Chuyển đến nội dung chính

Thiền Vipassana - Khóa tu mười ngày tu tập Thiền Minh Sát Tuệ

NHỮNG BÀI GIẢNG CƯƠNG YẾU CỦA 
KHÓA MƯỜI NGÀY TU TẬP THIỀN MINH SÁT TUỆ
Thiền sư Goenka
Thích Minh Diệu dịch

Nguyên tác: "The Discourse Summaries", S.N. Goenka (1994)

NỘI DUNG

Lời người dịch

Lời nói đầu

Những điều cần lưu ý khi đọc văn bản

1. Bài giảng ngày thứ nhất

Những khó khăn đầu tiên

Mục đích của tu tập thiền định

Tại sao hơi thở được chọn như điểm khởi đầu 

Bản chất của tâm thức

Những khó khăn và phương cách khắc phục

Những nguy hiểm cần phải tránh

2. Bài giảng ngày thứ hai

Định nghĩa khái quát về tội và lòng mộ đạo

Hai phần đầu của Bát Thánh Đạo: Giới và Định

3. Bài giảng ngày thứ ba

Phần thứ ba của Bát Thánh Đạo: Trí tuệ: Trí tuệ do truyền đạt (Văn tuệ), trí tuệ do tư duy (Tư tuệ) và trí tuệ do kinh nghiệm (Tu tuệ)

Kalāpā: Bốn đại (đất, nước, lửa và gió)

Ba đặc tính: Vô thường, bản chất huyễn hóa của ngã và khổ

Sự thấu hiểu thực tại của các hiện tượng

4. Bài giảng ngày thứ tư

Những câu hỏi liên quan đến phương cách thực hành thiền Minh Sát Tuệ

Qui luật nghiệp báo

Tầm quan trọng của hành động thuộc về tâm

Bốn chức năng phối hợp của tâm: ý thức, tưởng tri, cảm thọ, phản ứng

Duy trì tâm tỉnh thức và xả ly là con đường thoát khỏi khổ đau

5. Bài giảng ngày thứ năm

Bốn sự thật cao thượng: Sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân của khổ, sự thật về đoạn diệt khổ và sự thật về con đường dẫn đến đoạn diệt khổ

Vòng duyên khởi có điều kiện

6. Bài giảng ngày thứ sáu

Tầm quan trọng của tu tập tâm tỉnh thức và xả ly đối với các cảm thọ

Bốn đại và mối quan hệ của chúng với cảm thọ

Bốn nhân tố ảnh hưởng đến thân

Năm hạ phần kiết sử: Tham, sân, hôn trầm, trạo cử và nghi ngờ

7. Bài giảng ngày thứ bảy

Tầm quan trọng của tâm xả ly đối với các cảm thọ thô và tế

Duy trì tâm tỉnh thức 

Năm người bạn tốt (năm lực): Niềm tin, tinh tấn, chánh niệm, thiền định và trí tuệ

8. Bài giảng ngày thứ tám

Qui luật tăng và giảm 

Qui luật đoạn trừ

Tâm xả ly là an lạc tối thượng

Tâm xả ly có thể làm cho chúng ta sống một cuộc sống chân chánh 

Duy trì tâm xả ly, chắc chắn chúng ta đảm bảo một tương lai hạnh phúc cho chúng ta

9. Bài giảng ngày thứ chín

Áp dụng phương pháp thiền Minh Sát Tuệ vào đời sống hàng ngày

Mười pháp Ba-la-mật (paramī)

10. Bài giảng ngày thứ mười

Ôn lại phương pháp thực hành

11. Bài giảng ngày thứ mười một

Làm thế nào để tiếp tục hành trì sau khi khóa tu hoàn mãn

12. Bảng giải thích những thuật ngữ Pāli

13. Một số địa chỉ Trung tâm tu thiền Minh Sát Tuệ trên thế giới

-ooOoo-

LỜI NGƯỜI DỊCH

Trước khi nói về phương pháp và lợi ích của thiền Minh Sát Tuệ, chúng ta cần điểm qua một số vấn đề liên quan đến "pháp môn thiền định" Phật giáo. Gần đây, dường như pháp môn thiền của Phật giáo bị lãng quên và không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tu tập của tu sĩ. Ðây là một trong những nguyên nhân khiến cho Phật giáo bị biến dạng và mất đi sức mạnh nội tại. Ðiều đáng buồn nhất là một số tín đồ cũng như tu sĩ Phật giáo không biết gì về pháp môn thiền định Phật giáo lại phát biểu võ đoán và sai lầm rằng: "Tu thiền sẽ bị điên hoặc tẩu hoả nhập ma". Ở đây người dịch xin xác quyết rằng, tu tập đúng phương pháp thiền Phật giáo, hành giả không bao giờ bị những điều tai hại như vậy. Nếu ai tu thiền bị điên hoặc tẩu hoả nhập ma, chắc chắn người đó đã tu lạc pháp hoặc tu theo thiền định của ngoại đạo chứ không phải của Phật giáo, vì tu tập thiền Phật giáo, sớm hay muộn người đó sẽ loại trừ được tâm loạn động, vô minh. Nhiều thống kê hiện nay cho biết rõ pháp môn thiền Minh Sát Tuệ của Phật giáo đã giúp rất nhiều người giải toả những tâm bệnh căng thẳng, đạt được tâm bình thản và an lạc trong cuộc sống. Ngoài ra, thiền Minh Sát Tuệ còn mang lại nhiều lợi ích khác cho người hành thiền và tha nhân.

Ở đây, người dịch đứng trên lập trường giáo lý của đạo Phật xin trình bày một vài nhận thức cá nhân về giáo lý thiền của Phật giáo, đặc biệt là thiền Minh Sát Tuệ.

Không ai từ chối sự thật là đức Phật Thích-ca đã chứng quả chánh đẳng chánh giác dưới cội Bồ-đề nhờ tu tập thiền quán. Và chứng tích rõ ràng hơn là kinh điển được ghi lại trong cả hai truyền thống: Phật giáo Nguyên thuỷ dựa vào năm bộ Nikāya (Pañca-nikāyā) và Phật giáo Phát triển dựa vào bốn bộ A-hàm (Āgama) và số Kinh Đại Thừa kết tập sau này đều nhấn mạnh thiền định là pháp tu căn bản nhất để loại trừ mọi tập khí phiền não của thân và tâm. Cụ thể hơn nữa, khi đọc vào những bản kinh, chúng ta thấy chư vị đệ tử của đức Phật thành tựu thánh quả từ quả Tu-đà-hoàn đến quả A-la-hán hầu như đều nhờ vào việc tu tập thiền định.

Thiền định mang lại kết quả an lạc, hạnh phúc ở nhiều mức độ khác nhau ngay trong hiện tại chứ không phải mong cầu kết quả viễn vong ở tương lai. Ðiều cốt yếu nhất của thiền định Phật giáo là tu tập nơi thân và tâm chúng ta. Thân và tâm này là đầu mối của luân hồi đau khổ và cũng là công cụ để giải thoát khổ đau. Không ai hoặc quyền lực nào đủ khả năng và thẩm quyền can thiệp vào đau khổ cũng như giải thoát của chúng ta. Chính chúng ta làm chúng ta đau khổ và cũng chính chúng ta tu tập để giải thoát.

Tu tập thiền Minh Sát Tuệ dựa vào nền tảng tu tập của Giới, Định và Tuệ. Tuy nhiên, nét đặc trưng của thiền Minh Sát Tuệ là duy trì tâm tỉnh giác và bình thản để quán sát những cảm thọ sinh khởi trên thân mà không phản ứng lại. Nhờ quán sát như vậy, hành giả sẽ loại trừ dần các tập khí quá khứ và hiện tại đồng thời chứng nghiệm thực tại vô thường, khổ và vô ngã của các hiện tượng trong thân và tâm. Chỉ có thực nghiệm này mới có thể giúp hành giả đoạn trừ tập khí phiền não và đạt được giải thoát.

Hiện nay, Phật giáo ở Ấn Độ chỉ là một tôn giáo thiểu số so với Ấn Độ giáo, tuy nhiên điều đáng mừng nhất là phương pháp thiền Minh Sát Tuệ được áp dụng phổ biến tại quốc gia này. Ngay cả các trường huấn luyện cảnh sát, các nhà tù lớn và những bệnh viện tâm thần cũng thường xuyên tổ chức các khoá tu tập thiền Minh Sát Tuệ định kỳ cho các cán bộ, tù nhân và bệnh nhân. Hơn thế nữa, các trung tâm thiền Minh Sát Tuệ đã và đang phát triển rộng rãi không những ở các nước Châu Á như Thái Lan, Miến Điện, Nhật Bản mà còn phát triển ở các nước thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Rất nhiều người tham gia những khoá tu thiền Minh Sát Tuệ và một số người sau khoá tu đã ở lại trung tâm để phục vụ cũng như tiếp tục tu tập. Nhiều trung tâm thiền Minh Sát Tuệ do người ngoại quốc trực tiếp hướng dẫn.

Ðiều này cho thấy rằng thiền Minh Sát Tuệ không phải là pháp môn chỉ dành riêng cho giới tu sĩ Phật giáo mà đây cũng là pháp môn phổ cập cho mọi người. Ở nước ta, phương pháp tu tập thiền định của Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay dường như chỉ giới hạn cho giới xuất gia và bị ảnh hưởng phương pháp thiền Trung Quốc và Nhật Bản hay còn gọi là Tổ Sư thiền. Phương pháp thiền Nguyên Thuỷ hay Như Lai thiền không còn được quan tâm và hành trì nhiều. Khuyết điểm lớn là giới Phật tử Việt Nam không được khuyến khích tu tập thiền định và không có những trung tâm để cho Phật tử cũng như bất cứ ai từ bất cứ tôn giáo nào muốn tham dự đều có thể tham dự được. Một điều làm chúng tôi luôn thao thức, trăn trở, đó là làm thế nào để hình thành những trung tâm tu tập thiền Minh Sát Tuệ trên đất nước Việt Nam của chúng ta. Phật giáo Việt Nam được xem có nguồn gốc gần 2000 năm lịch sử, có hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương, có nhiều Tăng Ni và Phật tử, thiết nghĩ chúng ta nên cố gắng tập trung mở rộng truyền bá thiền Minh Sát Tuệ vì hạnh phúc và an lạc vô cùng tận cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bản nguyên tác tiếng Anh "The Discourse Summaries" được dịch sang tiếng Việt là "Những Bài Giảng Cương Yếu" do Thiền sư Goenka thuyết giảng trong thời gian Ngài hướng dẫn Thiền sinh tu tập thiền Minh Sát Tuệ khóa mười ngày. Tuy nhiên, để tựa đề tiếng Việt được rõ ràng và dễ hiểu hơn, chúng tôi tạm dịch: "Những Bài Giảng Cương Yếu của Khóa Mười Ngày Tu Tập Thiền Minh Sát Tuệ". Nhìn qua họa đồ giảng dạy của khoá tu mười ngày, chúng ta thấy hành giả được hướng dẫn tu tập từng bước. Nội qui và thời khóa biểu thực hành mỗi ngày, đặc biệt nhất là phải giữ im lặng (tịnh khẩu) tối đa trong chín ngày cùng với việc thọ trì tam quy, ngũ giới được xem như là nền tảng của giới cho khóa tu. Mỗi ngày ngồi thiền mười giờ, trong ba ngày rưỡi đầu hành giả chủ yếu thực tập phương pháp tịnh chỉ tâm thức (phương pháp định tâm) qua việc theo dõi hơi thở ra vào, giúp hành giả dừng lại vọng niệm và đồng thời tập nhận ra cảm thọ quanh vùng mũi. Sáu ngày rưỡi còn lại là thời gian hành trì thiền Minh Sát Tuệ (Vipassana), thực tập tuệ quán các cảm thọ sanh khởi trên toàn thân với tâm chánh niệm và xả ly. Tập sách mỏng bao gồm mười một bài pháp giảng giải những khúc mắc cho hành giả trong suốt khoá tu được xem như là cẩm nang quý báu. Nhận thấy sự cần thiết và hữu ích của tập sách, chúng tôi đã cố gắng chuyển sang Việt ngữ để giúp cho những vị đang tìm hiểu hoặc đã tiếp cận với pháp môn thiền định Phật giáo đặc biệt thiền Minh Sát Tuệ xác định đúng đắn và vững tin vào con đường tu tập của mình.

Trong khi phiên dịch tập sách này, chúng tôi có cơ hội ôn lại và hiểu thêm về phương pháp hành trì thiền Minh Sát Tuệ. Chúng tôi dịch trung thành với nội dung của mười một bài giảng và ghi chú cần thiết những phần trích dẫn liên quan đến Kinh, Luật và Luận nếu có trong mười một bài giảng. Ngoài ra có những đoạn trong nguyên bản quá cô đọng hoặc một số thuật từ khó hiểu, chúng tôi có giải thích bổ sung thêm phần trong ngoặc để người đọc tham khảo thêm. Khi bắt tay vào dịch tập sách này, người dịch nhắm đến mục đích chủ yếu là giới thiệu cho chư vị Phật tử cũng như những ai muốn tìm hiểu pháp môn thiền định Phật giáo, một phương cách sống tự điều phục tâm, một lối sống mang lại lợi ích thực sự cho bản thân cũng như mọi người . Bản thân người dịch và một số vị Tăng, Ni đồng tu học ở đây (Ấn Độ) đã tham gia vài khóa tu mười ngày thiền Minh Sát Tuệ (Vipassana). Sau những ngày nỗ lực tu tập, tất cả chúng tôi đều cảm nhận được sự an lạc và giải thoát khỏi những căng thẳng của thân cũng như tâm. Nhận thấy rõ giá trị đích thực của pháp môn tu tập thiền Minh Sát Tuệ, chúng tôi mong mỏi mọi người nên tham gia các khoá tu hoặc ngắn ngày hoặc dài ngày nếu tại địa phương có các trung tâm thiền Minh Sát Tuệ. Dù đứng trước thời đại khoa học văn minh, vật chất phát triển, đạo đức con người đang biến chuyển theo đà suy thoái, người biết thực hành thiền định vẫn không bị mất đi tính tự chủ, đời sống tinh thần cũng như vật chất của gia đình vẫn luôn ổn định, và sống, xây dựng một xã hội hòa bình, hạnh phúc và an lạc.

Nhờ sự khuyến khích và giúp đỡ tận tình của quí huynh đệ đồng tu học trong việc sửa bản thảo, bản dịch mới được tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, dù cố gắng hết mình vẫn không tránh khỏi sai sót trong lúc phiên dịch, chúng tôi xin hoan hỷ đón nhận mọi góp ý của quí độc giả.

Mọi công đức phiên dịch này xin hồi hướng đến vạn loại chúng sanh được an lạc và hạnh phúc, sớm quay về chân lý giác ngộ và giải thoát.

Trường Đại Học Pune - Ấn Độ, 1-05- 2002.
Tỳ Kheo Thích Minh Diệu cẩn chí
________________________________________


LỜI GIỚI THIỆU

Thiền sư S.N. Goenka đã phát biểu rằng: "Giải thoát chỉ có thể đạt được qua tu tập chứ không phải qua bàn luận." Tham dự khóa tu thiền Minh Sát Tuệ là một cơ hội để thực hiện những bước tiến cụ thể hướng đến giải thoát. Người tham gia một khoá tu như vậy sẽ học được cách giải tỏa tâm căng thẳng và những thành kiến sai lầm khuấy nhiễu sự yên tĩnh trong đời sống. Nhờ việc tu tập này, chúng ta bắt đầu khám phá ra một lối sống bình an, sáng tạo, hạnh phúc trong mỗi sát na. Đồng thời chúng ta cũng thăng tiến đến mục đích tối thượng, mục đích mà nhân loại luôn khao khát đạt đến: đó là tâm an tĩnh, giải thoát mọi triền phược khổ đau và giác ngộ viên mãn.

Nếu chỉ tư duy hoặc cầu mong, chúng ta không thể nào đạt được thiền định này. Chúng ta cần phải tu tập từng bước để đạt đến mục đích cao thượng. Vì lý do này, mỗi khóa tu thiền Minh Sát Tuệ luôn đề cập đến phương pháp hành trì thực tiễn. Tu tập Minh Sát Tuệ không chấp nhận hành giả bàn luận về triết lý hay tranh luận trên lý thuyết, cũng như những vấn đề không liên quan đến kinh nghiệm bản thân. Hành giả được khuyến khích để tìm ra giải đáp về những thắc mắc của mình càng nhiều càng tốt. Trong khi tu tập, vị thầy hướng dẫn những gì cần thiết, nhưng sự chỉ dẫn này còn tùy thuộc vào việc thực hành của mỗi người: chúng ta phải tự chiến đấu với bản thân và tự giải thoát.

Ngoài yếu tố quan trọng đã được trình bày, vẫn còn có một số vấn đề cần được giảng giải đểhỗ trợ cho khoá tu. Thế nên mỗi buổi tối của khoá tu, Ngài Goenka đều giảng một bài pháp đểgiúp quý vị hiểu rõ những kinh nghiệm thực tập của ngày hôm đó, và làm sáng tỏ phương pháp tu tập dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Ngài khuyên rằng không được xem những bài giảng này như để tiêu khiển về mặt tri thức hoặc tình cảm. Mục đích của những bài giảng này cốt yếu giúp hành giả hiểu những gì cần phải thực hành và tại sao phải thực hành như vậy, đểcó thể thực hành đúng theo hướng dẫn và sẽ thành tựu kết quả tốt. Đó chính là mục đích của việc trình bày các bài giảng này trong hình thức cô đọng.

Mười một bài giảng này giúp chúng ta có cái nhìn bao quát về lời dạy của đức Phật. Tuy nhiên, việc tiếp cận lời dạy không mang tính học thuật hay phân tích. Thay vào đó, những bài giảng được trình bày như một động lực, một tổng thể nối kết với nhau để tháo gỡ những khó khăn và khúc mắc cho hành giả. Tất cả những khía cạnh khác của các bài giảng mà chúng tađã thấy, nói lên một sự nhất quán cơ bản: đó là thể nghiệm thiền định. Thể nghiệm này là tia sáng bên trong dẫn đến một đời sống chân thật và làm giá trị của giáo pháp rực sáng.

Không có kinh nghiệm này chúng ta không thể nắm bắt được ý nghĩa trọn vẹn của các bài thuyết giảng, hay giáo pháp của đức Phật dạy điều gì. Tuy thế, điều này không có nghĩa là giáo pháp không thể được đánh giá trên phương diện tri thức. Hiểu biết trên lãnh vực tri thức có giá trị như một nhân tố trợ giúp cho việc thực tập thiền định, mặc dù tự thân thiền định là một tiến trình vượt qua những giới hạn của tri thức.

Vì lý do trên, những bài tóm tắt này được soạn, trình bày những điểm tinh yếu ngắn gọn của mỗi bài giảng. Ngài Goenka giảng những bài pháp này mục đích chính yếu là tạo ra nguồn cảm hứng cũng như hướng dẫn cho các hành giả đang thực tập phương pháp thiền Minh Sát Tuệ. Đối với những người tình cờ đọc những bài giảng này, hy vọng rằng chúng sẽ là niềm khuyến khích họ tham gia một khóa thiền Minh Sát Tuệ và để kinh nghiệm những gì đã được trình bày ở đây.

Những bài giảng này không nên xem như một cẩm nang tự thực hành thiền Minh Sát Tuệ, một hướng dẫn thay thế cho khóa thiền 10 ngày. Thiền định là một vấn đề rất hệ trọng, đặc biệt phương pháp thiền Minh Sát Tuệ, nó liên quan đến những cấp độ sâu thẳm của tâm thức. Thiền Minh Sát Tuệ không thể được thành tựu một cách dễ dàng hay ngẫu nhiên. Muốn họcđúng phương pháp thiền Minh Sát Tuệ duy chỉ có cách tham gia một khóa tu chính thức, ở đócó môi trường thích hợp và có người hướng dẫn đầy đủ kinh nghiệm giúp đỡ cho người hành thiền. Nếu ai đó không để ý đến lời khuyến nhắc này và cố gắng tự mình thực hành thiền Minh Sát Tuệ qua việc tự đọc sách, bản thân người ấy phải chịu lấy hoàn toàn mọi sự không may, nguy hiểm.

Thật may mắn, hiện nay, những khóa thiền Minh Sát Tuệ theo sự hướng dẫn của Ngài Goenkađược tổ chức định kỳ ở nhiều nơi trên thế giới. Chương trình tu học của các khoá thiền Minh Sát Tuệ đều có thể liên hệ đến bất cứ trung tâm nào được ghi vào danh sách ở trang cuối của tập sách này.

Những bài giảng tóm tắt này chủ yếu dựa vào các bài giảng của Ngài Goenka tại Trung Tâm Thiền Minh Sát Tuệ, bang Massachusetts thuộc Mỹ Quốc trong suốt tháng 8 năm 1983. Ngoại trừ bài giảng ngày thứ 10 là dựa vào bài giảng cũng tại Trung tâm này vào tháng 8 năm 1984.

Trong thời gian Ngài Goenka xem qua và đồng ý cho tài liệu này xuất bản, Ngài không có thì giờ để kiểm tra văn bản kỹ lưỡng, vì vậy, có thể người đọc gặp một vài lỗi và khiếm khuyết. Những sơ sót này không phải do vị Thầy, cũng không phải của giáo pháp, mà là trách nhiệm của chính tôi. Tôi rất vui lòng đón nhận sự phê bình, điều này giúp tôi chỉnh lại những thiếu sót trong văn bản.

Cầu mong tác phẩm này giúp ích nhiều người trong tu tập giáo pháp.

Nguyện cầu tất cả chúng sanh đều hạnh phúc.

William Hart
________________________________________

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI ĐỌC VĂN BẢN

Những bài pháp của đức Phật và chư đệ tử của đức Phật mà Ngài Goenka trích dẫn ở đây đềuđược rút từ Luật Tạng (Vinaya-pitaka) và Kinh Tạng (Sutta-pitaka) thuộc kinh điển Pāli. (Mặc dầu trong vài trường hợp, một số trích dẫn có mặt trong cả hai Tạng, nhưng ở đây chỉ trình bày những tham khảo thuộc Kinh Tạng). Ngoài ra, một vài trích dẫn khác được rút ra từ hậu văn học kinh điển Pāli (post-canonical Pāli literature). Trong những bài thuyết giảng này, Ngài Goenka giải thích các đoạn kinh phần lớn chú trọng đến việc lý giải hơn việc phiên dịch từng thuật ngữ theo văn bản Pāli. Mục đích là nhằm trình bày phần cốt lõi của mỗi đoạn trích trong ngôn ngữ bình dị, nhấn mạnh mối quan hệ của nó đến sự hành trì thiền Minh Sát Tuệ.

Những chỗ có đoạn trích Pāli xuất hiện trong hình thức tóm tắt, Ngài Goenka sử dụng đoạn văn ngắn gọn này để giải thích cho bài pháp. Phần sau của tập sách là những đoạn Pāli đãđược dịch ra tiếng Anh, nhằm bổ sung cho các đoạn trích được chính xác hơn và vẫn chú trọng đến quan điểm của thiền giả.

Trong các bài giảng tóm tắt, việc sử dụng các thuật ngữ Pāli đều được giữ nguyên hình thức số ít. Khi nào những thuật ngữ này cần phải sử dụng theo hình thức số nhiều thì chúng được viết theo phong cách số nhiều của Pāli; ví dụ: số nhiều của sankhāra là sankhārā, của kalāpalà kalāpā, của parama là paramā.


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NHẤT

- Những khó khăn ban đầu

- Mục đích của hành thiền

- Tại sao hơi thở được chọn như điểm khởi đầu 

- Bản chất của tâm 

- Những khó khăn và phương cách khắc phục 

- Những nguy hiểm cần phải tránh.

Ngày thứ nhất chúng ta thường gặp nhiều khó khăn và không mấy thoải mái, một phần vì chúng ta không quen ngồi lâu suốt ngày và cũng không quen trong việc nỗ lực thiền định, nhưng phần lớn là do phương pháp thiền định mà chúng ta đang thực tập: đó là chánh niệm bằng hơi thở, và chỉ có hơi thở.

Nếu không có những trở ngại trên, thì việc định tâm theo dõi hơi thở kết hợp với việc tụng niệm một lời nói, một câu chú, một danh xưng của một vị thần nào đó hoặc nếu chúng ta tưởng tượng hình ảnh của một vị thần linh sẽ dễ dàng và nhanh hơn. Nhưng ở đây phương pháp này chỉ yêu cầu quý vị theo dõi hơi thở, đúng như bản chất tự nhiên của nó, không có quiđịnh nào cho hơi thở; không thể sử dụng thần chú hoặc phương thức tưởng tượng hình ảnh nào đó trong phương pháp hành trì này.

Những hình thức trên không được phép hành trì, vì mục đích tối hậu của phương pháp thiền này không phải là sự định tâm. Sự định tâm chỉ là một yếu tố hỗ trợ, một bước nối dẫn đến mục đích cao hơn: Đó là sự thanh lọc tâm, loại trừ mọi cấu uế của tâm, mọi bất thiện trong tâm, và giải thoát ra khỏi mọi khổ đau, thành tựu sự giác ngộ viên mãn.

Cấu uế sinh khởi trong tâm chúng ta từng sát na, như sân hận, thù hằn, tham lam, sợ hãi, v.v... làm chúng ta đau khổ. Bất cứ lúc nào, những điều chúng ta không cầu mong lại đến, chúng ta rơi vào hoàn cảnh khổ đau và tự tạo ra những nội kết. Khi nào những điều mong muốn khôngđược thoả mãn, một lần nữa chúng ta lại tự tạo ra đau khổ cho bản thân. Những khổ đau này cứ tái diễn mãi trong cuộc sống, cho đến khi thân và tâm chúng ta trở thành một khối phiền não rối rắm. Và chúng ta không chỉ đau khổ riêng bản thân mà còn làm ảnh hưởng đến những người thân xung quanh. Tất nhiên, đây không phải là một lối sống thích hợp.

Quý vị tham dự khóa tu này là để học nghệ thuật sống: đó là làm sao để sống hạnh phúc và an lạc cho chính chúng ta, và cho mọi người; làm thế nào để sống hạnh phúc trong mọi lúc đồng thời hướng đến hạnh phúc tối thuợng với một tâm hồn hoàn toàn thanh tịnh, một tâm hồn trànđầy tình thương vị tha, lòng từ bi, vui vẻ trước thành công của người khác, và tâm hỷ xả.

Để học nghệ thuật sống hạnh phúc, trước nhất chúng ta phải tìm nguyên nhân của đau khổ. Nguyên nhân này luôn tiềm ẩn bên trong, vì vậy quý vị phải khám phá thực tại ở nơi mình. Quý vị thực tập phương pháp thiền này là để giúp quý vị quán sát lại thân và tâm của mình, chính thân tâm là nơi chứa nhiều tham đắm dẫn đến kết quả tạo ra những tâm lý căng thẳng và khổ đau. Ở cấp độ kinh nghiệm, chúng ta phải tuệ tri bản chất của thân và tâm; có như vậy, chúng ta mới có thể kinh nghiệm những gì vượt ra ngoài thân và tâm. Do đó, đây là phương pháp chứng ngộ chân lý, chứng ngộ tự ngã, quán chiếu thực tại mà chúng ta đã gán cho nó cái tên là "tự ngã". Phương pháp này cũng có thể được xem là phương pháp chứng ngộ - Thượngđế (God-realization), bởi vì, đằng sau Thượng đế không có gì khác hơn là chân lý, tình thương và thanh tịnh.

Kinh nghiệm trực tiếp về thực tại là điều rất quan trọng. "Hiểu biết chính mình" (know thyself) quý vị sẽ quán sát thực tại qua nhiều hình thức từ đặc tính thô bên ngoài đến những hình thức có đặc tính vi tế hơn và vi tế nhất biểu hiện qua thân và tâm của quý vị. Sau khi kinh nghiệm qua những thực tại này, chúng ta có thể tiến xa hơn để kinh nghiệm thực tại siêu việt nhất vượt ra ngoài kinh nghiệm của thân và tâm.

Hơi thở là yếu tố thích hợp cho tiến trình thực nghiệm này. Sử dụng một đối tượng do mình tự tạo ra (self-created), tập trung vào một đối tượng do tưởng tượng - một câu thần chú hoặc một hình tượng - tất cả những cách hành trì này dẫn chúng ta vào những trạng thái hoang tưởng, và những ảo giác mơ hồ; nó không giúp được gì cho chúng ta trong việc khám phá ra sự thật vi tế của chính chúng ta. Để thể nhập vào sự thật vi tế này, chúng ta cũng phải bắt đầu bằng sự thật,đó là thực tại thô như hơi thở ra, vào. Hơn nữa, nếu chúng ta hành trì theo hình thức đọc tụng thần chú hoặc quán tưởng hình tượng của một vị thần nào đó thì phương pháp hành trì này trở thành một phương pháp mang đặc tính giáo phái. Tụng đọc thần chú hoặc quán tưởng hình tượng có giá trị tương đương với một hình thức tu tập, một hình thức tôn giáo hoặc một hình thức khác, và ở đây việc thực tập không chấp nhận những hình thức có nguồn gốc khác nhau này. Khổ đau là căn bệnh chung. Phương thuốc điều trị cho căn bệnh này không thể là một phương thuốc của một môn phái nào đó; mà nó phải là một phương thuốc chung cho tất cả. Tu tập tỉnh giác hơi thở sẽ đáp ứng yêu cầu này. Hơi thở là thành tố quen thuộc đối với mọi người: ai cũng có thể áp dụng phương pháp theo dõi hơi thở. Toàn bộ tiến trình tu tập theo phương pháp này phải hoàn toàn vượt ra ngoài chủ nghĩa môn phái.

Hơi thở là một công cụ và với công cụ này chúng ta có thể khám phá ra sự thật về tự ngã của chúng ta. Thực ra, ở mức độ kinh nghiệm, quý vị biết rất ít về bản thân. Quý vị chỉ biết những hình thức mang tính thô thiển bên ngoài của thân, và quý vị có thể tự điều khiển những bộ phận và chức năng của nó một cách có ý thức. Quý vị không biết gì về những cơ quan bên trong, chúng hoạt động ngoài sự kiểm soát của quý vị. Thân thể được kết cấu do sự phối hợp của vô số tế bào, và những tế bào này luôn luôn thay đổi trong từng sát na. Vô số phản ứng sinh lý và điện lực hấp dẫn liên tục xảy ra trên khắp thân thể, nhưng quý vị không hề biết gì về chúng.

Thực tập phương pháp này, quý vị sẽ biết những gì mà lâu nay quý vị chưa biết về tự ng. Hơi thở sẽ giúp quý vị thành tựu mục tiêu này. Hơi thở hoạt động như là một nhịp cầu nối tiếp từ chỗ phân biệt đến chỗ không phân biệt, vì hơi thở đóng một vai trò quan trọng trong thân thể và nó có thể nhận thức hoặc không thể nhận thức, có tác ý hoặc tự nhiên. Chúng ta bắt đầu với sự hít thở có ý thức, có chủ ý, và thực tập chánh niệm hơi thở một cách tự nhiên và bình thường. Và từ đó quý vị sẽ tiến xa hơn để làm lắng động những sự thật vi tế hơn trong quí vị. Mỗi bước tu tập là mỗi bước tiến vào thực tại; mỗi ngày quý vị thể nhập sâu hơn để khám phá những thực tại vi tế hơn của thân và tâm.

Hôm nay quý vị chỉ được yêu cầu theo dõi vai trò của hơi thở đồng thời quý vị cũng phải theo dõi tâm thức của quý vị, vì bản chất của hơi thở có mối quan hệ rất mật thiết với các trạng thái tâm thức của quý vị. Khi nào cấu uế, phiền não sinh khởi trong tâm, khi ấy hơi thở trở nên bất thường - chúng ta bắt đầu thở nhanh và mạnh hơn một tí. Khi những phiền não qua đi, hơi thở sẽ trở lại nhẹ nhàng. Vì vậy hơi thở có thể giúp quý vị khám phá ra thực tại không chỉ ở cấpđộ thân thể mà còn ở tâm thức nữa.

Thực tại của tâm mà quý vị bắt đầu kinh nghiệm hôm nay, đó là tâm có thói quen luôn luôn lang thang từ đối tượng này đến đối tượng khác. Nó không muốn an trú vào hơi thở, hoặc tập trung vào bất cứ đối tượng đơn lẻ nào: thay vào đó, tâm nghĩ lung tung.

Và khi nào, và nơi nào tâm thức lang thang đến? Khi thực tập, quý vị sẽ nhận ra tâm thức của quý vị rong ruổi về quá khứ hoặc tương lai. Đây là thói quen của tâm; nó không muốn an trú trong giây phút hiện tại. Thực tế, chúng ta phải sống với hiện tại. Quá khứ là những gì đã qua, vượt ngoài ký ức; tương lai là những gì chưa đến, ngoài tầm nắm bắt của chúng ta, cho đến khi nó trở thành hiện tại. Nhớ lại quá khứ và suy nghĩ về tương lai có giá trị quan trọng chỉ khi nào chúng giúp chúng ta giải quyết những vấn đề hiện tại. Nhưng vì thói quen đã bị tập nhiễm từ lâu, tâm thức luôn luôn tìm cách trốn khỏi thực tại và lang thang về quá khứ hoặc tuơng lai một cách vô vọng, và vì vậy tâm hoang vu này tạo ra khổ đau và bất an cho chúng ta. Phương pháp mà quý vị đang học ở đây gọi là "nghệ thuật sống", và cuộc sống thật sự có thể sốngđúng nghĩa chỉ trong hiện tại. Vì vậy, bước đầu tiên là học phương cách làm sao để sống với giây phút hiện tại, bằng cách an trú tâm vào thực tại: Đó là hơi thở đang đi vào và ra từ lỗ mũi của quý vị. Đây chính là thực tại của sát na này, mặc dù nó là một thực tại không vi tế. Khi tâm thức lang thang, hãy mỉm cười và không nên khởi lên bất cứ trạng thái căng thẳng nào, chúng ta chấp nhận nó, vì đây là thói quen của tâm. Ngay lúc chúng ta nhận ra tâm thức đã lang thang, tự động nó sẽ trở lại với chánh niệm của hơi thở một cách tự nhiên.

Quý vị dễ dàng nhận ra thói quen của tâm là thường bị các vọng tưởng quá khứ hoặc tương laiđoanh vây. Những thói quen gì có mặt ở đây? Hôm nay, quý vị đã tự nhận ra rằng có những lúc các ý niệm khởi lên một cách ngẫu nhiên, không theo một trật tự nào cả. Thói quen của tâm trong hình thức như vầy thường được xem như một dấu hiệu của sự bất bình thường (madness). Tuy nhiên, ở đây, tất cả quý vị đã khám phá ra rằng quý vị đang ở trong một trạng thái tâm tương đồng với tâm của người bất bình thường, khi nhận ra điều này tâm quí vị không còn vô minh, ảo giác, ảo tưởng (moha). Ngay khi có một chuỗi ý niệm phát sinh, chúng phát sinh theo đối tượng và tuỳ thuộc vào đối tượng, tâm cảm thọ lạc hoặc khổ. Nếu đối tượng làm cho tâm cảm thọ lạc thì chúng ta bắt đầu ưa thích, rồi tham đắm, chấp thủ nó (rāga). Nếu tâm cảm thọ một đối tượng là khổ thì chúng ta bắt đầu phản ứng với tâm không thích, rồi oán ghét, sân giận (dosa). Tâm thức luôn chứa đầy vô minh, tham lam và sân hận. Tất cả những tâm bất thiện khác phát nguồn cũng từ ba tâm bất thiện căn bản này, và mỗi tâm bất thiện tạo ra một đau khổ.

Mục đích của phương pháp này là thanh lọc tâm, để tâm thoát khỏi khổ đau bằng cách đoạn trừ dần những phiền não trong tâm. Đây là một tiến trình giải phẫu đi sâu vào tâm vô thức của chúng ta, thực tập theo tiến trình này để khai mở và loại trừ những phiền não vi tế tiềm ẩn bên trong. Ngay bước đầu của phương pháp tu tập là phải thanh lọc tâm thức, và đây là phương pháp quán sát hơi thở, quý vị đã hành trì không chỉ tập trung vào việc định tâm mà còn phải thanh lọc tâm nữa. Có lẽ suốt ngày hôm nay chỉ có vài giây phút nào đó tâm quý vị tập trung hoàn toàn vào hơi thở, nhưng mỗi khi tâm quý vị ở vào trạng thái này nó có năng lực chuyển hoá những thói quen của tâm thức. Tại giây phút đó quý vị chánh niệm với thực tại hiện hữu, hơi thở vào hoặc ra từ hai lỗ mũi, và không khởi lên bất cứ ảo tưởng nào. Và quý vị không thể tham muốn thở nhiều hơn nữa hoặc cảm thấy nổi giận đối với hơi thở: quý vị chỉ đơn giản theo dõi, đừng phản ứng với nó. Trong tâm niệm như vậy, tâm sẽ xuất ly khỏi ba căn bản phiền não tham, sân và si mê, đây là tâm thanh tịnh. Tâm niệm thanh tịnh ở cấp độ tỉnh thức này có tác động mạnh đến các phiền não đã tích tụ từ lâu trong vô thức. Sự tiếp xúc giữa cácđộng lực thiện và bất thiện tạo ra một sự bùng nổ. Một số phiền não tiềm ẩn trong vô thức hiện ra trên tầng ý thức, và nó biểu hiện thành các trạng thái bất an khác nhau của thân và tâm.

Khi chúng ta gặp tình huống như vậy, những nguy hiểm sẽ phát sinh, và những chướng ngại tâm sẽ tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng ta phải sáng suốt nhận ra rằng những gì có vẻ như chướng ngại khó khăn, thật ra chính nó là dấu hiệu của sự tiến bộ trong việc tu tập thiền định, nói tóm lại, điều này cho thấy phương pháp tu tập bắt đầu có hiệu nghiệm. Việc giải phẩu tâm vô thức đã bắt đầu, và chút ít mủ bị khuất bên trong đã bắt đầu xuất hiện ra ngoài vết thương. Mặc dù tiến trình giải phẩu tâm thức gặp nhiều trở ngại, chỉ có phương pháp duy nhất này mới lấy được mủ ung độc, loại bỏ mọi cấu uế của tâm. Nếu chúng ta tiếp tục hành trì đúng phương pháp, tất cả chướng ngại lần lượt tiêu tan. Ngày mai quý vị sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và ngày mốt lại dễ chịu hơn một tí nữa. Từng tí một, tất cả khó khăn sẽ được khắc phục, nếu quý vị nhẫn nại thực hành.

Không ai có thể tu tập thế cho quý vị; quý vị phải tự thực hành. Quý vị phải khám phá thực tại ở nơi quý vị. Và quý vị phải tự giải thoát.

VÀI LỜI KHUYÊN VỀ CÁCH HÀNH TRÌ

Suốt những giờ thiền định, quý vị luôn luôn hành trì trong nhà thiền. Nếu thiền định ở ngoài gặp ánh nắng mặt trời và gió, quý vị sẽ không thể thâm nhập vào mức độ sâu của tâm thức. Khoảng thời gian giải lao quý vị có thể ở ngoài.

Quý vị phải tu tập trong khuôn viên của trung tâm. Quý vị đang thực hành giải phẩu tâm thức của quý vị; vì vậy quý vị phải có mặt ở trong phòng giải phẩu (thiền đường).

Quyết tâm hành trì trong suốt khóa tu, nhẫn nại trước mọi khó khăn. Khi những khó khăn sinh khởi trong thời gian tu, hãy nhớ đến việc quyết tâm mạnh mẽ này. Bản thân có thể gặp nguy hiểm nếu quý vị từ bỏ khoá tu nửa chừng.

Tương tự, quyết tâm mạnh mẽ tuân thủ các nội qui, qui luật, trong đó điều quan trọng nhất là giới tịnh khẩu đồng thời cũng tuân thủ nội qui trong thời khắc biểu, và đặc biệt mỗi ngày phải có mặt ba lần ngồi thiền tập thể, mỗi lần một giờ.

Tránh ăn quá nhiều, tránh hôn trầm, và tránh nói những điều vô ích.

Khi được hướng dẫn, quý vị hãy hành trì một cách chính xác và nghiêm túc. Không than phiền bất cứ điều gì, trong suốt khoá tu hãy bỏ đi tất cả mọi việc, ngay việc đọc hoặc học tập bất cứ điều gì khác. Pha trộn phương pháp tu tập là điều vô cùng nguy hiểm. Nếu quý vị chưa rõ điều gì hãy đến vị Thầy hướng dẫn để làm rõ vấn đề. Chỉ nên tuân thủ hành theo phương pháp này; nếu thực hành đúng như vậy, quý vị sẽ gặt hái kết quả mỹ mãn.

Quý vị hãy vận dụng thời giờ quí báu, cơ hội, phương pháp, để tự giải thoát khỏi những trói buộc của tham, sân, si, và thưởng thức chân an lạc, chân an hoà, và chân hạnh phúc.

Chân hạnh phúc đến với quý vị.


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ HAI

- Ðịnh nghĩa khái quát về tội và lòng mộ đạo [1]

- Hai phần đầu của Bát Thánh Đạo

Ngày thứ hai đã qua. Mặc dù có phần nào dễ chịu hơn ngày đầu, những chướng ngại vẫn còn tồn tại. Tâm thức quá lăng xăng, lay động, điên cuồng giống như con bò hoang hay voi hoang gây ra nhiều thiệt hại một khi nó xâm nhập vào nơi cư trú của con người. Nếu một người thông minh biết huấn luyện và điều phục thú hoang thì tất cả sức mạnh và năng lực của nó dùng cho mục đích phá hoại trước kia, bây giờ được sử dụng cho công việc xây dựng xã hội. Tương tự, tâm thức có sức mạnh và nguy hiểm còn hơn cả voi hoang, nó cần phải được huấn luyện và điều phục; khi đó sức mạnh của nó sẽ bắt đầu phục vụ chúng ta. Nhưng quý vị phải luyện tập thật nhẫn nại, thật kiên trì, và liên tục. Hành trì bền bỉ là bí quyết của thành công.

Chính quý vị phải thực hành; không ai có thể tu giúp cho quý vị. Với tình thương bao la và lòng từ bi, bậc Giác Ngộ chỉ phương pháp tu tập, nhưng Ngài không thể mang bất cứ ai lên vai của Ngài để đi đến mục đích tối thượng. Chính quý vị phải thực hiện những bước tiến này, tự chiến đấu, tự giải thoát. Dĩ nhiên, một khi bắt đầu tu tập, quý vị sẽ nhận được sức mạnh hỗ trợ từ Giáo pháp, nhưng quý vị vẫn phải tự mình hành trì. Quý vị phải tự mình đi suốt conđường.

Để hiểu con đường mà quý vị đang đi là gì, đức Phật đã mô tả nó qua những lời nói rất giản dị:

Không làm tất cả những việc làm tội lỗi và bất thiện,

Hãy làm tất cả những việc lành

Hãy thanh lọc tâm;

Đây là lời dạy của các bậc Giác ngộ [2].

Ðây là phương pháp chung có thể áp dụng cho mọi người ở bất kỳ giai cấp, sắc tộc, hoặc quốc gia nào. Nhưng vấn đề khó khăn là ở chỗ định nghĩa về tội lỗi và lòng mộ đạo. Khi tinh hoa giáo pháp bị mất, giáo pháp trở thành giáo phái, và rồi mỗi giáo phái lại định nghĩa "lòng mộđạo" theo cách khác nhau, mang hình thức riêng biệt của từng giáo phái, hoặc hành trì theo nghi lễ nào đó, hoặc chấp chặt một số tín ngưỡng. Tất cả những định nghĩa này mang hình thức phe phái, chúng có thể được chấp nhận đối với một số người này nhưng không được chấp nhận đối với một số người khác. Tuy nhiên, giáo pháp đưa ra một định nghĩa chung về tội lỗi và thuần tín như sau: Bất cứ hành động nào có hại đến người khác, làm cho họ bất an và bất hòa thì đó là hành động tội lỗi, bất thiện. Bất cứ việc làm nào giúp người khác, giúp họ an ổn và hài hòa thì đó là việc làm đúng đắn, lương thiện. Ðịnh nghĩa này không thích hợp với bất cứ giáo điều nào, nhưng lại thích hợp với qui luật tự nhiên. Và theo qui luật tự nhiên, chúng ta không thể làm bất cứ việc gì có hại đến người mà không phát khởi phiền não trong tâm chúng ta trước: như là tâm sân hận, sợ hãi, thù hằn v.v...; và bất cứ khi nào chúng ta làm việc bất thiện, chúng ta đều phải chịu đau khổ, phải kinh qua những khổ sở của địa ngục trong tâm chúng ta. Tương tự, chúng ta không thể làm một việc giúp người mà trước hết chúng ta không đi từ tình thương, lòng từ, thiện chí; và ngay lúc chúng ta bắt đầu phát triển những thiện tâm thanh tịnh như vậy, chúng ta bắt đầu hưởng được an lạc thiên giới nơi chúng ta. Khi quý vị giúp người khác, cũng là lúc quý vị đang giúp chính mình; khi quý vị làm hại người khác, cũng lúc đó quý vị đang làm hại chính quý vị. Đây là giáo pháp, chân lý, qui luật - qui luật chung của tự nhiên.

Con đường của giáo pháp được gọi là Bát Thánh Đạo, mang ý nghĩa cao thượng là bất cứ ai đi trên con đường này, chắc chắn vị ấy sẽ trở thành một vị có tâm hồn cao thượng, một thánh nhân. Giáo pháp được chia làm ba phần: Giới, Định và Trí tuệ. Giới (sīla) là nền tảng đạo đức – nghĩa là sự từ bỏ những việc làm bất thiện của thân và lời nói. Thiền Định (Samādhi) là tu tập làm phát triển khả năng tự chủ tâm thức của chúng ta. Trì giới và tu tập thiền định rất có lợi ích nhưng cả hai đều không thể đoạn tận tất cả phiền não đã tích tụ trong tâm. Vì lý do này, phần thứ ba của giáo pháp phải được hành trì: đó là trí tuệ (Paññā), sự phát triển trí tuệ, tuệ quán, làm tâm thanh tịnh hoàn toàn. Ba chi phần trong Bát Thánh Đạo thuộc về giới như sau:

1. Sammā-vācā nghĩa là chánh ngữ, lời nói thanh tịnh. Để hiểu lời nói thanh tịnh là gì, chúng ta phải hiểu thế nào là lời nói bất tịnh. Nói láo để lừa gạt người khác, nói thô lỗ làm tổn hạiđến người khác, nói sau lưng, nói vu khống, nói huyên thuyên và vô ích, tất cả những lời nói như vậy là lời nói bất tịnh. Khi chúng ta từ bỏ những lời nói bất tịnh này, những lời nói còn lại là lời nói thanh tịnh.

2. Sammā-kammanta nghĩa là chánh nghiệp, thân không làm ác. Trong tiến trình tu tập giáo pháp, thước đo duy nhất để định mức những hành động thuộc thân, khẩu hoặc ý có thanh tịnh hay không là tùy thuộc vào những hành động giúp hoặc hại người.Vì vậy, giết hại, trộm cắp, phạm tội hãm hiếp, hoặc tà dâm, và nghiện ngập đến nỗi chúng ta không biết những hành vi chúng ta đang làm có hại cho tự thân và tha nhân đều thuộc vào hành động bất thiện. Khi chúng ta từ bỏ những việc làm bất thiện này, những việc làm còn lại gọi là việc làm chân chánh.

3. Sammā-ājīva nghĩa là chánh nghiệp. Mỗi người phải có một vài phương kế để nuôi sống bản thân và những người nương tựa, nhưng nếu phương kế sinh sống có hại đến người khác, thì phương kế đó không phải là một lối sống chân chánh. Có thể chúng ta không sinh nhai bằng những việc làm sai trái, nhưng chúng ta lại khuyến khích người khác làm việc sai; nếu làm như vậy chúng ta cũng không thực hành đúng chánh mạng. Ví dụ: bán rượu, mở sòng bạc, bán vũ khí, bán thú sống, thịt thú, tất cả đều là những việc làm không phải là chánh mạng. Ngay cả khi giữ chức vụ cao nhất, nếu làm việc chỉ vì mục đích bốc lột người khác thì vị ấy cũng không thực hành đời sống chánh mạng. Nếu động cơ thúc đẩy người ấy thực hiện vai trò như là một thành viên của xã hội, để đóng góp sức lực và kỹ năng của mình vì sự tốt đẹp chung, đáp lại những việc làm này vị ấy nhận một phần thù lao tương xứng, vị ấy và những người nương tựa sinh sống nhờ phần thù lao này, như vậy vị ấy đang thực hành đời sống chánh mạng.

Người tại gia, thế tục đều cần tiền để xoay xở trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là việc kiếm tiền trở thành một phương tiện tâng bốc tự ngã: vị ấy tìm cách thu nhập càng nhiều càng tốt, và khinh miệt những ai có mức thu nhập ít hơn. Thái độ như vậy có hại cho bản thân và người khác, vì tự ngã càng tăng trưởng, thì giải thoát càng khó khăn hơn. Vì vậy, yếu tố quan trọng của đời sống chánh mạng là bố thí, làm từ thiện, chia sẻ một phần của chúng ta kiếm được cho người khác. Như thế, chúng ta không những chỉ làm lợi cho bản thân mà còn làm lợi cho mọi người.

Nếu giáo pháp chỉ có những điều khuyên răng từ bỏ việc làm có hại đến người khác, thì nó sẽ không có hiệu quả. Nhờ tri thức, chúng ta có thể hiểu mối nguy hiểm của việc làm bất thiện và ích lợi của việc làm thiện, hoặc chúng ta có thể chấp nhận tầm quan trọng của giới-luật vì lòng mến mộ của chúng ta đối với những người thuyết giảng về nó. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục làm sai, vì chúng ta không làm chủ được tâm của mình. Vì vậy, phần thứ hai của giáo pháp, Chánh định: chúng ta cần phải tu tập phát triển khả năng làm chủ tâm thức. Trong phần này bao gồm ba chi trong Bát Thánh Đạo:

4. Sammā-vāyāma nghĩa là chánh tinh tấn, hành trì đúng phương pháp. Trong khi thực hành, quý vị đã thấy tâm yếu ớt và không vững chắc như thế nào rồi, tâm luôn luôn bị đối tượng nàyđến đối tượng khác kích động. Tâm thức như vậy cần phải được trau luyện để tăng sức mạnh. Có bốn cách thực tập làm cho tâm tăng thêm sức mạnh: đó là tránh xa và từ bỏ tất cả các bất thiện pháp có thể phát sanh, không cho phát sinh những bất thiện pháp chưa phát sinh, duy trì và phát triển tất cả các thiện pháp đã có trong tâm và làm cho các thiện pháp chưa phát sinhđược phát sinh. Qua thực tập chánh niệm hơi thở (Anāpāna), quý vị đã gián tiếp thực hành phương pháp tu tập này.

5. Sammā-sati nghĩa là chánh niệm, tỉnh giác trong sát na hiện tại. Quá khứ chỉ là kỷ niệm; tương lai chỉ là khát vọng, lo sợ và tưởng tượng. Quý vị bắt đầu thực tập chánh niệm (sammā-sati) bằng cách tự trau luyện để giữ tâm tỉnh giác với bất cứ cảm thọ gì đang xảy ra tại vùng hai lỗ mũi trong sát na hiện tại. Quý vị phải huân tập khả năng tỉnh giác các trạng thái hiện hữu trong thân và tâm, từ cấp độ thô nhất đến vi tế nhất. Khi bắt đầu thực hành, quý vị hãy tập trung vào ý thức, hơi thở có tác ý, hơi thở tự nhiên, hơi thở nhẹ, sau đó chú ý đến sự tiếp xúc của hơi thở với đối tượng của nó. Bây giờ quý vị hãy tập trung vào một đối tượng vi tế hơn:đó là các cảm thọ tự nhiên và cảm thọ của thân thể quanh khu vực của mũi. Quý vị có thể cảm nhận nhiệt độ của hơi thở, hơi thở lạnh khi hít từ ngoài vào, hơi thở ấm khi thở từ trong ra. Ngoài vấn đề vừa trình bày, có vô số những cảm thọ không quan hệ đến hơi thở: đó là cảm thọ nóng, lạnh, ngứa, kích động, dao động, đè nén, căng thẳng, đau đớn v.v… quý vị không thể chọn lựa bất cứ loại cảm thọ nào để cảm nhận, vì quý vị không thể tạo ra cảm thọ. Chỉ theo dõi; duy trì tỉnh giác. Cái tên cảm thọ không quan trọng; điều quan trọng là tỉnh giác với cảm thọ đang hiện hành mà không phản ứng lại nó.

Như quý vị đã thấy, thói quen của tâm thức thường bị lôi cuốn về tương lai hoặc quá khứ, làm phát sinh tham ái và sân hận. Khi thực hành chánh niệm quý vị bắt đầu phá vỡ thói quen này. Không phải sau khóa tu tập, quý vị sẽ quên hết quá khứ và không còn nghĩ ngợi gì về tương lai nữa. Nhưng thực tế quý vị thường tiêu phí năng lực khi đắm chìm trong quá khứ hoặc tương lai một cách vô ích, tiêu phí quá nhiều đến nổi khi quý vị nhớ lại hoặc lên kế hoạch làm việc gì đó, quý vị lại không làm được. Qua tu tập chánh niệm, quý vị sẽ học được cách luyện tâm kiên định hơn trong giây phút hiện tại, và quý vị sẽ thấy rằng quý vị có thể nhớ lại quá khứ khi cần thiết và lập ra những kế hoạch thích hợp cho tương lai. Quý vị sẽ sống một đời sống lành mạnh và hạnh phúc.

6. Sammā-samādhi nghĩa là chánh định. Mục đích của phương pháp hành trì này không phải chỉ có chánh định; quý vị phải định tâm trên nền tảng thanh tịnh. Chúng ta có thể định tâm dựa vào tham ái, sân hận hoặc vô minh, nhưng đây không phải là chánh định. Chúng ta phải tỉnh giác với tâm không tham ái hoặc không sân hận trong giây phút hiện tại. Duy trì sự tỉnh giác trong từng sát na như vậy được gọi là chánh định.

Qua việc tuân thủ nghiêm túc năm giới quý vị bắt đầu thực tập giới. Qua việc luyện tâm đểchuyên chú vào một điểm, một đối tượng thật trong sát na hiện tại, không móng khởi tham ái hoặc sân hận, quý vị bắt đầu tu tập chánh định. Bây giờ hãy tu tập tinh tấn làm cho tâm thứcđược nhạy bén, để khi bắt đầu tu tập trí tuệ, quý vị có thể nhập vào những cấp độ sâu của tâm vô thức, loại trừ phiền não ẩn núp ở đó, và an trú chân hạnh phúc - hạnh phúc giải thoát.

Chân hạnh phúc đến với quý vị. 

Cầu mong cho tất cả chúng sanh đều hạnh phúc.

Ghi chú:

[1] Thuật ngữ "lòng mộ đạo" được dịch từ thuật từ "piety", từ này kết hợp với từ ‘filial’ có nghĩa là "lòng hiếu thảo", "lòng trung thành" nhưng cả hai nghĩa này không thích hợp với nội dung của bài giảng. Vì vậy nghĩa thứ ba của từ là "lòng mộ đạo" tạm sử dụng trong bối cảnh này.

[2] Ý này xuất phát từ bài kệ:

Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý.
Thị chư Phật giáo.

Tạm dịch là:

Không làm các điều ác,
Hãy làm các điều việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch.
Ấy lời chư Phật dạy.


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BA

- Phần thứ ba của Bát Thánh Đạo: Trí tuệ: Trí tuệ do truyền đạt (văn tuệ), trí tuệ do tư duy (tư tuệ), trí tuệ do kinh nghiệm (tu tuệ).

- Kalāpā: Bốn đại ( đất, nước, lửa và gió)

- Ba đặc tính: Vô thường, bản chất huyễn hóa của ngã và khổ 

- Sự thấu hiểu thực tại của các hiện tượng

Ngày thứ ba đã qua. Chiều mai quý vị sẽ bước vào lãnh vực trí tuệ (paññā), đây là phần thứ ba của Bát Thánh Đạo. Thiếu trí tuệ, lộ trình tu tập sẽ không hoàn hảo.

Chúng ta bắt đầu hành trình bằng trì giới (Sīla), đó là không làm hại đến mọi người; cho dù không làm hại người khác đi nữa, chúng ta vẫn còn gây hại bản thân vì phiền não vẫn còn sinh khởi trong tâm. Vì vậy, chúng ta thực hành thiền định, học phương cách điều phục tâm, phương cách đè nén những phiền não đã sinh khởi. Tuy nhiên, phiền não bị đè nén này không thể đoạn trừ được. Phiền não vẫn còn tồn tại và tăng trưởng trong vô thức và chúng tiếp tục gây não hại đến chúng ta. Vì vậy tu tập trí tuệ, phần thứ ba của Bát Thánh Đạo, không cho phép phiền não tự do sinh khởi và cũng không tìm cách đè nén chúng, thay vào đó, phương pháp tu tập này cho phép phiền não sinh khởi để rồi loại bỏ chúng. Khi phiền não được đoạn trừ, tâm sẽ giải thoát mọi cấu nhiễm. Và khi tâm được thanh tịnh, tự nhiên những hành vi làm hại người không còn nữa mà chỉ còn một tâm thuần tịnh đầy thiện chí và tình thương đối với mọi người. Tương tự, khi tâm thanh tịnh, những hành vi có hại cho bản thân cũng không còn nữa. Chúng ta sống một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc. Như thế, mỗi giai đoạn của hành trình tu tập cần phải tiến đến giai đoạn cao hơn. Giới dẫn đến phát triển thiền định (samādhi), hay chánh định; chánh định dẫn đến phát triển trí tuệ (paññā), trí tuệ thanh lọc tâm thức; trí tuệ đưa đến Niết-bàn (nibbāna), giải thoát mọi lậu hoặc, giác ngộ viên mãn.

Hai chi phần Trí tuệ trong Bát Thánh Đạo như sau:

Sammā-samkappa nghĩa là chánh tư duy: Toàn bộ tiến trình tư tưởng không cần thiết phảiđược chấm dứt trước khi trí tuệ phát sinh, tư tưởng vẫn còn tồn tại, chỉ có hình thức tư duy thay đổi mà thôi. Nhờ thực tập chánh niệm hơi thở, những cấu uế thô của tâm thức bắt đầu tiêu trừ. Thay thế những tư tưởng tham lam, sân giận và si mê chúng ta có những tư tưởng lành mạnh, những tư duy về chánh pháp, con đường để chúng ta tự giải thoát.

Sammā-ditthi nghĩa là chánh kiến: Đây là trí tuệ chân chánh, sự hiểu biết thực tại như nó đang hiện hữu, chứ không phải thực tại dường như sẽ là.

Tiến trình tu tập trí tuệ trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn một là suta-mayā paññā nghĩa là văn tuệ, trí tuệ đạt được qua nghe hoặc tiếp thu những kiến thức của người khác. Trí tuệ do được truyền đạt này giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc xác định phương hướng tu tập đúngđắn. Tuy nhiên, bản thân trí tuệ này nó không thể mang lại giải thoát vì nó chỉ là trí tuệ vay mượn. Chúng ta chấp nhận nó như chân lý có thể vì tin mù quáng, hoặc vì sân hận, sợ rằng "không tin" sẽ đưa chúng ta vào địa ngục, hoặc vì khao khát, hy vọng rằng "tin" sẽ đưa chúng ta đến thiên đường. Nhưng ở bất cứ trường hợp nào, trí tuệ này cũng không phải là trí tuệ của chúng ta.

Chúng ta nên chuyển vai trò của trí tuệ nhờ được truyền đạt sang giai đoạn kế tiếp: Cintā-mayā paññā nghĩa là tư tuệ. Về lý trí, chúng ta kiểm tra những gì chúng ta đã nghe hoặc đọcđể xem chúng có logic, thực tế, ích lợi hay không; nếu đúng như vậy, chúng ta mới chấp nhận. Tư tuệ cũng rất quan trọng, nhưng cũng rất nguy hiểm nếu chúng ta quá xem trọng nó. Một số người đạt được một số kiến thức nhờ khả năng tư duy, và vì vậy anh ta tự cho mình là một người uyên bác. Tất cả những gì anh ta học được chỉ nhằm mục đích nâng cao tự ngã; anh ta càng xa lìa giải thoát.

Vai trò đúng nghĩa của tư tuệ là để dẫn đến giai đoạn kế tiếp: Bhāvanā-mayā paññā nghĩa là tu tuệ, chúng ta đạt được trí tuệ này là do kinh nghiệm tu tập. Đây mới là chân trí tuệ. Văn tuệ và tư tuệ rất có ích nếu chúng tạo ra nguồn cảm hứng cũng như dẫn đến giai đoạn tu tuệ. Tuy nhiên, chỉ có trí tuệ tự chứng mới có thể giải thoát, vì đây là trí tuệ của chính chúng ta, trí tuệđược phát sinh từ kinh nghiệm của chúng ta.

Một ví dụ về ba loại trí tuệ này: Một bác sĩ cho bệnh nhân một toa thuốc. Bệnh nhân về nhà, và vì quá tin tưởng vào bác sĩ của mình, anh ta đọc đi đọc lại toa thuốc mỗi ngày; đây là văn tuệ (suta-mayā paññā) Phương thức trị bệnh này không làm bệnh thuyên giảm, bệnh nhân trở lại bác sĩ, yêu cầu và tiếp thu lời giải thích về toa thuốc, tại sao nó cần thiết và nó sẽ hoạt dụng như thế nào; đây là tư tuệ (cintā-mayā paññā). Cuối cùng anh ta uống thuốc và rồi khỏi bệnh. Lợi lạc chỉ có từ giai đoạn thứ ba, tức tu tuệ (bhāvanā-mayā paññā).

Quý vị tham gia khóa tu này để tự mình uống thuốc, để phát triển trí tuệ nơi quý vị. Để thực hành điều này, quý vị phải hiểu chân lý qua kinh nghiệm. Chúng ta thường nhầm lẫn sự khác nhau giữa các sự vật và hiện tượng, vì các sự vật hiện tượng sẽ hiển thị trong tương lai dường như hoàn toàn khác với bản chất thực tại của nó đang hiện hữu. Để không còn nhầm lẫn, quý vị phải tu tập trí tuệ tự chứng. Và chân lý không thể chứng nghiệm được ngoài thân tứ đại của chúng ta; chân lý có thể bị tri thức hoá. Vì vậy, quý vị phải pháp triển khả năng thể nghiệm chân lý, từ cấp độ thô nhất đến cấp độ vi tế nhất, để thoát ra khỏi vô minh và trói buộc.

Chúng ta biết rằng toàn thể vũ trụ là sự biến đổi không ngừng, nhưng nếu chỉ có sự hiểu biết bằng tri thức về sự thực này sẽ không mang lại ích lợi gì cả; chúng ta phải kinh nghiệm sự thay đổi không ngừng này trong mỗi chúng ta. Có thể một biến cố đau lòng xảy ra, như cái chết của người thân, bắt buộc chúng ta phải trực diện với vô thường khắc nghiệt, và chúng ta bắt đầu hiểu biết, thấy những lo toan kiếm lợi vật chất thế gian và tranh đua với người chỉ là những mưu cầu vô ích. Nhưng không bao lâu thói quen cũ của tính vị kỷ xác định lại quyền lực của nó, và trí tuệ suy giảm, vì nó không được căn cứ vào kinh nghiệm trực tiếp của cá nhân. Chúng ta không tự chứng nghiệm được thực tại vô thường.

Vạn vật phù du, sinh và diệt trong mỗi sát na (anicca); nhưng quá trình sinh-diệt diễn ra nhanh và liên tục tạo ra ảo tưởng như thường hằng. Ánh sáng của ngọn đèn cầy và của đèn điện đều thay đổi liên tục. Nếu nhận thức bằng giác quan, chúng ta có thể khám phá ra tiến trình thayđổi liên tục và không còn ảo giác, như trường hợp ánh sáng ngọn đèn cầy. Nhưng trong trường hợp ánh sáng của đèn điện, các giác quan của chúng ta không thể nhận ra sự thay đổi quá nhanh và liên tục của nó, do đó ảo giác mê lầm càng khó phá vỡ. Chúng ta có thể khám phá sự thay đổi liên tục của dòng sông, nhưng làm thế nào để chúng ta nhận ra một người đang tắm trong dòng sông đó cũng đang thay đổi liên tục trong từng sát na?

Phương cách duy nhất để phá vỡ ảo giác là hiểu biết và khám phá tự thân, và thể nghiệm thực tại của thân và tâm. Đây là những khám phá và thể nghiệm mà Bồ-tát Siddattha Gotama đã thực hành để trở thành một vị Phật. Từ bỏ tất cả thành kiến trước đây, Ngài quán chiếu tự thânđể khám phá bản chất thật của cơ cấu thân và tâm. Bắt đầu từ cấp độ thô, ngoại tại, Ngài thể nhập vào cấp độ vi tế nhất, và Ngài khám phá ra toàn bộ cấu trúc cơ thể, toàn bộ thế giới vật chất, được kết hợp bằng những vi bào, thuật ngữ Pāli gọi là attha kalāpā. Và Ngài khám phá ra rằng mỗi vi bào này hàm chứa bốn đại: đất, nước, lửa, không khí và những đặc tính hỗ trợ của chúng. Ngài thấy được những vi bào này là những khối cơ bản xây dựng nên vật chất, và chính chúng luôn luôn sinh diệt liên tục nhanh chóng hàng tỉ lần trong một giây. Thực tế không có sự thường hằng nào trong thế giới vật chất này; chúng không là gì cả ngoại trừ sựđốt cháy và dao động. Các nhà khoa học hiện đại đã công nhận những khám phá của đức Phật, và đã chứng minh qua thực nghiệm rằng toàn bộ thế giới vật chất được kết hợp bởi những thành nguyên tử luôn sinh diệt mau chóng. Tuy nhiên, những nhà khoa học này không giải thoát khỏi những khổ đau, vì trí tuệ của họ chỉ là tri thức. Các nhà khoa học không trực tiếp tự thể nghiệm chân lý như đức Phật. Khi nào chúng ta tự thân kinh nghiệm thực tại vô thường nơi chính chúng ta, chỉ khi đó chúng ta mới bắt đầu đoạn trừ khổ đau.

Khi chúng ta tu tập và tuệ tri vô thường trong chúng ta, một yếu tố khác của trí tuệ sinh khởi: chúng ta tuệ tri không có "cái Ta" và "cái của Ta" (anttā). Trong toàn bộ cơ cấu thân và tâm, không có gì có thể lưu lại hơn một sát na, không có gì chúng ta có thể xem như tự ngã bất biến hoặc linh hồn bất biến. Nếu có cái gì đó thật sự là "của Ta", thì chúng ta phải sở hữu nó, làm chủ nó, nhưng thực tế chúng ta không thể điều khiển được nó ngay cả thân thể của chúng ta. Nó luôn thay đổi, suy tàn, không màng đến những mong muốn của chúng ta.

Kế đến, chúng ta quán chiếu yếu tố thứ ba của trí tuệ: đó là khổ (dukkha). Nếu chúng ta muốn sở hữu hoặc chấp giữ những gì mà chúng thay đổi vượt ngoài khả năng điều khiển của chúng ta, ắt hẳn chúng ta tự tạo khổ đau. Thông thường, chúng ta nhận ra khổ đau qua những kinh nghiệm của cảm thọ bất lạc, nhưng những cảm thọ lạc có thể xem như tương đồng với những nguyên nhân của khổ, nếu chúng ta tham đắm các càm giác lạc thọ, vì chúng cũng là vô thường. Tham đắm những gì mang tính tạm bợ, chắc chắn phải chịu kết quả đau khổ mà thôi.

Khi tuệ tri rõ về vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā), tuệ tri này sẽ hiển bày trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Cũng như chúng ta tu tập để thể nhập vào nội tại, chúng ta cũng có thể nhận ra chân lý ngoại tại (apparent truth) và chân lý tối hậu (ultimate truth) tại các hiện tượng bên ngoài. Chúng ta đoạn trừ những ảo vọng và sống một cuộc đời lành mạnh và hạnh phúc.

Nhiều ảo tưởng được tạo ra do thực tại bên ngoài, do thực tại hợp nhất, hoặc do thực tại kết hợp - chẳng hạn như ảo tưởng về vẻ đẹp của thân thể. Thân thể dường như đẹp chỉ khi nóđược phối hợp. Nhìn từng bộ phận của thân thể thì chẳng có gì hấp dẫn và đẹp cả (asubha). Cái đẹp thân thể là bề ngoài, thực tại ở bên ngoài, không phải là chân lý rốt ráo.

Tuy nhiên, tuệ tri bản chất hão huyền về vẻ đẹp của thân thể sẽ không còn giận ghét người khác. Khi trí tuệ sinh khởi, tự nhiên tâm trở nên bình an, không cấu nhiểm, thuần tịnh, thiện cảm đối với mọi vật. Sau khi kinh nghiệm thực tại trong mỗi chúng ta, chúng ta có thể đoạn trừ mọi ảo tưởng, tham lam, sân hận, và sống một cuộc đời an bình và hạnh phúc.

Chiều mai, quý vị sẽ thực hành những bước tiến đầu tiên vào lãnh vực trí tuệ, khi đó quý vị bắt đầu thực hành thiền Minh Sát. Đừng hy vọng rằng ngay lúc bắt đầu thực tập, quý vị sẽ thấy tất cả những phần tử vi tế sinh diệt trong thân thể quý vị. Không, quý vị bắt đầu với sự thật thô, bên ngoài, và bằng cách duy trì tâm xả ly, lần lượt quý vị thể nhập vào sự thật vi tế hơn, sự thật tối hậu của tâm, của thân, của những yếu tố thuộc về tâm và cuối cùng chân lý tối hậu vượt qua thân và tâm.

Để thành tựu mục đích này, quý vị phải tự nỗ lực. Vì vậy, hãy giữ nội qui thật nghiêm túc, vìđây là nền móng của thiền định, và duy trì thực tập hơi thở đến ba giờ chiều ngày mai; tiếp tục quán sát thực tại xung quanh khu vực mũi. Giữ tâm quý vị thật nhạy bén để khi bắt đầu thực hành thiền Minh Sát Tuệ vào ngày mai, quý vị có thể thể nhập vào cấp độ sâu hơn và đoạn trừ những phiền não tìm ẩn ở đó. Hãy hành trì tinh tấn, liên tục, kiên cố, vì sự tốt đẹp và giải thoát cho quý vị.

Nguyện cầu tất cả quý vị thành công trong hành trì những bước đầu tiên của giáo lý giải thoát.

Nguyện cầu tất cả chúng sanh đều hạnh phúc!


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TƯ

- Những câu hỏi liên quan đến phương cách thực hành thiền Minh Sát Tuệ

- Qui luật nghiệp báo 

- Tầm quan trọng của hành động thuộc về tâm 

- Bốn chức năng phối hợp của tâm: ý thức, tưởng tri, cảm thọ và phản ứng 

- Duy trì tâm tỉnh thức và xả ly là con đường thoát khỏi khổ đau

Ngày thứ tư là ngày rất quan trọng. Quý vị bắt đầu thâm nhập vào suối nguồn chánh pháp (Ganges of Dhamma) [1], và đang khám phá sự thật ở nơi quý vị qua những cảm thọ trên thân. Trong quá khứ, vì vô minh, những cảm thọ này là những nguyên nhân gây ra vô số khổ đau cho quý vị, nhưng chúng cũng có thể là những công cụ để đoạn trừ khổ đau. Quý vị đã thực tập bước đầu tiên của lộ trình giải thoát đó là quán sát những cảm thọ trên thân và giữ tâm xả ly.

Sau đây là một số vấn đề thuộc về kỹ thuật hành trì thiền Minh Sát Tuệ thường được hỏi đến trong khi tu tập:

Tại sao di chuyển sự quán sát trên toàn thân phải theo một trình tự nhất định và vì sao phải tuân theo trình tự này?

Có thể di chuyển sự quán sát trên thân thể với bất cứ trình tự nào, nhưng chỉ nên hành trì theo một trình tự cần thiết. Mặt khác, quý vị sẽ mắc phải nhược điểm là xao lãng không quán sát một số nơi trên thân thể, và những nơi này cảm thọ không rõ ràng và trống rỗng. Dĩ nhiên, cảm thọ có mặt khắp thân thể, và trong phương pháp tu tập này, yếu tố quan trọng là phát triển khả năng cảm nhận các cảm thọ trên toàn thân. Vì lý do này, sự di chuyển quán sát các cảm thọ trên thân theo một trình tự sẽ rất có lợi.

Nếu phần nào của thân thể không có cảm thọ, quý vị có thể duy trì sự chú tâm ở đó khoảng một phút. Thực tế, cảm thọ đang có mặt ở đó như những bộ phận khác của thân thể, nhưng nó thuộc dạng vi tế khiến cho tâm của quý vị không thể nhận ra, và vì vậy nơi này dường như không có cảm thọ. Duy trì khoảng một phút, theo dõi một cách yên tĩnh, lặng lẽ và xả ly.Đừng mù quáng sinh tâm tham đắm hoặc có ác cảm với bất cứ cảm thọ nào. Nếu quý vị làm như vậy, quý vị sẽ đánh mất tâm xả ly, và tâm mất bình tĩnh không còn sáng suốt; chắc chắn quý vị không thể cảm nhận những cảm thọ vi tế hơn. Nhưng nếu giữ tâm bình tĩnh, nó sẽ nhạy cảm hơn và có khả năng khám phá các cảm thọ vi tế. Hãy quán sát từng phần trên thân thể trong niệm xả ly không quá một phút. Nếu trong vòng một phút, quý vị không thấy cảm thọ khởi lên, lúc đó mỉm cười và hãy dời quán sát đi nơi khác. Vòng quán sát kế tiếp, quý vị lại duy trì quán sát một phút nữa; sớm muộn gì quý vị cũng sẽ nhận ra những cảm thọ ở đó và khắp thân thể. Nếu quý vị duy trì đã một phút nhưng vẫn không nhận ra cảm thọ, khi đó hãy cố gắng nhận ra cảm thọ của thân thể xúc chạm với quần áo nếu chỗ ấy là nơi được phủ kín, hoặc sự tiếp xúc của thân thể với môi trường nếu chỗ ấy là nơi không phủ kín. Hãy bắt đầu quán sát những cảm thọ thô này, rồi tuần tự quý vị cũng sẽ nhận ra những cảm thọ khác.

Nếu sự quán sát đã được đặt định trên một phần nào của thân thể và có một cảm thọ vừa sinh khởi ở một nơi khác, chúng ta có nên quay trở lại hoặc hướng đến để quán sát cảm thọ vừa sinh khởi này không?

Không nên làm như vậy; hãy tiếp tục di chuyển sự quán sát cảm thọ theo trình tự đã đặt định.Đừng tìm cách ngăn cản không cho những cảm thọ sinh ra ở những nơi khác của thân thể - quý vị không thể dập tắt cảm thọ theo ý muốn được- nhưng cũng đừng quá chú trọng đến chúng. Chỉ quán sát từng cảm thọ khi quý vị tuần tự hướng tâm đến nó. Nếu không, quý vị sẽ di chuyển sự quán sát cảm thọ theo kiểu nhảy vọt từ nơi này đến nơi khác, bỏ sót không quán sát nhiều phần trên cơ thể và chỉ quán sát những cảm thọ thô. Quý vị phải tự huấn luyện chính mình để quán sát tất cả những cảm thọ khác nhau trong mỗi phần của thân thể, thô hoặc tế, lạc hoặc bất lạc, dễ nhận hoặc khó nhận. Vì vậy đừng bao giờ thực hành theo lối quán sát nhảy vọt từ chỗ này đến chỗ khác.

Chúng ta phải mất bao nhiêu thời gian trong việc duy trì sự quán sát cảm thọ từ đầu đến chân?

Thời gian quán sát cảm thọ không giống nhau tùy theo tình huống mà chúng ta đang thực hành. Sự yêu cầu ở đây là hãy dán sự chú tâm của quý vị lên một khu vực xác định, và ngay lúc quý vị nhận ra cảm thọ ở đó hãy tiếp tục di chuyển đến khu vực khác. Nếu tâm quý vị có nhạy cảm tốt thì cảm thọ sẽ nhận rõ ngay lúc tâm vừa chú ý đến, và quý vị có thể tiếp tục di chuyển sự quán sát ngay. Nếu trường hợp này xảy ra khắp thân thể, thì tiến trình di chuyển sự quán sát từ đầu đến chân trong vòng 10 phút; nhưng không được di chuyển sự quán sát cảm thọ nhanh hơn khoảng thời gian vừa nói. Tuy nhiên, nếu tâm thức không bén nhạy, có thể nhiều khu vực cần phải chờ khoảng một phút để cho cảm thọ sinh khởi. Trong trường hợp này, có thể mất khoảng 30 phút hoặc một giờ để di chuyển sự quán sát từ đầu đến chân. Thời gian cần thiết để quán sát cảm thọ khắp thân thể không quan trọng. Chỉ hành trì một cách nhẫn nại và kiên trì; chắc chắn quý vị sẽ thành tựu.

Vùng quán sát cảm thọ rộng khoảng bao nhiêu để có thể dán tâm vào đó?

Hãy chú tâm vào một phần của thân thể có chiều rộng khoảng hai hoặc ba inch (1 inch = 2.54 cm); kế đó di chuyển sự quán sát đến khu vực khác cũng trong khoảng 2 hoặc 3 inch. Nếu tâm thức chưa nhạy bén, hãy quán sát theo kích thước rộng hơn, ví dụ như toàn bộ khuôn mặt, hoặc toàn bộ phần trên của cánh tay; rồi từ từ cố gắng thu nhỏ vùng quán sát lại. Cuối cùng quý vị có thể cảm nhận các cảm thọ ở mỗi phần của thân thể, nhưng trong giai đoạn này, mỗi vùng quán sát có kích thước khoảng hai hoặc ba inch là đủ.

Chúng ta chỉ nên cảm nhận những cảm thọ trên bề mặt của thân thể hay cũng phải cảm nhận những cảm thọ ở bên trong thân thể nữa?

Thỉnh thoảng có thiền giả cảm nhận những cảm thọ bên trong ngay lúc vị ấy bắt đầu hành trì thiền Minh Sát Tuệ; đôi khi ban đầu vị ấy cảm nhận những cảm thọ chỉ trên bề mặt. Quán sát cảm thọ trên cả hai phương diện ngoại tại hoặc nội tại đều tốt cả. Nếu cảm thọ chỉ xuất hiện trên bề mặt, theo dõi chúng qua nhiều lần cho đến khi quý vị nhận ra cảm thọ ở mọi nơi trên bề mặt của thân thể, sau đó quý vị tiếp tục quán sát những cảm thọ bên trong. Dần dần tâm thức sẽ phát triển khả năng cảm nhận các cảm thọ khắp mọi nơi, cả bên trong lẫn bên ngoài, tại mỗi phần của thân thể. Nhưng lúc mới bắt đầu, hãy quán sát những cảm thọ bên ngoài làđủ rồi.

Lộ trình tu tập để đạt đến thực tại tuyệt đối vượt qua kinh nghiệm giác quan cần phải tu tập quán sát toàn bộ cảm thọ của các giác quan. Nếu quý vị tiếp tục thanh lọc tâm với sự hỗ trợ của cảm thọ, chắc chắn quý vị sẽ đạt đến giai đoạn tối hậu.

Khi tâm còn vô minh, chính các cảm thọ là những nhân tố làm tăng trưởng phiền não trong chúng ta, vì chúng ta phản ứng lại các cảm thọ bằng tham ái hoặc sân hận. Ngay tức khắc, khổđau và căng thẳng thuộc về thân phát sinh, vì vậy, ngay ở cấp độ này chúng ta phải luyện tậpđể loại trừ chúng, và cũng để chuyển đổi thói quen của tâm thức. Chúng ta phải huân tập tâm tỉnh giác đối với các cảm thọ khác nhau mà không hề phản ứng lại, chấp nhận sự thay đổi và bản chất khách quan của chúng. Bằng cách thực hành này, chúng ta từ bỏ những thói quen phản ứng thiếu ý thức để tự giải thoát ra khỏi khổ đau.

Cảm thọ là gì?

Bất cứ điều gì mà chúng ta cảm nhận trên thân thì đó là một cảm thọ - bất cứ cảm thọ thông thường và tự nhiên nào thuộc về thân, như cảm thọ lạc hoặc khổ, thô hoặc vi tế, mạnh hoặc yếu. Đừng bao giờ bỏ qua một cảm thọ nào dù nó phát sinh từ điều kiện môi trường, hoặc phát sinh do ngồi quá lâu, hoặc do một chứng bệnh từ trước. Vấn đề là dù trong điều kiện nào quý vị đều phải nhận ra cảm thọ. Trước đây quý vị có thói quen từ chối những cảm thọ khổ và thích thú với những cảm thọ lạc. Bây giờ quý vị chỉ quán sát nó một cách khách quan nhưng không đồng nhất với chúng.

Ðây là một sự quán sát bình đẳng, đừng bao giờ cố lựa chọn những cảm thọ; thay vào đó, quý vị hãy chấp nhận bất cứ cảm thọ sinh khởi một cách tự nhiên. Nếu quý vị có ý tìm kiếm cảm thọ nổi bật hoặc cảm thọ đặc biệt, quý vị sẽ tự tạo trở ngại cho chính mình, và sẽ không thể tiếp tục tu tập theo phương pháp này được. Phương pháp hành trì cốt yếu để giữ tâm xả ly đối với bất kỳ cảm thọ nào chứ không phải để cảm nhận các cảm thọ đặc biệt. Lúc trước, quý vịđã có những cảm thọ về thân tương tự như vậy, nhưng quý vị không tỉnh giác và đã phản ứng lại những cảm thọ này. Bây giờ quý vị đang tập luyện để tỉnh giác và không phản ứng lại, cảm nhận những gì đang diễn ra trên thân và giữ tâm bình thản.

Nếu thực hành theo cách này, dần dần quý vị sẽ nhận rõ toàn bộ qui luật của tự nhiên. Giáo pháp này có ý nghĩa: bản chất tự nhiên, qui luật, chân lý. Để hiểu chân lý trên bình diện thể nghiệm, chúng ta phải khảo sát nó trong phạm vi cấu trúc của thân thể. Sự khảo sát này đãđược Thái tử Sidddhattha Gotama tu tập trở thành một vị Phật. Và bất cứ ai thực hành như Ngài cũng sẽ thấu đạt chân lý một cách rõ ràng, chân lý có mặt khắp vũ trụ, có mặt ở trong và ngoài thân thể: đó là vạn vật luôn chuyển dịch. Không có gì đoạn diệt hoàn toàn; mọi vật được liên kết theo tiến trình sinh thành (bhava). Và một thực tại khác hiển bày rõ ràng: đó là không có điều gì xảy ra một cách ngẫu nhiên. Mỗi sự chuyển đổi đều có một nguyên nhân, nguyên nhân đó tạo ra một kết quả, và rồi kết quả lần lược trở thành nguyên nhân cho sự chuyển đổi khác, tạo thành một chuỗi nhân - quả không đầu mối. Và một qui luật nữa cũng hiển bày rõ ràng: đó là nguyên nhân như thế nào thì kết quả sẽ như thế ấy; hột giống như thế nào thì hoa trái sẽ như thế ấy.

Trên cùng một mảnh đất chúng ta gieo hai loại hạt giống, một loại mía và một loại "neem"- một loại cây nhiệt đới rất đắng. Giống mía phát triển thành cây mía có vị ngọt từng sớ mía, giống neem thành cây neem và có vị đắng trong từng sớ neem. Chúng ta có thể hỏi tại sao thiên nhiên lại tử tế đối với cây này và lại bạc đãi với cây khác. Thực tế, thiên nhiên không tử tế cũng chẳng phải bạc đãi; thiên nhiên làm việc theo qui luật đã đặt định. Thiên nhiên chỉ giúp mỗi loại giống hiển bày tính chất của nó. Nếu chúng ta gieo trồng những hạt giống ngọt, thu họach sẽ là trái ngọt. Nếu chúng ta gieo trồng hạt giống đắng thì kết quả sẽ là trái đắng. Khi hạt giống như thế nào thì kết quả như thế ấy; khi những hành động như thế nào thì kết quả sẽ tương xứng như thế ấy.

Vấn đề là chúng ta rất tỉnh táo khi gặt hái kết quả, muốn nhận quả ngọt, nhưng trong suốt thời vụ gieo trồng chúng ta lại không tỉnh táo và đã trồng giống đắng. Nếu chúng ta muốn quả ngọt chúng ta nên trồng những loại giống tuơng xứng. Cầu nguyện hoặc mong ước một phép màu chỉ tự lừa dối mình; chúng ta phải hiểu và sống theo qui luật tự nhiên. Chúng ta phải cẩn trọng về những việc làm của chúng ta, vì những việc làm này là hạt giống liên quan đến tính chất của các hành động mà chúng ta sẽ đón nhận kết quả ngọt hoặc đắng.

Có ba loại hành động: đó là hành động của thân, của lời nói và của ý nghĩ. Trong quá trình tu tập quán sát tự thân, chúng ta nhận ra ngay rằng hành động thuộc về tâm thức là quan trọng nhất, vì đây là hạt giống sẽ dẫn đến kết quả. Các hành động của thân và lời nói chỉ là: những hình chiếu của hành động thuộc về tâm, những thước đo để trắc đạt cường độ của tâm hành. Chúng phát sinh từ hành động thuộc về tâm, và kết quả của hành động này biểu hiện qua hànhđộng của thân hoặc lời nói. Vì vậy đức Phật đã dạy:

Tâm dẫn đầu mọi hành động

Tâm làm chủ, tâm tạo 

Nếu với tâm ô nhiễm 

Nói lên hoặc hành động, 

Khổ não sẽ theo sau 

Như bánh xe theo chân vật kéo [2] .

Nếu với tâm thanh tịnh 

Nói lên hoặc hành động 

Hạnh phúc sẽ theo sau 

Như bóng không rời hình [3].

Nếu đúng như thế, chúng ta cần biết tâm là gì và nó hoạt động như thế nào. Quý vị đã bắt đầu khảo sát hoạt động của tâm qua việc tu tập của chính mình. Khi hành trì, quý vị sẽ thấy có bốn yếu tố chính hoặc bốn chức năng phối hợp của tâm.

Chức năng thứ nhất gọi là Viññāna, có thể được dịch là ý thức (consciouness). Các cơ quan cảm giác sẽ không hoạt động nếu "ý thức" không có mặt ngay lúc các giác quan tiếp xúc vớiđối tượng. Ví dụ, nếu mắt chúng ta đang bị một vẻ đẹp cuốn hút, cùng lúc đó có một âm thanh phát ra nhưng có thể chúng ta sẽ không nghe được, vì tất cả ý thức của chúng ta đang tập trung ở mắt. Tâm thức trong chức năng này là để nhận thức và hiểu biết, không có sự phân biệt. Khi tai nghe âm thanh và ý thức chỉ lưu ý đến âm thanh đang hiện hữu.

Sau đó chức năng kế tiếp của tâm bắt đầu làm việc: tức saññā có nghĩa là tưởng tri (perception). Một âm thanh phát ra, chúng ta nhận ra nó là nhờ trí nhớ và kinh nghiệm quá khứ: âm thanh của lời nói, …những tiếng khen … tốt; hoặc ngược lại, một âm thanh của lời chê bai, … lời nói xấu. Chúng ta đánh giá tốt hoặc xấu, theo kinh nghiệm quá khứ của chúng ta.

Ngay khi đó, chức năng thứ ba của tâm thức bắt đầu làm việc: đó là vedanā, có nghĩa là cảm thọ. Ngay khi âm thanh phát ra, có một cảm thọ xuất hiện trên thân thể, nhưng khi tưởng tri nhận ra âm thanh và đánh giá về âm thanh, cảm thọ lạc hoặc khổ tuỳ theo sự đánh giá này. Ví dụ như âm thanh của lời ca ngợi … tốt đẹp, và chúng ta cảm nhận một cảm thọ lạc tỏa khắp thân thể. Hoặc ngược lại; âm thanh của những lời chê bai,… xấu xa, chúng ta cảm nhận một cảm thọ bất lạc tỏa khắp thân thể. Những cảm thọ sinh khởi trên thân và được tâm cảm nhận; chức năng này gọi là vedanā.

Sau đó chức năng thứ tư của tâm thức bắt đầu làm việc: đó là sankhāra [4], có nghĩa là phản ứng. Khi nghe âm thanh của những lời khen ngợi… tốt đẹp… cảm thọ lạc khởi lên và chúng ta bắt đầu thích thú lời ca ngợi ấy: "Đây là lời khen ngợi tuyệt vời! Tôi muốn được khen nhiều hơn nữa!" Ngược lại: khi nghe âm thanh của những lời chê bai…xấu xa… cảm thọ bất lạc khởi lên và chúng ta khởi niệm không thích nó: "Tôi không thích lời chê bai này, hãy chấm dứt ngay!" Tại mỗi căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân, tiến trình tương tự như trên xảy ra. Cũng vậy, khi tâm suy nghĩ hoặc tưởng tượng một điều gì, một cảm thọ sinh khởi trong thân, lạc hoặc bất lạc, và chúng ta bắt đầu phản ứng bằng sự thích thú hoặc chán ghét cảm thọ đó. Sự thích thú này phát triển thành tham ái; và sự chán ghét phát triển thành ác cảm mạnh. Chúng ta bắt đầu bị những triền cái trong tâm trói buộc.

Ở đây, hành động là hột giống chắc thật dẫn đến kết quả: hạt giống này chính là saṅkhāra, phản ứng thuộc về tâm. Trong mỗi sát na chúng ta gieo trồng hột giống này rồi phản ứng bằng sự thích thú hoặc chán ghét, tham ái hoặc sân giận, và cứ như vậy chúng ta tự tạo ra khổ đau.

Có những phản ứng chỉ để lại ấn tượng rất nhẹ, và nó sẽ tan biến ngay tức thời, còn những phản ứng để lại ấn tượng mạnh hơn thì nó sẽ hoại diệt chậm hơn, và những phản ứng nào có ấn tượng mạnh nhất thì phải mất cả thời gian dài mới loại bỏ được. Cuối mỗi ngày, nếu chúng ta cố gắng ghi nhớ lại tất cả những phản ứng của tâm đã tạo ra, chúng ta chỉ có thể nhớ lại một hoặc hai phản ứng đã tạo ấn tượng mạnh nhất trong ngày. Cũng như vậy, cuối mỗi tháng hoặc mỗi năm, chúng ta có thể nhớ lại chỉ một hoặc hai phản ứng đã tạo ra ấn tượng sâu nhất trong thời gian ấy. Và đến cuối cuộc đời, chắc chắn những phản ứng thích thú hay chán ghét nào đã tạo thành ấn tượng mạnh nhất sẽ khởi lên trong tâm; và đời sống kế tiếp sẽ bắt đầu với tâm thức có cùng một tính chất ngọt hoặc đắng của đời sống trước. Từ những phản ứng, chúng ta tạo ra tương lai của chúng ta.

Thiền Minh Sát Tuệ dạy nghệ thuật chết: đó là làm thế nào để chết nhẹ nhàng và an lạc. Và chúng ta học nghệ thuật chết bằng cách học nghệ thuật sống: làm thế nào để tự chủ trong giây phút hiện tại, làm thế nào để không phản ứng ngay sát na hiện tại, và làm thế nào sống một cuộc đời hạnh phúc tại đây và ngay bây giờ. Nếu hiện tại bình an, chúng ta không cần lo lắng cho tương lai, tương lai chỉ là sản phẩm của hiện tại, và vì vậy tương lai chắc chắn sẽ tốt đẹp.

Có hai vấn đề liên quan đến phương pháp tu tập:

Vấn đề thứ nhất là quý vị đang phá vỡ chướng ngại vật giữa ý thức và vô thức. Thông thường, ý thức không biết những gì mà tâm vô thức đã kinh nghiệm. Do sự cản trở này, những phản ứng luôn xảy ra ở vô thức; khi những phản ứng này đạt đến mức độ nhận thức, chúng trở nên quá mạnh và có thể dễ dàng áp đảo tâm thức. Qua phương pháp tu tập này, tất cả những chức năng của tâm thức trở nên nhạy bén, tỉnh giác; nhờ đó vô minh sẽ được đoạn trừ.

Vấn đề thứ hai là tâm xả ly. Chúng ta tỉnh thức tất cả những gì chúng ta kinh nghiệm trong mỗi cảm thọ, nhưng đừng phản ứng lại, đừng tạo thêm tham ái hoặc sân giận, đừng làm khổ chính mình.

Khi bắt đầu ngồi thiền, hầu như quý vị thường phản ứng lại những cảm thọ, nhưng sẽ có một vài khoảnh khắc nào đó quý vị ở trong trạng thái tâm xả ly, mặc dầu quý vị cảm nhận đang rấtđau. Những khoảnh khắc này có năng lực rất mạnh trong việc chuyển đổi những thói quen trong tâm. Dần dần quý vị sẽ đạt đến trạng thái quý vị có thể mỉm cười với bất cứ cảm thọ nào, nhận biết nó là vô thường (anicca), chắc chắn nó sẽ trôi qua.

Để đạt được trạng thái này, chính quý vị phải thực hành; không ai có thể tu tập thế cho quý vị. Quý vị đã bước vào giai đoạn đầu của con đường tu tập này là điều rất tốt. Hãy tiếp tục tiến bước, tuần tự từng bước một, hướng đến giải thoát cho chính mình.

Cầu mong tất cả quý vị vui với chân hạnh phúc. 

Cầu mong tất cả chúng sanh được an vui.

Ghi chú:

[1] Ganges là sông Hằng, được xem là dòng sông thiêng liêng nhất của Ấn Độ, biểu tượng của chân lý vĩnh hằng.

[2] Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu, câu 1.

[3] Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu, câu 2.

[4] Sankhāra: thông thường thuật ngữ này được dịch là "hành", cùng với sắc, thọ, tưởng và thức gọi là hợp thể ngũ uẩn của mỗi con người. Và nó là chi phần thứ hai trong ‘Thập nhị nhân duyên’. Nó là hành vi thuộc về tâm, có khả năng chi phối và ảnh hưởng đến hành vi của lời nói và thân thể. Một chức năng quan trọng khác của nó là ‘phản ứng’ lại các đối tượng của sáu giác quan qua cộng tác với ý thức, tưởng tri và cảm thọ. Trong phạm vi của mười bài giảng này nó được dùng trong ý nghĩa ‘phản ứng’ lại các cảm thọ.


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NĂM

- Bốn sự thật cao thượng: Sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân của khổ, sự thật về sự đoạn diệt khổ và sự thật về con đường dẫn đến đoạn diệt khổ.

- Vòng duyên khởi có điều kiện

Ngày thứ năm đã qua; quý vị còn năm ngày tu tập nữa. Hiểu biết đúng phương pháp tu tập, quý vị hãy cố gắng nỗ lực hành trì trong những ngày còn lại.

Bắt đầu quán sát theo dõi hơi thở trong một khu vực giới hạn, quý vị đã thực tập quán sát những cảm thọ trên toàn thân. Khi bắt đầu quán sát, chúng ta sẽ tiếp xúc những cảm thọ thô, cứng ngắt, khốc liệt, chán ghét như cảm thọ đau, cảm thọ căng thẳng v.v... Trước đây, quý vịđã kinh qua những cảm thọ này, nhưng quý vị có thói quen phản ứng lại cảm thọ, đắm nhiễm cảm thọ lạc và vướng kẹt cảm thọ khổ, và quý vị luôn luôn bị khuấy động. Giờ đây quý vịđang hành trì phương cách quán sát mà không phản ứng lại, khảo sát các cảm thọ một cách khách quan, không đồng nhất với chúng nó.

Đau khổ vẫn còn tồn tại và hiện hành. Khóc than sẽ không vơi đi đau khổ. Làm sao chúng tađoạn trừ được khổ đau? Làm sao chúng ta sống với khổ đau?

Một vị bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân, ông cần phải biết căn bịnh của bệnh nhân, và đâu là nguồn gốc của căn bệnh. Nếu tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, bác sĩ cần phải có phương pháp trừ khử. Một khi nguyên nhân đã trừ khử rồi, căn bệnh tự động sẽ lành. Vì vậy chúng ta phải thực tập từng bước sau đây để loại trừ nguyên nhân.

Trước hết chúng ta phải chấp nhận sự thật khổ. Khổ hiện hữu ở mọi nơi; sự thật này hiển bày ở tất cả. Nhưng chân lý về khổ trở thành sự thật chỉ khi chúng ta bắt đầu quán sát nó mà không phản ứng lại, bởi vì bất cứ ai thực hành như vậy chắc chắn sẽ trở thành một người cao thượng, một bậc thánh.

Khi chúng ta bắt đầu quán sát sự thật tối thượng thứ nhất, sự thật về khổ, ngay khi đó nguyên nhân của khổ hiển bày rõ ràng, và chúng ta cũng bắt đầu quán sát nó. Đây là sự thật tối thượng thứ hai. Nếu nguyên nhân của khổ được đoạn trừ thì khổ cũng được đoạn trừ. Đây là sự thật tối thượng thứ ba - sự đoạn trừ khổ đau. Để đoạn trừ khổ, chúng ta phải tu tập những phương thức đoạn trừ khổ. Đây là sự thật tối thượng thứ tư - con đường dẫn đến chấm dứt khổ ngang qua việc đoạn trừ các nguyên nhân của nó.

Chúng ta bắt đầu tập quán sát không phản ứng lại. Quý vị quán sát và chiêm nghiệm sự đau khổ của bản thân một cách khách quan, như thể quý vị đang quán sát sự đau khổ của người khác. Xem xét nó kỹ lưỡng như một nhà khoa học đang tiến hành cuộc thí nghiệm trong phòng thí nghiệm. Khi quý vị bị thất bại, hãy cố gắng trở lại. Luôn nỗ lực, và quý vị sẽ thấy quý vị đang đi dần ra khỏi khổ đau.

Mọi chúng sanh đều phải chịu khổ đau. Cuộc đời khởi đầu bằng tiếng khóc; sanh là nỗi khổ lớn. Và bất cứ ai đã sinh ra thì ắt hẳn phải chịu những khổ đau của bệnh và tuổi già. Đời sống của chúng ta dù khổ thế nào đi nữa cũng không ai muốn chết, vì chết là nỗi khổ lớn.

Suốt cuộc đời, chúng ta đối diện những gì mà chúng ta không thích, và bị tách xa những gì mà chúng ta thương mến. Những gì chúng ta không mong muốn lại đến, những gì chúng ta mong muốn lại không đến, và chúng ta cảm thấy đau khổ.

Nếu chỉ hiểu biết sự thật khổ trên lĩnh vực tri thức, chúng ta không thể nào giải thoát khổ đauđược. Tri thức chỉ có thể cung cấp chúng ta một động lực để tự nhìn lại chính mình, để chiêm nghiệm sự thật và tìm ra con đường thoát khổ. Đây là phương pháp mà Thái Tử Siddhatha Gotama thực hành để trở thành một vị Phật: Ngài đã bắt đầu quán sát thực tại ngay tự thân giống như một nhà nghiên cứu khoa học, di chuyển sự quán sát thực tại từ thô, bên ngoài đến thực tại vi tế hơn và cuối cùng là thực tại vi tế nhất. Ngài đã khám phá ra rằng bất cứ khi nào chúng ta sinh khởi tham ái, chấp thủ một cảm thọ lạc hoặc từ bỏ một cảm thọ bất lạc, và khi tham ái đó không được thỏa mãn, chúng ta bắt đầu khổ đau. Và xa hơn nữa, ở cấp độ vi tế nhất, khi chánh niệm quán sát, Ngài thấy rằng chính tham đắm năm thủ uẩn, năm tập hợp tạo thành thân này là khổ. Qua tư duy, chúng ta có thể hiểu rằng sắc uẩn hay thân thể, không phải là "Ta", không phải "của Ta", vì sắc uẩn chỉ là hiện tượng khách quan, nó luôn thay đổi vượt ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta; tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta đánh đồng chính mình với thân thể (sắc uẩn), và khởi tâm tham đắm nó. Tương tự chúng ta tập nhiễm thamđắm đối với bốn thủ uẩn còn lại: đó là thức uẩn, tưởng uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, và chấp thủ chúng "là Ta", "của Ta" cho dù bản chất của chúng luôn liên tục thay đổi. Vì mục đích tự lợi chúng ta quen dùng những từ "Ta" và "của Ta", nhưng khi nào chúng ta tham đắm năm thủ uẩn thì khi đó chúng ta tạo ra đau khổ cho bản thân. Bất cứ nơi nào có tham đắm, nơi đó chắc chắn có đau khổ sinh ra, và tham đắm bao nhiêu thì khổ não sẽ bấy nhiêu.

Có bốn loại tham luyến có mặt trong cuộc sống mà chúng ta luôn duy trì và phát triển chúng. Thứ nhất, do thói quen tham ái, chúng ta thường tham luyến những khát vọng. Bất cứ khi nào tâm tham ái sinh khởi, nó kết hợp với một thân cảm thọ. Mặc dầu ở độ sâu, tâm rung động đã phát sinh, ở cấp độ bên ngoài, chúng ta cũng khởi tâm thích thú và mong muốn cảm thọ tiếp tục còn mãi. Tham ái có thể ví như việc thích thú cào gãi một vết thương đang ngứa: cào gãi như vậy chỉ làm cho vết thương trầm trọng thêm, tuy nhiên chúng ta vẫn thích thú cảm thọ cào gãi ấy. Cũng như vậy, ngay khi khát ái được thỏa mãn, cảm thọ phối hợp với khát ái cũng tan biến, và cứ thế chúng ta tạo ra khát ái mới theo cách đó để cảm thọ có thể tiếp tục. Chúng tađắm chìm trong tham ái và tạo thêm đau khổ cho chính mình.

Một tham luyến khác là sự chấp thủ "cái Ta" và "cái của Ta", không nhận ra thật thể "cái Ta" là gì. Chúng ta không thể chịu đựng bất cứ phê bình hoặc điều gì có hại đến "cái Ta". Và sự tham luyến bao trùm lên bất cứ những gì liên quan đến "cái Ta" và "cái của Ta". Tham luyến này sẽ không dẫn đến đau khổ nếu bất cứ những gì liên quan đến "cái của Ta" có thể tồn tại vĩnh viễn, và "cái Ta" cũng có thể tồn tại để vui thú mãi mãi với nó, nhưng theo qui luật tự nhiên, sớm muộn gì "cái Ta" hoặc "cái của Ta" cũng phải tuân theo qui luật vô thường. Tham luyến những gì thuộc vô thường, chắc chắn chúng sẽ mang lại khổ đau. Tương tự, chúng ta chấp thủ quan điểm và niềm tin của mình, và không thể chịu đựng nổi bất cứ sự phê bình chỉ trích nào, hoặc ngay cả chấp nhận những người khác quan điểm với chúng ta. Chúng ta không hiểu rằng mỗi người đang mang một cặp kính màu khác nhau. Thay vì tháo cặp kính màu ra, chúng ta sẽ thấy rõ sự thật như nó đang hiển bày, không bị che phủ, nhưng ở đây chúng ta vẫn cố chấp màu sắc của cặp kính, chấp giữ những định kiến và niềm tin cá nhân.

Còn một tham luyến khác nữa là chúng ta chấp thủ vào những nghi lễ, hình thức, và các nghi thức hành trì của tôn giáo. Chúng ta sai lầm vì không biết rằng, tất cả những thứ này chỉ là hình thức bề ngoài và không chứa đựng gì cốt lõi của chân lý. Nếu một người được hướng dẫn phương pháp tu tập để kinh nghiệm trực tiếp sự thật ở bản thân nhưng anh ta vẫn tiếp tục chấp thủ những hình thức trống rỗng bề ngoài ấy, chấp thủ này sẽ tạo ra tranh đấu và khổ đau trong anh ta.

Nếu được quán sát kỹ chúng ta sẽ thấy rằng tất cả khổ đau trong cuộc đời phát sinh từ một trong bốn tham chấp trên. Đây là những yếu tố mà Thái tử Siddhattha Gotama đã khám phá trong suốt hành trình tìm cầu chân lý. Vẫn chưa hết Ngài tiếp tục quát sát tự thân để khám phá nguyên nhân sâu xa của khổ đau, để hiểu và tìm ra căn nguyên của toàn bộ tiến trình vận hành.

Dĩ nhiên, những nỗi khổ trong cuộc đời như sanh, già, chết, khổ đau của thân và tâm, là kết quả tất yếu của kiếp người trót đã được sinh ra. Như thế, nguyên nhân của sinh là gì? Dĩ nhiên, nguyên nhân trực tiếp của sinh là sự phối hợp sinh lý của cha mẹ, nhưng xét trên phương diện rộng hơn, sinh xảy ra vì tiến trình liên kết hình thành của toàn bộ vũ trụ. Ngay lúc chết tiến trình sinh vẫn không chấm dứt: nghĩa là thân thể tiếp tục suy mòn, tiếp tục phân rã, trong khi tâm thức đã nối kết với một thân thể mới, và tiếp tục dòng vận hành sinh thành. Và tại sao lại có tiến trình sinh thành này? Ðức phật đã liễu tri nguyên nhân của sinh chính là tham ái mà chúng ta đã huân tập. Do tham ái, chúng ta đã tạo ra những phản ứng mạnh,sankhārā, và chính phản ứng này đã tạo ra ấn tượng mạnh trong tâm thức của chúng ta. Vào lúc chấm dứt cuộc đời, một trong những ấn tượng này sinh khởi trong tâm và sẽ tạo ra một lựcđẩy để cho dòng tâm thức tiếp tục hoạt động.

Ở đây nguyên nhân của tham luyến này là gì? Ngài đã phát hiện ra rằng tham luyến sinh ra là do các phản ứng thương - ghét liên tục xảy ra. Thương phát triển thành tham ái; và ghét phát triển thành sân hận. Và tại sao lại có những phản ứng thương - ghét này liên tục xảy ra? Bất cứ ai quán sát chính mình sẽ thấy rằng chúng xảy ra là do những cảm thọ về thân. Bất cứ khi nào một lạc thọ khởi lên, chúng ta thích nó, muốn giữ nó và muốn nó nhiều hơn nữa. Khi nào một cảm thọ khổ sinh khởi, chúng ta không thích và muốn loại trừ nó đi. Và tại sao lại có những cảm thọ này? Rõ ràng chúng sinh khởi do sự tiếp xúc của một giác quan nào đó với đối tượng: như mắt tiếp xúc hình sắc, tai với âm thanh, mũi với hương, lưỡi với vị, thân thể với xúc chạm, ý thức với một tư tưởng hoặc sự tưởng tượng. Ngay khi xúc sinh ra, chắc chắn một cảm thọ sẽ sinh khởi: đó là lạc thọ, khổ thọ, hoặc bất khổ bất lạc thọ.

Và nguyên nhân của xúc là gì? Tất nhiên, tất cả vật thể trong vũ trụ là những đối tượng của các giác quan. Một khi sáu giác quan (năm giác quan thuộc về thân và một giác quan thuộc về ý thức) còn hiện hành, ắt hẳn chúng phải tiếp xúc với đối tượng tương ứng của chúng. Và tại sao những giác quan này có mặt? Rõ ràng rằng chúng là những bộ phận không thể tách rời dòng hiện hành của sắc (thân thể) và tâm; chúng sinh ra ngay lúc đời sống bắt đầu. Và tại sao dòng vận hành đời sống, dòng vận hành của thân và tâm xảy ra? Vì sự vận hành của tâm thức, từ sát na này đến sát na khác, từ đời sống này đến đời sống khác. Và tại sao có dòng vận hành của tâm thức này? Ngài đã thấy rằng nó sinh khởi là vì những phản ứng thuộc về tâm (sankhārā). Mỗi phản ứng tạo ra một lực đẩy cho dòng tâm thức vận hành; sự vận hành này tiếp tục được tạo ra do sự thúc đẩy của những phản ứng (sankhārā). Và tại sao những phản ứng này xảy ra? Ngài thấy rằng chúng sinh ra vì vô minh. Chúng ta không biết những điều chúng ta đang làm, không biết chúng ta phải phản ứng như thế nào, vì vậy chúng ta liên tục tạo ra sankhārā. Hễ vô minh còn hiện hữu thì khổ đau còn tồn tại.

Nguồn gốc và nguyên nhân sâu xa nhất của vòng luân hồi khổ là vô minh. Do vô minh, mười một yếu tố còn lại của vòng luân hồi vận hành, do sự vận hành này chúng ta tự tạo ra khổ đau chất chồng như núi. Nếu vô minh có thể được đoạn trừ, khổ đau sẽ được đoạn trừ.

Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra vòng luân hồi đau khổ này? Làm thế nào chúng ta có thể phá vỡ vòng luân hồi? Dòng vận hành của đời sống, của thân và tâm, đã hiện hữu. Tự tử sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ tạo ra khổ đau mới mà thôi. Chúng ta cũng không thể hoại diệt các giác quan mà không hoại diệt thân thể. Bất cứ khi nào các giác quan còn hiện hành, chắc chắn chúng sẽ tiếp xúc với các đối tượng tương ứng, và khi nào có tiếp xúc, chắc chắn cảm thọ sẽ khởi lên trong thân.

Tại đây và bây giờ, ngay lúc cảm thọ, chúng ta có thể phá vỡ vòng luân hồi. Trước đây, mỗi cảm thọ tạo ra phản ứng thích thú hoặc chán ghét, chính thích thú hoặc chán ghét này phát triển thành tham ái hoặc sân giận, gây ra nhiều khổ não. Nhưng bây giờ, thay vì phản ứng lại cảm thọ, quý vị chỉ thực hành quán sát cảm thọ trong niệm xả ly, và tuệ tri rằng: "Cảm thọ này rồi cũng sẽ biến đổi." Quán sát cảm thọ theo cách này chắc chắn trí tuệ phát sinh, thấu đạt vô thường (anicca). Chúng ta làm vòng vận hành của bánh xe đau khổ dừng lại và bắt đầu quay nó theo hướng ngược lại, hướng đến giải thoát.

Bất cứ sát na nào chúng ta không tạo ra phản ứng mới (sankhārā), một trong những phản ứng cũ sẽ sinh khởi lên bề mặt của tâm thức kết hợp với phản ứng vừa sinh ra, một cảm thọ sẽ sinh ra trong thân. Nếu chúng ta giữ tâm xả ly, cảm thọ này sẽ tan biến và một phản ứng cũ khác sinh ra tại vị trí của nó. Chúng ta tiếp tục giữ sự xả ly đối với những cảm thọ trên thân, những phản ứng cũ tiếp tục sinh ra và tan biến, cái này nối tiếp cái kia. Nếu vì vô minh chúng ta phản ứng lại những cảm thọ, kết quả chúng ta sẽ tạo ra nhiều sankhārā, tạo ra nhiều đau khổ cho bản thân. Nhưng nếu chúng ta phát triển trí tuệ và không phản ứng lại với các cảm thọ, khi đólần lượt những sankhārā và khổ đau sẽ được đoạn trừ.

Toàn bộ tiến trình là phương hướng dẫn đến đoạn trừ khổ đau. Khi hành trì, quý vị sẽ thấy rằng quý vị không còn tạo ra trói buộc mới, và những trói buộc cũ tự động mở ra. Tuần tự, quý vị sẽ tiến triển đến một giai đoạn, nơi đó tất cả sankhārā dẫn đến đời sống mới và khổ đau mới đều được đoạn trừ: đó là giai đoạn chứng ngộ và giải thoát viên mãn.

Bước vào tu tập, chúng ta không cần thiết phải tin vào những kiếp sống quá khứ và vị lai. Trong việc hành trì thiền Minh Sát Tuệ, sống với giây phút hiện tại là điều quan trọng nhất. Ởđây, trong kiếp sống này, chúng ta liên tục tạo ra sankhārā, tạo ra khổ đau cho bản thân. Nếu quý vị hành trì, chắc chắn rằng một ngày nào đó quý vị sẽ nói rằng quý vị đã đoạn trừ hết tất cả sankhārā cũ, đã không còn tạo ra sankhārā mới nữa, và như thế chính quý vị đã giải thoát ra khỏi mọi khổ đau.

Để đạt được mục đích này, quý vị phải tự mình tu tập. Vì vậy hãy tinh tấn hành trì trong năm ngày còn lại để loại trừ khổ đau, và hân hoan với niềm vui giải thoát.

Cầu mong tất cả quý vị an vui với chân hạnh phúc. 

Cầu mong tất cả chúng sanh được hạnh phúc.


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ SÁU

- Tầm quan trọng của tu tập tâm tĩnh thức và xả ly đối với các cảm thọ

- Bốn đại và mối quan hệ của chúng với các cảm thọ

- Bốn nhân tố ảnh hưởng đến thân 

- Năm hạ phần kiết sử: tham, sân, hôn trầm, trạo cử và nghi ngờ

Ngày thứ sáu đã qua, quý vị còn lại bốn ngày để thực tập. Trong bốn ngày, quý vị có thể loại trừ một số tâm phiền não, và nắm bắt phương pháp để thực hành trong suốt cuộc đời. Nếu quý vị hiểu biết và áp dụng đúng phương pháp tu tập trong đời sống hằng ngày, chắc chắn quý vị sẽ gặt hái nhiều lợi ích. Vì vậy, quý vị phải hiểu đúng đắn phương pháp tu tập.

Đây không phải là đường lối tiêu cực. Giáo pháp dạy chúng ta chấp nhận sự thật cay đắng của khổ, nhưng cũng hướng dẫn chúng ta phương pháp thoát khổ. Vì lý do này giáo pháp là đường hướng của chủ nghĩa lạc quan, kết hợp với chủ nghĩa thực tế cũng như "chủ nghĩa thực hành", nghĩa là mỗi người phải thực hành để tự giải thoát.

Toàn bộ phương pháp thực hành được giải thích trong bài kệ:

"Tất cả sankhārā là vô thường,

Khi hiểu điều này với trí tuệ chân thật,

Khổ đau sẽ được đoạn trừ;

Đây là con đường thanh tịnh."[1]

Ở đây, thuật ngữ sankhārā ngoài ý nghĩa là phản ứng của tâm còn có nghĩa là kết quả của những phản ứng đó. Mỗi phản ứng là một hột giống, chính hột giống này tạo thành kết quả, và tất cả những gì mà chúng ta kinh qua trong cuộc đời là kết quả, kết quả của những hành động của chúng ta, đó là sankhārā quá khứ hoặc hiện tại. Do đó, sankhārā có nghĩa là: "Vạn vật sinh ra, rồi trưởng thành, suy tàn, và hoại diệt". Tâm sẽ không thanh tịnh nếu chỉ chấp nhận thực tại này bằng tình cảm, hoặc tín ngưỡng, tri thức. Tiến trình sinh diệt phải được chính chúng ta kinh nghiệm và chấp nhận ở mức độ thực tế. Nếu chúng ta kinh nghiệm vô thường nhờ quán sát trực tiếp những cảm thọ trên thân, kinh nghiệm hiểu biết này mới là trí tuệ chân thật, trí tuệ của chúng ta. Và nhờ trí tuệ này chúng ta sẽ giải thoát khổ đau. Chúng ta không còn khổ sở nữa mặc dù cái đau của thân thể vẫn còn, thay vào đó chúng ta có thể mỉm cười, vì chúng ta có thể quán sát nó.

Thói quen của tâm là tìm cách tống đi những cảm thọ khổ và giữ lại những cảm thọ lạc. Khi nào chúng ta còn tham gia vào trò chơi của khổ và lạc, không thích và thích, chắc chắn tâm chúng ta vẫn còn bị khuấy động, và đau khổ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Nhưng một khi chúng ta thực hành quán sát một cách khách quan và cũng không phân biệt cảm thọ, khi đó tiến trình thanh lọc tâm có hiệu nghiệm, và phản ứng mù quáng theo thói quen và khổ đau tích tụ trong chúng ta dần dần suy yếu và tan vỡ. Chúng ta phải học cách quán sát thật chính xác.

Điều này không có nghĩa là do thực hành thiền Minh Sát Tuệ chúng ta trở thành "cỏ cây", thụđộng để cho những người khác làm hại đến mình. Ngược lại, chúng ta đã học cách hành động thay cho cách phản ứng lại. Trước đây, chúng ta đã sống cuộc đời bằng những phản ứng, và phản ứng luôn luôn là tiêu cực. Giờ đây chúng ta đang học phương cách để sống thích hợp, sống một đời sống lành mạnh với việc làm đúng đắn. Bất cứ khi nào có chuyện rắc rối xảy ra trong cuộc sống, vì đã học cách quán sát chúng ta sẽ không phản ứng mù quáng. Thay vì chúng ta chờ vài giây, giữ tâm tỉnh giác và xả ly với cảm thọ, sau đó sẽ quyết định và chọn giải pháp hành động. Hành động như vậy, chắc chắn có lợi, vì nó phát xuất từ tâm bình tĩnh; nó sẽ là hành động sáng tạo, có lợi cho chúng ta và mọi người.

Tuần tự, khi vô minh đoạn trừ, chúng ta tu tập quán sát hiện tượng của thân và tâm và các phản ứng sẽ được đoạn trừ. Thói quen của phản ứng phát xuất từ vô minh. Một số người chưa bao giờ quán sát thực tại, không biết những gì đang xảy ra bên trong tâm thức, không biết cách phản ứng lại như thế nào với tham ái hoặc sân hận, lại tạo thêm những căng thẳng và đau khổ cho họ.

Vấn đề khó khăn là đặc tính vô thường của tâm thức vi tế hơn của thân thể. Tiến trình tâm thức xảy ra quá nhanh đến nỗi chúng ta không thể nhận ra chúng trừ phi chúng ta tu tập quán sát tiến trình hoạt động của chúng. Chúng ta bị vô minh che phủ, không nhận chân thực tại, dođó chúng ta phản ứng lại ngoại cảnh như sắc, thanh, hương, v.v... Sự thật này rõ ràng là như vậy, nhưng nếu ai đó thực hành quán sát tự thân sẽ thấy rằng ở mức độ vi tế hơn, thực tại lại khác đi. Toàn bộ sự vật hiện tượng hiển thị đối với ai chỉ khi anh ta hoặc cô ta kinh nghiệmđược nó, nghĩa là, khi đối tượng đó tiếp xúc với một trong sáu giác quan. Ngay khi có xúc sinh khởi lập tức chúng ta có sự rung cảm hay còn gọi là cảm thọ sinh khởi. Một tưởng xuất hiện để đánh giá cảm thọ đó tốt hoặc xấu. Các cảm thọ tốt xấu này dựa vào những kinh nghiệm và định kiến của quá khứ (sankhāra). Theo cách đánh giá nhuốm màu này, cảm thọ trở nên lạc hoặc khổ, và theo loại cảm thọ này, chúng ta bắt đầu phản ứng với thích hoặc không thích, tham đắm hoặc sân giận. Cảm thọ là cầu nối đã bị mất giữa khách thể và phản ứng. Toàn bộ tiến trình này xảy ra quá nhanh chóng đến nỗi chúng ta không thể nhận ra nó: khi một phản ứng đạt đến ở cấp độ nhận thức, nó được tái hiện và gia tăng hàng tỉ tỉ lần, và nó trở nên quá mạnh đến nỗi nó có thể chế ngự tâm thức một cách dễ dàng.

Bồ tát Siddhattha Gotama thành tựu giác ngộ không những nhờ khám phá ra gốc rễ của tham ái và sân hận mà còn đoạn trừ chúng ngay khi chúng sinh khởi ở cấp độ cảm thọ. Những gì chính Ngài đã thực hành, Ngài dạy lại cho người khác. Ngài không phải là người duy nhất truyền dạy phương pháp đoạn trừ tham ái và sân hận; ngay cả trước thời Ngài, phương pháp này đã được dạy ở Ấn độ. Lời dạy của đức Phật không phải độc nhất về phương diện đạo đức, cũng không phải độc nhất về lãnh vực phát triển khả năng điều phục tâm. Tương tự, trí tuệ ở các cấp độ: tri thức, tình cảm, tín ngưỡng đã tồn tại trước thời đức Phật. Yếu tố độc đáo của giáo lý đức Phật nằm ở lãnh vực khác, đó là xác nhận cảm thọ thuộc về thân là điểm then chốt, chính cảm thọ này là nơi tham ái và sân hận phát sinh, và chúng phải được đoạn trừ ởđó. Nếu không giải quyết những cảm thọ này, chúng ta chỉ tu tập tâm ở mức thô thiển, trong khi đó ở cấp độ sâu thẳm của tâm thức các thói quen phản ứng vẫn tiếp tục. Nhờ chuyên tâm tỉnh giác với mọi cảm thọ trên thân và giữ tâm bình thản đối với những cảm thọ đó, chúng ta chặn đứng các phản ứng vừa phát sinh, như vậy chúng ta đã đoạn trừ được khổ đau.

Đây không phải là một giáo điều buộc mọi người phải chấp nhận bằng niềm tin, cũng không phải là một triết lý được chấp nhận bằng lý trí. Quý vị phải khảo sát nơi tự thân để khám phá ra sự thật. Chỉ chấp nhận là sự thật khi quý vị có kinh nghiệm về nó. Nghe chân lý là điều rất quan trọng, nhưng chân lý đó phải được hành trì thực tiễn. Tất cả những lời dạy của đức Phật phải được hành trì và tự kinh nghiệm, nhờ thế chúng ta mới có thể vượt thoát khổ đau.

Toàn bộ cấu trúc thân thể đã được đức Phật giải thích rằng chúng được kết hợp từ các vi bào (kalāpā), bao gồm bốn đại và những tính chất phụ của chúng phối hợp lại với nhau. Chúng ta dễ dàng thấy thế giới bên ngoài cũng như thế giới của tự thân gồm có: thành phần rắn, chúng ta gọi là địa đại, một số thuộc lỏng gọi là thuỷ đại; một số thuộc về khí gọi là phong đại; và trong mỗi thành phần, nhiệt lượng đều có mặt gọi là hỏa đại. Tuy nhiên, nếu quán sát thực tại ngay chính bản thân, chúng ta sẽ hiểu được bốn đại này ở cấp độ vi tế hơn. Toàn bộ những gì thuộc trọng lượng từ nặng đến nhẹ thuộc về địa đại. Hỏa đại thuộc về nhiệt lượng kể cả từ cực lạnh đến cực nóng. Phong đại có nghĩa là sự chuyển động từ trạng thái tĩnh đến trạng tháiđộng. Thuỷ đại mang đặc tính liên kết nhau. Các phần tử sinh ra kết hợp với một hay đại có tính vượt trội. Các đại còn lại nằm ở dạng tiềm ẩn. Trở lại vấn đề, một cảm thọ phát sinh tuỳ thuộc vào tính chất của đại mà các phần tử của đại đó nổi bật so với các đại kia. Nếu một vi bào sinh khởi thuộc về hoả đại (do hoả đại chế ngự), cảm thọ phát sinh: nóng hoặc lạnh, và tương tự các đại khác cũng vậy. Đây là qui luật của những cảm thọ sinh khởi trong thân. Nếu chúng ta bị vô minh, các đánh giá và phản ứng của cảm thọ sinh khởi tạo ra đau khổ mới cho chính chúng ta. Nhưng nếu trí tuệ sinh khởi, chúng ta hiểu rằng những vi bào đang sinh khởi do sự chế ngự của một trong bốn đại, và chúng ta sẽ hiểu rằng chúng là các hiện tượng đang thay đổi không có chủ thể, sanh khởi và biến hoại. Nhờ tuệ tri này, khi đối diện với các cảm thọ chúng ta không đánh mất tâm bình thản .

Khi tiếp tục quán sát tự thân, chúng ta sẽ thấy rõ tại sao vi bào sinh khởi. Chúng sinh khởi là nhờ chúng ta cung cấp năng lượng cho dòng sinh mệnh, dòng vận hành của thân và tâm. Dòng vận hành của thân đòi hỏi cung cấp bằng vật chất, có hai loại vật chất: đó là thức ăn chúng taăn và môi trường chúng ta đang sống. Dòng vận hành của tâm đòi hỏi cung cấp bằng chất tố tinh thần, và nó cũng có hai loại: đó là sankhāra ở hiện tại hoặc quá khứ. Nếu ở sát na hiện tại chúng ta nạp vào một yếu tố sân hận, ngay lập tức tâm của chúng ta tác động lên thân thể, vàkalāpā sẽ bắt đầu sinh khởi với sự vượt trội của yếu tố lửa, gây cho chúng ta cảm nhận một cảm thọ nóng. Nếu chúng ta nhập vào yếu tố sợ hãi, kalāpā tạo ra lúc đó sẽ có sự vượt trội của yếu tố không khí, và chúng ta cảm nhận một cảm thọ hoảng hốt; và v.v…. Loại truyền nhập thứ hai của tâm thức là sankhāra quá khứ. Mỗi sankhāra là một hột giống và hột giống này sau một thời gian sẽ tạo ra một kết quả. Bất cứ những cảm thọ gì chúng ta cảm nhận trong khi gieo, chúng ta sẽ cảm nhận tương tự khi kết quả sankhāra của cảm thọ đó sinh ra ở bề mặt của tâm thức.

Về bốn nhân tố này, chúng ta không nên cố đặt một đại nào có trách nhiệm cho sự sinh khởi một cảm thọ đặc biệt. Chúng ta chỉ nên chấp nhận bất kỳ cảm thọ nào sinh khởi. Nỗ lực duy nhất là nên quán sát mà không tạo ra phản ứng (sankhāra) mới. Nếu chúng ta không tạo ra phản ứng mới, phản ứng cũ sẽ tự động cung cấp kết quả của nó, hiện hành như một cảm thọ. Chúng ta cứ tiếp tục quán sát và nó sẽ tan biến. Lại nữa chúng ta không phản ứng lại; vì vậysankhāra cũ khác phải cung cấp kết quả của nó. Nhờ tu tập chánh niệm tỉnh giác và giữ tâm xả ly, tuần tự chúng ta cho phép sankhāra cũ sinh khởi và tan biến, như vậy, chúng ta đoạn trừđược khổ đau.

Thói quen tạo ra phản ứng mới cần phải được loại trừ, và nó chỉ có thể được loại trừ tuần tự nhờ vào việc thực tập thường xuyên.

Tất nhiên có nhiều cản trở và chướng ngại trên con đường tu tập: Có năm kẻ thù hung bạo luôn luôn tìm cách áp đảo quý vị và ngăn chận tiến trình tu tập của quý vị. Hai kẻ thù đầu tiên là tham ái và sân hận. Mục đích của việc tu tập thiền Minh Sát Tuệ là để loại trừ hai loại tâm phiền não căn bản này, hơn nữa chúng có thể xuất hiện trong lúc quý vị đang thiền định, và nếu chúng thâm nhập vào tâm thức thì tiến trình thanh lọc phiền não dừng lại. Quý vị có thể tham ái về những cảm thọ vi tế, hoặc ngay cả tham ái đối với cảnh giới Niết-bàn; cả hai không có gì khác nhau. Tham ái là ngọn lửa thiêu đốt giống như nguồn nhiên liệu; nó dẫn quý vị xa rời con đường giải thoát. Tương tự, quý vị có thể bắt đầu phát khởi sân giận vì sự đau đớn mà quý vị cảm nhận, và một lần nữa quý vị đi lạc phương hướng.

Một kẻ thù khác là sự lười biếng và dã dượi. Suốt đêm quý vị ngủ đầy đủ, nhưng khi ngồi hành thiền, quý vị vẫn cảm thấy rất buồn ngủ. Buồn ngủ này do tâm bất tịnh của quý vị tạo ra, nó làm xao lãng công huân hành trì thiền Minh Sát Tuệ, và như thế chính nó làm ngưng trệ thiền định của quý vị. Quý vị chiến đấu chống lại sự áp đảo của kẻ thù này. Thở mạnh chậm rãi, hoặc đứng dậy, rửa nước lạnh vào mắt, hoặc đi bộ vài phút rồi ngồi tham thiền lại.

Một trong hai vấn đề sau đây có thể xảy ra, quý vị có thể cảm nhận sự rung động mạnh, hoặc một sự kiện khác là khi những phiền não cố làm ngưng sự tu tập thiền Minh Sát Tuệ của quý vị. Ngoại trừ thời gian thiền định, còn lại suốt ngày, quý vị chạy hết nơi này đến nơi khác, làmđủ mọi việc. Sau đó, quý vị mới hiểu ra rằng quý vị đã lãng phí thời giờ, và bắt đầu khóc và hối hận. Nhưng trên con đường hành trì giáo pháp không có chỗ để cho quý vị khóc. Nếu phạm sai lầm thì quý vị nên sám hối sai lầm đó trước một vị trưởng thượng mà quý vị đặt trọn niềm tin của mình nơi vị này, và kiên quyết cẩn trọng không để lập lại sai lầm trong tương lai.

Cuối cùng, một địch thủ nguy hại nhất là nghi ngờ, hoặc nghi ngờ vị Thầy, hoặc về phương pháp, hoặc về khả năng của chúng ta để thực hành phương pháp. Chấp nhận điều gì một cách mù quáng thì không ích lợi gì, nhưng cũng không nên luôn luôn nghi ngờ một cách phi lý. Một khi quý vị còn nghi ngờ, quý vị không thể bước đi ngay cả một bước trên con đường tu tập. Nếu quý vị không rõ bất cứ điều gì, đừng ngần ngại hãy đến với người hướng dẫn của quý vị. Trình bày vấn đề với vị ấy, và hiểu vấn đề một cách thích hợp. Nếu quý vị thực hành như quý vị đã được yêu cầu, kết quả chắc chắn sẽ đến với quý vị.

Phương pháp hành trì chỉ bằng qui luật tự nhiên, chứ không phải bằng bất cứ ảo thuật hoặc phép màu nào cả. Bất cứ ai bắt đầu thực hành phù hợp với qui luật tự nhiên, chắc chắn khổđau sẽ được đoạn trừ; đây là phép màu hữu hiệu nhất.

Nhiều người đã ghi nhận lợi ích của phương pháp này, không phải chỉ những người đến vớiđức Phật vào thời của Ngài, mà còn nhiều người ở thời đại sau này, và ở thời đại hiện nay. Nếu chúng ta hành trì thích hợp, cố gắng giữ tâm tỉnh giác và xả ly, thì những lớp phiền não của quá khứ sinh ra trên bề mặt của tâm thức sẽ được đoạn trừ. Giáo pháp mang lại những kết quả tuyệt vời tại đây và ngay bây giờ đã cho chúng ta những thành quả. Vì vậy, hãy thực hành với tâm tự tin và hiểu biết. Hãy sử dụng cơ hội tốt nhất này để loại trừ khổ đau, và an hưởng chân an lạc.

Cầu nguyện cho quý vị hưởng hạnh phúc chân thật. 

Cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều hạnh phúc.

Ghi chú:

[1] Pháp cú kinh, phẩm đạo số 20, câu 277.

"Tất cả hành vô thường" 
Với Tuệ, quán thấy vậy 
Đau khổ được nhàm chán; 
Chính con đường thanh tịnh."


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BẢY

- Tầm quan trọng của tâm xả ly đối với các cảm thọ thô và tế 

- Duy trì tâm tỉnh thức 

- Năm người bạn tốt (năm sức mạnh): niềm tin, nỗ lực, chánh niệm, thiền định, và trí tuệ

Bảy ngày đã qua. Quý vị còn lại ba ngày nữa để tu tập. Nắm rõ phương pháp tu, quý vị hãy nỗ lực và tinh tấn thực tập trong những ngày còn lại.

Có hai yếu tố trong phương pháp hành trì: đó là giữ tâm tỉnh giác và xả ly. Chúng ta phải sáng suốt tỉnh giác với tất cả những cảm thọ xảy ra trên thân, và đồng thời duy trì tâm xả ly đối với những cảm thọ ấy. Khi duy trì tâm xả ly, tự nhiên chúng ta sẽ thấy, sớm hay muộn những cảm thọ cũng sẽ sinh ra ở những phần thân thể khó nhận ra, và những cảm thọ thô, cứng ngắt, đau khổ bắt đầu phân tán thành những dao động vi tế. Chúng ta bắt đầu cảm nhận một dòng năng lượng rất an lạc vận hành xuyên suốt cơ thể.

Vấn đề nguy hiểm là khi trạng thái này sinh khởi, chúng ta đắm chìm vào lạc thọ như thể chúng ta theo đuổi mục đích cứu cánh. Thực tế, mục đích của hành trì thiền Minh Sát Tuệ không phải để kinh nghiệm một cảm thọ nào đó, mà cốt yếu để tu tập tâm xả ly đối với mọi cảm thọ. Cảm thọ thô hoặc vi tế luôn luôn thay đổi. Khả năng tu tập của chúng ta chỉ có thể trắc lượng được qua mức độ tâm xả ly đối với mọi cảm thọ.

Ngay sau khi chúng ta kinh nghiệm những rung cảm rất nhẹ vận hành tự do xuyên suốt toàn thân, rất có thể rằng cảm thọ thô có thể phát sinh lại ở nơi nào đó của thân, hoặc nơi khó nhận thức. Đây không phải là dấu hiệu thụt lùi mà là dấu hiệu phát triển tốt. Khi tu tập tâm tỉnh thức và xả ly, tự nhiên chúng ta thâm nhập sâu vào tâm vô thức, và khám phá ra những phiền não đang ẩn núp ở đó. Một khi những phiền não tiềm ẩn này còn tồn tại trong vô thức, chắc chắn chúng sẽ mang lại đau khổ ở tương lai. Cách duy nhất để tiêu trừ chúng là cho phép chúng xuất hiện trên bề mặt của tâm thức và để chúng tự hoại diệt. Khi nào những sankhārācó gốc rễ sâu như vậy sinh ra trên bề mặt của tâm thức, nhiều sankhārā trong số này được tháp tùng với những cảm thọ bất lạc, thô hoặc những nơi khó nhận ra cảm thọ trên thân. Nếu chúng ta tiếp tục quán sát đồng thời không phản ứng lại, cảm thọ sẽ biến mất, và do không phản ứng lại cảm thọ, sankhāra cũ sẽ hiển thị ra.

Mỗi cảm thọ, dù thô hay tế, đều có cùng một đặc tính vô thường. Một cảm thọ thô sinh khởi, có thể kéo dài khoảng một thời gian, nhưng sớm muộn gì nó cũng đi qua. Một cảm thọ vi tế sinh ra và hoại diệt rất nhanh, nhưng nó vẫn mang đặc tính vô thường. Không có cảm thọ nào vĩnh cữu. Vì vậy chúng ta không nên ưa thích hoặc có định kiến đối với bất cứ cảm thọ nào. Khi một cảm thọ thô, bất lạc sinh khởi, chúng ta quán sát nó mà không khởi tâm nhàm chán. Khi một cảm thọ lạc vi tế sinh khởi, chúng ta chấp nhận nó, ngay cả hoan hỷ với nó, nhưngđừng khởi lên tự mãn hoặc tham đắm nó. Trong mọi trường hợp, chúng ta hiểu rõ bản chất vô thường của tất cả cảm thọ; do đó chúng ta có thể mỉm cười khi chúng sinh ra và diệt đi.

Để có một đời sống thực sự thay đổi, chúng ta phải tu tập tâm xả ly đối với mọi cảm thọ sinh khởi trên thân. Những cảm thọ đang sinh khởi trên thân trong từng sát na. Thông thường, ý thức không nhận thức ra chúng, nhưng vô thức cảm nhận được những cảm thọ và phản ứng lại các cảm thọ ấy bằng tham ái hoặc sân giận. Nếu tâm được tu tập để ý thức trọn vẹn những gì xảy ra trong thân này, đồng thời duy trì tâm xả ly, khi đó những tập khí sẽ bị phá vỡ. Chúng ta nên học cách giữ tâm bình thản trong mọi tình huống, và vì vậy chúng ta có thể sống một cuộc sống thanh bình và hạnh phúc.

Ở đây quý vị phải tự kinh nghiệm sự thật ở chính bản thân quý vị, thể nghiệm cấu trúc của thân và tâm vận hành như thế nào, và nó tạo ra khổ đau như thế nào. Cấu trúc con người được xét trên hai phương diện: vật chất và tinh thần, thân thể và tâm thức. Chúng ta phải quán sát cả hai. Nhưng thật ra chúng ta không thể quán sát thân thể mà không tỉnh giác những gì đang sinh khởi trên thân, đó là, cảm thọ. Tương tự chúng ta không thể quán sát tâm thức ngoài những gì đang sinh khởi trong tâm, đó là, ý tưởng. Khi chúng ta quán sát sự thật của thân và tâm sâu hơn, những gì sinh khởi trong tâm kết hợp với cảm thọ được chúng ta nhận ra rất rõ ràng. Cảm thọ đóng vai trò rất quan trọng trong việc quán sát thực tại của thân và tâm, và chính cảm thọ làm cho những phản ứng phát sinh. Để quán sát sự thật nơi chúng ta và đểchấm dứt việc tạo ra những tâm phiền não đang phát sinh, chúng ta phải tỉnh thức đối với các cảm thọ và duy trì tâm xả ly càng lâu càng tốt.

Vì lý do này, trong những ngày còn lại của khóa tu, quý vị phải tinh tấn thực tập, khép kín mắt trong suốt thời gian thiền định; ngay cả suốt thời gian nghỉ ngơi cũng vậy, quý vị phải nỗ lực duy trì tâm tỉnh giác và xả ly đối với những cảm thọ. Hãy tu tập trong mọi lúc và trong mọi công việc như đi bộ, ăn cơm, uống nước hoặc tắm giặc; đừng để sự hành trì bị gián đoạn. Hãy tỉnh giác từng cử động và cảm thọ phát sinh trên thân, trên bất cứ phần nào của thân thể hoặc toàn thân. Hãy duy trì tâm tỉnh giác và xả ly.

Tương tự, buổi tối khi quý vị lên giường ngủ, hãy khép mắt lại và cảm nhận những cảm thọ bất cứ nơi nào trên thân quý vị. Nếu quý vị ngủ với sự tỉnh giác như vậy, tự nhiên khi thức dậy vào buổi sáng, quý vị sẽ tỉnh giác mọi cảm thọ. Có lẽ quý vị không thể ngủ ngon giấc, hoặc quý vị có thể tỉnh giác suốt đêm. Đây là một điều vi diệu, giúp quý vị vừa nằm trên giường vừa duy trì tâm tỉnh giác và xả ly. Cơ thể cần nhu cầu nghỉ ngơi khi cần thiết, và không có nghỉ ngơi nào tốt hơn cho tâm thức bằng sự duy trì tâm tỉnh giác và xả ly. Tuy nhiên, nếu quý vị bắt đầu lo lắng là quý vị đang bị chứng mất ngủ thì quý vị sẽ tạo ra những căng thẳng, và sẽ cảm thấy mệt mỏi vào ngày kế tiếp. Quý vị cũng không nên cố gượng thức, giữ thế ngồi suốtđêm; điều này sẽ dẫn đến một cực đoan. Nếu đến giờ ngủ, tốt hơn; hãy ngủ. Nếu chưa buồn ngủ, cũng cho phép thân thể nghỉ ngơi bằng cách nằm ở tư thế nghiêng về một bên, và cho phép tâm nghỉ ngơi bằng duy trì tâm tỉnh giác và xả ly.

Đức Phật dạy: "Khi một thiền giả tu tập tinh tấn, vị ấy sẽ không rời tâm tỉnh giác và xả ly trong lúc quán sát những cảm thọ, hành giả tu tập như vậy sẽ phát triển trí tuệ chân thật và tuệ tri mọi cảm thọ". Hành giả biết cách mà người thiếu trí tuệ phản ứng đối với những cảm thọ, và tạo ra đau khổ cho vị ấy. Hành giả cũng biết được cách mà người thấu hiểu bản chất vô thường của tất cả cảm thọ sẽ không phản ứng lại cảm thọ, và đoạn trừ khổ đau. Ngài dạy tiếp: "Với tuệ tri thông đạt này, hành giả có thể kinh nghiệm trạng thái vượt ngoài thân và tâm: đólà trạng thái Niết-bàn (Nibbāna)." Chúng ta không thể chứng nghiệm Niết-bàn cho đến khi nào sankhārā vi tế nhất được đoạn trừ - những sankhārā này sẽ dẫn chúng ta tái sanh vào thế giới thấp kém, nơi khổ não đang ngự trị. May mắn thay, khi chúng ta bắt đầu thực hành thiền Minh Sát Tuệ, chính những sankhārā này sinh khởi trước. Chúng ta duy trì tâm xả ly và chúng sẽ tự tiêu diệt. Khi những sankhārā này được đoạn trừ, khi đó chắc chắn chúng ta chứng nghiệm Niết-bàn lần thứ nhất [1]. Sau khi chứng nghiệm Niết-bàn, chúng ta thay đổi hoàn toàn, và không còn làm bất cứ việc gì để phải tái sanh vào thế giới hạ liệt trong tương lai. Tuần tự chúng ta tu tập đến những giai đoạn cao hơn, cho đến khi tất cả sankhārā trước đây có thể dẫn chúng ta đi tái sanh vào thế giới hữu vi đều được đoạn trừ. Vị ấy đã hoàn toàn giải thoát và vì vậy, đức Phật kết luận: "Thấu rõ toàn bộ sự thật của thân và tâm, khi từ bỏ thân này vị ấy vượt qua thế giới hữu vi, vì vị ấy đã hoàn toàn tuệ tri mọi cảm thọ".

Quý vị bắt đầu tu tập giáo pháp này để phát triển khả năng tỉnh giác đối với mọi cảm thọ xuyên suốt toàn thân. Nếu quý vị tỉnh thức không phản ứng lại cảm thọ, quý vị sẽ thấy rằng từng lớp một, những sankhārā cũ được đoạn trừ. Duy trì tâm xả ly đối với cảm thọ bất lạc, thô, quý vị sẽ bắt đầu kinh nghiệm những cảm thọ vi tế và an lạc. Nếu quý vị tiếp tục duy trì tâm xả ly, sớm muộn gì quý vị cũng sẽ đạt đến một giai đoạn mà đức Phật mô tả, thiền giả chứng nghiệm toàn bộ cấu trúc thân thể vật lý không gì ngoài sự sinh-diệt liên tục. Tất cả những cảm thọ thô, cứng ngắt bị tan vỡ; toàn bộ thân thể vật lý không gì ngoài những daođộng vi tế. Dĩ nhiên trong giai đoạn này quý vị cảm thấy rất an lạc, tuy nhiên nó vẫn không phải là mục đích tối hậu vì thế quý vị không được chấp đắm vào nó. Một số những phiền não thô được đoạn trừ, nhưng những phiền não vi tế vẫn còn tồn tại ở mức độ sâu của tâm thức. Nếu chúng ta tiếp tục quán sát với tâm xả ly, tuần tự tất cả sankhārā ở cấp độ sâu hơn sẽ sinh khởi rồi tiêu diệt. Khi tất cả chúng được đoạn trừ hoàn toàn, quý vị chứng nghiệm "sự bất tử" - một trạng thái kinh nghiệm vượt ngoài thân và tâm, trạng thái bất sinh, và vì vậy cũng không có gì hoại diệt - trạng thái không thể diễn bày của Niết-bàn (Nibbāna).

Vị nào hành trì đúng đắn để phát triển tâm tỉnh thức và xả ly chắc chắn sẽ đạt đến trạng thái này; nhưng dù nam hay nữ mỗi người cũng phải tự mình tu tập.

Ví như có năm kẻ thù hay năm chướng ngại ngăn cản tiến trình tu tập của quý vị, bên cạnh đócũng có năm người bạn, năm đức tính tốt của tâm, chúng sẽ giúp và hộ trì quý vị. Nếu quý vị giữ năm người bạn này khoẻ và sáng suốt thì không có kẻ thù nào có thể chế ngự được quý vị.

Người bạn thứ nhất là niềm tin, lòng trung thành, sự tin cậy. Không có niềm tin chúng ta không thể thực hành, vì tâm chúng ta luôn luôn bị dao động bởi thái độ nghi ngờ và hoài nghi. Tuy nhiên, niềm tin sẽ trở thành kẻ thù nguy hiểm nếu chúng ta tin một cách mù quáng. Không có chánh kiến, không phân biệt được sự hư thật của các pháp là tin mù quáng. Chúng ta có thể tin bất cứ vị thần hoặc vị thánh nào, nhưng nếu đó là tin đúng đắn với chánh kiến, ghi nhớ những phẩm chất tốt của vị ấy, và nhờ thế chúng ta phấn khởi để phát triển những phẩm chất tốt này ở chúng ta. Lòng thành tín như vậy rất lợi ích và có ý nghĩa. Nhưng nếu chúng ta không nỗ lực phát triển những phẩm chất tốt như của người mà chúng ta thành kính hướngđến thì lòng thành tín đó chỉ là niềm tin mù quáng, có hại.

Ví dụ: Khi chúng ta qui y với đức Phật, chúng ta phải nhớ đến những đức tính của một vị Phật, và chúng ta phải thực hành để phát triển những đức tính này trong chúng ta. Đức tính quan trọng của một vị Phật là sự giác ngộ; vì vậy, qui y đúng nghĩa là trở về với giác ngộ, sự giác ngộ mà mỗi chúng ta cần đạt đến. Chúng ta tôn kính bất cứ ai đã đạt đến giác ngộ viên mãn; điều này có nghĩa là, chúng ta tôn trọng đức tính giác ngộ chứ không phải đặt nặng bất cứ tôn phái hoặc cá nhân đặc biệt nào. Vì vậy chúng ta tôn kính đức Phật không phải bằng lễ nghi hoặc cúng kiến mà bằng thực hành theo lời dạy của Ngài, đó là hành trì theo giáo pháp từ giới-luật (sīla), đến thiền định (samādhi ), đến trí tuệ (pañña), đến Niết-bàn (Nibbāna), giải thoát.

Bất cứ vị Phật nào cũng đều có những đức tính sau đây. Vị ấy đã đoạn tận tham ái, sân hận và si mê. Vị ấy đã chiến thắng tất cả kẻ thù trong tâm của mình, đó là, tâm ô nhiễm. Vị ấy quán thông giáo pháp không chỉ về lý thuyết mà còn về thực hành. Vị ấy thuyết giảng những gì vị ấy đã thực hành và ngược lại; lời nói và việc làm của vị ấy luôn đi đôi với nhau. Mỗi bước mà vị ấy đi là một bước tiến đúng, dẫn đến phương hướng đúng. Vị ấy đã khám phá và thấu rõ mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ. Vị ấy có tình thương bao la, lòng từ bi, hoan hỷ cảm thông với mọi người, và luôn giúp những người đang lạc lối tìm ra con đường đúng đắn. Vị ấy sống với tâm hoàn toàn xả ly. Nếu chúng ta tu tập tự phát triển những đức tính này để đạt đến mụcđích tối hậu, đó là chúng ta thật sự qui y với đức Phật.

Tương tự chúng ta qui y giáo pháp không liên quan gì đến chủ nghĩa giáo phái; qui y pháp không phải cải đổi từ tổ chức tôn giáo này sang tổ chức tôn giáo khác. Qui y pháp có nghĩa trở về con đường đạo đức, làm chủ tâm thức của chúng ta, trở về với trí tuệ. Bất cứ lời giáo huấn nào có thể trở thành giáo pháp đều phải có những phẩm chất rõ ràng. Thứ nhất nó phải được giải thích rõ ràng để mọi người có thể hiểu. Nó có thể được thấy rõ bằng chính mắt chúng ta, và chúng ta có thể chứng nghiệm nó bằng thực tại chứ không phải bằng tưởng tượng. Ngay cả chân lý của Niết-bàn cũng không được chấp nhận ngoại trừ khi chúng ta đã chứng nghiệm nó. Giáo pháp phải mang lại kết quả lợi ích hiện tại, và ngay nơi đây, không phải chỉ lời hứa suông về những lợi ích có thể thọ hưởng ở tương lai. Nó mang tính "đến và thấy"; chính chúng ta quán sát, thực nghiệm nó chứ không chấp nhận một cách mù quáng. Và một khi chúng ta đã thực tập và chứng nghiệm sự lợi ích của nó, chúng ta không thể không khuyến khích và giúp đỡ người khác đến để hiểu giáo pháp cũng như mình. Mỗi bước tiến trên conđường tu tập dắt dẫn chúng ta đến mục tiêu tối hậu mỗi lúc gần hơn; không nỗ lực sẽ không có kết quả. Giáo pháp mang lại lợi lạc ngay cả giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đọan cuối. Cuối cùng, bất cứ ai có khả năng hiểu biết trung bình, hay ở bất cứ trình độ nào cũng có thể thực hành và chứng nghiệm sự lợi ích của giáo pháp. Nếu chúng ta qui y giáo pháp và bắt đầu thực hành theo giáo pháp với sự hiểu biết những gì đang hiện hữu, sự quy y của chúng ta mới thật sự có ý nghĩa.

Cũng vậy, qui y Tăng không hề có liên quan đến một giáo phái nào. Bất cứ ai đi trên conđường giới, định và tuệ và bất cứ ai chứng đạt dù chỉ là giai đoạn giải thoát đầu tiên [2], vị ấy là vị thánh, là một thành viên của Tăng già. Vị ấy có thể là bất cứ ai, bất cứ hình thức nào, màu sắc, nguồn gốc nào; tất cả đều không có sự khác biệt. Nếu sau khi được nhìn thấy một vị Tăng như vậy, tự thân chúng ta lấy làm hoan hỷ và tu tập đạt đến cùng mục đích, thì sự qui y Tăng già của chúng ta thật sự có ý nghĩa, một sự quy y chân chánh.

Một người bạn khác là sự tinh tấn, nỗ lực. Như niềm tin, tinh tấn không được mù quáng. Ngược lại sẽ có nguy hiểm đó là chúng ta tu tập sai phương pháp, và sẽ không thành tựu kết quả như chúng ta mong muốn. Tinh tấn phải được đi kèm với sự hiểu biết đúng phương pháp; như thế tinh tấn hỗ trợ rất nhiều cho tiến trình tu tập của chúng ta.

Một người bạn khác là chánh niệm. Chánh niệm chỉ có thể nhận chân ở sát na hiện tại. Chúng ta không thể chánh niệm về quá khứ, mà chỉ có thể nhớ về quá khứ. Chúng ta không thể chánh niệm ở tương lai, chúng ta chỉ có thể khát vọng hoặc lo âu ở tương lai. Chúng ta phải phát triển khả năng chánh niệm thực tại mà nó đang hiển bày trong chúng ta ở sát na hiện tại.

Người bạn kế tiếp là nhất tâm (định), duy trì chánh niệm, không để gián đoạn trong từng sát na hiện tại. Chánh định phải vượt ra ngoài mọi sự tưởng tượng, tham ái, sân giận; chỉ như thế nó mới gọi là chánh định.

Và người bạn thứ năm là trí tuệ. Trí tuệ này không thể đạt được qua nghe những bài pháp, hoặc đọc một số sách, hoặc phân tích bằng tri thức; chúng ta phải phát triển trí tuệ tự chứng, vì chỉ có trí tuệ tự chứng mới có thể đưa chúng ta đến giải thoát. Và trí tuệ chân thật này phảiđược dựa vào những cảm thọ trên thân: đó là chúng ta luôn giữ tâm xả ly đối với các cảm thọ, hiểu rõ bản chất vô thường của chúng. Đây là sự xả ly ở cấp độ sâu của tâm thức, và tâm xả ly này sẽ giúp chúng ta giữ tâm bình tĩnh giữa những thăng trầm trong cuộc sống hàng ngày.

Mục đích của thực tập thiền Minh Sát Tuệ là làm cho chúng ta sống chân chánh, làm tròn trách nhiệm thế gian của chúng ta đồng thời giữ được tâm bình thản, an lạc và hạnh phúc cho chính mình và mọi người. Nếu giữ vững năm người bạn này, quý vị sẽ hoàn thiện nghệ thuật sống, và có một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc.

Hãy tiến bước trên con đường chánh pháp vì sự tốt đẹp và lợi ích của quý vị và của mọi người.

Cầu mong tất cả những chúng sanh đang chịu khổ đau được gặp giáo pháp để xóa tan khổ đau và an hưởng hạnh phúc chân thật.

Cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc.

Ghi chú:

[1] Niết-bàn theo quan điểm Phật giáo nguyên thủy có hai loại: Hữu dư y Niết-bàn và Vô dư y Niết-bàn. Hữu dư y Niết-bàn là trạng thái chứng đạt Niết-bàn nhưng thân ngũ uẩn vẫn còn tồn tại. Trong bài giảng này đề cập đến chứng đạt Niết-bàn lần thứ nhất tương đồng với Hữu dư y Niết-bàn. Còn Vô dư y Niết-bàn chỉ chứng được khi Vị A-la-hán xả bỏ thân ngũ uẩn.

[2] Theo tinh thần của bài giảng này giải thoát đầu tiên đồng nghĩa với quả vị Tu-đà-hoàn.


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TÁM

- Qui luật tăng và giảm 

- Qui luật đoạn trừ 

- Tâm xả ly là an lạc tối thượng 

- Tu tập tâm xả ly có thể làm cho chúng ta sống một cuộc sống chân chánh 

- Nhờ tu tập tâm xả ly, chúng ta xác định một tương lai hạnh phúc cho chúng ta

Ngày thứ tám đã qua, quý vị chỉ còn hai ngày để tu tập. Trong những ngày còn lại, tôi biết quý vị đã hiểu phương pháp đúng đắn, thế nên, quý vị có thể thực tập đúng theo phương pháp và cũng ứng dụng nó trong đời sống hằng ngày. Hãy hiểu giáo pháp là bản chất tự nhiên, là chân lý, là qui luật vũ trụ.

Về phương diện này, có một tiến trình tăng trưởng liên tục. Về phương diện khác, có một tiến trình đoạn diệt. Điều này cũng được giải thích rõ trong những câu kệ:

Các pháp có điều kiện quả thật là vô thường 

Bản chất của chúng luôn sinh khởi và hoại diệt.

Nếu chúng sinh ra và được đoạn trừ, 

Sự đoạn diệt này mang lại hạnh phúc chân thật. [1].

Tâm sinh khởi có điều kiện là tâm vô thường. Bản chất tự nhiên của mỗi Sankhārā là sanh và diệt. Nó hoại diệt, nhưng sát na kế tiếp nó lại sinh khởi; và lặp đi lặp lại như thế không biết bao nhiêu lần; đây là cách tăng trưởng của Sankhāra. Nếu chúng ta phát triển trí tuệ và bắt đầu quán sát một cách khách quan, khi đó tiến trình sankhārā tăng truởng sẽ dừng lại và tiến trìnhđoạn trừ sankhārā sẽ sinh ra. Một sankhāra sinh khởi, nhưng hành giả giữ tâm xả ly; khi đósankhāra mất hết năng lực và sẽ tự hoại diệt. Tuần tự, các sankhārā cũ sẽ sinh khởi và hoại diệt, tiến trình sinh diệt này đã giúp cho chúng ta giữ được tâm bình thản. Càng đoạn trừ nhiềusankhārā, chúng ta càng hạnh phúc, hạnh phúc thoát khỏi mọi khổ đau. Nếu tất cả sankhārācũ đều được đoạn trừ thì chúng ta thành tựu vô lượng an lạc của giải thoát viên mãn.

Thói quen cũ của tâm thức là phản ứng, và tạo ra nhiều phản ứng (sankhārā). Những điều bất như ý đến với chúng ta, và như thế chúng ta lại tạo ra một sankhāra sân giận. Vì sankhāraphát khởi trong tâm đã phối hợp với một cảm thọ bất lạc trên thân. Sát na kế tiếp, vì thói quen phản ứng cũ, chúng ta lại tạo ra nóng giận nữa, nóng giận này trực tiếp dẫn đến cảm thọ bất lạc trên thân. Tác nhân kích thích nóng giận bên ngoài chỉ là phụ trợ; sự phản ứng mới thật sự là yếu tố quan trọng tác động đến cảm thọ trong chính chúng ta. Cảm thọ bất lạc làm chúng ta có phản ứng sân giận, rồi nó lại tạo ra một cảm thọ bất lạc khác, và lại tiếp tục làm chúng ta phản ứng. Cứ như vậy, tiến trình tăng trưởng vận hành. Nếu không phản ứng lại cảm thọ, thay vào đó chúng ta chỉ mỉm cười và hiểu bản chất vô thường của nó, khi đó chúng ta sẽ không tạo ra sankhārā mới, và sankhārā đã sinh khởi sẽ bị tiêu diệt không còn tăng trưởng nữa. Kếđến, một sankhārā tương tự sẽ sinh ra ở cấp độ sâu trong tâm thức; chúng ta giữ tâm xả ly, và nó sẽ biến mất. Kế đến một sankhārā khác nữa lại sinh khởi; chúng ta vẫn duy trì tâm xả ly, và nó cũng sẽ biến mất. Tiến trình đoạn trừ sankhārā đã vận hành.

Những tiến trình mà chúng ta đang quán sát trong mỗi chúng ta cũng đang vận hành khắp vũ trụ. Ví dụ, có người gieo hạt giống cây banyan (cây bồ-đề). Từ hột giống bé tí nó phát triển thành cây lớn, cây này kết vô số quả hằng năm trong suốt thời gian cây sinh tồn. Và sau khi cây chết, tiến trình vẫn tiếp tục, vì mỗi trái mà cây đã sinh ra chứa đựng một hột hoặc vô số hột, có cùng tính chất như hột giống ban đầu đã sinh trưởng thành cây. Bất cứ khi nào một trong những hạt giống này rơi vào đất tốt nó sẽ nảy mầm và phát triển thành một cây khác, và cây này lại tiếp tục sản sinh ra hàng ngàn trái, và những trái cây này đều chứa những hột giống. Trái cây và hột giống, hột giống và trái cây; một tiến trình tăng trưởng bất tận. Cũng như vậy, vì vô minh chúng ta gieo một hạt giống sankhāra, sớm muộn gì hạt giống này sẽ cho ra một trái, hay còn gọi là một sankhāra, và sankhāra này cũng chứa cùng một loại giống nhưsankhāra cũ. Nếu chúng ta gieo hạt giống vào vùng đất tốt nó sẽ nảy mầm thành mộtsankhāra mới, và đau khổ của chúng ta tiếp nối sinh ra. Tuy nhiên, nếu chúng ta ném hạt giống vào đất đá, chúng không thể nảy mầm, không sinh sản. Tiến trình tăng trưởng dừng lại, và tự động tiến trình đoạn diệt vận hành.

Hãy hiểu tiến trình vận hành này. Tiến trình này được biết là nó cần được cung cấp nguồn năng lượng cho dòng đời sống, thân và tâm tiếp tục sinh tồn. Nguồn năng lượng cho thân thể là thức ăn, cũng như môi trường xung quanh chúng ta. Nếu một ngày nào đó chúng ta khôngăn, dòng vận hành của vật chất (thân thể) sẽ không dừng lại ngay lập tức. Nó tiếp tục tiêu thụ những nguồn năng lượng dự trữ chứa trong thân thể. Chỉ khi nào tất cả năng lượng dự trữ đã tiêu thụ hết thì dòng vận hành sẽ dừng lại, thân thể sẽ chết.

Thân thể cần thức ăn hai hoặc ba lần một ngày, nhưng dòng tâm thức đòi hỏi phải nạp năng lượng vào trong mỗi sát na. Năng lượng thức ăn nạp vào cho tâm thức là sankhārā. Mỗi sát na, sankhāra mà chúng ta tạo ra có trách nhiệm duy trì dòng vận hành của tâm thức. Tâm thức sinh ra trong sát na kế tiếp là sản phẩm của sankhāra này. Mỗi sát na chúng ta nạp vàosankhāra, và dòng vận hành của tâm thức tiếp tục hoạt động. Nếu ở bất cứ sát na nào chúng ta không tạo ra một sankhāra mới, dòng tâm thức vẫn không dừng lại; nó sẽ tiêu thụ sankhāracũ từ nguồn dự trữ. Sankhāra cũ này bắt buộc phải tạo ra một kết quả của nó lên bề mặt của tâm thức để tiếp tục duy trì dòng vận hành; và sankhāra này sẽ biểu hiện qua một cảm thọ trên thân. Nếu chúng ta phản ứng lại cảm thọ, lại nữa chúng ta bắt đầu tạo ra một sankhāra mới, gieo trồng những hột giống khổ đau mới. Nhưng nếu chúng ta giữ tâm bình thản quán sát những cảm thọ, sankhāra sẽ không còn sức mạnh và bị tiêu diệt. Ở sát na kế tiếp, sankhāra cũ phải xuất hiện để duy trì dòng vận hành tâm thức. Lại nữa chúng ta không phản ứng, và nó bị tiêu diệt. Bất cứ lúc nào chúng ta duy tâm trì tỉnh giác và xả ly, tuần tự những sankhārā cũ sẽ xuất hiện trên bề mặt tâm thức và rồi bị tiêu diệt; đây là qui luật của tự nhiên.

Chúng ta phải tự mình chứng nghiệm tiến trình qua thực hành phương pháp này. Khi nào những thói quen và đau khổ cũ của chúng ta đều được đoạn trừ, khi đó chúng ta biết rằng tiến trình sankhārā đoạn trừ đã được tu tập.

Ngành luyện kim hiện đại cũng áp dụng kỹ thuật này. Để tinh chế và làm cho một kim loại trở thành tinh chất hoàn toàn, điều cần thiết là tách những phân tử hỗn tạp ra khỏi hàng tỉ phân tử tinh chất. Điều này được tiến hành bằng cách cán dẹp khối kim loại ấy thành thể hình que, và lấy kim loại đã tinh chất tạo ra một thể hình tròn. Cho vòng tròn kim loại đã được tinh chế này trượt qua thanh kim loại hình que, và chính vòng kim loại này tạo ra một sức hút tự động loại mọi phân tử hỗn tạp ra khỏi thanh kim loại hình que. Đồng thời, tất cả phân tử trong thanh kim loại hình que được sắp ngay thẳng; thanh kim loại này trở thành dễ uốn, dễ dát mỏng, có thể sử dụng được. Cũng như vậy, phương pháp thiền Minh Sát Tuệ có thể được xem như vòng tròn thanh tịnh tỉnh giác trượt qua cấu trúc cơ thể, loại trừ mọi cấu uế, gặt hái những lợi lạc.

Tỉnh giác và xả ly sẽ làm cho tâm thanh tịnh. Trong tu tập, chúng ta cảm nhận cảm thọ lạc hoặc khổ đều không quan trọng. Điều quan trọng là chớ phản ứng lại với tâm tham đắm hoặc sân giận, vì chúng chỉ gây ra khổ đau. Thước đo duy nhất để trắc lượng sự thăng tiến trong tu tập của chúng ta là tâm xả ly. Nếu chúng ta thể nhập vào chiều sâu của tâm thức và để loại trừ những cấu uế, chúng ta phải tu tập tâm xả ly đối với các cảm thọ trên thân. Nếu chúng ta tu tập tâm tỉnh giác và xả ly đối với những cảm thọ, khi đó chúng ta sẽ dễ dàng giữ tâm bình anđối với các đối tượng bên ngoài.

Một lần có người hỏi đức Phật, sự lợi lạc chân thật là gì. Ngài đáp rằng lợi lạc tối thượng là giữ được tâm chúng ta bình an trước mọi biến đổi, thăng trầm của cuộc đời. Chúng ta có thểđối diện với những cảm thọ lạc hoặc khổ, chiến thắng hoặc thất bại, được hoặc mất, danh thơm hoặc tiếng xấu; chắc chắn mỗi chúng ta phải đối diện với những điều này. Nhưng liệu chúng ta có thể mỉm cười trong mọi hoàn cảnh, một nụ cười thật sự xuất phát từ tâm của chúng ta không? Nếu tâm chúng ta đạt được tâm xả ly ở cấp độ sâu nhất, chúng ta sẽ đạt được chân hạnh phúc.

Nếu tâm xả ly chỉ ở hình thức bề ngoài thì nó sẽ không giúp được gì cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Cũng giống như, mỗi chúng ta mang trên người một bình xăng, hoặc bình dầu. Nếu một tia lửa sinh ra, (cũng như kết quả của phản ứng ở quá khứ), ngay lập tức nó tạo thành một vụ nổ lớn, rồi sản sinh ra hàng triệu đóm lửa khác, (cũng có nghĩa là nó tạo thêm nhiều sankhārā nữa). Đám lửa cháy càng nhiều, khổ não càng tăng trong tương lai. Nhờ hành trì thiền Minh Sát Tuệ, chúng ta dần dần hút rỗng bình nhiên liệu. Những đóm lửa vẫn phát ra vì sankhāra quá khứ vẫn còn, nhưng khi lửa phát ra, chúng chỉ đốt nguồn nhiên liệu của chúng mang đến; nhiên liệu mới không được cung cấp. Chúng bùng cháy cho đến khi nguồn nhiên liệu của chúng mang đến hết sạch, và khi đó chúng bị tiêu hủy đi. Về sau, khi chúng ta tiến xa hơn trên con đường tu tập, chắc chắn chúng ta bắt đầu phát triển dòng nước mát của tình thương và lòng từ bi, và bình chứa nhiên liệu lúc bấy giờ được chứa đầy nước mát này. Khi ấy, ngay khi có một đóm lửa phát sinh, nó liền bị tiêu huỷ. Nó cũng không thể đốt cháy ngay cả một tí nhiên liệu nó mang đến.

Trên phương diện tri thức, chúng ta có thể hiểu vấn đề này, và hiểu rằng chúng ta nên có sẳn máy bơm nước phòng khi lửa phát sinh. Nhưng khi lửa phát sinh thì chúng ta lại sử dụng vòi bơm xăng và một đám cháy lớn phát sinh. Sau đó chúng ta nhận ra sai lầm, nhưng chúng ta lại tiếp tục vi phạm trong lần lửa cháy kế tiếp, vì trí tuệ của chúng ta còn nông cạn. Nếu ai có trí tuệ thật sự, khi gặp lửa vị ấy sẽ không đổ xăng vào, vì biết rằng điều này có hại. Thay vào đó, vị ấy tưới nước mát của tình thương và lòng từ bi, giúp đỡ những người khác và chính mình.

Trí tuệ phải là trí tuệ đối với những cảm thọ. Nếu quý vị tự luyện tập để giữ tâm tỉnh giác và bình thản đối với mọi cảm thọ trong mọi hoàn cảnh, quý vị sẽ không bị bất cứ điều gì có thể chế ngự. Có thể khoảng vài giây quý vị quán sát trong niệm xả ly. Khi đó, với tâm xả ly này, quý vị quyết định những hành động nào cần tiến hành. Chắn chắn rằng đó là một hành độngđúng, tốt, có lợi cho người khác, vì hành động này được quyết định khi tâm bình thản.

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cũng cần sử dụng hành động mạnh. Chúng ta đã cố giải thích cho ai đó một cách lịch sự, tử tế, với một nụ cười, nhưng họ chỉ có thể hiểu qua những lời nói nặng, hành động cứng rắn. Vì vậy, chúng ta phải sử dụng lời nói hoặc hành động mạnh. Nhưng trước khi làm như vậy, chúng ta phải kiểm tra lại tâm của mình có được bình tĩnh hay không, và xem chúng ta thật sự có lòng từ bi và tình thương với mọi người hay không. Nếuđược như thế, hành động sẽ có ích; bằng không, nó sẽ không giúp gì cho người khác. Chúng ta hành động mạnh để giúp những người sai lầm. Căn cứ vào tình thương và lòng từ này, chúng ta không thể làm bất cứ điều gì sai trái.

Trong trường hợp bị công kích, người hành trì thiền Minh Sát Tuệ tập tránh xa người xung đột và nạn nhân bị xung đột, ban rải lòng từ không chỉ cho nạn nhân mà còn những người gây xung đột nữa. Chúng ta phải hiểu rằng người gây xung đột không biết anh ta đang làm hại chính mình. Hiểu được điều này, chúng ta cố gắng giúp anh ta ngăn ngừa không làm bất cứđiều gì gây đau khổ cho anh ta trong tương lai.

Tuy nhiên quý vị phải cẩn thận, không phải kiểm tra những hành động sau khi biến cố đã xảy ra. Quý vị phải tự kiểm tra tâm của mình trước khi hành động. Nếu tâm đầy ắp phiền não, chúng ta không thể giúp bất cứ ai. Trước tiên chúng ta phải chỉnh đốn những sai lầm của chúng ta rồi mới có thể chính đốn sai lầm của người khác. Trước hết chúng ta phải thanh lọc tâm của chúng ta bằng tự quán sát mình. Sau đó chúng ta mới có thể giúp mọi người.

Đức Phật dạy có bốn hạng người trên thế gian này:

Hạng người đi từ bóng tối vào bóng tối

Hạng người đi từ ánh sáng vào bóng tối

Hạng người đi từ bóng tối ra ánh sáng 

Hạng người đi từ ánh sáng ra ánh sáng

Đối với hạng người đầu tiên, mọi thứ xung quanh chỉ là đau khổ, tối tăm, nhưng điều bất hạnh lớn lao nhất của vị ấy là không có trí tuệ. Mỗi khi gặp khổ đau, vị ấy sinh tâm sân hận, căm ghét, bực tức và đổ lỗi người khác làm khổ mình. Tất cả những sankhārā nóng giận và thù hằn này sẽ mang lại cho vị ấy một đời sống tương lai đầy tối tăm và đau khổ.

Hạng người thứ hai được xem là có đời sống tươi sáng: như là có tiền bạc, địa vị, quyền lực, nhưng vị ấy cũng chẳng có trí tuệ. Vì vô minh vị ấy phát triển chủ nghĩa tự ngã, không hiểu rằng những tham chấp tự ngã sẽ mang lại cho vị ấy một tương lai tối tăm.

Hạng người thứ ba có cùng hoàn cảnh như hạng người đầu, đó là bị đoanh vây bởi tối tăm. Nhưng nhờ có trí tuệ, và hiểu hoàn cảnh của mình, vị ấy biết rằng chính vị ấy phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi khổ đau của bản thân. Vị ấy lặng lẽ và an lòng làm những gì có thể thay đổi được hoàn cảnh, nhưng không khởi lên bất cứ sân giận nào, hoặc thù ghét người khác; thay vào đó, vị ấy chỉ có tình thương và lòng từ với những người đang gây đau khổ cho mình. Tất cả những gì anh ta tạo ra mang lại sự sáng lạng cho tương lai.

Cuối cùng, hạng người thứ tư, giống như người ở nhóm thứ hai, có đầy đủ tiền bạc, địa vị và quyền lực, nhưng không như hạng người thứ hai, vị ấy có trí tuệ. Vị ấy sử dụng những gì mà vị ấy có để bảo tồn bản thân và những người nương vào vị ấy, nhưng bất cứ những gì mà vị ấy làm đều xuất phát từ tình thương và lòng từ vì mục đích tốt đẹp cho người khác. Vị ấy chói sáng ngay bây giờ và tương lai.

Ở đây chúng ta không thể chọn lựa hoặc hướng vào bóng tối hoặc hướng ra ánh sáng; điều này được quyết định do Sankhārā quá khứ của chúng ta. Quá khứ không thể thay đổi được, nhưng chúng ta có thể kiềm chế ở hiện tại bằng sự điều phục chính bản thân. Tương lai chỉ là quá khứ kết hợp với những gì có mặt trong hiện tại. Thiền Minh Sát Tuệ dạy cho chúng ta phương cách để có thể tự chủ chính mình nhờ sự tu tập tâm tỉnh giác và xả ly đối với cảm thọ. Nếu chúng ta phát triển khả năng tự chủ này trong giây phút hiện tại, chắc chắn tương lai của chúng ta sẽ trở nên sáng lạng.

Sử dụng hai ngày còn lại, quý vị học phương cách làm chủ bản thân trong sát na hiện tại. Tiếp tục hành trì giáo pháp để loại trừ tất cả khổ đau, và an vui với hạnh phúc chân thật tại đây và ngay bây giờ.

Cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc!

Ghi chú:

[1] Trường bộ kinh, Kinh Ðại Bát Niết-bàn số 16.


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ CHÍN

- Áp dụng phương pháp thiền Minh Sát Tuệ vào đời sống hằng ngày 

- Mười pháp Ba-la-mật (pāramī)

Ngày thứ chín đã qua. Bây giờ là lúc thảo luận về cách thức để thực hành giáo pháp trong đời sống hằng ngày. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Giáo pháp là một nghệ thuật sống. Nếu chúng ta không thể áp dụng giáo pháp vào trong đời sống thường ngày thì việc tham dự một khóa tu không khác gì việc hành trì một nghi thức hoặc một nghi lễ.

Mọi người đều phải đối diện với những hoàn cảnh bất như ý trong cuộc sống. Bất cứ khi nào những điều bất như ý xảy ra, tâm chúng ta mất bình tĩnh và chúng ta bắt đầu tự tạo ra phiền não. Và bất cứ khi nào phiền não sinh khởi trong tâm, chúng ta trở nên khổ sở. Chúng ta làm thế nào để không tạo ra phiền não, không tạo ra căng thẳng? Chúng ta phải làm thế nào để giữ tâm bình an và hài hòa?

Các nhà hiền triết đã khám phá ra thực tại của thân và tâm và cũng đã tìm ra một giải pháp đểgiải quyết những vấn đề này: đó là khi nào một phiền não sinh khởi trong tâm vì bất cứ lý do gì, chúng ta nên chuyển sự chú ý của chúng ta đến một nơi khác. Ví dụ, chúng ta có thể đứng dậy, uống một ngụm nước, bắt đầu đếm, hoặc bắt đầu tụng danh hiệu của một thần hoặc tâm hướng đến một vị thánh mà chúng ta thành tâm tôn kính. Bằng cách chuyển đổi sự chú ý, chúng ta sẽ thoát khỏi phiền não bất như ý.

Giải pháp này có thể thực hành. Nhưng một số nhà khám phá chân lý nội tại khác đã đi vào cấp độ sâu nhất của thực tại, chân lý tối hậu. Các bậc Giác Ngộ này đã tuệ tri rằng do chuyểnđổi sự chú ý, chúng ta tạo ra một lớp bình an và hài hòa ở cấp độ nhận thức, nhưng chúng tađã không đoạn trừ phiền não đã và đang sinh khởi. Chúng ta chỉ đè nén nó. Ở cấp độ vô thức, nó tiếp tục tăng trưởng và mạnh mẽ hơn. Sớm hay muộn miệng núi lửa phiền não ngủ ngầm sẽ phụt ra và áp đảo tâm thức. Khi nào phiền não còn tồn tại, ngay cả ở cấp độ vô thức, giải pháp trên chỉ có hiệu nghiệm một phần nào và chỉ tạm thời mà thôi.

Một vị giác ngộ hoàn toàn đã tìm ra giải pháp đúng đắn: đó là đừng tìm cách chạy trốn khổđau; hãy đối diện với nó. Quán sát bất cứ phiền não nào sinh khởi trong tâm. Chúng ta quán sát nhưng không đè nén, cũng không để cho nó có những hành động xấu thể hiện qua thân hoặc lời nói. Chỉ có sự quán sát là con đường trung đạo nằm giữa hai cực đoan này. Khi chúng ta bắt đầu quán sát, phiền não mất đi sức mạnh và bị tiêu hoại, nó không áp đảo được tâm thức. Không chỉ thế, một số phiền não ngủ ngầm cùng loại cũng bị tiêu diệt. Một khi một phiền não sinh khởi ở cấp độ nhận thức, một phiền não ngủ ngầm cùng loại cũng sinh ra từ vô thức, bắt đầu liên kết với phiền não hiện tại, (phiền não sinh khởi ở cấp độ nhận thức) và chúng bắt đầu tăng trưởng. Nếu chúng ta quán sát các phiền não ấy, không những phiền não hiện tại mà còn một phần nào của phiền não ngủ ngầm sẽ được đoạn trừ. Bằng cách này, lần lượt tất cả phiền não sẽ được đoạn trừ, và chúng ta thoát khỏi khổ đau.

Nhưng đối với một người bình thường, việc quán sát một tâm phiền não thật không dễ. Chúng ta không biết khi nào phiền não phát khởi và nó chế ngự tâm thức như thế nào. Khi phiền não xuất hiện ở cấp độ nhận thức, nó trở nên quá mạnh đến nỗi rất khó cho việc quán sát mà không phản ứng lại. Dù là chúng ta cố gắng quán sát như vậy, việc quán sát một phiền não vi tế của tâm thức như sân hận, sợ hãi, hoặc tham ái ngấm ngầm cũng rất khó khăn. Thay vào đó, sự tập trung của chúng ta bị kích động bởi những phiền não từ bên ngoài, những điều này chỉ làm cho phiền não tăng trưởng.

Tuy nhiên, những vị Giác Ngộ đã khám phá ra rằng bất cứ khi nào một phiền não sinh khởi trong tâm, ngay lúc đó có hai yếu tố cũng phát sinh trong thân thể: đó là hơi thở sẽ trở nên khác thường, và phản ứng sinh-hóa còn gọi là cảm thọ xảy ra trên thân thể. Một giải pháp hữu hiệu đã được tìm ra. Rất khó quán sát những phiền não vi tế khởi lên trong tâm, nhưng nhờ tu tập chúng ta thực hành ngay lúc quán sát hơi thở và cảm thọ, cả hai đều là những tướng trạng của thân phiền não. Khi quán sát phiền não trong thân, chúng ta cho phép nó sinh ra rồi diệt đi mà không gây ra tác hại nào. Chúng ta bắt đầu giải thoát phiền não.

Phải mất nhiều thời gian chúng ta mới có thể thuần thục được phương pháp tu tập này, nhưng khi hành trì, dần dần chúng ta thấy rằng nhiều vấn đề bất như ý từ bên ngoài đưa đến mà trướcđây chúng ta thường phản ứng lại chúng, bây giờ chúng ta có thể giữ tâm bình thản đối với chúng. Mặc dù chúng ta phản ứng, phản ứng này sẽ không quá mạnh hoặc kéo dài như nó đã có ở quá khứ. Một lúc nào nó sẽ khởi lên trong hoàn cảnh bực tức nhất, chúng ta có thể được nhắc nhở và cảnh giác bằng hơi thở và cảm thọ, và chúng ta sẽ bắt đầu quán sát chúng, ngay cả trong vài sát na. Những sát na tự quán sát này sẽ hoạt động như một thiết bị giảm sốc giữa những kích động bên ngoài và phản ứng lại của chúng ta. Thay vì phản ứng lại một cách mù quáng, chúng ta giữ tâm bình tĩnh, và làm những việc có lợi cho chúng ta và mọi người.

Quý vị đã thực tập bước đầu tiên hướng đến đoạn trừ phiền não và chuyển đổi những thói quen của tâm thức qua sự quán sát cảm thọ ở chính quý vị.

Từ lúc sanh ra đời, chúng ta thường có thói quen hướng ngoại. Chúng ta không bao giờ quán sát tự thân, và vì vậy chúng ta không thể đi vào những vấn đề sâu kín của chúng ta. Chẳng hạn chúng ta tìm nguyên nhân gây ra đau khổ cho chúng ta từ bên ngoài, và luôn luôn đổ lỗi người khác làm chúng ta đau khổ. Chúng ta nhìn những sự vật chỉ qua một góc cạnh, một phần của quan điểm, chắc chắn chúng ta đã hiểu sai lệch những điều này; và lại nữa chúng ta chấp chặt quan điểm của mình như chân lý toàn hảo. Bất cứ việc làm nào được tạo ra từ kiến thức khiếm khuyết này chỉ sẽ làm hại cho chính mình và người khác. Để nhìn tổng thể sự thật, chúng ta phải quán sát nó từ nhiều khía cạnh. Đây là điều mà chúng ta học để hành qua phương pháp thực tập thiền Minh Sát Tuệ: đó là nhìn thực tại không chỉ bên ngoài mà còn phải nhìn bên trong nữa.

Chỉ nhìn từ một góc cạnh, chúng ta tưởng rằng khổ đau của chúng ta do người khác gây ra, do hoàn cảnh bên ngoài. Vì vậy chúng ta tập trung toàn bộ năng lực cho mục đích thay đổi người khác và thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. Thực tế, đây chỉ là một nỗ lực vô ích. Thực hành quán sát thực tại, chúng ta sớm tuệ tri rằng con người hoàn toàn có trách nhiệm với khổ đau hoặc hạnh phúc của chính mình. Ví dụ, ai đó bị chỉ trích và phiền não phát sinh. Vị ấy đổ lỗi người chỉ trích làm cho mình phiền não. Thực tế người chê bai đã tạo ra khổ sở cho bản thân vì anh ta đã làm tâm mình bị nhiễm ô. Người bị chê bai cũng tự tạo ra khổ đau khi vị ấy phản ứng lại lời chỉ trích, và tự làm cho tâm mình ô nhiễm. Mỗi chúng ta có trách nhiệm về khổ đau của bản thân, không ai có thể can thiệp vào cả. Khi nào chúng ta kinh nghiệm sự thật này, sự điên rồ trong việc đổ lỗi người khác sẽ không còn nữa.

Chúng ta phản ứng lại điều gì? Chính chúng ta tạo ra ảo tưởng chứ không phải thực tại bên ngoài. Khi chúng ta nhìn ai đó, sự tưởng tượng của chúng ta bị nhuốm màu do những tập khí quá khứ của chúng ta. Những sankhāra cũ tác động lên tưởng tri của chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh mới nào. Kế đó, vì tưởng tri có điều kiện, cảm thọ lạc hoặc bất lạc sinh ra trên thân. Và tuỳ theo cảm thọ, chúng ta tạo ra một phản ứng mới. Mỗi tiến trình này đều do sankhārācũ quyết định. Nhưng nếu chúng ta duy trì tâm tỉnh giác và xả ly đối với mọi cảm thọ, thói quen phản ứng mù quáng trở nên yếu hơn, và chúng ta thực hành quán sát thực tại như nóđang là.

Khi chúng ta phát triển khả năng nhìn sự vật từ các khía cạnh khác nhau thì bất cứ khi nào người khác chê bai hoặc cư xử thiếu đạo đức đối với chúng ta, chúng ta khởi lên tuệ tri rằng vị này đang có thái độ sai vì anh ta đang đau khổ. Với tuệ tri này, chúng ta không khởi tâm phiền não phản ứng lại mà chỉ khởi lên tình thương và lòng từ bi đối với người khổ sở, như một người mẹ cảm thông người con đang bệnh. Thiện tâm này sinh khởi để giúp người đoạn trừ phiền não. Vì vậy, chúng ta giữ sự bình an và hạnh phúc cho mình, và giúp người khác cũngđược bình an và hạnh phúc. Đây là mục đích của giáo pháp, thực tập nghệ thuật sống, đoạn trừ tâm cấu uế và tăng trưởng thiện tâm, vì sự tốt đẹp cho chúng ta và mọi người.

Có mười đức tính tốt (pāramī cũng còn gọi là Ba-la-mật) thuộc về tâm mà chúng ta cần phải thực hành hoàn hảo để đạt đến mục đích tối thượng. Mục đích của tu tập mười thiện tâm này là một tiến trình hoàn toàn vô ngã . Mười pāramī này là những đức tính tốt của tâm có khả năng lần lượt xoá trừ ngã chấp, và đưa chúng ta tiến đến giải thoát. Chúng ta có cơ hội để tu tập mười đức tính này trong khóa thiền Minh Sát Tuệ.

Ba-la-mật đầu tiên là nekkhamma, có nghĩa là sự xuất ly. Chúng ta trở thành một vị Tăng hoặc Ni, xuất ly đời sống tại gia và sống cuộc đời vô sở hữu vật chất, ngay cả phải xin ăn để nuôi sống hằng ngày. Tất cả những việc làm này là vì mục đích phá bỏ tự ngã. Làm thế nào để một người tại gia có thể phát triển đức tính này? Trong một khóa tu như thế này, chúng ta có cơ hộiđể thực hành, từ lúc có mặt ở đây chúng ta sống dựa vào sự hảo tâm của người khác. Thọ nhận bất cứ những gì như thức ăn, chốn ở, hoặc những nhu cầu khác từ sự trợ giúp của người khác, chúng ta tuần tự phát triển đức tính xuất ly (xuất gia). Những gì chúng ta thọ nhận ở đây, sử dụng chúng đúng nghĩa nhất, chúng ta nỗ lực tu tập để thanh lọc tâm không chỉ lợi ích cho bản thân mà còn cho người khác, những người đã cúng dường vì sự có mặt của chúng ta.

Ba-la-mật kế tiếp là sīla, có nghĩa là đạo đức. Chúng ta phát triển đức tính này bằng cách giữ năm giới trong suốt thời gian tu tập và trong đời sống hằng ngày. Có nhiều khó khăn làm trở ngại việc hành trì giới trong đời sống thế tục. Tuy nhiên, ở đây trong khóa tu, không có điều kiện nào tác động đến việc phá giới, vì chương trình và nội qui rất nghiêm túc. Duy chỉ trong lúc nói năng có thể chúng ta sẽ xao lãng không giữ giới nghiêm túc. Vì lý do này chúng ta phát nguyện tịnh khẩu trong chín ngày đầu của khóa tu. Nhờ vậy, ít nhất trong suốt thời gian khóa tu, chúng ta giữ giới một cách hoàn chỉnh.

Một ba-la-mật khác là viriya, có nghĩa là tinh tấn. Trong đời sống thường ngày, chúng ta nỗ lực làm việc như tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên, ở đây, sự tinh tấn là để làm cho tâm thanh tịnh nhờ vào chuyên tâm tỉnh giác và xả ly. Đây là chánh tinh tấn, tinh tấn này sẽ đưa đến giải thoát.

Một ba-la-mật khác là paññā, có nghĩa là trí tuệ. Ở ngoài thế gian, chúng ta có thể có trí tuệ, nhưng chúng ta đạt được trí tuệ này là do đọc sách, nghe từ những người khác, hoặc chỉ hiểu biết bằng tri thức. Chân trí tuệ ba-la-mật là sự tuệ tri những gì khai mở trong chính chúng ta, từ kinh nghiệm thiền định. Chúng ta liễu tri trực tiếp bằng cách tự quán sát những đặc tính vô thường, khổ và vô ngã. Nhờ kinh nghiệm trực tiếp về thực tại, chúng ta loại trừ khổ đau.

Một ba-la-mật khác là khanti, có nghĩa là nhẫn nhục. Trong một khóa tu như thế này, tu tập và sống chung trong cùng một nhóm, chúng ta cảm thấy mình bị phá rối và khó chịu do những việc làm của những người khác. Nhưng không bao lâu chúng ta nhận ra rằng người gây ra phiền hà chỉ vì vị ấy không biết hành vi mình đang làm, hoặc có thể vị ấy là một người bệnh. Sự bực tức này sẽ qua đi, và chúng ta chỉ khởi tâm yêu thương và lòng từ đối với vị ấy. Chúng ta đang tu tập hạnh nhẫn nhục.

Một ba-la-mật khác là sacca, có nghĩa là sự thật. Bằng cách hành trì giới chúng ta tu tập giữ lời nói chân thật. Tuy nhiên, sacca phải được hành trì trong ý nghĩa cao hơn. Mỗi bước trên con đường hành trì phải là một bước đi tới sự thật, từ sự thật thô, sự thật bên ngoài, đến sự thật vi tế hơn và cuối cùng đến chân lý tối hậu. Không có lý do gì để tưởng tượng. Chúng ta phải luôn luôn duy trì sự thật mà chúng ta thực sự kinh nghiệm nó ở giây phút hiện tại.

Một ba-la-mật khác nữa là adhitthāna, có nghĩa là sự quyết định mạnh mẽ. Khi chúng ta tham dự khóa thiền Minh Sát Tuệ, chúng ta quyết định tu tập trọn thời gian của khóa tu. Chúng ta quyết định tuân thủ giới, giữ im lặng và tất cả những nội qui của khóa tu. Sau khi được giới thiệu về pháp tu thiền Minh Sát Tuệ, chúng ta tự quyết định hành thiền trong thời gian ngồi thiền, không hề mở mắt, không cử động tay, chân. Khi tu tập phương pháp này ở giai đoạn cao hơn, quyết định ba-la-mật rất quan trọng; khi gần đạt mục tiêu tối hậu, chúng ta phải sẵn sàng ngồi bất động cho đến khi thành tựu giải thoát. Vì lý do này, sự quyết định mạnh mẽ là yếu tố cần phải tu tập.

Một ba-la-mật khác nữa là mettā, có nghĩa là tình thương vô ngã, thanh tịnh. Trước đây, chúng ta cố gắng tu tập tâm yêu thương và thiện chí đối với người khác, nhưng thiện tâm này chỉ ở mức độ nhận thức. Ở cấp độ vô thức những phiền não cũ vẫn tiếp tục tồn tại. Khi tâm thứcđược thuần tịnh hoàn toàn, ở cấp độ sâu thẳm của tâm thức chúng ta có thể mong ước mọi người được hạnh phúc. Đây là tình thương chân thật, có lợi cho người khác và cho chính chúng ta.

Một ba-la-mật khác là upekkhā, có nghĩa là tâm xả ly. Chúng ta tu tập tâm xả ly không chỉ đối với những cảm thọ thô, bất lạc, hoặc những khu vực không nhận ra cảm thọ trong thân thể, mà còn đối với những cảm thọ lạc, vi tế. Trong mọi lúc, chúng ta hiểu rằng sát na mà chúng ta vừa kinh qua là vô thường, chắc chắn không tồn tại. Với tuệ tri này chúng ta duy trì tâm vô tham và xả ly.

Ba-la-mật cuối cùng là dāna, có nghĩa là bố thí, làm từ thiện. Với người tại gia, đây là bước tu tập quan trọng đầu tiên. Một người tại gia còn có bổn phận kiếm sống với việc làm chân chánh để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng nếu chúng ta khởi tâm tham lam đối với tiền bạc mà chúng ta làm ra, khi đó chúng ta đã phát triển tự ngã. Vì lý do này, một phần của cải chúng ta làm ra phải nên bố thí cho người khác. Nếu chúng ta tập bố thí, tự ngã sẽ không tăng trưởng, từ đó chúng ta hiểu rằng chúng ta làm ra vật chất vì ích lợi cho chính chúng ta và cũng vì ích lợi cho những người khác nữa. Chúng ta ước mong giúp đỡ người khác bất cứ việc gì trong khả năng của mình. Và chúng ta hiểu rằng không có sự giúp đỡ nào cao quý hơn việc giúp người tu tập chánh pháp để thoát khỏi khổ đau.

Trong một khóa tu như thế này, chúng ta có cơ hội tốt để phát triển đức tính bố thí. Bất cứ những gì chúng ta thọ nhận ở đây đều được người khác cúng dường; không đòi hỏi trả tiền phòng và ban quản lý cũng không nhận thù lao trong việc giảng dạy. Đến lượt chúng ta cúng dường vì sự lợi ích cho người khác. Số tiền chúng ta cúng dường khác nhau tùy theo khả năng của chúng ta. Chắc chắn người giàu có sẽ mong muốn được cúng nhiều hơn, nhưng với nhận thức đúng, ngay cả việc cúng dường ít nhất vẫn có giá trị trong việc tu tập ba-la-mật này. Không mong cầu bất cứ sự đáp trả nào, chúng ta cúng dường để người khác có cơ hội tu tập giáo pháp, gặt hái lợi lạc và có thể đoạn trừ phiền não.

Ở đây quý vị có cơ hội phát triển mười ba-la-mật này. Khi tất cả mười đức tính này được tu tập viên mãn, quý vị sẽ thành tựu mục đích tối hậu.

Hãy liên tục thực hành để tiến bộ từng bước. Tiếp tục thăng tiến trên con đường giáo pháp, không chỉ vì lợi ích và giải thoát cho bản thân quí vị, mà còn lợi ích và giải thoát cho nhiều người.

Cầu mong tất cả những người khổ đau tìm đến giáo pháp thanh tịnh và giải thoát. 

Cầu mong tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc.


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI

- Ôn lại phương pháp thực hành

Ngày thứ mười đã qua. Chúng ta hãy ôn lại những gì chúng ta đã thực hành trong suốt mười ngày qua.

Quý vị đã bắt đầu tu tập với việc qui y Tam bảo, đó là, qui y Phật, qui y Pháp và qui y Tăng. Nhờ qui y này quý vị không bị cải đổi từ tổ chức tôn giáo này sang tổ chức tôn giáo khác. Trong thiền Minh Sát Tuệ sự cải đổi chỉ là sự chuyển đổi từ đau khổ sang hạnh phúc, từ vô minh sang trí tuệ, từ trói buộc sang giải thoát. Toàn bộ phương pháp giảng dạy của thiền Minh Sát Tuệ mang ý nghĩa phổ quát. Quý vị đã qui y không phải ở một cá nhân, giáo điều, hoặc giáo phái, nhưng quy y đức tính giác ngộ. Đức Phật là vị đã khám phá ra con đường dẫn đến giác ngộ. Con đường Ngài tìm ra được gọi là giáo pháp. Tất cả ai thực hành theo con đường này và đạt đến trạng thái thuần tịnh được gọi là Tăng già (đoàn thể thanh tịnh). Ngưỡng vọng những vị này, chúng ta qui y đức Phật, Giáo pháp và Tăng đoàn để đạt cùng mục đích tối hậuđó là đạt được tâm hoàn toàn tâm thanh tịnh. Thực chất qui y là nương tựa vào đặc tính chung của giác ngộ mà chúng ta cần tu tập trong chính chúng ta.

Đồng thời, bất cứ người nào đang tiến tu trên con đường giáo pháp sẽ khởi lên một cảm niệm nhớ ơn và ước mong phục vụ người khác mà không mong cầu đáp lại bất cứ điều gì. Hai đức tính này nổi bật nhất ở đức Phật Thích-ca, một vị Phật lịch sử. Ngài đạt được giác ngộ viên mãn nhờ nỗ lực tự thân. Tuy nhiên, vì lòng từ bi đối với chúng sanh, Ngài đã tìm cách truyền trao lại cho chúng sanh phương pháp mà Ngài đã tìm ra.

Những đức tính tương tự sẽ có mặt trong tất cả những ai tu tập theo giáo pháp và những ngườiđoạn trừ phần nào tập khí chấp thủ tự ngã. Giáo pháp mà quý vị đang tu tập chính là qui y chân thật, bảo vệ chân thật. Tuy nhiên, cùng với việc tu tập giáo pháp chúng ta sẽ khởi tâm biết ơn đức Phật Gotama [1], Ngài đã tìm ra và giảng dạy giáo pháp này, cũng như sự biết ơnđối với chư vị đã quên mình nỗ lực bảo tồn giáo pháp trong hình thức nguyên thủy của nó qua hơn 25 thế kỷ cho đến ngày hôm nay.

Với tuệ tri này chúng ta đã qui y với Tam bảo.

Kế đến quý vị giữ năm giới. Năm giới này không phải là một nghi thức tụng đọc hoặc lễ nghi. Nhờ tuân thủ năm giới, quý vị đã tu tập giới, đây là nền tảng tu tập. Không có nền móng vững chắc của giới, toàn bộ cấu trúc của thiền định sẽ bị suy yếu. Giới luật mang tính phổ quát và không thuộc giáo phái nào. Quý vị tu tập để từ bỏ những việc làm của thân và lời nói có thể ảnh hưởng đến bình an và hài hòa của người khác. Những tâm phiền não phát sinh và hiện hành qua lời nói hoặc hành động. Trong thiền Minh Sát Tuệ quý vị nỗ lực thanh lọc tâm đểtâm trở nên vắng lặng và an tịnh thật sự. Quý vị không thể tiến hành thanh lọc tâm trong khi quý vị còn tạo ra những hành động quấy nhiễu đến tâm.

Nhưng làm sao để phá vỡ vòng lẩn quẩn, trong vòng này tâm bị dao động làm những việc bất thiện và cứ như thế những việc làm bất thiện ấy lại tiếp tục làm tâm dao động thêm? Một khóa tu thiền Minh Sát Tuệ giúp quý vị có cơ hội. Vì chương trình rất nghiêm ngặt, luật lệ nghiêm túc, phát nguyện tịnh khẩu, và môi trường tác động lên sự tu tập rất mạnh, rất khó có sự chểnh mảng làm cho việc giữ năm giới của quý vị bị phá vỡ. Vì vậy, suốt mười ngày quý vị có thể hành trì giữ giới, và dựa trên nền tảng này quý vị phát triển thiền định; lại nữa thiền định làm nền tảng cho trí tuệ, với trí tuệ này quý vị có thể thâm nhập vào chiều sâu của tâm thức và thanh lọc cấu uế của tâm.

Suốt khóa tu quý vị đã giữ năm giới để có thể tu tập giáo pháp này. Sau khi hiểu rõ giáo pháp chúng ta quyết định chấp nhận và tu tập theo giáo pháp. Và chúng ta phải tuân thủ giữ giới trong suốt cuộc đời chúng ta.

Kế đến quý vị qui y trước đức Phật và vị Thầy hướng dẫn hiện tại của khóa tu mười ngày. Sự qui y này là vì mục đích của việc dẫn đến cuộc xét nghiệm phương pháp tu tập một cách thích hợp. Chỉ có ai đã qui y giáo pháp này mới có thể tiến hành tu tập và nỗ lực một cách trọn vẹn. Người nào tâm chứa đầy hoài nghi và do dự sẽ không thể tu tập thích hợp. Tuy nhiên, niềm tin mù quáng không phải là ý nghĩa của việc qui y này; tin mù quáng không thích hợp đối với giáo pháp. Nếu bất cứ nghi ngờ nào khởi lên trong tâm, quý vị nên đến vị Thầy hướng dẫn vào lúc cần thiết để hoá giải nghi ngờ.

Sự qui y còn có nghĩa là tuân thủ qui luật và thời khắc của khóa tu. Những điều này được xácđịnh, dựa vào kinh nghiệm của hàng ngàn người tu tập trước, để có thể giúp quý vị hành trì liên tục, và giúp quí vị đạt được lợi lạc lớn lao nhất từ khóa tu mười ngày này.

Nhờ qui y, quý vị tu tập chuẩn xác khi quý vị được hướng dẫn. Bất cứ những phương pháp nào mà quý vị đã tu tập trước đây, quý vị được yêu cầu đình chỉ lại trong suốt thời gian khóa tu. Quý vị có thể gặt hái những lợi lạc và đánh giá giá trị của phương pháp chỉ khi nào hành trì nó nghiêm túc theo một phương pháp thích hợp. Mặc khác, pha trộn phương pháp hành trì có thể làm quý vị gặp nhiều khó khăn trầm trọng.

Quý vị bắt đầu thực tập thiền quán hơi thở (Anāpāna meditation) để phát huy khả năng điều phục tâm và định tâm (samādhi). Quý vị được hướng dẫn chỉ thở một cách tự nhiên không sử dụng thêm bất cứ thần chú, kệ tụng, hình tượng hoặc một thể thức nào. Lý do của sự nghiêm cấm này là để giữ tính nhất quán của phương pháp tu này: hơi thở là yếu tố quen thuộc và có thể chấp nhận đối với mọi người, nhưng một câu chú hoặc một hình tượng chỉ có thể chấp nhận ở một số người mà không thể cho tất cả.

Nhưng còn một lý do quan trọng hơn về việc tu tập chỉ quán sát hơi thở. Toàn bộ tiến trình tu tập là một cuộc khám phá ra sự thật trong mỗi chúng ta, về bản chất thật của thân và tâm, chứ không phải theo sự mong muốn của quí vị. Đó là sự quán sát thực tại. Quý vị ngồi xuống và khép mắt lại. Không nghe ngóng, không hướng tâm ra ngoài, không lay động thân thể. Lúc đóhoạt động nổi bật nhất trong thân thể quý vị là hơi thở. Quý vị tu tập qua quán sát thực tại này:đó là hơi thở tự nhiên, khi nó đi vào và ra hai lỗ mũi. Khi nào quý vị không cảm nhận hơi thở, quý vị được phép thở hơi mạnh một tí, cốt đặt sự chú ý của quý vị nơi khu vực của hai lỗ mũi, và một lần nữa quý vị trở về hơi thở tự nhiên, bình thường và nhẹ nhàng. Quý vị bắt đầu tu tập sự thật thô và bên ngoài, và khi đó quý vị tiến xa và sâu hơn vào những sự thật vi tế hơn, sự thật tối hậu. Mỗi giai đoạn trong suốt tiến trình tu tập, quý vị quán sát sự thật mà quý vị thực sự kinh nghiệm, từ thô nhất đến vi tế nhất. Quý vị không thể đạt đến chân lý tối hậu bằng sự tưởng tượng. Quý vị sẽ bị rối loạn thêm vì những viễn tưởng xa vời và chỉ tự lừa dối mình.

Nếu quý vị sử dụng thêm thần chú vào đối tượng của hơi thở, quý vị có thể tập trung tâm nhanh hơn, nhưng sẽ gặp nguy hiểm trong phương cách hành trì đó. Mỗi lời chú có một tácđộng đặc biệt. Bằng sự lặp lại một lời chú hoặc câu chú, chúng ta tạo ra rung động ảo giác và bị chìm sâu vào đó. Ở mức độ bên ngoài của tâm, một lớp bình an và hài hòa được hình thành, nhưng ở mức độ sâu, tâm cấu uế vẫn còn tồn tại. Con đường duy nhất để loại trừ những phiền não ngủ ngầm này là tu tập quán sát chúng, bằng cách đưa chúng lên bề mặt của tâm để chúng tiêu hoại. Nếu chỉ quán sát sự rung cảm giả tạo đặc biệt, chúng ta không thể quán sát những rung cảm tự nhiên khác nhau liên quan đến phiền não của chúng ta, đó là quán sát một cách tự nhiên những cảm thọ sinh khởi trên thân chúng ta. Vì vậy, mục đích của chúng ta là để khám phá ra thực tại của chính mình và thanh lọc tâm, nếu sử dụng câu chú có thể gây ra những trở ngại.

Tương tự, sự mường tượng - sự sao chụp một hình ảnh trong tâm - có thể trở thành một chướng ngại cho việc thực hành. Phương pháp hành trì để phá vỡ sự thật bên ngoài và đạt đến sự thật tối hậu bên trong. Sự thật bên ngoài là sự thật được phối hợp lại luôn luôn chứa đầy ảo giác, vì ở cấp độ này tưởng tri hoạt động và bị dao động do những phản ứng của quá khứ. Tưởng tri có điều kiện này phân biệt và chia chẻ dẫn đến những thiên vị và thành kiến, làm phục hồi lại những phản ứng (sankhārā). Nhưng nhờ quán sát thực tại phân biệt bên ngoài, chúng ta dần dần đi vào kinh nghiệm thực tại tối hậu của thân và tâm: không gì khác hơn ngoài những rung động sinh diệt trong mỗi sát na. Ở giai đoạn này, tâm không phân biệt, và vì vậy sự thiên vị hoặc thành kiến không thể sinh ra, không có phản ứng sinh khởi. Phương pháp tu tập tuần tự làm suy yếu đi các tưởng tri có điều kiện và vì vậy cũng làm yếu đi các phản ứng, dẫn đến một trạng thái nơi đó nhận thức và cảm thọ đều bị tiêu diệt, đó là, chứng nghiệm Niết-bàn. Nhưng với sự chú ý có chủ tâm đối với một hình thể, bóng dáng, hoặc ảo ảnh, chúng ta chỉ dừng lại ở cấp độ của thực tại bên ngoài, và không thể vượt qua thực tại này được. Vì lý do này, hành giả không nên tưởng tượng hình tượng cũng không nên đọc tụng thần chú.

Sau khi tập trung tâm thức qua quán sát hơi thở tự nhiên, quý vị bắt đầu thực hành thiền Minh Sát Tuệ để phát triển trí tuệ, quán sát bản chất của quý vị, tẩy sạch tâm cấu nhiễm. Quý vị tu tập quán sát những cảm thọ tự nhiên trên thân thể từ đầu đến chân, bắt đầu trên bề mặt và sauđó vào sâu hơn, thực tập cảm nhận cảm thọ trong và ngoài, tại mỗi phần của thân thể.

Quán sát thực tại như nó đang hiện hữu, không khởi lên thành kiến nào, để phân tán sự thật bên ngoài và đi vào sự thật rốt ráo bên trong, đây là phương pháp thiền Minh Sát Tuệ. Mụcđích của việc làm phân tán thực tại thô là để có thể làm cho thiền giả thoát khỏi "cái Ta" ảo giác. Ảo giác này là nguồn gốc của tất cả tham ái và sân hận, và mang lại khổ đau vô biên. Nhờ nhận thức, chúng ta có thể nhận ra nó là một ảo giác, nhưng hiểu biết này không đủ điều kiện để chấm dứt đau khổ. Niềm tin tôn giáo hoặc triết học không có quan hệ gì, một khi chấp thủ tự ngã còn hiện hữu, chúng ta vẫn còn đau khổ. Để phá vỡ ngã chấp này, chúng ta phải kinh nghiệm trực tiếp bản chất vô thường của thân và tâm, bản chất này thay đổi liên tục vượt ngoài khả năng điều khiển của chúng ta. Duy chỉ có kinh nghiệm này chúng ta mới có thể phá vỡ ngã chấp, dẫn đến con đường thoát khỏi tham ái, sân giận và khổ đau.

Vì vậy, nhờ kinh nghiệm trực tiếp, phương pháp này là một khám phá tìm ra bản chất thật của hiện tượng mà chúng ta gọi nó là "cái Ta" và "cái của Ta". Có hai yếu tố thuộc về hiện tượng này: đó là vật chất và tinh thần, thân thể và tâm thức. Thiền giả thực tập bắt đầu bằng quán sát thực tại của thân. Để kinh nghiệm trực tiếp thực tại này, chúng ta phải cảm nhận thân thể, nghĩa là tỉnh giác các cảm thọ xuyên suốt thân thể. Vì vậy quán sát về thân (kāyānupssanā) liên hệ mật thiết với quán sát những cảm thọ (vedanānupassanā). Tương tự, chúng ta không thể kinh nghiệm thực tại của tâm thức ngoài những gì phát sinh trong tâm thức. Vì vậy, quán sát tâm (cittānupassanā) cũng liên quan mật thiết với quán sát những thành phần của tâm (dhammānupssanā).

Điều này không có nghĩa rằng chúng ta phải quán sát những tư tưởng riêng biệt. Nếu cố làm như vậy chúng ta sẽ bắt đầu lún vào các tư tưởng. Chúng ta chỉ nên đơn giản duy trì sự tỉnh giác tự nhiên của tâm thức trong mỗi sát na; xem tham ái, sân hận, vô minh và rung động có mặt hay không. Và đức Phật đã khám phá ra rằng bất cứ điều gì sinh khởi trong tâm sẽ được kết hợp với một thân cảm thọ. Vì vậy, cho dù hành giả đang khám phá ra các hiện tượng thuộc tâm hoặc thân của "cái Ta", việc tỉnh giác cảm thọ là điều quan trọng.

Khám phá này là đóng góp duy nhất của đức Phật và giữ vai trò quan trọng trong giáo pháp của Ngài. Ở Ấn Độ, trước và đương thời của đức Phật, đã có nhiều vị dạy và thực hành giới vàđịnh. Trí tuệ cũng đã có mặt, ít nhất trí tuệ thuộc về tri thức hoặc thuộc tín ngưỡng: trí tuệ nhận chân tâm cấu uế là nguồn gốc của khổ đau, sự tham ái và sân giận cần được đoạn trừ đểthanh lọc tâm thức và thành tựu giải thoát. Đức Phật, người duy nhất đã tìm ra con đường đểthực thi điều này.

Một điều bị thiếu sót là sự tuệ tri về tầm quan trọng của cảm thọ. Thời đó cũng như ngày nay, quan điểm được chấp nhận rộng rãi rằng những phản ứng (sankhārā) của chúng ta là phản ứng với những đối tượng bên ngoài của các căn: thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc và suy tư. Tuy nhiên, sự quán sát về sự thật bên trong cho thấy rằng giữa đối tượng và sự phản ứng có mộtđiểm tiếp nối đã bị quên đi: đó là cảm thọ. Sự tiếp xúc của một đối tượng với một giác quan tương ứng dẫn đến cảm thọ; tưởng tri (sañña) thẩm định tốt hoặc xấu, tuỳ theo sự đánh giá đócảm thọ phát sinh lạc hoặc bất lạc, và chúng ta phản ứng với tâm tham ái hoặc sân hận. Tiến trình xảy ra rất nhanh đến nỗi khi nhận thức ra nó thì phản ứng đã được lặp lại nhiều lần và đã tập trung đầy đủ sức mạnh để chế ngự tâm thức. Để đối phó những phản ứng này, chúng ta phải tỉnh giác tại thời điểm mà chúng (phản ứng) sinh ra; chúng (phản ứng) phát sinh cảm thọ, và vì vậy chúng ta phải tỉnh giác đối với những cảm thọ. Trước thời đức Phật, chưa ai khám phá ra điều này, chính nhờ khám phá này, Bồ-tát Siddhatha Gotama đạt được sự giác ngộ, vàđây là lý do tại sao Ngài luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm thọ. Cảm thọ có thểđưa đến phản ứng tham ái, hoặc sân giận, và vì vậy khổ đau sinh ra, nhưng cảm họ cũng có thể dẫn đến trí tuệ với trí tuệ này chúng ta đoạn trừ phản ứng và bắt đầu thoát khỏi khổ đau.

Trong thiền Minh Sát Tuệ, bất cứ sự tu tập nào gây chướng ngại tâm tỉnh giác đối với cảm thọđều có hại, ví dụ như sự tập trung vào một câu thần chú hoặc một hình tượng, hoặc chỉ chú ýđến sự vận hành vật lý của thân thể hoặc chú ý đến những tư tưởng sinh khởi trong tâm. Quý vị không thể loại trừ khổ đau trừ phi quý vị đi vào nguồn gốc của nó, đó là cảm thọ.

Phương pháp thiền Minh Sát Tuệ được đức Phật giải thích trong bài kinh Mahā-Satipaṭṭhāna sutta [2] (Kinh Đại Niệm Xứ), "Bài kinh dạy về tu tập chánh niệm". Bài kinh này được chia thành nhiều phần, khảo sát những khía cạnh khác nhau của phương pháp tu tập; quán sát về thân, về cảm thọ, về tâm, và về các pháp. Tuy nhiên, mỗi phần hoặc chi phần của bài kinh có cùng một lời kết luận như nhau. Có thể có những điểm khác nhau khi bắt đầu tu tập, nhưngđiều này không quan trọng, một thiền giả phải trải qua những giai đoạn, những kinh nghiệm cố định trên con đường đi đến mục đích tối hậu. Những kinh nghiệm này cũng là những kinh nghiệm cốt lõi của sự hành trì thiền Minh Sát Tuệ được mô tả trong những câu kinh được lặp lại ở kết luận của mỗi phần.

Trong giai đoạn đầu tiên này, chúng ta kinh nghiệm sự sinh khởi (samudaya) và đoạn diệt (vaya) một cách riêng biệt. Ở giai đoạn này người hành thiền tỉnh giác về thực tại kết hợp trong hình thức của các cảm thọ thô trên thân. Chúng ta tỉnh giác cảm thọ, có thể là cảm thọđau, sinh khởi. Nó có thể tồn tại trong một thời gian và cuối cùng sẽ tan biến.

Vượt qua giai đoạn đầu, chúng ta thể nhập vào giai đoạn của sinh-diệt (samudaya-vaya), trong giai đoạn này chúng ta kinh nghiệm sự sinh-diệt đồng thời xảy ra, không có khoảng cách nào giữa sinh-diệt. Những cảm thọ thô, cảm thọ hợp nhất tan rã thành những rung động vi tế, sinh và diệt rất mau chóng, và đặc tính vững chắc của thân và tâm biến mất. Xúc cảm mạnh-vững-chắc, và cảm thọ mạnh-vững-chắc đều tan rã thành những rung động. Đây là giai đoạnbhaṅga (sự tan rã), giai đoạn này chúng ta kinh nghiệm chân lý tuyệt đối của thân và tâm: đólà sự sinh diệt liên tục, không có sự chắc thật nào.

Giai đoạn tan rã này (bhaṅga) là giai đoạn rất quan trọng trong tiến trình tu tập, vì chỉ khi nào chúng ta thể nghiệm sự tan rã của thân và tâm thì sự tham ái đối với chúng mới không còn hiện hữu nữa. Khi đó chúng ta không còn tham ái dù ở bất cứ phương diện nào; điều này có nghĩa là chúng ta thể nhập vào giai đoạn của sankhāra-upekkhā (giai đoạn hành-xả). Những phiền não ngủ ngầm (sankhārā) bị chôn lấp trong vô thức bây giờ xuất hiện lên bề mặt của tâm thức. Đây không phải là tiến trình thối lui mà là tiến trình thăng tiến, vì chỉ khi nào phiền não hiện ra ở bề mặt của tâm thức, chúng mới có thể đoạn trừ được. Phiền não sinh khởi, chúng ta bình thản quán sát, và chúng tuần tự tiêu diệt. Chúng ta sử dụng những cảm thọ thô và bất lạc như công cụ để loại trừ sankhārā sân hận ngủ ngầm; và sử dụng những cảm thọ vi tế và cảm thọ lạc như công cụ để đoạn trừ sankhārā tham ái ngủ ngầm. Vì vậy, tu tập giữ tâm tỉnh giác và xả ly đối với mỗi cảm thọ, chúng ta thanh lọc tất cả tâm phiền não phức tạp ngủ ngầm bên trong, và tiến đến mỗi lúc càng gần hơn mục đích Niết-bàn, giải thoát.

Chúng ta phải vượt qua mọi khó khăn của những giai đoạn khởi đầu này để đạt đến Niết-bàn. Chúng ta có thể đạt đến mục đích sớm hay muộn tùy thuộc vào sự nỗ lực đoạn trừ nhữngsankhārā quá khứ tích tụ trong chúng ta.

Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh và điều kiện, giữ tâm tỉnh giác và xả ly đối với cảm thọ làđiều cốt lõi. Sankhārā sinh ra từ thân cảm thọ. Tu tập tâm xả ly đối với cảm thọ, quý vị ngăn ngừa không cho sankhārā mới sinh ra, và đồng thời quý vị cũng đoạn trừ những sankhārā cũ. Vì vậy tu tập quán xả ly những cảm thọ, quý vị tuần tự thăng tiến đến mục đích tối hậu của sự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau.

Hãy thực tập nghiêm túc. Đừng xem thiền định như một trò chơi, để rồi theo học hết phương pháp này tới phương pháp nọ mà không nỗ lực tu tập theo một phương pháp nhất định. Nếu làm như vậy, quý vị sẽ không bao giờ vượt qua những bước đầu của bất cứ phương pháp nào, và vì vậy quý vị cũng sẽ không bao giờ đạt đến mục đích. Đương nhiên, quý vị có thể thử nghiệm những phương pháp khác nhau để tìm ra một phương pháp thích hợp. Nếu cần, quý vị cũng có thể thử nghiệm hai hoặc ba lần về phương pháp tu tập này, nhưng đừng bỏ phí cả cuộc đời của quý vị chỉ vì những cuộc trắc nghiệm. Một khi quý vị tìm ra một phương pháp thích hợp, hãy thực hành nó một cách nghiêm túc để quý vị có thể thành tựu mục đích.

Cầu mong những người khổ đau khắp mọi nơi tìm thấy con đường thoát khổ. 

Cầu mong mọi chúng sanh đều được hạnh phúc!

Ghi chú:

[1] Buddha Gotama: Một danh hiệu của đức Phật Thích-ca.

[2] Kinh Đại Niệm Xứ, số 22 thuộc Kinh Trường Bộ.


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI MỘT

- Làm thế nào để tiếp tục hành trì sau khi khóa tu hoàn mãn.

Thực hành từng ngày một, việc nghiên cứu và thực hành giáo pháp của chúng ta đã đến ngày cuối. Khi quý vị tiến hành tu tập, quý vị được yêu cầu phải tuân thủ tuyệt đối vào phương pháp và nội qui của khóa tu. Không có sự tuân thủ này, quý vị sẽ không thể kiểm nghiệm phương pháp tu một cách nghiêm túc. Mười ngày đã qua; bây giờ quý vị là chủ nhân của chính mình. Khi trở về lại gia đình, quý vị điềm tĩnh ôn lại những gì quý vị đã tu tập ở đây. Nếu thấy rằng những gì quý vị đã thực tập ở đây là thực tế, hợp lý và có ích lợi cho bản thân và mọi người, quý vị nên chấp nhận, không phải vì người nào đó yêu cầu quý vị tu tập, nhưng ở đây quý vị tu tập theo tinh thần tự nguyện, theo thiện chí của quý vị; không chỉ vì mười ngày, nhưng vì cả cuộc đời của quý vị.

Việc chấp nhận phương pháp tu tập không phải chỉ ở khía cạnh tri thức hoặc tình cảm. Chúng ta phải chấp nhận giáo pháp trên thực tế bằng sự tu tập, áp dụng nó vào đời sống của chúng ta, vì chỉ có thực hành giáo pháp một cách thiết thực mới có thể mang lại những ích lợi trong đời sống hằng ngày.

Quý vị tham gia khóa tu này để học cách thực hành giáo pháp, làm thế nào để sống một đời sống đạo đức, làm thế nào để sống một cuộc đời với tâm tự chủ, làm thế nào để sống một cuộc sống với tâm thanh tịnh. Mỗi buổi tối, những bài pháp đã được giảng với mục đính để làm sáng tỏ phương pháp thực hành. Những bài pháp này rất cần thiết để chúng ta hiểu rõ những gì chúng ta đang hành trì và tại sao chúng ta phải hành trì như vậy, để không bị lầm lẫn hoặc tu tập sai phương pháp. Tuy nhiên, trong việc giảng giải về cách hành trì, một số quan điểm nào đó thuộc lý thuyết ắt hẳn đã được đề cập, và do đó những người thuộc các tôn giáo khácđã tham dự khóa tu này rất có thể tìm thấy phần lý thuyết nào đó không thể chấp nhận được. Nếu như thế, đừng bận tâm, hãy để điều này sang một bên. Điều quan trọng hơn là việc hành trì giáo pháp. Không ai không tán thành việc sống một cuộc đời không làm hại đến người khác, việc tu tập làm chủ tâm thức của chúng ta, không ai không tán thành việc tu tập tâm thoát khỏi phiền não, tạo ra tình thương và thiện chí với mọi người. Mọi người đều phải công nhận phương pháp tu tập này, và đây là đặc điểm của giáo pháp có ý nghĩa quan trọng nhất, vì bất cứ những ích lợi gì chúng ta gặt hái được không phải từ lý thuyết mà phải từ thực hành, từ việc áp dụng giáo pháp vào đời sống của chúng ta.

Trong mười ngày quý vị chỉ có thể học khái lược về phương pháp hành trì; chúng ta không thể hy vọng hoàn hảo trong một thời gian quá ngắn như vậy. Nhưng ngay kinh nghiệm sơ lược này, quý vị cũng không nên xem thường: quý vị đã tu tập bước đầu tiên, một bước rất quan trọng, mặc dù hành trình quá dài, thực vậy đây là một hành trình cho suốt cuộc đời.

Một hột giống giáo pháp đã được gieo, và đã bắt đầu nảy mầm thành cây con. Một người làm vườn giỏi chăm sóc cẩn thận cây con này, và nhờ sự chăm sóc, cây con sẽ dần dần phát triển thành cây có thân to lớn và rễ đâm sâu vào lòng đất. Khi đó vì nhu cầu phục vụ, cây này sẽ cung cấp, phục vụ trong suốt khoảng thời gian còn lại của nó.

Cây con giáo pháp đòi hỏi phải được chăm sóc ngay bây giờ. Bảo vệ nó ra khỏi các phê bình,đánh giá phân biệt giữa lý thuyết và thực hành của người khác, về lý thuyết có thể một số người sẽ chống đối, nhưng về thực hành có thể mọi người đều chấp nhận. Đừng để nhữngđánh giá phê bình này làm gián đoạn sự hành trì của quý vị. Tập trung thiền định một giờ vào buổi sáng và một giờ vào buổi tối. Qui định này là điều rất quan trọng trong tu tập hằng ngày. Lúc đầu ngồi thiền hai giờ mỗi ngày dường như là một gánh nặng, nhưng không bao lâu quý vị sẽ thấy rằng quý vị sẽ tiết kiệm được nhiều thời giờ mà trước đây quý vị đã phung phí. Trước nhất, quý vị cần ngủ ít hơn, thứ đến, quý vị có thể hoàn thành công việc sớm hơn, bởi vì khả năng làm việc của quý vị tăng lên. Khi gặp khó khăn, quý vị sẽ giữ được tâm bình tĩnh, và ngay tức thời quý vị có thể tìm ra giải pháp đúng. Khi tu tập phương pháp này thành công, quý vị sẽ thấy rằng sau mỗi giờ thiền định vào buổi sáng, quý vị tạo ra năng lượng đầy đủ cho suốt ngày làm việc, và quý vị làm việc không bị ảnh hưởng bất kỳ sự khuấy nhiễu nào.

Vào mỗi buổi tối khi quý vị lên giường nghỉ, hãy tỉnh giác những cảm thọ ở bất cứ nơi nào trên thân khoảng năm phút trước khi ngủ. Sáng hôm sau, ngay lúc quý vị vừa thức dậy, lại nữa hãy quán sát những cảm thọ trên thân trong vòng năm phút. Những phút thiền định trước khi ngủ và sau khi thức dậy này sẽ rất có lợi.

Nếu sống trong khu vực có các vị tu thiền Minh Sát Tuệ, quý vị nên ngồi thiền với nhau trong vòng một giờ mỗi tuần. Và mỗi năm quý vị nên tham gia một khoá tu mười ngày. Thực tập hằng ngày có thể làm cho quý vị duy trì những gì mà quý vị đã đạt được ở đây, nhưng một khóa tịnh tu là điều rất quan trọng để quý vị có nhiều thời giờ chuyên sâu vào thiền định. Nếu quý vị có thể tham dự một khóa tu được tổ chức như vậy, điều này rất tốt. Nếu không, quý vị vẫn có thể tự tạo ra một khóa tu cho chính mình. Tự thực tập một khóa mười ngày ở bất cứ nơi nào quý vị có thể sống tách rời mọi người, và nơi nào có người có thể phục vụ thức ăn cho quý vị. Quý vị biết phương pháp tu tập, biết nội qui và thời khắc tu tập hằng ngày; quý vị phải ghi nhớ tất cả những điều này ngay bây giờ. Nếu quý vị muốn thông báo cho vị Thầy của quý vị trước rằng quý vị đang tiến hành một khóa tự tu, tôi sẽ nhớ đến quý vị và gởi tâm từ, những giao cảm an lành của tôi đến quý vị; điều này sẽ tạo ra một môi trường thanh tịnh để quý vị có thể tu tập tốt hơn. Tuy nhiên, nếu quý vị không thông báo cho vị thầy của quý vị, quý vị cũng không nên mất tự tin. Giáo pháp sẽ bảo hộ quý vị. Dần dần chắc chắn quý vị sẽ đạt đến trạng thái tự chủ. Vị thầy chỉ là vị hướng dẫn mà thôi; quý vị phải trở thành vị thầy của chính mình. Hễ còn nương tựa vào bất cứ ai thì không thể giải thoát được.

Thiền định mỗi ngày hai giờ và tịnh tu khóa mười ngày hằng năm chỉ cần thiết tối thiểu đểduy trì phương pháp tu tập. Nếu quý vị có nhiều thời giờ hơn nữa, quý vị nên nỗ lực thiềnđịnh. Quý vị có thể tham gia khóa ngắn hạn một tuần hoặc vài ngày, ngay cả một ngày. Trong những khóa ngắn hạn như vậy, dành một phần ba thời gian tu tập thiền hơi thở (anāpāna meditation) và thời gian còn lại dành cho thiền Minh Sát Tuệ.

Trong thời giờ thiền tập hằng ngày của quý vị, hãy sử dụng hết thời gian để thực tập thiền Minh Sát Tuệ. Chỉ khi nào tâm của quý vị bị dao động hoặc trì trệ, nếu vì bất kỳ những lý do nào đó, quý vị khó có thể quán sát những cảm thọ và duy trì tâm xả ly thì hãy giành một khoảng thời gian thực tập thiền hơi thở.

Khi thực tập thiền Minh Sát Tuệ, hãy cẩn thận đừng đùa chơi với những cảm thọ, thích thú với những cảm thọ lạc và chán ghét những cảm thọ khổ. Hãy quán sát cảm thọ một cách khách quan. Di chuyển sự quán sát của quý vị có hệ thống xuyên suốt khắp thân thể, không cho phép nó dừng lại lâu trên bất cứ phần nào của cơ thể. Tối đa chỉ hai phút cho mỗi phần quán sát, hoặc năm phút cho trường hợp đặc biệt, nhưng đừng bao giờ để lâu hơn năm phút. Luôn tỉnh giác khi di chuyển sự quán sát cảm thọ trên toàn thân. Nếu sự thực tập này trở thành máy móc, hãy thay đổi cách di chuyển sự quán sát của quý vị. Trong mọi trường hợp hãy giữ tâm tỉnh giác và xả ly, và quý vị sẽ kinh nghiệm những lợi ích tuyệt vời của thiền Minh Sát Tuệ.

Quý vị cũng phải áp dụng phương pháp tu tập trong sinh hoạt hằng ngày chứ không chỉ khi quý vị ngồi nhắm mắt lại. Khi nào quý vị làm việc, hãy tập trung hoàn toàn vào công việc; xem công việc như giờ thiền định của quý vị. Nhưng nếu có thời gian trống, ngay cả năm hoặc mười phút, hãy tận dụng thời gian này cho việc tỉnh giác đối với các cảm thọ; khi bắt đầu làm việc trở lại, quý vị sẽ cảm thấy rất tỉnh táo. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi quý vị thiền định nơi công cộng, nơi không có mặt những người tu thiền, quý vị không cần nhắm mắt; đừng bao giờ phô bày việc tu tập giáo pháp ở đó.

Nếu thực tập thiền Minh Sát Tuệ một cách thích hợp, đời sống của quý vị sẽ thay đổi tốt hơn. Quý vị nên kiểm tra sự tiến bộ của quý vị trong việc tu tập dựa vào tư cách đạo đức của quý vị trong đời sống hằng ngày, trong cách cư xử của quý vị và những mối tương quan của quý vị với người khác. Thay vì làm hại người khác, quý vị đã bắt đầu giúp họ chưa? Khi gặp những tình huống bất như ý xảy ra, quý vị đã giữ tâm bình tỉnh chưa? Nếu phiền não sinh khởi trong tâm, quý vị đã nhanh chóng tỉnh giác đến nó như thế nào? Quý vị tỉnh giác những cảm thọ sinh khởi cùng với những phiền não nhanh chóng như thế nào? Quý vị thực hành quán sát những cảm thọ nhanh chóng như thế nào? Quý vị đã nhanh chóng lấy lại sự thăng bằng của tâm thức, và đã tạo ra tình thương và lòng từ bi như thế nào? Hãy kiểm soát lại chính quý vị theo cách này và tiếp tục tiến triển trên con đường hành trì.

Những gì quý vị học được ở đây, không chỉ lưu giữ bảo tồn nó mà phải làm cho nó phát triển thêm lên. Luôn luôn áp dụng giáo pháp vào cuộc sống của quý vị. An hưởng tất cả những ích lợi của giáo pháp mang lại, và sống một cuộc đời hạnh phúc, bình an và hài hòa, tốt đẹp cho quý vị và mọi người.

Một điều cần nhắc nhở: đó là quý vị nên kể cho người khác nghe những gì quý vị đã thực tập ở đây; đừng bao giờ giấu giếm giáo pháp. Nhưng ở giai đoạn này, đừng nên dạy cách hành trì cho người khác. Trước khi làm điều này, chúng ta phải có thành tựu trong tu tập, và phải được huấn luyện để giảng dạy. Ngược lại, chúng ta sẽ làm hại cho người khác thay vì giúp đỡ họ. Nếu có ai đó, sau khi đã nghe quý vị kể về tu tập thiền Minh Sát Tuệ, muốn thực tập nó, hãy khuyến khích họ tham gia một khóa tu có tổ chức như ở đây, được một vị Thầy hướng dẫnđúng. Bây giờ, hãy tiếp tục tu tập để chính quý vị thăng tiến trong giáo pháp. Hãy tiếp tục thăng hoa trong chánh pháp, quý vị sẽ thấy rằng nhờ lối sống mẫu mực, quý vị sẽ lôi cuốn mọi người đến với giáo pháp một cách tự nhiên.

Cầu mong chánh pháp được truyền bá khắp thế gian vì sự tốt đẹp và ích lợi cho mọi người.

Cầu mong cho tất cả chúng sanh đều hạnh phúc, an lạc và giải thoát !


BẢNG GIẢI THÍCH NHỮNG THUẬT NGỮ PĀLI

Ācariya: Thầy giáo, người hướng dẫn.

Adhiṭṭthāna: Sự quyết định mạnh mẽ, một trong mười Ba-la-mật.

Akusala: Bất thiện, có hại. Trái nghĩa với Kusala.

Ananda: Hạnh phúc, hoan hỷ.

Anapāna: Hơi thở.

Anāpāna-sati: Chánh niệm hơi thở.

Anattā: Vô ngã, vô kỷ, không thực chất, không thực tại. Một trong ba đặc tính căn bản. Xem Lakkhaṇa.

Anicca: Vô thường, phù du, thay đổi. Một trong ba đặc tính căn bản. Xem Lakkhaṇa.

Arahant/Arahat: Bậc Giải thoát: vị đã đoạn trừ tất cả cấu uế của tâm. XemBuddha.

Ariya: Người cao thượng; bậc thánh. Người đã đạt trạng thái tâm thanh tịnh, chính ngay trạng thái này vị ấy chứng nghiệm thực tại tối hậu (Niết-bàn). Có bốn bậc Ariya, từ vị Nhập lưu (Sotāpanna), vị sẽ tái sanh lại thế giới này ít nhất bảy lần nữa, cho đến vị A-la-hán, vị không còn tái sanh sau khi vị ấy bỏ xác thân hiện tại.

Ariya aṭṭhaṅgika magga: Bát Thánh Ðạo. Xem Magga.

Ariya sacca: Sự thật cao thượng (Chân lý cao thượng). Xem Sacca.

Asubha: Bất tịnh, ghê tởm, không đẹp. Trái nghĩa với Subha: Thanh tịnh, đẹp.

Assutavā/assutavant: Phàm phu; người không bao giờ nghe chân lý. Người không có trí tuệ ngay cả không có văn tuệ (suta-mayā-paññā), và vì vậy người này không thể thăng tiến đến giải thoát. Trái nghĩa vớiSutavā.

Avijjā: Vô minh, ảo giác. Mắc nối đầu tiên của vòng duyên khởi (paṭiccasamuppāda). Cùng với tham (rāga) và sân (dosa), một trong ba phiền não căn bản của tâm. Ba phiền não này là nguyên nhân căn bản của tất cả những phiền não khác của tâm và vì vậy chúng cũng là nguyên nhân của khổ đau. Ðồng nghĩa với Moha.

Āyatana: Cảnh giới, khu vực, đặc biệt sáu lãnh vực của nhận thức (saḷāyatana), bao gồm năm giác quan thuộc về cơ thể cộng với tâm thức, và những đối tượng tương ứng của chúng như sau: Mắt (cakkhu) và những đối tượng của mắt (rūpa); Tai (sota) và âm thanh (sadda); Mũi (ghāna) và hương (gandha); Lưỡi (jivhā) và vị (rasa); Thân (kāya) và xúc chạm (phoṭṭhabba); Ý (mano) và những đối tượng của tâm, nghĩa là tất cả các loại tư tưởng (dhamma). Các căn này còn gọi là sáu chức năng. XemIndriya.

Bala: Sức mạnh, năng lực. Năm sức mạnh thuộc về tâm đó là niềm tin (saddhā), tinh tấn (viriya), chánh niệm (sati), chánh định (samādhi) và trí tuệ (paññā). Trong hình thức chưa được tu tập, năm yếu tố này được gọi là năm năng lực. Xem Indriya.

Bhaṅga: Sự tan rã, một giai đoạn quan trọng trong tu tập thiền Minh Sát Tuệ, kinh nghiệm về sự tan rã của thân từ thực tại vững chắc bên ngoài thành những dao động vi tế luôn luôn sinh và diệt.

Bhava: Tiến trình sinh thành.

Bhava-cakka: Vòng sinh tồn liên tục. Xem Cakka.

Bhāvanā: Sự tu tập tâm, thiền định. Hai thành phần của bhāvanā là tu tập tịnh chỉ (samatha-bhāvanā), tương đương với thiền định(samādhi), và tu tập tuệ quán (vipassanā-bhāvanā), tương đương với trí tuệ (paññā). Tu tập tịnh chỉ sẽ dẫn đến những trạng thái thiền định (jhāna); tu tập tuệ quán sẽ dẫn đến giải thoát. Xem Jhāna, Paññā, Samādhi,Vipassanā.

Bhāvanā-mayā-paññā: Trí tuệ có được do tự thân tu tập, kinh nghiệm trực tiếp. XemPaññā.

Bhavatu sabba maṅgalaṃ: "Cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều hạnh phúc". Một lối cầu nguyện theo truyền thống Phật giáo, qua đó chúng ta bày tỏ thiện chí của chúng ta đến với người khác. (Nghĩa đen, " Cầu mong mọi việc đều tốt đẹp").

Bhikkhu: Tu sĩ Phật giáo, người tu tập thiền định. Hình thức nữ (Bhikkhuni): Ni cô.

Bodhi: Sự giác ngộ.

Bodhisatta: Nghĩa đen, "vị hữu tình giác ngộ". Người đang tu tập để trở thành Phật. Tiếng phạn (Sanskrit) là Bodhisattva.

Bojjhaṅga: Đặc tính giác ngộ, nghĩa là đức tính có thể giúp chúng ta đạt được sự giác ngộ. Có bảy đặc tính giác ngộ đó là chánh niệm (sati), trạch pháp (dhamma-vicary), tinh tấn (viriya), hoan hỷ (pīti), khinh an (passaddhi), thiền định (samādhi), xả ly (upekkhā).

Brahmā: Chư thiên ở những cõi trời; thuật từ dùng trong tôn giáo Ấn Độ chỉ định một loại hữu tình cao nhất trong tất cả hữu tình, theo truyền thống Ấn giáo, vị hữu tình này được xem như Thượng Ðế sáng tạo, nhưng Ðức phật mô tả vị này cũng như những chúng sanh khác phải chịu qui luật sinh-tử.

Brahmā-vihāra: Bản chất của một Brahmā, vì vậy trạng thái siêu việt hoặc thiêng liêng của tâm, trong đó có bốn đặc tính thanh tịnh hiện hành đó là: tình thương vô ngã (metta), từ bi (karuṇā), sự hoan hỷ đối với những thành công của người khác (muditā), sự xả ly đối với mọi hoàn cảnh (upekkhā); Bốn đặc tính này được tu tập có hệ thống qua thiền định.

Brahmacarya: Sống độc thân; sự thanh tịnh, đời sống thánh thiện.

Brāhmaṇa: Nghĩa đen là người thanh tịnh. Theo truyền thống, thuật từ này thường được chỉ định cho một số người thuộc tầng lớp giáo sĩ Ấn Độ. Vị này sống nhờ "sự cứu rỗi" của Phạm thiên (Brahmā) hoặc nhờ Phạm thiên giải thoát cho vị ấy; về phương diện này vị ấy khác với Sa-môn (Samaṇa). Ðức phật mô tả Bà-la-môn đúng nghĩa như một người tâm đã thanh tịnh, đồng nghĩa như vị A-la-hán.

Buddha: Vị đã giác ngộ; Vị đã khám phá ra con đường giải thoát, đã thực hành và đã đạt đến mục đích nhờ nỗ lực tự thân. Vị giác ngộ có hai loại: 1) Pacceka-buddha: Phật độc giác, vị không có khả năng dạy con đường mà vị ấy đã tìm ra cho người khác; 2) Sammā-sambuddha: Phật toàn giác, vị có khả năng dạy người khác con đường mà vị ấy đã tìm ra.

Cakka: Bánh xe, Bhava-cakka, vòng sinh tồn liên tục (có nghĩa là tiến trình của khổ), tương đồng với luân hồi (saṃsāra). Dhamma-cakka, bánh xe chánh pháp (có nghĩa là giáo pháp hoặc tiến trình giải thoát). Bhava-cakka đồng nghĩa với vòng duyên khởi có điều kiện trong ý nghĩa thuận chuyển của nó (dẫn đến khổ đau). Dhamma-cakka tương đương với vòng duyên khởi có điều kiện trong ý nghĩa nghịch chuyển của nó, dẫn đến đoạn diệt khổ.

Cintā-mayā-paññā: Tư tuệ. Xem Paññā.

Citta: Tâm thức. Cittānupassanā, sự quán sát về tâm. XemSatipaṭṭhāna.

Dāna: Bố thí, từ thiện, sự rộng lượng, sự cúng dường. Một trong mười Ba-la-mật (pāramī).

Dhamma: Các sự vật hiện tượng; đối tượng của tâm thức; bản chất, luật tự nhiên, luật giải thoát, có nghĩa là lời dạy của bậc Giác Ngộ.Dhammānupassanā, sự quán sát về những chức năng của tâm. Xem Satipaṭṭhāna. (Tiếng Phạn là Dharma.)

Dhātu: Đại (xem Mahā-bhūtāni); điều kiện tự nhiên, vật sở hữu.

Dosa: Sự sân giận. Kết hợp với tham lam và vô minh, một trong ba căn bản phiền não.

Dukkha: Khổ, sự không thoả mãn. Một trong ba đặc tính (xemLakkhana). Chân lý thứ nhất của khổ (xem Sacca).

Gotama: Tên họ của đức Phật lịch sử. (Tiếng phạn là Gautama).

Hinayāna: Nghĩa đen là "cỗ xe nhỏ". Thuật từ do những người theo các trường phái Phật giáo khác, ám chỉ Phật giáo Thượng Toạ Bộ. Thuật từ hàm nghĩa chê bai.

Indriya: Năng lực. Ðược dùng trong quyển sách này là đề cập đến sáu lãnh vực của nhận thức (xem Āyatana) và năm sức mạnh của tâm (xem Bala).

Jāti: Sanh, đời sống.

Jhāna: Trạng thái nhập định của tâm. Có tám trạng thái nhập định có thể đạt được nhờ tu tập thiền định, hoặc tu tập định chỉ (xemBhāvanā). Sự tu tập các loại thiền định này sẽ mang lại tâm khinh an và hoan hỷ, nhưng nó không đoạn trừ những phiền não sâu dày trong tâm thức.

Kalāpa/aṭṭha kalāpa: Đơn vị nhỏ nhất của vật chất, hàm chứa bốn yếu tố (đất, nước, lửa và gió) và những đặc tính của nó. Xem Mahā-bhūtāni.

Kalyāṇa-mitta: Nghĩa đen là "người bạn mang lại phúc lợi cho chúng ta", vì vậy một vị chỉ dẫn ai đó hướng đến giải thoát, có nghĩa là người hướng dẫn tinh thần.

Kamma: Hành động, đặc biệt là hành động do chính chúng ta làm và chúng ta sẽ gặt hái kết quả trong tương lai. Xem Saṇkhāra.(Tiếng phạn là karma).

Kāya: Thân thể, kāyānupassanā, sự quán sát về thân. XemSatipaṭṭhāna.

Khandha: Khối, nhóm, tập hợp. Một chúng sanh được tạo thành do năm nhóm: vật chất (rūpa), tâm thức (viññāṇa), tri giác (sañña), cảm thọ (vedanā), và sự phản ứng (saṅkhāra).

Kilesa: Những phiền não thuộc về tâm, tính chất tiêu cực, tâm bất tịnh.Anusaya kilesa, phiền não ngủ ngầm, cấu uế ngủ ngầm trong vô thức.

Kusala: Thiện, lợi ích. Trái nghĩa với Akusala

Lakkhaṇa: Dấu hiệu, điểm phân biệt, đặc tính. Ba đặc tính (tilakkhaṇa) là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Hai đặc tính đầu là những đặc tính chung của tất cả hiện tượng có điều kiện. Ðặc tính thứ ba là đặc tính chung của tất cả hiện tượng có và không có điều kiện.

Lobha: Sự tham ái, đồng nghĩa của Rāga.

Loka: 1. Thế giới vĩ mô, có nghĩa là vũ trụ, hành tinh của sự sống; 2. Thế giới vi mô, có nghĩa là cấu trúc thân-tâm. Loka-dhammā, sự thăng trầm của thế gian, sự thăng trầm của đời sống mà tất cả chúng sanh phải trực diện, đó là, được hoặc mất, thắng hoặc bại, khen hoặc chê, lạc hoặc khổ.

Magga: Con đường. Ariya aṭṭhaṅgika magga, Bát Thánh Đạo dẫn đến giải thoát khổ. Bát Thánh Đạo được chia thành ba giai đoạn hoặc ba tiến trình tu tập: (I) Sīla: giới, sự thanh lọc những hành động thuộc về thân và lời nói: Sammā-vācā: chánh ngữ,Sammā-kammanta: chánh nghiệp, Sammā-ājiva: chánh mạng; (II) Samādhi: thiền định, tu tập chế ngự tâm thức của chúng ta:Sammā-vāyāma: chánh tinh tấn, Sammā-sati: chánh niệm,Sammā-samādhi: chánh định; (III) Paññā: trí tuệ, tuệ quán để thanh lọc tâm thức: Sammā-saṅkappa: chánh tư duy, Sammā-diṭṭhi: chánh kiến. Magga là chân lý thứ tư. Xem Sacca.

Mahā-bhūtāni: Bốn đại, tất cả vật chất được tạo thành từ bốn đại này: 1)Pathavī-dhātu: địa đại (nặng); 2) Āpo-dhātu: thủy đại (liên kết); 3)Tejo-dhātu: hoả đại (nhiệt độ); 4) Vāyo-dhātu: phong đại (sự vận chuyển);

Mahāyāna: Nghĩa đen là "cỗ xe lớn", một hình thức Phật giáo phát triển ở Ấn Độ sau đức Phật Niết-bàn vài thế kỷ và đã lan truyền sang phương bắc, sau đó đến Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Mông Cổ, Triều Tiên, và Nhật Bản.

Maṅgala: Sự phước lạc, sự hoan hỉ, sự hạnh phúc.

Māra: Sự chết, những sức mạnh mang tính tiêu cực, tội lỗi.

Mettā: Tình thương vô ngã và thiện chí. Một trong những đặc tính của tâm thanh tịnh (Xem Brahma-vihāra); một trong mười Ba-la-mật. Mettā-bhāvanā, tiến trình tu tập mettā bằng phương pháp thiền định.

Moha: Vô minh, ảo tưởng. Ðồng nghĩa của Avijjā. Kết hợp với tham lam và sân giận, một trong ba phiền não căn bản của tâm.

Nāma: Tâm, Nāma-rūpa, danh và sắc, dòng sống của thân-tâm.Nāma-rūpa-viccheda, sự tách rời giữa thân và tâm xảy ra vào lúc chết hoặc trong lúc chứng nghiệm Niết-bàn.

Nibbāna: Sự đoạn trừ; sự thoát khổ; thực tại tối hậu; bản thể tuyệt đối. (Tiếng phạn là Nirvāṇa).

Nirodha: Sự đoạn diệt, sự phá huỷ. Thường được dùng đồng nghĩa với Niết-bàn. Nirodha-sacca, chân lý về đoạn trừ khổ, chân lý thứ ba của Tứ Thánh Ðế. Xem Sacca.

Nīvaraṇa: Chướng ngại, sự ngăn cản. Năm chướng ngại ngăn cản việc tu tập thiền định là tham ái (kāmacchanda), sân nhuế (vyāpāda), thân hoặc tâm dã dượi (thīnamiddha), trạo cử (uddhacca-kukkucca) và nghi ngờ (vicikicchā).

Oḷārika: Thô phù, thô tục. Trái nghĩa với Sukhama.

Pāli: Dòng; văn bản; những kinh điển ghi lại lời dạy của đức Phật; Vì vậy Pāli lā ngôn ngữ của những bản kinh này. Những di chỉ lịch sử, ngôn ngữ và khảo cổ cho thấy rằng Pāli là một ngôn ngữ nói ở Bắc Ấn trước và ngay thời đại của đức Phật. Về sau, những bản kinh này được chuyển dịch sang ngôn ngữ Sanskrit,một loại ngôn ngữ đặc biệt sử dụng trong văn bản.

Paññā: Trí tuệ. Phần thứ ba của Tam Vô lậu học của tu tập Bát Thánh Đạo (Xem Magga). Có ba loại trí tuệ: trí tuệ nhờ được truyền đạt (sutamayā-paññā), trí tuệ nhờ tư duy (cittā-mayā-paññā), và trí tuệ nhờ vào kinh nghiệm tu tập (bhāvanā-mayā-paññā). Trong ba loại trí tuệ này chỉ có trí tuệ thứ ba mới có thể làm cho tâm thanh tịnh hoàn toàn; trí tuệ này đạt được nhờ tu tập thiền Minh Sát Tuệ. Nó là một trong năm sức mạnh của tâm (xem Bala), một trong bảy chi phần giác ngộ (xem Bojjhaṅga),và một trong mười Ba-la-mật.

Pāramī/pāramitā: Sự hoàn hảo, đạo đức; đức tính tốt của tâm, đức tính này dùng để phá vỡ tự ngã và vì vậy đưa chúng ta đến giải thoát. Mười Ba-la-mật là: 1. Bố thí (dāna), 2. Trì giới (sīla), 3. Xuất ly (nekkhamma), 4. Trí tuệ (paññā), 5. Tinh tấn (viriya), 6. Nhẫn nhục (khanti), 7. Chân chánh (sacca), 8. Quyết định (adhiṭṭhāna), 9. Từ bi (mettā), 10. Xả ly (upekkhā).

Paṭicca samuppāda: Vòng duyên khởi có điều kiện; nguồn gốc duyên khởi. Tiến trình, bắt đầu vô minh, do vô minh chúng ta tạo ra luân hồi khổ cho chính chúng ta

Pūjā: Sự tôn kính, sự thờ phượng, lễ nghi tôn giáo hoặc nghi lễ. Ðức Phật đã dạy rằng sự tôn kính duy nhất đối với Ngài là thực hành theo lời dạy của Ngài, từ bước đầu cho đến đích.

Puññā: Đạo đức, hành động thiện, nhờ làm lành chúng ta đạt được hạnh phúc ngay bây giờ và tương lai. Với người tại gia, puññābao gồm bố thí (dāna), trì giới, sống đời sống đạo đức (sīla) và tu tập thiền định (bhāvanā).

Rāga: Tham ái. Kết hợp với sân giận và vô minh, một trong ba căn bản phiền não của tâm. Ðồng nghĩa với Lobha.

Ratana: Châu báu, trân bảo. Ti-ratana: Tam bảo gồm có đức Phật, Giáo pháp, và Tăng đoàn.

Rūpa: 1) Vật chất; 2) Những đối tượng có thể thấy bằng mắt. XemĀyatana, Khandha.

Sacca: Chân lý. Bốn chân lý cao thượng (ariya-sacca) là: 1) Chân lý về khổ (dukkha-sacca); 2) Chân lý về nguyên nhân của khổ (samudaya-sacca); 3) Chân lý về sự đoạn diệt khổ (nirodha-sacca); 4) Chân lý về con đường dẫn đến sự đoạn diệt khổ (magga-sacca).

Sādhu: Lành thay; khéo nói. Một sự biểu lộ đồng ý hoặc chứng minh.

Samādhi: Thiền định, sự chế ngự tâm. Phần thứ hai trong Tam Vô lậu học của tu tập Bát Thánh Đạo. Khi tâm tu tập đến giai đoạn thuần thục hành giả sẽ đạt đến những trạng thái thiền định, nhưng tâm vẫn không thể giải thoát. Có ba loại thiền định: 1) Khaṇika-samādhi: Định tạm thời, thiền định đạt được trong từng sát na; 2) Upacāra samādhi: Định cận hành, trạng thái tâm hướng đến nhập định; Appanā-samādhi: Đắc định, một trạng thái tâm nhập định. Trong ba loại thiền định này, định tạm thời (khaṇika-samādhi) là sự chuẩn bị thích hợp để có thể bắt đầu thực hành thiền Minh Sát Tuệ.

Samaṇa: Sa-môn, du sĩ, khất sĩ. Vị đã từ bỏ đời sống gia đình. Trong khi đó một người Bà-la-môn dựa vào một vị thần linh để "cứu rỗi" hoặc giải thoát cho vị ấy, vị Sa-môn tìm cầu giải thoát nhờ vào nỗ lực tự thân. Vì vậy thuật từ có thể dùng để chỉ đức Phật và đệ tử của Ngài, những vị đã chọn đời sống xuất gia, nhưng thuật từ cũng bao gồm những vị Sa-môn không phải là đệ tử của đức Phật. Samaṇa Gotama (Sa-môn Gotama) là tên của đức Phật thường được những người ngoại đạo gọi.

Samatha: Sự tĩnh lặng, khinh an. Samatha-bhāvanā, sự tu tập tịnh chỉ; đồng nghĩa với định. Xem Bhāvanā.

Sampajāna: Đồng nghĩa Sampajañña. Xem dưới đây.

Sampajañña: Tuệ tri tất cả hiện tượng của thân-tâm. Có nghĩa là sự thấu triệt bản chất vô thường qua việc quán sát cảm thọ.

Saṃsāra: Vòng luân hồi; thế giới có điều kiện; thế giới khổ đau.

Samudaya: Nguyên nhân sinh khởi. Samdaya-dhamma, hiện tượng sinh khởi. Samudaya-sacca, chân lý về nguyên nhân của khổ, chân lý thứ hai của Tứ Thánh Đế.

Saṅgha: Cộng đồng, đoàn thể các vị thánh, có nghĩa là những vị đã chứng nghiệm Niết-bàn; đoàn thể của các tu sĩ Phật giáo; một thành viên của đoàn thể thanh tịnh, một Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni.

Saṅkhāra: Tâm hành; hành động có chủ ý; phản ứng của tâm; tâm có điều kiện. Một trong năm uẩn (khandhā), cũng như chi phần thứ hai của vòng duyên khởi có điều kiện (paṭicca samuppāda).Saṅkhāra là nghiệp, hành động dẫn đến kết quả trong tương lai và vì vậy nó có trách nhiệm trực tiếp đối với đời sống tương lai của chúng ta. (Tiếng phạn là Saṃskāra).

Saṅkhārupekkhā: Nghĩa đen là sự xả ly đối với các phản ứng (saṅkhārā). Một giai đoạn của tu tập thiền Minh Sát Tuệ, hệ quả của kinh nghiệm về sự tan rã, trong đó những phiền não ngủ ngầm trong vô thức sinh khởi lên bề mặt của tâm thức và hiện hành ở thân cảm thọ. Tu tập tâm xả ly (upekkhā) đối với những cảm thọ này, thiền giả không tạo ra saṅkhārā mới và cho phép nhữngsaṅkhārā cũ tiêu tan. Vì vậy tiến trình lần lượt dẫn đến đoạn diệt toàn bộ saṅkhārā.

Saññā: (Phát xuất từ saṃyutta-saññā, tưởng tri có điều kiện) tưởng tri, sự hiểu biết. Một trong năm uẩn (khandhā). Vì những định kiến của các hành ở quá khứ nên chúng ta đã mang những nhận thức bị nhuốm màu. Trong thực tập thiền Minh Sát Tuệ, saññā được chuyển thành trí tuệ (paññā), tuệ tri thực thể như thật nó đang là. Ðó là sự nhận thức về vô thường, khổ, vô ngã, và bản chất ảo giác của cái đẹp thân thể (anicca-saññā, dukkha-saññā, anattā-saññā, asubha-saññā) .

Saraṇa: Nơi cư trú, sự nương tựa, sự bảo vệ. Ti-saraṇā: Qui y Tam bảo, có nghĩa là nương tựa đức Phật, Giáo pháp và Tăng đoàn.

Sati: Chánh niệm. Một chi phần của Bát Thánh Đạo (Xem Magga), cũng như của Năm lực (xem Bala) và của Bảy chi phần giác ngộ (xem Bojjhaṅga). Ānāpāna-sati, sự chánh niệm hơi thở.

Satipaṭṭhāna: Sự tu tập chánh niệm. Có bốn pháp quán liên quan đến chánh niệm: 1) Quán sát về thân (kāyānupassanā); 2) Quán sát về những cảm thọ sinh khởi trong thân (vedanānupassanā); 3) Quán sát về tâm (cittānupassanā); 4) Quán sát về các chức năng của tâm (dhammānupassanā). Quán sát các cảm thọ bao gồm bốn pháp quán sát này, vì các cảm thọ có liên quan trực tiếp đến thân cũng như tâm. Kinh Đại Niệm Xứ (The Mahā-Satipaṭṭhāna Suttanta) (Trường Bộ Kinh, số 22) là nguồn tài liệu chính hàm chứa lý thuyết căn bản, hướng dẫn thực hành thiền Minh Sát Tuệ.

Sato: Tỉnh giác. Sato sampajāno; tỉnh giác với tuệ tri về bản chất vô thường của thân và tâm trong mọi phương diện nhờ tu tập quán sát các cảm thọ.

Siddhattha: Nghĩa đen là "người hoàn tất công việc của mình". Tên của đức Phật lịch sử. (Tiếng phạn là Siddhārtha.)

Sīla: Đạo đức, sự từ bỏ những hành động của thân và miệng có hại đến bản thân và mọi người. Phần đầu tiên trong ba chi phần tu tập của Bát Thánh Đạo (Xem Magga). Với người tại gia, sīlađược hành trì trong đời sống thường nhật qua việc tuân giữ năm giới.

Sotāpanna: Người đã chứng đạt giai đoạn đầu tiên của thánh quả (vị Nhập lưu), và đã chứng nghiệm Niết-bàn (điểm này không chính xác theo truyền thống Thượng tọa bộ). Xem Ariya.

Sukha: Hạnh phúc. Trái nghĩa với Dukkha.

Sukhuma: Vi tế, nhỏ nhiệm. Trái nghĩa với Oḷārika.

Suta-mayā-paññā: Nghĩa đen là trí tuệ đạt được do nghe từ người khác. Văn tuệ. Xem paññā.

Sutavā/sutavant: Được hướng dẫn; người đã nghe sự thật, đã đạt được trí tuệ do được truyền đạt. Trái nghĩa với Assutavā.

Sutta: Bài thuyết giảng của đức Phật hoặc bài thuyết giảng của những vị đệ tử thượng thủ của Ngài. (tiếng phạn là Sutra)

Taṇhā: Nghĩa đen là "sự khao khát". Bao gồm cả hai: tham ái và oán ghét. Đức Phật đã nhận ra taṇhā như nguyên nhân của đau khổ (samudaya-sacca) trong bài pháp đầu tiên của Ngài, bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana Sutta). Trong vòng duyên khởi có điều kiện (paṭicca-samuppāda), Ngài đã giải thích rằng, taṇhā phát sinh khi có sự phản ứng lại đối với những cảm thọ trên thân.

Tathāgata: Nghĩa đen là "đã đến như vậy" hoặc "đã đi như vậy". Vị ấy nhờ đi trên con đường thực tại nên đạt đến thực tại tối hậu, nghĩa là một vị Giác ngộ. Thuật từ thường dùng chỉ cho đức Phật.

Theravāda: Nghĩa đen là "giáo lý của các vị Trưởng lão". Giáo lý của đức Phật được lưu giữ ở những quốc gia thuộc Nam Á (Miến Điện, Sri-Lanka, Thái Lan, Lào, Campuchia). Nói chung giáo lý này được chấp nhận như là hình thức giáo lý nguyên thuỷ nhất.

Ti-lakkhaṇa: Xem Lakkhaṇa.

Tipiṭaka: Nghĩa đen là "Tam tạng". Ba tuyển tập giáo lý của đức Phật là: 1) Vinaya-piṭaka: Tạng luật, tuyển tập các giới-luật cho giới xuất gia; 2) Sutta-piṭaka: Tạng kinh, tuyển tập những bài pháp; 3) Abhidhamma-piṭaka: Tạng luận, tuyển tập những lời dạy siêu việt, có nghĩa là sự giải thích giáo pháp mang tính triết lý có hệ thống. (Tiếng phạn là Tripiṭaka)

Ti-ratana: Xem Ratana.

Udaya: Sự sinh khởi. Udayabbaya, sự sinh khởi và hoại diệt, có nghĩa là vô thường (cũng như udaya-vyaya). Nhờ tu tập quán sát sự thay đổi liên tục của các cảm thọ chúng ta đạt được trí tuệ nhận ra thực tại vô thường này.

Upādāna: Sự tham đắm, sự chấp thủ.

Upekkhā: Sự xả ly; trạng thái của tâm thoát khỏi tham lam, sân giận và si mê. Một trong bốn trạng thái thanh tịnh của tâm (xem Brahma-vihāra), một trong bảy chi phần giác ngộ (xem Bojjhaṅga), và một trong mười Ba-la-mật.

Uppāda: Sự xuất hiện, sự sinh khởi. Uppāda-vaya, sự sinh khởi và hoại diệt. Uppāda-vaya-dhammino, có cùng bản chất sinh khởi và hoại diệt.

Vaya/vyaya: Hoại diệt, suy tàn. Vaya-dhamma, hiện tượng hoại diệt.

Vedanā: Cảm thọ. Một trong năm uẩn (khandhā). Ðức Phật dạy cảm thọ có hai: thân và tâm; vì vậy cảm thọ giúp chúng ta phương tiện để kiểm tra toàn bộ những hiện tượng thân-tâm. Trong vòng duyên khởi có điều kiện (paṭicca samuppāda), Ðức Phật đã giải thích rằng tham ái (taṇhā), nguyên nhân của khổ, phát sinh khi có sự phản ứng với cảm thọ. Nhờ tu tập quán sát cảm thọ một cách khách quan chúng ta có thể không tạo ra những phản ứng mới, và có thể trực tiếp kinh nghiệm thực tại vô thường trong chính chúng ta. Kinh nghiệm này là điểm then chốt để đoạn trừ tham ái, dẫn đến tâm giải thoát.

Vedanānupassanā: Sự quán sát những cảm thọ trên thân. Xem Satipaṭṭhāna.

Viññāṇa: Tâm thức, sự nhận thức. Một trong năm uẩn (khandhā).

Vipassanā: Minh sát tuệ, sự nội quán, tuệ quán làm thanh tịnh tâm; đặc biệt tuệ quán bản chất vô thường, khổ và vô ngã của thân và tâm.Vipassanā-bhāvanā, sự tu tập có hệ thống về tuệ quán qua phương pháp thiền định quán sát thực tại của chính chúng ta bằng cách quán sát những cảm thọ trong thân chúng ta.

Viveka: Vô tham, nhận thức không phân biệt.

Yathā-bhūta: Nghĩa đen là "như thật là". Thật tại hiện hữu. Yathā-bhūta-ñāna-dassana, trí tuệ chứng ngộ chân lý như thật.


MỘT SỐ ÐỊA CHỈ CÁC TRUNG TÂM 
TU THIỀN MINH SÁT TUỆ TRÊN THẾ GIỚI

Những khoá tu thiền Minh Sát Tuệ theo phương pháp của thiền sư U Ba Khin được Ngài S.N. Goenka tổ chức định kỳ tại các Trung Tâm Thiền Minh Sát Tuệ dưới đây:

(Các Trung Tâm có đánh dấu sao (*) là những Trung Tâm đang trong giai đoạn xây dựng, vì vậy có thể các khoá tu mười ngày chưa được tổ chức theo định kỳ căn bản.)

INDIA (các Trung tâm ở Ấn độ)

Vipassana Internatiional Academy, Dhamma Giri, PO Box 6, Igatpuri, 422403 Dist. Nasik, Maharashtra

Tel: [91] (02553) 84076, 94302, 84086; Fax: [91] (02553) 84176

Vipassana Centre, Dhamma Thalī PO Box 208, Jaipur 302001, Rajasthan

Tel: [91] (0141) (Off.) 49520, (T.R.) 49311

Vipassana International Meditation Centre, Dhamma Khetta

12.6 km. Nagarjun Sagar Road, Kusum Nagar Vanasthali Puram, Hyderabad 500 070, Andhra Pradesh

Tel: [91] (040) 402 0290, 402 1746; City Off. (040) 473 2569

Kutch Vipassana Centre, Dhamma Sindhu Village-Bada, Dist. Mandvi, Kutch 370 475, Gujarat

Tel: [91] (028347) (Off.) 303, (T.R.) 304

Vipassana Centre, Dhamma Gaṅgā Bara Mandir Ghat, Harishchandra Dutta Road, Panihati (Sodepur), Dist. 24 Parganas, West Bengal 743 176

Tel: [91] (033) 553 2855, City Off. (Cal.): Tel: (033) 251 767, 258 063

* Himachal Vipassana Cetre, Dhamma Sikhara 

Dharamsala 176 219, Dist. Kangra, H.P.

*Dhamma Salila, Dehradun, U.P.

* Dhamma Cakka, Sarnath, U.P.

* Dhamma Bodhi, Bodhgaya.

* Dhamma Licchavī, Muzzaffarpur, Bihaṛ

* Dhamma sota, Haryana (Near New Delhi).

* Gurjar Vipassana Kendra, Dhamma Pīṭha, Ahmedabad 380 01.

*Dhamma Koṭa, Rajkot, Gujarat.

* Dhamma Kānana, Durg-Bhilai, M.P.

* Dhamma Nāga, Nagpur.

* Dhamma Sarovara, Dhule, Maharashtra.

* Deccan Vipassana Research Centre,

Dhammālaya, Hatkangale 416 109, Maharashtra.

* Madras Vipassana Centre, Dhamma Setu, Madras 600 079 Tamil Nadu.

* Dhamma Sumana, Bangalore, Karnataka.

NEPAL

Nepal Vipassana Centre, Dharmashriṅga, Budhanikantha, Muhan Pokhari, Kathmandu

Tel: [977] (01) 290 655, 290 669

City Office: Jyoti Bhawan, Kantipath, PO Box 133 Kathmandu.

Tel: [977] (01) 225 490, 225 230; Fax: [977] (01) 223 067

* Dhamma Jananī, Lumbini.

* Dhamma Tarāi, Birganj.

SRI LANKA

Vipassana Meditation Centre, Dhamma Kūṭa, Mowbray, Hindagala, Peradeniya

c/o Mr Brindley & Mrs Damayanti Ratwatte, 262 Katugastota Road, Kandy.

Tel: [94] (01) 34 649.

MYANMAR

Vipassana Centre, Dhamma Joti, Nga Htat Gyi Pagoda Road, Bahan Township, Yangon, Myanmar

Tel: [95] (01) 39 290

THAILAND

Thailand Vipassana Centre, Dhamma Kamala, Contact: 65/9 Chaengwattana Soi 1, Banghen, Bangkok.

Tel: [66] (02) 521 0392; Fax: [66] (02) 552 1753.

CAMBODIA

* Cambodia Vipassana Centre, Dhamma Kamboja, c/o Ven. Bhikkhu Sanghabodhi, 2100 W. Willow St., Long Beach, CA 90810, USA.

Tel: [1] (213) 595 0566.

JAPAN

Japan Vipassana Centre, Dhamma Bhānu, Mizuho-Cho, Funai-Gun, Kyoto-Fu 62203

Tel: [81] (0771) 860 765.

AUSTRALIA & NEW ZEALAND

Vipassana Meditation Centre, Dhamma Bhūmi, PO Box 103, Blackheath, NSW 2785 AUS

Tel: [61] (047) 877 436; Fax: [61] (047) 877 221.

Vipassana Cente Queensland, Dhamma Rasmi, PO Box 119, Rules Road, Pomona, Qld 4568 AUS

Tel: [61] (071) 861 306.

Vipassana Centre, Dhamma Medinī, Burnside Road, RD3 Kaukapakapa, NZ

Tel: [64] (09) 420 5319

* Vipassana Foundation Tasmania, Dhamma Pabhā, PO Box 6A, Hobart, Tas 7000 AUS

* Melbourne Dhamma House, Dhamma Niketana, PO Box 344, North Blackburn, Vic 3130 AUS

Tel: [61] (03) 878 5744

NORTH AMERICA

Vipassana Meditation Centre, Dhamma Dharā, PO Box 24, Shelburne Falls, MA 01370

Tel: [1] (413) 625 2160; Fax: [1] (413) 625 2170

Email: vmcdhara@aol.com

California Vipassana Centre, Dhamma Mahāvana, PO Box 1167, North Fork, CA 93643

Tel: [1] (209) 877 4386; Fax [1] (209) 877 4387 

Email: mahavana@aol.com

Northwest Vipassana Centre, Dhamma Kuñja, PO Box 245, Ethel, WA 98542

Tel: [1] (360) 978 5434

Southwest Vipassana Meditation Centre, Dhamma Sirī

10850 County Road 155A, Kaufman, TX 75142

Tel: [1] (214) 932 7868

EUROPE

European Vipassana Centre, Dhamma Mahī, "Le Bois Planté," Louesme, F-89350 Champignelles, France.

Tel: [33] (86) 45 7514; Fax: [33] (86) 45 7620

Vipassana Centre, Dhamma Dīpa, Harewood End, Hereford, HR2 8NG, England, UK

Tel: [44] (01989) 730 234; Fax: [44] (01989) 730 450.

Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.