Chuyển đến nội dung chính

Kinh Trường Bộ - 13. Kinh Tevijja (Tam minh)

13. Kinh Tevijja (Tam minh)
(Tevijja sutta)
Kinh Trường Bộ - Kinh Tevijja (Tam minh)
1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn đang du hành ở Kosala (Câu-tát-la) cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị và đi đến một làng Bà-la-môn ở Kosala tên là Manasàkata. Tại đây, ở Manasakata, Thế Tôn trú tại một vườn xoài trên bờ sông Aciravati (A-trí-la-phạt-để), phía Bắc làng Manasàkata.

2. Lúc bấy giờ, nhiều Bà-la-môn trứ danh, đại phú hào ở tại Manasàkata như Bà-la-môn Canki (Thường-già), Bà-la-môn Tàrukkha (Ða-lê-xa) Bà-la-môn Pokkharasàti (Phí-già-la-bà-la), Bà-la-môn Jànussoni (Sanh Lậu), Bà-la-môn Todeyya (Ðạo-đề-da) và nhiều Bà-la-môn trứ danh, đại phú hào khác.

3. Lúc bấy giờ, một cuộc nghị luận về chánh đạo và tà đạo khởi lên giữa Vàsettha (Bà-tất-sá) và Bhàradvàja (Bạt-la-đà-phạn-xà) trong khi đi bách bộ để tĩnh dưỡng, vừa đi vừa suy nghĩ tư duy.

4. Thanh niên Bà-la-môn Vàsettha nói:

- Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo. Ðó là con đường do Bà-la-môn Pokkharasàti giảng dạy;

5. Thanh niên Bà-la-môn Bhàradvàja nói:

- Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo, đó là con đường do Bà-la-môn Tàrukkha giảng dạy.

6. Thanh niên Bà-la-môn Vàsettha không thể thuyết phục được thanh niên Bà-la-môn Bhàradvàja và thanh niên Bà-la-môn Bhàradvàja, cũng không thể thuyết phục được thanh niên Bà-la-môn Vàsettha.

7. Khi ấy thanh niên Bà-la-môn Vàsettha nói với thanh niên Bà-la-môn Bhàradvàja:

- Này Bhàradvàja, Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, nay trú ở Manasàkata, tại một vườn xoài trên bờ sông Aciravati, phía Bắc làng Manasàkata. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Gotama: "Ngài là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Này Bhàradvàja, hãy đến Sa-môn Gotama và hỏi Sa-môn Gotama về nghĩa lý này, và Sa-môn Gotama trả lời như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì.

- Tôn giả, xin vâng!

Thanh niên Bà-la-môn Bhàradvàja trả lời với thanh niên Bà-la-môn Vàsettha.

8. Lúc bấy giờ hai thanh niên Bà-la-môn Vàsettha và Bhàradvàja đến Thế Tôn, khi đã đến liền nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao với Thế Tôn và ngồi xuống một bên, khi ngồi xuống một bên, thanh niên Bà-la-môn Vàsettha bạch Thế Tôn:

- Tôn giả Gotama, một cuộc nghị luận về chánh đạo và tà đạo khởi lên giữa hai chúng tôi trong khi đi bách bộ để tĩnh dưỡng vừa đi vừa suy nghĩ, tư duy. Tôi nói như vầy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo, hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo, đó là con đường do Bà-la-môn Pokkharasàti giảng dạy". Thanh niên Bà-la-môn Bhàradvàja nói như vầy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo, đó là con đường do Bà-la-môn Tàrukkha giảng dạy". Tôn giả Gotama , đó là sự tranh luận, sự luận chấp, đó là sự bất đồng ý kiến.

9. Này Vàsettha, Ngươi nói như vầy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo, hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo. Ðó là con đường do Bà-la-môn Pokkharasàti giảng dạy". Còn thanh niên Bà-la-môn Bhàradvàja nói như vầy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng , dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo, đó là con đường do Bà-la-môn Tàrukkha giảng dạy". Này Vàsettha, ở nơi đây tranh biện về vấn đề gì, luận chấp về vấn đề gì và bất đồng ý kiến về vấn đề gì?

10. - Tôn giả Gotama, về vấn đề chánh đạo và tà đạo. Tôn giả Gotama, nhiều Bà-la-môn thuyết dạy nhiều con đường sai khác như các vị Bà-la-môn Addhàriyà, các vị Bà-la-môn Tittiriyà, và các vị Bà-la-môn Chandokà, các vị Bà-la-môn Chandavà, các vị Bà-la-môn Bràhmacariyà - tất cả con đường này hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo. Tôn giả Gotama, như gần làng hay gần trị trấn có nhiều con đường sai khác, nhưng tất cả con đường này đều dẫn đến làng. Cũng vậy, Tôn giả Gotama, nhiều Bà-la-môn thuyết dạy nhiều con đường sai khác - như các Bà-la-môn Addhariyà, các vị Bà-la-môn Tittiriyà, các vị Bà-la-môn Chandokà, các vị Bà-la-môn Chandàvà, các vị Bà-la-môn Bràhmacariyà. Tất cả con đường này hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo.

- Này Vàsettha, có phải Ngươi nói: "Chúng dẫn đến?"

- Tôn giả Gotama, vâng, tôi nói: "Chúng dẫn đến".

- Này Vàsettha, có phải Ngươi nói: "Chúng dẫn đến".

- Tôn giả Gotama, vâng, tôi nói: "Chúng dẫn đến".

- Này Vàsettha, có phải Ngươi nói: "Chúng dẫn đến".

- Tôn giả Gotama, vâng, tôi nói: "Chúng dẫn dến".

12. - Thế nào Vàsettha? Có Bà-la-môn nào trong những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà tận mặt đã thấy Phạm thiên?

- Tôn giả Gotama, không có vị nào.

- Thế nào Vàsettha? Có tôn sư nào của các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà đã tận mặt thấy Phạm thiên?

- Tôn giả Gotama, không có vị nào.

- Thế nào Vàsettha? Có Bà-la-môn nào cho đến bảy đời tôn sư và đại tôn sư của những vị Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà đã tận mặt nhìn thấy Phạm thiên?

- Tôn giả Gotama, không có vị nào.

13. - Thế nào, này Vàsettha. Những vị tu sĩ thời cổ trong các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, những vị sáng tác các thần chú, những vị trì tụng thần chú mà xưa kia những thần chú được hát lên, được trì tụng, được ngâm vịnh và ngày nay những vị Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà cũng hát lên, trì tụng và ngâm giảng như các vị Atthaka (A-sá-ca) Vàmaka (Bà-ma), Vàmadeva (Bà-ma-đề-bà), Angirasa (Ương-kỳ-sá), Bhàradvàja (Bạt-la-đà-phan-xà), Vàsettha (Bà-tất-sá), Kassapa (Ca-diếp), Bhagu (Bà-cữu), những vị này có nói: "Chúng tôi biết, chúng tôi thấy chỗ ở Phạm thiên, chỗ đến Phạm thiên, chỗ đi Phạm thiên?"

- Tôn giả Gotama, không có vị nào.

14. - Này Vàsettha, như vậy Ngươi nói không có một Bà-la-môn nào trong những vị tinh thông ba tập Vedà đã tận mặt thấy Phạm thiên - không có một tôn sư nào của các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà đã tận mặt thấy Phạm thiên, không có một đại tôn sư nào của ác Bà-la-môn tinh thông ba tập và đã tận mặt thấy Phạm thiên - không có một Bà-la-môn nào cho đến bảy đời đại tôn sư, tôn sư của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà đã tận mắt thấy Phạm thiên, trong những tu sĩ thời cổ, trong các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, những vị sáng tác các thần chú, những vị trì tụng thần chú mà xưa kia những thần chú được hát lên, được trì tụng, được ngâm vịnh và ngày nay những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà cũng hát lên, trì tụng và giảng dạy như các vị Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmita, Yamataggi, Angirasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu, không có một vị nào đã nói: "Chúng tôi biết, chúng tôi thấy Phạm thiên ở đâu, Phạm thiên từ đâu đến, Phạm thiên sẽ đi đâu". Như vậy, các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà đã nói: "Chúng tôi không biết, chúng tôi không thấy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên, nhưng chúng tôi thuyết dạy con đường ấy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo".

Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy thời có phải lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là không chánh xác, hợp lý?

- Tôn giả Gotama, sự kiện là như vậy thời lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là không chánh xác, hợp lý.

15. - Này Vàsettha, những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không biết, không thấy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên mà thuyết dạy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo", thật không thể có sự kiện ấy. Này Vàsettha, ví như một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Như vậy, này Vàsettha lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, người đầu không thấy, giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy, giống như lời nói mù quáng. Lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà như vậy là lời nói đáng chê cười, là lời nói suông, là lời nói không tưởng, là lời nói trống rỗng.

16. - Này Vàsettha, nhà Ngươi nghĩ thế nào? Các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà như phần đông nhiều người khác - có thể thấy mặt trăng, mặt trời không, trong khi các vị này cầu khẩn, tán thán, vừa đi xung quanh, vừa chấp tay và đảnh lễ chỗ mặt trăng, mặt trời mọc và lặn?

- Thưa vâng, Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà như phần đông nhiều người khác có thể thấy mặt trăng, mặt trời, trong khi các vị này cầu khẩn, tán thán, vừa đi xung quanh, vừa chấp tay đảnh lễ chỗ mặt trăng, mặt trời mọc và lặn.

17. - Này Vàsettha, nhà Ngươi nghĩ thế nào? Các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà - như phần đông nhiều người khác thấy mặt trăng, mặt trời, trong khi các vị này cầu khẩn, tán thán, vừa đi xung quanh, vừa chấp tay và đảnh lễ chỗ mặt trăng mặt trời mọc và lặn, những vị này có thể thuyết dạy con đường đưa đến sự cộng trú với mặt trăng mặt trời không? Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với mặt trăng, mặt trời cho những ai thực hành theo?

- Tôn giả Gotama, không thể được!

18. - Này Vàsettha, Ngươi nói rằng các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà như phần đông nhiều người khác, thấy mặt trăng, mặt trời trong khi các vị này cầu khẩn tán thán, vừa đi xung quanh, vừa chấp tay và đảnh lễ chỗ mặt trăng, mặt trời mọc và lặn, những vị này không có thể thuyết dạy con đường đưa đến sự cộng trú với mặt trăng mặt trời: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cọng trú với mặt trăng, mặt trời cho những ai thực hành theo". Ngươi cũng nói các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên, các tôn sư của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên, các đại tôn sư các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên, các Bà-la-môn cho đến bảy đời đại tôn sư, tôn sư của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên. Ngươi cũng nói trong những tu sĩ thời cổ trong các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, những vị sáng tác các thần chú, được hát lên, được trì tụng, được ngâm vịnh và ngày nay những Bà-la-môn cũng hát lên, trì tụng và giảng dạy - như các vị Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamataggi, Anigirasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu, không có một vị nào đã nói: "Chúng tôi biết, chúng tôi thấy Phạm thiên ở đâu, Phạm thiên từ đâu đến, Phạm thiên sẽ đi đâu". Như vậy các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà đã nói: "Chúng tôi không biết, chúng tôi không thấy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên, nhưng chúng tôi thuyết dạy con đường ấy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo". Này Vàsettha, nhà Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là không chánh xác, hợp lý?"

- Tôn giả Gotama, sự kiện là như vậy, thời lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là không chánh xác, hợp lý.

- Lành thay, này Vàsettha! Những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không biết, không thấy con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên mà thuyết dạy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo". Thật không có sự kiện ấy.

19. Này Vàsettha, như có người nói: "Tôi yêu và ái luyến một cô gái đẹp trong nước này". Có người hỏi: "Này bạn, cô gái đẹp mà Ông yêu và ái luyến ấy, Ông có biết là người giai cấp nào, là Sát-đế-lỵ, hay Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà?" Khi được hỏi, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, cô gái đẹp Ông yêu và ái luyến ấy, Ông có biết tên gì, họ gì, lớn người, thấp người hay người bậc trung? Da đen sẩm, da ngăm ngăm đen hay da hồng hào? Ở tại làng nào, ấp nào, hay thành phố nào?" Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, như vậy có phải Ông đã yêu và đã ái luyến một người Ông không biết, không thấy?" Ðược hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của người kia là không chánh xác, hợp lý?

- Vâng phải, Tôn giả Gotama. Sự kiện là như vậy, thời lời nói của người kia không chánh xác, hợp lý.

20. - Cũng vậy, này Vàsettha, Ngươi nói rằng các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên, các đại tôn sư các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên, các Bà-la-môn cho đến bảy đời đại tôn sư, tôn sư của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, không thể tận mắt thấy được Phạm thiên. Ngươi cũng nói những tu sĩ thời cổ trong các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, những vị sáng tác các thần chú, những vị trì tụng thần chú mà xưa kia các thần chú được hát lên, được trì tụng, được ngâm vịnh và ngày nay những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà cũng hát lên, cũng trì tụng và giảng dạy như các vị Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamataggi, Angirasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu, không có một vị nào đã nói: "Chúng tôi biết, chúng tôi thấy Phạm thiên ở đâu, Phạm thiên từ đâu đến, Phạm thiên sẽ đi đâu". Như vậy các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà đã nói: "Chúng tôi không biết, chúng tôi không thấy con đường đưa đến sự cộng trú với Phạm thiên nhưng chúng tôi thuyết dạy con đường ấy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo". Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là không chánh xác, hợp lý?

- Tôn giả Gotama, sự kiện là như vậy thời lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là không chánh xác, hợp lý.

- Lành thay, Vàsettha, những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không biết, không thấy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên mà thuyết dạy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo", thật không có sự kiện ấy.

21. Này Vàsettha, như một người muốn xây tại ngã tư đường một cái thang để leo lên lầu. Có người hỏi: "Này bạn, Ông muốn xây một cái thang để leo lên lầu, vậy Ông có biết lầu ấy là về hướng Ðông, hay về hướng Tây, hay về hướng Bắc, hay về hướng Nam? Nhà lầu ấy cao hay thấp, hay trung bình?". Ðược hỏi vậy, vị ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, như vậy có phải Ông xây một cái thang để leo lên một cái lầu mà Ông không biết, không thấy?". Hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Này Vàsettha, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói người kia không chánh xác, hợp lý?

- Vâng phải, bạch Thế Tôn. Sự kiện là như vậy thời lời nói của người kia là không chánh xác, hợp lý.

22. - Cũng vậy, này Vàsettha. Ngươi nói rằng các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên, các tôn sư các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên, các đại tôn sư các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên, các Bà-la-môn cho đến bảy đời đại tôn sư, tôn sư của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không thể tận mắt thấy được Phạm thiên. Người cũng nói trong những ẩn sĩ thời cổ trong các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, những vị sáng tác các thần chú, những vị trì tụng thần chú mà xưa kia những thần chú được hát lên, được trì tụng, được bình tán và ngày nay những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà cũng hát lên, trì tụng và giảng dạy - như các vị Atthaka, Vamaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamataggi, Angirasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu, không có một vị nào đã nói: "Chúng tôi biết, chúng tôi thấy Phạm thiên ở đâu, Phạm thiên từ đâu đến, Phạm thiên sẽ đi đâu?" Như vậy các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà đã nói: "Chúng tôi không biết, chúng tôi không thấy con đường đưa đến sự cộng trú với Phạm thiên nhưng chúng tôi thuyết dạy con đường ấy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo". Này Vàsettha, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy thời có phải lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là không chánh xác, hợp lý?

- Tôn giả Gotama, sự kiện là như vậy thời lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là không chính xác hợp lý.

23. - Lành thay, Vàsettha. Những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không biết, không thấy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên mà thuyết dạy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo". Thật không có sự kiện ấy.

24. Này Vàsettha, như sông Aciravati này, đầy tràn cho đến bờ khiến con quạ có thể uống được. Có người đến, có sự việc bên bờ bên kia, tìm đến bờ bên kia, hướng đến bờ bên kia và muốn lội qua bờ bên kia. Người đứng bờ bên này kêu bờ bên kia và nói: "Bờ bên kia, hãy lại đây! Bờ bên kia, hãy lại đây". Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Có phải vì người kia kêu gọi bờ bên kia, vì cầu khẩn, vì hy vọng, vì tán thán mà bờ bên kia của sông Aciravati đến bờ bên này không?

- Tôn giả Gotama, không thể vậy.

25. - Cũng vậy, này Vàsettha, những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, loại bỏ những pháp tác thành người Bà-la-môn, tuân theo những pháp không tác thành người Bà-la-môn, những vị này đã nói: "Chúng tôi cầu khẩn Indra (Nhân-đà-la), chúng tôi cầu khẩn Soma (Tô-ma), chúng tôi cầu khẩn Vanena (Bà-lưu-va), chúng tôi cầu khẩn Isàna (Y-sa-na), chúng tôi cầu khẩn Pajàpati (Sanh chủ), chúng tôi cầu khẩn Brahmà (Phạm thiên), chúng tôi cầu khẩn Mahiddhi (Ma-hi-đề), chúng tôi cầu khẩn Yama (Dạ-ma). Này Vàsettha, những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà ấy, loại bỏ những pháp tác thành người Bà-la-môn - vì kêu gọi, vì cầu khẩn, vì hy vọng, vì tán thán, sau khi thân hoại mạng chung, những vị ấy sẽ cộng trú với Phạm thiên - Thật không có sự kiện ấy.

26. - Này Vàsettha, như sông Aciravati này, đầy tràn cho đến bờ khiến con quạ có thể uống được. Có người đến, có sự việc bên bờ bên kia, tiến đến bờ bên kia, hướng đến bờ bên kia, và muốn lội qua bờ bên kia. Người này đứng bên bờ này kêu bờ bên kia và nói: "Bờ bên kia hãy lại đây! Bờ bên kia hãy lại đây!" Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Có phải vì người kia kêu gọi bờ bên kia, vì cầu khẩn, vì hy vọng, vì tán thán mà bờ bên kia của sông Aciravati đến bờ bên này không?

- Tôn giả Gotama, không thể vậy.

27. - Cũng vậy, này Vàsettha, có năm pháp khiến dục lạc tăng thịnh. Năm pháp này được xem là sợi dây chuyền, sợi dây thắng trong giới luật của bậc Thánh. Thế nào là năm? Những sắc pháp do mắt cảm nhận khả ái, mỹ miều, thích thú, hấp dẫn, câu hữu với dục, ái lạc; những tiếng do tại cảm nhận... những hương do mũi cảm nhận... những vị do lưỡi cảm nhận.. những xúc do thân cảm nhận khả ái, mỹ miều, thích thú, hấp dẫn, câu hữu với dục lạc. Này Vàsettha, năm pháp khiến dục lạc tăng thịnh ấy, được xem là sợi dây chuyền, sợi dây thắng trong giới luật của bậc Thánh. Này Vàsettha, năm pháp khiến dục lạc tăng thịnh ấy, các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà chấp trước, mê đắm, bị trói buộc, không thấy nguy hiểm của chúng, không nhận thức sự không thoát ly của chúng, đã tận hưởng năm pháp ấy.

28. - Này Vàsettha, những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, loại bỏ những pháp tác thành người Bà-la-môn, tuân theo những pháp không tác thành người Bà-la-môn, chấp trước, mê đắm, bị trói buộc, không thấy nguy hiểm của chúng, không nhận thức sự không thoát ly của chúng, tận hưởng chúng, bị trói buộc bởi sự trói buộc của dục lạc, sau khi thân hoại mạng chung sẽ cộng trú với Phạm thiên, thật không có sự kiện ấy.

29. - Này Vàsettha, như sông Acivarati này, đầy tràn cho đến bờ khiến con quạ có thể uống được. Có người đến, có sự việc bên bờ bên kia, tìm đến bờ bên kia, hướng đến bờ bên kia và muốn lội qua bờ bên kia. Người này ở bên bờ này trùm đầu và nằm ngủ. Này Vàsettha, nhà Ngươi nghĩ thế nào? Người ấy có thể từ bên này của sông Aciravati đến bờ bên kia không?

- Tôn giả Gotama, không có thể được.

30. - Cũng vậy, này Vàsettha, có năm triền cái được gọi là chướng ngại, cũng được gọi là triền cái, cũng được gọi là màn che, cũng được gọi là triền phược trong giới luật của bậc Thánh. Thế nào là năm? Dục cái, sân cái, hôn trầm thụy miên cái, trạo hối cái, nghi cái. Này Vàsettha, năm triền cái này được gọi là chướng ngại, cũng được gọi là triền cái, cũng được gọi là màn che, cũng được gọi là triền phược. Này Vàsettha, các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, bị chướng ngại, bị triền phược, bị che đậy, bị trói buộc bởi năm triền cái này, Này Vàsettha, thật vậy, những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, loại bỏ những pháp tác thành người Bà-la-môn, tuân theo những pháp không tác thành người Bà-la-môn, bị chướng ngại, bị triền phược, bị che đậy, bị trói buộc bởi năm triền cái, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ cộng trú với Phạm thiên - Thật không thể có sự kiện ấy.

31. Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Ngươi có nghe những Bà-la-môn niên cao lạp trưởng, tôn sư và đại tôn sư cùng nhau nói chuyện không? Phạm thiên có dục ái hay không dục ái?

- Tôn giả Gotama, không có dục ái.

- Có hận tâm hay không hận tâm?

- Tôn giả Gotama, không có hận tâm.

- Có sân tâm hay không sân tâm?

- Tôn giả Gotama, không có sân tâm.

- Có nhiễm tâm hay không có nhiễm tâm?

- Tôn giả Gotama, không có nhiễm tâm.

- Có tự tại hay không có tự tại?

- Tôn giả Gotama, có tự tại.

32. - Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà có dục ái hay không dục ái?

- Tôn giả Gotama, có dục ái.

- Có hận tâm hay không hận tâm?

- Tôn giả Gotama, có hận tâm.

- Có sân tâm hay không có sân tâm?

- Tôn giả Gotama, có sân tâm.

- Có nhiễm tâm hay không có nhiễm tâm?

- Tôn giả Gotama, có nhiễm tâm.

- Có tự tại hay không có tự tại?

- Tôn giả Gotama, không có tự tại.

33. - Này Vàsettha, Ngươi nói rằng các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là có tham ái, Phạm thiên không có tham ái. Giữa các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là có tham ái với Phạm thiên không có tham ái, có thể có một sự cọng hành, cọng trú không?

- Tôn giả Gotama, không thể có được.

34. - Lành thay, Vàsettha. Này Vàsettha, những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà có dục ái ấy sau khi thân hoại mạng chung sẽ cộng trú với Phạm thiên - Thật không thể có sự kiện ấy.

35. - Này Vàsettha, Ngươi nói rằng các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà có hận tâm, Phạm thiên không có hận tâm... các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là có sân tâm, Phạm thiên không có sân tâm... các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà là có nhiễm tâm, Phạm thiên không có nhiễm tâm... các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không có tự tại, Phạm thiên có tự tại.

Giữa các Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, không có tự tại với Phạm thiên có tự tại có thể có một sự cọng hành, cọng trú không?

- Tôn giả Gotama, không thể có được.

36. - Lành thay, Vàsettha. Này Vàsettha, những vị Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà sau khi thân hoại mạng chung sẽ cộng trú với Phạm thiên - Thật không thể có sự kiện ấy.

Này Vàsettha, ở đời các Bà-la-môn dầu có tinh thông ba tập Vedà, khi các vị này ngồi (với sự tự tín), thật sự đang chìm (trong bùn lầy), và khi đang chìm (trong bùn lầy) phải sống trong thất vọng, lầm tưởng rằng đã đến cảnh giới an lạc hơn. Do vậy đối với những Bà-la-môn tinh thông Vedà sự tinh thông ấy được gọi là bãi sa mạc không có nước, sự tinh thông ấy cũng được gọi là rừng rậm không có đường lối, sự tinh thông ấy cũng được gọi là sự bất hạnh.

37. Khi nghe vậy, thanh niên Bà-la-môn Vàsettha bạch Thế Tôn:

- Tôn giả Gotama, tôi có nghe nói Sa-môn Gotama biết con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên.

- Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Ở đây có người sinh trưởng ở Manasàkata, nhưng chưa bao giờ rời khỏi chỗ này. Có người hỏi con đường đưa đến Manasàkata. Này Vàsettha, đối với người ấy đã sinh trưởng ở Manasàkata, chắc không có gì nghi ngờ hay khó khăn thì phải?

- Tôn giả Gotama, thật không có gì nghi ngờ hay khó khăn. Vì cớ sao? Tôn giả Gotama, người ấy sinh trưởng ở Manasàkata đều biết rõ tất cả con đường đưa đến Manasàkata.

38. - Này Vàsettha, đối với người ấy đã sinh trưởng Manasàkata, còn có thể nghi ngờ và có khó khăn hỏi đến con đường đưa đến Manasàkata nhưng đối với Như Lai thì không có nghi ngờ hay khó khăn gì khi hỏi đến Phạm thiên giới hay con đường đưa đến Phạm thiên giới! Này Vàsettha, Ta biết đến Phạm thiên, Phạm thiên giới và con đường đưa đến Phạm thiên giới.

39. Khi nghe nói vậy, thanh niên Bà-la-môn Vàsettha bạch Thế Tôn:

- Tôn giả Gotama, tôi đã nghe: "Sa-môn Gotama, giảng dạy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên". Lành thay, nếu Sa-môn Gotama thuyết dạy con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên! Mong Tôn giả Gotama tế độ chúng Bà-la-môn!

- Này Vàsettha, vậy hãy lóng nghe và khéo tác ý kỹ? Ta sẽ nói:

40. Này Vàsettha, nay ở đời đức Như Lai xuất hiện, là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ðức Như Lai sau khi tự mình chứng ngộ với thượng trí, thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người lại tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

41. Người gia trưởng hay con vị gia trưởng, hay một người sinh ở giai cấp (hạ tiện) nào nghe pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tin ngưỡng ấy, vị này suy nghĩ: "Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình". Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ hay bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, và xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

42. Khi đã xuất gia như vậy, vị ấy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong giới pháp, thân nghiệp, ngữ nghiệp, thanh tịnh. Mạng sống trong sạch, giới hạnh đầy đủ, thủ hộ các căn, chánh niệm, tỉnh giác và biết tri túc.

43. Này Vàsettha, thế nào là Tỷ-kheo giới hạnh cụ túc?

Ở đây, này Vàsettha, Tỷ-kheo từ bỏ sát sinh, tránh xa sát sinh... do lạc thọ, tâm được định tĩnh... chứng và trú thiền thứ nhất, ... (như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 43-75).

76. Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.

77. Này Vàsettha, như người lực sĩ thổi tù và khiến tiếng được nghe khắp bốn phương, không có gì khó khăn, cũng vậy này Vàsettha, đối với mọi hình thức của sự sống, không có ai là vị ấy bỏ qua hay bỏ sót mà không biến mãn với tâm giải thoát, câu hữu với từ. Này Vàsettha, đó là con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên.

78. Lại nữa, này Vàsettha, vị Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.

79. Này Vàsettha, như người lực sĩ thổi tù và khiến tiếng được nghe khắp bốn phương, không có gì khó khăn, cũng vậy này Vàsettha, đối với mọi hình thức của sự sống, không có ai là vị ấy bỏ qua hay bỏ sót mà không biến mãn với tâm giải thoát, cùng khởi với xả. Này Vàsettha, đó là con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên.

80. Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Tỷ-kheo an trú như vậy là có dục ái hay không dục ái?

- Tôn giả Gotama, không có dục ái.

- Có hận tâm hay không có hận tâm?

- Tôn giả Gotama, không có hận tâm.

- Có sân tâm hay không có sân tâm?

- Tôn giả Gotama, không có sân tâm.

- Có nhiễm tâm hay không có nhiễm tâm?

- Tôn giả Gotama, không có nhiễm tâm.

- Có tự tại hay không có tự tại?

- Tôn giả Gomata, có tự tại.

81. Này Vàsettha, Ngươi nói Tỷ-kheo không có dục ái, Phạm thiên không có dục ái. Giữa Tỷ-kheo không có dục ái với Phạm thiên không có dục ái, có thể có một sự cọng hành, cọng trú không?

- Tôn giả Gotama, có thể có được.

- Lành thay, Vàsettha. Này Vàsettha, Tỷ-kheo sau khi tâm thân hoại mạng chung sẽ cọng trú với Phạm thiên. Thật có thể có sự kiện ấy.

Này Vàsettha, Ngươi nói Tỷ-kheo không có hận tâm, Phạm thiên không có hận tâm... Tỷ-kheo không có nhiễm tâm, Phạm thiên không có nhiễm tâm. Tỷ-kheo có tự tại, Phạm Thiên có tự tại. Giữa Tỷ-kheo có tự tại với Phạm thiên có tự tại, có thể có một sự cọng hành, cọng trú không?

- Tôn giả Gotama, có thể có được.

- Lành thay, Vàsettha. Này Vàsettha, Tỷ-kheo sau khi thân hoại mạng chung sẽ cọng trú với Phạm thiên. Sự kiện ấy thật có thể có.

82. Khi nghe nói vậy, hai thanh niên Bà-la-môn Vàsettha và Bharadvàja bạch Thế Tôn:

- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày.

Và nay chúng con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử; từ này trở đi cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng.

Bài viết được Đạo Phật Nguyên Thủy trích từ Kinh Trường Bộ
Do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali




Nghe kinh trên Youtube:





Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.