Chuyển đến nội dung chính

LỜI PHẬT DẠY VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI - IX. Giải Quyết Tranh Chấp

IX. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP 
LỜI PHẬT DẠY VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI - IX. Giải Quyết Tranh Chấp

GIỚI THIỆU

Trong khi Chương trước đã nói về gốc rễ của các tranh chấp, Chương IX này được dành cho việc giải quyết các tranh chấp. Kiểu tranh chấp dễ giải quyết nhất là tranh chấp giữa hai người cùng có những ý định thiện lành. Trong đời sống xuất gia, những tranh chấp ấy thường xoay quanh các điều lệ về Giới luật. Như vậy, Kinh Văn IX, 1 chứng tỏ rằng các tranh chấp ấy có thể chặn đứng ngay từ mầm mống khi người phạm lỗi công nhận như thế là mình đã vượt qua giới luật và người kết tội chấp nhận lời xin lỗi và tha thứ cho người kia.

Tiếp theo là hai bài kinh do Đức Phật thuyết giảng rõ ràng là vào thời kỳ Ngài đã già, có lẽ vào giai đoạn cuối của cuộc đời Ngài. Trong Kinh Văn IX, 2, Ngài đã thiết lập những hướng dẫn để giải quyết các ý kiến khác biệt về việc diễn giải Giáo pháp. Điều đáng ghi nhận là ở đây Ngài nhấn mạnh đến ý nghĩa của giáo lý vượt lên trên ngôn từ, mà Ngài gọi là ‘ rất vi tế ’. Trong cùng bài kinh ấy, Ngài cũng đưa ra lời hướng dẫn về cách xử sự đối với một người phạm giới. Ngài nhấn mạnh rằng, vị Tỷ-kheo khiển trách có thể cảm thấy lo ngại khi phải sửa sai vị phạm giới, và mặc dù vị phạm giới có thể bị tổn thương bởi lởi chỉ trích, bao lâu mà vị Tỷ-kheo khiển trách vẫn còn thấy có cơ may thay đối được cách hành xử của vị phạm giới và giúp vị ấy “thoát ra khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp”, thì vị khiển trách nên nói chuyện với vị phạm giới. Đức Phật dạy rằng, “nhưng khi thấy rằng không có cơ may thay đổi cách hành xử của vị phạm giới, và nỗ lực sửa sai vị ấy chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn,” thì nên giữ thái độ ‘ bình thản’(/ xả) đối với vị ấy.”

Kinh Văn IX, 3, theo như lời giới thiệu mở đầu, bài kinh này ra đời chỉ một thời gian ngắn sau khi Mahāviīra, vị lãnh đạo của Kỳ-Na-giáo (Jain) đã qua đời, và được biết trong Kinh tạng Pāli như là Kinh Nātaputta. Sau khi Mahāviīra qua đời, đệ tử của ông đã phân chia thành hai phe phái tấn công nhau thật gay gắt. Bài kinh này do Đức Phật thuyết giảng để đề phòng một số phận tương tự xảy ra trong cộng đồng tăng đoàn của Ngài. Đức Phật xác định mối đe dọa trước tiên đối với sự thành công của giáo lý của Ngài là việc bất đồng ý kiến về Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo. Ngài dạy rằng. bất đồng về vấn đề sinh sống và qui luật rèn luyện có tầm quan trọng thứ hai. Trong cùng bài kinh này Ngài giải thích phương cách giải quyết các tranh chấp về Giáo pháp và Giới luật. Hai phương pháp đầu là để giải quyết bất đồng ý kiến giữa những người đang tranh chấp và đưa vấn đề bất đồng ấy ra giữa cộng đồng tăng chúng lớn hơn để được giải quyết theo quyết định của đa số. Phương pháp cuối cùng được sử dụng khi các phương pháp khác đều thất bại, là một thủ tục được gọi là “lấy cỏ che lấp”. Thủ tục này cho phép một Tỷ-kheo đại diện của mỗi phe tranh chấp thay mặt cả nhóm để thú nhận việc phạm giới mà không đi sâu vào chi tiết - ngoại trừ đối với các vi phạm lớn. Phương pháp này, nghĩa là hãy bỏ qua chuyện gì đã qua, tìm cách tránh né nhu cầu cần phải duyệt lại toàn bộ bối cảnh của cuộc tranh chấp, vì điều này có thể khơi lại sự tức giận cũ.

Kinh Văn IX, 4, (1) nhấn mạnh rằng để tránh các vấn đề giới luật có thể bùng phát và gây chia rẽ, các Tỷ-kheo liên hệ - cả vị phạm giới lẫn vị khiển trách - cần phải suy ngẫm lại, lắng dịu cơn giận đối với nhau, và đạt được hòa giải. Kinh Văn IX, 4,(2) nhấn mạnh rằng các vấn đề giới luật trước tiên cần phải ‘giải quyết nội bộ ’, trong phạm vi các vị đồng tu với mình, để cho sự bất hòa không lan rộng ra ngoài và lôi cuốn thêm người khác vào cuộc tranh chấp.

Đức Phật thường nhấn mạnh rằng để Giáo đoàn được phát triển, tăng ni phải liên tục sửa sai, khiển trách và khích lệ nhau. Thái độ lý tưởng, theo Kinh Văn IX, 5 gồm ba chiều: cần phải mở lòng đón nhận sự sửa sai từ người khác; vui lòng sửa sai người phạm giới, ngay cả đối với bậc trưởng thượng của mình, khi có nhu cầu; và sẳn sàng sửa sai những vi phạm của chính mình. Tuy nhiên, nhận lời chỉ trích từ người khác có thể gây tổn thương bản ngã, tạo nên phản ứng chống đối và tức giận. Để giải quyết vấn đề này, trong bài Kinh Tư Lượng {Anumanasuttam - Trung BK I - Kinh số 15) - được đưa vào đây như là Kinh Văn IX, 6, Tôn giả Moggallāna (Mục-kiền-liên) liệt kê những tính cách khiến cho một Tỷ-kheo chống lại sự sửa sai và đưa đến nhu cầu tự soi chiếu bản thân để loại bỏ những tính cách ấy.

Xung đột thỉnh thoảng bùng nỗ giữa thành viên của cộng đồng cư sĩ tại gia và giới xuất gia. Đức Phật công nhận rằng trong một vài trường hợp, cách hành xử của một cư sĩ đòi hỏi Tăng đoàn phải bày tỏ thái độ không chấp nhận; vì thế Ngài cho phép các Tỷ-kheo “lật úp bình bát”, nghĩa là, từ chối không nhận thực phẩm cúng dường của một cư sĩ có cách hành xử sai trái.(1) Những điều kiện cho phép hành động như vậy được xác định trong Kinh Văn IX, 7, (1). Kinh cũng công nhận rằng các cư sĩ có thể nói lời phiền trách đối với một Tỷ-kheo không sống đúng như tiêu chuẩn Giới luật mà họ mong đợi. Để đáp lại, cư sĩ được phép chính thức tuyên bố “mất lòng tin “đối với Tỷ-kheo ấy, những điều kiện về vấn đề này được giải thích trong Kinh Văn IX, 7, (2). Để tạo điều kiện cho sự hòa giải giữa vị Tỷ-kheo và người cư sĩ, Tăng đoàn có thể quyết định rằng vị Tỷ-kheo thoái hóa phải đến gặp người cư sĩ để xin lỗi về hành vi sai trái mà vị này đã vi phạm đối với người cư sĩ ấy, như được trình bày trong Kinh Văn IX, 7, (3).

Bốn điều luật dành cho Tỷ-kheo đã được thiết lập trong Giới bổn Patimokkha được gọi là Bốn Pháp Ba-la-di (Parajika), là “những trọng tội bị trục xuất khỏi Giáo đoàn”. Đó là: tội hành dâm; trộm cắp (một vật có giá trị trên mức nào đó); giết người; vọng ngữ khi tuyên bố đã chứng đắc được pháp ‘ siêu phàm”, chứng được một thần thông hay một cấp bậc chứng đắc cao hơn. Một Tỷ-kheo phạm một trong những trọng tội đó sẽ không còn được ở trong cộng đồng tăng chúng và phải bị trục xuất khỏi Giáo đoàn. (2) Thường thì tăng hay ni phạm những tội này sẽ thú nhận tội lỗi và tình nguyện ra khỏi Giáo đoàn. Nhưng cũng có trường hợp khi người phạm tội che dấu việc phạm giới của mình và cố gắng giả vờ như là một thành viên hợp pháp của Giáo đoàn. Trong những trường hợp đó, Đức Phật không do dự bảo các Tỷ-kheo trục xuất kẻ phạm giới ấy.

Kinh Văn IX, 8, (1) - (2) chỉ để giải quyết trường hợp như vậy. Trong bài kinh thứ nhất, Đức Phật qui định nguyên tắc chung rằng người phạm giới đang giả vờ như một Tỷ-kheo bình thường cần phải bị trục xuất ngay. Người này cũng giống như vỏ lúa mì giữa các hạt lúa mì. Bài kinh thứ hai mô tả một sự kiện khi Đức Phật từ chối không đọc tụng Giới bổn Patimokkha bởi vì có một kẻ phạm giới, ‘ nội tâm thối nát, hư hỏng, theo ác pháp’ đang ngồi giữa đại chúng Tỷ-kheo. Tôn giả Moggallana, nhở có thiên nhãn thông, tìm ra người phạm ác giới nên đã dùng sức mạnh kéo người ấy ra khỏi giảng đường, và đóng chốt cửa lại đằng sau ông ta.


IX. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP 

1. SÁM HỐI VÀ THA THỨ

Một lần, có hai Tỷ-kheo gây gỗ nhau, và một vị đã phạm tội đối với vị kia. Rồi vị phạm tội đã xin sám hối tội lỗi của mình đối với vị kia, nhưng vị kia không chịu tha thứ. Rồi một số Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn và tường thuật lại những gì đã xảy ra. [Thế Tôn dạy rằng]:

- “Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người ngu: người không thấy việc phạm tội như là phạm tội; và người không chịu tha thứ khi kẻ phạm tội đã xin sám hối. Đó là hai hạng người ngu. Có hai hạng người trí: người thấy được việc phạm tội như là phạm tội; và người chịu tha thứ khi kẻ phạm tội đã xin sám hối. Đó là hai hạng người trí.”
(Tương Ưng BK I, Ch XI (IV): 239, tr 532-533)

2. GIẢI QUYẾT CÁC Ý KIẾN KHÁC BIỆT

Một thời, Thế Tôn đang trú tại Kusinara (Câu-thi-na), Ngài gọi các Tỷ-kheo và dạy rằng:

- Này các Tỷ-kheo, trong lúc các ông đang học tập trong tinh thần hòa hợp, với sự tôn trọng lẫn nhau, không tranh cãi, có thể có hai Tỷ-kheo đưa ra những nhận định khác nhau về Giáo pháp. (3)

- Giờ đây, các ông phải suy nghĩ như sau: ‘ Các Tôn giả này có ý kiến khác nhau về cả ý nghĩa lẫn lời văn,’ rồi các ông phải nghĩ xem vị nào có lý hơn thì nên đến gặp vị ấy và nói như thế này: ‘Các Tôn giả đã có ý kiến khác nhau về cả ý nghĩa lẫn lời văn. Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự khác nhau về ý nghĩa và sự khác nhau về lời văn; đừng để cho việc này trở thành vấn đề tranh chấp.’ Sau đó, các ông nghĩ vị Tỷ-kheo nào là người có lý nhất trong số những vị cùng đứng vào phe đối lập thì các ông nên đến gặp vị này và nói như sau: ‘Các Tôn giả có ý kiến khác nhau về ý nghĩa và lời văn. Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự khác nhau về ý nghĩa và sự khác nhau về lời văn; đừng để cho việc này trở thành vấn đề tranh chấp.’ Như vậy, những gì đã bị hiểu sai lầm cần phải ghi nhớ như là đã bị hiểu sai lầm. Sau khi đã ghi nhớ trong tâm những gì đã bị hiểu sai lầm như là đã bị hiểu sai lầm, thì những gì thuộc về Giáo pháp và Giới luật cần phải được giải thích đầy đủ.

- Giờ đây, các ông phải suy nghĩ như sau: ‘ Các Tôn giả này có ý kiến khác nhau về ý nghĩa nhưng có sự đồng nhất về lời văn,’ rồi các ông phải nghĩ xem vị nào có lý hơn thì nên đến gặp vị ấy và nói như thế này: ‘Các Tôn giả đã có ý kiến khác nhau về ý nghĩa nhưng có sự đồng nhất về lời văn. Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự khác nhau về ý nghĩa nhưng có sự đồng nhất về lời văn; đừng để cho việc này trở thành vấn đề tranh chấp.’ Sau đó, các ông nghĩ vị Tỷ-kheo nào là người có lý nhất trong số những vị cùng đứng vào phe đối lập thì các ông nên đến gặp vị này và nói như sau: ‘Các Tôn giả có ý kiến khác nhau về ý nghĩa nhưng có sự đồng nhất về lời văn. Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự khác nhau về ý nghĩa nhưng có sự đồng nhất về lời văn; đừng để cho việc này trở thành vấn đề tranh chấp.’ Như vậy, những gì đã bị hiểu sai lầm cần phải ghi nhớ như là đã bị hiểu sai lầm và những gì đã được hiểu đúng đắn cần phải được ghi nhớ là đã được hiểu đúng đắn. Sau khi đã ghi nhớ trong tâm những gì đã bị hiểu sai lầm như là đã bị hiểu sai lầm, và những gì đã được hiểu đúng đắn là đã được hiểu đúng đắn, thì những gì thuộc về Giáo pháp và Giới luật cần phải được giải thích đầy đủ.

- Giờ đây, các ông phải suy nghĩ như sau: ‘ Các Tôn giả này có ý kiến đồng nhất về ý nghĩa nhưng có sự khác biệt về lời văn,’ rồi các ông phải nghĩ xem vị nào có lý hơn thì nên đến gặp vị ấy và nói như thế này: ‘Các Tôn giả đã có ý kiến đồng nhất về ý nghĩa nhưng có sự khác biệt về lời văn. Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự đồng nhất về ý nghĩa nhưng có sự khác biệt về lời văn. Nhưng lời văn chỉ là vấn đề nhỏ nhặt, các Tôn giả đừng rơi vào việc tranh chấp về một vấn đề nhỏ nhặt như thế.’ Sau đó, các ông nghĩ vị Tỷ-kheo nào là người có lý nhất trong số những vị cùng đứng vào phe đối lập thì các ông nên đến gặp vị này và nói như sau: ‘Các Tôn giả đã có ý kiến đồng nhất về ý nghĩa nhưng có sự khác biệt về lời văn. Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự đồng nhất về ý nghĩa nhưng có sự khác biệt về lời văn. Nhưng lời văn chỉ là vấn đề nhỏ nhặt, các Tôn giả đừng rơi vào việc tranh chấp về một vấn đề nhỏ nhặt như thế.’ Như vậy, những gì đã được hiểu đúng đắn cần phải được ghi nhớ là đã được hiểu đúng đắn, và những gì đã bị hiểu sai lầm cần phải ghi nhớ như là đã bị hiểu sai lầm. Sau khi đã ghi nhớ trong tâm những gì đã được hiểu đúng đắn là đã được hiểu đúng đắn, và những gì đã bị hiểu sai lầm như là đã bị hiểu sai lầm, thì những gì thuộc về Giáo pháp và Giới luật cần phải được giải thích đầy đủ.

- Giờ đây, các ông phải suy nghĩ như sau: ‘ Các Tôn giả này có ý kiến đồng nhất cả về ý nghĩa lẫn lời văn,’ rồi các ông phải nghĩ xem vị nào có lý hơn thì nên đến gặp vị ấy và nói như thế này: ‘Các Tôn giả đã có ý kiến đồng nhất cả về ý nghĩa lẫn lời văn. Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự đồng nhất cả về ý nghĩa lẫn lời văn; các Tôn giả đừng rơi vào việc tranh chấp.’ Sau đó, các ông nghĩ vị Tỷ-kheo nào là người có lý nhất trong số những vị cùng đứng vào phe đối lập thì các ông nên đến gặp vị này và nói như sau: ‘Các Tôn giả đã có ý kiến đồng nhất cả về ý nghĩa lẫn lời văn. Các Tôn giả phải biết rằng chính vì lý do này mà có sự đồng nhất về cả ý nghĩa lẫn lời văn, các Tôn giả đừng rơi vào việc tranh chấp.’ Như vậy, những gì đã được hiểu đúng đắn cần phải được ghi nhớ là đã được hiểu đúng đắn. Sau khi đã ghi nhớ trong tâm những gì đã được hiểu đúng đắn là đã được hiểu đúng đắn, thì những gì thuộc về Giáo pháp và Giới luật cần phải được giải thích đầy đủ.

- “Này các Tỷ-kheo, trong lúc các ông đang học tập trong tinh thần hòa hợp, với sự tôn trọng lẫn nhau, không tranh cãi, một Tỷ-kheo có thể phạm luật hay phạm giới nào đó. Này các Tỷ-kheo, giờ đây các ông không nên vội vã khiển trách vị ấy; thay vào đó, vị ấy cần được xem xét như thế này: ‘Ta sẽ không bị rắc rối và vị kia sẽ không bị tổn thương; vì nếu vị kia không giận dữ và bất mãn, thì vị ấy không dính mắc với quan điểm của mình quá mạnh và vị ấy có thể từ bỏ chúng dễ dàng, và ta có thể giúp vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp.’ Này các Tỷ-kheo, nếu các ông thấy điều này xảy ra như vậy, thì các ông nói lời khiển trách vị ấy là đúng.

- “Này các Tỷ-kheo, rồi sau đó các ông có thể suy nghĩ như sau: ‘Ta sẽ không bị rắc rối nhưng vị kia sẽ bị tổn thương; vì vị kia giận dữ và bất mãn. Tuy nhiên, vị ấy không dính mắc với quan điểm của mình quá mạnh và vị ấy có thể từ bỏ chúng dễ dàng, và ta có thể giúp vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp. Chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt nếu vị kia có thể bị tổn thương, nhưng điều quan trọng hơn nhiều là ta có thể giúp cho vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp.’ Này các Tỷ-kheo, nếu các ông thấy điều này xảy ra như vậy, thì các ông nói lời khiển trách vị ấy là đúng.

- “Này các Tỷ-kheo, rồi sau đó các ông có thể suy nghĩ như sau: ‘ Ta sẽ bị rắc rối nhưng vị kia sẽ không bị tổn thương; vì vị kia không giận dữ và bất mãn, mặc dù vị ấy dính mắc với quan điểm của mình quá mạnh và thật khó khăn để từ bỏ chúng ; tuy thế ta có thể giúp vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp. Chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt nếu ta có thể bị rắc rối, nhưng điều quan trọng hơn nhiều là ta có thể giúp cho vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp.’ Này các Tỷ-kheo, nếu các ông thấy điều này xảy ra như vậy, thì các ông nói lời khiển trách vị ấy là đúng.

- “Này các Tỷ-kheo, rồi sau đó các ông có thể suy nghĩ như sau: ‘ Ta sẽ bị rắc rối và vị kia sẽ bị tổn thương; vì vị kia giận dữ và bất mãn, và vị ấy dính mắc với quan điểm của mình quá mạnh và thật khó khăn để từ bỏ chúng ; tuy thế ta có thể giúp vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp. Chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt nếu ta có thể bị rắc rối và vị ấy có thể bị tổn thương, nhưng điều quan trọng hơn nhiều là ta có thể giúp cho vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp.’ Này các Tỷ-kheo, nếu các ông thấy điều này xảy ra như vậy, thì các ông nói lời khiển trách vị ấy là đúng.

- “Này các Tỷ-kheo, rồi sau đó các ông có thể suy nghĩ như sau: ‘ Ta sẽ bị rắc rối và vị kia sẽ bị tổn thương; vì vị kia giận dữ và bất mãn, và vị ấy dính mắc với quan điểm của mình quá mạnh và thật khó khăn để từ bỏ chúng ; và ta không thể giúp vị ấy thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp.’Đối với một người như vậy, thì tốt hơn hết là nên có thái độ bình thản (xả).

- “Này các Tỷ-kheo, trong lúc các ông đang học tập trong tinh thần hòa hợp, với sự tôn trọng lẫn nhau, không tranh cãi, có thể khởi lên va chạm lẫn nhau trong lời nói, các quan điểm ngoan cố, tâm trạng bực tức, chua chát hay thất vọng. Sau đó, các ông nghĩ vị Tỷ-kheo nào là người có lý nhất trong số những vị cùng đứng vào một phe, thì các ông nên đến gặp vị này và nói như sau: ‘ Này hiền giả, trong lúc chúng ta đang học tập trong tinh thần hòa hợp, với sự tôn trọng lẫn nhau, không tranh cãi, có thể khởi lên va chạm lẫn nhau trong lời nói, các quan điểm ngoan cố, tâm trạng bực tức, chua chát hay thất vọng. Nếu vị Thầy biết được, Thầy có khiển trách không?’ Để trả lời một cách đúng đắn, vị Tỷ-kheo này sẽ nói như sau: ‘ Nếu vị Thầy biết được, Thầy sẽ khiển trách.’

- “Nhưng, này hiền giả, nếu không từ bỏ các điều ấy, có thể chứng được Niết bàn chăng?”. Để trả lời một cách đúng đắn, vị Tỷ-kheo này sẽ nói như sau: ‘Này hiền giả, không từ bỏ các điều ấy, không thể chứng được Niết bàn.”

Sau đó, các ông nghĩ vị Tỷ-kheo nào là người có lý nhất trong số những vị cùng đứng vào phe đối lập, thì các ông nên đến gặp vị này và nói như sau: ‘Này hiền giả, trong lúc chúng ta đang học tập trong tinh thần hòa hợp, với sự tôn trọng lẫn nhau, không tranh cãi, có thể khởi lên va chạm lẫn nhau trong lời nói, các quan điểm ngoan cố, tâm trạng bực tức, chua chát hay thất vọng. Nếu vị Thầy biết được, Thầy có khiển trách không?’ Để trả lời một cách đúng đắn, vị Tỷ-kheo này sẽ nói như sau: ‘Nếu vị Thầy biết được, Thầy sẽ khiển trách.’

- “Nhưng, này hiền giả, nếu không từ bỏ các điều ấy, có thể chứng được Niết bàn chăng?”. Để trả lời một cách đúng đắn, vị Tỷ-kheo này sẽ nói như sau: ‘Này hiền giả, không từ bỏ các điều ấy, không thể chứng được Niết bàn.”

“Nếu các Tỷ-kheo khác hỏi vị Tỷ-kheo ấy như thế này: ‘Có phải chính hiền giả là người đã làm cho các Tỷ-kheo kia thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú vào các thiện pháp?’ Để trả lời một cách đúng đắn, vị Tỷ-kheo này sẽ nói như sau: ‘ Ở đây, này hiền giả, tôi đã đi đến Thế Tôn. Thế Tôn đã giảng Pháp cho tôi. Sau khi nghe Pháp ấy, tôi đã nói lại cho các Tỷ kheo kia. Các Tỷ-kheo kia nghe Pháp xong, các vị đã thoát khỏi các pháp bất thiện và an trú trong thiện pháp.’ Trả lời như vậy, vị Tỷ-kheo này không tự khen mình và cũng không chê người khác; vị ấy đã trả lời đúng Pháp theo một phương cách thiện xảo, không cung cấp một cơ sở nào để cho lời khẳng định của vị ấy có thể bị khiển trách một cách đúng luật.’

Thế Tôn đã thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
(Trung BK III, Kinh số 103, tr 56-63)

3. GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP TRONG TĂNG ĐOÀN

Tôn giả Ānanda củng với Sa-di Cunda cùng đi đến yết kiến Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ Ngài, hai vị ấy ngồi xuống một bên, và Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Sa-di Cunda nói rằng vị thầy của Kỳ-Na Giáo là Nātaputta vừa mới từ trần.(4) Sau khi vị thầy từ trần, các đệ tử Kỳ-Na-giáo chia rẽ, tách làm hai, không có nơi nương tựa. Con nghĩ rằng: ‘Đừng để cho xảy ra tranh chấp trong Tăng đoàn sau khi Thế Tôn nhập diệt. Vì việc tranh chấp như thế sẽ đem đến tổn hại và bất hạnh cho đa số, đem lại mất mát, tổn hại và đau khổ cho chư thiên và loài người.’

- Này Ānanda, thầy nghĩ thế nào? Những pháp này ta đã dạy cho thầy sau khi ta đã trực tiếp tuệ tri chúng - như là, Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Giác Chi và Bát Thánh Đạo - này Ānanda, thầy có thấy thậm chí có hai Tỳ-kheo nào khẳng định khác nhau về các pháp này?

- Bạch Thế Tôn, con không thấy thậm chí có hai Tỷ-kheo nào khẳng định khác nhau về các pháp ấy. Nhưng bạch Thế Tôn, có những vị sống sùng kính Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nhập diệt, những vị này có thể tạo ra việc tranh chấp trong Giáo đoàn về nề nếp sinh hoạt và về Giới bổn Pātimokkha. Việc tranh chấp như thế sẽ đem đến tổn hại và bất hạnh cho đa số, đem lại mất mát, tổn hại và đau khổ cho chư thiên và loài người.

- Này Ānanda, việc tranh chấp trong Giáo đoàn về nề nếp sinh hoạt và về Giới bổn Pātimokkha chỉ là điều nhỏ nhặt. Nhưng nếu có sự tranh chấp xảy ra trong Giáo đoàn về đạo lộ hay đường hướng tu tập, sự tranh chấp này sẽ đem đến tổn hại và bất hạnh cho đa số, đem lại mất mát, tổn hại và đau khổ cho chư thiên và loài người.

- Này Ānanda,, có sáu gốc rễ của tranh chấp. Thế nào là sáu? Ở đây, một tỳ kheo sân hận và có thái độ thù nghịch. …(giống Kinh Văn VIII, 8)… chấp thủ quan điểm của mình, cương quyết giữ chặt chúng, và từ bỏ chúng thật khó khăn. Một tỷ kheo như thế sống chung không cung kính tôn trọng bậc Đạo sư, không tôn trong Pháp, không tôn trọng Tăng đoàn, và không hoàn thành việc tu tập rèn luyện. Vị ấy gây nên sự tranh chấp trong Tăng đoàn, đưa đến tổn hại và bất hạnh cho đa số, gây nên sự mất mát, thiệt hại, và khổ đau cho chư thiên và loài người. Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy thấy bất cứ gốc rễ tranh chấp nào trong tâm mình hay từ người khác, các thầy phải nỗ lực từ bỏ cái gốc rễ tranh chấp bất thiện đó. Và nếu các thầy không thấy bất cứ gốc rễ tranh chấp nào trong tâm mình hay từ người khác, các thầy phải tu tập như thế nào để cho gốc rễ tranh chấp bất thiện đó không sinh khởi trong tương lai. Bằng cách đó gốc rễ tranh chấp bất thiện này được từ bỏ và sẽ không sinh khởi trong tương lai…

- Và thế nào là giải quyết một vấn đề về giới luật bằng sự hiện diện? Ở đây, các Tỷ-kheo đang tranh chấp: ‘ Đây là Pháp’, hoặc ‘ Đây không phải là Pháp,’ hoặc ‘ Đây là giới luật,’ hoặc ‘ Đây không phải là giới luật’. Tất cả những Tỷ-kheo ấy phải tập họp lại trong hòa hợp. Rồi, sau khi đã tập hợp lại, qui chế của Giáo pháp phải được đem ra phân tích thảo luận. Một khi qui chế Giáo pháp đã được đem ra phân tích thảo luận, vấn đề giới luật nêu trên cần phải được giải quyết theo đúng tinh thần của qui chế Giáo pháp. Như vậy là giải quyết một vấn đề về giới luật bằng sự hiện diện. Và cũng là việc giải quyết một số vấn đề giới luật khác ở đây theo cách này, qua viêc giải quyết bằng sự hiện diện.(5)

- Và thế nào là ý kiến của đa số? Nếu các Tỷ-kheo ấy không giải quyết được một vấn đề giới luật tại nơi cư trú ấy, họ phải đi đến một nơi cư trú khác có số Tỷ-kheo nhiều hơn. Tất cả những Tỷ-kheo ấy phải tập họp lại trong hòa hợp. Rồi, sau khi đã tập hợp lại, đường lối hướng dẫn áp dụng Giáo pháp phải được soạn thảo (6). Một khi đường lối hướng dẫn áp dụng Giáo pháp đã được soạn thảo, vấn đề giới luật nêu trên cần phải được giải quyết theo đúng tinh thần của đường lối hướng dẫn áp dụng Giáo pháp. Như vậy là ý kiến của đa số. Và cũng là việc giải quyết một số vấn đề giới luật khác ở đây theo ý kiến của đa số…

- Và thế nào là trải cỏ che lấp? Ở đây, khi một số Tỷ-kheo rơi vào việc gây gỗ, tranh cãi, và tranh chấp nhau rất sâu nặng, họ có thể nói và làm nhiều việc không xứng đáng với hạnh sa-môn. Tất cả những Tỷ-kheo ấy phải tập họp lại trong hòa hợp. Sau khi đã tập hợp lại, một Tỷ-kheo khôn ngoan trong số những vị cùng vào một phe bên này phải từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y về phía một bên vai, chấp tay lên, và bạch với Tăng chúng như thế này:’Kính xin các Tôn giả trong Tăng chúng hãy nghe tôi. Khi chúng tôi rơi vào việc gây gỗ, tranh cãi, và tranh chấp nhau rất sâu nặng, chúng tôi đã nói và làm nhiều việc không xứng đáng với hạnh sa-môn. Nếu Tăng chúng chấp thuận, thì vì lợi ích của những Tôn giả đó cũng như vì lợi ích của chinh tôi, nay giữa Tăng chúng, tôi sẽ thú nhận, bằng phương pháp gọi là ‘trải cỏ che lấp’, bất cứ tội nào của các Tôn giả ấy cũng như bất cứ tội nào của chính tôi, ngoại trừ những trọng tội và những tội có liện quan đến cư sĩ.’

- Rồi một Tỷ-kheo khác cùng một phe với nhóm kia, phải từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y về phía một bên vai, chấp tay lên, và bạch với Tăng chúng như thế này: ‘Kính xin các Tôn giả trong Tăng chúng hãy nghe tôi. Khi chúng tôi rơi vào việc gây gỗ, tranh cãi, và tranh chấp nhau rất sâu nặng, chúng tôi đã nói và làm nhiều việc không xứng đáng với hạnh sa-môn. Nếu Tăng chúng chấp thuận, thì vì lợi ích của những Tôn giả đó cũng như vì lợi ích của chinh tôi, nay giữa Tăng chúng, tôi sẽ thú nhận, bằng phương pháp gọi là ‘trải cỏ che lấp’, bất cứ tội nào của các Tôn giả ấy cũng như bất cứ tội nào của chính tôi, ngoại trừ những trọng tội và những tội có liên quan đến cư sĩ.’

- Như vậy gọi là ‘trải cỏ che lấp’. Và cũng là việc giải quyết một số vấn đề giới luật khác ở đây bằng phương pháp trải cỏ che lấp.
(Trung BK III, Kinh số 104, tr 65 - 76)

4. TRANH CHẤP VỀ GIỚI LUẬT

(1) Nhu cầu tự quán sát mình

- Này các Tỷ-kheo, đối với bất cứ vấn đề tranh tụng về giới luật nào, nếu vị Tỷ-kheo phạm tội và vị Tỷ-kheo khiển trách không tự mình soi xét bản thân thật thấu đáo, thì điều được chờ đợi sẽ xảy ra là vấn đề tranh tụng giới luật này sẽ đưa đến hiềm khích và oán ghét nhau trong một thời gian dài và các Tỷ-kheo sẽ không được sống an vui thoải mái. Nhưng nếu vị Tỷ-kheo phạm tội và vị Tỷ-kheo khiển trách tự mình soi xét bản thân thật thấu đáo, thì điều được chờ đợi sẽ xảy ra là vấn đề tranh tụng giới luật này sẽ không đưa đến hiềm khích và oán ghét nhau trong một thời gian dài và các Tỷ-kheo sẽ được sống an vui thoải mái.

- Và vị Tỷ-kheo phạm tội tự mình soi xét bản thân thật thấu đáo như thế nào? Ở đây, vị Tỷ-kheo phạm tội soi xét như thế này:’ Ta đã phạm một hành động sai trái đặc biệt về thân. Vị Tỷ-kheo kia đã thấy ta làm như vậy. Nếu ta không phạm một hành động sai trái đặc biệt về thân, thì vị Tỷ-kheo kia sẽ không thấy ta làm như vậy. Nhưng bởi vì ta đã phạm một hành động sai trái đặc biệt về thân, và vị Tỷ-kheo kia đã thấy ta làm như vậy. Khi vị ấy đã thấy ta phạm một hành động sai trái đặc biệt về thân, vị ấy không hài lòng. Vì không hài lòng, vị ấy bày tỏ sự bất mãn ấy với ta. Bởi vì vị ấy bày tỏ sự bất mãn ấy với ta, ta cảm thấy không hài lòng. Vì không hài lòng, ta thông báo cho các người khác biết. Như vậy, trong trường hợp này, ta là người đã phạm giới, cũng giống như một hành khách trốn thuế hải quan về các món hàng người ấy mua.’ Chính bằng cách này vị Tỷ-kheo phạm tội quán sát soi xét thật thấu đáo.

- Và vị Tỷ-kheo khiển trách tự mình soi xét bản thân thật thấu đáo như thế nào? Ở đây, vị Tỷ-kheo khiển trách soi xét như thế này: ‘ Vị Tỷ-kheo kia đã phạm một hành động sai trái đặc biệt về thân. Ta đã thấy vị Tỷ-kheo kia làm như vậy. Nếu vị Tỷ-kheo kia không phạm một hành động sai trái đặc biệt về thân, thì ta sẽ không thấy vị kia làm như vậy. Nhưng bởi vì vị Tỷ-kheo kia đã phạm một hành động sai trái đặc biệt về thân, và ta đã thấy vị ấy làm như vậy. Khi ta thấy vị ấy phạm một hành động sai trái đặc biệt về thân, ta không hài lòng. Vì không hài lòng, ta bày tỏ sự bất mãn với vị ấy. Bởi vì ta bày tỏ sự bất mãn ấy với vị ấy, vị ấy cảm thấy không hài lòng. Vì không hài lòng,vị ấy thông báo cho các người khác biết. Như vậy, trong trường hợp này, ta là người đã phạm giới, cũng giống như một hành khách trốn thuế hải quan về các món hàng người ấy mua.’ Chính bằng cách này vị Tỷ-kheo khiển trách tự mình soi xét bản thân thật thấu đáo.

- Này các Tỷ-kheo, đối với bất cứ vấn đề tranh tụng về giới luật nào, nếu vị Tỷ-kheo phạm tội và vị Tỷ-kheo khiển trách không tự mình soi xét bản thân thật thấu đáo, thì điều được chờ đợi sẽ xảy ra là vấn đề tranh tụng giới luật này sẽ đưa đến tức giận và oán ghét nhau trong một thời gian dài và các Tỷ-kheo sẽ không được sống an vui thoải mái. Nhưng nếu vị Tỷ-kheo phạm tội và vị Tỷ-kheo khiển trách tự mình soi xét bản thân thật thấu đáo, thì điều được chờ đợi sẽ xảy ra là vấn đề tranh tụng giới luật này sẽ không đưa đến tức giận và oán ghét nhau trong một thời gian dài và các Tỷ-kheo sẽ được sống an vui thoải mái.
(Tăng Chi BK I, Ch.II (II): 5, tr 104-106)

(2) Tránh hiềm khích

- Này các Tỷ-kheo, đối với một vấn đề tranh tụng về giới luật nào, lời qua tiếng lại giữa hai phía, các quan điểm ngoan cố, sự tức giận, gay gắt và bực bội không được giải quyết nội bộ (7), thì điều được chờ đợi sẽ xảy ra là vấn đề tranh tụng giới luật này sẽ đưa đến hiềm khích và oán ghét nhau trong một thời gian dài và các Tỷ-kheo sẽ không được sống an vui thoải mái.

- Này các Tỷ-kheo, đối với một vấn đề tranh tụng về giới luật nào, lời qua tiếng lại giữa hai phía, các quan điểm ngoan cố, sự tức giận, gay gắt và bực bội được giải quyết tốt trong nội bộ, thì điều được chờ đợi sẽ xảy ra là vấn đề tranh tụng giới luật này sẽ không đưa đến hiềm khích và oán ghét nhau trong một thời gian dài và các Tỷ-kheo sẽ được sống an vui thoải mái.
(Tăng Chi BK I, Ch.II (VI):12, tr 148 -149)

5. CÙNG SỬA SAI CHO NHAU

- Này các Tỷ-kheo, ta sẽ giảng cho các thầy về việc sống chung giữa những người bất thiện và việc sống chung giữa những người thiện. Hãy chú ý lắng nghe. Ta sẽ giảng.”

- “Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” Các Tỷ-kheo vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

- Và thế nào là việc sống chung giữa những người bất thiện, và những người bất thiện sống với nhau như thế nào? Ở đây, vị Tỷ-kheo trưởng lão suy nghĩ như sau: ‘Một vị trưởng lão - hay một vị trung niên, hay một vị thiếu niên, không nên sửa sai ta. Ta không nên sửa sai một vị trưởng lão - hay một vị trung niên, hay một vị thiếu niên. Nếu một vị trưởng lão sửa sai ta, có thể vị ấy làm như vậy mà không có thiện cảm, không làm một cách có thiện cảm với ta. Lúc đó ta sẽ nói ‘Không!’ với vị ấy và sẽ gây rắc rối cho vị ấy, và thậm chí khi thấy tội của mình, ta cũng sẽ không sửa sai. Nếu một vị trung niên sửa sai ta…Nếu một vị thiếu niên sửa sai ta, có thể vị ấy làm như vậy mà không có thiện cảm, không làm một cách có thiện cảm với ta. Lúc đó ta sẽ nói ‘Không!’ với vị ấy và sẽ gây rắc rối cho vị ấy, và thậm chí khi thấy tội của mình, ta cũng sẽ không sửa sai.’

- Cũng vậy, vị Tỷ-kheo trung niên suy nghĩ như sau…, vị tỷ-kheo thiếu niên suy nghĩ như sau: ‘Một vị trưởng lão - hay một vị trung niên, hay một vị thiếu niên, không nên sửa sai ta. Ta không nên sửa sai một vị trưởng lão… và thậm chí khi thấy tội của mình, ta cũng sẽ không sửa sai.

Chính bằng cách này mà có việc sống chung giữa những người bất thiện, và chính bằng cách này mà những người bất thiện sống với nhau.

- Và thế nào là việc sống chung giữa những người thiện, và những người thiện sống với nhau như thế nào? Ở đây, vị Tỷ-kheo trưởng lão suy nghĩ như sau: ‘Một vị trưởng lão - hay một vị trung niên, hay một vị thiếu niên, nên sửa sai ta. Ta nên sửa sai một vị trưởng lão - hay một vị trung niên, hay một vị thiếu niên. Nếu một vị trưởng lão sửa sai ta, có thể vị ấy làm như vậy với thiện cảm, chứ không phải làm mà không có thiện cảm với ta. Lúc đó ta sẽ nói ‘Tốt!’ với vị ấy và sẽ không gây rắc rối cho vị ấy, và khi thấy tội của mình, ta sẽ sửa sai. Nếu một vị trung niên sửa sai ta…Nếu một vị thiếu niên sửa sai ta, có thể vị ấy làm như vậy với thiện cảm, chứ không phải làm mà không có thiện cảm với ta. Lúc đó ta sẽ nói ‘Tốt!’ với vị ấy và sẽ không gây rắc rối cho vị ấy, và khi thấy tội của mình, ta sẽ sửa sai.’

“Cũng vậy, vị Tỷ-kheo trung niên …, vị tỷ-kheo thiếu niên suy nghĩ như sau: ‘Một vị trưởng lão - hay một vị trung niên, hay một vị thiếu niên, nên sửa sai ta. Ta nên sửa sai một vị trưởng lão… và khi thấy tội của mình, ta sẽ sửa sai.

Chính bằng cách này mà có việc sống chung giữa những người thiện, và chính bằng cách này mà những người thiện sống với nhau.”
(Tăng Chi BK I, Ch II (VI):11, tr 146 - 148)

6. CHẤP NHẬN SỬA SAI TỪ NGƯỜI KHÁC

[Tôn giả Mahāmoggallāna (Đại Mục-Kiền-Liên) nói với các Tỷ-kheo]:

- Chư hiền, nếu có một Tỷ-kheo yêu cầu như thế này: ‘Mong rằng chư Tôn giả sửa sai tôi, tôi cần được chư Tôn giả sửa sai’, tuy nhiên, nếu vị ấy khó sửa sai và sở hữu những tính cách làm cho vị ấy khó sửa sai, nếu vị ấy thiếu kiên nhẫn và không đón nhận lời chỉ dạy một cách đúng đắn, thì những vị Tỷ-kheo đồng tu nghĩ rằng không nên sửa sai hay chỉ dạy vị ấy, và rồi họ sẽ nghĩ về ví ấy như là một người không đáng tin cậy.

- Thế nào là những tính cách làm cho vị ấy khó sửa sai? (1) Ở đây, vị Tỷ-kheo có những dục vọng bất thiện và bị các dục vọng bất thiện chi phối; đây là tính cách làm cho vị ấy khó sửa sai. (2) Lại nữa, vị Tỷ-kheo khen mình chê người; đây là tính cách làm cho vị ấy khó sửa sai.(3) Lại nữa, vị Tỷ-kheo sân hận và bị sân hận chi phối…(4)…phẫn nộ và tức giận bởi vì sân hận…(5)…phẫn nộ và bướng bỉnh bởi vì sân hận…(6)…phẫn nộ, và thốt ra những lời nói xoay quanh sự sân hận…(7) Lại nữa, khị bị khiển trách, vị ấy chống đối người đã khiển trách mình…(8) … khị bị khiển trách, vị ấy tỏ ra coi thường người khiển trách mình…(9)… khị bị khiển trách, vị ấy trở lại buộc tội người đã khiển trách mình…(10) khị bị khiển trách, vị ấy tránh né vấn đề, lái vấn đề qua chuyện khác, và biểu lộ sự sân hận, oán ghét, cay cú…(11) … khi bị khiển trách,vị ấy không giải thích được hành động của mình cho người khiển trách…(12) Lại nữa, vị Tỷ-kheo tỏ ra khinh miệt và xấc láo…(13)… đố kỵ và keo kiệt…(14) lừa đảo và dối trá…(15) bướng bỉnh và kiêu căng…(16)Lại nữa, vị Tỷ-kheo dính mắc với các quan điểm của mình, chấp thủ chúng mạnh mẽ, và từ bỏ chúng thật khó khăn; đây là tính cách làm cho vị ấy khó sửa sai. Đây gọi là những tính cách làm cho vị ấy khó sửa sai.

- Này chư hiền, nếu có một Tỷ-kheo yêu cầu như thế này: ‘Mong rằng chư Tôn giả sửa sai tôi, tôi cần được chư Tôn giả sửa sai’, tuy nhiên, nếu vị ấy dễ sửa sai và sở hữu những tính cách làm cho vị ấy dễ sửa sai, nếu vị ấy kiên nhẫn và đón nhận lời chỉ dạy một cách đúng đắn, thì những vị Tỷ-kheo đồng tu nghĩ rằng nên sửa sai hay chỉ dạy vị ấy, và rồi họ sẽ nghĩ về ví ấy như là một người đáng tin cậy.

- Thế nào là những tính cách làm cho vị ấy dễ sửa sai? (1) Ở đây, vị Tỷ-kheo không có những dục vọng bất thiện và không bị các dục vọng bất thiện chi phối; đây là tính cách làm cho vị ấy dễ sửa sai. (2) Lại nữa, vị Tỷ-kheo không khen mình chê người; đây là tính cách làm cho vị ấy dễ sửa sai.(3) Lại nữa, vị Tỷ-kheo không sân hận và không bị sân hận chi phối…(4)…không phẫn nộ và tức giận bởi vì sân hận…(5)…không phẫn nộ và bướng bỉnh bởi vì sân hận…(6)…không phẫn nộ, và không thốt ra những lời nói liên quan đến sân hận…(7) Lại nữa, khị bị khiển trách, vị ấy không chống đối người đã khiển trách mình…(8) … khi bị khiển trách, vị ấy không tỏ ra coi thường người khiển trách mình…(9)… khi bị khiển trách, vị ấy không buộc tội trở lại người đã khiển trách mình…(10)… khi bị khiển trách, vị ấy không tránh né vấn đề, không lái vấn đề qua chuyện khác, và không biểu lộ sự sân hận, oán ghét, cay cú…(11) … khi bị khiển trách,vị ấy giải thích được hành động của mình cho người khiển trách…(12) Lại nữa, vị Tỷ-kheo không tỏ ra khinh miệt và xấc láo…(13)… không đố kỵ và keo kiệt…(14)…không lừa đảo và dối trá… (15)…không bướng bỉnh và kiêu căng…(16) Lại nữa, vị Tỷ-kheo không dính mắc với các quan điểm của mình, không chấp thủ chúng mạnh mẽ, mà từ bỏ chúng thật dễ dàng ; đây là tính cách làm cho vị ấy dễ sửa sai. Này chư hiền, đây gọi là những tính cách làm cho vị ấy dễ sửa sai.

- Giờ đây, này chư hiền, một Tỷ-kheo cần phải tự mình suy luận như sau:

(1) ‘Đối với người có những tham dục bất thiện và bị tham dục bất thiện chi phối, ta không ưa thích và cảm thấy khó chịu. Nếu ta có những tham dục bất thiện và bị tham dục bất thiện chi phối thì người khác cũng không ưa thích và cảm thấy khó chịu đối với ta.’ Một Tỷ-kheo nhận biết như vậy sẽ phát tâm như sau: ‘Ta sẽ không có những tham dục bất thiện và sẽ không bị tham dục bất thiện chi phối.’

(2) “Một kẻ tự khen mình chê người…(16)… ‘đối với một người dính mắc với các quan điểm của mình, chấp thủ chúng mạnh mẽ, và từ bỏ chúng thật khó khăn, thì ta không ưa thích và cảm thấy khó chịu. Nếu ta dính mắc với các quan điểm của mình, chấp thủ chúng mạnh mẽ, và từ bỏ chúng thật khó khăn, thì người khác không ưa thích và cảm thấy khó chịu đối với ta.’ Một Tỷ-kheo nhận biết như vậy sẽ phát tâm như sau: ‘Ta sẽ không dính mắc với các quan điểm của mình, không chấp thủ chúng mạnh mẽ, và sẽ từ bỏ chúng thật dễ dàng.’

“Giờ đây, này chư hiền, một Tỷ-kheo cần phải tự kiểm điểm lại chính mình như sau: (1) ‘ Ta có những tham dục bất thiện không và ta có bị tham dục bất thiện chi phối không?’ Nếu, sau khi tự kiểm điểm, vị ấy nhận biết rằng: ‘ Ta có những tham dục bất thiện và ta bị những tham dục bất thiện chi phối’, thì sau đó vị ấy phải nỗ lực từ bỏ những tính cách bất thiện ấy. Nhưng nếu sau khi tự kiểm điểm, vị ấy nhận biết rằng: ‘ Ta không có những tham dục bất thiện và ta không bị những tham dục bất thiện chi phối ’, thì vị ấy có thể sống hoan hỷ, ngày đêm tu tập trong các thiện pháp.

(2) “Lại nữa, này chư hiền, một Tỷ-kheo cần phải tự kiểm điểm lại chính mình như sau: ‘ Ta có khen mình chê người không?...(16)…Ta có dính mắc với các quan điểm của mình, chấp thủ chúng mạnh mẽ, và từ bỏ chúng thật khó khăn không?’ Nếu, sau khi tự kiểm điểm, vị ấy nhận biết rằng: ‘ Ta có dính mắc với các quan điểm của mình…’, thì sau đó vị ấy phải nỗ lực từ bỏ những tính cách bất thiện ấy. Nhưng nếu sau khi tự kiểm điểm, vị ấy nhận biết rằng: ‘ Ta không dính mắc với các quan điểm của mình…’, thì vị ấy có thể sống hoan hỷ, ngày đêm tu tập trong các thiện pháp.

- “Này chư hiền, khi một Tỷ-kheo tự kiểm điểm lại chính mình như vậy, nếu vị ấy thấy rằng tất cả các pháp bất thiện chưa được đoạn trừ hết trong tâm, thì vị ấy phải nỗ lực đoạn trừ tất cả các pháp bất thiện ấy. Nhưng nếu sau khi vị Tỷ-kheo tự kiểm điểm lại chính mình, vị ấy thấy rằng tất cả các pháp bất thiện đã được đoạn trừ hết trong tâm, thì vị ấy có thể sống hoan hỷ, ngày đêm tu tập trong các thiện pháp. Cũng giống như một thiếu nữ thích trang điểm, khi nhìn mặt mình trong một tấm gương soi trong sáng hay trong một chậu nước trong, và thấy một vết dơ hay chất bẩn bám trên mặt, thì cô ấy sẽ nỗ lực tẩy xóa vết bẩn ấy, nhưng nếu cô ấy không thấy vết dơ hay chất bẩn nào trên mặt mình, cô ấy sẽ hoan hỷ nghĩ rằng: ‘Thật là vui thích khi mặt ta được sạch sẽ ’; cũng vậy, khi một Tỷ-kheo tự kiểm điểm lại chính mình như vậy… thì vị ấy có thể sống hoan hỷ, ngày đêm tu tập trong các thiện pháp.”
(Trung BK I, Kinh số 15, tr 219 -230)

7. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA CƯ SĨ VÀ TĂNG CHÚNG

(1) Lật úp bình bát

- “Này các Tỷ-kheo, khi một cư sĩ sở hữu tám tính cách này thì, nếu muốn, các Tỷ-kheo có thể lật úp bình bát đối với người cư sĩ ấy. Thế nào là tám?

(1) Người ấy tìm cách ngăn cản những gì lợi lạc cho các Tỷ-kheo; (2) người ấy tìm cách gây thiệt hại cho các Tỷ-kheo; (3) người ấy ngăn cản việc cư trú của các Tỷ-kheo (không cho ở gần quần chúng); (4) người ấy sỉ nhục và mắng nhiếc các Tỷ-kheo; (5) người ấy gây chia rẽ giữa các Tỷ-kheo; (6) người ấy chê trách Phật; (7) người ấy chê trách Pháp; (8) người ấy chê trách Tăng. Khi một cư sĩ sở hữu tám tính cách này thì, nếu muốn, các Tỷ-kheo có thể lật úp bình bát đối với người cư sĩ ấy.

- “Này các Tỷ-kheo, khi một cư sĩ sở hữu tám tính cách này thì, nếu muốn, các Tỷ-kheo có thể lật ngửa bình bát đối với người cư sĩ ấy. Thế nào là tám?

(1) Người ấy không tìm cách ngăn cản những gì lợi lạc cho các Tỷ-kheo; (2) người ấy không tìm cách gây thiệt hại cho các Tỷ-kheo; (3) người ấy không ngăn cản việc cư trú của các Tỷ-kheo (cho ở gần quần chúng); (4) người ấy không sỉ nhục và mắng nhiếc các Tỷ-kheo; (5) người ấy không gây chia rẽ giữa các Tỷ-kheo; (6) người ấy ca ngợi Phật; (7) người ấy ca ngợi Pháp; (8) người ấy ca ngợi Tăng. Khi một cư sĩ sở hữu tám tính cách này thì, nếu muốn, các Tỷ-kheo có thể lật ngửa bình bát đối với người cư sĩ ấy.”
(Tăng Chi BK IV, Ch. VIII (IX): 87, tr 55-56)

(2) Mất niềm tin

- “Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo sở hữu tám tính cách này, thì các cư sĩ, nếu muốn, có thể tuyên bố là họ đã mất niềm tin (8) đối với Tỷ-kheo ấy.Thế nào là tám?

(1) Vị ấy tìm cách ngăn cản những gì lợi lạc cho các cư sĩ; (2) vị ấy tìm cách gây thiệt hại cho các cư sĩ; (3) vị ấy sỉ nhục và mắng nhiếc các cư sĩ ; (4) vị ấy gây chia rẽ giữa các cư sĩ; (5) vị ấy chê trách Phật; (6) vị ấy chê trách Pháp;(7) vị ấy chê trách Tăng; (8) họ thấy vị ấy ở những nơi không xứng đáng. Khi một Tỷ-kheo sở hữu tám tính cách này, thì các cư sĩ, nếu muốn, có thể tuyên bố là họ đã mất niềm tin đối với Tỷ-kheo ấy.

- “Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo sở hữu tám tính cách này thì các cư sĩ, nếu muốn, có thể tuyên bố là họ giữ vững niềm tin đối với Tỷ-kheo ấy.Thế nào là tám?

(1) Vị ấy không tìm cách ngăn cản những gì lợi lạc cho các cư sĩ; (2) vị ấy không tìm cách gây thiệt hại cho các cư sĩ; (3) vị ấy không sỉ nhục và mắng nhiếc các cư sĩ ; (4) vị ấy không gây chia rẽ giữa các cư sĩ; (5) vị ấy ca ngợi Phật; (6) vị ấy ca ngợi Pháp;(7) vị ấy ca ngợi Tăng; (8) họ thấy vị ấy ở những nơi xứng đáng. Khi một Tỷ-kheo sở hữu tám tính cách này, thì các cư sĩ, nếu muốn, có thể tuyên bố là họ giữ vững niềm tin đối với Tỷ-kheo ấy.
(Tăng Chi BK IV, Ch. VIII (IX): 88, tr 56 -57)

(3) Biểu quyết luận tội (tác pháp Yết-Ma)

- “Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo sở hữu tám tính cách này, thì Tăng đoàn, nếu muốn, có thể yêu cầu biểu quyết luận tội (9) (tác pháp Yết -Ma) đối với vị Tỷ-kheo này. Thế nào là tám?

(1) Vị ấy tìm cách ngăn cản những gì lợi lạc cho các cư sĩ; (2) vị ấy tìm cách gây thiệt hại cho các cư sĩ; (3) vị ấy sỉ nhục và mắng nhiếc các cư sĩ ; (4) vị ấy gây chia rẽ giữa các cư sĩ; (5) vị ấy chê trách Phật; (6) vị ấy chê trách Pháp;(7) vị ấy chê trách Tăng; (8) vị ấy không hoàn thành lời hứa hợp pháp với các cư sĩ. Khi một Tỷ kheo sở hữu tám tính cách này, thì Tăng đoàn, nếu muốn, có thể yêu cầu biểu quyết luận tội đối với vị Tỷ-kheo này.

- “Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo sở hữu tám tính cách này, thì Tăng đoàn, nếu muốn, có thể hủy bỏ việc biểu quyết luận tội (trước đây đã áp dụng) đối với vị Tỷ-kheo này. Thế nào là tám?

(1) Vị ấy không tìm cách ngăn cản những gì lợi lạc cho các cư sĩ; (2) vị ấy không tìm cách gây thiệt hại cho các cư sĩ; (3) vị ấy không sỉ nhục và mắng nhiếc các cư sĩ ; (4) vị ấy không gây chia rẽ giữa các cư sĩ; (5) vị ấy ca ngợi Phật; (6) vị ấy ca ngợi Pháp;(7) vị ấy ca ngợi Tăng; (8) vị ấy hoàn thành lời hứa hợp pháp với các cư sĩ. Khi một Tỷ-kheo sở hữu tám tính cách này, thì Tăng đoàn, nếu muốn, có thể hủy bỏ việc biểu quyết luận tội (trước đây đã áp dụng) đối với vị Tỷ-kheo này.”
(Tăng Chi BK IV, Ch. VIII (IX): 89, tr 57-58)

8. KHAI TRỪ NHỮNG NGƯỜI PHẠM TỘI

(1)Quét sạch rơm rạ!

Một thời, Thế Tôn đang trú tại Campā, bên bờ hồ sen Gaggārā. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo đang khiển trách một Tỷ-kheo phạm tội. Khi bị khiển trách, vị ấy trả lời tránh né vấn đề, lái vấn đề sang chuyện khác không liên quan, và biểu lộ sự phẫn nộ, sân hận và bất mãn. Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

- “Này các Ty-kheo, hãy đuổi người này ra! Người này phải bị trục xuất. Tại sao để con trai người khác quấy nhiễu các thầy?”(10)

- “Ở đây, này các Tỷ-kheo, một người nào đó có phong cách bề ngoài giống như một Tỷ-kheo hiền thiện, bao lâu mà các Tỷ-kheo khác không thấy được tội lỗi của người ấy. Tuy nhiên, khi các Tỷ-kheo khác thấy được tội của người này, họ biết người này là một sa-môn hư hỏng, chỉ là rơm rạ, là rác rến giữa chúng sa-môn. Họ trục xuất người này. Vì sao vậy? Để cho người ấy không làm hư hỏng các Tỷ-kheo hiền thiện.

- “Giả sử trong một cánh đồng lúa mì đang mọc, có một vài cây lúa bị hư hỏng xuất hiện, đó chỉ là những rơm rạ rác rến giữa các cây lúa tốt. Bao lâu mà đầu lúa non chưa mọc ra, thì rễ của chúng trông cũng giống như những cây lúa tốt, cành của chúng trông cũng giống như những cây lúa tốt, lá của chúng trông cũng giống như những cây lúa tốt. Tuy nhiên, khi đầu lúa non mọc ra, người ta biết rằng đây là những cây lúa hư hỏng, đây chỉ là những rơm rạ rác rến giữa các cây lúa tốt. Sau đó, họ nhổ chúng đi từ gốc rễ và vứt chúng ra khỏi cánh đồng lúa mì. Vì sao vậy? Để cho chúng không làm hỏng các cây lúa tốt.

“Cũng vậy, một người nào đó có phong cách bề ngoài giống như một Tỷ-kheo hiền thiện, bao lâu mà các Tỷ-kheo khác không thấy được tội lỗi của người ấy. Tuy nhiên, khi các Tỷ-kheo khác thấy được tội của người này, họ biết người này là một sa-môn hư hỏng, chỉ là rơm rạ, là rác rến giữa chúng sa-môn. Họ trục xuất người này. Vì sao vậy? Để cho người ấy không làm hư hỏng các Tỷ-kheo hiền thiện.

Sống chung với ông ấy, biết ông ấy,
như là một người sân hận với nhiều dục vọng bất thiện,
một kẻ thường nói xấu, bướng bỉnh và xấc láo,
đố kỵ, keo kiệt và dối trá.

Ông ấy nói với mọi người giống như một sa-môn,
[nói với họ] bằng một giọng nhu hòa;
nhưng làm việc bất thiện trong bí mật,
giữ quan điểm độc hại và thiếu kính trọng.

Dù ông ấy lừa bịp, nói lời dối trá,
các thầy phải biết ông ấy đúng như thật;
rồi các thầy phải đồng lòng họp lại,
và đuổi ông ấy đi.

Hãy vứt bỏ thùng rác!
Loại bỏ kẻ xấu ác!
Quét sạch rơm rạ, những sa-môn giả mạo
làm ra vẻ sa-môn!

Trục xuất kẻ tham dục bất thiện,
với ác hạnh, ác pháp,
Sống trong hội chúng, luôn giữ chánh niệm,
Người thanh tịnh sống với người thanh tịnh,
trong hòa hợp và tỉnh giác,
Các thầy sẽ chấm dứt khổ đau.
(Tăng Chi BK III, Ch VIII (I):10, tr. 513-517)

(2) Trục xuất bằng vũ lực

Một thời, Thế Tôn trú tại thành Xá-vệ (Sāvatthi) trong lâu đài Migāramatā ở Đông viên (Eastern Park). Lúc bấy giờ, vào ngày trai giới Bố-tát (Uposatha) Thế Tôn đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo bao quanh. Rồi khi đêm đã khuya, canh một đã qua, Tôn giả Ananda từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, cung kính đảnh lễ Thế Tôn và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, đêm đã khuya; canh một đã qua; chúng Tỷ-kheo đã ngồi đây rất lâu. Xin Thế Tôn hãy đọc giới bổn Pātimokkha cho các Tỷ-kheo.’’ Khi nghe nói như vậy, Thế Tôn vẫn im lặng.

Khi đêm đã khuya hơn nữa, canh hai đã qua, Tôn giả Ananda từ chỗ ngồi đứng dậy lần thứ hai, đắp thượng y vào một bên vai, cung kính đảnh lễ Thế Tôn và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, đêm đã khuya lắm rồi; canh hai đã qua; chúng Tỷ-kheo đã ngồi đây rất lâu. Xin Thế Tôn hãy đọc giới bổn Pātimokkha cho các Tỷ-kheo.’’ Lần thứ hai, Thế Tôn vẫn im lặng.

Khi đêm đã gần tàn, canh cuối cùng đã qua, bình minh đã ló dạng và áng mây hồng đã xuất hiện ở chân trời, Tôn giả Ananda từ chỗ ngồi đứng dậy lần thứ ba, đắp thượng y vào một bên vai, cung kính đảnh lễ Thế Tôn và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, đêm đã gần tàn, canh cuối cùng đã qua, bình minh đã ló dạng và áng mây hồng đã xuất hiện ở chân trời; chúng Tỷ-kheo đã ngồi đây rất lâu. Xin Thế Tôn hãy đọc giới bổn Pātimokkha cho các Tỷ-kheo.’’

- “Này Ananda, hội chúng này không được thanh tịnh.”

Rồi Tôn giả Mahāmoggallāna (Đại Mục-kiền-liên) suy nghĩ như sau:’ “Thế Tôn đề cập đến người nào khi nói rằng: ‘ Hội chúng này không được thanh tịnh?’”. Rồi Tôn giả Mahāmoggallāna nhìn chăm chú và toàn thể đại chúng Tỷ-kheo, dùng tâm của mình bao trùm tâm của đại chúng Tỷ-kheo. Rồi Tôn giả thấy người ấy đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo: một người vô đạo đức, ác hạnh, bất tịnh, có những hành vi mờ ám, có những hành động che đậy bí mật, không phải là sa-môn mặc dù tự xưng là sa-môn, không sống độc thân mặc dù tự xưng là sống độc thân, nội tâm thối nát, hư hỏng, độc ác. Sau khi đã thấy người này, Tôn giả đứng dậy từ chỗ ngồi, đi đến người ấy và nói rằng: ‘Này ông bạn, hãy đứng dậy, Thế Tôn đã thấy ông. Ông không thể sống chung với chúng Tỷ-kheo.’ Khi nghe nói như vậy, người này vẫn ngồi im lặng.

Lần thứ hai… Lần thứ ba Tôn giả Mahāmoggallāna nói với người ấy rằng: ‘Này ông bạn, hãy đứng dậy, Thế Tôn đã thấy ông. Ông không thể sống chung với chúng Tỷ-kheo.’ Lần thứ ba người này vẫn ngồi im lặng.

Rồi Tôn giả Mahāmoggallāna nắm cánh tay người ấy, kéo ông ta ra khỏi cổng bên ngoài, và khóa cổng lại. Rồi Tôn giả đi đến Thế Tôn và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, con đã đuổi kẻ ấy rồi. Hội chúng đã thanh tịnh. Xin Thế Tôn hãy đọc giới bổn Pātimokkha cho các Tỷ-kheo.’’

- “Thật hy hữu và đáng kinh ngạc thay Moggallāna, kẻ ngu si kia đã đợi cho đến khi bị nắm tay kéo ra khỏi hội chúng mới chịu đi.” Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo, giờ đây các thầy phải tự hành trì lễ Bố-tát Uposatha và tụng đọc giới bổn Pātimokkha. Kể từ hôm nay, ta sẽ không đọc giới bổn nữa. Không thể có và không thể quan niệm được rằng Như Lai có thể đọc giới bổn Pātimokkha trong một hội chúng không thanh tịnh.”
(Tăng Chi BK III, Ch VIII (II):20, tr. 565-568)
____________________________________________
CHÚ THÍCH:
1. Thủ tục lật úp bình bát và lật ngửa bình bát được cho phép trong Luật Tạng II, 124-127. Xem ‘Giới luật xuất gia Phật Giáo’ của Thanissaro Bhikkhu. Bản Luận Giải giải thích rằng trong thực tế chư Tăng không lật úp bình bát trước mặt cư sĩ, nhưng được chấp thuận để có một động tác biếu lộ không nhận sự cúng dường. Cũng vậy, chư Tăng hủy bỏ điều lệ này bằng việc chấp nhận một động tác biểu lộ sự đồng ý nhận cúng dường trở lại. Thủ tục lật úp bình bát được sử dụng ở Miến-điện vào cuối năm 2007 khi Tăng đoàn áp đặt lệnh trừng phạt đối với chính quyền quân sự (do các tướng lãnh đã cướp chính quyền). Để bày tỏ sự phản đối các tướng lãnh, chư Tăng đã xuống đường biếu tình với bình bát lật úp thật sự.
2. Đối với Ni chúng, Luật tạng đã đề ra tám tội bị trục xuất khỏi Ni đoàn.
3. Tôi dùng từ abhidhamme ở đây để chỉ chính Giáo pháp, chứ không phải chỉ bộ sưu tập những bài luận tạo nên Luận Tạng hoặc triết lý, với tiếp đầu ngữ abhi- được dùng với chức năng thuần túy tham khảo, theo nghĩa ‘về, liên quan đến, thuộc về.’
4. Nãtaputta, cũng được biết như là Mahãviĩra, là trưởng giáo của cộng đồng Kỳ-na giáo vào thời đó và cũng thường được xem là nhà sáng lập Kỳ-na giáo, mặc dù rất có thể là ông ấy là người tiếp nối một dòng truyền thừa của các vị thầy đã khởi đầu giáo phái này trước kia.
5. Có bốn loại vấn đề về Giới luật: liên quan đến một vụ tranh chấp (vivãdãdhikarana); liên quan đến một vụ kết tội (anuvãdãdhikarana); liên quan đến một vụ phạm tội (ãpattãdhikarana), liên quan đến một thủ tục (về Giới luật) (kiccadhikarana). Những vấn đề này được bàn với chi tiết trong Luật Tạng II, tr88-92. Tóm lại, một vấn đề liên quan đến tranh chấp phát sinh khi các Tăng hay Ni tranh chấp về Giáo pháp hay Luật tạng; một vấn đề liên quan đến việc kết tội khi một người kết tội một thành viên khác đã phạm Giới luật; một vấn đề liên quan đến một vụ phạm tội phát sinh khi một vị Tăng hay Ni đã phạm tội giờ đây tìm cách rửa tội; và một vấn đề liên quan đến thủ tục Giới luật xem xét về những thủ tục tập thể của Tăng đoàn. Đoạn kinh văn được kể ra ở đây nói đến các phương pháp giải quyết tranh chấp.
6. Dhammenetti samanumajjitabbã. Bản luận giải cung cấp nhiều giải thích khác nhau về cách làm thế nào để áp dụng sự chỉ đạo của Giáo pháp, từ lập trường của cả Kinh và Luật.
7. Bản luận giải giảng nghĩa nhóm từ “không giải quyết được nội bộ” (ajjhattam avũpasantam) như thế này: “không giải quyết được trong chính tâm của mình và trong vòng các đệ tử và học trò của mình.”
8. Appasãda. Khi điều này được tuyên bố, họ không cần phải đứng dậy từ chỗ ngồi để chào, hoặc đảnh lễ, hoặc đi đến gặp, hoặc cúng dường vị ấy.
9. Patisãraniyakamma. Khi việc này áp dụng, vị Tăng phải đi cùng với một vị Tăng khác, đến nhà gia chủ để xin lỗi. Nếu vị này không được gia chủ tha lỗi, vị Tăng đi theo sẽ cố gắng hòa giải họ. Câu chuyện làm bối cảnh cho việc này được thấy ở Luật Tạng II, tr. 15-18, với quy định pháp lý ở Luật Tạng II, tr. 18-21. Để biết thêm chi tiết, xem “Giới Luật Xuất Gia Phật Giáo II”, tr. 407-411 của Thanissaro Bhikkhu.
10. Bản luận giải không đưa ra lời giải thích cho nhóm từ này, nhưng bao hàm ý nghĩa là vị Tăng gây rối đó, qua cách hành xử của ông ấy, không phải là đệ tử đích thực của Đức Phật, và như vậy có thể xem như là một ‘người con trai’ (= đệ tử) của một vị thầy khác.

Bài viết được Đạo Phật Nguyên Thủy trích từ cuốn sách 
"LỜI PHẬT DẠY VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI"
của BHIKKHU BODHI do Nguyễn Nhật Trần Như Mai dịch sang tiếng Việt

Xem thêm: VIII. Tranh Chấp


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.