1.I. Tuyết Sơn (S.v,63)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi ...
Thế Tôn nói như sau :
3) -- Y cứ vào vua núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các loài rắn lớn tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh. Ở đấy, khi chúng tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh, chúng đi xuống các hồ nhỏ. Sau khi xuống các hồ nhỏ, chúng đi xuống các hồ lớn. Sau khi đi xuống các hồ lớn, chúng đi xuống các sông nhỏ. Sau khi đi xuống các sông nhỏ, chúng đi xuống các sông lớn. Sau khi đi xuống các sông lớn, chúng đi ra biển, ra đại dương. Tại đấy, thân của chúng được to lớn và quảng đại hơn.
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp?
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.
6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp.
2.II. Thân (S.v,64)
I
1-2) Tại Sàvatthi...
3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, năm triền cái y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú.
4) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với dục tham (kàmacchanda) chưa sanh được sanh khởi; hay đối với dục tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có tịnh tướng (subhanimittam), ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời tịnh tướng này là món ăn khiến cho dục tham chưa sanh được sanh khởi; hay đối với dục tham đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.
5) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với sân chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với sân đã sanh khiến được tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có đối ngại tướng (patighanimittam). Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đối ngại tướng này là món ăn khiến cho sân chưa sanh được sanh khởi; hay đối với sân đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.
6) Này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với hôn trầm thụy miên chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với hôn trầm thụy miên đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có sự không hân hoan, biếng nhác (tandi), uể oải (vijambhità), ăn quá no, tâm rụt rè (linàttam). Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính là món ăn khiến cho hôn trầm thụy miên chưa sanh được sanh khởi; hay đối với hôn trầm thụy miên đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.
7) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với trạo hối chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với trạo hối đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có tâm không được tịnh chỉ. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính là món ăn khiến cho trạo hối chưa sanh được sanh khởi; hay đối với trạo hối đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.
8) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với nghi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với nghi đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại? Này các Tỷ-kheo, có những pháp làm trú xứ cho nghi hoặc. Ở đây, nếu phi như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời chính các pháp này là món ăn khiến cho nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi; hay đối với nghi hoặc đã sanh khiến cho tăng trưởng, quảng đại.
9) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, năm triền cái y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú.
II
10) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú.
11) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với niệm giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Có các pháp, này các Tỷ-kheo, làm trú xứ cho niệm giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.
12) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với trạch pháp giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập và làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các thiện pháp và bất thiện pháp, có các pháp đáng chỉ trích và không đáng chỉ trích, có các pháp liệt và thắng, có các pháp đen và trắng (kanhàsukkasa-ppatibhàgà). Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh khởi được sanh khởi; hay đối với trạch pháp giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.
13) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với tinh tấn giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với tinh tấn giác chi đã sanh khởi được tu tập và làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có phát cần giới (àrambhadhàtu), tinh cần giới (mikkamadhàtu), cần dõng giới (parakkamadhàtu). Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với tinh tấn giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.
14) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với hỷ giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với hỷ giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có những pháp làm trú xứ cho hỷ giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với hỷ giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.
15) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với khinh an giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với khinh an giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có thân khinh an, tâm khinh an. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với khinh an giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.
16) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với định giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với định giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với định giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.
17) Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với xả giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với xả giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp làm trú xứ cho xả giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với xả giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.
Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú.
...
4.IV. Chuyển (Vatta) (S.v,70)
1) Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Sàvatthi, tại Thắng Lâm, vườn ông Anàthapindika.
2) Tại đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:
-- Chư Hiền giả Tỷ-kheo.
-- Thưa Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau :
3) -- Này chư Hiền, có bảy giác chi này. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Này chư Hiền, đó là bảy giác chi này.
4) Ðối với bảy giác chi này, này chư Hiền, đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi sáng, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi sáng. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi trưa, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi trưa. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi chiều, trong giác chi ấy, ta an trú vào buổi chiều.
5) Nếu là niệm giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết được giác chi ấy là vô lượng trong ta, giác chi ấy là khéo phát khởi trong ta, và giác chi ấy an trú trong ta, ta rõ biết là có an trú. Nếu giác chi ấy từ bỏ ta, ta rõ biết giác chi ấy từ bỏ ta vì nhân duyên này.
6-10) ... (như trên, với các giác chi khác) ...
11) Nếu là xả giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết được giác chi ấy là vô lượng trong ta, giác chi ấy là khéo phát khởi trong ta, và giác chi ấy an trú trong ta, ta rõ biết là có an trú. Nếu giác chi ấy từ bỏ ta, ta rõ biết giác chi ấy từ bỏ ta vì nhân duyên này.
12) Ví như, này chư Hiền, hòm áo của vua hay vị đại thần của vua đầy những loại áo có màu sắc sai biệt. Nếu vị ấy muốn mặc loại áo nào vào buổi sáng, vị ấy mặc loại ấy vào buổi sáng. Nếu muốn mặc loại áo nào vào buổi trưa, vị ấy mặc loại áo ấy vào buổi trưa. Nếu muốn mặc loại áo nào vào buổi chiều, vị ấy mặc loại áo ấy vào buổi chiều.
13) Cũng vậy, này chư Hiền, đối với bảy giác chi này, đối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi sáng, trong giác chi ấy ta an trú vào buổi sáng. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi trưa, trong giác chi ấy ta an trú vào buổi trưa. Ðối với giác chi nào ta muốn an trú vào buổi chiều, ta an trú giác chi ấy vào buổi chiều.
14) Nếu là niệm giác chi hiện hữu trong ta, này chư Hiền, ta rõ biết... (như trên đoạn số 5)
15-19) ... (như trên đoạn số 6-10)
20) Nếu là xả giác chi... (như trên đoạn số11)
5.V. Vị Tỷ-Kheo (S.v,72)
1) ...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến... ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn :
--"Giác chi, giác chi", bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là giác chi?
-- Này Tỷ-kheo, chúng đưa đến giác ngộ, do vậy, chúng được gọi là các giác chi.
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.
4) Do vị ấy tu tập bảy giác chi này, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, trí khởi lên : "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ : "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
5) Chúng đưa đến giác ngộ, này Tỷ-kheo, nên chúng được gọi là giác chi.
Bài viết được Đạo Phật Nguyên Thủy trích từ Kinh Tương Ưng Bộ
Do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali