Chuyển đến nội dung chính

GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC - Phần VII - NHỮNG CHU KỲ THẾ GIỚI KHI NHỮNG ĐỨC PHẬT XUẤT HIỆN

Phần VII
NHỮNG CHU KỲ THẾ GIỚI KHI
NHỮNG ĐỨC PHẬT XUẤT HIỆN

Phần VII - NHỮNG CHU KỲ THẾ GIỚI KHI NHỮNG ĐỨC PHẬT XUẤT HIỆN - GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC - Đạo Phật Nguyên Thủy

NỘI DUNG

1. Cách Tính Thời Gian Theo Phật Giáo
2. Chu Kỳ Thế Giới hay Đại Kiếp (Maha-kappa)
3. Kiếp Không Thể Tính Được Hay A-tăng-tỳ-Kiếp (Asankheyya-kappa)
4. Trung Kiếp (Antara-kappa)
5. Kiếp Người (Ayu-kappa)
6. Chu Kỳ Nhưng Vị Phật Xuất Hiện Hay Phật Kiếp (Buddha Kappa)
7. Hai Mươi Bốn Vị Phật Trước Đức Phật Thích Ca
8. Tám Phẩm Chất Của Một Vị Bồ-tát: Vị Phật Tương Lai
9. Giê-Su Có Phải Là Một Vị Bồ-tát Hay Không?
10. Khoảng Thời Gian Để Hoàn Thiện Những Hạnh Ba-la-mật (Paramis)
11. Vì Sao Có Sự Khác Nhau Trong Việc Hoàn Thiện Những Hạnh Ba-la-mật (Paramis)
12. Thật Hiếm Thay Sự Xuất Hiện Của Một Vị Phật!
13. Tám Kiếp Sống (Cảnh Giới) Bất Hạnh Nhất Của Vòng Luân Hồi Sinh Tử (Samsara)
14. Sự Hoàn Thiện Các Hạnh Ba-la-mật Của Phật Duyên Giác (Pacceka Buddhas), Của Các Đại Đệ Tử Thanh Văn.
15. Những Đại Đệ Tử Ưu Việt Của Đức Phật
16. Chú Giải
15. Sách và Tài Liệu Tham Khảo



I
Cách Tính Thời Gian Theo Phật Giáo



Trong hệ thống tính thời gian của Phật Giáo, từ “kappa” có nghĩa là một “chu kỳ hay một aeon” được dùng để chỉ những giai đoạn thời gian hay thời kỳ nào đó theo thứ tự chu kỳ.

(Bản thân từ tiếng Anh “aeon”, được dùng để dịch từ “kappa” của tiếng Pali, vốn có nguồn gốc từ tiếng La-tinh, có nghĩa là một khoảng thời gian, một thời kỳ dài vô tận, hơn bất kỳ con số hay sự tưởng tượng của con người. Và xưa nay người ta quen dùng từ “kiếp” để tạm dịch từ này qua tiếng Việt, mặc dù “kiếp” ở đây không phải có nghĩa như chỉ là một “kiếp người” vô cùng ngắn ngủi của chúng ta– ND).

Bốn chu kỳ thời gian được phân biệt như sau:

(a) Một Đại Kiếp (maha-kappa),

(b) Một A-tăng-tỳ-Kiếp (asankheyya-kappa),

(c) Một Trung Kiếp (antara-kappa), và

(d) Một Kiếp Người (ayu-kappa).



II
Đại Kiếp
(Maha-kappa)



Một Đại Kiếp (maha kappa) nói chung có nghĩa là một chu kỳ tạo lập của thế giới. Vậy một chu kỳ tạo lập và tồn tại của một thế giới là bao nhiêu lâu?

Trong “Tương Ưng Bộ Kinh II”, Chương XV, Đức Phật đã dùng một ví dụ núi đá hay một số lượng hạt cải để miêu tả so sánh về định nghĩa của “kiếp” như sau :

"Giả sử có một khối núi đá cứng, chiều dài một yojana[1], rộng một yojana và cao một yojana và cứ mỗi 100 năm, một người đến lau chùi bằng miếng vải lụa Kasika. Cho đến khi khối núi đá này được chùi mòn hết, thì khoảng thời gian không thể tưởng tượng đó vẫn còn ngắn hơn một đại kiếp (maha-kappa)."

"Hay giả sử có một khu được bao bọc bởi tường thành bằng sắt, chiều dài một yojana, rộng một yojana và cao một yojana và được đổ đầy hạt cải bên trong lên hết chiều cao tường thành và cứ 100 năm, một người đến lấy một hạt cải. Cho đến khi không còn hạt cải nào ở đó, thì khoảng thời gian không thể tưởng tượng đó cũng chưa bằng một đại kiếp (maha-kappa)."[2]

▪ Vậy đã bao nhiêu đại kiếp nối tiếp nhau trong quá khứ rồi?

Theo lời Đức Phật:

“Này người anh em, một đại kiếp là rất dài. Và những đại kiếp như vậy thì dài hơn một đại kiếp đã trôi qua, nhiều hơn một trăm đại kiếp đã trôi qua, dài hơn một trăm ngàn đại kiếp đã trôi qua. Điều này như thế nào? Này người anh em, sự khởi thủy của một quá trình này là không thể tính được. Thời điểm đầu tiên không thể nhìn thấy được trong quá trình trôi tiếp và trôi xa hơn nữa từ lúc chúng sinh bị che khuất trong vô minh, vì trói buộc vào dục vọng”.



III
A-tăng-tỳ-Kiếp
(Asankheyya-kappa)



Theo “Tăng Chi Bộ Kinh” (Anguttara II, 142), có 4 giai đoạn được gọi là 4 thời kỳ hay “kỷ nguyên không thể nào tính được” được gọi là A-tăng-tỳ-Kiếp (Asankheyya-kappa), ngắn hơn một đại kiếp (maha-kappa).

Khoảng thời gian của một trong 4 A-tăng-tỳ-Kiếp này không thể nào tính ra được, ngay cả lấy 100.000 năm = 1 lakhs làm đơn vị để tính. Vì thế nên A-tăng-tỳ-Kiếp có nghĩa là “một khoảng thời gian không bao giờ đếm được”

Bốn A-tăng-tỳ-Kiếp này là:

(1) Kỷ Nguyên Hoại Diệt (Hoại Kiếp)

Là thời kỳ hủy hoại hay tiêu hủy thế giới. Trong “Kinh Mặt Trời” thuộc “Tăng Chi Bộ Kinh” (Anguttara IV, 99), Đức Phật đã miêu tả sự hủy hoại thế giới bằng Lửa, thậm chí tiêu hủy đến những cõi trời Đại Phạm Thiên. Kỷ nguyên hay A-tăng-tỳ-Kiếp (Asankheyya-kappa) bắt đầu bằng những trận mưa lớn bắt đầu dập tắt tất cả biển lửa trên thế giới nếu thế giới bị tiêu hủy bằng Lửa, hoặc bắt đầu bằng việc rút nước lũ lụt, nếu thế giới bị tiêu hủy bằng Nước; hoặc bắt đầu bằng việc ngưng bão tố nếu thế giới bị hủy diệt bằng Gió.

Việc mô tả hoàn toàn chi tiết về sự kiện thế giới bị tiêu hủy bằng những yếu tố lửa, nước, gió được ghi lại trong chương nói về những kiếp quá khứ trong quyển “Con Đường Thanh Tịnh” (Visuddhi Magga).

(2) Kỷ Nguyên Hoàn Toàn Hủy Diệt (Tận Hoại Kiếp)

Là thời kỳ tất cả hệ thống trên thế giới đã bị tiêu hủy hoàn toàn hay trong tình trạng là Không Trơ. Đây là thời kỳ bắt đầu từ lúc mà thế giới đã bị tiêu hủy bởi lửa, nước hay gió rồi cho đến khi bắt đầu những trận mưa lớn báo hiệu một chu kỳ một quá trình tiến hóa mới bắt đầu một thế giới mới.

(3) Kỷ nguyên phát triển

Là giai đoạn tiến hóa. Đây là giai đoạn từ lúc có những trận mưa phát động sự tiến hóa một thế giới mới nói trên cho đến khi xuất hiện mặt trời, mặt trăng, những ngôi sao và những hành tinh.

(4) Kỷ Nguyên Đã Phát Triển

Là giai đoạn liên tục tiếp theo. Giai đoạn này bắt đầu từ lúc xuất hiện mặt trời, mặt trăng, những ngôi sao và những hành tinh cho đến khi có những trận mưa lớn báo hiệu bắt đầu sự hủy diệt của thế giới (bằng lửa, nước hay gió…).

=> Kiếp sống hiện tại của chúng ta là một trong vô lượng kiếp của A-tăng-tỳ-Kiếp thứ tư này, trong một chu kỳ đại kiếp.

● Giải Thích về Tuổi Thọ ở Những Cảnh Giới sống tương ứng với tầng Thiền (Jhana) thứ Nhất, thứ Hai và thứ Ba.

(1)

Khi thế giới bị hủy diệt bằng 3 yếu tố (tam đại) lửa, nước và gió, Lửa tiêu hủy thế giới cho đến 3 cõi hay cảnh giới sống của tầng Thiền định thứ Nhất (Sơ Thiền). Theo các nhà luận giải, tuổi thọ cao nhất của những cảnh giới của Sơ Thiền là 01 A-tăng-tỳ-Kiếp (tức “một kỷ nguyên không thể tính được” đã giải thích ở trên), bởi vì những cảnh giới của tầng Thiền định này chỉ tồn tại trong một kỷ nguyên đó là Kỷ Nguyên Đã Phát Triển, tức Kỷ Nguyên hay A-tăng-tỳ-Kiếp thứ tư ở trên.

(2)

Sau khi bị tiêu hủy 7 lần liên tục bằng lửa, đến đợt thứ 8, thế giới sẽ bị tiêu hủy bằng Nước, lúc đó sự tiêu hủy sẽ đến 3 cảnh giới hay 3 cõi sống tương ứng với tầng Thiền định thứ Hai (Nhị Thiền). Vì vậy, tuổi thọ dài nhất ở những cảnh giới này là 8 đại kiếp.

(3)

Sau khi bị tiêu hủy bằng Lửa qua 7 chu kỳ và 1 chu kỳ bằng nước, thế giới lại bị tiêu hủy bằng Gió vào chu kỳ thứ 64, lúc đó sự tiêu hủy sẽ đến tận cảnh giới hay cõi sống tương ứng với tầng Thiền định thứ Ba (Tam Thiền). Vì vậy, tuổi thọ cao nhất ở cảnh giới này là 64 đại kiếp.

● Nguyên Nhân Hoại Diệt và Khai Triển lại Thế Giới?

Trong quyển “Cẩm Nang Về Trật Tự Vũ Trụ” (Manual of Cosmic Order), Đại trưởng lão Mahathera Ledi Sayadaw có viết rằng:

“Không có một khởi thủy rõ ràng hay một kết thúc rõ ràng được biết đến, thế giới hay vũ trụ vật lý liên tục như vậy dù những chủ nhân thế giới hay những đấng siêu nhiên (issara) có xuất hiện hay không. Không bất kỳ dạng siêu nhiên nào, thậm chí một trăm, thậm chí một ngàn, thậm chí một trăm ngàn đấng như vậy cũng không thể nào làm ra, sáng tạo ra hay giải tán (thế giới, vũ trụ đó). Bằng quy luật của Lửa (utu niyama), bằng quy luật nhân duyên tự nhiên (dhamma niyama), trật tự của vũ trụ vật lý này được duy trì như vậy”.



IV
Trung Kiếp
(Antara-kappa)



Trong A-tăng-tỳ-Kiếp thứ tư hay “Kỷ nguyên Đã Phát Triển”, vòng đời hay tuổi thọ của con người có tăng hay giảm tùy thuộc đức hạnh hay mức độ luân lý của loài người. Nếu đạo đức của con người đang phát huy, thì tuổi thọ của con người sẽ tăng lên đến mức siêu thọ 80.000 năm, đó là Đỉnh Cao của Đức Hạnh loài người. Nếu mức độ đạo đức sa sút, tuổi thọ loài người chỉ còn 10 năm, đó là tuổi thọ thấp nhất của giống loài người.

Để giảng giải rộng thêm vấn đề này, các thầy sẽ trình bày một cách chi tiết bằng những ghi chép trong “Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hồng” (Cakkavati-Sihananda Sutta) thuộc “Trường Bộ Kinh” (Digha Nikaya).

Khoảng thời gian của một chu kỳ trong đó tuổi thọ của loài người được tăng từ 10 năm đến siêu thọ 80.000 năm và rồi giảm từ siêu thọ xuống còn 10 năm trở lại thì được gọi là một chu kỳ Trung Kiếp (antara-kappa) nằm trong A-tăng-tỳ-Kiếp “Đã Phát Triển” thứ tư nói trên.

(Như vậy tuổi thọ trung bình trong Trung Kiếp này của chúng ta hiện nay (xem bên dưới) khoảng 100 năm là thuộc giai đoạn đang giảm xuống từ siêu thọ đến 10 năm. Hãy tưởng tượng sự sa sút về đức hạnh của con người trong thời kiếp này! –ND).

● Một Trung Kiếp Kéo Dài Bao lâu?

Trong quyển “Cẩm Nang Về Trật Tự Vũ Trụ” (Manual of Cosmic Order), Đại trưởng lão Mahathera Ledi Sayadaw cũng đã dùng lại ví dụ về số lượng cát sông Hằng để so sánh như sau:

“Nếu một người phải đếm số năm của một Trung Kiếp bằng số hạt cát, bốc đếm từng hạt cát của tất cả các chi lưu của sông Hằng, thì con số hạt cát sông Hằng có lẽ hết trước khi số năm của một Trung Kiếp được đếm hết”.

(Có nghĩa rằng: Tổng số lượng hạt cát ở sông Hằng cũng còn ít hơn tổng số năm của một Trung Kiếp -ND).

Sau khi trải qua hoàn thành 64 kỷ nguyên, thì Kỷ Nguyên Đã Phát Triển đến sau cùng. Vì hoàn toàn không có sự sống hay chúng sinh nào sống trong 3 kỷ nguyên (A-tăng-tỳ-Kiếp) kia, nên 3 kỷ nguyên đó không thể được suy ra là một Trung Kiếp theo cách diễn giải trên đây. Nhưng tất cả 4 kỷ nguyên hay A-tăng-tỳ-Kiếp đó có độ dài như nhau và trong tất cả Luận Giảng, mỗi A-tăng-tỳ-Kiếp (Asankheyya-kappa: tức một trong 4 kỷ nguyên Không Thể Tính Được) được chia đều thành 64 kỷ nguyên Trung Kiếp (antara-kappa).

Trong một số Kinh Điển Pali, một A-tăng-tỳ-Kiếp được ghi lại là bao gồm 64 hoặc 20 Trung Kiếp. Điều này là bởi vì có một kỷ nguyên khác được cho là một Trung Kiếp, đó là vòng đời hay “tuổi thọ” ở cảnh giới địa ngục A-Tỳ (Avici), được cho là bằng đến 1/80 của một Đại Kiếp hay bằng 1/20 một A-tăng-tỳ-Kiếp. Bằng cách tính này, người xưa đã cho rằng một A-tăng-tỳ-Kiếp thì bằng tương đương với 64 Trung Kiếp của cảnh giới con người hay bằng tương đương với 20 Trung Kiếp của cảnh giới Địa Ngục A-Tỳ.



V
Kiếp Người
(Ayu Kappa)



Trong tiếng Pali, chữ “ayu-kappa” theo nghĩa gốc có nghĩa là vòng đời hay tuổi thọ. Nếu vòng đời là 100 năm, thì tuổi thọ (ayu kappa) là một thế kỷ. Nếu vòng đời là 1.000 năm, thì tuổi thọ (ayu kappa) là một thiên niên kỷ.

Khi Đức Phật dạy cho ngài Ananda rằng: 

“Này Ananda, ta đã phát triển được bốn năng lực thần thông (Tứ Thần Túc). Vì vậy, nếu ta muốn sống thêm một kiếp (kappa)”, thì chữ kappa có nghĩa là một kiếp người hay một vòng đời của con người (ayu-kappa), đó là 100 năm vào thời Đức Phật tại thế. Đây là cách diễn dịch của các Luận Giảng về Kinh “Đại Bát-Niết-bàn”.



VI
Phật Kiếp
(Buddha Kappa)

Phật Kiếp là những chu kỳ thế giới hay những Đại Kiếp có những vị Phật xuất hiện. Một đại kiếp không có xuất hiện vị Phật nào thì được gọi là Kiếp Không (suñña kappa).

Một kiếp nào có một hay nhiều vị Phật xuất hiện thì được gọi là một Phật Kiếp (Buddha kappa). Kiếp (kappa) ở đây nếu đứng riêng một mình không có tính từ hay danh từ ghép đứng trước, thì có nghĩa là một Đại Kiếp (Maha-kappa).

Có năm (5) loại chu kỳ Phật Kiếp, đó là:

(a) Sara-kappa:                    Kiếp có một vị Phật xuất hiện

(b) Manda-kappa:                Kiếp có hai vị Phật xuất hiện.

(c) Vara-kappa:                    Kiếp có ba vị Phật xuất hiện.

(d) Saramanda-kappa:         Kiếp có bốn vị Phật xuất hiện.

(e) Bhadda-kappa:               Kiếp có năm vị Phật xuất hiện.

Đại Kiếp hiện tại (hay thế giới hiện tại) là một kiếp lành, nhiều may mắn cho thế gian, tiếng Pali là: “Bhadda kappa”, vì có đến 5 vị Phật Toàn Giác xuất hiện. Bốn vị Phật đã xuất hiện trước, đó là:

(1) Đức Phật Kakusandha (Câu-Lưu-Tôn),

(2) Đức Phật Konagamana (Câu-Na-Hàm),

(3) Kassapa (Ca-Diếp),

(4) Đức Phật Cồ-Đàm (Gotama) hay Phật Thích Ca Mâu-Ni (Sakyamuni).

(5) Đức Phật Di Lặc (Mettaya), chưa xuất hiện trong đại kiếp này.

Khoảng thời gian giữa một vị Phật Toàn Giác xuất hiện và một vị Phật khác xuất hiện có thể là một Đại Kiếp hoặc một A-tăng-tỳ-Kiếp.

Chữ “Asankheyya” (A-tăng-tỳ) có nghĩa gốc là một con số , nhưng “không thể đếm được”, “không thể tính được” và có nghĩa đó trong trường hợp nói về Phật Kiếp này.

Học giả Childers trong quyển “Tự Điển Pali” đã định nghĩa “A-tăng-tỳ” (asankheyya) là một con số lớn nhất, bằng 10140 tức bằng 1 theo sau 140 con số 0!

Một con số A-tăng-tỳ Kiếp (asankheyya kappas) = 10140 Kiếp là một con số vô cùng lớn về thời gian, thách thức cả trí tưởng tượng!

=> Chúng ta không nên nhầm lẫn với một kỷ nguyên hay một kiếp được gọi là “A-tăng-tỳ-Kiếp” được định nghĩa trong phần số (3). Ở trên, một “A-tăng-tỳ-Kiếp” (asankheyya-kappa), kỷ nguyên đó chỉ bằng ¼ một Đại Kiếp. 

Còn trong phần này đang nói về nghĩa của chữ “A-tăng-tỳ”, có nghĩa là: không đếm được, có nghĩa bằng = 10140 là số đếm đơn vị). Và khi nói con số một “A-tăng-tỳ Đại Kiếp” (asankheyya-kappa) có nghĩa là tương đương bằng = 10140 Đại Kiếp, đó là khoảng thời gian vô tận giữa những chu kỳ thế giới có những vị Phật xuất hiện.

Ví dụ: Khi "Đại Kiếp" là một đơn vị khoảng thời gian, đếm có 1 đại kiếp, 2 đại kiếp, ... và có 10140 Đại Kiếp. Và con số 10140 Đại Kiếp được gọi là một "A-tăng-tỳ Đại Kiếp", tức một A-tăng-tỳ = 10140. Còn một kỷ nguyên "A-tăng-tỳ-Kiếp" thì chỉ bằng 1/4 của một "Đại Kiếp" mà thôi.

Đức Phật Thích Ca của chúng ta đã nhận được xác nhận hay thọ ký vào thời kiếp Người còn là tu sĩ Sumedha, Người đã có đại nguyện (trở thành Đức Phật Toàn Giác) dưới chân Đức Phật Nhiên Đăng (Dipankara Buddha) cách đây 4 A-tăng-tỳ Đại Kiếp và một trăm ngàn đại kiếp (4 asankheyyas kappas và 100.000 kappas).

Từ đó đến nay, đã có 11 Phật Kiếp (Buddha kappas), Phật Kiếp hiện tại là thứ 11.



VII
Hai Mươi Bốn Vị Phật
Trước Đức Phật Thích Ca



Chúng ta không nên có suy luận rằng không có Phật Kiếp nào trước thời Đức Phật Nhiên Đăng (Dipankara Buddha), hoặc sẽ không còn những vị Phật xuất hiện sau đại kiếp này. Số lượng những vị Phật xuất hiện, đến và đi trong quá khứ hoặc những vị Phật xuất hiện rồi đi trong tương lai, là không thể nào đếm được, không thể nào nghĩ bàn được, nhiều như cát sông Hằng.

Tên của 24 vị Phật xuất hiện trước thời Đức Phật Thích Ca kể từ sau thời Đức Phật Nhiên Đăng (Dipankara) và những khoảng cách thời gian giữa những vị Phật đó được ghi chép lại như sau:

Cách đây 4 A-tăng-tỳ Đại Kiếp (asankheyyas kappas) + 100.000 Đại Kiếp (kappas):

(1) Đức Phật Tanhankara

(2) Đức Phật Medhankara

(3) Đức Phật Saranankara

(4) Đức Phật Dipankara (Nhiên Đăng).

Cách đây 3 A-tăng-tỳ Đại Kiếp (asankheyyas kappas) + 100.000 Đại Kiếp (kappas):

(1) Đức Phật Kondanna

Cách đây 2 A-tăng-tỳ Đại Kiếp (asankheyyas kappas) + 100.000 Đại Kiếp (kappas):

(1) Đức Phật Mangala

(2) Đức Phật Sumana

(3) Đức Phật Revata

(4) Đức Phật Sobhita

Cách đây 1 A-tăng-tỳ Đại Kiếp (asankheyyas kappas) + 100.000 Đại Kiếp (kappas):

(1) Đức Phật Anomadassin

(2) Đức Phật Paduma

(3) Đức Phật Narada

Cách đây 100.000 Đại Kiếp (kappas):

(1) Đức Phật Padumuttara

Cách đây 30.000 Đại Kiếp (kappas):

(1) Đức Phật Sumedha

(2) Đức Phật Sujata

Cách đây 18.000 Đại Kiếp (kappas):

(1) Đức Phật Piyadassin

(2) Đức Phật Atthadassin

(3) Đức Phật Dhammadassin

Cách đây 94 Đại Kiếp (kappas):

(1) Đức Phật Siddhattha

Cách đây 92 Đại Kiếp (kappas):

(1) Đức Phật Tissa

(2) Đức Phật Phussa

Cách đây 91 Đại Kiếp (kappas):

(1) Đức Phật Vipassin

Cách đây 31 Đại Kiếp (kappas):

(1) Đức Phật Sikhin

(2) Đức Phật Vessabhu

Trong Đại Kiếp hiện tại:

(1) Đức Phật Kakusandha (Câu-Lưu-Tôn)

(2) Đức Phật Konagamana (Câu-Na-Hàm)

(3) Đức Phật Kassapa (Ca Diếp)

(4) Đức Phật Thích Ca Cồ-đàm



VIII
Tám Phẩm Chất Của Một
Vị Phật Bồ-Tát: Vị Phật Tương Lai



Đây là những đặc điểm hay phẩm chất của một vị Bồ-tát, trước khi thành một vị Phật Toàn Giác, trong giai đoạn tu hành và phát triển của một Bồ-tát, thậm chí chỉ sau khi mới nhận được lời thọ ký hay tiên tri sẽ trở thành một vị Phật tương lai, cho đến khi nào được phú cho những phẩm chất và đặc điểm sau đây (mới được gọi là một Bồ-tát:

1. Phải là một con người.

2. Phải là một nam nhân.

3. Phải hoàn thiện tất cả những điều kiện cần thiết, chẳng hạn như phải hoàn thành vượt qua những Điều Hoàn Thiện (Ba-la-mật) cần thiết để chứng đắc đạo quả A-la-hán ngay trong kiếp này.

4. Phải gặp được một vị Phật

5. Phải là một tu sĩ tin theo học thuyết Quy Luật Nghiệp Báo (Kammavadi ascetic) hoặc phải là một Tỳ Kheo trong tăng đoàn vào thời có một vị Phật

6. Phải có năng lực chứng đạt những tầng Thiền định (jhana).

7. Hành động công đức, chẳng hạn như có thể chết thay hay để bảo vệ cho một vị Phật.

8. Phải có những có ý nguyện (chanda) rất mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu, dù biết rằng mình có thể phải chịu nhiều kiếp tái sinh, ngay cả vào những cảnh giới xấu.

Chỉ có những ai được phú đầy đủ 8 phẩm chất trên đây thì mới đủ phẩm cách nhận được sự bảo đảm sẽ trở thành một vị Phật tương lai (Niyata Vivaranam). Ngay cả khi còn là một Bồ-tát, thì cũng rất hy hữu để được tiên tri trở thành một vị Phật tương lai. 

Nói về quả vị Phật thì nói về điều gì?, để giác ngộ được một quả vị Phật phải mất ít nhất 4 A-tăng-tỳ-Kiếp (asankheyya) và 100.000 ngàn kiếp (lakh of kappas) để thực hành tất cả mọi Điều Hoàn Thiện (Ba-la-mật) đến mức cao nhất, bất chấp mạng sống của mình!

▪ Tại Sao Một Vị Bồ-Tát Có Tâm Nguyện Trở Thành Một Vị Phật, trong khi một Bồ-Tát có thể dễ dàng chứng đạt Giác Ngộ cho mình?

Đó chính là vì Lòng Bi, Lòng Đại Bi (Mahakaruna) dành cho tất cả chúng sinh đang ngập chìm trong biển luân hồi.

“Là một người biết được mãnh lực của mình, thì qua sông (đáo bỉ ngạn –ND) một mình để mà làm gì?. Nếu chứng đạt được Toàn Giác (là một vị Phật), Ta có thể giúp thế gian cùng với chư thiên thần cùng qua sông”.

(Trích trong Biên Niên sử Chư Phật, I.,56).



IX
Chúa Giê-Su Có Phải
Là Một Vị Bồ-Tát không?



Đây là vấn đề hoàn toàn riêng của những người Phật Giáo, vì có một số người thường hay giả định hay quan điểm cho rằng Chúa Giê-su (Jesus Christ) là đặc điểm của một vị Bồ-tát (Bodhisatta). Và họ đưa ra những lý lẽ như sau:

1. Ngài Giê-su đã giảng dạy giáo lý của Ngài về sự nhẫn nhục, sự bất bạo động và lòng bác ái, mà những điều này hình như trái lại với quan điểm của Đức Chúa Trời theo như Kinh Cựu Ước (Old Testament).

2. Một Bồ-tát không nhất thiết phải là một Phật tử hay một người theo Phật giáo trong kiếp sống trước trước khi người ấy thành Phật ở kiếp cuối cùng.

3. Sự Hy Sinh sinh mạng của bản thân mình để cứu rỗi cho tất cả những người khác là một bằng chứng chắc chắn là một Bồ-tát (theo định nghĩa về phẩm chất của một vị Bồ-tát như đã nói trên –ND).

Để đạt được mục tiêu rốt ráo là quả vị Phật, một Bồ-tát phải thực hành viên mãn Mười Điều Hoàn Thiện (Ba-la-mật) bằng chính nỗ lực và khả năng của bản thân mình, không dựa vào bất kỳ sự giúp đỡ nào bên ngoài. Vì nếu không phải vậy, họ sẽ không đủ phẩm chất được gọi là Hoàn Thiện!

Trong kiếp sống cuối cùng của mình, một vị Bồ-tát phải nỗ lực hết sức mình để tâm cầu, chứng đạt bằng được sự Giác ngộ. Người ấy phải hạ quyết tâm và thề nguyện rằng:

“Dù cho chỉ còn là Da, gân, xương và máu đã cạn khô, Ta nhất định không đứng dậy cho đến khi nào Ta chứng đạt Giác ngộ thành Phật”.

Bằng chính nỗ lực bản thân mình, mới đạt được Giác ngộ.

Như vậy Phật giáo chủ trương tất cả mọi người, kể cả những vị Bồ-tát phải nỗ lực bằng chính bản thân mình mới có cơ hội thành đạo, chứ không dựa vào một đấng tối cao nào. Trong khi đó, học thuyết của Giê-su thì ngược lại. Điều đó cho thấy Giê-su không phải là một người tin theo "Quy Luật Nghiệp Báo", [không phải là một Kammavadi], nhưng ngài đã dạy mọi người rằng sự cứu rỗi của mỗi người là nhờ vào Ơn Huệ của Đức Chúa Trời. Điều này đã phân định rõ ràng Giê-su không phải là một vị Bồ-tát như một số người đã giả định và luận giảng!

Hiện nay, chúng ta thường gặp nhiều bài viết của nhiều tu sĩ Phật giáo cố gắng đưa song song những giáo lý Phật Pháp và những Kinh Phúc Âm của chúa Giê-su, cứ như thể đó là cùng một thông điệp từ 2 người thầy khác nhau vậy.

Mọi tôn giáo trên thế giới này đều dạy những tín đồ của mình những điều tốt đẹp, thực hiện những điều từ bi và thiện lành, tuân theo những giới hạnh đạo đức (sila). Một số tôn giáo thì dạy cho mọi người biết thực hành tại trung tâm để đạt được sự Định Tâm (samatha) để tăng trưởng sự tĩnh tâm và hạnh phúc.

Lý thuyết chung của Thiên Chúa Giáo là mọi người phải thờ phụng Chúa Trời và số phận của mọi người phụ thuộc vào ân huệ của Chúa. Điều đó không giống như giáo lý Phật giáo chủ yếu dạy rằng con người cần thực hành Bát Chánh Đạo như là con đường dẫn đến sự chứng ngộ Niết-bàn hạnh phúc và Giác Ngộ, chấm dứt đau khổ. Và mục tiêu tối thượng này cần phải được thực hiện, tu tập bằng tất cả nỗ lực của mỗi cá nhân, chứ không phải bằng những lời cầu nguyện!



X
Thời Gian Để Hoàn Thiện
Những Ba-La-Mật (Paramis)



Paramo” có nghĩa là “Cao Nhất”, thù thắng (HV) và được dùng để nói về một vị Bồ-tát (Bodhisatta), bởi vì một vị Bồ-tát là một bậc chúng sinh cao quý nhất, có được nhũng phẩm chất và đức hạnh phi thường như sự Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục…Mặc dù một vị Bồ-tát hoàn toàn có khả năng đạt được Giác Ngộ như một bậc A-la-hán trong kiếp sống này, nhưng ngài quyết định chọn con đường chứng đạt quả vị Phật Toàn Giác xuất phát từ Lòng Đại Bi dành cho mọi chúng Sinh, để cứu chúng sinh thoát khỏi biển luân hồi (Samsara). Mười phẩm hạnh mà một vị Bồ-tát đã nguyện làm và hoàn thành được gọi là Mười Điều Hoàn Thiện hay Mười Ba-la-mật (HV).

Theo những Luận giảng, khi một người đã được công nhận hay thọ ký (HV) là một vị Bồ-tát (một vị Phật tương lai), người đó phải hoàn thiện Mười Ba-la-mật (Paramis) quan trọng, đó là:

1. Bố thí hay sự hào hiệp, rộng lòng (Dana)

2. Trì giới, tức là giữ nghiêm giới hạnh (Sila)

3. Xuất gia, tức từ bỏ ràng buộc gia đình (Nekkhama)

4. Trí tuệ, hay Bát-nhã (Panna)

5. Nỗ lực, tinh tấn (Viriya)

6. Nhẫn nhục, kiên nhẫn chịu đựng (Khanti)

7. Chân thật (Sacca)

8. Quyết Tâm, Quyết Định (Adhitthana)

9. Tâm Từ, Lòng Từ (Metta)

10. Tâm Buông Xả, Tâm Xả bỏ (Upekkha)

- Để thực hành và hoàn thiện những phẩm chất này bằng việc hy sinh, đánh đổi tất cả bằng tài sản của mình, thì được gọi là những Ba-la-mật bình thường (Parami).

- Để thực hành và hoàn thiện những phẩm chất này bằng việc hy sinh chân hay tay hay những bộ phận của cơ thể mình, thì được gọi là những Ba-la-mật trung bình (Upaparami).

- Để thực hành và hoàn thiện những phẩm chất này bằng việc hy sinh cả tính mạng mình thì được gọi là những Ba-la-mật cao thượng nhất (Paramattha-Parami).

Như vậy, nếu mỗi phẩm chất được thực hành và với ba cấp độ Ba-la-mật, thì tổng cộng có tất cả 30 Hạnh Nguyện Ba-la-mật phải được thực hành và hoàn thiện.

Trong trường hợp của Đức Phật Thích Ca, khoảng thời gian tối thiểu để Người thực hành và hoàn thiện “Mười Ba-la-mật” đã là: 4 A-tăng-tỳ Đại Kiếp (asankheyyas kappas) + 100.000 đại kiếp (kappas).

=> Một lần nữa, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa “4 A-tăng-tỳ Đại Kiếp (4 asankheyyas kappas) với “4 A-tăng-tỳ-Kiếp”, vì một kỷ nguyên “A-tăng-tỳ-Kiếp” chỉ bằng 1/20 của một Đại Kiếp. Ở đây, đại kiếp đang nói là khoảng thời gian giữa thời Đức Phật Nhiên Đăng (Dipankara Buddha) và Đức Phật (Padumuttara Buddha), được gọi là một Phật Kiếp.

Những hạnh Ba-la-mật phụ thuộc vào những dạng Bồ-tát khác nhau. Điều này là bởi vì những Bồ-tát khác nhau có những mức độ thuần thục hay chín muồi khác nhau, mặc dù tất cả các ngài đều có được 8 phẩm chất bắt buộc của một vị Bồ-tát. Ba dạng của các vị Bồ-tát đó là:

(1) Pannadhika: Bồ-tát hành trì theo Trí Tuệ. Trí Tuệ Bát-nhã luôn luôn thể hiện đầy đủ trong mọi nỗ lực tu tập và vị Bồ-tát sẽ trở thành một vị Phật sau khi hoàn thiện “Mười Ba-la-mật” trong 4 A-tăng-tỳ Đại Kiếp và 100.000 đại kiếp.

(2) Saddhadhika: Bồ-tát hành trì theo Lòng Tin hay Lòng Thành tín. Lòng Tin này luôn luôn thể hiện đầy đủ trong nỗ lực tu tập và vị Bồ-tát sẽ trở thành một vị Phật sau khi hoàn thiện “Mười Ba-la-mật” trong 8 A-tăng-tỳ Đại Kiếp và 100.000 đại kiếp.

(3) Viriyadhika: Bồ-tát hành trì theo Nỗ Lực, Tinh Tấn. Sự Nỗ Lực, Tinh Tấn này luôn luôn thể hiện đầy đủ trong nỗ lực tu tập và vị Bồ-tát sẽ trở thành một vị Phật sau khi hoàn thiện “Mười Ba-la-mật” trong 16 A-tăng-tỳ Đại Kiếp và 100.000 đại kiếp.

Cách phân dạng những vị Bồ-tát này chỉ áp dụng cho hạng Bồ-tát mà thôi. Sau khi các vị Bồ-tát đã trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác rồi, tất cả các ngài đều như nhau về tất cả các mặt Trí Tuệ, Lòng Tin và Năng Lực Tinh Tấn.

Chúng ta không thể nào phân biệt hay nói rằng vị Phật nào thì thành tựu viên mãn hơn vị Phật khác về một mặt nào, vì tất cả đã trở thành những vị Phật Toàn Giác, Phật giác ngộ viên mãn.



XI
Tại Sao Có Sự Khác Nhau về
Thời Gian Hoàn Thiện Những Ba-la-mật



Khi bàn về sự khác nhau về những khoảng thời gian cần hiết để hoàn thiện những Ba-la-mật của Bồ-tát, sách Luận Giảng Kinh Pháp Cú và những tài liệu khác đưa ra ý kiến là vì đó là sự khác nhau giữa những trình độ, sự chín muồi hay cấp độ “Trưởng Thành” của những vị Bồ-tát khác nhau.

Những luận giảng trên cũng cho rằng, từ lúc nhận được sự thọ ký từ một Đức Phật, những vị Bồ-tát thường gồm có 3 dạng người như sau:

(i) Bồ-tát Ugghatittanu Bodhisatta

(ii) Bồ-tát Vipancittanu Bodhisatta

(iii) Bồ-tát Neyya Bodhisatta.

Tất cả những vị Bồ-tát này đều có khả năng giác ngộ thành bậc A-la-hán và đạt được sáu Năng Lực Siêu Nhiên hay sáu Thần Thông (Chú Giải 1)Trí Tuệ về Phân Tích (Patisambhida Nana) (Chú Giải 2), nếu họ muốn giác ngộ như một người thuộc hàng Đệ Tử của Phật. Tuy nhiên, tốc độ chứng ngộ của họ là khác nhau, tùy thuộc vào những ba dạng ‘con người’ (puggala) khác nhau (Chú Giải 3).

 Đối với Bồ-tát Uggatittanu, mức độ trưởng thành về những Ba-la-mật để dẫn đến giác ngộ của ngài là rất mạnh mẽ, những vị Bồ-tát dạng này có thể thực hành và hoàn thiện những Ba-la-mật trong 4 A-tăng-tỳ-Kiếp (asankheyyas) và 100.000 kiếp.

• Đối với Bồ-tát Vipancittanu, mức độ trưởng thành hay chín mùi về những Ba-la-mật là trung bình và các ngài phải thực hành và hoàn thiện tất cả Ba-la-mật trong 8 A-tăng-tỳ-Kiếp (asankheyyas) và 100.000 kiếp.

• Đối với Bồ-tát Neyya, mức độ trưởng thành hay chín mùi về những Ba-la-mật là còn thấp và các ngài phải thực hành và hoàn thiện tất cả Ba-la-mật trong 16 A-tăng-tỳ-Kiếp (asankheyyas) và 100.000 kiếp.

- Tóm lại:

• Bồ-tát Uggatittanu được định dạng là loại Bồ-tát Pannadhika (hành trì theo Trí Tuệ).

• Bồ-tát Vipancittanu được định dạng là loại Bồ-tát Saddhadhika (hành trì theo Lòng Thành Tín).

• Bồ-tát Neyya được định dạng là loại Bồ-tát Viriyadhika (hành trì theo nỗ Lực Tinh Tấn).



XII
Thật Hiếm Thay 
Sự Xuất Hiện Của Một Vị Phật!



Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã nói như vầy:

Kiccho manussapatilabho
Kiccham maccana jivitam
Kiccham saddhammasavanam
Kiccho buddhanam uppado

Khó thay, sanh được làm người!
Khó thay, giữ toàn mạng sống!
Khó thay, được nghe Chánh pháp!
Khó thay, thấy Phật ra đời!

(Kinh Pháp Cú – Dhammapada, Kệ số 182)

Để được sanh “làm người”, đó là những cơ hội cực kỳ hiếm có. Theo Đức Phật, số lượng chúng sinh được tái sinh làm người thì chỉ bằng những hạt bụi dính trên ngón tay, trong khi đó số lượng chúng sinh bị tái sinh vào những đường xấu, cõi khổ thì nhiều bằng cả trái đất. Ví dụ, chỉ riêng một cộng đồng một loài nhuyễn thể ít ỏi ở Biển Đông (ước tính khoảng 600 ngàn tỷ), gấp 100.000 lần. Vì vậy, số lượng chúng sinh làm người thì rất ít và hiếm hoi. Cho nên Phật mới nhìn thấy rằng được làm người thì thật là hiếm có và may mắn.

Còn đối với “mạng sống” của con người, từ lúc được sinh ra trên thế giới loài người, ngay từ trong bụng mẹ cho đến lúc cuối vòng đời, thì con người luôn luôn phụ thuộc vào yếu tố sinh tử, có nghĩa có thể chết bất kỳ lúc nào. Để giữ cho mình được sống, con người phải luôn luôn chăm sóc thân và tâm, tức là một thân người cấu tạo bằng năm Uẩn vật chất và tinh thần.

Trong Kinh Ví Dụ Về Rắn Độc (“Salayatana Samyutta”, Asivisa Vagga), Đức Phật đã so sánh 4 yếu tố Tứ Đại của con người như 4 con rắn độc. Năm Uẩn được so sánh như 5 kẻ thù hủy hoại đến tính mạng, và Tham muốn, dục vọng thì được ví dụ như một người bạn phản bội với đao kiếm trong tay chờ cơ hội chặt đầu mình. Ví dụ này dùng để minh họa về sự mong manh, sự khó khăn và sự không ổn định của một kiếp sống sinh tử.

Sau khi nghe lời khuyên bảo từ một người bạn hiền về những rủi ro, hiểm họa đó, một người có lẽ sẽ mong muốn được thoát khỏi hiểm nguy, giống như những bản năng sinh tồn hay tìm kiếm chỗ an toàn bình thường của muôn loài. Để đến được bên bờ an toàn bên kia, người ấy phải qua sông, bằng cách kết bècố sức bằng đôi tay đôi chân của mình để chèo được qua sông. Bằng cách này, người ấy qua được bờ bên kia và ở đó người ấy trở thành một bậc thánh nhân.

Ở đây, người bạn hiền đó là Đức Phật. Con sông rộng là nước lũ (ogha) liên tục cuốn chúng sinh ra biển Luân Hồi. Chiếc bè để vượt sông là con đường Bát Chánh Đạo, nhưng bản thân chiếc bè không đưa được người qua sông, mà người ấy phải nỗ lực, hết sức cố gắng chèo khéo kiên nhẫn bằng chính chân tay của mình. Sự nỗ lực ở đây là những nỗ lực, tinh tấn mạnh mẽ, nhiệt tâm và liên tục của bản thân mình trên con đường tu tập. Còn bờ bên kia (đáo bỉ ngạn) chính là Niết-bàn an lạc và bậc thánh nhân đó là ví dụ như một bậc A-la-hán đã qua bên bờ giải thoát.

Cũng rất khó để cho một người nghe được Chánh Pháp. (Bạn thử nghĩ trên đời này, có được bao nhiêu phần trăm người biết và bao nhiêu phần trăm người thật sự có hiểu biết về Chánh Pháp?- ND). Tất cả mọi tôn giáo trên đời này cũng đều khuyên dạy thực hiện những điều tốt lành, giữ giới hạnh đạo đức. Một số tôn giáo cũng chỉ dạy việc định tâm (samatha). Những giáo lý này có thể dẫn đến những cuộc sống hạnh phúc cho con người, thậm chí để được sống trên những cảnh giới của những thiên thần và trời (deva, brahma), nhưng tận cùng ý nghĩa, những cảnh giới đó chỉ kéo dài thêm vòng luân hồi của sinh tử (Samsara), vốn vẫn còn đầy đau khổ. Những giáo lý tu tiên, hưởng lạc đó chắc hẳn chúng ta đã được nghe nhiều trong những kiếp quá khứ. Tuy nhiên, chỉ cho đến kiếp này, chúng ta mới có cơ hội nghe được Giáo Pháp Đức Phật (Buddha Sasana) về bản chất thật sự của thân tâm chúng ta, nghe học được Giáo Pháp của Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ (Dhamma of Satipatthana Vipassana), mà sự thực hành giáo pháp này sẽ dần dẫn giác ngộ con đường Đạo và Trí Tuệ của Đạo Quả (Magga-phala nana) và Niết-bàn, sự chấm dứt khổ.

Cơ hội để giải thoát khỏi Khổ bằng phương pháp thực hành con đường Bát Chánh đạo thông qua Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Vipassana) chỉ có được cùng với sự xuất hiện của Đức Phật Toàn Giác. Chỉ có Phật mới có thể truyền dạy những Giáo Pháp cao diệu (Dhamma) cho những đệ tử trong Tăng Đoàn, và những Tăng sĩ bảo tồn và truyền dạy lại cho mọi người.

Hãy suy nghĩ về khoảng một thời gian vô tận và những nỗ lực phi thường của Bồ-tát để trở thành một vị Phật kể từ khi được thọ ký là Bồ-tát, để thấy được rằng “Sự xuất hiện của một vị Phật” trên thế gian là vô cùng hiếm hoivô giá đến dường nào.

Những Phật tử tốt thì luôn luôn đi nghe học giáo Pháp và những bài học về Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Vipassana). Đó là những điều thật sự may mắn cho chúng ta. Diệu Pháp của Đức Phật đã được gìn giữ qua mấy ngàn năm và được giảng dạy cho chúng ta hôm nay.

Thật ra, việc nỗ lực, không ngừng nghe học giáo Pháp và tu tập hành Thiền, để mong có ngày giác ngộ và giải thoát khỏi Luân hồi sinh tử, là cách tốt nhất để một người tỏ lòng thành kính và đền ơn Đức Phật hơn bất kỳ hình thức nào. Bởi vì Đức Phật xuất hiện trên thế gian này để thực hiện lời thệ nguyện mà Người đã thệ nguyện khi còn là một vị Bồ-tát (Bodhisatta) – Đó là: Giảng dạy giáo Pháp cao diệu cho loài người để mọi người có thể thực hành để tự giải thoát mình khỏi đau khổ trầm luân.



XIII
Tám Kiếp Sống Bất Hạnh Nhất
Trong Vòng Luân Hồi Sinh Tử



Trong Kinh Dasuttara Sutta (Kinh Thập Thượng) thuộc Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) và Luận Giảng Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) đã ghi rõ tám (8) kiếp sống thật vô cùng bất hạnh hay không may mắn vào lúc Đức Phật Toàn Giác xuất hiện trên thế gian này. 

Bất hạnh vì khi có Đức Phật xuất hiện thì những chúng sinh đó không được đang làm người để gặp Phật và/hoặc không có cơ hội để nghe được, học được Giáo Pháp của Đức Phật. Tám kiếp sống bất hạnh đó là:

1. Kiếp sống liên tục đau khổ và đày đọa trong Địa Ngục, không làm được điều gì công đức vì đang liên tục chịu những cực hình đau đớn.

2. Kiếp sống Súc Sinh, luôn luôn sợ hãi và không làm được điều gì công đức, vì không có tri giác để biết được điều gì tốt, xấu.

3. Kiếp sống Ngạ Quỷ (Peta) hay ‘hồn ma’, không thực hiện được điều gì công đức, vì luôn luôn chịu đau khổ vì đói và khát liên tục của kiếp quỷ đói.

4. Kiếp sống của Chúng sinh vô thức (asanna satta) ở cõi trời Phạm Thiên và không làm được việc gì công đức hoặc có thể nghe được giáo Pháp (Dhamma), vì không còn thức hay tri giác, ngoài sắc thân.

5. Kiếp sống của một Trời Phạm Thiên ở cõi Vô Sắc giới và không thể gặp được Đức Phật hay nghe được Giáo Pháp của Đức Phật, bởi vì những chúng sinh này không có các căn như mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.

6. Kiếp sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh không tiếp cận được Tăng Đoàn hay bất cứ một đệ tử nào của Đức Phật để được nghe giáo Pháp và vì thế cũng không thực hiện được việc công đức nào.

7. Kiếp sống của người luôn dính chấp vào Tà Kiến (cách nhìn hay quan điểm sai lầm, lạc lối). Đây có thể gọi là một kiếp sống bất hạnh nhất trong 8 kiếp sống bất hạnh đang nói. Vì sao? Vì những người này đang sống ngay giữa trung tâm thế gian này thậm chí ngay giữa “Miền Phật Giáo” (kể cả những xứ Miền Trung Bắc Ấn Độ vào thời có Đức Phật tại thế đi thuyết giảng), nhưng vì dính chấp vào tà kiến mà cũng không được nghe Giáo Pháp (Dhamma) và không làm được những việc công đức ngay lúc Đức Phật truyền dạy khắp đất nước.

8. Kiếp sống của những con người tật nguyền, hay những thiên thần, quỷ thần dị dạng trong cõi trời Tứ Đại Thiên Vương (Catumaharajika), đó là những chúng sinh mạng Thức tái sinh không có căn thiện (ahetuka), vì vậy họ không thể nào hiểu được hay thực hành Giáo Pháp Đức Phật, ngay cả khi họ đang sống giữa “Miền Phật Giáo” và không hề bị dính chấp vào Tà Kiến sai lạc. Chỉ đơn giản là trong Thức tái sinh của họ không có gốc rễ hay căn hướng thiện.



XIV
Sự Thực Hành Ba-la-mật Của Phật Duyên Giác
và Của Những Đại Đệ Tử Của Đức Phật



(I) Bốn Loại Phật (Bậc Giác Ngộ)

Tri kiến hay Trí tuệ bốn phần này hay sự thấu hiểu Bên Trong về 4 chặng con đường Đạo (Magga-nana), dù có được đi kèm với Trí Toàn Giác (Sabbannuta-nana, tiếng Anh: “Omniscience”) hay không, thì được gọi là “Giác Ngộ” hay “Trí Tuệ Bồ-Đề” (Bodhi). Trí tuệ bốn phần hay sự thấu hiểu bên trong về con đường Đạo tức là sự thấu hiểu về Tứ Diệu Đế. Sự “Giác Ngộ” thì có 3 dạng:

(1) Phật Toàn Giác hay Chánh Đẳng Chánh Giác (Samma-sambodhi):

Toàn Giác hay Giác ngộ hoàn toàn (còn gọi là Giác ngộ Viên mãn, Giác Ngộ Tối Thượng hay Chánh Đẳng Chánh Giác): bao gồm Trí tuệ Giác ngộ về con đường Đạo (Magga-nana), cùng với Trí Toàn Giác (Sabbannuta-nana). 

Sự Giác ngộ này hay quả vị Phật này chỉ chứng ngộ được bằng nỗ lực của cá nhân một người, không có sự giúp đỡ của người Thầy (đạo không Thầy, vô sư) và nhờ vào những năng lực phi thường của một người trong việc diệt trừ tất cả những dính mắc và ô nhiễm cũng như những quán tính (vasana) trong quá khứ. Một Đức Phật Giác Ngộ tối thượng được gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác.

Khoảng thời gian để hoàn thiện các hạnh nguyện Ba-la-mật tối thiểu là 4 A-tăng-tỳ-Kiếp và 100.000 kiếp.

(2) Phật Duyên Giác (Pacceka-Bodhi):

Duyên Giác hay Độc Giác. Sự Giác Ngộ này cũng bao gồm có: Trí Tuệ bên trong về con đường Đạo (Magga-nana) chứng ngộ bởi chính mình mà không cần có sự giúp đỡ của người Thầy. Một vị Phật giác ngộ như vậy được gọi là Phật Duyên Giác hay Phật Độc Giác, tức là tự Giác ngộ một mình và nhưng cũng không truyền dạy cho ai về Giáo Pháp (Dhamma). Vì vậy, vị ấy còn được gọi là bậc Giác Ngộ đơn độc, vì không có khả năng chia sẻ với người khác, tức không có giác tha. Khoảng thời gian để hoàn thiện tất cả Ba-la-mật là 2 A-tăng-tỳ-Kiếp và 100.000 kiếp.

(3) Phật Thanh Văn Giác (Savaka-Bodhi):

Thanh Văn Giác, bao gồm: Trí Tuệ giác ngộ về con đường Đạo (Magga-nana) đạt được nhờ sự hướng dẫn hay truyền dạy của một người Thầy. Một vị Phật như vậy được gọi là Phật Thanh Văn Giác, ý chỉ những bậc giác ngộ A-la-hán, đạt được sự giác ngộ với tư cách là hàng đệ Tử của Đức Phật, Giác ngộ sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp và giảng dạy. Khoảng thời gian để hoàn thành tất cả những Ba-la-mật là 1 A-tăng-tỳ-Kiếp và 100.000 kiếp đối với những Đại Đệ Tử Thứ Nhất và Thứ Hai, và là 100.000 kiếp đối với những vị Đại Đệ Tử.

(II) Phật Duyên Giác (Pacceka) hay vị Phật im lặng

Phật Duyên Giác còn được gọi là Phật Độc Giác hay Phật Bích Chi. Theo hệ thống phân cấp hay đẳng cấp của những bậc chúng sinh giác ngộ thành Phật, thì Phật Duyên Giác đứng dưới Phật Toàn Giác (Samma sambuddha) và đứng trên hàng Đệ Tử Thanh Văn (Savaka). Trong ghi chép Quyển “Illustrator of Ultimate Meaning” (Minh Họa Về Ý Nghĩa Tột Cùng), một luận giảng về Tiểu Bộ Kinh (Khuddakapatha VI, 42-43), thì một vị Phật Duyên Giác (Pacceka Buddha) được xếp cao xa hơn hàng Đệ Tử Thanh Văn và xếp dưới xa hơn một Đức Phật Toàn Giác theo mức độ phẩm chất như sau:

“Ngay cả hàng trăm đại đệ tử như ngài Xá-Lợi-Phất (Sariputta) và Mục-Kiền-Liên (Moggallana) cũng không thể sánh bằng một phần trăm những phẩm hạnh của một vị Phật Duyên Giác. Nhưng nếu đem so với một vị Phật Toàn Giác, thì tất cả chư Phật Duyên Giác ở trong cõi Diêm-Phù-Nề (Jambudipa) cộng lại cũng không thể bằng một phần những phẩm hạnh của Một Đức Phật Toàn Giác”.

Những vị Phật Duyên Giác đã tự mình giác ngộ (tự giác), tuy nhiên không khai ngộ hay không làm người khác giác ngộ (không giác tha). Họ chỉ giác ngộ về cốt lõi ý nghĩa, chứ không giác ngộ về lý tưởng hay pháp và không có khả năng tổng hợp những giáo pháp siêu phàm thành những khái niệm (thế gian) và truyền dạy cho mọi người. Vì thế, những vị Phật này được gọi là những vị “Phật im lặng”. 

Tuy nhiên, Phật Duyên Giác chứng đắc được những năng lực siêu phàm hay “thần thông” (iddhi) và các tầng thiền Định (samapatti) và có thể ảnh hưởng, khuyến khích người khác một cách gián tiếp vào con đường đạo.

Câu chuyện về Bồ-tát Sanka được ghi trong quyển “Minh Họa Về Ý Nghĩa Tột Cùng” nói trên (Illustrator VI, 129), kể về một người con trai của Bồ-tát Sanka tên Susima của một người đã đến gặp những vị Phật Duyên Giác ở gần Vườn Nai, và xin được chỉ dạy tu tập để được giác ngộ. Tất cả những việc Phật Duyên Giác làm là chấp nhận thọ giới cho anh ta và dạy cho anh ta một số giới hạnh đạo đức cơ bản, bởi vì những Phật Duyên Giác không thể chỉ dạy cho anh ta về chủ đề “Thiền”. Cuối cùng, anh ta cũng nỗ lực tu tập và cũng tự giác ngộ thành một vị Phật Duyên Giác.

Khi nói về thời gian những vị Phật Duyên Giác xuất hiện, thì những luận giảng về Kinh Tạng (Suttanipata) ghi rằng những vị Phật Duyên Giác xuất hiện không phải vì có biết đến một vị Phật Toàn Giác và cũng không biết vào những thời nào có Đức Phật Toàn Giác đản sinh.

Việc giác ngộ trở thành Phật Duyên Giác chỉ có thể thực hiện được vào những thời không có Đức Phật Toàn Giác. Nhiều vị Phật Duyên Giác có thể xuất hiện cùng một lúc hay một thời nào đó. Kinh “Isigili Sutta” thuộc Trung Bộ Kinh có ghi lại rằng có 500 vị Phật Duyên Giác từng sống trong khu hang động Núi Isigili, một trong năm dãy núi gần thành Vương Xá (Rajagaha). Mặc dù ghi chép diễn tả tất cả các vị Phật sống chung gần chỗ khu hang động đó, nhưng thực tế là họ không cùng nhau tu tập hay hướng dẫn lẫn nhau tu tập, mà tất cả đều tự mình tu tập và giác ngộ thành những vị Phật Duyên Giác (Pacceka Buddhas).

Một người có tâm nguyện trở thành một vị Phật Duyên Giác (Pacceka Buddha) thì được gọi là một Bồ-tát Duyên Giác (Pacceka Bodhisatta). Một vị Bồ-tát Duyên Giác phải có đầy đủ năm phẩm chất sau đây, đó là:

(1) Phải là một con người

(2) Phải là một nam nhân

(3) Phải gặp được một bậc giác ngộ, ví dụ một Đức Phật, một vị Phật Duyên Giác hay một A-la-hán.

(4) Hạnh nguyện phải xuất gia, từ bỏ ràng buộc gia đình.

(5) Phải có những có ý nguyện (chanda) rất mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu, dù biết rằng mình có thể phải chịu nhiều kiếp tái sinh, ngay cả vào những cảnh giới xấu.

(III) Những vị Phật Thanh Văn: Những Đệ Tử Hàng Đầu và Đại Đệ Tử của Đức Phật.

Những phẩm chất của những vị Đệ Tử Thanh Văn là: Hành động và Những Tâm Nguyện Công Đức.

 Đối với ngài Xá-Lợi-Phất (Sariputta) và Đại Mục-Kiền-Liên (Maha Moggallana), kiếp quá khứ các ngài đã có đại nguyện trở thành Đệ Tử Hàng Đầu của Đức Phật và đã được vị Phật Tổ xác nhận (thọ ký) 1 A-tăng-tỳ-Kiếp (asankheyya kappas) và 100.000 kiếp trước đó. Sau đó, họ đã hoàn thiện các hạnh Ba-la-mật và đạt được mục tiêu đại nguyện trong kiếp này sự dẫn dắt của Đức Phật Thích Ca.

• Đối với những vị Đại Đệ Tử của Đức Phật, 80 Tỳ kheo và 13 Tỳ kheo Ni, thì họ đã có hạnh nguyện trở thành những Đại Đệ Tử của Đức Phật cách đây 100.000 kiếp. Những vị có hạnh nguyện này đã được gặp mặt Đức Phật và một bậc Đại A-la-hán (Maha Arahant), những người có phẩm hạnh đáng ngưỡng mộ và đáng được noi theo. Nên những người “có hạnh nguyện” này thực hiện việc cúng dường liên tục 7 ngày với hạnh nguyện, mong ước sẽ trở thành những bậc Đại A-la-hán trong tương lai với sự có mặt của Đức Phật Toàn Giác.

Sau đó, những vị được thọ ký như một sự bảo đảm, được gọi là Niyata-byakarana, từ Đức Phật lúc bấy giờ, đó là Phật Tổ Padumuttara xuất hiện cách đây 100.000 kiếp, Người chính là Đức Phật đã tạo thọ ký cho nguồn Đại A-la-hán sau này. Sau đó, các vị này thực hành và hoàn thiện những hạnh Ba-la-mật và đạt được mục tiêu ước nguyện trong kiếp này dưới sự dẫn dắt của Đức Phật Thích Ca.



XV
Những Đại Đệ Tử Ưu Tú Của Đức Phật



Trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta II, 155), Đức Phật đã chỉ ra rằng những nhóm Tỳ Kheo đi theo từng vị Đại A-la-hán sẽ có được những phẩm chất đặc biệt của vị Đại A-la-hán đó, kiểu như “người làm gương cho người”.

Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya I, 23), chúng ta đọc thấy Đức Phật đã phân biệt, đặt danh dự cho những Đại Đệ Tử Ưu Tú (etadagga) tùy theo mỗi pháp hành trì mà họ đã có tâm nguyện thực hiện trong quá khứ. Một số phẩm chất siêu việt gắn liền với tên của những Đại đệ tử Ưu Tú, đó là:

 Sariputta (Xá-Lợi-Phất) (HV) – Đại Đệ Tử Thứ Nhất, đệ nhất trí tuệ.

• Mahamoggallana (Đại Mục-Kiền-Liên) – Đại Đệ Tử Thứ Hai, đệ nhất thần thông.

• Mahakassapa (Đại Ca-Diếp) – đệ nhất khổ hạnh hay hạnh đầu đà.

• Mahakaccayana (Đại Ca-chiên-diên) – đệ nhất bình giải (biện luận, trình bày và phân tích).

• Mahakotthita Đại (Câu-hy-la) – đệ nhất Trí Phân Biệt.

• Ananda – đệ nhất văn (nghe, nhớ nhiều nhất)

• Upali (Ưu-ba-ly) – đệ nhất Luật tạng, đệ nhất trì giới

• Punna Mantaniputta (Phú-Lâu-Na) – đệ nhất thuyết giảng Giáo Pháp (Dhamma).

• Kumara Kassapa (Cưu-ma-la Ca-Diếp) – đệ nhất thuyết giảng Vi Diệu Pháp (Abhi-dhamma).

• Revata Khadiravaniya – đệ nhất tu ẩn cư (trong rừng).

• Anuruddha (A-nại-lâu-đà) – đệ nhất thiên nhãn thông.

• Subhuti (Tu-Bồ-Đề) – đệ nhất xứng đáng được cúng dường.

• Sivali (Thi-bà-la) – đệ nhất nhận được nhiều cúng dường nhất.

• Maha Kappina (Đại Kiếp-Tân-na) – đệ nhất thuyết pháp cho chúng Tăng.

• Bahiya – đệ nhất giác ngộ thành A-la-hán nhanh nhất, người chứng quả A-la-hán ngay sau khi Đức Phật giảng vài câu một thời pháp ngắn mà ngài chưa bao giờ nghe biết trước đó.

• Rahula (La-hầu-la) – đệ nhất ham muốn tu tập, luôn luôn canh cánh về vấn đề tu tập.

Để tìm hiểu thêm về những đại đệ tử nam và nữ của Đức Phật, xin mời các bạn đọc thêm quyển sách “Chân Dung Ngòi Bút- 93 vị Đại Đệ Tử Của Đức Phật” (“Pen Portraits – Ninety Three Eminent Disciples of the Buddha”), tác giả C. de Saram[7].



XVI
Chú Giải



(Chú Giải 1):

Chữ “abhinna” là một từ kết hợp hay từ ghép của 2 từ: “abhi”= cao hơn, bậc cao và “nana”= kiến thức, trí tuệ. Vì vậy, chữ “abhinna” có nghĩa là: Trí tuệ cao hơn hay siêu trí. Sáu Siêu Trí (abhinnas) bao gồm:

(1) Những Năng Lực Thần Thông (Iddhi-vidha),

(2) Thiên Nhĩ Thông (Dibba-sota),

(3) Sự Thâm Nhập hay Đọc Được Tâm của người khác (Cittapariya nana or cetopariya),

(4) Thiên Nhãn Thông (Dibba-cakkhu),

(5) Sự Nhìn Thấy Được Những Kiếp Quá Khứ (Pubbenivasanussati) hay Túc Mạng Thông (HV)

(6) Sự Tiêu Diệt Hết Tất Cả Ô Nhiễm và Bất Tịnh (Asavakkhaya) hay Lậu Tận Thông (HV).

Năm siêu trí đầu là thuộc về thế gian và có thể đạt được bằng những phương pháp “Thiền Định” thâm sâu, tĩnh tại (Samatha), trong khi đó siêu trí cuối cùng là Trí xuất thế gian, siêu phàm, và chỉ có thể đạt được bằng “Thiền Minh Sát” (Vipassana) với sự thâm nhập trí tuệ từ bên trong.

(Chú Giải 2):

Patisambhida nana” có nghĩa là Kiến thức hay Trí Tuệ Phân Biệt hay Phân Tích. (HV: Vô Ngại Giải). Có 4 loại Phân Biệt (phân tích), đó là:

(a) Attha-patisambhida = Phân Biệt về Nghĩa. Nghĩa ở đây là Quả của Nhân (hetu), đặc biệt phân tích về 5 pháp sau đây:

(i) Mọi pháp hữu vi, do điều kiện, nhân duyên tạo ra,

(ii) Niết-bàn (nibbana),

(iii) Nghĩa của những lời nói,

(iv) Quả của Nghiệp (kamma) hay nghiệp quả,

(v) Thức chức năng.

Sự hiểu biết (phân biệt) những khác nhau về nghĩa, ví dụ như những từ: khổ, quyết tâm, nỗ lực, sự không xao lãng, chính là sự không phân biệt hay phân tích về nghĩa vậy.

(b) Dhamma-patisambhida = Phân biệt về Pháp (quy luật, chân lý). Pháp ở đây dùng để chỉ điều kiện hay duyên (paccaya). Vì điều kiện hay duyên là cần thiết để một sự vật hay hiện tượng khởi sinh hay xảy ra, nên nó được gọi là pháp (dhamma, theo nghĩa là quy luật, tác nhân – ND):

(i) Bất kỳ nhân nào tạo ra quả,

(ii) Bát Chánh Đạo,

(iii) Những gì được nói ra,

(iv) Những gì lợi lạc,

(v) Những gì không lợi lạc.

Sự hiểu biết (phân biệt) về những khác nhau về Pháp (quy luật, chân lý), ví dụ như: Dục vọng, tín căn, tinh tấn căn, định căn, chính là sự phân biệt về Pháp vậy.

(c) Nirutti-patisambhida = Phân Biệt về Ngôn Ngữ: Đây là trí tuệ biểu thị bằng ngôn ngữ đối với nghĩa và Pháp.

Sự hiểu biết (phân biệt) về những khác nhau về ngôn ngữ được dùng trong bốn ví dụ về nghĩa, và bốn ví dụ về Pháp trên đây, chính là sự phân biệt về ngôn ngữ vậy.

(d) Patibhana-patisambhida = Phân Biệt về tính minh bạch (rõ ràng, thông suốt): Trong những ví dụ nêu trên, có sự minh bạch hay rõ ràng về Sự hiểu biết 4 loại nghĩa, sự rõ ràng về Sự hiểu biết 4 loại pháp (quy luật chân lý), và sự rõ ràng về Sự hiểu biết về 8 loại ngôn ngữ (để biểu thị 8 ví dụ trên)

Sự hiểu biết khác nhau về sự minh bạch, sự rõ ràng, chính là trí tuệ phân biệt về sự minh bạch, rõ ràng.

(Tham khảo: “Thanh Tịnh Đạo” (Visuddhimagga), Chương XIV, 21 và “Con Đường Phân Biệt” hay “Phân Tích Đạo” (Patisambhidamagga), Chương XXV-XXVIII, cả 2 Bộ Kinh Điển này đều được dịch ra tiếng Anh bởi ngài Bhikkhu Nanamoli lỗi lạc).

(Chú Giải 3):

Theo Bộ “Puggala-Pannatti” (Sách Định Loại Con Người hay (HV): Nhân Thi Thuyết Luận), Chương IV, 5; và theo “Tăng Chi Bộ Kinh” (Anguttara), Quyển Bốn, Kinh 133, thì những chúng sinh thật may mắn nghe, biết được Phật Pháp (Buddha Sasana) hay có được vận duyên thiên mạng, có thể được xếp vào 4 dạng người như sau, đó là:

a) Ugghatitannu: Người có thể hiểu biết được giáo thuyết ngay khi được nói ra, tức là nhanh trí. Ví dụ như người có trí tuệ siêu xuất là ngài Xá-Lợi-Phất (Sariputta) có thể chứng đắc tầng Thánh quả thứ nhất là ngay sau khi nghe 2 câu trong một bài kệ 4 câu do ngài Assaji nói ra, và ngài Mục-Kiền-Liên (Maha Moggalana) cũng chứng đắc ngay Thánh quả thứ nhất này ngay sau khi toàn bộ bài kệ 4 câu đó được lặp lại bởi ngài Xá-Lợi-Phất. 

Còn Ngài Bahiya Daruciriya, như vừa nói ở phần trên, có thể chứng đắc Thánh quả A-la-hán cao nhất ngay sau khi nghe Đức Phật nói vài câu thuyết giảng nhanh chóng, và ngài được gọi là đệ nhất về trí giác ngộ thành A-la-hán trong thời gian ngắn nhất.

b) Vipancitannu: Người có thể hiểu biết giáo thuyết sau khi đã học, đã được giảng giải mọi ý nghĩa của giáo thuyết đó. Những người này có thể Giác ngộ giáo pháp sau khi nghe một hay nhiều thời pháp giảng giải chi tiết hay thuyết giảng đầy đủ.

c) Neyya: Người có thể hiểu biết giáo thuyết đó được nghe, tụng đọc nhiều lần, do tham vấn để được giảng giải, có thành tâm, ý chí học hỏi và tu tập. Loại người này phải có vị thầy hướng dẫn, chỉ dạy thì sẽ Giác ngộ được giáo pháp.

d) Padaparama: Loại người này, mặc dầu được gặp giáo huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) và mặc dầu đã tận lực học hỏi và thực hành Giáo Pháp, tụng đọc, thuộc lòng, nhưng vẫn không hiểu biết rõ, vẫn không thể giác ngộ Đạo và Quả trong kiếp sống này. Tất cả những gì người này có thể làm được chỉ là tạo cho mình một thói quen hay tập khí tốt (vàsanà) cho kiếp này và kiếp sau.

▪ Ghi nhớ:

Theo “Vi Diệu Pháp Tạng” (Abhidhamma), 3 loại người đầu tiên là những người được sinh ra với 3 thiện căn (tihetuka) là: Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, trong khi đó loại người thứ tư cuối cùng thì được sinh ra chỉ với 2 thiện căn (dvihetuka) là: Vô Tham và Vô Sân, nhưng thiếu một căn về trí tuệ là căn Vô Si, nên còn u mê, thiểu trí.





XVII
Sách và Tài Liệu Tham Khảo

1. “Niyama Dipani” (Cẩm Nang Về Trật Tự Vũ Trụ, trong quyển Cẩm Nang Phật Học), tác giả Đại Trưởng lão Mahathera Ledi Sayadaw, Aggamahapandita.

2. “The Great Chronicle of Buddhas” (Đại Biên Niên Sử Chư Phật), Tập 1, Phần 1, tác giả Hòa Thượng Thiền Sư Mingun Sayadaw Bhaddanta Vicittasarabhivamsa.

3. “Từ Điển Tiếng Pali”, tác giả Robert Caesar Childers. Tái Bản bởi nxb Motilal Banarsidass, Delhi.

4. “Tăng Chi Bộ Kinh” (Anguttara Nikaya), Tập I. Bản dịch của F. L. Woodward, xb bởi Hội Kinh Điển Pali (PTS), London 1979.

5. “Phật Duyên Giác: Một Tu Sĩ Khổ Hạnh Phật Giáo”, tác giả Ria Kloppenborg. Ấn bản “The Wheel Publication No. 305/306/307”.

6. “Trình Bày Ý Nghĩa Tột Cùng (Paramatthajotika) – Luận Giảng Về Tiểu Bộ Kinh (Khuddakapatha)”, tác giả Bhandantacariya Buddhaghosa. Bản dịch từ tiếng Pali qua tiếng Anh của ngài Bhikkhu Nanamoli. Xb bởi Hội Kinh Điển Pali (PTS), 1978.

7. “Pen Portraits – Ninety Three Eminent Disciples of the Buddha” (Chân Dung Ngòi Bút– 93 vị Đại Đệ Tử Của Đức Phật), tác giả C. de Saram. Xb bởi Trung Tâm Thiền Phật Giáo Singapore. Tái bản bởi Hội Phật Giáo Subang (Subang Jaya Buddhist Association), 2001.

8. “The Path of Purification” (Visuddhimagga) (Con Đường Thanh Lọc hay Thanh Tịnh Đạo). Bản dịch từ tiếng Pali qua tiếng Anh của ngài Bhikkhu Nanamoli. Xb bởi Hội Phật Giáo Tích Lan (Buddhist Publication Society, Sri Lanka).

9. “The Path of Discrimination” (Patisambhidamagga) (Con Đường Phân Biệt hay Phân Tích Đạo). Bản dịch từ tiếng Pali qua tiếng Anh của ngài Bhikkhu Nanamoli. Xb bởi Hội Kinh Điển Pali (PTS), 1982.


[1] yojana còn được gọi là một Do-tuần (HV) = 8 dặm Anh = khoảng 12.875 Km.

[2] Những ví dụ trên đây là đại ý trong bài Kinh nói trên, chứ không phải trích nguyên lời kinh Đức Phật đã nói.

Trích từ cuốn GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC do cư sĩ LÊ KIM KHA
dịch từ cuốn BUDDHISM COURSE của CHAN KHOON SAN











Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.