Chuyển đến nội dung chính

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 6 - Tương Ưng Phạm Thiên (1)

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ - Chương 6 - Tương Ưng Phạm Thiên (1)

PHẦN CHÁNH KINH

[06] Chương VI Tương Ưng Phạm Thiên
I. Phẩm Thứ Nhất

I. Thỉnh Cầu (S.i. 136)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài mới thành đạo.

2) Rồi Thế Tôn, trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên:

3) "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới cảm nhận! Còn quần chúng này ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó thấy định lý này, tức là y duyên tánh duyên khởi pháp. Thật khó thấy định lý này, tức là tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được từ bỏ, ái tận, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, như vậy thật mệt mỏi cho Ta, như vậy thật bực phiền cho Ta."

4) Rồi những bài kệ vi diệu này, từ trước chưa từng được nghe, được Thế Tôn nói lên:

Pháp Ta chứng khó khăn,
Sao nay Ta nói lên?
Tham, sân chi phối ai,
Khó chứng ngộ pháp này.

Pháp này đi ngược dòng,
Vi diệu và thâm sâu,
Khó thấy, rất vi tế.
Những ai ưa ái dục,
Bị vô minh bao phủ,
Rất khó thấy pháp này.

5) Thế Tôn với suy tư như vậy, tâm hướng về thụ động, không muốn thuyết pháp.

6) Rồi Phạm thiên Sahampati biết được tâm tư Thế Tôn nhờ tâm tư của mình, liền suy nghĩ: "Thật sự thế giới bị tiêu diệt, thật sự thế giới bị diệt vong, nếu tâm Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác hướng về thụ động, không muốn thuyết pháp".

7) Rồi Phạm thiên Sahampati, như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi thẳng; cũng vậy, vị ấy biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trước mặt Thế Tôn.

8) Rồi Phạm thiên Sahampati đắp thượng y trên một bên vai, quỳ đầu gối bên phải trên mặt đất, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần sẽ bị nguy hại, nếu không được nghe Chánh pháp. Nếu được nghe những vị này có thể thâm hiểu Chánh pháp.

9) Phạm thiên Sahampati nói lên như vậy. Nói xong như vậy, vị ấy lại nói thêm như sau:

Tại xứ Magadha,
Thuở trước có hiện ra,
Tà pháp không thanh tịnh,
Do uế tâm suy diễn.

Mở cửa bất tử này,
Ðể họ được nghe pháp,
Do bậc Thánh vô uế,
Ðã chơn chánh giác ngộ.

Như đứng trên tảng đá,
Tại đỉnh một núi cao,
Ðưa mắt nhìn xung quanh,
Quần chúng dưới chân mình.

Cũng vậy, Ngài Thiện Thệ,
Leo lên lầu Chánh pháp,
Biến nhãn, không sầu muộn,
Nhìn xuống đám quần sanh

Bị ưu tư sầu khổ,
Bị sanh già áp bức.
Anh hùng, hãy đứng lên,
Bậc Chiến thắng chiến trường,

Vị Trưởng đoàn lữ khách,
Ðấng Thoát ly nợ nần,
Thế Tôn hãy thuyết pháp,
Bộ hành khắp thế gian,
Có người nhờ được nghe,
Sẽ thâm hiểu diệu nghĩa.

10) Rồi Thế Tôn biết được lời thỉnh cầu của Phạm thiên, vì lòng thương xót đối với chúng sanh, nhìn đời với Phật nhãn.

11) Thế Tôn trong khi nhìn đời với Phật nhãn, thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng lợi căn, độn căn; có hạng tánh thuận, tánh nghịch; có hạng dễ dạy, khó dạy; một số thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm của những hành động lỗi lầm.

12) Ví như trong hồ sen xanh, sen hồng hay sen trắng, có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước làm đẫm ướt. Cũng vậy, Thế Tôn trong khi với Phật nhãn nhìn quanh thế giới, thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng lợi căn, độn căn; có hạng tánh thuận, tánh nghịch; có hạng dễ dạy, khó dạy; một số thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác, và sự nguy hiểm của các hành động lỗi lầm.

13) Thấy vậy, Ngài trả lời cho Phạm thiên Sahampati với những bài kệ:

Hãy rộng mở cho họ,
Cửa trường sanh bất tử,
Hỡi những ai có tai,
Hãy giải thoát tà tín,

Ý thức sự nguy hại,
Ta sẽ có thuyết giảng
Pháp tốt đẹp vi diệu,
Giữa nhân loại, chúng sanh,
Ôi Phạm thiên Sahampati!

14) Rồi Phạm thiên Sahampati biết được: "Ta đã tạo ra cơ hội cho Thế Tôn thuyết pháp", nên đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài và biến mất tại chỗ ấy.

II. Cung Kính

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài mới thành đạo.

2) Và Thế Tôn trong khi Thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật là khó khăn, sống không có cung kính, không có vâng lời. Vậy Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn".

3) Rồi Thế Tôn, suy nghĩ: "Với mục đích làm cho đầy đủ giới uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn khác. Nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác ma và Phạm thiên, giữa các Sa-môn, giữa quần chúng loài Trời hay loài Người, không có một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác, với giới uẩn cụ túc, tốt đẹp hơn Ta mà Ta có thể cung kính, tôn trọng và sống y chỉ".

4) "Với mục đích làm cho đầy đủ định uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn khác..."

5) "Với mục đích làm cho đầy đủ tuệ uẩn chưa được đầy đủ..."

6) " Với mục đích làm cho đầy đủ giải thoát uẩn chưa được đầy đủ..."

7) "Với mục đích làm cho đầy đủ giải thoát tri kiến uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn khác. Nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác ma và Phạm thiên, giữa quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, giữa loài Trời hay loài Người, không có một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác, với giải thoát tri kiến uẩn tốt đẹp hơn Ta mà Ta có thể cung kính, tôn trọng và sống y chỉ".

8) "Với pháp này, Ta đã chánh đẳng giác, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ pháp này".

9) Rồi Phạm thiên Sahampati với tâm tư của mình biết được tâm tư của Thế Tôn, như một nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, vị ấy biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trước mặt Thế Tôn.

10) Rồi Phạm thiên Sahamapati đắp thượng y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

11) -- Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, trong thời quá khứ, các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, chư Thế Tôn ấy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào (Chánh) pháp. Bạch Thế Tôn, trong thời vị lai, các vị ấy sẽ thành A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, chư Thế Tôn ấy sẽ cung kính, tôn trọng và sẽ sống y chỉ vào (Chánh) pháp. Bạch Thế Tôn, mong rằng trong thời hiện tại, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác cũng cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào (Chánh) pháp.

12) Phạm thiên Sahampati nói như vậy, sau khi nói như vậy, lại nói thêm như sau:

Chư Phật thời quá khứ,
Chư Phật thời vị lai,
Và đức Phật hiện tại,
Ðoạn sầu muộn nhiều người.

Tất cả các vị ấy,
Ðã, đang và sẽ sống,
Cung kính và tôn trọng,
Pháp chơn chánh vi diệu,

Pháp nhĩ là như vậy,
Ðối với chư Phật-đà.
Do vậy, muốn lợi ích,
Ước vọng làm Ðại nhân,

Hãy cung kính, tôn trọng
Pháp chơn chánh vi diệu,
Hãy ghi nhớ giáo pháp,
Chư Phật Chánh Ðẳng Giác.

III. Phạm Thiên

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ con một nữ Bà-la-môn, tên là Brahmadeva đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình với Thế Tôn.

3) Rồi Tôn giả Brahmadeva sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh. Vị ấy ngay hiện tại với thắng trí tự mình chứng đắc, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Và Tôn giả Brahmadeva trở thành một vị A-la-hán.

4) Rồi Tôn giả Brahmadeva vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Trong khi bộ hành thứ lớp khất thực ở Sàvatthi, Tôn giả Brahmadeva đi đến nhà người mẹ của mình.

5) Lúc bấy giờ, nữ Bà-la-môn, mẹ Tôn giả Brahmadeva, thường làm lễ cúng dường Phạm thiên.

6) Rồi Phạm thiên Sahampati suy nghĩ: "Nữ Bà-la-môn mẹ Tôn giả Brahmadeva này, thường làm lễ cúng dường Phạm thiên. Vậy ta hãy đến bà ấy và làm cho bà chấn động".

7) Rồi Phạm thiên Sahampati, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Phạm thiên biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trong nhà mẹ Tôn giả Brahmadeva.

8) Rồi Phạm thiên Sahampati đứng giữa hư không, nói lên bài kệ này với nữ Bà-la-môn mẹ Tôn giả Brahmadeva:

Ôi! Nữ Bà-la-môn,
Phạm thiên giới rất xa,
Chính Bà thường cúng dường,
Cho chính Phạm thiên ấy,
Món cúng dường như vậy,
Không món ăn Phạm thiên.

Người bập bẹ làm gì,
Chưa biết Phạm thiên đạo.
Này nữ Bà-la-môn,
Brahmadeva này

Là con trai của bà,
Ngài đoạn mọi sanh y,
Chứng pháp siêu Thiên giới,
Khất sĩ, không sở hữu,
Không nuôi dưỡng một ai.

Vị ấy nay đã đến,
Nhà Bà để khất thực,
Xứng đáng được cúng dường,
Thâm hiểu các Thánh điển,
Các căn khéo tu tập,
Nhơn, Thiên xứng cúng dường.

Vất ngoài mọi tà ác,
Thoát ly mọi nhiễm ô.
Ngài đi, tìm độ thực,
Lắng dịu mọi ưu phiền,
Về sau ngài không có,
Về trước, ngài cũng không.

Vắng lặng, không mù quáng,
Não phiền, không đắm say.
Ngài bỏ rơi gậy gộc,
Ðối kẻ yếu, người mạnh.

Mong ngài được thọ hưởng,
Món thượng vị Bà dâng,
Không bị ác quân phá,
Tâm tư thuần lắng dịu.

Như voi thuần, ngài đi,
Thoát ly mọi ái dục.
Vị Tỷ-kheo trì giới,
Tâm tư khéo giải thoát,
Hãy mời ngài thọ hưởng
Thượng vị Bà cúng dường.

Bà hãy dâng cúng dường.
Lên ngài, Bà tin tưởng,
Với lòng tin bất động,
Xứng đáng Bà cúng dường.

Hãy làm điều phước đức,
Dành an lạc đời sau.
Này nữ Bà-la-môn,
Nay Bà đã thấy Ngài.
Bậc Thánh nhân ẩn sĩ,
Bậc vượt khỏi bộc lưu.

9)

Bà hãy dâng cúng dường
Lên ngài, Bà tin tưởng,
Với lòng tin bất động,
Xứng đáng Bà cúng dường.

Bà đã làm công đức,
Dành an lạc đời sau,
Này Nữ Bà-la-môn,
Nay bà đã thấy ngài,
Bậc Thánh nhân ẩn sĩ,
Bậc vượt khỏi bộc lưu.

IV. Phạm Thiên Baka (S.i.142)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ, Phạm thiên Baka khởi lên ác tà kiến như sau: "Ðây là thường. Ðây là thường hằng. Ðây là thường trú. Ðây là viên mãn. Ðây là bất động. Ðây là không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi. Và ở ngoài đây ra, không có một sự giải thoát nào khác".

3) Rồi Thế Tôn, với tâm tư của mình, biết được tâm tư của Phạm thiên Baka. Như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Ngài biến mất ở Jetavana (Thắng Lâm) và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy.

4) Phạm Thiên Baka thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền bạch Thế Tôn:

-- Hãy đến đây, Tôn giả ! Ðón chào mừng Tôn giả! Thưa Tôn giả, đã từ lâu Tôn giả tạo ra cơ hội này, tức là đến đây. Thưa Tôn giả, đây là thường. Ðây là thường hằng. Ðây là thường trú. Ðây là viên mãn. Ðây là bất động. Ðây là không có sanh, không có già, không có chết, không có diệt, không có khởi. Ngoài đây ra, không có một pháp giải thoát nào khác hơn.

5) Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Phạm thiên Baka:

-- Ông thật là vô minh, này Phạm thiên Baka! Ông thật là vô minh, này Phạm thiên Baka! Ở đây, cái vô thường lại nói là thường. Cái không thường hằng lại nói là thường hằng. Cái không thường trú lại nói là thường trú. Cái không viên mãn lại nói là viên mãn. Cái không bất động lại nói là bất động. Và ở đây có sanh, có già, có chết, có diệt, có khởi, lại nói ở đây không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi. Và có pháp giải thoát khác nữa, lại nói là không có pháp giải thoát nào khác.

6) (Baka):

Này Ngài Gotama,
Bảy hai công đức nghiệp,
Chúng ta ngự thế giới,
Chinh phục sanh và già,

Ðây đời sống cuối cùng,
Thâm hiểu Thánh Vệ-đà,
Ðạt được Phạm thiên vị,
Nhiều người lễ bái ta.

7) (Thế Tôn):

Ngắn thay đời sống này,
Thọ mạng đâu có dài,
Chỉ có Ông, Baka,
Nghĩ rằng thọ mạng dài,

Ta biết thọ mạng Ông,
Này Brahma như vậy,
Khoảng trăm ngàn năm dư,
(Nirabbudànam).

8) (Baka):

Nếu Ngài là Thế Tôn,
Thấy được sự bất tận,
Ngài vượt qua, chinh phục,
Sanh già và sầu muộn,

Giới hạnh thuở xưa ấy,
Nào ích gì cho con,
Hãy nói lên cho con,
Ðể con biết rõ ràng.

9) (Thế Tôn):

Có khá đông nhiều người,
Khát nước và nhiệt não,
Quá khứ Ông cho uống,
Và cứu độ nhiều người.

Chính giới ấy, hạnh ấy
Của Ông trong thời xưa,
Như kẻ ngủ được thức
Ta có nhớ như vậy.

Tại bờ sông Sơn Dương,
Khi quần chúng bị bắt,
Ông giải thoát cho họ,
Ông dắt trốn kẻ tù.

Chính giới ấy, hạnh ấy,
Của Ông trong thời xưa,
Như kẻ ngủ được thức,
Ta có nhớ như vậy.

Khi giữa dòng sông Hằng,
Có thuyền bị công hãm,
Bởi loại rắn bạo ngược
Muốn nuốt sống loài Người,

Với sức mạnh thần lực,
Ông chinh phục, giải cứu,
Chính giới ấy, hạnh ấy,
Của ông trong thời xưa,

Như kẻ ngủ được thức,
Ta có nhớ như vậy.
Ta với tên Kappa,
Một thời đệ tử Ông,

Ta được Ông xác nhận,
Bậc thông minh trí tuệ,
Chính giới ấy, hạnh ấy,
Của Ông trong thời xưa,
Như kẻ ngủ được thức,
Ta có nhớ như vậy.

10) (Baka):

Chắc chắn Ngài được biết,
Thọ sanh con như vậy,
Ngài cũng biết người khác,
Vì Ngài, bậc Giác Ngộ.

Như vậy oai đức Ngài,
Chói sáng là như vậy,
Hào quang Ngài sáng chói,
An trú Phạm thiên giới.

PHẦN GIẢNG GIẢI
CỦA SƯ GIÁC NGUYÊN (TOẠI KHANH)

Chương 6: Tương Ưng Phạm Thiên

THỈNH CẦU (Brahmāyācanasutta)

Sáng nay mình học chương Phạm Thiên, chương này có nhiều chuyện để nói nên chắc có lẽ là học không nhiều kinh như mấy bữa trước, chỉ học vài bài thôi. 

Bài đầu tiên là bài Thỉnh Cầu, theo ý của tôi là chữ ‘Brahmāyācana’ dịch là ‘Phạm Thiên cầu pháp’ hoặc ‘Phạm Thiên thỉnh pháp’. (‘Yācana’: ‘yêu cầu’. ‘Brahmā’: ‘Phạm thiên’). Trong đây ghi rõ, chư Phật ba đời ngay sau khi thành Phật, vị nào cũng có suy nghĩ giống nhau là không muốn đi hoằng pháp, với một lý do là trong một thời gian (nói theo mình bây giờ) vài giây đồng hồ, cái pháp mình chứng ngộ rất là khó thấy, khó đắc, giờ đem nói cho người khác nghe giống như là chuyện hoài công. 

Hôm nay có nhiều người trong chúng ta cứ tưởng là mình biết được chút ít Phật pháp rồi nói Phật pháp dễ, thật ra cứ tưởng tượng thiên hạ ai cũng thích hưởng thụ, ai cũng thích thu gom, ai cũng thích sở hữu, giờ mình nói ngược lại kêu người ta buông bỏ hết, đừng thích cái này cái kia, đừng bất mãn ghét sợ này nọ, kêu người ta từ bỏ sở hữu, sống theo kiểu tri túc tùy duyên không tầm cầu ước vọng, không mong đợi gì ở đời sống hết, chỉ nghe mấy chữ đó là thấy ớn rồi, đi hoằng pháp nói những chuyện đó là đi ngược dòng đời, nghe là đã thấy khó rồi. 

Thí dụ như đối với Phật tử ngày nay, Phật tử lâu năm thứ thiệt hay thứ dỏm dỏm cũng phải thấy một điểm giống nhau đó là nếu một tháng mình kiếm được 10 ngàn hay 20 ngàn đô la là thấy quá hay quá giỏi, rồi tự nhiên thấy mình quá bận rộn, đời sống có nhiều chuyện để làm, quá nhiều cái để đam mê, bỗng có ai đó kêu mình mỗi tháng thọ bát quan trai tám ngày, dành thời giờ để thiền định nghe pháp, suy tư, kinh điển, tôi nghĩ chuyện này rất là khó, khó ghê lắm, không phải dễ đâu, dù đây không phải là chuyện ghê gớm, chỉ là mỗi tháng tám ngày bát quan, dành thời giờ thiền định, đọc sách kinh điển. Mỗi tháng mà mình có thể thu nhập 10 ngàn 20 ngàn đô la nghĩa là xong rồi đó, khỏi tu hành gì hết, chuyện già chuyện bịnh chuyện chết là chuyện xa vời, nói chi là những vị Trời, họ sống hàng mấy chục triệu năm, mấy trăm triệu năm, mấy tỷ năm, sống cả một hai đại kiếp trái đất, làm sao họ tu nổi. Khó lắm. 

Trên đời này có bốn hạng người: Hạng biết quá nhiều nên thấy chuyện gì cũng dễ. Hạng biết quá nhiều nên thấy chuyện gì cũng khó. Hạng không biết gì hết nên nhìn đâu cũng thấy dễ dàng, hạng không biết gì hết nhìn đâu cũng khó khăn. Bốn hạng này đều trật lất hết. Dù biết nhiều hay biết ít chỉ cần cho rằng cái gì cũng dễ là sai. Dù biết nhiều hay biết ít mà cái gì cũng nói là khó, là sai, phải nhìn nhận là có chuyện khó có chuyện dễ, miễn là đủ duyên. Trong suy nghĩ thoáng qua, Đức Phật nghĩ chuyện pháp của Ngài đắc chứng rất là khó. Không khó sao được, tu mấy chục a-tăng-kỳ mà sao không khó. 

Lúc đó một vị Phạm thiên thỉnh ngài hoằng pháp. Thỉnh Ngài phải là Phạm Thiên. Theo Chú giải, Phạm Thiên là chúng sinh cao cấp nhất trong Tam giới, chúng sanh Vô Sắc thì không nói, không có hình tướng, chúng sanh Vô Tưởng thì không có tâm, cuối cùng còn lại Phạm Thiên hữu tâm. Những Phạm Thiên hữu tâm là những chúng sanh cao cấp nhất trong Tam giới, họ thỉnh Ngài mới đúng tầm của Ngài, và những loài khác biết được thì mới thấy pháp là đáng quí đáng kính, người được thỉnh phải là vị Phật. 

Các vị hãy thử tưởng tượng hôm nay một vị sư có người đệ tử là Tổng thư ký LHQ hay là Tổng thống Mỹ hay tối thiểu cũng là một ông tỷ phú nào đó cỡ như là Bill Gate hay Warren Buffett mới linh, chứ còn một ông thầy không chùa miểu, không bằng cấp, mà đệ tử không tiếng tăm thì ông ấy khó ăn nói lắm. Hôm nay đệ tử của HT Nhất Hạnh là kỹ sư, bác sĩ, luật sư… một rừng, cho nên khi đạt đến mức độ như bây giờ HT đi hoằng pháp rất dễ. 

Nhưng có một điều ngậm ngùi là ở ngoài đời hay trong đạo, khi người ta lên tới đỉnh rồi thì đã đến lúc người ta phải buông hết mà đi như HT Hộ Giác, HT Khánh Anh, HT Minh Tâm, HT Nhất Hạnh, trong nước thì có HT Thanh Tứ, HT Thanh Từ. Khi đã đến mức danh lợi như ý thì cũng đã đến lúc giũ áo mà đi. Trong một bài viết của tôi có nói rằng mùi thơm của trái cây chín là mùi tử khí của nó. Con người cũng vậy, danh lợi quyền lực tiền bạc của mình càng nhiều thì những thứ đó chính là mùi tử khí của mình. Trái mít, sầu riêng, xoài, ổi mà thơm nghĩa là nó gần đi về đất rồi. Thức ăn cũng vậy, khi đang nấu mà nghe mùi thơm muốn ăn là sắp chín và cũng là sắp chia tay trần thế này rồi. Danh lợi của một người chính là mùi tử khí của họ, mùi càng nhiều thì đi càng lẹ.

Phạm Thiên thỉnh Phật lý do là vậy, tất cả chư Phật trong ba đời quá khứ vị lai đều như vậy hết, thuyết pháp là đều phải có người mời thỉnh đàng hoàng chớ không tự đi. Vị Phạm Thiên này tên là Sahampati. Đời Phật Ca Diếp, Sahampati vốn là một vị tỷ kheo tên là Sahaka chuyên tu thiền định, chứng được A-na-hàm và chứng được sơ thiền, bạn thân của tỷ kheo Jotipāla (Bồ tát Thích Ca). 

Tất cả chư Phật sau khi thành đạo đều bỏ ra bảy tuần lễ để thiền định và suy tư về giáo pháp mà mình đã chứng đắc và sau này mình sẽ thuyết giảng. Suốt bảy tuần đó các Ngài không ăn uống gì hết, Đức Phật Thích Ca cũng vậy, đây chính là điểm đặc biệt của các Ngài. Với một cơ thể thông thường của mình bảy tuần lễ mà không ăn thì chịu không nổi, trong khi chư Phật thì không sao. Đức Thế Tôn của chúng ta sau bảy tuần lễ không ăn thì được trời Đế Thích xuống cúng dường cho Ngài một loại trái tên là Osadhaharītaka. 

Sẵn đây tôi cũng nói luôn, trừ những loại trái quá là phổ biến ai cũng biết thí dụ như amba (xoài), kadali (chuối), kolira (dừa) thì nên dịch, còn những loại thú, trái, chim, hoa quá đặc dị chỉ có thời xưa, nói ra cũng không ai biết, mà mỗi quyển tự điển dịch một cách, tôi nghĩ trường hợp đó không nên dịch. Khi mình ráng tìm chữ để dịch thì có cái lợi để người ta hình dung, chứ để tên một trái lạ hoắc thì người ta mơ hồ, nhưng trong trường hợp đó thà mơ hồ tốt hơn, mình dịch không đúng trái đó thì dễ làm người ta hiểu sai vấn đề. 

Ví dụ như có vị ráng dịch chữ này ra là trái “duốc núi”, nhưng mà theo tôi Đức trời Đế Thích là một nhân vật có thần thông sao lại cúng Đức Phật trái này mà không cúng trái khác. Đức Phật là người Ấn Độ, không lẽ đức trời Đế Thích không biết thức ăn thích hợp với Đức Phật. Tôi nghĩ đây là trái ngon, trái quý mà cũng là trái thuốc. Theo trong kinh mô tả đây là một loại thuốc, ăn vào bổ dưỡng và giúp chữa trị bệnh hoạn, trái này chắc là mình không có, phải hiểu ngầm như vậy. Cố gắng dịch thì sẽ làm cho người ta hiểu sai, theo tôi biết “duốc núi” là một loại thuốc nam, nhưng tôi nghĩ trong bối cảnh này Đức trời Đế Thích cúng dường một loại trái thuốc, trái quí hiếm nào đó để Đức Phật phục hồi sức khỏe sau 7 tuần không ăn. 

Theo Chú giải, sau bảy tuần, đến tuần lễ thứ 8 Phạm Thiên thỉnh Phật. Đế Thích dâng trái này cho Phật sau đó thì Phạm Thiên mới xuống thỉnh Ngài độ sinh. Trong chánh văn chỉ tả Phạm Thiên xuống lễ Phật thỉnh Phật thuyết pháp nhưng thật ra Sahampati xuống thỉnh Phật cùng với 10 ngàn Phạm Thiên khác không phải đi một mình.

Nếu đọc phớt qua bài kinh, chuyện chỉ là vậy thôi, nhưng bài kinh này cho mình một nội dung. Nếu có người hỏi tôi rút ngắn điều không được nói rõ trong bài kinh này thì tùy lúc mà tôi sẽ nói những nội dung khác nhau. Chẳng hạn như sáng nay, khi mở bài kinh này ra nói chuyện với bà con tôi nhắm tới nội dung này: 1.Mình phải sống như thế nào, phải trang bị chuẩn bị như thế nào để lòng mình luôn biết trân quý điều thiện. 2.Phải sống như thế nào để luôn luôn có khả năng sẵn sàng nghĩ đến người khác.

Mặc dù trong kinh chỉ nói chuyện Phạm Thiên thỉnh pháp, nhưng mình thấy trong hằng hà sa số vũ trụ biết bao nhiêu người mà tại sao không ai nghĩ đến chuyện lưu tâm tới Phật, suy nghĩ tới Phật, thỉnh Phật thuyết pháp để độ sinh. Có người được chỉ điều thứ nhất thôi, biết trân quý điều thiện nhưng không biết nghĩ đến người khác. Đời sống đẹp nhất chính là đời sống chia sẻ. Giá trị của một người không phải ở chỗ người đó có được gì mà bao gồm cả khả năng người đó có thể chia sẻ được gì cho người khác. Chỉ vì chuyện chia sẻ này mà một người tu tạo Ba-la-mật nhiều a-tăng-kỳ để trở thành một vị Chánh Đẳng Chánh Giác. Phật Độc Giác không có khả năng chia sẻ như một vị Chánh Đẳng Giác. 

Thử tưởng tượng, tôi mới trúng số độc đắc 300 triệu đô la, tôi mua du thuyền, villa, máy bay riêng, mua tất cả những đồ đắt tiền quí hiếm tôi xài cho một mình tôi, tôi hưởng 40 năm nữa rồi tôi lăn đùng ra chết, hỏi thiệt quí vị, đời sống như vậy có giúp được gì cho người khác hay không, có để lại dấu ấn gì cho thiên hạ hay không? Tôi nghĩ là không. Trong khi đó mỗi tháng tôi chỉ bỏ ra 100 đồng theo khả năng tài chính của tôi, hỗ trợ những vị tu học hoặc những thiền viện nào đó ở Miến Điện hay Tích Lan, tôi làm như vậy suốt 40 năm, ít ra cái đóng góp của tôi cho đời rõ ràng, và cái chết của tôi sẽ là một sự mất mát không nhỏ cho những cá nhân hay những đoàn thể, những tổ chức, thiền viện nào đó. Giá trị của một người nằm ở chỗ biết chia sẻ, có khả năng trao ra cái gì. 

Ở đây mình thấy, Phạm Thiên Sahampati biết trân quí điều thiện, biết chánh pháp là khó tìm khó gặp, ông biết nghĩ đến người khác. Chuyện Phạm Thiên làm, mở ra cho mình một khơi gợi đặc biệt quan trọng là phải sống như vậy. Nhìn quanh thấy thiên hạ không mấy kẻ có được hai cái này: trân quí điều thiện và biết nghĩ đến người khác. Đừng nghĩ mình là Phật tử thì mình trân quí điều thiện, chưa chắc! Do bà ngoại đi chùa, nên má đi chùa, má đi chùa nên con đi chùa nên thành Phật tử, hoặc do bản thân mình có hôn quan tang tế có chuyện gì đó nhờ cậy chùa miểu tăng ni rồi mình dần dần trở thành Phật tử hồi nào không hay, hoặc bạn rủ đi chùa thập tự, cúng vu lan cô hồn tháng 7 tháng 10 gì đó rồi từ từ mình quen chùa, thấy vô chùa vui rồi thành Phật tử luôn, rồi lâu lâu ai rủ đi chùa dâng y, Phật đản mình cũng đi rồi tưởng mình Phật tử chớ lòng mình không tha thiết. 

Tôi còn biết tuyệt đại đa số Phật tử VN (hơn 90%) cho mình cái quyền dốt Phật pháp và cho rằng chuyện nghiên cứu kinh điển là chuyện của tăng ni, mình cứ việc đi làm lụng nuôi chồng con cha mẹ, cất nhà lầu, mua xe hơi sung sướng, lâu lâu quăng ra một mớ làm phước là đủ rồi, cũng nghe pháp, in kinh, đúc tượng, đúc chuông là đủ rồi. Như vậy là không phải. Trong biển đời sanh tử, trong hành trình trầm luân, tăng ni và cư sĩ giống hệt nhau, không khác nhau gì hết. Ai cũng phải có trách nhiệm y hệt nhau, giới luật thiền định như nhau, pháp học pháp hành như nhau. Thường là người ta nghĩ cư sĩ dốt Phật pháp không ai nói gì, tăng ni dốt Phật pháp thì hơi kỳ, nhưng đó là về mặt xã hội chớ còn về mặt tâm linh tôn giáo thì trách nhiệm tu học của tăng ni và cư sĩ không khác gì nhau.

Nội dung bài kinh Phạm Thiên cho mình cái ý: sống là phải trân quý điều thiện, trau dồi điều thiện chứ không phải đó là trách nhiệm của riêng người nào hết.

CUNG KÍNH (Gāravasutta)

Đọc bản dịch Việt của ngài Minh Châu trong chỗ này sẽ thấy giống như Đức Thế Tôn không có khả năng sống một mình: “2) Trong khi Thế Tôn thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Thật là khó khăn khi mà sống không có chỗ nào để mình cung kính, để mình nghe lời”. Đây là một bằng chứng hùng hồn để cho bà con thấy rằng nghiên cứu kinh điển mà chỉ biết lệ thuộc vào bản dịch của người khác nguy hiểm như thế nào. Ngày xưa khi tôi đọc chỗ này tôi cũng thấy khó chịu, một vị Chánh Đẳng Giác mà lại suy nghĩ như vầy: “thật là khó khăn”. Nói theo kiểu mình bây giờ là phải nói như vầy: “Chuyện sống ở đời mà không có chỗ nào cho mình tôn trọng cũng không phải là đơn giản”. 

Ở đây là Ngài nói cho thiên hạ chớ không phải nói cho Ngài. Khó khăn ở đây không phải là khó khăn cho Ngài mà là Ngài nói chung cho thiên hạ. Ví dụ bây giờ quí vị tưởng tượng một ông tỷ phú đang ngồi phơi nắng ngoài sân thèm một ly nước cam, hoặc hộp thuốc lá mà cô hầu thì ở trong bếp, villa thì rộng quá, ổng kêu thì cổ không nghe, ổng nghĩ như thế này:“Nhà mênh mông thế này mà có một người ở bất tiện quá” hoặc “khổ quá, nhà mênh mông mà có một cô giúp việc thì khổ quá, chắc phải kiếm thêm ba người nữa mới đủ”. “Khổ quá” ở đây không phải là cái gì khổ sở, khó chịu, đau đớn. 

Người ta đắc sơ quả là đã không thèm nghĩ như vậy, vị Tu-đà-hoàn thì đã không có cái suy nghĩ kiểu “sống mà không có chỗ nào để mình nghe lời, để mình tôn kính, khổ quá”. Tu-đà-hoàn đã không thèm rồi, bởi vì chữ ‘nhập lưu’ (Sotapanna) có nghĩa là đã đi vào dòng chảy, nói hơi kỳ chứ vị Tu-đà-hoàn khỏi có tu hành gì cũng đắc A-la-hán nữa, bởi vì người không còn thân kiến nữa thì đi đâu. Người không còn thân kiến thì đâu còn chỗ nào chứa trong Tam giới này, trễ lắm là 7 kiếp nữa tự động dứt điểm. Sơ quả còn như vậy, nói gì là một vị A-la-hán Chánh Đẳng Chánh Giác. 

Vì vậy suy nghĩ của Đức Thế Tôn ở đây là vậy đó, suy nghĩ này là suy nghĩ dẫn đầu cho suy nghĩ thứ hai: “Không ai trong Tam giới vô lượng vũ trụ này bằng ta về giới về định về tuệ nói chi là hơn ta để ta thờ là thầy xem là bạn. Ta chỉ có thể làm thầy người khác, còn người làm bạn với ta đã không có”. Đây là sự thật chớ không phải là kiêu mạn kiêu ngạo, còn mình, đừng có mà bữa nào ngồi một mình cũng suy nghĩ như vầy: Phật pháp cỡ như mình là không cần kiếm thầy. Nghĩ như vậy là tào lao, ngã mạn. Suy nghĩ này chỉ có ở vị A-la-hán. Bài kinh này cho mình ý nghĩa: tôn kính pháp.

Tôn kính pháp

Tôn kính pháp có hai nghĩa:

– Đối với vị A-la-hán không còn chuyện gì để làm nữa thì tôn kính pháp ở đây là nghĩa là các ngài thấy rằng pháp chính là thế giới sống duy nhất của người thiện người lành, sống trong tín tấn niệm định tuệ, sống trong Bát chánh đạo, sống trong bốn niệm xứ, đó là thế giới sống duy nhất của một người lành. Vị A-la-hán không có thế giới tâm linh nào ngoài chánh pháp. Sống như vậy được gọi là sống tôn kính pháp.

– Đối với phàm phu, “tôn kính pháp” còn có nghĩa thứ hai đó là ‘hành trì’. Đức Phật đã nhiều lần nói:

1. Đệ tử của ta phải là kẻ thừa tự pháp chớ không phải là kẻ thừa tự tài vật. Ta dạy gì, ta hành trì cái gì, ta để lại cái gì thì đó là chính là tài sản cho các ngươi chớ không phải là những thứ vật chất danh lợi quyền lực khác.

2. Cách cúng dường Như Lai cao quí nhất, ý nghĩa nhất, long trọng nhất đó chính là hành trì theo lời dạy của Như Lai

3. Khi sắp viên tịch, Ngài dạy: Đừng nghĩ các ngươi không còn thầy khi ta ra đi, những gì ta đã dạy các ngươi chính là thầy của các ngươi sau khi ta không còn nữa.

Dựa vào ba điều trên chúng ta thấy rằng Ngài kêu gọi đệ tử của Ngài lòng tôn kính pháp thông qua sự thông qua sự thấu hiểu và hành trì chánh pháp. Phải hiểu như vậy chớ không phải tôn kính pháp là bỏ tiền ra thỉnh năm bảy bộ kinh về, bọc bìa da, chữ mạ vàng, mua cái tủ thiệt tốt bỏ hết vào đó khóa tủ lại, trên tủ để bức tượng Phật, mỗi ngày đốt ba cây hương quỳ lạy sói trán rồi nghĩ là tôn kính pháp. Tôi biết Phật tử VN mình khoái mấy vụ đó lắm. Đi chùa mà nghe nói in kinh là khoái lắm, bỏ tiền ra ấn tống, xong rồi đem về cất tủ. Đọc thì sợ mồ hôi tay bất tịnh, chạm vô trang kinh bất xứng bất kính, nên quí Phật quí pháp quá không dám dùng bàn tay bất tịnh của mình chạm vô kinh, sợ phạm thượng nên bỏ tủ đóng cửa lại rồi quì lạy hoài chừng nào chết thì thôi. 

Tôn kính là phải tìm hiểu thấu đáo ý nghĩa rồi hành trì. Có lần chư tăng đang giảng đạo trong hội trường của chùa, Đức Phật đứng bên ngoài, Ngài đợi xong thời pháp mới gõ cửa bước vào, Ngài nói: Ta đã nghe trọn vẹn thời pháp của ngươi và ta chờ xong rồi mới bước vào. Nhiều vị nghe Đức Phật nói như vậy nói: Bạch Thế Tôn chúng con sám hối chúng con không biết Thế Tôn đứng ngoài cửa, nếu biết chúng con không nói nhiều như vậy. Chúng ta thấy, vị Chánh Đẳng Chánh Giác, Pháp vương, Đạo sư ba cõi Trời Người đối với với chánh pháp còn như vậy, còn chúng ta ngày nay rẻ rúng lắm, có khi chúng ta còn coi trọng người hơn trọng pháp, coi nặng ông pháp sư, ông hòa thượng, ông trụ trì hơn Phật pháp, ngày nay mình sống ngược là chỗ đó. 

Ngài Xá Lợi Phất là Đệ nhất trí tuệ, vậy mà đệ tử của ngài là sa di 7 tuổi thuyết pháp mà ngài ngồi nghe rất là tôn kính. Trong luật tỳ kheo qui định rõ ràng người thuyết pháp không thể nào đứng trong khi người nghe ngồi. Người nghe đang ngồi mà mình không có chỗ ngồi cao hơn họ thì cũng không nên thuyết pháp. Họ đang đi với mình, họ đi đàng trước, mình đi đàng sau, mình không nên thuyết pháp. Đó là lòng tôn kính pháp. Mình kính cái gì mình được cái đó. 

Ông Liễu Tôn Nguyên, một trong bát đại danh gia đời Đường Tống có một câu đáng lưu ý: Người thích cái gì thì chúng sẽ tự qui tụ.Tôi biết nhiều người trong room này không đồng ý câu này nhưng tôi rất thích và đồng ý câu này. Có những người thích chơi đồng hồ cũ hoặc thích xe đạp cũ, khi họ có lòng thích tha thiết như vậy thì trong túi luôn có những khoản tiền nhỏ nhỏ để dành, để thấy ở đâu có họ quơ về. Chính vì họ thích nên họ để ý ở đâu có, chỗ nào bán, chỗ nào không chịu bán, họ đến tìm cách rước về. 

Phật pháp cũng y chang như vậy, mình có lòng cầu pháp thì nay mình biết cái này mai mình biết cái kia. Người tha thiết học đạo thì khi họ mở một trang sách đời là họ thấy trong đó có nhiều câu dẫn đến Phật pháp hoặc nội dung y như Phật ngôn, hoặc mở trang kinh ra thì sẽ thích chỗ này thích chỗ kia. Người như vậy xem kinh sách, được tiếp xúc với tăng ni giỏi thì không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc. Người thờ ơ như gỗ đá dầu cho ngồi giữa đám đông A-la-hán cũng không được gì, như cái sân xi măng, như tấm ni lông mưa xuống trớt quớt. Mình phải chuẩn bị con người mình như thế nào để những thứ đó tự nó tìm về. Ở gần người nói pháp thì tự nhiên mình cũng có cái gì đó bỏ túi. Tự tìm về ở đây là cơ hội nào hoàn cảnh nào điều kiện nào cũng có dịp để mình tiếp cận với những thứ đó. Hãy nguyện đời nào kiếp nào sinh ra gặp người hiền gặp người trí là mình biết lắng nghe, tất cả những điều đó được gọi là tôn kính Pháp.

PHẠM THIÊN (Brahmadevasutta)

Có một vị tỷ kheo tên là Brahmadeva. Vị này đi xuất gia rồi đắc A-la-hán. Nhưng người mẹ của vị này thì không thèm biết con mình theo ai, tu hành gì, bà suốt ngày cứ quì lạy Phạm Thiên. Phạm Thiên bên Ấn Độ thời đó – và cả bây giờ – được coi là đấng chí tôn vô thượng, đối tượng cao siêu nhất, thờ lạy sẽ được phước báu và mai mốt sẽ được về bên cạnh. Giống như ở VN, mấy người không có tôn giáo, không đạo gì hết, chỉ có thờ trời thờ ông bà, trước nhà có cái bàn Thiên (bàn thờ giống như chùa một cột giữa sân); họ kiếm cái chai rồi cắm bông Trang cúng, bông này dễ kiếm, tên lại “Trang nghiêm”, sáng trưa chiều ra thắp hương. 

Vị Phạm Thiên Sahampati trong bài kinh này thấy người mẹ tào lao quá, con thì đắc A-la-hán, mà mẹ thì đi thờ Phạm thiên nên ngài xuống nhắc bà: Bà có của quí trong nhà, một vị đại hiền thánh nhân trong nhà mà không biết, đi lạy tào lao thiên tướng gì đâu. Bài kinh này cho mình nội dung: hãy biết trân quý những gì đáng trân quý, chúng ta không có nhiều tâm tư tình cảm thời gian để đi thờ lạy những thứ tào lao thiên tướng. Vì truyền thống, thói quen, tập tục, cảm xúc cá nhân người ta tìm đến những thứ không ra gì hết, đây chính là tâm tình của phần đông thiên hạ. 

Bữa nào gác chân lên trán suy nghĩ đi, chính bản thân mình cũng khó thoát những điều này. Mình thần tượng thờ phượng tôn kính theo đuổi thứ gì đó, coi chừng chỉ là cảm xúc cá nhân mà thôi. Hiếm khi mình ngồi nghĩ lại vì sao mình đam mê thờ phượng những thứ đó. Không bao nhiêu người chịu khó ngồi nhìn lại vì sao mình ghét, vì sao mình thích cái đó. Đây là một thái độ sống rất bình tĩnh, sáng suốt: hãy nhìn lại xem sư phụ mình đang theo, pháp môn mình đang theo, trò chơi sở thích mình đang theo đuổi có thật sự cần thiết, nên hay không nên. Hãy nhìn lại bản thân mình, giá trị của một người không phải là anh ta đang đi trên con đường nào mà giá trị là anh ta biết rõ anh ta đang ở đâu, anh ta nhận thức gì về con đường dưới chân mình ngay lúc này. Còn con đường dưới chân của anh ta không đủ để nói gì. 

Vào một buổi chiều sau 1975, mọi người đang đứng trên cầu Bình Triệu hóng mát, một cô gái nhảy xuống cầu tự tử, có ông cán bộ tóc trắng đang đứng hóng mát, nhảy theo cứu cô. Khi ông lóp ngóp lên bờ, mọi người nhào đến phỏng vấn: Động cơ nào khi một người già tuổi cao sức yếu như ông mà nhảy xuống cứu trong khi thanh niên người ta còn không dám. Ông vuốt nước trên mặt rồi trả lời: Tổ cha thằng nào xô tao xuống. Thật ra là ông không có ý nhảy xuống cứu mà ông bị người ta đẩy lọt xuống. 

Mình cũng vậy, nhiều khi mình đi chùa học pháp mình cứ tưởng mình hay, thật ra mình bị ai đó đẩy mà mình không biết. Thí dụ má nhờ mình chở đi, hoặc bạn rủ mình đi, lâu ngày quen dần mình tưởng mình là Phật tử. Thực ra con đường dưới chân mình đang đi – con đường đạo ấy, nhiều khi không phải do chính mình nhận thức bản thân rồi chọn mà đi, mà do người khác họ xúi họ đẩy. Hãy lưu ý cái cảm xúc cái tâm tình của mình, nhiều khi nó che mờ lý trí của mình, mình chọn cái gì đó không phải do nhận thức, do lý trí mà do thích hoặc do tránh né cái gì đó, do mình ghét cái A mình chọn cái B. Nội dung quan trọng của bài kinh này: sống trong đời sống phải có nhận thức, phải biết tại sao mình thích cái gì, mình ghét cái gì. Mình phải hoàn toàn chịu trách nhiệm con đường mình đang đi.

BAKA (Bakabrahmasutta)

Trong đây không nói rõ lý do của tên Baka nhưng trong tiếng Pāḷi, chữ ‘baka’ nghĩa là ‘con cò’; giống như chữ ‘cinca’ là ‘cây me’, nàng Cinca sinh ra dưới gốc me nên được đặt tên là Cinca. Cinca là một phụ nữ không cha không mẹ, trong kinh nói là ‘thấp sanh’, tự xuất hiện ở dưới gốc cây me, người ta lượm nàng dưới gốc me. Ở dưới Miên tương truyền ngày xưa có ngôi chùa phía trước có cây me, người ta gọi trụ trì là Hòa thượng cây me. HT giận quá kêu người ta đốn cây me đi, người ta đốn xong còn gốc, người ta kêu là HT gốc me, HT giận quá cho người bứng luôn gốc, còn lại hố, người ta gọi là HT hố me. HT hối hận thà kêu cây me còn dễ nghe hơn hố me.

Ông Baka này nhiều đời liên tục sanh lên sanh xuống các cõi Phạm thiên, giờ ông không còn nhớ được những kiếp mà ông làm người hay sa đọa ở cõi nào, chỉ nhớ những kiếp sanh làm Phạm thiên thôi. Từ đó ông có suy nghĩ: Chỗ này là chỗ thường trụ, mình chết đi sống lại cũng trở về chỗ Phạm thiên thôi.

Trong kinh Phạm Võng nói rõ tà kiến có nhiều trường hợp:

1- Do người ta cộng ghép lý lẽ này nọ để suy diễn. ‘Takka’: ‘suy diễn’. Giống như mấy triết gia bây giờ: Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Lenin, Arthur Schopenhauer, Immanuel Kant, Friedrich Nietzsche tất cả những triết gia đó là ngồi tưởng tượng suy diễn, nhất là những ông có chút ít kiến thức khoa học, có đọc sách tôn giáo, đọc tiểu thuyết, rồi cộng thêm những suy nghĩ cá nhân và kinh nghiệm sống, với những cái nghe được từ bạn bè xã hội v.v…, cũng lập nên trường phái triết học tư tưởng. 

Nguy hiểm nhất là những vị đắc thiền, đắc thần thông, rõ ràng họ thấy như vậy, họ thấy mình là người ly dục sống thanh khiết, chính mình có thần thông, không phải nghe ai nói. Những vị đắc thần thông nhớ lại họ thấy rõ trước kiếp này mình không có tâm, vì họ từ cõi Phạm thiên Vô tưởng sanh xuống. Phạm thiên Vô tưởng sống 500 đại kiếp mà sức nhớ của một người phàm đắc thần thông tối đa là chỉ 40 đại kiếp. Phàm cao cấp như Bồ tát thì được 80 đại kiếp trái đất. Người không phải là Bồ tát thì khi đắc thiền nhớ tối đa 40 đại kiếp, nếu nhớ lại kiếp mình sanh vào cõi Vô tưởng thì không thể nhớ được 500 kiếp, từ đó mới sanh ra tà kiến, nghĩ là trước đây tôi không có, hoặc tôi có nhưng không có tâm. 

Nguy hiểm ở chỗ là người càng trí thức chừng nào một khi họ hiểu sai thì chỉ có trời cứu. Người ít học có tà kiến, có hiểu sai về chính trị văn hóa còn có người chỉnh sửa; còn mấy người có học mấy năm đại học, có lợi là bằng đại học là chìa khóa để mở cửa nhiều căn phòng trong cuộc đời này cho mình, nhưng thỉnh thoảng chính học hàm học vị đó cũng là cánh cửa ngăn chặn mình đi vào với đời. Dù mình có tám cái bằng tiến sĩ đi nữa thì mình cũng chỉ là người giỏi về tám lĩnh vực đó thôi, chỉ là giỏi thôi, chớ không có lĩnh vực nào mình đi đến nơi đến chốn. Không có người nào đủ thẩm quyền, tư cách nói rằng “tôi hiểu hết mọi sự”. 

Ví dụ mình là một nhà sinh vật học, có tám cái bằng tiến sĩ liên hệ với ngành sinh vật học, mình có dám chắc mình am tường tất cả hoa lá cây cỏ chung quanh mình không. Giả định mình là tâm của hình tròn, trong bán kính 100 mét mình có thể biết hết tất cả cây cỏ trong đó không, biết được bao nhiêu về chúng, chẳng hạn như cây ổi, chúng thuộc họ gì, tên La Tinh là gì, thành phần hóa chất, dược tính đông y của chúng là gì, đào sâu mãi rồi cũng phải có điểm dừng. 

Cho đến hôm nay các nhà khoa học vẫn đồng ý với nhau một điểm đó là rất có thể những bài thuốc chữa trị ung thư và sida đang nằm loanh quanh trong mấy loại cây rất quen thuộc, trong vườn nhà mình. Vấn đề là nó là chất gì, ở trong cây gì. Có trường hợp nữa đó là hai thứ tầm thường cộng lại ra thứ phi thường. Chẳng hạn giả dụ như có một ngày nào đó người ta cho mình biết thành phần chiết suất từ lá mơ cộng với thành phần chiết suất từ lá ổi sẽ thành bài thuốc trị ung thư, si da tuyệt vời. Nghĩa là có tám cái bằng tiến sĩ về sinh vật học chưa chắc đã biết tới nơi tới chốn. Cứ y cứ vào bằng cấp học vị của mình rồi cho mình là chí tôn thiên hạ, là cái rốn của vũ trụ là trật lất. 

Tà kiến của ông Baka ở đây là ông thấy ông là chí tôn vô thượng, cái ông đang có là số một. Bài kinh này không chỉ đơn giản nói về sự kiêu ngạo của một cá nhân mà nói về tâm bịnh của tất cả phàm phu chúng ta: luôn luôn thỏa mãn với cái mình đang có.

Có một số khái niệm sống mà mình hiểu lầm: hào sảng (rộng rãi) không phải là hoang phí, tiết kiệm không phải là hà tiện. Có nhiều người tôi quen, theo tôi nhận xét họ hiểu lầm chỗ này. Trong đời sống, họ mơ hồ giữa hào sảng và hoang phí, tiết kiệm và hà tiện. Tri túc và kiêu mạn, hai chữ này nghe như không có họ hàng gì. Tri túc là biết đủ, trong đời sống vật chất, cái gì ở mức cần và đủ là thôi chớ không đòi hỏi thêm. Nhưng ở một số lĩnh vực khác như là tu tập, không được nghĩ tu bao nhiêu đó đủ rồi, học nhiêu đó đủ rồi, biết nhiêu đó đủ rồi, cái đó không phải tri túc. 

Đối với đời sống tâm linh tinh thần thì càng sống thiện càng tốt bởi nội tâm phàm phu chúng ta có một tỷ vấn đề phải giải quyết bằng thiện pháp. Chúng ta có được bao nhiêu thiện pháp? Giữ giới được bao nhiêu? Thiền định được bao nhiêu? Học pháp được bao nhiêu? Suy tư được bao nhiêu? Kham nhẫn từ tâm hành xả ly dục được bao nhiêu? Chỉ có A-la-hán mới hết chứ còn phàm là còn một tỷ vấn đề cần giải quyết bằng thiện pháp. Vì vậy thiện pháp có bao nhiêu cũng không đủ. 

Điều kiện để trở thành Chánh Đẳng Chánh Giác, nói rộng là 30 Ba-la-mật nói hẹp là chỉ có hai: 1.Tinh tấn bất thối. 2. Không bao giờ biết đủ trong thiện pháp. (kusaladhammesu asantutthitā). Tinh tấn bất thối là không khó khăn trở ngại nào làm cho Ngài chùn chân nản chí, hoàn cảnh nào cũng đi tới. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng Ngài chỉ có một con đường đi tới. Còn mình thì sao, muỗi mòng nắng gió nóng lạnh đói khát hoặc bực mình hờn giận ai đó mình cũng có thể buông bỏ lý tưởng mình đang theo đuổi rất dễ. Trong thiện pháp mình là những đứa trẻ rất dễ hờn dỗi, rất dễ bỏ cuộc nản chí. 

Nhưng vị Bồ tát Chánh Đẳng Giác thì không như vậy, đường đời chông gai cỡ nào Ngài vẫn cứ đi, trong mọi điều kiện Ngài luôn luôn tìm cách lách né để đi, chọn cách tốt nhất để đối mặt giải quyết những khó khăn để đi tới, không nản chí, đó là tinh tấn bất thối. Ngài không bao giờ biết đủ trong thiện pháp, nhiều khi chỉ vì một đời sống phạm hạnh, bỏ mạng Ngài cũng không tiếc; thậm chí chỉ vì để nghe một câu pháp ngữ Ngài có thể bỏ cả tính mạng. Còn mình đối với chánh pháp thì không tha thiết như vậy, làm ác bao nhiêu cũng thấy ít, làm thiện bao nhiêu cũng thấy nhiều, còn Ngài ngược lại, làm thiện bao nhiêu cũng thấy ít, làm ác bao nhiêu cũng thấy nhiều, đó là lý do người ta thành Phật còn mình thì xin làm đệ tử Ác Ma, Ác Ma cũng không thèm dòm vì Ác Ma là thiên vương, đệ tử Ác Ma cũng phải phước báu dữ dội lắm mới được.

Theo Chú giải, ông Baka tự thấy mình giỏi mình hay, trường sanh bất lão…, ông chỉ hơi tào lao một chút đó chứ kiếp trước ông là người rất dễ thương, từng là đạo sĩ đắc thiền, cứu giúp cho rất nhiều người bị nạn. Có lần đó ông ngồi bên bờ sông nhìn nước chảy mạnh cuốn phăng phăng, ông suy nghĩ: nước ở đây nhiều và mạnh thế này trong khi đó có nhiều chỗ không có một giọt mà uống. 

Giống như chiều hôm qua tôi đang đi ngang dòng sông trong xanh ở biên giới Thụy Sĩ, mới nhìn tôi thích nhưng nhìn một lát tôi phát sợ, lỡ lọt xuống đây là xong, rồi nghĩ sông sâu sông đẹp chắc có cái này cái kia bên dưới, có Dạ-xoa, Long vương bên dưới, nước xanh biếc đẹp lắm, đẹp nhìn một hồi phát sợ, giống như người đẹp quá mình nhìn mình nghĩ không phải là người. 

Khi ông đạo sĩ tiền thân của Baka nhìn dòng nước như vậy, nghĩ như vậy, rồi bằng thần thông ông thấy trên sa mạc cách đó khá xa có đoàn thương buôn lạc đường thoi thóp thiếu nước, ông dùng thần thông đem nước đến cho họ. Lần khác ông nghe tiếng kêu khóc của một ngôi làng, tiếng người bỏ chạy la hét sợ hãi, biết làng bị cướp, ông dùng thần thông hiện ra một đoàn quân rất đông để cướp tưởng lính triều đình đến nên bỏ chạy, nhờ đó làng tránh bị thảm sát.

Trong bản tiếng Việt có câu rất dễ hiểu lầm: Đoạn kệ số 8 “Baka: Nếu Ngài là Thế Tôn, Thấy được sự bất tận,”. Xem bản Pāḷi thì chỗ này không phải là “thấy được sự bất tận”. Anantadassī là người có trí tuệ vô hạn, có tầm nhìn vô lượng, tầm nhìn không giới hạn, không hạn chế, ‘anta’ nghĩa là ‘kết thúc’ (end, ende), ‘điểm dừng’. ‘Ananta’: ‘vô tận’, ‘không điểm kết thúc’, ‘không điểm dừng’. Câu trên phải được dịch lại là: “Nếu ngài là Thế Tôn là vị toàn giác, có một trí tuệ không hạn chế thì…”

“Nếu Ngài là Thế Tôn, 
Thấy được sự bất tận,
Ngài vượt qua, chinh phục, 
Sanh già và sầu muộn,
_____________________________

Bài viết được trích từ Bài Giảng Kinh Tương Ưng
của Tỳ Khưu Giác Nguyên (Toại Khanh) do Nhị Tường ghi chép lại.
Được lưu trữ dưới dạng âm thanh tại đây: www.vietheravada.net
Bản kinh Pāḷi và Sớ giải tham khảo từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Xem thêm: Kinh Tương Ưng Bộ


Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.