Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 1 - Tương Ưng Chư Thiên - Phẩm Cây Lau (VI. Tỉnh Giác)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 1 - Tương Ưng Chư Thiên - Phẩm Cây Lau (VI. Tỉnh Giác)

PHẦN CHÁNH KINH

VI. Tỉnh Giác (S.i,5)

... Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Có bao pháp mê ngủ,
Khi pháp khác tỉnh giác?
Có bao pháp tỉnh giác,
Khi pháp khác mê ngủ?

Có bao nhiêu việc làm
Ðưa ta đến trần cấu?
Có bao nhiêu việc làm
Khiến ta được thanh tịnh?

(Thế Tôn):

Có năm pháp mê ngủ,
Khi pháp khác tỉnh giác,
Có năm pháp tỉnh giác,
Khi pháp khác mê ngủ.

Chính có năm việc làm
Ðưa ta đến trần cấu,
Chính có năm việc làm
Khiến ta được thanh tịnh.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

Tỉnh Giác

… Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Có bao pháp mê ngủ, Khi pháp khác tỉnh giác? Có bao pháp tỉnh giác, Khi pháp khác mê ngủ?Có bao nhiêu việc làm Ðưa ta đến trần cấu? Có bao nhiêu việc làm Khiến ta được thanh tịnh?

Suttā: ‘giấc ngủ’, ‘mê ngủ’, ‘sợi chỉ’, ‘kinh điển’.

Jāgarā: ‘tỉnh giác’ (giống waking up).

Vị Trời hỏi có bao nhiêu pháp ‘sutta’, nghĩa là có bao nhiêu pháp làm cho người ta không tỉnh thức, và có bao nhiêu pháp khiến cho người ta tỉnh thức ‘jaga’.

Đọc bản dịch của HT Minh Châu thì hơi rối nhưng bản Pāḷi rất là đơn giản:

Kati jāgarataṃ suttā kati suttesu jāgarā,
Katīhi rajamādeti katīhi parisujjhatīti.

Có bao nhiêu pháp làm cho người ta mê ngủ, có bao nhiêu pháp làm cho người ta tỉnh thức, có bao nhiêu pháp làm cho người ta trở nên cấu uế, có bao nhiêu pháp làm cho người ta thanh tịnh. Nếu đọc chánh kinh mà không đọc chú giải có lẽ khó lòng hiểu ý nghĩa trong câu trả lời của Đức Thế Tôn: Có năm pháp mê ngủ, có năm pháp tỉnh giác, có năm pháp dẫn đến cấu uế, có năm pháp dẫn đến thanh tịnh.

[9] Năm triền cái

Năm triền cái (nivarana) là 5 pháp dẫn đến mê ngủ. Triền nghĩa là quấn (theo bản dịch của Tàu). Cái có nghĩa là che. Ví dụ như nói “tài ba cái thế”, “anh hùng cái thế” nghĩa là bao trùm cả thiên hạ. Var: “ngăn chặn”, “che khuất”. 

Ví dụ, trí tuệ của Đức Phật gọi là: Anāvarañanana: vô ngại trí, vô hạn trí. Trí của Đức Phật không bị cái gì cản trở hết. Dưới Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác như Độc Giác tu Ba-la-mật hai a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp trái đất, khi thành rồi thì Độc Giác chỉ nhớ được quá khứ là hai A-tăng-kỳ; hai vị Chí thượng Thanh văn bên trái bên phải vị Chánh Đẳng Giác như ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên chỉ tu Ba-la-mật một a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nên cũng nhớ lại quá khứ chỉ một nửa. Riêng các vị đại Thanh Văn tu 100 ngàn đại kiếp như A Nan, Ca Diếp cũng nhớ 100 ngàn đại kiếp, nhớ đúng thời gian mình tu Ba-la-mật. 

Riêng vị Chánh Đẳng Giác, hạnh trí tuệ tu 20 a-tăng-kỳ, hạnh đức tin 40 a-tăng-kỳ, hạnh Bồ tát tinh tấn 80 a-tăng-kỳ, thời gian tu Ba-la-mật chắc chắn có giới hạn nhưng khi thành rồi các vị ấy có sức nhớ quá khứ không giới hạn và khả năng quán xét về tương lai không giới hạn. Có thể hiểu như thế này, khi ở triền núi phía Đông thì không thấy gì phía bên kia triền Tây, ở triền Nam không thấy triền phía Bắc. nhưng đối với một người đã lên tới đỉnh nữa thì không còn giới hạn nữa. Trí tuệ của vị Chánh Đẳng Giác là Anāvarañanana – vô ngại trí, không có gì ngăn che.

* Năm Triền Cái.

Theo Tăng Chi Bộ, phần giảng về 5 pháp, năm triền cái gồm:

1. Dục cái (Kamacchanda). Dục có nghĩa là lòng ham thích trong 5 cảnh dục (thích nhìn nghe ngửi nếm, suy nghĩ… liên hệ đến 5 dục); trong thiền chỉ hay thiền quán rất là kỵ những điều này. Khi ngồi thiền mà nhớ đến món ăn hay chuyện hưởng thụ nào đó như đi shopping chẳng hạn, cũng là dục cái. có nghĩa là lòng ham thích trong 5 cảnh dục (thích nhìn nghe ngửi nếm, suy nghĩ… liên hệ đến 5 dục); trong thiền chỉ hay thiền quán rất là kỵ những điều này. Khi ngồi thiền mà nhớ đến món ăn hay chuyện hưởng thụ nào đó như đi shopping chẳng hạn, cũng là dục cái. Tâm dục cái giống như chén nước bị pha màu. Chén nước bị pha màu thì không thể soi thấy mặt trong đó.

2. Sân độc (Vyāpāda nīvaraṇa). Sân độc là sự bất mãn trong chuyện này chuyện kia, có hoặc không liên hệ đến dục. là sự bất mãn trong chuyện này chuyện kia, có hoặc không liên hệ đến dục. Tâm sân độc cái giống chén nước bị sôi, cũng không thế soi thấy mặt mình trong đó được. Ngồi thiền hoài mà sao phóng tâm mãi thì bực mình, tủi thân, thấy người ta ngồi mấy tiếng không sao, mình ngồi một chút thì khó chịu, sự khó chịu này không liên hệ đến dục nhưng chính là tâm sân.

3. Hôn thụy (Thina-middha). Hôn trầm, thụy miên. Tâm bị hôn trầm thụy miên chi phối nhẹ thì lười biếng dã dượi, nặng thì buồn ngủ. Tâm bị hôn thụy cái giống như nước bị rong rêu. Đó là trạng thái dã dượi lười biếng tiêu cực, thụ động, thiếu máu, không đủ lửa; tới giờ phải học phải thiền thì dã dượi. 

Nghe ra có vẻ nhẹ nhàng, về mặt đạo đức xã hội không ảnh hưởng gì mấy, nhưng trong đường tu tập thì rất lớn chuyện. Trong Thanh Tịnh Đạo có nói lý do vì sao mình buồn ngủ, đó là: một là vì say cơm (bhattasammada: sự say vật thực,sự mệt vì vật thực, sự dã dượi vì vật thực. Mad: say; động từ majja.) Trong câu xin giới bằng tiếng Pāḷi có chữ ‘Surame’.Suramerayamajja, sura là ‘rượu’, ‘men’; majjalà bất cứ thứ gì có khả năng gây say, do vậy trong ngũ giới, giới thứ năm bao gồm luôn cả thuốc lắc (ecstasy).

4. Trạo hối (Uddhacca-kukkucca). Phóng dật và hối, tâm không được yên, tiếc nuối. (Đây là giải thích theo tạng Kinh, còn theo A-tỳ-đàm, phóng dật thuộc về si, hối thuộc về sân). 

Hối (katamakatam): tiếc nuối ray rứt chuyện mình đã làm (katam) hoặc không chịu làm (akatam). Phóng dật là trạng thái tâm không tập trung, giống hòn đá ném vào đống tro, tro bay lên tán loạn, theo như trong kinh, tâm một người không định không niệm giống như trái bầu khô trôi nổi trên nước. Phóng dật là trạng thái tâm không tập trung, giống hòn đá ném vào đống tro, tro bay lên tán loạn, theo như trong kinh, tâm một người không định không niệm giống như trái bầu khô trôi nổi trên nước. Tâm bị trạo hối giống như nước bị gió thổi nổi sóng lăn tăn.

5. Hoài nghi [1](Vicikiccha). Tâm bị hoài nghi giống như bị vấy bùn.Hoài nghi là hoang mang thắc mắc không xác quyết liên quan đến con đường giải thoát.

Tóm lại 5 triền cái gồm dục, sân độc, hôn thụy, trạo hối, hoài nghi. Hôn thụy cái khiến ta mê mờ theo nghĩa đen, năm triền cái khiến ta mê mờ theo nghĩa bóng; nghĩa là khi dính vào một trong năm cái này thì đầu óc tối tăm không nghĩ ra được cái gì hết. Đó là năm pháp khiến ta mê ngủ. Ví dụ, dính vào trong tham dục thì không suy nghĩ được gì, khi thích cái gì tâm mình ghim sâu dính chặt vào đó, giống một đứa bé đang nhìn chăm chăm món đồ chơi thì ai gọi nó cũng không nghe; người lớn cũng vậy, khi đam mê thích thú cái gì đó thì khó rảnh trí để suy nghĩ đến chuyện khác. 

Do khuynh hướng tâm lý bản thân cộng với tiền nghiệp nên hôm nay ta mới có mặt trong một hoàn cảnh, điều kiện môi trường sống đặc biệt, và trong môi trường sống đó, do tác động của tập khí phiền não nên chúng ta mới thích, mới đam mê cái gì đó. Hiểu được điều này ta sẽ bỏ đi nhiều đam mê. 

Một nông dân thích cảnh đồng chiêm lúa rạ, soi nhái, bắt ếch, thích dây trâm bầu, thích mùi nước rạ nước đồng; dân phố thì khi đi xa cứ nhớ tiếng tiếng còi, khói bụi, tiếng rao hàng… Có một người kia ở Vĩnh Long, Việt Nam, ông có giấy tờ đi HO mà không muốn đi. Cuối cùng cũng phải đi. Ở Mỹ được ba năm thì từng ngày trong ba năm đó ông đau đáu nhớ quê như thể 19 năm của Tô Vũ chăn dê đời Hán. Vậy mà khi về VN thăm nhà có ba hôm thì ông nói bằng mọi giá phải quay về Mỹ vì ồn, vì bụi, vì chạy xe nguy hiểm quá. 

Diễn viên Sean Connery (đóng vai James Bond, Điệp viên 007), khi qua Hà Nội, ông phát biểu cảm tưởng về VN: Tôi ở trong phim có thể lái xe bắn súng rượt đuổi kẻ thù với tốc độ nào cũng được, vừa chạy vừa thắt cà vạt cũng được nhưng ở VN không dám lái xe, “quá nhanh, quá nguy hiểm”. Người trong nước thì rất tự tại, ở môi trường nào quen môi trường đó. 

Người Phật tử mà biết chỗ này thì bớt tham dục nhiều lắm. Những cái mình cho là hay ho thật ra chẳng là gì cả. Có người tự cho là trí thức chơi lan kiểng, uống trà, thổi sáo ngâm thơ, nhưng thật sự những người có nhu cầu như vậy từ trong máu không có nhiều mà thường là những trọc phú ngày xưa khổ bây giờ muốn làm cho giống người ta một chút, sưu tập một cái gì đó; lâu ngày có bạn bè đồng chí hướng lập thành câu lạc bộ v.v…, thật ra là thứ dỏm. 

Tại sao mình ăn thấy ngon? Do nghiệp dục giới, nếu không đói không thèm thì không thể ăn được; phải đói mới thèm ăn, chỉ như vậy thôi. Mình thấy ngon là do hoàn cảnh, chứ trên đời không có gì ngon hay dở. Sân độc – sự bất mãn, cũng vậy; cái thích càng nhiều thì bất mãn càng lớn, niềm đam mê trong năm dục càng nhiều, thì bất mãn càng lớn. Trên cõi Phạm thiên không có năm dục, không có đam mê trong năm dục, nên không có sân. Không có hy vọng làm gì có thất vọng.

Năm triền cái làm cho người ta buồn ngủ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vì trong đó có hôn thụy, hôn thụy làm người ta buồn ngủ theo nghĩa đen, bốn triền cái còn lại làm cho người ta mê ngủ theo nghĩa bóng. Năm quyền làm cho người ta tỉnh thức theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khi thiện pháp cứ cuồn cuộn, hừng hực thì làm sao mà ngủ.

Năm pháp dẫn đến tỉnh thức là năm quyền[2].

Năm pháp làm cho người ta trở nên cấu uế bất tịnh là năm triền cái. Năm pháp khiến người ta được trở nên thanh tịnh là năm quyền (Tín, tấn, niệm, định, tuệ): Có niềm tin trong sạch vào Tam Bảo, vào thầy bạn, vào pháp môn tu tập. Niềm tin có chín chắn thì sự tu tập mới đúng đắn. Niềm tin muốn đúng đắn phải dựa vào trí tuệ. Trí nhiều mà không có niềm tin cũng là một thảm họa. Đức tin nhiều mà không trí tuệ cũng là một bi kịch. Có đức tin, có trí tuệ mà không có niệm, định thì cũng không làm được gì. Phải có đủ năm quyền mới hy vọng tu tập thiền Chỉ, thiền Quán có kết quả. Niệm là khả năng ghi nhớ những gì đang xảy ra. Trong chữ Hán có chữ Niệm (念)gồm chữ Kim (今) (nghĩa là “bây giờ”), phía dưới là chữ Tâm (心), nghĩa là cái Tâm biết điều gì đang xảy ra, tại đây và bây giờ, đó là niệm. Định là khả năng tập trung tư tưởng, không phân tán lung tung, giống như Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt bên đường bị lính đâm vào chân mà không hay, hoặc như Quan Công vẫn đánh cờ bình thường khi Hoa Đà mổ bên vai. Tuệ gồm có sự biết rõ cái gì là cái gì, vận hành ra sao. Năm quyền này làm cho người ta trở nên thanh tịnh. 

Thuở Đức Phật còn tại thế có ông Bà-la-môn tên là Saṅgārava đến hầu Đức Phật. “Thưa Sa-môn Gotama hồi con còn trẻ, học mau và nhớ lâu, còn bây giờ học lâu và mau quên là vì sao?” Đức Phật trả lời là do tâm lúc bị năm triền cái thì trở nên như vậy đó. Khi năm triền vắng mặt thì muốn làm gì cũng được, thậm chí khi năm quyền phát triển đến mức nào đó, thì tự nhiên thiền Chỉ thiền Quán không phải là vấn đề. Do Ba-la-mật yếu nên năm quyền mới bị yếu, chứ không là đắc thiền Chỉ thiền Quán trong nháy mắt mà thôi. Tuệ, do mình hiểu lầm nghĩ nó là cái trình độ tư duy gì ghê gớm, và do tu bằng tâm trạng mong cái này được cái kia, cả hai khiến cho mình dương dương tự đắc khi thầy phán mình đạt cái tuệ thứ mấy, thứ mấy… 

Thật ra với một người đại căn đại duyên thì giai đoạn (tạm gọi là) tuệ này hầu như không có. Trong bộ Vô Ngại Giải Đạo (bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Ngân hoặc Thượng tọa Pháp Chất (còn được gọi là Thượng tọa Vô Ngại Giải), hoặc cuốn San định nội dung Vô ngại giải đạo của Sư trưởng trụ trì chùa Bửu Đức, hoặc Phân tích đạo, Sư Chánh Thân) tìm phẩm Maggakathā. Trong bản Pāḷi, phần định nghĩa về Bát chánh đạo rất là sâu; phần giảng về trí tuệ, 73 trí của chư Phật, rất là hay; phần giảng về thần thông, về đạo rất là tuyệt vời. 

Người VN sợ kinh cắn, thỉnh kinh về thì nhốt kinh vô tủ, khóa lại không bao giờ dám nhìn vì sợ kinh cắn; chứ đúng ra có những bộ kinh rất quan trọng như bộ Vô Ngại Giải Đạo của Nguyễn văn Ngân, quyển San định của Sư trưởng. Quí vị hãy dành thời gian đọc bộ Vô Ngại Giải Đạo, quí vị nào là Phật tử Bắc tông, biết chữ Hán hãy lưu tâm các bộ sau: Câu Xá Luận, Thành Thật Luận, Phát Trí Luận, Tỳ Bà Sa Luận. Những ai muốn tìm hiểu sâu rộng về A-tỳ-đàm của các Bộ phái sau thời Đức Phật thì nên bỏ thời gian tìm đọc. Đây là cầu nối giữa A-tỳ-đàm Nguyên thủy và A-tỳ-đàm Bộ phái. Riêng những ai chỉ muốn chuyên nhất về Nam tông thì sống chết gì cũng phải đọc những bộ này: Sớ giải của Thắng Pháp Tập Yếu, Sớ giải của bộ Pháp Tụ, Sớ giải của bộ Phân Tích, Sớ giải của bộ Luận điểm Kathāvatthu. Kathāvatthu là bộ thứ 5 của A-tỳ-đàm, ngài Tịnh Sự dịch là Bộ Ngữ Tông, sau này trong nước có người dịch là Bộ Luận Sự. 

Trên 7 tỷ người chỉ có một người là tôi dịch Kathavatthu là luận điểm; người Việt, người Tàu, người Nhật, người Đại hàn nghe đều hiểu chữ này. Bộ Vô Ngại Giải Đạo đã hay mà Sớ giải của Vô Ngại Giải Đạo càng rất hay nữa. Nên bỏ ra hai phần tư hoặc ba phần tư thời gian và tài sản để đọc những bộ sách trên mới không uổng kiếp người. Cứ học, đọc và ghi nhớ để thấy mình chỉ là một chiếc lá bé mọn và vô nghĩa, để thấy mình chỉ quẩn quanh trong một thế giới nhỏ hẹp, tăm tối mù mịt, tanh tưởi không lối thoát; học để thấy thế nào là Phật trí, để tin trên đời này có nhất thiết trí, để tin trên cuộc đời này có con đường giải thoát thật sự, để thấy mình có nhiều cách sống tuyệt vời chứ không phải là một lối sống quẩn quanh chật vật như từ xưa giờ đã sống.
__________________________________________________
Ghi chú: 
[1] Xem lại 5 hạ phần kiết sử trong bài kinh Bao nhiêu phải cắt đoạn
[2] Xem phần Năm quyền trong bài kinh Bao nhiêu phải cắt đoạn giảng ngày 25-5-2014.

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t...

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại...

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,...

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta ...

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.