn coi gia súc rất quan trọng vì đó là một phần đời buồn vui của họ (trâu cày, bò cho sữa, cừu cho áo quần). 

Vị này đã phác họa lên diện mạo của đời sống, những người giàu sống chìm đắm trong sự ganh ghét, và người nào bỏ được ganh ghét thì giải thoát và Đức Phật nói rằng phải bỏ hết mới rốt ráo.

BỐN BÁNH XE

“Bốn bánh xe, chín cửa,
Ðầy uế, hệ lụy tham,
Chìm đắm trong bùn nhơ,
Ôi, thưa bậc Ðại Hùng,
Sanh thú người như vậy,
Tương lai sẽ thế nào?”

(Thế Tôn):

“Cắt hỷ và buộc ràng,
Dục tham và tà ác,
Ái căn được đoạn tận,
Sanh thú sẽ như vậy.”

“Bốn bánh xe” (cakka) chỉ cho 4 oai nghi (iriyapatha). Bà con nhớ những chữ này phải nhớ chữ Pāḷi, chứ biết tiếng Việt không thì không đủ, ai già gần chết chuẩn bị thiền định để đi thì không nói, ai còn chút niềm tin đi xa xa thì nên nhớ chữ Pāḷi để đi tu thiền ở xứ quốc giáo; người ta không dịch, họ xài luôn chữ Pāḷi. 

Bên Thái việc xài tiếng Pāḷi bình thường, nhiều như tiếng Việt chen từ Hán Việt. Trong một buổi nói chuyện khoảng 15 phút từ Hán Việt chiếm phần rất lớn. Trong tiếng Anh, Pháp Đức, Bồ, Tây Ban Nha, lượng từ La tinh, Hy Lạp rất lớn. Ở Thụy Sĩ có một ngôn ngữ ít người sử dụng, nơi vùng núi, tiếng Roman, được xem là ngôn ngữ cổ những vẫn còn người sử dụng. Người nào biết được tiếng này thì sẽ nghe hiểu được nhiều thứ tiếng khác ( ví dụ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý), cũng vậy, học tiếng Pāḷi sẽ biết được thêm cái khác thì rất nên.

Chín cửa (cửu khiếu) (dvāra) gồm: 2 mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi, miệng và chỗ bài tiết đại – tiểu tiện.

“kathaṃ yātrā bhavissatī”: cuộc đi đường dài. Kathaṃ (how),

Chữ ‘yātrā’ là cả vấn đề ở đây, trong tiếng Sanskrit cổ (trước thời có internet điện thoại) có nghĩa là “một cuộc đi đường dài”, nhưng hôm nay tại Ấn Độ người ta dùng tiếng Hindi pha lẫn Sanskrit, họ vẫn dùng chữ ‘yātrā’ này với nghĩa: ‘du lịch’ (travel, tourism). Trong tiếng Pāḷi, yātrācũng có nghĩa là “một cuộc đi dài, một hành trình vạn lý” nhưng còn thêm một nghĩa nữa là ‘nhưng còn thêm một nghĩa nữa là ‘niggamana’ (‘chung cuộc’, ‘điểm đến’, hay là ‘chỗ kết thúc’).

Ở đây vị này hỏi Đức Phật: Bạch Thế Tôn với một hình hài trong ngoài đều bất tịnh như vậy thì Ở đây vị này hỏi Đức Phật: Bạch Thế Tôn với một hình hài trong ngoài đều bất tịnh như vậy thì chung cuộc của nó phải như thế nào? Không lẽ ngoài dơ trong dơ và cứ thế mà đi suốt đời này rồi kiếp sau cũng thế hay sao, phải có chỗ kết thúc chứ, vậy kết thúc như thế nào: “kathaṃ yātrā bhavissatī’’ti”. Đức Phật trả lời: “Chetvā naddhiṃ varattañca, icchā lobhañca pāpakaṃ; Samūlaṃ taṇhamabbuyha, evaṃ yātrā bhavissatī’’ti”: chỉ có bỏ tham ái mới hết khổ được.

Muốn hết khổ phải lìa bỏ danh sắc, muốn lìa bỏ danh sắc phải nhàm chán chúng và hành trì Tam học, đọc kỹ mấy dòng trên sẽ thấy ngay lý Tứ Đế. Trách nhiệm của người tu Phật là hiểu khổ đế, diệt tập đế, chứng diệt đế và hành đạo đế; đúng như bài kinh Chuyển Pháp Luân dạy: hiểu rốt ráo khổ đế, lìa bỏ được tập đế, chứng ngộ được diệt đế và hành trì đạo đế.

Tập đế tạo ra khổ đế, nhưng đạo đế dẫn đến diệt đế. Niết Bàn không do nhân nào tạo hết, cái gì do nhân tạo thì sẽ do nhân diệt mà Niết bàn thì không phải do nhân tạo. Muốn tiếp tục có khổ đế thì đầu tư tập đế. Đầu tư kiểu nào? Anh muốn khổ kiểu nào thì đầu tư kiểu ấy, muốn khổ kiểu Dục Giới thì đầu tư dục ái, muốn khổ kiểu Sắc Giới thì đầu tư sắc ái, muốn khổ kiểu Vô Sắc Giới thì đầu tư vô sắc ái, còn nếu không muốn khổ thì đừng đầu tư nữa.

[29] Khổ

Khổ trong kinh Phật nguyên thủy gồm 3 ý nghĩa:

1. Khổ khổ (dukkha dukkha): sự có mặt của những gì khiến ta khổ thân, khổ tâm. Người đời thường nói “nói đời là biển khổ” tức là loại khổ này.

2. Hoại khổ (viparināmadukkha): sự vắng mặt của những gì khiến ta hạnh phúc. Trưa nắng chang chang trời nắng quá là khổ khổ, cái quạt đang chạy bị cúp điện thì sự biến mất của mát mẻ cũng là cái khổ. Tại sao trong kinh nhắc đến khổ này, vì có những người sung sướng đến mức nghe nói cái khổ họ rất mơ hồ. 

Có người không hề biết là trên đời này có chuyện “muốn mà không được”. Trong kinh có ngài Anuruddha, ngài là người không hề biết chữ “không có”, bất cứ cái gì ngài cần là có, nếu không có thì có chư thiên giúp ngay. Có người suốt đời sung sướng từ lúc sinh ra đến khi lớn lên trong hoàn cảnh đầy đủ điều kiện, dung mạo đẹp đẽ, nên cái “khổ khổ” họ rất mơ hồ, nhưng chắc chắn là sẽ có “hoại khổ”, ví dụ, đói thì ăn thấy ngon, nhưng no rồi thì nặng nề, đó chính là hoại khổ; ngồi lâu cho dù ngồi ở trên du thuyền hay máy bay cũng mỏi, đó là hoại khổ.

3. Hành khổ (abhisankhāradukha): tất cả sự hiện hữu ở đời đều lệ thuộc các điều kiện nhân duyên mà có.

Sự lệ thuộc này là một cái khổ. 99% những người tôi gặp mặt kể cả Phật tử quan tâm cái khổ thứ ba này không nhiều. Quí vị đang ngồi trước máy nghe tôi nói chuyện được là nhờ vô số nhân duyên: răng không nhức, đầu không nhức, không đau bao tử, chồng con, ba má ông bà trong nhà không làm phiền quí vị, trong nhà không có mùi lạ, everything ok thì mới có thể ngồi nghe. Các vị có quyền nghèo khó, có quyền giàu có việc đó tôi không chịu trách nhiệm nhưng các vị phải lệ thuộc nhiều điều kiện giống nhau mới có mặt trên trái đất này và bây giờ ngồi yên trước máy giờ này lắng nghe tôi nói chuyện. Sự lệ thuộc đó gọi là hành khổ

Bài kệ có thể diễn dịch lại như thế này, vị này hỏi Đức Phật:

“kathaṃ yātrā bhavissatī”: Con phải đi về đâu với một cuộc hiện hữu buồn như thế?
Catucakkaṃ navadvāraṃ, 4 bánh xe và chín cái cửa
puṇṇaṃ lobhena saṃyutaṃ; Bên trong đầy ắp những tham
Paṅkajātaṃ mahāvīra, Sống nhơ bẩn như đẻ ra trong bùn
kathaṃ yātrā bhavissatī’’ti. Con biết đi đâu về đâu với một hiện hữu buồn như thế (thưa Đấng đại hùng)

Đức Phật trả lời: Hãy bỏ hết đi con, nhổ lên cội rễ tham ái thì hiện hữu buồn đó không còn nữa, hãy lấy xăng ra khỏi xe, tháo bánh xe ra khỏi xe, đừng đi nữa.

Trong Tăng Chi Bộ kinh có bài kinh Đức Phật nói như thế này: Chúng sinh phàm phu giống như một con thuyền mới còn chạy tốt và được duy tu bảo dưỡng thường xuyên, trong khi đó vị thánh hữu học giống như một con tàu bị kéo lên bờ, vị thánh A-la-hán giống như con tàu đã mục nát chỉ chờ thành bụi. Mỹ có câu danh ngôn thế này: “Thuyền đậu ở bến thì an toàn, nhưng sự an toàn đó không phải là lý do để người ta đóng thuyền.” (A ship in harbor is safe, but that is not what ships are built for – J. A. Shedd). 

Trong dòng sinh tử luân hồi còn tham sân si, chúng ta còn đầu tư xây dựng sự hiện hữu của mình, nhưng một ngày nào đó mệt mỏi quá thì luân hồi chỉ là sự lặp lại tẻ nhạt vô vị và buồn chán. Triết gia Pháp, Jean Paul Sartre, ông này có suy nghĩ rất giống Phật Giáo và nói rằng cuộc sống này đáng buồn nôn, chỉ là sự lặp lại tẻ nhạt. (Tác phẩm La Nausée/The Nausea). 

Do nghiệp dục giới mình sanh làm người cõi dục, bị nóng bị lạnh nên mình mới có nhà cửa ăn mặc, vì bị đói khát nên mới ăn uống. Và phải đói khát nên ăn uống mới ngon miệng, cứ như thế lặp lại hết đời này sang đời khác, đến một kiếp sống nào đó, do nhân duyên điều kiện đặc biệt nào đó, do môi trường bối cảnh nào đó chúng ta tu thiền Sắc Giới, chúng ta về các Phạm cung ở trên đó, không còn thích thú trong năm trần nữa, chỉ biết hành thiền và sống trong hỷ lạc, hết tuổi trời quay trở lại xuống nhân gian tiếp tục “con đường xưa em đi” như “những ngày xưa thân ái” vậy, vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại. 

Saṅsāra, là sự trùng phục, tái hiện, tái diễn, lặp đi lặp lại. Vì tập khí trầm luân khiến cho mình chấp nhận, vì nghiệp dục giới nên phải mang thân nhân loại ở cõi Dục, (Cõi Dục Thiên thì hiếm lắm), làm con trùn con dế, thích thú với điều kiện môi trường của con trùn con dế, càng thích thú thì càng ghim sâu gắn chặt vào môi trường đó. Thấy nó ngọt ngào là vì do khuynh hướng tâm lý và điều kiện sống buộc phải thích điều đó. Một anh ăn mày vẫn có bữa cơm tối rất ngon, anh ta trải tờ báo làm cái bàn, chỗ ngồi dù có ruồi muỗi hay mưa bay lất phất nhưng anh ta vẫn thấy ngon vì anh ta đã xác định rõ mình là ăn mày, không đòi hỏi gì nhiều, lại đang đói, thức ăn đang ấm nóng, cứ thế anh ta ăn rất ngon và với niềm vui đó anh ta tiếp tục làm ăn mày. 

Đồng Đức Bốn có câu thơ:

Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày!

Câu thơ này đối với tôi rất là sâu sắc. Ý nghĩa sâu sắc ở chỗ mình khổ quá, mình đi tìm đến Phật, Phật dạy cho mình đủ điều nhưng khổ thay lời Phật dạy không vừa với tạng phủ, không vừa với căn cơ trời ơi của mình. Thế là sau khi nghe pháp Phật xong mình vẫn tiếp tục vùi sâu cắm chặt vào cõi trầm luân khổ ải của mình. Khổ quá con tìm về với Phật mà lời kinh Phật không cứu được con thôi con tiếp tục đi ăn mày vậy. Nếu mình có một cái nhìn nặng về Phật chất thì nhìn đâu cũng thấy Phật pháp hết, cái gì cũng có thể học được nhiều điều hay.

CON SƠN DƯƠNG

“X. Con Sơn Dương (S.i,16)

Chân như chân sơn dương,
Vừa thon lại vừa mạnh,
Ăn uống có chừng mực,
Không tham lam, say đắm,

Như sư tử, voi rừng,
Ðộc hành, không dục vọng.
Sau khi đến, con hỏi,
Làm sao thoát khổ đau?”

Quí vị đang đọc bản dịch tiếng Việt của Hòa Thượng Thích Minh Châu, tôi xin mạo muội đề nghị quí vị tạm thời sử dụng bản dịch này bài kệ sẽ sáng hơn:

“Nay con xin hỏi Thế Tôn, bậc đầy đủ các phước tướng, làm sao thoát khỏi khổ đau”

Nếu chỉ đọc bản tiếng Việt mà không ngó bản Pāḷi thì thật tình không có đường hiểu. 

Chánh văn Pāḷi:

10. Eṇijaṅghasuttaṃ

“Eṇijaṅghaṃ kisaṃ vīraṃ, appāhāraṃ alolupaṃ;
Sīhaṃ vekacaraṃ nāgaṃ, kāmesu anapekkhinaṃ;
Upasaṅkamma pucchāma, kathaṃ dukkhā pamuccatī”ti.
“Pañca kāmaguṇā loke, manochaṭṭhā paveditā;
Ettha chandaṃ virājetvā, evaṃ dukkhā pamuccatī”ti.

Nguyên bài kệ Pāḷi nếu các vị để ý sẽ thấy các danh từ trong toàn bộ cả bốn câu: câu 1, câu 2, câu 3, câu 4 đều được chia ở cách thứ hai của danh từ. (Dutiyavibhatti, thuật ngữ văn phạm tiếng VN gọi là ‘đối cách’. Nghĩa là một danh từ Pāḷi được thông thường được chia thành 8 cách. Cách 1: Chủ cách, khi danh từ ở vị trí chủ từ của câu; nếu là số ít thì cách số 1 số ít, nếu là số nhiều trở lên thì chia thành chủ cách số nhiều. Cách 2: Danh từ là đối tượng trực tiếp của động từ. Cách 3: Danh từ được dùng ở ý nghĩa phương tiện hành động, thí dụ như trong câu: “Tôi ăn cơm bằng muỗng”.“Muỗng” là danh từ cách 3. Cách 4: Danh từ là đối tượng gián tiếp. Cách 5: Danh từ mang ý nghĩa xuất xứ; ví dụ “Tôi đang nhặt sợi tóc lên từ cái muỗng, tôi lấy sợi tóc ra khỏi cái muỗng”; “muỗng” ở đây là danh từ chia theo cách 5 v.v… đại khái như vậy).

Trong câu kệ này, những danh từ trong câu 1, 2, 3, 4 đều được chia theo cách 2, số ít. Những danh từ trong câu này là đối tượng trực tiếp của động từ, nên dịch lại rất gọn:

“Nay con xin hỏi Thế Tôn, bậc đầy đủ các phước tướng, làm sao thoát khỏi khổ đau”. Theo văn phạm Pāḷi, “Thế Tôn” là đối tượng trực tiếp của động từ “hỏi”; “bậc đầy đủ các phước tướng” là gồm những danh từ được chia ở cách thứ 2, là đối tượng trực tiếp. Đó là lý do vì sao mình nhìn bản tiếng Việt thì mịt mù mà ngó vào bản Pāḷi thì ok. 

Chẳng hạn như người VN mình đọc Tâm kinh Bát Nhã: Quán tự tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa, nếu chỉ đọc bản Việt và Hán thôi thì khó hiểu được chữ “hành thâm bát nhã”. Câu Pāḷi là: “Gambhirayam prajnaparamitam”, Gambhirayam nghĩa là sâu sắc, (tính từ). Trong câu “Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa” này, chữ “thâm” không phải là trạng từ nữa mà là tính từ của chữ Ba La Mật Đa, nghĩa là thực hành “Bát – Nhã- Ba- La- Mật- Đa – Sâu- Sắc” chớ không phải thực hành sâu sắc, miên mật Bát Nhã Ba La Mật Đa. Chữ “thâm” ở đây là của “Ba-La-Mật-Đa”. 

Đôi khi tôi đưa ra những ví dụ có vẻ không liên quan gì với bài giảng, nhưng ý tôi muốn nói là nhiều khi cần phải tiếp cận nguyên tác (original text) của kinh điển thì phần giải nghĩa chú thích mới rộng, mới chính xác hơn chứ còn thông qua bản dịch thì rất khó. Nếu hôm nay chúng ta đọc Kiều qua bản tiếng Đức tiếng Nhật gì đó thì khó lòng thấy cái hay của truyện Kiều mà phải đọc nguyên tác tiếng Việt của cụ Nguyễn Du.

Ở đây, phải dịch gọn thế này: “Nay con xin hỏi Thế Tôn, bậc đầy đủ các phước tướng, làm sao thoát khỏi khổ đau”. “Phước tướng” ở đây là gì?

“Chân như chân sơn dương,
Vừa thon lại vừa mạnh”

Đây là một trong ba mươi hai tướng của Thế Tôn. Vì sao chọn trích tướng này? Vì tùy người thích. Lần Thế Tôn từ cội bồ đề ra đi chuyển pháp luân ở Isipatana, ở Varanasi và đi hoằng pháp nhiều nơi, hai năm sau khi thành đạo Ngài trở về Kapilavastu cùng với hai mươi ngàn vị tỳ kheo hướng về cung điện của vua Tịnh Phạn. Lúc đó Bà Yasodhara đứng ở trên lầu, cầm tay của hoàng tử Rahula chỉ xuống đường và nói: Con có thấy vị Sa-môn đi giữa hai vạn tỳ kheo, người ấy chính là cha của con. Bà đọc một bài kệ rất dài và tả từng tướng một của Thế Tôn (Vị Sa-môn có màu da như vậy đó, răng trắng như vậy đó, dáng đi sư tử, sợi tóc xoắn về hướng phải như vậy đó v.v… đó là cha của con). Bà hoan hỉ với từng tướng tốt của Thế Tôn. 

Tùy người thích tướng nào thì họ tán thán tướng đó. Người hỏi ở đây không được nêu rõ danh tính hay nhân thân, chỉ biết là vị này thích tướng chân của Đức Phật. Trong kinh nói tướng này là do thuở xưa khi còn Bồ tát, Ngài sinh kiếp nào cũng vậy, trừ khi sa đọa thì thôi còn khi ở nhân loại mang thân người, làm cái gì cho mình hay cho người khác Ngài luôn nghĩ đến chuyện làm sao cho nhanh, cho gọn, cho nhiều kết quả. 

Trong đời sống hiện nay có nhiều người cứ theo lối mòn mà đi, xưa bày nay bắt chước, không có sáng tạo, kế thừa không phê phán, chưa kể có người do cuồng tín mù quáng không dám nghĩ một hướng đi riêng, nhiều khi đi một con đường rất tồi tệ mà không dám nhận xét nghi ngờ con đường dưới chân mình. Mẹ sinh mình ra rất tự do, không ràng buộc mình, vậy mà khi vào đời thì biết bao nhiêu ngục tù giam hãm mình. Những xiềng xích đó nhiều kiểu, khi bằng vàng, khi bằng sắt, bằng đồng, khi bằng bạch kim, nhưng cho dù nó có bằng sét rỉ hay bằng vàng mười đi nữa thì xiềng xích vẫn là xiềng xích. 

Chúng ta nhiều khi bị giam hãm suốt một đời trong xiềng xích của tôn giáo, chính trị, văn hóa, xã hội, thành một quan niệm đạo đức rất có vấn đề mà không dám thoát ra, và trong hành động cũng vậy, suốt đời cứ đi theo một lối mòn nào đó mà không có ý hướng sáng tạo, không nghĩ ra một con đường thoát, một giải pháp hay hơn, đẹp hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn, đó cũng là điều đáng tiếc trong cõi phù sinh này. 

Đức Thế Tôn là một người khi còn là phàm phu, trong mọi tình huống Ngài luôn luôn nghĩ ra mọi giải pháp hay nhất tốt nhất cho công việc Ngài đang theo đuổi. Chính hạnh lành này khiến cho khi thành Phật rồi, Ngài có một thân tướng rất đẹp, gồm có 32 đại nhân tướng. Riêng trong đó có một tướng được nhắc trong bài kinh này: “Chân như sơn dương”, nhờ Ngài biết từ bỏ lối mòn, và có vị nhắc đến tướng này vì vị ấy tâm đắc với cái hạnh của Ngài, hạnh biết từ bỏ lối mòn, biết nghi ngờ con đường dưới chân của mình và luôn nghĩ đến giải pháp hay nhất, đẹp nhất, tốt nhất, có nhiều hiệu quả nhất chứ không phải bỗng dưng mà họ thích cái tướng đó. Chính vì vậy nhân vật ấy đến hỏi Thế Tôn: Nay con đến hỏi Thế Tôn một người có hảo tướng đặc biệt như vậy, hảo tướng có từ tiền nghiệp đáng lưu ý như vậy, một người “ăn uống có chừng mực, không tham lam say đắm”.

“Như sư tử, voi rừng,
Ðộc hành, không dục vọng.”

Ở đây cần phải hiểu sư tử hay voi không phải lúc nào cũng độc hành đi một mình, voi rừng cũng vậy. Sở dĩ người hỏi như vậy là họ muốn nói những khi Thế Tôn sống độc hành một mình thì y hệt như sư tử, như voi rừng, đây là những loài mãnh thú có phong thú uy dũng, tự tại không có e sợ cái gì trong rừng. Không có gì làm cho Thế Tôn phải e dè sợ sệt như phàm phu chúng ta. 

Một trong những yếu tố khiến cho một người trở nên đại hùng đại lực là người này không sợ mất gì hết. Kẻ không sợ mất gì hết có hai hạng: 1/ Không có gì để mất. 2/ Tự tin rằng những cái mình có không thể mất được. Có ông bố dạy cho đứa con, hãy cẩn thận, trên đời này thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân, không còn gì để mất. 

Trên đời này mình ngại nhất là thánh nhân hoặc là hạng liều mạng, người không còn gì để mất. Hôm nay tại sao trong đời sống ta hay e dè sợ hãi, bởi vì ta sợ mất và sợ bị cái gì đó. Chỉ một trong hai thứ đó đã làm cho mình trở thành một thằng hèn rồi huống chi là cả hai. Đối với Đức Phật, Ngài không sợ bị mất cái Ngài đã được và không sợ bị gánh thêm cái gì bất như ý. “Độc hành không dục vọng”là như vậy đó.

Trong chú giải, chữ ‘ekacara’ là ‘độc hành’. Nếu mình để ý từng chữ sẽ học được nhiều điều trong bài kệ này:

1/ Hảo tướng của Ngài là do không theo lối mòn, luôn có những ý tưởng sáng tạo, tự cứu mình ra khỏi những khuôn sáo của nhân gian.

2/ Ăn uống có chừng mực. Trong chú giải giải thích:

‘Appāhā’: ‘ăn ít’. Ngài không ăn khi không cần thiết, lượng sinh tố trong một bữa ăn là đủ cho một ngày, thêm nữa chỉ có dư. Sau 10 giờ đêm thì thức ăn càng bổ chừng nào thì càng hại cho mình chừng nấy. Dây thắt lưng càng dài chừng nào thì cuộc đời càng ngắn. Không phải ở đây nói Thế Tôn sợ chết, “vikālabhojanapaṭikkhepavasena” có nghĩa là Ngài không ăn phi thời, chỉ ăn một lần đã đủ cho cơ thể của Ngài. 

Ngày ăn một lần thì có nhiều thì giờ cho việc khác, không mất thì giờ cho việc ăn và chuẩn bị thức ăn, và cơ thể không phải làm việc nhiều hơn. Đặc biệt trong chú giải có giải thích, ngay cả đối với thức ăn gì đi nữa thì Ngài cũng ăn vừa đủ và luôn dừng lại trước khi vừa đủ no; chẳng những thế, với tứ sự vật dụng người ta cúng dường, Ngài cũng không say đắm trong đó, vật chất Ngài sở hữu cũng chỉ là bình bát và tam y thôi không có thêm gì khác. Càng sở hữu nhiều khả năng mất mát càng lớn.

Có câu chuyện cô giáo hỏi học trò, làm thế nào để được tha lỗi, học trò đáp: Dạ trước hết phải phạm lỗi. Giống như câu chuyện đùa, nhưng gợi ý trong Phật pháp là mình chỉ sợ bị mất khi mình có cái để mất. Những người như chúng tôi không có thu nhập vậy mà mỗi lần đi xa sắp xếp hành lý thì rất là phiền, vì sợ quên, quên dây điện sạc phone, quên chai dầu gió, quên con dao… Mỗi lần như vậy ước gì có lục thông, muốn đi đến đâu thì có mặt không cần phải xách theo hành lý cồng kềnh. Lúc đó mới nghĩ thấy bậc thánh sướng thiệt, di chuyển nhanh và cả đời không lo gìn giữ gì hết. Làm sao để có đã là khổ, khổ kế tiếp là sợ mất nó, mang nó theo mình từ nơi này đến nơi khác lại là một điều khổ nữa. 

Bài kệ này tán thán Đức Phật những đức tính mà mình nên có: Thế Tôn là người thoát khỏi khuôn sáo, lồng chậu, lối mòn khuôn phép của nhân gian; Thế Tôn là người tự tại giữa đời, không muốn gì hết chỉ nhận những gì cần thiết ở mức cần và đủ; Thế Tôn luôn luôn độc hành. Trên cổ tay mà đeo hai chiếc vòng thì sẽ tạo tiếng khua, cuộc đời mà có hai người trở lên thì sẽ va chạm. Ở đâu có 6 căn mà gặp 6 trần thì va vào nhau. Một hành giả theo dõi tâm mình lúc thiện lúc ác, lúc buồn lúc vui, theo dõi hơi thở vào ra, theo dõi tứ oai nghi luôn xê dịch thay đổi, bao nhiêu đó đã mệt rồi, vì vậy hành giả không muốn đầu tư thêm hoạt động khác nữa. 

Giống như câu chuyện đùa, nhưng gợi ý trong Phật pháp là mình chỉ sợ bị mất khi mình có cái để mất. Những người như chúng tôi không có thu nhập vậy mà mỗi lần đi xa sắp xếp hành lý thì rất là phiền, vì sợ quên, quên dây điện sạc phone, quên chai dầu gió, quên con dao… Mỗi lần như vậy ước gì có lục thông, muốn đi đến đâu thì có mặt không cần phải xách theo hành lý cồng kềnh. Lúc đó mới nghĩ thấy bậc thánh sướng thiệt, di chuyển nhanh và cả đời không lo gìn giữ gì hết. Làm sao để có đã là khổ, khổ kế tiếp là sợ mất nó, mang nó theo mình từ nơi này đến nơi khác lại là một điều khổ nữa. 

Độc hành ở đây mang ý nghĩa rất sâu sắc, đi ít người càng vắng chừng nào thì càng hay chừng đó. Phi Châu có câu “muốn đi nhanh thì nên đi một mình, muốn đi xa thì nên đi có bạn”[1]. Câu này hai vế khác nhau, một dịp khác tôi sẽ giải thích vế sau. Đời sống này, chúng ta có vô số lý do để sống một mình, tại sao phải sống với thêm một ai đó nữa? Nếu người đó là thầy, là bạn mình, có thể giúp cho mình đi xa hơn, bàn tay họ có thể đẩy lưng mình cho mình đi về phía trước thì tốt, còn nếu đi chung với nhau chỉ làm phiền, nặng lòng thêm nhau thì sự có mặt của nhau chỉ làm khổ nhau thôi. 

Tìm tri kỷ tri âm trong cuộc đời này chỉ là ảo mộng phù du, mình không hiểu nổi mình thì làm gì có tri kỷ tri âm. Mẹ mình thương mình biết bao nhiêu, có thể hy sinh, có thể chết cho mình, chính mẹ mình sinh mình ra mà có thể hiểu được mình bao nhiêu, vì chính mẹ không hiểu được mẹ thì làm sao hiểu được mình. Rồi bao nhiêu vòng tay của tình nhân, vòng tay kẻ lạ mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời này, ai trong số đó thật sự ai là tri âm. Làm gì có! Tốt nhất vẫn là ta về với ta, “tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta”, dành nhiều thời gian để hiểu mình hơn. 

Krishnamurti có nói: “Khi anh thấy sự thật thì anh được tự do”. Sự thật đó không ai mang lại cho mình hết, chỉ tự mình mang lại, làm sao mình có được tự do đó, việc đầu tiên là phải hiểu càng nhiều càng tốt về bản thân mình. Bao nhiêu khổ lụy trần gian đi ra từ chỗ ngộ nhận, ngộ nhận chính là mình không nhận ra bản chất thực của mình, mình là ai, từ đâu tới, sẽ đi về đâu, mình phải cần phải làm gì, nhiêu đó đã đuối rồi hơi sức đâu mà tìm kiếm tri âm tri kỷ, tìm kiếm bạn đường đồng hành. Chữ “độc hành” ở đây hay lắm, theo nghĩa đen là bớt đi sự va chạm không cần thiết, bớt đi những ân tình gánh nặng khó nhọc cho tim cho dạ của mình, và tránh được càng nhiều càng tốt sự va chạm không cần thiết giữa sáu căn và sáu trần.

“Sau khi đến, con hỏi,
Làm sao thoát khổ đau?”

Vị này đã đến hỏi Thế Tôn, bây giờ con khổ quá, làm sao cho con thoát khỏi được khổ đau. Thế Tôn trả lời:

Có năm dục ở đời,
Ý căn là thứ sáu,
Ở đây, từ ước muốn,
Như vậy thoát khổ đau.

Hai câu kệ này đọc theo bản tiếng Việt, nói theo ngôn ngữ thời nay là “biết chết liền”. Xin thưa với đại chúng, không rõ vì sao ở đây trong bản dịch lại đi xài chữ “ý căn là thứ sáu” trong khi bản Pāḷi thế này: “Pañca kāmaguṇā loke, manochaṭṭhā paveditā”. ‘Mano’ ở đây đúng là ‘ý’ nhưng theo luật thơ, chỗ này lẽ ra phải xài chữ khác. Chữ đó chen vào thì không còn đúng luật của một câu kệ nữa, đang nói về “năm dục”, đến dục thứ 6 là phải xài chữ khác là chữ ‘dhamma’ nhưng như vậy thì không đúng luật thơ trong này, nên phải thế chữ ‘dhamma’ bằng một chữ khác là ‘mano’. Chữ ‘mano’ này muốn cho đủ phải là ‘mano-aramana’ nghĩa là cảnh của ý, nhưng ở đây ghi tắt là chữ ‘mano’. Ở đây không thể dịch là “năm dục” cộng với cái thứ 6 là “ý”, vì như vậy thì hơi kẹt, vì “ý” thuộc về căn, còn “năm dục” thuộc về cảnh. Vì vậy ở đây có 5 cảnh dục thì cảnh thứ 6 là cảnh pháp dục. Câu thứ ba trong bản tiếng Việt mới là chua nè:

“Ở đây, từ ước muốn,
Như vậy thoát khổ đau”.

Chữ ‘Từ’ ở đây là động từ, tiếng Pāḷi là ‘virājeti’ nghĩa là ‘lìa bỏ’ chứ không phải là xuất xứ. Ở đây trong khuôn khổ câu dịch 5 chữ, người dịch đi chọn một giải pháp thiếu thuyết phục nhất, giữ lại có một chữ “từ” gây ra hơi tối nghĩa, bản dịch này theo tôi chưa phải là xuất sắc. 

Dịch lại theo văn xuôi là như thế này: “Ở đời có tất cả là 6 dục, 6 cảnh cho 6 căn, nếu lìa bỏ được ước muốn từ đó, không còn tiếp tục đam mê thích thú trong 6 dục nữa thì đó chính là con đường thoát khỏi khổ đau”. Chúng ta đang quay trở lại một bài học rất là quen thuộc: Ở đời có 4 thứ vô minh [2] tạo nên dòng chảy luân hồi miên viễn bất tận không dừng được: vô minh trong khổ đế, vô minh trong tập đế, vô minh trong diệt đế và vô minh trong đạo đế. 

Tôi xin thưa lại một lần nữa điều này mà tôi cho rằng rất là quan trọng, đó là, một người ngoại đạo khi nghe mình nói “Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát”, họ có thể cho mình là tín đồ cuồng tín, nhưng nếu mai này có người hỏi rằng: “Đạo nào cũng đưa đến giải thoát, đường nào cũng đưa đến La Mã tại sao phải tôn vinh con đường Bát Chánh Đạo?” Khi đó mình phải trả lời: “Làm ơn coi lại nội dung Bát Chánh Đạo giùm tôi để xem nội dung đó là cái gì. Bạn không thích con số 8 thì còn có con số 7 (thất giác chi), con số 5 (năm quyền), con số 3 (giới, định, tuệ), con số 2 (chỉ, quán), và con số 1 (không dễ duôi), bạn có thể chọn con số nào đi nữa, con đường giải thoát được trình bày ra sao đi nữa thì nội dung của nó vẫn là tinh thần lý tưởng của Bát Chánh Đạo. 

Vì sao, vì tinh thần của Bát Chánh Đạo là lìa bỏ sự ngộ nhận, sự hiểu lầm về bản thân mình và nhất thiết pháp giới chung quanh. Đó là lý tưởng, tinh thần ý, nghĩa rốt ráo của Bát Chánh Đạo. Không phải bỗng dưng mà trong bài kinh Chuyển Pháp Luân Đức Phật nhắc rõ Bát Chánh Đạo, đây là tám cách phân giải rộng rãi nhất của con đường tu hành, bởi vì con đường tu hành nói gọn chỉ có một chữ thôi: appamāda (không dễ duôi, không dễ ngươi). Không dễ ngươi khi gặp cảnh vừa ý, không dễ ngươi khi gặp cảnh bất toại. Trong bài kinh này Đức Phật dạy, đối với sáu trần, nếu lìa bỏ được lòng tham muốn thì đó chính là con đường dẫn đến sự thoát khỏi đau khổ.

Bài hôm nay, tôi nói mênh mông hà xứ chỉ với một mục đích, tôi mong mai này khi đọc kinh sách thì bà con chú ý từng chữ từng chữ. Kinh điển giống như chén cơm với muối mè, ăn vội vã, ăn không cần nhai, không kịp nhai thì không thấm thía từng hạt mè trong đó đâu. 

Có chú giải giải thích cho mình nghe rất nhiều chữ mà mình không thể tự nghĩ ra, hoặc mình đã bỏ qua nhiều ý hay ý đẹp trong đó. Ví dụ nói đến hảo tướng của Đức Phật, không phải chỉ là nói đến tướng đẹp của đạo sư mình đâu, mà mỗi hảo tướng của Ngài là hạnh lành là công đức nào đó mà Ngài đã huân tu tích lũy trong nhiều kiếp. Xem lại bài Tướng Kinh trong Trường Bộ Kinh để thấy đạo Phật không chủ trương bói tướng, tướng số, nhưng khi đề cập đến tướng số thì cách nói của đạo Phật gắn liền với những giá trị nhân văn rất lớn, rất đáng lưu tâm đến.
_____________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.