Chuyển đến nội dung chính

GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC - Phần XVI - TAM TẠNG KINH ĐIỂN CỦA PHẬT GIÁO (Tipitaka)

Phần XVI

TAM TẠNG KINH ĐIỂN
CỦA PHẬT GIÁO
(Tipitaka)

Phần XVI - TAM TẠNG KINH ĐIỂN CỦA PHẬT GIÁO (Tipitaka) - GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC - Đạo Phật Nguyên Thủy

MỤC LỤC

1. Tam Tạng Kinh Điển (Tipitaka) Là Gì?
2. Ngôn Ngữ Phật Dùng Để Giảng Dạy (Buddhavacana)
3. Ngôn Ngữ Pali Là Gì?
4. Hội Đồng Kết Tập Thứ Nhất
5. Hội Đồng Kết Tập Thứ Hai
6. Sự Phân Ly Lớn Của Các Trường Phái
7. Nguồn Gốc Của 18 Trường Phái Kinh Bộ (Nikayas)
8. Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Ba
9. Kết Tập Tam Tạng Kinh Điển Vào Trí Nhớ
10. Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Tư: Kết Tập Tam Tạng Kinh Vào Văn Bản Chữ Viết
11. Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Năm và Sáu ở Myanmar
12. Kết Luận
13. “Phụ Lục”: Những Nội Dung Của Tam Tạng Kinh (Ba Rổ Kinh)
14. “Phụ Đính”: Quy Ước Trích Dẫn Kinh Điển Nguyên Thủy (của Cư sĩ Tiến sĩ Bình Anson)
15. Chú Giải
16. Sách và Tài Liệu Tham Khảo


I
Tam Tạng Kinh Điển Là Gì?


Những lời của Đức Phật nói ra, ban đầu được gọi là Giáo Pháp (Dhamma), bao gồm ba phương diện, đó là: Giáo Lý (Pariyatti), Thực Hành (Patipatti) và Chứng Ngộ (Pativedha).

(a) Phần Giáo Lý còn được gọi là “Pháp Học”.

(b) Phần pháp Thực Hành còn gọi là “Pháp Hành”, và

(c) Phần pháp Chứng Ngộ còn được gọi là “Pháp Giác Ngộ” hay “Pháp Thành”.

Toàn bộ Giáo Pháp được lưu giữ lại trong Kinh Điển được gọi là Tam Tạng Kinh (Tipitaka). Những dịch giả dịch Tam Tạng Kinh qua Anh ngữ đã ước lượng Tam Tạng Kinh lớn hơn khoảng 11 lần so với toàn bộ Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo. Tam Tạng Kinh chứa đựng Những Lời Dạy của Đức Phật do chính Đức Phật nói ra hơn 45 năm, từ sau khi Người Giác Ngộ thành đạo cho đến khi Bát-Niết-bàn.

Tipitaka trong tiếng Pali có nghĩa là “Ba Cái Rổ” (Ti = ba, Pitaka = cái rổ). Nó không chỉ mang ý nghĩa là vật chứa đựng mà mang ý nghĩa ‘truyền thừa’ hay chuyền tay cho nhau, giống những người thợ chuyền những rỗ đất hay cát từ người này đến người kia theo một hàng dài cho đến cuối cùng để sử dụng, cũng giống như Những Cái Rổ chứa Giáo pháp được chuyền tay, truyền thụ qua nhiều thế kỷ từ người Thầy cho đến những học trò.

(Ở Việt Nam, chúng ta dùng theo cách gọi của người Trung Hoa, gọi là Tam Tạng Kinh, tức là ba cái ‘kho’ chứa kinh điển).

“Ba Rổ Kinh” hay ba Tạng Kinh đó là: 

Luật Tạng (Vinaya Pitaka), bao gồm những luật lệ và quy định của Tăng Đoàn Tu Sĩ (Tăng và Ni);

Kinh Tạng (Sutta Pitaka), chứa đựng những bài thuyết giảng giáo pháp của Đức Phật truyền dạy cho những cá nhân một người hay cho những nhóm người thuộc đủ mọi tầng lớp trong suốt thời gian tại thế sau khi đắc đạo của Người; và 

Vi Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka), giảng dạy bốn vấn đề tột cùng, rốt ráo: Tâm (Citta), Những Yếu Tố thuộc Tâm hay Danh (Cetasikas), Sắc (Rupa, tức Vật Chất) và Niết-bàn (Nibbana).

Những nội dung của Tam Tạng Kinh bằng tiếng Pali Tipitaka được ghi rõ trong phần “Phụ Lục” ở cuối Chương này.

Theo Hòa Thượng Sayadaw U Thittila[1] ở Miến Điện, những văn bản Kinh Điển bằng tiếng Pali ở các nước theo Phật Giáo Nguyên Thủy, như Miến Điện, Lào, Cam-bu-chia, Sri Lanka, Thái Lan, về thực chất nội dung, ngữ nghĩa và ngay cả những cụm từ đã được dùng đều hoàn toàn là giống nhau. Tam Tạng Kinh bằng tiếng Pali Tipitaka chứa đựng tất cả mọi điều cần thiết để dẫn đến Con Đường dẫn đến mục đích cứu cánh tột cùng là Niết-bàn, sự chấm dứt khổ.

(a) Mỗi Truyền Thống Có Một Phiên Bản Riêng Của Tam Tạng Kinh Điển Tipitaka

Có tất cả ba phiên bản Tam Tạng Kinh Điển Tipitaka được chấp nhận bởi ba trường phái Phật Giáo vẫn còn hiện hành cho đến ngày hôm nay, đó là:

(1) Tam Tạng Kinh bằng tiếng Pali (Pali Tipitaka) của Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada, hay còn gọi là truyền thống Trưởng Lão Bộ).

(2) Đại Tam Tạng Kinh của trường phái Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana Tripitaka) bằng tiếng Trung Hoa, vốn là những bản dịch từ kinh điển bằng tiếng Phạn (Sanskrit).

(3) Tam Tạng Kinh Tây Tạng (Tibetan Tripitaka) bằng ngôn ngữ Tây Tạng, còn được gọi là Kagyur (bao gồm những bản dịch từ kinh điển bằng tiếng Phạn và Bốn Đại Kinh Mật Thừa Tây Tạng (Tantras) và Tangyur (bao gồm những tác phẩm của những học giả, luận sư người Ấn Độ và Tây Tạng).

Trường phái Trưởng Lão Bộ hay Phật Giáo Nguyên Thủy là trường phái Phật giáo chính thống, có cội rễ từ thời của Đức Phật, cũng không chấp nhận những kinh điển trong các phiên bản của Đại Thừa và Tây Tạng, vì họ cho rằng đó là những sáng tác sau này, chứ không phản ảnh hay thể hiện được đó là những “Lời Dạy của chính Đức Phật”.

Theo học giả Warder[2], mặc dù Phật giáo Đại Thừa khẳng định rằng mình được sáng lập ra bởi chính Đức Phật, nhưng bằng chứng được công nhận là những giáo lý của Đại Thừa có nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ, gần Andhra Pradesh vào thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên (CN). Nhiều vị thầy hàng đầu của trường phái này cũng được sinh ra ở miền Nam Ấn Độ, tu học ở đó và sau này lên miền Bắc để giảng dạy, một trong số đó là Ngài Nagarjuna (Long Thọ). Ý tưởng cho rằng những tạng Kinh được cất giữ ở miền Nam Ấn Độ là cách thuận tiện để cho những người Đại Thừa giải thích cho những Phật tử ở miền Bắc lý do tại sao những Tỳ kheo ở miền Bắc chưa hề nghe được những Kinh đó từ chính Đức Phật. Và vì vậy, những người Đại thừa ở miền Nam không chấp nhận rằng đó là những sáng tác sau thời Đức Phật tại thế.

Một cách giải thích khác được ghi chép lại bởi nhà sử học Tây Tạng Taranatha cho rằng mặc dù Đức Phật đã giảng dạy các kinh Phật Giáo Đại Thừa, nhưng những kinh đó đã không được cho lưu hành trong thế giới loài người nhiều thế kỷ, bởi vì lúc ấy không có được những người thầy (đạo sư) tài giỏi và cũng không có những học trò (đệ tử) đủ thông minh để triển khai. Những kinh Đại Thừa được giáo truyền một cách bí mật cho nhiều bậc siêu nhiên và được gìn giữ bởi những bậc Trời Thần và những nagas (loài rồng, hay Long Vương). Những giáo lý bí mật này đã được mang ra khỏi nơi cất giấu bởi những đại sư Đại Thừa xuất hiện khoảng thế kỷ 2 sau CN, là những bậc thầy có khả năng diễn dịch những kinh điển thiêng liêng đó. Điều này cũng quá đủ để thừa nhận rằng những kinh điển của Phật Giáo Đại Thừa đã không bao giờ tồn tại cho đến thế kỷ thứ 2 sau CN.

Theo quan điểm của học giả Warder, những lý luận kỳ lạ như vậy không thể nào được chấp nhận là một sự thật lịch sử được. Bởi vì tất cả mọi giáo lý của Phật Giáo khởi thủy từ thời Đức Phật chưa bao giờ mang ý nghĩa bí mật, bí truyền gì cả. Khả năng về một số lượng giáo lý đồ sộ được giáo truyền bí mật giống như là một sự bịa đặt hay bôi bát về năng lực của Đức Phật, như thể Đức Phật đã không thể thực hiện được những điều (truyền bá) mà những người khác có thể thực hiện được 600 năm sau đó!. Khó mà tin được rằng chính Đức Phật đã nói các kinh Đại Thừa, nhưng rồi Đức Phật đã không thành công trong việc truyền dạy cho con người trong thời Đức Phật còn tại thế, mà phải dùng phương cách mật truyền, theo như lý luận của các nhà Đại Thừa. Hơn nữa, trong Kinh Đại Bát-Niết-bàn (Mahaparinibbana Sutta), chính Đức Phật đã tuyên bố rằng: “Chẳng có gì hay giáo pháp bí truyền nào còn được giấu trong nắm tay của người thầy cả”.

Kiểu tuyên bố của các nhà Đại Thừa cho rằng không có những người thầy có đủ năng lực cũng như không có những đệ tử đủ thông minh vào thời Đức Phật (để triển khai Phật Giáo Đại Thừa) chỉ nhằm mục đích tự đề caotự đưa mình lên thế thượng phonghạ thấp vị trí và những thành đạt của những Đại Đệ Tử và những bậc A-la-hán lỗi lạc trong thời Đức Phật và sau đó.

Thực tế, một trong những kinh Đại Thừa sớm nhất, Ratnakuta Sutra (Kinh Đại Bảo Tích) đã bác bỏ, lăng mạ những hàng đệ tử Phật Giáo Nguyên Thủy như hàng Thanh Văn(Savakas), A-la-hán (Arahants) không phải là những ‘người con’ của Đức Phật, hay không phải là những Phật tử! Sự thật là trong các kinh Đại Thừa đều có sự bác bỏ, khinh khi về sự ‘tiểu nhược’ (hina) của những đệ tử Đức Phật một cách gây nhiều khó chịu hơn. Điều đó cho thấy Đại Thừa đã thể hiện quan điểm cực kỳ mâu thuẫn, trái ngược lại với những bản chất bao dung và thông cảm hiểu biết của hầu hết kinh điển Phật giáo Nguyên thuỷ vốn là tinh thần đích thực của Giáo Pháp mà Đức Phật đã giảng dạy.

(b) Độ Tin Cậy Của “Ba Rổ Kinh” (Tipitaka)So Với Những Phiên Bản Ghi Chép Của Những Trường Phái Khác

Trong quyển “Cuộc Đời Của Đức Phật Theo Như Tam Tạng Kinh Pali” của Đại đức Tỳ kheo Nanamoli[3], đã ghi lại tham luận của Tiến sĩ T.W. Rhys Davids, một học giả Pali lỗi lạc, như sau:

“Đức Phật không để lại những lời dạy thâm sâu, vắn tắt nào để rồi từ đó những môn đồ của Người sau này tự do khai triển ra thành một hệ thống hay những hệ thống tư tưởng của riêng mình, nhưng thay vì vậy, chính Đức Phật đã công phu xây dựng học thuyết (tức Giáo Pháp) của mình; và trong suốt 45 năm dài truyền dạy, Người đã có đủ nhiều thời gian để lặp đi lặp lại những nguyên lý và chi tiết của giáo pháp đó nhiều lần cho các môn đồ; và để kiểm tra sự hiểu biết của họ về giáo pháp đó, cho đến khi các đệ tử giỏi giang đã được nhuần nhuyễn trong việc phân biệt, tinh thông những pháp siêu thể, vi diệu nhất, và họ (tức là những đệ tử giỏi giang, những người trước đó là những thầy tu khổ hạnh trước khi gia nhập vào Tăng Đoàn -ND) đã được huấn luyện với trí nhớ mà những thầy tu sa-môn khổ hạnh Ấn Độ có được. Khi có những sự việc, sự thật được yêu cầu đọc lại từ trong trí nhớ (khi kết tập kinh điển – ND), thì họ đều làm được. Điều đó cho thấy sự tin cậy có thể được đặt vào kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy hơn là vào những ghi chép sau này của các giáo phái khác”.


II
Ngôn Ngữ Phật Dùng Để Giảng Dạy
(Buddhavacana)


Theo bộ “Vinayapitaka Cullavagga” (“Tiểu Phẩm”, V, 33) của Luật Tạng[4], Đức Phật đã cố huấn thị các Tỳ kheo học tập Giáo Pháp bằng “ngôn ngữ của mình”(saka nirutti), mà luận sư Pali lỗi lạc là Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) đã diễn dịch: đó có nghĩa là ngôn ngữ (hay phương ngữ) của Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) được dùng bởi Đức Phật và Đức Phật đã không cho phép họ dịch chuyển những giáo lý thành những văn kệ bằng tiếng Phạn.

Có hai người anh em, cả hai đều là Tỳ kheo tên là Yamelu và Tekula, khi diện kiến với Đức Phật đã than phiền với Đức Phật là có những Tỳ kheo thuộc những thứ bậc và họ tộc khác nhau đã làm mai một những lời dạy của Đức Phật bằng cách đi thuyết giảng bằng ngôn ngữ địa phương của họ. Họ còn muốn chuyển những lời dạy của Phật thành những văn kệ bằng tiếng Phạn (chandaso), nhưng Đức Phật đã ra chỉ thị cấm việc làm này. Trải qua 2.400 năm sau đó, chữ ‘saka nirutti’ đã biểu thị cho ngôn ngữ của Magadhi (Ma-Kiệt-Đà).

Trong nửa sau thế kỷ XIX, những học giả phương Tây bắt đầu quan tâm đến Phật Giáo, và khi những học giả Pali uyên bác như Rhys DavidsOldenberg bắt đầu dịch văn bản Tạng Luật (Vinaya)[5] ra tiếng Anh, họ đã dịch lời chỉ thị của Đức Phật là:

‘Ta cho phép các thầy, này các Tỳ kheo, học những lời Phật dạy bằng ngôn ngữ địa phương của mỗi người” (“I allow you, O Bhikkhus, to learn the words of the Buddha each in his own dialect’) - Nghĩa là: ngôn ngữ riêng, tiếng địa phương hay phương ngữ riêng của mỗi người.

Hầu hết các học giả đã có xu hướng đồng tình với cách diễn dịch này, ngoài trừ học giả Geiger thì lại theo quan điểm của Ngài Buddhaghosa (Phật Âm), cho rằng câu chỉ thị của Phật có nghĩa là mọi người phải học giáo pháp bằng phương ngữ mà Đức Phật đang dùng lúc bấy giờ.

Tiến sĩ Rhys Davids, sau khi suy nghiệm lại, cũng tỏ ra bị thuyết phục bởi quan điểm diễn dịch của Ngài Buddhaghosa. Sau này, trong những tác phẩm của mình, ông đã chấp nhận chữ ‘saka nirutti’ có nghĩa là ngôn ngữ riêng của Đức Phật, nhưng với một giải thích rất khéo léo. Trong Lời Tựa của quyển Từ Điển Pali-Anh do tiến sĩ T.W. Rhys Davids và William Stede biên soạn và lần đầu xuất bản ở London năm 1921-1925, ông ta cho rằng tiếng Pali trong Tam Tạng Kinh Điển là dựa vào tiếng bản xứ của người Kosala, tức là tiếng mẹ đẻ của Đức Phật.

Gần đây, học giả Law[6], trong quyển sách của ông có tựa đề là “Lịch Sử Văn Học Pali” đã có ý kiến cho rằng Ngài Buddhaghosa đã thiếu chính xác, không phân biệt khi cho rằng chữ ‘chandasa’ là đồng nghĩa với tiếng Phạn và ‘saka nirutti’ thì có nghĩa là tiếng địa phương Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) đã được Đức Phật dùng làm phương tiện giảng dạy (vacanamagga). Theo ông Law, ngôn ngữ tiếng Phạn đã được phân chia thành hai dòng, là tiếng Phạn của Vệ-Đà và tiếng Phạn đang dùng hôm nay, và Đức Phật chỉ không cho phép học hoặc đưa những giáo lý của Người vào tiếng Phạn Vệ-Đà vào thời đó (của tầng lớp Bà-la-môn), chứ không phản đối tiếng Phạn thông dụng khác. Law đã viết rằng:

“Điều đó vượt qua sự hiểu biết của chúng ta về cách mà Ngài Buddhaghosa đã đi quá xa và cho rằng với chữ “saka nirutti”, Đức Phật muốn nói rằng đó là phương tiện giảng dạy duy nhất của Người, và đó chính là tiếng bản xứ của Magadhi (Ma-Kiệt-Đà). Thật vô lý, sai lầm và quá quyết đoán khi cho rằng Đức Phật ban hành quy định tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) là hình thức phát ngôn đúng đắn duy nhất khi học tập giáo lý của Đức Phật và rằng những tiếng địa phương khác là những hình thức phát ngôn không chính xác”.

(a) Phương Tiện Giảng Dạy Cho Các Tỳ Kheo

Mặc dù ý kiến mang tính cảm tính mạnh mẽ của mình, luận cứ của học giả Law cũng không có vẻ luận giải được những điều kiện hiện hành của hệ thống học thuật thời cổ xưa đó. Trở lại thời ấy, phong tục những người đệ tử thường mong muốn theo học một người thầy nào đó, đến ở cùng chỗ người thầy và học đạo từ người thầy đó theo phương pháp nói-nghe bằng tiếng bản xứ của người thầy đó. 

Cách diễn dịch của Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) chắc chắn là phù hợp với tinh thần người Ấn Độ rằng không thể có dạng ngôn ngữ nào để diễn tả những lời dạy của Phật bằng chính những lời và ngôn ngữ do chính Đức Phật thuyết giảng. Truyền thống dạy học theo phương pháp nói nghe, truyền miệng là quan trọng và nhấn mạnh để cho học trò có khả năng học, đọc tụng lại và ghi nhớ những giáo lý bằng ngôn ngữ chung – tiếng phổ thông – vì khi dùng ngôn ngữ chung, tất cả sai sót khi nhắc lại hay tụng đọc sẽ được thấy rõ và mọi người đều nghe bằng một thứ tiếng chung và cùng bổ sung, sửa sai.

Điều này đã thực sự xảy ra và được thực hiện tại những kỳ hay Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển sau Bát-Niết-bàn của Đức Phật, nhằm bảo đảm những lời dạy của Đức Phật được bảo tồn và lưu truyền một cách chính xác. Hãy tưởng tượng những kỳ Kết Tập Kinh Điển sẽ hỗn loạn đến mức nào nếu những giáo pháp, thuyết giảng của Đức Phật được đọc tụng, kết tập tại Hội Đồng Kết Tập bằng nhiều thứ tiếng hay phương ngữ khác nhau! Ai sẽ nghe ai và ai sẽ hiểu ai? Từ những yếu tố mang tính logic, hữu lý này, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Phật đã chỉ thị tất cả những Tỳ kheo phải học giáo pháp bằng ngôn ngữ chung thời đó, đó là tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) vào thời Đức Phật, mặc dù tiếng bản xứ của Đức Phật là tiếng địa phương Kosala (Câu-xá-lợi), vì vương quốc Thích Ca Sakya là một xứ chư hầu của Kosala, nhưng Người đã không dùng nó.

Theo Ngài Đại Đức Anagarika Dharmapala[7], Đức Thế Tôn muốn dùng ngôn ngữ đó, tức tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà), để chuyển tải những thông điệp và lời dạy của Phật phải là ngôn ngữ của đại đa số mọi người, chứ không dùng tiếng Phạn, tiếng Phạn vốn đã và vẫn là ngôn ngữ dành riêng cho giai cấp Bà-la-môn. Ngay cả khi đến thời hiện đại trước khi Ấn Độ được độc lập năm 1947, những đạo sư hay những ông thầy Hindu (Ấn Độ giáo) thuộc tầng lớp cao sang cũng không muốn dạy tiếng Phạn cho con em của những nhà theo đạo Hindu thuộc tầng lớp thấp hèn, hạ tiện ở trong các trường học.

[Lưu ý: Điều này cũng đã xảy ra trong cuộc đời của Tiến sĩ B.R.Ambedkar (?-1891-7/12/1956), đại diện lỗi lạc trong lịch sử Ấn Độ cho tầng lớp “bần cùng” của Ấn Độ, người chuyển qua đạo Phật sau này, cũng đã từng bị các thầy giáo dạy tiếng Phạn từ chối dạy tiếng Phạn cho ông, vì ông là người Hindu thuộc giai cấp hạ tiện khi còn đi học.]

Vì biết rằng đại đa số dân chúng vào thời mình không thể hiểu được tiếng Phạn, nên Đức Phật đã quyết định dùng tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) làm phương tiện để giảng dạy giáo pháp, mới mang lại giáo pháp và lợi lạc cho số đông quần chúng. Vì vậy, vì lý do rất quan trọng này mà Đức Phật thậm chí có chỉ thị và giới cấm các Tỳ kheo không được chuyển dịch hay truyền dạy những lời của Phật sang tiếng Phạn, nếu vi phạm sẽ coi là phạm tội tác ác (dukkata)!

(b) Saka Nirutti − “Ngôn Ngữ Riêng Của Chúng Ta”

Về sau này, học giả người Ấn Độ TS. Mauli Chand Prasad[8] đã tham luận với nhiều luận cứ đánh giá lại có ý nghĩa hơn về vấn đề bất đồng trong việc xác định ngôn ngữ được dùng bởi Đức Phật để giảng dạy giáo pháp. Theo học giả này, tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) chính là phương ngữ hay là tiếng bản xứ thông dụng nhất được dùng để giao tiếp vào thời Đức Phật, giống tương tự như trường hợp tiếng Hindi được chọn dùng làm tiếng phổ thông của Ấn Độ ngày nay, được đọc là: ‘nij bhasa’ (nghĩa gốc là: Ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ của riêng mình). Ông ta đã dịch chữ ‘saka nirutti’ là: ‘ngôn ngữ (riêng) của chúng ta’, và chỉ thị của Đức Phật là:

“Ta cho phép, này các Tỳ kheo, những lời dạy của Phật được học bằng ngôn ngữ (riêng) của chúng ta”[9]. - có nghĩa là tiếng Ma-Kiệt-Đà.

Sự diễn dịch này thì giống với diễn dịch và quan điểm của Ngài Buddhaghosa và cùng lúc chứng minh cho quan điểm ngày xưa của Đức Phật trong việc không đồng ý với đề nghị của Tỳ kheo Yamelu và Tỳ kheo Tekula đưa những lời Phật dạy thành những câu kệ bằng tiếng Phạn. Vì vậy, có thể cho thấy rằng chữ ‘saka nirutti’ và ‘nij bhasa’ cũng mang một ý nghĩa. Mặc dù trải qua quá nhiều thế hệ và thời gian thật cách xa giữa hai thời đại, cả hai chữ đều mang một nghĩa là ‘tiếng địa phương’ hay ‘tiếng bản xứ’ được dùng như một ngôn ngữ phổ thông nhất để giao tiếp vào mọi thời đại của mỗi chữ.


III
Ngôn Ngữ Pali Là Gì?


Theo Childers[10], tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) là một trong những tiếng bản xứ Prakrits hoặc Arya của thời Ấn Độ cổ. Ngôn ngữ Prakrits này được nói ở thế kỷ thứ 6 trước CN ở Magadha (Ma-Kiệt-Đà), gần tỉnh Bihar ngày nay, là một trong những trung tâm quan trọng nhất của nền văn minh Ấn Độ vào thời của Đức Phật. Tiếng Magadhi đã trở thành ngôn ngữ chết hơn 2000 năm. Từ ‘Pali’ trong tiếng Phạn có nghĩa là “đường thẳng, hàng, dãy” và Phật Giáo Nguyên Thủy dùng từ này để biểu thị ý nghĩa là những hàng, dãy hay hệ thống kinh sách đã tạo nên kho tàng Kinh Điển Phật Giáo. Vì vậy, từ Kinh Điển Pali (tiếng Anh: Pali Text), là đồng nghĩa với “Kinh Điển Phật Giáo Nguyên Thủy”. Và Palibhasa có nghĩa là “ngôn ngữ của kinh điển đó, ngôn ngữ dùng trong kinh”, và dĩ nhiên nó đồng nghĩa với chữ: “ngôn ngữ Magadhi” (Ma-Kiệt-Đà) là tên ngôn ngữ duy nhất được dùng trong kinh sách của Phật Giáo Nguyên Thủy, được xem là ngôn ngữ thiêng liêng hay thánh ngữ của Phật giáo.

Là một ngôn ngữ, tiếng Pali là nhất quán trong một ý nghĩa đó là: được bảo tồn hoàn toàn (để sử dụng) cho một chủ đề, đó là chỉ để ghi chép một chủ đề là ‘Giáo Pháp của Đức Phật’, chứ không phải là một ngôn ngữ được bảo tồn để sử dụng vào những mục đích giao tiếp, ghi chép khác. Điều này có thể đã khiến nhiều học giả đã từng phán đoán rằng nó là một lingua franca, một dạng ngôn ngữ chung do các tu sĩ theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy chế ra, bởi vì nếu không thì cũng đâu còn cách nào để giải thích nghịch lý này?.

* Định nghĩa: “lingua franca” là ngôn ngữ của những người ở trong một khu vực nói nhiều ngôn ngữ khác nhau dùng để trao đổi với nhau; ngôn ngữ chung (ND).

Ngược lại, nó cho ta thật rõ một điều là các Trưởng Lão (Theras) đã thật sự ghi nhớ được tất cả kinh Pháp (Dhamma) và kinh Luật (Vinaya) bằng ngôn ngữ gốc của Đức Phật vốn sau đó đã trở thành một ngôn ngữ chết, như đã nói trên. Những Tỳ kheo Trưởng Lão của Trưởng Lão Bộ được hiển danh là chính thống nhất, cho nên một điều hoàn toàn khó tin được là họ có thể dám chuyển đổi ngôn ngữ gốc mà Đức Phật đã dùng qua một ngôn ngữ khác, theo kiểu những giáo phái khác chuyển ngôn ngữ Phật đã dùng qua tiếng Phạn, vốn đã bị Đức Phật nghiêm cấm từ lúc Người còn tại thế! Cách giải thích như vậy có vẻ có lý hơn, bởi vì nhờ vào lòng nhiệt tâm tôn giáo, sự cống hiến tận tụy và kỹ năng huyền thoại về trí nhớ của những Tỳ kheo thời cổ xưa trong việc bảo tồn và lưu truyền những Giáo Pháp của Đức Phật thông qua con đường truyền miệng.

=> Tiếng Pali là ngôn ngữ ‘nói’, không có chữ viết đi theo và trong những đất nước nó được dùng như ngôn ngữ thiêng, thánh ngữ của cư dân mình, như: Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện (Myanmar) và Thái Lan, nó được viết theo bộ chữ viết riêng của mỗi nước.

Bước qua thời kỳ hiện đại, bảng chữ cái La-tinh (the Roman alphabets) đã được sử dụng rộng rãi (để ghi chú nhiều ngôn ngữ trên thế giới, như Việt Nam, Malay…), cho nên sự hữu ích này cũng được nhìn thấy rõ và người ta đã phiên chuyển cách viết tiếng Pali bằng mẫu tự La-tinh: dễ đọc, rõ ràng, dễ đánh máy. Từ đó, việc học và phổ biến Kinh Điển Pali được phát triển theo hướng này đến ngày hôm nay.

(a) Nguồn Gốc và Quê Hương Của Tiếng Pali

Đã có rất nhiều học giả ôm ấp nhiều giả thuyết khác nhau về quê hương của tiếng Pali. Những học giả Pali trước kia cho rằng tiếng Pali văn học chính là tiếng bản xứ Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) do Đức Phật dùng để thuyết pháp. Còn những học giả sau này thì có ý kiến dựa trên những cơ sở về triết học, họ cho rằng tiếng Pali có rất nhiều điểm tương đồng với thứ tiếng Paisaci, vốn trước kia là một phương ngữ của miền Tây, trong khi Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) là phương ngữ của miền Đông. Vì thế, tiếng Pali chắc chắn không phải là tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) mà Đức Phật dùng để giảng dạy. Nhưng thứ tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) mà những học giả biết được ngày nay là thứ tiếng được dùng để ghi những Chỉ Dụ Asoka (vua A-Dục) được khắc trên đá và những trụ đá, vua Asoka yêu cầu những quan thư lại của mình soạn thảo và cho khắc, vào thời đó đại đa số dân chúng không thể viết hay đọc chữ viết được, cũng giống như nghiên cứu của Salonmon[19] cho thấy rằng vào thời Đức Phật cũng không hề có chữ viết. Mặt khác, tiếng địa phương được dùng bởi Đức Phật là tiếng bản xứ Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) (Chú Giải 1) được hiểu và sử dụng bởi đa số dân chúng, mà sau này các tu sĩ truyền dạy Giáo Pháp và sau này chính là nó đã trở thành tiếng Pali của Kinh điển Phật giáo.

Một tham luận tốn nhiều công sức của nhà nghiên cứu Ấn Độ, học giả Law[5], kết luận rằng rất khó khăn để mà đi đến một kết luận về quê hương nguồn gốc của tiếng Pali một cách chính xác. Trong khi đó, Đại Đức Bhikkhu Bodhi[11] thì vẫn đưa ra ý kiến rất uyên bác cho rằng tiếng Pali chính là một dạng ngôn ngữ lingua francađược tạo ra để được dùng bởi những tu sĩ Phật giáo ở miền bắc Ấn Độ chừng 200 năm sau Bát-Niết-bàn của Đức Phật và nó có thể không phải cùng một thứ tiếng đã được dùng bởi Đức Phật! Rõ ràng là đã có rất nhiều phỏng đoán và lý thuyết được rất nhiều học giả đưa ra mang tính cách rất hàn lâm, nhưng nhiều trong số giả thuyết đó mang những luận cứ không phù hợp, không khớp với những truyền thốnghoạt động của Tăng Đoàn.

(b) Vai Trò Của Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Phật Giáo Trong Việc Gìn Giữ, Bảo Tồn Ngôn Ngữ Pali

Khi bàn về vấn đề ngôn ngữ được dùng trong Tam Tạng Kinh Pali, hầu hết các học giả phương Tây đều tỏ ra nghi ngờ, không khẳng định vai trò của những Hội Đồng Phật Giáo trong những kỳ Kết Tập Kinh Điển trong việc khẳng định ngôn ngữ làm phương tiện truyền bá Phật pháp. Bởi vì việc công nhận và kết tập kinh điển dựa vào sự phê chuẩn của Hội Đồng Kết Tập, cho nên ngôn ngữ được dùng bởi hội đồng kết tập đóng vai trò chính trong việc truyền tụng Kinh Điển. 

Tất cả trường phái Phật giáo đều đồng ý là ba kỳ hay ba Hội Đồng Kết Tập là những sự kiện lịch sử, như vậy một câu hỏi thẳng thắn được đặt ra là: “Ngôn ngữ nào những vị A-la-hán từ miền Tây hay miền Đông đã dùng để đọc tụng những lời dạy của Đức Phật trong những lần Kết Tập Thứ Nhất, Thứ Hai và Thứ Ba?”.

(1) Trong lần Kết Tập Thứ Nhất, không có gì nghi ngờ đó là tiếng Magadhi (Ma-kiệt-đà), bởi vì tất cả thành viên của hội đồng kết tập đều là những người vừa mới học giáo pháp từ chính Đức Phật.

(2) Trong lần Kết Tập Thứ Hai, những Tỳ kheo từ miền Tây và miền Đông đều tập hợp lại để nghe tụng đọc tạng Kinh và tạng Luật ở Vesali. Tất cả 8 trưởng lão đã được chọn ra để giải quyết vấn đề “10 Điểm” đều là đệ tử trực tiếp của Ngài Ananda và Ngài Anuraddha nổi tiếng. Trưởng lão lớn tuổi nhất, Đại Đức Sabbakami người đứng ở vai trò phân xử. Vì họ đã học giáo pháp từ hai Đại Đệ Tử nổi tiếng đó của Đức Phật, cho nên chắc hẳn họ đã dùng cùng một ngôn ngữ Magadhi để đọc tụng lại Giáo Pháp và Giới Luật ở kỳ Kết Tập Thứ Hai.

Tất cả những lý thuyết cố kết nối tiếng Pali với tiếng Ujjaini hay tiếng Paisaci hay thậm chí cho tiếng Pali như là một ngôn ngữ mới do các tu sĩ Phật giáo tạo ra sau kỳ Kết Tập Kinh Điển Thứ Hai như là một ngôn ngữ trung gian (lingua franca, ngôn ngữ chung) đều tỏ ra thiếu sót, bỏ quên nhiều sự kiện lịch sử. Vì sao? Vì những lý giải sau đây:

Thứ nhất, những Tỳ kheo thuộc phái Trưởng Lão Bộ (Theravadin và cũng là Sthavarivada) đứng ra chủ trì những Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển được nổi tiếng là những người cực kỳ chính thống (hay còn gọi là những người ‘không thay đổi’, ‘bảo thủ’ nhất) trong tất cả các trường phái trong việc thực thi những nghi Luật trong tăng đoàn, tu viện và luôn luôn bảo thủ Luật Tạng (Vinaya) theo đúng nghi luật và ngôn ngữ nguyên thủy liên tục trong vòng hai tuần lễ kết tập.

Thứ hai, Ngài Moggaliputta Tissa (âm Hán: Mục Kiền Liên Tử Đế Tu), người tổ chức Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Ba ở Pataliputta cũng đã bảo lưu ngôn ngữ nguyên gốc theo truyền thống dòng dõi làm thầy về Luật Tạng (Hàng giáo thọ dạy Luật Tạng: Acaryaparampara) của mình. Vì vậy, khi vị A-la-hán Mahinda (con trai của Vua Asoka) và những thành viên khác của Tăng Đoàn Sangha được phái đi để truyền bá Giáo Pháp của Đức Phật ở Tích Lan, chắc chắn giáo đoàn truyền đạo này cũng sẽ truyền bá Giáo Pháp bằng ngôn ngữ của Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Ba để duy trì sự tương đồng và tính tiếp nối và tránh những diễn dịch sai lệch.

Dưới ánh sáng của những sự kiện lịch sử này, rất hy hữu và vô lý khi giả thuyết hay phỏng đoán rằng những Trưởng Lão ngày xưa lại muốn thay đổi ngôn ngữ của những lời dạy của Đức Phật và muốn phát minh ra một ngôn ngữ mới với nhiều rủi ro diễn dịch sai lệch những giáo lý nhất quán của Đức Phật.



IV
Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất


Theo như ghi chép trong quyển Cullavagga Kh. XI (Tiểu Phẩm XI) của Luật Tạng [4], Ngài Maha Kassapa (Đại Ca-Diếp) đã thấy được những xu hướng không lành mạnh trong Tăng Đoàn Tỳ kheo ngay sau khi Bát-Niết-bàn của Đức Phật và Ngài đã quyết định triệu tập một Hội Đồng để kết tập lại Kinh và Luật (Giáo Pháp và Giới Luật) nhằm ngăn ngừa, bảo vệ chánh pháp của Đức Phật không bị dính nhiễm bởi những giáo pháp và giới luật sai lệch (dị giáo hay tà pháp). Sự kiện lịch sử này được tổ chứ ở Rajagaha (Raigir, thành Vương-Xá) ba tháng sau ngày Bát-Niết-bàn của Đức Phật. Năm trăm vị A-la-hán hàng đầu đã tham dự Hội Đồng Kết Tập Thứ Nhất này, kéo dài hơn 7 tháng bên ngoài những hang động Sattapanni trên đỉnh đồi Vebhara ở Rajagaha (thành Vương-Xá). 

Ngài Đại Ca Diếp làm chủ trì hội nghị. Ngài Upali được đề cử để đọc tụng Luật Tạng. Ngài bắt đầu nói bằng câu: “Tena Samayena” – “Thời nọ…”, “Lúc bấy giờ…”.

Mặc dù Ngài Ananda lúc đó vẫn chưa là một A-la-hán trước khi triệu tập hội nghị, Ngài vẫn được chọn làm người tụng đọc Kinh Tạng, bởi vì nhờ vào tâm thanh tịnh của Ngài và kiến thức của Ngài về Kinh Điển mà chính Ngài đã đích thân nghe trực tiếp từ Đức Phật trong suốt thời gian Ngài làm thị giả hầu cạnh Đức Phật. Vì Ngài đã được kỳ vọng thực hiện vai trò chính của một hội đồng toàn những bậc A-la-hán, Ngài Ananda đã nỗ lực hết mình để thiền định và đã đắc quả A-la-hán trong tư thế đang nghiêng mình để nằm xuống sàng, hai chân giơ lên trên mặt đất, để nghỉ ngơi sau một đêm dài công phu thiền định trước khi Hội Đồng Kết Tập khai mạc ngay sáng hôm sau. Sách Luật Tạng có chép lại rằng, Ngài Ananda là người duy nhất chứng đắc quả A-la-hán trong một tư thế không phải là những tư thế bình thường như đang nằm, đang ngồi, đang đứng hay đang đi. Trong lần Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất này thì Ngài Ananda luôn luôn mở đầu một bài kinh một cách rõ ràng về nơi (kinh được nói ở đâu) và đối tượng (kinh được nói cho ai nghe), luôn luôn bắt đầu bằng câu: “Evam me sutam” – “Tôi nghe như vầy…”.

(I) Vi Diệu Pháp Tạng Có Được Tụng Đọc Tại Kỳ Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất Này Không?

Về Rổ Kinh thứ ba của ba Rổ Kinh Tipitaka (Tam Tạng Kinh), thì có những bất đồng giữa các trường phái. Theo như học giả Warder[2], phiên bản Tam Tạng Kinh của Trưởng Lão Bộ và Đại Chúng Bộ không đề cập gì đến việc tụng đọc Vi Diệu Pháp (Abhidhmma), nhưng bên trong phái Sarvastavadin (Nhất Thiết Hữu Bộ) và trường phái Dhammagupta (Pháp Cúc-đa?) thì cho rằng chính Ngài Ananda đã đọc tụng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). 

Một số nghiên cứu khác cũng cho rằng Đại Cương hay Mẫu Đề Tổng Quát (Matikas) của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) đã được tụng đọc. 

Không thể nghi ngờ về việc tụng đọc Mẫu Đề Tổng Quát (Matikas) bởi vì Kinh Điển Pali để ghi chép rõ là Đức Phật đã thuyết giảng Vi Diệu Pháp cho mẹ của Người (là Hoàng Hậu Māyā đã qua đời sau khi sinh Thái Tử Siddatha được 7 ngày) ở cõi trời Tavatimsa (Đao-Lợi) và cũng giảng dạy cho Ngài Sariputta (Xá-Lợi-Phất) mỗi khi Người quay trở về trái đất để thọ trai mỗi ngày.

Dường như là Vi Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka) mà chúng ta biết đến ngày hôm nay chỉ đơn giản bao gồm những Mẫu Đề khái quát (Matika) do Đức Phật tạo ra nhằm sắp xếp và hướng dẫn một cách có hệ thống cho những đệ tử của mình, và sau này nó được soạn thảo một cách tỉ mỉ, công phu để trở thành trọn bộ đầy đủ của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma).

Bởi vì cả hai trường phái đầu tiên Theravada (Trưởng Lão Bộ) và Mahasanghika (Đại Chúng Bộ) đã đồng ý về vấn đề này, cho nên truyền thống kinh điển đã được xác lập và công nhận rằng: "Chỉ có hai ‘rổ’ kinh là Kinh Tạng và Luật Tạng đã được tụng đọc tại kỳ Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất, cộng với phần những Mẫu Đề (Matikas) của Vi Diệu Pháp đã được Ngài Ananda tụng đọc như là một phần của Kinh Tạng (suttas pitaka)".

Bàn về những nghi ngờ về nguồn gốc thực hư của Vi Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka), chúng ta có thể xem lại kỹ rằng, trong Kinh Tạng (Sutta Pitaka) cũng có chứa rất nhiều Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) thuần túy. Kinh Tạng bao gồm nhiều Kinh (suttas) và những đoạn văn thuyết giảng những chân lý tột cùng (paramattha), diễn tả về Vô Ngã (anatta) hoặc những cách tư duy thâm diệu, ví dụ như: khi đối diện giải quyết những vấn đề về Năm Uẩn (khandhas), Giới (dhatus: những thành tố, yếu tố), Xứ (ayatanas: Môi trường của đối tượng giác quan và tâm linh…)…v.v.

Về vấn đề Ngài Sariputta (Xá-Lợi-Phất) đã quán triệt, hoàn toàn nắm vững và có khả năng triển khai đầy đủ Vi Diệu Pháp sau này, chính Đức Phật đã miêu tả trong Kinh “Lý Duyên Khởi”(Nidana Samyutta XII, 32.) như sau:

“Thành phần cốt lõi của Giáo Pháp, còn gọi là Pháp Giới (Dhamma-dhatu), đã được thấm nhuần bởi Xá-Lợi-Phất. Xá-Lợi-Phất sẽ trả lời câu hỏi đó trong một ngày bằng những từ ngữ khác nhau. Và nếu ta cần hỏi ông ta trong một đêm, một ngày một đêm, hay hai ngày hai đêm, thậm chí cho đến bảy ngày bảy đêm, thì Xá-Lợi-Phất cũng sẽ triển khai vấn đề trong một đêm, một ngày một đêm, hay hai ngày hai đêm, thậm chí cho đến bảy ngày bảy đêm như vậy bằng những từ ngữ khác nhau.”

Còn trong quyển Atthasalini” (Chú Giải Bộ Pháp Tụ) [The Expositor”[12] bản dịch từ tác phẩm này của Ngài Buddhaghosa (Phật Âm)]có ghi rằng:

“Như vậy việc giao phó phương pháp luận (naya) cho người Đại Đệ Tử thứ nhất (tức Ngài Xá-Lợi-Phất - ND) vốn đã được phú với một kiến thức về phân tích, cứ như là việc Đức Phật đứng bên mé bờ biển và đưa bàn tay mở ra để chỉ cho người thấy được biển cả vậy. Đối với vị trưởng lão (tức là Ngài Xá-Lợi-Phất -ND), thì giáo pháp được giảng dạy bởi Đức Thế Tôn trở nên rất rõ ràng”.

Cho nên sau đó, Ngài Xá-Lợi-Phất đã giảng lại cho giáo pháp này (tức Vi Diệu Pháp -ND) cho 500 vị Đệ Tử được chọn lọc, mà những người này sau ghi nhớ lại trong trí nhớ của họ. 

Theo quyển “Chú Giải Bộ Pháp Tụ" nói trên, trật tự nguyên văn của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) là do chính Ngài Xá-Lợi-Phất lập ra bằng những số thứ tự để về sau dễ dàng học tập, nghiên cứu và giảng dạy giáo pháp. Sau đó, Vi Diệu Pháp được ghi nhớ và truyền miệng bởi những trưởng lão nổi tiếng như: Xá-Lợi-Phất (Sariputta), Bhaddaji, Sobhita, Piyapala, Piyadassi, Kosiyaputta, Siggava, Sandeha, Moggaliputta Tissa, Visudatta, Dhammiya, Dasaka, Sonaka, Revata và những trưởng lão khác, cho đến tận thời kỳ Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Ba.

Lý do vì sao có quá nhiều bậc thầy, đạo sư tham gia vào Vi Diệu Pháp (Abhidhamma)?. Bởi vì Vi Diệu Pháp rất thâm sâu, vi diệu và đòi hỏi phải có nhiều đạo sư khác nhau chia nhau ra ghi nhớ những tập, quyển khác nhau. Sau đó, Vi Diệu Pháp được truyền thừa bởi một chuỗi liên tục những người học trò. Ở Ấn Độ luôn có truyền thống truyền thừa bởi một chuỗi liên tục, không ngắt quãng của những thế hệ những người thầy. Khi Phật Giáo được truyền bá vào Tích Lan, năm trưởng lão Mahinda, Iddhiya, Uttiya, BhaddanamaSambalada đã mang Vi Diệu Pháp từ Ấn Độ sang, và từ đó, Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) đã lại được truyền tụng liên tục cho đến lần Kết Tập Kinh Điển Thứ Tư được tổ chức cũng ở đất nước này và nó đã được ghi chép vào lá Bối.

(II) Những Hình Phạt Dành Cho Ngài Ananda

Sau khi đọc tụng, trùng tuyên giáo Pháp và giáo Luật (Dhamma & Vinaya), các Tỳ kheo đã quyết định năm hình phạt dành cho Ngài Ananda. Ngài Ananda đã giải thích tất cả những tình huống của mọi sự việc đã xảy ra, và Ngài nói rằng, về phần bản thân mình, Ngài không thấy mình có tội lỗi gì. Tuy nhiên, Ngài ý thức được rằng những việc đó là những việc không đúng với mong đợi của Tăng Đoàn Sangha. Những tình huống xảy ra khiến Ngài Ananda bị quyết định xử lý bằng năm hình phạt đó là:

1) Ngài Ananda đã không hỏi Đức Phật là trong giới luật những điều nhỏ nhặt và không đáng nào có thể bỏ được sau khi Đức Phật đi xa, bởi vì lúc đó Ngài không hề nghĩ và không nhớ đến việc hỏi Đức Phật như vậy. Bởi vì Hội Đồng Kết Tập không thể nào thống nhất được những điều nào của giới luật là những điều nhỏ nhất và không đáng, nên Ngài Maha Kassapa (Đại Ca-Diếp) cuối cùng quyết định rằng không bất kỳ điều nào của Giới Luật được thay đổi cũng như không có điều luật nào mới được đưa vào. Không có lý do chính đáng nào được đưa ra cho quyết định ấy. Tuy nhiên, Ngài Maha Kassapa (Đại Ca-Diếp) đã nói một điều: “Nếu chúng ta thay đổi giới luật, thì người ta sẽ nói rằng những đệ tử của Ngài Cồ-Đàm (Gotama) đã thay đổi giới luật ngay cả trước khi ngọn lửa trên thế gian thiêu xác Ngài vẫn còn chưa tắt”.

2) Ngài Ananda, trong khi may vá lại y cũ của Đức Phật, đã giẫm chân lên y này, nhưng điều đó là do vô ý, không có nghĩa là bất kính với Đức Phật, nên Ngài không thấy mình có lỗi trong chuyện này.

3) Ngài Ananda đã để thi thể của Đức Phật được đảnh lễ trước bởi một người phụ nữ và bị ướt dơ bởi nước mắt người phụ nữ này rơi xuống, chỉ bởi vì Ngài không muốn bắt họ chờ đợi quá lâu để được vào viếng thi thể Đức Phật.

4) Ngài Ananda đã không thỉnh cầu Đức Phật kéo dài thêm kiếp sống của Người ở thế gian nữa, bởi vì lúc đó tâm trí của Ngài Ananda bị ám bởi Ma Vương (Mara).

5) Ngài Ananda đã thỉnh cầu Đức Phật để nhận các phụ nữ vào Tăng Đoàn làm chạnh lòng bi mẫn của Đức Phật đối với bà Mahapajapati Gotami (âm Hán: Maha Ba Xà Ba Đề Cồ-đàm Ni), là người dì ruột đồng thời cũng là mẹ kế và là dì mẫu nuôi dưỡng Thái Tử Siddhatta hồi còn nhỏ trong cung điện trước khi Người thành Phật.

▪ Để hiểu thêm cho chi tiết lý do và hình phạt thứ 5 này, bạn đọc có thể tham khảo tham luận “Lược Sử Ni Đoàn” của Tiến sĩ Dr. Chatsumarn Kabilsingh, được dịch và đăng trên Tập san Pháp Luân số 54, www.phapluanonline.com. (ND).

(III) Ấn Định Hình Phạt Nặng Hơn Dành Cho Ngài Channa

Mục tiếp theo là việc ấn định hình phạt nặng hơn là sự khai trừ hoàn toàn dành cho Ngài Channa mà Đức Phật đã có lời di huấn trước khi Đại Bát-Niết-bàn của Người. Vì Tỳ kheo này vốn ngày xưa là người giữ ngựa cho Đức Phật khi Người còn là Thái Tử Siddattha. Vị này rất ngang bướng, cao ngạo và xem thường bất cứ thành viên nào trong Tăng Đoàn, vì ỷ lại mình là người thân cận của Đức Phật.

Ngài Ananda đã đi đến GhositaramaKosambi để thông báo cho Ngài Channa về Hình Phạt. Ngài Channa đã xấu hổ và gục ngã khi nghe quyết định Tăng Đoàn đã tẩy chay mình. Sau đó, ông thật sự hốt hoảng, đau buồn và đầy hối hận, ông sống một mình và trở nên đầy quyết tâm tu sửa cho đến cuối cùng thì Ngài cũng chứng đắc quả A-la-hán. Sau khi chứng ngộ A-la-hán, giống như điều Đức Phật đã kỳ vọng, thì hình phạt dành cho ông cũng tự động không còn hiệu lực nữa.

(IV) Ngài Purana và Tám Điều Miễn Chấp Về Thức Ăn

Sau khi các Tỳ kheo đã hoàn thành việc trùng tuyên, kết tập Kinh Tạng và Luật Tạng, Ngài Purana thì đi lại, lảng vảng ở khu Đồi Nam (Dakkhinagiri) trong suốt cuộc họp tập kết. Ông đã đến Rajagaha (thành Vương Xá) với một đám đông các Tỳ kheo. Khi Hội Đồng các Trưởng Lão hỏi ông rằng ông có đồng tình ủng hộ việc Trùng Tuyên giáo Pháp và giáo Luật và ông sẽ học tụng những giáo điển vừa được Hội Đồng Kết Tập trùng tuyên hay không?. Ngài Purana trả lời rằng, giáo Pháp (Kinh) và giáo Luật (Luật) ở đây hoàn toàn được trùng tuyên rất tốt đẹp bởi các Trưởng Lão, tuy nhiên bản thân ông thì ông còn nhớ thêm một số điều như ông đã nghe trực tiếp từ Đức Phật trước đây. Theo một bản dịch bởi Teitaro Suzuki[13], Ngài Purana đã diễn đạt sự hài lòng của ông ta với những bước tiến hành của Hội Đồng Kết Tập, ngoại trừ việc ông ta đưa thêm vào Tám Điều…, mà theo ông ghi nhớ là do chính Đức Phật cho phép. Tám điều đó là:

1) Được giữ thức ăn trong nhà; 

(2) Được nấu ăn trong nhà; 

(3) Tự nấu ăn theo ý của mình; 

(4) Tự nhận, lấy đồ ăn theo ý của mình; 

(5) Nhận thức ăn cúng dường vào buổi sáng sớm sau khi thức dậy; 

(6) Mang thức ăn về nhà theo ý muốn của thí chủ; 

(7) Được ăn nhiều loại trái cây khác nhau; 

(8) Được ăn những thứ được trồng trong ao, đìa.

=>“Nhà” ở đây có nghĩa là chỗ ở, thất hay tịnh viên xá hay tu viện nơi các Tỳ kheo đó đang trú ngụ -ND

Ngài chỉ ra rằng những điều miễn chấp này không trái với giới luật cấm nhận thức ăn thừa. Ngài Maha Kassapa (Đại Ca-Diếp) giải thích rằng Ngài Purana đã đúng khi phát biểu như vậy, nhưng Đức Phật chỉ cho phép như vậy vào những lúc đồ ăn khan hiếm, thiếu thốn mà thôi, đặc biệt khi các Tỳ kheo không khất thực được đủ thức ăn sau một vòng đi khất thực. Và vì vậy, khi trường hợp khan hiếm thức ăn không còn nữa, Đức Phật lại yêu cầu họ phải tiết chế, không được lạm dụng vào Tám Điều Miễn Chấp đó. Tuy nhiên, Ngài Purana đã phản đối, ông cho rằng Đức Phật là một bậc đại trí về mọi mặt, không thể nào đề ra giới luật theo kiểu cho phép làm những điều bị cấm hoặc cấm những điều đã được cho phép. 

Đối với vấn đề này, Ngài Maha Kassapa (Đại Ca-Diếp) bèn trả lời rằng: “Đó chính là lý do bởi vì Đức Phật là bậc toàn trí nên Người mới có thể cho phép làm những điều mà thông thường bị cấm và cấm những điều thông thường được cho phép, này Ngài Purana, bây giờ chúng ta hãy quyết định thế này: Bất luận điều gì Đức Phật đã không cấm, sẽ không bị cấm, và bất luận điều gì Đức Phật đã cấm, thì không được bỏ qua. Chúng ta hãy tự tu tập theo đúng như những giới luật mà Đức Phật đã lập ra”.

Theo ghi chép, không thấy Ngài Purana còn đưa ra phản đối nào nữa, sau khi Ngài Maha Kassapa (Đại Ca-diếp) đã giải thích xong sự việc trên. 

Nhưng đến khi trường phái Mahisasaka (Hóa Địa Bộ) tuyên bố ly khai khỏi trường phái Trưởng Lão Bộ, họ đã đưa Tám Điều Miễn Chấp này vào lại Luật Tạng (Vinaya) và câu chuyện về Ngài Purana như trên đã bị hiểu lầm bởi một số học giả như là mầm mống gây chia rẽ, là nguyên nhân của cuộc ly khai trường phái đó.

(V) Những Thành Tựu Của Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất

Hội đồng Kết Tập Thứ Nhất còn được gọi là Hội Đồng Rajagaha (thành Vương Xá) đã được tổ chức ba tháng sau khi Bát-Niết-bàn của Đức Phật, dưới sự bảo trợ của Vua Ajatasattu (A-xà-thế) của xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) vào năm thứ tám ông trị vì. Hội Đồng Tập Kết đạt được những kết quả sau:

1) Kết tập Luật Tạng (Vinaya Pitaka) bởi Ngài Upali.

3) Kết tập Kinh Tạng (Sutta Pitaka) bởi Ngài Ananda.

3) Kiểm điểm những việc làm sai của Ngài Ananda.

4) Ấn định Hình Phạt nặng dành cho Ngài Channa.

Sau khi biên tập lại giáo Pháp và giáo Luật để truyền tụng qua đường miệng, những bậc Tỳ kheo cao niên, Trưởng Lão, đã xếp đặt một cách hệ thống, sao cho một số lượng Tỳ kheo ở gần nhau trong một địa phương (hay xứ sở) được giao trách nhiệm ghi nhớ (bằng trí nhớ) một số phần nào đó của giáo Pháp và giáo Luật bằng tiếng Magadhi (Ma-kiệt-đà) và nếu kết hợp tất cả những phần được giao cho những nhóm trong một địa phương, thì Tăng Đoàn ở địa phương đó sẽ có khả năng cùng nhau đọc tụng lại tất cả giáo Pháp và giáo Luật (Kinh Tạng và Luật Tạng).

Điều này được xác thực trong Kinh Gopaka Moggallana (thuộc Trung Bộ Kinh Majjhima-Nikaya), trong đó Ngài Annada đã nói rằng: Sự hòa hợp của Tăng Đoàn (Sangha) chính là sự việc các Tỳ kheo ở cùng một làng mạc, địa phương sẽ tuân thủ nghi luật và thực hiện việc hợp mặt với nhau 2 tuần một lần để tụng đọc và thực hiện Luật Giới Bổn Tỳ Kheo (Patimokkha).

Trích Kinh “Gopaka Moggallana”, đoạn Ngài Ananda đã nói cho Bà-la-môn Gopaka Moggallana như sau:

“Này Bà-la-môn, đã có điều lệ huấn thị do Đức Thế Tôn lập ra: Luật Giới Bổn Tỳ Kheo đã lập thành nghi luật. Trong những ngày Bố-Tát (Uposatha) tất cả chúng tôi ở gần chung một thôn (làng, địa phương…-ND) đều hội họp với nhau tại một chỗ; sau khi họp mặt, chúng tôi mời từng người được chọn [để tụng đọc Luật Giới Bốn Tỳ Kheo- Patimokkha]. Nếu trong khi đọc tụng, một Tỳ kheo nhớ lại mình có phạm tội hay phạm giới nào, thì chúng tôi bảo vị ấy tuân theo đúng giáo Pháp, như đúng lời dạy. Chúng tôi không phải lo xử sự với các phán quyết của các tôn giả (trưởng lão). Mà thật ra, chính Giáo Pháp xử sự chúng tôi”.


V
Hội Đồng Kết Tập Thứ Hai


Khoảng một thế kỷ sau khi Bát-Niết-bàn của Đức Phật, một số Tỳ kheo thiếu tự trọng thuộc thị tộc Vajjis (của Vương quốc Bạt-kỳ) ở thành phố Vesali (Tỳ Xa Li) lại muốn được hưởng tự do trong 10 Điều, mà 10 điều đó có thể bị xét là 10 điều Vi phạm Giới Luật (Dasa Vatthuni). Ngài Yasa, con của Bà-la-môn Kakandaka, là một chuyên gia hay luật sư về Luật Tạng (Vinaya) đến từ Kosambi. Ngài đến ở tại giảng đường Kutagara của tịnh xá Mahavana (Đại Lâm) ở rừng Mahavana (Đại Lâm), và chứng kiến cảnh những Tỳ kheo khất tiền từ những cư sĩ và Ngài đã hoàn toàn phản đối điều đó. 

Sau khi những Phật tử cư sĩ cúng dường bằng tiền cho các Tỳ kheo, các Tỳ kheo đem về và cuối ngày chia đều nhau số tiền cho nhau, và họ cũng chia đều một phần cho Ngài Yasa. Khi Ngài Yasa từ chối nhận tiền và quở trách những Tỳ kheo phạm tội thì họ ra mặt phê bình, khiển trách ngược lại Ngài Yasa (theo phép “Patisaraniya kamma” (Âm Hán dịch là: phép Yết ma hạ ý), một cách “Hòa Giải” được ghi là “Phép Đình Chỉ” (Ukkhepaniya kamma), có hiệu lực trục xuất Ngài Yasa ra khỏi Tăng Đoàn Sangha.

(I) 10 Điều (Dasa Vatthuni) Các Tu Sĩ Vajjis (Bạt-Kỳ) Đòi Được Tự Do, Miễn Chấp

Quyển Cullavagga (Tiểu Phẩm thuộc Luật Tạng) đã ghi lại Mười Điểm hay Mười Điều Miễn Chấp (Dasa Vatthuni, tiếng Anh: 10 Indulgences Points) những Tỳ kheo Vajjis (Bạt-kỳ) đòi được tự do thực hiện và Ngài Yasa đã công bố lại như sau:

(1) Sigilona kappa – Các Tỳ kheo có thể mang muối theo trong một chiếc sừng. (Điều này trái với Điều Luật Pacittiya 38, cấm tồn trữ thức ăn).

(2) Dvangula kappa – Các Tỳ kheo được dùng bữa khi bóng đã xế quá hai ngón tay so với chính Ngọ mặt trời ở thiên đỉnh, đứng bóng. Điều này trái với Điều Luật Pacittiya 37, cấm không được ăn sau buổi trưa (quá ngọ).

(3) Gamantara kappa – Được đi vào làng và dùng thêm một bữa ăn thứ hai trong cùng một ngày. (Điều này trái với Điều Luật Pacittiya 35, cấm ăn quá nhiều).

(4) Avasa kappa – Thực hiện nghi thức Bố-tát (Uposatha) tại nhiều nơi trong một giáo khu (một làng, một địa phương). (Điều này trái với các giới luật ghi trong Mahavagga II, 8, 3 (Đại Phẩm): về sự cư trú trong một giáo khu (sima).)

(5) Anumati kappa – Thực hiện quyết định nơi nghị sự mặc dù không có tất cả cùng tham dự, với giả định rằng những Tỳ kheo vắng mặt cũng sẽ đồng ý. (Điều này trái với các giới luật Mahavagga IX, 3, 5 (Đại Phẩm).

(6) Acinna kappa – Được phép làm theo thói quen tiền lệ do người thầy làm trước. (Điều này trái luật).

(7) Amathita kappa – Được uống sữa (sữa đông, bánh sữa…) sau bữa ăn. (Điều này trái với Điều luật Pacittiya 35, cấm ăn quá nhiều).

(8) Jalogi patum – Được uống nước dừa đã lên men, nhưng chưa chuyển thành rượu To-di (loại rượu mạnh để hòa với đường và nước nóng). (Điều này trái với Điều luật Pacittiya 51, cấm dùng các thức uống độc hại).

(9) Adasakam nisidanam – Được dùng tọa cụ (tấm lót để ngồi thiền) không đúng kích cỡ quy định, chỉ cần không có viền tua. (Điều này trái với Điều luật Pacittiya 89, cấm dùng tọa cụ có viền tua và quá khổ quy định).

(10) Jatarupa rajatam – Được nhận vàng, bạc. (Điều này trái với Điều luật Nissaggiya-pacittiya 18, cấm Tỳ kheo tự mình nhận tiền hay là nguyên nhân khiến người khác nhận tiền thay cho mình).

Sau khi nhóm Tỳ kheo ra hình phạt đình chỉ (Ukkhepaniya kamma) trục xuất Ngài Yasa ra khỏi Tăng Đoàn, Ngài Yasa đã đi đến Kosambi và cử những người đưa tin đi đến gặp những Tỳ kheo ở những xứ miền Tây ở Avanti và ở miền Nam để kêu gọi sự ủng hộ của họ trong việc ngăn chặn sự thoái hóa trong tôn giáo và bảo vệ giáo Luật Vinaya. Sau đó, Ngài đi đến Đồi Ahoganga ở Thượng Lưu Sông Hằng để thỉnh giáo trưởng lão Sambhuta Sanavasi ở thành Mathura và rồi tháp tùng với 60 Tỳ kheo từ Pava, miền Tây và 88 Tỳ kheo từ Avanti và miền Nam. Trưởng lão Sambhuta Sanavasi khuyên họ đến thỉnh giáo trưởng lão Revata ở Soreyya (xứ Kanauj), một cao tăng rất nổi tiếng vì lòng mộ đạo và sự uyên bác. Cùng với trưởng lão Sambhuta Sanavasi, cả đoàn cùng nhau đi đến Soreyya để gặp trưởng lão Revata. Nhưng vị này đã nghe biết chuyện và cũng đang trên đường đi thành Vesali để gặp mọi người. Hai bên cuối cùng đã gặp nhau tại thành phố Sahajati. Ngài Yasa đã trình bày với trưởng lão và xin Ngài cho biết ý kiến về vấn đề 10 Điều đã nói trên. Trưởng lão Revata tuyên bố tất cả những điều đó đều là vi phạm giới luật.

(II) 10 Điều (Của Các Tỳ Kheo Bạt-Kỳ) Đã Bị Tuyên Bố Là Trái Luật Tại Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Hai

Trong khi đó, các Tỳ kheo xứ Vajjis (Bạt-Kỳ) cũng liên tục theo dõi đường đi nước bước của Ngài Yasa, họ cũng kéo đến thành Sahajati tặng quà cáp nhằm lấy lòng và tranh thủ sự ủng hộ của trưởng lão Revata, nhưng Ngài Revata từ chối, không chấp nhận. Họ cũng tìm cách xúi dục Uttara, đệ tử của Ngài Revata, nhưng cũng thất bại. 

Khi Tăng Đoàn Sangha họp mặt cùng nhau để quyết định, giải quyết những vấn đề này, Ngài Revata đã đề nghị rằng vấn đề nên được giải quyết ở nơi mà những bất đồng đã bắt nguồn xảy ra. Vì thế, tất cả trưởng lão đều đi đến thành Vesali để Tăng Đoàn hội nghị giải quyết vấn đề đang tranh cãi, nhưng không có kết quả gì, ngoài những cãi vã liên tục và thảo luận vô ích. 

Sau đó thì tất cả đề nghị phải giải quyết vấn đề với một ủy ban trọng tài phân xử. Ngài Revata đã chọn 4 Tỳ kheo của miền Đông và 4 Tỳ kheo của miền Tây làm trọng tài. Các trọng tài ở miền Đông là: Các Ngài Sabbakami, Salha, Khujjasobhita và Vasabhagamika. Những trọng tài từ miền Tây là: các Ngài Revata, Sambhuta Sanavasi, YasaSumana. Trong 8 người trọng tài, thì 6 người là học trò của Ngài Ananda - [Theo kinh điển, Ngài Ananda sống đến 120 tuổi, trong khi đó 2 người còn lại là Ngài Vasabhagamika và Ngài Sumana là đệ tử của Ngài Anuruddha lỗi lạc - tương truyền Ngài Anuruddha (A-nậu-lâu-đà) cũng đã sống đến 150 tuổi]

Khi các trọng tài chuẩn bị nghị sự, Ngài Sabbakami, một đại Trưởng lão A-la-hán thâm niên nhất (120 tuổi Hạ, vassas), đã tuyên xử rằng: "Tất cả 10 Điều của các Tỳ kheo Vajjis là trái luật, căn cứ vào Luật Tạng". Việc phân xử cũng được tiến hành với tất cả Hội Đồng Tăng Già và phán quyết tương tự đã được thống nhất.

Theo ghi chú trong quyển Mahavamsa1[3] (Đại Sử Tích Lan), sau vụ phân xử ‘10 Điều’ này, Ngài Revata đã chọn ra 700 vị A-la-hán để chủ trì Hội Đồng Kết Tập Thứ Hai, với nỗ lực ngăn chặn những thoái hóa tôn giáo trong Tăng Đoàn. Hội Đồng Kết Tập làm việc liên tục 8 tháng để tụng đọc, trùng tuyên tất cả giáo Pháp và giáo Luật (Dhamma & Vinaya) để bảo đảm chắc chắn là những Giáo Lý đích thực của Đức Phật được bảo tồn và truyền bá cho những thế hệ tương lai.

Hội Đồng Kết Tập Thứ Hai cũng còn được gọi tên là Yasatthera Sangiti, có nghĩa là: Lần Kết Tập hay Hội Đồng Tăng Già của Trưởng Lão Yasa, bởi vì vai trò chính được thực hiện bởi Ngài Yasa với đầy lòng nhiệt tâm tôn giáo để bảo vệ Luật Tạng (Vinaya). Kỳ Kết Tập này đã được tổ chức tại Valukarama, thành phố Vesali (Tỳ-Xá-Ly) một thế kỷ sau khi Bát-Niết-bàn của Đức Phật, lúc đó là thời triều đại của Vua Kalasoka.



VI
Cuộc Ly Khai Lớn Của Các Trường Phái Phật Giáo


Theo ghi chép trong bộ sách Mahavamsa[14] (Đại Sử Tích Lan), những Tỳ kheo xưa Vajjis (Bạt-Kỳ) đã không chấp nhận phán quyết của Hội Đồng Kết Tập Thứ Hai. Thay vào đó, họ tiến hành tổ chức riêng một hội đồng khác của họ và kêu gọi đến 10.000 Tỳ kheo tham dự. 

Vì con số chúng tăng tham dự rất đông đảo, nên được gọi là Mahasangiti (Đại Hội Đồng Tăng Già), chính cách gọi này là nguồn gốc của tên của trường phái Mahasanghika (Đại Chúng Bộ) sau đó. Cũng từ sự ly khai lớn này, đã xảy ra sự hình thành của nhiều cuộc ly khai tôn giáo khác thành những phái, nhánh phái nhỏ hơn và theo dòng thời gian sau đó, 12 nhánh phái đã tách ra từ Theravada (Trưởng Lão Bộ) và 6 nhánh phái ra đời từ Mahasanghika (Đại Chúng Bộ).

(I) Năm Lý Thuyết Của Đại Thiên (Mahadeva)

Theo như quyển luật tạng kinh Pratimoksa bằng tiếng Phạn (Sanskrit) của trường phái Mahasamghika (Đại Chúng Bộ) được phát hiện bởi Ngài Rahula Sankrtyayana ở Tây Tạng vào năm 1934 và được dịch qua tiếng Anh bởi Charles S. Prebish[15], tất cả những giới luật trong Luật Tạng (Vinaya), ngoại trừ 75 điều sekhiya để huấn luyện các Sa-di (67 điều sekhiya trong phái Mahasanghika (Đại Chúng bộ), đều hoàn toàn giống nhau với Luật Tạng (Vinaya) của Phật Giáo Nguyên Thủy (Trưởng Lão Bộ). Điều này chứng minh rằng sự ly khai giáo phái không phải là kết quả của những điều khác nhau trong Luật Tạng. 

Theo trường phái Phật giáo Sammitiya (Chánh Lượng Bộ), sự ly khai giáo phái này xảy ra trong vài thập niên sau kỳ Kết Tập Kinh Điển Thứ Hai. Người sáng lập phái Mahasanghika (Đại Chúng Bộ) là Bhadra, người cũng được biết đến bằng cái tên Mahadeva, có nghĩa là Đại Thiên. Người này đã đưa ra 5 lý thuyết về A-la-hán. 

Theo những thông tin sưu tầm của học giả Watters (Xem Dutt[16],trang 28), Đại Thiên là con của một thương gia Bà-la-môn ở thành Mathura, đã thọ giới ở tu viện Kukkutarama trong thành Pataliputra (Hoa Thị Thành). Bằng lòng nhiệt tâm cao và những năng lực cá nhân, ông đã nhanh chóng trở thành người đứng đầu của tổ chức, có thể gọi là sư trưởng và ông có vị vua đang trị vì là bạn cũng là người bảo trợ của mình. Với sự giúp đỡ của nhà vua, ông ta có thể loại bỏ những trưởng lão khác với 5 lý thuyết như sau:

(1) A-la-hán có thể còn dính Dục khi ngủ còn triệu chứng xuất tinh. (Atthi arahato rago ti).

(2) A-la-hán có thể còn chút ít Vô minh. (Atthi arahato annānanti).

(3) A-la-hán có thể còn ít nhiều nghi ngờ. (Atthi arahato Kankha ti).

(4) A-la-hán có thể vẫn ít nhiều mặt hạn chế (về năng lực nào đó…) bởi vì họ vẫn cần sự giúp đỡ của người khác. (Atthi arahato paravitarana ti).

(5) A-la-hán khi chứng đạt được Đạo quả, có thể bật tiếng hô lên (như là: “aho”).

(II) Sự Bác Bỏ ─ Tham khảo bộ “Kathavatthu”, Book II[17](Những Điểm Dị Biệt, Quyển II)

• Trường phái Trưởng Lão Bộ (Phật Giáo Nguyên Thủy) hoàn toàn bác bỏ lý thuyết thứ nhất, bởi vì đã là một A-la-hán thì đã diệt trừ tất cả dục vọng và vô minh trong sự liên tục miên mật của Tâm. Cho nên dục ái không thể nào còn khởi lên khi đang ngủ được.

• Lý thuyết thứ hai, thứ ba và thứ tư của Đại Thiên Mahadeva được bảo vệ rằng: (1) một A-la-hán không còn sự biết rõ về những điều khác như tên người, gia đình, v.v…, Ngài đó có thể bị ‘vô minh’ trong những trường hợp đó. (2) Ngài đó có thể bị lúng túng, không còn nhạy bén với những điều xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. (3) Ngài đó có thể bị thua kém về sự hiểu biết kiểu như vậy so với những người khác. 

Trưởng Lão Bộ bác bỏ lý thuyết trên bởi vì những điều đó chỉ là những sự thật thế tục trong đời sống, không dính líu gì đến kiến thức và sự chứng ngộ của một bậc A-la-hán, vì một A-la-hán là một bậc tuyệt đối hoàn toàn thoát khỏi vô minh ảo tưởng và nghi ngờ huyển hoặc.

• Về lý thuyết thứ năm, Trưởng Lão Bộ vẫn bảo thủ rằng những cách nói như vậy không liên quan gì đến sự chứng ngộ của Tâm khi đã chuyển qua Thức Ngộ Đạo (Path Consciousness).

• Rõ ràng là các trưởng lão Trưởng Lão Bộ nhất quyết không chấp nhận những quan điểm không chính thống (dị giáo) như vậy. Nhưng với sự bảo trợ của nhà vua, bạn của Đại Thiên Mahadeva, Đại Thiên đã triệu tập Đại hội nghị (Mahasangiti), mà theo ghi chép lại, bao gồm cả những A-la-hán và những người không phải A-la-hán tham dự và phê chuẩn những lý thuyết của Đại Thiên, và sau đó họ tách ly hẳn ra khỏi Tăng Đoàn. Điều này đã tạo nên cuộc ly khai giáo phái đầu tiên.

Vì vậy, nếu có ý nào cho rằng những A-la-hán đã tham dự Đại Hội Nghị Chúng Tăng hay Đại Hội Đồng Tăng Già (Mahasangiti) này, thì đó là ý nghĩ xa rời thực tế, bởi vì hiển nhiên những bậc A-la-hán đích thực đã không đồng ý với những lập luận dị giáo này rồi.

(III) Nguyên Nhân Ban Đầu Dẫn Đến Cuộc Ly Khai

Một số học giả (xem Dutt (15)) đã đưa ra giả thuyết rằng những Tỳ kheo Vajjis (Bạt-kỳ) ở thành Vesali, như trước đây đã trình bày, đã muốn có được những sự tự do, sự ‘miễn chấp’ trong việc diễn dịch và thực thi những giới luật và đã cố gắng đưa vào trong tổ chức và lãnh đạo của tăng đoàn một tinh thần dân chủ đã dần dần mất đi trong Tăng Đoàn Sangha (vốn chỉ còn tính bảo thủ chính thống). 

Những quyền lực và những đặc quyền mà những A-la-hán thường thể hiện thì không được cho là đúng đắn và đáng tin bởi những tu sĩ ở thành Vesali, những người này muốn có một nguyên tắc dân chủ trong giới trị sự của Tăng Đoàn. Việc cho những A-la-hán là những thành viên đặc quyền của những Hội Đồng Phật Giáo quan trọng và họ có quyền đi đến mọi quyết định đã không làm hài lòng những người xứ Vesali- những tộc người vốn nổi tiếng đã thấm nhuần tinh thần dân chủ trong dòng máu của họ từ lâu.

Rõ ràng, những lý do các học giả đưa ra đã thể hiện rõ những nỗi buồn thiên cổ của những Tỳ kheo xứ Vesali. Khi xem xét lại những phạm vi của Luật Tạng chi phối trật tự tổ chức của Tăng Đoàn, chúng trông có vẻ là giả mạo và không hợp lẽ, như được bàn luận sau đây:

(1) Theo sự thiết lập Tăng Đoàn Sangha, thì giới hạnh và đạo đức của Tỳ kheo được quy định bởi, chi phối bởi Giới Luật (Vinaya) do chính Đức Phật lập ra. Sau Bát-Niết-bàn của Người, không thể có một ai hay quyền hạn nào có thể được đưa vào như là một sự bổ sung thêm cho giới luật cả, bởi Đức Phật đã không hề chỉ định bất cứ ai làm người kế thừa Phật để lãnh đạo Tăng Đoàn cả. Thay vì vậy, Đức Phật đã dặn dò những Tỳ kheo phải tôn trọng và tuân theo Giáo Pháp và Giới Luật như là người thầy của mình sau khi Phật đã đi xa. Vì vậy, mỗi thành viên của Tăng Đoàn (Sangha) đều đứng trên tư cách bình đẳng với mọi thành viên khác. 

Những trưởng lão lớn tuổi có thể khuyên bảo, tư vấn và hướng dẫn những tu sĩ khác, chứ không phải ra lệnh hay cưỡng chế, bắt họ phải tuân theo chỉ đạo của mình. Mọi Tỳ kheo trong Tăng Đoàn chính là nơi nương tựa của chính mình, lấy Giáo Pháp là nơi nương tựa của chính mình. Khi nào có những tranh cãi xảy ra về vấn đề Giáo Pháp và Giới Luật, thì lúc đó sự thống nhất phải đưa ra dựa trên cơ sở Bốn Điều Đối Chứng (Chú Giải 2) hay còn gọi là Bốn Ấn Chứng. Nếu như vậy, thì "vấn đề" về một hệ thống mang tính cách phong kiến (chỉ huy) hay dân chủ sẽ không phát sinh ra.

(2) Điều thứ hai, A-la-hán với phẩm chất đã diệt trừ tận gốc Tham, Sân, Si thì làm gì còn mong muốn hay dục vọng về quyền lực hay đặc quyền như vậy. Một điều thật dễ thấy là trong Tăng Đoàn Sangha, sự tôn trọng được dựa vào tuổi tác thâm niên hơn là dựa vào sự chứng đạt trong tu hành. 

Trong Kinh Đại Bát-Niết-bàn (Mahaparinibbana Sutta), Đức Phật đã nhấn mạnh với tất cả Tỳ kheo rằng họ “phải nên tôn trọng, quý trọng, tôn kính những Tỳ kheo lớn tuổi, những trưởng lão tu hành lâu năm, người càng lâu năm hơn và những người đứng đầu Tăng Đoàn, và mặc nhiên họ phải lắng nghe theo lời của những trưởng lão đó”.

(3) Có vẻ như Hội Đồng Kết Tập Thứ Hai đã được tổ chức theo kiểu chỉ thị là những Tỳ kheo trưởng lão thâm niên nhất được đại diện làm trọng tài để phân xử “10 Điều” của các Tỳ kheo Bạt-Kỳ.

(4) Còn về lý do của cuộc Ly Khai giáo phái, dường như không phải là những diễn dịch, tranh cãi hay bất đồng về Giới Luật (Vinaya). Theo học giả Frauwallner[18], người đã thực hiện nghiên cứu về những sự tương đồng và thay đổi dị biệt giữa những điều luật trong luật tạng của những 6 giáo phái lúc bấy giờ, đó là: Theravada (Trưởng Lão Bộ), Mahasanghika (Đại Chúng Bộ), Mula-sarvastivada (Da-Du-La Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ), Mahisasaka (Hóa Địa Bộ), Drarmagupta (Pháp Tạng Bộ), và Sarvastivada (Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ), đã kết luận rằng “Chúng ta có thể thấy ngay lập tức rằng những ghi chép của những giới luật thống nhất (giống) với nhau đến từng chi tiết.”

(5) Vì thế, không còn nghi ngờ gì nữa khi nói rằng: "Chính những lý thuyết của Đại Thiên (Mahadeva) là nguồn gốc nguyên nhân của cuộc Ly Khai của các trường phái". Bởi vì năm lý thuyết đó là dựa vào những kiến thức và khái niệm thế gian, chỉ tạo ra ý nghĩa xem thường, thiếu tôn kính đối với những bậc A-la-hán mà thôi, và những lý thuyết đó chắc chắc không thể nào được chấp nhận bởi những tu sĩ hay Tỳ kheo trưởng lão chính thống, và chính điều này đã dẫn đến sự Ly Khai thành những giáo phái như vậy.

(IV) Sự Chuyển Dạng Về Đức Phật và Giáo Pháp Của Người Bởi Những Người Chủ Trương Đại Thừa

Trong Tam Tạng Kinh Điển Tipitaka, Đức Phật không được phân biệt với bất kỳ A-la-hán nào, ngoại trừ việc Đức Phật là một người tài năng xuất chúng đã có thể tự mình tìm ra, phát minh ra Chân Lý, trong khi những người khác thì giác ngộ Chân Lý nhờ vào sự hướng dẫn của Đức Phật. Trường Phái Trưởng Lão Bộ (hay Phật Giáo Nguyên Thủy) vẫn giữ nguyên quan niệm này, mặc dù sau này họ tôn vinh thêm hình ảnh Đức Phật là một bậc “Toàn Trí”. Những người theo phái Mahasanghika (Đại Chúng Bộ) thì hạ thấp chứng ngộ của những bậc A-la-hán và tuyên thuyết rằng cần phải phân biệt rõ ràng một A-la-hán đối với một vị Phật.

Theo như quyển “Những Điểm Dị Biệt” (Kathavatthu)[15],thuộc Vi Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma), Đại Chúng Bộ (Mahasanghika) quan niệm rằng một vị Phật có mặt ở khắp nơi, khắp mọi phương trời. Một chi nhánh phái của Đại Chúng Bộ là phái Andhakas, thậm chí còn cho rằng những thói quen, những lời nói hằng ngày của Đức Phật vượt trên phàm trần, siêu phàm. Những người trong phái của họ thậm chí cũng cho rằng bất kỳ những gì từ ‘con người’ Đức Phật lịch sử (kể cả những chất ô uế, thải tiện ra từ cơ thể của Người!) cũng cao siêu, siêu phàm hơn của những người khác. Nhưng mặc dù vậy, cho dù những người thuộc những trường phái kể trên có những quan điểm lệch lạc, trệch đường như vậy, nhưng những trường phái ly khai hay những trường phái Kinh Bộ (Nikayas) đều hướng tới một mục đích giống nhau – Đó là quả vị A-la-hán.

Theo nhà nghiên cứu Warder[2], phong trào Đại Thừa (Mahayana) được bắt đầu với sự xuất hiện của những Kinh có những nguồn gốc vô danhđáng nghi vấn vào khoảng đầu kỷ nguyên Công giáo (Công Nguyên hay CN) ở Andhra Pradesh miền Nam Ấn Độ. Kinh Saddharma-pundarika (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tức Kinh Pháp Hoa) giảng rằng sau khi Giác Ngộ, Đức Phật đã quyết định giảng dạy giáo pháp của Người bằng những hình thức đơn giản cho những người đi tìm Chân Lý nhưng có căn cơ bình thường nhằm giúp họ dễ dàng hiểu và tu học dễ dàng hơn. Những hình thức đơn giản này bao gồm Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và Lý Thuyết Duyên Khởi, những đề tài mà Phật đã đưa ra trong bài thuyết giảng đầu tiên cho 5 anh em bạn tu ở vườn Lộc Uyển. 

Những người Đại Thừa cho rằng điều này có nghĩa là chỉ có bậc Toàn Trí mới giác ngộ được Chân Lý Tối Thượng, trong khi những hàng học trò hay đệ tử Thanh Văn (Savakas) chỉ có thể tu hành và chứng đạt được thông qua việc thực hiện theo những lời chỉ dạy trong những bài thuyết giảng của Đức Phật, chỉ giác ngộ được sự “Không Bản Ngã” hay Vô Ngã (annata), nhưng không thể giác ngộ được sự không hiện hữu hay “Tánh Không” hay “Pháp Không” (dhamma-sunnata).

Theo TS Rhys Davids[19]:

“Quả vị A-la-hán (Arahatship) rõ ràng đã bị cho là tiểu nhược và Quả vị Bồ-Tát hay Bồ-Tát Hạnh (Bodhisatship) được cho là mục đích mà mỗi Phật Tử đều phải nhắm tới; và toàn bộ học thuyết này, thật là ngược lại với Phật Giáo Nguyên Thủy, là do chính từ miệng của Đức Phật Cồ-Đàm nói ra”.

Từ đó đã bắt đầu sự chuyển dạng về Đức Phật và Phật Pháp của Người bằng những lý lẽ và suy lý của những người chủ trương Đại Thừa, sau đó từng bước tiến tới hình thành trường phái Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana); từ những giáo lý nguyên thủy như triết lý về Nhân Văn và sự Giác Ngộ Tứ Diệu Đế và chứng ngộ Niết-bàn (Nibbana) chuyển qua những triết lý siêu nhiên và sự huyền hoặc của các kinh điển Đại Thừa và học thuyết Tánh Không được thuyết giảng bằng những ngôn luận dài tập bằng tiếng Phạn mang đầy tính triết lý và siêu hình, vốn là những trước tác sau này của những học giả như Ngài Nagarjuna (Long Thọ) và Asvaghosa (Mã Minh). Những triết lý này khó mà hiểu được bởi đại đa số quần chúng, và hơn nữa chúng được viết bằng tiếng Phạn, chỉ có những học giả biết tiếng Phạn mới đọc được.

Sau khi những người Đại Thừa nhận biết rằng những người bình thường khó mà hiểu hết được những học thuyết tiếng Phạn của họ, những đạo sư Đại Thừa đã trước tác ra những thần tượng Đại Thừa (Mahayana Pantheon) để thu hút số đông quần chúng Phật tử tham gia vào “Chiếc Xe Lớn” của họ. 

Theo Đại Đức Bhikkhu Kashyap[1]: sau một thời gian, trong truyền thống Đại Thừa, những suy xét, nghiên cứu đều được biểu tượng hóa bằng những Bồ-Tát (Bodhisattas) và những vị Thần, điển hình như là: Bồ-Tát Quán Thế Âm (còn gọi là Bồ-Tát Quán Tự Tại, Avalokitesvara, vị Bồ-Tát của lòng Đại Bi, cứu nạn, cứu khổ), Thần Tara (Nữ Thần Từ Bi), Bồ Tát Văn-Thù-Sư-Lợi (Manjusri, vị Bồ-Tát của trí tuệ và thiền định), và Phật A-Di-Đà {Amitabha, vị Phật ở cõi Tịnh Độ hay Tây Phương Cực Lạc (Sukhavati)}.


VII
Nguồn Gốc của 18 Trường Phái
Phật Giáo Kinh Bộ (Nikaya)


Mười Tám trường phái Phật Giáo Kinh Bộ Nikayas hình thành trong khoảng thời gian từ 100 năm đến 200 năm sau Bát-Niết-bàn của Đức Phật (Parinibbana), tức là khoảng thời gian giữa hai lần Hội Nghị Kết Tập Kinh Điển lần thứ Hai và lần thứ Ba. Những trường phái này được gọi là Tiểu Thừa “Hinayana” (Có nghĩa là “Chiếc Xe Nhỏ” hay trường phái nhược tiểu), một từ được dùng bởi những người theo trường phái Đại Thừa, có ý khinh khi những trường phái Phật giáo khác và đề cao trường phái của mình. 

Có một điều chúng ta luôn ghi nhớ rằng, Đức Phật chưa bao giờ dạy cho những học trò của mình bất cứ từ ngữ nào về xe lớn, xe nhỏ hay tiểu thừa, đại thừa gì cả. Chỉ có “Con Đường Bát Chánh Đạo” là diệt trừ khổ đau mà thôi. Bởi vì do tính chất tiêu cực của cái tên Tiểu Thừa ‘Hinayana’, chúng ta nên tránh dùng từ này khi nói về những trường phái Kinh bộ Nikayas, tức là những trường phái Phật Giáo bảo thủ Kinh Bộ Nguyên Thủy vào thời cổ xưa ấy. Cũng không nên như dùng (một cách sai lầm) để chỉ về trường phái Trưởng lão Bộ (Theravada), được gọi là Phật giáo Nguyên Thủy ngày nay, ở các nước Đông Nam Á và phương Tây.

Theo những ghi chép trong cuốn Mahavamsa[13] (Đại Sử Tích Lan), sau lần Kết tập kinh điển lần thứ Hai, các trường phái đã tách ra gồm 18 trường phái như sau:

(1) Mahasanghika (Đại Chúng Bộ), tách ra khỏi Tăng Đoàn nguyên thủy và tạo ra hai trường phái là:

(2) Gokulika (Kê Dận Bộ) và

(3) Ekavyoharika (Nhất Thuyết Bộ).

Từ nhánh phái Gokulika (Kê Dận Bộ), lại sinh ra nhánh phái: 

(4) Pannatti (Thi Thiết Bộ),

(5) Bahulika hay Bahussutiya (Đa Văn Bộ) và

(6) Cetiya (Chế Đa Sơn Bộ), bao gồm cả bản thân Mahasanghika (Đại Chúng Bộ) là (6) bộ phái.

Từ trường phái:

(7) Theravada (Thượng Tọa Bộ hay Trưởng Lão bộ), hai nhánh phái được tách ra, đó là:

(8) Mahimsasaka (Hóa Địa bộ) và

(9) Vajiputtaka (Độc Tử bộ).

Sau đó, lại từ bộ phái thứ (9) Vajjiputtaka (Độc Tử bộ), lại tạo ra thêm 4 bộ phái khác là

(10) Dhammuttariya (Pháp Thượng bộ),

(11) Bhaddayannika (Hiền Trụ bộ),

(12) Channagarika (Mật Lâm Sơn bộ) và

(13) Sammitiya (Chánh Lượng bộ).

Trong khi đó, từ bộ phái thứ (8) là Mahimsasaka (Hóa Địa bộ), lại sinh ra thêm những nhánh phái khác nữa là:

(14) Sabbathivada (Nhất Thiết Hữu bộ) và

(15) Dhammagutika (Pháp Thượng bộ).

Rồi từ nhánh (14) Sabbathivada (Nhất Thiết Hữu bộ), lại sinh ra nhánh phái:

(16) Kassapiya (Ca Diếp bộ),

Rồi sau đó nhánh phái thứ (16) (Ca Diếp bộ) này lại phân chia và tạo ra nhánh phái:

(17) Samkantika (Thuyết Chuyển bộ) và từ nhánh phái thứ (17) này lại sinh ra nhánh phái:

(18) Suttavada (Kinh Lượng bộ). (Chú Giải 3).

Theo tiến sĩ Rhys Davids[18], bằng chứng ghi chép trong bộ Mahavastu (Đại Sự) của Phật giáo giải thích rằng những kinh điển chính của bộ phái Lokuttaravadins (Thuyết Xuất Thế bộ, một tiểu bộ phái bắt nguồn từ trường phái Mahasanghika (Đại Chúng bộ) đầu tiên tách khỏi trường phái Theravada (Trưởng Lão bộ) có rất ít những điều khác biệt với kinh điển của trường phái Theravada (Trưởng Lão bộ). 

Sự khác nhau nổi bật là về những vấn đề huyền thoại. Thực chất, tất cả những trường phái Phật Giáo Nguyên Thủy đều đặt quả vị A-la-hán làm mục tiêu tu hành của một Phật tử đạo hạnh, chứ không phải là quả vị Bồ tát. Tuy nhiên, những quan niệm về một A-la-hán và một số vấn đề dị biệt về giáo lý, như đã nói trước đây, ít nhiều khác nhau so với trường phái Trưởng Lão bộ Theravada, điều này đã dẫn đến sự biên soạn quyển Kathavatthu[16] (Những Điểm Dị Biệt) do Ngài Đại Đức Moggaliputta Tissa làm chủ trì tại Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển lần thứ Ba. 

Độc giả nên tham khảo quyển Kathavatthu (Những Điểm Dị Biệt) để thấy rõ toàn bộ những bác bỏ đối với những quan điểm dị giáo, không chính thống của nhiều trường phái, bộ phái khác nhau.

Trong hầu hết những trường hợp, những sự khác nhau giữa một trường phái này và một trường phái khác có thể là do những yếu tố khác nhau về mặt địa lý, chứ không phải là những khác nhau về vấn đề học thuyết hay giáo lý. Những khác biệt đầu tiên trước Cuộc Ly Khai Giáo Phái cho thấy những tu sĩ Phật giáo có xu hướng tách ra thành một nhóm ở miền Tây xung quanh tam giác Kosambi–Mathura–Ujjaini và nhóm miền Đông ở Vesali. Ngay trong trường phái Theravada (Trưởng Lão bộ), trong những sự kiện xảy ra ở Hội Đồng Kết Tập thứ Hai, cho thấy rằng những tu sĩ ở miền Tây, đặc biệt là những Tỳ kheo đến từ vùng Kosambi và Avanti chủ trì nhóm trường phái này. Nhóm đầu tiên tách ra khỏi Trưởng Lão Bộ chính là Mahasanghikas (Đại Chúng bộ) vẫn còn bám trụ lại ở trong và xung quanh Pataliputta (Hoa Thị Thành) như là trung tâm hoạt động của họ, trong khi đó phái Theravada (Trưởng Lão bộ) thì trụ tại tại Avanti và bắt đầu phát triển nhanh về xuống phía Maharashtra, Andhra và xuống đến xứ Chola và Tích Lan Ceylon.

Ngay sau kỳ Kết Tập lần thứ Hai, Mathura đã trở thành trung tâm hoạt động của trường phái Sabbathivadins (Nhất Thiết Hữu bộ) và từ đó, ảnh hưởng của họ được lan truyền và phát triển khắp miền Bắc Ấn Độ, đặc biệt là ờ KashmirGandhara.

Bộ phái Kassapiyas (Ca Diếp bộ) thực chất cũng là một nhóm những Tỳ kheo thuộc trường phái Theravada nguyên thủy (Trưởng Lão bộ), bị tách ra khỏi bởi những người theo Sabbathivadins (Nhất Thiết Hữu bộ) và sau một thời gian dài, họ vẫn giữ liên lạc với trung tâm ban đầu của họ ở Sanchi gần Bhopal.

Mở rộng nhiều nhất là bộ phái Sammitiyas (Chánh Lượng bộ), họ mở rộng qua tận Avanti và Gujarat và thành lập trung tâm hoạt động ở Sindhu. Còn Lokuttaravadins (Thuyết Xuất Thế bộ, một tiểu bộ phái) thì cũng mở rộng chi nhánh ra đến tận vùng Bactria xa xôi.

Hầu hết các phái trong 18 trường phái Kinh Bộ Nikayas đều không tồn tại lâu. Một số ít thì tăng trưởng và tồn tại trong vài thể kỷ, nổi bất nhất đó là: Theravada, Sabbathivadin, Mahasanghika, SammitiyaLokottaravadins

Ngài Huyền Trang (Hsuan Tsang) đã chiêm bái Ấn Độ vào khoảng những năm 629-645 sau CN, đã ước lượng số lượng Tỳ kheo ở Ấn Độ và những xứ láng giềng khoảng dưới 200 ngàn người, trong số đó khoảng ¾ thuộc 5 trường phái Kinh Bộ Nikayas và số ¼ còn lại thuộc nhóm trường phái Đại Thừa. 

Cuối cùng, phái Đại Thừa đã mở rộng từ nguồn gốc phía Nam về phía Bắc và Đông Ấn Độ, đến những vùng Trung Á và Trung Hoa, lấn lướt trường phái Kinh Bộ Nikayas nguyên thủy. 

Trong năm trường phái Kinh Bộ Nikayas còn lại, như đã nói trên, thì trường phái Theravada (Trưởng Lão bộ) đã được thành lập và phát triển ở Tích Lan (Sri Lanka) và Miến Điện (Burma) và đã được tồn tại cho đến tận ngày hôm nay, sau khi Phật giáo gần như đã bị biến mất sau cuộc chinh phạt của Hồi Giáo vào thế kỷ thứ XII sau CN.


VIII
Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Ba


Hội Đồng Kết Tập lần thứ Ba được tổ chức vào năm thứ 236 sau Đai Bát-Niết-Bàn của Đức Phật, vào thời Hoàng Đế Asoka (A-Dục Vương) trị vì.

Vị vua xứ Maurya đã trị vì từ Ấn Độ đến Kashmir, thung lũng sông Hằng và đến tận Madras ở phía Nam, đã trở thành một Phật tử và đã làm hết trong khả năng của mình, để giúp đỡ Phật giáo. Sự bảo hộ của hoàng gia này đã thu hút hàng ngàn những kẻ dị giáo, ngoại đạo giả dạng khoát y vàng để được hưởng nhiều quyền lợi vật chất. Mặc dù ở sống cùng ở các Tỳ kheo, nhưng họ luôn thuyết giảng những giáo lý sai lạc và tạo ra nhiều phức tạp, rối rắm trong Tăng Đoàn. Vì số lượng của những kẻ dị giáo rất lớn và sự vô kỷ luật của họ, cho nên các Tỳ kheo không thể nào tổ chức các lễ Uposatha (Lễ Bố-Tát, họp mặt, ôn tập và tụng đọc Giới Luật Tỳ kheo Patimokkha) và cả lễ Pavarana (Lễ Tự Tứ) trong suốt 7 năm trời.

Khi vua Asoka phái một đại thần của mình đi để điều tra sự thật và giải quyết vấn đề này, thì quan chức ngu xuẩn này lại đi giết chết nhiều tu sĩ. Khi nghe được chuyện sai trái này, vua Asoka trở nên vô cùng hối hận và ám ảnh trong tâm rằng chính mình đã gây ra tội lỗi đó. Sau đó, Ngài Moggaliputta Tissa, một A-la-hán sống và tu hành ở một nơi ẩn dật trên Núi Ahoganga ở thượng lưu sông Hằng, đã cố giải tỏa cho nhà vua khỏi những ray rứt trong lương tâm của mình. Nhà vua đã thỉnh mời vị A-la-hán về tiếp đãi tại Chùa Asokarama trong 7 ngày và nhà Vua đã quỳ xuống để thỉnh cầu và nghe những lời dạy từ vị A-la-hán này. Tại đây, rất nhiều kẻ dị giáo đang lẫn lộn trong số Tỳ kheo. Tất cả những Tỳ kheo được chất vấn, kiểm tra về quan điểm giáo lý của mình và những kẻ dị giáo đã bị trục xuất ra khỏi Tăng Đoàn. Những Tỳ kheo chính thống bắt đầu tổ chức lại các lễ Uposath sau 7 năm đã không được thực hiện.

(I) Kết Tập Phiên Bản Cuối Cùng Của Tam Tạng Kinh (Tipitaka)

A-la-hán Moggaliputta Tissa đã nhân cơ hội này tổ chức Hội Đồng Kết Tập Lần Ba để biên tập lại tất cả kinh điển chính thống. Một ngàn A-la-hán đã đến tham dự Hội Đồng được tổ chức tại Tu Viện AsokaramaPataliputra (Hoa Thị Thành, thành phố Patna ngày nay ở Ấn Độ) vào năm thứ 18 của triều đại trị vì của vua Asoka, lúc đó là năm thứ 236 sau Bát-Niết-bàn của Đức Phật. 

Ngài Moggaliputta Tissa đã làm chủ trì hội nghị, ở đó nhiều tranh luận giáo lý khác nhau của nhiều bộ phái Phật giáo khác nhau đã đưa ra nghị sự, xem xét và bác bỏ, dẫn đến việc biên soạn nên Quyển “Kathavathu” (Những Điểm Dị Biệt), một trong 7 tập sách thuộc “Vi Diệu Pháp Tạng”. Hội nghị dã kéo dài đến 9 tháng để nghe và tụng đọc lại toàn bộ Giáo Pháp và sau đó toàn bộ Tam Tạng Kinh Pali (Pali Tipitaka) đã được biên soạn và kết tập.

(II) Sự Truyền Bá của Phật Giáo ra ngoài Ấn Độ

Nhờ có được vị Vua Phật tử Asoka đang nắm quyền thống trị gần hết những xứ sở ở Ấn Độ bấy giờ làm người bảo trợ chính, thời gian đã chín muồi để tiến hành việc mở rộng Phật giáo.

Với tinh thần đó, Ngài Moggaliputta Tissa, một vị trưởng lão lỗi lạc đứng đầu trong trường phái Theravada, đã quyết định biệt phái những A-la-hán đáng kính đi truyền bá Giáo Pháp của Đức Phật khắp Ấn Độ và mở rộng ra nước ngoài. Mỗi nhóm được dẫn đầu bởi một Trưởng Lão gồm có 5 Tỳ kheo, mục tiêu là phát triển thêm số người được thọ giới vào Tăng Đoàn ở những vùng xa xôi. Tên của những bậc Trưởng Lão và 9 nơi họ được cử đến đã được ghi chép lại trong quyển Đại Sử Tích Lan Mahavamsa[13]. Những bằng chứng khảo cổ học đã xác minh được tính chất lịch sử của những phái đoàn mang sứ mạng truyền giáo này.

Trong Bảo Tháp Stupa số 2 ở Sanchi, gần Bhopal, người ta đã tìm thấy được 2 hộp đựng những thánh tích từ thế kỷ thứ 1 và thứ 2 trước CN, có khắc tên của nhiều Tỳ kheo và Trưởng lão truyền giáo. Nhờ vào những nỗ lực này, những Lời Dạy của Đức Phật được truyền rộng ra theo 4 hướng khác nhau sau Kỳ Kết Tập Lần Thứ Ba này.

TÊN NGƯỜI TRUYỀN GIÁO
NƠI TRUYỀN GIÁO
1. TL Majjhantika
Kasmira & Gandhara (1a)
2. TL Mahadeva
Mahimsamandala (2a)
3. TL Rakkhita
Vanavasi (3a)
4. TL Yonaka Dhammarakkhita
Aparantaka (4a)
5. TL Maha Dhammarakkhita
Maharattha (5a)
6. TL Maha Rakkhita
Yonaka (6a)
7. TL Majjhima
Himavantapadesa (7a)
8. TL Sonaka vaF TL Uttara
Suvannabhumi (8a)
9. TL Mahinda, Itthiya, Uttiya, Sambala & Bhaddasala
Tambapannidipa (9a)

(1a) Gandhara bao gồm cả quận lí Peshawar & Rawalpindi của Pakistan. Kasmira chính là Kashmir ngày nay.

(2a) Mahimsamandala thường được biết đến là vùng Mysore ngày nay.

(3a) Vanavasi bao gồm cả những vùng duyên hải như Kerala và Malabar.

(4a) Aparantaka hay còn gọi là ‘vùng viễn Tây’ bao gồm cả vùng rộng lớn Mumbai ngày nay (Bombay), vùng Gujarat, Kachchh và Sind ở phía Bắc Ấn Độ.

(5a) Mararattha chính là Maharashtra ngày nay.

(6a) Yonaka (tiếng Phạn là Yavana) cùng với Kambojas có nghĩa làkhu vực của những Họ Tộc ngoại bang ở vùng biên giới phái Tây Bắc, nhưng cũng thuộc lãnh thổ của Vương Quốc Asoka.

(7a) Himavantapadesa chính là xứ Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn)

(8a) Suvannabhumi hay ‘vùng đất vàng’, gồm 2 huyện lỵ Bago (Pegu) và Mawlamyine (Moulmein) thuộc tiểu bang của người Môn ở Miến Điện, Myanmar (Burma).

(9b) Tambapannidipa chính là đảo quốc Tích Lan (Sri Lanka)

(III) Những Thành Tựu Của Hội Đồng Kết Tập Thứ Ba

(1) Hội Đồng Kết Tập lần thứ Ba bài trừ và loại bỏ tất cả những xu hướng giáo lý vốn được cho là không được chính thống và nhất quán với niềm tin của đại đa số Trưởng Lão và đã biên tập kết thúc thành công Tạng Kinh Pali. 

(2) Tuy nhiên, thành công to lớn nhất đó là việc gửi đi những phái đoàn truyền giáo đến những xứ sở khác để truyền bá Phật Pháp, bởi vì trước kia, Phật Giáo chỉ được truyền bá trong phạm vi thu hẹp trong vài tiểu bang của miền Bắc Ấn Độ. Nhờ vào trí tuệ và tầm nhìn xa của Ngài Moggaliputta Tissa, sự bảo trợ của Hoàng Đế Asoka và những phái đoàn truyền giáo đầy tâm huyết, Giáo Pháp (Sasana) của Đức Phật đã được truyền bá ra khỏi biên giới của quê nhà. 

=> Ngay bản thân vua Asoka cũng có 2 người con ruột là Tỳ Kheo và Tỳ kheo Ni cũng đã được phái đi trong sứ mạng này ở Tích Lan. Vì vậy, sau này khi Phật giáo bị biến mất ở Ấn Độ hơn 600 năm sau khi bị người Hồi Giáo chinh phạt vào thế kỷ 12 sau CN, ánh sáng của Phật Pháp vẫn còn được chiếu sáng ở Sri Lanka, Myanmar và những nước Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, nơi mà Giáo Pháp (Sasana) của Đức Phật đã được thiết lập từ lúc đó.

=> Càng thêm kỳ lạ thay, một câu chuyện được chép trong Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa) vào thể kỷ thứ 6 sau CN, (Chú Giải 4), kể tích rằng Ngài Moggaliputta Tissa là một vị thần trời Phạm Thiên trong kiếp trước. Vào lúc Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển lần thứ Hai, những vị A-la-hán, sau khi thấy được những nguy cơ suy đồi trong tôn giáo trong tương lai, đã đến thỉnh cầu Ngài giúp đỡ, khi đó thời gian sống ở cõi Phạm Thiên của Ngài cũng đã sắp hết. Ngài đã đồng ý được sinh ra trong cõi người, để sau này ngăn chặn sự thoái lui, xuống dốc của Phật giáo. Những sự kiện lịch sử Phật giáo sau đó trong thời của Ngài có vẻ đã xác minh cho lời tiên tri của những A-la-hán ở Hội Đồng Kết Tập lần thứ Hai.

Ngày hôm nay chúng ta được chứng kiến hiện tượng mới là các tu sĩ ở những nước Phật giáo khác đang quay về lại Ấn Độ để làm sống lại Giáo Pháp (Sasana) của Đức Phật ngay trên quê hương khởi thủy của Giáo Pháp!


IX
Kết Tập Phiên Bản Tam Tạng Kinh Điển
Vào Trong Trí Nhớ


Tam Tạng Kinh Điển Tipitaka, chứa đựng tất cả những lời dạy của Đức Phật trong suốt 45 năm Người thuyết giảng, quy mô ước lượng cỡ bằng gấp 11 lần Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo. Cũng chính vì quy mô đồ sộ của Tam Tạng Kinh đã khiến cho nhiều học giả nghĩ rằng Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển lần Thứ Nhất chỉ hoàn toàn là hư cấu, do tưởng tượng mà ra, bởi vì một số lượng đồ sộ kinh điển Luật Tạng và Kinh Tạng như vậy không thể nào được ghi nhớ, tụng đọc và trùng tuyên lại như vậy. Thậm chí nhiều học giả ngờ vực về khả năng trí nhớ xuất chúng của Ngài Ananda khi Ngài có khả năng đọc tụng lại tất cả những lời Phật dạy trong Kinh Tạng.

Tuy nhiên, những Tỳ kheo có trí nhớ phi thường như vậy cũng vẫn được tìm thấy trong Tăng Đoàn Sangha trong thời đại chúng ta, để minh chứng rằng cũng có những Tỳ kheo có trí nhớ phi thường vào thời nguyên thủy. Trong Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Sáu được tổ chức ở thủ đô Yangon năm 1956, Ngài Đại Đức Thiền sư Mingun Sayadaw Ashin Vicittasarabhivamsa đã đọc thuộc tất cả Tam Tạng Kinh Tipitaka bằng trí nhớ của mình. Ngài có thể trả lời tất cả mọi câu hỏi liên quan đến tất cả chi tiết của Tam Tạng Kinh do vị chủ trì ban chất vấn của hội nghị tôn giáo này là Ngài Đại Đức Mahasi Sayadaw Ashin Sobhana đặt ra tại Hội Đồng Kết Tập. Ngày nay, Myanmar (Miến Điện) đã sản sinh ra nhiều Tipitakadhara sống (Hán dịch là Trì Tam Tạng Đại Sư) tức là người đã thuộc lòng và kết tập toàn bộ Tam Tạng Kinh Tipitaka vào trong trí nhớ của mình! (Chú Giải 5).

Những nghiên cứu mới đây của học giả Salomon[20] cho thấy rằng không có chữ viết vào thời Đức Phật. Nhưng chữ viết đầu tiên của Ấn Độ là chữ viết Brahmi (Prakrit) và chữ viết Karosthi xuất hiện sau này vào thời đại vương triều Maurya của vua Asoka. Theo bằng chứng ghi lại của sử gia Hy Lạp, ông Megasthenes (250-290 trước CN) đã ghi rõ là: không hề có chữ viết vào thời kỳ đầu của triều đại Maurya và những nhà khoa học luôn thất bại liên tục trong nỗ lực tìm kiếm bằng chứng về chữ viết tồn tại vào thời tiền Maurya trước Vua Asoka. 

Tuy vậy, những bằng chứng đó cũng vẫn chưa đủ kết luận được điều gì. Mặc dù sau đó, chữ viết đã bắt đầu được dùng để ghi chép lại những chỉ thị, lời dạy, nhưng nó không được phổ biến rộng rãi. Nền giáo dục lúc bấy giờ vẫn nhấn mạnh vào tư duy của trí nhớ, thuộc nhiều và nhớ lâu. Vì thế, một điều rõ ràng là truyền thống truyền miệng đã tiếp tục hình thành là tập quán chính đề truyền thừa Giáo Pháp Phật Giáo. Những nhà sư vẫn bắt buộc phải thuộc nhớ Giáo Pháp ngay cả sau khi chữ viết đã ra đời và có khả năng ghi chép lại kinh. Chẳng hạn như cho đến tận hôm nay, những tu sĩ theo Phật Giáo Nguyên Thủy ở Miến Điện vẫn đọc tụng thuộc lòng kinh điển các Giáo Pháp.

Mặc dù các trường phái, bộ phái khác đã bắt đầu dùng tiếng Phạn hay pha trộn tiếng Phạn để làm ngôn ngữ truyền thừa, nhưng trường phái Trưởng Lão bộ chính thống (ngày nay được cho là Phật Giáo Nguyên Thủy) vẫn nghiêm ngặt giữ tiếng Pali. Vì thế, những tu sĩ của Trưởng Lão Bộ rất tinh thông trong việc đọc tụng kinh điển bằng tiếng Pali, cùng với khả năng thuộc nhiều, nhớ lâu của họ, như là một kỹ năng truyền thống được nhấn mạnh phát triển ở Ấn Độ từ thời cổ xưa đến tận sau này trong giáo dục. Nhiều nhóm tu sĩ khác nhau phụ trách việc thuộc, nhớ, và tụng đọc những phần khác nhau của Tam Tạng Kinh Tipitaka, vì vậy vấn đề sẽ không phải là quá khó khăn khi tất cả họ cùng nhau tụng đọc lại toàn bộ Tam Tạng Kinh Tipitaka bằng cách kết hợp lại khả năng thuộc nhớ của nhiều nhóm

Trong văn học kinh điển Pali, chúng ta sẽ thấy rất nhiều từ ngữ mô tả về những tu sĩ, vì những phần hay phạm vi của Tam Tạng Kinh mà những nhóm tu sĩ khác nhau đó “chuyên trì” hay thuộc, nhớ, tụng đọc, chẳng hạn như:

(1) Suttantika: Thầy hay Pháp Sư về Kinh tạng (Sutta Pitaka)

(2) Vinaya-dhara: Thầy hay Pháp Sư về Luật tạng (Vinaya)

(3) Matika-dhara: Thầy hay Pháp Sư về matika hay Diệu Pháp tạng (Abhidhamma)

(4) Digha-bhanaka Majjhima-bhanaka: Thầy hay Pháp Sư thủ trì về Trường Bộ kinh và Trung Bộ kinh.

Điều này hoàn toàn xác minh được rằng những bậc Trưởng Lão (Tỳ kheo) vào những ngày xa xưa đó đã phát triển được một hệ thống truyền thừa tập thể một cách khoa học như vậy cho nên đã có thể gìn giữ nguyên vẹn giáo điển Tam Tạng Kinh trong trí nhớ của các Ngài. Nhiều bậc Trưởng Lão trong số đó là những A-la-hán, và theo định nghĩa của Phật, là những người “hoàn toàn trong sạch, thanh tịnh” đã không còn dính vào dục vọng, điều xấu ác và vô minh (tham, sân, si). Và với Tâm thanh tịnh, các Ngài rõ ràng càng có thêm khả năng tập trung để học, tụng, thuộc và ghi vào trí nhớ những Lời Dạy của Đức Phật.

Vì vậy, ngày ấy các Ngài đã có thể bảo đảm rằng những Lời Dạy của Đức Phật được bảo tồn, gìn giữ một cách kiên trung và truyền thừa cho những thế hệ con cháu sau này và chúng ta.


X
Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Tư: 
Kết Tập Tam Tạng Kinh Tipitaka Bằng Chữ Viết


Nằm một bên quốc lộ, cách thành phố Kandy của Sri Lanka khoảng 40Km là ngôi làng mang tên Matale. Mặc dù ngôi làng có thể không được nhiều khách du lịch biết đến, nhưng ngôi làng này rất nổi tiếng đối với những học giả Phật học và nhiều Phật tử, bởi vì ở đó, chúng ta có thể tìm thấy Viện Bảo Tàng và Thư Viện Phật Giáo Quốc Tế (International Buddhist Library & Museum) và Hang Động Aloka (Aloka Cave), di tích của nơi diễn ra Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Tư, nơi đây những Lời dạy của Đức Phật lần đầu tiên được tụng đọc, trùng tuyên, kết tập và được viết xuống lá Bối (ola palm leaves, một cây thuộc họ cây cọ dừa).

Những du khách viếng thăm ngày nay có thể được chứng kiến quá trình phơi sấy khô lá Bối, vuốt thẳng ra và kỹ thuật viết bằng mực in lên trên lá Bối. Ở đó cũng có một tủ trưng bày, bên trong có nguyên một bộ Tam Tạng Kinh Pali Tipitaka được viết trên lá bối đang được bảo tồn.

Theo sách Lịch Sử Tôn Giáo[21] (Sasanavamsa), có ghi chép rằng: Đã có lần nạn chết đói đang hành hoành khắp đảo Sinhala (tức Ceylon, Tích Lan) và có rất nhiều Tỳ kheo đã phải rời khỏi đảo (sang Ấn Độ), bởi vì các Ngài lo sợ rằng các Ngài không thể tiếp tục học thuộc ba tạng kinh Pitakas trong lúc không có thức ăn, đói khát. Tuy nhiên, 60 Tỳ kheo khác thì ở lại bên một vùng bờ biển, họ tiếp tục cùng nhau học ba tạng kinh, hằng ngày chỉ ăn rau, củ đào được xung quanh đó. Đến khi bị ngã quỵ do bị đói và kiệt sức, họ nằm xuống trên cát, mắt hướng về nhau và không thốt ra một lời nào. Họ nghĩ và học chữ viết trong tâm trí của họ. Bằng cách như vậy, họ đã giữ được ba tạng kinh Pitakas cùng với những luận giảng trong đầu họ suốt 12 năm, nhằm duy trì Phật pháp không bị thối lui. Cuối 12 năm, 700 Tỳ kheo đã quay trở về từ Ấn Độ và cùng nhau học tụng Giáo Pháp cùng với 60 Tỳ kheo đã ở lại vùng duyên hải đó. Lúc đó, tất cả họ cùng tụng đọc lại Tam Tạng Kinh và cũng đều thống nhất với nhau về Tam Tạng Kinh. Đó chính là cách mà ngày xưa các bậc Trưởng Lão (Thera) hay những Đại Trưởng lão (Maha-Thera: những Tỳ kheo trên 20 tuổi Hạ) đã hoàn thành trách nhiệm khó khăn trong việc thuộc, nhớ Tam Tạng Kinh bằng con đường truyền miệng.

Hẳn quý độc giả sẽ cảm thấy vô cùng xúc động với những nỗ lực đầy kiên trung và nhiệm mầu trong công cuộc truyền thừa Phật Pháp của những bậc sư thầy ngày xưa đó.

Lòng kiên trung hết mực và nhiệt huyết của những bậc Trưởng lão ngày xưa trong việc học tụng kinh điển để không được bỏ sót bất cứ một từ ngữ nào, có thể được minh họa bằng câu chuyện sau đây: 

Sau khi đã học xong những lời dạy của Đức Phật từ người thầy là Trưởng lão Dhammarakkhita (Hộ Pháp) của xứ Yona ở Ấn Độ, Trưởng lão Tissa, con trai của một người điền chủ Punabbasu, đã rời khỏi Ấn Độ để quay trở lại Tích Lan (Ceylon). Trong khi gần đến bến thuyền để chuẩn bị lên thuyền về nhà, ông ta chợt thấy còn vài điều nghi vấn về trong một số câu tụng của Tam Tạng Kinh Tipitaka. Như vậy là ông quay trở lại đường cũ, quay lại chỗ người thầy ở Ấn Độ, cách đó khoảng 100 Yojana (1 yojana = 8 đến 13 dặm Anh, khoảng trên dưới 500km) để giải bày với người thầy. Điều này cho thấy rằng, mặc dù trách nhiệm phải học và nhớ Tam Tạng Kinh của những Trưởng lão, Tỳ kheo là rất khó khăn, nhưng họ rất kiên trung và luôn luôn làm hết sức để không bị bỏ sót một từ ngữ nào. Và những điều gì họ chưa học thuộc lòng được, họ sẽ tiếp tục đọc nhớ bằng trí nhớ cho đến khi nào họ không bị bỏ sót từ nào hay còn nghi vấn về một chỗ nào. Đó là cách mà Tam Tạng Kinh được truyền thừa bằng đường miệng, bằng những câu vè, dân ca, và được những thế hệ những bậc Trưởng lão và Tỳ kheo tập họp lại, biên tập và kết tập thành công từ Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Nhất.

(I) Việc Ghi Chép Tam Tạng Kinh Tipitaka Trên Lá Bối

Theo những ghi chép biên tập bởi Ngài Nanamoli[22];

Bốn tháng sau khi Vattagamimi Abhya trở thành vua của xứ Lanka, tức Tích Lan, Sri Lanka (104-88 trước CN), sau một thời gian, triều đại đã bị thất thế vào tay quân phiến loạn của Bà-la-môn Tissa, kéo theo là nạn chết đói, rồi đến sự xâm lăng của quân Tamils và nhà vua bị lưu đày. Những Tỳ kheo từ đại tịnh xá Mahavihara chủ trì hội nghị. Ý tưởng được đề xuất là: 

“Trong tương lai, mọi người chỉ còn chánh niệm, trí tuệ và chánh định kém cõi, không thể ghi nhớ trong tâm trí (Tam Tạng Kinh) bằng con đường truyền tụng”, cho nên Hội Đồng Kết Tập đã quyết định ghi chép ba tạng kinh Pitakas cùng với những luận giảng dưới dạng sách. Đó là những lúc mà những viharas (chùa chiền, Tịnh Xá, Tu Viện dành cho các tu sĩ Phật giáo) không còn đông đúc và việc bảo tồn Tam Tạng Kinh bằng con đường truyền tụng với nhau là rất khó khăn. 

Vào lúc nay, nghệ thuật chữ viết cũng đã phát triển sâu rộng, cho nên điều thiết thực và cần thiết nên làm là ghi chép toàn bộ Giáo Pháp của Đức Phật thành sách, để tránh tình trạng sau này chánh pháp bị biến mất, mai một hay tranh luận, một khi không còn ai hay nhóm người nào có thể thuộc nhớ và đọc tụng lại chính xác toàn bộ ba tạng kinh đồ sộ như vậy.

Sự kiện mang tính lịch sử này diễn ra tại Chùa Hang Động Aloka Vihara hay còn gọi là Tu Viện Alu (Alu-vihara) thuộc xứ Mã-Lai-á (Matale), một nơi nằm trên đảo Tambapanni, nước Tích Lan (Ceylon). Hội Đồng Kết Tập này được xem như là Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Tư bởi trường phái Phật Giáo Nguyên Thủy hay Trưởng Lão bộ, mặc dù ở Ấn Độ lúc đó cũng diễn ra một Hội Đồng Kết Tập khác dưới sự bảo trợ của Vua Kanishka của xứ Kushan (Kasmir ngày nay) (Chú Giải 6) vào khoảng năm thứ 100 sau CN cũng được cho là Hội Đồng Kết Tập Phật Giáo lần thứ Tư.

Sau khi Hội đồng nghị sự diễn ra, tất cả những kinh điển, cùng với những luận giải (Attha-kathas) đã được khắc bằng chữ viết trên lá Bối và tất cả những mẫu chữ viết đều được kiểm tra lại một cách cẩn thận đến chắc chắn về tính chất xác thật, chính xác của chúng. Đó là cách và quá trình mà ba tạng kinh Pitakas đã được bảo tồn. Một cuộc viếng thăm đến khu Chùa Hang Động chắc chắn sẽ làm trỗi dậy trong chúng ta một lòng tri ơn sâu sắc đối với Tăng Đoàn (Sangha) vì công sức, trí tuệ và hoài bão của các Ngài trong việc ấn chứng bằng ghi chép nguyên vẹn những Lời Dạy của Đức Phật cho thế hệ mai sau. 

Cũng chính nhờ vào tầm nhìn xa trộng rộng và những cố gắng không mệt mỏi của những bậc Trưởng Lão Tỳ kheo lỗi lạc như vậy, mà từ đó cho đến tận ngày nay, không có ai hay một tu sĩ hay một học giả “tự cho mình là cấp tiến có thể giả mạo, thêm bớt hay làm mai một Chánh Pháp đích thực".

=> Thời gian này được dựa vào theo cách tính của Phật Giáo Nguyên Thủy Trưởng Lão bộ (Theravada), cho rằng Bát-Niết-bàn (Parinibbana) của Đức Phật là vào năm 543 trước CN. Những nguồn nghiên cứu của phương Tây thì cho rằng Bát-Niết-bàn (Parinibbana) của Đức Phật là vào năm 483 trước CN, tức là 60 năm sau, hơn thời điểm theo cách tính của Phật Giáo Nguyên Thủy.


XI
Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Năm và Thứ Sáu
ở Myanmar (Miến Điện)[23]


Theo quyển Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa), ngay sau khi Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Ba, nhiều phái đoàn tu sĩ được Ngài Moggaliputta Tissa, Chủ tọa Hội Đồng, phái đi về nhiều xứ sở khác nhau, gồm cả những nước láng giềng của Ấn Độ để truyền bá Giáo Pháp của Đức Phật. Hai trong số đó là hai Tỳ kheo Ngài Sona và Ngài Uttara đã được cử đi đến Suvannabhumi, tức là hai huyện lý Bago (Pegu) và Mawlamyine (tức là Moulmein ngày nay) ở tiểu bang của người Môn của nước Myanmar, mục đích là thiết lập sự có mặt của Phật Pháp (Buddha Sasana) ở nơi đây. 

Họ đã cố gắng hóa độ những người dân ở vùng này theo Phật giáo, bằng cách bắt đầu thuyết giảng kinh Brahmajala Sutta (kinh Phạm Võng). Từ sau đó là một câu chuyện dài về lịch sử hình thành Phật giáo ở nước này. Phật Pháp đã được thiết lập một cách vững chắc ở Myanmar trong suốt hơn hai ngàn năm qua!

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng Myanmar đã và đang đứng ở vai trò hàng đầu trong việc bảo tồn, truyền bá và làm sống mãi Giáo Pháp của Đức Phật trong thời kỳ hiện đại, bằng cách đứng ra tổ chức 2 lần Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Phật Giáo trong suốt 2 thế kỷ qua.

(I) Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Năm

(Còn được gọi là Panca Sangiti, cónghĩa là “Hội Đồng Tăng Chúng Thứ Năm”).

Theo lịch sử Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Năm diễn ra ở thủ đô Mandalay, Myanmar (Miến Điện) vào năm 1871, vào thời triều đại Vua Mindon.

Mục đích của Hội nghị Tôn giáo này là để đọc tụng, trùng tuyên lại tất cả giáo pháp của Đức Phật và xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ để xem có bị sai lỗi, thay đổi hay từ ngữ nào bị bỏ sót hay không. Ba vị Đại Trưởng Lão (Maha thera) là Trưởng Lão Jagarabhivamsa, Trưởng Lão Narindabhidhaja, và Trưởng Lão Mahathera Sumangalasami đã dẫn đầu và chủ trì một hội nghị được tham dự bởi 2.400 tăng sĩ. Việc tổ chức tụng đọc lại giáo Pháp (Dhamma Sangiti) được diễn ra 5 tháng liên tục. Sau khi Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển kết thúc, toàn bộ Tam Tạng Kinh Tipitaka đã được khắc vào 729 phiến đá cẩm thạch bằng tiếng Miến Điện (Myanmar) để cho những thế hệ mai sau có thể đọc lại. Mỗi phiến đã có chu vi là: chiều cao 1.86m, bề rộng 1.07m và khoảng 0.13m bề dày, và công trình kỷ niệm đồ sộ này được thực hiện bởi rất nhiều nghệ nhân điêu luyện. Sau khi hoàn thành, mỗi phiến đá cẩm thạch có chép kinh được đặt trong một mô hình ngôi chùa thu nhỏ tuyệt đẹp ở trong một khu đặc biệt nằm trong khuôn viên của Chùa Kuthodaw Pagoda của nhà Vua Mindon lỗi lạc. 

Theo như ghi chép trong quyển Sách Những Kỷ Lục Guiness, 729 phiến đá cẩm thạch này là dạng sách lớn nhất thế giới cho đến ngày hôm nay.

(II) Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Sáu

(Còn được gọi là Chattha Sangiti, có nghĩa là “Hội Đồng Tăng Chúng Thứ Sáu”).

Hội Đồng Kết Tập Thứ Sáu được tổ chức vào năm 1954 đến 1956 dưới sự bảo trợ của chính phủ Miến Điện đứng đầu là Thủ Tướng U Nu. Hội nghị diễn ra tại Kaba Aye, thủ đô Yangon tại một đại sảnh đường mang tên Đại Hang Động Maha Pasana Guha, làm giống như Đại Hang Động Sattapanni ở thành Rajagaha (thành Vương Xá) nơi tổ chức Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Nhất ở Ấn Độ.

Cũng giống như lần Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển trước kia, mục tiêu của hội nghị lần này cũng là xác thực lại vào bảo tồn Chánh Pháp nguyên thủy, bao gồm Kinh Tạng và Luật Tạng (Dhamma & Vinaya).

Tổng cộng có 2.473 Tỳ kheo của nước chủ nhà Miến Điện Myanmar tham dự và 144 Tăng sĩ đến từ 7 nước khác, bao gồm: Cambodia, Ấn Độ, Lào, Nepal, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam đã tham gia vào việc Trùng Tuyên Kinh Điển.

Công việc chuẩn bị cho hội nghị đã được tiến hành liên tục trong 3 năm, từ 1951-1954, trong thời gian này, Tam Tạng Kinh Tipitaka và những tác phẩm luận giảng Phật giáo khác đã được xem xét bằng nhiều văn bản và ngôn ngữ, chữ viết khác nhau. Sau đó, được ghi chú, đánh dấu và đối chiếu một cách công phu, vất vả. Cũng không phí công sức và đáng vui mừng là tất cả những ghi chép kinh điển và nội dung được xem xét và đối chiếu đều giống nhau, không có nhiều sai biệt. 

Sau khi đã hoàn thành kết tập văn bản cuối cùng của Tam Tạng Kinh, các bên đều phê duyệt và thống nhất tất cả với nhau, và Hội Đồng Kết Tập đã chính thức nghị sự vào ngày Trăng Tròn của tháng Năm, 1954. Toàn bộ văn bản của 40 quyển sách ghi chép Tam Tạng Kinh Pali đã được phê duyệt và chứng nhận là chính thống đã được 2.600 Tỳ kheo tụng đọc và trùng tuyên liên tục trong 5 kỳ nghị sự của Hội Đồng Kết Tập kéo dài 2 năm từ năm 1954 đến năm 1956. Đại Đức Thiền Sư Mahasi Sayadaw Bhadanta Sobhana (nay đã quá cố) đã chủ trì trong vai trò Người Chất Vấn (Pucchaka), trong khi đó Đại Đức Thiền Sư Mingun Sayadaw Bhadanta Vicittasarabhivamsa lỗi lạc (nay đã quá cố) thì chủ trì trong vai trò Người Trả Lời (Vissajjhaka), Ngài đã trả lời chính xác tất cả những câu hỏi về Tam Tạng Kinh Tipitaka từ trong trí nhớ của mình.

Cuối cùng, sau khi Hội Động Kết Tập chính thức phê duyệt và chứng thực toàn bộ văn bản kinh điển, toàn bộ những sách Tam Tạng Kinh Tipitaka cùng với những Luận Giải, Luận kinh đi kèm đã được chuẩn bị ra bản thảo để in ấn. 

Thành tựu lớn của Hội Đồng Kết Tập lần này có được là nhờ công sức và những nỗ lực không biết mệt mỏi của 2.600 Tăng sĩ và rất nhiều cư sĩ Phật tử khắp nơi đã đóng góp vào cho kỳ Kết Tập này. Trọng trách cao cả của tất cả đã mang đến sự thành công viên mãn vào ngày Trăng Tròn của tháng Năm, 1956, đúng 2 năm kể từ ngày chính thức khai mạc (và hơn nữa, gần 5 năm kể từ ngày bắt đầu những công việc trù bị từ năm 1951), rơi đúng vào ngày kỷ niệm 2.500 năm Đại Bát-Niết-bàn (Mahaparinibbana) của Đức Phật.

Phiên bản của Tam Tạng Kinh Tipitaka của Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển lần này được gọi là “Ấn Bản Hội Nghị Lần Thứ Sáu”[24] và được công nhận là những Giáo Lý chính thống, cổ xưa của Đức Phật. Đây là phiên bản chính quy nhất và có thẩm quyền nhất để đối chiếu trong giới Phật Giáo Nguyên Thủy ngày nay.

Sau khi được biên tập, hiệu đính, các phiên bản đã được kiểm duyệt và phê chuẩn qua nhiều lần, tất cả đều được đưa vào in ấn, bao gồm 52 luận thuyết, 40 tuyển tập hay tổng cộng 8.026 trang. Sau Hội Đồng Kết Tập lần này, tất cả những quốc gia tham dự đều có được Tam Tạng Kinh Pali được in bằng tiếng bản xứ của nước họ, ngoại trừ Ấn Độ[25]. 


Kết Luận


Những Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Phật Giáo là những sự kiện mang tính chất quyết định và thiết yếu cho việc bảo tồn Chánh Pháp của Đức Phật cho thế hệ sau được biết đến và tu học. Tất cả mỗi hội đồng đều đã chứng thực Tam Tạng Kinh Pali bằng cách tụng đọc lại, thảo luận và trùng tuyên trong một đại hội bao gồm hàng trăm, có lúc hàng ngàn những Tỳ kheo và những bậc A-la-hán uyên bác, và ở đó, những giáo lý sai lệch hay tà pháp đã được loại trừ và những điểm dị biệt đã được giải quyết.

Tam Tạng Kinh Tipitaka bằng tiếng Pali” nói chung được coi là kho tàng Kinh Điển cổ xưa nhất ghi lại tất cả những lời dạy của Đức Phật, có mặt trước cả những Tạng kinh bằng tiếng Phạn (cho dù những học giả tiếng Phạn vẫn phản đối điều này). 

Theo nhà nghiên cứu Childers[9], phiên bản Tạng Kinh Phật giáo bằng tiếng Pali là phiên bản chính thốngnguyên thủy duy nhất. Khi Đức Phật đã ra lời huấn thị là các Tỳ kheo phải học giáo pháp của Người bằng ngôn ngữ riêng của mình “saka nirutti”, có nghĩa là tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà), là phương ngữ phổ thông được dùng chungtrong khu vực đó vào thời Đức Phật. Điều này là phù hợp với phương pháp học "nghe-học-thuộc-nhớ" thông qua truyền thống truyền miệng cổ xưa, rằng những học trò đều phải học giáo lý của người thầy bằng ngôn ngữ của người thầy dùng để giảng bài.

Trong truyền thống dạy học bằng phương pháp nói nghe, những lỗi sai sót và sai lệch thường xuyên xảy ra. Bằng cách áp dụng công cụ ngôn ngữ giảng dạy chung, thì những lỗi sai sót và sai lệch sẽ nhanh chóng được phát hiện và sửa chữa cho đúng sau khi đọc lại, nói lại hay truyền tụng lại cho nhau nghe. Điều này thật sự đã diễn ra tại Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Nhất sau khi Bát-Niết-bàn của Đức Phật nhằm mục đích nhanh chóng duy trì đúng chánh pháp của Đức Phật đã để lại.

Có rất nhiều tranh cãi bởi nhiều học giả xung quanh nguồn gốc của tiếng Pali, ngôn ngữ được dùng trong Kinh Điển Phật Giáo Nguyên Thủy. Tuy nhiên, đối với những người theo Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, điều đó không phải là vấn đề hay đề tài cần phải bàn cãi. Theo Hòa thượng Sayadaw U Thittila1, Kinh Tạng Pali chứa đựng đầy đủ mọi điều cần thiết để chỉ ra Con Đường dẫn đến mục đích rốt ráo, tột cùng - đó là sự giải thoát, sự chấm dứt Khổ,  Niết-bàn (Nibbana), sự chấm dứt khổ. Điều này chỉ biểu thị một ý nghĩa rằng, Kinh Tạng Pali là Những Lời Dạy Đích Thực của Đức Phật đã được gìn giữ, bảo tồn ở hình thức nguyên thủy và chính thống nhất trong Kinh Tạng bằng tiếng Pali.

Vì điều này, chúng ta đã nợ ơn thật nhiều đối với những tâm huyết thiêng liêng, những nỗ lực không mệt mỏi và những trí nhớ phi thường của những tu sĩ và những bậc Tỳ kheo trưởng lão ngày xưa, những người đã gìn giữ, truyền thừa và làm sống mãi những Lời Dạy của Đức Phật, kể từ sau Đại Bát-Niết-bàn của Người cho đến tận hôm nay.


XII
Chú Giải


(Chú Giải 1): Tiếng Pali và Tiếng Magadhi

Có rất nhiều giả thiết của nhiều học giả khác nhau xung quanh vấn đề nguồn gốc của tiếng Pali. Theo Ngài Anagarika Dharmapala[7], thì nhà nghiên cứu học giả Oldenburg cho rằng tiếng Pali có quê hương xuất xứ từ cao nguyên Núi Vindhya. Một quan điểm khác của Tiến Sĩ Franke thì quê hương của tiếng Pali có thể là khu vực nằm giữa miền Trung và miền Tây của dãy Núi Vindhya. Còn ý kiến của Tiến Sĩ Windisch thì khác hẳn với quan điểm của Franke và Oldenburg và ông khẳng định rằng Đức Phật đã dùng tiếng Magadhi (Ma-kiệt-đà). Rất nhiều học giả nghiên cứu tiếng Pali đều cho rằng ngôn ngữ văn học tiếng Pali chính là phương ngữ Magadhi được sử dụng bởi Đức Phật để giảng dạy Giáo Pháp (Dhamma), và việc gọi tên ngôn ngữ này bằng từ “Pali” mà kinh điển Phật giáo đã được ghi chép, chỉ là một cách gọi hình tượng, bóng bẩy và tên thật của ngôn ngữ này chính là tiếng Magadhi (Ma-kiệt-đà). Ví dụ như cách chúng ta gọi một cách bóng bẩy trong thơ văn là ‘vầng trăng’ hay gọi là ‘chị Hằng’, nhưng thật ra tên thật của nó chính là ‘Mặt Trăng’ vậy.

Đức Thế Tôn đã mong muốn rằng ngôn ngữ dùng để chuyển tải những thông điệp của Đức Phật phải là ngôn ngữ của đại đa số quần chúng, chứ không phải là ngôn ngữ của riêng một giai cấp nào, như tiếng Phạn. Nhưng tiếng địa phương được dùng rộng rãi bởi quần chúng vào thời bấy giời là tiếng Magadhi, Suraseni, Paisaci, Maharashtri, Prakrit, và Đức Thế Tôn đã làm giàu đẹp thêm và làm sinh động thêm cho phương ngữ đó bằng việc phát minh ra thêm nhiều cách diễn đạt và từ ngữ nhằm diễn tả hết được Giáo Lý tuyệt vời trong tất cả Bodhipakkhiya Dhamma (tức 37 Phẩm Trợ Ðạo) của mình. Pali có thể được gọi là ngôn ngữ trung đạo, ngôn ngữ trung gian cho những thứ tiếng khác, mà Đức Phật đã dùng để khai giảng Giáo Lý Con Đường Trung Đạo. Người tránh, không sử dụng cả 2 thứ tiếng, là tiếng Phạn hoa mỹ và cầu kỳ và thứ tiếng thô tục Paisaci Prakrit. Thay vào đó, Đức Phật đã chọn thứ tiếng Magadhi cổ điển và được thanh lọc, sau này được gọi là tiếng Pali, để sử dụng thay vì dùng nhiều phương ngữ khác nhau. Pali, là ngôn ngữ Đức Phật chọn dùng để giảng dạy, có thể được hiểu một cách dễ dàng bởi đại đa số quần chúng đang sử dụng những tiếng bản xứ của họ là Magadha, Kosala, Suraseni, Kasi, và Gandhara.

Nhà nghiên cứu Sten Konow đã đưa ra nhiều điểm giống nhau giữa từ ngữ tiếng Pali và tiếng Paisaci. Ngài Sir George Grierson, từng là nhà Sưu Tập đã đồng ý với học giả Windisch khi cho rằng ngôn ngữ văn học Pali chính là tiếng Magadhi (Ma-kiệt-đà). Ông ta đã trình bày một danh sách những địa danh mà tiếng phương ngữ Paisaci được dùng để nói trong quá khứ, đó là: Kancidesiya, Pandya Pancala; Gauda, Magadha, Vracada, Dakshinatya, Saurasena, Kaikeya, Sabara, Dravida. Pandya, Kekaya, Bahlika, Simhala, Nepala, Kuntala, Sudhesna, Bota, Gandhara, Haiva và Kannojana.

Tiến sĩ Grierson viết rằng: “Điều đầu tiên đập vào mắt bạn về 3 danh sách trên đây đó là quy mô trải dài mà đất nước này bao phủ. Nếu chúng ta chấp nhận tất cả, thì tiếng Paisaci Prakrit đã được nói gần như khắp nơi của toàn Ấn Độ và ngay cả Tây Tạng. Từ thời Đức Phật, ngôn ngữ Pali đã bắt đầu lan rộng không chỉ trong Ấn Độ, mà còn qua biên giới. Bất cứ nơi đâu có các Tỳ kheo Phật giáo đi đến, thì nơi đó sẽ mọc lên những trung tâm về văn hóa, học thuật, và thông qua đó, họ truyền bá những kiến thức của người Ấn Độ về nghệ thuật, nông nghiệp, trồng cây, trồng hoa, kiến trúc…vv.

(Chú Giải 2): Bốn Điều Đối Chứng (Kinh Đại Bát-Niết-bàn, Maha-parinibbana Sutta).

Trong suốt chuyến đi đến nơi yên nghỉ cuối cùng là Kusinara hay Kusinagar, Đức Phật đã nghỉ lại trong thất của Ngài Ananda ở Bhoganagara (ngày nay được gọi là Kesariya) và truyền dạy 4 tiêu chuẩn để cho các đệ tử của mình có thể nhận biết và quyết định những điều gì đúng là lời Đức Phật đã nói ra và những điều nào là không phải chánh pháp của Đức Phật. Những tiêu chuẩn đó, được gọi là Bốn Điều Đối Chứng hay Bốn Ấn Chứng, như sau:

(1) Một Tỳ kheo có thể nói rằng: “Tôi đã nghe và đã học điều đó từ miệng Đức Thế Tôn nói ra; đây là Luật, đây là Giới Luật, đây là đúng lời dạy của Người Thầy”.

(2) Một Tỳ kheo có thể nói rằng: “Tại một nơi nào đó, có tăng đoàn các trưởng lão và một người đứng đầu tăng đoàn ở đó, tôi đã nghe và đã học tiều đó từ miệng của tăng đoàn đó nói ra; đây là Luật, đây là Giới Luật, đây là đúng lời dạy của Người Thầy”.

(3) Một Tỳ kheo có thể nói rằng: “Tại một nơi nào đó, có nhiều Tỳ kheo trưởng lão rất uyên bác về học hành, tinh thông về truyền thống, là những người ghi nhớ Luật, những người ghi nhớ Giới Luật, những người ghi nhớ Điều Luật; tôi đã nghe và học được điều đó từ miệng của các trưởng lão đó nói ra; đây là Luật, đây là Giới Luật, đây là đúng là lời dạy của Người Thầy”.

(4) Một Tỳ kheo có thể nói rằng: “Tại một nơi nào đó, có một Tỳ kheo trưởng lão rất uyên bác về học hành, tinh thông về truyền thống, là những người ghi nhớ Luật, những người ghi nhớ Giới Luật, những người ghi nhớ Điều Luật; tôi đã nghe và học được điều đó từ miệng của các trưởng lão đó nói ra; đây là Luật, đây là Giới Luật, đây là đúng là lời dạy của Người Thầy”.

Trong một trường hợp nào như vậy trên đây, lời tuyên bố của Tỳ kheo đó không nên được chấp nhận mà cũng không nên bị phản đối, mà người nghe phải nên xem xét cẩn thận từng chữ và sau đó xác minh lại trong Luật (Vinaya) hoặc Kinh (Sutta).

Nếu những điều đó không được xác minh trong Luật hay cũng không được xác nhận trong Kinh, thì người nghe có thể kết luận rằng đó không phải là những lời Đức Thế Tôn đã nói ra, mà do Tỳ kheo đó hoặc Tăng Đoàn đó hoặc những vị Trưởng lão đó đã hiểu biết sai. Vì vậy, người nghe nên từ chối những điều đó.

Nếu những điều đó được xác minh trong Luật hay được xác nhận trong Kinh, thì người nghe có thể kết luận rằng đó đúng là những lời Đức Thế Tôn đã nói ra, mà do Tỳ kheo đó hoặc Tăng Đoàn đó hoặc những vị Trưởng lão đó đã hiểu biết đúng. Vì vậy, người nghe nên chấp nhận những điều đó..

(Chú Giải 3): Mười Tám Trường Phái Kinh Bộ Nikayas (Những Trường Phái Phật Giáo Cổ Xưa)

(A) Đại Chúng Bộ (Mahasanghika) và những bộ phái liên quan:

Đại Chúng Bộ (Mahasanghika) hay còn gọi là trường phái ‘Đại Hội Đồng Tăng Chúng’ (vì được tham gia bởi hàng ngàn Tỳ kheo dị giáo, yêu sách “10 Điều” sai biệt với chánh luật), được biết đến như là một trường phái Kinh Bộ Nikaya đầu tiên ly khai khỏi Tăng Đoàn sau Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Hai. Họ có trung tâm hoạt động tại Pataliputta (Hoa Thị Thành), nhưng về sau họ di chuyển qua Magadha theo 2 hướng, một theo hướng Bắc và một theo hướng Nam. 

Nhóm đi về phía Nam ngừng lại ở Andhra Pradesh và trú ngụ xung quanh vùng Amaravati và Dhanakataka, những chi nhánh nhóm này thì tập trung ở Nagarjunikonda, trú ngụ rải rác trên những núi xung quanh. 

Phiên bản tiếng Pali được ra đời bao gồm những mẫu chữ viết, mẫu chữ khác được phát hiện ở khắp những vùng này, như là: Pubbaseliyas, Uttaraseliyas hay Aparaseliyas, Siddhatthikas và Rajagirikas – những địa danh này được gộp lại và được gọi bằng một tên chung là Andhakas bởi Ngài Buddhaghosa (Ngài Phật Âm) trong quyển luận giảng của Ngài về quyền Kathavatthu (Những Điểm Dị Biệt).

Còn về những nhóm của Đại Chúng Bộ di chuyển theo hướng Bắc, Ngài đã nói đến những bộ phái như Ekabboharikas, Gokulikas, Pannattivadins và Bahusuttika. Tuy nhiên, chỉ có bộ phái Gokulikas và những quan điểm của nhóm này được nhắc đến trong quyển Kathavatthu (Những Điểm Dị Biệt), có lẽ vì 3 bộ phái kia không còn duy trì bất cứ ảnh hưởng hay sự phát triển nào đáng quan trọng cả.

(1) Gokulika (Kukkulika) (Kê Dận bộ) — Triết lý của bộ phái này xem cuộc đời là bể khổ, là bị thiêu đốt trong sự thống khổ và không bao giờ có hạnh phúc, là một chảo lửa địa ngục (kukkula), vì họ đã hiểu lầm về ý nghĩa của Kinh Lửa.

(2) Ekavyoharika (Ekavyavaharika) (Nhất Thuyết bộ) — Bộ Phái này không được biết đến vào những thời kỳ sau đó, có lẽ nó đã được nhập trở lại trong Đại Chúng Bộ (Mahasanghika).

(3) Bahulika (Bahusrutiya) (Ða Văn bộ) — Trường phái này, như tên được gọi, nhấn mạnh vào tri thức và sự uyên bác, trình độ hiểu biết về tôn giáo như là một điều quan trọng (bahusutta = học hành, uyên bác).

(4) Cetiyavada (Chaitiyavada) (Chế Đa Sơn bộ) — Bộ phái này nhấn mạnh vào sự quan trọng của việc thờ phụng, cúng bái (cetiya= đền thờ, bảo điện). Bộ phái này cũng được nhận dạng chính là bộ phái Lokottaravadins bởi vì quyển Mahavastu (Đại Sự), một văn bản được thừa nhận LÀ của bộ phái Lokottaravadins NÀY, cũng nổi bật việc thờ cúng các đền thờ cetiyas.

(5) Pannattivada (Prajnaptivada) (Thi Thiết bộ) — Trường phái về giả thiết, khái niệm (pannatti = giả thiết, khái niệm)

(6) Purvasaila (Đông sơn trụ bộ) và Aparasaila (Tây sơn trụ bộ)(= Uttarasaila) (Đông sơn trụ bộ) — là những bộ phái ở vùng Andhra mà những người theo trường phái này được gọi là “những người ở trên núi phía Đông, Đông sơn” và “những người ở trên núi phía Tây. Họ là một phần của trường phái Andhaka.

(B) Theravada (Trưởng Lão bộ) và những bộ phái liên quan

Theravada có nghĩa là giáo lý của những bậc trưởng lão và chính là Tăng Đoàn Sangha nguyên thủy mà từ nó những trường phái bắt nguồn và ly khai. Kinh Điển của trường phái này được ghi chép bằng tiếng Pali, được công nhận là ngôn ngữ được Đức Phật dùng để giảng dạy giáo pháp.

(1) Mahisasaka (Hóa Địa bộ)— được đặt theo tên của địa danh nơi mà bộ phái này được thành lập. Cũng giống như Theravada, phái Mahisasaka cũng theo quan điểm một A-la-hán là bậc đã vượt qua mọi sự cám dỗ và không còn thối chuyển nữa.

(2) Vajjiputaka (Vatsiputriya) (Ðộc Tử bộ) — khả năng là trường phái này được thành lập bởi những tu sĩ Bạt Kỳ (Vajjis), những người đã không tham gia vào phái Đại Chúng Bộ (Mahasanghika) mà tách riêng ra thành một nhánh độc lập sau này. Chính họ đã xem duyệt lại phiên bản mới của Diệu Pháp Tạng Abhidhmma dựa vào niềm tin về sự tồn tại của một cá thể con người, niềm tin này cũng được tán đồng bởi phái Sammitiyas (chính niềm tin này cũng được tán đồng bởi phái Sammitiyas (Chánh Lượng bộ). Cả hai phái này cũng được gọi chung là những người theo phái Độc Tử Bộ Puggalavadins, hay những người theo phái Puggalavada, đồng nghĩa với Vajjiputaka.

(3) Dhammuttarika (Dharmottariya) (Pháp Thượng bộ) — Một bộ phái thiên về những Giáo Lý (Dhamma) cao diệu hơn, đây là phái có nguồn gốc từ bộ phái Vajiputtakas (Độc Tử Bộ) và được tìm thấy ở Aparanta gần vùng biển Maharastra nơi có khu vực cảng biển Soparakal và những nơi gần đó.

(4) Bhaddayanika (Bhadrayanika) (Hiền Trụ bộ) — Chiếc xe của “Điềm Lành”, cũng là một bộ phái xuất phát từ Vajjiputtaka (Ðộc Tử bộ). Những người theo phái này chủ trương giáo lý “anupubbabhisamaya” – tức chủ trương việc giác ngộ Tứ Diệu Đế là tiến trình phân khúc bắt buộc theo đúng trình tự tu hành.

(5) Channagarika (Sannagarika) (Mật Lâm Sơn bộ ) — Trường phái của 6 thành phố, một bộ phái sinh từ Vajjiputtaka (Ðộc Tử bộ). Họ chủ trương giáo lý Dukkhaharoti, khi thố ra chữ “dukkha” (khổ) thì sẽ thấy được tuệ giác (nana).

(6) Sammitiya (Sammatiya) (Chánh Lượng bộ) — Tên của bộ phái này xuất phát từ chữ “samma ditthi” có nghĩa là Chánh Kiến. Bộ phái này có nguồn gốc từ bộ phái Mahakaccana (Hóa Địa bộ), tuy nhiên theo quyển Mahavamsa (Đại Sự), thì nó có nguồn gốc từ Vajiputtaka (Độc Tử Bộ). Giáo lý nổi bật duy nhất của bộ phái này là xem bản chất của một con người puggala, dùng để ‘chuyên chở’ 5 tập hợp Uẩn (skandha) từ lúc sinh cho đến tái sinh. Giống như những người theo phái Sabbathivadins (Nhất Thiết Hữu bộ), họ cũng thừa nhận có khoảnh khắc chuyển tiếp giữa lúc chết và tái sinh, cũng được gọi là Trung Ấm (antarabhava).

(7) Sabbathivada (Sarvastivadin) (Nhất Thiết Hữu bộ) — tên của trường phái này bắt nguồn từ chữ “sabbaathi”, có nghĩa là “mọi thứ đều hiện hữu” hay ‘Nhất Thiết Hữu’, nói lên giáo lý của trường phái này. Thật ra họ cũng đồng nhất về quan điểm về cuộc đời con người vũ trụ như trường phái Theravada, như là sự không có linh hồn trường cửu, tức là vô ngã, mọi thứ đều theo luật Vô thường và Nghiệp quả (kamma). Tuy nhiên, trường phái Sabbathivada tin về sự hiện hữu thật sự của Năm Uẩn (khandha) cấu tạo nên một thực thể sống, một cái ‘con người’, trong khi trường phái Theravada cho rằng Năm Uẩn là không tồn tại hiện hữu. Vì vậy, những người bên phái Nhất Thiết Hữu Bộ chấp nhận rằng Năm Uẩn (khandhas) tồn tại, hiện hữu trong mọi lúc- quá khứ, hiện tại và tương lai.

(8) Dhammagutika (Dharmagupta) (Pháp Thượng bộ) — khởi đầu ở Gujarat và Sindhu và được đặt tên theo của vị trưởng lão nhận sứ mạng đi Hy Lạp là Dhammarakkhita hay Dharmagupta, Ngài được phái đi ngay sau khi Hội Đồng Kết Tập kinh điển lần thứ ba. Điều này giải thích tại sao bộ phái này đã không được nhắc đến trong quyển Kathavatthu (Những Điểm Dị Biệt).

(9) Kassapiya (Kasyapiya) (Ca Diếp bộ) — được đặt tên theo người sáng lập ra bộ phái này là Kassapagotta, người đã cùng với Trưởng lão Majhima đã truyền bá Phật giáo ở vùng Himalaya. Bộ phái này chính là cùng một phái với bộ phái Haimavata (Tuyết sơn bộ) ở vùng núi cao Hy Mã Lạp Sơn đó.

(10) Samkantika (Sautrantika) (Thuyết Chuyển bộ) — Trường phái này không chấp nhận giá trị của toàn bộ Diệu Pháp Tạng Abhidhamma và chỉ thừa nhận những phần của nó ghi trong Kinh Tạng mà thôi. Vì thế, bộ phái này rất gần gũi với những người của bộ phái Suttavada (Kinh Lượng bộ), những người chỉ theo giáo lý trong Kinh Tạng.

(Chú Giải 4): Ngài Moggaliputta Tissa (Mục Kiền Liên Tử Ðế Tu)

Theo ghi chép trong quyển Đại Sự Mahavamsa, Ngài Moggaliputta Tissa, Chủ Tọa Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần thứ Ba, vốn là một vị thần Phạm Thiên tên là Tissa trong kiếp trước. Vào lúc Hội Đồng Kết Tập kinh điển lần thứ Hai, những vị A-la-hán đã thấy trước được nguy cơ suy thoái của chánh pháp trong tương lai, nên đã đến thỉnh cầu Ngài giúp đỡ, nhân vòng đời của Ngài ở cõi Trời Phạm Thiên cũng đã sắp hết. Ngài đã đồng ý được sinh vào cõi người, để có cơ hội ngăn chặn sự xuống dốc Phật Pháp trong vùng lúc bấy giời. Và Ngài đã chọn sinh ra là con trai của một Bà-la-môn tên là Moggali ở Pataliputta (Hoa Thị Thành). Hai vị trưởng lão là SiggavaCandavajji, đều là đệ tử của Ngài Sonaka (Ngài Sonaka chính là đệ tử của trưởng lão Dasaka, người đã được thọ giáo bởi vị trưởng lão A-la-hán Ngài Upali) được giao phó để chuyển hóa Ngài Moggaliputta Tissa. Từ lúc được sinh ra cho đến năm 7 tuổi, Ngài Siggava hàng ngày đều đến nhà của họ Moggali (Mục Kiền Liên). 

Đến năm thứ 8, một ngày nọ, chàng trai trẻ Tissa, người đã thông thạo toàn bộ kinh Vệ Đà (Vedas), rất khó chịu khi thấy Ngài Siggava bắt đầu nói chuyện với chàng và hỏi chàng một câu hỏi từ phẩm Song Đối về Tâm (Citta Yamaka) trong tạng Vi Diệu Pháp Abhidhamma. Tissa đã không thể trả lời câu hỏi và để học được Giáo Lý của Đức Phật, Tissa đã thọ giới vào Tăng Đoàn dưới sự dẫn dắt của Ngài Siggava, và rất nhanh sau đó đã chứng quả Nhập Lưu (Sotapanna). Ngài Siggava dạy Tissa Luật Tạng Vinaya và Ngài Candavajji dạy về Kinh Tạng (Sutta) và Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma). Và sau đó, Ngài Moggaliputta Tissa đã chứng đạt được quả vị A-la-hán với nhiều năng lực siêu phàm và trở thành một vị lãnh đạo lỗi lạc của những Tỳ kheo ở Pataliputta (Hoa Thị Thành).

Vào dịp lễ cúng dường tu viện Asokarama và những tu viện khác được xây dựng bởi Vua Asoka, Ngài Moggaliputta Tissa, trong khi trả lời những câu hỏi của Vua Asoka, đã bảo rằng ngay cả những người thí chủ cúng dường lớn nhất như nhà vua vẫn chưa được gọi là những người con cháu của Đức Phật, mà muốn trở thành người con của Đức Phật, người phải cho con trai, con gái của mình gia nhập vào Tăng Đoàn để đi tu. Nghe theo lời khuyên của Ngài, nhà Vua đã cho 2 người con của mình là Mahinda (hoàng tử Ma Thần Đà) và Sanghamitta (công chúa Tăng-già-mật-đa) thọ giáo vào Tăng Đoàn. Ngài Moggaliputta Tissa giữ vai trò là sư phụ của Mahinda.

Sau đó, dưới sự bảo trợ rất lớn của Vua Asoka, rất nhiều kẻ dị giáo giả danh làm Tỳ kheo và đã trà trộn vào Tăng Đoàn để được hưởng nhiều quyền lợi vật chất mà sự bảo trợ của nhà Vua dành cho giới Tỳ kheo, làm cho Tăng Đoàn ngày càng sa sút. Ngài Moggaliputta Tissa giao cho những Tỳ kheo lo liệu giùm Mahinda và Ngài rút về ẩn tu ở vùng Núi Ahoganga.

Như đã nói, cũng chính vì số lượng rất đông những kẻ dị giáo và sự vô kỷ luật của họ, mà trong 7 năm đó, không hề tổ chức lễ Uposatha, vốn lẽ ra phải được tổ chức 2 tuần một lần trong các tu viện để mọi người đọc tụng và kiểm điểm theo Luật “Giới Luật Tỳ Kheo” (Patimokkha).

Khi vua Asoka cử một đại thần xuống điều tra và giải quyết vấn đề phức tạp này, thì vị quan lại ngu xuẩn đó lại ra tay giết chết nhiều Tỳ kheo. Khi nghe việc đó xảy ra, nhà Vua lấy làm ân hận và buồn rầu, bởi vì nhà Vua nghĩ rằng chính mình đã gây ra những cái chết của các Tỳ kheo đó. Lúc bấy giờ, nhà Vua nghe nói Ngài Moggaliputta Tissa, đang sống ở một nơi ẩn dật trên vùng Núi Ahoganga ở thượng lưu sông Hằng có thể giúp nhà Vua giải tỏa vấn đề là nhà Vua phải chịu tội ở mức độ nào, khi mà cận thần của mình đã giết chết các Tỳ kheo. Nhưng Ngài Moggaliputta Tissa đã không chấp nhận xuống núi. Cho đến khi vua Asoka kêu gọi rằng, sự phụng sự của Ngài sẽ giúp cho Phật giáo trở nên ôn hòa. Vị trưởng lão xuôi thuyền xuống Pataliputta và nhà Vua đã ra tận bến tàu giang tay đón Ngài. Sau đó, nhà Vua mời Ngài đến khu Ngự Viện Rativaddhana để kiểm tra năng lực của vị Trưởng lão, và thỉnh cầu Ngài hãy thực hiện một điều kỳ diệu. Vị trưởng lão đồng ý và đã làm cho động đất trong một vùng nhỏ xung quanh. Và thuyết phục nhà Vua rằng, việc giết chết những Tỳ kheo không phải là tội của nhà Vua, Ngài đã thuyết giảng cho nhà Vua kinh Chuyện Tiền thân Tittira (Tittira Jakata).

Trong vòng một tuần, với sự trợ giúp của 2 yakkhas (Quỷ thần Dạ-xoa), nhà Vua đã cho triệu tập các tỳ kheo và hội nghị tại Tu viện Asokarama. Trước mắt Ngài Moggaliputta Tissa, Vua Asoka đã đặt rất nhiều câu hỏi cho các Tỳ kheo và những ai thể hiện những quan điểm sai lệch, dị giáo, đều bị trục xuất khỏi Tăng Đoàn. Ngài Moggaliputta Tissa nghị định rằng chỉ có Vibhajjavada (Phân Biệt Luận) là thuộc Giáo Lý của Đức Phật. 

Sau này, cùng với 1000 vị A-la-hán, Ngài Moggaliputta Tissa triệu tập Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Ba tại chùa Asokarama, và đã biên soạn quyển Kathavatthu (Những Điểm Dị Biệt), nhằm bác bỏ những quan điểm tà pháp. Đó là vào năm thứ 17 của triều đại Vua Asoka và Ngài Moggalipitta lúc đó đã 72 tuổi. Sau khi Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Ba, sau 9 tháng nghị sự, chính Ngài Moggaliputta Tissa đã sắp xếp, vào tháng Katthika, cho những Tỳ kheo, trưởng lão được phái cử đi ra những đất nước láng giềng của Ấn Độ để truyền bá Phật Pháp.

(Chú Giải 5): Tipitakadharas, Những Đạo Sư Thông Thuộc Tam Tạng Kinh Của Myanmar Trong Thời Đại Ngày Nay

Tipitakadhara = Tam Tạng Kinh Sư (tụng đọc hết Tam Tạng Kinh)

Tipitakakawida = Tam Tạng Kinh Sư (đọc và viết hết Tam Tạng Kinh )

Maha Tipitakakawida = Đại Tam Tạng Kinh Sư (vấn đáp tinh thông bằng đọc và viết hết Tam Tạng Kinh, ở những lần Tập Kết kinh điển)

Dhammabhandagarika = Pháp Sư Tam Tạng Kinh (Dhamma )

Những Danh Hiệu trên được công nhận và trao cho những tu sĩ Phật Giáo là thí sinh tham dự và vượt qua thành công kỳ sát hạch rất khó khăn. Các thí sinh phải tụng đọc bằng miệng được hết 8026 trang Tam Tạng Kinh Phật giáo, và cũng phải vượt qua được vòng thi viết, bao gồm những Luận Giảng và những Tham Luận, Tiểu Luận Giảng. Kỳ Thi Tuyển Chọn Bậc Tinh Thông Tam Tạng Kinh (Tipitakadhara Selection Examination) là một kỳ thi được tổ chức rộng lớn, khó khăn nhất và cao nhất. Không có ai vượt qua để được trao bất cứ một Danh Hiệu nào nêu trên trong Kỳ thi năm 1948 lần đầu tiên được tổ chức tại Rangoon (Yangon) ngay sau khi đất nước giành lại được Độc Lập.

Mục tiêu của kỳ thi nhằm khuyến khích và phái hiện những người xuất chúng, người có khả năng ghi nhớ, thuộc và tụng đọc lại toàn bộ Tam Tạng Kinh Tipitaka (8026 trang hay khoảng 2.4 triệu từ bằng tiếng Pali theo giọng Myanmar (Myanmar Pali).

Đó là cuộc thi dài nhất trên thế giới và toàn bộ kỳ thi kéo dài liên tục 5 năm (tụng, đọc, nói, viết). Trong năm thứ Nhất và thứ Hai, các thi sinh thi sát hạch về Luật Tạng Vinaya Pitaka (2260 trang) kéo dài liên tục trong 20 ngày – (Mỗi bộ sách Luật Tạng được sát hạch trong 3 ngày liên tục, thi hết 5 bộ sách Luật Tạng mất tổng cộng 15 ngày liên tục, cộng với 5 ngày là phần thi sát hạch thi viết về những Luận Giảng và những Tham Luận, Tiểu Luân Giảng). Năm thứ Ba, các thí sinh thi sát hạch 3 tuyển tập Nikayas của Kinh Tạng Sutta Pitaka (779 trang). Vào năm thứ Tư và năm thứ Năm, các thí sinh thi sát hạch trên 5 bộ đầu (1.390 trang) và 2 bộ cuối (3.597 trang) trong tổng cộng 7 bộ của Diệu Pháp Tạng Abhidhamma Pitaka. Trước đây, tổng thời gian của toàn cuộc thi là 4 năm.

Thí sinh thành công đầu tiên là Ngài Đại Đức Thiền Sư U Vicittasarabhivamsa, người sau này được gọi bằng cái tên nổi tiếng và quyen thuộc là Mingun Sayadaw’ trong nhiều sách vở và tư liệu. Ngài đã vượt qua kỳ sát hạch về Luật Tạng trong Kỳ Thi 1950. Năm 1953, Ngài đã hoàn thành phần thi cuối cùng của phần sát hạch Kinh Tạng là kinh Pathika Vagga (Phẩm nói về Patikaputta, tên một tu sĩ ngoại-đạo) thuộc Trường Bộ Kinh, và trở thành người đầu tiên được trao danh hiệu ‘Tipitakadhara‘: Người Tinh Thông Tam Tạng Kinh ở Myanmar (Burma) vào năm Ngài 42 tuổi, và thành tích của Ngài được lưu danh vào Sách Những Kỷ Lục Guiness của thế giới. Từ đó đến này, càng ngày càng có thêm nhiều tu sĩ (Tỳ kheo) xuất chúng, với trí nhớ phi thường, đã được trao một hay nhiều trong tất cả 5 danh hiệu nói trên. Từ sau 1948, những tu sĩ thí sinh sau đây đã được trao những danh hiệu Tipitakadhara.

Người đạt Danh Hiệu
Danh Hiệu
Năm
Tuổi **
Ven. Vicittasarabhivamsa
1,3,4
1953
42
Ven. Nemainda
1,2,4
1959
32
Ven. Kosala
1,2,4
1963
36
Ven. Sumingalalankara
1,2
1973
27
Ven. Sirinandabhivamsa
1,2
1984
42
Ven. Vayameindabhivamsa
1,2
1995
39
Ven. Kondanna
1
1997
55
Ven. Silakhandabhivamsa
1,2
1998, 2000
34
Ven. Vamsapalalankara
1,2
1998, 2000
32
Ven. Indapala
1
2001
40
Ven. Sundara
1
2001
45

Chú thích:
*1 = Tipitakadhara = Tam Tạng Kinh Sư (đọc thuộc hết Tam Tạng Kinh)***
*2 = Tipitakakawida = Tam Tạng Kinh Sư (đọc và viết hết Tam Tạng Kinh)
*3 = Maha Tipitakakawida = Đại Tam Tạng Kinh Sư (đọc, viết và vấn đáp hết Tam Tạng Kinh một cách xuất chúng)
*4 = Dhammabhandagarika = Tinh Thông Hộ Pháp (người canh giữ bảo pháp) (tiếng Anh: Keeper of Dhamma Treasure, Hán Việt gọi là ‘Bảo Thủ Giáo Pháp’)
** = Tuổi vào năm đầu tiên được trao Danh Hiệu.
*** = Những Danh Hiệu này do người dịch tạm dịch theo sát ý nghĩa của mỗi Danh Hiệu.
**** Chữ “Ven.” hay “Venerable” = Ngài, Tôn giả, Đại Đức, Sư… để gọi một vị tăng, cao tăng.

=> Mọi người có thể hỏi đâu là trí khôn hay lý do chính đáng khi tổ chức những Kỳ Thi đầy cực kỳ khó khăn và công phu như vậy, trong khi này ngay hoàn toàn có thể chép tất cả Tam Tạng Kinh Tipitaka vào trong đĩa CD-ROM, không còn là vấn đề lo sợ Tam Tạng Kinh Tipiataka bị biến mất khỏi thế gian này nữa? 

Tuy nhiên, những Danh Hiệu mà các tu sĩ thí sinh xuất chúng đạt được qua các kỳ thi này cho thấy được rằng, có hàng ngàn những tu sĩ đã thuộc lòng toàn bộ hoặc từng phần kinh điển và điều đó có giúp cho các Ngài có thể thuyết giảng cho tăng, ni, phật tử, cư sĩ bằng những bài Kinh và bài Thuyết Giảng của Phật, nhanh hơn, sinh động hơn, và truyền tải được nhiều hơn bất kỳ thiết bị nào, ngay cả đĩa CD-ROM cũng phải cần phải có hệ thống của nó để bật màn hình lên để đọc chữ hay nghe âm thanh phát ra từ nó. 

Một người được học, nắm vững và thuộc Giáo Pháp là một ‘tài sản quý’ và công đức vô vàn, có thể truyền dạy cho người khác, cũng là một hành động của công đức, vì bố thí pháp là bố thí cao thượng nhất. “Món quà về Chân Lý là món quà cao quý nhất”, là sự cúng dường thanh tịnh nhất. Đó là mục đích tột cùng của việc tổ chức những Kỳ Thi mang tính kỷ lục và đáng cảm kích như vậy.

=> Tài Liệu Tham Khảo: Tạp chí “Tipitaka Golden Jubilee Magazine 1948/49 – 1997/98”, Tập san “Religious Affairs Directorate Press, Myanmar, 1998”.

(Chú Giải 6): Vua Kanishka Của Xứ Kushans

Kushans thuộc sắc dân Yueh-chih (Nguyệt Chi) và có tên khác là người Tochari, trước kia sống dọc theo biên giới phía Tây của Trung Hoa giữa Tun-huang (Đôn Hoàng) và vùng núi Chi-lien-shan. Họ bị đánh đuổi bởi quân Hsiung-nu (dân Hung Nô sống ở vùng Bắc Á, bắc Trung Hoa) vào khoảng năm 177 trước CN và phần lớn của tàn quân bị đánh đuổi đó di trú về phía Tây, vào sâu trong vùng phía Đông của Kyrhyzstan ngày nay, xung quanh Hồ Issyk Kul. Sau đó, bộ tộc Yueh-chih này lại đẩy các bộ lạc Sakas (mà tiếng Hy-Lạp gọi là Scythians, và tiếng Hán là “Sai”), có nguồn gốc Mông cổ, về phía Tây Nam vào các xứ Parthia (vùng đất bị tách ra từ đế quốc Seleucid vào năm 281 trước CN, xứ còn lại là Syria) khoảng 138-124 trước CN. Chẳng bao lâu sau đó, họ lại đánh nhau với Hung Nô và bị Hung Nô đẩy về phía vùng Sogdiana (tức Uzbekistan ngày nay, phía Tây vùng Ferghana, Đại Uyên) và vùng Bactria (Đại Hạ, một quốc gia cổ xưa nằm giữa vùng núi Hindu Kush và Sông Oxus, mà trong đó có chứa những nước Afghanistan, Uzbekistan va Tajikistan ngày nay), từ nơi đó, họ đã đánh đuổi toàn bộ bộ tộc Sakas bản xứ ra ngoài. Bộ Tộc Yueh-chih và những sắc tộc theo họ thật ra là gốc người Asiani và Tokharians từ phía Tây. 

Vào khoảng 128 trước CN, theo ghi chép thì những người Yueh-chih sinh sống ở vùng Bắc Sông Oxus (Amy Darya), thống trị cả vùng Bactria (Đại Hạ), chia làm 5 châu. Một triều đại mới được thiết lập bởi 1 trong 5 thủ lĩnh, tên là Kujula Kadphises, là người đã thống nhất 4 châu kia lại dưới quyền trị vì của ông ta. Kujula Kadphises xâm lược Parthia (nước này nằm xung quanh vùng Khorastan ở Iran) và chiếm luôn Kabul.

Con trai của ông ta là V’ima Kadphises kế ngôi và thừa kế một giang sơn rộng lớn, bao gồm cả bản quốc Kushan phía Bắc Sông Oxus và những vùng Vua cha Kujula chiếm được, bao gồm – Kabul, Kashmir, Gandhara và Taxila. V’ima lại tiếp tục mở rộng thêm đế chế bằng cách đánh chiếm thêm phía Bắc Ấn Độ đến tận Mathura

Nhà Vua nổi tiếng nhất của Đế chế Kushan là Vua Kanishka I (trị vì năm 78-102 sau CN), đóng đô tại Purusapura, gần tỉnh Peshawarngày nay. Sau đó, Kanishka chẳng những đã thừa kế một vương quốc rộng lớn mà còn thậm chí tiếp tục xâm lược thêm về phía Đông Ấn Độ, cho đến tận Bihar ở phía Đông và Sindh và Baluchistan ở phía Tây Nam. Sau này, ông chuyển theo đạo Phật và ông bảo trợ cho trường phái Sarvastivada (Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ), một trong 18 trường phái Phật giáo Kinh bộ Nikayas, vốn đang phát triển ở Mathura và Tây Bắc Ấn Độ. 

Hằng ngày, ông đều thỉnh các vị tăng vào thuyết giảng giáo pháp trong cung điện của ông, nhưng ông thấy khó hiểu vì những vị tăng đều thuyết giảng khác nhau. Cho nên, sau ông đã đến thỉnh cầu Ngài Parsva giảng giải về chánh pháp đích thực là gì. Sau khi nghe lời khuyên của vị trưởng lão, vua Kanishka đã quyết định triệu tập một Hội Đồng để nghe tụng đọc lại tất cả các Kinh Bộ Nikayas. Mục đích của Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Tư này là cố gắng chấm dứt những bất đồng, tranh cãi trong Tăng Đoàn. Chủ trì Hội Đồng là Ngài Vasumitra và theo ghi chép của lịch sử thì nơi tổ chức là Janlandhar, tức Kashmir vào khoảng năm thứ 100 sau CN. Những người theo trường phái Trưởng Lão Bộ Theravadins không công nhận Hội Đồng Kết Tập này, và sự kiện này đã không được ghi vào Biên Niên Sử Tích Lan.

Theo nhà hành hương Trung Hoa thời bấy giờ là Huyền Trang, sau khi kinh điển đã được kết tập (bằng tiếng Phạn), toàn bộ được khắc trên những tấm đồng và được cất giữ vào trong những hộp chứa bằng đá, rồi sau đó được cất vào trong những bảo tháp được xây vì mục đích này. Nhưng văn bản kinh điển này chỉ còn được tồn tại dưới dạng bảng dịch và tham chiếu bằng tiếng Trung Hoa mà thôi.


XIII
PHỤ LỤC


Những Nội Dung Của Tam Tạng Kinh Pali
(Tipitaka hay Ba Rổ Kinh)


(I) Luật Tạng (Vinaya Pitaka)
(Rổ Luật)

Bao gồm tất cả những giới luật do chính Đức Phật đặt ra nhằm quy định giới hạnh của các đệ tử, những người đã được thọ giới vào Tăng Đoàn và trở thành những Tỳ kheo (Tăng) và những Tỳ kheo Ni (Nữ tu sĩ, Ni):

(1) Căn Bản Giới hay Ðại Giới (Parajika) (tiếng Anh: Major Offences) ─ bao gồm những giải thích về mọi trường hợp của mọi điều luật được đưa ra và cũng đưa ra những trường hợp đặc biệt và những ngoại lệ.

(2) Tiểu Giới (Pacittiya) (tiếng Anh: Minor Offences) ─ bao gồm những giải thích và những ngoại lệ.

(3) Ðại Phẩm (Mahavagga) (tiếng Anh: Great Section) ─ đưa ra những quy định, điều lệ về việc chấp nhận người mới vào Tăng Đoàn Sangha, thọ giới, y phục, cư trú và những điều luật về lễ nghi trong tu viện trong những dịp đặc biệt.

(4) Tiểu Phẩm (Cullavagga) (tiếng Anh: Small Section) ─ quy định về việc xử phạt, về phẩm giới, và những nghĩa vụ của những người thầy và những Sa-di, và những giới luật đặc biệt dùng cho Tỳ kheo Ni.

(5) Bảng Toát Yếu của Luật Tạng (Parivara) (tiếng Anh: Epitome of the Vinaya Pitaka) ─ bao gồm những bài luận giảng ban đầu về quyển Đại Phẩm và những câu chuyện kể về những sự kiện tiếp theo sau khi Đức Phật giác ngộ, thành Đạo.


(II) Kinh Tạng (Sutanta Pitaka)
(Rổ Kinh)

Bao gồm những bài thuyết giảng do chính Đức Phật nói ra trong nhiều trường hợp và nhiều nơi khác nhau, và những bài thuyết giảng Người giảng dạy cho các Tỳ kheo. Kinh Tạng gồm 5 tuyển tập Kinh hay còn được gọi là 5 Nikayas:

(1) Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) (tiếng Anh: Collection of Long Discourses) ─ gồm 34 bài thuyết giảng, chia làm ba phần, dùng để giảng dạy, huấn luyện các đệ tử, Tỳ kheo.

(2) Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya) (tiếng Anh: Collection of Medium-Length Discourses) ─ gồm 152 bài thuyết giảng, nhiều bài kinh trong tuyển tập này kể lại thời Đức Phật tu khổ hạnh, quá trình Giác Ngộ của Người và những giáo lý, những lời dạy đầu tiên của Phật.

(3) Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya) (tiếng Anh: Collection of Connected Discourses) ─ gồm những bài kinh được chia theo 5 nhóm đề tài khác nhau.

(4) Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) (tiếng Anh: Collection of Discourses from Gradual Sayings) ─ gồm 9.557 bài kinh ngắn, được chia ra thành 11 Phần khác nhau, bắt đầu bằng những bài kinh có 1 đề tài trong Phần 1, tiếp theo là những bài kinh 2 đề tài trong Phần 2, và cứ thế tăng lên đến những bài kinh có 11 đề tài trong Phần 11 là Phần cuối cùng. Từ Anguttara có nghĩa là “tăng lên từng 1 cái, 1 phần, Hán Việt dịch là: tăng chi).

(5) Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) (tiếng Anh: Collection of Short Discourses) ─ Đây là tuyển tập lớn nhất, gồm những bài kinh ngắn, lên đến 15 quyển, chứa đựng những phần hay nhất, tinh tế nhất của toàn bộ Tạng Kinh Pali, bao gồm:

1. Kinh Tiểu Bộ Tập, Tiểu Tụng (Khuddaka Patha), (Shorter Texts)

2. Kinh Pháp Cú (Dhammapada), (The Way of Truth)

3. Kinh Phật Tự Thuyết (Udana), (Paeans of Joy)

4. Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka), (“Thus said” Discourses)

5. Kinh Tập (Sutta Nipata), (Collected Discourses)

6. Chuyện Thiên Cung (Vimana Vatthu), (Stories of Celestial Mansions)

7. Chuyện Ngạ Quỷ (Peta Vatthu), (Stories of Peta)

8. Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragatha), (Psalms of the Brethren)

9. Trưởng Lão Ni Kệ (Therigatha), (Psalms of the Sisters)

10. Chuyện Bổn Sanh Của Bồ-Tát (Jataka), (Birth Stories of the Bodhisatta)

11. Giải Thích Nghĩa (Niddesa), (Expositions)

12. Vô Ngại Giải Ðạo/ Kiến Thức Phân Tích (Patisambhida), (Book Analytical Knowledge)

13. Thí Dụ/Cuộc Đời Của Những A-la-hán (Apadana), (Lives of Arahants)

14. Lịch Sử Đức Phật (Buddhavamsa), (History of the Buddha)

15. Giới Hạnh Tạng (Cariya Pitaka), (Modes of Conduct).


(III) Vi Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka )
(Rổ Những Giáo Lý Vi Diệu)

Vi Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma) đã được đưa vào như là Tạng kinh thứ Ba (hay còn gọi là Rổ kinh thứ Ba) trong lần Kết tập kinh điển lần thứ Ba được tổ chức vào thế kỷ thứ 3 trước CN. Rổ kinh này bàn luận về những vấn đề triết lý bậc cao, vi diệu hơn của Đức Phật. Gồm tất cả 7 quyển:

(1) Pháp Tụ hay Phân Loại Giáo Pháp (Dhammasangani), (Classification of Dhamma)

(2) Phân Tách (Vibhanga), (Divisions)

(3) Giới Thuyết hay Thuyết Giảng về Giới, Dhatukatha (Discourse on Elements)

(4) Nhân Thuyết hay Thư Thuyết về Con Người (Puggala Pannatti), (The Book on Individuals)

(5) Những Điểm Dị Biệt (Kathavatthu), (Points of Controversy)

(6) Song Ðối (Song Luận) (Yamaka), (The Book of Pairs)

(7) Những Mối Liên Hệ Nhân Duyên (Patthana), (The Book of Causal Relations).



XIV
“Phụ Đính”
Quy Ước Trích Dẫn Kinh Điển Nguyên Thủy
(Tiến sĩ Bình Anson)


Trong nhiều năm qua, tác giả các sách báo Phật giáo thường dùng các quy ước khác nhau để trích dẫn kinh điển nguyên thủy của tạng Pali làm người đọc có nhiều bỡ ngỡ, đôi khi có nhiều nhầm lẫn, không biết đích xác nguồn gốc của những đoạn kinh điển trích dẫn đó. Vấn đề nầy thường gặp nhất trong các trích dẫn từ Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya) và Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya).

Thí dụ có tác giả trích dẫn một đoạn kinh trích từ “S.i.100“, có tác giả ghi là “S III:iii.5“, có người ghi là “S 3:25“, và người khác lại ghi là “SN III.25“. Trong các bài viết tiếng Việt, có tác giả ghi theo tên kinh Pali, nhưng cũng có người ghi theo bản dịch Việt như “Tư, q.1, t.223“, làm người đọc cảm thấy rối ren, không biết rằng thật ra các tác giả nầy đều trích dẫn từ cùng một bài kinh (Pabbatopama Sutta, Kinh Dụ Hòn Núi).

Trong bài nầy, người viết xin mạn phép được trình bày tóm tắt các quy ước thường dùng để giúp quý độc giả có một nhận định rõ ràng hơn về các phương cách trích dẫn kinh điển Pali.

I. Quy ước PTS

Hội Kinh Ðiển Pali (The Pali Text Society, PTS) có hai cách viết tắt tên kinh: cách xưa trong quyển từ điển Pali Text Society Dictionary, và cách mới trong quyển Critical Pali Dictionary. Trong hơn 100 năm qua, Hội PTS lần lượt xuất bản các kinh điển Pali được ghi lại bằng mẫu tự La-tinh và các bản dịch Anh ngữ. Cách đánh số, kể cả các bản Anh ngữ, đều được quy chiếu vào bản Pali và số trang ghi trong bản Pali, và các nhà Phật học ngày nay cũng thường căn cứ theo cách đánh số nầy.

1. Luật Tạng (Vinaya Pitaka, Vin)

Có 5 quyển Luật, được trích dẫn qua tên: “Vin quyển (số La-mã) số trang". Thí dụ: “Vin III 59” là đoạn văn trong quyển III của Luật tạng, tương ứng với trang 59 của bản Pali. Cần ghi nhận ở đây là mặc dù đoạn văn đó có thể được trích từ bản dịch Anh, Pháp, Ðức, Việt, v.v., đoạn văn đó luôn luôn được quy chiếu về bản gốc Pali trong trang 59.

2. Kinh Tạng (Sutta Pitaka)

Kinh tạng gồm có năm bộ chính:

2.1 Trường Bộ (Digha Nikaya, DN hoặc D):

Hội PTS xuất bản 3 quyển, gồm 34 bài kinh. Quy ước trích dẫn: “DN số quyển (số La-mã) số trang". Thí dụ “DN III 33” là đoạn văn trong quyển III của Trường Bộ, tương ứng với trang 33 của bản Pali. Có nhiều tác giả không trích số quyển mà chỉ trích số bài kinh, thí dụ: “DN 12", nghĩa là bài kinh số 12 của Trường Bộ. Tuy nhiên, vì các bài kinh trong bộ nầy là các bài kinh dài, trích dẫn như thế thường không được chính xác, và cần phải ghi thêm số đoạn kinh của bài kinh đó.

2.2 Trung Bộ (Majjhima Nikaya, MN hoặc M):

Gồm 152 bài kinh, xuất bản thành 3 quyển: quyển I gồm 50 bài, quyển II gồm 50 bài, và quyển III gồm 52 bài còn lại. Quy ước trích dẫn: “MN số quyển (số La-mã) số trang". Thí dụ: “MN I 350” là đoạn kinh trong quyển I, tương ứng với trang 350 của bản Pali. Có tác giả chỉ trích số bài kinh và số đoạn, thí dụ: “MN 52.3” tương ứng đoạn kinh trên, nhưng được hiểu là đoạn 3 trong bài kinh số 52.

2.3 Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya, SN hoặc S):

Gồm 7.762 bài kinh, kết nhóm lại theo chủ đề trong 56 phẩm, và được xuất bản thành 5 quyển. Quy ước trích dẫn: “SN số quyển (số La-mã) số trang". Thí dụ: “SN III 79” là đoạn kinh trong quyển III, tương ứng với trang 79 của bản Pali. Vì đây là đa số các bài kinh nầy rất ngắn, có người trích dẫn chi tiết hơn, với số phẩm và số đoạn, như “SN II.XV.I.2", nghĩa là đoạn kinh tương ứng với trang 2 của bản Pali, quyển II, phẩm XV, đoạn I. Gần đây, có khuynh hướng chỉ trích dẫn số phẩm và số bài kinh mà thôi, theo quy ước: “SN số phẩm (số La-mã) số bài kinh". Thí dụ: “SN III.25” hoặc “SN 3:25“, nghĩa là kinh số 25 trong phẩm III của Tương Ưng.

2.4 Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya, AN hoặc A):

Gồm 9.557 bài kinh, kết nhóm theo số đề mục (pháp số) liệt kê trong bài kinh thành 11 chương, từ chương1 (Một Pháp) đến chương 11 (Mười Một Pháp), và được hội PTS xuất bản thành 5 quyển. Quy ước trích dẫn: “AN số quyển (số La-mã) số trang". Thí dụ: “AN IV 93” để chỉ đoạn kinh tương ứng với trang 93 của bản Pali, trong quyển IV. Có người trích dẫn số chương (nipata) và số phẩm (vagga), chẳng hạn “AN VI.VI.63” nghĩa là đoạn kinh tương ứng với trang 63 của bản Pali, trong phẩm VI của chương VI.

Gần đây, có khuynh hướng chỉ trích dẫn: “số chương và số kinh trong chương”. Thí dụ: “AN VI:78” hoặc “AN 6:78", nghĩa là đoạn văn trong kinh số 78 của chương pháp số VI. Cũng có tác giả trích dẫn: “số chương, số phẩm, số bài kinh trong phẩm”.

2.5 Tiểu Bộ (Khuddaka Nikaya, KN hoặc K):

Ðây là tập hợp 15 tập kinh, có nhiều bài kệ, trong đó có những bài ghi lại trong thời nguyên khai, và cũng có bài được ghi lại về sau nầy trước khi được đúc kết và viết xuống giấy.

(a) Tiểu bộ tập (Khuddakapatha, Khp hoặc Kh):

Gồm 9 bài kinh ngắn gồm nhiều câu kệ, thường được trích dẫn như: “Khp số bài kinh (số câu kệ)". Thí dụ: “Khp IX” là bài kinh Từ Bi (Metta Sutta), kinh số 9.

(b) Pháp cú (Dhammapada, Dhp hoặc Dh):

Gồm 423 câu kệ, trích dẫn bằng số câu kệ: “Dhp số câu kệ". Thí dụ: “Dhp 100” là câu kệ 100 trong kinh Pháp Cú.

(c) Phật tự thuyết (Udana, Ud):

Gồm 80 bài kinh, trích dẫn như: “Ud số bài kinh (số La-mã) số câu kệ". Thí dụ: “Ud III 4” là câu kệ số 4 của bài kinh số 3 trong kinh Phật tự thuyết. Ðôi khi cũng được trích dẫn theo số trang trong bản Pali.

(d) Phật thuyết như vậy (Itivuttaka, It):

Gồm 112 bài kinh ngắn, trong 4 chương. Trích dẫn như: “It số chương (số La-mã) số bài kinh", hoặc “It số trang Pali". Thí dụ: “It IV 102” là bài kinh 102 trong chương 4.

(e) Kinh tập (Suttanipata, Sn):

Gồm 71 bài kinh kệ trong 5 chương, có những bài kệ được xem là xưa cổ nhất (chương IV, phẩm Tám). Trích dẫn theo quy ước: “Sn số câu kệ", hoặc “Sn số chương số bài kinh số câu kệ". Thí dụ: Kinh Một sừng tê ngưu (Sn I 3) là bài kinh số 3, chương I, của Kinh tập.

(f) Thiên cung sự (Vimanavatthu, Vv):

Gồm 85 chuyện trên các cung trời, trong 7 chương. Trích dẫn như: “Vv số chương (số La-mã) số bài kinh số bài kệ".

(g) Ngạ quỷ sự (Petavatthu, Pv):

Gồm 51 bài kinh về chuyện ngạ quỷ, trong 4 chương. Trích dẫn như: “Pv số chương (số La-mã) số bài kinh số bài kệ".

(h) Trưởng lão tăng kệ (Theragatha, Th hoặc Thag):

Gồm 207 bài kinh chứa các câu kệ của 264 vị trưởng lão đệ tử của Ðức Phật. Quy ước trích dẫn: “Th số câu kệ".

(i) Trưởng lão ni kệ (Therigatha, Thi hoặc Thig):

Gồm 73 bài kinh chứa các câu kệ của 73 vị trưởng lão ni đệ tử của Ðức Phật. Quy ước trích dẫn: “Thi số câu kệ".

(j) Bổn sanh (Jataka, J):

Ðây là tập hợp 547 câu chuyện tiền thân của Ðức Phật. Hội PTS xuất bản chung với phần chú giải (Jataka-Atthavannana, JA) thành một bộ 6 quyển. Quy ước trích dẫn: “J số truyện", hoặc “J số quyển (số La-mã) số trang Pali".

(k) Nghĩa thích (Niddesa, Nd):

Gồm Ðại nghĩa thích (Mahaniddesa, NiddI hoặc Nd1) và Tiểu nghĩa thích (Culaniddesa, NiddII hoặc Nd2) chứa các bài luận giải của Ngài Xá-lợi-phất. Quy ước trích dẫn: “NiddI (hoặc NiddII) số trang Pali".

(l) Vô Ngại Giải Ðạo (Patisambhida, Patis hoặc Ps):

Chia làm 3 phẩm, mỗi phẩm chứa 10 đề mục, gồm các bài luận giải của Ngài Xá-lợi-phất. Hội PTS xuất bản thành 2 quyển. Quy ước trích dẫn: “Patis số quyển (số La-mã) số trang Pali".

(m) Thí Dụ (Apadana, Ap):

Gồm các chuyện, thể kệ, về cuộc đời và tiền thân của 41 vị Phật Ðộc Giác, 550 vị tỳ kheo A-la-hán và 40 vị tỳ kheo ni A-la-hán, được xuất bản thành 2 quyển. Quy ước trích dẫn: “Ap số quyển (số La-mã) số trang Pali".

(n) Phật Sử (Buddhavamsa, Bv):

Gồm 29 đoạn với các bài kệ về cuộc đời của Phật Thích Ca và 24 vị Phật trong quá khứ. Quy ước trích dẫn: “Bv số đoạn (số La-mã) số câu kệ".

(o) Sở Hành Tạng (Cariya Pitaka, Cp):

Nói về 35 kiếp sống chót của Ngài Bồ Tát trước khi thành Phật Thích Ca, ghi lại 7 trong số 10 đức hạnh Ba-la-mật của Bồ Tát. Quy ước trích dẫn: “Cp số đoạn (số La-mã) số câu kệ".

3. Vi Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka)

Gồm 7 bộ:

3.1 Pháp Tụ (Dhammasangani, Dhs):

Tóm tắt các pháp với định nghĩa của mỗi pháp. Quy ước trích dẫn: “Dhs số trang Pali", hoặc “Dhs số đề mục".

3.2 Phân Tích (Vibhanga, Vibh hoặc Vbh):

Gồm 18 chương. Quy ước trích dẫn: “Vibh số trang Pali".

3.3 Chất Ngữ (Dhatukatha, Dhatuk hoặc Dhtk):

Luận giải về các uẩn, xứ và giới. Quy ước trích dẫn: “Dhatuk số trang Pali".

3.4 Nhân Chế Ðịnh (Puggalapannatti, Pp hoặc Pug):

Về phân loại các hạng người, gồm 10 chương. Quy ước trích dẫn: “Pp số trang Pali” hoặc “Pp số chương số đoạn".

3.5 Ngữ Tông (Kathavatthu, Kv hoặc Kvu):

Chi tiết về các tranh luận để làm sáng tỏ các điểm trọng yếu trong đạo Phật, do Ngài Moggaliputta Tissa (Mục-kiền-liên Tu-đế) đề xướng trong Ðại hội Kết tập Kinh điển lần thứ 3 trong thời đại vua A-dục (Asoka). Gồm 23 chương. Quy ước trích dẫn: “Kv số trang Pali” hoặc “Kv số chương số đoạn".

3.6 Song Ðối (Yamaka, Yam):

Xuất bản thành 2 quyển, gồm 10 chương, bao gồm các đề tài đặt ra dưới hình thức vấn đáp từng đôi, theo chiều xuôi và chiều ngược. Quy ước trích dẫn: “Yam số trang Pali".

3.7 Vị Trí (Patthana, Patth hoặc Pt):

Ðây là bộ lớn nhất, luận giải chi tiết về nhân duyên và tương quan giữa các pháp, gồm 4 đại phẩm. Mỗi đại phẩm lại chia làm 6 tiểu phẩm. Quy ước trích dẫn: “Patth số trang Pali".

II. Ðại tạng kinh Việt Nam

Trong 10 năm qua, Hội đồng Phiên dịch Ðại tạng kinh Việt Nam đã lần lượt ấn hành các bộ kinh Việt ngữ dịch từ tạng Pali (kinh Nikaya) và tạng Hán (kinh A-hàm).

Ðến nay (1999), 27 quyển đã được ấn hành: Trường bộ (quyển 1-2), Trường A-hàm (quyển 3-4), Trung bộ (quyển 5-7), Trung A-hàm (quyển 8-11), Tương ưng bộ (quyển 12-16), Tạp A-hàm (quyển 17-20), Tăng chi bộ (quyển 21-24), Tăng nhất A-hàm (quyển 25-27). Ngoài việc đánh số thứ tự theo tiến trình in ấn, mỗi quyển kinh còn có mã số: “A” là Kinh, “B” là Luật, “C” là Luận, kế đó “p” là dịch từ bản gốc Pali và “a” là dịch từ bản gốc Hán. Số cuối cùng là số thứ tự trong Tam tạng kinh điển. Thí dụ: Tương ưng bộ có mã số là “Ap3“, nghĩa là Kinh (A) dịch từ tạng Pali (p), và là bộ thứ 3 trong Kinh Tạng nguyên thủy.

Tuy nhiên, vấn đề trích dẫn kinh điển trong các tài liệu, sách báo Phật giáo hình như cũng chưa nhất quán, có khi dùng theo các quy ước của hội PTS, có khi ghi lại tựa đề Việt ngữ, có khi ghi số trang theo kinh điển bộ mới, cũng có khi ghi theo số trang của bộ cũ, v.v. Mong rằng vấn đề nầy sẽ được quý học giả Tăng Ni lưu tâm cứu xét để thiết lập một quy ước chung và thống nhất trong việc trích dẫn kinh điển bằng tiếng Việt.

● Tham Khảo:

[1] Pali Text Society, 1997. Information on Pali Literature and Publications. Association for Buddhist Studies, U.K.

[2] John Bullitt, 1998. A note about sutta references schemes. Access to Insight web page, http://www.world.std/~metta/

[3] Russell Webb, 1991. An analysis of the Pali Canon. Wheel No. 217/220, Buddhist Publication Society, Sri Lanka.

[4] U Ko Lay, 1991. Guide to Tipitaka. Burma Pitaka Association, Myanmar.


XVI
Sách và Tài Liệu Tham Khảo


1. Chương 1 − "Origin and Expansion of Buddhism" (Nguồn gốc và sự Phát triển của Phật giáo), tác giả Đại Đức J.Kashyap.

Chuong 2 − "The Fundamental Principles of Theravada Buddhism" (Những Nguyên Lý Cơ Bản của Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada), tác giả Đại Đức Sayadaw U Thittila. "The Path of the Buddha" (Con Đường Của Đức Phật), do Kenneth W. Morgan biên soạn, Nxb Motilal Banarsidass, Delhi, 1986.

2. "Indian Buddhism" (Phật Giáo Ấn Độ), (Chương 1 và 10), tác giả A.K. Warder. Nxb Motilal Banarsidass Publishers Private Limited, Delhi 2000.

3. "The Life of the Buddha According to the Pali Canon" (Cuộc Đời Của Đức Phật Theo Như Tam Tạng Kinh Pali), tác giả TK Bhikkhu Nanamoli. Nxb Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka.

4. "The Book of Discipline, Vinayapitaka Cullavagga V, 33" (Luật tạng: Tiểu Phẩm V, 33), người dịch Tiến sĩ I.B. Horner. Nxb Pali Text Society (PTS), Oxford, England.

5. "Vinaya Texts, Cullavagga V, 33" (Luật tạng: Tiểu Phẩm V, 33), Người dịch Tiến sĩ T.W. Rhys Davids & Hermann Oldenberg. Nxb Motilal Banarsidass Publishers, Delhi 1988.

6. "Introduction: A History of Pali Literature" (Giới Thiệu: Lịch Sử Văn Học Pali), tác giả Bimala Churn Law. Nxb Indica Books, Varanasi, India, 2000.

7. “The Arya Dharma of Sakya Muni Gautama Buddha or the Ethics of Self Discipline” (Thánh Giáo Của Đức Phật Cồ-Đàm Thích Ca Mâu Ni hay Đạo Đức Tự Giới Hạnh), tác giả Đại Đức Anagarika Dharmapala. Nxb Maha Bodhi Book Agency, 4-A, Bankim Chatterjee Street, Calcutta 700 073, India. XuatS banR 1917, tái bản 1989.

8. "The Import of Sakaya Nirutti" (Sự Du Nhập ngôn ngữ Thích Ca) tham luận đánh giá lại của Tiến sĩ Dr. Mauli Chand Prasad trong tác phẩm ‘Homage to Bhikkhu Jagdish Kashyap’ (Commemoration Volume)’ (Tưởng nhớ Tỳ kheo Jagdish Kashyap). Nxb Nava Nalanda Mahavihara, Bihar, India 1986.

9. "A Dictionary of the Pali Language" (Từ Điển Ngôn Ngữ Pali), tác giả Robert Caesar Childers, tái bản năm 1974, Nxb Buddha Sasana Council, Yangon, Myanmar.

10. "Numerical Discourses of the Buddha" (Những Bài Thuyết Giảng Theo Số), tác giả Đại Đức Nyanaponika Thera & Bhikkhu Bodhi; "The Sacred Literature Series of the International Sacred Literature Trust" (Danh Mục Thánh Thư của Hội Thánh Thư Quốc Tế), Nxb. Vistaar Publications, New Delhi, 2000.

11. "The Expositor (Atthasalini) – Buddhaghosa’s Commentary on the Dhammasangani", (Chú Giải Bộ Pháp Tụ của Ngài Phật Âm); "The First Book of the Abhidhamma Pitaka Volumes I, II". (Bộ Thứ Nhất của Diệu Pháp Tạng,Tập I, II). Người dịch Pe Maung Tin, PTS, London, 1976.

12. "The First Buddhist Council" (Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Nhất), tác giả Teitaro Suzuki; The Monist – Tuần san Nghiên Cứu Triết Học Khoa Học Tập XIV, Nxb. Chicago the Open Court Publishing Company 1904. Bản sao chụp và biên soạn lại bởi Christopher M. Weimer, tháng 4, 2002.

13. "Mahavamsa – Great Chronicle of Ceylon" (Đại Biên Niên Sử Tích Lan). Người dịch Wilhelm Geiger. Nxb. Pali Text Society (PTS), London, 1912.

14. "Buddhist Monastic Discipline: The Sanskrit Pratimoksa Sutras of the Mahasamghikas and Mulasarvastivadins" (Giới Luật Tăng Đoàn Phật Giáo: Kinh Giới Luật Tỳ Kheo bằng tiếng Phạn của phái Đại Chúng bộ và Da Du La Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ), tác giả Charles S. Prebish. Nxb. Motilal Banarsidass Publishers Pvt. Ltd., Delhi, 1996.

15. "Buddhist Sects in India" ( Những Bộ Phái Phật Giáo tại Ấn Độ), tác giả Nalinaksha Dutt. Nxb. Motilal Banarsidass, 2nd Edition, Delhi 1978.

16. "Points of Controversy – A Translation of the Katha-Vatthu" (Những Điểm Dị Biệt – Bản Dịch Qua Tiếng Anh), của Shwe Zan Aung và bà tiến sỹ Mrs. Rhys Davids, Nxb. Pali Texts Society (Hội Kinh Điển Pali - PTS), London, 1979.

17. "Buddhist Monks and Monasteries in India" (Những Tu Sĩ và Tự Viện Phật Giáo ở Ấn Độ) (trang 79), tác giả Sukumar Dutt. Nxb. Motilal Banarsidass, Delhi 1988.

18. "Davids. T. W. Rhys: The Sects of the Buddhists in Journal of the RoyalAsiatic Society 1891", (TS Davids. T. W. Rhys: Những Bộ Phái Phật giáo, đăng trên Tờ “Journal of the Royal Asiatic Society”, Năm 1891, trang 409-422; "The History and Literature of Buddhism" (Lịch sử Văn Học Phật Giáo). Nxb. Bharatiya Publishing House, Varanasi, India 1975.

19. "The Origin of the Early Indian Scripts: A Review Article by Richard Salomon, University of Washington" (Nguồn Gốc Của Ngững Chữ Viết Ấn Độ Cổ Đại: Một Tham Luận của Richard Solomon, Đại Học University of Washington), Tạp Chí “Journal of the American Oriental Society”- 115.2 (1995), trang 271-279.

20. "The History of the Religion (Sasanavamsa)" (Lịch Sử của Tôn Giáo (Phật giáo), bản dịch của Bimala Churn Law. Nxb. Sacred Books of the Buddhists, Vol. 1033. Luzac & Co. Ltd., London, 1952.

21. "The Path of Purification – Visuddhi Magga" (Thanh Tịnh Đạo), Bản dịch từ tiếng Pali, Người dịch Đại Đức Tỳ kheo Bhikkhu Nanamoli. Nxb. Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka.

22. "The Myanmar Contribution to the Spread of Theravada Buddhism throughout the World" (Sự Đóng Góp Của Miến Điện Myanmar Trong Việc Phát Triển Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada), tác giả Giáo Sư U Ko, Khoa Nghiên Cứu Thiền Minh Sát Vipassana, Faculty of Pattipatti, Yangon, 1998.


GHI CHÚ


[1] Chương 1 − “Origin and Expansion of Buddhism” (Nguồn gốc và sự Phát triển của Phật giáo), tác giả Đại Đức J. Kashyap.

Chương 2 − “The Fundamental Principles of Theravada Buddhism” (Những Nguyên Lý Cơ Bản của Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada), tác giả Đại Đức Sayadaw U Thittila. The Path of the Buddha (Con Đường Của Đức Phật), do Kenneth W. Morgan biên soạn, Nxb Motilal Banarsidass, Delhi, 1986.

[2] “Indian Buddhism” (Phật Giáo Ấn Độ), (Chương 1 và 10), tác giả A.K. Warder. Nxb Motilal Banarsidass Publishers Private Limited, Delhi 2000.

[3] “The Life of the Buddha According to the Pali Canon”, tác giả TK Bhikkhu Nanamoli. Nxb Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka.

[4] “The Book of Discipline”, “Vinayapitaka Cullavagga”V, 33 (Luật tạng: Tiểu Phẩm V, 33), người dịch Tiến sĩ I.B. Horner. Nxb Pali Text Society (PTS), Oxford, England.

[5] “Vinaya Texts”, Cullavagga V, 33 (Luật Tạng: Tiểu Phẩm V, 33), Người dịch Tiến sĩ T.W. Rhys Davids & Hermann Oldenberg. Nxb Motilal Banarsidass Publishers, Delhi 1988.

[6] “Introduction: A History of Pali Literature” (Giới Thiệu: Lịch Sử Văn Học Pali), tác giả Bimala Churn Law. Nxb Indica Books, Varanasi, India, 2000.

[7] “The Arya Dharma of Sakya Muni Gautama Buddha or the Ethics of Self Discipline” (Thánh Giáo Của Đức Phật Cồ-Đàm Thích Ca Mâu Ni hay Đạo Đức Tự Giới Hạnh), tác giả Đại Đức Anagarika Dharmapala. Nxb Maha Bodhi Book Agency, 4-A, Bankim Chatterjee Street, Calcutta 700 073, India. Xuất bản 1917, tái bản 1989.

[8] The Import of Sakaya Nirutti (Sự Du Nhập ngôn ngữ Thích Ca) tham luận đánh giá lại của Tiến sĩ Dr. Mauli Chand Prasad trong tác phẩm ‘Homage to Bhikkhu Jagdish Kashyap’ (Commemoration Volume)’ (Tưởng nhớ Tỳ kheo Jagdish Kashyap). Nxb Nava Nalanda Mahavihara, Bihar, India 1986.

[9] Ở đây, trong tiếng Việt, chữ 'Riêng' là riêng của nhóm người, của 'chúng ta' chứ không phải riêng của Đức Phật hay của riêng ai. Tiếng Việt cũng có thể gọi là 'ngôn nhữ chung của chúng ta', mặc dù chữ 'riêng' và 'chung' mang hai nghĩa gốc khác nhau (ND).

[10] A Dictionary of the Pali Language (Từ Điển Ngôn Ngữ Pali), tác giả Robert Caesar Childers, tái bản năm 1974, Nxb Buddha Sasana Council, Yangon, Myanmar.

[11] Numerical Discourses of the Buddha (Những Bài Thuyết Giảng Theo Số của Đức Phật , tức Tăng Chi Bộ Kinh), tác giả Đại Đức Nyanaponika Thera & Bhikkhu Bodhi; The Sacred Literature Series of the International Sacred Literature Trust (Danh Mục Thánh Thư của Hội Thánh Thư Quốc Tế), Nxb. Vistaar Publications, New Delhi, 2000.

[12] The Expositor (Atthasalini)– Buddhaghosa’s Commentary on the Dhammasangani, (Chú Giải Bộ Pháp Tụ của Ngài Phật Âm);

The First Book of the Abhidhamma Pitaka Volumes I, II. (Bộ Thứ Nhất của Diệu Pháp Tạng,Tập I, II). Người dịch Pe Maung Tin, PTS, London, 1976.

[13] The First Buddhist Council (Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Nhất), tác giả Teitaro Suzuki;

The Monist – Tuần san Nghiên Cứu Triết Học Khoa Học Tập XIV, Nxb. Chicago the Open Court Publishing Company 1904. Bản sao chụp và biên soạn lại bởi Christopher M. Weimer, tháng 4, 2002.

[14] Mahavamsa – Great Chronicle of Ceylon (Đại Biên Niên Sử Tích Lan). Người dịch Wilhelm Geiger. Nxb. Pali Text Society (PTS), London, 1912.

[15] Buddhist Monastic Discipline: The Sanskrit Pratimoksa Sutras of the Mahasamghikas and Mulasarvastivadins (Giới Luật Tăng Đoàn Phật Giáo: Kinh Giới Luật Tỳ Kheo bằng tiếng Phạn của phái Đại Chúng bộ và Da Du La Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ), tác giả Charles S. Prebish. Nxb. Motilal Banarsidass Publishers Pvt. Ltd., Delhi, 1996.

[16] Buddhist Sects in India ( Những Bộ Phái Phật Giáo tại Ấn Độ), tác giả Nalinaksha Dutt. Nxb. Motilal Banarsidass, 2nd Edition, Delhi 1978.

[17] Points of Controversy – A Translation of the Katha-Vatthu by Shwe Zan Aung and Mrs. Rhys Davids. ( Những Điểm Dị Biệt – Bản Dịch của Shwe Zan Aung và Tiến sĩ Mrs. Rhys Davids). Nxb. Pali Texts Society (PTS), London, 1979.

[18] Buddhist Monks and Monasteries in India (Những Tu Sĩ và Tự Viện Phật Giáo ở Ấn Độ) (trang 79), tác giả Sukumar Dutt. Nxb. Motilal Banarsidass, Delhi 1988.

[19] Davids. T. W. Rhys: The Sects of the Buddhists in Journal of the RoyalAsiatic Society 1891, pp. 409-422. (TS Davids. T. W. Rhys: Những Giáo Phái Phật giáo, đăng trên Tờ “Journal of the Royal Asiatic Society”, Năm 1891, trang 409-422;

The History and Literature of Buddhism (Lịch sử Văn Học Phật Giáo). Nxb. Bharatiya Publishing House, Varanasi, India 1975.

[20] The Origin of the Early Indian Scripts: A Review Article by Richard Salomon, University of Washington – (Nguồn Gốc Của Ngững Chữ Viết Ấn Độ Cổ Đại: Một Tham Luận của Richard Solomon, Đại Học University of Washington), Tạp Chí “Journal of the American Oriental Society”- 115.2 (1995), trang 271-279.

[21] The History of the Religion (Sasanavamsa) – (Lịch sử của Tôn Giáo (Phật giáo), bản dịch của Bimala Churn Law. Nxb. Sacred Books of the Buddhists, Vol. 1033. Luzac & Co. Ltd., London, 1952.

[22] The Path of Purification – Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Đạo), Bản dịch từ tiếng Pali, Người dịch Đại Đức Tỳ kheo Bhikkhu Nanamoli. Nxb. Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka.

[23] The Myanmar Contribution to the Spread of Theravada Buddhism throughout the World (Sự Đóng Góp Của Miến Điện Myanmar Trong Việc Phát Triển Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada), tác giả Giáo Sư U Ko, Khoa Nghiên Cứu Thiền Minh Sát (Vipassana), Faculty of Pattipatti, Yangon, 1998.

[24] Tiếng Anh: "Sixth Synod Edition"


[25] Mặc dù kết luận trên, người dịch vẫn chưa xác định phiên bản Tam Tạng Kinh được dịch ra bằng tiếng Việt sau Hội Đồng Kết Tập lần này là phiên bản nào, trong khi Việt Nam đã được đề cập là một quốc gia tham dự. Có lẽ ở đây họ muốn nói đến phiên bản dịch Việt (Kinh Tạng) của Hòa thượng Thích Minh Châu.


Nếu quý sư thầy hay độc giả nào nắm rõ vấn đề này, xin vui lòng góp ý chỉ dạy, để lần sau tái bản sẽ đưa vào trang này để các độc giả cùng có cơ hội biết được (ND).

Trích từ cuốn GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC do cư sĩ LÊ KIM KHA
dịch từ cuốn BUDDHISM COURSE của CHAN KHOON SAN





Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t...

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại...

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,...

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta ...

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.