Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 1 - Tương Ưng Chư Thiên - Phẩm Già (3)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 1 - Tương Ưng Chư Thiên - Phẩm Già (3)

PHẦN CHÁNH KINH

V. Sanh Nhân

-- Cái gì sanh thành người?
Cái gì luôn dong ruỗi?
Cái gì chịu luân hồi?
Cái gì người sợ hãi?

-- Ái dục sanh thành người,
Chính tâm luôn dong ruỗi,
Chúng sanh chịu luân hồi,
Ðau khổ, người sợ hãi.

VI. Sanh Nhân

-- Cái gì sanh thành người?
Cái gì luôn dong ruỗi?
Cái gì chịu luân hồi?
Vì đâu, không giải thoát?

-- Ái dục sanh thành người,
Chính tâm luôn dong ruỗi,
Chúng sanh chịu luân hồi,
Vì khổ, không giải thoát.

VII. Sanh Nhân

-- Cái gì sanh thành người?
Cái gì luôn dong ruỗi?
Cái gì chịu luân hồi?
Cái gì người nương tựa?

-- Ái dục sanh thành người,
Chính tâm luôn dong ruỗi,
Chúng sanh chịu luân hồi,
Chính nghiệp, người nương tựa.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

VI.5. SANH NHÂN

Công thức chúng tôi nói rất nhiều lần: “Do Vô Minh trong Bốn Đế nên mới dẫn đến ba Hành”. Dù người Phật tử giỏi Phật pháp hay chỉ biết sơ sài, là hành giả hay không phải hành giá, cứ nhớ công thức đó cộng với niềm tin đó là tu được. Làm gì cũng cứ nhớ câu thần chú đó.

NỘI DUNG KINH

1. Cái gì sanh thành người?

2. Ái dục sanh thành người

Chữ người ở đây chỉ cho tất cả chúng sinh chớ không phải riêng nhân loại. Chính vì mình thích cái này cái kia mới dẫn đến cảnh giới tương ứng. Nói nôm na, mình thích trong dục lạc thì sanh trở lại làm chúng sanh cõi Dục giới. Mình thích trong thiền Sắc và Vô sắc thì sanh trở lại làm Phạm thiên các cõi tương ứng. Ngay trong cõi Dục giới, mình thích kiểu gì thì sanh trong cảnh giới tương đương.

Hôm trước chúng tôi có nhắc bài kinh Quanh Co (Vankasufta), Đức Phật dạy thích trong Dục nhưng sở hành quanh co thì mình sẽ sanh vào loài quanh co, thích trốn tránh. Quanh co từ chữ vanka là khuất lấp, mình có suy nghĩ không muốn người khác biết, mình có những câu nói xuất phát từ tâm bất thiện, hành động bất thiện và suy nghĩ bất thiện mà không muốn người ta biết; ngay cả việc đi ăn trộm, lén được bao nhiêu thì lén. Khi mình thích hưởng thụ các dục lạc cộng với thích kiểu thụ hưởng vật dục khoái dục bằng các kiểu bất thiện (sát sanh trộm cắp) chết sanh về cõi Dục nhưng thấp kém, còn thích dục lạc nhưng thích theo kiểu làm lành, làm thiện thì sanh trở lại cõi Dục giới nhưng được sanh về các cảnh giới nhân thiên, cũng được làm người hoặc sanh về cõi trời Dục giới như là Dạ Ma, Đâu Suất v.v... Đó cũng là cõi Dục giới tốt hơn, vui hơn, nhưng chỉ một thời gian rồi cũng quay trở lại. Tất cả chúng ta ở đây đã từng đi qua những cảnh giới cao cấp nhất như là Phạm thiên, Phi tưởng Phi Phi Tưởng, và cũng từng đi qua những cảnh giới thấp kém nhất như côn trùng, giun dế, muỗi, các tầng địa ngục sâu nhất, sống lâu nhất, chịu nhiều đau khổ nhất, như địa ngục Không Gian, địa ngục dành cho những người Đoạn kiến nặng, tuổi thọ đến tám mươi bốn ngàn đại kiếp mình cũng từng trải qua rồi, cái nào mình cũng qua hết. Đó là do lòng tham ái trong 6 cảnh. Do lòng tham ái trong cảnh Dục thì sanh trở lại cõi Dục, do lòng tham ái trong các cảnh thiên thì sanh về cõi Phạm Thiên, hết tuổi thọ, nghiệp đó hết rồi thì quay trở lại nghiệp khác, lúc nào mình cũng có sẵn vô số tiền nghiệp để mình đi theo nó. Ái dục sanh thành người là vậy đó.

Hành giả Tứ Niệm Xứ là người tối thiểu giảm bớt luân hồi, nghĩa là sao? Giảm đây có nghĩa là đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, nhai, nuốt, thấy, nghe, ngưởi, nếm, đụng, trong bốn oai nghi, trong lúc 6 căn làm việc thì một hành giả Tứ Niệm Xứ thứ thiệt có cơ hội chánh niệm. Mỗi lần 6 căn biết 6 trân, mỗi lần họ dời đổi trong bốn oai nghi, là những lần giữ chánh niệm, bớt Tham, bớt Si, nhờ vậy họt rút ngắn vòng luân hồi, gieo duyên giác ngộ. Người không chánh niệm thì đi đứng, nằm ngồi, ăn, uống, nhai nuốt, thấy nghe, người, nếm đụng còn Thâm, Sân, Si, hít ra, thở vào, nói, cười, ăn, uống, tất cả những sinh hoạt lớn nhỏ cũng từ Tham, Sân, Si mà ra, từ đó cơ hội đau khổ cũng nhiều hơn. Mình đang sống trong cảnh Dục, nếu thiếu chánh niệm thì Dục ái và Sân càng có cơ hội phát triển. Ở đây, nếu có học chút ít Phật pháp thì hiểu vì sao phải giữ chánh niệm, đầu tiên là hạn chế những phiền não. Ở đây Khổ do Quả hay do Nhân:

1. Khổ Do Quả: Do tâm tục sinh đưa ta vào các cảnh giới sa đọa, hoặc mang thân với những hoàn cảnh sống hay tình huống bất toại. Ví dụ như sanh làm trùn dễ, bàng sanh, địa ngục hoặc sanh làm người nhưng nghèo khổ, bệnh tật, không nhan sắc, tiền bạc, sức khỏe, hoặc bị đánh bị cướp chèn ép. Khổ do quả có hai:

- Do quả bất thiện

- Do có tâm tái tục nên mới có sự hiện hữu để phải sống trong sự chi phối của Tam tướng.

Dầu có làm Đế Thích đi nữa thì không có khổ do quả bất thiện nhưng có khổ do có tâm tái tục, nên thân và tâm Đế Thích bị Vô thường, Khổ và Vô ngã.

Đế Thích khổ do cái gì? Do 3 khổ là:

- Khổ Khổ: Sự có mặt của những gì mình không muốn.

- Hoại Khổ: Sự vắng mặt của những gì mình ưa thích.

- Hành Khổ: Sự co mặt trong tam giới nói chung, gọi là khổ vì sự có mặt nào cũng nằm trong sự ảnh hưởng của Tam tướng và phải lệ thuộc các duyên. Tại sao lệ thuộc các duyên là khổ? Sự có mặt nào cũng đòi hỏi các điều kiện tức lệ thuộc các duyên mới có. Ví dụ như mình do nghiệp tham ái sanh làm người thì phải có ăn uống, có mặc, có nhà ở, thiếu một thứ thì tứ đại bất hòa, bao nhiêu bệnh tật của mình đều do tứ đại bất hòa mà sanh.

Bất hòa hay thất điều (virudha): Nghĩa là ‘chống trái’, ‘xung đột’, ‘xung khắc’. Chẳng hạn như nhiệt độ không vừa ý, thức ăn tạo ra sự trục trặc trong cơ thể, chỗ ở ruồi muỗi nóng lạnh, áo quần mặc không đủ ấm hoặc mát mẻ. Chỉ riêng khía cạnh lệ thuộc các duyên, đòi hỏi các điều kiện thế này thế nọ (abhisankhara) là Hành khổ.

Tâm tái tục từ đâu mà ra? Là do tâm thiện, tâm bất thiện đời trước nên giờ có tâm tái tục. 49 tâm tái tục từ các tâm đổng lực mà có.

2. Khổ do nhân: Do tâm bất thiện hiện tại. Mỗi lần nổi giận là mỗi lần khổ, mỗi lần Tham cũng là cái khổ, muốn mà không được là cái khổ. Không muốn mà bị cũng là khổ. Nói một rốt ráo là mỗi lần có tâm bất thiện hay thiện cũng đều là khổ. Chỉ cần có sự xuất hiện của tâm là khổ. Bởi vậy có những người nhàm chán không muốn có Danh pháp nên mới sanh làm người Vô tưởng, người nhàm chán Sắc pháp sanh về cõi Vô sắc, nhưng sống hết tuổi thọ rồi cũng quay trở lại nữa. Chỉ có cách chấm dứt tuyệt đối vĩnh viễn thì mới được, còn sự nhàm chán bất mãn với Danh Sắc chỉ mang tính thời đoạn mà thôi.

Do các ái dẫn đến tâm tái tục nên từ đó mới tạo ra sự có mặt của chúng sanh, vì vậy nên câu đầu tiên “cái gi sanh thành người?” được trả lời là do ái. Hãy nhớ căn bản giáo lý chỗ này, một phần giúp cho mình thoát Tà kiến, và một phần là vốn liếng hành trang cho mai này mình đi tu Tứ Niệm Xứ.

3. Cái gì luôn dong ruỗi?

4. Chính tâm luôn dong ruỗi.

Đây là Tâm. Tâm có một, là sự biết cảnh. Tâm có 89 hoặc 121 (căn cứ theo Cảnh, Cõi, Hạng người). Đức Phật không nhắc đến con số 89 hay 121 mà đó là sự triển khai của đời sau. Ngài chỉ nói tâm là sự biết cảnh. Hoặc Ngài nói tâm có 6: Tâm biết cảnh sắc, tâm biết cảnh thỉnh, tâm biết cảnh khí, tâm biết cảnh vị, tâm biết cảnh xúc, tâm biết cảnh pháp vì dễ nhớ dễ hiểu dễ hình dung nhất. Chúng ta có 6 cánh cửa để nhìn toàn bộ thể giới này. Có những cái trong đời này chúng ta chỉ biết qua thính giác, thị giác, vị giác, xúc giác, khứu giác và ý thức, đó là 6 cửa nhận biết thế giới dễ thấy nhất. Trước khi Ngài ra đời, cách phân tích này cũng đã có trong hệ thống triết học và tôn giáo của Ấn Độ, nên khi Ngài ra đời cách nói của Ngài cũng dựa vào đó.

Tâm được chia thành 89 hay 121 dựa vào ba khía cạnh: Cảnh, Cõi, Hạng người.

Cảnh gồm cảnh dục hay cảnh thiền, cảnh hiệp thế hay cảnh siêu thế. Cõi có cõi Dục, cõi Sắc, hay Vô sắc hoặc Siêu thế. Hạng người có phàm hay thánh, Dục giới hay Phạm thiên.

Cách chia tâm thành 6 dễ hình dung nhất. Có những cảnh biết bằng tâm Nhãn thức, có cảnh biết bằng tâm Nhĩ thức... Toàn bộ thế giới này từ con trùn con dế lên đến thánh nhân, các vị Phật, La Hán nói chung tất cả đều sống gói gọn trong 6 tâm.

Dong ruổi là lang thang chỗ này chỗ nọ. Tâm luôn dong ruổi là như thế nào? Con chim có cơ hội là bay lên không, con cá chờ cơ hội trở về nước, chồn cáo về hang, rắn rít chui xuống đất, 6 căn 6 thức của mình cũng như vậy đó, mắt luôn trong tình trạng tìm cái để nhìn, lỗ tai luôn trong tình trạng tìm cái để nghe v.v... Vì vậy hành giả Tứ Niệm Xứ thứ thiệt thường hạn chế việc sinh hoạt. Chỉ riêng việc đi đứng nằm ngồi thở ra thở vô, quan sát thiện ác, buồn vui đã hết ngày hết giờ, hết năm hết tháng hết cả cuộc đời rồi. Không lắng tâm, không sống chậm, cứ lăng xăng mãi thì không có dịp nhìn thấy 6 căn của mình luôn luôn trong tình trạng háo hức sẵn sàng chạy theo 6 trần như thế nào.

Dong ruổi gồm có hai: Dong ruổi trước mắt và dong ruổi về lâu về dài.

- Dong ruổi trước mắt là luôn luôn trong tình trạng chạy theo các ngoại trần.

- Dong ruổi về lâu về dài: Chính sự chạy theo các ngoại trần về lâu về dài sẽ đưa mình đi hết cõi này sang cõi khác.

Cái tâm quan trọng chỗ đó, không có tâm là không có thế giới này. Chính tâm luôn đong ruổi, vì vậy chỉ có tu tâm thì mới giải quyết được toàn bộ vấn đề của thế giới.

Khi 6 căn chạy theo 6 trần thì chỉ có khổ. Muốn không được là khổ, ghét sợ mà gặp cũng khổ, chính vì có ái nên dẫn đến sự có mặt ở cõi này cõi kia, dầu cảnh giới nào (an lạc hay đau khổ) có mặt là khổ rồi. Sự có mặt của chúng ta là sự có mặt của 6 thức, của 6 căn và lập tức sự có mặt đó sẽ chạy theo trần cảnh, bây giờ nó lăng xăng theo trần cảnh thì mai mốt nó lăng xăng đi về các cõi.

5. Cái gì chịu luân hồi?

6. Chúng sanh chịu luân hồi.

Ngài Xá Lợi Phất từng có một câu nói: luân hồi chỉ là sự tiếp nối của 12 Xứ.

Satãna: Sự tiếp nối. (đặc biệt một chỗ là viết tắt chữ Santãna là 'stn' cũng là viết tắt của chữ "sự tiếp nối"). Tuy nhiên, trong bài kinh này, cách nói rất đơn giản. Cái gì chịu luân hồi? Và câu đáp là Chúng sanh chịu luân hồi, trong hoàn cảnh này, căn cơ người nghe phải được nghe đơn giản như vậy. Còn cách nói sâu hơn thì phải nói luân hồi là sự tiếp nối của 5 Uẩn, của 12 Xứ, của 18 Giới. Biết Phật pháp thì mình không hiểu đơn giản như vậy. Phải chịu luân hồi vì chỉ có chúng sinh mới có tâm, nên mới có phiền não và phiền não mới dẫn đến luân hồi. Cây, cỏ, đất, đá thì làm gì có tâm nên không có luân hồi, phiền não.

7. Cái gì người sợ hãi?

8. Đau khổ, người sợ hãi

Mahã: To lớn, nghiêm trọng, trọng đại.

Bhaya: Tai họa, tai nạn, sự sợ hãi

Mahã + bhaya (mahabbhaya): Đại họa, đại nạn, sự kinh hoàng.

Vattadukkha: Khổ trầm luân. Đây mới là đại họa lớn. Từ khổ trầm luân mới có chuyện sanh ly tử biệt, can qua chiến tranh, thiên tai nhân họa.

Cái gì là cái đại họa của chúng sinh? Đại họa của chúng sinh chính là sự trầm luân. Đại họa đây chính là dòng sinh tử. Hiểu theo bài kinh này thì chuyện gì trên đời cũng là chuyện nhỏ.

Sự sa đọa trong những cảnh giới đọa xứ cũng là khổ. Khi được làm người, cảnh vợ chồng con cái cha mẹ phải lìa xa nhau do hoàn cảnh sống, do chiến tranh thiên tai, phải đi vào đại dương sa mạc, chịu độc trùng mãnh thú v.v... Tất cả đều là khổ trầm luân. Thấy người ta đạp xích lô giữa trưa nắng chang chang, tôi cũng thấy ngán cảnh sinh tử. Nhìn lên núi thấy cây cỏ cằn cỗi, nghĩ tới lúc trái đất tiêu hủy, tôi cũng ngán sinh tử. Vào bệnh viện thấy người ta đau đớn rên la, tôi cũng ngán sinh tử. Họ biết bệnh nan y không qua khỏi nhưng không biết đi đâu, cứ nằm thoi thóp chờ chết. Có những cảnh đi lấy chồng xa xứ, trái gió trở trời quạnh hiu không thân nhân, cũng là cái khổ. Tù tội lao lý, trốn lánh pháp luật, trốn lánh kẻ thù cũng là cái khổ. Kể ra thì dòng sanh tử luân hồi là trung tâm cung cấp các loại khổ. Nhưng khi cái khổ tạm lắng thì lại yêu đời trở lại. Giống như đứa bé bị đánh đau rồi khóc, cho cục kẹo thì quên, rồi cười.

Trong kinh nói phàm phu giống người điên (ummattakã uthujjanã), yêu thích những cái làm khổ mình. Nếu biết tới nơi tới chốn một chút thì chuyện mở mắt ra nhìn cái này cái kia cũng là một sự vô ích, sự theo đuổi những âm thanh, mùi thơm... cũng là khùng, vì những cái đó là nguồn cội của cái khổ mà cứ đi kiếm miết.

Cái gì là đại họa cho chúng sinh? Chính là luân hồi! Trong Chánh kinh chỉ ghi dukkhã nhưng Sớ giải cho biết phải hiểu là khổ trầm luân.

VI.6. SANH NHÂN 2

Ba bài Sanh Nhân chỉ khác nhau ở câu kệ thứ tư. Ở đây là

4. Vì khổ, không giải thoát.

Câu kệ thứ tư này rất sâu, nhưng nếu không học giáo lý thì câu này rất tối nghĩa.

Câu hỏi là: Vì đâu không thoát khổ?

Câu trả lời: Do khổ nên không giải thoát.

Nói cách khác: Cái gì làm cho chúng sinh không giải thoát được, đó chính là khổ.

NỘI DUNG KINH

Trong chú giải A-tỳ-đàm có câu được ngài Tịnh Sự dịch như sau:

Chúng sanh già chế khổ sầu.

Bởi do pháp lậu dẫn đầu Vô Minh.

Chúng ta hình dung vòng tròn Duyên khởi là vòng tròn khép kín, nói nôm na là do có phiền não mới dẫn đến tái sinh. Có tái sinh thì mới bị các nỗi khổ (khổ do nghiệp bất thiện, khổ do sự có mặt). Chính vì khổ nên chúng sanh mới loay hoay, dẫn đến ba Hành. Không có chư Phật ra đời thì làm gì biết Bát Chánh Đạo, vì vậy nên đối phó bằng Phi phúc hành, Phúc hành, Bất Động hành. Tam giới như hỏa trạch, trong ngôi nhà đang cháy lẽ ra phải chạy ra ngoài nhưng không, người thì leo nóc nhà, người trốn trong nhà tắm, kẻ vào tủ áo.

Vì liên tục bị áp bức bởi cơn cuồng loạn (nucchãya) trong cõi sanh già đau chết nên mới nảy sinh ra Tứ lậu là điểm dẫn đầu Vô Minh. Nói nôm na dành cho người sơ cơ thôi chớ chúng ta phải biết rằng Tứ lậu và Vô Minh là một khối. Khi phân tích thì tưởng là nó có thứ lớp theo chiều dọc, nhưng thật ra kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc ké, cắc ké là mẹ kỳ nhông nhưng thật ra giáo lý Duyên Khởi là dòng chảy vừa có chiều ngang lẫn chiều dọc. Khi mình thích cái gì đó thì ngay trong cái thích đó đã có Tứ Lậu. Bất cứ lúc nào có tâm sở Tư thì đã có Hành, chính tâm sở Tư đó là Nghiệp Hữu.

Tôi nói mà tôi cứ rầu, không biết có bao nhiêu người nghe cái này mà chịu nổi. Mạt pháp là mạt ở chỗ Phật tử đi chùa không tha thiết học giáo lý tới nơi tới chốn, đến khi mấy ông thầy giảng sâu quá, chỉ tiết quá, chuyên môn quá là họ ngáp, chịu không nổi, còn giảng lớt phớt thì ai cũng giảng được. Tôi sợ nhất là các Phật tử nghe cái kiểu: “Ráng làm phước, ráng bố thí nghen con, bố thí có phước nên phải bố thí... hay Tu thì phải giữ giới, giữ giới thì có phước, muốn cầu phước thì phải giữ giới ...” Nếu Phật pháp mà ai nói cũng được thì còn gì là Tuệ giác của Đức Phật nữa. Mở kinh điển ra mới thấy cách suy diễn của mình nghèo như ăn mày, hãy cẩn thận xem cách giảng của mình người đời có bắt chước được hay không. Cứ cái kiểu giảng chung chung những đề tài mềm mềm đáp ứng nhu cầu đại chủng thì bà con mê lắm. Nói ra thì đau lòng, ở Việt Nam, người nằm tài sản gia đình là cha mẹ, nên cha mẹ nào nghe chữ hiếu mà lại không thích, chỉ mong ông sư nói làm sao cho lọt vào lỗ tai của co mình để nó có hiếu với mình. Mà cha mẹ là chủ tài sản nên các thầy cứ giảng làm sao phụ huynh vừa ý là được rồi.

BÀI HỌC GIÁO LÝ

QUẨN QUANH TRONG KHỔ

Chính từ cái chỗ chạy trốn cái khổ mà không có sự hướng dẫn của vị Chánh Đẳng Giác nên mình cứ loay hoay để giải quyết cái khổ. Loay hoay mà không có chánh pháp thì chỉ có 3 Hành thôi, loay hay bằng 12 tâm Bất thiện, 8 tâm Đại thiện, 9 tâm thiện Đáo Đại, cứ bao nhiêu đó loay hoay mãi.

Vì đâu chú sanh được tạo ra, cái già làm nên sự lang thang của chúng sinh, cái gì chịu luân hồi, đó chính là sự có mặt của chúng sinh (đã giải thích ở phần trên).

Đời sống có hai cái khổ: Khổ do Quả (quả bất thiện và tâm tái tục) và khổ do Nhân (do tâm bất thiện hiện tại và do có sự có mặt nên mới bị sự chỉ phổi của Tam Tướng). Tâm nào đi nữa nó cũng chỉ tồn tại trong một sát-na rồi biến mất. Sự biến mất đó Đức Phật gọi là cái chết.

Sự xuất hiện của một cái tâm được gọi là sanh.

Sự biến mất của một cái tâm được gọi là tử.

- Cái chết Tục Đế

Nếu hiểu sự lọt lòng còn đỏ hỏn khóc oe oe là sanh rồi chín chục tuổi lưng còng má hóp lăn đùng ra cứng đơ là chết thì cũng đúng nhưng là cái hiểu nghèo nàn. Đó là cái chết Tục Đế, Chế định, cái chết thi thiết giả lập.

- Cái chết Chân Đế

Còn cái chết Chân Đế là sự xuất hiện của một cái tâm là sanh, sự vắng mặt của một sát-na tâm được gọi là tử.

Sắc pháp là sự có mặt của các tế bào là sanh, mỗi khoảnh khắc các tế bào được đào thải thay mới là tử. Bảy mươi phần trăm bụi trong căn phòng có người ở là da khô của mình. Da khô là da chết, đó là những tế bào bị đào thải, đó chính là xác chết của sắc pháp. Cái chết của Danh pháp không để lại dấu vết nhưng cái chết của Sắc pháp để lại dấu vết. Biết điều này mình đi đến nhà ai mình cũng gớm, có không khí nào mà không có bụi, mà chỗ có người ở thì 70% da khô của người sống trong đó. Kiến thức Phật pháp được bổ sung bằng kiến thức khoa học rất có lợi cho mình, đặc biệt khi mình Quán Thể trược.

Cái bàn phím của máy tính dơ hơn bồn cầu, vì bồn cầu một ngày mình chỉ sử dụng một hai lần, còn cái bàn phím mình ngồi hàng giờ nơi đó. Chất dơ dính trên bồn cầu không có phong phú đa dạng như cái dơ mình bôi trên bàn phím (mồ hôi, nước bọt, ăn uống…). Cái nắm cửa, những khăn ẩm trong nhà bếp, bồn rửa chén cũng là trung tâm cung cấp vi khuẩn. Cái ví xách tay của phụ nữ cũng là trung tâm dơ nhất trên hành tinh này mà con người có thể sáng tạo ra, vì đi đâu họ cũng cầm theo, trong đó lại chứa tiền đã lưu hành bao nhiêu bàn tay người, và đàn bà lại hay ăn vặt, cái tay họ thì cứ bôi, nhét vào trong cái bóp. Một điều quan trọng là những thứ đó không bao giờ được giặt.

Do khổ quá nên loay hoay đối phó bằng ba Hành, đó là lý do chúng sanh không thoát được.

Khổ có hai, khổ thân và khổ tâm, hành giải khi tu Tứ Niệm Xứ thì khả năng đối phó với khổ tốt hơn, khi có chánh niệm thì bị người ta chười, đánh hoặc bệnh hoạn thì khả năng chịu đựng tốt hơn. Tránh được khổ nhân là tránh được phiền não, phiền não ít chừng nào thì bớt khổ chừng đó. Vì vậy dukkhã na parimuccatĩ’’ti có hai nghĩa:

- Một là do khổ quá nên loay hoay tìm đến ba giải pháp là ba Hành.

- Hai là bản thân phiền não cũng là một cái khổ.

Đặc biệt phải nhớ câu của Hòa Thượng Tịnh Sự, "Chúng sanh già chết khổ sầu. Bởi do pháp lậu dẫn đầu Vô Minh”. Khổ quá loay hoay kiểu khát nước đi nước muối, lấy cái khổ này lấp liếm cái khổ kia. Nhiều khi mình giải quyết Khổ Khổ bằng cách đi tìm cái Hoại khổ, giống như mình thấy đống mửa mình gớm mình lấy cái nùi giẻ chụp lên.

VI.7. SANH NHÂN 3

Chỉ khác bài kinh SANH NHÂN 1 và 2 câu kệ thứ tư:

Cái gì người nương tựa?

Chính nghiệp, người nương tựa.

BÀI HỌC GIÁO LÝ

NGHIỆP

Chỗ dựa nương của chúng sanh là gì?. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là điểm tựa, là chỗ nương, là quyến thuộc của chúng sinh trong cõi trầm luân. Nghiệp là tên gọi khác của ba Hành. Chính vì Phi phúc hành này mới dẫn đến bốn đọa xứ, chính vì Phúc hành mới dẫn đến các cõi Dục Thiên, nhân loại và Phạm thiên Sắc giới và chính Bất động hành mới dẫn đến cõi Vô sắc. Nhắc đến ba Hành lại nhớ Tam giới như hỏa trạch: Phi phúc hành là nhà cháy chui xuống sàn, Phúc hành là nhà cháy chui vào nhà tắm, Bất động hành là nhà cháy leo lên nóc nhà. Kiểu nào cũng chết. Nhà bê tông mà cháy thì nứt ra từng mảng, tất cả đều chết, chết lâu chết mau gì cũng chết.
_________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.