Bốn pháp đưa đến hạnh phúc
Hòa thượng Thích Minh Châu
Ðức Phật khi dạy pháp gì cho đệ tử cũng nghĩ đến
hạnh phúc hiện tại của người đệ tử mình, và lời dạy ấy phải thiết thực được ứng
dụng ngay trong hiện tại và kết quả cũng được đem lại ngay trong hiện tại. Ngài
không đề cập đến những triết lý mơ hồ, trừu tượng viễn vông, trái lại lời dạy
của Ngài rất thiết thực với đời sống con người, ứng dụng ngay trong nếp sống
hiện tại. Trong kinh Dighajànu, người Koliya (Tăng Chi, VIII-54) trực tiếp đến
thưa Thế Tôn:
"Bạch Thế Tôn, chúng con là những người gia
chủ, hưởng thọ dục vọng, sống hệ phược với vợ con, dùng các hương chiên đàn ở
Kàsi (Benares), đeo và dùng các vòng hoa hương liệu, phấn sáp, thọ lãnh các
vàng bạc. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết cho những người như chúng con,
thuyết như thế nào để những pháp ấy đem đến cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay
trong hiện tại".
Và sau đây là bốn pháp đưa đến hạnh phúc hiện tại
và an lạc hiện tại cho các thiện nam tử:
"Ðầy đủ sự tháo vát, đầy đủ sự phòng hộ, làm
bạn với thiện và sống thăng bằng điều hòa".
Thế nào là sự đầy đủ tháo vát?
Ở đây, vị thiện nam tử phải làm nghề gì để sinh sống, hoặc nghề nông, hoặc đi
buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ
nghề gì, trong nghề ấy, người ấy thiện xảo, không biết mệt, biết suy tư phương
tiện, vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm".
Như vậy, Ðức Phật dạy người gia chủ phải chọn một
nghề để làm, để sinh sống. Ðã chọn nghề xong, phải giữ nghề ấy cho được thiện
xảo, có thể tự mình khéo làm nghề ấy, lại còn có khả năng bày vẻ huấn luyện cho
người khác có thể làm được. Ðây là điều kiện tiên quyết của một người gia chủ,
có một nghề thiện xảo trong tay để nuôi sống mình và nuôi sống gia đình. Và đối
với nghề ấy, mình phải tinh xảo, thiện nghệ, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để
chỉ dạy người khác làm.
Pháp thứ hai là đầy đủ sự phòng hộ.
Ðức Phật dạy như sau:
"Ở đây những tài sản của thiện nam tử, do
tháo vát tinh tấn thu hoạch được, do sức mạnh bàn tay cất chứa được, do mồ hôi
đổ ra đúng pháp, thu hoạch đúng pháp, vị ấy giữ gìn và bảo vệ. Làm thế nào các
tài sản của ta không bị vua mang đi, không bị trộm cướp mang đi, không bị lửa
thiêu đốt, không bị nước cuốn trôi, không bị các người con không khả ái chiếm
đoạt. Ðây gọi là đầy đủ sự phòng hộ".
Ở đây lời Ðức Phật dạy hết sức thiết thực. Trước
hết là tài sản thu hoạch được phải do sự tháo vát hành nghề đem lại, do tinh
tấn nỗ lực làm ra một cách đúng pháp, một cách chơn chánh. Như vậy Ðức Phật phủ
nhận các cách làm tiền phi pháp, phi nhân; thể thức lường gạt, man trá để làm
giàu đều không được công nhận. Các thế lực hối mại quyền thế, hối lộ, lường
gạt, cho vay nặng lãi, ăn trộm, ăn cướp, đều thuộc về phi pháp. Ngoài ra, Ðức
Phật còn nhấn mạnh, các số tiền thâu hoạch, phải do sự nỗ lực tinh tấn của
chính mình, do sức mạnh của bàn tay chính mình làm ra, để tự mình đổ mồ hôi để
công sức của mình tạo ra của cải tài sản ấy. Tài sản như vậy mới gọi là tài sản
chơn chánh, đúng pháp vững vàng. Vì sao Ðức Phật muốn nhấn mạnh điểm này? Vì rằng
theo Ðức Phật, con người chỉ sống hạnh phúc với một đời sống trong sáng, lành
mạnh và chơn chánh. Do vậy tài sản kiém được để sống phải là tài sản lành mạnh,
chơn chánh, đúng pháp. Ðức Phật ở nơi đây nhắc nhủ chúng ta phải bảo vệ tài sản
chơn chánh ấy, khỏi bị vua lấy mất đi, khỏi bị lửa thiêu đốt, khỏi bị nước cuốn
trôi, khỏi bị kẻ trộm cướp đánh cắp đi, khỏi bị các con cháu thừa tự không tốt
tiêu pha hoang phí.
Thứ đến là bạn với thiện, và
chúng ta nghe lời khuyên của Ðức Phật:
"Tại chỗ nào, có những gia chủ hay người lớn
lên trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí
tuệ, thiện nam tử làm quen, nói chuyện, thảo luận. Với những người đầy đủ lòng
tin, vị ấy học tập đầy đủ lòng tin. Với những người đầy đủ giới đức, học tập đầy
đủ giới đức. Với những người đầy đủ bố thí, học tập đầy đủ bố thí. Với những
người đầy đủ trí tuệ, học tập đầy đủ trí tuệ".
Ở nơi đây, Ðức Phật khuyên vị thiện nam tử nên
thân thiện làm bạn với những người lành. Và người lành ở nơi đây được định
nghĩa là người có lòng tin, có giới đức, có bố thí, có trí tuệ. Và làm bạn với
thiện là học tập đầy đủ lòng tin, học tập đầy đủ giới đức, học tập đầy đủ bố
thí, học tập đầy đủ trí tuệ. Nói một cách thiết thực, hạnh phúc chỉ đến với
người lành, chỉ đến với người thiện, chỉ đến với người sống một đời sống lành
mạnh trong sáng, có giới đức, có đạo đức, có đạo hạnh, có giới hạnh.
Pháp thứ tư để được sống hạnh phúc và an lạc
là sống thăng bằng điều hòa. Ở nơi đây, Ðức Phật luôn luôn
có những định nghĩa thật rõ ràng và thiết thực:
"Ở đây thiện nam tử sau khi biết tài sản
nhập, và sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá
phung phí, không quá bỏn xẻn. Vị ấy suy nghĩ: " Ðây là tiền nhập của ta.
Sau khi trừ đi tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như sau...
không phải là tiền xuất của ta, nhưng sau khi trừ đi tiền nhập còn lại như sau:
"Người thiện nam tử này ăn tài sản của nó như người ăn trái cây sung"
(Rung cây khiến trái rơi xuống rất uổng phí). Nếu thiện nam tử này có biên nhập
lớn, nhưng sống nếp sống cơ cực thời người ta sẽ nói vễ người ấy như sau:
"Thiện nam tử này sẽ như người chết đói". Như vậy sống thăng bằng
điều hòa là không sống bỏn xẻn hoang phí, sống như thế nào để tiền nhập trội
hơn tiền xuất, và hàng tháng hàng năm đều có tiền tiết kiệm. Lẽ dĩ nhiên, đó là
những yếu tố cần thiết và bảo đảm cho một đời sống an lạc và hạnh phúc".
Rồi Ðức Phật nhắc khéo thiện nam tử có bốn cửa
xuất làm phung phí tài sản, tức là đam mê đàn bà, đam mê rượu chè, đam mê cờ
bạc, bạn bè kẻ ác, thân hữu kẻ ác. Nếu thiện nam tử rơi vào bốn cái mê này,
thời bao nhiêu tài sản thâu hoạch được sẽ bị phung phí tiêu tán hết. Như một hồ
nước có bốn cửa nhập, bốn cửa xuất. Cửa nhập thì bị đóng lại, cửa xuất thì bị
mở toang. Như vậy bao nhiêu nước trong hồ đều tuôn chảy ra ngoài hồ hết. Trái
lại có bốn cửa vào để tăng trưởng tài sản. Tức là không có đam mê đàn bà, không
đam mê rượu chè, không đam mê cờ bạc, thân hữu với bậc thiện. Như một hồ nước
có bốn cửa nhập đều mở toang, bốn cửa xuất đều đóng kín. Như vậy nước ở ngoài
tuôn vào trong hồ và hồ nước sẽ đầy tràn. Cũng vậy, vị thiện nam tử, tránh xa
bốn đam mê trên, thời tài sản của vị ấy ngày một tăng trưởng, ngày một hưng
thịnh.
Bài kinh này, với bốn pháp môn xây dựng hạnh phúc
hiện tại giúp chúng ta có một số suy nghĩ. Trước hết, Ðức Phật dạy những gì,
chủ yếu là làm vơi nỗi đau khổ của con người, mục đích chính là cứu khổ độ
sanh, đem lại an lạc, đem lại hạnh phúc cho con người. Bậc Ðạo sư đã nói: "Trong
suốt 45 năm thuyết pháp, xưa cũng như nay, ta chỉ dạy có hai điều: sự khổ và sự
diệt khổ". Thời tất nhiên, trong lời dạy này, chủ đích là đem lại
hạnh phúc và an lạc cho chúng sanh, ngay trong hiện tại, không phải chờ đợi
trong tương lai và cũng không phải chờ đợi sau khi chết mới được hưởng.
Một điểm nữa làm chúng ta đáng suy nghĩ, là phàm
chúng ta hành trì pháp môn nào được xem là lời Phật dạy, nếu trong khi hành
trì, không cảm thấy an lạc, thời là chúng ta hành trì sai lạc, hay là đó không
phải là lời dạy của Ðức Phật. Pháp của Ðức Phật được định nghĩa là Sanditthiko (thiết
thực hiện tại), Akàliko (không có thời gian),Ehipassiko (đến
để mà thấy)... Thời khi chúng ta hành trì các pháp môn Phật dạy, chúng ta hưởng
được ngay quả an lạc hạnh phúc mà pháp môn ấy đem đến. Chúng ta lại nghĩ đến
những công năng kỳ diệu của những lời Phật dạy, khi chúng ta nhận thấy rằng,
trong bốn pháp Phật dạy là dạy hơn 2500 năm về trước, cho xã hội Ấn Ðộ, cho cá
nhân con người Ấn Ðộ, nhưng nếu nay chúng ta đem áp dụng trong thời điểm hiện
tại trên đất nước Việt Nam và cho con người Việt Nam, chúng ta vẫn thấy bốn
pháp này vẫn có khả năng đem lại hạnh phúc và an lạc cho chúng sanh, nếu chúng
ta hành trì bốn pháp này đến nơi đến chốn.
Thích Minh Châu
(Trích Tuyển Tập "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi")
Nhận xét
Đăng nhận xét