Chuyển đến nội dung chính

Chuyện Kể Đạo Phật - Chương trình Tâm

Tâm như máy vi tính

Khi chúng ta mua một máy vi tính mới, nó thường được cài gắn sẵn những chương trình (program) như Windows XP, Vista, hoặc Windows 7 và một số các nhu liệu (software) như Microsoft Office, Windows Media Player, Internet Explorer, Norton Antivirus, v.v... Những nhu liệu hay program này có cái rất cần thiết, có những cái không cần thiết và có cái chẳng bao giờ chúng ta có dịp xài đến. Sau khi mua về, từ từ chúng ta cài đặt thêm nhiều chương trình mới, những trò chơi mới, và cộng thêm những dữ kiện (data) như bài vở, phim ảnh, điện thư (email) ngày càng chồng chất trong ổ đĩa cứng. Và như thế máy của ta ngày càng chạy chậm đi và nhiều khi còn bị tấn công bởi tin tặc (hacker) và virus. Nếu không biết dọn dẹp, gỡ bỏ những chương trình không cần thiết thì máy sẽ chạy chậm lại. Nếu không biết đề phòng ngăn chặn tin tặc và virus thì máy sẽ bị hư hỏng hoàn toàn.
Đạo Phật Nguyên Thủy - Chuyện Kể Đạo Phật - Chương trình Tâm
Tâm của chúng ta cũng tương tự như một máy vi tính. A lại da thức (hay tàng thức) có thể ví như ổ đĩa cứng (hard drive), chứa đựng tất cả kinh nghiệm sống. Ý thức có khả năng phân biệt, tính toán, nhận xét, có thể ví như bộ xử lý trung tâm (CPU ). Mạt na thức, còn gọi là Truyền tống thức, làm phận sự đưa tin ra vào giữa A lại da thức và Ý thức, có thể được xem như bộ nhớ truy cập nhanh (cache memory) và truy cập ngẫu nhiên (RAM ). Năm thức của năm giác quan được ví như những cơ cấu thiết bị xung quanh máy vi tính như bàn phím, con chuột, màn ảnh, ổ lái đĩa mềm , ổ lái đĩa cứng ... Những chủng tử trong A lại da thức được ví như những chương trình (program, software) và dữ kiện. Khi sinh ra đời, con người ta đã được cài đặt sẵn trong tâm những chương trình như tham, sân, si, mạn, ganh, ích kỷ, lo, buồn, v.v... Những chương trình này có sẵn trong tâm do tích lũy từ nhiều đời trước, kiếp này "máy mới ra lò" là đã có sẵn rồi. Do đó mỗi khi đụng chuyện, tiếp xúc với bên ngoài thì các chương trình này nhảy ra hoạt động một cách tự nhiên, không cần phải ai dạy hay học từ trường nào ra.

Thí dụ khi nghe ai nói xấu hay mắng chửi mình thì "chương trình sân" nhảy ra hoạt động, làm tim đập mạnh, mặt mày đỏ bừng, miệng muốn chửi lại, tay chân ngứa ngáy muốn đánh hay bợp tai người kia, v.v...

Khi nghe tin người thân yêu bị tai nạn hay qua đời thì "chương trình buồn" nhảy ra hoạt động, làm nước mắt tuôn trào, khóc lóc thảm thiết, bỏ ăn bỏ ngủ, nhiều khi muốn chết theo, v.v...

Người nào có "chương trình sợ ma" trong tâm, đi tới đâu nghe ai nói có ma, thì chương trình này nhảy ra điều khiển làm chân tay bủn rủn, muốn té xỉu, hoặc bỏ chạy, hốt hoảng, v.v...

Hòa thượng Thanh Từ có nói "tu là chuyển nghiệp", nhưng ngày nay là thời đại vi tính, điện toán, nên chúng ta có thể nói "tu là sửa chương trình", sửa program trong tâm.

Có nhiều người rất thích "tu", thích vào chùa tụng kinh, lạy Phật, sám hối, ngồi thiền, xây chùa, tạo tượng, cúng dường, v.v... và cho đó là "tu", nhưng họ chẳng có sửa chương trình nào hết, bởi vì họ không biết mình có chương trình (program) nào cần sửa.

Do đó những chương trình trong tâm như tham, sân, si, mạn, ganh, ích kỷ, lo, buồn, v.v... vẫn còn y nguyên.

Bề ngoài thấy như "tu" nhiều nhưng bên trong không biết sửa cái gì. Trước khi muốn sửa cái gì thì cần phải biết có cái gì không ổn đã. Muốn vậy thì phải đi nghe giảng, nghe thuyết pháp để đón nhận những tư tưởng mới, những khái niệm tỉnh giác của đức Phật, rồi đem về suy nghĩ, đối chiếu xem có hợp với những chương trình nằm sẵn xưa nay trong tâm mình hay không?

Xưa nay trong máy tâm của mình chỉ có những chương trình chấp ngã, kiêu mạn, ích kỷ, tham lam, giận hờn, ganh tị, v.v... Đi nghe pháp thấy Phật dạy vô ngã, vị tha, từ, bi, hỷ, xả, v.v... đó là những chương trình hoàn toàn đối lập với những chương trình cũ trong tâm mình, và từ đó nhận ra những chương trình cũ này đã làm mình đau khổ. Khi ý thức được như vậy thì phát tâm sửa lại cái máy tâm của mình, loại dần những chương trình cũ và cài gắn những chương trình mới, đó chính là "tu".

Khi thọ tam quy ngũ giới, đó chính là đưa vào máy tâm một chương trình mới. Ngũ giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) mới nghe qua thấy đơn giản, không có gì khó, nhưng nhờ có "chương trình ngũ giới" mà tâm của người Phật tử sẽ không dám làm việc ác. Có những người nói "tôi không làm ác thì cần gì phải tu hành thọ giới?" Khi nói như vậy là vì họ tưởng mình không làm ác, nhưng khi cần làm việc ác thì họ sẽ không ngần ngại vì trong tâm không có "chương trình ngũ giới" ngăn cản. Những giới luật của Phật chế ra như năm giới, tám giới (bát quan trai), mười giới (thập thiện) giống như những chương trình chống virus (anti-virus), virus ở đây là những nghiệp ác của thân, khẩu, ý.

Một máy vi tính mới mua về vẫn chạy tốt mà không cần chương trình anti-virus, nhưng xài một thời gian, nhất là chạy vô mạng lưới toàn cầu internet truy cập tin tức hay tài liệu thì trước sau gì cũng bị tin tặc và virus xâm nhập. Một người không có những giới luật tối thiểu căn bản đạo đức, ngăn cấm họ làm điều ác, thì khi gặp chuyện cần họ vẫn có thể làm ác dễ dàng.

Những người cắt cổ gà vịt, làm thịt heo bò, đối với xã hội thì không có gì là ác, nhưng một khi được học đạo, nghe pháp, họ sẽ nhận ra đó là việc ác, trái với lý từ, bi, hỷ, xả, nhân quả của đạo Phật, và nhất là trái với giới "không sát sinh", nên họ sẽ từ bỏ nghề nghiệp sinh sống thất đức này.

Những cán bộ, quan lớn trong chính phủ, nếu không có giới "không trộm cắp" thì khi gặp dịp hối lộ, ăn chặn, tham nhũng thì sẽ vui vẻ làm ngay, bởi vì trong tâm họ không có một chương trình nào ngăn cản tánh tham lam, cướp của, bóc lột kẻ khác.

Những người đàn ông có vợ, nếu không có giới "không tà dâm" thì khi có dịp gặp một người đẹp quyến rũ, sẽ xiêu lòng dễ dàng, bởi vì trong tâm không có một chương trình nào ngăn chặn việc ngoại tình.

Ngoài những giới luật căn bản, ngăn cản đừng làm việc ác, chúng ta nên phát nguyện làm những việc lành, lập ra những chương trình tu sửa, cải thiện tâm tánh. Thí dụ người có tánh tham lam, tích trữ của cải thì phát nguyện mỗi tháng bố thí cúng dường một số tiền nhỏ nào đó, hoặc giúp đỡ ít nhất một người, hoặc cho bớt đồ đạc không cần dùng trong nhà, v.v...

Người có tánh sân, hay nổi nóng, thì phát nguyện không mắng chửi người khác, hoặc nói lời từ ái, hạ giọng, hoặc không để ý bắt lỗi kẻ khác, v.v...

Nếu nhận ra sự hoạt động của tâm cũng giống như một cái máy vi tính thì bạn hãy tập quan sát ghi nhận xem trong tâm mình có những chương trình (program) xấu nào cần sửa đổi, và tập sửa đổi chương trình đó. Đó chính là Tu, và cũng có nghĩa là Sửa, tu tâm sửa tánh.

Sợ ma

Con người ta có nhiều cái sợ, như sợ già, sợ bệnh, sợ chết, sợ vợ hay chồng bỏ, sợ thất nghiệp, sợ nghèo, sợ đói, sợ nhiều thứ, v.v... Trong những cái sợ này có cả sợ ma. Không phải chỉ có con nít mới sợ ma mà nhiều người lớn cũng sợ ma.

Muốn hết sợ ma thì cần phải suy tư về thực chất của Sợ và Ma.

Sợ ma là một ảo tưởng sai lầm do tâm non yếu, thời thơ ấu thường bị người lớn vô tình (và dại dột) hăm dọa, đầu độc. Thí dụ như đến tối bảo con nít đi ngủ mà chúng không nghe thì dọa nếu không đi ngủ thì ma (hay ông kẹ, ngáo ộp) sẽ hiện ra bắt đi. Rồi khi màn đêm xuống thì kể chuyện ma, nói trong bóng tối có ma, ghê lắm rồi bỏ chạy, làm cho tâm trí non nớt của đứa trẻ bị khủng hoảng, nó in đậm ma là một hình ảnh ghê rợn, dữ dằn cùng với bóng đêm. Những người lớn này (cha mẹ, dì cô, chú bác, ông bà) vô tình đã bỏ một chương trình (program) sợ ma vào tâm đứa trẻ. Sau này lớn lên, dù 50 hay 60 tuổi vẫn còn sợ ma y chang như hồi con nít. Có những người vì sợ ma mà phải lập gia đình, cưới đại một người mà mình không thương yêu để khỏi phải sống một mình. Vì sợ ma mà người ta trở thành nô lệ, sống bám vào một người khác, không bao giờ dám ở nhà một mình, dù là ban ngày. Vì sợ ma mà tối phải ngủ bật đèn sáng trưng suốt đêm, có khi còn trùm mền kín mít dù trời nóng chảy mỡ. Sợ ma là một loại bệnh tâm thần khiến cho người bệnh khổ sở không ít.

Nói theo khoa học điện toán, "sợ ma" là một chương trình phá hoại (malware) đã bị cài đặt trong tâm, chỉ cần ai nhắc đến chữ "ma" thì tức khắc chương trình "sợ ma" nhảy ra hoạt động ngon lành. Nói theo danh từ Phật giáo thì "sợ ma" là một đại vọng tưởng, chỉ cần tưởng tới chữ "ma" thì tập khí "sợ" khởi lên ngay lập tức. Như vậy "sợ ma" là do cái tưởng sai lầm (thuộc tưởng uẩn), làm việc quá mạnh, lấn át cả lý trí (thức uẩn) và tư duy (hành uẩn). Khi tưởng tới chữ "ma" thì người đó mất tự chủ, chân tay bủn rủn, mặt mày tai mét, tim đập hồi hộp, chỉ chực bỏ chạy hoặc té xỉu.

Thuở xa xưa, người tiền sử thiếu văn minh, không hiểu các luật thiên nhiên, mỗi khi thấy sấm sét thì "tưởng" đó là thần sét (thiên lôi), mỗi khi thấy gió mạnh thì "tưởng" đó là thần gió, khi thấy động đất thì "tưởng" đó là thần đất, từ đó họ "tưởng" ra đủ loại thần, thần nước, thần cây, thần lửa, thần bò, thần chó. v.v... và cúng tế các loại thần này.

Ngày nay, với khoa học văn minh, người ta hiểu rằng đó chỉ là những hiện tượng vật lý, không có "ông thần" nào trong đó cả.

Vậy thì "ma" có hay không?

Chữ "ma" theo nghĩa bình dân, đó là những người chết hiện về. Đa số đều nghĩ người chết được chôn hay thiêu thì phải biến mất, không bao giờ còn nữa, nếu hiện ra là một điều quái gở, bất bình thường và đáng sợ.

Theo Phật giáo có sáu loại chúng sinh, hay sáu loại cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, A tu la, trời. Trong sáu loại này, con người với mắt thịt chỉ nhìn thấy được hai loại là người và súc sinh (thú vật), còn bốn loại khác mắt trần không thể nhìn thấy, trong đó ma được xếp vào loại ngạ quỷ . Vì sao không thể nhìn thấy? Bởi vì nghiệp không tương ưng. Nói cách khác là tần số rung động (vibration rate) của họ khác với loài người.

Theo vật lý lượng tử, con người và tất cả sự vật đều là những năng lượng (energy) được cấu tạo bởi các nguyên tử (atom) và điện tử (electron). Vì là năng lượng nên luôn rung động. Khi rung động dưới một tốc độ hay tần số nào đó thì các năng lượng này cô đọng lại thành một hình sắc. Thí dụ ban đêm ta đốt một bó đuốc cầm trên tay và đứng yên thì người ở xa sẽ thấy một đốm lửa. Nhưng nếu ta cầm bó đuốc quay thật nhanh thì người ở xa sẽ thấy đó là một vòng lửa. Cũng thế, các loại chúng sinh mà ta gọi là "vô hình", họ có thân sắc được cấu tạo bởi những nguyên tử vi tế hơn và rung động khác tần số loài người nên ta không trông thấy được. Không phải vì mắt không thấy mà cho là không có. Cũng như ngày nay, các làn vô tuyến của radio, tivi, điện thoại di động, giăng bủa chằng chịt khắp nơi, nhưng chúng ta đâu có thấy. Chỉ khi nào mở radio, tivi, vặn trúng tần số thì mới thấy hình và âm thanh.

Con người gồm có hai phần: vi tế và thô kệch. Phần thô kệch là thân xác bằng xương bằng thịt. Phần vi tế là phần vô hình, được gọi dưới nhiều danh từ như linh hồn, tâm linh, tinh thần. Gọi là "vô hình" bởi vì mắt trần không trông thấy, chứ thật ra nó vẫn có hình tướng, một loại hình tướng vi tế, vì nó là một năng lượng sinh động. Phần xác thân thô kệch có thể ví như bóng đèn, phần vi tế "vô hình" ví như điện. Một người sống ví như bóng đèn có điện chiếu sáng. Khi bóng đèn bị bể thì dòng điện không biến mất, nó chỉ ẩn tàng trong trạng thái vô biểu (non-manifested) và di chuyển sang một bóng đèn khác để tiếp tục biểu hiện (manifest) hoặc đi vào những đồ điện tử khác như radio, tivi, máy tính, máy giặt, tủ lạnh, v.v...

Cũng thế, khi một người tắt thở thì tâm (hay linh hồn) sẽ lìa khỏi thể xác (physical body), tiếp tục hiện hữu ở trạng thái vi tế và đi tìm một cái xác khác để tiếp tục biểu hiện, trong đạo gọi là tái sinh hay đầu thai.

Ma và người là bà con, chỉ khác nhau ở chỗ còn thể xác thô kệch hay không. Người là một chúng sinh có thể xác bằng xương thịt, còn gọi là người dương. Ma là một chúng sinh không còn mặc áo bằng xương thịt, còn gọi là người âm, nhưng họ vẫn hiện hữu với một sắc thân vi tế, gọi là thể vía (astral body).

Sau khi hiểu được "Sợ" là một vọng tưởng sai lầm, hay một chương trình bệnh hoạn, và "Ma" là một người âm, thì chúng ta cần phải sửa lại bằng cách gắn vào tâm một chương trình đối lập, giống như muốn trừ virus trong máy vi tính thì phải gắn chương trình anti-virus.

Có những phương pháp tự kỷ ám thị (auto¬suggestion) dạy người ta lập đi lập lại một câu nói, thí dụ như "tôi không sợ ma" để đối trị lại "tôi sợ ma". Nhưng phương pháp tự kỷ ám thị này không phải lúc nào cũng có hiệu quả.

Sự hoạt động của tâm thức gồm có tàng thức (tiềm thức), mạt na thức (vô thức), và ý thức, không phải đơn giản muốn nhồi sọ vài lần là xong. Sự nhồi sọ cần nhiều thời gian may ra mới có hiệu quả. Riêng đạo Phật không hưởng ứng phương pháp nhồi sọ, mà dạy tư duy, quán chiếu, để hiểu rõ vấn đề theo chiều sâu thì mới có sự thay đổi thật sự.

Thông thường những người có tánh sợ ma là vì họ tin ma có thật và có thể làm hại mình. Nếu thực sự muốn hết sợ ma thì cần sửa lại chương trình là tin ma có thật nhưng không thể làm hại được mình.

Trước tiên nên cài vào tâm một câu hỏi mới: "Tại sao tôi không còn sợ ma nữa?" và ráng tìm câu trả lời. Câu hỏi này giống như một công án. Một công án thường vô lý và khó tin, giống như công án: "Thế nào là mặt thật của ta khi cha mẹ chưa sinh ra?", chưa sinh ra thì làm sao có mặt mũi?, hoặc "Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?", một bàn tay làm sao mà vỗ được? v.v...

Với một người sợ ma mà tự hỏi "Tại sao tôi không còn sợ ma nữa?" thì quả thật là vô lý. Câu hỏi này có hai công năng: một là nhồi sọ theo kiểu tự kỷ ám thị "tôi không còn sợ ma nữa", hai là bắt tâm thức phải làm việc tìm câu trả lời. Càng moi óc tìm câu trả lời thì nó sẽ tác động sâu vào tiềm thức. Khi tâm lo tìm câu trả lời "Tại sao tôi không còn sợ ma nữa" thì vô tình nó đã chấp nhận là nó "không còn sợ ma nữa", như thế là đã đi được nửa đường rồi.

Tìm ra một câu trả lời là phá trừ cái sợ được một phần. Tìm được hai câu trả lời là bớt sợ được hai phần. Nếu bạn là người sợ ma thì chính bạn phải tự tìm hiểu để trả lời, như thế mới có hiệu quả, nhưng ở đây xin giúp bạn vài câu khởi đầu.

Tại sao tôi không còn sợ ma nữa? - Tại vì:

Ma có thật, nhưng không có thể xác vật chất nên không thể bóp cổ tôi chết được.

Ma cũng là một con người, một chúng sinh, sống trong cảnh giới khác.

Ma thực sự không phải là ma, mà chỉ là ...

Ma không phải lúc nào cũng hiện ra. Họ chỉ hiện khi nào có gì u uẩn cần sự giúp đỡ của người sống ...

Thấy được ma là một điều hiếm có, không phải ai cũng có dịp may như vậy ...

Nếu ma hiện ra thì chỉ hiện trong nháy mắt rồi biến mất, đâu có làm gì được ai ... v.v...

Khi máy vi tính bị virus tấn công thì có rất nhiều chương trình chống virus như Norton, McAfee, Panda, BitDefender, AVG, Avast, Antivir, v.v...

Cũng như thế, có rất nhiều cách để trị bệnh "sợ ma", trên đây chỉ là một trong nhiều cách.

Một cách đơn giản khác là không dùng danh từ "ma" nữa, mà thay vào đó bằng "người âm" hay "linh hồn" (spirit). Bởi vì chữ "ma" đã thấm quá nhiều năng lượng của sự sợ hãi do "tâm thức cộng đồng" bơm vào. Khi nói đến chữ "ma" thì tức khắc nó khơi dậy trong tâm một cái gì ghê rợn, đáng sợ. Bây giờ, mỗi khi nghe ai nói hay nhắc tới chữ "ma" thì chúng ta phải nghĩ ngay đó là "người âm" hay "chúng sinh vô hình". Làm được như vậy chính là đang sửa chương trình "sợ ma".

Nếu bạn là người sợ "ma" mỗi khi nghe ai nhắc tới chữ "ma" thì hãy thử nói thầm chữ "ma" bằng tiếng Pháp như "Fantôme", hoặc tiếng Anh "Ghost", hay tiếng Đức "Geist", xem cái sợ tăng hay giảm? Bạn sẽ thấy cùng có nghĩa là "ma" nhưng khi nói tiếng khác thì cái sợ sẽ bớt đi nhiều, bởi vì người Âu Mỹ không sợ ma nhiều bằng người Á châu.

Ngoài việc sửa chương trình trong tâm ý, bạn cần phải sửa chương trình ngoài thân, tức là hành xử như thể mình "không còn" là người sợ ma nữa. Thí dụ như đi vào bóng tối, dù chỉ một hai giây, hoặc nhìn vào bóng tối xem có thấy ai không, hoặc ngồi trong bóng tối vài phút rồi tăng dần lên từ từ, hoặc nghe ai sợ ma thì đừng hùa theo sợ mà phải "giả bộ" anh hùng, v.v... Nói cách khác, bạn hãy giả bộ đóng vai mình là người không còn sợ ma nữa. Ban đầu giả bộ đương nhiên rất khó, nhưng cứ giả bộ hoài thì sẽ thành.

Ngoài ra các bạn sợ ma nên tìm đọc sách về thế giới bên kia cửa tử, để hiểu rằng "người âm" không có gì đáng sợ, mà ngược lại, họ cũng giống y hệt như mình và có lúc họ cần liên lạc với mình để cầu sự giúp đỡ, trong khi đó mình lại đi sợ họ một cách vô lý vì thiếu hiểu biết. 

Bài viết được Đạo Phật Nguyên Thủy trích từ cuốn sách
Dòng Đời Vô Tận của Hòa thượng Thích Trí Siêu

Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.