Chuyển đến nội dung chính

GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC - Phần XIV - “THIỀN MINH SÁT” CỦA PHẬT GIÁO (Vipassana)

Phần XIV

“THIỀN MINH SÁT”
CỦA PHẬT GIÁO
(Vipassana)

Phần XIV - “THIỀN MINH SÁT” CỦA PHẬT GIÁO (Vipassana) - GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC - Đạo Phật Nguyên Thủy

NỘI DUNG

1. Những Loại Thiền (Bhavana) Khác Nhau
2. Đối Tượng Thiền Trong Thiền Định (Samatha)
3. Mục Đích Của Thiền Minh Sát (Vipassana)
4. Vai Trò Của Chánh Niệm Trong Thiền Minh Sát
5. Bốn Nền Tảng Chánh Niệm – Tứ Niệm Xứ (Satipatthana)
6. Thiền Minh Sát Thực Hành
7. Những Ích Lợi Của Thiền Minh Sát
8. Chú Giải 
9. Sách và Tài Liệu Tham Khảo


I
Những Loại Thiền Khác Nhau


Trong tiếng Pali, từ ‘bhavana’ có nghĩa là “sự phát triển” hay “sự tu dưỡng”. Trong Kinh Điển, nó chỉ những phương pháp phát triển và tu dưỡng Tâm, được gọi là “thiền”. Có 2 loại thiền (bhavana), đó là:

(I) Thiền Định hay Thiền Định Tâm (Samatha)

‘Samatha‘ có nghĩa là sự “an tĩnh” hay “tĩnh lặng”, là trạng thái tập trung, không dao động và bình lặng của tâm. Nó được gọi là trang thái tĩnh lặng vì nó làm dịu lặn năm (5) chướng ngại (nivaranas) bao gồm cả si mê. Khi tâm đang tập trung sâu sắc hay “định” vào một đối tượng hành thiền, thì tất cả những chướng ngại như:

(1) tham dục,
(2) sân hận,
(3) lười biếng và ngái ngủ,
(4) bất an và lo lắng; và
(5) nghi ngờ

không có mặt trong tâm, vì tâm đang tập trung vào đối tượng rồi. Khi tâm không còn bị dính những chướng ngại này, người hành thiền cảm thấy được sự tĩnh lặng, yên bình và hạnh phúc. 

Kết quả của việc thiền định (Samatha) là có thể mang lại những mức độ hạnh phúc, hỷ lạc khi đã đạt được mức độ tập trung hay định sâu (samadhi), như là Cận Định (Upacara) hay Định Định / Định An Chỉ (Appana), được gọi là những tầng Thiền Định (Jhana), nhưng những dạng “định” này chưa giúp cho người hành thiền hiểu rõ một cách đúng đắn về những hiện tượng thân tâm đích thực “như chúng là”.

(II) Thiền Minh Sát (Vipassana)

Trong tiếng Pali, từ ‘Vipassana’ là danh từ ghép hai từ khác là: “Vi” có nghĩa là “bằng nhiều cách khác nhau” và “passana” có nghĩa là “thấy”. Vì vậy, nguyên chữ “Vipassana” có nghĩa là “thấy bằng nhiều cách khác nhau”, và khi được dùng trong ý nghĩa về “Thiền” thì “Vipassana” có nghĩa là: “thấy mọi đối tượng hay hiện tượng là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta)”.

Nguyên tắc của Thiền Minh Sát là “quan sát” hay “quán sát” bất kỳ quá trình tâm vật lý khởi sinh lên ngay trong khoảng khắc này. Như vậy việc định tâm không phải được cố định trên một đối tượng riêng lẻ nào, mà trên những khoảng khắc định tâm hay sát-na định (khanika samadhi) khởi sinh lên khi tâm không còn dính với năm chướng ngại. Trong lúc này, tâm có thể “lưu ý” bất cứ đối tượng nào nổi lên hay khởi sinh một cách mạnh mẽ, và nó sẽ lộ ra bản chất đích thực của nó (yathabhuta).


II
Những Đối Tượng Thiền Trong Thiền Định


Vì Thức không bao giờ khởi sinh nếu không có một đối tượng, cho nên chúng ta cần những đối tượng thích hợp cho việc hành thiền, phát triển tâm. Đối tượng dùng cho việc hành thiền được gọi là “kammatthana”, nghĩa đen là “nơi làm việc của tâm” hay còn gọi là “nghiệp xứ” hay “hành xứ’ (HV). 

Không giống với Thiền Minh Sát có đối tượng là thật và có những đặc tính, dấu hiệu của vô thường, khổ và vô ngã, Thiền Định thì có đối tượng cố định, không thay đổi để “nhử” tâm, “cuốn hút” tâm tập trung vào và bằng cách đó đạt được sự tập trung cao độ hay Định (samadhi). 

Đức Phật đã mô tả tất cả 40 đối tượng dành cho việc Thiền Định để tâm an tĩnh. Chúng được xếp thành 7 loại sau đây:

- 10 Đối Tượng Nguyên Vẹn (Kasinas): Đó là Đất, Nước, Gió, Lửa, màu Xanh, Vàng, Đỏ, Trắng, Không gian, và Ánh sáng. “Kasina” có nghĩa là: “toàn thể”, “toàn bộ”. Nó được gọi như vậy vì những đối tượng này có thể được quán sát một cách hoàn toàn trong khi thiền.

- 10 Đối Tượng Gớm Ghiếc: Đó là 10 loại xác chết của người.

- 10 Đối Tượng Tưởng Niệm: Đó là Sự tưởng niệm Phật, Pháp, Tăng, Giới Hạnh; Sự Giải Thoát, những Thiên Thần (Devas), hay Trời; Sự Yên Bình; Cái Chết; 32 bộ phận cơ thể và Hơi thở.

- 4 (Tứ) Vô Lượng Tâm: Đó là Từ, Bi, Hỷ, Xả.

- 4 Cõi Trời Vô Sắc Giới: Đó là Cõi Không Vô Biên, Cõi Thức Vô Biên, Cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.

- 1 Sự quán tưởng về sự Gớm Ghiếc của Thức ăn.

- 1 Sự phân tích về Bốn Yếu Tố Tứ Đại.

Về vấn đề lôi cuốn “sự tập trung”, có 2 loại đối tượng thiền lôi cuốn những dạng Định như: một loại chỉ tạo ra những tầng thiền Cận Định (upacara); một loại tạo ra được cả 2 dạng định Cận Định và tầng thiền Định Định, tức Định An Chỉ (appana Jhana).

- Trong số 40 đối tượng hành thiền trên, 10 loại có khả năng chỉ tạo ra Cận Định, đó là: 8 loại Đối tượng tưởng niệm đầu tiên, Sự Quán tưởng về sự Gớm Ghiếc của Thức Ăn và Sự Phân tích về Bốn Yếu Tố Tứ Đại.

- Còn 30 loại đối tượng hay chủ đề thiền định kia có thể tạo ra cả trạng thái thiền Cận Định hoặc/và tầng thiền “Định Định” (Định An Chỉ), gọi là những tầng thiền định “Jhana”.


III
Mục Đích Của Thiền Minh Sát


Mục đích của Thiền Minh Sát (Vipassana) là đi đến hay đạt được sự chấm dứt đau khổ, thông qua quá trình nhìn thấu suốt, hiểu rõ một cách đúng đắn quá trình thân tâm (vật chất và tâm linh) và bản chất đích thực của nó. Để làm được điều này, người hành thiền cần có một mức độ “Định” tâm. Sự định tâm này có thể đạt được bằng việc chánh niệm liên tục, không gián đoạn vào những quá trình sinh vật lý thân tâm trong cơ thể. (Ngay chỗ này, giống như loại “Thiền định”, ta hãy coi những hiện tượng, quá trình thân tâm trong mình là “đối tượng thiền”, đối tượng quán sát, và khi quán sát liên tục, tức chánh niệm, thì có thể đạt được một số “Định tâm” – ND).

Đến lúc này, chúng ta đã bắt đầu hiểu ra sự khác nhau giữa Thiền Định và Thiền Minh Sát.

Mục đích của Thiền Định là tìm kiếm sự hạnh phúc, hỷ lạc thông qua những sự “định” sâu hay những “tầng thiền định”. Vì vậy, những người Thiền Định nhấn mạnh đến sự tập trung của tâm, tức Định tâm. Để làm điều này người thiền định chỉ cần một đối tượng riêng lẻ, cố định.

Còn ở Thiền Minh Sát, người hành thiền nhấn mạnh vào “sự hiểu biết đúng đắn” về những quá trình thân-tâm và “bản chất đích thực” của chúng. Như vậy là mỗi khi những quá trình về Thân nổi lên hay khởi sinh, thì mình cứ quán sát nó như vậy, chỉ để xem bản chất của nó mà thôi. Như vậy, chúng ta sẽ có rất nhiều những đối tượng hành thiền ở đây. Nói cho đúng, bất kỳ quá trình vật lý và tâm linh nào của cơ thể cũng có thể là đối tượng của Thiền Minh Sát.

Vì mục đích và kết quả của Thiền Định (Samatha) và Thiền Minh Sát (Vipassana) là khác nhau, cho nên 2 phương pháp thiền cũng khác nhau.


IV
Vai Trò Của "Chánh Niệm" 
Trong Thiền Minh Sát


Thiền Minh Sát còn được biết dưới tên là “Thiền Chánh Niệm”, bởi vì phương pháp thiền quán này được Đức Phật giảng dạy trong Kinh Bốn Nền Tảng Chánh Niệm, hay được gọi là Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Sutta).

Trong tiếng Pali, chữ “Sati” có nghĩa là sự “chú tâm”, “ý thức”, “chú ý” vào Thân và Tâm vào một lúc hay khoảnh khắc nào đó”. Chữ “patthana” thì có nghĩa là “thiết lập”, “xác lập vững chắc hay chặt chẽ”. Vì vậy, chữ “Satipatthana” có nghĩa là sự thiết lập, xác lập chắc chắn, vững chãi, chặt chẽ, ổn định liên tục của sự Chánh Niệm trên một hiện tượng hiện tại, đang có mặt, mà người hành thiền đang quán sát trên một thực tại hiện tiền ngay lúc thiền quán, chứ không phải những thực tại đã qua hay chưa khởi sinh.

Vì “Sati” hay Chánh Niệm đóng vai trò quan trọng trong vấn đề Thiền Minh Sát, cho nên điều quan trọng chúng ta cần làm là phải hiểu rõ “Sati” nghĩa là gì về phương diện tính chất, chức năng, thể hiện và nguyên nhân cận kề của nó.

(a) Tính Chất của “Sati” hay chánh niệm là ‘apilana’, có nghĩa là “không bị trôi đi” khỏi đối tượng đang quán sát. Người ta dùng cách diễn đạt này có nghĩa là sự chánh niệm không được ở trên bề mặt hay bị trôi đi, mà phải chìm sâu vào bên trong đối tượng, thâm nhập vào bên trong đối tượng. Vì vậy, trong hành Thiền Minh Sát, người hành thiền phải quán sát, để ý đến đối tượng một cách hết sức chú tâm và chìm vào, thâm nhập vào trong đó hơn là chỉ “dán” sự chánh niệm vào bề mặt bên ngoài của đối tượng. Chú ý, chú tâm một cách không sâu sắc, hời hợt, nông nổi sẽ làm cho tâm bị phân tán, bị trôi giạt khỏi đối tượng.

(b) Chức năng của “Sati” hay chánh niệm là ‘asammoha’, có nghĩa là “không loãng” hay “vô gián”, có nghĩa là sự chú ý tâm phải không bị “lạc” mất quán sát cũng không bị “quên lãng” mục tiêu quán sát một khoảnh khắc nào. Sự chú tâm luôn bám sát đối tượng, không “bỏ” hay “lỡ” một chút nào, liên tục và vô gián.

(c) Thể hiện của “Sati” hay chánh niệm là ‘visayabhimukha’, có nghĩa là “trực diện”, “mặt đối mặt” (như thể đối mặt với quân thù, theo nghĩa đen của từ này), có nghĩa là xác lập tâm đối diện, trực diện với đối tượng để mình có thể nhìn thấy đối tượng một cách rõ ràng và có thể phân biệt được những đặc tính khác nhau của nó. Cách thể hiện của “Sati” hay chánh niệm là ‘arakkha’, có nghĩa là “canh chừng”, ‘đề phòng” hay “canh giữ nó”. “Sati” chánh niệm, canh giữ không cho tâm dính vào những ô nhiễm và bất tịnh. Không có ô nhiễm hay bất tịnh có thể thâm nhập vào tâm khi đang có sự chánh niệm (Samma Sati). Nó giống như việc đóng cửa chặt không cho ô nhiễm tràn vào, như việc đóng cửa sổ lại, không cho gió mưa ùa vào vậy.

(d) Nguyên Nhân Cận Kề của “sati” hay chánh niệm là ‘thirasanna’ có nghĩa là “sự nhận thức bền bỉ, chặt chẽ”. Sự nhận thức (hay tưởng) càng mạnh mẽ đối với đối tượng về tính chất nóng, lạnh, khó chịu, căng thẳng,…v.v, thì chánh niệm sati càng mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là để biết được hay nhận biết đối tượng như-nó-là, đúng với bản chất đích thực của nó.



V
Bốn Nền Tảng Chánh Niệm


Trong Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Sutta) thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), Đức Phật đã giảng giải về "Bốn Nền Tảng Chánh Niệm" cùng với việc "Chánh Niệm" (sati) như sau:

“Ở đây, này các Tỳ kheo, một Tỳ kheo an trú trong quán sát thân là thân, nhiệt tâm, chú tâm hoàn toàn và chánh niệm, gác bỏ tham dục và phiền não ở thế giới bên ngoài.

“Người đó an trú trong quán sát cảm thọ là cảm thọ, nhiệt tâm, chú tâm hoàn toàn và chánh niệm, gác bỏ tham dục và phiền não ở thế giới bên ngoài.

“Người đó đó an trú trong quán sát tâm là tâm, nhiệt tâm, chú tâm hoàn toàn và chánh niệm, gác bỏ tham dục và phiền não ở thế giới bên ngoài.

“Người đó đó an trú trong quán sát những đối tượng của tâm là tâm (hay Pháp), nhiệt tâm, chú tâm hoàn toàn và chánh niệm, gác bỏ tham dục và phiền não ở thế giới bên ngoài”.

- Theo như luận giảng, Tỳ kheo ‘bhikkhu’ được định nghĩa là một người thực hành theo Giáo Pháp để được giải thoát khỏi vòng luân hồi, sinh tử. Tỳ kheo (hay Tỳ kheo Ni) là những tu sĩ xuất gia, Tăng, Ni thuộc Tăng đoàn Phật giáo.

- Sự quán sát hay quán niệm phải được đi kèm bởi ba (3) yếu tố: nỗ lực mạnh mẽ, sự hiểu biết rõ ràngsự chánh niệm.

- Sự quán sát hay quán niệm phải không còn dính mắc vào những tham dục và phiền não trên thế gian, tức là những nhục dục và sân hận, là những chướng ngại chính cần phải được vượt qua để việc thực hành được thành công, kết quả.

Tổng cộng tất cả có 21 phần hay chủ đề trong thuộc Bốn (4) “Xứ” để quán niệm mà Đức Phật đã giảng dạy trong Kinh này:

(1) Quán sát Cơ Thể (Thân) được phân thành 14 phần:

(1) Chánh niệm về Hơi Thở Ra Vào (Anapanasati).

(2) Chánh niệm về Bốn Tư Thế của Thân: Đứng, Đi, Ngồi, Nằm.

(3) Chánh niệm về Những hành động hàng ngày.

(4) Chánh niệm về Sự Gớm Ghiếc của 32 Bộ Phận Cơ Thể.

(5) Chánh niệm về Bốn Yếu Tố Tứ Đại.

(6) Chánh niệm về Chín loại xác chết (tử thi) ở nghĩa địa.

▪ Tổng cộng: 14 loại đối tượng của Thân cần quán sát.

(2) 15) Quán sát về cảm thọ: được phân thành một phần riêng.

(3) 16) Quán sát về Thức: được phân thành một phần riêng.

(4) Quán sát về Tâm, Những Đối Tượng của Tâm: bao gồm 5 phần chánh niệm:

17) Năm Chướng Ngại.

18) Năm Tập hợp Uẩn.

19) Sáu Căn Bản Giác Quan và Sáu Đối Tượng Của Chúng (hay Sáu nội xứ và Sáu ngoại xứ).

20) Bảy Yếu Tố Giác ngộ (hay Thất Giác Chi).

21) Tứ Diệu Đế.

► [Xem thêm toàn bộ Kinh “Tứ Niệm Xứ” để thực hành chi tiết].


VI
Thiền Minh Sát Thực Hành


(I) Giới Hạnh Đạo Đức

Đối với những Tỳ kheo, Tăng Ni đang giữ đầy đủ những giới hạnh và giới luật xuất gia, thì vấn đề không còn đặt ra ở đây. Và những tu sĩ này cũng thường xuyên hành thiền như là việc tu tập chính yếu trong đời tu của họ.

Nhưng đối với giới Phật tử tại gia, trước khi một người thực hành thiền, thì người đó cần phải sống tuân giữ theo Giới Hạnh để giữ cho mình khỏi dính mắc vào những ô nhiễm từ hành động hay lời nói bất thiện.

Trong thời gian đang thực hành thiền, việc tuân thủ theo Tám Giới (Bát Giới) cũng giữ cho mình có thêm nhiều thời gian để tập trung vào hành thiền, thay vì tốn thời gian vào những hành vi không cần thiết như làm đẹp, xa xỉ, ăn chơi…, những hành vi này bị cấm trong thời gian tuân giữ Tám Giới, như đã trình bày ở Chương trước.

Tám Giới cũng bao gồm việc kiêng cử, việc ăn sau giờ ngọ, không quan hệ nam nữ, vợ chồng, không ghế đẹp, giường êm, giữ người khỏi những nhục dục bình thường. Khi Tám Giới được canh giữ, thì đức hạnh được thanh lọc, thanh tịnh. Sự Thanh Tịnh của Đức Hạnh (sila vissudhi) là điều kiện ‘cần’ tiên quyết để tiến bộ trong việc hành thiền. 

Khi Giới Hạnh được thanh tịnh, thì tâm trở nên tốt thiện, lành mạnh và vững vàng, và chắc chắn và dễ tập trung sâu vào đối tượng Thiền Định để đạt Định cần thiết trước, là nền tảng để tiếp tục khởi sinh trí tuệ nhìn thấu suốt trong giúp thiền sinh tiếp tục thực hành Thiền quán Minh Sát.

(II) Ngồi Thiền hay Tọa Thiền

Đức Phật gợi ý rằng, những chỗ trong rừng hay dưới gốc cây, hay một nơi yên tĩnh nào đó là thích hợp cho việc hành thiền. Người hành thiền nên ngồi một cách thoải mái, chân bắt chéo nhau trong thế ngồi mà chúng ta đều biết tên là thế ngồi “Hoa Sen” hay thế ngồi “Kiết Già”; lưng thẳng đứng, nhưng không phải là thẳng đơ, thẳng cứng một cách không tự nhiên, mà ngồi thoải mái.

Nên chọn một vị trí, một thế ngồi thoải mái sao cho ngồi ‘yên’ được lâu, bởi vì muốn đạt được sự an tĩnh, “an tâm”, thì trước nhất thân phải được thoải mái, yên ổn. Đối với những người bị đau lưng, thì người đó có thể ngồi trên ghế. Khi hành thiền, mắt nên nhắm lại, nhẹ nhàng.

Đối với đối tượng cho việc hành thiền ban đầu, thì đối tượng quan trọng nhất được chọn để chú tâm hoàn toàn vào là “sự lên và xuống của bụng” theo hơi thở ra vào. Sự cử động của phần bụng là “vayo-dhatu”, là yếu tố gió trong những yếu tố tứ đại. Khi chúng ta thở vào, bụng sẽ phình lên, khi chúng ta thở ra, dĩ nhiên bụng sẽ xẹp xuống. Bằng cách này, chúng ta sẽ theo và hướng sự chú tâm “vào sự phình lên và xẹp xuống” của bụng. Sự “phình lên và xẹp xuống của bụng” này được gọi là đối tượng sơ khởi (để phân biệt với những đối tượng thiền chính), có nghĩa là người hành thiền không nên dính chấp vào nó luôn.

=> Đến khi có những đối tượng khác nổi trội hơn, chẳng hạn như “ý nghĩ” hay “sự lăng xăng” hay sự “nghĩ này nghĩ nọ” của tâm, thì chúng ta chỉ cần chú ý vào những “ý nghĩ” hay “sự lăng xăng” đó cho đến chúng khi dừng lại.

Ngay sau khi những quá trình tâm đó ngừng lại, tự nhiên sự chú ý đó sẽ quay lại đối tượng sơ khởi ban đầu, đó là sự chuyển động của bụng.

=> Kỹ thuật tương tự cũng được áp dụng, thực hành khi quán sát “tất cả những hiện tượng thân-tâm khác”, khi những hiện tượng này bắt đầu “nổi bật” hơn là sự “phồng lên, xẹp xuống của bụng” kia. Những hiện tượng “nổi bật” (gây chú ý) hơn như là: sự khó ngồi, sự ngứa, đau (chân, lưng…), sự giận, sự vui, sự buồn ngủ… có thể xảy ra khi đang ngồi thiền. Chúng ta lại hướng sự chú tâm những hiện tượng này.

Và đến khi có những đối tượng khác nổi trội hơn,… chẳng hạn như “ý nghĩ” hay “sự lăng xăng” hay sự “nghĩ này nghĩ nọ” của tâm, thì chúng ta chỉ cần chú ý vào những “ý nghĩ” hay “sự lăng xăng” đó cho đến khi chúng dừng lại….

…………………………

(III) Sự Lưu Ý (Đặt tên)

Sự lưu ý là rất cần thiết và hữu ích cho việc hành thiền. Điều này có nghĩa là nói lời bằng tâm về những gì mà mình trải nghiệm trong thân và tâm ngay trong giây phút hiện tại, trước mắt. Lời nói mình dùng không quan trọng bằng chính “sự chánh niệm” vào lời nói trong tâm mà mình nói. 

Nếu một người có thể quán sát hay ý thức về một hiện tượng mà không phân tích, không suy nghĩ hay phán đoán, thì người đó đã không còn chú tâm, mà chỉ còn quan sát. Chúng ta nên chú tâm vào những đối tượng liên tục cho đến khi nào chúng “chiếm ưu thế” hơn ta – chẳng hạn như đến khi chúng bị thay thế, chúng thay đổi hay biến mất. Ví dụ: cảm giác "đau" được lưu ý (lưu tâm) lên tục trong nửa tiếng hay 1 tiếng đồng hồ; hay những ý nghĩ "tham muốn" được lưu ý liên tục bằng cách đặt tên và đọc nó (nổi bật) là "tham muốn" 20-30 lần cho đến khi tâm "tham muốn" đó biến mất.

=> Chỗ lý thuyết này rất dễ bị nhầm lẫn với khái niệm "chánh niệm". Sự 'lưu ý' (noting) hay đặt tên (labelling) đối tượng để làm 'nổi bật' đối tượng đó liên tục, để cho thiền sinh lưu ý liên tục vào nó cho đến khi nó biến mất. Thuật ngữ 'lưu ý' này người dịch không tìm thấy trong từ Pali tương dương. Có thể đây là một kỹ thuật 'đặt tên đối tượng chánh niệm' để cho thiền sinh chánh niệm liên tục về danh và tánh của đối tượng đó; và vì vậy giúp cho khỏi bị gián đoạn hay xao lãng sự chú tâm chánh niệm vào đối tượng đó (ND)

(IV) Đi Thiền (Kinh Hành)

Trong một thời gian thiền hay thời khóa thiền, thông thường người ta có thể thay đổi luân phiên qua việc “đi thiền”, tức là hành thiền khi đi bộ, thông thường là một tiếng đồng hồ, luân phiên nhau. Việc đi thiền thì không nhắm mắt, mà cũng không nhìn xuống chân, mà nhìn xuống lối đi cách mình khoảng 2m phía trước, giữ đầu nhìn xuống để tránh nhìn lên hay nhìn ngang làm cho tâm trí bị xao lãng vì những đối tượng khác trên đường. Hai bàn tay đan vào nhau, giữ ở phía trước hay sau lưng để tránh đung đưa hai tay trong khi bước đi. Người hành thiền nên chọn một lối đi bộ hành dài khoảng 20 bước chân và bước đi chậm, từ đầu này đến đầu kia và quay lại.

=> Trước khi bước đi, người hành thiền phải chú ý tư thế “đứng” của mình, đặt áp lực lên bàn chân một cách vững vàng, thẳng thóm. Sau đó, chú ý vào "ý định" bước đi của mình. Việc đi hành thiền là chú ý vào những bước chân của mình. Khi một người đi nhanh, thì sự chú ý sẽ tập trung vào nhịp bước hai chân "trái, phải, trái, phải”, nhưng khi bước đi chậm, thì chú tâm vào bàn chân “nhấc lên, đẩy đi và đặt bàn chân xuống”. Khi đã tập trung được nhiều hơn, thì người hành thiền nên bước đi chậm lại, và chú tâm đến sự “nhắc, đẩy và đặt” của mỗi bàn chân. Trong suốt quá trình đi hành thiền, vì sự chú tâm sẽ tập trung vào bàn chân, nên người hành thiền cũng ý thức được những cảm thọ như nhẹ, nặng, chuyển động, nóng, lạnh, v.v…Không được nhìn xuống bàn chân hay hình dung ra 2 bàn chân khi mình đang chú tâm vào những chuyển động và cảm thọ mới nói.

=> Lưu ý: Nên chú tâm đến những quá trình xảy ra mỗi khi mình dừng lại ở cuối lối, đứng lại, khi quay người và bắt đầu bước chân lại.

=> Cũng giống như việc ngồi thiền, tâm có thể bị thâm nhập bởi những “ý nghĩ” hay “ý lăng xăng” trong khi đang đi hành thiền. Lúc đó, người hành thiền nên dừng lại ngay khi người đó nhận ra chúng, và chuyển qua quán sát, chú ý những “ý nghĩ” hay “sự lăng xăng” đó cho đến khi nào chúng biến mất hay tạm ngừng lăng xăng. Sau khi quá trình ‘suy nghĩ lăng xăng’, ngừng lại, người hành thiền có thể bước chân đi lại.

=> Trong cuộc sống hàng ngày, việc đi hành thiền là rất hữu ích. Nói khác đi, 10 phút đi hành thiền trước khi ngồi xuống sẽ giúp cho mình tăng sự tập trung của tâm.

=> Việc đi hành thiền cũng rất hữu ích nếu chúng ta tranh thủ hành thiền trong khi đi lại đây đó trong sinh hoạt hàng ngày, giúp ổn định, an tĩnh tâm trí.

(V) Những Hoạt Động Hàng Ngày


Chánh niệm trong những sinh hoạt hàng ngày trong chính cuộc sống của người hành thiền. Căn chánh niệm sẽ trở nên mạnh mẽ bằng cách chánh niệm đều đặn, thường xuyên và không gián đoạn vào những hoạt động về vật chất và tinh thần, thân tâm hàng ngày, nếu không chánh niệm trong mọi hoạt động từng ngày, thì sự chánh niệm của người hành thiền bị nhiều khoảng trống của “thất niệm”.

=> Nhiệm vụ của Thiền Minh Sát là luôn luôn chánh niệm trong từng hoạt động sống của cơ thể và tâm trí từ lúc ngủ dậy xuyên suốt cho đến hết ngày. Có thể gọi đó là chánh niệm mọi lúc, mọi nơi. Chánh niệm khi thay đồ, khi đánh răng, khi rửa mặt, khi tiểu tiện, khi uống nước, khi ăn, khi mở cửa, khi đóng cửa, khi tắm, khi giặt đồ, v.v., luôn luôn chú ý, chú tâm đến những hành động sinh hoạt của mình, cứ nhìn và biết rõ, ý thức rõ những hành động mình đang làm, tức là khi thay quần áo, mình biết mình đang thay quần áo, khi đánh răng, mình biết mình đang đánh răng… 

Một sự thật là việc chánh niệm trong mọi hành vi, hoạt động của cơ thể và tinh thần, mọi lúc, mọi nơi hàng ngày rất quan trọng, là chìa khóa của tiến bộ thành công trong Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Vipassana) bởi vì một thiền giả sẽ luôn luôn chánh niệm về Thân, về Tâm trong suốt thời gian không ngủ của mình, đó là tất cả những gì về vấn đề Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ.

=> Tại Trung Tâm Thiền Học Chanmyay (Chanmyay Yeiktha Meditation Centre) ở Yangon (Chú Giải 1), những người hành thiền được yêu cầu phải thực hiện 4-5 hành vi (công việc) sinh hoạt của mình trong một ngày và phải thực hiện một cách thật chậm chạp, chú ý một cách đầy chánh niệm vào tất cả những diễn biến về thân và tâm, vật chất và tinh thần và sau đó báo cáo lại họ đã quán sát được những gì. Mục tiêu là tạo ra một thói quen kiên nhẫn và chánh niệm, và bằng cách này sự định tâm dễ dàng đạt được và người hành thiền sẽ có được nền tảng để tiến xa hơn đến thành công. Trong suốt thời gian hay thời khóa “thiền”, tất cả mọi việc cần phải làm là chánh niệm.

=> Không cần phải vội vã. Người hành thiền không nên nói, trừ khi thật cần thiết và phải nên nói ít, nói vừa đủ. Trong thời gian thực hành thiền, người hành thiền không nên đọc sách, không nên tụng kinh, vì những việc này sẽ gây chướng ngại cho việc tiến triển trong hành thiền.


VII
Những Ích Lợi Của Thiền Minh Sát


Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara iv, 391), Đức Phật đã nói về những kết quả khác nhau của những hành động công đức khác nhau, theo thứ tự tăng dần đối với những hành động công đức bắt đầu từ việc bố thí (dana), quy y nương tựa, tuân giữ giới hạnh, thực hành lòng từ ái thương yêu, và cuối cùng là việc thực hành trí tuệ minh sát là mang lại kết quả lớn nhất cho một người.

Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada 113), Đức Phật cũng đã nói rằng dù chỉ một ngày hành thiền để hiểu được mọi sự đến đi, sinh diệt như thế nào, còn hơn sống một trăm năm mà không có sự hiểu biết như thế, đó là sự hiểu thấu suốt bên trong quá trình thân-tâm sinh diệt, được gọi là Trí Tuệ Hiểu Biết Sinh Diệt hay Trí về Sinh Diệt (udayavyaya nana).

Theo Đức Phật dạy, có 7 ích lợi có được từ việc thực hành Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Vipassana), đó là:

(1) Thanh lọc, làm thanh tịnh một người khỏi những ô nhiễm và bất tịnh.

(2) Vượt qua buồn đau.

(3) Vượt qua sầu não, ai oán.

(4) Vượt qua khổ đau về thể xác, khổ thân.

(5) Vượt qua khổ đau về tinh thần, khổ tâm.

(6) Chứng ngộ Thánh Đạo và Quả.

(7) Chứng ngộ Niết-bàn (Nibbana).

Trong Kinh “Tứ Niệm Xứ” (Satipatthana Sutta), thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya, Kinh số 10), Đức Phật đã tuyên thuyết rằng:

- “Này các Tỳ kheo, ai hành trì bốn “Nền Tảng Chánh Niệm” này theo phương pháp này trong bảy năm, thì người ấy có thể trông đợi được chứng đạt một trong hai thành quả cao nhất: Tri Kiến Cao Nhất (trở thành A-la-hán) vào một lúc nào đó, hoặc nếu vẫn còn một số dính mắc, thì có thể chứng đạt được cảnh giới Bất-Lai. (không tái sinh lại trần gian nữa).

- “Này các Tỳ kheo, ai hành trì bốn “Nền Tảng Chánh Niệm” này theo phương pháp này trong sáu năm….năm năm….bốn năm….ba năm.…hai năm….một năm, thì người ấy có thể trông đợi được chứng đạt một trong hai thành quả cao nhất: Tri Kiến Cao Nhất (trở thành A-la-hán) vào một lúc nào đó, hoặc nếu vẫn còn một số dính mắc, thì có thể chứng đạt được cảnh giới Bất-Lai.

- “Này các Tỳ kheo, ai hành trì bốn “Nền Tảng Chánh Niệm” này theo phương pháp này trong bảy tháng….sáu tháng….năm tháng….bốn tháng….ba tháng.…hai tháng….nửa tháng, thì người ấy có thể trông đợi được chứng đạt một trong hai thành quả cao nhất: Tri Kiến Cao Nhất (trở thành A-la-hán) vào một lúc nào đó, hoặc nếu vẫn còn một số dính mắc, thì có thể chứng đạt được cảnh giới Bất-Lai.

- “Này các Tỳ kheo, không hẳn là trong nửa tháng, ai hành trì bốn “Nền Tảng Chánh Niệm” này theo phương pháp này trong một tuần, thì người ấy có thể trông đợi được chứng đạt một trong hai thành quả cao nhất: Tri Kiến Cao Nhất (trở thành A-la-hán) vào một lúc nào đó, hoặc nếu vẫn còn một số dính mắc, thì có thể chứng đạt được cảnh giới Bất-Lai.

- “Vì như vậy, nên ta đã nói rằng: “Đây là con đường duy nhất, này các Tỳ kheo, để làm thanh tịnh chúng sinh, để vượt qua sự buồn đau và sầu não, để tiêu trừ sự khổ và phiền não, để bước đến được con đường Chánh Đạo, để chứng đạt Niết-bàn, được gọi là Bốn Nền Tảng Chánh Niệm”.

▪ Lưu ý: Tri kiến (Thánh Quả) cao nhất là A-la-hán (bậc Vô Sanh) và cao thứ nhì Bất Lai (Anagamin) là 2 thánh quả không còn tái sanh lại trần gian nào nữa.

=> Thật ra, đây là một giáo trình về Phật học, trình bày đầy đủ tất cả nguồn gốc, nguyên nhân, phương cách và lợi ích của “Thiền Minh Sát”, phương pháp thực hành dẫn đến giác ngộ thánh Đạo và Quả và Niết-bàn. Đó là tất cả những gì cần biết về Thiền Minh Sát về mặt giáo lý.

=> Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải thực hành, và quan trọng hơn là thực hành đúng đắn. Sự thực hành miên mật, liên tục, không gián đoạn là một phần của sự thực hành đúng đắn. Và trong quá trình thực hành phương pháp tu dưỡng tâm này, sẽ có vô vàn vấn đề thực tiễn xảy ra, nên nhiều lúc bạn luôn cần có sự hướng dẫn, sự kiềm cập vào khuôn khổ của những khóa thiền hay những người thầy.

=> Sự thật là cách thực hành về Thiền Minh Sát chỉ có như vậy, nhưng một người muốn thực hành tốt, nhanh kết quả, tiến bộ, tiến xa, có lẽ cần nghiên cứu thêm những hướng dẫn mang tính thực tế, mặc dù không ngoài phần lý thuyết căn bản này, nhưng nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế cuộc sống của mỗi người, tùy theo căn cơ, căn trí và tùy theo mức độ nỗ lực tinh tấn của mỗi người, mà sẽ có nhiều giải pháp khác nhau.

=> Hy vọng sẽ được gặp lại độc giả trong một quyển khác chuyên sâu về những vấn đề thực tiễn đó trong “Thiền Minh Sát”, quan trọng cho việc tu tập của tất cả Phật tử xuất gia và tại gia.

▪ Để nghiên cứu thêm về phần "Thiền Phật Giáo", chủ yếu là Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ, quý độc giả có thể đọc thêm một trong nhiều quyển của bộ sách "Thiền Phật Giáo" bao gồm những bài thuyết giảng, giảng giải và hướng dẫn thực hành về Thiền Phật giáo bởi Đức Phật và bởi các Thiền Sư đương đại lỗi lạc nhất từ trước đến nay như:

Thiền sư Mahasi, Thiền sư Bhante Guranatana, Bikkhu Bodhi, Nyanasatta, Pyanda, Khemavamsa, W. Rahula, Ajahn Chah, Ajahn Sumedha, Ajahn Lee, Sujiva, U Janakabhivamsa, Chanmyay, Somdet Phra Nanasamvara, Analayo, Nyanaponika, Upandita, Analayo, Paravahera Vjirana, ...

Mỗi thiền sư sẽ có những cách giảng giải và hướng dẫn thực hành khác nhau, rất thực dụng, từ cách cơ bản đến cao sâu, bằng những ngôn từ và diễn tả đơn giản, mộc mạc, trực diện, dễ hiểu. Mỗi quý độc giả chắc chắn sẽ tìm ra những hướng dẫn hợp lý nhất cho việc thực hành thiền tập của mình. Và chắc chắn sẽ cùng chia sẻ, thảo luận, truyền dạy với các bạn tu, các Phật tử để cùng nhau tiến bộ trên con đường đạo của quý vị.

Ở Việt Nam, độc giả có thể đọc những bài giảng về thiền tập của Hòa thượng Viên Minh (Phật Giáo Nguyên Thủy), và của Hòa thượng Thích Thanh Từ (Thiền tông) (ND).


VIII
Chú Giải


(Chú Giải 1): 

Chữ “Chanmyay Yeiktha” trong tiếng Miến Điện có nghĩa là “Khóa Tu Thiền Thanh Bình”. Trung Tâm Thiền Chanmyay Yeiktha được thành lập năm 1971 bởi Hòa Thượng Chanmyay Sayadaw Ashin Janakabhivamsa. Chức năng của nó chỉ là một trung tâm thiền, nhưng cũng có những Tăng, Ni trong nước và nước ngoài cư ngụ. Ở đây hướng dẫn thực hành cho tất cả những thiền sinh trong nước và nước ngoài thực hành Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ. Trung tâm chính nằm ở 55-A, Kaba Aye Pagoda Road, Mayangone Township, Yangon 11061, Myanmar. Những thiền sinh nước ngoài được phân vào ở trong một khuôn viên cao 4 tầng, với nơi ở và những thiền đường khác nhau, dành cho cả nam lẫn nữ. Ở đây có phục vụ cơm hàng ngày vào sáng sớm và buổi trưa, buổi chiều thì có trái cây và nước ngọt. Thức ăn Chay cũng có tùy theo yêu cầu.

Bên cạnh trung tâm thiền này ở thủ đô Yangon, còn có trung tâm chi nhánh ở Hmawbi, nằm trong một vùng nông thôn yên tĩnh, cách khoảng một giờ lái xe về phía Bắc của Yangon. Trung tâm này tọa lạc trong một khu khuôn viên rộng 17 mẫu, với nhiều cây cối xum xuê và nhiều ngôi làng nhỏ bao quanh. Trung tâm ở Hmawbi đang là một trung tâm thiền rất nổi tiếng, vì có rất nhiều tu sĩ, cư sĩ từ khắp nơi trong và ngoài nước đến đây để thực hành Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Vipassana) trong một không gian, môi trường dễ dẫn nhập bởi những vị thầy rất kinh nghiệm và đầy nhiệt tâm.


IX
Sách và Tài Liệu Tham Khảo


1. “Vipassana Meditation Guidelines” (Hướng Dẫn Thực Hành Thiền Minh Sát), tác giả Thiền sư Chanmyay Sayadaw Ashin Janakabhivamsa. Trung Tâm Thiền Học Chanmyay Yeiktha, Yangon.

2. “Guidelines for Vipassana Meditation” (Hướng Dẫn Thiền Minh Sát), Những hướng dẫn của Thiền sư Sayadaw U Janakabhivamsa. Ngài Sujiva biên tập.

3. “A Successful Retreat or How to Make Progress Whilst Retreating” (Một Thời Khóa Thiền Thành Công hay Làm Thế Nào Để Thành Công Trong Khóa Thiền), tác giả Thiền Sư Dhammarakkhita, tu viện Dhammodaya Myanmar Vihara, Nam Phi.

4. “In This Very Life. The Liberation Teachings of the Buddha” (Ngay Trong Chính Cuộc Đời Này. Những Giáo Lý Giải Thoát Của Đức Phật).

5. “Buddhist Meditation in Theory and Practice” (Thiền Phật Giáo – Lý Thuyết và Thực Hành), tác giả Đại Trưởng Lão Paravahera Vajiranana Mahathera.

Trích từ cuốn GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC do cư sĩ LÊ KIM KHA
dịch từ cuốn BUDDHISM COURSE của CHAN KHOON SAN





Nhận xét

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN

Kinh Tăng Chi Bộ - 10 kiết sử

(III) (13) Các Kiết Sử 1. - Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười? 2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử? 3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.

Kinh Tương Ưng Bộ - Tham luyến

I. Tham Luyến (Tạp 2, Ðại 2,9a) (S.iii,53) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, tham luyến là không giải thoát. Do tham luyến sắc, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 4) Hay do tham luyến thọ ... tham luyến tưởng ... tham luyến hành, này các Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh. 5) Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức", sự việc như vậy không xảy ra. 6-10) Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới... đối với t

Thiền Vipassana - Thiền Tứ Niệm Xứ (Thích Trí Siêu)

Thiền Tứ niệm xứ (Thích Trí Siêu -  1998) _______________________ Mục Lục [1] Vài lời cùng bạn đọc [2] Mở đầu  [3] Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh  [4] Tứ Niệm Xứ và Thiền Tông  [5] Thiền và Tịnh Ðộ  [6] Tứ Niệm Xứ và Bồ Tát Ðạo  [7] Phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ  [8] Kết luận [9] Phụ Lục - Kinh Quán Niệm Sách Thiền Tứ Niệm Xứ đã được tái bản nhiều lần. Riêng trong kỳ tái bản này sách được bổ túc thêm phần Phụ Lục với Kinh Niệm Xứ, dịch từ "Discourse on the Applications of Mindfulness" (Satipatthanasutta) trong "Middle Length Sayings" (Trung Bộ Kinh) của Pali Text Society, I.B. Horner, 1967.

TÌM HIỂU KINH PHẬT - TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP 3 - Chương 9 - Tương Ưng Kim Xí Ðiểu

PHẦN CHÁNH KINH KINH TƯƠNG ƯNG TẬP 3 [30] Chương IX: Tương Ưng Kim Xí Ðiểu I. Chủng Loại (S.iii,246) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh, loại Kim xí điểu từ thai sanh, loại Kim xí điểu từ ẩm ướt sanh, loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. II. Mang Ði (Tăng 19, Ðại 2, 646a) (S.iii,247) 1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi... 3) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại Kim xí điểu về sanh chủng. Thế nào là bốn? Loại Kim xí điểu từ trứng sanh... loại Kim xí điểu hóa sanh. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn loại Kim xí điểu. 4) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ trứng sanh chỉ mang đi các loại Nàga từ trứng sanh, không mang đi các loại Nàga từ thai sanh, từ ẩm ướt sanh và hóa sanh. 5) Tại đây, này các Tỷ-kheo, các loại Kim xí điểu từ thai sanh, mang đi các loại Nàga từ trứng sanh và các loại Nàga từ thai sanh, không mang đi các loại Nàga từ ẩm ướt sanh và các loại

Kinh Tương Ưng Bộ - Sức mạnh của Đàn Bà

30. VI. Họ Ðuổi Ði (S.iv,247) 1) ... 2) -- Này các Tỷ-kheo, người đàn bà có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, sức mạnh giới hạnh. 3) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc và sức mạnh tài sản, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. Và này các Tỷ-kheo, nếu người đàn bà đầy đủ sức mạnh nhan sắc, sức mạnh tài sản, sức mạnh bà con, sức mạnh con trai, nhưng không có sức mạnh giới hạnh, thời họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình. 4) Này các Tỷ-kheo, người đàn bà đầy đủ sức mạnh giới hạnh,

Kinh Tương Ưng Bộ - Vô ngã tưởng

VII. Năm Vị (Vô ngã tưởng) (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66) 1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển. 2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". -- "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 3) -- Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!" 4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"

Kinh Tăng Chi Bộ - Ác ý

(VIII) (18) Con Cá 1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Kinh Tương Ưng Bộ - Ví dụ mũi tên

6. VI. Với Mũi Tên (S.iv,207) 1-2) ...  3) -- Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 4) Này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ. 5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Ða văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?

Kinh Tương Ưng Bộ - Dục là căn bản của Khổ

XI. Bhadra (Hiền) hay Bhagandha-Hat- Thaha (S.iv,327) 1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla tại Uruvelakappa, một thị trấn của dân chúng Malla. 2) Rồi thôn trưởng Bhadraka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. 3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Bhadraka bạch Thế Tôn: -- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết cho con về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ! -- Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời quá khứ, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy đã xảy ra trong thời quá khứ"; ở đây, Ông sẽ phân vân, sẽ có nghi ngờ. Này Thôn trưởng, nếu y cứ vào thời vị lai, Ta thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ, nói rằng: "Như vậy sẽ xảy ra trong thời tương lai"; ở đây, Ông sẽ có phân vân, sẽ có nghi ngờ. Nhưng nay Ta ngồi chính ở đây, này Thôn trưởng, với Ông cũng ngồi ở đây, Ta sẽ thuyết cho Ông về sự tập khởi và sự chấm dứt của khổ. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta

Kinh Trung Bộ - 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi (Cùlahatthipadopama sutta) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Bà-la-môn Janussoni, với một cỗ xe toàn trắng do ngựa cái kéo, vào buổi sáng sớm, ra khỏi thành Savatthi. Bà-la-môn Janussoni thấy Du sĩ Pilotika từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Du sĩ Pilotika: -- Tôn giả Vacchàyana đi từ đâu về sớm như vậy? -- Tôn giả, tôi từ Sa-môn Gotama đến đây. -- Tôn giả Vacchayana nghĩ thế nào? Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt không? Tôn giả có xem Sa-môn Gotama là bậc có trí không? -- Tôn giả, tôi là ai mà có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt? Chỉ có người như Sa-môn Gotama mới có thể biết Sa-môn Gotama có trí tuệ sáng suốt.