Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 1 - Tương Ưng Chư Thiên - Phẩm Già (2)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 1 - Tương Ưng Chư Thiên - Phẩm Già (2)

PHẦN CHÁNH KINH

II. Không Già

-- Vật gì tốt không già?
Vật gì tốt trường cửu?
Vật gì vật báu người?
Vật gì cướp không đoạt?

-- Giới là tốt không già,
Tín là tốt trường cửu,
Tuệ, vật báu loài Người,
Công đức, cướp không đoạt.

III. Bạn

-- Ai bạn kẻ đi đường?
Ai bạn người ở nhà?
Ai bạn khi cần thiết?
Ai bạn cho đời sau?
Bạn đường, bạn đi đường,

-- Bạn ở nhà là mẹ,
Bạn bè khi cần thiết,
Mới là bạn thường xuyên,
Công đức tự mình làm,
Là bạn cho đời sau.

IV. Cơ Sở

-- Vật gì, cơ sở người?
Vật gì, bạn tối thượng (ở đời)?
Hữu tình gì trì mạng?
Y cứ vào địa đại?

-- Con là cơ sở người,
Vợ là bạn tối thượng,
Thần mưa là trì mạng,
Y cứ vào địa đại.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

Không Già

Có trường hợp câu hỏi nào đó được nhắc lại hai lần, tức là được hỏi bởi hai người, có trường hợp câu trả lời của Đức Thế Tôn khác nhau tùy căn tánh của họ nhưng có lúc Ngài dùng trở lại câu trả lời cũ vì thấy thích hợp. Quí vị sẽ khó tin vì sao Đức Thế Tôn có thể nhắc lại một cách chính xác câu trả lời trước đây cho đối tượng trước mặt. 

Người không có niềm tin trong Phật pháp có thể lấy làm lạ vì sao câu trả lời sau nhiều năm được nhắc lại chính xác nguyên văn. Có lần vua Pasenadi vấn đạo với tỳ kheo ni Khema, và thưa với bà như thế này: Thật là kỳ lạ, vi diệu hi hữu thay khi giữa người đệ tử và đạo sư có thể tương đồng với nhau về cả tinh thần lẫn chữ nghĩa nói năng như vậy. Nghĩa là vấn đề này vua đem hỏi Đức Thế Tôn và đã được trả lời và hôm nay vua hỏi bà Khema mong là nhận câu trả lời khác nhưng hóa ra y hệt từng chữ một. Theo chỗ nhận thức của tôi, có hai lý do:

Hôm nay trên thế giới này không có một vị đạo sư nào được đệ tử tôn thờ tin tưởng tuyệt đối như là các bậc thánh đối với Đức Phật. Kể cả Osho hay Krishnamurti, đây là những nhà tư tưởng mà bản thân tôi rất quí, đệ tử của hai vị này đông lắm, nhưng ghi nhớ từng hơi thở của sư phụ thì không có. Trong khi các bậc thánh đối với Đức Phật thì khác, các vị đó tin tưởng Đức Phật hơn là tin tưởng sức khỏe của mình nữa, tin tưởng hơn chính bản thân họ nữa. 

Thánh trí là sự thể nhập sự thể nghiệm vấn đề gì đó mà ở đây giữa bậc đạo sư và đệ tử có một sự tương đồng nhất định, không có một mối quan hệ nào trong bất cứ một đoàn thể tổ chức cộng đồng nào có được sự đồng nhất tuyệt đối như vậy giữa đạo sư và đệ tử. Thánh trí là sự chứng ngộ đặc biệt với người có tối thiểu quả vị Tu-đà-hoàn trở lên, có thể không phải là một người thông minh, học hành có thể chậm một chút, trí nhớ không phải trác việt. Đời sống tinh thần của một bậc thánh là không nhớ sai, vì họ không hiểu sai. Cách hiểu của các vị đó chính xác như biết rõ mình có bao nhiêu ngón tay, ngón chân. 

Một vị Thánh liễu ngộ Tứ Diệu Đế, Duyên khởi thì thông tỏ đường đi lối về của các pháp một cách căn bản, không có sự nhầm lẫn, và lời Phật được xem là bản cửu chương, là công thức, là nguyên tắc, và muốn nói gì thì dựa vào đó triển khai, lời của Thế Tôn được xem là chuẩn mực. Những ai đọc thẳng vào bản chánh tạng Pāḷi sẽ thấy có điểm ngạc nhiên thế này: ý nghĩa của từ ngữ Pāḷi có nhiều lớp:

Lớp nghĩa thứ nhất là ngữ nghĩa thông thường của người dân Ma Kiệt Đà (Magadha). Để biết Phật pháp hay hay đúng phải biết về một bối cảnh xã hội, bối cảnh tôn giáo, hoàn cảnh ra đời của bài giảng, điều được đề cập, với ý nghĩa gì v.v…. Lớp nghĩa thứ nhất là ý nghĩa ngôn ngữ trước khi Phật ra đời. Thí dụ, trước khi Phật ra đời, chữ ‘nibbuti’ chỉ có nghĩa là ‘tắt đèn’, ‘tắt lửa’. 

Nhưng từ khi Phật ra đời thì chữ ‘nibbuti’ còn có nghĩa ‘viên tịch’, ‘Niết bàn’, “sự vắng lặng tuyệt đối của danh sắc, phiền não”, đó là lớp nghĩa thứ hai. Lớp nghĩa thứ nhất (sơ sài nhất) là hiểu theo cách hiểu của quần chúng, một đứa bé nhà quê cũng hiểu theo cách đó (tắt đèn, tắt lửa). Khi Ngài viên tịch thì chữ này có thêm ý nghĩa “Niết bàn”.

Lớp nghĩa thứ ba đi ra từ cấu trúc văn phạm.

Ví dụ: ‘sam’: ‘yên tĩnh’, ‘vắng lặng’. Từ đó có chữ: ‘sāmaṇa’: ‘tịnh giả’, ‘Sa-môn’, rồi từ đó có chữ ‘sāmaṇera’: ‘sa di’.

Nhưng có trường hợp nữa:

‘para’: ‘khác’, ‘bên kia’, ‘phía sau’. [paradise: thiên đường (tiếng Anh)]. ‘paradisa’: ‘phương trời khác’ (Pāḷi) (phương trời nằm ngoài trần gian khổ lụy, thống hối này).

Từ chữ ‘para’ lại có chữ ‘samparāyika’: ‘sau’, ‘phía sau’, ‘đời sau, kiếp sau’.

Chữ ‘hita’ nghĩa là ‘lợi ích’, ‘lợi lạc’

Tuy nhiên, samparāyika + hita = samparāyika, vẫn giữ y nguyên chữ ‘samparāyika’ nhưng có nghĩa là “lợi ích đời sau”.

Samparāyikanti = samparāyahitaṃ

Ví dụ: Thiện, là việc làm không hại mình không hại người, đem lại lợi ích đời này và lợi ích đời sau. Cụm từ “lợi ích đời sau” này là ‘ này là ‘samparāyika’. Đó là nghĩa thứ ba trong tiếng Pāḷi. Khi nói ‘samparāyika’ thì phải hiểu ngầm đã có chữ ‘+hita’ ở phía sau.

Trong ngôn ngữ Pāḷi, phải căn cứ vào văn bản để hiểu thêm như vậy, ví dụ chữ ‘Buddha’ (Phật), còn có nghĩa là “chỉ cho 4 tầng thánh từ sơ quả trở lên”. Bởi vì, chữ Buddha lúc này được hiểu như thế này:

“cattāri ariyasaccāni bujjhatīti buddho”: người hiểu được 4 Đế là Phật.

“klesaniddābujjhatiti buddho”: người tỉnh dậy từ giấc ngủ phiền não được gọi là Phật.

(Trong Pāḷi, có những chữ có hai cách viết: klesa = kilesa: phiền não; sineha = sneha: tham ái, sự mầu mỡ trong đất; vyaggha = byaggha: con cọp)

Khi chữ buddho được hiểu như trên thì không còn chỉ riêng cho Đức Thế Tôn nữa. Người hiểu được 4 Đế là được gọi là Bậc Giác Giả, Phật; Tu-đà-hoàn cũng là người hiểu được 4 Đế. Tu-đà-hoàn cũng là người tỉnh dậy từ giấc ngủ phiền não, chưa có được là A-la-hán, tuy nhiên, nếu không có tỉnh thì làm sao bỏ được thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ. Đừng xem thường vị Tu-đà-hoàn, chuyện vị này làm cực kỳ quan trọng, vì vị này đã chấm dứt thân kiến, vì không còn thân kiến nên không còn khả năng sanh tử luân hồi nữa, năm bảy kiếp nữa cũng chỉ là cái trớn. Vị Tu-đà-hoàn nhìn về Phật quả thì trọn niềm kính tin, tuy nhiên đã ngao ngán chuyện luân hồi lắm rồi.

“Tất cả những gì mình thích thú trong cuộc đời này đều do: 1) Tiền nghiệp (túc duyên), 2) Khuynh hướng tâm lý nhiều đời, 3) Hoàn cảnh sống hiện tại.

Tôi nói điều này các vị đừng có buồn chớ tiếp xúc với Phật tử tôi thấy một chuyện vô cùng đáng thương và cũng phải nói là đáng tiếc: họ đang rảnh rang thế này, có vợ có chồng, sanh con rồi thì cả đời đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương. Một rừng kiến thức Phật học đó mà họ thì cuối cùng ra đi một cách ngậm ngùi. Nuôi con cho lớn, chỉ cần khi nó có bạn trai bạn gái thì mình trở thành cái máy rút tiền của nó. 

Trong số người VN mà tôi biết không có mấy kẻ biết nhiều về đời sống ở châu Phi. Vùng Trung Phi, Bắc Phi khổ đến mức mà làm con chó con bò ở nước Việt Nam, hay Trung Quốc còn sướng hơn con người ở Châu Phi. Chỉ cần gõ mấy chữ “Châu Phi đói” vào Google thì sẽ thấy những hình ảnh kinh hoàng. Khi sanh vào bối cảnh như vậy, ăn còn không có nói gì học hành. Những đứa trẻ ở đó từ nhỏ đã bò lê dưới đất và bóc gián bóc côn trùng bỏ vào miệng; đói từ trong giấc ngủ. Do túc duyên và tiền nghiệp mà bị đẩy vào xứ nghèo như vậy. Hoàn cảnh sống hiện tại thì thích cái gì? Vì đói nên trong đầu chỉ có một chữ ‘ăn’ mà thôi. 

Còn về khuynh hướng tâm lý, tuyệt đại đa số chúng sinh có khuynh hướng bất thiện nhiều hơn thiện do sức hút của luân hồi, vì bất thiện gần với căn cơ của mình hơn và khuynh hướng đó sẽ là tham sống sợ chết, trốn khổ tìm vui, lánh nặng tìm nhẹ, thích dễ sợ khó; từ bao đời ăn sâu vào tâm khảm của mình. Với hoàn cảnh khốc liệt như ở Châu Phi, đói le lưỡi vậy, chỉ nghĩ đến một chuyện ‘ăn’, ai rủ đi tu Tứ Niệm Xứ quí vị có thời gian không? Có thể quí vị nghĩ rằng mình không như vậy, mình nghèo cho sạch rách cho thơm, giấy rách phải giữ lấy lề… nhưng tới lúc bụng đói đầu gối phải bò. 

Biết bao nhiêu sĩ quan tướng tá hét ra lửa của Việt Nam Cộng Hòa, niềm mơ ước một thời của các thiếu nữ, đùng một cái sau 30 Tháng Tư, chỉ vì một cục đường tán, một mẩu thuốc … mà trở thành những kẻ hèn hạ. Nhân cách sĩ diện gì cũng không còn nữa. Tôi nói nhiều như vậy là cố ý muốn nhấn mạnh hoàn cảnh sống cực kỳ quan trọng và ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của chúng ta. Khi gặp hoàn cảnh xấu đẩy đưa mình vào ngõ cụt rồi thì anh hùng thất vận lên rừng đốt than. 

Tất cả những gì chúng ta thương thích đều có giá trị tương đối, ở vào hoàn cảnh đó thì thích những cái đó. Với một người VN mà một bữa ăn dưới nến có hoa hồng và nhạc nhẹ thì nghe lạ lùng lắm, vì bối cảnh xã hội của mình không hợp với điều đó. Ở tầng lớp bình dân VN thì chuyện bánh sinh nhật quá xa xỉ. Có những chuyện ở VN thấy xa lạ nhưng nước ngoài rất bình thường, và ngược lại, do hoàn cảnh sống mà thôi.

BẠN

“Ai bạn kẻ đi đường?
Ai bạn người ở nhà?
Ai bạn khi cần thiết?
Ai bạn cho đời sau?
Bạn đường, bạn đi đường

Nội dung bài kệ trên: Ở ngoài đường ai là bạn, ở nhà ai là bạn, nếu có đời sau kiếp khác thì ai là bạn của mình? VN mình có câu: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Khi đi ra xã hội thì chú ý lắng nghe người lớn tuổi, có kinh nghiệm, từng trải. Còn khi về nhà thì hỏi con nít. Con nít được hỏi gì thì sẽ nói hết không biết giấu diếm. “Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”. Lạc đường cũng như lạc ngõ, con chó đi đâu thì cũng tiểu ở nơi đó như một kiểu đánh dấu đường về. Con trâu thì sống theo bản năng đi về một đường. “Trời mưa tránh trắng, trời nắng tránh đen”, sau những đêm mưa phải tránh những chỗ trắng trên đường, đó là vũng nước, trời nắng thì tránh những chỗ đen là vũng sình, hoặc dị vật.

“Sattho pavasato mittaṃ”: bạn ở nhà là mẹ.

‘Sattho’: ‘thầy dạy học’, tour guide trong một tour / journey: cuộc hành trình. Ngày xưa có những chuyến trên biển dài ngày, hoặc trên rừng, cũng có những người hướng dẫn (sattho). Bây giờ chuyện đi đứng dễ dàng, chỉ cần xách ba lô lên và đi. Ngày xưa thì chỉ quãng đường vài trăm cây số mà mẹ chết không về nổi, non sông cách trở. Cách vài trăm năm thì có cướp rừng, thảo khấu sơn tặc… 

Trong kinh có những câu có hình thức giống như câu ca dao của VN, những câu rao đầu tiên thì nghe như vô thưởng vô phạt, nhưng lại là cầu nối cho những câu phía sau, như câu “gió đưa bụi chuối sau hè” (anh mê vợ bé bỏ bề con thơ), “thia lia quen chậu” (vợ chồng quen hơi), “Ngó lên Sở Thượng thêm buồn” (muốn giăm cội rễ, sợ đường xa xôi), hoặc “Đường dài ngựa chạy biệt tăm” (Người thương có nghĩa trăm năm cũng về). Trong kinh này cũng vậy, những câu đầu chỉ là câu rao, trên đường đi người dẫn đường là bạn, nhưng về nhà thì mẹ là bạn. Mẹ là người lắng nghe buồn vui trăn trở thao thức cho mình, mẹ là tất cả. Tuy nhiên, đa số vậy thôi, chớ có nhiều người thì gần gũi với cha, hoặc anh em hoặc dì… Sư cậu của tôi hợp với ông thân sinh của tôi. Buồn vui gì thì sư cậu cũng thích tìm đến ông thân sinh của tôi.

Tại sao mẹ lại là bạn?

Tathārūpe roge jāte (những khi mình bị bệnh hoạn) puttabhariyādayo jigucchanti (vợ con những người thân thích khác có thể gớm), mātā pana asucimpi candanaṃ viya maññati (khi mình bịnh nặng dơ bẩn tiêu tiểu tại chỗ mẹ vẫn coi đó là bình thường mà thậm chí vẫn coi là thơm là quý) Tasmā sā sake ghare mittaṃ (đó là lý do vì sao nói mẹ là bạn).

Sahāyo atthajātassāti uppannakiccassa yo taṃ kiccaṃ vahati nittharati, so kiccesu saha ayanabhāvena sahāyo mittaṃ, surāpānādisahāyā pana na mittā. Samparāyikanti samparāyahitaṃ. (Ai mà là người chịu khó với mình trong lúc hữu sự thì người đó là bạn, đó là người không bỏ rơi mình)

‘atthajātassāti’ = ‘uppannakiccassā’: ‘hữu sự’.

Attha (= problem): ‘vấn đề’;

‘kicca’: ‘chuyện cần thiết’, ‘nhiệm vụ’.

“surāpānādisahāyā pana na mittā: Bạn ăn bạn nhậu thì không kể là bạn trong lúc hữu sự được.

Trong câu xin giới thứ năm:

“Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi”. ‘Surā’: ‘rượu nấu’; ‘meraya’: ‘rượu ủ’. Bỏ men vào rồi đậy lại gọi là ủ.

surāpānādisahāyā pana na mittā =‘surāpānādi’: ‘bạn ăn’, ‘bạn nhậu’.

surā (rượu)+pānā (uống)+adi (vân vân): loại bạn bè ăn nhậu, rủ đi chơi, đàn đúm, đá gà, đá cá.

‘sahāya’: cũng là bạn nhưng bao gồm cả nghĩa bạn xấu, riêng ‘mitta’ thì chắc ăn hơn.

Bữa nay là ngày tôi vừa đau khổ vừa hạnh phúc. Tôi đau khổ vì trưa nay là ngày vẫn tiếp tục đi học. Trong cơn mưa, họ báo trời mưa suốt ngày tôi phải đội mưa đi xuống núi. Nhưng không có gì hạnh phúc cho bằng nằm nghe mưa đêm, hoặc sáng sớm choàng thức giấc nhìn ra rừng thấy mưa đổ như trút, nhìn màn mưa nhòa trong rừng, đẹp lạ lùng, cảm giác đặc biệt lắm, không thể tưởng tượng được, cực kỳ hạnh phúc. Hơi oải là lát nữa mười hai giờ đội mưa đi xuống núi. Không phải là “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” đâu nghen. Mưa chỉ nghe mùi lá mục, mùi hơi nước, mùi rừng mùi cây thì dễ thương lắm.

“Bạn ở nhà là mẹ,
Bạn bè khi cần thiết,
Mới là bạn thường xuyên,
Công đức tự mình làm,
Là bạn cho đời sau”

Nội dung đoạn kệ này: khi đi đường thì kẻ dẫn đường là bạn, ở nhà thì mẹ là bạn, khi hữu sự mà chịu khó là bạn và bạn đời sau kiếp khác chính là công đức của mình.

Trong Pháp Cú dạy:

“Khách lâu ngày ly hương,
An toàn từ xa về,
Bà con cùng thân hữu,
Hân hoan đón chào mừng”

“Cũng vậy các phước nghiệp,
Ðón chào người làm lành,
Ðời này đến đời sau,
Như thân nhân, đón chào”

(Pháp Cú 219 – 220)

Với người tạo được nhiều công đức thì đời sau kiếp khác nếu còn tái sanh, công đức xưa chào đón thì như người thân chào đón khi mình từ xa trở về. Còn người làm nhiều điều bất thiện khi luân hồi thì giống như kẻ thù rình rập đón đầu chờ đợi sẵn ở phía trước. Tùy cách sống của mình mà đời sau kiếp khác mình sanh ra có ok không. Muốn làm gì bất thiện thì cứ nhớ một chuyện: mình đang tạo thêm một kẻ thù nguy hiểm cho kiếp sau. 

Cũng gọi là tu mà mỗi người dễ duôi một cách, có người dễ duôi tình cảm, có người dễ duôi hưởng thụ đời sống, có người dễ duôi sát sanh. Họ cũng thờ Phật, giữ giới nhưng xử lý ruồi muỗi mối kiến rất nhẹ nhàng thoải mái. Tụi nó đang là con muỗi mối ruồi kiến nhưng đời sau kiếp khác không biết tụi nó là gì. Ví dụ như mình mới nhận hoa hậu, nhận giải Oscar xong, bị chúng nó xử chết ngắc. Cẩn thận khi mỗi lần muốn giết ruồi muỗi kiến thì lỡ mai này trổ nghiệp nhằm lúc mình mới vừa gặp Phật chưa kịp gì hết có người giết mình mất rồi. 

Thời Đức Phật có một ông thiện nam tu hành tốt lắm, tới nghe pháp ngủ đêm tại chùa, sáng hôm sau ra trước chùa rửa mặt. Có một đám thanh niên đi bắt trộm, đến chỗ ông thiện nam thấy túi đồ nằm sau lưng ổng liền đập chết ngắc. Có thằng ăn trộm thiệt nhưng khi bị rượt chạy tới đó nó liệng túi đồ sau lưng ông thiện nam đang rửa mặt. Đám thanh niên không biết mặt ông thiện nam này, cứ hùa nhau đập ổng chết thê thảm. Chư tăng thưa với Thế Tôn, vì sao ông cư sĩ tốt như vậy mà chết thảm như vậy, nghiệp gì mà nặng nề quá. Đức Phật biết ngày xưa ông thiện nam này từng là quan giữ ải. 

Vào một buổi chiều “mùa thu lá bay” có hai vợ chồng đi xe ngựa ngang cửa ải. Vì cô vợ quá đẹp nên ông quan này tìm cách chiếm đoạt. Đêm đó ông cho thuộc hạ bỏ viên ngọc quý vào thùng xe ngựa, sáng hôm sau tri hô là mất đồ và nghi ngờ ông chồng là người ăn cắp. Xét thùng xe, có viên ngọc quí. Người chồng bị tra khảo đến chết. Vì quê nhà cách trở xa xôi, không có đường về, người vợ đành phải lấy ông quan. Do nghiệp xấu vu oan giá họa cho người khác, sau kiếp đó ông quan bị đọa địa ngục, rồi sau trở lên làm người cứ thấy mặt ổng là người ta đổ oan. “Công đức tự mình làm, Là bạn cho đời sau” là vậy đó, nếu mình có nhiều công đức thì đời sau sanh ra đi đâu cũng được phước báu chào đón, còn làm quá nhiều ác nghiệp thì đi đâu sanh ra cũng quá nhiều kẻ thù chào đón.

CƠ SỞ

Vatthusutta

‘Vatthu’: ‘nền nhà’. ‘Kapilavatthu’: (Ca Tỳ La Vệ) ‘nền nhà của ông Kapila’. Kapila là một ông đạo sĩ (thầy tu rừng), ngẫu nhiên thấy một vùng đất lạ, mấy con thú lớn đến đó quên mất chuyện săn mồi, thú nhỏ khi đến đó cũng quên mất bị truy đuổi không còn sợ hãi. Về sau ông gặp nhóm người đi ngang đó, là tổ tiên của dòng Thích Ca về sau, họ đang đi tìm chỗ lập ấp. Thấy họ là những người đáng giúp đỡ, Kapila đề nghị họ chọn vùng đất đó và sau này thành kinh thành Kapilavatthu. Không biết hôm nay miếng đất đó ở Ấn Độ có còn hội đủ điều kiện phong thủy như xưa không.

‘vatthu’: ‘nền nhà’, ‘đồ vật’, ‘câu chuyện’, ‘thần kinh’. Trong bài kinh này Hòa thượng Minh Châu dịch là ‘cơ sở’, nhưng tôi dịch là ‘chỗ dựa’, chính xác hơn. Trong thế giới loài người, con cái là chỗ dựa. Có những trường hợp câu trả lời tùy thuộc vào đối tượng trước mắt. Ví dụ, người cha người mẹ nói với thằng con cả: Con phải giữ sức khỏe, không có sức khỏe thì đừng nói đến chuyện gì trên đời. Đối với thằng hai thì nói: Con phải nhớ, thế giới này có tiền mua tiên cũng được. Con mà có tiền thì đổi trắng thay đen được, mới lo cho cha cho mẹ được…. Đối với thằng út thì nói khác: Thế giới này dành cho những người có cái đầu, không phải dành cho người dốt, những người điều hành cả hành tinh này là những người có học. 

Cũng người cha người mẹ đó, nhưng nói chuyện với ba đứa con khác hẳn nhau. Cha mẹ đâu ghét bỏ đứa con nào, tại sao họ lại nói khác nhau như vậy? Phật pháp cũng vậy, miễn là câu trả lời của Đức Phật gợi ý cho người ta điều gì đó có lợi ích là được rồi, còn nhiều khi cách trả lời rất khác nhau, vì căn cơ người nghe là vậy.

Ngày trước ở Việt Nam tôi có nghe Sư Trưởng khen một chú tiểu trong chùa là thông minh. Lần đó Sư đang ở ngoài sân, Sư nghe trong phòng có một tiếng động rất khả nghi, hình như món đồ gì đó bị rớt xuống đất mà bể là cái chắc. Sư Trưởng hỏi: cái gì đó Minh. Thằng bé trả lời một câu trả lời rất thông minh, sau này tôi ra nước ngoài tôi ước gì tất cả đàn bà trên đời này biết câu chuyện này mà học hỏi thì hay biết chừng nào, và người học đạo cũng vậy, lấy câu chuyện làm chỉ nam học đạo thì hay biết bao nhiêu. Câu trả lời thế này: “Dạ không có bể Sư ơi”. Mục đích là quan trọng nhất. Ông Ngô Đình Nhu có một câu rất hay: “Mọi phương tiện nào cũng tốt, miễn là dẫn đến kết quả như ý”. Bên Tây có câu: “Kết quả biện minh cho phương tiện”. “Mèo trắng mèo đen đều như nhau miễn bắt được chuột”. Đây là câu nói của Đặng Tiểu Bình, một nhân vật đã biến TQ thành cường quốc như hôm nay. Trong đời sống cũng vậy câu này hiểu một cách thông minh thiện chí thì ok.

“Con là cơ sở người”; chỗ dựa của phần lớn của con người là con cái, vì già thì con nuôi. Trong hoàn cảnh này Đức Phật nói như vậy chớ hoàn cảnh khác thì không chắc. Nuôi con mà mong con đền đáp thì đó là đầu tư mạo hiểm (risky investment). Gởi nhà băng còn có lời chớ nuôi con rồi mong đền đáp thì khó. Con gái thì sợ chồng, con trai thì sợ vợ. Cho đến bây giờ nói hơi phũ phàng mười lăm năm xa xứ tôi vẫn sống nhờ người dưng. Dù là chuyện của tôi nhưng vẫn là chuyện của quí vị, không có người dưng là tôi chết rồi.

“Vợ là bạn tối thượng”. Cái này tôi không có chắc. Đức Phật dạy có 7 hạng vợ, vợ như mẹ, như bạn, như nô lệ…

“Thần mưa là trì mạng, Y cứ vào địa đại”. Mưa thuận gió hòa chính là hơi thở, là đời sống của mình, muôn loài phải y cứ vào đất.

Có những bài kinh nội dung rất là mềm, có thể trong hoàn cảnh nào đó, căn cơ người nghe chỉ có thể nghe được tới đó. Ở đây nếu các vị hỏi tôi nội dung như vậy thì đạo giải thoát, lý tưởng tu hành nằm ở đâu? Có một chuyện tôi biết nói ra sẽ bị chúng chửi tan nát, nhưng vì lương tâm nhà nghề không thể không nói. Tôi không biết những cái lớp huấn luyện pháp sư trong nước họ dạy cái gì mà tôi nghe nhiều vị Nam tông xuất thân từ các trường đó giảng kinh trên internet không dựa vào chú giải, không dựa vào A-tỳ-đàm. 

Xét theo góc cạnh văn hóa đời thì một bài thơ một đoạn văn không thể hiểu trên bề mặt được. Theo tôi biết là nội dung huấn luyện pháp sư giảng sư trong nước do giáo hội nhà nước tổ chức, không biết giảng cái gì, chỉ tạo ra những người lợi khẩu (lưu loát, bài bản) mà họ quên một điều quan trọng là lưu loát bài bản chỉ mang giá trị 30% bài giảng, 70% còn lại là giảng cái gì. Trong những bài kinh như thế này giảng bằng lương tâm vẫn có chỗ để nói. Nội dung bài kinh này tu hành ở chỗ nào? “Con cái là chỗ dựa, vợ là bạn tốt, mưa gió đất đai là hơi thở, là đời sống của con người…”, như vậy là huề vốn. 

Những ý tưởng này đâu cần vô đạo mới biết, ở ngoài đời cũng biết rồi, thậm chí những ý tưởng này còn có vẻ chân quê nữa, nhưng xin thưa, có một điểm trong kinh quí vị nên để ý, bất cứ câu chuyện nào mà đến với Đức Phật rồi sẽ lập tức trở thành đề tài thuyết giảng chánh pháp. Chúng ta thấy rất nhiều những câu chuyện Bổn Sanh, có vẻ như không có gì liên hệ đến tu hành giải thoát, thế nhưng, quí vị mở lại Kinh Bổn Sanh của ngài Minh Châu mà coi, sau khi kể lại câu chuyện này Đức Thế Tôn đã thuyết giảng một thời pháp về Bốn sự thật (Bốn Đế) và kết thúc bài giảng thì vị tỳ kheo nào đó, nhân vật nào đó chứng quả Dự Lưu. 

Công thức từ đầu khóa học tôi đã nói: Do vô minh trong Bốn Đế nên dẫn đến 3 hành: phi phúc hành, phúc hành, bất động hành. Cứ như thế mà tạo ra vòng tròn duyên khởi bất tận, khép kín. Bất cứ câu chuyện nào Đức Phật kể xong Ngài đều nhắc lại ý này. Làm vua, làm ăn cướp, làm thầy tu, kỹ nữ, tướng tá gì nữa cuối cùng cũng chỉ là vòng quẩn quanh của Khổ đế mà Khổ đế đi ra từ Tập đế. 

Câu chuyện này cũng vậy, nếu một người có thấm thía tương chao Phật pháp, đọc câu kệ này nản thiệt: “Con cái là chỗ dựa”, điều này mở ra cho mình nhiều vấn đề, một đầu tư quá lớn quá mạo hiểm. Muốn có con phải yêu đương hò hẹn mua đất cất nhà, hoạch định tương lai, phải lo cho con từ lúc nó chào đời đến lúc nào mình tàn hơi tắt thở thì thôi. Cái gọi là chỗ dựa của mình, mình phải đầu tư rất nhiều, và khi đã đầu tư như vậy rồi mà chắc gì mình nương nhờ được nó. 

Giống như năm uẩn này vậy, mình đầu tư năm uẩn rất nhiều mà mình được gì từ năm uẩn đó. “Con” ở đây mở ra cho mình một nhận thức khác, chỗ dựa của dòng sinh tử nó tầm thường như vậy sao, đầu tư cho nó quá mỏi mệt để rồi cuối cùng nương cậy nó được cái gì. “Vợ là người bạn ở nhà”, câu này như là một sự mỉa mai cho cõi nhân thế này. Lấy nhau vui ba tháng buồn ba năm khổ suốt đời, đây là công thức mà ai cũng nhớ hết, vậy mà trai lớn phải lấy vợ, gái lớn phải lấy chồng. Lấy nhau về vào ra chạm mặt, đồ vật chán còn bỏ được, còn người chán thì sao? 

Âu Mỹ ly dị dễ dàng, nhưng VN thì cứ gồng mà sống với nhau, nhất là có con ràng rịt. Ở Thụy Sĩ mà muốn ly dị thì số tiền bỏ ra đủ để người VN trở thành đại gia. Năm bảy chục ngàn là giá thấp nhất, còn không thì người ta cứ ngó vào gia tài của mình rồi tính phần trăm. Nếu mình nghèo quá thì người ta lấy khoảng năm chục thì giải quyết xong một lần ly dị, phần lớn là vậy. 

Những câu kệ này đều là mỉa mai cay độc cho cái gọi là dòng sinh tử. Chỗ dựa của mình là con, đầu tư lớn như vậy mà niềm hy vọng vào nó chao ôi mong manh khốn cùng. Vợ cũng là đầu tư mạo hiểm nhưng rồi thì đồng sàng dị mộng. Mưa thuận gió hòa có đủ cho mình sống không? Xã hội bất an, văn hóa đạo đức suy đồi, thế giới chiến tranh, bị những bóng ma hạt nhân khủng bố đe dọa, trong một hành tinh như vậy thì mưa thuận gió hòa liệu có đủ mình sống bình yên không? Liệu mảnh đất này có thể còn tồn tại bao lâu nữa với những ám ảnh khôn nguôi từ những tội ác và những hiểm họa thiên tai nhân họa. 

Như vậy toàn bộ bài kệ này là một bức tranh vẽ nên diện mạo thảm khốc, cái mà nhà thơ Du Tử Lê gọi là “nhan sắc lầm than” của cuộc sống này. Thấm thía tương chao thì thấy bài kinh nào cũng là một đề tài, một công án lớn để mình tu học, vậy mà có những chúng sinh khi gặp Phật rồi, cái sức của họ chỉ vừa đủ để nghe được đạo theo kiểu này thôi, các vị có muốn như vậy hay không thì tùy. 

(Dưới đây là phần bổ sung của bài kinh này trong buổi giảng ngày hôm sau). 

Ngày nào cũng vậy, giảng xong là tôi băn khoăn, sao cái điểm đó không nói nhiều hơn chút, bản dịch đó sao mình không dịch lại, bản dịch đó có vấn đề nào lưu ý. Giảng xong rồi tâm cứ vương vấn một hai giờ đồng hồ không yên.

Bài kệ hôm qua có câu:

“Con là cơ sở người. Vợ là bạn tối thượng”

“Kiṃsu vatthu manussānaṃ, kiṃsūdha paramo sakhā;”

Câu kệ đó phải dịch lại, nếu không dịch thì kỳ lắm. Quí vị dò bản tiếng Anh lẫn tiếng Đức không có như vậy. Chữ ‘tối thượng’ ở đây người VN nghe cũng sốc, ‘tối thượng’ là cái gì mang tính tâm linh chớ bà xã có gì đâu mà ‘tối thượng’. Chữ paramo trong tiếng Pāḷi rộng lắm, để cắt một vật gì đó thì dao búa là số một, số một ở đây gọi là ‘paramo’. ‘Paramo’ ở đây dịch là bạn thân nhất

Bài kệ phải được dịch lại như sau: Cái gì là chỗ dựa cho nhân loại? Ai là bạn thân thiết nhất? Đối với các loài sống trên mặt đất thì đời sống dựa vào cái gì? Câu kệ phải dịch lại như vậy cho yên cái lòng của tôi.

‘pathavissitā’ là loài sống trên mặt đất.

‘Pathavi’: ‘đất’.

‘Sitā’: ‘y cứ’, ‘nương tựa’, ‘dựa dẫm’.

‘Sitā’: nụ cười: nụ cười. ‘Sita’: mát lạnh.

‘Bahu’: nhiều. ‘hu’: nhiều. ‘Bāhu’: cánh tay.

Tóm lại, nội dung bài kệ này: Cái gì là chỗ dựa cho nhân loại? Con là chỗ dựa. Ai là bạn thân thiết nhất? Vợ là bạn thân thiết nhất của người chồng. Đối với các loài sống trên mặt đất thì dựa vào cái gì để sống? Mưa là chỗ dựa cho các loài sống trên mặt đất. Mưa ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng. Ba phần tư diện tích bề mặt trái đất là các đại dương, với diện tích đó thì lượng hơi nước mới cung cấp đủ nước mưa cho các lục địa. Hơi nước là do sức nóng của ánh nắng mặt trời bốc lên thành mây và rơi xuống. Hơi nước này không chỉ dành cho cây cối mà còn là nguồn dưỡng khí. Các hành tinh khác trong vũ trụ việc đầu tiên để xác nhận có sự sống hay không là có hơi nước hay không.
___________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.