Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 7 - Tương Ưng Bà La Môn (2)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 7 - Tương Ưng Bà La Môn (2)

PHẦN CHÁNH KINH

[07] Chương VII Tương Ưng Bà La Môn

V. Bất Hại - Ahimsaka (S.i,164)

1) Nhân duyên tại Sàvatthi.

2) Rồi Bà-la-môn Ahimsaka Bhàradvàja đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Ahimsaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

-- Con là Ahimsaka, thưa Tôn giả Gotama! Con là Ahimsaka, thưa Tôn giả Gotama!.

4) (Thế Tôn):

Danh phải tương xứng người,
Người phải là bất hại!
Ai với thân, miệng, ý,
Không làm hại một ai,
Ai không hại người khác,
Người ấy thật bất hại.

5) Khi được nghe vậy, Bà-la-môn Ahimsaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama...,"... không còn trở lui đời sống này nữa."

6) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

VI. Bện Tóc (S.i,165)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Bà-la-môn Jatabhàradvàja đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jatabhàradvàja nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Nội triền và ngoại triền,
Chúng sanh bị triền phược,
Con hỏi Gotama,
Ai thoát triền phược này?

4) (Thế Tôn)

Người có trí, trú giới,
Tu tập tâm và tuệ,
Nhiệt tâm và thận trọng,
Tỷ-kheo ấy thoát triền.

Với ai đã từ bỏ,
Tham sân và vô minh,
Bậc Ứng cúng lậu tận,
Vị ấy thoát triền phược.

Chỗ nào danh và sắc
Ðược đoạn tận vô dư,
Ðoạn chướng ngại sắc tưởng,
Chỗ ấy triền phược đoạn.

5) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Jatabhàradvàja bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!...

6) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

VII. Suddhika (S.i,165)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana.

2) Rồi Bà-la-môn Suddhika Bhàradvàja đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Suddhika Bhàradvàja nói lên bài lệ này trước mặt Thế Tôn:

Không Bà-la-môn nào,
Dầu giữ giới, khổ hạnh,
Có thể được thanh tịnh,
Dầu ở thế giới nào.

Chỉ vị Minh Hạnh Túc,
Mới có thể thanh tịnh.
Không một quần chúng nào.
Ngoài vị hành như vậy.

4) (Thế Tôn):

Dầu lẩm bẩm nhiều chú,
Nhưng không vì thọ sanh,
Ðược gọi Bà-la-môn,
Nội ô nhiễm bất tịnh,

Y cứ trên lừa đảo,
Bà-la-môn, Phệ-xá,
Thủ-đà, Chiên-đà-la,
Kẻ đổ phẩn, đổ rác,

Tinh cần và tinh tấn,
Thường dõng mãnh tấn tu,
Ðạt được tịnh tối thắng,
Bà-la-môn nên biết!

5) Khi được nghe vậy, Bà-la-môn Suddhika Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!...

6) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

VIII. Aggika: Thờ lửa (S.i,166)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, một món ăn gồm gạo và sữa đông được sửa soạn cho Bà-la-môn Aggika Bhàradvàja để vị này sắp đặt: "Tôi sẽ tế lửa, tôi sẽ làm lễ cúng dường lửa".

3) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Ràjagaha để khất thực. Trong khi đi khất thực thứ lớp ở Ràjagaha, Thế Tôn đi đến trú xứ của Bà-la-môn Aggika Bhàradvàja; sau khi đến, Thế Tôn đứng một bên.

4) Bà-la-môn Aggika Bhàradvàja thấy Thế Tôn đi khất thực đến, thấy vậy liền nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Vị đầy đủ ba minh,
Thiện sanh và nghe nhiều,
Minh hạnh được trọn vẹn,
Hãy thọ món ăn này!

5) (Thế Tôn):

Dầu lẩm bẩm nhiều chú,
Nhưng không vì thọ sanh,
Ðược gọi Bà-la-môn.
Nội ô nhiễm bất tịnh,

Y cứ trên lừa đảo,
Thấy thiên giới ác thú,
Ðoạn diệt được tái sanh,
Thắng trí, bậc Mâu-ni,

Ðầy đủ ba minh này,
Ba minh, Bà-la-môn,
Minh hạnh được đầy đủ,
Hãy thọ món ăn này.

6) - Mong Tôn giả thọ lãnh món ăn này. Tôn giả Gotama thật là bậc Bà-la-môn.

7) (Thế Tôn):

Ta không có hưởng thọ,
Vì tụng hát kệ chú,
Thường pháp không phải vậy,
Ðối vị có tri kiến.

Chư Phật đã loại bỏ,
Tụng hát các kệ chú,
Chân thật niệm Chánh pháp,
Sở hành là như vậy.

Bậc Ðại Sĩ vẹn toàn,
Cúng dường phải khác biệt,
Ðoạn tận các lậu hoặc,
Dao động được lắng dịu.

Với những bậc như vậy,
Ăn uống phải cúng dường,
Thật chính là phước điền,
Cho những ai cầu phước.

8) Ðược nghe như vậy, Bà-la-môn Aggika Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama!...

9) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

IX. Sundarika (S.i,167)

1) Một thời Thế Tôn ở giữa dân tộc Kosala, trên bờ sông Sundarika.

2) Lúc bấy giờ Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja tế lửa trên bờ sông Sundarika, làm lễ cúng dường lửa.

3) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja sau khi tế lửa, làm lễ cúng dường lửa xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, nhìn xung quanh tất cả bốn phương và nghĩ: "Ai có thể hưởng họ món ăn cúng tế còn lại này?"

4) Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja thấy Thế Tôn đang ngồi dưới gốc cây, đầu được bao trùm, thấy vậy, tay trái cầm món ăn cúng tế còn lại, tay phải cầm bình nước đi đến Thế Tôn.

5) Và Thế Tôn nghe tiếng chân của Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja liền tháo đồ trùm ở đầu.

6) Và Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja nghĩ: "Ðầu vị này trọc, vị này là người trọc đầu", nghĩ vậy, muốn trở lui.

7) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja lại suy nghĩ: "Trọc đầu ở đây, một số Bà-la-môn cũng như vậy. Vậy ta hãy đến và hỏi vấn đề thọ sanh".

8) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

-- Thọ sanh Tôn giả là gì?

9) (Thế Tôn):

Chớ hỏi về thọ sanh,
Hãy hỏi về sở hành.
Tùy theo mọi thứ củi,
Ngọn lửa được sanh khởi.

Dầu thuộc nhà hạ tiện,
Bậc ẩn sĩ tinh cần,
Ðược xem như thượng sanh,
Biết tàm quý, trừ ác.

Ðiều thuận bởi chân lý,
Thuần thục trong hành trì,
Thông đạt các Thánh kinh,
Phạm hạnh được viên thành.

Tế vật đã đem lại,
Hãy cầu khẩn vị ấy,
Lễ tế làm đúng thời,
Vị ấy xứng cúng dường.

10) Sundarika:

Vật cúng này của con,
Thật sự khéo cúng dường,
Nay con đã thấy được,
Bậc sáng suốt như Ngài.

Con không thấy một ai
Có thể sánh được Ngài,
Không có người nào khác
Thọ hưởng vật cúng này.

Tôn giả Gotama,
Hãy thọ hưởng vật cúng.
Ngài thật là Bà-la-môn,
Là bậc đáng tôn trọng.

11) (Thế Tôn):

Ta không có hưởng thọ,
Vì tụng hát kệ chú,
Thường pháp không phải vậy,
Ðối vị có tri kiến.

Chư Phật đã loại bỏ
Tụng hát các kệ chú,
Chân thật niệm Chánh pháp,
Sở hành là như vậy.

Bậc Ðại Sĩ vẹn toàn,
Cúng dường phải khác biệt.
Ðoạn tận các lậu hoặc,
Trạo hối được lắng dịu,

Với những bậc như vậy,
Cơm nước phải cúng dường,
Thật chính là phước điền,
Cho những ai cầu phước.

12) -- Vậy thưa Tôn giả Gotama, con phải cho ai vật cúng còn lại này?

13) -- Này Bà-la-môn, trong toàn thế giới chư Thiên, Ma giới, Phạm thiên giới, trong chúng Sa-môn và Bà-la-môn, trong thế giới chư Thiên và loài Người, Ta không thấy một ai ăn vật cúng còn lại này có thể tiêu hóa được, ngoại trừ Như Lai hay đệ tử Như Lai. Này Bà-la-môn, vậy này Bà-la-môn, hãy quăng vật cúng còn lại này tại chỗ không có cỏ xanh, hay nhận chìm xuống nước, nơi không có loài hữu tình.

14) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja nhận chìm vật cúng còn lại ấy vào trong nước, nơi không có loài hữu tình.

15) Vật cúng ấy khi được quăng vào trong nước liền xì lên, sôi lên, phun hơi và phun khói lên. Ví như lưỡi cày đốt nóng cả ngày, khi bỏ vào trong nước, bèn xì lên, sôi lên, phun hơi và phun khói lên. Cũng vậy, vật cúng còn lại ấy khi được quăng vào trong nước bèn xì lên, sôi lên, phun hơi và phun khói lên.

16) Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja hoảng hốt, lông tóc dựng ngược, đi đến Thế Tôn; sau khi đến liền đứng một bên.

17) Thế Tôn nói lên bài kệ cho Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja đang đứng một bên:

Này Bà-la-môn kia,
Chớ có nghĩ gì tịnh.
Sự sắp đặt củi lửa,
Như vậy chỉ bề ngoài.

Bậc thiện nhân dạy rằng,
Người ấy không thanh tịnh,
Với những ai chỉ muốn
Thanh tịnh mặt bên ngoài.

Này Bà-la-môn kia,
Ta từ bỏ củi lửa,
Ta chỉ nhen nhúm lên
Ngọn lửa từ nội tâm,

Ngọn lửa thường hằng cháy,
Thường nồng cháy nhiệt tình.
Ta là bậc La-hán,
Ta sống đời Phạm hạnh.

Này Bà-la-môn kia,
Người mang ách kiêu mạn,
Phẫn nộ là khói hương,
Vọng ngôn là tro tàn,

Lưỡi là chiếc muỗng tế,
Tâm là chỗ tế tự,
Tự ngã là ngọn lửa.
Còn người khéo điều phục,

Chánh pháp là ao hồ,
Giới là bến nước tắm,
Không cấu uế, trong sạch,
Ðược thiện nhơn tán thán,

Là chỗ bậc có trí,
Thường tắm, trừ uế tạp.
Khi tay chân trong sạch,
Họ qua bờ bên kia.

Chánh pháp là chân lý,
Tự chế là Phạm hạnh,
Chính con đường trung đạo,
Giúp đạt tối thắng vị,
Ðảnh lễ bậc trực tâm,
Ta gọi tùy pháp hành.

18) Khi được nói vậy, Bà-la-môn Sundarika Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!...

19) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

X. Bahudhiti (S.i,170)

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

2) Lúc bấy giờ, một Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja bị mất mười bốn con bò.

3) Rồi Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja trong khi đi tìm những con bò đực ấy, đi đến khu rừng kia; sau khi đến, thấy Thế Tôn ngồi kiết-già trong khu rừng ấy, lưng giữ thẳng và để chánh niệm trước mặt.

4) Thấy vậy, Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này với Thế Tôn:

Với vị Sa-môn này,
Không có mười bốn bò,
Nên không thấy sáu mươi (ajjasatthi),
Do vậy được an lạc.

Với vị Sa-môn này,
Không có ruộng mè hư,
Một hai lá cây mè,
Do vậy được an lạc.

Với vị Sa-môn này,
Không kho trống, không chuột,
Chạy chơi và múa nhảy,
Do vậy được an lạc.

Với vị Sa-môn này,
Không tấm nệm bảy tháng,
Tràn đầy những chí rận,
Do vậy được an lạc.

Với vị Sa-môn này
Không bảy gái quả phụ
Hoặc một con, hai con,
Do vậy được an lạc.

Với vị Sa-môn này,
Không vợ đen, mặt rỗ.
Lấy chân thúc đá dậy,
Do vậy được an lạc.

Với vị Sa-môn này,
Không kẻ nợ buổi sáng,
Mắng nhiếc: "Hãy trả đi"
Do vậy được an lạc.

5) (Thế Tôn):

Bà-la-môn, với Ta,
Không có mười bốn bò,
Nên không thấy sáu mươi,
Do vậy Ta an lạc.

Bà-la-môn, với Ta,
Không có ruộng mè hư,
Một hai lá cây mè,
Do vậy Ta an lạc.

Bà-la-môn, với Ta,
Không kho trống, không chuột,
Chạy chơi và múa chảy,
Do vậy Ta an lạc.

Bà-la-môn, với Ta,
Không tấm nệm bảy tháng,
Tràn đầy những chí rận,
Do vậy Ta an lạc.

Bà-la-môn, với Ta,
Không bảy gái quả phụ,
Hoặc một con, hai con,
Do vậy Ta an lạc.

Bà-la-môn, với Ta,
Không vợ đen, mặt rỗ,
Lấy chân thúc đá dậy,
Do vậy Ta an lạc.

Bà-la-môn, với Ta,
Không kẻ nợ buổi sáng,
Mắng nhiếc: "Hãy trả đi",
Do vậy Ta an lạc.

6) Ðược nghe nói vậy, Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thế thấy sắc.

Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Thế Tôn Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama, cho con được thọ đại giới.

7) Rồi Bà-la-môn Bhàradvàja được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.

8) Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Bhàradvàja ở một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Và không bao lâu, vị này chứng được mục đích tối cao mà các thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình hướng đến: Ðó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại tự mình với thượng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không có trở lại trạng thái này nữa".

9) Và Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán nữa.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

Chương 7: Tương Ưng Bà La Môn

AHIMSAKA (Ahiṃsakasutta)

Một vị Bà-la-môn cũng trong dòng họ Bhāradvāja đi đến gặp Đức Phật. Trong số những vị Bà-la-môn của chương này, ông này là hiền nhất, ông không tới phiền nhiễu Đức Phật, ông tới chào hỏi đàng hoàng và tự giới thiệu tên là Ahimsaka. Chúng ta biết rằng ngài Angulimala, vị trước khi đi xuất gia, giết thật nhiều người để lấy lóng tay xỏ xâu đeo trên trên cổ, vị đó cũng có tên là Ahimsaka (nghĩa là ‘vô hại’, harmless). 

Đối với người khác, có lẽ Đức Thế Tôn không nhắc nhở tên đó ra làm chi, nhưng đối với ông Bà-la-môn này, xét thấy cơ duyên của ông phải được nghe Ngài nói nghĩa tên của ông thì ông mới giác ngộ được. Đây là điểm đặc biệt của vị Chánh Đẳng Giác so với vị Thanh văn. Vị Thanh văn hoặc nói chung những người không phải bậc Toàn Giác thì thuyết pháp cho người ta dựa vào cái mình muốn nói; một phần là đánh giá nhận xét người ta nhưng phần lớn là ở phía mình, mình muốn nói gì thì đem ra nói cho người ta nghe. Riêng vị Chánh Đẳng Giác thì không, Ngài không nói điều gì đó chỉ vì đó là ý ngài muốn, mà Ngài dựa vào căn cơ khuynh hướng tâm lý túc duyên nhiều đời của đối tượng trước mặt, đây là điểm đặc biệt. 

Vì vậy thật là may mắn thay cho ai trực tiếp gặp Đức Phật, thật phúc cho ai gặp được vị Chánh Đẳng Giác, ngay cả gặp được ngài Xá Lợi Phất thì cơ hội giác ngộ cũng rất cao, nhưng cũng không bằng gặp vị Chánh Đẳng Giác, vì Ngài là người có cặp mắt nhìn thấu ba cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời. Khi Ngài nhìn ông Ahimsaka này, nhìn rõ túc duyên nhiều đời của ông, nên Ngài trả lời thế này: Tên của ông – Ahimsaka đẹp lắm, nghĩa là Vô Hại, nhưng phải nhớ một điều, sống ở đời quan trọng là phải chính danh. Chính danh là chữ bên Nho giáo, có nghĩa là chức danh của một con người phải tương ứng với con người đó, dĩ nhiên là nói cái tên đẹp. 

Đặt tên con cái là Kiệt là Dũng cũng vì cha mẹ muốn cho con được dũng, được kiệt. Nhưng muốn chưa đủ, phải dạy cho nó trở thành người hào hùng. Con gái cũng vậy, đặt tên Hạnh tên Trinh, nhưng phải dạy cho nó đúng như cái tên mình muốn. Sống đúng với cái tên đẹp của mình là khá lắm rồi, chính danh là vậy. Trong Nho giáo có câu chuyện, có người hỏi Khổng Tử: Thiên hạ đại loạn, làm sao trị an thiên hạ trong khi từ mỗi cá nhân cho đến gia đình, xã hội quốc gia, đủ thứ vấn đề? Khổng Tử trả lời rất đơn giản: Quân quân, phụ phụ, thần thần. Được gọi là vua phải làm trọn phận vua, xứng đáng chữ vua. Người cha trong nhà phải đáng mặt người cha. Thần thần nghĩa là bề tôi phải sống xứng đáng chức danh của mình. Mỗi người trong xã hội chỉ cần sống làm tròn trách nhiệm chức danh của mình, người nào lo việc nấy thì xã hội sẽ yên. 

Một tu sĩ hay một tăng ni, một cư sĩ, một thầy giáo, học sinh, làm tròn trách nhiệm của mình là xã hội được nhờ rồi. Nội dung bài kinh này là như vậy. Đức Phật nói: Ông có cái tên là Bất Hại, hãy sống làm sao đừng làm phiền người khác. Chữ “làm phiền” trong kinh này nghĩa rất là sâu.

Sống vô hại

Sống vô hại nghĩa là Thân vô hại, khẩu vô hại và ý vô hại. 

Thân vô hại nghĩa là tay chân của mình không làm gì phương hại đến người khác. Người không biết đạo thì cứ nghĩ cướp của đốt nhà giết người thì mới hại người ta, nghĩa không sai nhưng rất là yếu. Chỉ một cái nhìn của mình, một nụ cười, liếc mắt của mình cũng có thể làm người khác tổn thương chớ không cần phải ra tay ra chân. Người sống bằng tâm hồn vô hại thật sự thì không làm chuyện lớn chuyện nhỏ nào làm thương tổn người khác dù ít dù nhiều. 

Khẩu vô hại là chỉ một câu nói làm cho người khác bị sốc, bị sợ, giận, buồn, khó chịu thì cũng không nói. Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người ta. Không cần người ta phải chửi mình chỉ cần người ta nói móc, nói cạnh khóe xa gần là mình đã khó chịu. Đối với người khác cũng vậy, một câu nói làm cho người khác khó chịu, sợ hãi tức giận ghen tuông v.v… tránh được càng nhiều càng tốt, bởi tâm hồn mình làm sao mình mới nói ra như vậy. 

Ý vô hại nghĩa là dù thân và khẩu mình không làm gì hại người khác nhưng trong lòng mình thỉnh thoảng có những suy nghĩ bực mình. Trong kinh nói rõ, kẻ hờn giận bực mình người khác đầu tiên là tự đốt cháy mình, giống như mình tung bụi ngược gió. VN có câu “ngậm máu phun người dơ miệng mình”, đối phương chưa biết gì nhưng tự mình làm khổ mình trước rồi. Tây Phương có câu hay lắm:  Mỗi một phút giận là đang hoang phí sáu mươi giây hạnh phúc. Ngày trước tôi đọc câu này tôi khó chịu, sau ngó lại thì đúng như vậy. Một giây mình sống bằng tâm bất thiện cũng đã là đau khổ, một phút mình sống bằng tâm bất thiện thì mình mất 60 giây hạnh phúc. 

Đó là lý do vì sao Đức Phật dạy mình sống vô hại. Sống vô hại nghĩa là không nghĩ ngợi, hành động, nói năng điều gì làm thương tổn, phương hại đến lợi ích của mình và của người khác

BỆN TÓC (Jaṭāsutta)

Bài kinh này đã học rồi. Ông Bà-la-môn Jatabhāradvāja đến gặp Đức Phật. 

Jaṭā = jatila: người có đầu tóc dài quấn lại thành cuộn lớn trên đầu như một số tín đồ Hòa Hảo hay Cao Đài ở VN ta. Dĩ nhiên cách cuộn hơi khác một chút, nhìn hình trên internet thấy khác một chút nhưng đại khái như vậy. 

Câu kệ mà ông Jatabhāradvāja hỏi: Bạch Thế Tôn, ở đời này ai cũng sống trong những ràng buộc, con hỏi ngài làm sao mình tháo gỡ được? Đây là một câu hỏi rất hay, nếu tôi gặp được Đức Phật, đây cũng là một trong những câu hỏi mà tôi sẽ hỏi; hoặc câu “con bỏ cái gì con thêm cái gì mà con được an lạc, con bớt đau khổ”, đó là những câu quan trọng. 

Đức Phật trả lời vắn tắt, chúng ta đã học ở chương đầu: Người có trí là người biết và tin hai vấn đề: tam tướng và nhân quả. Người biết và tin hai vấn đề này sẽ lấy chúng để làm nền tảng tu tập tam học: giới, định, tuệ. 

Giới là thân không làm điều quấy, khẩu không nói điều quấy. 

Định: tâm an trụ vào một trong 40 đề mục không để bị lăng xăng, giống như ngọn lửa để thoải mái thì ánh sáng và sức nóng phân tán, nếu tập trung lại thì sẽ sáng hơn, nóng hơn. Tâm mình cũng vậy, tu thiền Chỉ là gom tâm vào đề mục: niệm Phật, niệm hơi thở, niệm đất, nước lửa gió, xanh vàng đỏ trắng v.v… Người không tu nghe cái này buồn ngủ hoặc mơ hồ về tác dụng lợi ích của nó, họ sẽ hỏi, tu mà tập trung tư tưởng làm chi. Một học trò giỏi là học trò có khả năng tập trung tư tưởng, không ai trên đời này làm được việc lớn mà không có khả năng tập trung tư tưởng. Đầu óc phân tán lăng xăng thì không làm được việc gì hết. Chuyện đơn giản nhất là xắt củ hành, chanh, ớt mà đầu óc lãng đãng là đã đứt tay, nói chi việc quan trọng hơn chi li hơn như lái xe, đi đứng ngoài đường. Làm gì cũng phải cần có khả năng định tâm tập trung vào việc đang làm. 

Tuệ là biết rõ bản chất của mình và của thế giới này là gì, biết rõ sự vận hành của nó ra sao, biết thân này gồm 6 đại: đất, nước, lửa, gió, hư không và thức, thiện ác, buồn vui. Thiện là nhân của vui, ác là nhân của khổ. Khi vui thì biết đây là quả của thiện quá khứ, khi bực bội thì hiểu ngầm đây là quả của ác quá khứ, khi nào thấy tâm bất thiện thì biết đây là nhân của khổ tương lai, biết tâm mình có lành thiện thì biết đây là nhân của vui tương lai. Hãy nhớ câu thần chú:  Thiện đời này là nhân của vui đời sau, vui đời này là quả của thiện đời trước, khổ đời này là quả của ác đời trước, ác đời này là nhân của khổ đời sau. 

Trong toàn bộ thân tâm mình chỉ có bốn thứ: thiện, ác, buồn, vui. Còn về hoạt động thì làm cái gì biết rõ cái đó, pháp môn thiền quán vắn tắt chỉ có nhiêu đó thôi. Buổi sáng thò chân xuống giường, biết chân chạm đất, đi vô nhà tắm đánh răng súc miệng, biết; tay cầm bàn chải cầm cái khăn, biết. Thực hành được như vậy đời sống các vị sẽ an lạc hơn và cái an lạc này hoàn toàn không thể chia sẻ cho người khác được. Người có trí là người biết được tin được lý nhân quả và lý Tam tướng, lấy đó để tu tập Tam học; người như vậy thì ràng buộc nào tháo cũng ra, đủ duyên thì thành Thánh tháo ngay đời này, vô duyên thiếu phước thì cũng là gieo duyên giác ngộ cho đời sau; chuyện quan trọng là phải nhớ Tam tướng và nhân quả, đây chính là nội dung của bài kinh này.

SUDDHIKA (Suddhikasutta)

Bài kinh này bà con tự coi cũng được. Thời gian trước, buổi đầu của lớp Tương Ưng Bộ, tôi giải thích từng chữ từng chữ, sau đó tôi nghe phản ảnh là số người bận tâm đến từng chữ đó không nhiều, muốn giới thiệu cho người quen mà họ nghe không nổi, vô nghe toàn là ngôn ngữ học, bây giờ tôi chỉ lấy nội dung kinh thôi, vì số người nghe trong room trực tiếp không nhiều, còn người quen của họ nghe lại thì nhức đầu.

Ở đây chúng ta thấy chữ ‘manta’ có nghĩa là ‘chú thuật’, nghĩa đen là ‘thầm thì’, ‘lâm râm’ (bùa chú). Hai người nói với nhau chuyện gì đó mà với âm lượng vừa đủ cho họ nghe không cho người khác nghe gọi là manta. Vô chánh điện hay chỗ thờ phượng nghe người ta khấn nguyện gì đó mà mình nghe không rõ cũng gọi là manta. Từ thầm thì lâm râm, manta còn có nghĩa là ‘bùa chú’, ‘chú thuật, ‘bộ trưởng’, ‘thượng thư’, (ngày xưa gọi là ‘thượng thư’, giờ gọi là ‘bộ trưởng’). Ngày xưa trước mặt vua không ai nói lớn, muốn bàn thảo gì trước khi nói lớn cho vua nghe thì họ chỉ nói nhỏ với nhau. Ngày xưa vua thì muốn chém ai thì chém vì vậy trước mặt vua các quan bàn bạc với nhau phải nói nhỏ nhỏ, do vậy gọi là ‘manta’.

Đức Phật dạy, dù có tụng đọc bùa chú gì đi nữa, dù có sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn chính thống nhưng nội tâm bất tịnh, lừa dối thiên hạ thì cũng không được gọi là Bà-la-môn. Trong khi đó nếu mình xuất thân tầm thường, không gia thế nhưng một khi là vị Sa-môn chuyên tâm tu học, tinh tấn dũng mãnh thì vẫn xứng đáng với danh xưng Bà-la-môn. Một bài kinh khác Đức Phật dạy, xuất thân của một người không quan trọng bằng lý tưởng sống và kiểu sống hiện tại của người đó. Lý tưởng sống nghĩa là khi họ khoác áo cạo đầu họ nhắm tới cái gì, kiểu sống là giờ họ đang làm gì, đang sống ra làm sao. Đức Phật ví giống ngọn lửa cháy từ khúc gỗ loại gì không quan trọng, miễn là hễ nó cháy được thì ngọn lửa luôn giống nhau dù lửa đốt từ cây trầm hương hay cây mít, cây xoài. 

Nội dung bài kinh này là như vậy. Tây cũng có câu tương tự: Chiếc áo không làm nên thầy tu. Nghĩa là phẩm chất của một tu sĩ không phải được quyết định từ điều kiện bên ngoài mà chính từ nội hàm của vị đó. Những bác sĩ được đào tạo có bài bản trường lớp bằng cấp giống nhau nhưng tâm hồn của họ khác nhau, có người đáng gọi là lương y, có người thì chỉ đáng được gọi là thầy thuốc thôi. Lương y là người tốt bụng, có thiện tâm đối với bệnh nhân. Còn người nào nghĩ làm nghề bác sĩ nhiều tiền nên ráng đi học để lấy mảnh bằng thì đó chỉ là thầy thuốc hoặc bác sĩ thôi chớ chưa hẳn là lương y. Tu thì cạo đầu đắp áo gọi là thầy chùa, tăng ni, nhưng được gọi là chơn tăng thì không phải dễ.

AGGIKA – THỜ LỬA (Aggikasutta)

Bài kinh này nội dung hệt như vậy. ‘Aggi’: ‘lửa’. ‘Aggika’: ‘người thờ lửa’. Hôm nay ở Iran và tại bang nào đó ở Hoa Kỳ có hố ga thiên nhiên cháy hàng ngàn năm. Ở Iran có đạo Bái Hỏa Giáo, họ thờ lửa. Đạo này là gốc của Minh Giáo trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Ngày xưa có những người thờ con bò, chó, con trâu, con heo, đất đá, cây cỏ… nhưng cũng có người thờ lửa. Lửa có cái đặc biệt:

– Chỉ nhìn thấy nhưng tay không thể sờ chạm nắm bắt.

– Ngọn lửa là thứ vật chất sạch sẽ nhất trên trái đất này, nước có thể dơ chứ ngọn lửa thì không, họ hiểu như vậy.

– Lửa là hình ảnh gần gũi nhất với cái gọi là siêu hình. Siêu hình mà không thấy thì quá trừu tượng. Lửa là thứ vật chất gần với siêu hình nhất, chỉ thấy mà không sờ chạm nắm bắt được. Người ta tin đó là hình thức hiện hữu gần gũi nhất của thần thánh.

Những người thờ lửa, họ cứ châm dầu mãi, hết thế hệ này đến thế hệ khác không cho ngọn lửa tắt. Hôm nay chúng ta biết Phật pháp, không chịu học, không chịu hành trì suy tư, không thấm thía Phật pháp, mai nay sinh ra sa đọa không nói gì, mà mang thân người, gặp đạo gì cũng theo được hết, đã không đi nhanh mà còn phí thời gian nữa. Có một chuyện đáng buồn, có nhiều Phật tử tôi quen, khi quan sát họ tôi thấy nếu tăng ni mà dạy tầm bậy tầm bạ họ cũng không biết, dạy cái gì họ cũng nghe, ngay cả bây giờ có internet có đủ điều kiện tra cứu mà họ cứ nhắm mắt nghe. 

Aggika Bhāradvāja nói lên bài kệ với Đức Phật:

“Vị đầy đủ ba minh,
Thiện sanh và nghe nhiều,
Minh hạnh được trọn vẹn,
Hãy thọ món ăn này!”

‘Vijja’:‘Ba minh’ở đây ám chỉ cho ba cuốn Veda (Rig Veda, Atharvaveda, Yajurveda) của Bà-la-môn giáo. “Đầy đủ ba minh” tức là thông suốt giáo lý Bà-la-môn, ông này biết xuất thân của Đức Phật là vua, có học hành bài bản, ông thích Ngài ở chỗ đó, ‘Thiện sanh’ ở đây ý nghĩa là gia thế dòng dõi của Ngài cao quí. ‘Nghe nhiều’ là học hỏi nhiều, kiến thức rộng. Ông Aggika Bhāradvāja này biết Đức Phật là dòng dõi vua chúa, kiến thức rộng, nên đem thức ăn cúng cho ngài. Ngài nói với ông ta rằng giá trị con người không phải nằm ở chỗ họ biết cái gì, xuất thân ra sao, đọc tụng bùa chú gì, mà quan trọng là họ sống như thế nào, lý tưởng sống của họ ra sao. 

Nếu một mình mình không có đạo tràng, không có người giảng thì mình đâu có siêng đọc những kinh này, cũng đâu có dành thì giờ để suy tư những điều này. Nhờ những lớp học như thế này mình có dịp nhìn lại nhiều vấn đề mà lẽ ra mình đã bỏ lơ. Những bài kinh này tuy trùng nhưng nhấn mạnh một điều: Giá trị của một người nằm ở lý tưởng sống và kiểu sống của họ. 

Mỗi một ngày mình nhìn xem mình sống ra sao, không cần phải tu sĩ mới suy xét, cư sĩ cũng phải xem mình sống ra sao, có phải mình sống như cái máy hay không, ăn rồi đi làm, đi làm về lấy tiền ăn. Đi làm để có tiền, tiền để sống, sống để đi làm… Sống đây là có cái nhà, có mấy bữa ăn, cứ lòng vòng nhiêu đó suốt cuộc đời, đến lúc về hưu, con cái lớn hết, mỗi đứa một phương, còn hai vợ chồng nếu chưa rã thì còn hai người sống với nhau trong căn nhà, nhà chờ cũ, mình chờ chết. Rồi lúc nào đó một trong hai người ra đi trước, người còn lại thì một là con cái thương thì đưa về chăm sóc, còn không thì đưa vô nhà già. Không gì phũ phàng bằng cái đó, hồi đó mình nhà cao cửa rộng bây giờ thì ở trong phòng như ở tù, mỗi ngày nhìn ra cửa sổ, mắt kèm hèm không thấy đường, chỉ nghe tiếng xe chạy, tiếng gió thổi lao xao. Ai tới thăm thì mừng, đó là chưa lẫn, còn lẫn rồi tệ hơn nữa, đầu không nhớ gì như con nít, cơ thể thì đau nhức mỏi chỗ này chỗ nọ. 

Lúc ngài Hộ Giác còn sống, tôi ở gần ngài mấy năm thỉnh thoảng sáng chiều gặp ngài hỏi ngài có cần cạo gió xoa bóp gì không, ngài lúc nào cũng nói là khỏe lắm. Suốt mấy năm trời ngài chưa bao giờ cần tôi cạo gió. Vậy mà những năm cuối đời, lúc tôi ở Florida về thăm ngài, ngồi chút xíu, ngài nói không giấu diếm: “Giác Nguyên, bóp giùm thầy chỗ này, đau quá”. Ở gần ngài mới là biết ngài không bao giờ muốn làm phiền người khác vậy mà ngài nhờ bóp giùm vì ngài đau. Rồi ngài lấy hai bàn tay diễn tả: hãy tưởng tượng đây là khớp, ngày còn trẻ còn có dịch nhờn, giờ khô queo rồi, hai khớp cọ vào nhau làm sao chịu nổi. Không cần bệnh gì hết, chỉ cần đầu khớp xương bị khô mà cọ vào nhau thì đau tới óc rồi. 

Vì vậy phải để ý mình sống như thế nào, ngày đó cũng sắp tới rồi. Có nhiều bữa tôi hứa vào giảng, tôi thức khuya nên tôi buồn ngủ quá sức, chỉ cần bóc cái máy lên gởi mấy chữ “hôm nay bị bịnh” là ngủ thêm một tiếng nữa, nhưng giờ tôi có một cách chữa rất là hay, nghĩ đến cái chết là tỉnh liền. Càng về sau này tôi càng lúc càng thấm thía niệm cái sự chết. Nếu niệm Phật không xong là niệm sự chết. Ai chửi mình, mình cũng niệm sự chết, phải tập! Sẽ có một ngày chỉ cần nghe thấy chữ ‘chết’ là mọi cơn giận, thích thú đam mê nào cũng lắng xuống hết. Chữ ‘chết’ thật sự làm cho tôi sốc. Càng lớn tuổi chữ ‘chết’ có tác dụng ghê gớm. Niệm ‘chết’ là cỡ nào đi nữa cũng lắng xuống hết.

Ở đây có một người hỏi tôi rủi không chết êm ái mà ngất ngư mấy năm thì phải làm sao. Tôi chỉ có hai câu trả lời thôi:

1. Bản thân tôi nhiều năm nay, tôi thường có một lời nguyện “con không mong giàu có sung sướng tiếng tăm, chỉ mong được chết sạch, chết êm và chết tỉnh”. Tôi chỉ niệm 3 điều đó thôi, chết sạch thì đừng có bài tiết mất tự chủ hôi hám mình gớm mà người ở gần cũng gớm, chết êm là không có quằn quại giãy giụa, gào thét. Ở Houston tôi có biết một anh Phật tử bị ung thư ruột, tới gần chết thì chỉ bò lết và rống. Chết tỉnh thì đừng hôn mê nói nhảm nói mớ. Tôi từng đi thăm người bệnh lúc cuối cùng nói mê nói tầm bậy, hơn nữa còn sợ mình tiết lộ cơ mật bình sinh.

2. Hãy để tiền nghiệp và hiện nghiệp giải quyết. Tiền nghiệp là nghiệp quá khứ mình không can thiệp được, còn hiện nghiệp là ngay bây giờ mình phải có kiểu sống thiện hơn và khoa học hơn. Thiện hơn là đừng nói, đừng làm, đừng suy nghĩ những gì có cái hậu quả gây hại cho bản thân hay cho người khác. Sống khoa học là gồm 5 điều: thuốc men, ăn uống, vận động, dưỡng khí, tinh thần đàng hoàng một chút. 

Đừng sống như mình thích mà phải sống như mình cần. Thuốc men: sử dụng đúng mức, không lạm dụng, không dư không thiếu. Ăn uống: cẩn thận, không phải thích gì ăn đó; người châu Á mình toàn thích đồ độc: đồ chiên, xào, nướng. Một ký thịt nướng cháy tương đương với 200 điếu thuốc trong khả năng gây ung thư. Mì gói Thái, Nhật cũng độc không kém. Vận động: mỗi ngày phải dành thời gian đốt mỡ trong người của mình. Dưỡng khí: đừng tưởng nhà cao cửa rộng là đủ dưỡng khí, vẫn có bụi hoặc khí độc tỏa ra từ cỏ, nhà bếp, lò gas… những thức ăn thừa dính trong bếp lò mỗi lần nóng lên tỏa khí rất độc. Tinh thần: hướng thượng và lạc quan, sống thiện theo lời Phật.

SUNDARIKA (Sundarikasutta)

Trong kinh nói rằng, bối cảnh bài kinh này diễn ra vào một ngày mùa đông lạnh, Đức Thế Tôn đang ngồi thiền ngoài rừng. Trong Chú giải nói Đức Phật biết ông Sundarika có thành kiến với những người không có tóc vì vậy khi ngồi thiền Ngài lấy y trùm kín người từ trên xuống. Lẽ ra biết mình đang ở trong khu vực có người, một Sa-môn không trùm kín vậy, nhưng Ngài biết ông này không thích người không có tóc, và biết ổng có đủ cơ duyên giác ngộ, sau này đi xuất gia, nên Ngài mới làm một việc mà nếu trong kinh không nói thì mình không bao giờ biết. Sau khi cúng bái xong ông Sundarika nhìn quanh xem ai có thể ăn được đồ cúng này, bỏ thì uổng, ông nghĩ đồ cúng là đồ linh thiêng. Từ xa ông thấy Đức Phật trùm đầu, ông không thấy rằng Ngài không có tóc, khi ông lại gần, Ngài tháo y xuống, ông liền thấy khó chịu, muốn quay lui, nhưng nhìn hảo tướng của Ngài, ông suy nghĩ lại: Trong giới Bà-la-môn của mình cũng có người không có tóc vậy.

Ở Ấn độ mà không tóc cũng bị thành kiến giống như mình thấy ai đó xăm mình. Nhìn thấy người xăm mình là tôi có thành kiến, hoặc thấy người đời mà cạo đầu tôi khó chịu lắm. Bây giờ qua đây thấy Tây, người lịch sự, có ăn học, xăm mình hay cạo đầu tôi không còn ác cảm, chớ hồi ở VN tôi thành kiến với những người như: đàn bà hút thuốc, đàn ông xăm mình, hoặc không tu hành gì hết mà cạo đầu, tôi nhìn là tôi đánh giá họ thấp mặc dù tôi không phải là cao, nhưng tôi nghĩ họ là người không đàng hoàng. 

Ông Sundarika cũng là người thành kiến như vậy, nhưng sực nhớ trong những người đàng hoàng cũng có người cạo tóc. Ông hỏi xuất thân Ngài như thế nào, gia đình Ngài thuộc tầng lớp nào. Ngài không thèm nói xuất thân của mình: Đừng hỏi về vấn đề xuất xứ gia cảnh của một người, quan trọng là người đó hiện giờ đang sống bằng lý tưởng gì, hành trì ra sao, cũng giống như lửa đốt từ loại củi nào đi nữa, miễn nhen lên cháy tốt. Ông Bà-la-môn nghe thích quá đem thức ăn cúng cho ngài. 

Chúng ta biết vị tỷ kheo chỉ có một trường hợp duy nhất đó là đi khất thực người ta cúng cái gì mình nhận cái đó, chứ còn nói theo luật thì vị tỷ kheo không nhận thực phẩm nào có từ chuyện nói năng một cách trực tiếp. Mình thuyết pháp, một lúc nào đó người ta mang chai dầu viên thuốc nào đó thì không sao, còn ngay lúc đó vì câu nói của mình người ta cho mình một món ăn thì theo luật là không tốt. Hôm trước mình có học bài kinh Kokālika, ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên dặn không cho ai biết mình nhập hạ, vào ngày cuối, ngài Kokālika có nói cho Phật tử biết, ngài Xá Lợi Phất biết vật thực này do Kokālika nói mà có được nên ngài từ chối không nhận. 

Nếu thật sự xuất gia cầu giải thoát thì tất cả những gì thuộc về nhu cầu vật chất của mình chỉ là cần (chỉ nhận những gì không thể thiếu, ví dụ thuốc men, đôi dép) và đủ (không dư, cần bao nhiêu lấy bấy nhiêu chứ không để dành) mà thôi. Đối với người thật sự sợ sanh tử cầu giải thoát thì chuyện sở hữu tài sản chỉ là gánh nặng thôi, vì sống nay chết mai, tu sĩ nguyên thủy thì không dính mắc đời đời kiếp kiếp một chỗ ở nào hết, nếu mỗi lần xê dịch mà mang cả đống đồ đạc theo thì không xong rồi, ai dám chứa mình. 

Vì vậy ở đây Đức Phật trả lời:

Ta không có hưởng thọ,
Vì tụng hát kệ chú,…

…Bậc Ðại Sĩ vẹn toàn,
Cúng dường phải khác biệt.

Nghĩa là phải do niềm tin thật sự, do hiểu biết mà cúng dường, chớ không phải do người ta nói gì đó mà mình cúng. Chúng tôi có thể nói rằng, rất nhiều bài kệ trong những phẩm mình vừa học rất đáng để bà con học thuộc lòng. Thứ nhất là nội dung giáo lý rất căn bản, và thứ hai là càng về sau vô sâu những chương khác, bảy ngàn mấy trăm bài kinh, những bài kệ này được lặp lặp lại rất nhiều lần. Nếu hôm nay quí vị thuộc lòng mấy câu kệ này thì cũng như đã thuộc lòng một phần của Tam Tạng, vì những câu này được lặp đi lặp lại như công thức của giáo lý. Một trong những bí quyết của các vị học Tam Tạng ở Miến Điện là gom những câu kệ gồm những đoạn kinh giống nhau, đặt thành ký hiệu, ví dụ a14, cho bài kệ này:

Ta không có hưởng thọ,
Vì tụng hát kệ chú,
Thường pháp không phải vậy…,

Đoạn kệ này, tôi gặp không dưới ba chục lần. Rồi đoạn kệ “mỗi người sinh ra với cái búa trong miệng”, ký hiệu b42; đoạn người ta nghe pháp xong hoan hỉ nói: “Bạch Thế Tôn giống như người dựng lại những gì ngã xuống, đem ánh sáng về nơi chỗ tối…” đặt ký hiệu f23. Rồi người ta học ký hiệu vậy thôi, bộ Tam tạng gom lại còn chút xíu nên mình không biết vì sao người ta nhớ hay như vậy. Dĩ nhiên, phải nhìn nhận là một sức nhớ cũng kinh hồn lắm chớ không phải khơi khơi mà thuộc mấy ký hiệu này được đâu.

Khi Ngài không nhận, ông Bà-la-môn hỏi giờ phải làm sao, Ngài bảo đi tìm chỗ nào không có chúng sinh rồi đổ xuống đó. Trong kinh nói, Ngài biết cái gì hướng đến Đức Phật rồi thì đó là món đồ đặc biệt. Hơn nữa, những món ăn nào thí chủ nhắm đến Đức Phật thì chư thiên đã bỏ thực phẩm của họ vào trong đó. Chỉ có Đức Phật và các vị Lục thông mới có thể tiêu hóa được thức ăn chư thiên (amatarasa). Khi ông Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja nhận chìm vật cúng vào trong nước thì thấy nó sôi lên, ông hết hồn. 

Nguyên đoạn kệ bên dưới rất hay, Đức Phật nói rằng: Lửa chỉ là một hiện tượng thiên nhiên, chỉ có thể đốt cháy tiêu hủy những cái gì thuộc về vật chất bên ngoài, chớ nếu nói ngọn lửa là thanh tịnh, ngọn lửa đốt cháy những điều cấu uế dơ bẩn thì cũng chưa đủ bởi vì nó chỉ đốt cháy được cái bên ngoài mà thôi. 

Trong đây có đoạn rất thơ mộng:

Này Bà-la-môn kia,
Ta từ bỏ củi lửa,
Ta chỉ nhen nhúm lên
Ngọn lửa từ nội tâm,

Ngọn lửa thường hằng cháy,
Thường nồng cháy nhiệt tình.
Ta là bậc La-hán,
Ta sống đời Phạm hạnh.

Nghĩa là, tất cả những gì mà các ngươi cúng bái ta đã từ bỏ lâu rồi, ngọn lửa mà ta đốt lên là lửa trong nội tâm của ta, ngọn lửa thiêu hủy được tham sân si, ngọn lửa đem lại ánh sáng soi rọi cho nội tâm của ta là ngọn lửa ta thường nhen nhúm mỗi ngày trong lòng của mình. 

Những ngọn lửa ngoài đời thì chỉ để xài bên ngoài. Người tu là người đốt lửa, tu là hành trình đốt lửa, đốt để thiêu hủy những gì cần thiêu hủy, những gì bất thiện; để đem lại ánh sáng, cho mình và cho người. Lửa ở đây là sự thiêu hủy những bất tịnh và đem lại hơi ấm, ánh sáng. 

Bốn tác dụng của ngọn lửa: đun nóng, thiêu hủy, hơi ấm, ánh sáng. Tất cả những pháp thiện mình tu trong lòng của mình cũng có bốn tác dụng như vậy. Đun nóng là làm chín muồi những giá trị. Thiêu hủy là loại bỏ đi những gì bất thiện hại mình hại người. Hơi ấm là khả năng sống trong cô quạnh và độc cư, hơi ấm không để cho mình bị lẻ loi cô quạnh lạnh lẽo nữa, người không có thiện pháp e sợ phải sống một mình, người không có thiện pháp không thể an lạc với riêng mình, người không có thiện pháp không kham nổi tuổi già quạnh hiu của mình. 

Chỉ có Phật pháp mới đem lại cho mình hơi ấm. Không có ánh sáng thì mình mò mẫm đi trong bóng tối nhân gian. Chỉ có hiểu biết và niềm tin vào điều thiện mới cho mình thấy rõ đường hướng sống và hành động. Ánh sáng giúp cho mình không rơi vào hoàn cảnh “Bây giờ tôi phải làm sao đây? Bây giờ tôi phải an trú vào cái gì?”

BAHUDHITI (Bahudhītarasutta)

Có một ông Bà-la-môn dòng họ Bhāradvāja, bị mất bò, đi kiếm bò. Gặp Đức Phật, vừa thấy Ngài là ông mừng. Có một chuyện các vị bắt buộc phải nằm lòng, cho dù các vị đang nghe tôi đây có là tỷ phú hay ăn mày, già hay trẻ không cần biết, chỉ cần biết là toàn bộ vũ trụ bao la chỉ có hai thứ hạnh phúc: Hạnh phúc đến từ việc mất cái gì và được cái gì đó. Nội dung quan trọng của bài kinh này là nhắc cho mình nhớ rằng bên cạnh hạnh phúc là cái được, còn có thứ hạnh phúc là không có cái gì đó. 

Ví dụ, có hai anh chàng A và B đứng cầu nguyện trước tượng Chúa. Anh A cầu xin đánh bài thắng: Nếu trước tuổi 50 con có mười triệu là mãn nguyện rồi. Anh B thì cầu xin: Xin Chúa cho con thiếu nợ 100 đô la. Anh A ngạc nhiên hỏi vì sao lại cầu nguyện như vậy, anh B nói: Vì giờ đây tôi đang nợ 50 ngàn đô la. Với anh A, hạnh phúc đến từ việc được, còn với anh B thì hạnh phúc đến từ cái mất (mất cái nợ). 

Ở bài kinh này, ông Bahudhiti bị mất một bầy bò mười bốn con, khi đi kiếm bò, thấy Đức Phật ngồi im lặng, ông nói:

Với vị Sa-môn này
Không có mười bốn bò,
Nên không thấy sáu mươi (ajjasatthi)
Do vậy được an lạc…

Nghĩa bài kệ này là vị Sa-môn này không có bò nên không có cảm giác bị khổ tâm khi mất bò. Ông Bà-la-môn bị mất bầy bò này đã một tuần lễ rồi, hôm nay là ngày thứ bảy, trong sáu ngày qua ngày nào ông cũng đi tìm, chính vì mất của nên từng ngày trôi qua ông đều ghi nhớ rõ hết. Trong khi đó ông nhìn thấy Đức Phật an lạc, ngày tháng có trôi qua bao nhiêu Ngài không bận tâm. Một người sống an lạc như lữ khách bên bờ sông thì nước sông có trôi bao nhiêu cũng không quan trọng. 

Một bài thơ tôi rất là thích:

Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi.

Chuyện đời luôn bị cuốn phăng về phía trước, không có gì ở yên, có nấn ná thì cũng không nắm giữ được gì. Hình ảnh đẹp của một vị tu sĩ chân chánh là một lữ khách bên dòng chảy của cuộc đời, nhìn ngắm nó trôi đi mà không tưởng tiếc quá khứ, không hoài vọng tương lai. 

Ông Bà-la-môn thấy Đức Phật không bị mất tài sản nên sống được an lạc như vậy khi ngày tháng trôi đi không phải nhớ từng ngày. Gia đình có người thân mất thì các vị mới thấy, mình nhớ từng ngày, từng tuần thất thứ năm thứ bảy, những năm tháng đó ám ảnh kinh hoàng lắm. Tôi từng sống qua những ngày tháng đó tôi biết, khi mình có chuyện buồn mình ngày tháng nó lê thê lắm, mình nhớ rất rõ chuyện đó xảy ra vào thứ bảy tuần trước, bây giờ là weekend thứ nhì, thứ ba, thứ tư rồi … Khi mình sống chuyên tâm, không có gì ám ảnh, thì năm tháng không phải là vấn đề. 

Bài kệ này là ông Bà-la-môn tán thán Ngài, vì Ngài không có cái gì nên Ngài an lạc, và Ngài cũng xác nhận điều đó: Đúng. Ta không có cái gì hết nên ta được an lạc. Bài kinh này rất dài nhưng ý nghĩa thì ngắn gọn. Dầu ngắn gọn nhưng vô cùng quan trọng và vô cùng cấp thiết cho một đời sống tu tập: Hạnh phúc trong đời này đến từ một trong hai nguồn: từ chuyện được cái gì đó hoặc từ chuyện không còn cái gì đó. Thì ra cái có và cái không đều là một gương mặt của đời sống. Thường ta chạy theo cái có, nhưng quên rằng nếu bỏ bớt cái gì đó thì ta cũng an lạc hơn. 

Ở bên Thụy Sĩ tôi biết, thỉnh thoảng trong nhà áo quần nhiều quá do đi shopping, cái nào không dùng nữa họ đem biếu tặng cơ sở từ thiện. Ngay trường học người ta để cái tủ sắt to, ai có giày dép hay áo quần cũ thì đem bỏ đó để người ta đem đi cho xứ nghèo. Một xã hội như vậy rất hay, tạo điều kiện cho người ta mua sắm và cũng tạo điều kiện cho người ta buông bỏ những gì không còn muốn giữ nữa. 

Đời sống còn là một sự vay mượn, một sự luân lưu. Nhịp sống phải luôn luôn thay đổi, tài sản cũng vậy. Đồng tiền sống phải khác đồng tiền chết, đồng tiền sống là được huy động cho những kế hoạch làm ăn. Một xã hội có nhận và có cho thì đời sống mới trọn vẹn. Đời sống tinh thần cũng vậy, phải có nhận vào, có trao ra. 

Điều tôi tâm đắc ở bài kinh này là: không phải lúc nào hạnh phúc cũng đến từ cái có mà hạnh phúc còn đến từ cái không. Không phải lúc nào hạnh phúc cũng đến từ chỗ mình nắm giữ cái gì đó trong tay mà đôi khi hạnh phúc đến từ sự buông bỏ, mở rộng bàn tay ra, mở rộng cõi lòng ra. Không có gì bậy bằng thương thích một người hay một vật bằng cách siết chặt lấy nó, thân này của mình còn không giữ được huống chi là vật ngoài thân. 

Tôi nhớ hoài câu chuyện một anh Phật tử bị tai nạn xe nát mất cái chân, vào bệnh viện người ta thay cho anh ta một cái chân của một người mới chết vừa hiến xác. Đêm về anh nhìn cái chân thấy xa lạ vì chân của người khác và sợ hãi vì đó là chân của người đã chết giờ nằm trong cơ thể mình. Anh ngủ không được, chạy đi tìm sư phụ. Thiền sư hỏi: Tại sao con sợ?Anh ta nói: Cái chân này không phải của con. Sư phụ hỏi: Vậy cái còn lại có đúng là của con hay không? Anh ta trả lời: Dạ là của con. Sư phụ nói: Nếu chân kia là của con thì tại sao nó lại bỏ con mà đi, cái còn lại rồi thì cũng không chắc nó sẽ ở lại với con suốt đời đâu, vậy con sợ cái gì, con sợ cái chân kia vì nó không phải của con, nhưng thật sự toàn bộ cái thân con nó cũng không phải là của con, chỉ vì lâu nay con nghĩ nó là của con rồi cột tâm con vào nó thôi, nó có thể bỏ con đi bất cứ lúc nào. 

Vì vậy, hạnh phúc trên đời này không phải là lúc nào cũng khư khư nắm giữ, mà quan trọng là biết dùng cái mình có một cách đúng lúc, đúng chỗ, đúng việc. Tôi không hề kêu gọi bà con quăng bỏ mọi thứ bà con đang có trong tay, nhưng quan trọng là tôi kêu gọi bà con quăng bỏ mọi thứ trong nội tâm của mình, nghĩa là ngay từ bây giờ phải ý thức rằng cái gì thương thích nhất có thể lìa bỏ ta mà đi hoặc ta lìa bỏ nó mà đi. Đây là tâm niệm rất quan trọng cho người Phật tử. Tôi hứa câu này sẽ giúp cho các vị an lạc ghê lắm, hơn chú Lăng Nghiêm, hơn Chú Đại Bi.
__________________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.