174. Làm cho rõ Niết bàn?
- Thưa đại đức! Hôm qua đại đức đã nêu ra hằng chục đức tính cao quý vô thượng của Niết bàn do nhờ hình tượng của sự vật nói lên. Hiện tại, trẫm đã hình dung ra được Niết bàn ấy. Tuy nhiên, theo trẫm được học hiểu thì Niết bàn không phải quá khứ, Niết bàn không phải vị lai, Niết bàn không thể là hiện tại. Lại nữa, Niết bàn ấy cũng không phải cái mà mọi người làm cho nó sanh lên. Quả thật trí óc phàm phu chẳng thể nào mà nắm bắt được!
Vậy thì sao ạ, thưa đại đức, những người thực hành đúng đắn chánh pháp, tinh cần chỉ tịnh và quán minh thì sẽ làm cho tỏ lộ Niết bàn? Hay cứ thực hành cho rõ con đường ấy tất là làm cho rõ Niết bàn? Hoặc là cứ tu tập như thế thì Niết bàn sẽ tự tỏ lộ, sau đó mới làm cho rõ hơn nữa.
- Tâu đại vương! - Khi mà thực hành đúng đắn chánh pháp rồi thì sẽ làm cho tỏ lộ Niết bàn hoặc là Niết bàn tự tỏ lộ, rồi làm cho rõ rệt thêm lên đều được cả. Cách nói nào cũng đúng cả! Chỉ đừng nên hiểu sai là Niết bàn được sanh lên bởi một nhân nào đó. Có lẽ khi mình thấy rõ Niết bàn, chứng nghiệm Niết bàn rồi - thì sự diễn tả, phát ngôn của mình mới chính xác hơn, phải thế chăng?
- Đúng vậy!
Nhưng... nhưng hiện tại, trẫm và thính chúng nơi này, và mai sau nữa, đều là kẻ phàm phu; nên vẫn mong những kiến giải đầy trí tuệ của đại đức, những ví dụ sống động và cụ thể của đại đức, để đem ánh sáng cho phần đông, thưa đại đức!
- Tâu, vâng! Như đại vương biết rồi, người nào theo lời giáo huấn của Đức Toàn Thắng - mà thực hành tốt, thực hành đúng đắn, dùng trí tuệ quán xét pháp hành, thì sẽ tỏ lộ được Niết bàn tối thượng lạc ấy. Ví như người học trò tìm thầy để học nghề nghiệp. Nhờ tin tưởng vào thầy, thực hành tốt, thực hành đúng đắn lời chỉ dạy của thầy, người học trò ấy nắm được bí quyết thiện xảo của nghề nghiệp. Như thế, có thể nói, là nhờ đức tin, nhờ theo lời chỉ dạy của thầy, nhờ thực hành đúng đắn, người học trò kia nắm bắt được nghề nghiệp, mà trước đây y chưa có? Nói thế được không đại vương?
- Có thể được.
- Niết bàn trước đây chưa có, nhưng nhờ trí tuệ làm cho tỏ lộ Niết bàn cũng y như thế, tâu đại vương!
- Hay lắm! Vậy thì tỏ lộ làm cho ta thấy được rõ, phải thế chăng? Niết bàn có thể thấy rõ, ta có thể thấy rõ như thế nào hả đại đức?
- Tâu đại vương! Niết bàn có thể thấy rõ được do sự chứng nghiệm ở trong tâm. Ta chứng nghiệm được những trạng thái như: mát mẻ, thanh khiết, an lạc, hòa bình trường cửu v.v... và rõ ràng như vừa xa lìa được sự nóng bức, sự ô nhiễm, sự thống khổ, sự bất an dao động vậy, tâu đại vương!
- Sự xa lìa ấy là như thế nào, đại đức? có ví dụ cụ thể chăng?
- Được chứ! Ví như có người ở trong một căn nhà bị lửa thiêu cháy xung quanh, người ấy hốt hoảng, sợ hãi, dao động... Sau một hồi bình tĩnh, người ấy tìm được đường thoát ra - sau khi bị thiêu cháy gần chết - đến một nơi an toàn, mát mẻ. Đấy là hình ảnh rõ ràng cho ta thấy rõ thế nào là sự xa lìa thống khổ, tìm đến chỗ an vui, tâu đại vương!
- Vâng!
- Chúng sanh ở cõi đời này cũng giống như thế, nào có khác gì? Cả ba đống lửa lớn là tham, sân, si hằng thiêu đốt chúng sanh trong ba cõi. Nếu biết nghe lời Đức Đạo Sư để thực hành chánh pháp - như lý tác ý - rồi cũng sẽ tìm được đường thoát ra, đến chỗ mát mẻ, an vui, thanh khiết, hòa bình trường cửu là Niết bàn đấy, tâu đại vương!
- Rõ ràng lắm!
- Lại nữa, ví có người thấy được nơi nghĩa địa nọ bốc mùi những xác chết, nào người, nào rắn, nào chó, nào chuột,v..v... Muốn thoát ra được sự nhiễm ô, người ấy vào rừng kiếm củi, tấp lên những xác chết để đốt. Đốt xong, người ấy thở dài khoan khoái, không còn thấy hôi, không còn sợ lây lan ô nhiễm nữa. Tâu đại vương! Những kẻ tu hành như chúng ta có khác gì những người đi kiếm củi để đốt những xác chết hôi hám ấy? Đi kiếm củi khó khăn vất vả thì tầm cầu chánh pháp nào có dễ gì? Những xác chết ví cho ngũ dục cùng tấm thân bất tịnh này? Chánh pháp phải được nhen lên, tỏa bùng ngọn lửa trí tuệ để thiêu cháy những ham muốn thấp hèn, ô uế và tục lụy. Đốt xong, người kia thở dài khoan khoái, không còn thấy hôi hám, không còn sợ lây nhiễm nữa - thì có giống như bậc Thánh nhân chứng nghiệm hạnh phúc Niết bàn vô cấu, vô uế không, đại vương?
- Quả vậy!
- Lại nữa, ví như có người sắm chiếc thuyền nhỏ, vượt biển sang bờ bên kia; người ấy sợ sóng to, sợ bão lớn, sợ cá dữ, sợ lạc phương hướng. Sau khi lên bến người ấy thoát khỏi bốn sợ hãi. Cũng vậy, chúng sanh trôi nổi giữa biển đời, bốn nỗi sợ hãi là sanh, gìà, bịnh, chết thường trực bủa vây. Sau khi tìm được Niết bàn, người ấy thoát khỏi bốn nỗi sợ hãi ấy, được lạc, được vui, tâu đại vương!
- Chính vậy!
- Lại nữa, tâu đại vương! Ví như có kẻ bộ hành đi qua quãng đường lầy lội, trơn trợt, bị té lên té xuống mình mẩy lắm lem dơ bẩn. Nhưng sau khi sang khỏi đoạn ấy, là đại lộ cao ráo, phong quang; người bộ hành tắm rửa sạch sẽ rồi lên đường một cách thoải mái, dễ dàng. Người tu hành bước qua thế giới bùn lầy uế trược, té xiêu, vấp ngã, lấm lem ngũ trần, vẫn cương quyết lên đường; hướng tâm đúng, tinh tấn đủ thì có lúc sẽ đến được cõi an vui, thanh khiết, vô nhiễm!
- Cảm ơn đại đức! Trẫm đã hiểu những ví dụ xa lìa chỗ này để đến chỗ kia. Nhưng còn cái gọi là làm cho Niết bàn tỏ lộ hay làm cho Niết bàn rõ rệt - xin đại đức giảng thêm.
- Vâng, tâu đại vương! bần tăng xin được hầu chuyện với đại vương. Ví như có người tu hành chơn chánh, thường quán chiếu để mong thấy rõ các pháp hành, tức là pháp hữu vi ở trong tâm, hiện ra tam tướng: vô thường, khổ não, vô ngã. Và pháp hữu vi nào cũng nằm trong định luật sanh, trụ, dị, diệt. Nhưng sự quán chiếu, trực thị, thấy rõ ấy chưa được trọn vẹn. Nói cách khác, có kẻ thấy được vô thường nhưng chưa thấy khổ và vô ngã. Có kẻ thấy khổ mà chưa liễu ngộ được vô thường v.v...vì thế Niết bàn chưa rõ rệt đối với vị ấy. Nghĩa là họ còn đắm say hoặc chấp trước ở một chỗ nào đó, chưa thật sự xả ly, buông bỏ hết. Tương tự như một thanh sắt được nung đỏ từ đầu đến đuôi, chúng sanh không ai cảm giác gì - nhưng người tu hành thấy rõ là nóng. Có kẻ thấy nóng ở đằng đuôi nên cầm ở đằng đầu. Có kẻ thấy nóng ở đằng đầu nhưng cho ở đuôi là mát. Có kẻ đầu đuôi đều nắm được nhưng chỉ sợ ở giữa! Chỉ có người quán chiếu trọn vẹn mới thấy lửa đốt ở ba nơi, xa lìa cả ba điểm nóng, đấy mới chính là làm cho Niết bàn rõ rệt, tâu đại vương!
- Xin đại đức giảng thêm về điều ấy.
- Vâng, vì chưa thấy Niết bàn rõ rệt nên xem thế gian này còn chỗ vui, còn chỗ để bám víu. Đến bao giờ thấy rõ thanh sắc nóng từ đầu đến đuôi, mới chịu buông bỏ, chịu xa lìa. Nghĩa là khi ấy mới thật sự nhàm chán cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc; chẳng còn một chấp thủ, dính mắc ở cõi nào nữa.
- Trẫm đã hiểu.
- Nói sâu hơn một tí nữa, quán chiếu để thấy rõ pháp hành (hay pháp hữu vi) là thấy rõ sự sanh, trụ, diệt của tâm, nó là đầu mối của cấu sanh tương tục, là luân hồi sanh tử. Tất cả đều là vô thường, khổ và vô ngã. Thấy rõ "hành" ấy tất Niết bàn tỏ lộ, chấm dứt vô minh và ái dục, tận diệt phiền não, nhiễm ô, được vô sanh bất tử.
- Trẫm hiểu.
- Ví như kẻ bộ hành lạc đường, đã tìm lại đúng phương hướng; tinh tấn, kiên trì, nỗ lực, lên đường, đến lúc sẽ vượt khỏi thế gian; cõi xuất thế gian càng ngày càng tỏ lộ trước tầm mắt, Niết bàn càng lúc càng rõ rệt hơn, tâu đại vương.
Đức vua Mi-lan-đà vui vẻ:
- Thế ra, tỏ lộ Niết bàn và làm cho Niết bàn tỏ lộ, chỉ khác nhau cách nói, lối diễn đạt - chứ thật ra nó chẳng khác nhau là bao, phải không đại đức?
- Tâu, vâng!
- Trẫm còn muốn hỏi về Niết bàn nữa đấy, mà không phải hỏi cho trẫm đâu, xin hẹn bậc đại trí tuệ hôm khác nhé!
- Bần tăng đồng ý.
* * *
Bài viết được chúng tôi trích từ cuốn sách "MI TIÊN VẤN ĐÁP"
do Hòa thượng Giới Nghiêm dịch sang tiếng Việt, Tỳ kheo Giới Đức hiệu đính
Nhận xét
Đăng nhận xét