Chuyển đến nội dung chính

GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC - Phần III - LÝ DUYÊN KHỞI (Paticca Samuppada)

Phần III
LÝ DUYÊN KHỞI
(Paticca Samuppada)

Phần III - LÝ DUYÊN KHỞI (Paticca Samuppada) - GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC - Đạo Phật Nguyên Thủy


NỘI DUNG

1. Quy Luật Duyên Khởi Là Gì?
2. Luật Duyên Khởi Vận Hành Như Thế Nào?
3. Câu Hỏi Về Nguyên Nhân Đầu Tiên?
4. Duyên Khởi Là Khác Với Nguyên Nhân Trực Tiếp
5. Duyên Khởi Giải Thích Về Nguồn Gốc Khổ
6. Chiều Ngược Lại Hay Chiều Hoàn Diệt Của Lý Duyên Khởi Giải Thích Về Sự Chấm Dứt Khổ.
7. Lý Duyên Khởi Siêu Thế (Lokuttara Paticca Samuppada)
8. Ngọn Lửa Đi Về Đâu Sau Khi Tắt?
9. Chú Giải
10. Sách và Tài Liệu Tham Khảo



I
Quy Luật Duyên Khởi Là Gì?


Còn gọi là Quy Luật Duyên Khởi, vì đó là lý thuyết về quy luật tự nhiên, quy luật không thuộc về của riêng ai.

Còn gọi là “Lý Thuyết Tùy Thuộc Phát Sinh” (tiếng Anh dịch: Dependent Origination), có nghĩa là mỗi một sự vật hay hiện tượng khởi sinh đều có nhân gây ra, tạo duyên hay điều kiện. Tùy thuộc vào các nguyên nhân mà một hiện tượng khởi sinh.

Còn gọi là Lý hay Lý thuyết Duyên Sanh, hay Thập Nhị (12) Nhân Duyên, vì trong thuyết này có 12 yếu tố giáp vòng, vừa là nhân cũng vừa là duyên của nhau (nếu tính “Vô Minh” là một đơn vị nhân duyên- ND).

Ở đây, chúng ta dùng tên phổ biến là “Lý Thuyết Duyên Khởi” hay “Lý Duyên Khởi”.

Theo quy luật này, mọi hiện tượng đều mang nguồn gốc của một hiện tượng khác trước nó. Quy luật này có thể được diễn tả một cách vắn tắt, nôm na là: “Vì có/ tùy thuộc vào cái này, nên có cái kia”. Một ví dụ đơn giản về luật Duyên Khởi trong tự nhiên như sau:

Vì có mây nên trời mưa.
Vì trời đã mưa, nên đường trở nên trơn ướt.
Vì đường trơn ướt, nên người đi bị ngã.
Vì người đó bị ngã nên người đó bị thương.
Ở đây mưa tùy thuộc, là do có mây trên trời.
Đường trở nên trơn ướt là do trời mưa xuống.
Sự té ngã của một người là do đường bị trơn ướt.
Sự bị thương của người đó là do sự té ngã.

Ngược lại:

Nếu không có mây trên trời, thì có lẽ đã không có mưa.
Rồi nếu không có mưa, thì đường có lẽ đã không bị trơn ướt.
Rồi nếu đường không bị trơn ướt, thì người đó không té ngã.
Và nếu không bị té ngã, thì người đó đã không bị thương.



II
Luật Duyên Khởi Vận Hành Như Thế Nào?


Trong chuỗi sự kiện xảy ra, chúng ta thấy rằng một sự kiện tùy thuộc vào, là do một sự kiện trước đó xảy ra và tác động làm cho nó khởi sinh; và sau khi khởi sinh, nó lại tác động làm cho sự kiện sau xảy ra. Mỗi hiện tượng tự nhiên xảy ra trên thế gian này có thể được dựa vào một chuỗi tùy thuộc hay phụ thuộc lẫn nhau (tức là không bao giờ xảy ra một cách độc lập). Không có cái gì khởi sinh mà không có nguồn gốc hay nguyên nhân ban đầu của một sự kiện xảy ra trước nó. Sâu hơn, nếu không có một sự kiện xảy ra trước đó tác động hay làm điều kiện cho sự kiện này khởi sinh hay xảy ra, thì sự kiện này cũng không thể xảy ra, và để đến lượt nó tác động hay làm điều kiện cho một sự kiện sau nó xảy ra. Và cũng như vậy, quá trình cứ diễn ra liên tục.

Mọi hiện tượng, sự vật đều có thể được truy nguyên nguồn gốc nơi mà nó khởi sinh theo chiều từ dưới lên và mọi hiện tượng, sự vật cũng đều có thể truy tìm ra hiện tượng, sự kiện khác vì nó, tùy thuộc vào nó mà khởi sinh, theo chiều từ trên xuống.

Nói tóm lại, mọi sự vật hiện tượng xảy ra đều có thể được truy tìm lại nguồn gốc hay nhân của nó trước nó và cũng có thể truy ra hiện tượng sự vật khác là quả khởi sinh ra sau nó do tác động, do duyên của nó.



III
Câu Hỏi về Nguyên Nhân Đầu Tiên


Ở đây, sự nghi vấn có thể được đặt ra là: “Cái gì là nguyên nhân đầu tiên hay đến khi nào hay chỗ nào là nơi nguyên nhân kết thúc?”

Vào thời nguyên thủy, mọi người đều quan sát thấy những điều kỳ lạ xảy ra trong tự nhiên và luôn tò mò đi tìm những lời giải thích thỏa mãn. Tuy nhiên, vì không biết đến Quy Luật Duyên Khởi và vì sợ sệt những thế lực siêu nhiên, siêu thần, nên lẽ (cũng) tự nhiên là họ đã cố gắng giải thích bằng những niềm tin tín ngưỡng vào những vị thần hay nữ thần. Người nguyên thủy tin rằng khi gió nổi lên là vì thần Gió đang giao duyên hay đang chuẩn bị cưới bạn tình. Nếu khoa học chấp nhận kiểu giải thích này và không truy tìm nguyên nhân theo như Luật Duyên Khởi, thì chúng ta chắc đã không biết được gió hay bão (tức là sự chuyển động của không khí) chỉ là do sự chênh lệch về áp suất không khí ở những nơi khác nhau mà thôi.

Những sự giải thích về mê tín hay mang tính hữu thần vốn đã đặt dấu chấm hết cho những câu hỏi hay sự truy tìm một cách khoa học và tự do vào thời nguyên thuỷ. Bởi vì, (lại cũng là nguyên nhân theo lẽ tự nhiên!) lúc đó người ta không còn có thể hỏi được, ai tạo ra Thần Gió hay tùy thuộc vào cái gì hay do đâu mà có thần Gió. Ở đây, có nghĩa là câu hỏi này đã tuyệt đối ở quá xa phía trước của tri thức thời đó. (Ý nói rằng, vào thời đó, tri thức hữu thần đã không theo kịp với lý Duyên Khởi khoa học rồi, thì làm sao có được tri thức để mà giải thích được nguyên nhân ban đầu là ai tạo ra Thần Gió –ND).

Ngay cả Lý Duyên Khởi là một quy luật khoa học, (chắc chắn đã và đang được áp dụng trong tất cả suy luận hay nghiên cứu về khoa học và kỹ thuật trên thế gian này –ND), cũng không đặt vấn đề về “nguyên nhân đầu tiên”, bởi vì những ý niệm về cái “nguyên nhân đầu tiên” đã có nghĩa là chấm hết, tức đã hỏi vậy thì không còn những suy luận tiến bộ hay tiến xa hơn nữa vào việc khám phá quy luật tự nhiên rồi. (Bởi vì, nếu cứ truy ngược và hỏi, thì mãi mãi không bao giờ tìm thấy nguyên nhân đầu tiên, vì sự khởi thủy của một nguyên nhân đầu tiên là một vấn đề không phải dễ dàng thấy được, dù quy luật đó là khoa học –ND).

Về vấn đề nguồn gốc khởi thủy của một chúng sinh, Đức Phật đã nói rằng:

“Này các Tỳ kheo, khởi thủy của vòng luân hồi là không nghĩ bàn được, sự khởi thủy của chúng sinh là không thể nào nhìn thấy được, chúng sinh bị che mờ bởi vô minh và mê đắm (dính chấp) vào dục vọng, càng lúc càng ra vào, trôi giạt rất xa trong vòng luân hồi sinh tử”.

=> Xem thêm quyển “Những Điều Phật Đã Dạy”, (Chương 2, trang 74), Tiến sĩ HT. W. Rahula đã trích dịch lời Phật nói về vấn đề này như sau:

“Này các Tỳ kheo, vòng luân hồi (Samsàra) không có kết thúc rõ rệt (không có thể nhìn thấy hay nhận biết được- ND), và sự bắt đầu sự sống (khởi thủy) của chúng sinh lang thang, vào ra, lăn lộn trong Vô Minh (avijja) và trói buộc bởi Dục vọng (tanhà) là điều không thể nhận thấy được”.

(Thiết nghĩ đây cũng là một cách nói tương tự. Có lẽ vì cách dịch từ kinh điển nguyên thủy của mỗi ngài mỗi khác, nhưng ý nghĩa là hoàn toàn giống nhau – ND).



IV
Lý Duyên Khởi Là Khác Với Nguyên Nhân Trực Tiếp


Quy luật tác nhân được hiểu bởi nhà triết học và những người khác thì nguyên nhân và kết quả (nhân và quả) là hai sự việc khác biệt nhau, cái này sản sinh ra cái kia. Theo lý Duyên Khởi, hai sự kiện không nên được xem là hai cái hoàn toàn khác biệt với nhau, bởi vì giữa chúng có một mắc nối liên hệ với nhau trong cùng một quá trình, không có sự tách biệt hay sự ngăn cách giữa chúng. Trên thế gian, không bao giờ có một sự việc tồn tại độc lập một cách đơn lẻ, cô lập. Một nguyên nhân hay một tác nhân tự bản thân nó không thể đứng một mình.

Ví dụ:

Đất sét là nguyên nhân làm ra cái bình, như những nhà triết học thời Trung Cổ đã giả định. Đúng vậy, đất sét là cần thiết để làm ra cái bình, nhưng bản thân một mình đất sét thì không đủ để làm ra cái bình. Nếu không có nước (để nhào nặn), không có bàn xoay, thì không làm ra cái bình được. Không có ý định làm cái bình thì ngay cả có đủ những điều kiện cần nói trên cũng không có cái bình. Tất cả những yếu tố trên đều phải có đủ mới làm ra được cái bình. Nếu có một yếu tố nào không có, thì chắc chắn sẽ không có cái bình được làm ra. Vì vậy, sẽ không chính xác khi nói rằng đất sét là nguyên nhân làm ra cái bình. Dù có một cánh đồng đất sét ngoài kia, nhưng không liên quan gì đến sự ra đời của những cái bình. Người ta thậm chí phải đưa thêm rất nhiều yếu tố tác nhân khác mới làm ra gạch, ngói, vách nhà…Cách diễn đạt chính xác nhất là: “Nhờ vào (tùy thuộc vào, nhờ có, do có) đất sét, cái bình được làm ra”.

Vì vậy, đây là cách giải thích mọi hiện tượng một cách khoa học và mang tính lý lẽ theo lý của Quy Luật Duyên Khởi.

(Mở rộng thêm một chút, ngay cả đã đủ các yếu tố tác nhân là đất sét, nước, bàn xoay… và cả ý định làm cái bình, nhưng trong một quá trình phức hợp, chưa chắc đã làm ra được cái bình. Ví dụ, trong có vẻ hài hước nhưng hoàn toàn có thể xảy ra, trục bàn xoay bị ẩm ướt do thời tiết và tạo ma sát thường xuyên làm ảnh hưởng đến tốc độ vòng tua của bàn xoay, người thợ cuối cùng không thể làm ra cái bình cao để cắm hoa, mà chỉ có thể làm ra cái chén thấp. Nếu trục bàn xoay bình thường, thuận duyên, thì cái bình đã được làm ra. Nhưng trục bàn xoay bỗng nhiên không được bình thường, nghịch duyên, nên chỉ có thể làm ra cái chén. Điều kiện trục bàn xoay là nghịch duyên đối với cái bình và lại là thuận duyên đối với cái chén, mặc dù ý chí của người thực hiện là làm ra cái bình.

Cũng với lý nhân duyên này mà một người trên bước đường tu tập gặp phải những nghịch duyên, chướng duyên làm cho mục tiêu không thể đạt được, nếu hiểu được quy luật tự nhiên này thì không thoái chí hay nản lòng, mà nên quán chiếu thêm về nhân duyên hay nghiệp báo –ND).



V
Lý Duyên Khởi giải thích về Nguồn Gốc Khổ


Trong tất cả những giáo lý Phật giáo, không có vấn đề nào dễ bị ngộ nhận, hiểu lầm bằng nhiều diễn dịch mâu thuẫn và vô lý, hơn là thuyết Duyên Khởi. Trong nhiều trường hợp, người ta đã cố dùng Lý Duyên Khởi được để lý giải sự bắt đầu, sự khởi thủy của tất cả sự vật, và do người ta đã ‘thấy’ chỗ “Vô Minh” được xếp hàng như là “nguyên nhân đầu tiên” và bắt đầu từ đó theo dòng thời gian, tất cả sự sống tâm thức và vật chất (danh và sắc) được tiến hóa, tiến triển ra. Mặc dù Đức Phật đã dạy đi dạy lại một cách nhất quán rằng sự khởi thủy của sự sống (sự hiện hữu) là một điều không thể nghĩ bàn, tất cả những suy đoán đó có thể làm người đời điên khùng; và làm sao, với tri thức thế tục, họ có thể thấy được thời điểm nào là lúc chưa có Vô Minh và Dục Vọng.

* Đức Phật đã giảng lý Duyên Khởi để làm gì?

Để cho con người thấy được những nguyên nhân và những điều kiện (nhân và duyên) tạo ra Khổ ngay hiện tại và tương lai, liên tục. Chỉ có bằng cách dùng lý Duyên Khởi để biết được nguồn gốc và nguyên nhân của Khổ thì mới hy vọng diệt khổ được. Đức Phật đã thiền quán về sự chết, già và khổ khi Người truy nguyên ngược dòng theo chuỗi sự kiện của vòng Duyên Khởi.

- “Công thức” truyền thống của vòng Duyên Khởi được trình bày như sau (xem thêm Chú Giải 1 ở cuối chương này):

1. Vô Minh làm khởi sinh Hành.
2. Hành làm khởi sinh Thức.
3. Thức làm khởi sinh Yếu tố Vật Chất và Tinh Thần (Danh Sắc).
4. Yếu tố Vật Chất và Tinh Thần (Danh Sắc) làm khởi sinh Sáu Cơ Sở Tiếp Xúc (Lục Nhập).
5. Sáu Cơ Sở Tiếp Xúc làm khởi sinh Tiếp Xúc.
6. Tiếp Xúc làm khởi sinh Cảm Giác.
7. Cảm Giác làm khởi sinh Tham Muốn (Dục Vọng).
8. Dục Vọng làm khởi sinh Dính Chấp.
9. Dính Chấp làm khởi sinh Sự Trở Thành (hay Sự Hiện Thành hay Nghiệp Hữu).
10. Sự Trở Thành làm khởi sinh sự Tái Sinh.
11. Sinh làm khởi sinh Già-Chết.

- Nguyên bản tiếng Pali là:


1. Avijja paccaya sankhara.

2. Sankhara paccaya vinnanam.

3. Vinnana paccaya Nama-rupam.

4. Nama-rupa paccaya Salayatanam.
5. Salayatana paccaya Phasso.
6. Phassa paccaya Vedana.
7. Vedana paccaya Tanha.
8. Tanha paccaya Upadanam.
9. Upadana paccaya Bhavo).
10. Bhava paccaya Jati.
11. Jati paccaya Jara-maranam.

Bây giờ ta sẽ bắt đầu tìm hiểu từng chặng của vòng duyên khởi này.

(1). Già và Chết tùy thuộc vào nhân gì mà khởi sinh?

Tức là do đâu mà có già và chết? Già và chết tùy thuộc vào và do Tái Sinh mà xảy ra. Sau khi một người được sinh ra (jati), già (jara), chết (marana) sẽ theo sau như một trình tự tự nhiên bắt buộc. Điều này diễn ra là vì có một thực tại tột cùng, một chân lý tột cùng, đó là: “Có những bản chất khởi sinh (uppada), tồn tại (thiti) thì có hoại diệt (bhanga)”. Nói cách khác: “Cái gì có sinh là có diệt”

Sau khi khởi sinh, tồn tại và hoại diệt, thì chắc chắn một chu kỳ mới sẽ khởi sinh: khởi sinh là Sinh ra, tồn tại là (tăng trưởng và) Già đi và hoại diệt là Chết. Vì vậy, như ai cũng biết rõ, sau khi sinh ra thì chắc chắn sẽ dẫn đến Già và Chết (Sinh, Lão, Tử không thể tránh được).

Những sự kiện trong những chu kỳ hay vòng đời trên đây là những tác nhân ban đầu của một sự tái sinh mới. Và vì có tái sinh, nên theo sau là có buồn đau (soka), rầu rĩ, than khóc (parideva), đau đớn, đau khổ (dukkha), phiền não (domanassa) và thất vọng, chán chường, bất toại nguyện (upayasa) cũng khởi sinh theo. 

Năm dạng “khổ” này không phải là những hệ quả đầu tiên (hay hệ quả chính) không thể tránh được của sự tái sinh mới nói trên. Mà chúng là những hệ quả thứ cấp, không phải là hệ quả tất yếu hay chính yếu của nhân tái sinh đó, và chúng có thể khởi sinh hay không khởi sinh tùy thuộc vào những điều kiện (duyên) khác nhau nữa. 

Năm dạng “khổ” thứ cấp này không có mặt trong những chúng sinh thuộc trời, thần (tức cõi Phạm Thiên, nơi đó không có những dạng khổ ‘thế gian’ như buồn đau (soka), than khóc (parideva), đau đớn (dukkha), phiền não…); và cũng có thể không có mặt trong phôi thai chết trong buồng trứng hay trong một trứng.

(2). Tái Sinh tùy thuộc vào Nhân gì mà khởi sinh?

Tức là do đâu mà có Tái Sinh? Tái Sinh tùy thuộc vào và do sự “Trở Thành” (có thể gọi là “Hình Thành” hay “Hiện Thành”) mà có. Quá trình “Trở Thành” hay “hiện hành” bao gồm vào 2 dạng:

(1) Quá Trình do Nghiệp – (kamma-bhava: nghiệp hữu, mang nghiệp) là mặt chủ động của sự hiện hữu, sự sống; Nghiệp là động lực dẫn dắt tạo ra tái sanh trong các cảnh giới luân hồi. Nghiệp là những hành động có tác ý, từ nghiệp tạo thành sức mạnh của nghiệp hay còn gọi là nghiệp lực.

(2) Quá Trình Tái Sinh – (uppatti-bhava), là mặt thụ động, mặt “nghiệp-quả” của sự hiện hữu, sự sống.

Sự “Trở Thành” có nghĩa sự hữu nghiệp, sự mang nghiệp, quá trình Nghiệp tạo điều kiện, làm duyên cho sự tái sinh. Từ nghiệp mà dẫn đến tái sinh, có nghĩa là chừng nào còn tạo nghiệp, còn mang nghiệp là còn dẫn đến tái sinh. Nói cách khác, không có nghiệp dẫn là không có tái sinh (ND).

Đức Phật đã từng dạy:

(1) Những hành động xấu (nghiệp bất thiện) dẫn đến tái sinh vào những tình trạng xấu (khổ đau);

(2) Những hành động tốt (nghiệp thiện) dẫn đến tái sinh vào những tình trạng hay cảnh giới hạnh phúc, về vật chất và tinh thần;

(3) Những hành động điềm tĩnh, bất động (nghiệp bất động) (anenjhabi) sẽ dẫn đến tái sinh vào cảnh giới vô sắc.

Theo Đức Phật, tất cả chúng sinh đều mang nghiệp (kamma) của mình. Mặc dù những hành động tạo tác (tức “Hành”) luôn luôn xuất hiện trong từng hành động, lời nói và ý nghĩ. 

Trong trường hợp một A-la-hán thì những hành động tạo tác đó không bị đi kèm bởi dục vọng trong mỗi sát-na tạo tác, thúc đẩy, và nó hoàn toàn biến mất, không để lại dấu vết và không còn bị chuyển thành/vào nghiệp (kamma). Vì vậy, không có nghiệp thúc đẩy tái sinh đối với những vị A-la-hán.

Vậy là, theo nghĩa trên, ta càng hiểu ra một điều quan trọng rằng nghiệp-hữu (kamma-bhava) hay sự mang nghiệp chính là điều kiện, là “duyên” thúc đẩy, làm ra tái sinh. Trong suốt những chu kỳ hay những vòng luân hồi tái sinh, không có một cái “Tôi” hay “Bản ngã” hay “linh hồn” nào được nhận thấy, ngoại trừ hiện tượng sinh, già, chết tùy theo điều kiện (sinh diệt tùy duyên).

(3). Quá Trình Trở Thành hay Nghiệp Hữu (Kamma Bhava) tùy thuộc vào nhân gì?

Tức là do đâu mà có Quá Trình Trở Thành? Quá Trình Trở Thành hay Nghiệp Hữu thì tùy thuộc vào và do sự Dính Chấp mà có. Tất cả chúng sinh, ngoại trừ A-la-hán, đều dính mắc, dính chấp vào sự hiện hữu (sự sống) và những dục lạc (khoái lạc giác quan). 

Có 4 loại Dính Chấp (Upadana), đó là:

(1) Dính mắc vào dục lạc (kamupadana),

(2) Dính chấp vào quan điểm sai lạc hay tà kiến (ditthupadana),

(3) Dính mắc vào những hủ tục, phong tục, nghi lễ thờ cúng (silabbatupadana).

(4) Dính chấp vào niềm tin vào một “bản ngã” hay ngã chấp (attupadana).

Sự Dính Chấp không thể làm điều kiện, là duyên trực tiếp cho quá trình tái sinh. Nó chỉ làm điều kiện, làm duyên cho quá trình tạo nghiệp mới, quá trình “trở thành”. Khi một người bị dính chấp vào một điều gì bám chắc hay ăn sâu từ lâu, thì người đó thường hành động cách này hay cách khác để giữ chặt điều đó hay đối tượng đó. Và bằng cách hành động như vậy, quá trình tạo nghiệp mới, tức quá trình “trở thành” hay “hiện thành” đã xảy ra hay đã được thực hiện.

(4). Sự Dính Chấp (Upadana) tùy thuộc vào nhân gì?

Tức là do đâu mà có Sự Dính Chấp? Sự Dính Chấp thì tùy thuộc vào và do Dục Vọng (Tanha) mà có. Có 3 loại dục vọng, đó là:

(1) Dục vọng Khoái lạc Giác quan hay Nhục dục,

(2) Dục vọng Được Liên Tục Hiện Hữu, và

(3) Dục vọng Vì Không Được Liên Tục Hiện Hữu.

● Loại dục vọng đầu tiên (1) là nhục dục (kama-tanha) được gắn liền với 6 đối tượng của giác quan.

(Loại dục vọng căn nguyên, cơ bản này đều có trong tất cả chúng sinh, làm mê đắm và dính mắc chúng sinh từ vô thủy vô chung. Nó được xem như là lý do để sống, là lẽ sống. Nhưng thật ra chính nó tạo nghiệp mỗi khi (và kéo theo) tái sinh, luân hồi sinh tử. Vì vậy, chỉ cần diệt sạch những dục vọng khoái lạc giác quan này, thì sẽ dừng tái sinh, luân hồi, như những bậc A-la-hán đã làm được. Đó là công thức mục tiêu giải thoát của Phật Giáo - ND).

● Dục vọng thứ hai (2) là dục vọng (được liên tục) hiện hữu (bhava-tanha): cũng chính là loại “Nhục dục” thứ nhất, nhưng đi kèm với quan điểm về một “bản ngã”, quan điểm cho rằng có “một linh hồn” thường hằng, bất diệt trong kiếp này và chuyển qua kiếp khác.

(Loại dục vọng này thúc đẩy con người cố tạo nhiều và hưởng thụ nhiều khoái lạc giác quan hay dục lạc trong kiếp này; và rất nhiều ý chí cố tạo được nhiều dục lạc, cảnh giới sung sướng cho cả kiếp sau, theo tư tưởng, ý chí của kiếp này - ND).

● Và thứ ba (3) là dục vọng vì không được liên tục hiện hữu (vibhava-tanha) trong viễn cảnh sau khi chết: Loại này cũng chứa toàn “Nhục dục” thứ nhất, nhưng đi kèm với quan điểm về sự không hiện hữu, không còn gì, sẽ bị huỷ diệt sau khi chết.

(Loại dục vọng này thúc đẩy con người càng thêm tạo tác, cố sức tạo nhiều và thụ hưởng khoái lạc giác quan hay dục lạc ngay trong kiếp sống này bằng mọi giá, bất chấp đạo lý, bất chấp tội lỗi, bất chấp sự tạo nghiệp, bởi vì những người này cho rằng sau khi chết là hết, làm gì có linh hồn nào, cái “Tôi” nào đi chịu hình phạt hay quả báo cho những tội lỗi ở kiếp này. Trong thực tế, loại người có quan điểm, có tư tưởng này là rất nhiều, điều đó được chứng minh bằng những tội ác lớn xảy ra hàng ngày trong cuộc sống trên khắp nơi của thế giới, chưa kể đến những tội lỗi tàn sát trong quá khứ cổ đại, cận đại và hiện đại - ND).

▪ Như vậy Dục Vọng là 6 dạng thèm muốn, tham muốn những đối tượng khoái lạc của 6 giác quan (theo bất kỳ nghĩa nào, tích cực hay tiêu cực, ví dụ như: mắt thích nhìn cảnh đẹp thiên nhiên lành mạnh hay cảnh đồi trụy thì đều được gọi chung là ham muốn (dục vọng) khoái lạc giác quan (ở đây là nhãn quan) (ND).

(Ví dụ, một người mang dục vọng thứ hai, “dục vọng được liên tục hiện hữu”, tin vào ‘linh hồn’, ‘bản ngã’ kiếp sau, thường mơ đến cảnh giới sung sướng, thường tâm niệm, ao ước thậm chí trở thành con gái hay con trai ở kiếp sau, thì sẽ tạo nghiệp, và như nếu được trợ thêm duyên, có thể sẽ tái sinh vào cảnh giới hay tình trạng như hằng mong ước. Mà đã có tái sinh là có luân hồi và vẫn còn khổ, vẫn chưa chấm dứt khổ - ND).

▪ Dục Vọng (tanha) cơ bản là sự thèm muốn, ham muốn có được, đạt được, lấy được đối tượng để thỏa mãn giác quan, trong khi đó sự dính mắc hay dính chấp (upadana) khởi sinh hay tăng lên sau khi đã có được đối tượng (HV: chấp thủ).

Tất cả 3 loại Dính Chấp khởi sinh là do kết quả của dục vọng.

(a) Sự dính mắc vào dục lạc là khởi sinh từ nhục dục hay dục vọng khoái lạc giác quan.

(b) Sự dính chấp vào những quan điểm sai lạc hay tà kiến về “con người” hay về cái “Tôi” hay “bản ngã” là khởi sinh từ sự mê lầm, dính chấp (dục vọng) về cái “Tôi”, về “bản ngã” (thân kiến).

(c) Sự dính chấp vào những hủ tục, lễ nghi thờ cúng là khởi sinh từ tham muốn (dục vọng) mình, cái “Tôi” hay bản thân của mình được gia hộ tốt hơn, được bảo hộ tốt hơn, bên cạnh sự mê lầm, sai lạc có sẵn về cái “Tôi”.

Vì vậy theo quan hệ nhân duyên thì chính dục vọng làm điều kiện để khởi sinh ra sự dính chấp. Hay nói khác, sự dính chấp là tùy thuộc vào và do (nhân) Dục Vọng mà có. Điều này đã rõ ràng.

(5). Dục Vọng (Tanha) tùy thuộc vào nhân gì mà khởi sinh?

Tức là do đâu mà có dục vọng? Dục vọng thì tùy thuộc vào và do Cảm Giác hay Cảm Thọ mà có. Khi có cảm giác dễ chịu, thì sinh ra dục vọng hưởng thụ nó. Thậm chí ngay khi đang có cảm giác đau đớn thì cũng khởi sinh ra dục vọng, bởi vì do cảm giác đau đớn có thể làm khởi sinh dục vọng hay mong muốn nỗi đau sẽ biến mất và sẽ được thay thế bằng những thứ dễ chịu khác hay ít nhất là cảm giác trung dung (không dễ chịu cũng không còn đau đớn).

Cảm Giác hay Cảm Thọ trung dung (upekkha vedana) là không dễ chịu (khổ thọ) cũng không khó chịu (lạc thọ), nhưng nó không phải là không có cảm giác hay là một sự vô cảm, mà là một cảm giác dễ chịu rất vi tế theo một chiều là không có cảm giác khó chịu hay đau khổ, đau đớn.

(Nói cách khác, đối với lạc thọ thì nó chẳng là gì, nhưng nếu đem so sánh với cảm giác khó chịu hay khổ thọ thì nó chắc chắn sẽ mang lại cảm giác “lạc thọ” theo một nghĩa rất tế nhị: Vì nó vẫn tốt hơn khổ thọ! - ND).

(6). Cảm giác hay Cảm Thọ tùy thuộc vào nhân gì mà khởi sinh?

Tức là do đâu mà có cảm giác hay cảm thọ? Cảm Thọ thì tùy thuộc vào và do có Tiếp Xúc (Phassa) mà khởi sinh ra. Khi có những Đối Tượng của các giác quan (hình sắc nhìn thấy được, âm thanh, mùi hương, mùi vị, chạm xúc và ý nghĩ) và “chạm” với các Giác Quan hay các Căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm) thì sẽ làm khởi sinh 6 loại Thức (thức nhìn thấy, thức nghe, thức ngữi, thức chạm xúc và thức suy nghĩ); [Hán-Việt gọi là: nhãn thức, nhĩ thức, khứu thức, thiệt thức, xúc thức và tâm thức (hay ý thức)].

Khi kết hợp 3 thứ này (Đối tượng giác quan, Sự va chạm của chúng với giác quan và làm khởi sinh ra Thức), gọi chung là sự “Tiếp Xúc” (Phassa) thì phát sinh ra Cảm giác hay Cảm thọ (Vedana). 

Tiếp Xúc (phassa) và Cảm thọ (vedana) khởi sinh cùng lúc, ngay khi khởi sinh Thức. Tuy nhiên, Tiếp Xúc (Phassa) được coi là nguyên Nhân và Cảm thọ (vedana) được coi là Quả.

Tương ứng với 6 loại Thức, có 6 loại Tiếp Xúc và 6 loại Cảm Thọ: Cảm giác dễ chịu (HV: lạc thọ), Cảm giác không dễ chịu (HV: khổ thọ) hay trung dung (HV: vô ký thọ), tùy thuộc vào bản chất của những đối tượng của giác quan (trần). Nếu đối tượng là dễ thương, vừa ý, thì khởi sinh cảm giác dễ chịu (lạc thọ), nếu đối tượng là khó ưa, không vừa ý, thì khởi sinh cảm giác khó chịu (khổ thọ). Nếu đối tượng là không vừa ý cũng không khó chịu, thì khởi sinh cảm giác trung dung hay bàng quan (vô ký thọ).

▪ Chú thích: 

Trong suốt quyển này, vì một số từ Hán-Việt (HV) quan trọng đã được dùng quen thuộc trong giới Phật học Việt Nam, nên tùy theo ngữ cảnh câu nói hay diễn đạt vẫn được dùng xen lẫn với từ thuần Việt (V).

Ở đây, bạn đọc cần lưu ý các từ được dùng cùng lúc hay xen lẫn nhau và mang cùng ý nghĩa:

Cảm giác (V) = Cảm thọ (HV)

Cảm giác dễ chịu (V) = Lạc thọ (HV)

Cảm giác khó chịu (V) = Khổ thọ (HV)

Cảm giác trung dung (V) = Vô ký thọ (HV)

Tiếp Xúc, Xúc Chạm (V) = Xúc (HV)

Giác quan (V) = Căn (HV)

Đối tượng giác quan (V) = Trần (HV)

Sáu Cơ Sở Tiếp Xúc (V) = Lục Nhập (HV)

…………………


(7). Tiếp Xúc tùy thuộc vào Nhân gì mà khởi sinh?

Tức là do đâu mà có Tiếp xúc? “Tiếp Xúc” thì tùy thuộc và do “Sáu Cơ Sở Tiếp Xúc” (Salayatana) mà có. Sáu Cơ Sở Tiếp Xúc (Salayatana) (HV: Lục Nhập), đó là:

1. Mắt và những đối tượng nhìn thấy được,

2. Tai và âm thanh,

3. Mũi và mùi hương,

4. Lưỡi và mùi vị,

5. Thân và những vật chạm xúc,

6 Tâm và đối tượng của tâm. 

Không có những cơ sở Tiếp Xúc này của những 6 giác quan (Lục Căn) và những đối tượng trên này thì sẽ không sinh ra Thức đối với những đối tượng bên ngoài (trần) và những đối tượng của tâm.

Xin nói lại, ở đây rõ ràng là quy luật nhân quả, chứ không có một ‘con người’, linh hồn, đấng sáng tạo nào cả. Quy luật tự nhiên bản thân nó là quy luật vận hành một cách tự nhiên.

(8). Sáu Cơ Sở Tiếp Xúc (Salayatana) hay Lục Nhập tùy thuộc vào Nhân gì mà khởi sinh?

Tức là do đâu mà có “Sáu Cơ Sở Tiếp Xúc”? “Sáu Cơ Sở Tiếp Xúc” thì tùy thuộc vào và do “Yếu tố tinh thần và vật chất” mà khởi sinh. “Yếu tố tinh thần và vật chất” còn được gọi là “Danh và Sắc” (Nama-rupa). 

Sáu Cơ Sở Tiếp Xúc bao gồm 5 cặp giác quan về vật chất và đối tượng của chúng, cùng với 1 cặp giác quan tâm và đối tượng của tâm (pháp). Hay nói cách khác, Sáu Cơ Sở Tiếp Xúc (Lục Nhập) bao gồm 6 giác quan (Lục Căn) và 6 đối tượng tương ứng của chúng (Lục Trần).

“Tâm” ở đây là danh từ chung đại diện cho 89 hay 101 loại tâm thức (citta) như được giải thích trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). 5 Cơ Sở Tiếp Xúc là thuộc về Vật Chất (Sắc) và có 1 Cơ Sở Tiếp Xúc là tâm và đối tượng của tâm là thuộc về Tinh Thần (Danh).

(9). Yếu tố tinh thần và vật chất hay Danh và Sắc (Nama-rupa) tùy thuộc vào Nhân gì mà khởi sinh?

Do đâu mà có Danh và Sắc? “Danh Sắc” thì tùy thuộc vào và do “Thức” (Vinvanana) mà khởi sinh ra. Sự khởi sinh ra một thực thể sống bao gồm 2 yếu tố do vật chất và tinh thần (danh và sắc) thì tùy thuộc vào hay dựa vào Thức Tái Sinh, vì nếu không có Thức Tái Sinh, thì sẽ không sinh ra yếu tố vật chất và tinh thần (danh và sắc) trong bào thai (chúng sanh có vú), trong trứng (loài bò sát, chim, cá) hay trong những loài tự sinh (như loài chúng sinh ở địa ngục, ngạ quỷ, chư thiên thần và trời). 

Ở đây cũng không có thực thể cái “tôi” hay linh hồn ngoài hiện tượng khởi sinh và biến mất (sanh diệt) liên tục như vậy.

(10). Thức (Vinnana) tùy thuộc vào Nhân gì mà khởi sinh?

Do đâu mà có Thức? “Thức” thì tùy thuộc vào và do có “Những Hành Động Cố Ý” mà khởi sinh ra. “Những Hành Động Cố Ý” là “Hành động do tâm ý tạo tác”, còn gọi là “Hành” (sankhara). Ở đây, Thức có nghĩa là hàng loạt những thức khác nhau, bao gồm cả thức tái sinh là kết quả của những hành động cố ý hay tạo tác được thực hiện trong kiếp sống trước. "Hành là nhân của Thức hay Thức là quả của Hành!" Chỗ này rất quan trọng, nhưng rất khó để hiểu ngay những Hành vận hành như thế nào để làm sinh ra thức tái sinh.

Theo Đức Phật, sau khi Thức cuối cùng cùng với tất cả yếu tố vật chất và tinh thần (danh và sắc) chấm dứt ngay khi chết, thì chính nghiệp (kamma) là nhân làm sinh ra “Thức tái sinh” (là nghiệp quả, vipaka), cùng với những yếu tố vật chất tinh thần (danh và sắc) mới, vốn vẫn còn dính nhiều ô nhiễm. 

Nếu không có sự hiểu biết này thì dễ dẫn đến sự hiểu lầm hay quan điểm sai lầm, đó là: Sự tin vào sự đầu thai hay sự chuyển dịch của những ‘linh hồn’ (quan điểm về sự tồn tại của ‘linh hồn’ thường hằng) hoặc sự tin vào sự hoàn toàn bị hủy diệt). 

=> (Xem thêm chi tiết ở Chương VI,.3).

(11) Hành Động Cố Ý, Tạo Tác Hay Hành (Sankhara) tùy thuộc vào Nhân gì mà khởi sinh?

Do đâu mà có “Hành”? Hành thì tùy thuộc vào và do có “Vô Minh” (Avijja) mà khởi sinh.

Vô Minh là sự ngu dốt, sự mê mờ, sự không biết rõ, không thấy rõ chân lý, lẽ thật thế gian và bản chất đích thực của ‘con người danh sắc’ sinh diệt.

Theo giảng giải của “Kinh Tạng” (Sutta): "Vô Minh tức là sự không hiểu biết hay thiếu hiểu biết về Tứ Diệu Đế".

Theo lý giải của “Vi Diệu Pháp Tạng” (Abhidhamma), thì có 8 đối tượng quan trọng bị che mờ, bị bao phủ bởi “màn đêm” Vô Minh (Avijja), vì thế bản chất thực sự của chúng không được nhìn thấy hay biết rõ. Nói cách khác, vì do Vô Minh trong muôn kiếp luân hồi mà con người không thấy được tám (8) chân lý và lẽ thật của thế gian. Tám (8) chân lý và lẽ thật quan trọng đó là gì? Đó là:

1. Tứ Diệu Đế hay bốn Chân lý về Khổ,

2. Nguồn gốc Khổ,

3. Sự chấm dứt Khổ, và

4. Con đường dẫn đến sự chấm dứt Khổ; và

5. Sự không hiểu biết về Quá Khứ,

6. Sự không hiểu biết về Tương Lai,

7. Sự không hiểu biết về Quá Khứ và Tương Lai,

8. Sự không hiểu biết về Lý Duyên Khởi.

Những Hành Động Cố Ý, Tạo Tác (Hành), dù là tốt hay xấu, đúng đạo lý hay không đúng đạo lý, thì đều có nguồn gốc hay cội rễ từ Vô Minh (u mê). Chúng được gọi là những tạo tác hay những sự tạo nghiệp (TA: kamma-formations) và tạo ra những nghiệp nhân hay là nguyên nhân để dẫn đến tái sinh, kéo dài thêm vòng luân hồi sinh tử (samsara).

Hành (Sankhara) cũng giống như nghiệp hữu hay sự mang nghiệp (kamma-bhava) đã được giải thích ở mục thứ hai của Chương này, tức là mắt xích thứ hai của Vòng Duyên Khởi, theo ý nghĩa thì cả hai đều làm duyên hay điều kiện thúc đẩy quá trình tái sinh. Sự khác nhau duy nhất là: Hành (Sankhara) là nhân duyên thuộc về quá khứ, trong khi đó “Sự mang nghiệp” hay “Nghiệp hữu” (kamma-bhava) thì thuộc về ngay hiện tại. (Chú Giải 2).

Bởi vì sự “Vô Minh”, không biết được Nghiệp (kamma) và Nghiệp Quả, người ta làm những hành động bất thiện nhằm mục đích ích kỷ trước mắt.

Vì si mê cho rằng dục lạc và những khoái lạc của những tầng thiền (jhana) là những dạng hạnh phúc thật sự, mọi người thực hiện những việc bố thí, cúng dường (dana), giữ giới (sila) và thiền định (bhavana) để nhằm mục đích đạt được hạnh phúc trong đời này và đời sau thông qua sự tái sanh để làm người, thiên thần hay trời Phạm Thiên ở cõi tiên bồng. Do vậy, người ta tích lũy nhiều nghiệp (kamma) hay “Hành” (sankhara) tốt xấu, thiện và bất thiện.

Đây là cách cho chúng ta thấy rõ quy luật Duyên Khởi đã giải thích về chân lý, về sự thật về Nguồn Gốc Khổ như thế nào. Theo đạo Phật, khi Tứ Diệu Đế đã được hoàn toàn hiểu rõ, thì Vô Minh sẽ tự động bị xóa bỏ. Ánh sáng chân lý sẽ soi rọi cho chúng ta bước vào con đường chánh đạo.

Khi nói về Nguyên nhân của sự Vô Minh, Đức Phật đã dạy rằng nguồn gốc của Vô Minh không dễ dàng tìm thấy hay nhìn thấy được trong những vòng luân hồi sinh tử bất tận từ trong vô thủy.



VI
Chiều Ngược Lại (Hoàn Diệt) 
Của Vòng Duyên Khởi 
Giải Thích Sự Chấm Dứt Khổ.


Thứ tự chúng ta vừa phân tích ở trên là "truy nguyên" để tìm ra nguyên nhân: Vì có yếu tố này nên có yếu tố kia. Bây giờ chúng ta lý giải theo chiều ngược lại hay còn gọi là chiều "Hoàn Diệt" của vòng duyên khởi như sau:

(1) Nếu không có Vô Minh, thì không có Hành (những hành động cố ý, tạo nghiệp).

(2) Nếu không có Hành, thì không có Thức.

(3) Nếu không có Thức, thì không có Danh Sắc (những yếu tố vật chất và tinh thần của một thực thể sống).

(4) Nếu không có Danh Sắc, thì không có Sáu Cơ Sở Tiếp Xúc (Lục nhập).

(5) Nếu không có Sáu Cơ Sở Tiếp Xúc (Lục nhập), thì không có Tiếp Xúc.

(6) Nếu không có Tiếp Xúc, thì không có Cảm Giác (Cảm Thọ).

(7) Nếu không có Cảm Giác, thì không có Tham Muốn hay Dục Vọng.

(8) Nếu không có Dục Vọng, thì không có Dính Mắc hay Chấp Thủ.

(9) Nếu không có Dính Chấp, thì không có sự Trở Thành hay sự Hiện Thành.

(10) Nếu không có hay sự Hiện Thành thì sẽ không có Tái Sinh.

(11) Nếu không có Tái Sinh, thì không có Già, Chết và Khổ Đau.

=> Vì sao phải lý giải theo chiều hoàn diệt? Ý nghĩa về đạo và tu tập ở đây đang được thể hiện. Vì sao? Vì nếu tìm được mắt xích nào trong Vòng Duyên Khởi bị biến mất (nếu không có, nếu bị diệt), thì sẽ cắt đứt được Vòng Duyên Khởi là nguyên nhân tạo ra luân hồi tái sinh (ND).

Đây là cách giải thích về Chân lý về Chấm Dứt Khổ bằng lý Duyên Khởi. Khi một người đã hoàn toàn nắm vững về Tứ Diệu Đế, người đó trở thành một A-la-hán (Arahant). Vì một A-la-hán là người đã không còn Vô Minh hay si mê, vòng mắc xích Duyên Khởi, còn được gọi là Vòng Liên Tục Hiện Hữu đã bị chặt đứt và không còn tái sinh, không còn Khổ đau nữa.

▪ Ví dụ đơn giản như là: Nếu không nhìn ngó tiếp xúc với cảnh trần (như sắc đẹp, thức ăn ngon, quyền lực, ...), thì đâu có sinh ra cảm giác khoái lạc, cảm giác sướng; và nếu không có cảm giác khoái lạc hay sung sướng thì đâu ai phải sinh ra sự thèm muốn hay dục vọng để có được những thứ khoái lạc đó; và nếu không có dục vọng thì đâu ai phải dính chấp vào nó, làm nô lệ cho nó; ... thì đâu có mang nghiệp hay hiện hành, thì đâu được (bị) sinh ra để sống thế gian đầy mọi sự vô thường và "Khổ" (dukkha). Như vậy, nếu chọn ngay mắt xích dục vọng, thì chỉ cần từ bỏ được dục vọng, quét sạch, diệt sạch mọi dục vọng, thì sẽ không còn khởi sinh những mắt xích khác của Vòng Duyên Khởi, và vì vậy không còn tái sinh, không còn phải sinh vào một cõi nào đầy vô thường và khổ nữa.

Đây cũng là lẽ đạo của việc tu hành, "lánh trần", từ bỏ dục vọng, kiểm soát 6 giác quan, phòng hộ 6 căn khỏi cạm bẫy tiếp xúc và khoái lạc. Những bậc giác ngộ và thánh nhân đã làm được và đã từ bỏ, quét sạch và tắt ngấm hết mọi dục vọng (ND).





VII
Lý Duyên Khởi Siêu Thế
(Lokuttara Paticca Samuppada)


Cần phải nắm rõ rằng Đức Phật đã giảng dạy nguyên lý “Duyên Khởi” là để cho mọi người thấy được những nguyên nhân và điều kiện (Nhân và Duyên) mà thông qua đó Khổ đã phát sinh ra, bây giờ và sau này. Chỉ có thông qua cách biết nguồn gốc và nguyên nhân của Khổ thì mới diệt được Khổ!

Việc không nắm vững điểm quan trọng này, đã dẫn đến sự diễn dịch một cách suy đoán về lý “Duyên Khởi” bởi những người Đại Thừa, kết quả là họ đưa đến một học thuyết khác và cho rằng nó đại diện cho giáo lý đích thực của Đức Phật. Độc giả có thể đã nghe quen với học Thuyết về Tánh Không, một lý thuyết phức tạp do ngài Long Thọ được dựa vào sự diễn dịch của riêng ngài về lý Duyên Khởi, phủ nhận sự tồn tại của tất cả mọi hiện tượng trên thế giới, cho rằng tất cả chỉ là Không. Tuy nhiên, cho đến khi học thuyết lớn này của ngài thậm chí cũng phủ nhận sự tồn tại, sự hiện hữu của thế giới tùy thuộc lẫn nhau, tương quan tương tức, thì bản thân học thuyết này đã không còn tự bảo vệ được nữa. 

Thật ra ‘tánh không’ của vạn vật chỉ là không thường hằng, không cố định, luôn luôn thay đổi tùy theo nhân duyên, theo điều kiện, do sinh diệt của những yếu tố nhân duyên.

Sau đó, anh em các ngài Asanga (Vô Trước) và Vasubandhu (Thế Thân) đã cho ra đời một học thuyết thứ hai là Yogacara (Du Già), phủ nhận cái “Không” triệt để của mọi sự vật mà học thuyết Tánh Không đã giảng luận. Nếu mọi sự vật đích thực đều là trống Không, bằng cách nào tâm (tâm trí) nhận thức được tánh Không đó?. Thuyết Du Già giảng rằng bản thân một sự vật đứng riêng nó không phải vốn là trống không: mà chính là Thức mới là Không. Đối với họ, cái thật sự tồn tại trong thế giới nhân duyên tùy thuộc lẫn nhau là Thức “gốc”, được gọi là Tàng Thức hay A-lại-ya-thức, nó cũng vận hành theo lý Duyên Khởi trong vòng Duyên Khởi. Tuy nhiên, Thức cơ bản mang tính chất Nhân Duyên tùy thuộc và vì thế cũng được cho là Không luôn!

Bây giờ có thể nhận ra rằng những đại học thuyết lớn của Đại Thừa mang đầy tính hùng biện chẳng qua cũng chỉ là nói về các “Hành” hay những hành động cố ý, tạo nghiệp, những diễn dịch suy đoán một cách hư vô, vô ích không mang lại sự chấm dứt Khổ. Những quan điểm đó chẳng khác mấy với những quan điểm suy diễn siêu hình của những du sĩ khổ hạnh ngày xưa, mà Đức Phật thường tỏ thái độ im lặng chứ không trả lời, bởi vì chúng chẳng mang lại lợi lạc, không giúp gì đến việc tu tập để chấm dứt đau khổ hay để giác ngộ. Những câu hỏi siêu hình ngày đó dựa vào những phỏng đoán, suy diễn như là: (1-2) thế giới tồn tại bất diệt hay không?, (3-4) Thế giới là vô hạn hay không?, (5-6) Linh hồn có là một với thể xác hay không?, (7-8) Như Lai (a) sẽ tồn tại, (b) sẽ không tồn tại, (c) sẽ vừa tồn tại vừa không tồn tại, và (d) không tồn tại cũng không phải không tồn tại, sau khi chết?



VIII
Ngọn Lửa Sẽ Đi Về Đâu Sau Khi Tắt?
Giác Ngộ Có Nghĩa Là Gì?


Mặc dù Đức Phật đã nhiều lần quở trách, nhưng đã có rất nhiều tu sĩ, thậm chí cho đến tận ngày hôm nay, luôn luôn suy nghĩ, suy diễn hay suy đoán Đức Phật đã về đâu, hay đang ở đâu, sau khi Bát-Niết-Bàn của Người. Điều này cũng giống như hỏi ngọn lửa đã đi về đâu sau khi tắt vậy. Những người nấu bếp hay những đầu bếp sẽ không bao giờ lãng phí thời gian để hỏi những câu hỏi vô bổ như vậy. Họ chỉ đơn giản thay bình ga mới và bắt lửa mới lên bởi vì bình ga cũ đã hết ga và không còn bắt được thành lửa nữa. 

Tương tự vậy, khi Vô Minh (avijja) đã được nhổ sạch tận gốc, thì sẽ không còn nguồn ‘năng lượng’ hay năng lực nào để mà thức dậy tái sinh. Theo quy luật Duyên Khởi (Paticca Samuppada), không còn yếu tố vật chất và tinh thần hay yếu tố thân tâm nào, tức không còn Danh và Sắc nào khởi sinh sau Bát-Niết-Bàn của các vị Phật và các vị A-la-hán, bởi vì các vị đó đã nhổ tận sạch gốc Vô Minh, nguyên nhân và nguồn gốc tạo tái sinh và đau Khổ!

Trong học thuyết này về Duyên Khởi (Paticca Samuppada) Đức Phật đã định nghĩa một cách rõ ràng ý nghĩa của “giác ngộ”. Đó là sự nhổ sạch tận gốc Vô Minh (avijja) bằng con đường tu chứng đến A-la-hán Vô Sinh (Arahatta Magga). Điều này có nghĩa là chỉ có những vị Phật Duyên Giác (Pacceka) và những vị A-la-hán là những bậc giác ngộ thực sự. 

Nhiều người viết ngày nay vẫn dùng từ “giác ngộ” một cách rất lỏng lẻo và tự do, khác với cách diễn đạt rõ ràng và kỹ càng của Kinh điển. Nếu cẩn thận, điều này sẽ mang nhiều lợi ích cho nhiều độc giả, vì còn rất nhiều người vẫn không hiểu được ai là những bậc giác ngộ.

Trong Trung Bộ Kinh (Majjhima 63), Kinh“Culamalunkya Sutta”, Đức Phật đã dùng ví dụ về một người trúng mũi tên độc để diễn tả và dạy cách của một người khôn ngoan là gì để thoát khỏi vòng luân hồi (samsara):

“Có Sinh, có Già, có Chết, có buồn đau, sầu não, đau đớn, phiền não và bất toại nguyện, có sự chấm dứt mà ta đã giảng dạy nhiều lần”.

Theo trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya XLIV, 2), Đức Phật cũng đã nói lại với ngài Anuradha rằng:

“Cả trước và bây giờ, này Anuradha, đó chỉ là những phiền não và sự dập tắt phiền não như ta đã tuyên thuyết”.

Trong khi sự áp dụng hay công dụng thứ nhất của lý “Duyên Khởi” là giải quyết nguyên nhân khởi sinh Khổ (dukkha), bắt đầu từ Vô Minh (avijja)..., thì cũng có cách áp dụng thứ hai để giải quyết những nguyên nhân khởi sinh Khổ để chấm dứt Khổ (dukkha) từ trong chính Khổ (dukkha). Nói cách khác, "Sự diệt Khổ không nằm ngoài Khổ, mà nằm chính bên trong Khổ!".



IX
Chú Giải


(Chú Giải 1):

Theo trật tự truyền thống, quy luật Duyên Khởi (Paticca Samuppada) được ghi và đọc thuộc như sau theo tiếng Hán-Việt:

(1) Vô Minh duyên (làm khởi sinh) Hành.

(2) Hành duyên Thức.

(3) Thức duyên Danh Sắc.

(4) Danh Sắc duyên Lục Nhập.

(5) Lục Nhâp duyên Xúc.

(6) Xúc duyên Thọ.

(7) Thọ duyên Ái.

(8) Ái duyên Thủ.

(9) Thủ duyên Hữu.

(10) Hữu duyên Sanh.

(11) Sanh duyên Lão-Tử.

(Chú Giải 2):

Sankhara (Hành, tâm hành) có nghĩa là những hành động có tâm cố ý, do ý chí tạo tác, là những hành động tạo nghiệp và tái sinh (cetana). Hành có nghĩa là tạo nghiệp (kamma-formations). Có 3 loại tâm hành, đó là:

(a) Punnabhi-sankhara: Hành thiện. Hành tạo nghiệp ở cảnh giới Sắc giới và những tầng (cảnh giới) thiền Sắc giới (rupa jhanas) dẫn đến tái sinh ở những cảnh giới tốt, sung sướng như người, thần, trời (devas) và những cảnh sắc giới Phạm Thiên (brahmas).

(b) Apunnabhi-sankhara: Hành bất thiện. Hành tạo nghiệp dẫn đến tái sinh ở những cảnh giới xấu và đau khổ như thú, địa ngục, ngạ quỷ.

(c) Anenjabhi-sankhara: Hành bất động. Hành tạo nghiệp ở cảnh giới Vô Sắc giới và những tầng (cảnh giới) thiền Vô Sắc giới (arupa jhanas) dẫn đến tái sinh ở 4 cảnh giới vô sắc giới. 

Trong “Vi Diệu Pháp” (Abhidhamma), Hành (sankhara) đại diện cho 29 loại nghiệp (kamma) gắn liền với: 8 Thức thiện của cõi sắc giới, 5 Thức cảnh giới thiền (jhanas) Vô Sắc giới, 12 Thức bất thiện và 14 Thức và 4 cảnh giới thiền (jhanas) Vô Sắc giới. Như vậy, Hành (sankhara) và nghiệp hữu (kammabhava) chính là một, là giống nhau, chỉ có điều Hành (sankhara) thuộc về kiếp sống quá khứ, Nghiệp Hữu (kammabhava) thì thuộc về kiếp sống tương lai.

▪ Lưu ý:

Theo “Vi Diệu Pháp”, thì Thức hay tâm Thức chính là Tâm. Nên Thức và Tâm là một.

Sắc (HV) nghĩa là vật chất, có hình sắc, hữu hình. Sắc giới có nghĩa là cảnh giới có vật chất, có hình sắc (như cõi trời sắc giới, cảnh giới Trời, Phạm Thiên…). Cảnh giới Vô Sắc giới có nghĩa là cảnh giới không có vật chất, phi vật chất, không có hình sắc (như cõi Vô biên xứ, Phi tưởng xứ). Đây là 2 trong 3 cảnh giới. Cảnh giới còn lại là Dục giới, tức cảnh giới còn trong dục vọng chi phối, như cảnh giới người, địa ngục, Atula, súc sanh, ngạ quỷ.



X
Sách và Tài Liệu Tham Khảo


1) “The Buddha-Dhamma” (Giáo Pháp Của Đức Phật), tác giả Bhikkhu Jagdish Kasyapa M.A.

2) “A Discourse on Paticcasamuppada” (Bài Thuyết Giảng Về Duyên Khởi), tác giả ngài Mahasi Sayadaw, Miến Điện, dịch qua tiếng Anh bởi U Aye Maung, tháng 3, 1982.

3) “The Essence of Buddha Abhidhamma” (Cốt Lõi Của Vi Diệu Pháp Tạng của Đức Phật), Chương VIII, Duyên Khởi), tác giả Tiến sĩ Mehm Tin Mon. Xb bởi Mehm Tay Zar Mon, Yadanar Min Literature, 15/19 U Wisara Qr., Dagon, Yangon.


Trích từ cuốn GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC do cư sĩ LÊ KIM KHA
dịch từ cuốn BUDDHISM COURSE của CHAN KHOON SAN












Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.